Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2020

20201108. QUANH CHUYỆN Ô. NGUYỄN VĂN BÌNH BỊ ĐỀ NGHỊ KỶ LUẬT

 ĐIỂM BÁO MẠNG    

BÌNH 'RUỒI' SẼ TRỞ THÀNH ...'CỦI' ?
LÊ NGUYỄN HƯƠNG TRÀ / TD 28-10-2020


Ông Nguyễn Văn Bình (ảnh Dân Luận)

Hai ngày qua, tin về Trưởng Ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình, hỗn danh Bình ruồi (hiện đã phá mụt ruồi) râm ran trên MXH, theo đó thì ông Bình sẽ trở thành… củi. Nguyên do đâu có tin này!?

***

Hồi cuối tháng 8/2020, trong một cuộc họp của BCT đã nhắc tới các vấn đề bất cập dưới thời của ông Bình làm Thống đốc (2011 – 2016), đặc biệt là về Ngân hàng ‘0 đồng’…

Nhắc sơ sơ, khoảng tháng 3/2015, Ngân hàng nhà nước (NHNN) lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc với giá 0 đồng, gồm Ngân hàng Xây Dựng (VNCB, nay đổi là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Tức là ông NHNN không phải bỏ đồng nào ra mua lại các ngân hàng này để tái cơ cấu!

Trong tình hình bấy giờ, theo người kế nhiệm của ông Bình là Thống Đốc Lê Minh Hưng sau này giải thích, thì đó là giải pháp cuối cùng khi các phương án khác [như không bán được cho nhà đầu tư mới; không thực hiện sáp nhập; hợp nhất tự nguyện và bắt buộc do mức độ thua lỗ lớn của các ngân hàng; kể cả việc cho phá sản…vv] đều không thể thực hiện được.

Cổ đông lớn/lãnh đạo các ngân hàng này hầu hết đang trong tù: Phạm Công Danh [85% cổ phần VNCB], Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, Tạ Bá Long, Đoàn Văn An…vv.

Tại sao vụ việc lại bị nhắc trong giai đoạn tiền Đại hội 13 này?

***

Nguyễn Văn Bình (1961) là một trong ít các UCV của ghế thủ tướng, về kinh nghiệm hay thành tích ông cũng không kém cạnh UCV nặng ký nhất là Vương Đình Huệ.

Thậm chí hồi 2016, khi ông Bình lọt vào BCT sau ĐH đảng 12, Reuters đã dành vô số tán dương khi cho rằng ông Bình đã chèo chống giúp ngành ngân hàng Việt Nam tránh được thảm cảnh sau khi $20 tỉ nợ xấu gây ảnh hưởng toàn hệ thống, khiến thị trường BĐS chao đảo và hàng chục ngàn DN phá sản. NHNN thời ông Bình cũng đã góp phần giảm tỉ lệ lạm phát xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2015, và có các biện pháp can thiệp vào tỉ giá giúp bảo vệ nền kinh tế (vốn hướng về xuất khẩu) trước các cú sốc từ bên ngoài.

Tuy nhiên, A7 [Anh Bảy – đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc] không thích Bình, chưa hết là Bình lại còn bị băng Nghệ An – Hà Tĩnh muốn cản địa để ủng hộ Huệ, nên chắc hẳn sẽ rất khó khăn trên đường đua.

Vụ ngân hàng ‘0 đồng’ liên quan tới tin đồn trên, thực ra chỉ mới là một yêu cầu chuyển UBKT TW để thẩm tra lại, chứ chưa có gì cụ thể và BCT vẫn chưa quyết định gì hết, hiện vẫn là… tùy ý “cụ cả”.

ĐỀ NGHỊ KỶ LUẬT TRƯỞNG BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG, CỰU THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

DŨNG NGUYỄN/ TBKTSG 3-11-2020


(TBKTSG Online) – Theo kết luận mới công bố của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình đã có nhiều sai phạm khi còn quản lý hệ thống ngân hàng, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Bình. Ảnh: TTXVN.

Theo thông cáo báo chí kỳ họp 49 công bố ngày 3-11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Cụ thể, sau khi xem xét kết quả thẩm tra, xác minh nội dung phản ánh liên quan đến ông Nguyễn Văn Bình, UBKT Trung ương nhận thấy, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc.

Ông Bình cũng được cho là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết, quy định, quyết định về hoạt động tín dụng ngân hàng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục; nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự.

Theo đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Bình là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Ngân hàng Nhà nước và cá nhân ông Bình.

Ông Nguyễn Văn Bình sinh năm 1961, quê ở Phú Thọ, có học vị Tiến sĩ khoa học, theo học về tài chính, ngân hàng tại Liên bang Nga.

Ông từng là chuyên viên Vụ Kinh tế đối ngoại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau đó kinh qua nhiều vị trí quản lý khác nhau, như Phó trưởng phòng Các tổ chức quốc tế, Trưởng Phòng Ngân hàng Thế giới, Vụ Hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn 2005-2011, ông Bình từng giữ chức Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc.

Ông Bình được Quốc hội phê chuẩn làm Thống đốc tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII vào tháng 7-2011. Đến tháng 4-2016, ông Bình được phân công giữ chức vụ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

MỤT RUỒI 'THƯƠNG NGÂN TRÍCH LỆ' CỦA BÌNH 'RUỒI'

MAI BÁ KIẾM/ TD 4-11-2020

Theo thông cáo kỳ họp thứ 49 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, “những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Bình LÀ NGHIÊM TRỌNG, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, của Ngân hàng Nhà nước và cá nhân ông”.

Theo kinh nghiệm đọc Thông cáo các kỳ họp của UBKTTW, tôi đoán ông Bình chỉ bị “truất quyền thi đấu” trong “trận kế tiếp”, chứ không bị “treo giò vĩnh viễn”!

Bằng chứng, cùng Thông cáo kỳ họp thứ 49, UBKTTW đề nghị Ban Bí thư xem xét, ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng Công Thương đã có vi phạm, khuyết điểm RẤT NGHIÊM TRỌNG, đến mức phải khai trừ ra khỏi Đảng. Tuy nhiên, do ông Hoàng đang mắc bệnh hiểm nghèo nên chưa xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.

“Bệnh hiểm nghèo” chỉ là nguyên cớ để “trọng tài” chưa “móc thẻ đỏ”, chứ ông Hoàng sẽ bị “treo giò vĩnh viễn” vì đã có vi phạm, khuyết điểm RẤT NGHIÊM TRỌNG!

Thông cáo của UBKTTW có 3 mức vi phạm, khuyết điểm: NGHIÊM TRỌNG, RẤT NGHIÊM TRỌNG và ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG, giống như 3 mức định danh tội phạm trong Bộ luật Hình sự!

Mà, dường như, chỉ ở mức vi phạm, khuyết điểm RẤT NGHIÊM TRỌNG thì mới bị thành “củi”!

Thí dụ, ngày 7/5/2017, Hội nghị Trung ương lần thứ năm thông báo quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị với ông Đinh La Thăng đã nhấn mạnh, ông Thăng đã mắc những khuyết điểm, vi phạm RẤT NGHIÊM TRỌNG trong giai đoạn 2009-2011.

Măc dù sau đó, ông Thăng vẫn còn UVBCH TƯ và làm Phó Ban Kinh tế TƯ cho Bình “ruồi”, nhưng cụm từ RẤT NGHIÊM TRỌNG là điềm báo cho ông Thăng thành “củi” tương lai!

Tương tự, Thông cáo kỳ họp 26 (từ 28 đến 30/5/2018) của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh: “Những vi phạm của BCSĐ Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Nguyễn Bắc Son, đồng chí Trương Minh Tuấn, đồng chí Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone và các đồng chí Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là RẤT NGHIÊM TRỌNG, thì “5 anh em trên một chiếc xe tang (hiệu AVG)” đều vào tù!

TRỪ TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ CỦA “TAN THÀNH CẤT”!

Từ ngày 12 đến 14/11/2018, tại Hà Nội, UBKTTƯ đã tổ chức Phiên họp thứ 31, kết luận về những vi phạm, khuyết điểm của ông Tất Thành Cang và đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỉ luật theo thẩm quyền:

Những vi phạm của ông Tất Thành Cang là “RẤT NGHIÊM TRỌNG”, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua việc kỷ luật ông Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM nhiệm kỳ 2015 – 2020.

UBKTTƯ không có thẩm quyền cách chức Thành ủy viên của Cang, trong khi đó Thành ủy của ông Nguyễn Thiện Nhân áp dụng chiến thuật “đá câu giờ” chờ tiếng còi của trọng tài kết thúc trận đấu!

Gần 2 năm sau tín hiệu “RẤT NGHIÊM TRỌNG” (Cang sẽ thành “củi”) của UBKTTW, ngày 7/8/2020, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM mới chịu thông báo về kết quả xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên đối với vụ việc tại Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo đó, ông Tất Thành Cang được Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM thống nhất kết luận phê bình, vì hết thời hiệu thi hành kỷ luật!

Dân Thủ Thiêm phải khóc, khi nghe kèn đám ma thổi bài: “Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-dăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng. Chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi”.

Trong Đạị hội Đảng bộ TPHCM mới đây, may quá Tất Thành Cang không được đề cử vào ứng viên Ban chấp hành!

Nhưng có lẽ, Tất Thành Cang và Bình “ruồi” đều tiếc nuối! Một anh đã vội ly dị với bà vợ đẹp, còn một anh đã lỡ tẩy đi mụt ruồi hoạnh tài!

P/S: Thầy bói nói, mụt ruồi dưới khóe mắt trái của đàn bà có tên là “thương phu trích lệ” (vì xài chồng hơi bị hao), còn đàn ông có mụt ruồi dưới khóe mắt phải là “Thương ngân trich lệ” (xài ngân khố hao quá).

TỚI LƯỢT NGUYỄN VĂN BÌNH NHƯNG LẼ NÀO CHỈ THẾ ĐÃ ĐỦ ?

TRÂN VĂN/ TD 5-11-2020

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN vừa đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế BCH TƯ đảng CSVN (1) vì những vi phạm nghiêm trọng khi còn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên bất kể hình thức xử lý thế nào, thậm chí có tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự của ông Bình thì câu hỏi thế nào là thích đáng cũng sẽ không có câu trả lời!

***

Ông Bình trở thành trụ cột của NHNN (Phó Thống đốc) từ năm 2008. Tới 2011 thì trở thành Thống đốc NHNN và sau khi thôi làm Thống đốc NHNN (2016), ông Bình là thành viên Bộ Chính trị, kiêm Trưởng Ban Kinh tế của BCH TƯ đảng.

Theo UBKT của BCH TƯ đảng CSVN thì cần kỷ luật ông Bình vì trong thời gian là Thống đốc NHNN (2011 – 2016) ông đã: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết, quy định, quyết định về hoạt động tín dụng – ngân hàng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục.

“Cáo trạng” của UBKT BCH TƯ đảng CSVN khiến người ta buồn cười vì lẽ nào… đảng có mặt như mù, tới bây giờ mới thấy sai phạm của ông Bình gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của NHNNN và cá nhân ông Bình?

***

Khoảng một năm sau khi ông Bình trở thành Thống đốc NHNN, tháng 8 năm 2012, Global Finance đã “bầu” ông là 1/20 Thống đốc NHNN kém cỏi nhất trên thế giới (2). Còn NHNN thì được xếp vào nhóm mười ngân hàng trung ương tệ nhất thế giới (3).

Sau khi trở thành Thống đốc NHNN, ông Bình trở thành người chỉ đạo thực hiện đợt “tái cơ cấu ngân hàng” lần thứ ba (đợt một 2000 – 2003 vì tác động của khủng hoảng tài chính châu Á, đợt hai 2005 – 2008 vì gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO).

Trong đợt “tái cơ cấu ngân hàng” lần thứ ba (2012 – 2015), NHNN xóa sổ một số ngân hàng thương mại (NHTM), cho ngân hàng này mua lại ngân hàng khác, hợp nhất NHTM nông thôn với công ty tài chính cổ phần hay chuyển thành NHTM đô thị, sáp nhập các NHTM vào với nhau. So với hai đợt “tái cơ cấu ngân hàng” trước đó, đợt thứ ba không có gì mới. Chín ngân hàng được xếp vào loại cần “tái cơ cấu” lần này đều đã từng được “tái cơ cấu” trong hai đợt trước chỉ khác ở chỗ quy mô tài sản lớn hơn và phức tạp hơn.

Năm 2012, NHNN dưới thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình loan báo, tỉ lệ nợ xấu (nợ không có khả năng thu hồi cả vốn lẫn lãi) lên tới 8,82% chứ không phải chỉ khoảng 4,47% như… NHNN thời tiền nhiệm của ông Bình từng công bố. Ông Bình được xem là người có… công giảm nợ xấu xuống còn 2,46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống tín dụng tại Việt Nam đã cho vay. Tuy nhiên, một năm sau khi ông Bình thôi làm Thống đốc, tháng 6 năm 2017, NHNN thú thật, tỉ lệ nợ xấu là… 17,21%.

Giữa năm 2017, lúc đề nghị Quốc hội Việt Nam thông qua “Nghị quyết về xử lý nợ xấu” (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi), chính phủ Việt Nam mới tiết lộ, tỉ lệ nợ xấu như vừa kể (17,21%) tương đương… 600.000 tỉ đồng và 90% là tiền của dân (4)! Không chỉ có chừng đó. “Tái cơ cấu ngân hàng” dưới sự điều hành của Thống đốc Nguyễn Văn Bình còn tạo ra hàng loạt đại án liên quan tới hệ thống ngân hàng!

Đáng chú ý là đại án ngân hàng nào cũng gây thiệt hại ở mức hàng ngàn tỉ: Đại án Chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank thiệt hại 2.500 tỉ. Đại án ACB – Nguyễn Đức Kiên thiệt hại khoảng 3.000 tỉ. Đại án Vietin Bank – Huỳnh Thị Huyền Như thiệt hại 4.911 tỉ. Đại án Ocean Bank – Hà Văn Thắm thiệt hại hơn 5.300 tỉ. Đại án Ngân hàng Phương Nam – Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) – Trầm Bê thiệt hại khoảng 15.000 tỉ. Đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) – Phạm Công Danh thiệt hại 18.000 tỉ,…

Dưới thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình, NHNN còn có… sáng kiến mua lại ba NHTM (VNCB, Ocean Bank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu – GP Bank) với giá… 0 đồng. Tuy NHNN giải thích, quyết định mua lại ba ngân hàng với giá… 0 đồng nhằm tiếp tục “tái cơ cấu hệ thống ngân hàng”, bảo vệ an ninh kinh tế – tài chính quốc gia nhưng hai năm sau (10/2017), KTNN cảnh báo: Cả ba vẫn thế, tiếp tục thua lỗ lớn, chủ sở hữu tiếp tục phải rót thêm vốn, nếu không có biện pháp hữu hiệu sẽ lỗ thêm nhiều ngàn tỉ đồng (5).

***

Chưa ai tính xem nợ xấu của hệ thống ngân hàng làm bao nhiêu công trình phúc lợi liên quan tới dân sinh bị đình trệ? Nợ xấu tương ứng thế nào với tình trạng tận thu thuế và phí vắt kiệt sức dân? Tại sao hàng trăm triệu người phải chia nhau gánh chịu hậu quả?

Bởi tạo ra nợ xấu, các “đại gia” đã phải trả giá bằng tự do, thậm chí bằng sinh mạng của họ, song còn trách nhiệm của những cá nhân ban hành các chủ trương, phê duyệt các quyết định, biến những cá nhân vốn hết sức bình thường thành “đại gia” tung hoành ngang dọc một thời thì sao? Chẳng lẽ chỉ có ông Bình chịu trách nhiệm? Chẳng lẽ các cá nhân nhất trí đưa ông vào BCH TƯ đảng, qui hoạch ông làm Thống đốc, khi trách nhiệm của ông đã rõ như ban ngày, còn tiếp tục “thổi” ông vào Bộ Chính trị vẫn vô can?

Cứ vài tháng, UBKT của BCH TƯ đảng lại công bố kết quả một đợt… kiểm tra. Hết viên chức này tới viên chức khác hoặc bị UBKT của BCH TƯ đảng trực tiếp xử lý kỷ luật hoặc bị cơ quan này đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét – kỷ luật. Kết quả các đợt kiểm tra ấy chỉ mới cho thấy một điều, tổ chức đảng ở cấp nào, ngành nào cũng gây họa nghiêm trọng, cũng đã từng làm dư luận xôn xao nhưng không ai thèm xem, chẳng nơi nào thèm xét cho tới khi… đột nhiên đảng cảm thấy… hứng thú không rõ lý do!

Kết quả các đợt kiểm tra ấy còn chỉ ra thêm một điều nữa là “tự chỉnh đốn” giống như “bới bèo”. Có thể cứ “bới” thì sẽ ra vô số “bọ” nên đảng chọn cả lúc để “bới” và “điểm” để “bới”.

“Tự chỉnh đốn” là chuyện của đảng, đảng muốn tự “chỉnh”, tự “đốn” thế nào cũng được nhưng đảng nên trả lời cho rõ ràng, sòng phẳng, tại sao khăng khăng giành – giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối mà đảng không đả động gì tới trách nhiệm khi thất thoát công thổ, công sản, công quỹ tính bằng trăm tỉ này, đến ngàn tỉ khác, khi không ngừng vay mượn, không ngừng chi tiêu cho hết dự án này đến công trình khác nhưng cuối cùng chỉ có nợ nần liên tục gia tăng?

Khẳng định “tự chỉnh đốn”, thề chống tham nhũng nhưng không chặn ngay, xử liền, thậm chí đã có đầy đủ dấu hiệu cho thấy các “đồng chí” ấy đang nhũng lạm mà vẫn lựa chọn – sắp đặt làm lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì ai tin?

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/de-nghi-xem-xet-ky-luat-uy-vien-bo-chinh-tri-nguyen-van-binh-20201103173026077.htm

(2) https://www.gfmag.com/awards-rankings/best-banks-and-financial-rankings/worlds-top-central-bankers2012

(3) https://www.businessinsider.com/the-10-worst-central-bankers-in-the-world-2012-8

(4) http://vietnambiz.vn/600000-ty-dong-no-xau-90-la-tien-cua-dan-10-la-cua-ngan-hang-23297.html

(5) http://plo.vn/thoi-su/sau-khi-duoc-mua-lai-0-dong-ca-3-ngan-hang-van-lo-nang-735619.html

THỐNG ĐỐC VÀ BÀN CỜ TIỀN MẶT

TÂM CHÁNH/ TD 5-11-2020

Ông Bình bất ngờ xuất hiện trong thành phần BCT khi ông Trọng đã đuổi được đồng chí X ra khỏi ban lãnh đạo. Rồi cũng bất ngờ ông bị đảng đề xuất kỉ luật về trách nhiệm làm Thống đốc ngân hàng, khi nghe đâu ông ở trong cơ cấu quy hoạch cấp trên của chiến lược.

Triều đại của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quả có nhiều chuyện lạ lùng. Ông Bình đã “lên” BCT sau khi hàng loạt chủ nhà bank và giới chức ngân hàng bị kêu án. Lạm phát và nợ xấu trong các ngân hàng thương mại đã là “đặc sản” dưới thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, mà ông Bình đặc quản.

Cai quản dòng chảy tiền tệ, ông Bình đã khẳng khái từ chối lãnh đạo ấu trĩ yêu cầu in thêm tiền. Rồi kết toán nó cho mai sau. Chính sách ngân hàng 0 đồng có thể đã giữ lại chiếc ghế tăng trưởng viển vông là thành tích của ông và cấp trên, nhưng đã lặng lẽ chép các khoản thua lỗ nợ nần táo tợn vào sổ bình sinh của mỗi con dân.

Các khoản tín dụng dễ dãi không còn là tòng phạm với đổ vỡ, cướp đoạt, mà thực sự đã đóng vai trò định hình rồi nở rộ các nhóm lợi ích câu kết thao túng khắp chốn quan trường.

Tín dụng xôi làng trong thời Nguyễn Văn Bình đã phút chốc đột phát nhiều gương mặt đại gia.

Theo đó là quan viên rùng mình biệt phủ, mua quốc tịch nước ngoài, đại lộ chổi đót thênh thang, đưa đất nước bước vào vàng son của nền kinh tế thân hữu tiền mặt.

Có lẽ sức tàn phá của cuộc khát vốn đã biến các nhà tù chật ních lính tráng của ông Bình.

Lèo lái nền tiền tệ hoang dã ấy, trên không biết bao nhiêu sự đổ gục của đồng sự, ông Bình rời khỏi đại sảnh ngân hàng nhà nước để giản dị xuất hiện ở “nhà đỏ” chủ trì đại cục kinh tế tư nhân.

Hiếm có một nhân vật như Nguyễn Văn Bình. Bàn tay ổn định tiền tệ của ông có thành ra cô mụ cho chủ nghĩa thân hữu?

Nhà văn Nguyễn Quang Lập, trong các lần hội nghị chống tham nhũng tự tổ chức, đinh ninh thước đo thật giả của lò ông Trọng là dấu hiệu khởi động xem xét trách nhiệm ông Bình.

Kinh nghiệm lửa lò ở ta khi nào quy buộc chung chung có lẽ tương lai đương sự ổn định.

Nghiêm trọng; hay rất nghiêm trọng; hay đặc biệt nghiêm trọng đến mức phải…?

Ông Trọng có vẻ như đang làm chủ tốc độ quá trình sắp xếp nhân sự 13.

Từ cuộc đại đấu bằng thế trận dân chủ tập trung, đến cuộc cờ chống “tham vọng quyền lực” tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dường như canh cánh mối lo lợi quyền sẽ tái tổ chức.

Tầm giờ này mà hạ nước cờ Nguyễn Văn Bình, có thể là một tiên liệu nào đó…

Tập tành bói, mới mở truyện Kiều đã gặp câu này:

“Dùng dằng nửa ở nửa về

Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần”.

P.S: Nhạc vàng này không phải nhạc vàng kia nghe bà con.

"NỬA GIẢI NOBEL" HAY GIẢI "Ig NOBEL"?

TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 7-11-2020

Ông Nguyễn Văn Bình thăng tiến khá nhanh và đá khắp sân như một libero thực sự, hiện nay ngoài chức Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương, ông Bình còn làm Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc nữa, v.v...

Nhưng "công trình khoa học" làm ông nổi tiếng nhất để ông có thể lăm le giật giải Nobel chính là "mua lại ngân hàng" giá 0 đồng. Ông cũng khiêm tốn, trong khi trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội năm 2012 trên cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông chỉ tự nhận “điểm 8” và xin “nửa giải Nobel” cho toàn bộ công tác điều hành hệ thống ngân hàng nhà nước Việt Nam kể từ khi nhận chức. Nhưng e khó, bởi Giải Nobel là để trao cho những đóng góp thực sự mang lại lợi ích to lớn cho nhân loại. Đằng này cái công trình "mua lại ngân hàng" lại thuộc loại ăn tàn phá hại góp phần đưa hàng loạt đại gia ngân hàng ra trước vành móng ngựa. Vậy ông Bình dù có nổ mấy cũng khó có được nửa giải Nobel thật, may ra có thể được giải "Ig Nobel", trao cho những ý tưởng kỳ cục vốn chỉ để gây cười mà thôi!

Ông Nguyễn Văn Bình là một “ảo thuật gia” làm trò trước toàn dân của xứ toàn trị - U tỳ quốc như VN thì mới dễ qua mặt số đông ngoạn mục và trắng trợn như vậy.

Trong thời đại ngày nay, sức khỏe nền kinh tế ở mỗi quốc gia được điều hành và kiểm soát hiệu quả bởi chính sách tài chính và hoạt động ngân hàng của Chính phủ. Một nền kinh tế đảm bảo phát triển bền vững ổn định đòi hỏi một chính sách tài chính và hoạt động ngân hàng phải được kiểm soát bởi một bộ máy tin cậy, minh bạch.

Ngược lại, thiếu các điều kiện đó sẽ dẫn đến suy sụp, hậu quả không thể lường hết như đang diễn ra ở đất nước giàu tài nguyên Venezuela hay một số nước khác. Với các nhà kinh tế có đủ kiến thức và lương tâm, những vấn đề bất bình thường/bất cập của chính sách điều hành tài chính ngân hàng có thể báo trước để Chính phủ có những biện pháp kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại.

Getty Images

Ông Nguyễn Văn Bình (Ảnh trên mạng xã hội)


Phạm trù kinh tế rất rộng, đi vào từng chuyên ngành kinh tế thì đòi hỏi hiểu biết sâu, nhất là lĩnh vực quản trị của ngân hàng nhà nước. Tôi không phải là chuyên gia kinh tế. Đầu thập niên 90, tôi theo học khóa ngắn hạn về kinh tế cơ bản ở nước ngoài, còn chủ yếu là tự học, nên chỉ dám mạn đàm dưới góc nhìn của người dân quan tâm đến nền kinh tế xã hội của nước nhà một cách trung thực và thẳng thắn, khách quan để thấy trách nhiệm quản trị ngân hàng thuộc về ai?

Tôi mới đọc bài “Khi người ta nói dối” của tác giả Thơ Phương đăng ngày 24/08/2017 trên mạng Bauxit Việt Nam rất đáng suy ngẫm , trong đó có đoạn phân tích nguyên văn như sau:

”Có nơi nào trên thế giới như Việt Nam người ta thô bạo như vậy không nhỉ, đó là GDP quý I đạt mức 5,15%, trong khi GDP quý II chưa hết quý đã đạt mức tăng khá ấn tượng theo chỉ tiêu đề ra là đúng con số 6,17%, và mới đây ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra mục tiêu chốt sổ là GDP còn lại của 2 quý nữa (6 tháng cuối năm) phải tăng 7,42% đúng mục tiêu về đích chênh nhau con số 6,8% theo chỉ tiêu đề ra.

Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, nợ xấu cũng đặt chỉ tiêu đề ra, nhưng vế bên kia là đặt mục tiêu tăng cung tiền, tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu đề ra với con số cao chót vót, tức là đang làm tăng tiền vào kinh tế, là tạo ra nợ chỉ có tăng chứ không giảm thì làm sao mà nói giảm nợ được.

Về nợ xấu thì còn mỉa mai hơn là "không dùng ngân sách giải quyết nợ xấu". Thậm chí trước đây người ta còn tuyên bố mua nợ xấu có lời chứ không bị lỗ. Trên thế giới, tôi chưa từng nghe có cái nghiệp vụ nào mua nợ xấu mà có lời hay huề vốn cả. Khi nói đến nợ xấu thì có cụm từ "nợ xấu khó đòi và sẽ mất", là chỉ có bị lỗ vốn chứ không thể thu hồi được vốn, và ngân sách nhà nước phải rót ra cứu các món nợ xấu độc hại ấy. Một ví dụ của sự dối trá là các dự án của các "quả đấm thép vina" thua lỗ cả "nghìn tỉ", mà trong đó các khoản vay ngân hàng rót ra là rất lớn thì làm sao mà đòi được nợ, làm sao mà nói có lời. Nhà nước Việt Nam phải hoặc bơm vốn vào đó để cứu nó, hoặc bán đi với giá trị thấp hơn giá trị thị trường. Chẳng lẽ đòi bán giá cao hơn hay bằng giá ban đầu? Nếu bán như vậy thì mấy cái dự án nghìn tỉ kia đâu có bị lỗ vốn? Đúng là dối trá quá mức đến thô bỉ”. v.v… (Xin xem toàn văn ở đây).

Tác giả Thơ Phương am hiểu về tài chính nhưng nhận định “Trên thế giới, tôi chưa từng nghe có cái nghiệp vụ nào mua nợ xấu mà có lời hay huề vốn cả” là không chuẩn xác.

Minh chứng, chương trình cứu trợ công ty, qua đó cứu trợ người mua nhà và nền kinh tế Mỹ năm 2008 chi phí bỏ ra là 455 tỷ US (trong tổng số tiền dự định chi là 700 tỷ US) của Tổng thống Obama, tính toán toàn bộ thì lỗ 33 tỷ (có chỗ lãi, có chỗ lỗ), tức là mất 7%, nhưng cứu được nền kinh tế của Mỹ.

Nhà nước lãi khi mua cổ phần và cho các công ty tài chính gần phá sản vay, sau khi tổ chức lại, bán lại cổ phiếu và thu hồi tiền cho vay. Kết quả là có lãi. Hai phần lỗ lớn nhất là phần bảo trợ người mua nhà không bị vỡ nợ mất nhà và phần cứu các công ty sản xuất xe hơi. Cách tính là dựa vào tính theo giá ở thời điểm hiện tại, tức là tính các lãi có thể có được nếu như số tiền bỏ ra có thể đem cho vay.

Có thể tham khảo bản báo cáo vào tháng 7/ 2017

https://www.cbo.gov/system/files/115th-congress-2017-2018/reports/ 52840-tarp.pdf

Phương cách giải cứu của Mỹ là cứu các công ty tư và ngân hàng tư, và cả người mua nhà để cứu nền kinh tế. Khi thực hiện giải cứu như thế, những người quản lý trước đó, đều bị bãi nhiệm. Ngân hàng Trung ương cử người kiểm soát công ty và ngân hàng được cứu cho đến khi giải quyết được vấn đề.

Thảo luận với chuyên gia Vũ Quang Việt nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, chúng tôi có chung nhận xét:

Cách giải cứu của VN “tiền mất tật mang” bởi vì:

  • Công ty thua lỗ phải bán vẫn tiếp tục là doanh nghiệp nhà nước thì làm sao có vấn đề bán lại và cũng không ai biết rõ giá trị của nó?

  • Không có Hội đồng chuyên môn kiểm soát giải pháp đề xuất giải cứu của người lãnh đạo ngân hàng nhà nước. Đối với doanh nghiệp tư như một số ngân hàng mất khả năng chi trả nợ thì Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình khi còn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã xông vào cứu ngân hàng tư với giá 0 đồng để gánh thêm khoản nợ, đặt nó dưới sự kiểm soát đặc biệt, tức là đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Trung ương (bằng cách cử người thay thế mình điều hành). Trớ trêu là ông Bình tiếp tục cho những người điều hành trước đó mắc nhiều khuyết điểm vẫn ở lại, đưa đến tình hình phá sản, là việc làm vô trách nhiệm và ở nước khác là vi phạm luật.

  • Không rõ tư duy, tầm nhìn, vai trò và trách nhiệm của các vị lãnh đạo cả bên Đảng và Chính phủ, những ai ủng hộ giải pháp giải cứu “mua nợ” của Thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình?

Khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Bình ở đâu?

Cách mua nợ của VN là một hình thức che giấu mới nghe có vẻ hợp lý vì lợi dụng mục đích giải cứu, không đem lại lợi ích cho nền kinh tế mà còn chồng thêm gánh nợ sẽ lộ ra ở nhiệm kỳ sau, là một sự trục lợi mà người vi phạm trắng trợn luật, chính là Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình mà ở những nước luật pháp nghiêm minh thì đã vào nhà đá. Theo luật, nhân viên hay ban giám đốc và gia đình không được sở hữu hơn 20%. Nhưng ông Nguyễn Văn Bình không cần biết.

Ngân hàng Trầm Bê phá sản, tài sản âm vì nợ nhiều hơn có. Ông Nguyễn Văn Bình phải cứu nó bằng cách mua lại nó 0 đồng, ai cũng hiểu tức là gánh chịu về tất cả món nợ của nó. Thật kỳ lạ chỉ có ở nền quản trị vô trách nhiệm VN thế mà ông Nguyễn Văn Bình vẫn có quyền quyết định để cho Trầm Bê điều hành, và mua một ngân hàng khác Sacombank, lớn hơn rất nhiều ngân hàng của Trầm Bê, và Trầm Bê lại vay nợ của Sacombank cho đến giờ chưa trả được. Nhẽ ra, phải tước bỏ mọi chức tước của Trầm Bê, cấm anh ta hoạt động trong ngành ngân hàng. Cần phải điều tra vai trò trách nhiệm về việc quyết định cho Trầm Bê tiếp tục điều hành ngân hàng đã thua lỗ.

http://www.thesaigontimes.vn/163445/Ong-Tram-Be-Sacombank-va-Ngan-hang-Nha-nuoc.html

http://soha.vn/pho-thong-doc-ngan-hang-nn-noi-ve-thong-tin-du-no-cua-ong-tram-be-tai-sacombank-20170803192746625rf20170803192746625.htm

Để cho quản lý ngân hàng thực hiện tăng vốn bằng tự cho mình vay là thuộc tội “self-dealing”, mà luật pháp mọi nước đều cấm. Ngân hàng làm nhiệm vụ trung gian, thu hút tiến của anh A rồi để cho anh B vay. Để cho chính mình (hay họ hàng, nhân viên mình) vay là tội self-dealing.

https://en.wikipedia.org/wiki/Self-dealing

http://www.sgalaw.com/news-and-views/2014/11/24/self-dealing-is-it-ever-permissible.html

Những hành động này xảy ra dưới sự điều hành của ông Nguyễn Văn Bình. Vậy thì rõ ràng ông Bình cần bị xem xét, xử lý. Nếu xem kỹ lại luật ngân hàng tín dụng, luật doanh nghiệp… chắc chắn Trầm Bê và Nguyễn Văn Bình còn phạm nhiều luật khác.

Và ai phải lo việc kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng? Việc cho ra đời hàng loạt công ty tài chính, HTX tín dụng, nhưng xem nhẹ hoặc bỏ qua thẩm định, kiểm chứng vốn? Những thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng dù toàn bộ báo chí cùng cất bản đồng ca "Tiền ơi hãy về lại với ta”, thì có lẽ cũng chỉ là vô vọng.

Lời kết:

Vấn đề nợ công, nợ xấu của nền kinh tế Việt Nam đang ở tình trạng vượt ngưỡng cho phép là nguy cơ, thách thức đang hiện hữu và hậu quả của nó sẽ rất trầm trọng gây sụp đổ chế độ và mất ổn định xã hội. Với nền quản trị nhà nước kém hiệu quả, thiếu minh bạch và vấn đề sở hữu doanh nghiệp hiện nay, các giải pháp giải cứu hoàn toàn không có tác dụng mà nó còn bị lợi dụng bởi nhóm lợi ích thâu tóm làm cho nợ công ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Văn Bình nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 đã đề xuất các biện pháp giải cứu mua lại ngân hàng và quyết định người điều hành ngân hàng, phương thức quản lý tăng vốn bằng tự cho mình vay,.. càng gây thất thoát và tăng thêm nợ xấu là những hành vi, gây hậu quả xấu cho nền kinh tế cần được xem xét, xử lý theo đúng pháp luật của Nhà nước tự nhận của dân, do dân và vì dân.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

Nguồn:  boxitvn.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét