Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

20220512. CĂNG THẲNG NGA-UKRAINA (23)

ĐIỂM BÁO MẠNG


UKRAINE KHÓA ĐƯỜNG ỐNG KHÍ ĐỐT TỪ NGA SANG CHÂU ÂU

TUẤN ANH/ VNN 11-5-2022

Công ty Dịch vụ vận chuyển khí đốt Ukraine (OGTSU) đã khóa van đường ống trung chuyển khí đốt thứ 3 từ Nga sang châu Âu vì "tình hình bất khả kháng".

Trong thông báo ngày 10/5, OGTSU cho biết họ không thể tiếp tục vận chuyển khí đốt qua một điểm kết nối và trạm nén nằm trong khu vực Lugansk, miền đông Ukraine, nơi đang xảy ra giao tranh dữ dội với các lực lượng Nga. Cụ thể, vì các nhân viên “không thể thực hiện việc kiểm soát vận hành và công nghệ” đối với điểm kết nối Sokhranovka và trạm nén Novopskov, nên không thể tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký với tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom.

Một trạm nén khí đốt của tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom. Ảnh: Reuters

OGTSU cho hay, khí đốt Nga từ tuyến kết nối trên bắt đầu không được chấp nhận vào hệ thống trung chuyển của Ukraine từ 7h sáng 11/5. Công ty dự kiến sẽ ngăn chặn thêm các hoạt động trung chuyển nhiên liệu nữa với lí do quân Nga đang kiểm soát lãnh thổ của Ukraine.

Theo các nhà khai thác, Sokhrankovka chiếm gần 1/3 lượng khí đốt của Nga vận chuyển qua Ukraine đến châu Âu, lên tới 32,6 triệu m3 mỗi ngày. 

Đài RT dẫn lời phát ngôn viên Gazprom Sergey Kupriyanov cho biết, tập đoàn này chưa nhận được báo cáo xác nhận về trường hợp bất khả kháng hoặc gián đoạn hoạt động tại Sokhranovka hoặc Novopskov hôm 10/5. Ông Kupriyanov nói thêm, các chuyên gia Ukraine đã có toàn quyền tiếp cận cả hai cơ sở và trước đây không có bất kỳ phàn nàn nào về điều này.

Mặc dù OGTSU đã đề xuất tái điều chỉnh đường dẫn khí đốt đến Sudzha, một điểm kết nối nằm trong vùng Sumy và do chính phủ Ukraine kiểm soát, nhưng ông Kupriyanov quả quyết điều này là “bất khả thi về mặt công nghệ”.

“Việc phân phối khối lượng khí đốt đã được nêu rõ ràng trong thỏa thuận hợp tác ngày 30/12/2019 và phía Ukraine cũng nhận thức được điều này", ông Kupriyanov lưu ý. Người phát ngôn nhấn mạnh, Gazprom đang hoàn thành tất cả các nghĩa vụ của mình đối với các khách hàng châu Âu, trong đó tất cả các dịch vụ vận chuyển phù hợp với các điều khoản của hợp đồng và được thanh toán đầy đủ. 

Phía Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu, bao gồm cả quá cảnh qua Ukraine, bất kể chiến dịch tấn công quân sự của Moscow đang diễn ra và các lệnh cấm vận chống Nga do Mỹ và các đồng minh thuộc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt.

Tuấn Anh

NƯỚC NGA SUY VONG, XU THẾ KHÓ CƯỠNG

ĐỖ NGÀ/ TD 10-5-2022

Xuất khẩu năng lượng của Nga chiếm đến 47,29% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, xuất dầu thô là 22,5%, xuất dầu thành phẩm là 14,5%, và xuất than 4,4%, còn lại giá trị khí đốt chỉ là 5,98% mà thôi. Hiện nay các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga hầu như đều bị chặn đứng, phần còn lại là năng lượng. Các mặt hàng năng lượng như dầu thô, dầu thành phẩm và than, chậm nhất là cuối năm 2022 là bị chặn hoàn toàn. Khí đốt thì phải đến 2024 nước Đức mới tìm nguồn thay thế cho nguồn khí đốt đến từ Nga.
Như vậy, dù cho EU có để kẽ hở cho Nga xuất khí đốt thì khoản tiền mà nước Nga thu về là không đáng kể. Tình hình kinh tế Nga vào cuối năm nay hứa hẹn sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với hiện tại. Đây là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Nga.
Ảnh minh họa. Nguồn: Christina Animashaun/ Vox
Khi Mỹ cắt các ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT thì nền kinh tế Nga bị khó khăn ngay lập tức, đồng ruble giảm giá ngay sau đó. Tuy nhiên, sau đó Nga lấy lại sức mạnh cho đồng ruble nhờ áp dụng những biện pháp kịp thời. Ngoài những giải pháp hợp lý thì của chính quyền Nga thì việc Mỹ và EU chừa lại kẽ hở để Ngân hàng Trung ương và Chính phủ Nga có dư địa để xử lý khủng hoảng. EU vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng Nga nên không thể cấm vận hoàn toàn mà chỉ cấm vận được một phần. Muốn cấm vận hoàn toàn phải có lộ trình.
Từ nay đến cuối năm 2022 thì nguồn thu nhờ xuất khẩu năng lượng Nga giảm bị chặn gần hết, chỉ còn lại nguồn khí đốt. Được biết, nguồn khí đốt Nga chỉ chiếm 12,5% tổng thu xuất khẩu năng lượng nên đến cuối năm khe hở mà lệnh cấm vận tạo ra không còn rộng như hiện tại. Khi đó Nga thực hiện chính sách tiền tệ để ổn định đồng ruble lại càng khó khăn hơn nữa.
Trong các thị trường mà Nga xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với 14,9% tổng kim ngạch. Như vậy đến cuối năm, Nga sẽ chỉ cậy vào thị trường Trung Quốc mà thôi. Chính quyền Bắc Kinh vẫn giang tay chào đón, tuy nhiên, những ông lớn công nghệ Trung Quốc đang dần tháo chạy khỏi thị trường Nga. Nguyên nhân là họ lo sợ Mỹ sẽ trừng phạt giống như Trump đã trừng phạt Huawei trước đây. Lúc đó Huawei mới vừa vượt Samsung về doanh số điện thoại, lập tức bị tụt lại phía sau đối thủ Hàn Quốc sau lệnh trừng phạt. Thị trường Nga rất nhỏ bé so với thị trường Mỹ, vậy nên các ông lớn công nghệ Trung Quốc không dại gì chọn Nga bỏ Mỹ. Tương tự như vậy, những nhà nhập khẩu hàng Nga nào mà có làm ăn với Mỹ, cũng sẽ giảm dần việc làm ăn với Nga.
Như vậy, dù cho chính quyền Trung Quốc không cấm các doanh nghiệp của họ làm ăn với Nga, nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng tự co vòi để đảm bảo an toàn. Khi lệnh cấm vận thít chặt, dù có muốn dựa Trung Quốc để tồn tại, thì khả năng của Trung Quốc cũng chỉ có giới hạn. Lệnh cấm vận ảnh hưởng đến nước Nga từ mọi hướng. Nước Nga giờ đang vùng vẫy trong khuôn khổ rất hẹp, mà cái khuôn đó là ngày càng teo lại, nền kinh tế Nga chẳng có gì sáng sủa.
Lộ trình cấm vận Nga được EU lên kế hoạch thực hiện trong một khoảng thời gian dài. Cụ thể là Đức, phải cần đến 2 năm sau mới cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt Nga. Điều này có nghĩa là, khi Nga rút quân khỏi Ucraina chưa chắc gì Mỹ và EU dỡ bỏ lệnh cấm vận. Nguyên nhân? Nguyên nhân là, dù Nga rút quân thì tính hung hăng vẫn còn. Nên nhân cơ hội này tròng vào cổ nước Nga cái thòng lọng kinh tế để hạn chế sự điên cuồng của nó.
Hiện nay Phần Lan và Thụy Điển đang có kế hoạch gia nhập NATO, nếu không dùng chính sách cấm vận làm cho Nga thấm đòn thì các nước thành viên mới của NATO chưa chắc gì yên thân. Putin tưởng rằng sẽ lấn tới đe dọa NATO nhưng ngược lại, NATO tương kế tựu kế, chớp thời cơ lấn sang hướng Đông, và tròng cái thòng lọng kinh tế vào cổ Nga Ngố của Putin.
Nước Nga đang suy vong. Từ cường quốc lớn, Nga đang lùn dần và khi kết thúc triều đại Putin, Nga sẽ không còn tư cách để để đứng thành một cực ở Âu châu nữa. Không có một điểm sáng nào cho thấy nước Nga có thể duy trì vị thế cường quốc của nó nữa.
________
Tham khảo:

SỰ THẬT LÀ SỰ THẬT, LỊCH SỬ LÀ LỊCH SỬ, KHÔNG THỂ CHỐI CÃI NỔI

PHAN CHÂU THÀNH/TD 10-5-2022


Một trong những lý do rất buồn cười của nhiều người là: "Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít, phải mang ơn họ", hoặc là các bạn hoàn toàn không tìm hiểu lịch sử, hoặc cố tình không hiểu, nhưng:
1. Nếu không có hiệp ước bí mật của Liên Xô ký cùng với Đức Quốc xã chia đôi châu Âu, thì có thể sẽ không có thế chiến thứ 2 xảy ra. Hiệp ước Molotov - Ribbentrop được ký kết dưới sự làm chứng của Stalin tại Moscow ngày 23-08-1939, là cú bắt tay liên minh lịch sử giữa Stalin và Hittler. Một tuần sau đó, Đức tấn công Ba Lan, mở màn cho chiến tranh thế giới thứ 2.
Thế nên, "Liên Xô chống phát xít" á? Không hề.
2. Ngày 17-09-1939, Liên Xô, khi đó đang có hiệp ước không xâm phạm với Ba Lan, đã bất ngờ tấn công Ba Lan từ phía đông, trong khi toàn bộ quân Ba Lan đang tập trung ở phía tây để chiến đấu với Đức. Bất ngờ tới mức nhiều đơn vị Ba Lan ở biên giới còn tưởng Liên Xô mang quân sang giúp nên hoàn toàn không chống cự. 11 ngày sau, bị đánh từ 2 phía, Ba Lan thất thủ. 22.000 sỹ quan Ba Lan bị Stalin bắt làm tù binh, rồi đem giết ở rừng Katyn, chủ yếu là chôn sống.
Thế nên "Liên Xô hy sinh xương máu chống phát xít" á? Không hề.
3. Sau khi ăn chia không đàng hoàng, nhất là yêu cầu đòi Nhật Bản, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ là những đồng minh của Đức, phải nhường quyền lợi cho Liên Xô, cơm không lành, canh không ngọt, Đức quốc xã và Liên Xô đánh nhau, Liên Xô mới hiệp ước cùng Anh, Mỹ, và đã nhận rất nhiều viện trợ từ 2 nước này, bao gồm:
- 5 triệu tấn lương thực.
- 19.000 máy bay
- 20.000 xe tăng
- 50.000 xe ô tô con.
- 200.000 xe tải.
- 1.000 xe máy
Sau chiến tranh, Liên Xô tiếp tục trở mặt, tự định giá số viện trợ này chỉ trị giá 722 triệu USD nhưng cũng phải mãi tới năm 2006, hơn 60 năm sau, mới trả hết. Trên thực tế, số viện trợ này là hàng chục tỷ USD.
Liên Xô "tự lực chống phát xít" á? Không hề.
4. Dưới thời Liên Xô mà Stalin trị vì, khoảng 20 triệu người đã chết trong các trại tập trung lao động và nhà tù (theo nghiên cứu của chuyên gia viết tiểu sử Stalin Simon Sebag Montefiore, cựu thành viên Bộ Chính trị Alexander Nikolaevich Yakovlev và Jonathan Brent của Đại học Yale). Stalin cũng là người khởi xướng cho các cuộc "khủng bố đỏ", qua đó hành hình hàng chục ngàn người không cần xét xử, đơn giản buộc tội họ là "con tin của tư sản", rồi "kẻ thù của nhân dân" và bắn bỏ.
Liên Xô "chống khủng bố, nhân từ, giúp đỡ dân tộc khác" á? Không hề.
Tất cả các nguồn lịch sử mình đăng đa phần được trích ra từ Wikipedia tiếng Việt, do các nhà quản lý Việt Nam biên soạn và công nhận, chứ không phải nguồn lịch sử phương Tây, tức là ít nhiều cũng đã được "sửa đổi, viết tốt" lên.
Nhưng sự thật là sự thật, lịch sử là lịch sử, không thể chối cãi nổi.

Giờ còn ai phân vân về việc "phải mang ơn Liên Xô" nữa hay không?

HỎI ĐÁP XUNG QUANH CUỘC CHIẾN TRANH NGA-UKRAINA
ĐÀO TIẾN THI/TD 8-5-2022

Xung quanh cuộc chiến tranh Nga – Ukraina tôi thấy có quá nhiều ý kiến lầm lạc của người Việt Nam. Ngoại trừ số cố tình xuyên tạc, bóp méo vì động cơ nào đó, thì có một số khác, quả thực, thiếu hụt kiến thức nền lẫn những thông tin cần thiết. Vì vậy, chúng tôi muốn giúp độc giả nói chung, biết thêm sự thật, qua hình thức một số câu hỏi và trả lời.
Tuy nhiên, trong phạm vi hỏi và trả lời như vậy, thật khó mà nói cho đầy đủ. Hãy coi các câu trả lời này như những gợi ý để quý vị tìm hiểu tiếp. Mặt khác, rất có thể chúng tôi sai sót, quý vị nào biết, xin hãy bổ sung, góp ý để chúng tôi sửa chữa, đính chính kịp thời.
Câu hỏi 1: Nga và Ukraina có quan hệ với nhau như thế nào?
Đáp: Nga là nước có lãnh thổ nằm ở cả hai châu lục – Âu và Á. Phần châu Âu nhỏ hơn nhưng là trung tâm văn minh của nước Nga, cho nên Nga có quan hệ với châu Âu nhiều hơn hẳn châu Á. Phần châu Âu của Nga tiếp giáp với các nước Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva, Belarus, Ukraina. Ngoại trừ Phần Lan, năm nước còn lại đều từng nằm trong Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết (Liên Xô) trong thời gian tồn tại của nhà nước này. Trong năm nước láng giềng trên của Nga, Ukraina là nước lớn nhất, còn nếu đặt trong cả 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô thời đó thì Ukraina là nước lớn thứ hai, chỉ sau Nga (Kazakhstan tuy có diện tích lớn hơn Ukraina nhưng dân số ít hơn và vai trò trong Liên bang thấp hơn).
Tháng 7/1990 khi Ukraina "rục rịch" ngỏ ý muốn ra khỏi Liên Xô thì số phận của Liên Xô cũng coi như sắp được định đoạt, vì vai trò thứ hai của Ukraina như đã nói.
Tại hội nghị Brest (Belarus) ngày 8/12, tiếp sau là hội nghị Alma Ata (Kazakhstan) ngày 21/12/1990, lãnh đạo ba nước Belarus, Nga và Ukraina chính thức tuyên bố giải tán Liên Xô mà không cần đến ý kiến của 12 nước còn lại. Điều này càng chứng tỏ vai trò của Ukraina trong Liên Xô.
Ukraina có đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu, vựa lúa mì, nguồn cung cấp lương thực chính cho cả Liên Xô trước đây. Thời chiến tranh, miền Bắc Việt Nam ta đói triền miên, phải nhận nhiều viện trợ lương thực của Liên Xô và các nước XHCN, chắc hẳn trong số bột mì mà những người tuổi 50 trở lên hiện nay đã từng ăn để sổng qua những năm đói khát đó, chủ yếu do nhân dân Ukraina chia sẻ.
Đáng tiếc, nhiều người cho đến nay vẫn đồng nhất Nga với Liên Xô, đồng thời lại tưởng Ukraina nằm ngoài Liên Xô. Sai lầm thứ nhất có thể tha thứ ít nhiều nhưng sai lầm thứ hai thì không thể, càng không thể chấp nhận khi có người còn coi Ukraina là một nước lạc hậu, tương tự Afganistan và TT. Zelensky như kẻ khủng bố và kỳ thị dân tộc.
Câu hỏi 2: Trong lịch sử, Nga và Ukraina từng có quan hệ với nhau như thế nào?
Đáp: Đây là hai nước láng giềng có nhiều tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, đều có chung một gốc. Đại để như sau:
Khoảng thế kỷ V, VI, người Slav sinh sống khắp vùng Đông Âu, Trung Âu và Nam Âu và sau này trở thành thủy tổ của nhiều dân tộc (Nga, Ukraina, Ba Lan, Séc, Bungaria,…) Đến thế kỷ IX, khu vực Ukraina ngày nay là trung tâm của người Slav, tại đây quốc gia Kiev được thiết lập, đời sau thường gọi là nước Nga Kiev hay nước Nga cổ.
Đến thế kỷ XII, nước Nga Kiev tan rã thành các công quốc nhỏ và sau đó đều bị người Mông Cổ thống trị. Thế kỷ XIV, vùng đất Ukraina ngày nay rơi vào tay Ba Lan và Litva.
Đầu thế kỷ XV, phần đất phía đông bắc Ukraina, công quốc Moskva lớn mạnh dần, rồi họ đánh đuổi được quân Mông Cổ (1480) và thành lập nhà nước Nga Moskva. Nước Nga Moskva ngày càng lớn mạnh, đến đầu thế kỷ XVII, thôn tính miền tây Sibir, nhiều nước ở Trung Á, Ukraina. Trong các thế kỷ XVIII, XIX, Nga trở trở thành một đế quốc lớn. Ukraina khi thuộc Nga, khi thuộc Ba Lan hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhìn chung là thuộc địa hoặc lệ thuộc Nga.
Năm 1917 nổ ra Cách mạng tháng Mười ở Nga, sự kiện này cũng chấn động sang Ukraina. Trong hy vọng giải phóng khỏi áp bức giai cấp lẫn áp bức dân tộc, người dân Ukraina đã chào đón Cách mạng tháng Mười. Năm 1921, bị Ba Lan tấn công, Nga giúp Ukraina đánh bật Ba Lan ra khỏi lãnh thổ và năm 1922 Ukraina gia nhập Liên Xô.
Nói về Nga, suốt mấy thế kỷ, là đế quốc lớn nhưng kinh tế, khoa học, kỹ nghệ của Nga vẫn chậm phát triển, lạc hậu hơn nhiều so với Tây Âu cùng thời kỳ. "Lịch sử đế chế Nga là một chuỗi các cuộc chinh phục quân sự liên miên đan xen với những cải cách nội bộ" (nhận định của tác giả "252 quốc gia và vùng lãnh thổ, NXB Thế giới, 2005). Các cuộc "cải cách nội bộ" đó do những Sa hoàng có tài tiến hành, như Pier Đại đế (trị vì 1682 –1725), Nữ hoàng Ekateril II ((1762 –1796), Alesandr I ((1801–1825) nhưng cũng chỉ giúp Nga chấn hưng một thời gian và chủ yếu làm cho Nga lớn mạnh về mặt quân sự. Đế quốc Nga mấy trăm năm là "nhà tù của các dân tộc". Thời cận, hiện đại, nước Nga luôn bế tắc, chỉ chạm đến lằn ranh cải cách theo mô hình phương Tây, để rồi sau đó tư tưởng bảo thủ muốn duy trì chế độ độc tài vẫn thắng thế.
Câu hỏi 3: Có người nói, Ukraina là nước láng giềng vốn có nhiều quan hệ với Nga, văn hóa tương đồng với Nga, thế mà gần đây lại xích gần với phương Tây, thật đáng bị Nga "chinh phạt", nói như thế, đúng hay sai?
Trả lời: Mở đầu Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".
Như vậy, việc chơi với nước nào là quyền của dân tộc Ukraina, đó là chân lý hiển nhiên và bất khả xâm phạm. Hãy nghĩ đến việc một gã hàng xóm của bạn bỗng nhiên tức tối, hằn học chỉ vì bạn chơi với ai đó mà hắn không ưa. Hắn cấm bạn chơi với người kia, bạn không nghe, thế là hắn lao vào đánh bạn bằng những đòn tàn bạo nhất. Như thế bạn có có chịu nổi không?
Mặt khác, một Ukraina tương đồng về văn hóa, vốn có nhiều quan hệ với Nga trong lịch sử, đặc biệt mới cách đây chưa lâu, còn là một nước anh em cùng nằm trong Liên bang Xô viết, thế mà nay họ muốn tránh xa Nga, xích lại với phương Tây, thì Nga phải xem lại mình, "mình thế nào người ta mới thế chứ"?
Câu hỏi 4: Tại sao Ukraina không chịu thân Nga mà lại thân phương Tây?
Đáp: Từ sau Thế chiến II, thuật ngữ "phương Tây" được sử dụng với nghĩa rộng bao gồm toàn bộ thế giới tư bản (thế giới theo chính thể dân chủ) trong thế đối lập với thế giới XHCN và một số nước, theo thói quen, không được coi là phương Tây, như Nga, Nhật Bản. Ấn Độ.
Không hiểu sao nhiều người khi luận bàn chuyện chính trị, hễ cứ nói đến phương Tây thì họ mặc định ngay đó là một thế giới xấu xa, thế giới thuộc về kẻ thù, trong khi tất cả các mặt khác họ đều hướng về trời Tây: muốn làm ăn với Tây, muốn được Tây tài trợ của cho một dự án giáo dục, khoa học, văn hóa,... Thậm chí trước một hành động ngang ngược của Tàu với Việt Nam, họ chỉ muốn Tây trừng phạt Tàu thay cho mình. Những chuyện thiết thân với quyền lợi cá nhân, sự hướng Tây càng mãnh liệt hơn: mua sắm đồ Tây, mua nhà bên Tây, tiền gửi ngân hàng bên Tây, cho con đi du học Tây với ý định "một đi không trở lại", có khi còn lo "lót ổ" cho cả gia đình nữa!
Những điều trên không chỉ diễn ra ở thời mở cửa với phương Tây mà diễn ra ngay từ hồi còn sự đối lập giữa hai phe. Cái thời các trí thức Việt Nam được một suất đi Liên Xô hay các nước Đông Âu (nghiên cứu sinh, hội thảo, tham quan, dự một khóa tập huấn,...) đã là dịp tràn may hiếm có, được họ gọi là đi "cứu nước cứu nhà", nhưng sẽ sung sướng hơn nhiều, nếu đi một nước phương Tây. Lúc ấy có câu "Một tháng đi Pháp bằng cả một giáp đi Nga", mặc dù đi Pháp (hay phương Tây nói chung) đầy oái oăm, hệ lụy, như bị tra xét rất kĩ lý lịch, đi đâu có công an mật theo dõi từng bước.
Phương Tây bao gồm nhiều nước lớn, có nền văn hóa, văn minh mà mấy trăm năm nay có sức chi phối đến toàn nhân loại, như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Canada, Australia. Sau khi Liên Xô và Đông Âu XHCN sụp đổ, đồng nghĩa với Chiến tranh Lạnh kết thúc, cùng lúc, toàn cầu hóa bắt đầu, thì chính Việt Nam cũng dần có quan hệ rộng rãi với thế giới phương Tây. Trong quan hệ Việt Nam – phương Tây hiện nay, các chính phủ phương Tây nhìn chung đã bỏ qua rào cản thể chế chính trị, không những hợp tác mà còn tích cực giúp đỡ Việt Nam. Hàng trăm triệu liều vaxcin phòng dịch covid-19 vừa qua là một ví dụ. Ngoài hợp tác, giúp đỡ trên phương diện chính phủ là hàng loạt sự hợp tác, giúp đỡ khác qua các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân. Tiền từ các công dân phương Tây gốc Việt gửi về Việt Nam hằng năm cho thân nhân hoặc làm từ thiện không hề nhỏ.
Phương Tây cũng có nhiều cái xấu, nhiều vấn đề nan giải, nhưng đó đều là những vấn đề chung của nhân loại thời hiện đại, không loại trừ nước nào (văn minh tiến bộ đến đâu thì cái xấu, cái ác cũng "tiến bộ" đến đấy, đó là quy luật). Trong hành động cụ thể, phương Tây cũng có không ít sai lầm, tuy nhiên, nhìn chung phương Tây vẫn tiêu biểu cho xu thế tiến bộ của nhân loại.
Câu hỏi 5: Tại sao nhiều nước châu Âu muốn gia nhập NATO?
Đáp: NATO là một phần của thế giới phương Tây, về mặt liên minh quân sự. Tên đầy đủ của NATO là "Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương" (North Atlantic Treaty Organization) ban đầu chỉ lo việc phòng thủ cho Mỹ và một số nước ở Tây Âu, Bắc Âu và Nam Âu, trong thế đối đầu với khối Warszawa của phe XHCN nhưng về sau NATO được mở rộng hơn.
Nhiều người cho rằng lẽ ra khi khối Warszawa giải thể thì khối NATO cũng phải giải giải thể. Nghĩ như thế là không hiểu hiện tình châu Âu sau khi Liên Xô giải thể. Liên Xô giải thể nhưng Liên bang Nga được luật pháp quốc tế công nhận là nhà nước kế tục của Liên Xô, do đó Nga nghiễm nhiên được là một trong "ngũ cường" (bốn nước kia là Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc) làm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong suốt thế kỷ XVIII và XIX, Nga là cường quốc và đã nhiều lần đối đầu với các cường quốc châu Âu để giành ngôi vị khu vực, nay Nga lại sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, vì vậy thế đối đầu Nga – phương Tây lập tức hình thành ngay sau khi giải thể Liên Xô. Không những một phương Tây cũ vẫn sợ Nga mà hàng loạt nước XHCN Trung – Đông Âu trước kia và các nước độc lập tách ra từ Liên Xô, nay không đi theo quỹ đạo của Nga, càng sợ Nga. Vì vậy, lần lượt họ xin gia nhập NATO để được bảo vệ: Ba Lan, Séc, Hungaria, Bungaria, Estonia, Latvia, Litva, Rumaina, Slovakia, Albania,.... Gần đây, sau khi Nga đánh Ukraina, Thụy Điển và Phần Lan là những nước muốn giữ vị thế trung lập, cũng xin ra nhập NATO. Trước khi chiến tranh Nga – Ukraina nổ ra, Ukraina cũng đề nghị gia nhập NATO nhưng bị từ NATO từ chối.
Việc các nước đồng minh cũ của Liên Xô và các nước thành viên trong Liên Xô (cũ) không muốn vào "khối Nga" mà muốn vào khối NATO thì chính Nga phải tự trách mình, "mình thế nào người ta mới thế chứ"?
Câu hỏi 6: Có phải chính phủ của Tổng thống Zelensky không khôn khéo, đã dại dột "hướng Tây" chứ không chịu "hướng Đông" (theo Nga), nên rước chiến tranh về?
Trả lời: Trước khi trả lời câu này xin quý vị đọc lại các câu hỏi và trả lời 3, 4 và 5. Vì vấn đề thực chất đã đề cập một phần khi trả lời các câu 3, 4 và 5. Xin tóm tắt ý và nhấn mạnh thêm một chút: Việc "hướng Tây" không những là quyền của người Ukraine mà còn là xu thế tất yếu, nếu muốn đất nước phát triển. Có thể nói lịch sử các nước chậm phát triển trong khoảng hai trăm năm qua là lịch sử "hướng Tây". Nước nào "hướng Tây" sớm và mạnh thì nước ấy phát triển sớm và nhanh. Nhật Bản là một ví dụ. Cụ Phan Bội Châu buổi đầu tìm đường cứu nước đã "hướng Đông" (Đông du) nhưng thực chất cũng là "hướng Tây" một cách gián tiếp. Chính Việt Nam hiện nay cũng ngày càng "hướng Tây" một cách mạnh mẽ.
Bây giờ xin trở lại nội dung chính của câu trả lời: Trong quan hệ với nước lớn, khôn khéo là giải pháp, còn độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ là nguyên tắc. Giải pháp phải phục tùng nguyên tắc.
Nói về khôn khéo, hỏi ai hơn Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm 1945 –1946? Trước các thế lực thực dân hung hăng, Hồ Chí Minh đã tìm mọi đường "lùi", nhưng "lùi" có giới hạn, chứ không phải vô điều kiện. Quá giới hạn sẽ thành đầu hàng, bán nước. Có thể tóm tắt quá trình từ nhân nhượng đến tuyên chiến của Hồ Chí Minh hồi ấy như sau:
Tháng 8/1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, nhà nước Việt Nam mới hầu như không có gì trong tay, cụ Hồ đành phải "đánh đu" với các thế lực ngoại xâm: quân Pháp (và sau quân Pháp có quân Anh, Nhật) từ Nam đánh ra và quân Trung Quốc (Tưởng Giới Thạch) từ phía Bắc tràn xuống. Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào Nam Bộ (26/9/1945) "Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ" nhưng đồng thời cũng đề nghị ngừng bắn, và cũng tạo được một cuộc ngừng bắn kéo dài được nửa tháng nhưng bị mang tiếng với nhân dân là "Chính phủ Việt Minh chạy trốn".
Quân Pháp đánh ra Nam Trung Bộ và chuẩn bị ra Bắc Bộ. Hồ Chí Minh ký với Pháp Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) cho phép quân đội Pháp vào Bắc Bộ thay quân Trung Hoa. Mục đích chính là đẩy 20 vạn quân Trung Hoa về nước và kéo dài thời gian chuẩn bị cho ta. Tuy nhiên việc này cũng đồng thời phải chấp nhận điều nguy hiểm khi cho phép Pháp đóng quân ở một số nơi từ vĩ tuyến 16 trở ra. Đương thời, một số nhà phân tích đã dự báo Pháp có thể dùng kịch bản từ một chỗ đóng quân lấn chiếm ra xung quanh, sau đó biến một cuộc hành quân thành một cuộc đảo chính.
Hội nghị trù bị Đà Lạt (4/1946) thất bại vì đòi hỏi phi lý của Pháp, sau đó Pháp còn ngang nhiên lập nước Cộng hòa Nam Kỳ Tự trị, 1/6/1946 (có khác gì ngày nay Nga xui phiến quân Donbass nổi dậy sau đó công nhận hai nước cộng hòa Luhansk và Donetsk). Tại Hội nghị Fontaineurbleu, Pháp tiếp tục lập trường cứng rắn, đặc biệt tiếp tục vi phạm Tạm ước 6/3/1946 (Đánh chiếm Phủ Toàn Quyền và mở rộng đánh chiếm Tây Nguyên). Cố gắng thương lượng cuối cùng của Hồ Chí Minh là ký Tạm ước 14/9/1946. Theo Tạm ước, vấn đề Nam Bộ sẽ được "trưng cầu dân ý".
Từ cuối tháng 12/1946, quân Pháp càng ra sức khiêu khích, và cuối cùng, sáng 19/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí của tự vệ Hà Nội.
Vì vậy đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ (…) Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước".
Rõ ràng, Hồ Chí Minh đã phát động cả một cuộc chiến tranh lớn, huy động cả dân tộc Việt Nam chống lại cuộc xâm lược của thực dân Pháp.
Câu hỏi 7: Có người nói đây không phải là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine mà là cuộc chiến giữa Nga và NATO, có phải vậy không?
Trả lời: Có một phần đúng. Như ta thấy những gì đã và đang diễn ra, đằng sau Ukraine là sự trợ giúp đắc lực của cả châu Âu chứ không chỉ NATO. Nhưng nhớ là chỉ một một phần đúng thôi. NATO vẫn có những mục đích riêng, nhưng có phần cơ bản "trùng khít" với Ukraine. Như câu 3 đã khẳng định, cuộc kháng chiến của Ukraine là chính nghĩa, người Ukraine trước hết bảo vệ độc lập tự do của mình, nhưng đó cũng là những giá trị chung của châu Âu. Và không chỉ châu Âu mà còn là các giá trị chung của nhân loại.
Chúng tôi lại thấy cần nhắc lại ở đây một ý đã trả lời ở câu 3 bài trước: Trong Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), sau khi trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ ("Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng..."), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Dân tộc Ukraine đang bảo vệ các quyền con người và quyền dân tộc tự quyết. Cuộc chiến đấu của dân tộc Ukraine chống xâm lược Nga hiện nay là cuộc chiến giữa công lý, tự do với áp bức và bạo tàn. Ukraine thắng là lương tri thời đại thắng.
Sự trợ giúp của NATO có thể để lại cho Ukraine những hệ lụy nhất định, nhưng trong tình thế bị Nga, một nước lớn, có kho vũ khí đồ sộ và hiện đại vào hạng nhất thế giới, bất ngờ tấn công, thì Ukraine không có một sự lựa chọn nào khác, nếu muốn giữ độc lập. Nhưng đây cũng là cơ hội "thoát Nga", dù phải trả giá đắt. Nếu sau này, chẳng hạn bị NATO "o ép" thì cũng vẫn tốt hơn sống dưới nanh vuốt của Nga, vì như trên đã phân tích, về cơ bản phương Tây ngày nay vẫn là một thế giới văn minh, tiến bộ mà đến nay nhân loại chưa có một mô hình nào thay thế được.
Câu hỏi 8: NATO và châu Âu có sai lầm gì không?
Trả lời: Có. Trước hết, NATO và châu Âu đã chủ quan, không tính hết sự phản ứng của Nga khiến Ukraine chịu hậu quả hết sức nặng nề.
Trong cuốn sách "Những tù nhân của địa lý", ký giả người Anh Tim Marshall, người có 25 năm nghiên cứu địa chính trị, đã phân tích khá sâu sắc tính đặc thù về chính trị của Nga hiện nay trong tương quan với địa lý và truyền thống đế quốc của mình. Tim cho rằng, vùng trung tâm của Nga (Moskva) là một vùng đồng bằng trống trải, có thể bị tiến công từ bốn phía. Tuy nhiên, sự tấn công từ phía đông rất ít, trong lịch sử, Nga chỉ một lần từ người Mông Cổ, và từ khi đế quốc Nga bành trướng qua dãy Ural sang tận Sibir thì mối đe dọa từ phía đông coi như không có. Cho nên từ thế kỷ XVIII, các Sa hoàng "luôn nhìn về hướng tây", họ chiếm lấy các nước vùng Baltik và Ukraine để làm "vành đai an toàn". Thời Liên Xô, theo Tim, cũng chỉ là đế quốc Nga mà thôi, rồi sau khi Liên Xô tan vỡ thì nước Nga "co rút về hình dạng của thời kỳ tiền cộng sản, với biên giới phía châu Âu kết thúc ở Estonia, Latvia, Belarrus, Ukraine, Georgia và Azerbaijan".
Nhìn chung, Tim muốn NATO và châu Âu không nên coi thường truyền thống độc tài và đế quốc của Nga. Tim viết: "Hoa Kỳ và châu Âu nóng lòng chào đón Ukraine nhập vào thế giới dân chủ với tư cách là thành viên chính thức của các thiết chế tự do và pháp quyền của mình, và Moskva không thể làm gì để chống lại điều đó. Đó là quan điểm không tính đến thực tế rằng địa chính trị vẫn tồn tại trong thế kỷ XXI và Nga không chơi trò pháp quyền".
Như vậy có thể nói lỗi thứ nhất của NATO và châu Âu là chào đón Ukraine gia nhập thế giới dân chủ với tư cách là thành viên chính thức của các thiết chế tự do và pháp quyền nhưng lại không tạo điều kiện đầy đủ để Ukraine đảm bảo việc đó.
Với "Bản ghi nhớ Budapest" ngày 5/12/1994, Mỹ, Nga, Ukraine, Anh đã thỏa thuận bảo đảm an ninh cho Ukraine nếu Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân từ thời Lên Xô. Từ khi ký Bản ghi nhớ Budapest, Ukraine đã đáp ứng các nghĩa vụ bằng cách chuyển giao kho vũ khí lớn thứ ba thế giới đó, cho đến khi "tay không" thì bị Nga tấn công.
Một bản ghi nhớ như thế về mặt pháp lý chưa đủ mạnh để đảm bảo cho hòa bình Ukraine. Lẽ ra, ít nhất phải là một hiệp ước giữa NATO, Ukraine và Nga, có những điều kiện ràng buộc rõ ràng một khi Ukraine bị đe dọa từ bất cứ phía nào. Và như ta thấy, Nga đã lợi dụng sự lỏng lẻo này mà ngang nhiên đánh chiếm bán đảo Crime của Ukraine (2014). Ukraine thành nạn nhân đáng thương.
Thứ hai, NATO đã nhu nhược một thời gian dài với Nga.
Với việc đánh chiếm bán đảo Crime, liền đó xúi giục phiến quân vùng Donbass nổi dậy thành lập hai nước cộng hòa Luhansk và Donetsk (rồi Nga công nhận hai nước cộng hòa này), Nga thực sự đã đánh vỗ mặt NATO, thế mà NATO vẫn chỉ có một số hành động trừng phạt cục bộ. Một nước Mỹ (thời TT Trump) ích kỷ và một châu Âu nhu nhược và không thống nhất hành động, một thái độ gần như đứng ngoài của Đức (nước lớn nhất trong thế giới phương Tây ở châu Âu), đã tạo điều kiện cho tham vọng của Nga, kích thích sự hung hăng của Nga. "Cái tường thấp mời gọi kẻ trộm" (tục ngữ Anh), và cái gì đến đã phải đến, Nga đã huy động tổng lực tấn công Ukraine vào ngày 24/2/2022. Lần thứ hai, Ukraine thành nạn nhân đáng thương gấp bội lần thứ nhất.
Câu hỏi 9: Việt Nam học được gì qua cuộc chiến Nga – Ukraine?
Trả lời: Việt Nam từ mấy chục năm nay cũng rơi vào tình thế bị đe dọa bởi một nước lớn láng giềng. Có rất nhiều điều học được qua cuộc chiến này. Tuy nhiên ở đây chỉ xin nêu ba điểm căn bản.
1. Ban đầu bị Nga tấn công, Ukraine rơi vào tình cảnh khá đơn độc, chỉ có Ba Lan và mấy nước nhỏ vùng Baltik trợ giúp tích cực. Nếu nhân dân Ukraine và TT. Zelensky không dũng cảm đương đầu với cuộc tấn công ồ ạt của Nga thì Ukraine đã nằm dưới gót giày của quân Nga chỉ sau nhiều nhất một tuần. Sức mạnh từ lòng yêu nước và ý chí bất khuất của người Ukraine nằm ngoài tất cả dự kiến của Nga lẫn phương Tây. Như vậy, nắm được lẽ phải, tin chắc ở lẽ phải, tự lực cánh sinh, cứu mình trước khi trời cứu, đó là yếu tố hàng đầu.
2. Tuy nhiên, nếu rơi vào cảnh bị xâm lược thì tự lực cánh sinh vẫn chưa đủ. Để kháng chiến lâu dài và chiến thắng không thể thiếu sự trợ giúp quốc tế. Ukraine hiện nay là như thế và Việt Nam trong quá khứ cũng đã từng như thế. Chỉ trong hơn hai tháng qua, ta thấy Ukraine càng đánh càng mạnh, trái lại, Nga càng đánh càng sa lầy. Là vì đằng sau Ukraine là châu Âu, và nhìn chung là cả nhân loại tiến bộ, trong đó có cả nhân dân Nga. Còn đằng sau tập đoàn hiếu chiến Nga đứng đầu là Putin, hầu như chẳng có ai, kể cả Trung Quốc.
3. Có những ý kiến nói tại sao Ukraine không chọn vị trí trung lập. Thực ra hiểu như thế là hết sức ấu trĩ, cho nên chúng tôi thấy cần làm rõ hai khái niệm "trung lập" và "liên minh".
"Trung lập" theo nghĩa đen là "đứng giữa", trong quan hệ quốc tế thuật ngữ này dùng để chỉ những nước không tham gia các xung đột quân sự, không tham gia các liên minh quân sự. Tuy nhiên, trung lập không có nghĩa là không phản ứng gì trước mọi đúng sai, phải trái. Giống như ra đường thấy một kẻ cướp giật thì ta phải giúp người bị nạn chống lại, chí ít là tri hô lên, chứ không phải bình thản cứ thế mà đi.
Thời Việt Nam đang kháng chiến chống xâm lược, nhiều nước trung lập đã ủng hộ Việt Nam cả tinh thần lẫn vật chất. Ví dụ như thái độ của Thụy Điển (một nước được coi là trung lập) trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Trung Quốc của Việt Nam, tháng 2/1979. Hồi ấy, người viết bài này đã rất cảm động khi thấy những người dân Thụy Điển xuống đường biểu tình hô vang các khẩu hiệu chống Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam.
Vị trí trung lập không phải muốn là được. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, ta thấy có lẽ Việt Nam chưa bao giờ trung lập và khi đứng trước tình thế tồn vong của dân tộc, Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các liên minh. Ví dụ, trước khi quân Mông Nguyên đánh Đại Việt lần thứ hai (1285), vua Nguyên hỏi mượn đường Đại Việt để hành quân tiến đánh Chiêm Thành và yêu cầu Đại Việt cung cấp lương thực nữa (về danh nghĩa lúc đó Đại Việt là chư hầu của nhà Nguyên). Nhưng nhà Trần đã từ chối cả hai yêu cầu này. Chưa kết, nhà Trần còn đem quân vào giúp Chiêm Thành kháng chiến. Thực sự lúc ấy đã hình thành Liên minh Việt – Chiêm và và liên minh này đã góp phần quan trọng cho chiến thắng của cả hai dân tộc. (Nên nhớ là trước đó, Việt – Chiêm luôn luôn xung đột)
Hồi đang xảy Thế chiến II, tổ chức Việt Minh (tên đầy đủ: Việt Nam Độc lập Đồng minh), tiền thân của Chính phủ Lâm thời Việt Nam hồi Cách mạng tháng Tám, đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ các nước Đồng minh chống phát xít, cụ thể là Việt Minh đánh phát xít Nhật đang chiếm đóng Đông Dương lúc đó. Và cũng ngay từ lúc đó, Việt Minh đã đặt vấn đề "Phải có một lực lượng thống nhất của tất thảy các dân tộc Đông Dương họp lại" (Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII của Đảng CSVN, 19/5/1941).
Trong quan hệ quốc tế, xưa cũng như nay, phải có những điều kiện nào đó mới có thể trung lập. Nhìn chung, chỉ có thể chọn vị trí trung lập khi không có nhiều mối đe dọa và các bên đối lập phải cam kết giữ trung lập cho quốc gia thứ ba, coi nước này như một ranh giới an toàn cho cả hai bên. Còn liên minh, khi cần có gì mà ngại, nhất là khi phải chống lại kẻ thù lớn mạnh hơn mình?

THAM NHŨNG QUỐC PHÒNG, MỐI NGUY CHO AN NINH QUỐC GIA

ĐỖ NGÀ/ TD 10-5-2022


Nga bán tăng T-90S cho Việt Nam với giá lên đến 6,25 triệu USD/chiếc, cao nhất trong các đối tác mà Nga bán vũ khí. Được biết, cũng loại T-90S, Nga bán cho Iraq chỉ với giá 5,4 triệu USD/chiếc. Giá bán cho Việt Nam cao hơn 16% so với bán cho Iraq. Cùng bỏ ra 400 triệu đô la nhưng Iraq mua được 73 chiếc còn Việt Nam thì chỉ mua được 64 chiếc. Nghĩa là hợp đồng 400 triệu USD, quan chức CS Việt Nam nuốt nhiều hơn quan chức chính quyền Iraq là 9 chiếc tăng.
Nếu lấy giá mua tăng của Việt Nam so với giá mua của Ai cập và Algeria thì chênh lệch càng kinh khủng hơn. Giá của 2 quốc gia châu Phi này mua chỉ 5 triệu USD/chiếc. Như vậy, giá mà Bộ Quốc phòng CS Việt Nam mua cao hơn giá của 2 quốc gia châu Phi này, lên đến 25%. Nguyên nhân là do đâu?
Có phải Nga cố tình bán mắc cho Việt Nam hay không? Không hề! Giá chào bán trên thị trường quốc tế là như nhau, tuy nhiên giá mua lại cao thấp khác nhau là do bên mua yêu cầu. Có thể đoán định là giá mỗi chiếc T-90S tầm dưới 5 triệu USD/chiếc nhưng Bộ Quốc Phòng Việt Nam muốn mua với giá 6,25 triệu USD/chiếc. Nghe có vẻ rất phi lý? Tại sao bên mua lại không muốn mua giá rẻ mà lại muốn trả với giá cao hơn? Thực ra điều này không phải phi lý nếu hiểu đúng bản chất của đảng Cộng sản Việt Nam.
Để hiểu vấn đề thì tôi xin khơi lại chuyện cũ, chuyện Hoa Kỳ từ chối bán vũ khí sát thương cho Bộ Quốc phòng Việt Nam mặc dù trước đó Tổng thống Obama đã xóa bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Sự việc là thế này:
Vào tháng 7/2017, hãng tin tình báo quốc phòng của Anh- Shephard Media tiết lộ rằng, các quan chức chính phủ Việt Nam yêu cầu các đối tác của Mỹ trả 25% hoa hồng cho các thương vụ mua bán vũ khí. Nghĩa là bên Mỹ phải nâng giá bán rồi sau đó thối tiền lại cho quan chức Việt Nam. Ví dụ lô vũ khí ấy trị giá 750 triệu USD nhưng phía Việt Nam yêu cầu phía Mỹ ghi vào hợp đồng là 1 tỷ USD, rồi sau đó chuyển lại cho quan chức CS Việt Nam 250 triệu USD để họ đút túi riêng. Tuy nhiên, phía Mỹ đã từ chối vì họ không muốn tiếp tay cho tham nhũng.
Với Mỹ thì họ không chấp nhận thói làm ăn gian lận của phía Việt Nam mặc dù phía Mỹ không thiệt thòi gì. Tuy nhiên phía Nga thì khác, Nga sẵn sàng ghi vào hợp đồng bất cứ giá nào, miễn sao Nga bán được hàng. Vì thế nên mới có chuyện giá T-90S của Việt Nam cao hơn giá mà các quốc gia khác mua. Các quốc gia như Iraq, Ai Cập, Algeria cũng là các quốc gia tham nhũng, tuy nhiên họ không ăn dày như quan chức Cộng sản Việt Nam, nên giá mua (trên hợp đồng) của họ thấp hơn.
Ngày nay, khi mà Nga đưa dòng tăng T-90 ra tham chiến tại chiến trường Ucraina thì lập tức bị tên lửa Javelin của Mỹ bắn cháy thành sắt vụn. Giá của Javelin chỉ là 221 ngàn USD nhưng thổi bay chiếc tăng trị giá đến 5 triệu USD. Từ đó mới thấy, vũ khí của Mỹ lợi hại như thế nào.
Tại chiến trường Ucraina, vũ khí Mỹ chỉ mới góp mặt rất hạn chế nhưng nó đã cho thấy tính ưu việt trước vũ khí Nga như thế nào. Qua đây mới thấy, quan chức CS không đặt vận mệnh quốc gia lên trên túi tham cá nhân là mối nguy khôn lường cho sự an nguy đất nước.
Ngày 23/5/2016, trang CNBC có bài báo “Ai thắng khi Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam” (Who wins when the US sells deadly weapons to Vietnam), trong đó tác giả Everett Rosenfeld có dẫn lời một nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn hàng không và quốc phòng Teal Group có tên là Steve Zaloga.
Ông này nói rằng, “lý do khiến Việt Nam tìm đến Mỹ thay vì nhà cung cấp truyền thống Nga là Moscow không muốn bán một số vũ khí mà Trung Quốc đã yêu cầu họ loại trừ”. Như vậy thì quá rõ, Tàu đang kiểm soát Nga trong vấn đề nên bán vũ khí nào cho Việt Nam. Những vũ khí mà Nga bán cho Việt Nam phải kém hơn thứ bán cho Tàu mới chịu. Sự cấu kết giữa Tàu và Nga đã trói chân trói tay Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Trong tình thế Tàu kiểm soát cả nguồn cung cấp vũ khí cho Việt Nam thì việc Bộ Quốc Phòng Việt Nam chuyển sang mua vũ khí Mỹ là cách hay nhất để đưa sức mạnh quân sự Việt Nam trỗi dậy. Tuy nhiên, vì bản chất tham của quan chức CS đã phá hỏng tất cả.
Năm 2016, Putin tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Điều này càng củng cố bằng chứng vững chắc rằng, Nga luôn ủng hộ Trung Quốc chứ không bao giờ ủng hộ Việt Nam. Trung Quốc là bạn hàng lớn của Nga về buôn bán vũ khí lẫn thương mại song phương thì không dại gì Nga ngã về Việt Nam làm phật lòng Bắc Kinh. Chính vì vậy Việt Nam ôm chân Nga là “tự sát”.
Trung Quốc đang nhìn Nga xâm lược Ucraina mà tính bài toán với Việt Nam, tuy nhiên, quan chức CS thì không tính bài toán cho đất nước mà tính bài toán làm sao lấp đầy túi tham của nó. Còn CS, đất nước còn đối mặt với nguy hiểm từ Phương Bắc.
_________
Tham khảo:

KỶ NIỆM 09/05: NGƯỜI UKRAINE CŨNG ĐÁNH PHÁT XÍT
PHÙNG NGỌC KHOA/ BVN 10-5-2022


Luận điệu nói rằng chỉ có Nga đã đánh phát xít là một sự xuyên tạc lịch sử. Toàn bộ những dân tộc thuộc Liên Xô đã tham gia!
Chỉ sau đóng góp của Nga, người dân Ukraine cũng tham gia đánh phát xít rất nhiều!
Nhiều báo chí định hướng, đại đa số từ trong tay ông chủ điện Kremlin, đã chỉ nói về thủ lĩnh Bandera (chủ nghĩa dân tộc Ukraine) và những thời gian ông ta đã cộng tác với Đức. Đúng là đã có như vậy, nhưng thời chiến tranh đó nhiều bên cũng cộng tác với phát xít: phía Nga cũng đã có tập đoàn quân của trung tướng Vlassov (người Nga chính hiệu và cựu thành viên Bolsevik) tham gia mặt trận đánh Hồng Quân.
Lịch sử không thể tranh cãi: đại đa số người Ukraine tham gia chống phát xít Đức thời Đại chiến Thế giới Thứ 2. Họ tham gia từ những vị trí nhỏ nhất cho đến những vị trí quan trọng bậc nhất trong hàng ngũ Hồng Quân. Sau đây là một số vị người Ukraine đã được phong Anh hùng thời Xô Viết:
1) Pavel Rybalko (1894, sinh ra gần Kharkov, Ukraine), nguyên soái xe tăng. Trong chiến tranh Vệ Quốc, Rybalko đã chỉ huy Tập đoàn Thiết giáp Cận vệ số 3. Cùng với Katukov và Bogdanov, ông là một trong 3 tướng giỏi nhất chuyên chỉ huy thiết giáp. Tập đoàn thiết giáp là binh chủng đáng gờm nhất của Hồng quân. Không nói quá khi kết luận rằng 5 tập đoàn thiết giáp đã dẫn Liên Xô đến Berlin. Năm 1945, Rybalko tham gia chiếm nội đô Berlin và được Stalin phong “Nguyên Soái binh chủng Xe tăng”, quân hàm chỉ thấp hơn “Nguyên soái Liên Xô”.
2) Semion Timochenko (sinh năm 1895, Odessa, Ukraine), nguyên soái Liên Xô và Bộ trưởng Quốc phòng trước chiến tranh vệ quốc. Trong hai năm đầu chiến tranh, Timochenko đã chỉ phương diện quân Tây Nam và đã 2 lần phản công chiếm lại Kharkov. Cả hai lần tuy thất bại nhưng những mất mát cho quân Đức khiến họ giảm đáng kể khả năng tấn công sau đó.
3) Andrei Eremenko (sinh năm 1892 ở Oblast Lugansk, Ukraine), Nguyên soái Liên Xô. Đây là một trong những sỹ quan tham chiến và giữ chức vụ Tư lệnh Phương Diện Quân ngay từ 1941. Thành tích lớn nhất của Eremenko là năm 1942 ông chỉ huy phương diện quân Stalingrad bảo vệ nội đô thành phố (tập đoàn số 62 của Tchuikov nằm dưới quyền ông) và chỉ huy mũi nhọn phía nam phản công trong chiến dịch Sao Thiên Vương bao vây Đức. Ông được phong Nguyên soái Liên Xô sau chiến thắng Stalingrad.
4) Rodion Malinovsky (sinh năm 1898, Odessa, Ukraine), nguyên soái Liên Xô và sau này làm Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô. Năm 1942, Malinovsky đẩy lùi quân Đức đến giải vây Stalingrad và sau đó chỉ huy phương diện quân Ukraine số 3 đánh trục phía nam (tiến về Rumani và Hungari). Malinovsky còn tham gia chiến dịch Mãn Châu đánh Nhật trong tháng 8 năm 1945.
5) Nikita Khrushchev (1894, sinh ra ở Kursk nhưng cha mẹ gốc Ukraine, ngay sau đó gia đình chuyển về gần Kharkov) Trung tướng - Chính uỷ và sau này là Bí thư thứ nhất Đảng Công sản Ukraine rồi Liên Xô. Krushchev đã là chính uỷ và đại diện của Stalin ở trận Stalingrad năm 1942.
6) Kirill Moskalenko (1902, Oblast Donesk, Ukraine), thượng tướng chỉ huy tập đoàn số 40 trong Chiến tranh Vệ quốc, sau này là Nguyên soái Liên Xô và tư lệnh toàn bộ lực lượng tên lửa. Trong chiến tranh Vệ quốc, Moskalenko đã tham gia các trận Kursk, vượt sông Dniep…
7) Piotr Kochevoï (1904, Oblasr Kherson, Ukraine), trung tướng thời chiến tranh vệ quốc, sau này là Nguyên soái Liên Xô. Trong chiến tranh, ông đã tham gia chiếm lại Crimea rồi sau đó tấn công Konigsberg (Kaliningrad bây giờ).
Nếu loại bỏ mấy nguyên soái chính trị tự phong như Stalin, Brezhnev hay Voroshilov, Liên Xô đã có 38 nguyên soái tổng cộng và 7 trong số họ là người Ukraine!
Ai bảo chỉ có Nga biết đánh phát xít?
P.N.K.
Nguồn: FB Hà Nội Tri thức

SAO TỔNG THỐNG LẠI PHẢI XIN LỖI THAY CHO NGOẠI TRƯỞNG?

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 8-5-2022


1. Sao Tổng thống lại phải xin lỗi thay cho Ngoại trưởng?
Tổng thống Nga Putin hôm 5/5/2022 đã phải xin lỗi Thủ tướng Israel Naftali Bennett vì phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov nói rằng “Hitler có gốc Do Thái”(https://zingnews.vn/israel-tong-thong-putin-xin-loi-vi…).
Một người thường xuyên “phô trương sức mạnh” như ông Putin, lại đứng đầu cường quốc quân sự thứ 2 thế giới là Nga, mà phải “hạ mình” xin lỗi Thủ tướng một nước nhỏ như Israel – đã nói lên rất nhiều về tình thế của Nga và vị thế của Israel. Nếu Nga ở thế “thượng phong” trong cuộc chiến Nga – Ukraine thì ông Putin đã không “hạ mình” xin lỗi, cho dù Israel là một quốc gia mạnh, vì ông Putin đã coi thường cả NATO lẫn Châu Âu khi ngang ngược tiến đánh Ukraine. Ở mặt khác, nếu Israel là quốc gia “không có trọng lượng” thì dù ở tình thế nào, ông Putin cũng không cất lời xin lỗi. Trên tất cả, nếu Ngoại trưởng Lavrov có sai thì Ngoại trưởng Lavrov xin lỗi là đủ, sao Tổng thống Nga lại phải xin lỗi thay cho Ngoại trưởng Nga?
Tất cả đã nói lên rằng, tình thế của ông Putin rất khó khăn, và Israel là một quốc gia “có trọng lượng lớn”, cho dù diện tích Israel (22 145 km2) rất bé, còn nhỏ hơn tỉnh Gia Lai-Kon Tum (25 000 km2) của Việt Nam trước đây, và dân số Israel rất ít (9,61 triệu người), còn ít hơn dân số TP HCM (11 triệu người).
Việc Ngoại trưởng Nga Lavrov cố tình khoác chiếc áo “tân phát xít” cho ông Zelensky” không chỉ thất bại, mà còn làm cho Nga có thêm kẻ thù mạnh, đẩy Nga vào tình thế đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đó là lý do tại sao Tổng thống Putin phải “hạ mình” xin lỗi Thủ tướng Bennett để giải cứu tình thế.
2. Không chỉ chiếm đất mà “ở lại vĩnh viễn”
Khác với Ngoại trưởng Lavrov đeo bám lý do “tân phát xít” đến mức mù quáng gán cho Hitler có nguồn gốc Do thái, thì các tướng lĩnh Nga tuyên bố rõ ràng mục tiêu giai đoạn 2 là chiếm toàn bộ miền Đông và miền Nam Ukraine. Còn rõ ràng hơn cả các tướng lĩnh Nga chỉ nói về chiếm đóng, các quan chức Kremlin tuyên bố sẽ “vĩnh viễn” ở lại miền Nam Ukraine.
Ngày 05/5/2022, khi đến thăm Kherson, thành phố gần 30 vạn dân của Ukraine đang bị quân Nga mới chiếm được, nghị sĩ Nga Andrey Turchak đã thẳng thừng tuyên bố:
“Nga sẽ hiện diện ở đây mãi mãi. Không nghi ngờ gì về điều này. Sẽ không có chuyện quay lại như trước đây”; “Chúng ta sẽ cùng chung sống, phát triển vùng đất giàu có này, giàu cả về di sản lịch sử lẫn con người ở đây” (https://dantri.com.vn/…/quan-chuc-nga-noi-nga-se-hien…).
Với tuyên bố của các quan chức Nga, “trưng cầu dân ý về độc lập” của các vùng ly khai như Luhansk, Donetsk trong quá khứ và Kherson nếu có trong tương lai – chỉ là các màn kịch. Các mặt nạ nối nhau bị gỡ bỏ, để lộ ra mục tiêu cốt lõi là chiếm đất của Ukraine rồi biến thành lãnh thổ của Nga.
3. Nga có giữ được Kherson?
Liên Xô chiếm đóng Afghanistan 10 năm rồi phải rút quân. Quân đội Mỹ chiếm đóng Afghnistan 20 năm rồi cũng phải về nước. Các quan chức Kremlin hiện nay sống được bao lâu mà tuyên bố “ở lại Kherson vĩnh viễn”?
Tổng thống Nga Putin đã phải “hạ mình” xin lỗi Thủ tướng Israel Bennett thay cho Ngoại trưởng Nga Lavrov đã nói lên tình thế “chật hẹp” của Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Tên lửa tầm xa thì dần cạn kiệt. Sản xuất thì không kịp và không đủ linh kiện vì bị cấm vận. Quân số thì chưa thể huy động được quân dự bị và chưa thể tổng động viên. Không thể dốc toàn lực kho vũ khí tên lửa tầm xa và huy động toàn bộ quân chủ lực vì còn phải đối phó với thế giới còn lại và canh giữ toàn bộ lãnh thổ rộng hơn 17 triệu km2. Không quân thì không chiếm lĩnh được bầu trời, bắn từ xa thì không đủ tên lửa, dội bom ở tầm thấp thì sợ hoả tiễn của đối phương. Dựa vào pháo binh thì quân đội Ukraine bắt đầu có pháo chính xác tầm xa. Cậy vào số đông xe tăng thì không thể tiến quân vì nhiều xe tăng bị bắn cháy khi đối phương có ưu thế bội phần về số lượng tên lửa diệt tăng. Sĩ khí của quân đội thì bạc nhược vì phi nghĩa. Tổn thất trên chiến trường rất nặng nề. Tiến thì mất nhiều nhân mạng và khí tài mà vẫn không thể. Lui thì không còn thể diện. Đó là một tình thế thật sự tiến thoái lưỡng nan cho bất cứ ai ngồi vào vị thế của Kremlin lúc này. Đồng minh thân cận nhất của Kremlin là Lukashenko cũng phải thất vọng mà thừa nhận “chiến dịch” đã bị kéo dài, vì được thông báo và tin tưởng rằng Ukraine sẽ đầu hàng sau 4,5 ngày Nga tấn công.
Dự báo Quân đội Ukraine sẽ phản công trong thời gian rất gần. Kherson sẽ được giải phóng. Các quan chức Kremlin có thể ở lại Kremlin chứ không thể ở Kherson.
4. Vị thế nước Việt
Nêu chuyện chiến sự Nga – Ukraine là để liên hệ đến Việt Nam. Từ chuyện Tổng thống Nga Putin phải xin lỗi Thủ tướng Israel Bennett thay cho Ngoại trưởng Nga Lavrov mà nghĩ đến tầm nhìn 2045 của nước ta. Chúng ta có thể rút ra được bài học gì từ vị thế của Israel?
Israel là quốc gia nhỏ về dân số và diện tích, nhưng lại là quốc gia sở hữu lực lượng quốc phòng hùng mạnh đến mức các cường quốc quân sự khác phải nể trọng. Tiềm lực quân sự hùng mạnh của Israel không phải dựa trên mua nhiều vũ khí hiện đại của nước ngoài, chẳng hạn như Ả Rập Xê Út, mà do chính Israel tự chế tạo ra. Israel là 1 trong 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Kho vũ khí hạt nhân của Israel hiện có 90 đầu đạn. Israel tự xây dựng hệ thống chống tên lửa “vòm sắt” hiệu quả nổi tiếng. Ngoài ra Israel còn sở hữu nhiều sáng chế vũ khí rất hiện đại hiệu quả được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, quan tâm và trở thành khách hàng. Trong lĩnh vực sản xuất, Israel là một quốc gia có nền sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tiên tiến, do chính tự Israel tạo lập.
Các chỉ tiêu kinh tế của chúng ta lập cho các năm 2030 và 2045 là dựa trên lối mòn truyền thống. Còn nếu đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ sở hữu các công nghệ tiên tiến để có một phần vị thế như Israel thì phải đi con đường khác.
Có ai chăng ở cấp lãnh đạo quốc gia đã từng âm thầm đặt cho Việt Nam một mục tiêu về vị thế để các cường quốc phải nể trọng, dè chừng?
N.N.C.
Tác giả gửi BVN

NGÀY CHIẾN THẮNG CỦA MỘT PUTIN THẤT BẠI
HOÀNG VIỆT/ TD 9-5-2022


Hoàng Việt, tổng hợp từ BBC và AFP
Ngày 9/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin điều hành các hoạt động chào mừng ngày Chiến thắng Phát xít trong bối cảnh các lực lượng của Nga vẫn tiếp tục tấn công người Ukraine trong khuôn khổ một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất tại châu Âu kể từ sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai kết thúc cách đây 77 năm.
Ngày 9/5 là một trong những dịp trọng thể nhất trong lịch sử của Nga. Vào ngày này, có các cuộc diễn hành quân sự trên khắp cả nước để kỷ niệm Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước Phát xít Đức năm 1945. Như thường lệ, những lá cờ bay phấp phới ở hầu hết các tòa nhà và cửa sổ của các cửa hàng được trang trí bằng những ngôi sao vàng. Nhưng năm nay sẽ khác. Nga một lần nữa đang có chiến tranh - lần này là với nước láng giềng. Và Tổng thống Vladimir Putin có thể đã hy vọng sử dụng ngày kỷ niệm này để thông báo cho người dân Nga về một chiến thắng của ông tại Ukraine.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhà phân tích quốc phòng Michael Clarke với BBC, lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 9/5 tại Nga năm nay sẽ không đại diện cho bất kỳ hình thức chiến thắng nào ở Ukraine, bất chấp sự tô hồng từ Tổng thống Nga Putin và Điện Kremlin. Đây là một cuộc chiến mà Nga không thể chiến thắng theo bất kỳ ý nghĩa thông thường nào.
Ý nghĩa của Ngày Chiến thắng với Putin
Những năm gần đây, Putin thường tận dụng các màn ăn mừng tại Quảng trường Đỏ để chọc tức phương Tây với một màn trình diễn của các lực lượng quân đội, xe tăng, pháo binh và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Một màn bay lượn qua 9 mái vòm của Nhà thờ Thánh Basil sẽ bao gồm các máy bay chiến đấu siêu thanh, máy bay ném bom chiến lược và lần đầu tiên kể từ năm 2010 có sự xuất hiện của máy bay chỉ huy “ngày tận thế” Il-80, loại máy bay sẽ chở sĩ quan quân sự cấp cao hàng đầu của Nga trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Đài truyền hình nhà nước Nga từ lâu đã coi phương Tây là kẻ thù của Nga, nhưng trước Ngày Chiến thắng, những lời hùng biện và sự gây hấn đã gia tăng. Những người dẫn chương trình bày tỏ thái độ giận dữ với Mỹ và châu Âu vì đã cung cấp vũ khí của họ cho Ukraine. Nhắc lại lời Điện Kremlin, họ đổ lỗi cho phương Tây đã kích động “Chiến tranh thế giới thứ ba” và tìm cách kéo dài xung đột càng lâu càng tốt.
Đó là một công cụ mạnh mẽ. Một trong những chương trình truyền hình nổi tiếng nhất trong vài tuần qua là chương trình trò chuyện, trong đó một người dẫn chương trình cảnh báo Anh rằng, nếu bị khiêu khích, Nga có thể hủy diệt hoàn toàn nước này bằng vũ khí hạt nhân.
Vladimir Putin cũng đã tìm cách để mô tả cuộc chiến của ông như một sự “giải trừ phát xít” cần thiết đối với Ukraine. Ông ta mô tả chính phủ ở Kiev là những người theo chủ nghĩa phát xít mới. Putin đã nhiều lần ví cuộc chiến ở Ukraine - mà ông mô tả là một trận chiến chống lại những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc đầy nguy hiểm của "Đức Quốc xã" ở Ukraine – với thách thức mà Liên Xô phải đối mặt khi Adolf Hitler xâm lược vào năm 1941. Putin phát biểu trong một thông điệp gửi tới 12 nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô, trong đó có Ukraine và Gruzia: "Nhiệm vụ chung của chúng ta là ngăn chặn sự phục hưng của chế độ Đức Quốc xã vốn đã mang lại quá nhiều đau khổ cho nhiều dân tộc khác nhau”.
Và Ngoại trưởng của ông gần đây đã gây ra sự phẫn nộ trên quy mô quốc tế khi tuyên bố Hiltler mang dòng máu Do Thái sau khi biết tổng thống Ukraine là người Do Thái. Đó là lý do tại sao ngày 9/5 là một ngày quan trọng như vậy đối với Putin. Đây là cơ hội để khai thác ký ức đau thương và lâu dài của đất nước này về sự hy sinh của người dân trong cuộc chiến chống Phát xít Đức, để tập hợp những người Nga ngày nay ủng hộ “chính nghĩa” của Putin, tận dụng quá khứ của đất nước mình, nhằm hợp pháp hóa hiện tại của mình.
Liên Xô đã mất 27 triệu người trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, bao gồm nhiều triệu người ở Ukraine, nhưng cuối cùng đã đẩy lùi được các lực lượng của Đức Quốc xã trở lại Berlin, nơi Hitler tự sát và những biểu ngữ chiến thắng màu đỏ của Liên Xô đã nổi lên lên tại tòa nhà Reichstag của Đức Quốc xã vào năm 1945. Bên cạnh thất bại năm 1812 của Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte, việc đánh bại Đức Quốc xã là chiến thắng quân sự đáng trân trọng nhất của người Nga, mặc dù cả hai cuộc xâm lược thảm khốc từ phương Tây khiến Nga trở nên nhạy cảm sâu sắc với các đường biên giới phía Tây của mình.
Ngày Chiến thắng là một ngày lễ thiêng liêng đối với hầu hết người Nga. Các gia đình Liên Xô, vào ngày này thường bày tỏ sự tiếc thương với những người đã mất. Mặc dù Putin đã cố gắng ngăn chặn sự suy giảm của Nga vốn từng là lực lượng vũ trang hùng mạnh, cuộc xung đột ở Ukraine đã phơi bày những điểm yếu trong quân đội nước này. Tổn thất không được báo cáo công khai nhưng Ukraine nói rằng, thiệt hại của Nga còn tồi tệ hơn con số 15.000 người Liên Xô thiệt mạng trong cuộc chiến Liên Xô-Afghanistan từ năm 1979-1989.
Những thất bại của Putin
Cuộc xâm lược của Nga diễn tiến không theo kế hoạch và Putin thậm chí vẫn chưa hoàn thành mục tiêu được tuyên bố gần đây nhất của mình là chiếm vùng Donbass.
BBC dẫn phân tích của Michael Clarke, giảng viên thỉnh giảng bộ môn quốc phòng tại Đại học King’s College London, cho rằng, sau khi thất bại với Kế hoạch A - chiếm Kiev trước khi lực lượng của Tổng thống Zelensky hoặc thế giới bên ngoài có thể phản ứng, Moskva đã chuyển sang Kế hoạch B. Đây là cách tiếp cận quân sự mang tính “thủ đoạn” hơn nhằm bao vây Kiev và di chuyển gần hơn đến các thành phố khác ở Ukraine - Chernihiv, Sumy, Kharkov, Donetsk, Mariupol và Mykolaiv nhằm tiêu diệt sức kháng cự của lực lượng vũ trang Ukraine, trong khi Kiev bị đe dọa phải chấp nhận thất bại nếu không sẽ bị tàn phá. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng lại thất bại.
Nga đã gặp khó khăn trước lực lượng quân đội Ukraine đầy lòng quyết tâm và tinh nhuệ, khiến Nga bị cầm chân trong một màn phô diễn cổ điển về “sự tự vệ di động” - không nắm được thế trận mà thay vào đó tấn công kẻ thù ở các điểm dễ bị tổn thương nhất. Nản chí, bây giờ Nga chuyển sang kế hoạch C, đó là từ bỏ Kiev và miền Bắc, thay vào đó, tập trung toàn bộ lực lượng cho một cuộc tấn công quan trọng ở vùng Donbass và trên khắp miền Nam Ukraine, có lẽ là xa đến cảng Odessa ở miền Tây Nam - nhằm cắt đường tiếp cận ra biển của Ukraine một cách hiệu quả. Đây là chiến dịch mà chúng ta hiện đang thấy tại miền Đông Ukraine, quanh thành phố Iziyum và Popasne, Kurulka và Brazhkivka.
Các mục tiêu chính của Nga là chiếm Slovyansk và xa hơn về phía Nam là Kramatorsk. Cả hai vùng đều là những điểm chiến lược cực kỳ quan trọng nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass. Thế nhưng quy trình này không đơn giản như vậy. Những điều xảy ra tại Donbass chỉ mang lại cho Putin sự lựa chọn về những kiểu thất bại khác nhau mà thôi.
Theo một cách nào đó, Nga sẽ phải tiếp tục chiến đấu ở Ukraine, hoặc chống lại người dân, hoặc chống lại quân đội Ukraine, và rất có thể cả hai cùng một lúc. Và nếu Kyiv vẫn còn nắm thế trận như hiện tại, theo đó yêu cầu Nga rút quân trước khi có bất kỳ sự nhượng bộ nào, thì Putin không thể làm nhiều hơn ngoại trừ tiếp tục một cách tuyệt vọng.
Các cường quốc Phương Tây vẫn tiếp tục đổ vũ khí và tiền bạc vào Kyiv và sẽ không sớm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nặng nề nhắm vào Nga. Không có đường lui cho cá nhân Vladimir Putin và ông ta thậm chí có thể bị truy tố là tên tội phạm chiến tranh. Chiến lược chính trị duy nhất của ông là biến cuộc chiến tranh tại Ukraine thành điều gì đó - một phần trong cuộc chiến sinh tồn của Nga chống lại “phát xít” và “thực dân” phương Tây, được cho là tranh thủ cơ hội để hạ bệ Nga.
Putin sẽ làm gì tiếp theo?
Cũng theo BBC, lễ duyệt binh thường niên tại Quảng trường Đỏ ở Moscow năm nay mang một tầm quan trọng mới khi quân đội Nga tiếp tục cuộc tấn công kéo dài hơn hai tháng qua ở Ukraine. Khi những chiếc xe tăng lăn bánh trên đường phố, các đồn đoán về động thái tiếp theo của Tổng thống Vladimir Putin ngày càng gia tăng.
Chuyên gia chính trị Abbas Gallyamov, từng là người viết bài phát biểu cho Putin, nói: “Mọi người đều mong đợi điều gì đó xảy ra vào ngày 9/5, cả kẻ thù của Putin và những người ủng hộ ông. Những kỳ vọng này đã tạo ra một khoảng trống cần được lấp đầy. Nếu không, Putin sẽ thua về mặt chính trị”.
Câu hỏi về những gì mà Putin có thể làm đã khiến các nhà phân tích phỏng đoán và đưa ra những tin đồn. Điện Kremlin đã bác bỏ các báo cáo rằng, Putin có thể sử dụng cơ hội này để chính thức tuyên chiến với Ukraine - hoặc thậm chí với phương Tây - và tìm cách huy động quân dự bị hoặc thậm chí là dân thường để bổ sung cho đội quân đang suy kiệt của mình. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, tối thiểu, Putin sẽ coi bất kỳ việc giành được lãnh thổ nào ở miền Đông Ukraine như một chiến thắng đáng được ăn mừng. Mặc dù điều đó không có nghĩa là chiến tranh kết thúc.
Chuyên gia Gallyamov đã đưa ra một dự đoán hấp dẫn rằng, Putin sau đó sẽ đưa ra tối hậu thư cho Ukraine - đến bàn đàm phán hoặc chọn chiến đấu và đối mặt với mối đe dọa từ một chiến thuật vũ khí hạt nhân: “Cách duy nhất để ông ấy có thể thắng bây giờ, bởi vì ông ấy chắc chắn sẽ thua nếu việc này tiếp tục, là tạo ra ấn tượng về một người hoàn toàn điên rồ. Ông ấy muốn công chúng phương Tây sợ hãi, các nhà lãnh đạo phương Tây sợ hãi và để họ bắt đầu gọi cho Zelensky và nói: ‘Đủ rồi, bây giờ hãy dừng việc này lại. Hãy đến bàn đàm phán và đồng ý với ít nhất một số yêu cầu mà ông ấy đưa ra. Bởi vì chúng tôi sẵn sàng giúp bạn nhưng chúng tôi không sẵn sàng chết vì bạn’.”
Ông Gallyamov tin rằng, Tổng thống Putin vô cùng hối hận về cuộc xâm lược của mình và cần một lối thoát mà không tỏ ra yếu đuối.
Những người ủng hộ Putin đang nghĩ gì? Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhà lãnh đạo Nga được đa số ủng hộ, nhưng thật không sáng suốt nếu tin tưởng hoàn toàn vào các đơn vị tổ chức thăm dò độc lập ở một quốc gia đã chính trị hóa việc thể hiện bất cứ điều gì khác ngoài bản tường thuật chính thức - rằng “hoạt động quân sự đặc biệt” của Vladimir Putin là một hành động danh dự và cần thiết để tự vệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét