Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

20201105. GÓP Ý KIẾN ĐẠI HỘI XIII ĐCSVN (4)

        ĐIỂM BÁO MẠNG        

NGƯỜI DÂN CẦN ĐƯỢC HIỂU
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 3-11-2020

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội 13 của Đảng, có hai khái niệm được nhắc đến nhiều là “xã hội chủ nghĩa” và “chủ nghĩa xã hội”:

1. Xã hội xã hội chủ nghĩa;

2. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa;

3. Dân chủ xã hội chủ nghĩa;

4. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

5. Xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển ở Việt Nam;

6. Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

Vậy “chủ nghĩa xã hội” và “xã hội chủ nghĩa” là gì?

Câu hỏi này được nêu lên bởi nhiều lý do, không ít người lao động ở nông thôn, miền núi, trong doanh nghiệp chưa có sự hiểu biết thấu đáo các khái niệm này.

Ngay với khá nhiều giáo viên phổ thông, đặc biệt là giáo viên tiểu học và trung học cơ sở - những người được đào tạo bài bản trong các trường sư phạm để làm nghề dạy học - khi được hỏi cũng đưa ra những câu trả lời rất đa dạng, thậm chí còn khá ngây thơ về hai khái niệm nêu trên. Xin nói ngay đây không phải lỗi của họ.

Một cách chính xác, cho đến nay, cả hai khái niệm “chủ nghĩa xã hội” và “xã hội chủ nghĩa” đều chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh.

(Ảnh minh họa trên Baohaiquanvietnam.vn)

Tạp chí Tuyengiao.vn trong bài “Quan niệm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” viết:

“Trong phương thức tiếp cận chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh có nhiều định nghĩa khác nhau:

- Định nghĩa chủ nghĩa xã hội như một chế độ xã hội hoàn chỉnh đối lập với chế độ tư bản chủ nghĩa;

- Định nghĩa chủ nghĩa xã hội bằng cách chỉ ra các mặt riêng biệt của nó (về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, quan hệ quốc tế...);

- Định nghĩa chủ nghĩa xã hội bằng cách nêu bật mục tiêu (tổng quát và cụ thể) của nó, v.v.”. [1]

Trên thế giới, có những nhận định như:

“Không có định nghĩa rõ ràng về chủ nghĩa xã hội mà nó bao gồm một loạt các khuynh hướng chính trị từ các phong trào đấu tranh chính trị và các đảng công nhân có tinh thần cách mạng, những người muốn lật đổ chủ nghĩa tư bản nhanh chóng và bằng bạo lực cho tới các dòng cải cách chấp nhận Thể chế Đại nghị và dân chủ…”.

Gần đây, có sự giải thích cụ thể nhưng khá dài về “xã hội xã hội chủ nghĩa”:

“Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. [2]

Vì các nghị quyết, văn kiện của Đảng viết ra không phải chỉ dành cho các đảng viên, chuyên gia, các vị lãnh đạo chính quyền, tổ chức đoàn thể đọc mà cũng còn là cho dân chúng tìm hiểu nên những khái niệm phổ quát cần được giải thích sao cho mọi người - dù không có điều kiện tiếp cận các khóa đào tạo triết học hay tổ chức nhà nước - cũng có thể hiểu.

Như đã trích dẫn, có thể dễ dàng tìm được các giải thích về “chủ nghĩa xã hội” nhưng lại rất khó tìm một định nghĩa hoặc một biện giải về “xã hội chủ nghĩa”.

Rõ ràng là khi gắn khái niệm “xã hội chủ nghĩa” với nhà nước, với dân chủ, với kinh tế, với pháp quyền,… thì điều đầu tiên cần làm là nêu một định nghĩa hoàn chỉnh - hoặc ít ra cũng phải tiệm cận sự hoàn chỉnh - về khái niệm “xã hội chủ nghĩa”.

Trên mạng xã hội, xuất hiện một số cách hiểu (không chính thống), xin nêu hai trong số các cách hiểu đó:

Thứ nhất, “Xã hội chủ nghĩa là quan điểm xây dựng nhà nước còn chủ nghĩa xã hội là một quan điểm chính trị chẳng hạn chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa dân tộc,…”;

Thứ hai, “Xã hội chủ nghĩa khi là danh từ thì thể hiện phương cách điều hành nhà nước còn khi là tính từ thì giải thích những gì “thuộc về” chủ nghĩa xã hội, ví dụ “phe xã hội chủ nghĩa”, “quốc gia xã hội chủ nghĩa”, “con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa”,…

Với cách hiểu này khi nói “phe xã hội chủ nghĩa” thì có nghĩa là nói về các quốc gia, các khuynh hướng theo “chủ nghĩa xã hội”.

Quan điểm thứ hai chủ yếu dựa vào cách phân loại trong ngôn ngữ bao gồm: danh từ, động từ, tính từ, trạng từ trong đó tính từ dùng bổ nghĩa cho danh từ, thể hiện thuộc tính của danh từ chẳng hạn “lá xanh”, “cờ đỏ”,… thì “xanh” là thuộc tính của lá, “đỏ” là thuộc tính của cờ,…

Viết những dòng trên đây thực ra không nhằm gửi gắm đến các nhà lý luận cao siêu mà chủ yếu dành cho những người “lao động bình dân” muốn tìm hiểu nhưng lại không biết tìm ở đâu, tìm như thế nào.

Nói thế cũng nghĩa là mong muốn Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Chính trị quốc gia có những tài liệu kiểu tờ rơi, có những cuốn sách kiểu bỏ túi cung cấp miễn phí cho người dân giúp họ hiểu chúng ta xây dựng “chủ nghĩa xã hội phát triển” là xây cái gì, dựng cái gì và cần bỏ cái gì.

Hồ Chủ tịch nói về “dân chủ” rất đơn giản: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng”.

Khi chuyển thành “Dân chủ xã hội chủ nghĩa” thì nội dung không còn bình dân mà có vẻ cao siêu hơn: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Ngày nay, khi Đảng đề cập đến “Xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển ở Việt Nam” [3] nếu dân chỉ được 4 quyền giới hạn như trên rõ ràng là không còn phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.

Bài đăng trên Tạp chí Danvan.vn viết:

“Về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân: Hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo Cương lĩnh, Hiến pháp 2013, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ…”. [4]

Giải thích rõ hơn, ông Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng:

“Trước đây chúng ta nói cơ chế dân chủ: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng lần này thêm “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Cái đó là quy luật, làm thì phải được thụ hưởng, còn nếu làm mà không thụ hưởng thì không ai làm. Động lực chính là lợi ích. Lợi ích phải hài hòa tổng thể lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Bây giờ chúng ta phải hoàn thiện điều này”. [5]

“Cương lĩnh ruộng đất” Đảng xây dựng từ năm 1953 tựu trung lại trong một câu rất ngắn gọn: “Người cày có ruộng”.

“Chỉ có thực hiện "người cày có ruộng”, động viên hàng chục triệu nông dân hăng hái tham gia kháng chiến, thì kháng chiến mới hoàn toàn thắng lợi, cách mạng chắc chắn thành công”. [6]

Ngày nay, bên cạnh việc chưa đưa ra được một triết lý giáo dục của Việt Nam, việc các nhà lý luận chưa đưa ra được một định nghĩa hoàn chỉnh về chủ nghĩa xã hội có phải là do hoàn cảnh lịch sử, do thời cơ hay còn do những quan điểm đang được làm cho ngã ngũ?

Nói và viết thật đơn giản để gần 100 triệu người Việt hiểu được chủ nghĩa xã hội là gì, chúng ta đang xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa với các hình thái kinh tế, chính trị nào là việc vô cùng cần thiết bởi chỉ có như vậy mới động viên được sức mạnh dân tộc, gắn kết người dân với nhà nước, với thể chế, tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vấn đề nằm ở chỗ để cho những người bình thường nhất cũng có thể hiểu thì mọi giải thích, lý luận hãy nhằm đến quản đại quần chúng chứ không phải dành cho những người có địa vị xã hội cao hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://tuyengiao.vn/theo-guong-bac/quan-niem-cua-ho-chi-minh-ve-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-36712

[2]http://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-cuoc-thi/dac-trung-mo-hinh-xa-hoi-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam-544837.html

[3] http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-phat-trien-o-viet-nam-123029

[4]http://danvan.vn/Home/Huong-toi-Dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-XIII-cua-Dang/12666/Gioi-thieu-noi-dung-co-ban-cua-Du-thao-Bao-cao-Chinh-tri-trinh-Dai-hoi-XIII-cua-Dang

[5] https://tcnn.vn/news/detail/48621/Du-thao-van-kien-Dai-hoi-XIII-nhan-manh-yeu-to-%E2%80%9Cnhan-dan-thu-huong%E2%80%9D.html

[6] https://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-90-nam-lich-su-dang/cuong-linh-ruong-dat-cua-dang-lao-dong-viet-nam-539959.html

Xuân Dương
THƯ NGỎ GỬI ĐẠI BIỂU ĐH XIII
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 3-11-2020


Thưa các vị đại biểu (ĐB) dự ĐH 13 của ĐCSVN. Hy vọng có vài phần trăm số ĐB đọc được thư này.

ĐB nhiều ĐH gồm 3 loại chính.

Loại 1: Có trình độ, có trách nhiệm, có những ý kiến và hoạt động tích cực đóng góp cho ĐH.

Loại 2: Có mưu đồ cá nhân. Họ đến ĐH với mong ước và vận động được bầu hoặc ủng hộ ai đó vào chức nọ chức kia. Quan tâm chính của họ là nhân sự.

Loại 3: Tự hào và trống rỗng. Vinh dự được làm ĐB, được ghi vào lý lịch. Nhưng đầu óc trống rỗng. Họ nghe báo cáo mà chẳng hiểu, biểu quyết mà không biết tường tận nội dung, bầu cử theo chỉ đạo, vỗ tay theo hướng dẫn. Loại này chiếm đại đa số trong ĐH.

Thư này chủ yếu tâm sự với ĐB loại 1. Tâm sự chứ không góp ý.

Xin hỏi các vị, có ai xem kỹ, đọc hết Báo cáo chính trị? Khi đọc từng câu thì thấy câu nào cũng đúng, cũng hay, đọc một đoạn phát hiện ra sự sắp đặt lộn xộn các ý kiến và nhiều điều sáo rỗng. Đọc toàn bộ thấy tổ hợp một đống ngôn từ và khẩu hiệu, bóng bẩy, hùng hồn, nhiều ý trùng lặp, nhiều rác rưởi, chủ yếu là để tuyên truyền và tự ca ngợi. Nhiều kế hoach, nhiều số liệu thuộc dạng tầm phào.

Xin hỏi các vị, có ai nhận thấy mặt trái của Quy định về bầu cử ở ĐH? Tôi nhận thấy có nhiều điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học và nghĩ rằng nhiều vị cũng nhận thấy như thế, nhưng chưa dám nói, vì sợ. Sợ quá hóa hèn. Xin hãy nghĩ đến lương tri mà khắc phục nỗi sợ này. Đã có rất nhiều người vượt qua được nỗi sợ như thế.

Về tình hình, các vị có hiểu được, có cảm thông được một cách sâu sắc với nhân dân về các thảm họa, bức xúc sau đây hay không:

Thứ nhất là nhiều “nhân họa” do sự phát triển kinh tế quá nóng vội và chệch hướng gây ra. Nhân họa kèm thiên tai đã làm nhiều vùng điêu đứng. Người ta nói “phát triển bền vững”, nhưng thực tế ngược lại. Phát triển quá nhanh về kinh tế trong lúc khả năng quản lý còn yếu kém đã và sẽ làm giàu cho một số người trong các nhóm lợi ích, tạo thành tích dổm cho lãnh đạo làm tuyên truyền, nhưng làm hại cho đất nước và số đông nhân dân. Nó hủy hoại môi trường, phá nát tài nguyên, làm xuống cấp đạo đức, văn hóa, giáo dục, làm cho quốc gia mắc nợ trầm trọng.

Phát triển kinh tế là cần, nhưng đã qua rồi thời kỳ bức thiết. Bây giờ chỉ nên xem là nhiệm vụ quan trọng thứ hai hoặc thứ ba và nó chủ yếu là nhiệm vụ của tư doanh. Việc ĐH 13 vẫn quyết đưa phát triển kinh tế nhanh lên hàng đấu là một sự chệch hướng.

Thứ hai là thể chế chính trị. Đảng tuyên truyền là lãnh đạo và cầm quyền, nhưng thực chất là thống trị với sự chuyên quyền, độc đoán. Hệ thống Đảng, Chính quyền, Mặt trận nặng nề, chồng chéo, kém năng lực, không hiệu quả. Quốc hội thực chất chỉ là cơ quan thừa hành. Công an trị với Tòa án bất công đã gây ra nhiều oan trái cho người dân lương thiện.

Xin hỏi, các vị biết gì từ thông tin của lề dân và quốc tế về những vụ oan sai động trời như ở Dương Nội, Thủ Thiêm, Lộc Hưng, vụ án Hồ Duy Hải, vụ sát hại cụ Lê Đình Kình, vụ án bất công xử những người dân Đồng Tâm, những vụ bắt bớ các nhà hoạt động dân chủ, những cái chết thê thảm trong các đồn công an?

Thứ ba là tai họa từ Trung Cộng. Xin hỏi, các vị đánh giá thế nào về thực trạng Việt Nam bị Trung Cộng kiềm chế, thao túng, về những mưu mô thâm độc, thủ đoạn nham hiểm của họ nhằm từng bước thôn tính nước ta? Các vị đã ai đọc và thấu hiểu được bức thư của ông Chu Đình Xương (từng là trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh) gửi Ban chấp hành TƯ Đảng về những tai họa từ Mao Trạch Đông và Trung Cộng?

Nấp dưới danh nghĩa cùng ý thức hệ, Trung Cộng có giúp chúng ta trong chiến tranh và xây dựng, nhưng giúp một mà phá ba. Họ ra sức dạy dỗ cho lãnh đạo và cán bộ chúng ta không phải điều hay, việc tốt mà chủ yếu là hai thứ sau. Một là cách đàn áp, thống trị nhân dân, cách làm ngu dân, làm cho dân sợ mà phải theo, cách loại bỏ những người bất đồng, cách tra khảo, ép cung để bắt bị cáo, vốn là người lương thiện phải nhận tôi không làm. Hai là tìm cách mua chuộc, khống chế một số lãnh đạo rồi dạy họ ngoan ngoãn phục tùng, buộc phải nhất nhất theo chỉ đạo của Bắc kinh.

Trên kia tôi viết: “Các vị có hiểu được, có cảm thông được với nhân dân”. Xin nhớ, nhân dân có nhiều tầng lớp, có thể qui về hai thành phần chính, đó là thành phần lao động giản đơn và thành phần lao động bậc cao. Họ có nhu cầu và quyền lợi khác nhau.

Thành phần lao động giản đơn có nhu cầu được sống yên ổn để làm ăn. Họ chấp nhận thực tại. Trong thâm tâm họ đã mất lòng tin vào chính quyền (vì thấy rõ sự tham nhũng, cửa quyền, bất lực), nhưng họ buộc phải chịu sự thống trị, họ sợ chính quyền và không dám phản ứng khi chưa bị đẩy đến đường cùng. Họ có vai trò trong nền sản xuất và lưu thông, nhưng ảnh hưởng ít đến sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

Thành phần lao động bậc cao có nhu cầu lớn về tự do mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và sáng tạo. Họ là lực lượng chính đóng góp cho phát triển, tiến bộ. Họ thường phát hiện ra và không chịu chấp nhận những nhầm lẫn, sai trái của chính quyền. Họ phản biện, đấu tranh không phải chỉ vì riêng họ mà vì cộng đồng.

Các vị cần hiểu biết nhu cầu của cả hai thành phần mà chủ yếu là với thành phần lao động bậc cao. Một số lãnh đạo và đảng viên phạm sai lầm khi xem những người phản biện là thế lực thù địch, trong khi họ là những người chân chính, yêu nước, thương dân.

Tuy được sàng lọc khá kỹ, để cho ĐB chủ yếu là loại 2 và 3, nhưng tôi tin là vẫn lọt vào được ĐH một số phần trăm nào đó những ĐB loại 1. Nhân dân mong chờ các vị chọn lựa được thời cơ để nói công khai ở ĐH về các vấn đề bức xúc nêu trên, cụ thể là:

1- Phải nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng tình hình về lòng tin của dân, về những phản biện. Thực trạng của xã hội, tuy có được một số phát triển về kinh tế nhưng chứa đầy ung nhọt. Chống tham nhũng là cần, nhưng bảo vệ tự do, công lý, chống áp bức còn cần hơn.

2- Vấn đề rất cần quan tâm là về môi trường. Khôi phục, bảo vệ môi trường vật chất là rất quan trọng, nhưng làm trong sạch môi trường tinh thần còn cấp thiết hơn. Đó là những vấn đề liên quan đến đạo đức, giáo dục, văn hóa, thực thi công lý, tình yêu thương đồng bào.

3- Vấn đề dân chủ. Trong Đảng thì Bộ Chính trị nhiệm kỳ cũ tước đoạt quyền của ĐH. Phải trả quyền dân chủ cho ĐH. Trong xã hội thì Đảng tước đoạt quyền dân chủ của dân với “Đảng cử dân bầu”. Đảng phải trả lại quyền dân mà trước hết là tạo điều kiện cho dân bầu ra một Quốc hội thực sự đại diện cho trí tuệ của dân tộc. Để chọn được người thực sự có tài năng thì trong bầu cử phải đề cao sự tranh cử.

4- Phải nêu ra và thảo luận các vấn đề liên quan đến Trung công, đến những tai họa do chúng gây ra, những điều cần làm để “thoát Trung”.

***

Các vị không dễ gì có thể nói công khai tại ĐH các ý trên và những ý kiến khác trái chiều vì vẫn còn sợ, vẫn chưa có đủ dũng cảm và ban tổ chức cũng tìm cách ngăn cản, không để các vị phát biểu. Vì vậy để nói được cần dũng cảm, khôn khéo và dám chấp nhận một số thiệt thòi nào đó. Khi một người nói ra được thì các vị khác hưởng ứng, ủng hộ kịp thời. Vẫn biết rằng vài ý kiến chưa đủ sức lay chuyển trạng thái của đất nước, nhưng sẽ rung lên hồi chuông cảnh tỉnh.

Phát biểu được công khai ở ĐH những điều bức thiết của dân tộc các vị thể hiện rõ lòng yêu nước, yêu dân, trọng công lý, có trí tuệ và dũng cảm, dám bảo vệ sự thật. Chế độ độc tài toàn trị trước sau cũng bị xóa bỏ. Việc làm của các vị xứng đáng để con cháu tự hào và nhân dân biết ơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét