Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

20220513. SAI PHẠM Ở VIỆN HÀN LÂM KHXH VIỆT NAM (3)

 ĐIỂM BÁO MẠNG



GS. NGUYỄN VĂN TUẤN: 'MỤC ĐÍCH ĐÀO TẠO TIẾN SĨ KHÔNG PHẢI CHO BỘ MÁY CÔNG QUYỀN'
ĐẶNG LƯỜNG/GDVN 12-5-2022

Vừa qua dư luận xôn xao về một số luận án tiến sĩ “cầu lông” hay 16 luận án kiểu "Quá trình chuyển biến kinh tế xã hội tỉnh ..." của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Giáo sư Y khoa của Đại học New South Wales, Giáo sư của Đại học Công nghệ Sydney, và Adjunct professor (Giáo sư kiêm nhiệm) dịch tễ học và thống kê thuộc Đại học Notre Dame.

Phóng viên: Từ những lùm xùm về luận án tiến sĩ vừa qua, Giáo sư đánh giá như thế nào về chất lượng, cách đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay? Đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài có sự khác biệt gì so với Việt Nam không, thưa ông?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn:Tôi không đánh giá được vì không có những dữ liệu cụ thể. Tuy nhiên, phẩm chất đào tạo tiến sĩ, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội, đã là một vấn đề được nêu ra từ cả 20 năm trước.

Từ hơn 15 năm trước, đã xuất hiện những luận án với những chủ đề na ná nhau, chỉ khác nơi làm nghiên cứu. Rồi những đề tài nghiên cứu tiến sĩ làm công chúng trố mắt ngạc nhiên vì dường như tính khoa học không mấy cao.

Còn quy trình đào tạo tiến sĩ ở chúng ta thì khác nhiều so với các nước phương Tây. Chẳng hạn như ở Úc, các nghiên cứu sinh tiến sĩ phải học toàn thời gian (giống như người đi làm) dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của giáo sư, còn ở Việt Nam tôi thấy quy định đào tạo khá lỏng lẻo vì nghiên cứu sinh vừa học mà vẫn đi làm, hình như không khác mấy giữa học và làm.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ảnh:giaoduc.net.vn)

Các đại học Úc không có buổi lễ bảo vệ luận án, mà luận án được gửi cho các giáo sư ngoài trường đại học (kể cả nước ngoài) để bình duyệt. Tuy không viết ra trên giấy trắng mực đen, nhưng các nghiên cứu sinh ở Úc đều phải công bố ít nhất 2 bài báo khoa học trước khi được phép viết luận án. Ở Việt Nam, các nghiên cứu sinh phải gửi 50 phiếu xin ý kiến nhận xét luận án tóm tắt của nghiên cứu sinh, còn ở các nước phương Tây thì không có quy định này.

Đây không phải lần đầu tiên dư luận bàn về vấn đề này, tuy nhiên gần đây dư luận đang có những cái nhìn sâu hơn về chất lượng đào tạo tiến sĩ nhờ chủ trương công khai thông tin của các cơ quan quản lý. Vậy Giáo sư đánh giá như thế nào về chủ trương này?

Giáo sư Nguyễn văn TuấnChủ trương công khai luận án đã được đề nghị từ hơn 20 năm trước, nhưng chỉ mới thực hiện gần đây. Thật ra, chủ trương này cũng bình thường trong học thuật, vì các đại học phương Tây đã làm như vậy lâu rồi.

Dĩ nhiên, công bố luận án là một tiến bộ vì nó giúp công chúng có thể biết tầm quan trọng của nghiên cứu mà ứng viên đã làm. Tuy nhiên, cho dù luận án được công bố thì để đánh giá nghiêm túc đòi hỏi phải có chuyên môn và thời gian. Nếu không là người trong chuyên ngành và có kinh nghiệm tốt thì khó biết được luận án có đóng góp gì mang tính khoa học.

Nếu công bố luận án mà không công bố dữ liệu gốc làm cơ sở cho luận án thì cũng khó biết được nghiên cứu sinh đã làm đúng hay sai. Do đó, nhiều đại học nước ngoài còn đề ra yêu cầu công bố dữ liệu gốc kèm theo luận án.

Thực tế hiện nay, nhiều địa phương dường như đang có chính sách khuyến khích cán bộ công chức có bằng tiến sĩ. Ví dụ như Hà Nội có ban hành Nghị quyết về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025 và những năm tiếp theo”. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, 40% cán bộ Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Giáo sư đánh giá như thế nào về mục tiêu này của Hà Nội?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi biết chủ trương này, nhưng tôi nghĩ khác. Mục tiêu của đào tạo tiến sĩ là kiến tạo một cộng đồng học thuật phục vụ cho nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học. Văn bằng tiến sĩ có thể ví von như là một passport hay chứng chỉ để làm nghiên cứu khoa học (giống như bằng bác sĩ để hành nghề y). Mục đích của đào tạo tiến sĩ không phải cho bộ máy công quyền.

Cái điểm cốt lõi của học vị tiến sĩ, và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị đại học khác, là nghiên cứu khoa học, không phải quản trị. Do đó, học tiến sĩ vì muốn theo đuổi sự nghiệp hành chính, quản trị kinh doanh, hay các chức vụ hành chính, hay các chức vụ mang tính quản lí trong hệ thống chính phủ thì e rằng là một sai lầm.

Mấy năm gần đây, các nước phương Tây có chương trình đào tạo tiến sĩ hướng nghiệp (professional doctorate) nhằm đáp ứng yêu cầu của kĩ nghệ và chính phủ, nhưng luận án vẫn theo đáp ứng 2 tiêu chuẩn quan trọng là tính nguyên thuỷ (có cái mới) và tầm quan trọng.

Giáo sư có đề xuất gì với các cơ sở đào tạo tiến sĩ và các cấp quản lý để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong đào tạo tiến sĩ?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi không có đề xuất gì cả, vì tôi nghĩ chỉ mất thì giờ mà thôi. Tôi nghĩ quy trình đào tạo và tiêu chuẩn học vị tiến sĩ cần cải cách từ lâu rồi. Cách tốt nhất là tổ chức một uỷ ban chuyên trách nghiên cứu và cải cách toàn diện chương trình đào tạo tiến sĩ sao cho đúng với chuẩn mực ở các nước tiên tiến.

Tôi nghĩ đầu vào rất quan trọng. Việc đánh giá một đề tài nghiên cứu có xứng đáng tầm tiến sĩ hay không cần phải dựa vào những tiêu chuẩn khoa học, chứ không phải phải tuỳ tiện hay theo suy nghĩ cá nhân. Ngoài ra, cần có những tiêu chuẩn cụ thể cho một luận án tiến sĩ, và bộ tiêu chuẩn này có thể tìm thấy đây đó của các hiệp hội khoa học quốc tế.

Hiện nay, đã có quy định nghiên cứu sinh phải công bố 2 bài báo khoa học để được bảo vệ luận án. Nhưng cần phải bổ sung là tập san phải ‘chính thống’, chứ những tập san dỏm hay gần dỏm hay không thuộc một hiệp hội khoa học thì không nên công nhận.

Có những quy định mà theo tôi là không cần thiết. Chẳng hạn như quy định về số trang của luận án; về số tài liệu tham khảo trong nước bao nhiêu, nước ngoài bao nhiêu,... là không cần thiết.

Cũng không cần phải có buổi lễ bảo vệ luận án và càng không cần phải gửi 50 phiếu xin ý kiến nhận xét luận án tóm tắt của nghiên cứu sinh. Nhưng cần phải gửi luận án cho các giáo sư nước ngoài hay ngoài trường đại học đánh giá và bình duyệt.

Phải cải cách để học viên có thì giờ và tập trung tâm trí vào khoa học hơn là đối phó hành chính. Phải cải cách để cái bằng tiến sĩ từ Việt Nam có ý nghĩa quốc tế và người cầm cái bằng đó có thể tự tin và cạnh tranh xin postdoc (hậu tiến sĩ) từ các đại học thuộc các nước tiên tiến.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.

Đặng Lường
ĐỂ LỌT LUẬN ÁN VÔ BỔ: CÓ NÊN TƯỚC HỌC HÀM, HỌC VỊ NGƯỜI HƯỚNG DẪN/ THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG ?
 NGÂN CHI/ GDVN 12-5-2022
GDVN- Theo các chuyên gia, để “lọt” một luận án nghiên cứu “không có ý nghĩa”, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường. Vậy làm sao để ngăn chặn?

Muôn vàn hệ lụy

Câu chuyện về những luận án tiến sĩ với đề tài nghiên cứu được đánh giá là dưới tầm, không có ý nghĩa đang gây nhiều tranh luận và bức xúc trong dư luận, giới trí thức. Nhiều chuyên gia cho rằng, để “lọt” những đề tài như vậy, người hướng dẫn, hội đồng thẩm định mà cụ thể ở đây là Chủ tịch hội đồng phải chịu trách nhiệm.

Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) chỉ ra: “Một khi đề tài đề xuất không đạt mà vẫn được thông qua, thì trách nhiệm thuộc về người tư vấn và đánh giá. Tùy từng cấp độ mà người chịu trách nhiệm khác nhau, tuy nhiên, khi đã xảy ra việc đề tài không đạt yêu cầu mà vẫn duyệt thì trách nhiệm của người duyệt đề tài là rất lớn”.

Đề cập đến hệ lụy của những luận án tiến sĩ được đánh giá là rập khuôn, phạm vi nhỏ hẹp, không có nhiều ý nghĩa với nghiên cứu khoa học, Phó giáo sư Bùi Thị An cho rằng: “Có muôn vàn hệ lụy có thể nảy sinh từ những luận án chưa tương xứng như vậy. Có thể kể đến, đầu tiên là lãng phí. Những đề tài không có ý nghĩa thì khó mà có đóng góp được gì cho xã hội, điều đó là quá lãng phí.

Ngoài ra, với một tư duy, trình độ như thế, những tiến sĩ ấy lại mang kiến thức đó có thể là đi giảng dạy, sẽ trực tiếp ảnh hưởng xấu đến chất lượng học tập, nghiên cứu của những đối tượng được họ truyền đạt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Ảnh: quochoi.vn)

Ngoài ra, còn nguy hiểm ở chỗ, bản thân những người được công nhận là tiến sĩ qua những luận án như vậy, lấy bằng cấp để “thăng quan tiến chức”, rồi có khi sau này chính họ lại trở thành thành viên hội đồng tham gia tư vấn, đánh giá và thông qua tiếp các đề tài luận án tương tự....

Nếu tiếp tục dung túng cho những nghiên cứu sinh như vậy, sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền, hệ lụy vô cùng lớn đối với xã hội”.

Trao đổi thêm về hệ lụy của những đề tài luận án tương tự, Giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân (Nhà giáo nhân dân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ) bổ sung: “Hệ lụy với chất lượng của nghiên cứu sinh đã quá rõ ràng. Còn hệ lụy đối với những người hướng dẫn, những thành viên trong hội đồng phê duyệt, chắc chắn, nếu để “lọt” nhiều đề tài nghiên cứu không có ý nghĩa, không có nhiều hàm lượng khoa học, thì sẽ rất dễ bị dư luận xem thường. Người ta có thể nghĩ rằng, những người này làm việc thiếu nghiêm túc, dẫn đến mất niềm tin...”.

Để không còn những luận án tiến sĩ “hụt tầm”

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, để có những luận án tiến sĩ thực sự chất lượng, cần có một hội đồng tư vấn, đánh giá có trình độ và phẩm chất.

“Trước hết, hội đồng tư vấn, đánh giá các đề tài luận án tiến sĩ phải là những người hiểu rõ về chuyên môn đề tài đang góp ý, không phải cứ cử thành viên có học hàm, học vị nhưng không hiểu về lĩnh vực ấy, thì dù tâm huyết cũng không có tác dụng gì.

Đặc biệt, thành viên hội đồng cũng phải là những người làm việc có nguyên tắc, dựa trên các cơ sở khoa học, chứ không thể xuề xòa, qua loa... Tôi từng thấy, có rất nhiều đề tài nghiên cứu không có ý nghĩa gì mà cũng được duyệt, làm xong chỉ để trong tủ, không thể đưa ra ứng dụng bên ngoài” - Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân đề cập.

Bên cạnh đó, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân cũng phân tích: “Nếu tiếp tục “thả nổi”, tiếp tục để tình trạng tương tự tồn tại, chất lượng giáo dục, đào tạo của Việt Nam cuối cùng sẽ không đi được đến đâu. Vô tình tiếp tay cho tình trạng “bằng cấp thì mang danh là thật, nhưng chất lượng thì lại là giả”, càng để lâu, lĩnh vực nghiên cứu càng không chất lượng.

Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân cho biết, ông từng bắt gặp nhiều đề tài nghiên cứu không có ý nghĩa mà cũng được duyệt, làm xong chỉ để trong tủ, không thể đưa ra ứng dụng bên ngoài. (Ảnh: NVCC).

Để siết chặt hoạt động trên và nâng cao chất lượng tiến sĩ, tôi cho rằng, phải có những chế tài thực sự nghiêm minh. Nghiên cứu sinh khi lựa chọn đề tài làm luận án, chí ít cũng phải chú trọng đến những nội dung liên quan đến các vấn đề mà đất nước đang cần, đang thiếu, còn những đề tài không phục vụ mục đích gì thì không nên làm. Mà đã làm là phải làm cho nghiêm túc, chỉn chu, học thật, nghiên cứu thật, chứ không phải đi sao chép luận án của người đi trước.

Đồng thời, người hướng dẫn và hội đồng đánh giá cũng cần phát huy hết vai trò, không thể dễ dãi thông qua đề tài, để rồi, cho ra đời những luận án “có cũng như không”, những tiến sĩ “rởm”...

Trước đây, tôi cũng đã từng bắt gặp những đề tài “nực cười” tương tự một số đề tài vừa qua được dư luận, giới khoa học phát hiện, nhưng bản thân là người duyệt đề tài, tôi phải ngăn chặn ngay, không thể để những đề tài như vậy trở thành luận án tiến sĩ được. Có những đề tài, nếu như tôi muốn làm và giữ được danh tiếng, thì có thể sẽ phải dành quá nhiều thời gian để sửa và phải sửa gần như toàn bộ... Chính vì vậy, tôi đã trả lại và yêu cầu thực hiện một luận án với đề tài khác”.

Từ những phân tích trên, vị nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nhấn mạnh: “Thậm chí, tôi được biết, từng có tình trạng, do người hướng dẫn và hội đồng thẩm định đề tài cấu kết với nhau nên để “lọt” những đề tài kém chất lượng.

Chính vì vậy, để siết chặt, phải trực tiếp giao trách nhiệm cho người hướng dẫn, cho hội đồng và người trực tiếp phê duyệt, để khi phát hiện ra sai phạm, có thể xử lý triệt để. Thậm chí, nếu để những đề tài như vậy xuất hiện nhiều lần, có thể tước học hàm, học vị của người hướng dẫn hay thành viên hội đồng.

Chúng ta cần chế tài đối với những người làm ẩu, những người đang khuyến khích học giả... Có như vậy, từ những căn cứ, tài liệu tham khảo đã có, chúng ta mới có được những nghiên cứu, cải tiến, mới đóng góp thêm cho kho tàng khoa học của đất nước, của nhân loại”.

Đồng tình với quan điểm đó, Phó giáo sư Bùi Thị An cũng cho rằng: “Để ngăn chặn những tiêu cực trong việc nghiên cứu luận án tiến sĩ, cần truy trách nhiệm rõ ràng. Người nào phê duyệt thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nếu vì không có trình độ mà phê duyệt thì cũng cần thay người có đủ năng lực; nếu có đủ trình độ nhưng lại bị tác động bởi những tiêu cực, vì lợi ích cá nhân mà thông qua thì lại càng phải thay đổi. Hội đồng tư vấn, đánh giá cũng quan trọng nhưng người đứng đầu trực tiếp phê duyệt có tính chất quyết định, cần phải chịu trách nhiệm lớn nhất”.

Ngân Chi
3 LÝ DO KHIẾN BẰNG TIẾN SĨ  CÓ NGUY CƠ 'PHỔ CẬP', 'ĐẺ RA' LUẬN ÁN  
HỮU DANH VÔ THỰC
PHAN THẾ HOÀI/GDVN 11-5-2022
GDVN- Bộ Giáo dục cần chỉ đạo cơ sở đào tạo thành lập hội đồng gồm các thành viên mới để đánh giá lại một số luận án tiến sĩ đầy tai tiếng đã bị dư luận phản ánh.

Ngay sau khi luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" được phản ánh trên các diễn đàn báo chí thì bạn đọc cũng đã tìm được 28 luận án tương tự về lĩnh vực thể dục thể thao được lưu trữ trên trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo tìm hiểu của người viết, trên trang web này còn có 16 luận án tiến sĩ rập khuôn theo một khuôn mẫu, giống như các báo cáo tình hình kinh tế xã hội của các địa phương. Đáng chú ý, tên các luận án được cho là giống nhau về cấu trúc.

Chẳng hạn, "Chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông từ năm 2004 đến năm 2015" [1]; "Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Thái Nguyên từ năm 1997 đến năm 2010" [2]; "Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Hà Nam từ năm 1997 đến năm 2012" [3]; "Quá trình chuyển biến cơ cấu kinh tế của tỉnh Ninh Bình từ năm 1992 đến năm 2012" [4]...

(Ảnh: Phan Thế Hoài)

Vì sao nhiều người đua nhau học tiến sĩ?

Theo nhận định của cá nhân tôi, học vị tiến sĩ ngày càng có xu hướng "phổ cập" vì những lí do chủ yếu sau đây.

Thứ nhất, quy định người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí trong các trường đại học, học viện... đòi hỏi phải có học vị tiến sĩ.

Ngày 19/11/2018, Quốc hội ra Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó Điều 20 quy tiêu chuẩn để được bổ nhiệm là hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học phải có trình độ tiến sĩ. [5]

Bên cạnh đó, trình độ học vấn của trưởng khoa trường đại học được quy định tại khoản 2 Điều 15 Điều lệ trường đại học được ban hành kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nội dung như sau:

Trưởng khoa phải có trình độ tiến sĩ phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo tại khoa. Đối với khoa không đảm nhận chính việc đào tạo một ngành hoặc chuyên ngành để cấp một trong các văn bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, nếu không có tiến sĩ thì hiệu trưởng có thể xem xét bổ nhiệm người có trình độ thạc sĩ vào vị trí trưởng khoa. [6]

Cùng với đó, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo "có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ". [7]

Tôi cho rằng, những quy định về học vị tiến sĩ được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật là hoàn toàn hợp lí nếu họ tham gia vào việc giảng dạy, nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu các vị trí quản lý trong trường không liên quan đến công tác giảng dạy, nghiên cứu thì có nhất thiết phải là thạc sĩ, tiến sĩ không. Đặc biệt, việc bảo vệ, giám sát hành lang pháp lí này thì chưa được những người có trách nhiệm thực thi một cách nghiêm túc.

Đây là lỗ hỏng, kẻ hở cho những người thiếu năng lực, hám danh tìm mọi cách dán nhãn học vị tiến sĩ nhằm mục đích thăng tiến trong công việc khiến nhân cách bị tha hóa, phá hoại nền học thuật chân chính.

Thứ hai, Bộ Giáo dục hạ chuẩn đào tạo tiến sĩ khiến nhiều người muốn có học vị này để được làm "quan", thăng quan tiến chức.

Ngày 28/6/2021, Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. [8]

Đáng chú ý, khoản c, Điều 14 quy định việc đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn được tổ chức khi nghiên cứu sinh đáp ứng yêu cầu:

“Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành;

Các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án”.

Trong khi đó, ở Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT, yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 1 bài báo thuộc hệ thống WoS/Scopus hoặc tương đương (cùng với các điều kiện khác).

Bàn về việc hạ chuẩn đào tạo tiến sĩ, trao đổi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Ngô Việt Trung - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam - cho rằng cái gốc vấn đề nằm ở quy chế bảo vệ luận án tiến sĩ mới bị "tầm thường hóa" gần đây.

"Gốc rễ của vấn đề là do quy chế đào tạo tiến sĩ mới ban hành năm 2021 đã hạ thấp chuẩn đầu ra so với quy chế năm 2017, thậm chí còn thấp hơn quy chế trước năm 2017.

Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017 yêu cầu nghiên cứu sinh bảo vệ phải có công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín nhằm có sự đánh giá khách quan các kết quả nghiên cứu.

Sau khi quy chế năm 2017 được áp dụng, nhiều cơ sở đào tạo, đặc biệt là các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội rơi vào tình trạng ế ẩm, không có học viên tiến sĩ nên Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành quy chế mới cùng những tiêu chuẩn còn thấp hơn quy chế trước năm 2017 với mục đích các cơ sở “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” về quá trình đào tạo", Giáo sư Ngô Viết Trung nhấn mạnh. [9]

Thứ ba, việc đánh giá luận án tiến sĩ tại đơn vị chuyên môn không được thực hiện một cách nghiêm túc, thậm chí làm trái quy định.

Theo khoản 1 Điều 16 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 15/08/2021) quy định về đánh giá luận án tại cơ sở đào tạo, trong đó yêu cầu đối với luận án tiến sĩ để được bảo vệ tại Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo như sau:

"Là báo cáo khoa học tổng hợp kết quả học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh, thể hiện nghiên cứu sinh có khả năng độc lập nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới có giá trị làm gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể;

Đạt quy trình phản biện độc lập;

Tuân thủ quy định của cơ sở đào tạo về hình thức trình bày, kiểm soát đạo văn và những tiêu chuẩn về liêm chính học thuật; minh bạch nguồn tham khảo kết quả nghiên cứu chung của nghiên cứu sinh và của những tác giả khác (nếu có) và thực hiện đúng các quy định khác của pháp luật sở hữu trí tuệ". [10]

Một nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ phải trải qua ba cấp ở trường đại học: cấp bộ môn, cấp khoa, cấp trường. Trong đó, yêu cầu của một luận án tiến sĩ là không được trùng lắp quá 30% so với các đề tài khác đã được công bố.

Nội dung luận án phải có tính mới, hàm lượng khoa học cao, có ý nghĩa khoa học, phương pháp nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn... Thực tế cho thấy có hàng loạt luận án trùng lắp từ tên đề tài cho đến giải pháp... như đã đề cập nhưng không hiểu bằng cách nào vẫn được hội đồng thông qua.

Thiết nghĩ, trước mắt Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo cơ sở đào tạo thành lập hội đồng gồm các thành viên mới để đánh giá lại một số luận án tiến sĩ đầy tai tiếng đã bị dư luận phản ánh thời gian qua.

Sau đó, phải quy trách nhiệm và có hình thức xử lí thích đáng đối với người hướng dẫn, hội đồng bảo vệ luận án nếu có sai trái - tuyệt đối không để những cá nhân có liên quan viện dẫn đề tài đã được hội đồng thẩm định qua nhiều vòng, có đầy đủ thủ tục và biên bản nghiệm thu đúng quy trình để phủi trách nhiệm.

Tài liệu tham khảo:

[1] //luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=38284&fbclid=IwAR0KzTGHd-kzFAD4DMiiwdFepbvH3gLmEf1jCfAdaJQSHUA7hFZyDO3TdE0

[2] //luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=9642&fbclid=IwAR2SNTKfhmAjGajKW8W20GGVcMz5jh3JTcLI3ydt3D3yAoDyEmNOL47PkWM

[3] ://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=30200&fbclid=IwAR1WNUsgY-f7sJ4ffE45-QYza7IE2i2r5H77Nj1csVYmqcswrlr0ialgMH4

[4] //luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=30936&fbclid=IwAR1e0gHufN0eLYF_syk0PGvh-twm0C8FFiOMxXa2KUMEERHkMsh4GqPgGUk

[5] //lsvn.vn/tieu-chuan-de-bo-nhiem-hieu-truong-truong-dai-hoc.html?fbclid=IwAR07dd0ReIocnlp4gBo8BYJYqJ-tELebtRo1khRVrQzgQuYbNSMVMY6u164

[6] //nganhangphapluat.thukyluat.vn/tu-van-phap-luat/giao-duc/truong-khoa-truong-dai-hoc-phai-co-trinh-do-hoc-van-nhu-the-nao-269884

[7] //luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html

[8] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-18-2021-TT-BGDDT-Quy-che-tuyen-sinh-va-dao-tao-trinh-do-tien-si-480305.aspx

[9] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/gs-ngo-viet-trung-neu-bo-gd-khong-sua-quy-che-se-con-tiep-tuc-co-ts-cau-long-post226293.gd

[10] //hoidap.thuvienphapluat.vn/hoi-dap/54CC3-hd-yeu-cau-doi-voi-luan-an-tien-si-duoc-bao-ve-tai-hoi-dong-danh-gia-luan-an-cua-co-so-dao-tao.html?fbclid=IwAR1a5_roC3QWOSaiySA24HNyPy6xjHhcIG97IFFO3eaHBA-jEKcqL5EpMMQ

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài
THỦ TƯỚNG YÊU CẦU KIỂM TRA, GIÁM SÁT CHẤT LƯỢNG 
LUẬN VĂN, LUÂN ÁN
HẢI NGUYÊN/ VNN 13-5-2022
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao.

Chỉ thị cũng chỉ rõ công tác đào tạo nhân lực trình độ cao nói chung, trong đó có đào tạo sau đại học vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo sau đại học nhất là đào tạo trình độ tiến sĩ tại một số cơ sở vẫn để xảy ra sai phạm nhưng chưa được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời; chất lượng của không ít luận án chưa đáp ứng yêu cầu về khoa học và thực tiễn.


Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học nhất là đào tạo trình độ tiến sĩ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ GD-ĐT tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học tiệm cận với chuẩn mực đào tạo quốc tế, đặc biệt ở các ngành có nhu cầu đáp ứng Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Đặc biệt lưu ý phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam về số lượng và chất lượng phù hợp với chuẩn mực và thông lệ của khu vực và thế giới.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong đào tạo sau đại học.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra về tuyển sinh và đào tạo sau đại học

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo sau đại học xây dựng và ban hành đầy đủ các quy định hướng dẫn trong công tác đào tạo sau đại học theo thẩm quyền; nghiêm túc thực hiện chuẩn chương trình đào tạo; quy chế tuyển sinh và đào tạo sau đại học hiện hành;

Kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở đào tạo; thực hiện nghiêm quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo sau đại học, khuyến khích kiểm định theo các tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định khu vực và quốc tế có uy tín;

Thực hiện nghiêm công khai, minh bạch các bước từ tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng, bảo đảm việc phản biện đồng đẳng, sự giám sát của xã hội và các bên liên quan; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các nhà khoa học trong quy trình đào tạo;

Đẩy mạnh việc gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học; thực hiện liên kết đào tạo sau đại học với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín để nâng cao chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực của khu vực và quốc tế;

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nội bộ: quy trình lựa chọn đề tài và hướng nghiên cứu; tiêu chuẩn và điều kiện của người hướng dẫn, phản biện độc lập, các thành viên hội đồng đánh giá luận văn, luận án; trách nhiệm của các nhà khoa học có liên quan đối với chất lượng của luận văn, luận án; việc công bố các kết quả nghiên cứu liên quan đến đề tài luận văn, luận án trên các tạp chí khoa học ở trong nước và quốc tế.

Chỉ thị cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - cơ quan quản lý trực tiếp các cơ sở đào tạo sau đại học chú trọng công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; ưu tiên đầu tư tạo điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo trực thuộc.

Cùng đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của Bộ GD-ĐT về tuyển sinh và đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo trực thuộc; chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị có cán bộ được cử tham gia đào tạo sau đại học tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đào tạo, sử dụng sau đào tạo, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy định.

Hải Nguyên

TIẾN SĨ TRẦN HỮU SƠN: ĐỪNG LẤY DANH TIẾN SĨ VỚI MỤC ĐÍCH

 LÀM 'QUAN'

TÙNG DƯƠNG/GDVN 13-5-2022

GDVN- Những đề tài như vậy, sau 10 năm tới chất lượng tiến sĩ của chúng ta sẽ thế nào? Điều này có thể gây ra hệ lụy cho chất lượng đào tạo sau đại học của Việt Nam?

Gần đây, dư luận xã hội bàn luận rất nhiều về luận án tiến sĩ có tên "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La", đề tài này được hướng dẫn và bảo vệ tại Viện Khoa học Thể dục thể thao.

Nội dung đề tài công bố tháng 12/2021, nghiệm thu thành công cấp Viện ngày 19/1/2022. Nhiều nhà khoa học cho rằng luận án tiến sĩ này không xứng tầm. Đáng lo ngại hơn là các chuyên gia, nhà khoa học cũng chỉ ra nhiều đề tài tương tự.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “Trước hết, có thể nói đề tài Tiến sĩ nghiên cứu về cầu lông này, nếu chúng ta chỉ dựa vào tên đề tài để bàn luận, phê phán cho rằng đề tài này không đem lại lợi ích gì cho xã hội, theo tôi là hơi vội vàng.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Tôi nhớ cách đây khoảng 30 năm, lúc đó, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Lào Cai có đề xuất nghiên cứu và tài trợ cho người dân phục hồi điệu múa Xòe Tả Chải.

Lúc đó có nhiều ý kiến cho rằng múa Xòe thì có gì đâu mà nghiên cứu, có làm ra tiền của gì đâu...., đề án này sau đó không được thực hiện vì không được thông qua.

Nhưng một thời gian sau, cách nhìn nhận của xã hội lúc này cho rằng đây là một di sản văn hóa rất hay cần được nghiên cứu và phát triển. Cuối cùng, điệu múa Xòe này được công nhận là Xòe Tây Bắc.

Vậy nên, môn cầu lông cũng như các môn thể thao khác đều giúp nâng cao sức khỏe.

Có nhiều người phê phán, cho rằng đây là một lĩnh vực hẹp, và thành phố Sơn La cũng hẹp, theo tôi không phải như vậy, với địa bàn tỉnh Sơn La, môn cầu lông có rất nhiều vấn đề. Trong những năm đầu thế kỷ 21, công chức viên chức Sơn La chơi môn cầu lông giỏi nhất vùng Tây Bắc, sau đó là Điện Biên, tại sao lại như vậy? Trong khi Sơn La không phải là tỉnh giàu có, ít được đầu tư xây dựng các khu luyện tập thể thao chất lượng cao.

Nếu bàn về đề tài nghiên cứu Tiến sĩ có tác động hay không, có chất lượng hay không, trước hết là những người trong ngành đó phải lên tiếng, nhưng cho đến nay họ chưa có ý kiến gì, vậy là sao?

Ở đây, chúng ta cần xem hướng tiếp cận vấn đề đó thế nào, mục tiêu của đề án này là gì. Theo tôi có rất nhiều hướng tiếp cận, rất nhiều phương pháp.

Có thể nghiên cứu người chơi môn cầu lông đó sau vài tháng có sức khỏe thế nào, tốt hơn hay bình thường, so với người không chơi môn này liệu có gì khác biệt hay không, hoặc với người chơi thường xuyên sẽ thế nào, vì sao người ta chơi thường xuyên được?

Việc phát triển môn cầu lông đó, nếu chúng ta có con mắt của nhà nhân học, xã hội học, cần phân tích yếu tố giới đối với bộ môn này ra sao, vai trò của lãnh đạo tham gia thế nào. Có phải nơi nào công chức viên chức chơi tốt là do có yếu tố lãnh đạo cũng tham gia hay không?

Nhưng khi đọc kĩ luận án này, tôi thấy tác giả chỉ nói về phong trào thể dục thể thao nói chung mà chưa thấy rõ sự phù hợp như thế nào đối với đặc điểm của đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La. Số liệu điều tra định tính số lượng người quá ít, thực tế đối tượng tham gia không rõ ràng giữa công chức viên chức với cán bộ lãnh đạo,…

Mục tiêu cụ thể của đề tài này cũng chưa phản ánh rõ, phần tổng hợp khó hiểu.

Phương pháp nghiên cứu không đủ sức thuyết phục, không làm rõ được căn cứ khoa học của việc tại sao lại chọn môn cầu lông? Tại sao lại chọn điểm nghiên cứu này? Tại sao lại chọn các mẫu ấy? Theo cá nhân tôi thấy đề tài này chưa đạt tầm một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc”.

Cái nguy của việc làm tiến sĩ theo "form"

Theo ông Sơn: “Hiện nay, tôi rất “sợ” các luận án tiến sĩ nhất là về lĩnh vực kinh tế, nó liên quan đến vận mệnh của cả một tỉnh, một huyện…Tầm quan trọng như thế nhưng tất cả lại chung một cái khung giống nhau.

Bao giờ luận án cũng mở đầu bằng lý thuyết nhưng lại không phân tích được lý thuyết gì, sau đó đến khái niệm, đến chương II là thực trạng và phần này với những hạn chế đang tồn tại. Chương III là giải pháp, phần này cũng rất chung chung chứ chưa đưa ra được giải pháp hiệu quả.

Tôi rất sợ những luận án kiểu cầu lông, hay về kinh tế,…nhưng có chung một cách viết, hay nói đúng hơn là copy rồi thay đổi tên và số liệu, không có tính sáng tạo.

Họ đều lấy một form luận án có sẵn trong thư viện, chỉ việc lấy ra đắp số liệu vào, chính vì vậy mà đề tài của tỉnh A giống hao hao tỉnh B.

Việc cần nói ở đây là phương pháp thực hiện đề tài thế nào, theo tôi biết khi làm Tiến sĩ tại Úc, họ dành một môn điều tra tư liệu mang tính định tính, chỉ một vấn đề định tính mà đã phải có thời gian hơn 6 tháng nghiên cứu, trong khi đó học định tính của nhiều trường đại học ở Việt Nam chỉ có trên dưới 10 tiết.

Vậy nên việc điều tra định tính chúng ta làm không được, làm định lượng lại càng yếu vì rất ít dạy về phương pháp.

Điều quan trọng nữa là tiếp cận theo lý thuyết gì? Hầu hết nghiên cứu sinh của ta và các thầy hướng dẫn ít chú ý đến điều này bởi trình độ ngoại ngữ của ta yếu. Ngoại ngữ kém dẫn đến khó tìm được nhiều lý thuyết phù hợp với đề tài nghiên cứu, mà đã không có lý thuyết thì cái nào cũng giống nhau”.

10 năm nữa chất lượng tiến sĩ sẽ thế nào?

Ông Sơn nếu quan điểm: “Tôi biết có lãnh đạo địa phương đặt mục tiêu đến năm nào phải đạt bao nhiêu phần trăm cán bộ lãnh đạo tỉnh đó có trình độ Tiến sĩ. Theo tôi, mục tiêu này

Tiến sĩ là cấp hàm nghiên cứu khoa học thực nghiệm, còn việc quản lý nhà nước lại khác. Nhìn đâu cũng thấy Tiến sĩ, nhưng thử hỏi những vị đó có công trình nghiên cứu gì, công bố ở đâu?

Làm quản lý và làm khoa học khác nhau, đừng lấy danh tiến sĩ khoa học để làm quản lý, lấy danh tiến sĩ với mục đích làm “quan”.

Tôi thấy rất phổ biến hiện nay có việc một số cán bộ đang là lãnh đạo, lại đi “làm thêm” tiến sĩ là không chuẩn, bởi những vị này lấy đâu ra thời gian?

Bản thân tôi đã làm tiến sĩ nên tôi quá hiểu, bởi thời gian vài năm trời chỉ có nghiên cứu, vậy nên những vị lãnh đạo kia “đóng cửa” công việc suốt mấy năm liền để làm tiến sĩ hay sao?

Tôi cho đó là sai. Việc làm tiến sĩ mất rất nhiều thời gian, từ học lý thuyết, cập nhật thêm kiến thức, rồi nghiên cứu… vậy mà vị lãnh đạo đó vừa giải quyết công việc chuyên môn, lại vừa làm tiến sĩ.

Đó là nói dối.

Hơn nữa, các nguyên tắc đề bạt cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp cũng được áp dụng giống với các cơ quan học thuật. Điều đó vô hình chung đã khuyến khích tạo ra các luận án tiến sĩ không đúng tầm.

Với những đề tài “cầu lông", trước hết phải hỏi đến trách nhiệm của người duyệt, hướng dẫn đề tài này, hội đồng gồm những ai, có trong ngành và am hiểu về thể thao hay không?

Theo tôi, với những đề tài thế này, lỗi không phải chỉ tại nghiên cứu sinh mà còn cần nhìn nhận trách nhiệm của người hướng dẫn, chọn đề tài. Thử đặt vấn đề nếu chủ nhân của các luận án tiến sĩ trên giữ các vị trí lãnh đạo sẽ dẫn đến hậu quả ra sao?

Điều nữa, phải siết chặt việc học tiến sĩ bởi không ít cán bộ, công chức hiện nay đua nhau đi học tiến sĩ, nếu những vị đó chuyển sang nghiên cứu khoa học thì hãy thôi làm lãnh đạo.

Còn làm giám đốc sở, quản lý nhà nước thì cần phải đi học quản lý hành chính công, chứ không phải cố “gắn mác” tiến sĩ ngành chung chung.

Việc “hạ chuẩn” đào tạo Tiến sĩ theo quy chế mới của Bộ giáo dục và Đào tạo (cụ thể là Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT) là không đúng với sự phát triển của khoa học, thậm chí còn là bước thụt lùi.

Thử hỏi sau 10 năm tới liệu chất lượng tiến sĩ của chúng ta sẽ thế nào? Điều này có thể gây ra hệ lụy cho chất lượng đào tạo sau đại học của Việt Nam”.

Tùng Dương
TỪ PHONG TRÀO SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM TRONG GIÁO DỤC ĐẾN 
'TIẾN SĨ CẦU LÔNG'
NGUYÊN KHANG/GDVN 13-5-2022

Những ngày qua, câu chuyện “tiến sĩ cầu lông” đang làm “nóng” các phương tiện thông tin đại chúng và người ta bàn luận nhiều về những đề tài khoa học vô thưởng, vô phạt bởi nó chẳng giúp ích gì cho xã hội mà chỉ làm lợi cho một số ít cá nhân mà thôi.

Luận án tiến sĩ mà còn như vậy thì thử hỏi những luận văn, khóa luận chắc cũng không ít đề tài sao chép, có nội dung na ná như nhau nhưng đa phần đều xếp loại xuất sắc trong sự hoan hỉ của nhiều người.

Ở các trường mầm non, phổ thông học hiện nay có một dạng na ná như làm nghiên cứu khoa học và được gọi là “sáng kiến kinh nghiệm” cũng đang khiến cho nhiều người ngao ngán nhưng nó vẫn đang tồn tại.

Mỗi năm, trường nào cũng có từ một nửa, thậm chí là 2/3 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị viết sáng kiến kinh nghiệm, tốn kém không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc nhưng công nhận giải xong rồi phần lớn những đề tài này bỏ xó, gần như chẳng có tác dụng gì về thực tiễn.

Nhiều sáng kiến kinh nghiệm hiện nay chỉ là lý thuyết suông (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Mỗi năm có hàng trăm ngàn sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục

Hiện cả nước có hơn 1,3 triệu giáo viên và cứ như cách phát động, số lượng người tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm ở những năm qua thì chỉ cần 30% giáo viên trong trường tham gia cũng đã có gần 400 ngàn đề tài sáng kiến kinh nghiệm.

Khi tham gia cấp trường, giáo viên nộp 2 bản in, nếu đạt giải A thì nộp mới 2 bản để gửi về phòng giáo dục và nếu đạt giải A cấp huyện thì tiếp tục in thêm 2 bản nữa để gửi về sở giáo dục và đa phần giáo viên đều in màu để tạo điểm nhấn cho với người chấm.

Điều dễ thấy là phần lớn giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm là đạt giải A, B, C cấp trường. Chỉ những đề tài nào tệ lắm, lấy trên mạng internet nhiều quá thì mới bị rớt. Tất nhiên là trường phải chi tiền cho người chấm (2 giám khảo/ đề tài) và khen thưởng cho người đạt giải.

Những đề tài đạt giải A cấp trường thì sẽ được giám khảo chấm góp ý để thêm bớt một số chỗ không cần thiết và giáo viên đó sẽ tiếp tục in lại 2 bản để gửi về phòng giáo dục. Lên đến cấp phòng thì đương nhiên cũng phải 2 giám khảo chấm/ đề tài và số tiền thù lao sẽ cao hơn cấp trường.

Những đề tài đạt giải từ giải C trở lên là được khen thưởng và cũng là tiêu chí để cuối năm học được xét danh hiệu thi đua từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.

Và, những giải A cấp huyện thì được gửi về sở giáo dục để chấm. Những thủ tục chấm cũng tương tự như cấp trường, cấp huyện nhưng khen thưởng đối với cấp tỉnh thì cao hơn nhiều.

Như vậy, chỉ riêng tiền in ấn, tiền giải thưởng, tiền trả thù lao cho người chấm, cho chủ tịch, phó chủ tịch hội, thư ký, một số thành viên hội đồng chấm thì chỉ cấp trường cũng đã tốn kém hàng chục triệu đồng đối với trường loại II, loại III.

Những trường loại I thì số lượng giáo viên tham gia đông hơn và lẽ dĩ nhiên là tiền của giáo viên và nhà trường còn phải chi nhiều hơn nữa.

Lên đến cấp huyện, cấp tỉnh chỉ riêng mỗi năm tiền phát thưởng cho giáo viên cấp huyện được công khai cũng lên đến vài chục triệu đồng. Nhưng có lẽ tiền trao giải thưởng sẽ chưa cao bằng tiền chi cho giám khảo và hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm.

Tuy nhiên, đây mới là tiền giáo viên và ngân sách nhà nước phải chi trực tiếp cho việc in ấn, chấm giải và khen thưởng, còn một khoản nữa mà ngân sách phải chi gián tiếp cho sáng kiến kinh nghiệm cũng tốn kém rất nhiều hàng năm là tiền khen các danh hiệu thi đua.

Tiền ngân sách chi gián tiếp cho sáng kiến kinh nghiệm

Theo hướng dẫn về việc xét thi đua hiện nay ở ngành giáo dục thì chỉ những cá nhân có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải từ cấp huyện trở lên mới được khen thưởng danh hiệu cao như: Chiến sĩ thi đua cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Bằng khen cấp tỉnh; Bằng khen cấp Bộ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Trong những danh hiệu này, số tiền chi cho danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở hiện nay là thấp nhất (đối với những cá nhân có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp huyện trở lên) cũng cao hơn 3 lần danh hiệu Lao động tiên tiến (những cá nhân không có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải).

Chính vì thế, số tiền mà ngân sách phải chi hàng năm cho danh hiệu thi đua là một con số cũng rất lớn. Nếu cộng cả tiền chi trực tiếp cho sáng kiến kinh nghiệm ở cả ngành giáo dục thì đã là một con số khổng lồ…

Đó là chưa kể những người có danh hiệu thi đua cao thì đương nhiên họ sẽ được đơn vị xét nâng lương trước hạn.

Nhưng, nếu tất cả những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải mà hữu ích, đem lại những giá trị thực tế cho công việc, cho ngành thì cũng đáng để chi, để khen thưởng. Đằng này, phần lớn sáng kiến kinh nghiệm là sao chép, xin xỏ, chấm “theo địa chỉ” nên sau mỗi năm học thì số phận những “đề tài khoa học” này cũng hết giá trị.

Bỏ tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm trong xét thi đua mới mong “làm sạch” được những giả dối

Trong ngành giáo dục hiện nay có rất nhiều phong trào, hội thi khác nhau nhưng lạ nhất là chỉ có phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm là được đề cao nhất, là tiêu chí bắt buộc trong việc xét thi đua đối với các danh hiệu thì Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.

Các công việc quan trọng trong nhà trường đòi hỏi về khả năng, trình độ, tâm huyết của nhà giáo như giảng dạy, kết quả thi tuyển sinh 10, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi giáo viên giỏi các cấp, thậm chí là ôn thi học sinh giỏi đạt giải cao mà không có sáng kiến kinh nghiệm thì cũng chỉ có thể được xét danh hiệu Lao động tiên tiến mà thôi.

Chính vì thế, một bộ phận giáo viên hiện nay họ xem trọng và “đầu tư” để mỗi năm có 1 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là họ có tất cả mà viết sáng kiến kinh nghiệm thì đơn giản mà nhàn hơn rất nhiều các phong trào, các hội thi khác.

Đã đến lúc lãnh đạo Bộ cần nghiêm túc đánh giá khách quan về giá trị và hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm hiện nay của ngành. Đồng thời, cũng cần ràng buộc những cá nhân có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải phải áp dụng vào công việc thực tế chứ không thể “để trên giấy” mãi được.

Nếu không, sáng kiến kinh nghiệm sẽ tiếp tục nổi trôi từ địa phương này sang địa phương khác. Thị trường sáng kiến kinh nghiệm vẫn sôi nổi chuyện bán mua, trao đổi chẳng ai kiểm soát được.

Nhưng, cái mất là niềm tin của những nhà giáo tâm huyết với ngành và ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương luôn phải khen cho những nhà giáo chưa thực sự xứng đáng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG
CHẤN CHỈNH 'TIẾN SĨ DỎM', CẦN XÂY DỰNG HỆ GIÁ TRỊ VỀ ĐẠO ĐỨC KHOA HỌC
NGUYỄN TRỌNG BÌNH/GDVN 14-5-2022
GDVN- Tại sao một giáo sư cùng lúc hướng dẫn rất nhiều học viên, thậm chí hướng dẫn, phản biện cả những đề tài không phải chuyên môn của mình… bất chấp quy định?

Chuyện không mới

Tiến sĩ, giáo sư vốn là học vị, học hàm dành cho những người trải qua quá trình học tập nghiên cứu nghiêm túc và bền bỉ.

Họ là những người đóng góp cho giáo dục và khoa học nước nhà bằng những suy nghĩ tư tưởng có tính tiên phong, dẫn dắt; hay những phát minh, phát kiến thiết thực.

Từ đó tham mưu hoặc phản biện những chủ trương, sách lược nhằm xây dựng và phát triển đất nước...

Tiến sĩ, giáo sư vì thế, được xem là “bộ mặt tinh thần”, “bộ mặt tri thức và văn hóa” của một dân tộc không chỉ trong tư cách của những nhà khoa học mà còn là tư cách của những người trí thức chân chính.

Thế nhưng, đáng tiếc thay, thời gian qua những danh xưng này đã và đang bị mỉa mai, phê phán từ cộng đồng xã hội.

Bởi có không ít người tuy cũng mang danh tiến sĩ, giáo sư nhưng chỉ nghe tên “công trình” nghiên cứu của họ thôi đã là một nỗi hổ thẹn cho nền học thuật nước nhà; cho những ai còn biết tự trọng.

Vẫn biết dư luận và tâm lý đám đông đôi khi rất cực đoan và cay nghiệt nên đã vô tình làm tổn thương những nhà khoa học chân chính và tử tế.

Nhưng thử hỏi tất cả “những người trong cuộc” có bao giờ tự phản tỉnh và nghiêm túc nhìn lại vấn đề này từ chính bản thân mình chưa?

Còn nhớ, năm 2017, thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng thanh tra và kết luận nhiều sai phạm ở Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam liên quan đến vấn đề đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ [1].

Thế nhưng, mọi chuyện sau đó lại rơi vào im lặng để đến hôm nay một lần nữa Thanh tra Chính phủ lại thanh tra và phát hiện những sai phạm như thế.

Đặc biệt, những ngày qua lại một lần nữa dư luận bị “sốc” vì đề tài nghiên cứu tiến sĩ mà theo nhiều chuyên gia là rất “không xứng tầm” thậm chí còn thua cả đề tài nghiên cứu của sinh viên đại học.

Ảnh minh họa: Mattran.org.vn

Đạo đức nghề nghiệp, đạo đức khoa học xuống cấp nghiêm trọng

Có không ít ý kiến cho rằng, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo hạ chuẩn đào tạo tiến sĩ liên quan đến các bài bài công bố trên các tạp chí quốc tế là nguyên nhân làm cho chất lượng đào tạo tiến sĩ bị giảm sút. Ý kiến này không phải không có cơ sở, dẫu vậy, theo tôi đây không phải là nguyên nhân cốt tử nhất.

Tại sao những đề tài, những “công trình khoa học” rất “không xứng tầm” như đề tài “tiến sĩ cầu lông” và hàng loạt đề tài na ná nhau như thế (có người mỉa mai gọi là sự nhân bản đề tài tiến sĩ) nhưng người hướng dẫn vẫn đồng ý cho triển khai? Và cả hội đồng thẩm định cũng toàn giáo sư, tiến sĩ cũng đồng ý thông qua?

Hay tại sao, một giáo sư cùng lúc hướng dẫn rất nhiều học viên, thậm chí hướng dẫn, phản biện cả những đề tài không phải chuyên môn của mình… bất chấp quy định hiện hành?

Trong học thuật, những trí thức, những nhà khoa học chân chính, có lòng tự trọng không ai cho phép mình vượt qua những giới hạn về những hiểu của bản thân để nhận lời hướng dẫn hay phản biện những công trình khoa học mà mình không có chuyên môn.

Ngoài ra, khách quan mà nói, quy trình hướng dẫn và thẩm định luận án tiến sĩ hiện nay ở Việt Nam, theo tôi là rất chặt chẽ nếu không muốn nói là “khắc nghiệt” vì phải qua rất nhiều vòng thẩm định và phản biện kín. Thế nhưng, tại sao với một quy trình như thế nhưng vẫn để lọt lưới những luận án không xứng tầm?

Trả lời những câu hỏi trên sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn vấn đề chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay không hẳn do các tiêu chuẩn có “phù hợp với thông lệ quốc tế” mà quan trọng và trước hết nó phụ thuộc về vấn đề “đạo đức khoa học”, “đạo đức nghề nghiệp” của chính “những người trong cuộc”.

Chúng ta không phủ nhận việc muốn hội nhập với bạn bè thế giới, nhất định phải hòa vào “luật chơi” chung. Nhưng thiển nghĩ tất cả cần phải có lộ trình chứ không nên nóng vội.

Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có trường đại học nào lọt vào tốp 200 thế giới nhưng lại đề ra chuẩn nghiên cứu khoa học ngang tầm với họ là điều không thực tế.

Ở phương diện nào đó, việc cố chạy theo “tiêu chuẩn quốc tế” cũng là một nguyên nhân làm cho chất lượng đào tạo tiến sĩ đi xuống.

Vì khi không đủ năng lực và phẩm chất để đạt được mục tiêu “quá tầm với” nên không ít người đã gian dối trong cách làm.

Đó cũng là lý do vì sao gần đây vấn nạn mua bán bài báo khoa học nở rộ trong nước, còn trên thế giới các tạp chí khoa học dỏm liên tiếp ra đời để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của Việt Nam.

Đó là chưa kể để “lách luật” và hợp thức hóa các tiêu chuẩn, không ít cơ sở giáo dục còn tự đứng ra tổ chức các “hội thảo quốc tế” mà đôi khi chỉ có một vài “nhà khoa học” của vài nước bạn láng giềng tham dự…

Giải pháp nào?

Để khắc phục tình trạng “lò ấp” tiến sĩ hiện nay, chúng tôi cho rằng thời gian tới, ngành giáo dục cần phối hợp đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần có một cuộc “tổng kiểm kê”, rà soát toàn diện; kiên quyết xử lý các trường hợp gian dối về văn bằng, các vi phạm về quy chế đào tạo; hay vấn nạn đạo văn, đạo luận án… trước hết là ở các cơ sở đào tạo mà dư luận phản ánh.

Thứ hai, nghiên cứu sửa đổi quy chế về đào tạo tiến sĩ sao cho “vừa tầm” với mặt bằng chung về giáo dục và khoa học, công nghệ ở Việt Nam. Như đã nói, nền tảng khoa học và giáo dục của Việt Nam hiện rất khiêm tốn nên việc đề ra những tiêu chuẩn như ở các quốc gia tiên tiến là “lợi bất cập hại” trong bối cảnh hiện nay.

Chúng ta không tự ti nhưng một khi ý thức được vị thế của mình ở đâu thì sẽ hạn chế những sai sót và tiêu cực không mong muốn.

Nội lực chúng ta yếu mà muốn nhanh chóng sánh ngang với tầm vóc của những người đi trước mình hàng 100 năm nếu không là sự ảo tưởng cũng là vô tình tạo điều kiện cho sự giả dối lên ngôi. Thực tế, đào tạo tiến sĩ của chúng ta thời gian qua đã cho thấy điều đó.

Nên chăng, việc yêu cầu về các bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín trước mắt chỉ nên áp dụng với đối tượng là những người muốn được công nhận học hàm giáo sư, phó giáo sư…

Đương nhiên, chúng ta rất hoan nghênh với những người là thạc sĩ, tiến sĩ nhưng vẫn có bài đăng trên các tạp chí uy tín. Và điều này nên được khuyến khích, động viên bằng những chính sách cụ thể.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là cần củng cố và xây dựng lại hệ giá trị liên quan đến các vấn đề về liêm chính học thuật, đạo đức khoa học, đạo đức nghiệp nghiệp cho đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học bằng các quy định cụ thể.

Đặc biệt, là việc liên đới chịu trách nhiệm đối với những người làm công tác hướng dẫn và phản biện khoa học.

Có thể thấy, thời gian qua, không ít người sau khi nhận ra những bất cập trong quy trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; điều kiện để phong học hàm phó giáo sư, giáo sư nên đã kiến nghị giáo dục phải siết chặt và nâng cao tiêu chuẩn cho phù hợp với “thông lệ quốc tế”…

Thế nhưng, đáng buồn thay, trong nhiều trường hợp chính họ chứ không phải ai khác, trong tư cách người hướng dẫn hoặc phản biện các luận văn, luận án, đề án,… đã “cố tình dễ dãi” thông qua các luận án, công trình kém chất lượng; gây ra cảnh “vàng thau lẫn lộn”.

Không ít “cây đa cây đề” ngoài miệng thì lên án, mỉa mai học hàm, học vị của người khác nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy cũng chính họ đã bỏ phiếu thông qua và cấp bằng cho chính những cá nhân kia.

Đã đến lúc cần nhanh chóng luật hóa tất các vấn đề trên nếu không muốn tình trạng ngày một trầm trọng hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1]. “Một Giáo sư hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh cùng lúc”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/ket-luan-thanh-tra-viec-dao-tao-thac-si-tien-si-tai-hoc-vien-khoa-hoc-xa-hoi-395371.html

Nguyễn Trọng Bình
'TÔI KHÔNG TIN LÀ HẬU KIỂM CÓ THỂ KẾT LUẬN THU HỒI BẰNG TIẾN SĨ CỦA MỘT AI ĐÓ'
PHẠM MINH/GDVN 14-5-2022
GDVN- Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, yêu cầu bài báo quốc tế như là một trong những sản phẩm đầu ra có thể coi là giải pháp khả dĩ cho công tác đào tạo tiến sĩ.

Thời gian qua, đào tạo tiến sĩ lại trở thành vấn đề nóng khi xuất hiện những đề tài, luận án tiến sĩ gây nhiều tranh cãi. Nhiều người băn khoăn khi nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu những đề tài quá hẹp, chưa “xứng tầm” tiến sĩ.

Chia sẻ vấn đề này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã khuyến cáo, các hội đồng xét duyệt và người hướng dẫn cần nghiêm túc, nghiêm minh, không duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm của một luận án tiến sĩ, gây dư luận xã hội như đang được lan truyền, đặc biệt là đối với những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý. [1]

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng rất khó để “hậu kiểm” với đề tài nghiên cứu đang gây xôn xao dư luận thời gian qua, bởi vấn đề là ở Hội đồng bảo vệ và giáo viên hướng dẫn, còn nghiên cứu sinh chỉ làm theo quy trình, yêu cầu đã đặt ra.

Và thực tế, lực lượng nghiên cứu ở nước ta đang vừa thiếu lại vừa yếu về số lượng lẫn chất lượng.

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia. (Ảnh: NVCC)

Các đề tài nghiên cứu đủ chất lượng thì thường lại có chuyên môn rất sâu, và thường là ở Việt Nam hiếm có đủ người chuyên môn giỏi để tham gia vào Hội đồng bảo vệ, đây chính là “khoảng trống” lớn của khoa học Việt Nam.

“Tôi cho rằng, việc dư luận đánh giá một luận án tiến sĩ thông qua tên đề tài có giá trị tham khảo thôi, bởi để đánh giá đúng thì vẫn cứ phải thông qua Hội đồng chuyên môn trong ngành hẹp.

Nếu chúng ta tiếp tục đánh giá như vậy thì câu chuyện này sẽ không bao giờ đi đến hồi kết.

Quan trọng là chúng ta phải có một Hội đồng đủ năng lực chuyên môn để đánh giá chất lượng của một đề tài, một luận án.

Về lâu dài, nếu không tìm kiếm được đủ thành viên Hội đồng chuyên môn đủ năng lực với từng đề tài thì có thể mời các chuyên gia quốc tế (bao gồm người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài) tham gia vào Hội đồng này. Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi kinh phí cao, tốn kém, trong ngắn hạn có lẽ chưa áp dụng được.

Vậy cách còn lại là chúng ta phải đặt ra tiêu chuẩn đánh giá 1 phần luận án tiến sĩ thông qua bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI hoặc Scopus. Đây cũng chỉ là tiêu chuẩn tối thiểu, mức sàn thấp nhất mà chúng ta hướng tới đảm bảo tính hội nhập quốc tế”, Tiến sĩ Hiệp nêu quan điểm.

Với cách làm này, ít nhất chúng ta cũng yên tâm là một phần luận án tiến sĩ đã được một Hội đồng biên tập và các phản biện của một tạp chí quốc tế theo chuẩn ISI/Scopus thông qua.

Bãi bỏ Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT là bước thụt lùi trong đào tạo tiến sĩ

Tiến sĩ Phạm Hiệp cho biết, vấn đề chất lượng tiến sĩ thực tế đã được nêu ra từ cách đây hơn 10 năm, nhưng dường như không có nhiều giải pháp đột phá.

Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT (Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2017) trong đó yêu cầu nghiên cứu sinh phải có 01 bài báo ISI/Scopus hoặc 2 bài hội thảo quốc tế từng được xem là một biện pháp tốt, là chốt chặn quan trọng để loại bỏ những “lò ấp” tiến sĩ.

Thế nhưng, chỉ sau có 3 năm áp dụng, chưa có dịp tổng kết, đánh giá thì không hiểu sao quy định này đã được bãi bỏ và thay bằng Thông tư 18/2021.

“Cần lưu ý, những đề tài gây tranh cãi thời gian qua phần lớn đều là sản phẩm của các nghiên cứu sinh nhập học trước 2017 (trước khi Thông tư 08 ra đời). Vậy mà giờ chúng ta bỏ Thông tư 08 là chúng ta lại quay về thời kỳ trước, là bước thụt lùi trong đào tạo tiến sĩ”, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho hay.

Đối với những phản ánh liên quan tới chất lượng luận án tiến sĩ, chất lượng đào tạo tiến sĩ thời gian qua, Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành. [2]

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng rất khó để “hậu kiểm” với đề tài nghiên cứu đang gây xôn xao dư luận thời gian qua, bởi thực tế nghiên cứu sinh hầu như đáp ứng đúng những gì đã quy định.

“Tôi không tin là hậu kiểm có thể đưa ra kết luận rút lại bằng tiến sĩ của một ai đó.

Trong tương lai, tôi đề xuất quy định về bài báo quốc tế đối với nghiên cứu sinh có thể được khôi phục lại.

Đây có thể không phải là giải pháp tốt nhất, nhưng lại là giải pháp khả dĩ nhất cho chúng ta trong bối cảnh hiện nay” – Tiến sĩ Hiệp cho biết.

Trong đào tạo tiến sĩ, giữa số lượng và chất lượng thì cần phải ưu tiên chất lượng. Nhưng cách làm của chúng ta hiện nay là đang ưu tiên số lượng.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Phạm Hiệp kỳ vọng vào sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện Đề án 89, theo đó, học bổng không chỉ cấp cho nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài mà cả nghiên cứu sinh học tại các chương trình tiến sĩ trong nước.

Tất nhiên, mức học bổng đó phải giúp nghiên cứu sinh đủ sống, để không phải lăn tăn gì đến việc phải kiếm tiền trong 3-4 năm làm nghiên cứu sinh.

Về cách thức làm việc của Hội đồng chuyên môn, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho biết, mô hình ngồi họp hội đồng hiện nay đã lỗi thời.

Chúng ta cần học mô hình đánh giá của Quỹ NAFOSTED và cách làm của một số quốc gia phát triển, hồ sơ được gửi đến các ủy viên, sau đó được đánh giá, phản biện và trả lời bằng văn bản. Đây là cách làm khoa học, khách quan và tiết kiệm thời gian thay vì 1 ngày ngồi 18 hội đồng bảo vệ như một số Hội đồng đang làm hiện nay

Tài liệu tham khảo:

[1] [2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/lum-xum-ve-luan-an-tien-si-vu-truong-vu-gddh-noi-gi-post226332.gd

Phạm Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét