Thứ Ba, 3 tháng 5, 2022

20220504. TRANH LUẬN VỀ SỬ LÀ MÔN HỌC TỰ CHỌN

  ĐIỂM BÁO MẠNG


CHẮC CHẮN KHÔNG NHIỀU EM HỌC LỊCH SỬ KHI MÔN NÀY THÀNH

 TỰ CHỌN

NHẬT TÂN / GDVN 3-5-2022

Theo Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông dự kiến áp dụng từ năm học 2022-2023, môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở cấp trung học phổ thông.

Trước ý kiến xung quanh Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông, ngày 23/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải thích về vấn đề này. Bộ cho rằng với cách thiết kế chương trình như hiện nay, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và trung học cơ sở, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện. [1]

Chia sẻ quan điểm của mình với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông chưa hợp lý.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc. Ảnh: Quochoi.vn

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ: "Tôi được biết theo Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông dự kiến áp dụng từ năm học 2022-2023, môn Lịch sử và Địa lý trở thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông.

Tôi cho rằng học sinh tiểu học chưa thể hiểu hết được lịch sử, địa lý Việt Nam, các em nên được học những gì cơ bản nhất. Học sinh cấp trung học cơ sở có thể hiểu được nhưng bậc học này chỉ có 4 năm thì làm sao có thể hiểu trọn vẹn môn Lịch sử và Địa lý."

Thêm vào đó môn Lịch sử bao gồm cả lịch sử thế giới, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng thời lượng học lịch sử Việt Nam không nhiều.

Vì vậy cần tập trung vào lịch sử Việt Nam, còn phần lịch sử thế giới nên được dạy ở mức độ cơ bản, học sinh có thể tự tìm hiểu thêm nếu có nhu cầu.

Lịch sử Việt Nam rất phong phú, đa dạng từ thời vua Hùng dựng nước, trước và sau năm 1945, ... cần được dạy và học một cách cặn kẽ để học sinh biết được cội nguồn, nguồn gốc của dân tộc. Vì vậy, khi học sinh chỉ học môn này ở bậc tiểu học và trung học cơ sở là chưa đủ để các em có thể hiểu hết được lịch sử Việt Nam.

Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lịch sử, Địa lý trở thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông sẽ gây ra nhiều hậu quả mang tính lâu dài, học sinh sẽ không biết lịch sử, địa lý Việt Nam làm lịch sử dân tộc bị mai một.

Thực tế, chuyển thành môn tự chọn nhưng cũng như là bỏ vì rất hiếm học sinh chọn môn này, phần lớn các em sẽ chọn những môn khoa học tự nhiên.

"Vì vậy đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử cũng sẽ bị mai một, do không được chú trọng. Về lâu về dài sẽ không có giáo viên dạy và người học ngành sư phạm Lịch sử, do không có nhiều học sinh chọn môn này. Thế hệ thầy cô dạy Lịch sử hiện nay, nhiều người sẽ về hưu. Theo tôi Lịch sử phải là môn bắt buộc chứ không phải tự chọn.

Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lại Đề án này, khi Lịch sử trở thành môn học tự chọn đồng nghĩa với việc lịch sử Việt Nam sẽ bị mai một", Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với Ủy viên Ban Pháp luật của Quốc hội, ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13 cho rằng ở bậc trung học phổ thông Lịch sử phải là môn học bắt buộc chứ không phải tự chọn.

Sẽ không nhiều học sinh chọn môn này, một là vì nội dung kiến thức lớn, hai là phải học thuộc.

Hậu quả để lại là học sinh ngày càng ngại học môn Lịch sử dẫn đến việc những công dân sau này không hiểu lịch sử, không biết về cội vì vậy sẽ không thể phát huy được tinh thần dân tộc.

Ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Ảnh: Quochoi.vn

Đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử sẽ bị mai một do không được chú trọng và tăng sức ép cho các thầy cô dạy môn Khoa học tự nhiên vì số lượng học sinh lựa chọn những môn học này là rất lớn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-tranh-cai-khi-lich-su-la-mon-lua-chon-bo-giao-duc-len-tieng-post226024.gd

Nhật Tân
TRUNG TƯỚNG NGUYỄN THANH TUẤN: LÝ GIẢI SỬ LÀ MÔN TỰ CHỌN RẤT THIẾU TÍNH KHOA HỌC
NHẬT TÂN/ 2-5-2022
GDVN- Trước ý kiến xung quanh Lịch sử là môn học tự chọn ở cấp Trung học phổ thông, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng quyết sách này thiếu tính khoa học.

Theo Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông dự kiến áp dụng từ năm học 2022-2023, môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở cấp Trung học phổ thông.

Theo chương trình mới sẽ bắt đầu áp dụng với khối lớp 10, các em chỉ cần học 7 môn bắt buộc, nhiều môn học bắt buộc hiện nay sẽ trở thành môn tự chọn.

Trong đó, việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn đang thu hút nhiều luồng ý kiến.

Bàn luận về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thưa Trung tướng gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra lý giải về cách thiết kế chương trình, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và trung học cơ sở, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện. Trung tướng có thể chia sẻ quan điểm của mình về lý giải trên không?

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Tôi cho rằng lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo thiếu tính thuyết phục và chưa thực sự khoa học. Đứng trên góc độ tâm lý cũng như sự phát triển trí tuệ, học sinh lớp 9 mới 15 tuổi, cái tuổi như ông bà ta nói “ ăn chưa no, lo chưa tới “ liệu đã hiểu được đầy đủ kiến thức của chương trình học chưa mà bảo đã biết cơ bản, đầy đủ lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, lịch sử thế giới .

Ngay trong thế kỷ XX thôi các cháu ở độ tuổi đó khi mà mức sống bây giờ khác xa so với ngày xưa, liệu các cháu có thể hình dung được các thế hệ trước sống dưới ách xâm lược của thực dân, đế quốc nghèo khó, đói kém, mù chữ như thế nào?

Hay cha ông các cháu đã chiến đấu như thế nào để giành được độc lập. Chính vì thế, học sinh cần thời gian để học tập, trau dồi những kiến thức đó.

Học Lịch sử để biết rằng dân tộc ta đã phải dựng nước, giữ nước như thế nào ? Đã đánh bại các thế lực hùng mạnh xâm lược ra sao? Học để hiểu trước Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã sống như thế nào, nhân dân mù chữ, nghèo đói, cơ cực, lầm than …

Không học Lịch sử đồng nghĩa với việc học sinh không hiểu được công lao của những thế hệ đi trước.

Trong khi chúng ta luôn đề cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.

Trung Quốc xác định Lịch sử là một trong ba môn học quan trọng nhất, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng xác định Lịch sử là một trong ba môn bắt buộc học ở tất cả các cấp…), và đặc biệt nền giáo dục Xã hội chủ nghĩa với quan điểm dạy chữ là dạy người, giáo dục là nền tảng để đào tạo ra những con người mới, những con người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất đạo đức và có năng lực hoạt động, vừa góp phần xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" thì càng phải quan tâm đặc biệt đến môn Lịch sử.

Tôi biết, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã từng đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn mà hậu quả là rất ít công dân Hàn Quốc, Nhật Bản hiểu biết về lịch sử của mình và đã nảy sinh những hệ lụy khôn lường.

Đứng trước tình hình đó, họ đã sửa sai và đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc.

Bậc Tiểu học hướng đến việc vừa học, vừa chơi. Trung học cơ sở với khoảng thời gian 4 năm, lại tích hợp hai môn Lịch sử và Địa lý làm một, thử hỏi các em sẽ có kiến thức như thế nào mà bảo đã có hiểu biết lịch sử, không ai dám nói như Bộ nói !!!

Theo Trung tướng việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông sẽ có ảnh hưởng gì?

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Tôi cho rằng khi môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông, chỉ có những em yêu sử mới chọn môn này. Tôi còn nhớ tại thành phố Đà Nẵng đã có năm Hội đồng thi phổ thông trung học chỉ có một thí sinh dự thi môn Lịch sử.

Khi không nhiều người học Lịch sử, thì liệu còn bao nhiêu người thi vào sư phạm ngành này và tất yếu sẽ không có thầy dạy sử có tâm, yêu nghề.

Liệu giáo viên dạy Lịch sử có còn được trân trọng, tôi cho rằng chính chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không còn tôn trọng các thầy cô dạy Lịch sử.

Trong khi thầy cô dạy Lịch sử là những người truyền giảng lòng yêu Tổ quốc cho những chủ nhân tương lai của đất nước.

Lấy một ví dụ đơn giản ngay trong một gia đình mà người lớn không giáo dục cho con, cháu biết cha, mẹ, ông, bà, tổ tiên thì những đứa trẻ đó sẽ không thể trở thành một con người đầy đủ nhân cách, trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, rộng ra cả quốc gia cũng vậy .

Thì việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn sẽ khiến học sinh mù mờ, không hiểu về Lịch sử dân tộc.

Bỏ một năm đã quên rồi, trong khi 3, 4 năm như thế thì làm sao các em có một tâm thế khi bước vào đời để có trách nhiệm dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.

Trước kia khi tham gia chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, tôi ở miền Nam dưới chế độ Mỹ - Ngụy, tham gia Cách mạng từ năm 13 tuổi.

Chính những bài học về lòng yêu nước của cha anh đã hun đúc tinh thần yêu nước trong tôi.

Đến giờ, tôi vẫn thường kể những câu chuyện về khoảng thời gian chiến đấu của mình cho con, cháu nghe.

Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4) là một mốc son chói lọi trong trang sử Việt Nam nhưng khi Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông, tôi không biết liệu thế hệ học sinh sau này có hiểu được ý nghĩa lịch sử của ngày này không và rất nhiều sự kiện khác nữa như: Ngày Chiến thắng Điện Biên phủ ( 7/5/1954 ), ngày Thương binh, liệt sĩ ( 27/7 ), Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước, …

Thưa Trung tướng, có quan điểm cho rằng lý do học sinh không yêu thích môn Lịch sử do sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy, ông có thể chia sẻ ý kiến của mình về quan điểm trên?

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Đây cũng là vấn đề mà tôi rất trăn trở, theo tôi nếu muốn học sinh yêu thích môn Lịch sử, chúng ta cần phải thực sự đổi mới nội dung, phương pháp dạy lịch sử, không phải đi theo bố cục từng ngày, từng tháng, từng năm mà nên hướng đến việc các em nắm được sự kiện và ý nghĩa lịch sử.

Tức là để cho học sinh hiểu được sự kiện và ý nghĩa của sự kiện đó. Càng học lên cao, các em càng phải hiểu được đầy đủ ý nghĩa. Còn ở các cấp học dưới, các em biết được sự kiện, hiểu được một cách căn bản.

Ví dụ chỉ cần nêu tóm tắt quân ta đánh quân Tống, quân Nam Hán, rồi đánh quân Thanh, quân Nguyên lúc nào, trận nào có ý nghĩa quyết định, ...

Với sách giáo khoa và phương pháp dạy như hiện nay, chúng ta gần như đi vào biên niên sự kiện, ngày, tháng, năm, ai chỉ huy, đánh thế nào làm học sinh không thể nhớ được. Khi không thể nhớ được thì học sinh sẽ ngại và chán học sử .

Ngoài ra, trong thời đại 4.0, cần bổ sung những nội dung, hình ảnh sinh động vào sách giáo khoa để tăng hứng thú của học sinh.

Về phương pháp dạy, trước tiên thầy cô giáo phải là những người thực sự yêu lịch sử. Tôi thường hay nói người làm công tác tuyên huấn là đi truyền lửa cho người khác thì chính họ phải là người có lửa, thầy dạy Lịch sử cũng vậy phải là người yêu sử, phải có lửa yêu nước thì mới truyền lửa cho thế hệ tương lai.

Với cách làm như hiện nay môn Lịch sử không được coi trọng, điều này đã buộc thầy cô chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức chứ không phải là tình yêu lịch sử.

Do đó theo tôi chúng ta cần có chính sách với giáo viên dạy môn Lịch sử, phải làm cho học sinh yêu Lịch sử thì mới say sưa với Lịch sử.

Môn Lịch sử phải trở thành môn bắt buộc và ngang hàng với các môn Toán, Ngữ văn để giáo viên cảm thấy mình có giá trị.

Một khi học sinh, phụ huynh cho đây là môn phụ, học cũng được, không học cũng xong thì cũng sẽ không trọng thầy. Mà đã là người dạy môn phụ rồi thì giáo viên không thể nào dạy Lịch sử có chất lượng được.

Từ đó tôi cho rằng muốn học sinh yêu môn Lịch sử thì phải có người dạy tốt, muốn dạy tốt phải có nội dung, phương pháp phù hợp, giáo viên phải được học sinh và phụ huynh tôn trọng thì mới đồng bộ, mới thực sự làm cho việc giáo dục lịch sử có hiệu quả góp phần quan trọng hình thành nhân cách của thế hệ quyết định tương lai của đất nước.

Trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Nhật Tân
ĐỪNG QUÁ LO LẮNG, MÔN HỌC  SINH ÍT CHỌN NHẤT CHƯA CHẮC ĐÃ LÀ  LỊCH SỬ!
TÙNG DƯƠNG/ GDVN 3-5-2022
GDVN- Vấn đề của môn Lịch sử không phải là bắt buộc hay lựa chọn. Cái cần bàn ở đây là cách dạy như thế nào mới là quan trọng, phải hấp dẫn, cuốn hút, học sinh hơn nữa.

“Theo tôi, lựa chọn môn học là xu thế của thời đại, nó cũng như việc lựa chọn trường học, lựa chọn nơi ở, lựa chọn công việc,...Một chương trình cố định với quá nhiều các môn học bắt buộc đã không còn phù hợp và thậm chí là quá tải với đa số học sinh trong một trường trung học. Môn Lịch sử lớp 10 trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng là môn lựa chọn, tôi nghiên cứu rất kĩ và nhận thấy tinh thần ở đây là đổi mới.

Thời tôi còn đi học trước năm 1954, Giáo dục Việt Nam cũng đã có chia thành chuyên khoa, chứ không phải bây giờ mới làm. Có nghĩa từ lớp 9 trở xuống với các môn học bắt buộc, còn từ lớp 10 đến lớp 12 chia chuyên Văn, Sử,…thành 3 nhóm môn như hiện nay là Xã hội, Tự nhiên và Công nghệ.

Giáo dục từ bậc Trung học phổ thông hiện nay đưa thành các nhóm môn, trong đó có những môn lựa chọn như vậy là tốt, giúp phân luồng định hướng nghề nghiệp”, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Cựu giáo chức tại Hà Nội đã nêu quan điểm như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc. Ảnh: T.D.

Theo thầy Ngọc: “Bậc Trung học phổ thông được thiết kế theo định hướng nghề nghiệp, chương trình Lịch sử cùng hàng loạt các môn học khác như Lý, Hóa, Sinh, Địa,… là môn lựa chọn. Nếu học sinh chọn môn Lịch sử thì sẽ được học chuyên sâu hơn một số nội dung cùng các chuyên đề phù hợp với sở thích, sở trường, đam mê và có thể là nền tảng để các em sau này học tiếp lên bậc học cao hơn.

Với môn Lịch sử, học sinh được học từ tiểu học cho đến hết lớp 9 với một lượng kiến thức khá đầy đủ. Khi lên bậc Trung học phổ thông, đây là giai đoạn hướng nghiệp, và lượng kiến thức cũng rất lớn nên khó có thể dàn đều học tốt như nhau được. Những học sinh có năng khiếu muốn phát triển về môn tự nhiên, hoặc có thiên hướng về môn xã hội sẽ được lựa chọn môn học từ đây, như vậy là hợp lí.

Có nhiều ý kiến cho rằng nếu cấp 3 các em không được học Lịch sử, sẽ không hình thành lòng yêu nước, quên lịch sử dân tộc? Tôi cho thưa, vấn đề yêu nước hay không nó không quyết định ở bậc Trung học phổ thông. Vai trò của môn Lịch sử nói riêng và các môn học khác nói chung đều giáo dục lòng yêu nước, đều giáo dục truyền thống dân tộc. Khi dạy môn Toán, tôi vẫn thường xuyên giáo dục lòng yêu nước, và lòng yêu nước thể hiện trong tính cần cù, chịu khó, vượt khó không khuất phục của người Việt Nam, gặp một bài toán khó cũng không ngại bởi dân tộc ta từ khó khăn đi lên.

Với môn Ngữ văn, dạy văn mà giáo dục lòng yêu nước thì quá tuyệt vời. Vậy tại sao chỉ nói có môn Lịch sử là giáo dục lòng yêu nước? Nói như vậy là chưa đầy đủ vì còn nhiều môn làm được việc đó như môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân,…Nói như vậy để thấy rằng có lựa chọn môn Lịch sử, môn Vật lí, Hóa học,…không ảnh hưởng gì đến lòng yêu nước của học sinh cũng như tương lai của dân tộc.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã có từ 4 năm nay, đã biết trước như vậy thì các thầy cô phải tự đổi mới, phải thay đổi suy nghĩ, năm được xu thế thì cần phải tự học hỏi thêm để nâng cao trình độ trong việc truyền dạy kiến thức môn Lịch sử.

Nói tình yêu có nghĩa bao trùm rộng, trong đó có tình yêu dân tộc, nó là một thứ ngấm dần vào mỗi con người qua nhiều hoạt động, qua hình ảnh, qua đời sống xã hội hàng ngày. Vậy có thể nói, giáo dục lòng yêu nước là của toàn xã hội ở mọi lúc, mọi nơi chứ không phải chỉ trông vào 3 năm học Trung học phổ thông”.

Với môn Ngữ văn, dạy văn mà giáo dục lòng yêu nước thì quá tuyệt vời. Vậy tại sao chỉ nói có môn Lịch sử là giáo dục lòng yêu nước? Ảnh minh họa: T.D.

Có ý kiến nói Lịch sử là môn học suốt đời nên môn học này phải đưa vào học bắt buộc, không thể là môn lựa chọn, thầy Ngọc cho rằng: “Giáo dục lòng yêu nước là việc ngấm dần vào mỗi con người, là nhiệm vụ thiêng liêng của tất cả các ngành, và dù đã lớn tuổi như tôi hiện nay vẫn thường xuyên phải tự bồi dưỡng thêm lòng yêu nước, tự làm cho mình hoàn thiện thêm.

Mỗi một người hãy sống, hãy xứng đáng với dân tộc của mình, và như vậy đã thể hiện lòng yêu nước, chứ không nhất thiết phải học Lịch sử liên tục".

Thầy Ngọc nhận định: “Nếu nói Bộ Giáo dục và Đào tạo không tuyên truyền, không thực nghiệm là chưa đúng, bởi ngày 28/7/2017 thì chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chương trình giáo dục phổ thông 2018) chính thức được thông qua. Đến ngày 27/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình môn học. Nhưng theo tôi, công tác tuyên truyền cho toàn xã hội, công tác chuẩn bị không tốt hoặc quá mờ nhạt để bây giờ dẫn đến việc có nhiều luồng ý kiến trái chiều".

Theo thầy Ngọc, giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến hết lớp 9, môn Lịch sử là môn học bắt buộc, điều này hoàn toàn hợp lí. Hiện nay các nhà giáo đang đổi mới nội dung, cũng như cách giảng dạy để môn học này ngày càng phát huy được thế mạnh.

Giai đoạn giáo dục định hướng từ lớp 10 đến lớp 12 vì thế, môn Lịch sử đóng vai trò là môn lựa chọn trong khung 3 nhóm môn Tự nhiên, xã hội và công nghệ là hoàn toàn hợp lí, phù hợp với xu thế của thế giới.

Chưa kể, giai đoạn giáo dục định hướng là một sự chuyển đổi về chất, thay đổi về nếp nghĩ, cách làm, là sự đổi mới toàn diện và triệt để không những của thầy cô giáo, của nhà trường mà còn của cả xã hội. Vì vậy công tác tuyên truyền, công tác thực hiện còn phải làm tỉ mỉ, kiên trì để ngấm dần vào mỗi con người, đồng thời thay đổi triệt để cách đánh giá, cách thi cử,…sao cho mỗi người nếu có lòng say mê trong việc học, muốn thiết tha với một ngành nào cũng đều được đáp ứng.

Vấn đề của môn Lịch sử không phải là bắt buộc hay lựa chọn. Cái cần bàn ở đây là cách dạy như thế nào mới là quan trọng. Nếu vẫn giữ mãi cách dạy học truyền thống đã cũ, đọc chép, nhồi kiến thức chính xác từ dấu chấm, dấu phẩy trong sách giáo khoa, với các con số thì dù Lịch sử có là môn học bắt buộc thì với học sinh nó mãi vẫn là môn học gây nhàm chán, học chỉ để thi. Còn nếu nội dung dạy học hấp dẫn, cuốn hút, tự khắc học sinh sẽ chọn học”.

Nhà giáo Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: (NVCC).

Không quá lo lắng khi Lịch sử là môn lựa chọn

Cũng về vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Không nên quá lo ngại chuyện học sinh sẽ không chọn môn Lịch sử. Chúng tôi sau khi có buổi hướng dẫn cho 429 học sinh khối 9 về cách thức chọn 5 môn lựa chọn khi lên lớp 10.

Nhà trường có thu phiếu khảo sát 5 môn lựa chọn của học sinh, và kết quả môn ít được học sinh lựa chọn lại là môn Sinh học chứ không phải môn Lịch sử. Cụ thể kết quả như sau:

Môn Lịch sử: 204 học sinh chọn (chiếm 47,6%); Môn Địa lí: 160 học sinh chọn (chiếm 37,3%); Môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật: 339 học sinh chọn (chiếm 79%); Môn Vật lý: 260 học sinh chọn (chiếm 60,6%); Môn Hóa học: 191 học sinh chọn (chiếm 44,5%); Môn Sinh học: 146 học sinh chọn (chiếm 34%); Môn Công nghệ: 180 học sinh chọn (chiếm 42%); Môn Tin học: 326 học sinh chọn (chiếm 76%); Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật): 248 học sinh chọn (chiếm 57,8%).

Theo thầy Tùng: “Dù rằng khảo sát của chúng tôi với mẫu 429 cũng chưa phải là lớn, song cũng cho thấy những con số đáng lưu ý. Cá nhân tôi cho rằng, môn Lịch sử để vào tổ hợp cho học sinh lựa chọn là hợp lý bởi môn này dễ tự học nhất nếu học sinh có văn hóa đọc tốt. Tôi nhận thấy một bộ phận học sinh không hứng thú môn Lịch sử là do nội dung, cách truyền tải và một phần cũng bởi do chưa đổi mới trong cách ra đề thi. Vì còn quan niệm thi gì học nấy nên cũng khiến môn Lịch sử trở nên khô khan hơn”.

Tùng Dương
ĐỀ XUẤT NGOẠI NGỮ LÀ MÔN TÙY  CHỌN LÀ VÔ CÙNG HỢP LÝ
BÙI NAM/ GDVN 3-5-2022

Chương trình giáo dục trung học phổ thông 2018 ở bậc trung học phổ thông xuất hiện 108 tổ hợp môn tự chọn, và môn Lịch sử nằm trong môn tự chọn gây nên nhiều phản ứng trái chiều.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018, ở cấp trung học phổ thông từ năm học 2022-2023 ngoài 7 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc thì học sinh được lựa chọn 5 trong số 9 môn là: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý, Hóa học, Sinh học; Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (chọn Âm nhạc hoặc Mỹ thuật).

Ảnh minh họa - GDVN

Tại sao môn Lịch sử là môn tự chọn gặp nhiều phản ứng?

Bản thân người viết cho rằng việc xuất hiện đến 108 tổ hợp chọn môn, sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023[1] đề nghị các trường xây dựng tổ hợp môn tự chọn cho học sinh là vô cùng bất cập, có thể sắp tới đây các em sẽ phải học những môn không yêu thích và từ bỏ những môn mình yêu thích do hết chỉ tiêu hoặc do trường không đủ cơ sở vật chất, nhân sự để giảng dạy.

Về vấn đề môn Lịch sử trở thành môn tự chọn, người viết cho rằng cũng không hợp lý vì Bác Hồ từng dạy, dân ta phải biết sử ta, việc am hiểu lịch sử sẽ khiến cho mỗi người dân thêm yêu và tự hào về truyền thống dân tộc.

Không những thế, môn Lịch sử xuất hiện trong rất nhiều giáo trình của các trường đại học, cao đẳng cho thấy tầm quan trọng của nó. Môn Lịch sử trở thành môn tự chọn sẽ ảnh hưởng phần nào đến sự hình thành phẩm chất, nhân cách và ảnh hưởng đến tương lai của các em.

Nên khi môn Lịch sử trở thành môn tự chọn đã gặp phải phản ứng quyết liệt từ đội ngũ nhà giáo, chuyên gia giáo dục cả nước.

Đề xuất môn ngoại ngữ là môn tùy chọn

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 môn ngoại ngữ là môn bắt buộc từ lớp 3 đã cho thấy tầm quan trọng của nó trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

Ngày 25/4/2022, trên báo Vietnamnet có đăng tải bài viết “Ngoại ngữ có thể thành môn tự chọn nếu học sinh có chứng chỉ phù hợp” của tác giả Doãn Hùng [2]

Nội dung bài báo cho hay tại Hội thảo khoa học quốc gia năm 2022 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” (UNC2022) do Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây.

Hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” là sự kiện thường niên của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Đổi mới chương trình và sách giáo khoa ngoại ngữ tại Việt Nam: hiện trạng và triển vọng” là báo cáo do ông Đặng Hiệp Giang, Chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình bày có nêu: “Có thể sẽ chấp nhận cho học sinh lựa chọn môn ngoại ngữ là môn tùy chọn nếu các em đã đạt trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu.

Bài viết nhận được sự quan tâm rất lớn của mọi người dân cả nước. Theo tôi, đề xuất trên đã được tác giả nghiên cứu cẩn thận, là đề xuất mới, táo bạo nhưng hợp lý trong giai đoạn hiện nay.

Tại sao đề xuất ngoại ngữ nên là môn tùy chọn?

Nhiều người cho rằng trong giai đoạn hiện nay đang hội nhập quốc tế sâu rộng phải học ngoại ngữ là bắt buộc, phải học theo đúng giáo trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Tuy nhiên, theo tôi đề xuất trên là đề xuất táo bạo, hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, nhiều em đã rất giỏi môn Tiếng Anh

Hiện nay hầu hết các trường phổ thông trong cả nước đều dạy ngoại ngữ là môn Tiếng Anh vì nó là ngôn ngữ thông dụng tại hơn 53 quốc gia trên thế giới, là công cụ quan trọng giúp sinh viên hoặc người đi làm tiếp cận với môi trường làm việc quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

Thật ra đề xuất của ông Giang không phải ngẫu nhiên đưa môn ngoại ngữ tùy chọn cho tất cả đối tượng học sinh hay học sinh học yếu có thể tùy chọn không học mà có thể sẽ chấp nhận cho học sinh lựa chọn môn ngoại ngữ là môn tùy chọn nếu các em đã đạt trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu.

Tức là khi các em học sinh có thể học qua nhiều cách thức khác nhau, nếu đã có những chứng chỉ ngoại ngữ Tiếng Anh phù hợp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận B2, C1, C2,… theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam cùng các chứng chỉ quốc tế như Chứng chỉ tiếng Anh CEFR (Common European Framework of Reference for Languages); chứng chỉ APTIS; Chứng chỉ TOEIC (Test of English for International Communication); Chứng chỉ TOEFL (Test of English as a Foreign Language); Chứng chỉ IELTS (International English Language Testing System);….được công nhận ở mức cao thì các em hoàn toàn có thể tùy chọn không học ngoại ngữ trên mà có thể tùy chọn ngoại ngữ khác hoặc tập trung vào các môn học khác.

Điều này hoàn toàn phù hợp, đáp ứng được nhu cầu đổi mới, đa dạng hình thức học tập, chú trọng chuẩn đầu ra hơn là cách học.

Thứ hai, Tiếng Anh là một trong những lựa chọn học tiếng, giúp các em có thêm trải nghiệm những ngoại ngữ mới

Như đã trình bày ở phần trên, nếu trình độ ngoại ngữ Tiếng Anh của các em đã đạt mức cao, có chứng chỉ phù hợp thì việc môn ngoại ngữ là môn lựa chọn giúp các em có thể lựa chọn thêm các môn Ngoại ngữ khác cần thiết hơn như Tiếng Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,…

Giai đoạn hiện nay không chỉ cần giỏi Tiếng Anh mà nhiều ngoại ngữ khác cũng rất thông dụng và cần thiết, lựa chọn thêm nhiều ngoại ngữ sẽ có thêm trải nghiệm và gia tăng cơ hội nghề nghiệp cho các em học sinh giỏi.

Thứ ba, có những ngành nghề không cần đến ngoại ngữ

Thật ra, ngoại ngữ vẫn rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhưng khi các em đã đạt đến trình độ nhất định để hiểu, biết thông dụng là phù hợp với nhu cầu nghề nghiệp đối với một số ngành nghề.

Ở một số ngành nghề lại không liên quan, ứng dụng gì đến ngoại ngữ.

Nên nếu các em đã có định hướng nghề nghiệp các ngành không có liên quan, ứng dụng ngoại ngữ thì các em này chỉ cần biết được kiến thức phổ thông là phù hợp, nên đề xuất môn ngoại ngữ thành môn tùy chọn khi đã có trình độ nhất định cũng là đề xuất hết sức hợp lý.

Thứ tư, giảm bớt tình trạng thiếu giáo viên ngoại ngữ

Hiện nay, ngoại ngữ là môn bắt buộc từ lớp 3 nên khi thực hiện chương trình mới sẽ thiếu một lượng lớn giáo viên môn trên.

Ngoại ngữ trở thành môn tùy chọn sẽ phần nào giải quyết được bài toán thiếu giáo viên.

Theo tôi, giai đoạn này trình độ ngoại ngữ nhất là môn Tiếng Anh của nhiều em học sinh đã rất tốt nên việc đề xuất đưa ngoại ngữ trở thành môn tùy chọn là đề xuất vô cùng hợp lý, hợp thời rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có những cuộc họp, hội thảo với các chuyên gia lưu tâm về vấn đề này và có thể thí điểm triển khai trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

[1] văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH

[2] https://vietnamnet.vn/co-the-de-xuat-ngoai-ngu-thanh-mon-tu-chon-o-bac-pho-thong-2012662.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét