Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

20201106. QUANH CHUYỆN RÁC Ở HÀ NỘI

 ĐIỂM BÁO MẠNG        

NẾU VIỆT NAM THÀNH THIÊN ĐƯỜNG... RÁC CỦA THẾ GIỚI

NGUYỄN KHẮC GIANG/ TVN 29-10-2020
Nếu Việt Nam thành thiên đường... rác của thế giới

Chuyện nhập khẩu rác không chỉ là mối lo từ các kênh chính thức. Ảnh minh họa: baotainguyenmoitruong

 - Ngăn chặn nguy cơ trở thành “thiên đường rác”, dù là gián tiếp thông qua các dự án FDI hay trực tiếp qua những container ở cửa khẩu, cần được xem là ưu tiên chính sách hàng đầu.

Tôi vừa đến thăm một doanh nghiệp FDI được coi là hiện đại hàng đầu Việt Nam. Họ sản xuất hàng điện tử, trong đó, một công đoạn tối quan trọng là nhuộm khung kim loại. Công đoạn này buộc phải sử dụng hoá chất công nghiệp, và cần được xử lý cẩn trọng trước khi thải ra môi trường. Khi tôi hỏi phụ trách xưởng mạ rằng công ty sẽ làm gì với nước thải sản xuất, ông bảo sẽ bán lại cho một doanh nghiệp Việt Nam. Tôi hỏi, liệu doanh nghiệp đó có đủ khả năng xử lý không? Ông ấy nói, đã được chính quyền cấp giấy phép.

Riêng tôi vẫn băn khoăn vì từ lâu, giám sát hoạt động xả thải của các khu công nghiệp đã là rất khó khăn, huống chi là khi chuyên môn hoá sản xuất đẩy rác thải đi đến địa chỉ xử lý khác. Nếu tất cả đều đúng quy trình thì không sao, nhưng chỉ cần một sai sót nhỏ thôi, thì tác động đến môi trường sẽ đau đớn lâu dài. 

Nếu Việt Nam thành thiên đường... rác của thế giới
Cá chết do nguồn nước bị ô nhiễm. Ảnh: Tuổi trẻ

Nhiều sự cố ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp gây ra, như thảm hoạ môi trường biển do Formosa tại Hà Tĩnh hay nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang… đều cho thấy khả năng sai sót là không nhỏ. Và nguyên do thì đã có sẵn ngay từ chính sách thu hút FDI.

Một nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân vào năm 2016 cho biết 60% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn, và 70% doanh nghiệp nước ngoài cho rằng việc chọn Việt Nam làm điểm đầu tư sẽ giúp tiết kiệm chi phí môi trường so với đầu tư ở nước họ.

Sự cạnh tranh gay gắt giữa các tỉnh thành để thu hút FDI làm vấn đề trầm trọng hơn. Ô nhiễm công nghiệp, như các ví dụ trên, dường như tập trung ở những địa phương nghèo, nơi sẵn sàng nhượng bộ nhiều điều kiện môi trường để có dự án đầu tư.

Những năm qua, khi chính phủ bắt đầu điều chỉnh chính sách đầu tư với điều kiện môi trường trở thành một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng, thì lại xuất hiện nguy cơ “nhập khẩu ô nhiễm” khác.

Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn luôn được coi là nhà nhập khẩu rác số một thế giới, khi quốc gia này tận dụng nguồn phế liệu để tái chế phục vụ sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, đầu năm nay Bắc Kinh bắt đầu cấm nhập khẩu phế liệu (cụ thể là phế phẩm kim loại và một số sản phẩm có hóa chất vào tháng 4, cùng với nhựa bị cấm từ tháng 1). Trong năm 2015, Trung Quốc ước tính nhập 47 triệu tấn rác thải, con số này còn tăng mạnh cho đến năm 2018. Số rác thải khổng lồ này sẽ đi đâu khi không qua được biên giới Trung Quốc?

Số liệu từ một bài báo mới đây của Reuters gợi ra một số chỉ dấu. Trong năm 2017, nhập khẩu phế liệu nhựa của Việt Nam tăng 62%, lên đến trên 550 nghìn tấn. Mức tăng này ở Thái Lan là 115% và 65% ở Indonesia. Đông Nam Á, trong đó có chúng ta, có nguy cơ trở thành bãi rác mới của thế giới.

Chuyện nhập khẩu rác không chỉ là mối lo từ các kênh chính thức. Hiện nay, các cảng biển lớn từ TP HCM cho đến Vũng Tàu hay Hải Phòng, đang có hàng chục nghìn container chứa rác vô chủ chưa biết đi đâu về đâu. Và nếu không có doanh nghiệp nào nhận thì chi phí xử lý sẽ vô cùng lớn. Thêm vào đó, với năng lực xử lý rác hiện nay, không phải loại rác thải nào chúng ta cũng có thể xử lý. 

Đối diện với tình hình cấp bách như vậy, nhiệm vụ chính vẫn thuộc về các cơ quan quản lý. Tổng cục Hải quan, với vai trò “gác cổng” cho hàng hóa xuất nhập khẩu, cần phải siết chặt quy trình giám sát phế liệu nhập vào Việt Nam, dù dưới hình thức nhập khẩu có điều kiện hay tạm nhập tái xuất. Các cơ quan khác, như Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần tham mưu ban hành những quy định chặt chẽ hơn, thậm chí là rút giấy phép hoạt động của doanh nghiệp hay xử lý hình sự. Trong năm 2017, Trung Quốc đã hủy giấy phép nhập khẩu của hơn 960 công ty, đồng thời đóng cửa 8800 doanh nghiệp bị cáo buộc vi phạm quy định nhập khẩu phế liệu. Đã đến lúc chúng ta cũng cần phải có những hành động quyết liệt như vậy.


Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nguy cơ về môi trường đã trở thành mối lo thường trực. Nó không chỉ tạo ra nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân, mà còn là tụ điểm cho bất mãn xã hội. Nếu xử lý không khéo, ô nhiễm môi trường sẽ là nguồn cơn cho bất ổn, như những gì đã xảy ra ở Trung Quốc.

Ngăn chặn nguy cơ trở thành “thiên đường rác”, dù là gián tiếp thông qua các dự án FDI hay trực tiếp qua những container ở cửa khẩu, cần được xem là ưu tiên chính sách hàng đầu.

Nguyễn Khắc Giang (Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách)

CHUYỆN RÁC HÀ NỘI

MẠC VĂN TRANG/ BVN 30-10-2020

Nhà máy xử lý rác ở TP Osaka

Hà Nội đang ngập rác!
Chuyện người thành phố Hà Nội lâu nay tiêu xài, rồi muốn sạch thì đem rác về vùng quê chôn lấp, đã gây nên bao nỗi bức xúc cho người dân nông thôn. Hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh gần bãi rác xem có chịu được mùi xú uế và bao nhiêu hệ luỵ không? Vậy mà mỗi lần dân phản ứng, ngăn rác thì lại bị coi như “gây rối", “chống đối"! Toàn hệ thống chính trị lại “ra sức tuyên truyền vận động", có lần công an phải can thiệp… Khi bãi rác bị dân chặn, rác ứ đọng gây ô nhiễm ở thành phố, chính quyền đều đổ lỗi cho người dân cản trở, mà không quan chức nào phụ trách ngành này bị kỷ luật. Trăm tội cứ đổ vào đầu dân!

Nhưng theo nhà báo Như Phong:
“- Tại sao HN chưa có nhà máy xử lý rác thải công suất lớn theo công nghệ hiện đại như của Châu Âu, của Hàn, của Nhật? Các nhà máy này vừa biến rác hữu cơ thành phân vi sinh, vừa đốt rác vô cơ chạy máy phát điện?
- Tại sao nhiều Tập đoàn xử lý chất thải của Hàn, của Nhật, của Hà Lan... từng đưa dự án, từng đặt vấn đề làm nhà máy xử lý rác nhưng mặc dù lãnh đạo chủ chốt HN trong khoảng 10 năm trở lại đây đều rất OK, nhưng vì sao không dự án nào thành công?
- Xin Bí thư Thành ủy cho điều tra làm rõ vai trò của Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư và một số Sở, Ban ngành khác trong việc họ đã gây khó dễ, họ đã " hành các doanh nghiệp" như thế nào? Mà làm ăn mất dạy nhất là Sở Kế Hoạch và Đầu tư. Có Dự án làm nhà máy xử lý rác của Hà Lan đã " lăn lóc" với HN gần 10 năm , nhưng bị hành" lên bờ xuống ruộng"... Thậm chí bà Đại sứ của Hà Lan phải gặp, phải gửi công văn...phải năn nỉ đủ kiểu nhưng bị các Sở cứ lươn lẹo, đùn đẩy cho nhau...
- Xin Bí thư Thành ủy chỉ đạo lực lượng CA điều tra, làm rõ mánh khóe, thủ đoạn "ăn rác" của các công ty vệ sinh môi trường đô thị?”. (https://www.facebook.com/NguyenNhuPhong55).
Vậy là đã rõ!

Năm 2017, tôi đã có bài viết, Tại sao quan chức Việt Nam đi tham quan học tập các nước văn minh rất nhiều, mà Hà Nội và các thành phố khác lại không làm những nhà máy xử lý rác như ở Tp Viên (Wien) của Áo?
Nhớ hồi tháng 6/2017, tôi có thăm TP Viên, anh bạn ở đó dẫn đi chơi, khi đến gần trung tâm TP, anh bạn chỉ một công trình đồ sộ, kiến trúc lạ, màu sắc ấn tượng, bảo: Đố anh biết công trình ấn tượng kia là gì? Tôi ngắm thấy một cột cao, trên có khối tròn lớn “dát vàng” lấp lánh, liên tưởng đến tháp truyền hình ở Berlin, liền bảo:
- Chắc là Đài truyền hình của TP.
- Không phải! Đài truyền hình đặt bên kia sông Danube, xa TP đỡ bị ô nhiễm sóng, mà sóng TV ở xa mấy chẳng bắt được, cần gì phải ở trung tâm TP.
- Trông màu sắc ấn tượng thế kia, có thể là khu triển lãm nghệ thuật?
- Không phải! Đó là nhà máy xử lý rác của TP.
- Ô! Nhà máy xử lý rác đẹp như một công trình văn hoá, nghệ thuật ư? Mà sao lại đặt nhà máy xử lý rác ở trung tâm TP?
- Nhà máy ở trung tâm để rác từ toàn TP đưa đến thuận lợi nhất.

Tôi sững sờ, ngạc nhiên, bảo anh bạn đưa đến gần nơi xem sao. Chà chung quanh tường rào là cây xanh. Thấy các xe ô tô lớn, chở rác nối đuôi nhau chui xuống đường hầm của nhà máy… Tôi căng mũi ra “hít" nhưng chẳng thấy mùi gì của rác… Không thấy mùi, không thấy khói! Chung quanh nhà máy thấy mấy “khẩu hiệu", anh bạn giải thích: “Bạn hãy học ngay cách dọn rác từ gia đình"; “Hãy tư duy về năng lượng mới"; “Nguồn năng lượng mới từ đây!”... Anh bảo, nhà máy xử lý rác này cũng là công trình người dân TP rất tự hào; là điểm tham quan của khách du lịch và nhất là địa điểm cho học sinh, sinh viên đến học hỏi từ thực tế…
Nhật bản và một số nơi đã mời kiến trúc sư này sang xây dựng cho họ những nhà máy xử lý rác kiểu này đấy.

Tôi xem trên mạng, đúng là Nhật Bản đã mời kiến trúc sư người Áo Friedensreich Hundertwasser sang Nhật để xây dựng nhà máy lớn hơn của Áo tại TP Osaka, với mong muốn nó sẽ trở thành biểu tượng tiêu biểu cho sự kết hợp tuyệt vời giữa môi trường, công nghệ và nghệ thuật. Và năm 2001 nhà máy xử lý rác Maishima đã được xây dựng ở TP Osaka. Nhà máy này xử lý gần 900 tấn rác một ngày.

Nhà máy xử lý rác lại như một công trình văn hoá độc đáo nên thu hút rất nhiều người muốn được “mục sở thị", thế là nó thành điểm tham quan không chỉ của dân địa phương mà còn của du khách. Vậy nên nhà máy phải đón khoảng hơn 12.000 lượt khách ghé thăm mỗi năm…
(https://saostar.vn/…/chuyen-la-co-nha-may-xu-ly-rac-nhat-ba…)

Hỡi các ngài quan chức! Sao các ngài đi nước ngoài quanh năm, tốn bao nhiêu tiền thuế của dân mà không học được điều gì khôn, làm lợi cho dân? Sao các ngài chỉ mơ đưa nước thành hổ, thành rồng, đến 2035, 2045 thành cái này cái nọ, mà cái rác thối thì cứ đùn đẩy nhau mãi không mở mắt ra học các nước văn minh người ta đã xử lý ra sao?


 Tác giả bên nhà máy xử lý rác ở tp Viên (2017)

29/10/2020

MV.T.

Nguồn:  FB Mạc Van Trang

KHỦNG HOẢNG RÁC HAY KHỦNG HOẢNG QUẢN TRỊ Ở HÀ NỘI

NGUYỄN NHƯ PHONG/ TD 31-10-2020

Trước khi vào câu chuyện xử lý rác ở HN, tôi kể hầu các bạn một câu chuyện cũng liên quan đến… rác.

Số là cách đây có đến ngót 20 năm rồi. Tại một thành phố cách HN không quá xa có bãi rác bị quá tải. Trời nồm, nóng ẩm, hơi từ bác rác bốc lên ngùn ngụt, dân quanh đó không chịu được, thế là chặn xe…

Lãnh đạo TP thì quan liêu, không đi kiểm tra và nghe Sở MTĐT báo cáo rằng: “Có kẻ xấu kích động và có thể có cả… thế lực thù địch“. Còn bãi rác được thiết kế đúng, xử lý ô nhiễm tốt…

Đã gọi là “có kẻ xấu kích động”, lại có cả “thế lực thù địch” thế thì gay to, quá nguy hiểm? Thế là TP điều CSCĐ xuống và chuẩn bị “sẵn sàng” tấn công, nếu như dân vẫn ra chặn xe rác.

Dân biết chuyện, bèn tổ chức “rào đường kháng chiến” và tình thế căng như dây đàn. Giải quyết không nổi, CATP báo cáo lãnh đạo Bộ CA, còn UBND TP báo cáo chính phủ! Chính phủ giao Bộ CA giải quyết. Bộ CA giao cho một đồng chí Tổng Cục trưởng.

Ông nhận nhiệm vụ và đi về TP nọ. Nhưng ông đi một mình, còn các sĩ quan tham mưu đi sau và ông ra thẳng bãi rác… Rồi ông gặp một số bà con đang gác chặn xe hỏi chuyện kỹ càng sau đó mới vào TP. Ông vào Ủy ban và gặp Bí thư, Chủ tịch và một số phó CT nữa…

Không cần nghe mọi người trình bày, ông yêu cầu Chủ tịch và Giám đốc mấy Sở “đưa” ông ra bãi rác. Đến lúc này mới lòi ra cả Chủ tịch TP và Giám đốc Sở MTĐT, Sở TN, cả Giám đốc CA… chưa ai tới bãi rác cả.

Hóa ra tất cả chỉ ngồi ở nhà và nghe báo cáo. Ra bãi rác vào lúc gần trưa, nắng oi, bầu không khí như đặc lại và ngạt thở vì mùi rác. Các cán bộ đi theo chịu không nổi và nằn nèo xin ông cho về.

Đến lúc này, ông mới quắc mắt: “Các anh mới ra đây chưa được nửa giờ mà đã chịu không nổi. Vậy người sống quanh đây hàng năm rồi, họ chịu sao thấu? Chả lẽ họ phải quen mùi rác này à? Tôi đề nghị Sở MTĐT và Công ty vệ sinh môi trường mang rác về trụ sở Ủy ban mà đổ, để xem các anh có chịu được không?

Đến lúc này mọi người mới biết thâm ý của ông và không ai còn cãi được một lời. Vụ việc sau đó được xử lý cực nhanh: Phun thuốc khử mùi, giảm tải bãi rác. và quan trọng nhất là khẩn trương đưa hàng trăm hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng. Chuyện xử lý rác đơn giản như vậy.

Vậy bây giờ trở lại chuyện rác Hà Nội?

***

Hôm qua, tôi đã dẫn hầu các bạn câu chuyện về một vị lãnh đạo Bộ CA xử lý rác ở một thành phố. Nay quay trở lại chuyện rác ở Hà Nội.

Cách đây một ngày, tôi vừa xem trên TV thấy tường thuật cuộc đối thoại giữa lãnh đạo TP HN với đại diện cư dân 3 xã quanh bãi rác…

Nghe mà phát chán, bởi vẫn nhưng lời hứa “trơn như lươn” và chắc chắn đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo HN hứa với dân kiểu… sẽ… sẽ… và sẽ! Hứa mà không có thời gian thực hiện cụ thể thì “Hãy đợi đấy” nhé.

Còn Hà Nội, người ta vẫn thích chôn rác, chứ người ta không thích đốt rác… Như đã nói, chôn rác dễ ăn, dễ kiếm chác hơn. Còn ô nhiễm ư? Thì là dân phải chịu, chứ lãnh đạo có phải hít đâu?

Tại sao nói nói là Hà Nội “khủng hoảng quản trị”? Rất đơn giản! Đó là lãnh đạo Hà Nội suốt mấy chục năm qua không có ai giỏi quản trị hành chính, quản trị đô thị cả.

Bằng chứng là họ không biết: Việc nào cần làm ưu tiên làm trước, việc nào cần làm sau?

Lẽ ra phải ưu tiên làm môi trường đô thị trước, phải xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, xử lý rác trước khi lo làm Bảo tàng để không ai muốn xem, rồi lát đá đường phố rồi theo kiểu “làm lấy được… Một thành phố bẩn thỉu, ngập ngụa rác, ngập nước thải; thậm chí đến việc đánh số nhà ở nhiều con phố còn không ra hồn- đó là minh chứng rõ nhất cho công tác quản trị của lãnh đạo HN trong khoảng gần 30 năm trở lại đây.

Bây giờ thì mới đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở Yên Xá, rồi có một nhà máy xử lý rác với công suất 4.000 tấn do Tập đoàn Thiên Ý của Tàu xây dựng, với thiết bị Tàu, công nghệ châu Âu, nhưng đã được “Tàu hóa”… Chả hiểu nếu TQ xây dựng thì nhà máy có ra hồn không? Việc giám sát chất lượng khí thải sẽ được thực hiện như thế nào? Và một điều quan trọng là “Liệu các công ty MTĐT” có “nhiệt tình đổ rác” cho nhà máy hay không?

Một bộ máy lãnh đạo mà chỉ nặng về hình thức, nặng về “băng rôn, khẩu hiệu”; nặng về “tự sướng” rằng “TP Hòa Bình”… mà không biết dồn lực cho việc nào trước, việc nào sau thì… dân còn khổ?

Để rồi xem, bao giờ thì Hà Nội xử lý được căn cơ chuyện rác thải, nước thải? Xử lý được căn cơ các khu hồ bị ô nhiễm? Xử lý được căn cơ các khu nhà chung cư có từ đến gần 60 năm rồi…

Họ cứ nại ra là khó? Là vướng cơ chế nọ cơ chế kia. Thực ra, chả có cơ chế nào trói được, chỉ có là Muốn làm hay không mà thôi. Một khi họ đặt lợi ích Người dân trước, Doanh nghiệp sau và nữa là đến Nhà nước thì sẽ giải quyết được hết. Còn như với tư duy như hiện nay với giàn lãnh đạo nặng về lý thuyết xuông như hiện nay thì Hà Nội còn lâu mới là cái… cái “đầu” gì?

RÁC LÀ MIẾNG BÁNH MÀU MỠ PHẢI TRANH GIÀNH MỚI CÓ ĐƯỢC

KIÊN TRUNG/ TVN 2-11-2020

Rác thải, trong suy nghĩ thông thường, đó là thứ vứt bỏ, không có giá trị. Thế nhưng, nó là một nguồn lợi mà các đơn vị xử lý rác phải “tranh giành” mới có được.  

Vì sao người dân các xã sống ven bãi rác Nam Sơn liên tục chặn xe chở rác, và mỗi một lần xảy ra sự việc, các quận của Hà Nội bị ùn ứ hàng ngàn tấn rác thải sinh hoạt vì không có chỗ đổ, khi đó mới giật mình về một điều chưa bao giờ nghĩ nghiêm túc: Cuộc sống sẽ ra sao nếu không có rác?

GS.TS Đặng Kim Chi, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về kỹ thuật bảo vệ môi trường làng nghề Việt Nam chia sẻ những câu chuyện về rác.

Vận chuyển rác có vấn đề, chôn lấp không đúng quy trình  

Thưa GS.TS Đặng Kim Chi, câu chuyện người dân sống gần các bãi rác lớn như Nam Sơn thường xuyên ngăn đường, chặn xe rác qua nhiều năm nay vẫn lặp lại. Lời giải của vấn đề này như thế nào, và mấu chốt của nó từ đâu?

Không phải bây giờ mới có chuyện dân tụ tập phản đối xe rác. Tôi nhớ khoảng 20 năm trước, khi còn Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường Hà Nội, chưa sáp nhập với Hà Tây, chính người dân Sóc Sơn đã chặn một loạt xe rác. Giám đốc Sở đã phải trực tiếp lên đó, rồi đưa ra phương án làm một con đường dài 16km trải bê tông để xe chở rác đi đường riêng, từ đó người dân mới đồng ý.

Rác là miếng bánh màu mỡ phải ‘tranh giành’ mới có được
GS.TS Đặng Kim Chi trong chuyến thực tế tại mỏ vàng Phước Sơn 

Có một thời kỳ dài, người dân các xã lân cận bãi Nam Sơn mưu sinh từ rác. Họ vào đó nhặt, phân loại rác tại chỗ, loại nào bán được… Nhiều người đã xây được nhà từ việc vào nhặt rác.

Bây giờ, diện tích chôn lấp ngày càng nhiều lên, chiếm rất nhiều diện tích đất của bà con. Nhiều thôn, xóm phải thu hồi đất, tái định cư cho người dân để lấy đất làm bãi chôn lấp rác. Hơn nữa, công nghệ xử lý không hoàn toàn hợp vệ sinh, tuân thủ môi trường. Ví dụ như đường vận chuyển, xe chở rác đi qua thôn xóm mà để mùi hôi thối, để rơi nước rỉ rác… thì thôn xóm nào chịu được.

Cách đây khoảng 5 năm tôi lên vùng Đại Lải (Vĩnh Phúc). Ở đây, người ta định làm bãi chôn lấp mới nhưng tất cả người dân đều phản đối. Họ nói, làm đâu thì làm nhưng không được đi qua đường của họ, mà không đi qua đường làng thì làm sao đến được điểm tập kết rác. Thế là cuối cùng phải chịu.

Như vậy, khâu vận chuyển của chúng ta có vấn đề, và phương pháp chôn lấp rác để lại hậu quả rất nặng nề vì chúng ta chôn không đúng theo quy trình, nước rỉ rác thấm ra qua suối, vào nước sông gây ô nhiễm cả một vùng; sau đó khí rác lại phát tán ra môi trường. Trong quá trình phân hủy toàn là khí có mùi, khí độc lại tỏa ra mà chúng ta không thu hồi được.

Đặc biệt, chúng ta đã không phân loại để làm giảm thiểu chất thải rắn buộc phải chôn lấp. Nếu phân loại cái gì có thể tái chế được, ta lấy ra một phần. Có tới 20 - 30% có thể tái chế được, cái gì có thể tái sử dụng được cũng tới 10 - 15%, cái gì có thể làm vật liệu xây dựng được (như đóng gạch không nung làm hàng rào, làm bờ tường, làm vật liệu san lấp) cũng là 20 - 30%... 

Như vậy, nếu phân loại tốt, chúng ta loại trừ được rất nhiều, và tỷ lệ đưa đi chôn lấp cuối cùng chỉ còn khoảng 10 - 30% tổng khối lượng rác thải, thì như thế diện tích chôn lấp sẽ giảm đi rất nhiều, và cuối cùng không dẫn tới những vấn đề chiếm đất để chôn lấp rác.

Người nhặt rác - lực lượng không ngờ

Việt Nam mới tận dụng được bao nhiêu phần trăm rác theo tỷ lệ mà bà vừa phân tích?

Theo tôi thì rất thấp. Tỷ lệ tái sử dụng chỉ được đến 20%. Ngày trước tôi tham gia một dự án, làm việc với một giáo sư người Canada. Bà nói với tôi, Việt Nam có một lực lượng không ai ngờ tới, đó là những người nhặt rác - họ đã làm nhiệm vụ phân loại rác rất tốt: cái gì có thể tái chế, tái sử dụng được họ đều nhặt ra hết.

Rác là miếng bánh màu mỡ phải ‘tranh giành’ mới có được
 Rác thải sinh hoạt ngập đường phố Hà Nội tháng 10 vừa qua sau khi người dân ven bãi rác Nam Sơn chặn đường xe chở rác. Ảnh: Kiên Trung

Ở các nước không có lực lượng đi nhặt rác như thế đâu. Họ đã làm nhiệm vụ phân loại rác ngay tại điểm cuối cùng, lao động thủ công thu hồi lại những vật liệu có thể tái chế. Nhưng lực lượng này sẽ không duy trì được lâu bởi nó tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro về bệnh tật, truyền nhiễm…

Tại Hà Nội, mật độ các tòa nhà chung cư rất lớn. Nhiều tòa chung cư sử dụng đường ống thu gom rác, điểm tập kết cuối cùng là tầng hầm của tòa nhà. Như thế, luật Bảo vệ Môi trường đang được sửa đổi, nếu có đưa thành chế tài thì cũng không bao giờ áp dụng được?

Tôi biết. Ngay như trong trường hợp này, đã có gì đó không thuận cho tất cả nếu như chúng ta áp dụng luật. Cho nên, ngay khi đóng góp ý kiến xây dựng luật, tôi cho là luật không cần cụ thể quá, luật chỉ cần nêu người dân có trách nhiệm phân loại rác từ đầu nguồn.

Ở đây, có thể đưa ra quy định, người dân phân loại rác thải nhưng không cần áp buộc phải đựng trong các túi chia theo màu sắc cụ thể. Tôi lấy ví dụ, luật BVMT đưa ra việc phải tuân thủ phân loại rác, mỗi loại đựng trong một túi nilon có màu sắc khác nhau, và mẫu túi đó do một đơn vị được chỉ định làm. Như thế rõ ràng sẽ phát sinh tiêu cực.

Những túi chứa rác này thả xuống theo đường ống gom rác, người tiếp nhận sẽ có trách nhiệm đưa mỗi loại rác thải (theo màu túi đựng) chia vào các xe chứa rác, nếu như vậy mới có thể khả thi được.

Rác là tài nguyên

Như bà phân tích ở trên, có thể hiểu rác là một loại tài nguyên. Khi phân loại, tái chế, tái sử dụng, rác sẽ là một nguồn nguyên liệu quý, các đơn vị tham gia xử lý rác thải cũng nhận được nguồn lợi lớn? 

Đó là một trong những miếng bánh mà các đơn vị muốn được làm, có những việc cạnh tranh, phải "chạy" để có giấy phép thu gom, xử lý rác… Lợi nhuận mang lại từ rác cực kỳ lớn, được hưởng những ưu đãi trong thuê đất, được hỗ trợ vay vốn dài hạn…

Ví dụ thu gom rác tại một quận của Hà Nội, ngày hôm nay là công ty A, nhưng nếu công ty này không chăm sóc, không này kia thì chỉ vài tháng sau, sẽ lại là một công ty B đi thu gom rác. Nếu không có rác, thì nhà máy xử lý không đủ công suất sẽ phải đóng cửa, không vận hành được, và đồng nghĩa với việc không có tiền.

Có những lĩnh vực xử lý rác thải nguy hại, độc hại, không phải ai cũng được làm, rất kinh khủng, rất khốc liệt, nó là một chiến trường chứ không phải dễ dàng.

Thực ra, không phải các nhà máy rác không muốn phân loại rác. Phân loại là ra tiền. Nếu đem chôn lấp, anh được 350 ngàn/tấn; nhưng nếu anh nhặt, phân loại được bao nhiêu nhựa, bao nhiêu sắt thép, đồ nhựa…, nếu bán đi thì lợi nhuận lớn hơn rất nhiều. Tiền bán đi, là tiền của anh, mà vẫn được nhà nước trả tiền xử lý, chôn lấp rác thải.

Kiên Trung 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét