Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

20220526. HÀ NỘI 'KHÁT' THẠC SĨ, TIẾN SĨ LÀM CB,CC, VC ? (1)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


HÀ NỘI SẼ CHI HƠN 60 TỈ ĐỒNG ĐÀO TẠO THẠC SĨ, TIẾN SĨ CHO CÁN BỘ,

 CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

MẠNH ĐOÀN/GDVN 24-5-2022

GDVN- Giai đoạn 2022-2025, Hà Nội dự kiến chi 61,5 tỉ đồng cho đào tạo sau đại học trình độ thạc sỹ và tiến sỹ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030".

Hà Nội đặt ra chỉ tiêu và chương trình đào tạo cán bộ giai đoạn 2022-2025, trong đó đối với việc cử đi đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến, đối tượng công chức, viên chức không quá 35 tuổi thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập.

Giao chỉ tiêu đào tạo 30 người (5 Tiến sỹ; 25 Thạc sỹ) thuộc các chuyên ngành đào tạo tài chính, kinh tế, kế toán, công nghệ thông tin, quản lý đô thị thông minh và sáng tạo, quản lý công, chính sách công, biến đổi khí hậu, quản lý giáo dục, quản lý bệnh viện.

Theo nội dung Đề án, trong 4 năm, Hà Nội sẽ chi 61,6 tỉ đồng để cử cán bộ, công chức, viên chức đào tạo sau đại học. Trong đó đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỉ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỉ đồng. (Ảnh: cắt màn hình)

  • Đối với việc cử đi đào tạo sau đại học trong nước, đối tượng là công chức, viên chức (đối với công chức, viên chức được cử đi đào tạo lần đầu yêu cầu không quá 40 tuổi) thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập.

Giao chỉ tiêu đào tạo 240 người (40 Tiến sỹ; 200 Thạc sỹ) thuộc chuyên ngành tài chính, kinh tế, kế toán, công nghệ thông tin, quản lý đô thị thông minh và sáng tạo, biến đổi khí hậu, quản lý công, chính sách công, các chuyên ngành về Luật, giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư, quy hoạch - kiến trúc, tài nguyên và môi trường, xây dựng, quản lý giáo dục, quản lý bệnh viện.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án từ năm 2022-2025 là 272,3 tỉ đồng (được trích từ nguồn ngân sách Thành phố chi cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức).

Riêng đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỉ đồng, trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỉ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỉ đồng.

57 Chủ tịch, Phó chủ tịch xã, thị trấn được bồi dưỡng ở nước ngoài

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã cử cán bộ công chức viên chức đi đào tạo sau đại học được 110 tiến sĩ (trong đó 6 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, 663 thạc sĩ (trong đó 26 thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài); Bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý đối với 1453 (86,8%) Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương, 1493 (93,78%) Chủ tịch, Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (trong đó có 57 người được bồi dưỡng ở nước ngoài).

Thành phố Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, 579 đơn vị hành chính cấp xã; 23 sở và cơ quan tương đương sở; 26 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố, 303 đơn vị sự nghiệp thuộc các sở và 2.305 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện.

- Tổng số cán bộ công chức viên chức Thành phố có 140.408 người, trong đó: 7.194 công chức, chiếm 5,12%; 12.053 cán bộ, công chức cấp xã, chiếm 8,59% và có 121.161 viên chức, chiếm 86,29%. Trong đó, trình độ đào tạo bồi dưỡng của cán bộ công chức viên chức như sau:

Công chức có: 42 Tiến sĩ, chiếm 0,58%; 2.405 Thạc sỹ, chiếm 33,43%; 4.510 Đại học, chiếm 62,69% và 237 cao đẳng, trung cấp, chiếm 3,30%.

+ Cán bộ, công chức cấp xã có: 7 Tiến sỹ, chiếm 0,06%; 922 Thạc sĩ, chiếm 7,65%; 7.852 Đại học, chiếm 65,15% và 3.272 cao đẳng trở xuống, chiếm 27,14%.

+ Viên chức có: 333 Tiến sỹ, chiếm 0,27%; 268 Chuyên khoa II, chiếm 0,22%; 8.740 Thạc sỹ, chiếm 7,22%; 938 chuyên khoa I, chiếm 0,77%; 69.816 Đại học, chiếm 57,63% và 41.066 cao đẳng trở xuống, chiếm 33,89%.

Mạnh Đoàn
HIỆN TẠI, THÀNH PHỐ HÀ NỘI CÓ 7 TIẾN SĨ  LÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
 Ở CẤP XÃ
MẠNH ĐOÀN /GDVN 25-5-2022
GDVN- Hiện tại công chức cấp xã tại Thành phố Hà Nội có 7 tiến sĩ, trong giai đoạn 2016-2020, có 57 cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp xã được bồi dưỡng ở nước ngoài.

Theo nội dung Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030", Thành phố Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, 579 đơn vị hành chính cấp xã; 23 sở và cơ quan tương đương sở; 26 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố, 303 đơn vị sự nghiệp thuộc các sở và 2.305 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện.

Cán bộ, công chức cấp xã hiện có 7 tiến sĩ, chiếm 0,06%; 922 thạc sĩ, chiếm 7,65%; 7.852 Đại học, chiếm 65,15% và 3.272 cao đẳng trở xuống, chiếm 27,14%.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố Hà Nội đã cử 57 người là Chủ tịch, Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn đi bồi dưỡng ở nước ngoài. Cử cán bộ công chức viên chức đi đào tạo sau đại học được 110 tiến sĩ (trong đó 6 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, 663 thạc sĩ).

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố phố giai đoạn 2016-2020 còn một số hạn chế cần được khắc phục trong giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Trong đó, công tác xây dựng Kế hoạch còn chưa sát yêu cầu; chưa đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để hình thành đội ngũ chuyên gia; chưa bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng những yêu cầu mới về quản lý phát triển đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin trong tình hình mới; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho công chức làm công tác tổ chức cán bộ; nâng cao năng lực xử lý tình huống, trách nhiệm người đứng đầu cấp xã...

Thực hiện Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030", Hà Nội sẽ tổ chức bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã và lĩnh vực quản lý địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường cấp xã.

Bồi dưỡng 100% cán bộ, công chức cấp xã, phường

Phấn đấu 100% Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước về chính quyền đô thị, quản lý phát triển đô thị, môi trường đô thị và xử lý ô nhiễm môi trường gắn với chuyển đổi số trong quản lý đất đai.

Phấn đấu 100% công chức phụ trách quản lý địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường kiến thức, kỹ năng quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị, đất đai, nhà ở, dự án đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng, quản lý giao thông, chiếu sáng, thoát nước, nghĩa trang, cây xanh, thu gom xử lý rác thải, các vấn đề môi trường phát sinh, xử lý ô nhiễm môi trường gắn với chuyển đổi số.

Mục tiêu cụ thể của đề án

Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước tại Ủy ban Nhân dân phường: Chỉ tiêu bồi dưỡng là đối tượng Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân phường, xã, thị trấn thuộc các huyện có kế hoạch chuyển thành quận. Số lượng học viên: 900 người.

Chương trình bồi dưỡng gồm: Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước về chính quyền đô thị, quản lý phát triển đô thị, môi trường đô thị và xử lý ô nhiễm môi trường gắn với chuyển đổi số, xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước tại cơ quan và học tập kinh nghiệm thực tiễn trong nước.

Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước tại Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn: Chỉ tiêu bồi dưỡng là đối tượng Chủ tịch, Phó Chủ tịch Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn thuộc các huyện không có kế hoạch chuyển thành quận. Số lượng học viên: 700 người.

Chương trình bồi dưỡng: Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước trong quản lý đất đai nông thôn, quản lý quy hoạch nông thôn, môi trường nông thôn và xử lý ô nhiễm môi trường gắn với chuyển đổi số, xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước tại địa phương và học tập kinh nghiệm thực tiễn trong nước.

Đối với Lĩnh vực quản lý địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường cấp xã, đối tượng bồi dưỡng là công chức chức danh địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường thuộc Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn. Số lượng học viên: 579 người.

Chương trình bồi dưỡng: Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị, đất đai, nhà ở, dự án đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng, quản lý giao thông, chiếu sáng, thoát nước, nghĩa trang, cây xanh, thu gom xử lý rác thải, các vấn đề môi trường phát sinh, xử lý ô nhiễm môi trường gắn với chuyển đổi số.

Mạnh Đoàn
CẤP NGÂN SÁCH CHO CÁN BỘ ĐI HỌC TIẾN SĨ KHÓ MANG LẠI HIỆU QUẢ NHƯ MONG MUỐN
PHẠM MINH/GDVN 25-5-2022
GDVN- PGS Đỗ Minh Cương cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý Nhà nước không cần đào tạo tiến sĩ mà cần học những gì hệ thống đang thiếu và yếu.

Ngày 19/5, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Hà Nội dự kiến chi 61,5 tỷ đồng cho đào tạo sau đại học trình độ thạc sỹ và tiến sỹ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỷ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt vấn đề, việc đào tạo trình độ tiến sĩ đối với công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý Nhà nước có thực sự cần thiết?

Liệu có đảm bảo tính hiệu quả, công khai, minh bạch?

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, phải thực sự cân nhắc về tính hiệu quả cũng như tính công bằng của đề án này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Qdnd.vn)

Bởi lẽ trước đây cũng đã có một số địa phương thực hiện các đề án tương tự, cấp ngân sách để đào tạo cho cán bộ công chức, viên chức học tiến sĩ ở nước ngoài. Tuy nhiên, có những trường hợp trong quá trình học thì bỏ ngang, có người không trở về cơ quan cũ mà chuyển sang làm tại các doanh nghiệp, một số người ở lại nước ngoài làm việc,… Đó là những vấn đề bất cập đã xảy ra.

Chính vì vậy, trước khi tiến hành đề án này, cần phải có tổng kết, đánh giá về những đề án tương tự đã thực hiện trước đây, xem xét tính hiệu quả xã hội của những đề án đó.

“Chúng ta có ngân sách để đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ công chức hằng năm nhưng đó chỉ là một phần nhỏ để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ.

Còn nếu đi đào tạo dài hạn thì phải đặt vấn đề về tính công bằng, minh bạch, tính hiệu quả của đề án. Dư luận sẽ đặt câu hỏi ai là người được lựa chọn đi học?

Bỏ ra hàng tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, chúng ta phải đặt mục tiêu đào tạo một cách rõ ràng, việc thực hiện như thế nào, có tuyển chọn được người tài không, sau khi học người ta có trở về làm việc không? Hơn nữa, phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch, nếu không sẽ mất lòng tin của người dân”, Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương nêu quan điểm.

Thầy Cương cũng cho biết thêm, nếu đào tạo trong nước thì không cần phải có những đề án đào tạo dài hạn, thay vào đó, có thể mở các khóa đào tạo ngắn hạn, tạo điều kiện, hỗ trợ cho những người có nhu cầu thực học để họ nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực mình quản lý.

Không nhất thiết đào tạo trình độ tiến sĩ với cán bộ, công chức, viên chức

Theo Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương, yêu cầu về kiến thức kỹ năng của người thực thi công vụ khác hẳn với người làm công tác nghiên cứu khoa học. Đào tạo tiến sĩ chủ yếu phục vụ hoạt động nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, các viện nghiên cứu.

Còn riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm trong lĩnh vực quản lý Nhà nước cần học những gì mà hệ thống đang thiếu và đang yếu. Thay vì đào tạo tiến sĩ một cách ồ ạt, có thể mở các khóa đào tạo ngắn hạn để giúp cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực, nhiệm vụ quản lý, quản trị ở lĩnh vực mà họ được phân công.

Bên cạnh vấn đề đào tạo, chúng ta phải biết cách tận dụng nguồn nhân lực sẵn có, cần có chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài vào những vị trí việc làm phù hợp trong bộ máy hành chính.

Nếu có cơ chế mở, áp dụng chế độ làm việc linh hoạt đối với công chức như chế độ hợp đồng, chế độ làm việc theo dự án, chế độ làm việc theo chương trình,… thì sẽ dễ dàng thu hút người giỏi về làm việc.

“Hơn nữa, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, nhiều vị trí có thể làm việc từ xa, chúng ta sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng nhân tài và không cần tốn kém ngân sách cho đào tạo tiến sĩ với đối tượng công chức, viên chức.

Đối với khu vực công, điều quan trọng là biết cách khai thác, sử dụng nguồn nhân lực một cách có hiệu quả.

Tầm nhìn dài hạn, chúng ta cần đặt ra tiêu chuẩn để tuyển chọn cán bộ công chức, viên chức có đủ năng lực làm việc, đặc biệt là năng lực tự học và học tập suốt đời. Như vậy trong quá trình làm việc, trước những đòi hỏi, yêu cầu mới đặt ra, bản thân họ sẽ có tinh thần học hỏi, tự tìm tòi để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, thầy Cương cho biết.

Phó Giáo sư Ngô Thành Can cho rằng, đào tạo trình độ tiến sĩ chỉ phù hợp với những người đang làm nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học, các viện nghiên cứu. (Ảnh: NVCC)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, cần phân định rõ nhiệm vụ của những người là cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý Nhà nước và những người thực hiện chuyên môn nghiệp vụ trong trường đại học, viện nghiên cứu.

Đào tạo trình độ tiến sĩ chỉ phù hợp với những người đang làm nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học, các viện nghiên cứu.

Còn ở lĩnh vực quản lý Nhà nước, công chức, viên chức thực hiện những công việc được giao, ví dụ như soạn thảo văn bản, định hướng công việc chung, điều hành quản lý để đảm bảo sự phát triển chung của xã hội, để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Do đó, họ cần kiến thức, kỹ năng để quản lý, điều hành, triển khai công việc trong lĩnh vực được phân công, họ cần được bồi dưỡng về nghiệp vụ tương ứng với mảng mình phụ trách để làm sao quản lý thật tốt, đảm bảo sự phát triển chung.

“Có thể mở những khóa đào tạo ngắn hạn về chính sách công, hành chính công…. bồi dưỡng nghiệp vụ phù hợp với từng vị trí việc làm trong bộ máy quản lý.

Còn việc cấp ngân sách để đào tạo trình độ tiến sĩ cho cán bộ, công chức, viên chức ở lĩnh vực quản lý Nhà nước có thể sẽ không tạo ra hiệu quả như mong muốn” Phó Giáo sư Ngô Thành Can khẳng định.

Phạm Minh
HÀ NỘI CỬ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐI HỌC TS, ThS  ĐỂ HÌNH THÀNH ĐỘI NGŨ CHUYÊN GIA
MẠNH ĐOÀN/ GDVN 26-5-2022
GDVN- Công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học phù hợp với vị trí việc làm, thuộc các lĩnh vực trọng tâm để hình thành đội ngũ chuyên gia của Đề án.

Trong Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030", Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho hay, giai đoạn 2016 - 2020, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức của Thành phố đã được Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân Thành phố quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện theo các Kế hoạch, chương trình, Đề án.

Thông qua các chương trình đào tạo bồi dưỡng, Thành phố đã nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng hoạt động của Đại biểu hội đồng nhân dân, tiêu chuẩn ngạch công chức và chức danh nghề ngiệp viên chức, quốc phòng an ninh, ngoại ngữ, tin học, kiến thức kỹ năng chuyên ngành, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn cho cán bộ công chức viên chức.

Kết quả nổi bật như: Đã cử cán bộ công chức viên chức đi đào tạo sau đại học được 110 tiến sĩ (trong đó 06 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, 663 thạc sĩ (trong đó 26 thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài); Bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý đối với 1453 (86,8%) Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương, 1493 (93,78%) Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (trong đó có 57 người được bồi dưỡng ở nước ngoài). Kết quả trên là một trong những nguồn lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Hà Nội dự kiến chi hơn 61 tỉ đồng cho 270 công chức, viên chức để đào tạo sau đại học ở trong nước và nước ngoài. (Ảnh: chụp màn hình)

Tuy nhiên, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức của Thành phố trong thời gian qua còn mang tính dàn trải, chưa tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như: quản lý phát triển đô thị trong xu thế mới (đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững); xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; hình thành đội ngũ chuyên gia ở một số lĩnh vực như quản lý tài chính - kế hoạch, quản lý phát triển đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý trong giáo dục, đào tạo và y tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 còn một số hạn chế cần được khắc phục trong giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, công tác xây dựng Kế hoạch còn chưa sát yêu cầu; chưa đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức để hình thành đội ngũ chuyên gia;

Chưa bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức đáp ứng những yêu cầu mới về quản lý phát triển đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin trong tình hình mới; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho công chức làm công tác tổ chức cán bộ; nâng cao năng lực xử lý tình huống, trách nhiệm người đứng đầu cấp xã...

Về mục tiêu, Hà Nội sẽ cử công chức viên chức đi đào tạo sau đại học tại nước ngoài (lựa chọn các quốc gia tiên tiến, có thế mạnh về các ngành, chuyên ngành cần đào tạo) không quá 35 tuổi, công tác tại cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố được cử đi đào tạo sau đại học phù hợp với vị trí việc làm thuộc các lĩnh vực trọng tâm liên quan đến các ngành, lĩnh vực để hình thành đội ngũ chuyên gia thuộc Đề án.

Đào với đào tạo sau đại học trong nước: cán bộ công chức viên chức (không quá 40 tuổi) công tác tại cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố được cử đi đào tạo sau đại học phù hợp với vị trí việc làm thuộc các ngành, chuyên ngành đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố trong giai đoạn 2022 - 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Mạnh Đoàn
TRANH CÃI XOAY QUANH VIỆC CHI NGÂN SÁCH CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐI HỌC TIẾN SĨ
PHẠM MINH/GDVN 26-5-2022
GDVN- PGS Nguyễn Đức Lộc cho rằng, nên đào tạo công chức, viên chức cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới phù hợp với công việc chứ không nên đầu tư đào tạo nền tảng.

Mới đây, theo Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030" mà Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành, Hà Nội dự kiến chi 61,5 tỷ đồng cho đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ và tiến sĩ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Câu chuyện chi ngân sách để đào tạo trình độ tiến sĩ cho công chức, viên chức không phải là mới, song nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc xem xét về tính hiệu quả của những phương thức đào tạo này.

Một số địa phương cũng có đề án cử cán bộ công chức đi đào tạo sau đại học nhưng sau đó xảy ra lùm xùm vì có người đi học không trở về.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life). Ảnh: NVCC

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life), cho rằng, đào tạo sau đại học đối với cán bộ công chức, viên chức là một tập quán đã diễn ra hơn một thập kỷ qua ở một số địa phương. Trước đây có cả những chương trình hợp tác đào tạo nguồn bằng cách gửi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi học nước ngoài.

Tuy nhiên, chúng ta phải đặt vấn đề, với mỗi đề án ở mỗi địa bàn đó, việc cử công chức, viên chức đi học phục vụ gì cho nguồn quản trị của mình?

Hiện nay đang xảy ra nhiều tranh luận xoay quanh giữa lợi ích và công bằng xã hội đối với những đề án này. Bởi lẽ, ở những vị trí việc làm khác nhau, mọi người đều đang đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, có những cá nhân đang tự mình nỗ lực học tập, làm việc, vậy tại sao một bên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lại được ưu tiên hơn?

“Hơn nữa, với đội ngũ công chức, viên chức, có thể hôm nay họ làm ở vị trí này nhưng ngày mai họ lại làm ở vị trí khác, vậy liệu rằng việc thực hiện đề án có đạt được tính hiệu quả?

Chính vì vậy, cần xem xét lại, mô hình quản trị sắp tới chúng ta cần những gì, đặc biệt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần những kiến thức, kỹ năng gì để vận hành bộ máy trong giai đoạn tới, đảm bảo hoạt động quản lý, quản trị được hiệu quả.

Còn đào tạo tiến sĩ, đào tạo theo hướng nghiên cứu để trở thành nhà khoa học thì chúng ta nên ưu tiên cho khối đại học và các viện nghiên cứu”, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Lộc nêu quan điểm.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Đức Lộc, không nên đầu tư để đào tạo nền tảng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vì nền tảng thuộc về mỗi cá nhân.

Sự thay đổi của xã hội mang tính liên tục và chúng ta cần nguồn nhân lực phù hợp cho từng giai đoạn, từng bối cảnh. Chính vì vậy, thay vì đầu tư đào tạo sau đại học cho đội ngũ công chức, viên chức thì nên xây dựng quy trình tuyển dụng được người giỏi vào làm việc tại hệ thống quản lý Nhà nước. Cách làm này sẽ có lợi ích về mặt kinh tế cao hơn, và hiệu quả cũng cao hơn.

Bên cạnh đó, nên dành ngân sách cho việc đào tạo kiến thức, kỹ năng mang tính chất quản trị cho đội ngũ nhân lực, xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao, giúp đội ngũ của mình thích ứng với sự phát triển của xã hội trong từng giai đoạn cụ thể.

Còn nếu quá ưu tiên cho nhóm công chức, viên chức, đầu tư xong, chưa chắc người ta có sự gắn bó với công việc thì sẽ khó đảm bảo tính hiệu quả.

“Có thể những đề án như thế này trong quá khứ đã đạt được một số giá trị nhất định, nhưng xu hướng ngày nay, nên mở cửa đón người giỏi – những người đã được đào tạo bài bản vào hệ thống làm việc.

Chúng ta nên học tập cách làm của một số quốc gia, như ở Singapore, họ tuyển dụng vào viên chức nhà nước là những người được đào tạo chuyên môn, bài bản ở những nền giáo dục tiên tiến. Khi được tuyển vào làm viên chức của Chính phủ, họ nhận được chế độ đãi ngộ rất cao. Với cơ chế đó, Singapore đã tuyển dụng được những người có năng lực, trình độ cao vào bộ máy quản lý của mình. Như vậy, khu vực tư nhân cũng khó cạnh tranh về nguồn nhân lực với cơ quan nhà nước.

Còn nếu chúng ta chi ngân sách cho công chức, viên chức đi học nhưng cuối cùng chế độ chính sách việc làm không đáp ứng được như kỳ vọng thì không thể thu hút hay giữ chân người tài. Cuối cùng, vừa đầu tư không hiệu quả, vừa gây lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc”, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Lộc phân tích.

Singapore có Viện Giáo dục Quốc gia, sau khi tuyển dụng, đội ngũ công chức, viên chức vẫn được đào tạo liên tục và đào tạo nâng cao, để phù hợp với sự thay đổi của xã hội, cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới, phù hợp cho công việc trong từng giai đoạn. Theo thầy Lộc, đây là mô hình Việt Nam cần học tập nếu muốn có đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong hệ thống quản lý Nhà nước.

Đối với việc “mở cửa” đón nhân tài, thầy Lộc cho rằng, nếu có cơ chế mở, có thể thu hút được những người đang học tập ở nước ngoài trở về. Hiện nay có rất nhiều người du học bằng con đường tự túc và mong muốn trở về đóng góp cho quê hương. Tuy nhiên, phải có chế độ đãi ngộ tương xứng với giá trị mà họ mang lại.

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Đức Lộc, cần có tính toán, xem xét đối với việc tuyển dụng ở hai vị trí công chức và viên chức.

Vị trí công chức có thể thực hiện theo công tác quy hoạch nguồn nhân lực để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong tương lai. Còn đối với viên chức, thuộc về chuyên môn nghiệp vụ, cần những người thạo việc, am hiểu chuyên môn, duy trì cho sự vận hành quản lý nên cần có cơ chế mở để thu hút những người phù hợp, người giỏi vào các vị trí này.

Phạm Minh
HÀ NỘI CẦN TIẾN SĨ ĐỂ LÀM GÌ ?
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 28-5-2022
GDVN- Các thạc sĩ, tiến sĩ sau khi đào tạo sẽ làm công tác nghiên cứu hay vẫn làm công tác quản lý nhà nước tại các đơn vị chức năng của thành phố?

Ngày 19/05/2022 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1698/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (Đề án 1698).

Theo đề án, tổng kinh phí thực hiện đến năm 2025 là hơn 272 tỉ đồng lấy từ nguồn ngân sách thành phố. Riêng đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỉ đồng, trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỉ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỉ đồng.

Nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã sử dụng ngân sách chi cho người đi đào tạo, bồi dưỡng trong hoặc ngoài nước và kết quả không phải là bức tranh đẹp như dự kiến.

“Con 4 cựu quan chức du học không về: Nhùng nhằng hoàn tiền gần chục tỷ đồng” là tiêu đề bài viết từng đăng trên Vietnamnet.vn về câu chuyện xảy ra tại tỉnh Quảng Ngãi. [1]

“Đà Nẵng quyết định kiện đòi “nhân tài” bồi thường kinh phí” là câu chuyện xảy ra tại thành phố có thời được gán cho mỹ danh là “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”. [2]

Có lẽ lãnh đạo Hà Nội đã đúc rút kinh nghiệm từ các địa phương khác và suy nghĩ cẩn trọng mọi khả năng nên mới xây dựng một đề án công phu như vậy.

Sự ra đời của Đề án 1698 làm xuất hiện những ý kiến trái chiều là điều không tránh khỏi, đánh giá đúng sự cần thiết và triển vọng của đề án này với sự phát triển của thủ đô là việc cần làm, nhất là với thực trạng đội ngũ cán bộ công chức Hà Nội có không ít vấn đề trong thời gian 10 năm, tức là khoảng hai nhiệm kỳ vừa qua.

Vậy thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội là như thế nào?

Ảnh minh họa: Baodansinh.vn

Người dân thủ đô chắc không quên thời ông kiến trúc sư N.T.T làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố được vị Chủ tịch kế nhiệm đánh giá là thời mà “quy hoạch thủ đô bị băm nát”.

Báo chí khi đó bức xúc nêu câu hỏi: “Những ai băm nát quy hoạch Thủ đô?”. [3]

Một số lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật, có người đã phải ngồi tù.

Bốn năm trước, tại Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVI) Tổng giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội khi đó từng nêu:

“Trong tổng số hơn 700 người đang làm việc tại Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội, chỉ khoảng 60% là “đủ năng lực” làm việc tốt. Còn lại 40% năng lực hạn chế cũng không bỏ được, không loại được vì nhiều người là con ông này, cháu bà kia từ trung ương trở xuống thành phố”.

Số cán bộ nhân viên này “làm việc làng nhàng, đi ra đi vào. Tuy nhiên họ không vi phạm kỷ luật, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi… Có không ít cán bộ đi học hết lớp này, lớp kia, thậm chí có 3 bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không làm được việc gì ở đài”. [4]

Thủ trưởng một đơn vị đánh giá năng lực nhân viên dưới quyền tại hội nghị của Đảng bộ thành phố rõ ràng không thể là đánh giá thiếu trách nhiệm.

Nhìn rộng ra, tình trạng không ít người giao việc gì “cũng làm tốt” miễn là được bổ nhiệm không phải là cá biệt trong công tác tổ chức cán bộ, 8 năm trước, báo Vietnamnet.vn viết:

“Một người chưa từng một ngày kinh doanh được giao đứng đầu doanh nghiệp lớn. Người khác được tập đoàn "xin" về để trẻ hóa lãnh đạo, dù thành tích thua lỗ ở doanh nghiệp trước”. [5]

Minh họa cho nhận định nêu trên không khó tìm trên các trang báo, chẳng hạn giám đốc sở 30 tuổi “thích chơi chim” ở Quảng Nam...

Phải chăng để tránh tình trạng kiến trúc sư để cho quy hoạch thủ đô bị băm nát nên ngày nay những người kiến thức chưa (hay không?) phù hợp với vị trí việc làm trong bộ máy công quyền thủ đô cần được bồi dưỡng nâng cao trình độ?

Nhưng vì sao lại phải lấy ngân sách chi cho việc học tập của các cá nhân mà không phải là yêu cầu họ tự học để năng lực bản thân xứng đáng với vị trí việc làm mà họ được tuyển dụng?

Câu hỏi trên dẫn tới hai câu hỏi khác:

“Các thạc sĩ, tiến sĩ sau khi đào tạo sẽ làm công tác nghiên cứu hay vẫn làm công tác quản lý nhà nước tại các đơn vị chức năng của thành phố?”.

“Vì sao không tổ chức thi tuyển rộng rãi từ nhân viên đến lãnh đạo sở, ban, ngành và cấp cao hơn với sự công khai, minh bạch về chức năng, nhiệm vụ vị trí việc làm cụ thể?”.

Một khi việc tuyển dụng cán bộ là đặc quyền của công tác tổ chức, khi chuyện thi tuyển chỉ là thí điểm thì việc trình độ cán bộ không đáp ứng nhu cầu công việc và phải chi tiền đào tạo sẽ là tất yếu?

Một vị giáo sư, nguyên Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước nêu ý kiến:ng đại học, viện nghiên cứu chứ làm công tác quản lý thì không cần. Cơ quan quản lý không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ, chỉ cần tinh thông pháp luật, trách nhiệm cao và làm việc hiệu quả cao chứ không cần chạy theo cái bằng”. [6]

Mỗi năm, hàng triệu sinh viên phải mang tiền nhà đóng học phí theo học đại học, cao đẳng trong khi “Hàng năm có hơn 400.000 cử nhân ra trường. Tuy nhiên, con số thất nghiệp là gần 200.000 lao động”. [7]

Việc Hà Nội quyết định chi hơn 270 tỷ đồng cho đào tạo cán bộ mới chỉ là con số trong dự án. Số tiền ngân sách phải chi cho lương, phụ cấp mà những người theo học tập trung được hưởng trong khi họ không làm việc tại cơ quan thực sự là số tiền không nhỏ nhưng chưa được tính đến.

Riêng với công chức được chọn đào tạo, bồi dưỡng, Hà Nội tập trung vào “nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước, thực thi công vụ gắn với chuyển đổi số, quản lý phát triển đô thị và nông thôn”.

Trong các lĩnh vực này chỉ có “chuyển đổi số” là lĩnh vực mới, các chức danh quản lý (công chức hoặc viên chức) đều được yêu cầu phải có chứng chỉ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính hoặc chuyên viên cao cấp vậy nên mục đích đào tạo của Hà Nội có phải hơi thừa?

Liệu Hà Nội có nên tập trung vào bồi dưỡng đạo đức công vụ, tiêu diệt nạn tham nhũng, đào thải những cá nhân không hoàn thành công việc được giao?

Mặt khác, Hà Nội là thủ đô, đầu não kinh tế chính trị của cả nước nên có ưu thế rất lớn trong việc tuyển chọn cán bộ trong số 200.000 cử nhân thất nghiệp. Không thể nói tất cả những người này đều không có chuyên môn phù hợp với nhu cầu nên thành phố đành phải tuyển người rồi cho đi bồi dưỡng, đào tạo thêm.

Ngày 07/02/2022, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 494/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách 89 chức danh thí điểm thi tuyển tại các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Trong 89 chức danh này, số chức danh là công chức chiếm chưa đến 50%, còn lại là viên chức giáo dục, y tế.

Số liệu trong Đề án 1689 cho biết tổng số cán bộ, công chức, viên chức của Hà Nội là 140.408 người, số cán bộ, công chức từ cấp xã đến thành phố là 19.247 người. Số chức danh thí điểm thi tuyển chỉ là 89, một con số quá nhỏ bé (0,46%) nếu so với gần hai vạn cán bộ, công chức.

Được biết ngày 26/05/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 202-TB/TW về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”. Thời gian từ đó đến khi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 494/QĐ-UBND là 07 năm. Vậy đến bao giờ thì việc thi tuyển cán bộ mới trở thành hoạt động thường xuyên?

Và đương nhiên không thể không nhắc lại câu hỏi “Lấy ngân sách chi cho một số người đi đào tạo, bồi dưỡng vì năng lực chưa đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm có phải là công bằng với người đóng thuế”?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/con-4-cuu-quan-chuc-du-hoc-khong-ve-nhung-nhang-hoan-tien-gan-chuc-ty-dong-731220.html

[2]https://tuoitre.vn/da-nang-quyet-dinh-kien-doi-nhan-tai-boi-thuong-kinh-phi-561346.htm

[3] https://vietnamnet.vn/nhung-ai-bam-nat-quy-hoach-thu-do-540812.html

[4] https://tuoitre.vn/40-nhan-su-kem-cua-dai-truyen-hinh-ha-noi-la-con-ong-nay-ba-kia-20180703142411431.htm

[5] https://vietnamnet.vn/con-duong-lam-sep-cua-con-trai-cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-310336.html

[6] https://vietnamnet.vn/hoc-tien-si-de-lam-gi-343110.html

[7] https://thanhnien.vn/thuc-trang-cu-nhan-that-nghiep-la-do-dau-post1409461.html

Xuân Dương
NẾU LÀ QUAN CHỨC, THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THÌ LẤY ĐÂU THỜI GIAN ĐI HỌC TIẾN SĨ ?
TÙNG DƯƠNG/ GD VN 28-5-2022
GDVN- Cá nhân ai có nhu cầu đi học để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì tự mình lo, không thể có chuyện chi ngân sách cho cán bộ, công chức đi học, như vậy không công bằng.

Hà Nội sẽ chi hơn 61 tỉ đồng cử cán bộ, công chức, viên chức đi học thạc sĩ, tiến sĩ. Khoản đầu tư này lấy từ ngân sách thành phố.

Hà Nội cho rằng việc đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng và hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. "Các trường hợp thuộc diện đào tạo, bồi dưỡng là công chức, lãnh đạo, quản lý cấp phòng và quy hoạch chức danh tương đương cấp phòng; công chức chuyên môn nghiệp vụ thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; cán bộ công chức cấp xã; viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập", Đề án của Hà Nội nêu rõ.

Công chức đi làm thì phải hoàn thành nhiệm vụ, lãnh lương thì phải làm đúng giờ, đủ ngày công lao động. Về cập nhật kiến thức chuyên môn, các cơ quan, đơn vị tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng, đó là việc đương nhiên phải làm. Cá nhân ai có nhu cầu đi học để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì tự mình lo, không nên chi ngân sách cho cán bộ, công chức đi học như vậy là không công bằng.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “ Tiến sĩ là bậc cao nhất của chuyên môn nghiên cứu khoa học, dành cho những người chuyên nghiên cứu khoa học và giảng dạy, nhưng việc giảng dạy cũng phải gắn với nghiên cứu khoa học chứ nếu chỉ giảng không thì cũng không phải.

Theo quan điểm của tôi, hiện tại công chức phải làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, của ngành đó, phải làm công tác quản lý, và quản lý là khoa học, là một nghề và quan trọng nhất là phải học quản lý hành chính công, đây là vấn đề thiết thực.

Với ngạch công chức có cần làm tiến sĩ không? Theo tôi cũng cần nhưng không bắt buộc và không phải vấn đề cần thiết ngay lập tức, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là việc học đó có được thực hiện chuẩn chỉ hay không?

Việc cho công chức đi đào tạo tiến sĩ từ cấp chuyên viên, từ trưởng phòng và số này rất ít, những người này có thể xin nghỉ một khoảng thời gian để đi học. Nhưng thực tế hiện nay ở nhiều cơ sở đào tạo, họ “rất thích” đào tạo các giám đốc sở, các chủ tịch, phó chủ tịch, theo tôi sai ở chỗ này. Những người này đi học vào thời gian nào khi công việc của họ rất nhiều?

Khi người đó còn là chuyên viên, có điều kiện về thời gian để đi học, như vậy thích hợp cho việc đào tạo, nhưng bắt buộc họ phải có khả năng nghiên cứu, cơ quan phải dành thời gian cho người này thực hiện việc nghiên cứu. Và quan trọng, người này phải nghiên cứu những vấn đề thiết thực cho công việc mà họ đang làm, gắn liền với đặc thù nơi họ đang công tác, chứ không phải nghiên cứu những vấn đề khác trái với chuyên môn.

Một việc nữa là phải xem xét vấn đề quy hoạch người đi học, đây là vấn đề quan trọng. Nhưng thực trạng bây giờ rất nhiều người bảo vệ luận án tiến sĩ khi họ đang là quan chức, đây là điều bất cập.

Thứ nhất, khi người đó là quan chức, là thủ trưởng cơ quan thì lấy đâu ra thời gian để đi học bởi đối chiếu theo Quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư 18/2021), thời gian học tiến sĩ yêu cầu chính quy, học tập trung, với thời gian đào tạo 3-4 năm. Có làm Tiến sĩ trong nước cũng phải 3-4 năm, mà phải nghiên cứu say sưa mới tìm ra được những vấn đề mà mình đang thực hiện, vậy thử hỏi nếu là quan chức thì lấy đâu ra thời gian để làm?

Ở nước ngoài khi làm Tiến sĩ, họ hướng dẫn phương pháp nghiên cứu định tính, và nghiên cứu định lượng trong khoa học xã hội, việc này phải đào tạo trong 6 tháng đến 1 năm, sau đó nghiên cứu sinh phải đi thực tế 1 năm, rồi đi thực tế bổ sung. Rồi sau đó phải học về vấn đề này rất nhiều, nhưng ở nước ta việc này thường chỉ học trong vài tuần, thậm chí có trường hợp tôi biết họ học vấn đề này trong 2 tuần, có thể nói là rất kém.

Ảnh minh họa.

Thứ hai, nghiên cứu sinh phải trực tiếp đi thực tế, nhưng thường không đi mà lấy tài liệu trong thư viện để áp vào, dẫn đến nhiều luận án tiến sĩ bị cho là có mô tip giống nhau bị xã hội lên án, rất nhiều đề tài ná ná như nhau, chỉ khác về địa danh và số liệu.

Thứ ba, qua thực tiễn từ địa phương, từ đó nghiên cứu sinh mới này ra vấn đề để nghiên cứu. Ví dụ, người đó làm công tác trong ngành giáo dục, thì phải nghiên cứu về các vấn đề đang nảy sinh từ giáo dục, làm sao để chất lượng giáo dục lên cao hơn,…hoặc xây dựng mô hình giáo dục phù hợp với nhiều vùng miền khác nhau.

Trước những vấn đề đặt ra phù hợp với lĩnh vực mà người đó đang làm việc, vậy thử hỏi họ có thực sự nghiên cứu giải quyết vấn đề, có khả năng làm không? Hay đã là quan chức rồi thì sẽ có một “hội đồng” bên dưới sẵn sàng giúp sức?

Chưa kể nghiên cứu sinh còn phải đi thực tế vài tháng, có khi cả năm, rồi về viết luận án, sửa đi sửa lại nhiều lần, vậy bây giờ nếu người đó là quan chức, là chủ tịch xã/phường thì họ “đóng cửa” cơ quan để đi làm tiến sĩ hay sao?

Nguyên nhân từ việc đánh giá qua bằng cấp?

Ông Sơn nhận định: “Cái dở là chúng ta đánh giá con người qua bằng cấp của họ, từ đó dẫn đến loạn việc học, loạn bằng cấp, việc học thật thi thật chưa được thực hiện nghiêm túc. Ngày xưa cứ đỗ tiến sĩ là được làm quan, nhưng kiến thức hiện nay khác với ngày xưa, giờ là kiến thức khoa học, có khả năng làm quản lý, làm tiến sĩ để chứng minh có công trình nghiên cứu khoa học, chứ không phải chứng minh có khả năng để làm quan.

Hiện nay xã hội đã có nhiều thay đổi, nhưng tôi nhận thấy, nhiều nơi vẫn theo “nếp” cũ, lấy bằng cấp để đánh giá trình độ một con người, để bổ nhiệm chức vụ, trong khi thực chất chức vụ đó không cần đến trình độ tiến sĩ, hay nói đúng hơn là cần chuyên môn về quản lý hành chính công chứ không phải là cần nghiên cứu khoa học.

Phần lớn tiến sĩ tại các nước phát triển sẽ trở thành giảng viên đại học, thực chất bao hàm hai nhiệm vụ: Tạo ra tri thức (nghiên cứu) và truyền bá tri thức (dạy học). Chính điều này làm cho giảng viên đại học khác với giáo viên các bậc dưới chỉ cần tập trung vào việc dạy học. Cũng có số ít tiến sĩ sau đó ra làm trong doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp không thực sự cần tấm bằng tiến sĩ. Họ cần người làm thực tế, tính toán và hành động để đạt mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp.

Xã hội cũng đã nghe rất nhiều về các đề án đào tạo tiến sĩ nhưng hiệu quả là vấn đề đáng phải bàn. Điển hình như Đề án 911, được đầu tư 14.000 tỷ đồng để đào tạo 23.000 tiến sĩ, đề án này dừng nửa chừng. Đề án 322 "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước", dự định diễn ra trong 5 năm (2000 - 2005) nhưng sau đó kéo dài 10 năm với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng. Kết quả là số tiến sĩ tốt nghiệp chỉ chiếm 50% số gửi đi học. Hơn 30% số người về nước không trở lại cơ quan cũ làm việc.

Một số địa phương cũng có đề án cử cán bộ công chức đi đào tạo sau đại học, nhưng cũng lùm xùm kiện cáo vì nhiều người đi không về. Đà Nẵng là một ví dụ về kiện "nhân tài" bồi thường kinh phí sau khi cử người ra nước ngoài đào tạo, sau đó không về nước phục vụ mà kinh phí cho đào tạo cũng không hoàn trả”.

Tùng Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét