Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

20201127. VỤ BẰNG GIẢ TẠI ĐẠI HỌC ĐÔNG ĐÔ

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

VĂN BẰNG 2 TIẾNG ANH 'CÓ GIÁ' KHIẾN TIÊU CỰC Ở ĐẠI HỌC ĐÔNG ĐÔ CÓ ĐẤT SỐNG ?
TRẦN PHƯƠNG/GDVN 25-11-2020

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, vụ việc tiêu cực xảy ra tại trường Đại học Đông Đô đã thu hút sự chú ý rất lớn của xã hội.

Sau một thời gian điều tra và hoàn tất các thủ tục, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục.

Cơ quan điều tra xác định, quá trình hoạt động, Trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2 theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh (Văn bằng 2 tiếng Anh).

Nhưng từ năm 2015 đến năm 2017, Trường Đại học Đông Đô đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Kế hoạch tài chính) thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và từ năm 2017, Vụ Giáo dục Đại học cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có chỉ tiêu hệ văng bằng 2 chính quy.

Lần lượt các bị can Dương Văn Hòa, Trần Ngọc Quang, Phạm 


Vân Thùy. Ảnh: Bộ Công An.

Theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng, từ tháng 4/2017, Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng và Trần Kim Oanh, Phó hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, đã ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân; đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo.

Trong đó, có 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho Trường Đại học Đông Đô tổng số tiền là 24,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Trường Đại học Đông Đô cung cấp tài liệu chỉ xác định được 2.523 người đã nộp tổng số tiền là hơn 18,2 tỷ đồng.

Trong số tiền đã thu, Trường Đại học Đông Đô chỉ sử dụng 780 triệu đồng thanh toán kinh phí tổ chức thi, chấm thi hệ văn bằng 2 tiếng Anh, số tiền còn lại sử dụng phục vụ hoạt động chung của trường; chứng từ liên quan đến việc chi tiền, Trường Đại học Đông Đô cung cấp không đầy đủ nên không có cơ sở để xác định cụ thể...

Đây là một trong những thủ đoạn tinh vi của các bị can nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Đặc biệt, trong quá trình tổ chức tuyển sinh, đào tạo hệ văn bằng 2 tiếng Anh, đầu năm 2018, vì mục đích lợi nhuận, Hùng còn chỉ đạo ban giám hiệu và nhân viên của Trường Đại học Đông Đô gồm: Hòa, Oanh, Hà, Quang và các nhân viên Viện Đào tạo liên tục gồm: Thùy, Thái, Hiển; các nhân viên Viện 4.0 gồm Lương, Tâm và Huệ làm các thủ tục cấp Bằng cử nhân Ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy cho các cá nhân không qua đào tạo theo quy định.

Căn cứ vào các tài liệu thu giữ, Cơ quan An ninh điều tra xác định Trường Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng.

Toàn bộ 193 bằng giả do Trường Đại học Đông Đô cấp cho các cá nhân đều do Dương Văn Hòa ký với tư cách là Hiệu trưởng theo sự chỉ đạo của Trần Khắc Hùng.

Cơ quan điều tra đã thu giữ được 177 bằng giả, trong đó có 67 bản chính, 110 bản phô tô. Trong đó, Quang ký nháy (ký tắt) trên 42 bằng.

Trong quá trình điều tra đã thu giữ được 84 bảng điểm khóa học, trong đó Trần Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên, ký trên 73 bảng điểm, Lê Ngọc Hà, Phó hiệu trưởng, ký trên 11 bảng điểm.

Trong số 193 trường hợp được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, chỉ có thông tin về Trường Đại học Đông Đô thu tiền của 161 trường hợp với tổng số tiền là 2,546 tỷ đồng đồng, 32 trường hợp còn lại không đủ cơ sở để xác định số tiền Trường Đại học Đông Đô đã thu.

Không những vậy, để có phôi in bằng giả, tháng 10/2018, sau khi Trường Đại học Đông Đô sử dụng gần hết số phôi bằng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp theo chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014, Trần Kim Oanh, Phó hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, đã chỉ đạo Trần Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên, làm giả Quyết định số 442/QĐ-ĐĐ ngày 19/10/2015 về việc công nhận danh sách thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai năm 2015 gồm 486 thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh (bản phô tô).

Quang soạn thảo văn bản số 769/ĐĐ-ĐT&QLSV để Hiệu trưởng Dương Văn Hòa ký gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo kèm bản phô tô Quyết định số 442/QĐ-ĐĐ ngày 19/10/2015 đề nghị mua 468 phôi bằng.

Cũng theo chỉ đạo của Oanh, Quang tiếp tục soạn thảo Công văn số 851/ĐĐ-ĐT&QLSV ngày 28/11/2018 để Hòa ký gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo mua thêm 835 phối bằng để in bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy.

Đến tháng 4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo có yêu cầu trường Đông Đô giải trình về hoạt động đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh.

Để che giấu hành vi sai phạm, Hiệu trưởng Dương Văn Hòa ký hợp thức các quyết định công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy để hợp thức việc cấp bằng giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định gồm:

Quyết định về việc công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy đợt 1 năm 2018 ngày 25/5/2018 (47 sinh viên)

Quyết định về việc công nhận tốt nghiệp Đại học văn bằng 2 hệ chính quy đợt 1 năm 2018 bổ sung ngày 2/8/2018 (15 sinh viên)...

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định hủy bỏ, thu hồi các bằng cá nhân không đúng quy định và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh do Trường Đại học Đông Đô cấp không có giá trị. (1)

Những thủ đoạn, mánh khóe cấp bằng của Đông Đô đã khiến nhiều người rất bàng hoàng vì mức độ vi phạm của cơ sở giáo dục đại học này.

Đáng nói đây không phải là lần đầu tiên đại học Đông Đô để xảy ra bê bối

Ngay từ năm 2001, tức là chỉ 7 năm sau ngày thành lập, vi phạm nghiêm trọng đã xảy ra tại Trường Đại học dân lập Đông Đô (sau này là Trường Đại học Đông Đô) khi gọi thí sinh nhập học vượt 2,8 lần so với chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép (chỉ tiêu tuyển sinh 1.400 nhưng gọi nhập học 4.000).

Thời điểm đó, qua thanh tra nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hiện có nhiều sai phạm như chấm bài thi không thực hiện nghiêm túc.

Sau khi chấm lại, hơn 1.600 sinh viên trúng tuyển hệ đại học phải chuyển từ hệ đại học xuống cao đẳng; hơn 70 thí sinh khác phải buộc thôi học vì điểm thi đầu vào quá kém.

Năm 2002, Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội thực hiện khởi tố Phạm Văn Chóng, trưởng phòng đào tạo; Ông Phan Văn Hạp, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Trần Văn Đắc, quyền hiệu trưởng.

Tháng 11/2003, Tòa án nhân nhân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 3 trường hợp trên mức án tù treo từ 24-30 tháng về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Sau đó, ông Trần Văn Đắc và Phan Văn Hạp kháng cáo (trừ ông Phạm Văn Chóng).

Tại phiên xử của Tòa án nhân dân Tối cao (năm 2004) tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù treo với các ông Trần Văn Đắc và Phan Văn Hạp.

Sau bê bối này, Trường Đại học Dân lập Đông Đô lúc đó đã bị Bộ Giáo dục và Đào tạo đình chỉ tuyển sinh năm học 2002 – 2003 và đến năm học 2003-2004, Bộ mới đồng ý cho trường tuyển sinh trở lại với chỉ tiêu 500.[1]

Cách đào tạo văn bằng 2 cực kỳ nguy hiểm ở Đông Đô. Ảnh: Vũ Phương

Những tưởng sau những bê bối “động trời” sau ngày thành lập, Đại học Dân Lập Đông Đô lúc bấy giờ sẽ có sự chấn chỉnh để hướng tới chất lượng đào tạo, vì sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, những mánh khóe cấp bằng tại Đại học Đông Đô khiến nhiều người cảm thấy giật mình.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng:

“Trước hết cần nghiêm trị những người đang cố tình làm sai, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục như ở Đại học Đông Đô để vừa có tính răn đe, vừa có tính giáo dục đối với những trường hợp khác”.

Bên cạnh đó, Bà An cũng chỉ ra một phần nguyên nhân cũng chính là tâm lý chuộng bằng cấp để trục lợi, qua cửa khi cần đến văn bằng ngoại ngữ:

“Vừa rồi Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân đã nói về việc bỏ bớt một số chứng chỉ không cần thiết. Như vậy, tình trạng mua bán chứng chỉ như dư luận phản ánh vừa qua cũng sẽ ít nhiều giảm bớt.

Tuy nhiên, tâm lý chuộng bằng cấp để thay thế một số điều kiện vẫn còn xảy ra do vậy, để giảm bớt vấn đề tiêu cực, tôi nghĩ ngành Giáo dục cần thực hiện thi tuyển dựa vào thực chất từ đầu vào, quá trình đào tạo cần được thực hiện nghiêm chỉnh”, bà An nêu quan điểm.

Trước năm 2017, người dự tuyển nghiên cứu sinh chỉ cần có trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 trở lên theo Khung tham khảo châu Âu chung về ngoại ngữ trong thời hạn 2 năm, do một trung tâm khảo thí quốc tế có thẩm quyền hoặc một trường Đại học trong nước cấp.

Trước khi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B2 hoặc bậc 4/6 trở lên, trong thời hạn 1 năm tính đến ngày trình hồ sơ bảo vệ luận án cấp cơ sở.

Với quy định này, có tình trạng mua chứng chỉ ngoại ngữ để đạt yêu cầu đầu vào và đầu ra khiến dư luận bức xúc.

Từ đây, thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ra đời với yêu cầu cao hơn.

Theo đó, người dự tuyển phải có chứng chỉ TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 2 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

Quy định này rất ít người đạt được. Và để đủ điều kiện đầu vào, nhiều người đã tính đến việc học văn bằng 2 - văn bằng có giá trị vĩnh viễn.

Với văn bằng 2 ngôn ngữ, các ứng viên có thể yên tâm đạt điều kiện ngoại ngữ đầu vào, được miễn học ngoại ngữ trong quá trình nghiên cứu sinh.

Đây chính là lý do khiến văn bằng 2 ngôn ngữ "có giá".

* Tài liệu tham khảo:

(1) http://cstc.cand.com.vn/Ho-so-interpol-cstc/Lanh-dao-Truong-Dai-hoc-Dong-Do-da-ban-bang-dai-hoc-nhu-the-nao-620972/

Trần Phương
'VỤ ĐẠI HỌC ĐÔNG ĐÔ' CHỈ LÀ  PHẦN NỔI TẢNG BĂNG

TRÂN VĂN/VOA/TD 26-11-2020


Công an Việt Nam vừa công bố Kết luận Điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra ở Đại học Đông Đô (ĐHĐĐ) – Hà Nội. Theo đó, ĐHĐĐ đã cấp khoảng 600 văn bằng Cử nhân tiếng Anh cho những người chỉ muốn có… bằng chứ không bận tâm đến kiến thức, kỹ năng. Phần lớn trong hơn 600 người đóng tiền để nhận văn bằng này là viên chức ở nhiều nơi trên khắp Việt Nam đang muốn luồn sâu hơn, trèo cao hơn. Đáng nói là có 55/600 đã sử dụng văn bằng Cử nhân tiếng Anh loại này để… đoạt học vị… Tiến sĩ (1).

Cả công an lẫn báo giới Việt Nam cùng gọi những văn bằng Cử nhân tiếng Anh mà ĐHDĐ đã cấp là giả nhưng xét cho đến cùng, gọi như thế không chính xác! ĐHĐĐ là đại học… thật. Có thể Bộ GDĐT chưa cho phép ĐHĐĐ đào tạo – cấp văn bằng thứ hai cho những người đã có một văn bằng tốt nghiệp đại học nhưng trên thực tế, rõ ràng là các cơ quan hữu trách của Bộ GDĐT như Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Giáo dục đại học đều đã công khai hỗ trợ ĐHĐĐ tuyển sinh (thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đề án tuyển sinh)…

Đó là chưa kể những văn bằng Cử nhân tiếng Anh mà ĐHĐĐ đã cấp đều dùng mẫu thật, dấu thật, các chữ ký trên văn bằng cũng là chữ ký thật của những cá nhân hữu trách. Yếu tố duy nhất không… thật là… kiến thức, kỹ năng của người sở hữu văn bằng!

Nếu rạch ròi như Kết luận Điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra ở ĐHĐĐ: Kiến thức, kỹ năng không tương xứng với học vị, học hàm là… giả – chẳng riêng hệ thống giáo dục mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ cùng… tan tành!

***

Năm nay là năm đầu tiên, hệ thống công quyền Việt Nam yêu cầu công khai toàn bộ hồ sơ, quá trình xem xét – công nhận học hàm Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) và kết quả là ít nhất có 37/56 ứng viên GS, PGS ngành Y – Dược bị tố cáo gian dối (2).

Điểm đáng lưu ý là tất cả những ứng viên ấy đã được Hội đồng Gíao sư (HĐGS) của ngành Y – Dược thẩm định và đề nghị HĐGS của nhà nước công nhận. Chuyện chưa ngừng ở đó! Bởi dối trá, thiếu thực chất đã trở thành vấn nạn trầm kha, xảy ra đối với tất cả các loại học hàm, học vị ở tất cả các lĩnh vực, nên sau đó, HĐGS của nhà nước phải quyết định hoãn kỳ họp xem xét – công nhận các ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS của năm nay để yêu cầu HĐGS của một số ngành… xem xét lại!

Dẫu một số người xem việc hoãn kỳ họp vừa kể là dấu hiệu đáng mừng (3) nhưng mừng như thế dường như quá vội! Cho dù chuyện HĐGS của nhà nước hoãn kỳ họp xem xét – công nhận GS, PGS năm nay, vì nhận được rất nhiều đơn, thư tố cáo các ứng viên thiếu liêm chính trong học thuật là sự kiện vô tiền khoáng hậu, song chỉ chừng đó thì chưa đủ để mơ, rằng liêm chính trong học thuật sẽ có một chỗ để có thể… đứng bằng hai chân tại… Việt Nam!

Cũng tháng trước – thời điểm mà HĐGS của nhà nước quyết định hoãn duyệt xét và công bố danh sách các tân GS, tân PGS, yêu cầu HĐGS một số ngành xem lại danh sách ứng viên mà họ từng đề cử, Tỉnh ủy Đắk Lắk loan báo: Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ của BCH TƯ đảng đã… xác minh và… kết luận ông Bùi Văn Cường không “đạo văn” hay “vi phạm nghiêm trọng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo” trong nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam năm 2018 như tố cáo (4)…

Hai người tố cáo ông Bùi Văn Cường (Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Bí thư Đắk Lắk) với rất nhiều dẫn chứng cụ thể đã bị công an tỉnh Đắk Lắk tống giam với cáo buộc… “vu khống” và cho đến giờ này, vẫn chưa biết số phận của họ sẽ như thế nào vì Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ của BCH TƯ đảng giành quyền… thẩm định luận văn tiến sĩ! Nếu Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ của BCH TƯ đảng có thể làm điều đó thì rõ ràng, liêm chính trong học thuật vẫn còn đang… lang thang bên ngoài… biên giới Việt Nam!

***

Xem kiến thức, kỹ năng không tương xứng với học vị, học hàm là… giả và rạch ròi – cẩn trọng – công bằng khi trao tặng, cấp phát học hàm, học vị chỉ thật sự đáng mừng, đáng hoan nghênh khi những yếu tố này được áp dụng với tất cả cá nhân, bất kể vai trò, vị trí của đương sự trong xã hội. Tuy nhiên đó là chuyện bất khả thi tại Việt Nam. Ví dụ ai sẽ điều tra – xem xét lại học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ đã cấp cho ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an?

Ông Tô Lâm đã dạy những ai, ở đâu, trong bao lâu mà được công nhận là… Giáo sư? Bởi an ninh không đơn thuần là trật tự, trị an mà còn là nhân tâm, dân ý,… có nên xem lại vì sao một… Tiến sĩ khoa học về… an ninh lại… đụng đâu, bể đó như ông Tô Lâm?

Chẳng lẽ do an ninh được nâng lên thành… khoa học ở mức… tiến sĩ rồi… ngộ chữ mà tạo ra, để lại đủ loại dấu vết, thành ra chỉ vài tháng sau khi Trịnh Xuân Thanh… tự đầu thú, hệ thống bảo vệ pháp luật của Đức dễ dàng xác định ông Tô Lâm là người đứng đầu một vụ bắt cóc? Từ cổ chí kim, có bao nhiêu… Tiến sĩ khoa học về… an ninh lập kế hoạch – chỉ đạo hàng ngàn cảnh sát tấn công thường dân không vũ trang nhưng mất đến ba sĩ quan, chưa kể còn gây thêm thù, chuốc thêm oán cho hệ thống mà mình phục vụ?

Vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra ở ĐHĐĐ chỉ là phần nổi của một tảng băng. Bên dưới tảng băng ấy, chưa biết lúc nào kiến thức, kỹ năng không tương xứng với học vị, học hàm mới được xem là… bất thường, phải loại trừ, vĩnh viễn.

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/nhieu-can-bo-cong-chuc-mua-bang-tieng-anh-gia-cua-dh-dong-do-20201124172516858.htm

(2) https://laodong.vn/xa-hoi/3756-ung-vien-gs-pgs-nganh-y-duoc-bi-to-gian-doi-850029.ldo

(3) https://thanhnien.vn/thoi-su/lui-xet-giao-su-pho-giao-su-dang-mung-hon-dang-lo-1297779.html

(4) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bi-thu-tinh-uy-dak-lak-lan-dau-len-tieng-vu-bi-to-dao-van-1736263.tpo

BẰNG GIẢ ĐƯỢC ĐẠI HỌC ĐÔNG ĐÔ CẤP ĐÃ DƯỢC DÙNG VÀO NHỮNG VIỆC GÌ ?

LẠI CƯỜNG/ GDVN 26-10-2020 

GDVN- Trong số 193 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả có 60 người đã sử dụng bằng. Những người này đã sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, vụ việc tiêu cực xảy ra tại trường Đại học Đông Đô đã thu hút sự chú ý rất lớn của xã hội.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa kết luận điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô.

55 người dùng bằng giả để làm Tiến sĩ

Theo kết luận, Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.

Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2017, các bị can đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.

Tài liệu điều tra xác định các bị can đã cấp 626 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ tìm được 217 cá nhân có thông tin để xác minh (trong đó một người đã chết).

Trong số này, 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp.

Đại học Đông Đô đã tiếp tay cho hàng loạt tiến sĩ rởm. Ảnh 


minh họa: Nguoiduatin

Toàn bộ bằng giả do bị can Dương Văn Hòa ký theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường – hiện đã bỏ trốn).

Cơ quan công an đã thu được 177 bằng giả.

Theo bản kết luận điều tra vụ án hình sự xảy ra tại trường Đại học Đông Đô, cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an xác định đã có 193 người được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả.

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đã làm rõ có 60 người đã sử dụng bằng, trong đó có 55 trường hợp sử dụng xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 01 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sỹ, 01 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 01 trường hợp thi tuyển công chức, 02 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ nhưng 01 trường hợp đã nghỉ việc, 01 trường hợp sử dụng xét tuyển thạc sĩ.

Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công An cũng đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ vi phạm theo quy định đối với 58 trường hợp, không kiến nghị xử lý đối với 02 trường hợp trong đó 01 trường hợp đã nghỉ công tác, 01 trường hợp sử dụng xét tuyển thạc sĩ nhưng đã có đơn tố cáo hành vi sai phạm của Trường Đại học Đông Đô và xin thôi học thạc sĩ trước khi khởi tố vụ án.

Các trường hợp chưa sử dụng bằng, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định hủy bỏ, thu hồi các bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính uy đã cấp cho các cá nhân không đúng quy định và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh do đại học Đông Đô cấp không có giá trị.

Xử lý thế nào với các "Tiến sĩ giấy"?

Theo thông tư 08/2017/TT-BGDĐT, người dự tuyển phải có chứng chỉ TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 2 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

Và để đủ điều kiện đầu vào, nhiều người đã tính đến việc học văn bằng 2 - văn bằng có giá trị vĩnh viễn.

Với văn bằng 2 ngôn ngữ, các ứng viên có thể yên tâm đạt điều kiện ngoại ngữ đầu vào, được miễn học ngoại ngữ trong quá trình nghiên cứu sinh.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng giả của Đại học Đông Đô.

Công khai danh tính những người đã sử dụng văn bằng 2 trái 


luật tại Đông Đô sẽ có tính giáo dục và răn đe. Ảnh: Vũ Phương

Bày tỏ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp học viện Hành chính Quốc gia cho rằng:

“Trước hết, đối với những người đã sử dụng bằng giả tại Đại học Đông Đô, cơ quan chức năng cần công khai danh tính. Không có gì phải giấu đối với các trường hợp này cả.

Một người làm nghiên cứu khoa học mà gian dối thì không thể chấp nhận được. Đó là chưa nói đến việc, có thể họ chỉ lấy cái bằng Tiến sĩ để tiến thân.

Đó là một việc càng nguy hiểm hơn. Do vậy trước hết cần công khai danh tính đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ý kiến xử lý những trường hợp nếu đã cấp bằng Tiến sĩ này.

Các cơ quan mà những người sử dụng bằng Tiến sĩ, cũng cần phải có hình thức xử lý.

Cần phải mạnh tay để làm gương cho những tiến sĩ “rởm” có ý định mua bán bằng với mục đích làm đẹp hồ sơ, tiến thân...

Làm sao có thể chấp nhận những kẻ dùng tiền để mua tri thức sau đó lại xếp ngang hàng với những trí thức thực thụ đổ mồ hôi, công sức trên giảng đường, trong các trung tâm nghiên cứu được.

Một lần làm triệt để sẽ có tính giáo dục, răn đe với những người có ý định mua bán bằng giả”, Tiến sĩ Bùi Văn Nhơn chia sẻ.

Lại Cường
QUAN ĐIỂM CỦA BỘ GD VỀ VIỆC ĐẠI HỌC ĐÔNG ĐÔ CẤP BẰNG GIẢ
THÙY LINH/ 26-11-2020

Hiện nay thông tin trong Kết luận điều tra vụ án "Giả mạo trong công tác" của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô đang thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận.

Liên quan đến kết luận điều tra của cơ quan công an về vụ án cấp bằng giả của Trường Đại học Đông Đô, ngày 26/11 một lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo dề nghị không nêu tên, cho biết, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không bao che cho gian lận học tập, bằng cấp.

"Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa nhận được văn bản kết luận chính thức của Cơ quan điều tra Bộ Công an về vụ án cấp bằng giả của Đại học Đông Đô", vị này nói.

Các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để làm rõ thông tin và bản chất của vụ việc. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các cơ sở đào tạo sau đại học rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra của các học viên sau đại học để có căn cứ xử lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác minh thông tin và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền, những trường hợp đã sử dụng bằng giả của Trường Đại học Đông Đô; đồng thời cũng sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan nếu có sai sót, vi phạm.

Thùy Linh
AI ĐÃ QUA MẶT BỘ TRƯỞNG BỘ GD ĐỂ CHO ĐẠI HỌC ĐÔNG ĐÔ LÀM CÀN ?
LẠI CƯỜNG /GDVN 27-11-2020

Vụ việc tiêu cực xảy ra tại trường Đại học Đông Đô đã thu hút sự chú ý rất lớn của xã hội. Điều quan tâm lớn là tại sao các cá nhân tại Đại học Đông Đô dám ngang nhiên tổ thức thông báo tuyển sinh văn bằng 2 trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không bị Bộ Giáo dục và Đào tạo "tuýt còi"?

Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công An, quá trình hoạt động, Trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đạo tạo văn bằng 2 theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai, nhưng từ năm 2015, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có cả chi tiêu hệ văn bằng 2 chính quy, cụ thể như sau:

Ngày 12/01/2015, Trường Đại học Đông Đô có Công văn số 25/CV- ĐĐ gửi Vụ Kế hoạch tài chính báo cáo thống kê năm học 2014 - 2015 và đăng ký chi tiêu tuyển sinh năm 2015, trong đó không đăng ký chi tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy, nhưng ngày 01/4/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh số 173/TB-BGDĐT, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Ngày 14/01/2016, Trường Đại học Đông Đô có Công văn số 06/ÐÐ – ĐT&QLSV xác định chỉ tiêu tuyền sinh năm 2016, trong đó đăng ký 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Ngày 07/02/2017, Trường Đại học Đông Đô gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ kế hoạch tài chính) Đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 - 2018, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.Ngày 24/02/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông báo về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 số 68/TB-BGDĐT gửi Trường Đại học Đông Đô, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Ngày 07/3/2017, Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông báo về việc xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 số 136/TB-BGDĐT gửi Trường Đại học Đông Đô, trong đó có 150 chi tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Đồng thời với việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh gửi Vụ Kế hoạch tải chính, Trường Đại học Đông Đô cũng gửi Vụ Giáo dục đại học Đề án tuyển sinh năm 2017 và được Vụ Giáo dục đại học cho đăng tải trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có 150 chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.

Văn bản số 136/TB-BGDĐT ngày 07/3/2017 do Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Trần Tú Khánh ký.

Đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2, 


nhưng Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Trần Tú Khánh vẫn 


"thừa lệnh" Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 150 chỉ tiêu.

Từ năm 2018, Thông tư 06/2016/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 quy định về việc xác định chi tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên, trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ có quy định:

Các cơ sở giáo dục chủ đăng ký chi tiêu, công bố công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, cơ sở dữ liệu và tiêu chỉ xảc định chi tiêu tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh và các thông tin cần thiết khác của cơ sở giáo dục trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và vào phần mềm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo không ký thông báo chỉ tiêu tuyển sinh gửi các cơ sở giáo dục đại học.

Năm 2018, Trường Đại học Đông Đó gửi Đề án tuyển sinh đến Vụ Giáo dục đại học và được Vụ Giáo dục đại học đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung đề án tuyển sinh có 400 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Việc các đơn vị, cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục Đại học thực hiện thông báo chi tiêu tuyển sinh, đăng tải để án tuyển sinh trên Cổng thông tin tuyển sinh cho Trường Đại học Đông Đô trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2 chính quy nêu trên trong khi Trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 có dấu hiệu vi phạm Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai, cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Vấn đề dư luận quan tâm là cần giải quyết như thế nào đối với cá nhân có liên quan ở Bộ Giáo dục và Đào tạo khi công văn số số 136/TB-BGDĐT đã cho phép Trường Đông Đô tuyển sinh và đào tạo Văn bằng 2 tiếng Anh trái quy định.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng cần xử lý dứt điểm những cá nhân sai phạm này. Bà An cũng cho rằng phải nghiêm trị những người đang cố tình làm sai, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục như ở Đại học Đông Đô để vừa có tính răn đe, vừa có tính giáo dục đối với những trường hợp khác.

Nói về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần xử lý nghiêm cán bộ cấp dưới của mình khi có như lộng hành, qua mặt như vậy.

Trường không được phép đào tạo mà lại cấp chỉ tiêu cho trường tuyển sinh thì rà soát và xem rõ vấn đề có tiếp tay cho sai phạm hay không.

Nếu có cần phải xem xét trách nhiệm và xử lý những cá nhân liên quan. Xử lý ở đây là phải xử lý dứt điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải quyết liệt, không để sự việc này tái diễn, như thế sẽ vô cùng nguy hiểm".

Lại Cường
TRAO ĐỔI VỚI ÔNG VŨ ĐỨC ĐAM VỀ GIÁO DỤC
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 22-11-2020

Tháng 11/2020, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu về giáo dục ở Quốc hội, được nhiều người quan tâm. Nhân dịp này tôi thấy cần nêu vài ý kiến trái chiều để rộng đường dư luận.

Ông Đam nêu 4 vấn đề, tôi chỉ xin bàn đến hai, là sự phát triển và triết lý giáo dục (GD).

Về phát triển, ông đưa ra vài con số. Trong khoảng 180 nước thì về kinh tế VN xếp hạng 130, còn về GD xếp hạng 60 đến 70, khá cao so với kinh tế. Chuyện này có điều cần bàn.

Trước hết là sự chính xác của xếp hạng. Về kinh tế, dựa vào GDP, mà GDP của VN một phần đáng kể phụ thuộc vào xuất cảng hàng hóa của các tập đoàn nước ngoài (Sam Sung, Toyota, Coca Cola v.v…) . Tuy vậy, thứ hạng 130 cũng có thể chấp nhận.

Còn về GD? Người ta dựa vào số lượng hay chất lượng, dựa vào hiện tượng hay bản chất. Nếu dựa vào số lượng, các trường và số người đi học, dựa vào những giải thưởng quốc tế mà học sinh VN có được thì thứ hạng dưới 70 là có cơ sở. Nhưng nếu đi sâu vào chất lượng của người học và người dạy, dựa vào tác dụng của GD thì chưa biết thế nào.

Cứ tạm chấp nhận thứ hạng 130 và 70. Nó nói lên điều gì? Nhiều người tự hào, rất tự hào, cho rằng đó là thành tích rất lớn nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt. Nhưng hãy xem trong sự tự hào ấy có gì nhầm lẫn không.

Một đất nước, để phát triển tốt cần có sự cân bằng hài hòa giữa kinh tế và GD. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Làm sao để mỗi người dân có cơm ăn, áo mặc, được học hành”. Phải chăng nhiều thế hệ lãnh đạo đất nước đã hiểu sai, vận dụng sai câu đó. Được học hành chứ không phải được học để có nhiều bằng cấp cao.

Được học hành là một quyền lợi, nhưng nó không giống như quyền lợi về vật chất, nó không phải là thứ để ban phát. Để hưởng quyền học hành, người học cần có điều kiện, cần nỗ lực, cố gắng. Để phát triển việc học hành, cần có nền kinh tế bảo đảm.

Xin kể câu chuyện (tôi nhớ là chuyện có thật trong lịch sử, nhưng bây giờ không thể tìm nguồn để dẫn, tạm gọi là nước A và B vào thời xa xưa vậy). Chiến tranh A-B. Quân B thua trận, rút lui nhanh. Quân A truy kích, nhưng tiến quá gấp nên hậu cần không theo kịp. Quân chiến đấu thiếu lương thực, bị đói vài ngày, nhưng tướng chỉ huy vẫn thúc tiến nhanh hơn nữa. Quân B phát hiện được liền quay lại phản công. Lúc này một người lính được ăn no của B có thể đánh tan vài chục lính của A đã kiệt sức vì đói.

Để mọi người được học hành, trước hết cần phổ cập tiểu học. Rồi tiến dần lên phổ cập trung học cơ sở. Còn việc mở quá nhanh, quá nhiều trường bậc cao, vượt quá xa khả năng của nền kinh tế là việc làm duy ý chí, nóng vội. Phải chăng làm thế để kể thành tích, để khoe khoang, để được xếp hạng cao. (và gây ra hậu quả hàng vạn cử nhân thất nghiệp).

Điều cơ bản quyết định của GD, là chất lượng của đội ngũ giáo viên. Trước năm 1945 giáo viên tiểu học là trí thức ở thôn xã, họ được kính trọng vì có phẩm chất cao, họ có thể nuôi sống gia đình bằng tiền lương. Nhưng rồi dưới chế độ XHCN, trong nhiều năm, giáo viện bị bần cùng hóa vì nền kinh tế còn yếu kém, không đủ sức nuôi một nền GD phình ra quá nhanh.

Giáo dục có thể phát triển trước một bước so với kinh tế, nhưng ngắn thôi. Hay gì việc phát triển giáo dục vượt quá xa nền kinh tế để cho giáo viên lâm vào tình cảnh khó khăn về đời sống, giảm sút về phẩm chất, rồi từ đó phát sinh nhiều tiêu cực trong GD. Sự xuống cấp của GD trong nước làm cho nhiều gia đình phải liều cho con đi du học, gây ra lãng phí nhiều mặt.

Về triết lý, ông Đam cho rằng, VN có triết lý GD chứ không phải không có. Chỉ là chúng ta không có câu trích dẫn, kinh điển, bất di bất dịch. Thật ra thì VN cũng có vài câu nhưng ông Đam không kể ra, ví như: Tiên học lễ hậu học văn, Dân tộc Khoa học Đại chúng, Học đi đôi với hành, GD kết hợp lao động sản xuất, Lý thuyết kết hợp thực tế, lấy Chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng v.v…

Rồi nêu cao khẩu hiệu: GD là quốc sách hàng đầu. Ngoài ra còn nhấn mạnh đến: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; Đào tạo con người XHCN, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Năm 1953, trong phong trào “Cải tạo học tâp” mọi thầy trò cần thấm nhuần tư tưởng “Học để phục vụ nhân dân” (công nông).

Thật ra câu kinh điển bất di bất dịch có được thì tốt, không có cũng chẳng sao. Quan trọng là triết lý giáo dục cần phải đúng, được thấm sâu vào nhận thức và tình cảm của giáo viên và lãnh đạo để hướng dẫn họ trong hành động. Nếu đề ra một câu rất hay, rất đúng mà thiếu mất điều kiện để thực thi thì câu ấy cũng chỉ thành khẩu hiệu suông. Thí dụ câu “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” là trường hợp như vậy.

Điều kiện đủ gồm một số thứ, trong đó quan trọng nhất là nhận thức và tình cảm của những người lãnh đạo. Một vấn đề của tổ chức, dù chủ trương có hay có đúng đến đâu, nó chỉ trở nên hiện thực khi biến thành nhận thức, tình cảm và ý chí của lãnh đạo cao nhất của tổ chức đó. Thế nhưng, hãy xem nhiều lãnh đạo của VN đã có nhận thức và tình cảm như thế nào về giáo dục. Họ hiểu sai nhiều lắm. Họ cho rằng chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao mới thật sự quan trọng, chứ giáo dục là việc tương đối dễ, lại xem giáo dục như một quyền lợi có thể ban phát và giáo dục phải phục vụ chính trị.

Triết lý chỉ đạo hoạt động và cải cách giáo dục trong thời gian qua thể hiện ra trong một số ý của vài nghị quyết hoặc phát biểu của lãnh đạo, có thể tóm lược vào trong một số ý: Chính trị là thống soái, giáo dục phải phục vụ chính trị, phải kiên trì Mác Lê nin, giáo dục phải đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng (cho đời sau), đào tạo ra những con người xây dựng xã hội chủ nghĩa, suốt đời trung thành và biết ơn đảng v.v… Tuy rằng rải rác đâu đó có nói tới tự do, sáng tạo, nhân tài nhưng hình như chỉ nói cho qua chuyện.

Tôi đồng ý với ông Đam rằng, VN có triết lý giáo dục, nhưng trong thời gian vừa qua do nhận thức của lãnh đạo phạm phải một số sai lầm, vì thế làm cho giáo dục xuống cấp, làm cho việc cải cách bị vướng vào thế bùng nhùng.

Ông Đam cho rằng, triết lý giáo dục nằm trong triết lý xây dựng đất nước (Dân giàu nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh) và trong triết lý xây dựng con người VN toàn diện (Đức, trí, thể, mỹ, có tinh thần dân tộc, yêu nước, có trách nhiệm quốc tế). Ông viện dẫn bốn cột trụ của UNESCO và những ý kiến về nhân văn, khai mở trí tuệ, không mất gốc, không dân tộc hẹp hòi v.v… để nói về mục tiêu của giáo dục. Ông chưa hoặc không muốn đề cập đến vấn đề cơ bản nhất, đó là giáo dục nhằm đào tạo ra loại người nào, CON NGƯỜI CÔNG CỤ hay là CON NGƯỜI TỰ DO.

Con Người công cụ có các tính chất như bị lệ thuộc, trung thành, kỷ luật, kiên trì vào một lý thuyết nào đó, tin tưởng tuyệt đối hoặc sùng bái một vài cá nhân, không dám suy nghĩ và hành động ngược lại với mọi người, không dám xa rời sự lãnh đạo, làm việc trông chờ vào chỉ thị nghị quyết, làm theo mẫu, ngoan ngoãn, gọi dạ, bảo vâng.

Con Người tự do là nguồn gốc của sáng tạo, của tài năng, của tiến bộ. Nó có tính năng động, tự chủ, tự trọng, dám và biết khám phá, dám phản biện, dám nghĩ dám làm và chịu trách nhiệm. Nó biết chấp nhận và dung hòa các quan điểm khác nhau, nó đại diện cho tinh thần nhân bản và khai phóng, nó trung thực, dũng cảm.

GD của CH XHCN VN nặng về đào tạo Con Người công cụ, trong lúc sứ mệnh chủ yếu của GD là đào tạo Con Người tự do.

Dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, người ta hiểu sai về tự do cá nhân. Một mặt đề cao tổ chức, tập thể, hạ thấp cá nhân, mặt khác tôn sùng người đứng đầu tổ chức. Người ta hiểu sai chủ nghĩa cá nhân, gán cho nó đủ mọi thói tật xấu xa và ra sức chống đối, bài trừ. Thật ra sự đề cao tự do cá nhân (mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận), sự phát huy năng lực cá nhân là vô cùng quan trọng cho tiến bộ xã hội.

Vì những nhầm lẫn trong nhận thức mà chúng ta đã phạm phải một số việc làm không tốt, dẫn đến sự xuống cấp của giáo dục.

Một là, xem bằng cấp là tiêu chuẩn để tuyển chọn, đề bạt, trả lương cho cán bộ. Việc này dẫn đến nhiều người dùng bằng giả hoặc bằng thật nhưng kiến thức giả.

Hai là, phát triển quá nhanh, quá nóng số lượng cơ sở GD bậc cao, làm mất cân đối giữa năng lực của nền kinh tế và phát triển GD, làm hạ thấp chất lượng và hiệu quả GD, làm hạ thấp vai trò, đạo đức, trình độ của đội ngũ thầy cô giáo.

Ba là, hiểu sai về quyền lợi và sự công bằng trong GD, làm phát sinh nhu cầu giả tạo được học lên những bậc cao quá lớn.

Bốn là, quá quan tâm đến việc nhồi nhét thật nhiều kiến thức để đi thi, biến việc học, thành nhiệm vụ nặng nề, làm lệch lạc sự phát triển của tuổi trẻ.

Năm là, chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ thầy cô giáo có chất lượng cao. Trong đội ngũ thầy cô hiện tại may mắn có được một số ít có lương tâm và trình độ xứng đáng, còn số đông thuộc loại ‘chuột chạy cùng sào’… , họ là sản phẩm của đường lối sai lầm của một số người lãnh đạo, coi thường việc và người dạy học.

Sáu là, đề bạt một số vị Bộ trưởng kém năng lực. Đúng ra bộ trưởng phải là người thành thạo về giáo dục phổ thông, giỏi về nhân văn và xã hội, là một nhà chính trị lão luyện chứ không phải là nhà khoa học nhưng thiếu trình độ quản lý.

Bảy là, nhận định chưa đúng về nguyên nhân làm GD xuống cấp. Nghị quyết 29 (năm 2013) của ĐCSVN về đổi mới căn bản, toàn diện GD và đào tạo nêu ra các nguyên nhân làm giáo dục xuống cấp. Tuy rằng không sai, nhưng hời hợt, chưa thật đúng bản chất, còn né tránh. Vì thế những biện pháp khắc phục là nửa vời.

Tám là, những ảnh hưởng quá tiêu cực của xã hội (tham nhũng, hối lộ, mua quan bán tước, dối trá, ngụy biện, bệnh thành tích dỏm v.v…, không sao kể hết).

Tuy rằng đã có chủ trương và nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, đã bỏ ra nhiều tiền, vay nợ hàng trăm triệu đô la, đã lập ra nhiều ban bệ, làm chương trình, làm sách giáo khoa v.v… nhưng theo tôi VN chưa thể nào chấn hưng được giáo dục, mà không khéo thì tiêu tốn tiền của và sức lực để thay vài cái sai này bằng các sai khác mà thôi. Vì sao vậy? Vì nó vẫn bị vòng kim cô Mác Lê trói buộc và còn thiếu những điều kiện cơ bản.

Để có được nền giáo dục nhân bản, khai phóng thì phải làm công cuộc chấn hưng chứ không chỉ đổi mới hoặc cải cách, không phải có nghị quyết, có tiền, có triết lý là làm được. Việc này xin bàn vào dịp khác vì bài đã quá dài. Nếu ông Vũ Đức Đam đọc được bài này mà có ý muốn trao đổi, tôi vui lòng nhận lời, liên hệ qua Email: ndcong37@gmail.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét