Thứ Hai, 9 tháng 5, 2022

20220510. SAI PHẠM Ở VIỆN HÀN LÂM KHXH VIỆT NAM (2)

ĐIỂM BÁO MẠNG


VỤ 'TIẾN SĨ CẦU LÔNG': SỢ NHẤT LÀ HỮU DANH VÔ THỰC LẠI NGỒI HỘI 

ĐỒNG PHẢN BIỆN

LÊ HUYỀN/ VNN 8-5-2022

Theo các nhà giáo dục, không chỉ 'tiến sĩ cầu lông' mà nguy cơ sẽ có rất nhiều tiến sĩ “dỏm” khác và vấn đề không chỉ do quy chuẩn mà còn là công tác hậu kiểm khi ngay cả người sử dụng nhân lực và người cùng chuyên ngành với luận án kém chất lượng.

Không chỉ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ giáo dục học “nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” tác giả Đặng Hoàng Anh trước đó đã công bố 2 nghiên cứu liên quan đến luận án. 

Năm 2019, tác giả công bố “Thực trạng phong trào cầu lông công nhân viên chức lao động” Hội thảo quốc tế Thái Bình Dương trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ”, Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh, trang 147-149.

Còn năm 2020, tác giả công bố “Thực trạng nhu cầu, động cơ và hứng thú tập luyện cầu lông của đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La" trên Tạp chí Khoa học Đào tạo và Huấn luyện thể thao, (Số 3), Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh, trang 31-33.
 
Theo thông tin từ ông Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề tài "nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La", nội dung đề tài được công bố tháng 12/2021 và nghiệm thu thành công cấp viện ngày 19/1/2022. 

Luận án tiến sĩ của tác giả Đặng Hoàng Anh

Như vậy các tiêu chuẩn bảo vệ tiến sĩ của tác giả Đặng Hoàng Anh được thực hiện theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT ban hành. Có ý kiến ví von rằng không chỉ “tiến sĩ cầu lông” mà “quả bom” tiến sĩ kém chất lượng đã bắt đầu phát tác từ quy chuẩn này khi không còn yêu cầu nghiên cứu sinh bắt buộc phải có công bố quốc tế.
 
TS Vũ Thị Phương Anh (Phó Viện trưởng Viện khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng), cho hay theo Hiệp hội các trường đại học nghiên cứu châu Âu, để bảo đảm chất lượng luận án tiến sĩ thì cần 2 điều là văn hóa học thuật và các quy trình đảm bảo chất lượng nghiên cứu. Trong đó văn hóa học thuật là nền tảng và trách nhiệm chính nằm ở cơ sở đào tạo. Mỗi sinh viên khi học đại học đã được dạy rất kỹ về liêm chính khoa học, về các tiêu chuẩn học thuật ở mỗi trình độ, về tầm quan trọng của công bố, phổ biến rộng rãi các kết quả nghiên cứu của mình để cộng đồng có ý kiến đóng góp, tranh luận, phản bác.
 
Tất nhiên trách nhiệm còn ở người hướng dẫn và hội đồng phản biện. Những người này cũng đại diện cho văn hóa học thuật của trường để hướng dẫn, dìu dắt, sửa chữa góp ý cho nghiên cứu sinh trong suốt quá trình nên đã hạn chế phần lớn những sai sót.
 
TS Phương Anh cũng cho hay, ở phương Tây, Bộ Giáo dục ít can thiệp vào việc đào tạo tiến sĩ. Quy định quy trình đảm bảo chất lượng thường do các hiệp hội tự đặt ra và tự nguyện áp dụng.
 
Chẳng hạn như Hiệp hội các trường đại học nghiên cứu châu Âu đã đưa ra 4 quy trình trong việc đào tạo tiến sĩ. Đầu tiên là xác định rõ các yêu cầu về chất lượng. Thứ hai là kiểm tra xem yêu cầu đã đạt hay chưa (đây là việc của bộ phận quản lý trong trường, bao gồm cả việc chọn thành viên hội đồng). Thứ ba là định kỳ rà soát ngẫu nhiên các luận án để xác định những vấn đề cần cải thiện và thứ tư là điều chỉnh và cải thiện toàn hệ thống. Tuy nhiên vấn đề chính vẫn là cá nhân nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và nơi đào tạo. 
 
"Ở nước ngoài không sính bằng cấp bởi không phải ai cũng thích và phù hợp để làm tiến sĩ. Chỉ những người thực sự muốn làm nghiên cứu mới học tiến sĩ thôi còn ở Việt Nam thì đang có tình trạng lạm phát tiến sĩ".

'Bộ lọc' đáng ra ở khâu sử dụng nhân sự

Câu hỏi đặt ra là tại sao dư luận phản ứng gay gắt những luận án tiến sĩ và ngay cả nhiều tiến sĩ hữu danh vô thực nhưng người sử dụng nhân lực và người cùng chuyên ngành lại cho là không có vấn đề gì ở luận án. 
 
Đơn cử như luận án tiến sĩ giáo dục học nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La của tác giả Đặng Hoàng Anh, được hướng dẫn và bảo vệ, nghiệm thu thành công tại Viện Khoa học Thể dục Thể thao (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). 
 
Ông Dương Xuân Lượng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và An ninh, ĐH Tây Bắc cũng cho biết việc nhiều ý kiến bình luận trên mạng có thể do chưa hiểu sâu về lĩnh vực thể dục thể thao nên cho rằng hàm lượng khoa học, tính mới mẻ của đề tài này chưa “xứng” để trở thành luận án tiến sĩ. Và theo ông Lượng điều quan trọng là luận án này đã được hội đồng khoa học chấm, thông qua, công nhận.
Còn ông Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng khẳng định đề tài này đã được hội đồng thẩm định qua nhiều vòng, có đầy đủ thủ tục và biên bản nghiệm thu đúng quy trình.

Theo TS Phương Anh như vậy một khía cạnh của vấn đề này không phải là chuẩn là mà bằng tiến sĩ dỏm vẫn có chỗ dùng và nguyên nhân là do một số chính sách nhân sự chưa đúng. Theo bà Phương Anh, đúng ra bộ lọc phải nằm ở khâu sử dụng. Nếu công việc không liên quan đến nghiên cứu hay học thuật thì có bằng tiến sĩ hay không cũng không quan trọng như vậy sẽ giảm bớt được “nạn” bằng cấp.  

“Ở nước ngoài bằng tiến sĩ chỉ dùng cho giảng dạy và nghiên cứu và nếu không có thành tích nghiên cứu nổi bật thì không có trường đại học nào nhận và khả năng thất nghiệp rất cao chứ không có chuyện học tiến sĩ xong vô cơ quan hành chính ngồi làm sếp”- bà Phương Anh nói.

Một lãnh đạo trường đại học cho rằng, điều sợ nhất hiện nay là những người có tí chức quyền, có chút học vị dù hữu danh vô thực cũng ngồi hội đồng phản biện. Đây là sự logic hình thức vì nhìn vẻ ngoài có học hàm học vị, nhưng đầu óc trỗng rỗng ngồi hội đồng chỉ để lòa bịp thiên hạ. Trong khi đó thiên hạ thì nghĩ là ông bà ấy hẳn là có uy tín. 
 
Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) hoan nghênh Bộ GD- ĐT công khai toàn bộ luận án của nhiều luận án tiến sĩ lên website của Bộ. Việc làm này nhất cử lưỡng tiện giúp cho NCS có thể tham khảo những luận án tốt và tránh đi những luận án dở. Đồng thời chỉ có công khai thì xã hội mới biết được tình trạng thực tế của các đề tài khoa học cũng như luận án tiến sĩ hiện nay.
 
Theo ông Vinh, một số cơ sở đào tạo tiến sĩ thuộc một số tổ chức chính trị xã hội cũng rất cần công khai toàn văn luận án. 
 
Mặt khác đã đến lúc cơ quan quản lý và các cơ sở đào tạo cần dựng chi tiết hơn, khoa học hơn về các tiêu chí đánh giá một luận án tiến sĩ không chỉ dừng lại "cái mới" chung chung, cái độc lập không "sao chép".

Không phải mọi thành viên trong hội đồng đều có kỹ năng đánh giá, phản biện nhận xét một cách khoa học vì điều này tùy thuộc vào năng lực chuyên môn, tư duy và học vấn rộng sâu của mỗi thành viên hội đồng. Tiêu chí đánh giá luận án quá chung chung, thiếu chuẩn mực (viết, phương pháp nghiên cứu, cách trình bày diễn giải số liệu, tư duy hệ thống.., không tham chiếu đến chuẩn đầu ra trong khung trình độ quốc gia...) thì việc đánh giá khó khách quan và liêm chính. 

Lê Huyền

NHỮNG LUẬN ÁN TIẾN SĨ 'KHÔNG BIẾT ĐỂ LÀM GÌ' : CHUYỆN KHÔNG HIẾM !

TRUNG DŨNG/GDVN 8-5-2022

Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh hiện vẫn đang có nhiều ý kiến “lùm xùm”.

Được biết, luận án này được bảo vệ tại Viện Khoa học Thể dục thể thao năm 2021 và được đăng tải trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có ý kiến cho rằng, đề tài nghiên cứu nói trên không xứng tầm với một luận án tiến sĩ, không có nhiều đóng góp cho xã hội.

Đề tài luận án tiến sĩ đang gây ồn ào. Ảnh chụp màn hình

Đáng nói, đây không phải là luận án tiến sĩ duy nhất gây ồn ào dư luận sau khi được đăng tải công khai.

Trước đó, trong năm 2016, dư luận cũng ồn ào về những luận án tiến sĩ có tên như “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã” hay “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”, “Hành vi ngôn ngữ thề của người Việt” của các nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học Xã hội.

Thậm chí, do sức ép của dư luận quá lớn sau khi những luận án này được công bố, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã từng phải tổ chức buổi họp để “giãi bày” với các cơ quan báo chí về các luận án nói trên [1].

Cũng trong năm năm 2006, dư luận từng ồn ào xung quanh đề luận án của một nghiên cứu sinh của Đại học Sư phạm Hà Nội, về “Nghiên cứu nhận thức của sinh viên Đại học sư phạm về sức khỏe sinh sản.

Theo đó, trong nghiên cứu của mình, tác giả chỉ rút ra được một trong ba kết luận là: Luận án tiến hành nghiên cứu thực trạng nhận thức của sinh viên Đại học Sư phạm về sức khỏe sinh sản ở 3 mức: biết, hiểu và vận dụng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy giả thiết của đề tài là đúng.

Đa số sinh viên Đại học Sư phạm nhận thức được về sức khỏe sinh sản đạt mức hiểu, mức vận dụng còn hạn chế.

Mức độ nhận thức của sinh viên về sức khỏe sinh sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Ảnh hưởng của các nhân tố đến nhận thức của sinh viên về sức khỏe sinh sản theo mức độ giảm dần...”.

Trong thời điểm đó, cũng có thêm một số luận án tiến sĩ cũng có nhiều ý kiến cho rằng chưa xứng tầm như: “Các biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh trung học phổ thông”"Biện pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học giáo dục của sinh viên đại học sư phạm".

Không chỉ tạo ra những tranh cãi gay gắt sau công bố. Trong một hội nghị bàn về đào tạo sau đại học của ngành giáo dục thời điểm đó, có nhiều ý kiến phát biểu cũng phải thừa nhận rằng, có không ít luận án tiến sĩ đang rất “vô bổ”.

Đồng thời cho rằng, không hiểu một kết luận như thế có đạt được yêu cầu tối thiểu của một luận án tiến sĩ là giúp cho việc phát triển hay mở rộng những vấn đề quan trọng của một ngành khoa học thông qua các nghiên cứu sáng tạo, mới mẻ và độc đáo hay không [2].

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra một mô típ của nhiều luận án tiến sĩ chỉ xoay quanh một số chủ đề quen thuộc, chỉ khác nhau vùng nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu. Chẳng hạn như "nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng...","những giải pháp chủ yếu để phát triển một nghề...", "đầu tư vốn cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá một ngành, một lĩnh vực nào đó".v.v.

Thậm chí, có nghiên cứu sinh phải viết đi viết lại bảng thông tin tới 5 - 6 lần mà vẫn không chỉ ra được cái gì mới, mới so với ai trong đề tài của mình.

Ngược thời gian quay lại năm 2006, báo chí cũng đăng tải ý kiến bà Trần Thị Hà, khi ấy là Vụ trưởng Vụ Đại học và sau Đại học từng thốt lên đầy cảm xúc với nghiên cứu sinh làm luận án về bộ môn Mác - Lê nin.

Theo bà Hà, sau nhiều lần yêu cầu nghiên cứu sinh này viết đi viết lại bảng thông tin để đưa lên mạng.

Tuy nhiên, người này cho hay, cái mới trong đề tài của mình là phát triển Đảng cho quần chúng ưu tú và quần chúng đó phải tự nguyện xin vào Đảng.

“Vào Đảng hơn 20 năm, tôi biết những điều đó đã được quy định rõ trong điều lệ Đảng từ lâu, thế mà nghiên cứu sinh ấy vẫn cho là mới”, bà Hà bức xúc.

Bà Hà cũng cho biết thêm: “một số đề tài quá cũ, theo lối mòn như vậy vẫn được Hội đồng đánh giá các cấp (từ Hội đồng chấm đề cương, Hội đồng khoa học bộ môn đến Hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn) thông qua và đề nghị cho nghiên cứu sinh được bảo vệ ở cấp Nhà nước.

Việc thực hiện những đề tài luận án tiến sĩ kiểu như vậy chẳng những lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc mà chẳng đem lại giá trị gì cho khoa học, cho thực tiễn, thậm chí còn làm giảm uy tín của nghiên cứu, của người hướng dẫn và cơ sở đào tạo” [3].

Tư liệu tham khảo:

[1] https://hanoimoi.com.vn/ban-in/Giao-duc/832146/lo-san-xuat-tien-si-hop-bao-nong

[2]. https://thanhnien.vn/oi-luan-an-tien-sĩ

[3]. https://tienphong.vn/trang-suc-bang-luan-an-tien-si

Trung Dũng
LÙM XÙM VỀ LUẬN ÁN TIẾN SĨ, VỤ TRƯỞNG VỤ GDĐH  NÓI GÌ ?
LINH HƯƠNG/GDVN 8-5-2022
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá rất cao vai trò phản biện, giám sát của cộng đồng khoa học đối với chất lượng các luận án tiến sĩ.

Mạng xã hội, báo chí những ngày gần đây xôn xao chia sẻ về những tên đề tài luận án tiến sĩ mà nếu chỉ đọc tên sẽ không thấy được hàm lượng khoa học hay ý nghĩa về mặt thực tiễn. Từ đây, rất nhiều câu hỏi lại đặt ra về chất lượng chuyên môn của các luận án tiến sĩ.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, Bộ luôn hướng tới hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong quá trình đào tạo tiến sĩ trên tinh thần thực hiện tự chủ đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, nhà khoa học theo Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Đặc biệt, Bộ đánh giá rất cao vai trò phản biện, giám sát của cộng đồng khoa học đối với chất lượng các luận án tiến sĩ.

Đánh giá luận án tiến sĩ phải tuân thủ quy trình 03 bước

Bà Thủy thông tin, theo quy định tại Quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (bao gồm Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 và Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021- PV) yêu cầu đối với luận án tiến sĩ phải là báo cáo tổng hợp kết quả học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh, thể hiện nghiên cứu sinh có khả năng độc lập nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới có giá trị làm gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể.

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Việc đánh giá luận án phải tuân thủ quy trình 03 bước như sau: đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn, gửi lấy ý kiến nhận xét đối với luận án của phản biện độc lập và bảo vệ luận án tại Hội đồng cấp trường/viện.

Người phản biện luận án là những nhà khoa học, chuyên gia ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài (ít nhất có người không công tác tại cơ sở đào tạo), có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyên môn phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án.

Thành viên Hội đồng đánh giá luận án phải là những nhà khoa học có tiêu chuẩn như người hướng dẫn, trong đó Chủ tịch Hội đồng phải là giáo sư hoặc phó giáo sư ngành phù hợp với chuyên môn của đề tài luận án.

Yêu cầu phải công bố kết quả nghiên cứu của đề tài luận án trên các tạp chí, sách chuyên môn tham khảo, hội nghị khoa học ở trong hoặc ngoài nước; đăng tải thông tin buổi bảo vệ luận án, nội dung toàn văn luận án trên trang thông tin của Bộ, của các cơ sở đào tạo trước và sau khi bảo vệ luận án đã bổ sung thêm một kênh công khai, minh bạch hóa thông tin để tiếp nhận sự phản hồi, phản biện của xã hội và của những ai quan tâm đến đề tài luận án.

Ngoài ra, quy chế còn quy định Bộ sẽ tổ chức thẩm định nội dung một số luận án tiến sĩ khi có phản ánh, khiếu nại hoặc tố cáo hay theo yêu cầu của công tác quản lý, kiểm tra và giám sát. Đối với việc tổ chức thực hiện, quy chế của Bộ quy định các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy định riêng của cơ sở đào tạo trên cơ sở cụ thể hóa những quy định của Bộ với yêu cầu ngang bằng hoặc cao hơn nhưng không được trái với những quy định của Bộ .

Như vậy, quy định về việc đánh giá chất lượng luận án, hàm lượng khoa học của từng luận án là minh bạch, rõ ràng và trước hết là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và của các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất.

Việc này cũng gắn liền với uy tín của người hướng dẫn, của hội đồng đánh giá và của cơ sở đào tạo. Những quy định này cũng đặt ra yêu cầu cho các cơ sở đào tạo, người hướng dẫn khoa học, những nhà khoa học được tin tưởng giao trọng trách cầm cân nảy mực phản biện luận án… phải luôn đề cao đạo đức khoa học, nghiêm minh, trung thực, khách quan, không nể nang dễ dãi trong quá trình đào tạo và đánh giá để nâng cao chất lượng đầu ra của sản phẩm được đào tạo; nâng cao nhận thức về việc minh bạch thông tin, giữ gìn uy tín về chất lượng chuyên môn chính là đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mỗi cơ sở đào tạo tiến sĩ.

“Với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành”, bà Thủy cho biết.

Đào tạo tiến sĩ: Nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh thêm, về mặt hệ thống, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đại học và thực hiện vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn yêu cầu các cơ sở đào tạo chủ động và thực hiện trách nhiệm giải trình trong quá trình đào tạo; đồng thời, đề nghị các bên liên quan và toàn xã hội tiếp tục tăng cường giám sát, phản ánh, tư vấn… nhằm tăng cường chất lượng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, trong đó có đào tạo tiến sĩ.

Đối với việc đào tạo tiến sĩ, là bậc học cao nhất trong hệ thống, là đào tạo nhân lực có trình độ cao, vì vậy các cơ sở đào tạo phải tập trung:

Nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng.

Chú trọng đến việc công khai minh bạch quy trình lựa chọn và giao đề tài luận án cho nghiên cứu sinh. Trên thực tế, việc đánh giá luận án không chỉ ở tên đề tài mà còn ở nội dung và giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của luận án được cộng đồng khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đó chấp nhận. Tuy nhiên, các hội đồng xét duyệt và người hướng dẫn cần nghiêm túc, nghiêm minh, không duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm của một luận án tiến sĩ, gây dư luận xã hội như đang được lan truyền, đặc biệt là đối với những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý.

Triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia của Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, trong đó cốt lõi của cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo tiến sĩ là nghiên cứu khoa học và luận án tiến sĩ với khối lượng học tập chiếm đến 80%.

Chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải tuân thủ chuẩn này và đáp ứng chuẩn đầu ra bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia của Việt Nam. Đây là một trong những căn cứ để người hướng dẫn xem xét đồng ý cho phép nghiên cứu sinh được nộp luận án để thực hiện các bước đánh giá tiếp theo, đồng thời thành viên các hội đồng phải bám sát các yêu cầu này khi đánh giá luận án tiến sĩ.

Nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình trong chuyên môn học thuật, tiếp tục tăng cường minh bạch thông tin về quy trình đào tạo tiến sĩ để tranh thủ tiếp nhận và tổng hợp các phản biện xã hội và phản hồi của các bên liên quan về chất lượng đào tạo tiến sĩ, khai thác triệt để lợi thế của công nghệ thông tin trong rà soát việc sao chép luận văn, luận án và thực hiện tốt liêm chính khoa học;

Nâng cao nhận thức và vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng khoa học trong đánh giá luận án tiến sĩ, giữ gìn đạo đức khoa học, tránh việc nể nang, dễ dãi để bảo đảm giá trị khoa học của từng luận án, góp phần gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể.

Linh Hương
TIẾN SĨ NGÀY NAY CÓ GIỐNG THỜI CỤ NGUYỄN KHUYẾN ?
XUÂN DƯƠNG/GDVN 9-5-2022
GDVN- Vì sao rất nhiều cảnh báo đã được đưa ra, rất nhiều tiếng chuông báo động về bằng thật trình độ “rởm” đã được gióng lên nhưng vấn nạn này vẫn chưa được dẹp bỏ?

16 năm trước, báo Tienphong.vn – cơ quan báo chí của tổ chức đại diện cho lực lượng thanh niên cả nước – đã phát đi cảnh báo: “Trang sức bằng luận án tiến sĩ”. [1]  

Thực ra nếu chỉ mới ở mức “luận án” thì nó chưa thể trở thành “trang sức”, phải là tấm bằng tiến sĩ mới được xem là đồ trang sức để thiên hạ ngắm nhìn.

Người viết trong một số bài đã đăng từng nêu tên một luận án tiến sĩ dưới dạng rút gọn là “Tắm tập thể” áp dụng cho bộ đội.

Thực ra tên đề tài luận án tiến sĩ này viết đầy đủ là: “Tắm giặt tập trung cho các quân đoàn đóng quân phía Bắc”. [1]

Đề tài luận án tiến sĩ này đã được một vị vụ trưởng thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra bàn luận tại Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học miền Trung - Tây Nguyên diễn ra tại Đà Nẵng ngày 26/08/2006.

Ngay từ năm 2002 – theo phát biểu của GS. Phạm Minh Hạc - đã phát hiện trên 10.000 người sử dụng văn bằng giả, đây là loại “giả” nhưng mà “thật” bởi người sử dụng bằng giả biết chính xác đó là bằng giả và cũng biết chính xác trình độ của mình chỉ là thứ để lừa thiên hạ.

Có một loại người trong túi có bằng tiến sĩ nhờ vào các luận án đại khái kiểu như “Tắm tập thể” hay “Chơi cầu lông”, bằng ấy là bằng thật nhưng chất lượng và ý nghĩa với xã hội không hiểu sao lại tốn kém quá nhiều thời gian và giấy mực của giới bình luận.

Viết vài dòng ôn lại chuyện cũ để thấy, sự thiếu chuẩn mực trong học thuật đã tồn tại trong thời gian quá dài ở Việt Nam, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt và thậm chí còn được một bộ phận cán bộ, công chức xem là bình thường!

Một trong những điều bình thường ấy xảy ra ngay tại Hà Nội. Báo chí đưa tin Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường N.T.Đ được một cán bộ dưới quyền thi hộ học phần chuyên viên chính tại trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.

Trước "cơn bão dư luận", ông này được điều động làm Phó Bí thư Quận ủy Long Biên.

“Sau hơn một năm giữ chức Phó Bí thư Quận ủy, bất ngờ ông N.T.Đ lại được xem xét đưa trở lại Sở TNMT Hà Nội với chức vụ Giám đốc sở”. [3]

Từ kết luận mà Thanh tra Chính phủ vừa công bố về hoạt động đào tạo tiến sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, liệu đã có đủ chứng cứ để cho rằng nơi sản xuất “tiến sĩ rởm” thuộc vào hàng nhiều nhất cả nước chính là một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học cấp cao nhất quốc gia – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam?

Báo Tienphong.vn đăng bức ảnh chụp một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài: “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”. [4]

Ảnh nguồn Tienphong.vn

Bức ảnh này được đăng lại trên mạng xã hội kèm theo lời bình “Đại học bèo, tiến sĩ dỏm ở Việt Nam”!

Hành vi “nịnh” trở thành đề tài luận án tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, từ đòi hỏi của xã hội về một vấn đề mang tầm vóc thời đại là “hành vi nịnh”?

Và phải chăng điều này đóng góp ý nghĩa rất lớn cho một bộ phận không nhỏ những người cần tìm hiểu sự đa dạng của hành vi “nịnh” trong môi trường “ghế ít … người nhiều”?

Vấn đề là vì sao rất nhiều cảnh báo đã được đưa ra, rất nhiều tiếng chuông báo động về bằng thật trình độ “rởm” đã được gióng lên nhưng vấn nạn này vẫn chưa được dẹp bỏ?

Khá nhiều lý giải được nêu lên, chẳng hạn

“Hệ thống đào tạo cấp bằng tiến sĩ hiện đang bị suy thoái từ các trường, viện, giảng viên hướng dẫn, hội đồng phản biện, nghiệm thu… dẫn tới sẽ có thêm nhiều tiến sĩ kém chất lượng”.

“Các hội đồng chấm luận án phải chịu trách nhiệm giải trình, trong đó người hướng dẫn chịu trách nhiệm rất lớn trong việc nghiên cứu. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể buông trách nhiệm mà cần thiết đối chiếu với Khung trình độ quốc gia Việt Nam để công nhận hoặc không công nhận kết quả nghiên cứu của tiến sĩ”… [1]

Các ý kiến nêu trên chỉ mới giới hạn trong phạm vi học thuật kể cả khi nói về “các cơ quan quản lý nhà nước”. Không khó để thấy có sự “cân nhắc”, né tránh khi nói đến hoạt động quản lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Chưa dẹp bỏ được vấn nạn đồ rởm trong học thuật có nhiều nguyên nhân cả về phía người học lẫn cơ quan quản lý và phải chăng người ta ngại vạch áo cho người xem lưng bởi vì liên quan đến chuyện “Xấu nàng hổ ai”?

Ảnh minh hoạ, nguồn: Laodong.vn

Thực trạng nền học thuật nước nhà được nhận định như sau:

“Nguy hiểm nhất hiện nay là đang tồn tại hệ thống tiến sĩ kém chất lượng hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho thế hệ tiếp theo”. [2]

Nhận định trên được đăng trên Vietnamnet.vn – tờ báo của Bộ Thông tin và Truyền thông nên không có gì phải “tâm tư” khi kết luận đây là một sự thật tồn tại sờ sờ trước mắt mọi người.

Một khi đã tồn tại một “hệ thống tiến sĩ kém chất lượng” thì không thể không nêu câu hỏi “Hệ thống” ấy to cỡ nào và phân bổ ở những đâu?

Rõ ràng là các thành viên của “hệ thống tiến sĩ kém chất lượng” ấy không sống chỉ để làm duy nhất một việc “hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho thế hệ tiếp theo” mà có thể họ còn giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa, an ninh, quốc phòng,...

Nếu giả sử không ít người trong “hệ thống tiến sĩ kém chất lượng” đó ngoài chuyện “học thuật” còn giữ trọng trách trong hoạt động “dẹp bỏ vấn nạn học giả, bằng thật” thì việc “sống khỏe” của “thế hệ tiến sĩ tiếp theo” chắc chắn không cần phải bàn luận.

Đã có nhận định cho rằng “đang tồn tại các chính sách khuyến khích việc háo danh” mà biểu hiện là một số “địa chỉ” không liên quan đến học thuật lại đưa chỉ tiêu bao nhiêu phần trăm cán bộ, công chức phải có bằng tiến sĩ, hay người được cơ cấu phải có học hàm, học vị thế nào.

Điều đáng nói là những ngày gần đây, sau vụ “tiến sĩ cầu lông” hầu hết ý kiến đều quy trách nhiệm cho quá trình đào tạo, chẳng hạn:

“Hệ thống đào tạo cấp bằng tiến sĩ hiện đang bị suy thoái từ các trường, viện, giảng viên hướng dẫn, hội đồng phản biện, nghiệm thu”;

“Các hội đồng chấm luận án phải chịu trách nhiệm giải trình, trong đó người hướng dẫn chịu trách nhiệm rất lớn trong việc nghiên cứu”.

Nếu hàng “rởm” phát triển có hệ thống trong các lĩnh vực y tế, thực phẩm, lương thực,… thì chắc chắn các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ vào cuộc và các vụ án hình sự sẽ được khởi tố.

Vậy phải chăng các vụ “ấp nở thạc sĩ, tiến sĩ” như Thanh tra Chính phủ vừa công bố chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội nên chưa cần phải khởi tố?

Và phải chăng điều này không thể coi là ngoại lệ, không thể làm mạnh tay khi tình trạng của cả nền giáo dục nước nhà nhiều thập niên qua gắn với “lời ru buồn”, rằng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”?

Thạc sĩ cờ vua có thể làm Bí thư, Giám đốc sở thì Tiến sĩ cầu lông có thể làm những gì?

Nếu không có một vài đại án về “Bằng thật, chất rởm” thì cuộc chiến chống lại những thói xấu trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hay trong xét chọn giáo sư, phó giáo sư khó mà có chuyển biến về chất mặc dù chuyển biến về lượng đã có thể coi là quá đủ.

Phải chăng cần một cú hích để thắng sức ì trong cuộc chiến trả lại sự trong sạch và tôn nghiêm cho học vị tiến sĩ?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tienphong.vn/trang-suc-bang-luan-an-tien-si-post58563.tpo

[2]https://vietnamnet.vn/tu-vu-tien-si-cau-long-dang-ton-tai-chinh-sach-khuyen-khich-viec-hao-danh-2016383.html

[3] https://laodong.vn/archived/can-bo-trong-nghi-an-thi-ho-duoc-bo-nhiem-cap-cao-hon-708396.ldo

[4] https://tienphong.vn/tac-gia-luan-an-ninh-trong-tieng-viet-duoc-khuyen-khich-viet-sach-post866741.tpo

Xuân Dương
MẤT BAO NHIÊU TIỀN ĐỂ CÓ BẰNG TIẾN SĨ ?
LINH TRANG/ GDVN 9-5-2022
GDVN- Mức trần học phí đối với đào tạo tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học công lập tùy thuộc vào từng khối ngành đào tạo của từng năm học theo các mức độ tự chủ.

Mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ được quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định 81/2021/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 15/10/2021) như sau: "Mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học công lập được xác định bằng mức trần học phí đào tạo đại học quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này nhân hệ số 1,5 đối với đào tạo thạc sĩ, nhân hệ số 2,5 đối với đào tạo tiến sĩ tương ứng với từng khối ngành đào tạo của từng năm học theo các mức độ tự chủ".

Đối chiếu mức trần học phí đối với các khối ngành đào tạo, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có bảng sau:

Mức trần học phí đào tạo bậc tiến sĩ tại cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ là:

(Đơn vị: Nghìn đồng/nghiên cứu sinh/tháng)

Mức trần học phí đào tạo bậc tiến sĩ tại cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ là:

(Đơn vị: Nghìn đồng/nghiên cứu sinh/tháng)

Mức trần học phí đào tạo tiến sĩ tại cơ sở giáo dục đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư sẽ là:

(Đơn vị: Nghìn đồng/nghiên cứu sinh/tháng)

Còn đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.

Ngoài ra, tại Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có hiệu lực từ 15/8/2021) đã quy định rõ thời gian đào tạo tiến sĩ như sau:

Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 03 năm (36 tháng) đến 04 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định, bảo đảm phần lớn nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian này; mỗi nghiên cứu sinh có một kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nằm trong khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn phê duyệt kèm theo quyết định công nhận nghiên cứu sinh.

Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 01 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 06 năm (72 tháng) tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo.

Như vậy, với mức học phí đã được thống kê và thời gian học từ 3-4 năm thì sẽ nhẩm tính được tổng mức học phí nghiên cứu sinh cần nộp là bao nhiêu trước khi cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ.

Linh Trang
TỪNG Ở HỘI ĐỒNG CHẤM LUẬN ÁN TIẾN SĨ, TÔI BIẾT LÝ DO ĐỀ TÀI 'DỞ' VẪN ĐƯỢC THÔNG QUA
NGÂN CHI/ GDVN 10-5-2022
GDVN- "Tôi cũng từng ở trong các hội đồng, cũng đã từng thấy xuất hiện những luận án với đề tài, nội dung tương tự, nhưng lại vẫn thông qua, bởi vì có vấn đề “nịnh bợ".

Không có tính học thuật thì không thể làm luận án

Những ngày qua, dư luận xôn xao bàn tán về một số đề tài luận án tiến sĩ “không hiểu nghiên cứu để làm gì”. Thậm chí, có những ý kiến bày tỏ sự e ngại về nguy cơ xuất hiện một “cơn đại dịch” mang tên bằng tiến sĩ rởm...

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Vấn đề mà lâu nay dư luận vẫn đang băn khoăn và bàn luận rất nhiều, chính là một số đề tài luận án tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và một số đơn vị. Rất nhiều đơn vị cũng từng xuất hiện những đề tài tương tự khiến cộng đồng mạng phải xôn xao bàn luận rất nhiều về ý nghĩa thực sự của việc nghiên cứu, liên quan đến các tư liệu khoa học, tham khảo các tư liệu trong nước cũng như trên thế giới.

Bấy lâu nay đã bàn tán rất nhiều, nhưng không hiểu sao, các Viện này lại vẫn duyệt những đề tài như vậy.

Đề tài luận án tiến sĩ đang gây xôn xao dư luận về "tầm" nghiên cứu. (Ảnh chụp màn hình).

Có thể kể đến, mới đây nhất, dư luận đang “râm ran” về một đề tài luận án của Viện Khoa học Thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao) - “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La” chẳng hạn...

Riêng tôi, với tư cách là một nhà khoa học, cũng đã từng làm luận án, tôi thấy rằng, một đề tài như vậy thực sự chưa đủ tầm để đưa lên làm luận án tiến sĩ. Mặc dù đây là đề tài liên quan đến lĩnh vực giáo dục học, tuy nhiên, thiếu gì những nội dung nghiên cứu giáo dục học sâu sắc hơn, những đề tài mang tính chất xã hội rất rộng rãi, sâu sắc thì không làm, mà lại đi làm những đề tài quá hẹp như vậy”.

Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư, tiến sĩ Y khoa - Phạm Gia Khải (nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam) đánh giá: “Một luận án với đề tài như thế này là không đáng có, không nên làm, không nên nghiên cứu. Luận án không có ý nghĩa gì về mặt học thuật, mà một khi tính học thuật đã không có thì không thể làm luận án được.

Hệ lụy của những đề tài luận án tương tự chính là lo lắng liệu những tiến sĩ được đào tạo như vậy có đảm bảo chất lượng?. Đồng thời, nếu những tiến sĩ như vậy mà đứng trên bục giảng rồi truyền đạt cho sinh viên, học viên, thì chất lượng của các thế hệ sinh viên, học viên thế nào?”.

Chúng tôi cảm thấy xấu hổ khi bị đánh đồng

Đó là chia sẻ của Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh khi đề cập đến việc một số tiến sĩ lựa chọn nghiên cứu những đề tài đang khiến dư luận hoài nghi.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) bày tỏ: Chúng tôi cảm thấy rất xấu hổ khi bị đánh đồng với “tiến sĩ cầu lông”! (Ảnh: NVCC).

Ông Thịnh bày tỏ: “ Một số đơn vị đào tạo đang thông qua các đề tài luận án tiến sĩ quá dễ dãi.

Rồi “con sâu bỏ rầu nồi canh”, vô tình rất nhiều tiến sĩ khác cũng phần nào bị đánh đồng. Mặc dù, rất nhiều luận án tiến sĩ ở các đại học, trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Hà Nội... đều là những đề tài nghiên cứu nghiêm túc, có đội ngũ hướng dẫn chu đáo, đánh giá chất lượng.

Tôi cho rằng, các đơn vị chức năng cần vào cuộc chứ không thể tiếp tục để xuất hiện những đề tài nghiên cứu quá hẹp như vậy, khiến dư luận đánh đồng tất cả. Thậm chí, nhiều khi, bị đánh đồng như vậy, những người như chúng tôi lại cảm thấy xấu hổ!”.

Khi dư luận băn khoăn, cần có sự giải trình rõ ràng

Đề cập đến “lỗ hổng” khiến những luận án được cho dưới tấm tiến sĩ xuất hiện, Giáo sư Phạm Gia Khải thẳng thắn nhìn nhận: “Tôi cũng đã từng ở trong các hội đồng, cũng đã từng thấy xuất hiện những luận án với đề tài, nội dung tương tự, nhưng lại vẫn thông qua, bởi vì có vấn đề “nịnh bợ”. Chủ tịch hội đồng cho qua thì qua, không cho qua thì không qua. Bởi vậy, “mấu chốt” vẫn là nằm ở chính Chủ tịch hội đồng”.

Giáo sư, tiến sĩ Y khoa - Phạm Gia Khải (nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam) (ảnh:VOV)

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết: “Quan trọng nhất là cơ quan quản lý khoa học của Viện, bởi vì, chính cơ quan quản lý khoa học phải đặt vấn đề xây dựng một luận án như thế nào, xây dựng đề cương thế nào, thông qua hội đồng duyệt như thế nào. Để có một luận án tiến sĩ được bảo vệ trước hội đồng, phải qua quá trình sàng lọc gồm rất nhiều bước, từ thi đầu vào, góp ý đề cương chi tiết, bảo vệ trước nhiều cấp hội đồng...

Một điều chắc chắn rằng, những nghiên cứu sinh tiến sĩ kia không phải cứ thích là chọn và triển khai được đề tài tiến sĩ. Luận án cũng phụ thuộc rất nhiều bởi người hướng dẫn. Chứ còn tùy tiện, mang tiếng là Giáo sư, tiến sĩ này là người hướng dẫn thứ nhất, rồi Phó giáo sư, tiến sĩ kia là người hướng dẫn thứ hai... mà không hướng dẫn một cách nghiêm túc, rồi người ta cũng nghi ngờ luôn cả người hướng dẫn. Nếu chỉ là làm cho đủ thủ tục nhưng nội dung hời hợt thì luận án cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Cũng theo Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, khi dư luận đã có những băn khoăn, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo các đơn vị, cơ sở nghiên cứu.

“Không phải đến bây giờ mới như vậy, mà trước đây cũng từng xôn xao dư luận rất nhiều lần về những đề tài “không hiểu để làm gì”, nhưng có cảm giác các cơ sở nghiên cứu dường như không quan tâm đến phản ứng này của dư luận.

Chí ít, nếu họ cảm thấy đề tài mà dư luận đang “mổ xẻ” là chính đáng, thì phải có giải trình trước công luận, về vấn đề cách xây dựng, thực hiện, thông qua luận án như thế nào, tính khoa học ra sao.

Chẳng hạn, như những đề tài của “tiến sĩ cầu lông” như vừa rồi, để bảo vệ chính kiến của mình, đơn vị này phải giải trình rõ ràng về căn cứ khoa học, luận chứng khoa học, ý nghĩa khoa học của đề tài. Phải giải trình cụ thể, chứ không phải chỉ đơn thuần nói rằng “chúng tôi đã làm đúng quy trình”, đó chỉ là về mặt thủ tục.

Nếu chỉ giải trình, “chúng tôi đã làm đúng thủ tục” thì đương nhiên là rất dễ, làm luận án nào mà chẳng phải đầy đủ thủ tục này, thủ tục kia. Nhưng dư luận quan tâm đến nội dung của vấn đề. Bởi vì, nguyên tắc nghiên cứu của một luận án tiến sĩ, là phải tổng kết được những cơ sở lý luận để phát triển, thậm chí trở thành những đề xuất mang tính kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về một vấn đề, lĩnh vực nào đó hoặc đóng góp cho khoa học những vấn đề mang tính chất lý luận” vị nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích.

Cuối cùng, ông nhấn mạnh: “Sợ nhất trong hội đồng có người chỉ cần có “lót tay” là cứ “gật gật” thôi.

Hội đồng khoa học không phải không thể xuất hiện tiêu cực, ví như vụ Việt Á với que test Covid-19 chẳng hạn, cũng có cả một hội đồng khoa học ngồi làm việc mà vẫn đưa ra những đánh giá hết sức dễ dàng để thông qua và vừa rồi bị xử lý hàng loạt.

Do vậy, trước thực tế có nhiều luận án tiến sĩ được dư luận mổ xẻ là chưa đạt tầm, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, không thể tiếp tục để những luận án như vậy tiếp tục xuất hiện”.

Ngân Chi
TIẾN SĨ THÌ TỘI TÌNH GÌ ?
QUỲNH THƯ/TBKTSG 9-5-2022

(KTSG Online) – Mấy hôm nay dư luận lại lùm xùm vụ “tiến sĩ giấy” khiến người viết bài nhớ lại cơ quan cũ của mình từng có hai vị tiến sĩ làm việc cùng một lúc. Theo người viết, cả hai người đều là “tiến sĩ thật”, theo nghĩa không phải là “tiến sĩ giấy”. Họ uyên bác về kiến thức chuyên môn, được cấp trên tôn trọng, cấp dưới kính phục, đồng nghiệp vị nể.

Ngoài công việc tại cơ quan, cả hai người đều được mời dạy tại các trường đại học. Người viết cảm thấy tự hào được là đồng nghiệp của cả hai người. Kiến thức của họ được bảo chứng không phải chỉ bởi tấm bằng mà còn bởi sự công nhận của nhiều người chung quanh khi có dịp làm việc cùng với họ. Không ít lần, người khác gọi họ bằng “thầy” dù chưa chính thức thọ giáo với “thầy” một buổi học nào.

Nhớ lại chuyện cũ mới thấy con đường đi đến học vị của hai người có phần khác nhau. Một người bảo vệ tiến sĩ trong nước, còn người kia ở nước ngoài. Lạ một điều là con đường của vị “tiến sĩ nội” lại có phần chông gai hơn vị “tiến sĩ ngoại”. Trong khi lộ trình của vị “tiến sĩ ngoại” hanh thông theo như dự kiến thì vị “tiến sĩ nội” lại không hề suôn sẻ; không phải vì chất lượng của luận án hay trình độ của người bảo vệ, mà là vì những lý do không tiện nói ra đây.

Đó là chuyện cả hai chục năm trước. Bây giờ nhắc lại chỉ để khẳng định một điều: các tiến sĩ (dĩ nhiên, “tiến sĩ thật”) là các nhà khoa học vững vàng, đáng kính trong lĩnh vực chuyên môn của mình, những người góp phần quan trọng – nếu không nói là mấu chốt – trong phát triển khoa học nước nhà. Và cũng xin nói thẳng với nhau như sau: nếu đội ngũ những người làm khoa học – kỹ thuật Việt Nam, trong đó các tiến sĩ đóng vai trò đầu tàu, cứ mãi “làng nhàng”, thì kinh tế nước nhà rất khó cất cánh thực sự, cũng sẽ cứ mãi “làng nhàng” vậy thôi.

Thực ra, theo lẽ thường, để đạt được học vị tiến sĩ (thật) không hề dễ dàng, nếu không nói là rất khó khăn – cũng xin nói thật là chuyện bất khả dĩ đối với đa số chúng ta. Việt Nam hiện có khoảng 25.000 tiến sĩ, nghĩa là 100.000 mới có 25 tiến sĩ, hay một tiến sĩ cho 4.000 dân. Theo lẽ thường, một nghiên cứu sinh sẽ phải bỏ ra bao nhiêu công sức đổi bằng mồ hôi, nước mắt mới có được học vị này trong một thời gian ít nhất cũng vài năm.

Cho nên, đối với những người bình thường như chúng ta, các tiến sĩ (thật) là những người đáng được ngưỡng mộ vì kiến thức chuyên môn của họ. Những gì họ làm, những gì họ nói về chuyên môn thường là xác đáng.

Chuyện “tiến sĩ giấy” là chuyện ngoài ý muốn của các “tiến sĩ thật”. Cũng như số đông trong chúng ta, những tiến sĩ chân chính đều mong muốn chuyện này chấm dứt. Có điều, giống như nhiều hiện tượng khác ở Việt Nam, một vấn đề nổi lên gây chú ý trong dư luận khiến cả xã hội xôn xao bàn tán. Nhưng sau đó, rồi thôi, đâu lại vào đấy, cho đến khi nhân một dịp nào đó, chính vấn đề đó lại… trồi lên, gây xôn xao trong dư luận và bắt đầu một chu kỳ mới.

Lần này, vấn đề “tiến sĩ giấy” nổi lên là do “luận án thực trạng cầu lông”, cũng đang làm tốn nhiều… dung lượng của các báo mạng. Không biết rồi sẽ đi về đâu, hay rồi cũng sẽ giống như… phong trào, hết lên rồi lại xuống.

Trở lại với vị “tiến sĩ nội” đề cập ở đầu bài. Cuối cùng, sau bao trở ngại thì vị này cũng có bằng tiến sĩ, và Việt Nam lại được thêm một “tiến sĩ thật” gia nhập đội ngũ những người làm khoa học của đất nước.

Còn chuyện “tiến sĩ giấy”, người ta thường nói “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng nếu… nhiều sâu quá, không biết nồi canh sẽ ra sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét