Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

20201123. BÁC BỎ DỰ LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG ĐƯỜNG BỘ (SỬA ĐỔI)

 ĐIỂM BÁO MẠNG 


HAI BỘ GTVT VÀ BỘ CÔNG AN TRANH QUYỀN Ở QUỐC HỘI: DẤU HIỆU TỐT HAY 'QUYỀN ANH, QUYỀN TÔI' ?

RFA 17-11-2020


Ngày 16 tháng 11 năm 2020 là đỉnh điểm tranh cãi khi Quốc hội Việt Nam cho ý kiến về hai dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; Tách hay không tách Luật Giao thông đường bộ? Và Bộ Công an hay Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ quản lý, đào tạo, cấp giấy phép lái xe...

Phát biểu tại Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho rằng, trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông là của Bộ Công an, tách luật là để đi vào đi vào cụ thể, chứ không phải tách luật là để chia luật hoặc là chia quyền.

Trong khi nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến phản bác. Đơn cử như ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: Tách luật giao thông như 'tách mẹ khỏi con, lấy gan ghép thận'... Ông còn cho rằng thay vì tách luật, sao không chuyển lực lượng cảnh sát giao thông về Bộ Giao thông Vận tải quản lý...

Hay đối với việc Bộ Công an đòi quản lý việc cấp bằng lái xe, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận cho rằng, lực lượng công an với chức năng, quyền hạn của mình giải quyết tốt những vấn đề tội phạm trật tự xã hội, để quốc thái dân an thì nhân dân cảm kích, tôn vinh lắm rồi, công an không nên nhận thêm những nhiệm vụ khác.

Việc tranh giành giữa Bộ GTVT và Bộ Công An ở Quốc hội là dấu hiệu tốt hay vẫn là ‘quyền anh, quyền tôi’... Hay tranh giành quyền lợi giữa các nhóm lợi ích?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 17 tháng 11 năm 2020 liên quan vấn đề này, nhận định:

“Chí ít cũng có những tiếng nói khác nhau, thể hiện những lợi ích khác nhau trong Quốc hội. Những đại biểu thuộc Bộ Công an thì ăn cây nào rào cây ấy, kiên quyết ủng hộ đề nghị của Bộ Công an, tách luật đó ra thành một luật riêng về an toàn giao thông, rồi cấp bằng lái xe, dạy lái xe cũng ở bên Bộ Công an. Còn bên Bộ GT_VT thì phản đối kịch liệt. Tôi nghĩ có những thảo luận như thế là tốt, chứ không phải không tốt. Nhưng ở Việt Nam có những cái thể hiện rất rõ mà người ta gọi là nhóm lợi ích.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhiều người cứ hiểu nhóm lợi ích theo nghĩa xấu. Nhưng thật sự trong xã hội rất nhiều nhóm lợi ích... hay bản thân trong Quốc hội, Bộ Công an là một nhóm lợi ích khổng lồ và nó luôn luôn muốn bành trướng quyền lực của nó. Ông nói tiếp:

“Có thể nói, sự đam mê quyền lực của Bộ công an là vô độ, họ muốn càng ngày càng to lên, càng ngày càng được chi nhiều tiền hơn, càng ngày càng nhiều quan số hơn... như thế quyền lực của họ càng ngày càng tăng lên và có ý kiến phản bác ngược lại (từ Bộ GTVT). Chuyện giữa quân đội và công an cũng thế, về chuyện Bộ Công an muốn tăng thêm rất nhiều quân số của lực lượng an ninh cơ sở dưới sự quản lý của Bộ Công an.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, những việc tranh giành quyền lực như thế chí ít diễn ra một cách công khai, việc công khai như thế là dấu hiệu của sự lành mạnh và việc đấu tranh để chống lại sự tham quyền lực của một nhóm này hay nhóm khác là một điều tốt.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 17 tháng 11 năm 2020 rằng đây là một dấu hiệu tốt sau một dấu hiệu xấu

“Có dấu hiệu tốt sau dấu hiệu xấu, tại vì là dấu hiệu tốt là để chống lại dấu hiệu xấu. Thật ra việc cấp bằng lái trước đây thuộc chuyên môn của Bộ Giao thông, nhưng kiểm soát trên đường lại thuộc cảnh sát giao thông, vì thế bên công an muốn chiếm luôn phần cấp bằng lái xe. Thế thì việc ấy tôi cho là không hay, phải có bộ phận chống lại chuyện đó... thế là tốt, thế là hay, trong cái không hay đấy có cái hay. Tùy theo quan điểm mỗi người thôi, nhưng tôi cho rằng có tranh luận là hay rồi.”

Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, tranh luận ấy phải xem có công bằng không? Có minh bạch không? Nó có phục thiện không? Người ta có hợp tác với nhau không? Ông nói tiếp:

“Còn nếu tranh giành để mà đoạt quyền lợi thì tôi cho là không hay... Vấn đề này đầu tiên là từ tranh đoạt quyền lợi, nên mới bày ra chuyện anh này chuyển qua anh kia. Bây giờ có chuyện đấu tranh trở lại, đó là hay. Nhưng bây giờ hay như thế nào thì phải do công việc mà phải xem người ta diễn biến như thế nào. Đặc biệt, phải xem lãnh đạo quốc hội sẽ điều hành chuyện đấy ra làm sao?”

Hôm 12 tháng 8 năm 2020, tại phiên họp Chính phủ về các dự án Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi, Luật Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Giao thông đường bộ sửa đổi... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra phát biểu cho rằng: “Cái gì có lợi cho dân, làm gì để xã hội phát triển tốt thì nên tiến hành, không quyền anh, quyền tôi mà làm chậm trễ sự phát triển của đất nước.”

Nghe qua cảm nhận được ông Phúc có lòng vì dân, vì sự phát triển của xã hội. Nhưng nếu xâu chuỗi nhiều sự kiện, nhiều câu nói của ông thì mới phát hiện ra cái ẩn chứa bên trong là sự hời hợt, sáo rỗng và thiếu sự chặt chẽ. Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, ở Việt Nam có một cách hành xử khác lạ so với nhiều nước là việc soạn thảo luật do cơ quan hành pháp đảm nhận hoàn toàn. Ngành nào soạn luật cho ngành đó. Nghe qua và kém hiểu biết thì thấy hợp lý, nhưng bên trong ẩn chứa nhiều bất cập của việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Vì thế mà có quyền anh quyền tôi trong việc soạn thảo hoặc kiểm soát, xử lý tình huống giữa hai bộ nói trên.

Cũng tại buổi họp Quốc hội hôm 16/11, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, thuộc đoàn Hà Nội, cho rằng 99% dân sẽ ủng hộ không tách Luật Giao thông đường bộ.(!?) Việc tranh giành giữa Bộ GTVT và Bộ Công An ở quốc hội là dấu hiệu tốt, nhưng nếu nói 99% dân ủng hộ sao không trưng cầu dân ý?

Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định về ý kiến này:

“Tôi cho rằng đó là một ý kiến chủ quan, anh nào muốn nói thì cứ nghĩ rằng người dân sẽ theo ý mình... Cũng biết đâu được, cũng có thể... nhưng muốn nó rõ ra thì phải trưng cầu dân ý chứ. Nhưng theo tôi việc tách luật hay không tách luật thì trưng cầu dân ý làm gì, chỉ nên tập trung trao đổi, bàn luận đối thoại... và có người sáng suốt quyết định. Hai bên đối thoại rồi thì phải có anh phân xử, giải quyết... trình độ người giải quyết rất quan trọng. Chứ hỏi ý kiến toàn dân thì việc lớn, chứ việc này hỏi làm gì. Nói 99% người dân đồng tình là chủ quan quá nặng, đã đi tham khảo, trao đổi với ai chưa? Dù cho nói là đúng hay sai thì cái cách mà nói như thế là hàm hồ, chủ quan.”

Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho rằng, từ trước đến nay dù nội bộ của Đảng có sự không đoàn kết, nhưng khi có những việc chung, ví dụ những chính sách áp dụng cho đất nước, dù chính sách đó đúng hay sai, có lợi hay có hại cho đất nước... nhưng trước những chính sách chung đó, họ thường đoàn kết nhất trí, và mọi sự mất đoàn kết đều được loại hết. Nhưng bây giờ theo ông, khi nói đến tình trạng ‘quyền anh, quyền tôi’ thì tức là vấn đề không nhất trí trong nội bộ Đảng đã trở thành nguy cơ.

Cho đến chiều ngày 17/11/2020, với hơn 62% đại biểu Quốc hội Việt Nam, tương đương 302 người, đã bỏ phiếu phản đối việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đồng thời, kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội cho thấy có đến hơn 66% số đại biểu Quốc hội, tương đương 321 phiếu, phản đối việc giao Bộ Công an chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe, thay vì Bộ Giao thông Vận tải như từ trước đến nay.

Cũng theo thông báo từ Quốc hội vào ngày 17/11, 52% đại biểu tán thành việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 quốc hội nhiệm kỳ sau (khoá 15).

QUỐC HỘI KHÔNG ĐỒNG Ý GIAO BỘ CÔNG AN SÁT HẠCH VÀ CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE

LAN NHI/ TBKTSG 17-11-2020


(TBKTSG Online) - Hơn 60% số đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 10 (Quốc hội khóa XIV) đã không đồng ý với đề xuất của Chính phủ thay đổi thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về Bộ Công an.

Bộ Giao thông Vận tải vẫn là cơ quan cấp giấy phép lái xe, thay cho đề xuất việc cấp phép này chuyển qua Bộ Công an. Ảnh minh họa: ĐVCC

Sáng 17-11, Quốc hội đã phải tổ chức xin ý kiến và công bố kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 3 vấn đề: Thứ nhất, có tách dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành 2 luật như tên gọi đang sửa và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ không? Thứ hai, có chuyển chức năng quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an không? Thứ ba, chuyển dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sang kỳ họp Quốc hội khóa sau (Quốc hội khóa XV) xem xét không vì Chính phủ trình quá gấp rút trong kỳ họp cuối năm này?

Kết quả ở cả ba nội dung lấy ý kiến cho thấy: gần 52% số đại biểu đồng tình việc lùi thời gian làm luật này sang kỳ họp Quốc hội khóa sau. Hơn 66% bác bỏ đề xuất của Chính phủ trong việc chuyển chức năng cấp giấy phép lái xe, sát hạch sang cho Bộ Công an và gần 63% số đại biểu đề nghị giữ nguyên một luật như tên gọi, không tách thành 2 luật như đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội từng công tác trong ngành công an.

Trước đó, theo phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 chỉ có tên Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), không có tên Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, nhưng chưa được báo cáo rõ ràng với Quốc hội, việc đánh giá tác động của luật cũng chưa đầy đủ

Còn trong văn bản gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng trong quản lý hoạt động giao thông vận tải nói chung và giao thông đường bộ nói riêng, 2 mục tiêu đảm bảo hiệu quả và an toàn luôn luôn được đặt ra có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nên không cần tách thêm các luật khác nhau. Việc Bộ GTVT làm nhiệm vụ cấp giấy phép lái xe hợp lý hơn nhiều Bộ Công an. Vì theo Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã phân định rõ trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe dân sự do Bộ GTVT quản lý; trách nhiệm đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho lực lượng quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý; trách nhiệm đào tạo, sát hạch lái xe cho lực lượng công an do Bộ Công an quản lý.

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông chuyển hoạt động quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân sự sang Bộ Công an quản lý là không phù hợp  về cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Hiệp hội Vận tải ô tô cũng cho rằng việc chuyển giao thẩm quyền cấp giấy phép lái xe cho lực lượng vũ trang sẽ tạo ra những khó khăn khi công nhận và đổi giấy phép lái xe giữa các nước. Bởi vì hầu hết việc cấp giấy phép lái xe tại các quốc gia khác do các cơ quan dân sự thực hiện…

BỘ TRƯỞNG TÔ LÂM: LUẬT MỚI ĐỂ CỤ THỂ, KHÔNG CHIA QUYỀN

HƯƠNG QUỲNH, THÀNH NAM/ VNN 16-11-2020

Chiều nay (16/11), Quốc hội thảo luận dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tâm điểm cuộc thảo luận là có nên tách dự án luật này ra khỏi Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) và vấn đề giao quyền hạn, nhiệm vụ khi triển khai luật mới.

"Một nghề cho chín còn hơn chín nghề"

ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) băn khoăn khi tách Luật GTĐB thành 2 luật. Theo ông, việc một luật liên quan tới trách nhiệm của nhiều bộ, ngành là thực tế khách quan. Do đó, không thể chỉ vì phạm vi quản lý của 2 bộ, 2 lĩnh vực mà tách thành 2 luật.

"Nếu như thế thì còn phải tách ra nhiều luật nữa để tách bạch giữa các bộ, ngành và lĩnh vực”, ĐB Hận nói và đề nghị cần xin ý kiến Quốc hội về việc tách luật.

Bộ trưởng Tô Lâm: Luật mới để cụ thể, không chia quyền
ĐB Nguyễn Quốc Hận

ĐB Hận dẫn chứng từ khi thực hiện Luật CAND đã làm phát sinh 126.084 công an xã dôi dư, ảnh hưởng tâm tư nguyện vọng của công an xã, tác động xấu đến dư luận xã hội nên hiện nay phải ban hành thêm luật Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự cơ sở để giải quyết lực lượng dôi dư này.

“Vậy khi chuyển cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an thì việc bố trí, sắp xếp cán bộ trực tiếp làm công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe của Bộ GTVT và 63 tỉnh, thành lại chỉ theo hướng tinh gọn, hiệu quả đảm bảo tiết kiệm nguồn nhân lực?”, ĐB Hận nêu câu hỏi.

ĐB tỉnh Cà Mau đánh giá hiện nay, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang được Bộ GTVT thực hiện tốt, thuận tiện, nhanh chóng và được quốc tế công nhận. Nếu chuyển sang Bộ Công an thì sẽ tốn kém kinh phí khi phải hiệp thương lại với các nước, thay đổi giấy phép lái xe cho nhân dân.

Đại biểu Cà Mau cũng cho rằng, không nên tập trung quá quyền lực vào một số cơ quan, đơn vị vì dễ sinh ra lạm quyền, đặc quyền, đặc lợi.

Cuối cùng, ĐB Hận bày tỏ: “Rất hoan nghênh, cảm kích ngành công an dù bận trăm công, ngàn việc mà toàn là những việc quan trọng nhưng không ngại khó khăn mà vẫn gánh vác thêm nhiều trọng trách trong xã hội”.

Nhưng dân gian có câu “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, ông Hận cho hay.

Bộ trưởng Tô Lâm: Luật mới để cụ thể, không chia quyền
ĐB Lưu Bình Nhưỡng

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, những cơ sở để tách luật mà Chính phủ nêu trong báo cáo trình ra Quốc hội là không thuyết phục.

Ông Nhưỡng đặt vấn đề, giờ tách Luật Giao thông đường bộ thì sau này ta lại phải tách các luật ở các lĩnh vực khác hay sao? Ông  cũng nêu, theo báo cáo Chính phủ hành vi của người tham gia giao thông là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng cấu thành nội hàm, khái niệm đảm bảo an toàn giao thông.

“Thế thì chúng ta lại tách ra thì không khác gì tách con ra khỏi mẹ, cắt gan thì ghép sang thận”, ông Nhưỡng ví von và lo ngại, việc tách luật sau này sẽ dẫn tới tình trạng "quyền anh, quyền tôi" mà Thủ tướng đã nhiều lần nhắc.

Hạ tầng và con người đi cùng với nhau, tách ra là không được, ông đề nghị Quốc hội giao lại Chính phủ nghiên cứu lại vấn đề này. “Giống như trả hồ sơ điều tra lại”, ông Nhưỡng so sánh.

“Tôi đề nghị ngành công an giao lực lượng CSGT về cho Bộ GTVT, vẫn đảm bảo giữ nguyên quyền lợi, chế độ cho anh em để tăng cường xử lý vi phạm thì còn hiệu quả hơn là tách luật”, ông Nhưỡng đề xuất.

Tách luật không phải phân chia quyền anh quyền tôi

Ở một góc nhìn khác, ĐB Quách Thế Tản (Hoà Bình) cho rằng, việc Chính phủ trình 2 dự án luật đã được thảo luận đánh giá khách quan xuất phát yêu cầu thực tiễn, được sự đồng tình cao của các bộ, gắn trách nhiệm từng bộ cụ thể.

Bộ trưởng Tô Lâm: Luật mới để cụ thể, không chia quyền
ĐB Quách Thế Tản

Trong đó, ngành công an có nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, đào tạo sát hạch cấp GPLX. Còn ngành giao thông quy định về kết cấu hạ tầng giao thông.

“Việc quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về đào tạo sát hạch cấp GPLX thuộc trách nhiệm Bộ Công an là đảm bảo tính hợp lý thống nhất, nhất quán từ quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và kiểm soát. Đây cũng là vấn đề xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn”, ĐB Tản nói.

ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cũng đồng ý tách 2 dự án luật vì vấn đề giao thông vận tải đường bộ có vai trò trọng yếu, góp phần bảo đảm an ninh - trật tự, kinh tế, hướng tới giao thông thông minh.

Bà Xuân đưa số liệu và phân tích TNGT đường bộ chiếm 95% tổng số vụ TNGT; đường bộ cũng là nơi xảy ra nhiều tội phạm như trộm cắp, cướp giật, buôn lậu, vận chuyển ma tuý, hàng cấm, trốn truy nã….

“Việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ còn cụ thể hoá quan điểm của Đảng, phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Việc tách luật không phải phân chia quyền anh, quyền tôi mà trên hết là xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc, xây dựng hình ảnh quốc gia văn hoá, văn minh, người dân sống và làm việc trong điều kiện tốt nhất”, bà Xuân phân tích.

Giải trình làm rõ thêm, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, trong báo cáo tác động cũng như trong báo cáo đề xuất và các quy định cũng đã nói rõ trách nhiệm bảo đảm trật tự ATGT là của Bộ Công an.

Bộ trưởng Tô Lâm: Luật mới để cụ thể, không chia quyền
Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải trình trước Quốc hội chiều nay.

Theo Bộ trưởng, nếu Quốc hội đồng ý ban hành luật này, trong báo cáo đánh giá tác động cũng đã đề cập sẽ không tăng biên chế, chi phí, không lãng phí, không tăng về thủ tục hành chính.

“Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ trong tập thể Đảng ủy Công an T.Ư, các cơ quan chuyên trách, nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội, nhân dân về vấn đề bảo đảm trật tự ATGT”, Bộ trưởng Công an nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định đây không phải tách luật. Quá trình làm luật cùng với sự phát triển chung của mọi mặt xã hội thì càng ngày càng đi vào cụ thể, càng quy định vào chi tiết, nhất là liên quan đến quyền con người, quyền công dân thì được cụ thể hóa.

Ông dẫn chứng,  ban đầu từ một luật sau đó phát triển thành nhiều luật, như Luật Đầu tư, bây giờ có đầu tư, đầu tư công, hợp tác công tư,.. hay Luật Tố cáo khiếu nại có Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại.

“Rất nhiều các luật chuyên ngành chuyên nghề khác càng đi vào đi vào cụ thể. Chứ không phải là việc tách luật, chia luật hoặc là chia quyền, chúng tôi không có ý đó”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo ông thực tế sẽ quá dài nếu để Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ chung với các luật khác. Nhiều ý kiến cử tri đề nghị Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phải phổ cập toàn xã hội, từ các cháu bé đi học cho đến các cụ già, những người tham gia giao thông phải học, phải thi sát hạch, phải thực hiện nghiêm túc.

“Hai dự án luật này đã được UB Thường vụ Quốc hội, được Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các cơ quan thẩm định của Quốc hội, đặc biệt là 2 bộ Bộ GTVT và Công an nhất trí cao và đảm bảo không làm ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình soạn thảo và không vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Bộ trưởng Công an cho biết.

Về những ý kiến đóng góp với nội dung cụ thể, Đại tướng Tô Lâm cho biết Ban soạn thảo xin tiếp thu để chỉnh lý hoàn thiện.

Hương Quỳnh - Thành Nam

                   VÌ SAO CÔNG AN ĐƯỢC THỜI ĐẮC THẾ ?

                                TRÂN VĂN/ TD 18-11-2020


Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội Khóa 14 vừa kết thúc với một sự kiện hiếm có: Đa số đại biểu bác bỏ việc xem xét ba dự luật do chính phủ đề nghị và đã được các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội thẩm tra. Cả ba cùng liên quan tới việc tăng thẩm quyền cho công an.

***

Nỗ lực tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) thành hai bộ luật: Luật GTĐB mới và Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB bị bác bỏ vì vừa trái thông lệ chung trên thế giới, vừa gây ra những xáo trộn không cần thiết.

Việc sửa Luật GTĐB hiện hành vốn nằm trong chương trình làm luật của Quốc hội khóa 14 nhưng sáng kiến tách Luật GTĐB thành hai bộ luật riêng biệt, một về GTĐB và một về Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB chỉ nhằm để thỏa mãn yêu cầu của Bộ Công an.

Bộ Công an muốn giành việc quản lý đào tạo – sát hạch – cấp giấy phép lái xe (GPLX) tử tay Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) với lý do… tai nạn giao thông cao và cần… xử lý vấn nạn GPLX giả. Đáng ngạc nhiên là chính phủ chấp nhận yêu cầu đó!

Không ai rõ Bộ Công an dọa chính phủ thế nào để ông Phúc và nội các gật đầu với sáng kiến tách Luật GTĐB làm hai và giao cho công an quản lý đào tạo – sát hạch – cấp giấy phép lái xe (?).

Người ta chỉ biết ông Nguyễn Thanh Hồng – một viên tướng công an được biệt phái sang Quốc hội để làm Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UB QPAN) của Quốc hội – công khai dọa các đại biểu Quốc hội rằng nếu… sáng kiến không được chuẩn thuận, công an không quản lý đào tạo – sát hạch – cấp GPLX thì điều đó sẽ đe dọa trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia. Quản lý người điều khiển phương tiện chính là quản lý công cụ phương tiện gây án, thậm chí có thể là hoạt động khủng bố (1)…

Không may cho công an là lần này, nhiều đại biểu Quốc hội lắc đầu. Có vị bảo rằng: Công an không nên nhận thêm nhiệm vụ khác, chỉ cần giải quyết tốt những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình để quốc thái, dân an là nhân dân cảm kích lắm rồi (2)…

Có 302 đại biểu (62,7%) không tán thành tách Luật GTĐB mới làm đôi. 321 đại biểu (66,7%) bác bỏ việc giao cho công an quản lý đào tạo – sát hạch – cấp GPLX (3). Có đại biểu đề nghị xem xét trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật do đã “tham mưu tách” luật” (4).

***

Một ngày sau khi thất bại trong việc vận động tách Luật GTĐB để giành lại quyền quản lý đào tạo – sát hạch – cấp GPLX từ tay Bộ GTVT, Bộ Công an thất bại thêm một lần nữa: Không thuyết phục được Quốc hội xem xét – ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong 393 đại biểu tham gia cho ý kiến về việc luật vừa kể cần hay không, có 290 đại biểu (73,7%) xác định, luật này chưa cần thiết vì nhiệm vụ của lực lượng này chưa rõ ràng, đồng thời tạo ra gánh nặng tài chính cho quốc gia (5).

Dùng luật (Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) để thống nhất ba lực lượng: Công an bán chính quy, Bảo vệ dân phố, Dân phòng, trên toàn quốc là sáng kiến của ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an).

73,7% đại biểu tham gia cho ý kiến (tương đương 60,2% tổng số đại biểu), nhất trí bác bỏ đề nghị xem xét – ban hành dự luật, cho thấy hơn một nửa đại biểu Quốc hội không tin ông Tô Lâm nói thật: Nếu có luật, thống nhất ba lực lượng có thể giảm được 500.000 người!

Tuy nhiên đó chưa phải là điểm đáng chú ý nhất. Góp ý của hai ông tướng quân đội, cùng là đại biểu Quốc hội, mới đáng bận tâm. Tướng Sùng Thìn Cò (Phó Tư lệnh Quân khu 2), Ủy viên UB QPAN của Quốc hội, nhắc ông Tô Lâm rằng: Lực lượng công an đã quá đông. Mỗi tỉnh ít nhất cũng có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa! Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình?

Tướng Nguyễn Mai Bộ (Phó Chánh án Tòa Quân sự Trung ương), cũng là Ủy viên UB QPAN của Quốc hội nói thêm, theo ông, thống nhất ba lực lượng không những không thể giảm 500.000 người mà còn khiến ngân sách phải gánh thêm lương cho chừng 800.000 người (126.000 công an xã bán chuyên trách, 70.000 bảo vệ phường – xã, 500.000 phòng cháy chữa cháy), chưa kể chi phí cho trụ sở, hoạt động,… và các địa phương sẽ không còn tiền đầu tư cho phát triển, an sinh xã hội (6).

***

Tuy phải đóng thuế nuôi cả quân đội lẫn công an nhưng người Việt chưa bao giờ được biết tổng số quân nhân và công an mà trước nay mình vẫn nuôi là bao nhiêu, tổng chi phí để duy trì hoạt động của lực lượng vũ trang là bao nhiêu? Hợp lý hay không?

Dựa vào một số nguồn khác nhau, Wikipedia cho biết, quân đội Việt Nam có khoảng một triệu người (lục quân khoảng 800.000, hải quân khoảng 70.000, phòng không – không quân khoảng 60.000, biên phòng khoảng 50.000, cảnh sát biển khoảng 30.000,…) (7).

Song chẳng có nguồn nào cho biết công an Việt Nam có bao nhiêu người. Dựa vào một vài dữ liệu từ phát biểu của tướng Sùng Thìn Cò hôm 17 tháng 11 về Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có thể ước đoán, lực lượng công an các tỉnh, thành không dưới 200.000 người. Đó là chưa kể nhân sự của các cục chính trị, tình báo, an ninh, cảnh sát, hậu cần – kỹ thuật, thi hành án hình sự – hỗ trợ tư pháp, các trung đoàn cảnh sát cơ động,… trực thuộc Bộ Công an.

Nếu được thông qua, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ góp thêm cho công an Việt Nam 800.000 người. Sáng kiến này sẽ giúp công an Việt Nam vượt qua quân đội Việt Nam về… nhân lực, trở thành lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật… đông nhất thế giới! Chẳng phải đến bây giờ, công an Việt Nam mới được ưu ái như vậy. Cứ dùng Google để tìm và đối chiếu trang, thiết bị dành cho quân nhân với công an, đặc biệt là cảnh sát cơ động, ắt sẽ thấy bên nào trọng, bên nào khinh!

Không phải tự nhiên mà Bộ Công an Việt Nam hết sức tự tin khi ban hành Thông tư 17/2018/TT-BCA Quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an, tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc cung cấp đầy đủ các loại vũ khí cá nhân (súng ngắn, súng trường, tiểu liên) cho công an xã. Hướng tới cung cấp những vũ khi có mức độ hủy diệt cao như súng chống tăng, những phương tiện mà các đơn vị quân đội cấp quân đoàn mới có như trực thăng… cho công an huyện (8)!..

Vì sao quốc phòng lại trở thành thứ yếu, răn đe – ngăn ngừa bạo loạn, lật đổ mới là chính yếu? Chỉ có một câu trả lời, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền xem đồng bào của mình là đối tượng bị trị nên phải… đầu tư thích đáng để có thể duy trì quyền thống trị!

Chú thích

(1) http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Tach-Luat-Giao-thong-duong-bo-khong-anh-huong-den-su-thong-nhat-cua-phap-luat-619950/

(2) https://tuoitre.vn/cap-bang-lai-xe-cong-an-khong-nen-nhan-them-nhung-nhiem-vu-khac-20201116152824579.htm

(3) https://tuoitre.vn/302-dai-bieu-quoc-hoi-khong-dong-y-tach-luat-giao-thong-duong-bo-2020111711381887.htm

(4) https://tuoitre.vn/thieu-tuong-nguyen-thanh-hong-toi-phat-bieu-khong-phai-la-an-cay-nao-rao-cay-ay-20201117172550305.htm

(5) https://tuoitre.vn/quoc-hoi-thay-chua-can-thiet-xay-dung-luc-luong-bao-ve-an-ninh-trat-tu-co-so-20201117160159716.htm

(6) https://tuoitre.vn/thieu-tuong-sung-thin-co-xin-loi-bo-truong-luc-luong-cong-an-qua-dong-20201117112648148.htm

(7) https://vi.wikipedia.org/wiki/Quân_đội_nhân_dân_Việt_Nam

(8) https://tuoitre.vn/cong-an-xa-duoc-trang-bi-sung-tu-1-7-20180612161414656.htm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét