Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

20220529. TRANH CÃI: LỊCH SỬ LÀ MÔN BẮT BUỘC

ĐIỂM BÁO MẠNG

MÔN LỊCH SỬ LONG ĐONG, VÌ ĐÂU NÊN NỖI ?

CAO NGUYÊN/GDVN 28-5-2022

Từ tháng 4/2022, dư luận cả nước bàn tán xôn xao khi Lịch sử trở thành môn lựa chọn ở bậc trung học phổ thông vào năm học 2022-2023.

Mặc dù Bộ Giáo dục đã giải thích Lịch sử là môn lựa chọn (không phải môn tự chọn, thậm chí có luồng ý kiến cho rằng ngành giáo dục bỏ môn Lịch sử) nhưng nhiều cá nhân, tổ chức vẫn tranh cãi nảy lửa không hồi kết.

Trong phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội ngày 23/5, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã trình bày báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022. Trong đó nhấn mạnh, Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông. [1]

Thực tế, môn Lịch sử đã gây nhiều tranh cãi kể từ lúc Bộ Giáo dục ra Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, kéo dài cho đến khi chính thức ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tiếp diễn tận bây giờ khi thời điểm chính thức bắt đầu năm học mới chỉ còn hơn 3 tháng. Đó sẽ là thời điểm các trường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với cấp Trung học phổ thông.

Nhiều tranh cãi khi môn Lịch sử được tích hợp ở cấp Trung học cơ sở và lựa chọn ở cấp Trung học phổ thông. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Cùng nhìn lại số phận long đong môn Lịch sử

Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. [2]

Ngày 28/11/2014, Quốc hội ra Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. [3]

Tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết 88/2014/QH13 về hai giai đoạn giáo dục phổ thông, cấp trung học phổ thông phân hóa, giảm số môn học bắt buộc và tăng môn học, chủ đề tự chọn.

Nghị quyết 88 cũng nêu rõ: "Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc".

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng ghép môn Lịch sử với 2 phân môn khác là Đạo đức – Công dân và Quốc phòng – An ninh thành môn bắt buộc “Công dân với Tổ quốc”.

Lo lắng Lịch sử không còn là môn học độc lập ở Chương trình mới, ngày 15/11/2015, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" để các nhà khoa học cùng nhau trao đổi, thảo luận. [4]

Tại hội thảo, đại diện Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết Hội sẽ kiến nghị lên các lãnh đạo cấp cao nhất để "bảo vệ Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp trung học cơ sở đến cấp trung học phổ thông".

Trái lại, Ban xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng, "nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử, với logic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới".

Không đồng tình với quan điểm này, nhà sử học Dương Trung Quốc thẳng thắn nêu ý kiến: "Bộ Giáo dục đặt vấn đề các môn tích hợp trong dự thảo chương trình mới chưa thuyết phục. Ông Quốc lưu ý Bộ Giáo dục đừng biến giáo dục là nơi để thí nghiệm, điều đó là rất nguy hiểm".

Và sau đó, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội diễn ra vào ngày 27/11/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII, trong đó có yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. [5]

Ngày 12/4/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo giới thiệu về bản Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để xin ý kiến toàn thể ý kiến Nhân dân trước khi ban hành chính thức. [6]

Đến ngày 20/5/2017, Ban soạn thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, trong đó, các thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Giáo dục, các tổ chức, cá nhân và 63/63 Sở giáo dục và Đào tạo cùng với khoảng 200 bài viết trên các báo và khoảng 400 ý kiến chia sẻ dưới các bài viết. [7]

Theo đó, hầu hết các ý kiến đều nhất trí về cơ bản nội dung dự thảo Chương trình tổng thể và cho rằng dự thảo Chương trình tổng thể đã quán triệt các quan điểm, tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, thể hiện quyết tâm đổi mới ngành giáo dục.

Dự thảo chương trình các môn học được được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến toàn dân từ ngày 19/01/2018 đến ngày 19/3/2018.

Sau khi tiếp thu ý kiến Nhân dân và ý kiến của chuyên gia ở trong và ngoài các Hội đồng thẩm định (Hội đồng thẩm định Chương trình tổng thể, các Hội đồng thẩm định chương trình môn học), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các tổ chức có liên quan.

Trên cơ sở đó, Chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành kèm theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Riêng Lịch sử trở thành môn Lịch sử và Địa lí (bậc trung học cơ sở), đây cũng là môn lựa chọn của tổ hợp Khoa học xã hội (bậc trung học phổ thông).

Vào thời điểm tháng 4/2022, được biết Lịch sử là môn lựa chọn ở bậc trung học phổ thông, dư luận tranh cãi nảy lửa không hồi kết. Ngay sau đó, Bộ Giáo dục đã lên tiếng, môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường trung học phổ thông, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có.

Ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và môn Lịch sử bậc trung học phổ thông trong chương trình này.

Riêng việc dạy học môn Lịch sử cấp trung học phổ thông, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Ngày 22/5/2022, tại phiên họp toàn thể lần thứ Ba của Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho rằng, môn Lịch sử có vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này.

Vì vậy, cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp Nhân dân theo hướng quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp; thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).

Những kiến nghị thời điểm này dấy lên điều băn khoăn là, nếu Lịch sử thành môn bắt buộc thì phải sửa lại chương trình từ lớp 6 đến lớp 12, không đơn giản chỉ sửa ở bậc trung học phổ thông là xong. Với thời gian hơn 3 tháng nữa, nếu lập tức đưa môn Lịch sử thành môn bắt buộc, liệu các trường có kịp trở tay?

Tài liệu tham khảo:

[1] //vov.vn/xa-hoi/giao-duc/chinh-phu-se-nghien-cuu-y-kien-dua-lich-su-la-mon-hoc-bat-buoc-post945736.vov

[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-quyet-29-NQ-TW-nam-2013-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-dao-tao-hoi-nhap-quoc-te-212441.aspx

[3] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-quyet-88-2014-QH13-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-260798.aspx

[4] //nhandan.vn/dien-dan-giao-duc/mon-lich-su-dung-truoc-thach-thuc-chua-tung-co-247865/

[5] //nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/quoc-hoi-yeu-cau-giu-lai-mon-lich-su-20151127184720794.htm

[6] //moet.gov.vn/tintuc/Pages/CT-GDPT-Tong-The.aspx?ItemID=4616

[7] //moet.gov.vn/tintuc/Pages/CT-GDPT-MOI.aspx?ItemID=4745&fbclid=IwAR31m_zEDGJ1xBKOxOL9q4tpFSn4FVp4-yveSTyFsmfLGcPiFECSpt-Yd3g

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên
NẾU BÂY GIỜ LỊCH SỬ THÀNH MÔN BẮT BUỘC THÌ CÁC TRƯỜNG GẶP KHÓ KHĂN TRONG CHỌN SÁCH GIÁO KHOA
TRẦN LÝ/ GDVN 28-5-2022
GDVN-Khi môn Lịch sử là môn bắt buộc thì số lượng các môn bắt buộc, lựa chọn sẽ thay đổi kéo theo sự thay đổi về thời lượng và cấu trúc chương trình.

Vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học phổ thông. Dư luận băn khoăn, thay đổi môn Lịch sử từ môn "lựa chọn" thành môn "bắt buộc" khi chỉ còn 3 tháng nữa là bắt đầu năm học mới có gây khó khăn cho các trường phổ thông?

Chia sẻ vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Việt Hùng, Quyền Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) cho rằng, việc đưa môn Lịch sử thành môn học bắt buộc là phù hợp.

Tuy nhiên, nếu thay đổi vào thời điểm cận kề năm học mới có thể sẽ phát sinh một số khó khăn cần các cấp, các ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có giải pháp khẩn trương.

Về phía ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La luôn sẵn sàng ứng phó với những khó khăn phát sinh và tin tưởng sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của ngành trong năm học tới. Trong đó có việc thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10.

Ảnh minh họa: Linh Hương

“Thứ nhất, khi môn Lịch sử là môn bắt buộc thì số lượng các môn bắt buộc, lựa chọn sẽ thay đổi kéo theo sự thay đổi về thời lượng và cấu trúc chương trình. Từ đó, phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến công tác đăng ký sử dụng sách giáo khoa và học liệu vì năm học mới đang cận kề.

Thứ hai, theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thời lượng môn Lịch sử là 140 tiết/3 năm học, còn theo chương trình giáo dục phổ thông mới là 210 tiết/3 năm học (có thể tăng thành 315 tiết/3 năm học đối với đối tượng học sinh lựa chọn cụm chuyên đề môn Lịch sử). Chính vì vậy, khi môn Lịch sử thành môn bắt buộc, số tiết chắc chắn thay đổi và sẽ ảnh hưởng một phần tới đội ngũ giảng dạy môn học này”, Tiến sĩ Vũ Việt Hùng phân tích.

Theo Tiến sĩ Vũ Việt Hùng, xu hướng năng lực của học sinh trong tỉnh Sơn La căn bản phù hợp với nhóm môn Khoa học xã hội, trong đó có môn Lịch sử. Vì vậy, hầu hết các trường trung học phổ thông trong tỉnh đều xây dựng nhiều tổ hợp có môn này.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 43 trường trung học phổ thông với gần 100 giáo viên dạy môn Lịch sử. Trong đó, có 15 trường liên cấp Trung học cơ sở - Trung học phổ thông - nơi có nhiều giáo viên dạy môn học này ở cấp 2 có thể thực hiện nhiệm vụ giảng dạy cấp 3.

Như vậy với số lượng giáo viên giảng dạy hiện có, nếu môn học trở thành môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10 thì căn bản tỉnh Sơn La không gặp nhiều khó khăn trong công tác đội ngũ.

Về lâu dài, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La sẽ tiến hành rà soát đội ngũ, tham mưu điều tiết biên chế giữa các môn để bổ sung chỉ tiêu cho môn Lịch sử.

Quyền Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La cũng nhấn mạnh, việc tìm giải pháp khắc phục khó khăn công tác đội ngũ giáo viên trong chương trình giáo dục phổ thông mới được tỉnh đặc biệt quan tâm ngay từ khi có kế hoạch triển khai chương trình.

“Đối với cấp trung học phổ thông, các trường ở tỉnh Sơn La thiếu một số giáo viên biên chế môn Giáo dục quốc phòng và an ninh, môn Nghệ thuật. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo sớm tính toán, đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này như tăng cường, biệt phái, phân công giáo viên dạy liên trường.

Bên cạnh đó, Sở tích cực tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ, theo đó các đơn vị có thể dùng kinh phí được cấp theo biên chế để hợp đồng, mời thỉnh giảng đối với chỉ tiêu, biên chế còn thiếu theo quy định. Hơn nữa, có thể xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hoặc đào tạo lại, đào tạo văn bằng 2 để khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Ngoài ra, đối với hoạt động giáo dục có thời lượng lớn như hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục địa phương,… thì có thể phân công giáo viên được đào tạo chuyên môn khác nhau để đảm nhận theo quy định. Các nội dung này đã được bộ, ngành tổ chức tập huấn chuẩn bị triển khai từ nhiều năm nay nên hoàn toàn chủ động trong việc thực hiện chương trình mới.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề vị trí môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông, Phó Giáo sư Phan Xuân Biên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, môn Lịch sử cần phải là môn bắt buộc ở cấp trung học phổ thông.

“Việc thay đổi chương trình chắc chắn có khó khăn nhưng cần phải làm. Đổi mới chương trình lấy học sinh làm trung tâm nhưng học sinh không chỉ có 3 năm học trung học mà học sinh còn là chủ nhân tương lai của đất nước. Khi thay đổi cần suy xét đến mặt lợi hay hại, đừng chỉ tính trước mắt mà còn phải nghĩ về lâu dài.

Phải chấp nhận khó khăn thời gian đầu khi điều chỉnh nhưng phải chỉnh cho đúng”, Phó Giáo sư Phan Xuân Biên nói.

Trần Lý
'BỘ GIÁO DỤC CẦN GIẢI THÍCH ĐÃ, ĐANG VÀ SẼ LÀM GÌ 
VỚI MÔN LỊCH SỬ'
PHƯƠNG CHI, THÚY NGA/VNN 28-5-2022
Bộ GD-ĐT cần giải thích rõ cho nhân dân lý do tổ chức dạy học lựa chọn môn Lịch sử, và những người muốn môn Lịch sử là bắt buộc đối với học sinh THPT cũng phải có lý lẽ chặt chẽ và khảo sát thực tế.

GS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ quan sát của ông rằng trước khi tiến hành công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, thì môn Lịch sử dường như đang đứng trước một thực tế là học sinh không thích.

“Đấy là một nỗi lo ghê gớm, không chỉ của giới làm Sử, mà của cả những người quản lý, của lãnh đạo, bởi có lẽ không ở nước nào trên thế giới thấy yêu và quan trọng môn Sử hơn Việt Nam. Ý nghĩa quan trọng của nó chúng ta không cần phải bàn thêm nữa.

Nhưng đứng trước thực trạng học sinh không thích học và thậm chí là sợ môn Lịch sử, thì rõ ràng chúng ta phải trăn trở làm thế nào môn học này có đúng vị trí của nó”.

GS Giang nhận định luồng ý kiến khẳng định môn Lịch sử rất quan trọng, bắt buộc phải học, bắt buộc phải thi cũng xuất phát từ cái tâm, muốn môn học này được trọng thị. Thầy cô giáo dạy Lịch sử cũng muốn môn mình dạy là môn chính. Đây là đề cao môn Sử theo cách nhìn quan phương – tức là nhìn theo góc độ quản lý, chính quyền.

Còn một quan điểm thứ hai, theo GS Giang, là phải đổi mới căn bản chương trình giáo dục và đào tạo.

“Tôi đã từng phát biểu không chỉ một lần rằng môn Lịch sử phải là đi đầu trong đổi mới, phải “bắt mạch kê đơn” tại sao học sinh không thích môn học này.

Đó là vì môn Lịch sử mà chúng ta đang dạy có quá nhiều kiến thức để nhớ. Chúng ta đã bị mắc ở nền giáo dục tiếp cận nội dung – và Lịch sử là môn học chịu hậu quả nặng nề nhất.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nhận thấy từ trước tới nay việc giảng dạy môn Lịch sử hơi thiếu khách quan, có tính chất áp đặt.

Và một điểm nữa là Lịch sử vốn rất phong phú, đa dạng, nhiều điều hấp dẫn, nhưng chúng ta đã không đem cái hấp dẫn đó vào bài học lịch sử mà dạy một cách khô khan. Thầy giáo thì luôn sợ dạy sai vì phải dạy theo sách giáo khoa.

Ở khuynh hướng này, tôi ủng hộ xu hướng làm sao đó để môn Lịch sử hấp dẫn hơn, không cần dạy nhiều những thứ cụ thể mà làm sao để học sinh tự thấm, tự tìm hiểu. Khi học sinh có sự ham thích, mong muốn tìm hiểu thì các em sẽ làm mọi cách để tìm hiểu. Đó mới là đổi mới căn bản toàn diện” – GS Giang phân tích.


GS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Lê Văn.

GS Vũ Minh Giang cũng chỉ ra một thực tế rằng trước đây, Lịch sử là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, có một “khúc quanh” trong hệ thống giáo dục đào tạo là 38% học sinh cấp 2 không vào cấp 3 mà đi học nghề, đi làm công nhân… Mỗi năm, 1 triệu học sinh tốt nghiệp lớp 12 không bao gồm những học sinh này.

“Chúng ta phải tính đến chuyện tất cả học sinh học hệ thống giáo dục phổ thông phải được trang bị kiến thức Lịch sử trọn vẹn, căn bản, hệ thống. Từ đó mới sinh ra hai giai đoạn theo Nghị quyết của Đảng và chủ trương của Quốc hội: giai đoạn bắt buộc có môn Lịch sử và giai đoạn hướng nghiệp.

Nếu chúng ta dạy theo cách cũ, tức là dạy Lịch sử bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12, giai đoạn lịch sử cận hiện đại rơi vào cấp THPT, thì những học sinh học THCS nhưng không có điều kiện tiếp tục học THPT sẽ mất giai đoạn lịch sử đó. Việc tổ chức lại môn Lịch sử có lường tới thực tế này” – GS Giang chỉ rõ.

Một điều quan trọng nữa, theo GS Giang, là chúng ta rất muốn dạy cho học sinh phổ thông, dù sau này có trở thành ai, thì phải có sự hiểu biết về đất nước mình, dân tộc mình, truyền thống của cha ông mình.

“Tôi nghĩ rằng những gì lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước đang làm là tập trung vào điều đó. Suốt chiều dài lịch sử những gì kết tinh lại chính là văn hóa. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”. Văn hóa là những giá trị được kết tinh trong quá trình lịch sử. Chúng ta quan tâm đến văn hóa, lịch sử như vậy thì không có lý do gì để coi nhẹ môn Lịch sử cả”.

Trở lại với phương án dạy Lịch sử ở phổ thông, vị GS này chia sẻ ông được biết là tới đây, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có lộ trình cho môn học này chứ không phải thay đổi ngay lập tức.

“Chẳng hạn như các em lớp 9 hiện nay đã học hết giai đoạn Lịch sử cận hiện đại đâu nên khi vào lớp 10 sẽ tiếp tục học chương trình bắt buộc đó. Còn những năm tiếp theo thì Bộ sẽ có kế hoạch triển khai.

Theo tôi, chúng ta nên học các nền giáo dục tiên tiến, trong đó có những nước có sự đổi mới không chỉ một lần mà được tiến hành thường xuyên.

Chúng ta phải có 3 động thái với giáo dục: luôn phải nhìn lại chặng đường đã qua, tổng kết cái gì được và chưa được, rồi tiếp tục đổi mới - thì việc xây dựng những chương trình như thế này sẽ có sự chuẩn bị nhưng cũng không phải là “nhất thành bất biến”.

Cuối cùng, GS Giang nhấn mạnh: “Điều rất cần hiện nay là Bộ GD-ĐT và các cơ quan có trách nhiệm phải giải thích rõ cho nhân dân biết chúng ta đã, đang và sẽ làm gì. Mọi người nếu chỉ nhìn vào vòng xoáy 'bên này muốn bỏ, bên kia muốn giữ' thì không đúng với bản chất hiện tượng mà chúng ta muốn xem xét”.

Phương Chi – Thúy Nga

CHI TIẾT VỊ TRÍ MÔN LỊCH SỬ TRNG CHƯƠNG TRÌNH GDPT TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA

LINH HƯƠNG /GDVN 27-5-2022

GDVN- Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin chi tiết về vị trí môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông ở một số quốc gia để độc giả tham khảo.

Trong báo cáo về việc triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và nội dung giáo dục Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một số thông tin tham khảo về vị trí môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông ở một số quốc gia.

Linh Hương
THIẾT KẾ CT MÔN LỊCH SỬ TRONG GDPT MỚI CÓ PHÙ HỢP VỚI TINH THẦN NGHỊ QUYẾT 29 KHÔNG ?
LINH HƯƠNG th/GDVN 29-5-2022

Việc Lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình trung học phổ thông mới, bắt đầu triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023 đang trở thành tâm điểm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Xung quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), chuyên gia về Phát triển chương trình, hiện đang là Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Vừa qua, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc ở bậc trung học phổ thông trong Chương trình phổ thông mới thay vì là môn lựa chọn như đã thiết kế. Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thấy đề nghị như vậy có hợp lý không, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Về câu hỏi này, trước hết tôi chưa bàn đến chuyện hợp lý hay chưa nhưng nếu chuyển môn Lịch sử từ môn lựa chọn thành môn bắt buộc thì 2 khả năng có thể xảy ra.

Khả năng thứ nhất: Giữ nguyên chương trình giáo dục phổ thông mới (bao gồm cả chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học) đã ban hành, chỉ có điều chỉnh môn Lịch sử từ môn lựa chọn thành môn bắt buộc ở bậc trung học phổ thông.

Khả năng thứ hai: Phải cấu trúc lại toàn bộ từ chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng như chương trình của môn Lịch sử.

Phóng viên: Vậy giả định theo khả năng thứ nhất tức là giữ nguyên toàn bộ chương trình đã ban hành, chỉ điều chỉnh môn Lịch sử, vậy khi đó sẽ có những thay đổi như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo lý thuyết về phát triển chương trình ở tất cả các bậc học thì nội dung của môn học có thể được cấu trúc theo 2 phương thức: tiếp nối và đồng tâm.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Tùng Dương)

Ví dụ, đối với cấu trúc tiếp nối ở môn Lịch sử được thể hiện ở bậc tiểu học, trung học cơ sở tập trung vào lịch sử cổ đại, trung đại còn bậc trung học phổ thông thì dạy về lịch sử cận đại và hiện đại.

Còn cấu trúc đồng tâm thể hiện thông qua việc bậc tiểu học, trung học cơ sở dạy toàn bộ lịch sử từ cổ đại đến hiện đại còn bậc trung học phổ thông cũng dạy những nội dung đó nhưng ở mức nâng cao và có mở rộng hơn.

Thông thường, đối với bậc học nền tảng thì kiến thức môn học được cấu trúc theo kiểu tiếp nối, còn ở các giai đoạn nâng cao thì sẽ được thiết kế theo cấu trúc đồng tâm. Đối với cấu trúc kiểu tiếp nối thì các môn học đó phải là môn bắt buộc, còn thiết kế theo kiểu đồng tâm thì môn học đó không nhất thiết phải là môn học bắt buộc cho mọi học sinh thuộc cấp học.

Đối chiếu với chương trình giáo dục phổ thông mới cho thấy, chương trình được phân làm hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản kết thúc ở lớp 9 và giáo dục hướng nghiệp bắt đầu từ lớp 10.

Trong số đó, Lịch sử là môn bắt buộc ở giai đoạn giáo dục cơ bản, nhưng trở thành môn lựa chọn ở giai đoạn hướng nghiệp và được thiết kế theo kiểu đồng tâm. Khi đã là nội dung được thiết kế theo kiểu đồng tâm thì không thể xem đó là nội dung bắt buộc với tất cả học sinh được. Và nếu trở thành môn bắt buộc thì sẽ gây ra tình trạng quá tải với số lượng lớn học sinh trung học phổ thông khi đã có định hướng phân hóa.

Tôi cho rằng, các tác giả thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới phân chia rõ ràng các môn bắt buộc và lựa chọn như vậy là hợp lý với Luật Giáo dục 2019 và phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương. Cụ thể:

Điểm b, Khoản 2, Điều 30, Luật Giáo dục 2019 đã nêu rõ: “Giáo dục trung học cơ sở củng cố, phát triển nội dung đã học ở tiểu học, bảo đảm cho học sinh có hiểu biết phổ thông cơ bản về tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc…”

Nghị quyết 29 nêu: “Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.”

Vậy theo giả định thứ hai thì sao, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Nếu chuyển Lịch sử từ môn lựa chọn mà sang bắt buộc thì chỉ có thể là chuyển một phần của chương trình Lịch sử bậc trung học cơ sở sang chương trình Lịch sử bậc trung học phổ thông để đảm bảo theo cấu trúc tiếp nối. Bởi vì chương trình ở trung học cơ sở hiện nay đều bao gồm toàn bộ kiến thức từ cổ đại, trung đại, cận đại, hiện đại chứ không thể lấy các nội dung thiết kế đang có cho bậc trung học phổ thông để chuyển thể thành nội dung bắt buộc.

Khi đó thì phải thay đổi lại cấu trúc toàn bộ của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nội dung và thời lượng của môn Lịch sử và các môn khác. Điều này dù có thật sự cần thiết thì cũng không thể xóa đi làm lại mà hoàn thành trong thời gian 3 tháng để bước vào năm học mới 2022-2023.

Chưa kể, những kiến thức được thiết kế trong chương trình trung học phổ thông là kiến thức nâng cao, ví như các nền văn minh thế giới thời kỳ cổ-trung đại, các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử thế giới, văn minh Đông Nam Á, lịch sử văn hóa-tư tưởng-tôn giáo, di sản văn hóa, làng xã Việt Nam….thì những nội dung này không chỉ dạy ở bậc trung học phổ thông mà thường có trong chương trình giáo dục đại cương ở bậc đại học dưới dạng lựa chọn.

Do đó, nếu lấy nội dung kiến thức thuộc về giáo dục đại học dạy cho bậc học thấp hơn (trung học phổ thông-PV) thì chỉ có thể lấy một ít và đưa vào dưới dạng môn tự chọn chứ không thể là môn bắt buộc.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Lê Viết Khuyến.

Linh Hương (thực hiện)
BẮT BUỘC HAY LỰA CHỌN KHÔNG QUAN TRỌNG BẰNG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC LỊCH SỬ
NGUYỄN NGUYÊN LƯƠNG/GDVN 29-5-2022
GDVN- Khi đã yêu Lịch sử, học sinh có thể tự học Lịch sử bất cứ đâu, bất cứ khi nào, bất cứ nguồn kiến thức nào, đó mới là mục tiêu cao nhất của giáo dục.

Thời gian qua, vấn đề môn Lịch sử là môn học lựa chọn ở bậc trung học phổ thông lại được dư luận quan tâm đặc biệt.

Đặc biệt, trên mạng xã hội, những bài viết, ý kiến của các chuyên gia, bảo vệ quan điểm môn Lịch sử phải là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục, được chia sẻ rộng rãi.

Đọc báo, lướt mạng xã hội, hẳn bạn đọc rất mừng khi thấy môn Lịch sử được “quan tâm” sâu sắc, chất lượng bộ môn Lịch sử chắc phải đứng đầu trong tất cả các môn học.

Thực tế không phải vậy, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau mỗi kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn có điểm trung bình thấp nhất chính là môn Lịch sử.

Rõ ràng đang có nghịch lý giữa yêu cầu môn Lịch sử là môn học bắt buộc với thực tế học tập môn Lịch sử của học sinh trung học phổ thông?

Ảnh minh họa: Đ.T

Nếu Lịch sử là môn học bắt buộc mà học sinh không học Lịch sử, liệu có ích gì?

Nếu bắt buộc mà học sinh không học Lịch sử, để Lịch sử là môn lựa chọn ở trung học phổ thông, những học sinh thực sự muốn học Lịch sử, chọn môn Lịch sử để học, để trang bị kiến thức cho nghề nghiệp tương lai, phải chăng sẽ hay hơn?

Thầy Phan Khánh Hội (giáo viên dạy môn Lịch sử - Trường Trung học phổ thông Cửa Tùng - Vĩnh Linh - Quảng Trị) chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Mọi năm các thí sinh đăng ký tham gia thi tốt nghiệp môn Lịch sử đều rất ít, thậm chí có hội đồng thi chỉ có 1 đến 2 em học sinh.

Mặc dù hiện nay môn Lịch sử nằm trong tổ hợp khoa học xã hội, tổ hợp môn được thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp nhiều nhất.

Thế nhưng, việc đăng ký này chưa phản ánh hết việc học sinh ít học môn Lịch sử vì kết quả thi môn Lịch sử ở kỳ thi tốt nghiệp những năm qua đều có phổ điểm rất thấp.

Điều đó chứng tỏ học sinh chỉ đăng ký thi mà không học hoặc học ít. Từ kết quả thi, lo ngại nếu Lịch sử là môn lựa chọn có thể sẽ có rất ít học sinh chọn môn Sử khi chương trình phổ thông 2018 được áp dụng là hoàn toàn có cơ sở ”.[1]

Từng là giáo viên Ngữ văn, Lịch sử và cán bộ quản lý giáo dục 38 năm, tại buổi tiếp xúc cử tri ở Đà Nẵng, cử tri Nguyễn Đình Hùng nêu ra những câu chuyện mình gặp phải về sự thiếu hiểu biết lịch sử của học sinh: “trong một lần kiểm tra môn Ngữ văn lớp 8, đề trích dẫn Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn và yêu cầu học sinh trình bày hiểu biết về đoạn trích, có em bài làm gần hai trang, nêu rõ ngày tháng năm sinh, quê quán, thân thế, sự nghiệp của "ông Hịch Tướng Sĩ" và còn mô tả "ông" nghe lời kêu gọi kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đứng lên cầm súng đánh giặc, khi chết được chôn cất tại nghĩa trang Gò Cà (huyện Hòa Vang)...[2] Điều này khiến không ít người chua xót và lo lắng.

Chương trình cũ, môn Lịch sử là môn bắt buộc, nhưng “học sinh chỉ đăng ký thi mà không học hoặc học ít”, nên kiến thức Lịch sử kiểu “râu ông nọ chắp cằm bà kia” là thực tế. Vậy môn Lịch sử là môn học bắt buộc có còn quan trọng?

Chương trình 2018, ở trung học phổ thông, môn Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc, liệu có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục môn Lịch sử, hay vẫn đi vào "vết xe đổ" của chương trình cũ?

Nếu cách dạy, cách thi như hiện nay, môn Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc trong chương trình mới ở trung học phổ thông, người viết vẫn tin rằng “học sinh chỉ đăng ký thi mà không học hoặc học ít”.

Bắt buộc hay lựa chọn không quan trọng bằng đổi mới phương pháp dạy, truyền đạt môn Lịch sử

Phải khẳng định một điều, Chương trình giáo dục 2018 không bỏ môn Lịch sử. Lịch sử vẫn được dạy và học xuyên suốt chương trình, chỉ có khác, ở bậc trung học phổ thông, môn Lịch sử là môn học lựa chọn chứ không bắt buộc.

Khi được hỏi “Vì sao yêu sử lại không chọn môn lịch sử để thi”?, một học sinh lớp 12 từng trả lời không chút lưỡng lự: “Tụi con không ghét sử, thậm chí còn rất yêu và luôn tự hào về những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc.

Chỉ không thích nội dung môn Lịch sử trong sách giáo khoa và cách dạy của một số thầy cô giáo hiện nay, cách ra đề thi của nhà trường, nó gò bó, máy móc và mang tính áp đặt nhiều.

Khi dạy, phần lớn thầy cô chỉ giảng qua loa những điều mà trong sách giáo khoa đã viết.

Có bạn con nói “Thầy cô giảng thế này thì ở nhà đọc sách lại hiểu hơn”.[3]

Học sinh không thích cách dạy Lịch sử của giáo viên hiện nay, đó là một thực tế. Học sinh vẫn thích học Lịch sử với phương thức truyền đạt sáng tạo, phù hợp thời đại 4.0 cũng là một thực tế.

Lịch sử là môn học bắt buộc hay lựa chọn ở bậc trung học phổ thông, không quan trọng bằng đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử, truyền đạt Lịch sử trong trường học.

Dạy học môn Lịch sử sáng tạo, truyền được hứng thú cho học sinh, học sinh sẽ yêu môn Lịch sử, kiến thức lịch sử, ngay khi học tiểu học.

Khi đã yêu Lịch sử, học sinh có thể học Lịch sử bất cứ đâu, bất cứ khi nào, bất cứ nguồn kiến thức nào, đó mới là mục tiêu cao nhất của giáo dục.

Sáng 23/5/2022, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV khai mạc. Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022.

Đặc biệt, sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông.[4]

Người viết tin rằng, Chính phủ sẽ có quyết định đúng đắn, dựa trên kết quả nghiên cứu thực tế, khách quan, khoa học, để quyết định môn Lịch sử là môn học bắt buộc hay lựa chọn ở trung học phổ thông.

Dù Lịch sử môn học lựa chọn hay bắt buộc ở bậc trung học phổ thông, kiến thức Lịch sử vẫn cần bồi đắp thường xuyên cho tâm hồn mỗi người.

Với người trẻ, việc học sử không phải để thi cử mà học sử để làm người có ích, để trang bị kiến thức, kỹ năng, thấm nhuần đạo lý “ăn trái nhớ người trồng cây” và kể cả nảy mầm tư tưởng cống hiến “không đòi hỏi Tổ quốc phải làm gì cho ta, mà ta phải làm gì cho Tổ quốc”.[5]

Với người trưởng thành, học Lịch sử để biết "trăm năm bia đá thì mòn; Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ", để biết, để sống cho phải đạo làm người, đừng vì lợi ích cá nhân mà làm hại lợi ích nhân dân, làm hại lợi ích quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/lich-su-la-mon-tu-chon-khong-bi-ep-buoc-biet-dau-hoc-sinh-lai-yeu-su-hon-post226138.gd

[2] https://vnexpress.net/ong-vo-van-thuong-bo-mon-lich-su-la-cach-dien-dat-chua-dung-4463215.html

[3]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/khong-chon-thi-su-dau-co-nghia-la-khong-yeu-nuoc-va-lich-su-dan-toc-post158489.gd

[4] https://tuoitre.vn/chinh-phu-nghien-cuu-dua-lich-su-la-mon-hoc-bat-buoc-20220523103222154.htm

[5]http://daidoanket.vn/hoc-lich-su-de-lam-nguoi-79435.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nguyên Lương
NẾU LỊCH SỬ THÀNH MÔN BẮT BUỘC:"NÓ SẼ LÀ CẢ VẤN ĐỀ LỚN, KHÔNG  ĐƠN GIẢN"
VIỆT DŨNG/GDVN 29-5-2022

Ngay khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định môn Lịch sử bậc trung học phổ thông trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trở thành môn học bắt buộc. Đề nghị này khiến nhiều chuyên gia, thầy cô lo ngại bởi năm học mới (2022-2023) chỉ còn khoảng hơn 3 tháng nữa là bắt đầu liệu có hợp lý hay không?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, thầy Trần Công Tuấn – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Nếu Lịch sử trở thành môn học bắt buộc thì chắc phải thiết kế lại chương trình.

Thầy Trần Công Tuấn khẳng định: “Tôi ủng hộ môn Lịch sử là môn học “lựa chọn” như trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.

Bởi lẽ, môn Lịch sử đã được biên soạn lại dưới dạng các bài học căn bản trong chương trình từ lớp 4 đến lớp 9, còn chương trình môn Lịch sử lớp 10 trở đi thì được biên soạn dưới các dạng chuyên đề chuyên sâu, đòi hỏi học sinh phải có đam mê đối với môn học, hay với các em có định hướng nghề nghiệp cần đến môn Lịch sử thì mới cần phải học.

Còn nếu bây giờ, môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, áp dụng đại trà thì chắc chắn phải biên soạn lại Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Lúc này, đây sẽ môn học bắt buộc thứ 8. Điều đó có nghĩa rằng, trong 3 tổ hợp môn tự chọn, thay vì trước đây trong 10 môn được chọn 5 môn thì giờ chỉ được chọn 4 môn.

Ảnh minh họa: Linh Hương

Sách giáo khoa môn Lịch sử khi đó phải được biên soạn lại thành bài, nâng cấp hơn so với kiến thức của bậc trung học cơ sở, chứ không phải là dạng chuyên đề chuyên sâu như hiện nay. Nói chung là cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp hơn.

Ngoài ra, theo thầy Trần Công Tuấn thì còn cần phải thực hiện việc tập huấn lại cho giáo viên.

Hiệu Trưởng trường trung học phổ thông Phú Nhuận khẳng định, không nên ngại học sinh không yêu thích môn học Lịch sử. Bởi lẽ, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có môn bắt buộc là Giáo dục địa phương, trong đó có cả kiến thức của Lịch sử địa phương.

Mà Lịch sử địa phương thì không thể nào đứng riêng một mình được, cũng cần có sự kết nối của các vùng miền, khu vực trong cả nước.

Thầy Trần Công Tuấn cho hay, nếu các trường dạy tốt phần Lịch sử địa phương, thì chắc chắn học sinh sẽ yêu thích khi học.

“Nếu các nhân vật của phần Lịch sử địa phương hay, cuốn hút thì tự khắc học sinh sẽ tự động nghiên cứu, tìm hiểu, phát huy được tinh thần tự đọc, tự học hơn trong các em” – thầy Trần Công Tuấn chia sẻ.

Để học sinh yêu thích, đam mê hơn khi học môn Lịch sử, thầy Trần Công Tuấn nêu ra từ ví dụ cụ thể ở trường trung học phổ thông Phú Nhuận, có một số giáo viên từ năm 2012 đến nay chỉ dạy Lịch sử theo dạng dự án. Thầy cô linh hoạt thiết kế đồ dùng dạy học, tạo ra các bản đồ, mô hình của các cuộc chiến, cuộc tổng tấn công…

Tóm lại là đó là các sự kiện trong môn Lịch sử, khuyến khích học sinh cùng tham gia vào quá trình dạy học.

Khi đó, học sinh chắc chắn sẽ rất yêu thích học môn này, tham gia và thuyết trình cùng với các thầy cô.

Song song đó, thầy Trần Công Tuấn cũng cho biết, việc kiểm tra đánh giá cũng rất quan trọng, như Lịch sử hiện nay chủ yếu yêu cầu các em học sinh phải nhớ các sự kiện.

Thầy Trần Công Tuấn kiến nghị, nên thiết kế lại các yêu cầu của bài kiểm tra đánh giá, theo hướng để học sinh phát huy được tư duy suy nghĩ, đánh giá được cả quá trình học tập môn học của học, nên thi ở dạng tự luận.

Đồng tình với quan điểm này, thầy Nguyễn Duy Tuyển – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Trần Khai Nguyên, quận 5 khẳng định, việc thay đổi môn Lịch sử vào thời điểm này, trở thành môn học bắt buộc sẽ rất khó điều chỉnh.

“Nó sẽ là cả một vấn đề lớn, không đơn giản” – thầy Nguyễn Duy Tuyển nói tiếp.

Thầy Nguyễn Duy Tuyển giải thích, tới thời điểm này, các tổ hợp tự chọn đã được giới thiệu xuống các trường trung học cơ sở cho các em lớp 9 (năm học tới lên lớp 10) biết, xây dựng và tính toán đội ngũ giáo viên giảng dạy, sách giáo khoa cũng in rồi.

Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Trần Khai Nguyên kiến nghị, nếu có sự thay đổi đối với môn Lịch sử, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có công bố sớm, hướng dẫn rõ ràng cho các trường trung học phổ thông nếu có sự thay đổi.

“Nên chăng, nếu có sự thay đổi thì nên tổ chức một hội nghị bàn sâu về vấn đề này, chứ hiện nay, các học sinh sắp vào học lớp 10 đã chọn xong hết các tổ hợp tự chọn rồi – thầy Nguyễn Duy Tuyển nhấn mạnh.

Còn thầy Phan Thế Hoài – Giáo viên trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cho rằng, nếu Lịch sử trở thành một học bắt buộc thì cần biên soạn lại chương trình Lịch sử từ lớp 6 đến 12, chứ không phải chỉ sửa ở bậc trung học phổ thông là xong, do phải biên soạn lại mạch liên thông của hai bậc học này.

Việt Dũng
LỊCH SỬ TRUYỀN ĐỜI
NGUYỄN NGỌC CHU/BVN 31-5-2022
Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Bài viết có thể làm cho một bộ phận trong giới sử học bất bình. Nhưng vì yêu môn sử nên phải viết ra, vì trách nhiệm với môn sử mà phải cất tiếng nói.
Tiếp thu phản biện khác với đẽo cày giữa đường. Ở vị trí lãnh đạo thì không đẽo cày giữa đường.
*
Môn sử là môn học lựa chọn, hay môn học bắt buộc không phải là nguyên cớ để quy kết yêu nước hay không yêu nước, không phải là nguyên nhân để lo sợ quên lịch sử dân tộc mà mất nước hay còn nước.
Nhu cầu học sử, cũng như nhu cầu học toán, học văn, học hoá học, học vật lý, học sinh học, học địa lý… tồn tại cho mọi người, bất chấp họ có theo nghiệp sử, nghiệp toán, nghiệp văn, nghiệp hoá, nghiệp lý, nghiệp sinh hay nghiệp địa lý... Các môn học, cuối cùng, đơn giản là phục vụ cho đời sống con người. Vì thế sự cần thiết của mỗi môn học đối với mỗi cá nhân là do nhu cầu cuộc sống của mỗi cá nhân quyết định. Chỉ có điều, nhu cầu về mỗi môn học cho đời sống ở mỗi con người không như nhau.
Cho nên, phải xác định cho đúng, rằng ai đó học sử phải là do nhu cầu chứ không phải bởi áp đặt. Còn áp đặt thì không thể “nhét” vào đầu. Có “cố nhét” thì cũng nhanh chóng “rơi vãi”. Chỉ có thể với quan niệm như vậy, môn sử mới chiếm giữ được đúng “thị phần” của mình trong chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta.
Để xác định nhu cầu của mỗi người cho mỗi môn học phải dựa trên các nhân tố khách quan, chứ không phụ thuộc vào mệnh lệnh, hay áp lực của ai đó.
1. NHỮNG NHÂN TỐ QUAN TRỌNG QUYẾT ĐỊNH HIỆU QUẢ CỦA VIỆC DẠY HỌC
Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng lên hiệu quả của việc dạy học. Trong số đó, không thể không kể đến 3 nhân tố thuộc nhóm hàng đầu sau đây:
1.1. NỘI DUNG DẠY
Nội dung dạy là nhân tố hàng đầu quyết định hiệu quả của việc dạy. Bởi vì, dạy cái gì đáp ứng đúng nhu cầu của người đi học thì mới thiết thực cho người đi học, mới được người đi học chấp nhận mà quyết tâm theo học. Dạy những điều không thiết thực cho người đi học là phí phạm thời gian, công sức, tiền bạc của cả người dạy lẫn người học, làm cho việc dạy học trở thành không hiệu quả.
Cho nên, chương trình dạy sử, sách giáo khoa sử học, nội dung cho mỗi giờ dạy sử - mới là nhân tố đầu tiên phải được quan tâm xem xét.
Thực tiễn chỉ ra, chương trình môn sử trong hệ thống giáo dục phổ thông của nước ta hiện chứa nhiều khuyết tật, chưa phải là chương trình tốt. Chẳng hạn như chương trình phân phối không đồng điều trên toàn bộ chiều dài lịch sử dân tộc, giai đoạn hiện tại chiếm quá nhiều nội dung trong chương trình. Bên cạnh đó thì có các nội dung quan trọng không được dành đúng thời gian, có các nội dung quan trọng bị bỏ qua. Ngược lại, có các nội dung thứ yếu lại được chọn giảng dạy chi tiết. Hậu quả là học sinh không biết được những dấu mốc lịch sử trọng đại, cũng không thể nhớ những dấu mốc thứ yếu chi tiết, dẫn đến không chỉ hổng kiến thức lịch sử, mà còn chán học sử.
Điểm phải thừa nhận khác nữa là các sách giáo khoa về sử cho học sinh phổ thông viết chưa hay, không hấp dẫn. Lịch sử vô cùng cuốn hút, thế mà các sách giáo khoa sử lại tẻ nhạt.
Nguyên nhân gây ra 2 điều vừa nêu trên là do những người có quyền quyết định nội dung chương trình môn sử, và những người viết sách giáo khoa môn sử.
1.2. CÁCH THỨC DẠY
Cách thức dạy là nhân tố thứ 2 của nhóm nhân tố hàng đầu phải được quan tâm vì nó tham gia quyết định hiệu quả của việc dạy sử. Cách thức dạy không tốt sẽ đưa đến việc dạy không hiệu quả.
Cách thức dạy sử hiện nay ở trường phổ thông có nhiều mặt phải hoàn thiện. Trong đó là hai khiếm khuyết sau đây:
a) Ít thực tiễn
Học sử trước hết là học các di tích lịch sử để lại. Học sử mà không được kết hợp với tham quan nghiên cứu thực tiễn, thì học trước quên sau.
b) Thiếu trợ giúp công nghệ
Công nghệ hiện thời cho phép trợ giúp dạy sử thông qua các dữ liệu lịch sử bằng phim, ảnh, video… Các trợ giúp này sẽ làm cho giờ học thêm hấp dẫn, hiệu quả. Vai trò của phương tiện công nghệ trong việc dạy mỗi ngày một to lớn hơn.
1.3. NGƯỜI DẠY
Từ ngàn xưa, tầm sư học đạo là con đường ngắn nhất đưa người học đến với thành công. Chương trình chưa tốt, qua người thầy giỏi có thể biến thành chương trình tốt. Người thầy giỏi là tác giả của các sách giáo khoa hay. Người thầy giỏi làm cho các giờ dạy hấp dẫn, hiệu quả.
Có nhiều khiếm khuyết về người dạy sử hiện nay, cả ở bậc đại học lẫn bậc phổ thông. Dưới đây đề cập đến 2 khiếm khuyết cụ thể của người dạy sử hiện nay cần phải vượt qua.
a) Chất lượng đội ngũ giáo viên dạy sử cần phải cải thiện
Bên cạnh các giáo viên dạy sử khá giỏi còn có rất nhiều giáo viên dạy sử yếu. Lo lắng hơn, đội ngũ giáo sư và tiến sĩ lịch sử ngày càng đông, nhưng phần nhiều không có các công trình được đăng trên các tạp chí khoa học lịch sử uy tín. Những giáo sư tiến sĩ này lại giữ vai trò viết chương trình, viết sách giáo khoa và đào tạo giáo viên dạy sử trong các trường đại học! Chất lượng của họ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ giáo viên dạy sử, giáo trình dạy sử và chương trình dạy sử trên toàn quốc. Nhìn vào đề tài các luận án tiến sĩ lịch sử gần đây được bảo vệ thì có thể dự báo được tình trạng “ốm yếu” của việc nghiên cứu và giảng dạy sử mỗi ngày thêm trầm trọng.
Cho nên, khi đội ngũ giáo viên dạy sử mà yếu kém, dù môn sử là môn bắt buộc trong suốt 12 năm học phổ thông, ngay cả với nhiều giờ dạy, thì học sinh cũng sẽ không có nhiều kiến thức về môn lịch sử.
b) Nới rộng quyền tự quyết trong giảng dạy cho giáo viên
Các giáo viên bị bó hẹp theo chương trình, phải tuân thủ nghiêm ngặt theo nội dung sách giáo khoa. Điều này không khuyến khích giáo viên sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức dạy, làm cho giáo viên lười suy nghĩ, lười nghiên cứu, dẫn đến kiến thức mai một, tư duy lối mòn. Đây là điều rất có hại cho chính bản thân giáo viên, chưa nói đến hệ luỵ xấu cho học sinh.
Với mục tiêu đã cho trước, phải để cho giáo viên quyền tự quyết về lựa chọn nội dung khung, thứ tự trình bày và cách thức truyền dạy. Khi giải phóng cho giáo viên, nhiều người trong số họ trở thành những nhà truyền sử hấp dẫn, lôi cuốn và mê hoặc người nghe. Đây là “bảo bối” làm cho môn sử không bị học sinh “ruồng bỏ”.
2. TIẾN BỘ CÔNG NGHỆ GIÚP RÚT NGẮN THỜI GIAN HỌC TẬP
Câu hỏi môn sử là môn bắt buộc, hay học sử bao nhiêu năm trong hệ phổ thông, như trên đã nêu ra, không chỉ phụ thuộc vào giáo trình và thầy giáo, mà còn phụ thuộc vào tiến bộ của khoa học và công nghệ.
2.1. ĐƯỢC TIẾP CẬN THÔNG TIN NHANH HƠN
Việc ra đời internet với tiến bộ công nghệ đã cho phép người học tức thì tiếp cận được với mọi nguồn thông tin trong nháy mắt. Đây là ưu thế chưa từng có của người đi học hiện nay so với người đi học từ thế kỷ 20 trở về hàng ngàn năm trước.
2.2. ĐƯỢC TIẾP CẬN THÔNG TIN NHIỀU HƠN
Đối với nước ta, vào thập niên 60 của thế kỷ trước, tìm được một cuốn sách để đọc, đối với nhiều người, không phải dễ. Thế mà hiện nay, người đi học có thể ngồi tại nhà, với trợ giúp của công nghệ, có thể tiếp cận đến hàng triệu cuốn sách của mọi thời, ở tất cả các nước.
Không chỉ sách, mà mọi lĩnh vực sáng tạo của loài người; Không chỉ sáng tạo, mà đời sống, địa lý, không gian, thời gian thực của mọi hoạt động con người; Không chỉ hoạt động của con người, mà các biến động của vũ trụ. Khối lượng thông tin mà người đi học hiện nay có thể tiếp cận là không có độ đo, vô tiền khoáng hậu.
2.3. PHƯƠNG TIỆN TRỢ GIÚP TỐT HƠN
Tiến bộ công nghệ đã thay đổi toàn bộ cách học và cách làm việc của con người hiện đại. Học sinh có thể tính được các công thức toán học phức tạp nhờ máy tính bảng mà không cần nhớ cách tính. Các kỹ sư có thể thiết kế được những ngôi nhà cao tầng nhờ các phần mềm thiết kế sẵn. Một người bình thường có thể đo được khoảng cách đường đi giữ 2 địa danh bất kỳ trên trái đất qua định vị vệ tinh…
Nghĩa là, tiến bộ công nghệ đã trở thành công cụ đắc lực giúp cho người học đạt được hiệu quả nhanh hơn, làm được những việc khó khăn mất nhiều công sức, trí tuệ, mà trước đây không mấy ai làm được.
3.3. RÚT NGẮN THỜI GIAN HỌC TẬP
Từ tiếp cận thông tin nhanh hơn, tiếp cận thông tin nhiều hơn, lại được trợ giúp của các phương tiện công nghệ, quá trình tiếp nhận tri thức của người học được rút ngắn. Cùng khối lượng kiến thức, nếu trước đây phải theo học trong 5 năm, thì nay chỉ cần theo học trong 4 năm, 3 năm hay thậm chỉ chỉ 2 năm. Cùng là 15 tuổi, nhưng học sinh thời nay khôn hơn, trưởng thành hơn, có kiết thức hơn, biết nhiều hơn so với học sinh cùng tuổi ở thế kỷ trước.
Và kết luận rút ra là tiến bộ công nghệ giúp rút ngắn đáng kể thời gian dạy và học. Cụ thể, kiến thức hệ phổ thông 12 năm ở thế kỷ 20 được học sinh ở thế kỷ 21 tiếp thu trong một thời gian ngắn hơn, thí dụ trong vòng 9 năm chẳng hạn. Thời gian dư thừa dành để học những điều khác.
3. CHUYÊN MÔN HOÁ LÀ VŨ KHÍ HỮU HIỆU CỦA CẠNH TRANH TOÀN CẦU
Tiến bộ công nghệ một mặt rút ngắn khoảng cách tiếp cận giữa con người, đưa con người đến gần nhau nhanh hơn, thì đồng thời, ở mặt khác, tạo ra quá trình toàn cầu hoá, thúc ép con người bước vào một cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt.
Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, để có việc làm, để thành công, để chiến thắng, con người phải không ngừng nâng cao kỹ năng chuyên môn. Để nâng cao kỹ năng chuyên môn, thì chạy đua đầu tiên là chuyên môn hoá sớm.
Cho nên ở mọi lĩnh vực, thí dụ như thể thao hay âm nhạc, các học sinh phải được theo học chuyên môn bởi những thầy giỏi, từ lúc 3,4 tuổi. Đó là điều không tranh cãi.
Nhưng chuyên môn hoá có nhiều cách. Có hình thức học tập trung ở những trường riêng biệt. Có hình thức lựa chọn môn học riêng với thầy tại lớp trong các trường phổ cập. Cũng có hình thức không học tập trung, không học liên tục, mà học gián đoạn, học từ xa, học tại nhà… Thể thức chuyên môn hoá rất đa dạng.
Để đi đến kết luận sau đây, đối với Việt Nam kiến thức phổ thông nên kết thúc sau 9 năm, ở bậc trung học cơ sở. Ở bậc trung học phổ thông (lớp 10-12) phải được chuyên môn hoá (định hướng nghề nghiệp theo sở trường và sở thích). Nếu không chuyên môn hoá từ lớp 10 thì các học sinh Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh việc làm quốc tế.
Như trên đã đề cập, nhờ tiến bộ công nghệ, 9 năm là quãng thời gian quá đủ dành cho kiến thức phổ thông. Kéo dài thời gian học kiến thức phổ thông là phí phạm khả năng tiếp nhận tri thức của tuổi trẻ, kìm hãm sức sáng tạo của tuổi trẻ, làm chậm đà cạnh tranh quốc tế của học sinh.
Phải nhận thấy xu hướng rằng càng về sau con người càng trưởng thành sớm hơn, càng trẻ hoá lâu hơn, từ đó mà suy ra rằng, năng lực sáng tạo của học sinh mỗi ngày một đến sớm hơn so với trước đây.
Thực ra, luôn tồn tại một tập hợp các học sinh và ngành nghề, mà chuyên môn hoá từ lớp 10 cũng là quá chậm để cạnh tranh quốc tế. Kéo dài thời gian bắt buộc học kiến thức phổ thông sẽ làm cho học sinh chán học. Vì nhiều kiến thức trong số đó hoàn toàn không cần thiết cho nhu cầu cuộc sống của học sinh về sau.
4. CÓ NHIỀU CÁCH HỌC SỬ
Người Trung Quốc, họ không bắt người Việt Nam phải lựa chọn học sử Trung Quốc, thế mà sử Trung Quốc lại “làu làu” trong đầu óc nhiều người Việt Nam. Đó là nhờ các tác phẩm văn học vĩ đại của Trung Quốc; đó là do trên hàng chục kênh truyền hình của Việt Nam, ngày nào cũng có phim ảnh Trung Quốc, nhất là ở các khung giờ vàng được hàng triệu người dồn mắt nghiêng tai. Nhìn vào ví dụ này để thấy cách dạy sử và học sử hiệu quả.
Đừng nhầm tưởng học sử kết thúc ở năm học thứ 9 của trung học cơ sở. Học sử không chỉ ở trên lớp. Học sử qua các câu chuyện bà kể, mẹ ru. Học sử qua những bộ y phục, qua các phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực. Học sử qua các tác phẩm văn học, phim, ảnh, nghệ thuật. Học sử qua các điển tích, qua những vở kinh kịch, chèo, tuồng. Học sử qua các chuyến du lịch, làm việc. Học sử qua muôn hình vạn trạng của cuộc sống. Học sử bắt đầu từ chào đời. Học sử kết thúc khi hoá thân vào cát bụi.
5. VÀI ĐIỀU KẾT LUẬN
Những điều lý giải trên nhằm củng cố phần nào cho các kết luận sau:
Kiến thức phổ thông cơ bản kết thúc ở bậc trung học cơ sở. Ở bậc trung học phổ thông phải chuyên môn hoá để cạnh tranh toàn cầu. Từ lớp 10 học sinh phải được quyền lựa chọn môn học. Không nên có môn học nào là môn bắt buộc ở bậc trung học phổ thông. Kéo dài thời gian học bắt buộc cho môn nào ở bậc trung học phổ thông là phí phạm thời gian của đại đa số học sinh không chọn môn học đó cho nghề nghiệp cuộc đời. Toán, ngữ văn, hay bất cứ môn nào, 9 năm là quá đủ thời gian để dạy kiến thức phổ thông.
Môn sử là môn lựa chọn ở bậc trung học phổ thông là đúng. 9 năm học ở bậc tiểu học và trung học cơ sở là đủ thời gian cho môn sử cũng như các môn học khác. Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Dạy tốt trong 9 năm còn hơn dạy tồi trong 12 năm. Không phải bắt buộc học sử ở bậc trung học phổ thông mà lòng yêu nước dâng cao. Không phải học sử 12 năm thì học sinh sẽ yêu dân tộc hơn học sử 9 năm. Có nhiều cách học sử và dạy sử. Dạy hiệu quả thì học sinh học sử 1 năm còn có kiến thức hơn dạy sử không hiệu quả suốt 12 năm. Quá trình học sử không kết thúc ở chương trình phổ thông mà kéo dài suốt cuộc đời bằng nhiều cách thức.
Điều quan trọng cốt lõi đối với môn sử là có chương trình tốt, giáo trình tốt và thầy dạy giỏi. Chứ không vì môn toán, môn ngữ văn là môn học bắt buộc ở trung học phổ thông thì môn sử cũng phải là môn học bắt buộc như toán và ngữ văn. Nếu kéo dài thời học bắt buộc môn sử lên 12 năm mà không cải tiến nội dung chương trình, nội dung giáo trình, cách thức giảng dạy, chất lượng giáo viên thì kết quả sẽ còn tồi tệ hơn.
Chương trình sử phổ thông do các giáo sư tiến sĩ sử học chủ trì biên soạn, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ tháng 12/2018, đã trình lên các cấp có thẩm quyền, cả Quốc hội. Trước đó đã công bố xin ý kiến rộng rãi các cơ quan liên quan (trong đó có Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Quốc hội), các chuyên gia lịch sử, các thầy giáo dạy sử. Suốt hơn 3 năm qua không ai có ý kiến gì, không ai nói đến lòng yêu nước và yêu dân tộc bị giảm sút vì môn sử, nay bỗng dưng chỉ còn 3 tháng nữa là đến năm học lại có người đòi đổi lại chương trình vì nếu môn sử là môn lựa chọn ở trung học phổ thông thì học sinh quên đi lịch sử dân tộc, giảm đi lòng yêu nước? Nếu thay đổi chương trình môn sử từ 9 năm sang 12 năm tất phải viết lại giáo trình sử cho tất cả các lớp (từ lớp 1 đến lớp 12) trong vòng vài tháng thì hậu quả sẽ như thế nào?
Từ ngàn xưa, khi ra trận thì tướng lĩnh đi đầu, đối mặt với nơi khốc liệt nhất, vì thế ba quân mới noi theo mà xả thân. Đó mới đúng vai trò tướng lĩnh. Các giáo sư tiến sĩ sử học đã viết nên chương trình sử ở đâu rồi? Phải đứng ra bảo vệ chính kiến của mình chứ sao lại né tránh công luận, “bỏ của chạy người”, tự mình phủ nhận chính mình?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban bố chương trình môn sử thì cũng phải công khai đối diện với các ý kiến phản biện. Không phải sợ hãi lý lẽ mơ hồ về lòng yêu nước mà trở thành người “đẽo cày giữa đường”. Lịch sử dân tộc bị lãng quên, là vì những biến cố lịch sử lớn của dân tộc không được đưa vào giảng dạy, chẳng hạn như trường hợp chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược 1979-1989, chứ không phải môn sử là lựa chọn hay bắt buộc.
Nếu phải hỏi ý kiến về lựa chọn hay bắt buộc đối với môn sử thì người phải được trả lời chính đáng nhất là học sinh trung học phổ thông. Giai đoạn các lớp 10-12 là giai đoạn học cho “nhu cầu sự nghiệp”. Phải để cho các em được bày tỏ nhu cầu của chính mình.
Xin mạo muội lưu ý các nhà biên soạn giáo trình sử về giai đoạn tốt nhất để hun đúc lòng yêu nước cho học sinh qua môn lịch sử, đó phải là giai đoạn thiếu nhi ở bậc tiểu học, chứ không phải giai đoạn thành niên ở bậc trung học phổ thông. Chính tuổi thiếu nhi mới bị hút hồn vào những truyền sử mê hoặc, những kỳ tích lịch sử hào hùng. Chính tuổi thiếu nhi mới đắm chìm vào thần thoại Hy lạp, ngàn lẻ một đêm, các chương hồi liên tiếp của tam quốc, thuỷ hử, tây du… Dạy sử dân tộc ở tuổi thiếu nhi mới là hiệu quả nhất. Tiếc thay, các nhà biên soạn giáo trình lịch sử đã không soạn được những trang sử ly kỳ, những câu chuyện lịch sử hấp dẫn để dạy cho học sinh. Còn tê tái hơn, lại im lặng để truyền hình “mở toang cổng thành” cho phim dã sử nước ngoài đến “làm mưa làm gió”. Đó mới là “nhát dao đâm ngang hông môn sử”, chứ không phải lựa chọn hay bắt buộc.
Không cần bắt buộc thì môn sử cũng ở một vị thế mà các môn khác (trong đó có môn toán) khó có “cửa” so sánh. Không chỉ dừng lại trên bình diện học thuật, môn sử còn có đặc tính kỳ lạ là “di truyền từ đời này sang đời khác”. Đơn giản bởi con người sinh ra ở trên đời là nhờ bố mẹ, ông bà, tổ tiên. Nhớ đến bố mẹ, ông bà, tổ tiên, dòng họ - là dĩ nhiên đã biết đến lịch sử của quê hương đất nước. Ở khía cạnh này, lịch sử đã tự thân truyền đời.
Nỗi lo của các thầy dạy sử không ở chỗ phải tranh đấu cho môn sử là môn bắt buộc. Bắt buộc học sử không có nghĩa là học sinh sẽ học sử. Không bắt buộc học sử cũng không có nghĩa là học sinh quên lịch sử dân tộc. Mà yêu môn sử thì phải đau đáu tự hỏi tại sao học sinh chán học giáo trình sử hiện hành?
Sử truyền đời, sử cuốn hút, sử tự hào, sử là nhu cầu cuộc sống. Thế mà học sinh chán học sử thì đội ngũ giáo viên sử và đội ngũ nghiên cứu sử không thể không tự hỏi mình. Hỏi mình tại sao đã không xây dựng được một chương trình sử hấp dẫn cuốn hút như lịch sử dân tộc và nhân loại? Hỏi mình tại sao đã tham gia tạo nên đông đảo các giáo sư tiến sĩ không thực chất, làm suy giảm chất lượng đội ngũ giáo viên dạy sử, không truyền cảm hứng yêu môn sử sang cho học trò?
Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Bài viết có thể làm cho một bộ phận trong giới sử học bất bình. Nhưng vì yêu môn sử nên phải viết ra, vì trách nhiệm với môn sử mà phải cất tiếng nói.
Lịch sử truyền đời vì chính nó là lịch sử, chứ không phải lựa chọn hay bắt buộc.
N.N.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét