Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

20220516. LẬP BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG CẤP TỈNH

 ĐIỂM BÁO MẠNG


LẬP BAN CHỈ ĐẠO CẤP TỈNH, TRÊN DƯỚI ĐỒNG LÒNG PHÒNG CHỐNG 

THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

CÙ VĂN TRUNG/ VNN 8-5-2022

Một trong các nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 5 lần này là Đề án thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Từ thực tế gần 10 năm sau khi cơ cấu lại tổ chức, nhiệm vụ và chức năng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công tác này đã đạt rất nhiều kết quả, góp phần củng cố niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước. Đồng thời, Đảng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm hay, có giá trị phổ biến.

Mặc dù tình trạng tham nhũng, tiêu cực về cơ bản được đẩy lùi nhưng thời gian gần đây một số vụ việc về tham nhũng, tiêu cực có chiều hướng phức tạp, liên kết, liên minh và hoạt động rất tinh vi. 

Trong 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra cách đây gần 30 năm (về chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tụt hậu về kinh tế, nạn tham nhũng và “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch) đến nay vẫn còn thường trực. Trong đó nguy cơ về tham nhũng, tiêu cực luôn chực chờ để trỗi dậy trở thành Quốc nạn nếu không có biện pháp đấu tranh và ngăn ngừa quyết liệt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đặt câu hỏi “vì sao chống tham nhũng mạnh mẽ như thế, xử lý nghiêm nhiều hành vi, vi phạm mạnh như thế, nhưng tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ”. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã gây ra nhiều nhức nhối, là u nhọt trong xã hội, lan rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và không ít các địa phương.


Hội nghị Trung ương 5 

Việc cần kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là nhiệm vụ thiết thực để hòa vào “bản giao hưởng” chung dưới sự chỉ đạo của vị “nhạc trưởng” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo tinh thần “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. 

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, muốn thực hiện thành công các mục tiêu chính trị, việc đầu tiên là phải thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động trong toàn Đảng. Do đó, trên một khía cạnh nào đó chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh trước hết cần được thống nhất về các mặt như đã nêu trên. Bởi mô hình có sẵn, nhân sự kiêm nhiệm, kinh nghiệm đã có nhiều bài học hay từ Trung ương… Vì vậy, sự thành công về mô hình này có tính khả thi cao khi đi vào hoạt động.

Trước năm 2013 mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương phòng Chống tham nhũng đứng đầu Trưởng ban là Thủ tướng Chính phủ về cơ bản đã có một số kết quả. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này vẫn chưa được như kỳ vọng và mong đợi của người dân. Và thực tế minh chứng rằng, khi người đứng đầu Đảng nhận lãnh vai trò Trưởng ban thì công tác này đã có nhiều chuyển biến, đạt được những thành công to lớn.

Có thể khẳng định đây là nghệ thuật và khoa học về việc cầm quyền của Đảng. Bởi với vị thế và quyền uy vốn có của mình, Đảng thực hiện việc cầm quyền bằng dẫn dắt, lãnh đạo, chỉ đạo một cách rõ rệt, tác động sâu sắc (giữ, kiểm soát, nhốt) đến quyền lực nhà nước.

Triển khai một cách khoa học mô hình này ở địa phương thì trước hết Trưởng ban phải là Bí thư Tỉnh ủy đồng thời tham khảo cách thức tham gia vào Thường vụ Đảng ủy Công An tỉnh như Trung ương đang làm. Ban Nội chính và Ủy ban kiểm tra cấp tỉnh là cánh tay đắc lực của Ban – thực sự là “thanh bảo kiếm sắc bén và lá chắn vững chắc” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ dẫn.

Thực hiện việc cầm quyền một cách thống nhất, toàn diện và kiểm soát các cơ quan bảo vệ pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát ở tỉnh... là yếu tố quan trọng để đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả. Đó là một số gợi mở tương đối rõ mà Trung ương đã làm để các cấp ủy có thể áp dụng cho phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương mình. Thực hiện tốt đề án này cũng đề cao được trách nhiệm, sự nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng không thể thiếu vai trò quan trọng của nhân dân. Đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đang phát động phòng ngừa, đấu tranh thì vai trò của nhân dân lại càng được thể hiện rõ rệt. Sự giám sát, sự ủng hộ và giúp sức của nhân dân giúp Đảng thực hiện thuận lợi công tác này.

Chắc chắn với sự thống nhất cao về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, cùng với sự “thiết kế” vừa khoa học về mặt tổ chức, bộ máy và có chỉ đạo của Trung ương thì công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thành công.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ chung của các cấp ủy đảng, đặc biệt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là công việc rất quan trọng, có liên quan tới sự phát triển và tồn vong của chế độ. Đây không phải là công việc riêng của Trung ương mà cần có sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong sự nghiệp chung.

Do đó, Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII lần này thảo luận, xem xét và thông qua Đề án thành lập Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng cũng như phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân Việt Nam.

TS Cù Văn Trung

BCĐ CẤP TỈNH VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC: CẦN NHỮNG CÁN BỘ BẢN LĨNH

NHẬT TÂN/ GDVN 10-5-2022

GDVN- Ông Ngô Văn Sửu và ông Phạm Văn Hòa cho rằng việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cần thiết và đúng đắn.

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gửi xin ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tiếp thu, hoàn thiện Đề án.

Qua góp ý xây dựng Đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh uỷ, thành uỷ nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, quyết định về những kiến nghị, đề xuất nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần "Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt!"." [1]

Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng:

"Chủ trương này là cần thiết và đúng đắn. Bởi lẽ tham nhũng không chỉ ở cấp Trung ương mà ở cấp địa phương cũng có.

Không phải chỉ tham nhũng ở cấp Trung ương mới để lại hậu quả nghiêm trọng mà tham nhũng ở các tỉnh cũng gây thiệt hại rất lớn. Như một số vụ việc gần đây những công ty tư nhân là sân sau cho nhiều cán bộ tham nhũng.

Tham nhũng ở cấp địa phương còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân và làm mất uy tín của Đảng."

Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Nhật Minh

Theo Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần có cơ chế, bộ máy và tổ chức hoạt động cho mô hình Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để mô hình này hoạt động nhịp nhàng, tích cực.

Các Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoạt động tốt sẽ có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hệ thống của Đảng và chính quyền cấp địa phương.

Bộ máy cán bộ của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải là những người gương mẫu, có bản lĩnh và năng lực chuyên môn để giám sát, tìm ra được sai sót, phát hiện ra những biểu hiện của tham nhũng.

Cán bộ lãnh đạo Ban mà bỏ qua những vụ việc có liên quan đến gia đình, hàng xóm, bạn bè thân quen thì sẽ rất khó để giải quyết được vấn đề này và còn làm bộ máy cán bộ cồng kềnh.

Đồng quan điểm với nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Giáo sư Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: "Tôi nhận thấy công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Trung ương đã mang lại kết quả khá tốt.

Tuy nhiên như Bộ Chính trị nhận định hành vi tham nhũng bây giờ còn tinh vi, phức tạp hơn vì vậy chỉ có một ban ở Trung ương thì chưa thể phát hiện và ngăn chặn được hết các hành vi tham nhũng.

Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như cánh tay nối dài để giúp cho Ban phòng chống tham nhũng ở Trung ương làm việc có hiệu quả hơn, nhanh hơn, có sự phối hợp giữa cấp Trung ương và địa phương."

Bên cạnh đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cũng nhấn mạnh, khi đưa Đề án đi vào thực tiễn, công tác cán bộ là điều then chốt, cần chọn được đúng người đứng đầu và các thành viên trong Ban chỉ đạo ở mỗi tỉnh, thành phố phải thực sự trong sạch, có trình độ tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng.

“Vì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực động chạm đến rất nhiều đối tượng có quyền chức, có quan hệ, nên nếu những tiêu chuẩn về người đứng đầu và các thành viên trong Ban chỉ đạo không đạt được, thì dù có thành lập ra cũng rất khó để hoạt động thực sự hiệu quả.

Đồng thời, cần ban hành rõ ràng, cụ thể quy chế về phân cấp, phân quyền, yêu cầu các đồng chí đứng đầu địa phương phải tạo mọi điều kiện để Ban chỉ đạo này hoạt động được tốt, nếu có ai vi phạm hoặc ngăn cản thì phải chịu hình thức xử lý kỷ luật”.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng:

“Có thể nhận thấy công tác phòng chống tham nhũng của nước ta đã và đang trong thời kỳ quyết liệt, nhằm mục đích phòng ngừa răn đe, cảnh tỉnh, trừng trị thích đáng những người có chức vị trong cơ quan nhà nước mà lại câu kết với các doanh nghiệp tư nhân để làm lũng đoạn nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Truyền hình Quốc hội

Vì vậy theo tôi việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hết sức cần thiết và quan trọng để lãnh đạo của từng tỉnh, thành chỉ đạo, đề ra kế hoạch giáo dục cán bộ công chức, viên chức tự mình thực hiện tốt, và là đầu tàu gương mẫu không cấu kết với các đối tượng bên ngoài làm lũng đoạn ngân sách nhà nước."

Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong thời gian vừa qua không ít tỉnh thành trong cả nước, cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh vi phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự do cấu kết với với các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các hành vi tham nhũng nên việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì lãnh đạo cấp tỉnh sẽ lên kế hoạch, chịu trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật, Trung ương đóng vai trò hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-khai-mac-hoi-nghi-trung-uong-5-post226255.gd?

Nhật Tân
BCĐ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG CẤP TỈNH: PHẢI TÌM ĐƯỢC NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG SẠCH
MẠNH ĐOÀN/ GDVN 15-5-2022
GDVN- Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì chúng ta cần lựa chọn được Trưởng Ban chỉ đạo phải là người công tâm, trong sạch.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt!".

Trước đó, qua góp ý xây dựng Đề án, đã có 63/63 tỉnh uỷ, thành uỷ nhất trí với chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đại biểu Quốc hội khóa XV - Trương Xuân Cừ nhận định, đây là việc làm hết sức cấp thiết để chúng ta phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị các địa phương, đơn vị vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo ngành dọc là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo cấp Trung ương về phòng chống, tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Quốc hội - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Trương Xuân Cừ (Ảnh: Hội Người cao tuổi Việt Nam)

Lợi thế của cấp tỉnh là có cái nhìn thực tiễn và toàn diện trên toàn địa bàn.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên, nhất là cấp ủy, và đặc biệt là người đứng đầu tại mỗi địa phương, đơn vị.

Nếu so với trước đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh là Trưởng ban phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì cơ cấu, tổ chức hiện nay đã thay đổi cơ bản.

Bởi lẽ, vấn nạn tham nhũng thường xảy ra tại các cơ quan công quyền thuộc về Ủy ban, các Sở ban ngành, còn các ban đảng, Mặt trận thì rất ít.

"Nếu chúng ta vẫn theo cơ cấu tổ chức Ban chỉ đạo cấp tỉnh trước đây thì dư luận cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng như kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi", Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ nhận định.

Ông Trương Xuân Cừ cũng cho rằng: "Hiện nay chúng ta chuyển sang cơ cấu tổ chức mới là Trưởng ban chỉ đạo được nằm trong Ban Chấp hành trung ương Đảng, là người có trách nhiệm cao nhất của địa phương như vậy việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán xuyến điều hành sẽ cụ thể và thiết thực.

Bên cạnh đó, về vai trò giám sát hoạt động Ban Chỉ đạo, chắc chắn cũng sẽ có sự thay đổi. Phần lớn thành viên của Ban chỉ đạo là người trong Ban Thường vụ tỉnh ủy, Ban Chấp hành đảng bộ nên vấn đề quán triệt, chủ trương trong các cuộc họp, của đơn vị này cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Từ đó, công tác lãnh đạo của tập thể Ban Chấp hành, tập thể cán bộ dễ dàng hơn".

Theo Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, cơ cấu Ban chỉ đạo cấp tỉnh có thể sẽ được mô phỏng theo cơ cấu của Trung ương, gồm có các ngành, các sở, trong đó vai trò của Ban Thường vụ là rất quan trọng.

Ví như công an, các ban đảng tập trung để thể hiện vai trò, tính chiến đấu của cấp ủy đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng rất thuận lợi.

Về trách nhiệm của các thành viên trong Ban chỉ đạo, ông Cừ cho hay, việc này sẽ được quy định cụ thể khi xây dựng quy chế hoạt động.

"Khi xây dựng quy chế của Ban chỉ đạo, sẽ có quy định quan hệ cấp dưới với cấp trên như nào, lãnh đạo chỉ đạo các cấp và trách nhiệm ra sao.

Hay như để tránh sự nể nang, làm qua loa của cấp tỉnh, thì chúng ta phải xây dựng quy chế để cấp cao hơn vào làm khi có sự khác biệt.

Xét về mặt khách quan, nếu do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ yếu kém của Ban chỉ đạo cấp tỉnh khi không phát hiện được sai phạm, thì sẽ khác với việc anh cố tình bao che. Chắc chắn, trong quy chế xử lí sẽ phải rõ ràng điều này để phát huy vai trò của cơ quan phòng chống tham nhũng ở địa phương", Đại biểu quốc hội Trương Xuân Cừ cho hay.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ cũng cho rằng, mô hình Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh là phù hợp, không cần thiết tổ chức tại cấp huyện hay xã.

Thực tế, chúng ta có rất nhiều mô hình theo ngành dọc hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Ví như hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lí sai phạm hiệu quả, mạnh mẽ như vậy nhưng hiệu quả của Ủy ban kiểm tra cấp tỉnh cũng chỉ ở mức độ.

"Theo nhiều văn bản quy định của Đảng, Nhà nước thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị là người có trách nhiệm cao nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng. Điều này đã bao trùm tất cả", Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ cho hay.

Cần đồng bộ tháo gỡ vướng mắc ở cấp cơ sở

Chia sẻ quan điểm về chủ trương trên, ông Nguyễn Bá Thuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng) cho hay, khi thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì chúng ta cần lựa chọn Trưởng Ban chỉ đạo phải là người công tâm, trong sạch.

"Trưởng ban chỉ đạo phải đảm bảo tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức và năng lực, quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng thì mới có hiệu quả. Vấn đề về con người là điều quan trọng nhất", ông Thuyền nhận định.

Theo ông Thuyền, khác với nước ta, ở nhiều quốc gia khác, họ thành lập Ủy ban điều tra phòng, chống tham nhũng, là chuyên bắt quan chức cấp lớn tham nhũng. Còn sai phạm ở cấp dưới thì đơn vị nhỏ hơn làm.

Vị này cũng cho rằng, bên cạnh việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì chúng ta cần đổi mới cơ cấu bộ máy hành chính.

Thực chất hiện nay, bộ máy hành chính của chúng ta còn cồng kềnh, cán bộ gây phiền nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng ta cần phải có sự thay đổi đồng bộ, song song việc thành lập Ban chỉ đạo.

"Chúng ta phải hoàn thiện cơ chế, phải xây dựng chính sách pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho người dân không phải xin xỏ, chạy chọt, để tạo niềm tin cho người dân. Đồng thời cần có chính sách nâng cao tiền lương cho cán bộ để họ yên tâm công tác, tránh tâm lý vụ lợi, tiêu cực", ông Thuyền cho hay.

Mạnh Đoàn
BAN CHỈ ĐẠO CẤP TỈNH VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG,TIÊU CỰC: PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA DÂN
MẠNH ĐOÀN/ GDVN 17-5-2022
GDVN- Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh sẽ phát huy được sức mạnh của nhân dân trong việc giám sát thực thi quyền lực và phát huy dân chủ

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính trung ương chủ trì, nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời 63/63 tỉnh, thành phố cũng tán thành việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Chỉ đạo của Bộ Chính trị được dư luận hết sức quan tâm, bởi gần 10 năm qua, công cuộc phòng chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú đã đạt được nhiều thành công. (1)

Trao đổi về nội dung trên, các chuyên gia đều đồng tình ủng hộ việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh.

Theo ông Bùi Văn Phương - Đại biểu quốc hội khóa XIII-XIV, trước năm 2013, chúng ta đã có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, khi đó người đứng đầu cấp tỉnh là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và ở cấp Trung ương là Thủ tướng chính phủ (*) .

Tuy nhiên, những hoạt động của các đơn vị này rất mờ nhạt, hiệu quả rất ít. Một trong những nguyên nhân khiến Ban này hoạt động không hiệu quả được chỉ ra rằng cơ cấu Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng không phù hợp.

Thực tế cho thấy, những người được giao nắm giữ quyền lực thường rất dễ nảy sinh tình trạng lạm quyền. Đây là một trong những yếu tố dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng.

Thực tế cho thấy, người đứng đầu một số cơ quan hành pháp lại đứng ra làm Trưởng ban Phòng chống tham nhũng, thì không ai tự "lấy dao chặt vào chân mình". Chính vì vậy, hiệu quả, hiệu lực của Ban Chỉ đạo này khi xưa không cao.

Ông Bùi Văn Phương phát biểu tại nghị trường khi còn là Đại biểu quốc hội. (Ảnh: CT)

Sau khi chúng ta đổi lại vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trung ương là Tổng Bí thư, thì đã có những hiệu quả rõ rệt, nhiều "củi tươi, củi khô" được cho vào "lò".

"Cán bộ, đảng viên đều nhận thức sâu sắc rằng nếu không chống tham nhũng, tiêu cực, thì sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Từ đó đã tạo nên sự đồng lòng trong toàn hệ thống chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư và việc phòng chống tham nhũng đã đạt được kết quả.

Lòng tin của nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được lấy lại thực sự", ông Phương cho hay.

Theo ông Phương, thực tế, nếu chỉ riêng cấp trung ương thực hiện rốt ráo phòng chống tham nhũng, có lẽ chưa đạt yêu cầu.

Bởi vì tham nhũng xảy ra ở bất cứ nơi nào có quyền lực, trong khi quyền lực phân chia nhiều cấp, nên việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với thực tiễn.

Tiếp đó, sau khi có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, chúng ta có thể tính toán mở rộng tiếp ở cấp dưới.

"Theo tôi, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh có thể bao quát được tất cả vì phạm vi bó hẹp.

Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo là người đứng đầu cấp ủy, chịu trách nhiệm trước đảng bộ, trước nhân dân về vấn đề để xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì tôi rất đồng tình.

Đây là sự đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới trong việc phòng chống tham nhũng. Tôi hi vọng sẽ có hiệu lực, hiệu quả từ đơn vị này", ông Phương nhận định.

Có ý kiến cho rằng, thành phần giám sát trực tiếp đối với Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sẽ là Ban Thường vụ tỉnh, Thành ủy, Ban Chỉ đạo trung ương. Vậy sự giám sát này sẽ chặt hơn so với trước đây?

Theo ông Bùi Văn Phương, với thành phần giám sát trên, chắc chắn có sự chặt chẽ hơn so với trước đây vì vai trò cụ thể của người làm chủ trì, trực tiếp, gián tiếp và phối hợp, đều rõ trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ.

Như vậy một khi xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì không thể đùn đẩy việc chịu trách nhiệm.

Bộ máy của chúng ta hoạt động theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nên nếu Bí thư Tỉnh ủy có sai phạm thì không thể không có trách nhiệm Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Đặc biệt là ý kiến của công luận, đảng viên, thì cán bộ không thể qua được "tai mắt" của nhân dân.

Hiện nay nhân dân, cán bộ đảng viên, là bộ phận quan trọng trong việc giám sát quyền lực.

Trước đây, tiếng nói của người dân cũng chưa có trọng lượng, còn đối với đảng viên thì e dè sợ đe dọa, trù dập nên không dám nói.

Hiện nay, trung ương có chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực với Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh thì với bộ máy, hệ thống đồng bộ, phát huy sức mạnh của dân, trách nhiệm của cán bộ đảng viên thì chắc chắn sẽ có hiệu quả tốt.

Chia sẻ thêm về việc nâng cao phòng chống tham nhũng từ phía người dân, ông Phương cho hay, tiếng nói từ người dân với việc tố giác sai phạm rất quan trọng, cơ quan phòng chống tham nhũng không nên xem nhẹ tiếng nói của họ.

Bên cạnh đó, để tránh sự nể nang trong xử lý sai phạm, thì cần phát huy trách nhiệm của đảng viên, cán bộ đóng góp ý kiến.

Phải có cơ chế cho nhân dân để nói lên tiếng nói, để lắng nghe dân. Thực tế, hiện nay có nhiều đơn từ tố giác nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Tăng cường sự giám sát của dân

Ông Nguyễn Túc, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay, mô hình Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh là hết sức cần thiết và phù hợp với mô hình người đứng đầu cấp ủy sẽ đứng đầu công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Trong thời gian qua, đặc biệt sau Đại hội XI, XII và năm đầu tiên của Đại hội XIII chúng ta đạt được những kết quả rất tích cực lấy lại niềm tin của nhân dân, nhưng vấn đề tham nhũng, tiêu cực, cán bộ thoái hóa biến vẫn còn rất nghiêm trọng, đặc biệt ở cấp cơ sở", ông Túc cho hay.

Như Đại hội XIII từng nhận định, công tác phòng chống tham nhũng ở một số địa phương còn chưa đạt yêu cầu, thậm chí một số nơi coi việc này như một hình thức. Ít địa phương tự phát hiện ra tham nhũng tại cơ quan mình.

Đặc biệt, sự nhũng nhiễu trong bộ máy công quyền thì hết sức nghiêm trọng, gây bất bình trong nhân dân, chưa được ngăn chặn hiệu quả.

"Đây là cấp có thực quyền để thực hiện chỉ đạo của trung ương, làm cho công tác phòng chống tiêu cực ở địa phương được mạnh mẽ hơn, cương quyết hơn, thực hiện chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư là đấu tranh phòng chống tham nhũng không có vùng cấm", ông Túc nhận định.

Ông Túc cho rằng, để Ban chỉ đạo hoạt động hiệu quả thì phải là những người có đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cấp tỉnh sau khi được thành lập phải đặt dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Ban Chỉ đạo trung ương.

Việc sẽ phát huy được sự thông suốt, tránh bị chi phối, chỉ đạo bởi người này, người kia và "trên nóng dưới lạnh" sẽ dần được khắc phục.

Để tránh việc một số Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy vi phạm thời gian qua gây lo ngại đến Bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban chỉ đạo ở địa phương thì cần nâng cao giám sát quyền lực, trong đó, ngoài Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ phải huy động "sức mạnh giám sát" của nhân dân.

"Trong Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, tôi đề nghị cần có thành phần đại diện cho người dân nhiều hơn. Ví dụ như đó là ngoài Mặt trận Tổ quốc, thì Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi là những người dám nói, để tiếng nói của dân mạnh mẽ hơn", Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói.

Tài liệu tham khảo:

(*) Theo Nghị quyết số 294A/2007/UBTVQH12, ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng

(1) https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/be-mac-hoi-nghi-trung-uong-5-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-post226379.gd?

Mạnh Đoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét