Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

20220521. VỤ ÁN CỰU CHỦ TỊCH TP HẠ LONG PHẠM HỒNG HÀ

 ĐIỂM BÁO MẠNG


BẮT CỰU CHỦ TỊCH TP HẠ LONG VÀ CHUYỆN 'GIA SẢN'  CÁN BỘ 

SAI PHẠM

NGUYỄN ĐĂNG TẤN/VNN 17-5-2022

Vụ khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Hồng Hà, cựu Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, cựu Chủ tịch TP Hạ Long khiến nhiều người ngỡ ngàng về 'gia sản' liên quan đến ông, từ biệt thự mặt tiền đến dàn 4 xe sang bị tạm giữ.

Ông Phạm Hồng Hà bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty cổ phần quản lý đường sông số 3 và Ban Quản lý vịnh Hạ Long.

Có thể những vi phạm kỷ luật ở cấp chủ tịch huyện, thành phố thuộc tỉnh như ông thực tế có nhiều, dư luận cũng không mấy ồn ào. Nhưng với ông Phạm Hồng Hà, cựu Trưởng ban Quản lý vịnh, cựu Chủ tịch TP Hạ Long, quá trình khám xét lại thu hút sự chú ý, hiếu kỳ của đông đảo người qua đường bởi hình ảnh biệt thự hiện đại, cây cảnh tầm cỡ và dàn xe sang bị tạm giữ.

Quá trình các lực lượng chức năng khám xét, những người dân kéo đến vì hiếu kỳ càng đông, nhất là khi lực lượng chức năng phải huy động các xe kéo đến vận chuyển 4 xe ô tô hạng sang thuộc diện niêm phong, tạm giữ.


Công an niêm phong xe sau bắt giữ cựu Chủ tịch TP Hạ Long. Ảnh: Phạm Công 

Nhìn ở góc độ gia sản, từ biệt thự ông ở và dàn xe sang bị tạm thu giữ sau khi cơ quan tố tụng khởi tố, bắt tạm giam ông, những tài sản đó là niềm mơ ước của nhiều người trong cả quá trình công tác, kinh doanh, làm ăn chân chính.

Còn nếu nhìn từ góc độ cán bộ, công bộc của dân, nhiều người không khỏi xuýt xoa, sao nhiều tài sản giá trị bị niêm phong, tạm giữ đến vậy?.

Căn biệt thự nơi ông Phạm Hồng Hà ở nằm trên đường Trần Quốc Nghiễn, diện tích khoảng 400m2, đã có ý kiến về giá trị tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng, quả là tài sản lớn. Căn biệt thự này có thể chẳng kém cạnh với những biệt phủ bề thế của người này, người kia mà dư luận thời gian qua từng xôn xao.


4 ô tô từ nhà ông Phạm Hồng Hà bị cẩu đi để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: Phạm Công

Ngoài ra, những thứ người dân chứng kiến từ quá trình khám xét, đó là cơ quan chức năng đã niêm phong 4 xe ô tô để phục vụ công tác điều tra.

Chưa biết “của chìm” nhiều cỡ nào?, nhưng hình ảnh căn biệt thự xa hoa, nhiều cây cảnh loại hiếm và quý, cùng loạt ô tô hạng sang bị niêm phong, tạm giữ sau khi bắt ông Phạm Hồng Hà khiến nhiều người xuýt xoa, hoài nghi.

Trong số 4 chiếc xe này có 1 chiếc SUV nhãn hiệu Lexus LX570 có giá mua mới ở thời điểm hiện tại khoảng từ 8 - 10 tỷ đồng tùy phiên bản; 1 chiếc Lexus ES250 giá mua mới từ 2,6 tỷ đồng; 1 chiếc SUV hiệu Vinfast Lux SA2.0 giá mua mới từ 1,2 tỷ đồng; 1 chiếc Mercedes E300 giá mua mới từ gần 2,9 tỷ đồng.


Ảnh: Phạm Công

Xét về mức độ giàu sang, thành đạt, nhiều người trong xã hội sở hữu khối tài sản lớn hơn vậy, trong đó có rất nhiều doanh nhân “ăn nên làm ra” hoặc cũng có người buôn bán rồi gặp thời mà phất.

Trở lại vụ án mà ông Phạm Hồng Hà “dính” tới, liên quan đến quãng thời gian ông làm Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long. Được biết, từ 2017 - 2021, Công ty Cổ phần quản lý đường sông số 3 tham gia ký các hợp đồng quản lý, bảo trì tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; ký hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông cầu sông Chanh với Cục đường thủy nội địa Việt Nam và hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông với một số đơn vị khác.

Quá trình thực hiện các hợp đồng nêu trên, một số cá nhân là lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần quản lý đường sông 3 có hành vi hợp thức hóa hồ sơ, lập khống chứng từ nhằm nghiệm thu, quyết toán vượt quá khối lượng công việc thực tế để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Đồng thời, thông đồng với một số cán bộ Ban quản lý vịnh Hạ Long để tạo điều kiện được ký hợp đồng quản lý, bảo trì, đảm bảo điều tiết giao thông tại vịnh Hạ Long trái quy định.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, có thể CQĐT xác định những chiếc xe này là vật chứng của vụ án, có liên quan đến tội phạm nên tạm thời thu giữ để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. 

Vẫn theo ông Cường, đối với những chiếc xe sang thu giữ tại nhà cựu Chủ tịch TP Hạ Long, CQĐT sẽ tiến hành bảo quản, quản lý theo quy định của pháp luật và xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng những chiếc xe này như thế nào, có liên quan đến tội phạm hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhìn vào quá trình công tác của ông Phạm Hồng Hà, về cơ bản đều gắn với làm cán bộ, công chức, trong đó đã đảm nhận các chức vụ Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, Chủ tịch TP Hạ Long.

Nay trong một vụ án được dư luận quan tâm, sau khi cơ quan chức năng khởi tố một số nhân vật là lãnh đạo, nhân viên Ban quản lý vịnh Hạ Long về hành vi “Nhận hối lộ”; với ông Phạm Hồng Hà, là hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, chuyện đúng, sai cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ phán xét. Đặc biệt, sẽ xác định nguồn gốc số tài sản kếch xù bị niêm phong, thu giữ này.

Nguyễn Đăng Tấn

CÔNG TY ĐỨNG SAU 3 XE SANG TRONG NHÀ CỰU CHỦ TỊCH HẠ LONG

TRẦN CHUNG/ VNN 17-5-2022

Công ty TNHH Thái Hà (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) có liên quan tới dàn xe tiền tỷ trong nhà ông Phạm Hồng Hà - cựu Chủ tịch TP. Hạ Long, người mới bị bắt hôm 14/5.

Trong quá trình thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nhà riêng của ông Phạm Hồng Hà - cựu Chủ tịch TP. Hạ Long (Quảng Ninh), nhà chức trách đồng thời niêm phong 4 xe ô tô trong nhà vị cựu quan chức này. Giới sành xe đánh giá, các xe thuộc phân khúc từ phổ thông, cao cấp cho đến hạng sang có tổng trị giá gần 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thông tin bước đầu cho thấy, cựu Chủ tịch TP. Hạ Long chỉ đứng tên chính chủ chiếc xe VinFast Lux SA2.0 bản cao cấp, mang biển số 14A-562.88. Chiếc xe này có giá khoảng 1,8 tỷ đồng và thấp nhất trong dàn xe bị niêm phong.

Còn lại, chiếc Mercedes-Benz E300 AMG mang biển số 14A-256.99 đứng tên chủ sở hữu phương tiện là Công ty TNHH Thái Hà (phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long).

Chiếc Lexus ES 300H biển số 14A-388.38 do bà Lê Thị Thúy Liên (phường Hồng Hải, TP. Hạ Long) đứng tên chính chủ. 


Cơ quan chức năng thực hiện niêm phong dàn xe trong nhà cựu Chủ tịch TP.Hạ Long - Phạm Hồng Hà (ảnh: Phạm Công)


Giấy niêm phong xe có chữ ký của ông Phạm Hồng Hà (ảnh: Phạm Công)

Người đứng tên chính chủ chiếc Lexus LX 570 mang biển số 14A-233.88 là bà Nguyễn Ngọc Hà (phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long). Đây là chiếc xe có giá trị nhất trong sân nhà ông Hà với giá bán xấp xỉ 10 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo tìm hiểu, bà Nguyễn Ngọc Hà (sinh năm 1961) chính là Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Thái Hà, địa chỉ liên lạc của bà Hà là số 338 đường Trần Quốc Nghiễn, TP. Hạ Long. Điều trùng hợp đây chính là tư gia nơi ông Phạm Hồng Hà bị khám xét.

Tiếp đến, bà Lê Thị Thúy Liên cũng từng là kế toán trưởng tại Công ty TNHH Thái Hà.

Như vậy, có thể nói, cả ba chiếc xe, có giá trị ban đầu khoảng 15 tỷ đồng này, đều liên quan đến DN này và người chủ công ty ở cùng nhà với cựu quan chức TP. Hạ Long.

Công ty TNHH Thái Hà được thành lập ngày 19/5/1993, với các ngành, nghề kinh doanh đăng ký như xây dựng nhà; vận tải hành khách; cung cấp dịch vụ ăn uống, nhà hàng; bán lẻ hàng hóa; truyền tải phân phối điện; dịch vụ lưu trú ngắn ngày (chính)...

Tháng 4/2020, công ty điều chỉnh nâng vốn điều lệ từ 7,91 tỷ đồng lên 68 tỷ đồng (tăng 8,5 lần).

Ngày 14/5, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hồng Hà, cựu Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, cựu Chủ tịch UBND TP. Hạ Long.

Ông Hà bị cáo buộc về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty CP Quản lý đường sông số 3 và Ban Quản lý vịnh Hạ Long, thời điểm khi ông làm Trưởng ban.

Quá trình hành khám xét nhà riêng của ông Hà, lực lượng chức năng đã thực hiện niêm phong 4 xe ô tô để phục vụ công tác điều tra.

Trần Chung 

NGHE CHUYỆN QUẢNG NINH

MẠC VĂN TRANG/ TD 18-5-2022


Ra chơi TP Hạ Long, đi qua Bãi Cháy, Hồng Gai, Uông Bí, Vân Đồn… thấy Quảng Ninh phát triển ghê quá: Những con đường rộng thênh thang, những cây cầu, sân bay hiện đại, những bãi biển mới, những khu phố mới với nhiều ngôi nhà kiểu cách cổ lẫn kim, tầng lớp khá giả ăn chơi sành điệu…
Ngồi tâm tình với một quan chức hưu trí ở đây, ông hay đọc Facbook của mình, nên thân tình, mới biết nhiều chuyện. Mình nói thật lòng:
- Mỗi lần ra Hạ Long tôi lại thấy mới lạ hơn, rất vui mừng. Công nhận Quảng Ninh phát triển nhanh thật đấy.
- Bác bảo điều kiện thuận lợi như thế này không phát triển được thì còn làm gì?
Thứ nhất, cứ đào than nên mà bán thôi; đào càng nhanh, bán càng nhiều, càng lắm tiền, vào nhà nước một phần, vào túi các quan phần khá lớn. Nhiệm kỳ trước ra sức đào, nhiệm kỳ sau càng đào quyết liệt hơn. Họ ủi hàng núi đất đá để khai thác than lộ thiên cho nhanh, cho nhiều, kệ cha hậu quả, kệ bố thằng sau. Bác có nhìn thấy những giếng than sâu thăm thẳm và những đất đá ủi chất cao như núi đó không? Sợ quá!
Thứ hai là, vận dụng lời cụ Hồ: “Đào núi và lấp biển, tiền lắm ắt càng hăng”! Bác thấy đấy, mấy hòn đảo trước kia ở ngoài biển, nay thành núi non bộ trên cạn rồi. Đào núi san nền là có đất, có tiền; lấp biển là thêm mặt bằng, thêm tiền. Ở đây không cần cướp đất của cá nhân, nên ít dân oan kiện cáo; mà cướp đất núi, cướp mặt biển “thuộc sở hữu toàn dân” do chính quyền quản lý thì còn sợ gì! Tất nhiên cũng có “phê duyệt quy hoạch”, nhưng xin lấp lấn ra biển 500m mà nó ra 2.000m rồi phù phép cũng xong tất.
- Đúng vậy, hồi 1980 mình nghỉ ở Nhà nghỉ Công đoàn, Bãi Cháy, chỉ đi mấy chục mét, qua con đường là ra bãi biển, nay chắc phải đi 2km mới đến biển!
- Chỗ nào lấn được là nó cũng lấn. Cái quán ta đang ngồi đây, trước là biển đấy. Cả vùng quanh đây trước là biển hết. Hồi mới lấp biển, đất nền ở đây chỉ hơn 10 triệu 1m2, nay hơn 200 triệu 1m2 rồi. “Cạp đất mà ăn” mới giàu nhanh được chứ!
Ba là, Quảng Ninh có hàng chục cửa khẩu thông quan với Trung quốc, chính ngạch, tiểu ngạch, buôn lậu đủ các kiểu, cửa ngõ thông thương như vậy sao không giàu. Anh em Hải quan có truyền nhau phương châm “Ba lợi ích”, ăn chia từ dưới lên trên…
- “Ba lợi ích” là thế nào?
- Ví dụ đơn giản, chẳng hạn bắt được mẻ hàng lậu, đáng phạt nó 300 triệu thì phạt 200, nộp nhà nước 100, anh em chia nhau 100. Thế là chia đều “ba lợi ích”. Dân bảo, thế là “triệt để” nhưng mà nhân văn, “triệt” nhưng vẫn “để” thì dân mới sống được; dân sống thì mới nuôi cán bộ được. Chứ mà “triệt” hết như thời bao cấp thì đói nhăn răng cả lũ!
Bốn là, thu nhập từ du lịch. Vịnh Hạ Long là kỳ quan của thế giới, khách nào đến Việt Nam cũng ao ước đến du thuyền, ngắm nghìn đảo giữa biển khơi như cảnh thần tiên. Du lịch, chính quyền chưa quan tâm, làm chưa tốt lắm nên nhiều khách đến một lần rồi không muốn đến nữa. Vướng Covid-19 đấy, chứ lượng khách bên kia biên giới đông lắm mà dễ tính. Chỉ bực mình là nó tuyên truyền, giáo dục cho dân nó: Đây là đất thuộc về Trung Quốc, nên nhiều đứa sang nghênh ngang, rất láo, dân ta khó chịu lắm.
- Cũng tại mình không dám “phản tuyên truyền” đó. Có lần mình vào xem Bảo tàng Quảng Ninh - một Bảo tàng xây dựng khá hiện đại - trong đó trưng bày đủ hết tội ác khai thác than, đàn áp biểu tình, chiến tranh của thực dân Pháp; tội ác của Phát xít Nhật gây ra nạn đói 1945; tội ác đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại, ném bom miền Bắc. Nhưng không hề thấy một tội ác nào của Trung Cộng xâm lược năm 1979 tàn phá đất nước ta, giết hại dân ta dọc các tỉnh biên giới, mà Quảng Ninh cũng là tỉnh bị đánh phá tàn khốc.
Tôi hỏi mấy cô nhân viên Bảo tàng, tại sao không có trưng bày tội ác của Trung Cộng gây ra chiến tranh biên giới năm 1979? Mấy cô ấp úng, cô thì bảo, nó nhạy cảm vì rất đông khách Trung Quốc vào xem. Tôi hỏi, thế người Pháp, người Nhật, người Mỹ cũng xem bảo tàng, không sợ “nhạy cảm” à? Cô khác đành bảo, trên chỉ đạo, chúng cháu chỉ chấp hành thôi ạ. Ừ, nhưng các cô nói với “trên” là người dân thắc mắc thế đó.
- Bác bảo, làm du lịch phải công phu, bền bỉ, học hỏi các mô hình tiến bộ rồi rèn cho dân ta có ý thức, biết làm du lịch một cách có văn hoá, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân thì mới phát triển bền vững được. Những việc đó mất công lắm mà quan chức ít thu lợi nhanh, nên họ tập trung vào cái gì chộp giựt ngay, nhanh, nhiều trong nhiệm kỳ của mình là chủ yếu.
- Nhưng tôi thấy Quảng Ninh xây dựng cầu, đường khá nhanh và hiện đại. Đi từ Hà Nội ra Quảng Ninh, cầu, đường rất đẹp, chạy xe ô tô có chừng 4 tiếng.
- Đó là thực tế, ai cũng thấy và vui mừng. Nhưng bác phải biết, càng xây cầu to, đường lớn thì quan chức càng kiếm được nhiều tiền, nên họ hăng hái, tích cực làm quên mình luôn. Nếu không tham nhũng thì ít ra xây dựng được gấp đôi như hiện nay. Nhưng khi thắt chặt kiểm tra và bỏ tù kẻ tham nhũng thì họ chả muốn làm gì. Bác thấy đấy, bây giờ Chính phủ rồi Quốc hội thúc giục các tỉnh giải ngân mà họ có muốn làm đâu, anh nào cũng sợ thành “củi” cho “lò” bác Trọng!
Cảm ơn anh bạn, quen biết trên “phây” mà như thân thuộc, tin cậy nhau từ lâu. Nghe chuyện mới “sáng ra” nhiều điều. Đúng là hỏi người “trong chăn” mới biết “các loại rận” cỡ nào.
***
Đang viết đến đây thì nghe tin ông Phạm Hồng Hà - cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) vừa bị bắt, điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bài trên báo nhà nước VTC News “Nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long vừa bị bắt giàu cỡ nào?” cho biết:
Ngoài 4 chiếc xe sang bị niêm phong, “bên cạnh đó, theo nguồn tin từ một chủ doanh nghiệp từng nhiều lần tới nhà nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long, khu đất ông Hà ở có vị trí đẹp, nằm trên đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, giá đất thời điểm hiện tại dao động 300 - 350 triệu đồng/m2; diện tích dao động từ 315 - 400m2.
"Chỉ tính riêng đất, thời điểm này có thể lên tới 100 tỷ đồng. Giờ ở đó không có đất mà mua vì không ai muốn bán. Ngôi nhà đó không dưới 70 tỷ khi hoàn thiện, được xây dựng kiểu biệt thự, sử dụng nhiều hệ thống tự động", chủ doanh nghiệp này nói. Ngoài ra, căn nhà ông Hà ở gồm 4 tầng, nội thất được bày biện bằng những đồ sang trọng, đắt giá. Loạt cây cảnh cũng thuộc dạng hiếm.”
***
Từ ông Hà suy ra tầng lớp quan chức giàu cỡ nào; họ không chỉ cướp để giàu mà còn tàn phá các nguồn lực của đất nước, đặc biệt là huỷ hoại đời sống đạo đức, văn hoá, tinh thần xã hội, kỷ cương phép nước.

Tiềm năng đất nước lớn như vậy, mà ăn tàn phá hại, mới ti toe được một chút đã dương dương tự đắc! Thảo nào chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan gọi Việt Nam là đất nước “không chịu phát triển”!

CÒN ĐẢNG CÒN ... GIÀU
TRÂN VĂN/VOA/TD 20-5-2022


TAI SAO PHÒNG – CHỐNG THAM NHŨNG “KHÔNG CÓ VÙNG CẤM, KHÔNG CÓ NGOẠI LỆ” MÀ LẠI TỪ CHỐI XEM VIỆC VIÊN CHỨC KHÔNG THỂ GIẢI TRÌNH HỢP LÝ VỀ NGUỒN GỐC TÀI SẢN LÀ PHẠM TỘI “LÀM GIÀU BẤT CHÍNH” KHI SỬA LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015.
Các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đang thi nhau phơi bày sự giàu có của ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch thành phố Hạ Long, kiêm Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long từ tháng 6 năm 2014 đến tháng 7 năm 2020.
Ông Hà bị tạm giam hôm 14/5/2022 vì liên quan đến vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Quản lý đường sông số 3 và Ban quản lý vịnh Hạ Long (1).
Trước mắt, từ kết quả khám xét tư gia để thực hiện lệnh tạm giam ông Hà, một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam ước đoán, chỉ tính riêng giá trị mảnh đất mà ông Hà sử dụng để xây biệt thự bốn tầng đã lên tới 150 tỉ đồng. Còn chỉ tính riêng xe hơi mà gia đình ông Hà sử dụng thì một Mercedes, một Vinfast Lux SA, hai Lexus đã xấp xỉ 20 tỉ đồng (2). Không có đảng, cựu chủ tịch một đơn vị hành chánh cấp huyện không thể nào thủ đắc khối tài sản mà tổng giá trị chắc chắn còn lớn hơn như vậy nhiều lần!
Muốn có khối tài sản chỉ tạm tính đã khoảng vài trăm tỉ ấy, ông Hà phải mất nhiều năm và trẻ con cũng biết khối tài sản đó từ đâu mà ra, tuy nhiên, giống như nhiều đồng chí khác, ông Hà không ngần ngại phô bày sự... “tháo vát” của chính ông.
Muốn biết “chỉnh đốn đảng” hiệu quả thế nào, thực chất và triển vọng của... công cuộc phòng – chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” ra sao cứ nhìn vào tư gia, vật dụng, phục sức, sinh hoạt từ cá nhân đến gia đình của các viên chức đã cũng như đang phục vụ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền. Ông Hà chỉ là ví dụ mới nhất. Đến bây giờ ông Hà mới bị tống giam để điều tra về một sai phạm xảy ra cách nay vài năm chắc chắn không phải vì... nghiêm minh!
***
Nhân chuyện ông Hà, có lẽ cử tri Việt Nam nên chất vấn những cá nhân vừa là thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng, vừa sắm vai đại biểu cho dân chúng khu vực nào đó trong Quốc hội Việt Nam, rằng tại sao phòng – chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” nhưng lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn cương quyết không đáp ứng đề nghị của nhiều người thuộc nhiều giới, trong nhiều năm vừa qua: Công bố các tờ khai tài sản?
Từ chối công bố tờ khai tài sản của những viên chức trong diện buộc phải kê khai tài sản có khác gì sợ dân chúng thực thi quyền giám sát và khiếu nại, tố cáo, sợ các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng như thân nhân của họ không... vui, không... hãnh diện bởi không còn cơ hội... khoe sang, khoe giàu, khoe sự sành điệu trong chuyện hưởng lạc thú cuộc đời nhờ biết cách... vươn lên trong việc theo đảng dẫn dắt quốc gia, dân tộc xây dựng CNXH, xây dựng “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”?
Tai sao phòng – chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” mà lại từ chối xem việc viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản là phạm tội “làm giàu bất chính” khi sửa Luật Hình sự năm 2015 (3). Đến năm 2018 lại tiếp tục từ chối các đề nghị: Hoặc hình sự hóa hành vi ‘làm giàu bất chính’. Hoặc giao cho Tòa án quyết định, hoặc tịch thu sung công, hoặc định giá rồi buộc nộp thuế theo tỉ lệ 45% tính trên tổng giá trị,… khi sửa Luật Phòng, chống tham nhũng (4)?
***
Không thể đếm xuể số lần ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí đồng đảng với ông thề thốt, hứa hẹn sẽ kiên quyết phòng – chống tham nhũng, tiêu cực ở tất cả các cấp. Cũng không thể đếm xuể số lần ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí đồng đảng với ông than thở rằng công cuộc phòng – chống tham nhũng, tiêu cực ở tất cả các cấp “vừa... khó khăn, vừa... phức tạp”. Thời nào cũng thế và ở đâu cũng vậy, phòng – chống tham nhũng, tiêu cực chưa bao giờ là công việc đơn giản.
Tuy nhiên ở Việt Nam, thay vì học thiên hạ, trước nay, ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí đồng đảng với ông chỉ... thề rồi... than. Làm sao “phòng – chống tham nhũng, tiêu cực” có thể hữu hiệu khi thẳng tay gạt bỏ toàn bộ các biện pháp răn đe lúc sửa Luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng, khăng khăng từ chối việc công bố các tờ khai tài sản cho dân chúng xem xét, đối chiếu với lý do “rất nhạy cảm” (5) để áp dụng những... “sáng kiến” kiểu như Nghị định 130/2020/NĐ.CP (tháng 10/2020): Hướng dẫn kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị bằng cách tổ chức… bốc thăm, lựa chọn ngẫu nhiên xem ai thuộc trường hợp phải xác minh – kiểm tra mức độ chính xác, trung thực khi kê khai tài sản, thu nhập.
Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thiếu sự tôn trọng yếu tố “rất nhạy cảm” liên quan đến... “quyền đời tư và bí mật cá nhân” đó, sẽ còn bao nhiêu người trung thành với sự nghiệp xây dựng CNXH tại Việt Nam như ông Phạm Hồng Hà?
Chú thích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét