Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

20220506. SAI PHẠM Ở VIỆN HÀN LÂM KHXH VIỆT NAM (1)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


NGHIỆM THU ĐỀ TÀI KHOA HỌC NHƯ MÁY, NGUỒN NHÂN LỰC THỰC SỰ CHẤT LƯỢNG CAO?

NGUYỄN DUY XUÂN/ VNN 4-5-2022

Xem kết quả thanh tra đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ do Thanh tra Chính phủ công bố, dư luận không còn “dậy sóng” bởi đối tượng thanh tra, chẳng phải ai xa lạ: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Đây là nơi có những cơ sở đào tạo được dư luận ví von chẳng khác gì “lò ấp”, cho “nở” số lượng tiến sĩ, thạc sĩ nhiều như người ta ấp trứng gà, từ mấy năm trước.

Trung bình hàng năm Viện Hàn lâm KHXHVN cho ra lò hơn 200 tiến sĩ và hơn 1.000 thạc sĩ

Không ngạc nhiên nhưng lại rất đáng lo ngại vì chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao nơi đây, bởi trung bình hàng năm Viện Hàn lâm KHXHVN cho ra lò hơn 200 tiến sĩ và hơn 1.000 thạc sĩ.

Tốc độ ngang chấm bài thi của học sinh

Những thông tin mà Thanh tra Chính phủ đưa ra sau đây khiến dư luận giật mình.

Theo kết luận thanh tra, nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tại Viện kém chất lượng, trùng lặp hoặc không có đóng góp gì cho khoa học xã hội.

“3 đề tài, nhiệm vụ không có đóng góp về khoa học cho xã hội; 18 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ nhưng không nghiệm thu cấp bộ; 29 đề tài, nhiệm vụ trùng thời gian; 30 hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ không đúng thành phần; 55 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp bộ được giao cho cá nhân ngoài đơn vị chủ trì; 191 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở không đúng thành phần,...”, kết luận thanh tra chỉ rõ.

Đặc biệt, có những ngày các đơn vị thuộc Viện đạt tốc độ nghiệm thu đề tài khoa học phi mã. Viện Nghiên cứu châu Âu, nghiệm thu từ 15 đến 18 đề tài/ngày; Viện Ngôn ngữ học 13 đến 22 đề tài/ngày; Viện Sử học 7 đến 11 đề tài/ngày.

Những con số nêu trên dư luận không mấy ngạc nhiên khi chỉ trong 2 năm 2015 và 2016, Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN) đã cho ra lò 700 tiến sĩ và 2.811 thạc sĩ, tính ra cứ trong khoảng thời gian 1 ngày, lại có 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ “chào đời”.

Năm 2017, tuy chỉ còn 86 chỉ tiêu tuyển sinh cho khối ngành III (Kinh doanh và quản lý, Pháp luật) và VII (Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin...), nhưng Học viện vẫn đăng ký chỉ tiêu tăng gấp hàng chục lần: 435 chỉ tiêu tiến sỹ và 1.600 thạc sỹ.

Với một lượng cực lớn chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ như vậy, thì chuyện nghiệm thu đề tài khoa học với tốc độ ngang việc chấm bài thi của học sinh là điều dễ hiểu.

Vấn đề đáng quan tâm và hết sức lo ngại là chất lượng thực sự của “nguồn nhân lực chất lượng cao”, tức những “ông nghè, ông cống” mà Viện Hàn lâm KHXHVN đã “sản xuất” cho đất nước không chỉ thời gian vừa qua (giai đoạn thanh tra 2015-2019) mà còn trong những năm trước mắt.

Theo đó, một “thị trường” khủng đã được phê duyệt, đấy là đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ đến năm 2025 với nguồn kinh phí lên đến 12.000 tỉ, trong khi đề án 911 (phê duyệt năm 2010) với mục tiêu đến năm 2020 đào tạo 23.000 tiến sĩ chưa kết thúc.

Ai dám đảm bảo, với những đề án duy ý chí, đầy tham vọng như thế, lại không tiếp tục xuất hiện những “lò ấp” để lấp đầy chỉ trong một thời gian ngắn, hàng vạn “hiền tài” cho quốc gia?

Nguyễn Duy Xuân


SAI PHẠM Ở VIỆN HÀN LÂM KHXH VN: 'KỶ LỤC' NGHIỆM THU 18 ĐỀ TÀI 

KHOA HỌC/ NGÀY

TRUNG DŨNG/GDVN 4-5-2022

Theo thống kê được kết luận thanh tra về công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo, cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015 - 2019 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (sau đây gọi tắt là Viện Hàn lâm) nêu ra, Viện này đã tổ chức thực hiện trên 3.000 đề tài nhiệm vụ, trong đó có trên 500 đề tài, nhiệm vụ cấp Nhà nước, cấp Bộ.

Công tác đào tạo trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng được quan tâm chú trọng; hàng năm đào tạo trên 200 tiến sĩ, trên 1.000 thạc sĩ các ngành, chuyên ngành.

Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, Viện Hàn lâm được đánh giá là thực hiện chưa tốt công tác quản lý tài chính, tài sản, thực hiện các dự án tổ chức nghiên cứu khoa học, để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.

Trong đó, những khuyết điểm, sai phạm về công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ còn nhiều trong thời gian trước năm 2017. Từ năm 2017 đến nay, các sai phạm cơ bản đã được khắc phục.

'Kỷ lục' nghiệm thu 18 đề tài khoa học /ngày

Bên cạnh đó, trong việc ban hành các Quy chế Quản lý khoa học của Viện Hàn lâm được cho là còn nhiều bất cập, không hợp lý, dẫn đến các đơn vị cấp dưới không tiếp thu kịp thời, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Quy trình thực hiện nhiều đề tài không đúng quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và Quy chế Quản lý khoa học.

Nhiều Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp cơ sở tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam được xác định là thực hiện không đúng quy định khi nghiệm thu trong cùng một ngày nhiều đề tài. Ảnh: T.D

Cụ thể, có 07 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và của Viện Hàn lâm nhưng được phê duyệt dưới dạng đề tài cấp cơ sở, cấp Bộ và bố trí kinh phí để thực hiện không hợp lý.

Có 03 đề tài, nhiệm vụ không có đóng góp về khoa học cho xã hội, 37 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ do Văn phòng chủ trì chưa được tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở trước khi nghiệm thu cấp Bộ; 18 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ nhưng không được nghiệm thu cấp Bộ; 29 đề tài, nhiệm vụ trùng thời gian.

30 Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ không đúng thành phần; 55 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Bộ được giao cho cá nhân ngoài đơn vị chủ trì; 67 Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học cấp Bộ của các đơn vị, căn cứ vào các Quy chế quản lý khoa học do Viện Hàn lâm ban hành đã hết hiệu lực; 191 Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở không đúng thành phần; 75 đề tài, nhiệm vụ nghiệm thu chậm tiến độ.

Ngoài ra, có 03 đơn vị tổ chức hội đồng nghiệm thu nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở trong cùng một ngày, chưa hợp lý, dẫn đến chất lượng công tác nghiệm thu không đảm bảo.

Cụ thể, tại Viện Nghiên cứu Châu Âu có: 14 đề tài vào ngày 08/12/2015, 14 đề tài vào ngày 07/12/2015, 18 đề tài vào ngày 06/12/2016, 18 đề tài vào ngày 12/12/2017, 16 đề tài vào ngày 05/12/2018, 15 đề tài vào ngày 25/11/2019 (01 hội đồng).

Tại Viện Ngôn ngữ học có: 26 đề tài vào ngày 26/12/2016 (06 hội đồng), 13 đề tài vào ngày 17/12/2018 (02 hội đồng), 22 đề tài vào ngày 19/11/2019 (2 hội đồng).

Tại Viện Sử học có: 07 đề tài trong buổi chiều ngày 13/11/2019, 11 đề tài trong ngày 15/11/2019 (02 hội đồng).

Không chỉ vậy, kết luận thanh tra còn cho biết, một số đề tài dù có sản phẩm cụ thể nhưng hoạt động chưa hiệu quả, đó là 04 đề tài của Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Thông tin.

Nhiều đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở, chủ nhiệm đề tài sử dụng lại một phần, có đề tài sử dụng lại nhiều nội dung của đề tài, nhiệm vụ đã được nghiên cứu trước đó. Việc này không đúng quy chế Quản lý khoa học, xảy ra ở phần lớn các đơn vị được thanh tra.

Cụ thể, tại Viện Xã hội học có 01 đề tài cấp Bộ, 01 đề tài cấp cơ sở; Viện Nghiên cứu Châu Âu có 01 đề tài cấp cơ sở; Viện Nghiên cứu con người có 01 đề tài cấp cơ sở; Viện Sử học có 04 đề tài cấp cơ sở; Viện Văn học có 01 đề tài cấp cơ sở; Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ có 03 đề tài cấp cơ sở, 01 đề tài cấp Bộ; Viện Ngôn ngữ có 03 đề tài cấp cơ sở; Viện Triết học có 01 đề tài cấp cơ sở.

Vì vậy, theo kết luận này, trong giai đoạn 2015-2019, Viện Hàn lâm tổ chức thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học nhưng việc chấp hành các quy chế, quy định không đầy đủ. Quy trình thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ không đúng quy định, dẫn đến chất lượng nhiều đề tài, nhiệm vụ không đảm bảo.

Trách nhiệm thuộc lãnh đạo Viện Hàn lâm phụ trách lĩnh vực nghiên cứu khoa học; Ban Quản lý Khoa học và các đơn vị trực thuộc có khuyết điểm, sai phạm trong thời kỳ 2015-2019.

Trong việc này, Trưởng Ban Quản lý Khoa học, Chánh Văn phòng và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc với trách nhiệm trong việc tham mưu và thực hiện các đề tài không đúng quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và Quy chế Quản lý khoa học của Viện Hàn lâm.

Cụ thể, gồm 07 nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ nhưng phê duyệt và bố trí kinh phí dưới dạng đề tài; 03 đề tài nhiệm vụ chưa có đóng góp về khoa học với tổng kinh phí thực hiện 2.094 triệu đồng; 37 đề tài cấp Bộ không tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở trước khi nghiệm thu cấp Bộ với tổng kinh phí thực hiện là 18.140 triệu đồng.

Bên cạnh đó, có 18 đề tài cấp Bộ không nghiệm thu cấp Bộ với tổng kinh phí thực hiện là 3.938 triệu đồng; 29 đề tài, nhiệm vụ trùng thời gian.

Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội có nhiều khuyết điểm

Ngoài các sai phạm liên quan đến việc nghiệm thu đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học xảy ra tại Viện Hàn lâm và các đơn vị trực thuộc được kết luận thanh tra nhắc tới, sai phạm về đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại đây cũng được chỉ ra.

Theo đó, giai đoạn 2015-2019 công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Khoa học Xã hội còn nhiều hạn chế, khuyết điểm về tuyển sinh, quy trình, chương trình và quản lý đào tạo.

Học viện Khoa học Xã hội vướng phải nhiều sai phạm liên quan đến quy trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong giai đoạn 2015-2019. Ảnh: gass.edu.vn

Cụ thể, về Quy trình đào tạo trình độ thạc sĩ thiếu quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện dự thi, điều kiện bảo vệ luận văn, thâm niên công tác, thiếu quy định về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận văn. Không ban hành chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thiếu quy định về kinh nghiệm quản lý và thâm niên công tác theo yêu cầu cụ thể của từng ngành.

Học viện Khoa học Xã hội không xây dựng kế hoạch chi tiết dự kiến chỉ tiêu từng ngành, chuyên ngành đào tạo đào tạo thạc sĩ, đào tạo tiến sĩ. Thông báo tuyển sinh trình độ tiến sĩ thiếu dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của từng chuyên ngành đào tạo, không quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn.

Thông báo tuyển sinh trình độ thạc sĩ không đúng quy định về số năm kinh nghiệm tối thiểu, không có chỉ tiêu tuyển sinh từng chuyên ngành đào tạo thạc sĩ. Chương trình đào tạo thạc sĩ thiếu nội dung về chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành.

Vẫn còn trường hợp giảng viên hướng dẫn vượt số học viên cùng thời gian, học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác. Giảng viên không đủ điều kiện tham gia Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ.

Một số hồ sơ học viên chương trình đào tạo thạc sĩ còn có thiếu sót. Quy định về nội dung chương trình đào tạo chưa đầy đủ số học phần, không có các học phần lựa chọn ở trình độ tiến sĩ.

Chương trình đào tạo chưa thể hiện đủ số tín chỉ đối với người có bằng thạc sĩ và đối với người có bằng đại học. Chưa tổ chức đánh giá chương trình đào tạo, chưa công khai chương trình đào tạo trên trang tin điện tử.

Ngoài ra, số nghiên cứu sinh quá hạn thời gian đào tạo còn nhiều; một số hồ sơ xét tuyển trình độ Tiến sĩ không cho điểm phần đánh giá hồ sơ; hồ sơ học viên không có lý lịch khoa học của người hướng dẫn.

Có học viên không có Phiếu đăng ký xét tuyển, bản sao các bài báo khoa học đã được công bố; có nghiên cứu sinh đề xuất Đề tài nghiên cứu không nằm trong danh mục nghiên cứu. Sổ cấp phát văn bằng còn tẩy xoá, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh.

Trung Dũng
'CÔNG NGHỆ' NHÂN BẢN GIÁO SƯ, TIẾN SĨ...
MINH TRẦN/ TD 4-5-2022
LGT: Facebooker Minh Trần giới thiệu "công nghệ" nhân bản giáo sư, tiến sĩ mà các học giả ở Việt Nam đã sử dụng trong nhiều năm qua, trong đó một luận án tiến sĩ đã được nhiều 'nghiên cứu sinh' sao chép, sửa đổi đôi chút, biến thành đề tài của mình, rồi nhờ đó mà tốt nghiệp tiến sĩ.
Thiết nghĩ, với "công nghệ" này, Việt Nam không cần phải chi 14.000 tỷ đồng để đào tạo 20.000 tiến sĩ, mà chỉ cần chi vài chục triệu, cao lắm là 100 triệu, để mua giấy và máy photocopy, rồi thuê người copy ra thành 20.000 bản, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa có được... nhiều tiến sĩ để sánh vai cùng thế giới!
Thầy giáo Thái Hạo cho rằng, vụ 'nhân bản giáo sư, tiến sĩ' này giúp "Phá nát tận móng nền giáo dục và học vấn của một quốc gia". Ông viết: "Ngay cách đặt tên đề tài là đã thấy sai rồi, thế mà họ có thể vô tư copy ra hàng chục (có khi là hàng trăm, hàng nghìn) để cho ra lò cái gọi là tiến sĩ kia.
Nhớ dạo trước báo chí đưa tin: 'Mua bằng' của Trường đại học Đông Đô đều là 'người có uy tín' (mà đến nay, những 'người có uy tín' ấy là ai thì vẫn thuộc diện bảo mật). Nay, nhìn một lô những đề tài tiến sĩ kỳ dị và được 'nhân bản vô tính' này lại không thể tránh khỏi cái ý nghĩ về những 'người có uy tín' ấy".
***
Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2015:
Đảng bộ tỉnh Nghệ An lãnh đạo công tác xây dựng tổ chức cở đảng ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2015
Đảng bộ tỉnh Nghệ An lãnh đạo thực hiện chính sách xã hội ở các huyện miền núi từ năm 2001 đến năm 2010:
Đảng bộ tỉnh Nghệ An lãnh đạo bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng từ năm 1996 đến năm 2015:
Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn (CHDCND Lào) từ năm 1991 đến năm 2010:
Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp từ năm 2001 đến năm 2010:
Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo xây dựng đội ngũ đảng viên từ năm 2001 đến năm 2010:
Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo kết hợp kinh tế với quốc phòng từ năm 1986 đến năm 2010:
Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến năm 2015: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=38250
Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lãnh đạo phát triển công nghiệp từ năm 2001 đến năm 2010: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=25712
Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lãnh đạo xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến năm 2020: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=38010
Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội từ năm 2005 đến năm 2015: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=35540
Đảng Bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp từ năm 1997 đến năm 2010: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=31980
Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo hoạt động của Hiệp Liên hiệp Phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến năm 2015: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=31959
Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện đại đoàn kết dân tộc: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=35853
Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số từ năm 1991 đến năm 2010: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=26573
Đảng bộ Thành phố Hà Nội lãnh đạo bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từ năm 1998 đến năm 2014: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=36317
Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lãnh đạo công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa từ năm 1998 đến năm 2014: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=31094
Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động từ năm 1997 đến năm 2012: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=25409
Đảng bộ tỉnh Nam Định lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội từ năm 2005 đến năm 2015: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=36140
Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ hậu phương từ năm 1964 đến năm 1975: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=26339
Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lãnh đạo phát triển kinh tế tư nhân từ năm 1997 đến năm 2015: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=32549
Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lãnh đạo cải cách hành chính từ năm 1995 đến năm 2015: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=35757
Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lãnh đạo phát triển nguồn nhân lực từ năm 2000-2015: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=31981
Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ năm 1997 đến năm 2010: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=29858
Đảng bộ tỉnh Yên Bái lãnh đạo phát triển kinh tế lâm nghiệp từ năm 2001 đến năm 2015: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=31538
Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu lãnh đạo phát triển kinh tế du lịch từ năm 1991 đến năm 2015: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=31317
Đảng bộ tỉnh Dak Lak lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2003 đến năm 2015: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.38&view=29319

CHÓ ĐẺ CÁI HỘI ĐỒNG CHUỘT ẤP RA TIẾN SỸ GIẤY !
MAI BÁ KIẾM/TD 4-5-2022
Chó đẻ cái Hội đồng chuột ấp ra tiến sĩ giấy! | Tiếng Dân
Cụ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến từng viết hai bài thất ngôn bát cú Vịnh Tiến Sĩ Giấy! Nếu cụ sống đến bây giờ chắc sẽ làm một ngàn bài Vịnh Hội Đồng Chuột Hàn Lâm Khoa Học Xã Xệ Nhăn Răng đã nghiệm thu 18 đề tài tiến sĩ trong vòng một ngày.
Trong khi đó, ngày xưa có vài ngàn người thi Hội nhưng chỉ có vài chục thí sinh đổ tiến sĩ, được vào Hoàng Thành Thăng Long thi Đình nhằm xếp hạng Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, tiến sĩ… Thi Đình trong một ngày nhưng vua không chấm xong trong ngày thi, vì vua chấm rất kỹ nên nhiều ngày sau mới có kết quả. Sau đó, chính vua ngự tọa lễ xướng danh các tân khoa, rồi lễ yết bảng vàng và lễ lạy vua vinh quy!
Ngày 15/9/1919, vua Khải Định tổ chức kỳ thi Đình cuối cùng, đề của vua rất hàn lâm khoa học: “Các nước trên khắp hoàn cầu sôi động nói đến văn minh. Vậy hai chữ văn minh có xuất xứ từ sách vở nào?… Quan hệ của văn minh đến chuyện hòa bình hay chiến tranh, hưng thịnh hay suy thoái, phân chia hay hội họp? Vấn đề khai thác và tận dụng lợi thế về tài nguyên… Lối khoa trường cựu học đã bỏ, chuyển sang tân học thì phép tuyển dụng người đã tốt hay chưa? Quốc sự, quốc chính phải thay đổi do đó có nên lập ra Hiến pháp và Hiến pháp khi lập ra có thực hiện được không? Chính sách lập hiến và quyền pháp phải như thế nào? Làm gì để đền đáp sức dân, giúp dân an cư lạc nghiệp, giữ gìn văn minh tiến bộ?
Trẫm vốn tài mỏng đức sơ, suy nghĩ khó được chu toàn.
Các ngươi với tài kinh luân vốn có, hãy thử trình bày rõ ràng kiến giải của mình, không bè phái, thiên lệch, không a dua, quanh co, xuyên tạc khiến sai sót khi đem thực hành, cũng đừng quá khéo dùng lời lẽ bay bướm mà trống rỗng, chẳng có được phương sách gì hay, để trẫm thu lượm rồi thử áp dụng”.
Đề hay như vậy mà cụ Tú Xương còn chửi khoa thi cuối này:
“Nghe nói khoa này sắp đổi thi
Các thầy đồ cổ đỗ mau đi!
Dẫu không bia đá còn bia miệng
Vứt bút lông đi, giắt bút chì!”
Nếu còn sống đến giờ, cụ Tú sẽ chửi đề tài thiến sĩ vô dụng như thế nào? (“Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” của ngâm cứu sinh Đặng Hoàng Anh do hai tiên sư giáo sĩ Lưu Quang Hiệp và Đặng Văn Dũng hướng dẫn khoa hộc…máo). Thưa cụ Tú Xương, con bất tài chỉ xin có thơ rằng:
"Sáng nay mấy chị đánh cầu…
Lông bay vùn vụt trên đầu tiên sư!"
Ảnh trên mạng
Đề tài này vô dụng giống như truyện Hội đồng chuột:
Ngày xửa ngày xưa, tất cả loài chuột họp thành một hội đồng và bàn bạc tìm ra cách tốt nhất để chống lại sự tấn công của bọn mèo. Một con chuột có uy tín nói:
– Tôi vừa nảy ra một kế hoạch có thể giúp đảm bảo an toàn cho chúng ta là thắt một cái chuông quanh cổ bọn mèo và tiếng kêu leng keng của nó sẽ giúp chúng ta nhận biết được sự tiếp cận của kẻ thù. Đề xuất này được hoan nghênh nhiệt liệt và được hội đồng chuột thông qua. Tuy nhiên, một con chuột già nói:
– Tôi hoàn toàn đồng ý đây là một kế hoạch tuyệt vời nhưng tôi muốn biết là ai sẽ đi buộc chuông vào cổ mèo đây?
Đề nghị Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra khởi tố tội “Buôn bán hàng giả”. Đề nghị bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn so sánh đề bài của vua Khải Định với các đề tài của Viện Hầm Lam.
'TIẾN SĨ' PHÚ
CAO BỒI GIÀ/TD 4-5-2022
Ôi thật vẻ vang;
Rõ là hoan hỉ.
Xưa đất Việt nhan nhản anh hùng;
Nay nước Nam rẫy đầy “tiến sĩ”.
Xem kìa:
Anh Phó Phòng ngất ngưởng cấp bằng;
Bác Xã Trưởng vọi vòi học vị.
Đoàn quân hơn hẳn Nhật, Tàu;
Số lượng bỏ xa Pháp, Mỹ.
Bởi trường lớp trui rèn tuyệt cú, cứ vỗ tay lòi phắt “Ông Nghè”;
Nhờ quy trình đào tạo kỳ tài, chỉ tặc lưỡi phọt ngay “Tiến Sĩ”.
Đọc luận án ông kia bảo vệ, bao người toan bể bụng bởi mắc dịch ha ha;
Nghe đề tài chị nọ thuyết trình, khối kẻ phải rách mồm vì lên cơn hi hí.
Nào là:
“Giao tiếp của Xã Trưởng” (*) ôi đẳng cấp thấy ghê;
“Hành vi nịnh trong Việt Ngữ” (*) quả siêu phàm quá nhỉ.
“Điều hưng phấn cho cựu sinh viên Sư phạm” (*) ấy rõ cao tầm;
“Sự thích ứng của tân giáo viên Tiểu học” (*) đúng là hết ý.
Rõ là:
Toàn vô bổ tốn tiền đề tài viết lếu, ngán cùng đường thôi đành để gói xôi;
Chả lợi dân ích nước, luận án trình liều, hay đến độ chỉ đáng đem cân ký.
Mà vẫn vênh cái danh;
Mà cũng ngốn tiền tỷ.
Ngoại văn ngoại ngữ dẫu biết tẹo teo;
Tiếng Mỹ tiếng Tây chỉ cần ti tí.
Nỏ phải thông minh, cứ chuyên tu cứ tại chức mà lẫm chẫm lên chức “Ông Nghè”;
Chả cần xuất sắc, dẫu bổ túc dẫu lưu ban, vẫn thong dong đạt danh “tấn sĩ”.
Thuê kẻ viết luận án mà thoải mái thành danh;
Lót thầy thẩm đề tài, cứ ung dung đoạt vị.
Thế nên:
Danh “Ông Nghè” chỉ đáng giá nơi quan trường công sở, cứ ầm ĩ khua môi;
Bằng “Tấn sĩ” bị coi khinh chốn doanh nghiệp tư nhân, chỉ âm thầm cất ví.
Giành hết chỗ của kẻ thực tài;
Ngồi trên đầu lắm ngườicao trí.
Lúc xã tắc khó khăn, không mưu chẳng lược, Tấn sĩ ẩn siêu;
Khi nước non hoạn nạn, bặt tiếng câm mồm, Ông Nghè lặn kỹ.
Hỡi ôi:
Bởi nhiều kẻ hám bạc háo danh;
Sinh lắm điều bại phong hoại lý.
Con người thế, còn mong tiến gì;
Đất nước vầy, hỏi sao khá nhỉ?
_______
Ghi Chú:
- Chữ “Tiến sĩ” và “Ông Nghè” ở đây xin đặt trong ngoặc kép, để hiểu là hàng dỏm.
(*): Các chữ trong ngoặc kép là các đề tài luận án “tiến sĩ” .
Xin tham khảo thêm:
BI HÀI, ĐỀ TÀI KHKT HỌC SINH NGANG TẦM TIẾN SĨ, LUẬN ÁN TS NGHIÊN CỨU... CẦU LÔNG
PHAN THẾ HOÀI/GDVN 7-5-2022

Ngày 4/5/2022, mạng xã hội Facebook lan truyền với tốc độ chóng mặt luận án tiến sĩ với tên đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" khiến dư luận "dậy sóng".

Luận án tiến sĩ nghiên cứu cầu lông gây xôn xao dư luận

Ngày 5/5/2022, tôi truy cập vào trang web http://luanvan.moet.edu.vn/ của Bộ Giáo dục thì thông tin về luận án này được lưu trữ với nội dung như sau:

Đề tài luận án: “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn Cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La”.

Tên ngành: Giáo dục học; Mã ngành: 9140101; Tên cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Thể dục thể thao.

Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" đang khiến dư luận "dậy sóng". (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Kết quả nghiên đạt được một số thành tựu sau:

1. Thông tin khoa học và toàn diện về thực trạng phong trào Cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La cho thấy, còn tồn tại những bất cập cơ bản làm hạn chế sự phát triển của phong trào như:

Sự nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện Cầu lông; Thiếu cộng tác viên Cầu lông; Công tác xã hội hóa môn Cầu lông chưa hiệu quả; Thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế.

Đồng thời, qua phân tích SWOT đã xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển phong trào Cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La.

2. Quá trình nghiên cứu, đề tài đã lựa chọn được 6 giải pháp phát triển môn Cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La, bao gồm:

Tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của việc tập luyện và thi đấu Cầu lông; Phát triển môn Cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức theo hướng xã hội hóa; Tạo nguồn cán bộ phát triển phong trào Cầu lông cho công chức, viên chức; Hoàn thiện hệ thống thi đấu Cầu lông cho công chức, viên chức; Mở rộng các hình thức tập luyện Cầu lông cho công chức, viên chức. Khích lệ động viên và kiểm tra, đánh giá phong trào Cầu lông của công chức, viên chức.

Trên cơ sở thực nghiệm xã hội học 5/6 giải pháp mà đề tài lựa chọn, bước đầu đã thể hiện tính hiệu quả sau một năm ứng dụng thông qua các tiêu chí phát triển môn Cầu lông.

Kết quả thực nghiệm cho thấy, các tiêu chí đều thể hiện sự tăng trưởng tích cực (từ 15.38 % đến 133.33 %). Đồng thời, các giải pháp còn có tác dụng nâng cao thể lực cho công chức, viên chức thành phố Sơn La đạt độ tin cậy ở ngưỡng xác suất thống kê cần thiết.

Cùng ngày, tôi truy cập vào địa chỉ http://vkhtdtt.vn/ của Viện Khoa học thể dục thể thao để tìm toàn văn của luận án này thì trang web báo lỗi. Trước đó, trên trang web của Viện đã đăng tải luận án (cầu lông) với thông tin nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp viện vào ngày 19/1/2022.


Không thể truy cập trang web của Viện Khoa học thể dục thể thao. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Luận án tiến sĩ có xứng tầm?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" chưa đủ tầm của một luận án tiến sĩ vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, tên đề tài "Nghiên cứu giải pháp... " là bất ổn trong cách đặt vấn đề, bởi luận án đưa ra 6 giải pháp nhằm phát triển môn Cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La chứ không phải nghiên cứu về những giải pháp đã có sẵn.

Ví dụ, giải pháp thứ nhất mà luận án đưa ra là: "Tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của việc tập luyện và thi đấu Cầu lông" thì cá nhân/tổ chức cứ thế mà "tuyên truyền"... chứ nghiên cứu cái gì về "tuyên truyền" nữa?

Thường khi đưa ra một giải pháp nào đó, người ta thường xem xét tính khả thi, hiệu quả của giải pháp đến đâu, khác với việc nghiên cứu bản chất giải pháp đó.

Ví dụ, giải pháp thứ sáu của luận án: "Khích lệ động viên và kiểm tra, đánh giá phong trào Cầu lông của công chức, viên chức" - nghĩa là muốn công chức, viên chức tập luyện cầu lông thì phải "động viên, khích lệ, kiểm tra, đánh giá", không phải nghiên cứu cách thức sử dụng hành vi ngôn ngữ thế nào để động viên, khích lệ sao cho hiệu quả.

Có thể đổi tên đề tài cho ngắn gọn, chính xác như: "Giải pháp phát triển môn Cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La". Nhưng, nếu đổi đề tài như thế này thì phạm vi nghiên cứu vẫn quá hẹp, vì để rèn luyện sức khỏe thì phải luyện tập thể dục thể thao - không chỉ có môn cầu lông mà còn nhiều môn khác, phương pháp khác nữa.

Thứ hai, đối tượng nghiên cứu của luận án là công chức, viên chức, chứ không phải học sinh - sinh viên, vậy có phù hợp với chuyên ngành giáo dục học?

Bởi, "đối tượng nghiên cứu của giáo dục học chính là quá trình giáo dục, một quá trình hoạt động đặc biệt trong các hoạt động của xã hội loài người. Khoa học giáo dục bao gồm hệ thống các bộ môn: Lịch sử giáo dục; Giáo dục học; Giáo dục học chuyên biệt; Lý luận dạy học bộ môn.

Giáo dục học là một bộ môn của khoa học giáo dục nằm trong các khoa học xã hội. Giáo dục học có liên quan chặt chẽ với Tâm lý học; Tâm lý học lứa tuổi; Tâm lý học sư phạm; Sinh lý học lứa tuổi; Lôgic học; Phương pháp giảng dạy bộ môn…" [1]

Ngoài ra, viên chức cũng gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như: giáo dục; y tế; thể thao; báo chí... Vậy, viên chức ngành thể thao, sức khỏe, kể cả giáo dục có nhất thiết phải tham khảo luận án này để học tập và rèn luyện sức khỏe hay không?

Liên quan đến luận án này, ngày 5/5/2022, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh còn cho biết thêm:

"Nghiên cứu sinh này cũng từng công bố các nghiên cứu như: 'Thực trạng phong trào Cầu lông công nhân viên chức lao động' trình bày tại Hội thảo quốc tế Thái Bình Dương trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và 'Thực trạng nhu cầu, động cơ và hứng thú tập luyện Cầu lông của đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La'".

Tôi cho rằng, những đề tài này chỉ nên dừng lại ở việc báo cáo (ngắn gọn) trong các cuộc họp, hội nghị ở địa phương là đủ.

Thứ ba, cùng ngày, trả lời Báo VTC News về tính thực tiễn và chất lượng của luận án tiến sĩ này, ông Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) nói: "mạng xã hội đang làm quá lên". [3]

Tuy vậy, tôi thì không nghĩ như thế, bởi mạng xã hội cũng có nhiều thành phần, bao gồm chuyên gia, nhà khoa học... chứ không phải họ hùa theo đám đông đâu. Tôi đọc đi đọc lại 6 giải pháp mà tác giả đưa ra thì thấy rằng, hàm lượng khoa học luận án nhạt nhòa.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, đề tài trên quy mô nghiên cứu ở phạm vi hẹp, chưa đủ tầm luận án tiến sĩ, giống với báo cáo, tham luận hoặc cùng lắm là luận văn thạc sĩ, theo VTC News.

Riêng tôi thì không đồng ý đề tài này có thể triển khai thành luận văn thạc sĩ (kể cả viết thành bài báo khoa học chuyên ngành). Bởi, yêu cầu đối với luận văn thạc sĩ được quy định tại khoản 2 Điều 26 Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT như sau (trích):

a) Luận văn của chương trình theo định hướng nghiên cứu là một báo cáo khoa học, có đóng góp mới về mặt lý luận, học thuật hoặc có kết quả mới trong nghiên cứu một vấn đề khoa học mang tính thời sự thuộc chuyên ngành đào tạo;

b) Luận văn của chương trình theo định hướng ứng dụng là một báo cáo chuyên đề kết quả nghiên cứu giải quyết một vấn đề đặt ra trong thực tiễn hoặc báo cáo kết quả tổ chức, triển khai áp dụng một nghiên cứu lý thuyết, một mô hình mới... trong lĩnh vực chuyên ngành vào thực tế.

Thay lời kết

Cuối tháng 3/2022, Bộ Giáo dục công bố 12 dự án giải Nhất thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, trong đó có nhiều đề tài ngang tầm tiến sĩ như:

"Điều trị béo phì bằng cao chiết xanthone từ vỏ quả măng cụt (Garcinia mangostana L.) trên chuột nhắt trắng (Mus musculus)"; "Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (Ardisia gigantifolia)"...

Còn luận án tiến sĩ, có hàng chục đề tài rất đơn giản và na ná nhau như: "Nghiên cứu xây dựng một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất của Trường Đại học Phú Yên" [4];

"Nghiên cứu lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất cho sinh viên Trường Đại học Hải Phòng" [5]; "Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho sinh viên các Trường Đại học tại Thành phố Vinh" [6]...

Thiết nghĩ, nếu ngành giáo dục không có giải pháp mạnh để chấn chỉnh việc đào tạo sau đại học thì tiến sĩ ngày nay cũng chẳng hơn kém "tiến sĩ giấy" mà nhà thơ Nguyễn Khuyến từng chua chát viết: "Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi!"

Tài liệu tham khảo:

[1] Hà Thị Mai, Giáo trình Giáo dục học đại cương, Trường Đại học Đà Lạt, 2013 (tài liệu lưu hành nội bộ giảng dạy sinh viên ngành sư phạm)

[2] //plo.vn/tac-gia-luan-van-ve-cau-long-da-cong-bo-nhieu-nghien-cuu-ve-mon-the-thao-nay-post678705.html

[3] //vtc.vn/luan-an-tien-si-mon-cau-long-gay-xon-xao-dai-dien-co-so-dao-tao-noi-gi-ar674884.html

[4] //luanvan.moet.edu.vn/?page=1.39&view=35040&fbclid=IwAR231Hy1kK5Bj3FYoyeoc9Cjk0vSd_lYnhlRVEWPTT4eFizdnO0Eo7SHJwI

[5] //luanvan.moet.edu.vn/?page=1.39&view=29640&fbclid=IwAR231Hy1kK5Bj3FYoyeoc9Cjk0vSd_lYnhlRVEWPTT4eFizdnO0Eo7SHJwI

[6] //luanvan.moet.edu.vn/?page=1.39&view=35384&fbclid=IwAR1TP_JH-utB5X2gh5mszJK64H2ltGyExWc5VxfReflgQwBsWPsVWkkbkOE

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài
VỤ TIẾN SĨ CẦU LÔNG: HÁO DANH HAY VÌ TIỀN ?
LÊ HUYỀN/ VNN 7-5-2022
Từ tiến sĩ nghiên cứu về cầu lông, nguy hiểm nhất hiện nay là đang tồn tại hệ thống tiến sĩ kém chất lượng hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho thế hệ tiếp theo.

Luận án tiến sĩ giáo dục học nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La của tác giả Đặng Hoàng Anh, được hướng dẫn và bảo vệ, nghiệm thu thành công tại Viện Khoa học Thể dục Thể thao (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) khiến nhiều người xôn xao. 
 
Rõ ràng ở đây tác giả Đặng Hoàng Anh có học thật. Trước khi được cấp bằng tiến sĩ thật, nghiên cứu cũng được các GS, PGS hướng dẫn, có hội đồng phản biện. Thế nhưng giá trị nghiên cứu, tính thực tiễn, chất lượng của luận án tiến sĩ vẫn là câu hỏi. Dư luận băn khoăn, sẽ không chỉ có những luận án tiến sĩ nghiên cứu về cầu lông và rồi những luận án nghiên cứu bóng bàn, tennis… cũng được thông qua, đất nước có thêm nhiều tiến sĩ mới, hữu danh nhưng vô thực.
 
Thẳng thắn nói về vấn đề này, PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng chung quy cũng chỉ vì tiền. Bởi theo ông Dũng, quy trình hiện nay ở Việt Nam là mang học vị - lên chức - có tiền. 
 
Còn ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng mong muốn có danh không phải xấu nhưng vấn đề hiện nay là đang tồn tại các chính sách khuyến khích việc háo danh. Đó là chỉ tiêu cán bộ công chức có bằng tiến sĩ, tiêu chí để trở thành phó giáo sư, giáo sư và tiêu chí bổ nhiệm gắn với bằng cấp, học vị…
 
Thứ hai theo ông Tùng là hệ thống đào tạo cấp bằng tiến sĩ hiện đang bị suy thoái từ các trường, viện, giảng viên hướng dẫn, hội đồng phản biện, nghiệm thu… dẫn tới sẽ có thêm nhiều tiến sĩ kém chất lượng.

Luận án tiến sĩ nghiên cứu về phát triển môn cầu lông đang gây xôn xao

Theo ông Tùng, câu chuyện tiến sĩ kém chất lượng không phải là mới, nhưng quan ngại nhất là tình trạng tiến sĩ kém chất lượng hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho thế hệ tiếp theo và dẫn tới có cả hệ thống mà nguyên nhân chính là quy chế đào tạo sau đại học chưa đủ mạnh để siết chất lượng. 

Cần lập hội đồng giám định lại một số luận án tiến sĩ

Còn ông Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng các nghiên cứu sinh cũng nên nhìn nhận lại mình nếu không có đủ năng lực nghiên cứu để làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ thì chưa nên làm.

Theo ông Vinh qua sự việc này rõ ràng các hội đồng chấm luận án phải chịu trách nhiệm giải trình, trong đó người hướng dẫn chịu trách nhiệm rất lớn trong việc nghiên cứu. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể buông trách nhiệm mà cần thiết đối chiếu với Khung trình độ quốc gia Việt Nam để công nhận hoặc không công nhận kết quả nghiên cứu của tiến sĩ.
 
Ông Vinh cũng nhìn nhận, mục tiêu đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ nhưng phải là tiến sĩ thật chứ không phải tiến sĩ “giấy” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên có ngành học rất khó có người có học vấn tiến sĩ, được đào tạo bài bản để trở thành người hướng dẫn như ngành thể dục thể thao.

Do vậy nếu nhà nước muốn đào tạo tiến sĩ ngành này thì nên đào tạo đội ngũ thầy trước và nếu thầy không có chuyên môn phù hợp để hướng dẫn cần dừng lại. Trong trường hợp tác giả Đặng Hoàng Anh nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La, theo ông Vinh, giảng viên chính hướng dẫn có chuyên môn kinh tế kinh doanh nên hướng dẫn dễ rơi vào cảnh “đầu Ngô mình Sở” và không giúp cho nghiên cứu sinh nhiều.
 
Ông Vinh cũng đề xuất đã đến lúc cần có một hội đồng để giám định lại một số luận án tiến sĩ dựa vào Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF). Đồng thời phải xem xét trách nhiệm của giảng viên hướng dẫn và của hội đồng bảo vệ, công bố công khai danh tính thành viên hội đồng bảo vệ các luận án tiến sĩ. Trong đó trách nhiệm người phản biện và của chủ tịch hội đồng cần đặt lên hàng đầu. Nếu có sự thoả hiệp hoặc đi đêm với nghiên cứu sinh thì cần có kỷ luật thích đáng vì tội gian trá học thuật. 
 
Từ vụ tiến sĩ nghiên cứu về cầu lông, một hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM, cho rằng cũng không nên trách vị tiến sỹ này mà chứng tỏ công tác quản lý chuyên môn của đơn vị đào tạo kém; cán bộ khoa học hướng dẫn luận án (bởi thầy trò đã bàn luận và thống nhất tên luận án ngay từ đầu); Hội đồng chấm đề cương luận án (trong đó có tên luận án và nội dung thực hiện của luận án) có vấn đề.
 
Theo ông nếu tất cả đều có trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện thì nghiên cứu sinh này có thể đã nhận ra ngay trong quá trình thực hiện nghiên cứu và không đến nỗi này.

 Lê Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét