Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

20201113. GÓP Ý KIẾN ĐẠI HỘI XIII ĐCSVN (5)

  ĐIỂM BÁO MẠNG    

TOÀN BỘ GÓP Ý CỦA HIỆP HỘI ĐỐI VỚI DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XIII

THÙY LINH/ GDVN 10-11-2020

GDVN- Hiệp hội cho rằng, cần thống nhất đầu mối quản lý hệ thống giáo dục, trong đó có đại học, cao đẳng, kể cả cao đẳng nghề vào một đầu mối là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 6/11/2020, Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Hiệp hội) đã tổ chức cuộc họp chuyên đề nghiên cứu và góp ý nội dung giáo dục đào tạo trong Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII.

Ngày 9/11, Hiệp hội có văn bản góp ý gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tóm tắt các ý kiến của Thường trực Hiệp hội góp ý cho Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bao gồm:

Một là, giáo dục đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu, trong hai nhiệm kỳ qua, đã có nhiều chủ trương của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam là rất đúng đắn và mạnh mẽ.

Tuy nhiên, việc thực hiện đổi mới, dù có cố gắng, có một số kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung vẫn còn không ít lúng túng, cần phải có quyết tâm và giải pháp sắc bén hơn để bảo đảm cho công cuộc đổi mới thành công và hiệu quả.

Hai là, cần thống nhất đầu mối quản lý hệ thống giáo dục, trong đó có đại học, cao đẳng, kể cả cao đẳng nghề vào một đầu mối là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cho lĩnh vực giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ (là quốc sách hàng đầu) đề nghị các đồng chí lãnh đạo cấp cao quan tâm trực tiếp hơn nữa và nên phân công một cán bộ lãnh đạo có am hiểu, năng lực và vị trí trong Ủy viên Bộ Chính trị.

Ba là, cần đầu tư nghiên cứu một cách bài bản, khoa học về chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, có xét tới yếu tố thời đại, có tầm nhìn xa, lâu dài và khả thi, để các nhiệm kỳ được bảo đảm không chệch hướng chiến lươc, các bước đổi mới, cải cách giáo dục phải nhất quán, bước đi trước phải làm tiền đề cho bước đi sau.

Bốn là, cần sớm hoàn thiện Triết lý giáo dục của quốc gia, trong đó có sứ mệnh, mục tiêu của từng cấp, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, từ đó thống nhất về nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân để triển khai một cách hiệu quả, sáng tạo đường lối chính sách và chương trình phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của nước ta.

Năm là, tiếp tục bổ sung chủ trương, chỉ đạo mạnh mẽ và chắc chắn công cuộc cải cách giáo dục, xây dựng một nền giáo dục Việt Nam “Nhân bản, khai sáng và phát triển”, một hệ thống giáo dục “Mở, liên thông, thực học, thực nghiệp” gắn với xã hội học tập

GÓP Ý VĂN KIỆN ĐẠI HỘI- AI NÓI CHO AI
NGÔ ANH TUẤN / TD/ BVN 11-11-2020

Tác giả Ngô Anh Tuấn tại buổi tọa đàm. Nguồn: FB nhân vật

Hôm qua, ngày 9/11/2020, theo lời mời của Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (PLD), tôi tham dự Toạ đàm khoa học “Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII với sự nghiệp phát triển đất nước” (góp ý dự thảo văn kiện). Tham dự buổi tọa đàm này có rất nhiều nhà khoa học, những cựu quan chức lớn, những tri thức… có tinh thần dân tộc.

Những người tham dự buổi tọa đàm ai cũng ý thức được rằng, những nội dung góp ý tâm huyết của họ chưa chắc đã được lắng nghe, xem xét để sửa đổi, bổ sung vào văn kiện đại hội Đảng Cộng sản sắp tới. Tuy nhiên, họ cũng ý thức được rằng, chưa chắc đã được xem xét có nghĩa là vẫn có % có thể được xem xét, điều đó đồng nghĩa với việc rằng những nổ lực của họ có thể được ghi nhận. Như vậy, làm điều có ích, có thể được ghi nhận, cũng có thể không được ghi nhận, còn ngồi im không làm gì thì chắc chắn là không ai ghi nhận cả.

Tại buổi hội thảo này, nhiều đại biểu có cùng quan điểm rằng khó có thể thay thế vai trò “đầu tàu” của Đảng Cộng sản vào lúc này nhưng cần thiết phải có luật về Đảng Cộng sản, đó là sự “sòng phẳng” và thể hiện tính chính danh của Đảng này trong việc lãnh đạo, tổ chức bộ máy nhà nước để hiện thực hoá Điều 4, Hiến pháp 2013. Hiện tại, Đảng Cộng sản chủ yếu có quyền chứ không thấy có nghĩa vụ.

Rất nhiều nội dung góp ý rất tâm huyết khác đã được nêu lên trong buổi hội thảo này, tuy nhiên, chắc hẳn chỉ một phần trong số đó được tổng hợp để gửi đi, phần còn lại, coi như là sự sẻ chia tâm tư, nguyện vọng để giảm thiểu sự nặng nề không đáng có của nội dung góp ý khiến nó bị phản tác dụng. Trong cả ngày có mặt, tôi chỉ phát biểu khoảng 2 phút, phần còn lại ngồi chăm chú nghe và ghi chép từ đầu tới khi còn chỉ lác đác vài ba chục vị bám trụ tới khi hết chương trình.

Phải thừa nhận một sự thật khách quan rằng không có có bất cứ một lực lượng nào trong thời điểm hiện tại đủ sức thay thế Đảng Cộng sản vào lúc này. Vậy nên, phải chấp nhận sống chung dù bạn có thích hay không. Nếu bạn chấp nhận mọi thứ đã được sắp đặt sẵn thì hoặc là bạn an phận hèn kém hoặc vô trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và tương lai của con cháu mình nữa.

Không bỗng dưng mà một người xấu trở nên một người tốt, không bổng dưng từ một người có đầy đủ mọi quyền lực, quyền sinh, quyền sát nắm trong tay, lại tự nguyện san sẻ sang cho người khác, nếu người đó không phải là người ruột thịt của mình hoặc không chịu một áp lực khủng khiếp nào đó. Không bao giờ! Cũng chính vì thế nên việc các nhân sỹ, tri thức cùng tham gia góp ý vào văn kiện đại hội Đảng Cộng sản hay góp ý trong các diễn đàn khác là cách để họ tiếp thu, thay đổi dần.

Việc thay đổi không thể thấy được trong ngày một ngày hai nhưng chắc chắn sẽ có sự chuyển biến nhất định, dần dần. Đôi khi, họ tiếp thu, thay đổi rồi nhưng vì tự trọng, vì sỉ diện nên không dám nói ra mà thôi. Còn nếu như sự bảo thủ, trì trệ giữ nguyên như một thành trì khó phá vỡ thì chính những người cộng sản đang tự đem dây buộc mình và để tổ chức mình lún sâu vào khủng hoảng mà thôi.

Chế độ cộng sản là thành trì khó xâm phạm nhưng sự rệu rã từ trong nội bộ (nếu có) sẽ là điều khiến không chế độ nào chống đỡ được, không có ngoại lệ cho bất kỳ ai.

Chúng ta vẫn ngày ngày bàn luận về ông Trump, ông Biden, về nước Mỹ nhưng thường câm lặng trước các vấn đề của đất nước, điều đó là chưa đúng. Đất nước này của chúng ta, của xương máu cha ông của bạn, của tôi và là nơi ở của con cháu chúng ta mai này nữa.

Các chế độ thống trị qua các thời kỳ lịch sử xưa nay, khi còn duy trì vị thế của mình, đại đa số đều cho mình là chế độ ưu việt nhất và không quên khẳng định sự trường tồn của mình, dù cách diễn đạt có khác nhau. Tuy nhiên, sự tồn tại của chế độ dài hay ngắn phụ thuộc rất lớn vào sự thức thời của người (những người) đứng đầu.

Lịch sử thế giới cũng chứng minh, một chế độ càng dùng nhiều sự áp đặt, bạo lực để giải quyết mâu thuẫn thì chế độ đó đang đặt những viên gạch cuối cùng cho ngôi mộ của mình.

Không hy vọng nhiều về việc ý kiến góp ý của mình được xem xét nhưng những người tham dự có cùng quan điểm rằng, mình đã thể hiện sự cố gắng trong khả năng và giới hạn cho phép, phần còn lại là ngoài khả năng của họ. Điều này cũng góp phần loại trừ việc trong tương lai gần, ai đó có thể trách móc rằng “khi bảo góp ý thì im lặng, còn khi cần im lặng thì nhao nhao cả lên…”

N.A.T.

Nguồn: baotiengdan.com/2020/11/10


GÓP Ý VĂN KIỆN: CHUYỂN TỪ BẮT CHƯỚC SANG SÁNG TẠO CÔNG NGHỆ MỚI

VŨ VĂN PHÚC/ VNN 12-11-2020

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII, PGS.TS Vũ Văn Phúc, kiến nghị đưa vào dự thảo Báo cáo chính trị về sở hữu trong nền kinh tế quá độ lên CNXH.

Nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH là nền kinh tế quá độ, luôn vận động, phát triển theo quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất. 

Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất xã hội, trong đó quan hệ sở hữu là quan hệ cơ bản nhất của quan hệ sản xuất. Chủ sở hữu có thể thống nhất ở một người, có thể tách bạch ở nhiều người; có thể là sở hữu riêng của tư nhân (tư hữu) hay sở hữu chung của cộng đồng, của xã hội (sở hữu xã hội).

Góp ý Văn kiện: Chuyển từ bắt chước sang sáng tạo công nghệ mới
PGS.TS Vũ Văn Phúc

Chủ thể sở hữu có thể là thể nhân, có thể là pháp nhân. Đối tượng sở hữu là các yếu tố đầu vào của sản xuất và các sản phẩm được tạo ra từ các yếu tố đầu vào đó. Đối tượng sở hữu luôn biến đổi do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định.

Phải có công nghệ Made by Vietnam

Ngày nay, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, thì đối tượng sở hữu chuyển mạnh từ đối tượng sở hữu hữu hình là các tư liệu sản xuất sang đối tượng sở hữu vô hình.

Đó là tri thức của loài người, là trí tuệ của con người, là trí tuệ nhân tạo, là công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ kỹ thuật số, internet vạn vật, thông tin, dữ liệu lớn (big data), bằng sáng chế, phát minh, giải pháp công nghệ, bản quyền, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, lợi thế thương mại, uy tín trên thương trường...

Đối tượng sở hữu vô hình ngày càng chiếm vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Chính điều này là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội phát triển, là cơ sở để chuyển mạnh sang sản xuất theo chiều sâu, tăng năng suất của các yếu tố tổng hợp (TFP), tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Vì vậy, phải coi phát triển khoa học - công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu; phải chuyển mạnh từ áp dụng, “bắt chước” công nghệ sẵn có sang đổi mới sáng tạo công nghệ, phát triển công nghệ mới, tiên tiến hiện đại là một đột phá chiến lược.

Phải có công nghệ Made by Vietnam để tạo ra hàng hóa made by Việt Nam, làm cho Việt Nam phát triển hùng cường. Quan hệ sở hữu là cơ sở, là điều kiện của sản xuất. Nhưng sở hữu không phải là mục tiêu, mục đích của xã hội xã hội chủ nghĩa. CNXH là vì con người, giải phóng con người khỏi mọi áp bức bất công, bất bình đẳng; con người được tự do, là chủ xã hội, phát triển toàn diện, có cuộc sống hạnh phúc...

Sở hữu chỉ là phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm. Quan hệ sở hữu quyết định quan hệ tổ chức, quản lý và quyết định quan hệ phân phối. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất chưa cao, chưa đồng đều, thì còn tồn tại nhiều chế độ sở hữu là một tất yếu khách quan, là đòi hỏi của chính sự phát triển lực lượng sản xuất xã hội.

Hệ thống luật pháp phải thừa nhận các quyền của chủ sở hữu đối với đối tượng sở hữu

Trong nền kinh tế quá độ của nước ta tồn tại đồng thời cả chế độ sở hữu tư nhân (chế độ tư hữu) với nhiều hình thức sở hữu và cả chế độ sở hữu xã hội (chế độ công hữu) với nhiều hình thức sở hữu, ngoài ra còn tồn tại cả hình thức sở hữu hỗn hợp, là một tất yếu kinh tế do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất xã hội quyết định.

Lấy mục tiêu giải phóng sức sản xuất xã hội, phát triển lực lượng sản xuất xã hội; lấy mục tiêu hiệu quả kinh tế – xã hội, phát triển đất nước bền vững, sáng tạo, bao trùm; lấy mục tiêu vì con người phát triển tự do, toàn diện, hạnh phúc... làm tiêu chuẩn cho sự tồn tại, phát triển chế độ sở hữu nào, hình thức sở hữu nào. Nội dung kinh tế của sở hữu thể hiện ở lợi ích kinh tế mà chủ thể sở hữu được hưởng (nhận được) từ đối tượng sở hữu.

Lợi ích kinh tế là mục đích của chủ sở hữu. Những lợi ích kinh tế mà đối tượng sở hữu mang lại thì chủ sở hữu không được hưởng toàn bộ, mà chỉ được hưởng một phần, phần còn lại phải đóng góp vào lợi ích chung của toàn xã hội, của đất nước. Sở hữu thành phương tiện chủ yếu để đạt tới các mục tiêu kinh tế của chủ sở hữu.

Các chủ thể sở hữu không chỉ quan tâm tới đối tượng sở hữu, cái mà họ quan tâm hơn là giá trị gia tăng được tạo ra từ các đối tượng sở hữu đó. Để đạt  được điều đó, chủ sở hữu phải hết sức quan tâm đối tượng sở hữu nào đem lại sự gia tăng giá trị cao nhất (ngày nay là tri thức, là trí tuệ con người, là trí tuệ nhân tạo, là công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ kỹ thuật số…) và làm thế nào, với phương thức nào để đối tượng sở hữu mang lại giá trị gia tăng cao nhất.

Vì vậy phải hợp lý hóa, tối ưu hóa việc tổ chức và quản lý quá trình sản xuất - kinh doanh v.v… để có hiệu quả kinh tế hợp lý.

Quan hệ sở hữu là quan hệ khách quan do trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất quyết định. Quan hệ sở hữu vừa là kết quả, vừa là điều kiện cho sự phát triển lực lượng sản xuất. Quan hệ sở hữu là quan hệ bản chất bên trong của quan hệ giữa người với người trong việc chiếm hữu của cải vật chất xã hội, nhưng quan hệ sở hữu là quan hệ trừu tượng.

Muốn hiện thực hóa quan hệ sở hữu thì phải thể chế hóa bằng quan hệ pháp lý thành chế độ sở hữu. Chế độ sở hữu là sự thể chế hóa có tính chất pháp lý, là nội dung pháp lý của quan hệ sở hữu đang tồn tại khách quan trong mỗi chế độ xã hội.

Quan hệ sở hữu là nội dung bản chất bên trong, chế độ sở hữu là quy định pháp lý để hiện thực hóa quan hệ sở hữu khách quan đó. Hệ thống luật pháp phải thừa nhận các quyền của chủ sở hữu đối với đối tượng sở hữu (cả các nguồn lực đầu vào hữu hình và vô hình, cả các sản phẩm được tạo ra từ các nguồn lực đầu vào đó).

Pháp luật quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ sở hữu đối với đối tượng sở hữu và lợi ích do đối tượng sở hữu đó mang lại. Chế độ sở hữu bao gồm các quyền như quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền quản lý kinh doanh (quyền sử dụng), quyền thực hiện lợi ích kinh tế, quyền kiểm soát, quyền định đoạt tài sản, quyền chuyển nhượng, mua - bán tài sản  (hữu hình và vô hình), quyền thừa kế, cho, biếu, tặng tài sản…

Trong đó, có hai nhóm quyền quan trọng là quyền sở hữu và quyền sử dụng. Hai nhóm quyền này có thể thống nhất ở một chủ thể, hoặc có thể tách rời ở nhiều chủ thể… Hình thức sở hữu là biểu hiện trên bề mặt xã hội của quan hệ sở hữu, thể hiện ra thông qua hoạt động của các chủ thể sở hữu.

Trong nền kinh tế quá độ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay do trình độ phát triển chưa cao, chưa đồng đều của lực lượng sản xuất mà còn tồn tại khách quan cả chế độ sở hữu tư nhân (chế độ tư hữu) với nhiều hình thức sở hữu như: hình thức sở hữu tư nhân của cá thể, của hộ gia đình, của tiểu chủ, của nhà tư bản (sở hữu tư nhân tư bản), của tập đoàn tư bản… và cả chế độ sở hữu xã hội (chế độ công hữu) với các hình thức sở hữu như: sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể…

Đồng thời còn có hình thức sở hữu hỗn hợp là hình thức sở hữu đan xen các hình thức sở hữu trong cùng một đơn vị kinh tế. Đó là cơ sở tồn tại của nhiều thành phần kinh tế. 

PGS.TS Vũ Văn Phúc (Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương)

ĐỔI MỚI TƯ DUY PHÁT TRIỂN

LAN ANH/ TVN 12-11-2020

Trong giai đoạn 2021 - 2030 tới đây, cần đổi mới tư duy, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo dự thảo Báo cáo chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 đang được đưa ra để lấy ý kiến nhân dân, giai đoạn 2011- 2020, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu. Sau 35 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều về quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện; tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ đó, kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, niềm tin của cộng đồng DN và xã hội tăng lên. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn. Khu vực tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. 

Nền chính trị - xã hội được ổn định, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh, đời sống người dân được cải thiện. Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong 10 năm tiếp theo 2021- 2030.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện chiến lược giai đoạn 2011- 2020 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nguy cơ tụt hậu còn lớn, các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực… để đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp so với yêu cầu.

Đổi mới tư duy phát triển

Cần đổi mới tư duy, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Trình độ khoa học, công nghệ, năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; năng lực tiếp cận nền kinh tế số, xã hội số còn hạn chế. Tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu. Quá trình đô thị hoá đang tiếp tục diễn ra nhanh tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia cũng gặp nhiều khó khăn thách thức.

3 đột phá chiến lược

Để khắc phục những hạn chế đó, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 cho rằng cần đổi mới tư duy, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

PGS.TS. Bùi Tất Thắng, thành viên thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD. 

Ông Thắng cho biết, trong giai đoạn 10 năm tới, Việt Nam sẽ tập trung vào 3 đột phá chiến lược bao gồm:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ.

Thứ hai, tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sân chơi thực sự bình đẳng 

Góp ý cho dự thảo tại cuộc tham vấn ở Hà Nội, nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, cần rà soát, đánh giá các quy định pháp lý hiện hành, đảm bảo không còn chồng chéo, tạo những tắc nghẽn ngoài ý muốn cho DN và người dân. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch đối với người dân trong các hoạt động giám sát và thực thi chính sách. 

Đổi mới tư duy phát triển
Mục tiêu đóng góp của khu vực tư nhân từ 60-65% GDP vào năm 2030 là mục tiêu đầy tham vọng, so với mức độ đóng góp hiện nay là 43% GDP

Nhóm chuyên gia đánh giá cao Chiến lược không đề cập đến việc khu vực nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và tập trung vào các lực lượng thị trường khi phân bổ nguồn lực. Dự thảo nêu rõ các DN nhà nước sẽ được duy trì như những tác nhân quan trọng trong nền kinh tế quốc doanh. Đây là điều đảm bảo sân chơi thực sự bình đẳng giữa DN nhà nước và khu vực tư nhân, chú trọng phát triển khu vực tư nhân trong nước và biến khu vực này trở thành động lực thực sự của phát triển kinh tế.

Mục tiêu đóng góp của khu vực tư nhân từ 60-65% GDP vào năm 2030 là mục tiêu đầy tham vọng, so với mức độ đóng góp hiện nay là 43% GDP. Điều đó có nghĩa tỷ trọng của khu vực nhà nước trong GDP sẽ giảm đáng kể, giả sử FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Do đó, Chiến lược nên có cả mục tiêu về cải cách DN nhà nước.

Bên cạnh đó, khuyến nghị nên thay mục tiêu hiện nay “tổng đóng góp của khu vực tư nhân chiếm 60-65% GDP” bằng đóng góp của khu vực tư nhân trong nước đã đăng ký, có thể từ khoảng 10% GDP hiện nay lên 25% GDP vào năm 2030. Điều này sẽ phản ánh sự tập trung vào các doanh nghiệp trong nước, không chỉ ở mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp, mà còn đặt mục tiêu có những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, điều này sẽ cho thấy sự thay đổi về chất khi xét về quy mô của các doanh nghiệp tư nhân.

Đạt được mục tiêu này, cùng với các mục tiêu GDP khác, có nghĩa là giá trị gia tăng trung bình do một DN tư nhân tạo ra sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, do đó khắc phục được vấn đề quy mô nhỏ của DN trong nước, một nguyên nhân chính dẫn đến mối liên kết còn hạn chế giữa các DN FDI và khu vực trong nước.

Mặc dù có đề cập đến sự cần thiết phải khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, dường như trọng tâm của dự thảo Chiến lược là những tác động ngắn hạn của đại dịch. Tuy nhiên, các tác động này dự kiến sẽ kéo dài và nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng dự thảo sẽ hoàn thiện hơn nếu có thể mở rộng phạm vi của dịch Covid-19 để đưa vào những thay đổi cần thiết trong mô hình tăng trưởng do đại dịch gây ra. 

Đối với dịch Covid-19, các mục tiêu cụ thể về du lịch (47-50 triệu khách du lịch quốc tế và 14-15% GDP vào năm 2030) có thể cần phải được xem xét lại.

Đổi mới tư duy phát triển
Thực hiện phân cấp tài khóa để chính quyền địa phương có thể quản lý áp lực đô thị hóa

Dự thảo đặt mục tiêu là ngành sản xuất công nghiệp phải tạo ra mức thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD vào năm 2030. Với mức 900 USD hiện nay, điều này cho thấy mức tăng trưởng danh nghĩa là 8,3%, một mục tiêu khá thấp so với mục tiêu tăng trưởng GDP chung. Đối với ngành du lịch, vì các hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực dịch vụ khác nhau, do đó không có một mã duy nhất. Do vậy, các mục tiêu của ngành sẽ khó theo dõi và đánh giá, trừ khi có định nghĩa rõ ràng về ngành này.

Về chiến lược FDI có thể được mở rộng để bao gồm việc thay đổi ưu đãi đầu tư từ trước đầu tư sang sau đầu tư và tập trung vào những ưu đãi dựa trên kết quả hoạt động. Các khu công nghiệp cần được phát triển trên cơ sở chuyên môn hóa và lợi thế của tỉnh, có tính đến các mối liên kết, kết nối giữa các tỉnh và năng lực điều phối vùng của tỉnh và vùng. Các khu công nghiệp cần đẩy nhanh quá trình hình thành các cụm công nghiệp và chuỗi giá trị trong nước.

Tái cơ cấu giao thông, phân cấp tài khóa

Giao thông cũng là một trong những vấn đề quan tâm ở Việt Nam. Phát triển hệ thống giao thông sạch có thể giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường các giải pháp tăng trưởng xanh.

Ngành giao thông có thể xem xét các giải pháp sau: Thứ nhất, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hệ thống giao thông và thúc đẩy vận tải hàng hóa từ đường bộ sang những phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu hơn và ít phát thải (như đường thủy và đường sắt). Thứ hai, thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong đô thị; đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến buýt nhanh, đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Thứ ba, thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu sạch cho xe cơ giới…

Về phát triển kinh tế vùng, mục tiêu đối với chính quyền địa phương cũng sẽ được nâng lên với việc xác định rõ hơn vai trò và trách nhiệm giữa trung ương và địa phương. Phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng sẽ được liên kết chặt chẽ hơn để phát huy thế mạnh của địa phương. Phân định rõ thu, chi của các cấp ngân sách để nâng cao vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích và phát huy tính sáng tạo của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, để phân cấp thực sự được thực hiện và có hiệu quả, cần bổ sung 3 nội dung cải cách cần thực hiện đến năm 2030.

Thứ nhất, thực hiện phân cấp tài khóa để chính quyền địa phương có thể quản lý áp lực đô thị hóa. Chính quyền địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM phải được giữ lại ít nhất 50% nguồn thu do địa phương tạo ra.

Thứ hai, đơn giản hoá quy trình lập kế hoạch hàng năm và trao đổi về ngân sách giữa các cấp chính quyền địa phương và trung ương và áp dụng một công thức chuyển vốn ngân sách minh bạch và dễ dự đoán hơn.

Cuối cùng, thay đổi hệ thống chính sách ưu đãi đối với chính quyền địa phương, tức là chuyển từ hệ thống cấp bậc dựa trên GDP và đầu tư vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn sang hiệu quả hoạt động và trách nhiệm giải trình.

Lan Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét