Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2022

20220509. HỘI NGHỊ TW5 KHÓA XIII VÀ VẤN ĐỀ ĐẤT ĐAI

 ĐIỂM BÁO MẠNG


TÀI SẢN ĐẶC BIỆT QUỐC GIA VÀ SỰ 'VÒNG VÈO' TRỤC LỢI

NGUYỄN ĐĂNG TẤN/ TVN 5-5-2022

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Tổng Bí thư yêu cầu nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý thêm một số vấn đề, trong đó có nội dung về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. 

“Tôi đã nhiều lần nhắc lại câu nói của Các Mác rằng: "Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất"; nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất...”, Tổng Bí thư lưu ý.

Vụ sai phạm 32 ha đất Phước Kiểng liên quan tới ông Tất Thành Cang, cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM  

Thực tế, thời gian vừa qua, nhiều vụ án xảy ra đều liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có những vụ việc liên quan đến cả cán bộ, lãnh đạo làm công tác quản lý. 

Không ít vụ việc khi cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ mới lộ chân tướng của sự trục lợi, biến đất công thành đất tư khiến nhà nước thất thoát tài sản, còn cá nhân thì giàu lên phi pháp từ đất. Những màn hô biếnđất công thành đất tư với những chiêu trò lòng vòng góp vốn liên doanh, liên kết thành lập doanh nghiệp sau đó rút vốn bán cổ phần. Một sự vòng vèo nhằm trục lợi từ đất.

Có thể thấy, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất rồi bằng những cách thức lòng vòng đã chuyển giao quyền sử dụng đất từ đất công sang đất tư, từ người này sang người khác. Như vậy, tài sản là quyền sử dụng đất có thể dùng để góp vốn vào doanh nghiệp, quyền sử dụng đất đó được chuyển từ người góp vốn sang cho doanh nghiệp và trở thành tài sản của doanh nghiệp.

Với những lỗ hổng về chính sách, sự thoái hóa của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo đã hình thành những nhóm lợi ích, cấu kết biến đất công về tay của tư nhân với giá rẻ mạt. Đó có thể là hình thức góp vốn thành lập những doanh nghiệp liên doanh công – tư, rồi thoái vốn bằng cách chuyển nhượng cổ phần.

Điển hình là vụ đất vàng 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM), từ đất công, sau một vòng tròn lòng vòng trở thành đất tư. Trong vụ án này, ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bị xử 8 năm tù về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Sai phạm trong việc chuyển nhượng khu đất 43ha ở trung tâm TP Thủ Dầu Một liên quan tới một loạt quan chức tỉnh Bình Dương 

Hay như vụ án hô biến 43ha đất của Bình Dương từ đất công thành tư, nhiều lãnh đạo tỉnh đã vướng vòng lao lý. Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương giao cho Tổng công ty 3-2 (trực thuộc Tỉnh uỷ tỉnh Bình Dương) quản lý và sử dụng 43ha để làm dự án. Sau đó đã cho phép Tổng công ty 3-2 góp vốn thành lập liên doanh với Công ty Âu Lạc (tư nhân) để kinh doanh. Và diễn biến sau đó là sự thoái vốn. Tổng công ty 3-2 đã thoái vốn, từ đây khu đất 43ha nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước chính thức rơi vào tay tư nhân.

Một mánh lới thứ hai cũng cần nhận diện, kịp thời bịt lỗ hổng, đó là sự hợp thức hóa việc việc giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá, lợi dụng để trục lợi, làm thất thoát tài sản của nhà nước. Chưa hết, đó có thể còn là thủ thuật bằng cách nào đó để việc tổ chức đấu giá thực hiện nhiều lần nhưng không có đơn vị, doanh nghiệp nào đăng ký tham gia đấu giá, sau đó giao cho doanh nghiệp không thông qua đấu giá. Một dạng vi phạm nữa là cố tình áp giá trái quy định giúp doanh nghiệp hưởng lợi trái luật…

Trong hầu hết các vụ án đều cho thấy, dù nắm rõ quy định pháp luật về việc xác định giá đất khi giao đất phải đảm bảo nguyên tắc định giá đất theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường… Nhưng trong nhiều vụ án họ đã cố tình áp giá không đúng để cùng hưởng lợi.

Vẫn còn rất nhiều thủ đoạn khác nhau ở một số vụ án làm thất thoát tài sản của nhà nước về đất đai, thay nhận diện bất cập, kiến nghị hoàn thiện chính sách, bịt lỗ hổng, một số cá nhân, cán bộ, lãnh đạo lại xem đó là cơ hội để cấu kết, trục lợi từ đất dẫn tới tù tội vì đất.

Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Vì vậy, theo Tổng Bí thư, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai. Đồng thời bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nguyễn Đăng Tấn

HoREA GỬI CÔNG VĂN ĐẾN BAN BÍ THƯ KIẾN NGHỊ VỀ BẤT CẬP ĐẤT ĐAI

VÂN LY/ TBKTSG 8-5-2022

(KTSG Online) – Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) ngày 7-5 có công văn gửi Ban Bí thư nhân hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, được tổ chức từ ngày 4 đến 10-5, để kiến nghị về bất cập trong quản lý và sử dụng đất đai.


Một trong những vấn đề bất cập được HoREA nói đến là đấu giá đất. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại văn bản trên, HoREA cho rằng một số bất cập của cơ chế chính sách dẫn đến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Ví dụ như có những “khu đất vàng” trong khu vực trung tâm thành phố bị sử dụng lãng phí, điển hình là khu đất có diện tích vài ngàn mét vuông tại đường Nguyễn Huệ, quận 1 bị “quây tôn” bỏ không đã hơn 10 năm qua – không đưa vào đầu tư xây dựng kinh doanh, không trở thành cơ sở thương mại, dịch vụ, không tạo ra công ăn việc làm, không đóng góp cho GRDP thành phố thì “giá trị sử dụng” của “khu đất vàng” này cũng bằng không. Hoặc có những doanh nghiệp “thân hữu” xí phần các dự án có quy mô diện tích lớn nhưng không đưa đất vào sử dụng, không triển khai thực hiện dự án do nhiều nguyên nhân, thậm chí có cả dấu hiệu “đầu cơ” dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai.

Theo HoREA, có những “khu đất vàng” trong khu vực trung tâm thành phố, thậm chí có quy mô diện tích lên đến vài chục héc ta được chỉ định chủ đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân thì “chênh lệch địa tô” chủ yếu rơi vào “túi tư nhân”. Điều này không được huy động đầy đủ vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng và cũng không thấy dành 20% quỹ đất ở của dự án để phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.

Ngoài ra, HoREA cho rằng công tác điều chỉnh quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất công nghiệp, đất thể dục thể thao (dự án sân golf – có quy mô diện tích hàng trăm héc ta) sang đất đô thị mà nếu không được kiểm soát, quản lý chặt chẽ – đặc biệt là công tác tính tiền sử dụng đất dự án khu đô thị thì có thể dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công. Điển hình là vụ chuyển đổi dự án sân golf Phan Thiết thành khu đô thị đã được đưa vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

HoREA nêu một ví dụ khác, một số khu đô thị mới hiện đại được quy hoạch với “hệ số sử dụng đất”, “mật độ xây dựng”, “chiều cao tối đa của công trình” chưa thật hợp lý (nhìn chung là thấp), hoặc phê duyệt tỷ lệ phần diện tích làm thương mại, dịch vụ thấp so với phần diện tích làm nhà ở thì sẽ không phát huy được tối đa “giá trị sử dụng” của đất đai – không tạo được dòng tiền thường xuyên từ hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ… nên sẽ làm giảm nguồn thu và về lâu dài thì không tạo được nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước.

HoREA nêu hiện tượng nhiều nhà đất công sản được Nhà nước giao cho các tổ chức công lập, hội đoàn, đơn vị sự nghiệp sử dụng làm trụ sở theo chế độ cho thuê đất 50 năm. Sau đó đơn vị thuê đất hợp tác với doanh nghiệp phát triển dự án (thực chất doanh nghiệp này mới chính là chủ đầu tư) thì phần lớn lợi nhuận thu bị rơi vào túi tư nhân, mà ngân sách nhà nước thì không thu được tương xứng.

HoREA cũng nêu một số “bất cập” về cơ chế chính sách, quy định pháp luật. Hiệp hội cho rằng hiện nay Nhà nước chưa thực hiện triệt để chủ trương “Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch, trong đó cần phải thu hồi cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để tạo nguồn vốn cho phát triển, tạo quỹ đất đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội” để ưu tiên thực hiện tái định cư tại chỗ cho người có đất bị thu hồi; và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với diện tích đất còn lại theo quy hoạch để lựa chọn nhà đầu tư.

Nhà nước chưa thực hiện hiệu quả phương thức “đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”, thậm chí Luật Đất đai 2013 đã bỏ quy định “đấu thầu dự án có sử dụng đất” (mà trước đó, Điều 58 Luật Đất đai 2003 đã quy định cả 2 phương thức “đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”). Trong lúc Luật Đấu thầu 2013, Luật Nhà ở 2014, Luật Đầu tư 2020 đều có quy định về “đấu thầu dự án có sử dụng đất”, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật, nên rất cần khôi phục quy định về “đấu thầu dự án có sử dụng đất” khi sửa đổi Luật Đất đai.

Tài chính đất đai là một trong những vấn đề quan trọng nhất của pháp luật về đất đai nhưng công tác “thể chế hóa” còn nhiều “bất cập” nên nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

HoREA cho rằng một bất cập nữa là cho đến nay Nhà nước chưa ban hành “thuế bất động sản” vừa là công cụ điều chỉnh thị trường bất động sản rất hiệu quả, vừa tạo được nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước…

Các bất cập trên đây được HoREA cho rằng làm cho nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững.

Ngoài nêu những bất cập, góp ý, tại công văn trên, HoREA cho biết rất tin tưởng và kỳ vọng vào Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đặt nền tảng định hướng công tác xây dựng đề án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới.

CHỜ ĐỢI NHỮNG CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI VỀ ĐẤT ĐAI TỪ HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5

TS CÙ VĂN TRUNG/ VNN 9-5-2022

Từ những chủ trương mới của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa bằng pháp luật, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai và hạn chế tình trạng “giàu lên nhờ đất, đi tù cũng vì đất” như Tổng Bí thư nói.

Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Khóa XIII đang diễn ra là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Đất đai là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Trong thời kỳ Đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước không ngừng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về đất đai. 

Hội nghị Trung ương 5. Ảnh: Nhật Bắc 

Nhiều đạo luật có liên quan đến đất đai đã được ra đời như: Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật khoáng sản, Luật Kinh doanh Bất động sản… Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít ý kiến khác nhau về nhận thức về sở hữu toàn dân về đất đai; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai. Chủ trương, chính sách về đất đai, nhất là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về tài chính đất đai, xác định giá đất và phát triển thị trường bất động sản…

Hội nghị Trung ương lần này tiếp tục xem xét, thảo luận và thông qua những vấn đề đã rõ ràng, những vấn đề mà thực tiễn đã chứng minh và cần phải kịp thời điều chỉnh, bổ sung. 

Cụ thể là trong 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 có những điều gì đã được thể chế hóa, có vấn đề gì chưa, làm rõ những thành công cũng như tồn tại và hạn chế của công tác này. 

Ngoài ra, đối với những vấn đề mới, nhiều quan điểm trong xã hội chưa thống nhất cần nghiêm túc nhìn nhận và tiếp tục nghiên cứu. Có thể nhận thấy rằng vấn đề về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai ở nước ta hiện nay vẫn đang là quá trình “vừa làm vừa khảo nghiệm” trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta đã vạch ra. 

Tất cả những chủ trương, cơ chế, chính sách về đất đai phải bám sát định hướng và chỉ dẫn trong Cương lĩnh Chính trị, Hiến pháp và Nghị quyết Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu “nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất...Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”. 

Như vậy, có thể thấy bên cạnh những mặt tích cực về cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành về đất đai thì vẫn tồn tại hạn chế nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý, thực thi các quy định pháp lý. 

Không ít cán bộ, quan chức “ngã ngựa” và các tổ chức, nhóm lợi ích rơi vào vòng lao lý vì liên quan đến sai phạm đất đai. Về mặt xã hội nhiều người dân vì đất đai mà sinh mâu thuẫn, tranh chấp khiến tình cảm cha - con, anh – em, họ hàng rạn nứt, thậm chí tù tội. Thêm vào đó một số điểm nóng xã hội, các vụ khiếu kiện tập thể, các lá đơn tố cáo…có tỉ lệ gần 80% các vụ việc liên quan đến đất đai mà nhà nước phải xử lí, giải quyết.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này nên ngay từ sớm Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Điều hành các công việc của Ban gồm 2 ủy viên Bộ Chính trị (Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh). Sau khi thành lập Ban đã tiến hành nhiều hội thảo, hội nghị với Đảng Đoàn Quốc Hội, Chính Phủ, Hội đồng Lý luận Trung ương và 63 Đảng ủy các địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học….

Tính đến ngày 12/04/2022 Ban chỉ đạo đã 15 lần dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương khóa XI về vấn đề đất đai…. Đặc biệt trong quá trình đó Bộ Chính trị đã 2 lần cho ý kiến về dự thảo báo cáo này. Phân tích như vậy để thấy rằng đây là vấn đề lớn được tiến hành công phu, nghiêm túc, và thận trọng của Ban dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Tại hội nghị lần này, Trung ương sẽ đưa ra những quyết sách mới về đất đai. Vấn đề đất đai sẽ tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện cho đúng, sát hợp với thực tế và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới như Tổng Bí thư đã gợi mở khi phát biểu khai mạc hội nghị.

Quyết định của Trung ương sẽ là định hướng chính trị quan trọng, là chỉ dẫn kịp thời và là tiền đề cơ sở cho việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 (vốn dĩ đã bị lùi 4 lần) vào cuối năm nay.

Việc xem xét, thảo luận và thông qua các Nghị quyết tại các Hội nghị Trung ương là rất quan trọng. Đặc biệt đối với các Nghị quyết về đất đai thì càng thấy được tính hệ trọng của nó. Thực hiện tốt điều này phản ánh năng lực lãnh đạo của Đảng cũng như khả năng bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của Đảng.

Từ những chủ trương mới của Đảng về đất đai sẽ được Quốc hội, Chính phủ thể chế hoá bằng pháp luật, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai và hạn chế tình trạng “nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất” như Tổng Bí thư nói.

TS Cù Văn Trung 

LÀM SAO ĐỂ LÃNH ĐẠO CÁC TỈNH, THÀNH KHÔNG ĐI TÙ VÌ ĐẤT
MAI BÁ KIẾM/ TD 8-5-2022

Trong lời khai mạc Hội nghị Trung ương 5, TBT Nguyễn Phú Trọng nói một câu mang tính ta thán hơn là tự hào như mọi khi: “Nhiều người giàu lên nhờ đất, nghèo đi vì đất, thậm chí đi tù cũng vì đất”. Hệ quả này ai cũng thấy, cũng biết trong 30 năm qua, đến giờ ông mới thừa nhận là rất muộn.
Giống như "Định luật Bảo toàn Năng lượng", đất không không tự mất đi mà chỉ chuyển từ mục đích sử dụng này sang mục đích khác. Đặc biệt, đất thuộc sở hữu toàn dân do chính quyền làm đại diện. Nên chỉ có chính quyền lấy đất của dân giao cho đại gia Bất động sản (BĐS). Đất của dân giao, trả theo khung giá nhà nước, đại gia BĐS rao bán đất theo giá thị trường ngay khi chưa đầu tư hạ tầng. Vì vậy, đại gia giàu và dân nghèo đều do đất.
Các đại gia - như Quyết còi, Vũ Nhôm… chỉ rừng thông giao rừng thông, chỉ đồn biên phòng giao đồn, chỉ mặt biển cho lấn biển, chỉ đất vàng công sản giao mà không đấu giá… thì hai chủ tịch Đà Nẵng, hai chủ tịch Khánh Hòa, hai bí thư cùng hai chủ tịch Bình Dương, một chủ tịch Bình Thuận cùng đi tù vì đất hoặc 6 đời chủ tịch Bình Thuận đều bị kỷ luật vì đất là hệ quả mặc nhiên.
Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân không đi tù, mà chỉ một phó bí thư thường trực và ba phó chủ tịch TP.HCM đi tù vì đất. Cho nên, các chủ tịch tỉnh sẽ học kinh nghiệm: chỉ ra lệnh miệng, rồi giao cho phó chủ tịch thường trực ký giao đất cho các đại gia!
ĐAU NAM CHỮA BẮC BỆNH THUYÊN MỚI TÀI!
Facebooker Thông Cào đề nghị rất xác đáng là căn bệnh đất đai mà ông Trong nói đã ăn sâu trong xương tủy không thể sức dầu cù là, thoa thuốc đỏ, mà phải dẹp bỏ Luật đất đai, xóa ngay điều khoản “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Đây là thuốc đắng đã tật, tôi tin Đảng, chính quyền không dám xài!
Nên tôi bày cách trị mẹo, Chính phủ ban hành quy định: "Việc giao đất cho dự án phải do chủ tịch UBND tỉnh, thành ký quyết định; cho dù các sở và Văn phòng UBND tham mưu sai, thì chủ tịch tỉnh, thành bị khởi tố với vài trò chủ mưu, còn lãnh đạo các sở và văn phòng tham mưu chỉ là tòng phạm", thì đố cha chủ tịch nào dám giao đất dự án sai luật!
Trong một diễn biến khác, năm 2018, Bộ Tài chính đưa dự thảo Luật Thuế Tài sản lấy ý kiến cử tri, trong đó quy định đánh thuế nhà ở trị giá trên 700 triệu đồng. Mà hiện nay, nhà ở vùng xa như Củ Chi, Cần Giờ cũng không có giá dưới 700 triệu! Cử tri phản đối, Chính phủ chỉ đạo bổ sung, đến nay Luật Thuế Tài sản có chửa đã 4 năm vẫn chưa đẻ ra!
Nhiều người chê nhà soạn luật ngu, nhưng tôi nói nó khôn bỏ mẹ! Nếu tiểu thương nói thách để khách trả giá, thì Bộ Tài chính nói rẻ để Quốc hội nâng giá! Rất nhiều đại biểu nhân dân và viên chức nhà nước có hàng chục biệt thự, biệt phủ, trang trại, khu nghỉ dưỡng, thậm chí mua nhà ở Mỹ, Châu Âu, Châu Úc. Nên quan chức thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất của Luật Thuế Tài sản. Bộ Tài chính hạ giá còn 700 triệu để đẩy toàn dân thành người bị tổn thương nhất. Nhờ vậy, Luật Thuế Tài sản đẻ hoài không ra, quan chức kéo dài sự hưởng lộc!
Tôi khoái ông Trọng khi ta thán câu nói trên. Nếu ông thực lòng không muốn thấy cảnh lãnh đạo “đi tù cũng vì đất”, thì hãy chỉ đạo Chính phủ sửa quy định “nhà ở trên 30 hoặc 50 tỷ đồng phải chịu thuế tài sản theo thuế suất lũy tiến”, thì dân nghèo sẽ đội ông lên đầu! Khi không ai đầu cơ nhà đất nữa, đại gia BĐS không xin giao đất, lãnh đạo tỉnh không bao giờ đi tù vì đất!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét