Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

20201110. NỖI LO TRI THỨC BỊ ĐÁNH CẮP

 ĐIỂM BÁO MẠNG    


'ĐẠO' TRI THỨC
ĐẶNG HÙNG VÕ/ VnEx 2-11-2020
Đặng Hùng Võ
Chuyên gia Quản lý tài nguyên

Tôi biết đôi câu chuyện có dáng dấp trinh thám với nhiều uẩn khúc.

Tôi có ông thầy, nhưng thân tình như bạn, gặp phải tình huống éo le. Anh làm luận án Phó tiến sỹ tại trường Tổng hợp Lomonosov, Nga. Luận án đã bảo vệ thành công và không có gì vướng mắc. Dăm năm sau, anh được vào tầm ngắm đưa lên lãnh đạo một đại học ở Việt Nam. Có ý kiến tố rằng luận văn của anh có một trang đạo nguyên từ luận văn khác. Bên tố cáo bố trí người sang tận thư viện của trường Lomonosov để chụp ảnh trang đó. Nhưng sang tới nơi, mượn được cuốn luận văn từ thủ thư, trang luận án kia bị xé mất rồi. Câu chuyện lửng lơ tại đó. Tôi thương anh lắm, nhưng cũng đành phải nghĩ rằng sự đạo một trang luận án ấy chắc là có thật.

Gần đây thôi, toà án Hà Nội xét xử vụ người bị tố đạo 30% luận án tiến sỹ kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo việc đã quyết định thu hồi bằng tiến sỹ của anh. Luận án được bảo vệ thành công vào năm 2003 tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Mười năm sau, 2013, chính vị hiệu trưởng mà mười năm trước làm chủ tịch cả ba hội đồng chấm luận án này (hội đồng bảo vệ chuyên đề, hội đồng bảo vệ cấp cơ sở và hội đồng bảo vệ luận án cấp trường) lại làm đơn tố cáo nghiên cứu sinh đã đạo 30% luận án từ một luận án khác tại một đại học khác. Hội đồng khoa học được lập ra để xác minh cũng kết luận như vậy. Thanh tra bộ cũng kết luận như vậy. Và Bộ trưởng ban hành quyết định thu hồi bằng tiến sỹ mà trường đã cấp. Toà xét xử, kết luận nguyên đơn thắng và Bộ trưởng thua kiện. Qua vụ việc, nhiều bạn tôi ở trường đó cho rằng việc tố cáo đạo luận án chỉ là cách để giải quyết "vấn đề cán bộ" khi người bị tố cáo có khả năng thăng tiến.

Cậu con trai lớn có lần hỏi tôi, sao lại dùng từ "đạo văn" mà không phải là "trộm cắp văn". Con tôi hỏi câu trên là vì tra từ "đạo" tại bất kỳ tự điển Hán - Việt nào cũng cho nghĩa là "trộm cắp cái của người khác làm của mình". Tôi trả lời con rằng, thời xưa ở ta chữ nghĩa phần lớn dùng từ Hán - Việt, vậy nên người ta sử dụng từ "đạo" trong Hán - Việt để nói về hành vi trộm cắp văn chương, khác với hành vi trộm cắp những thứ cụ thể - được dùng chữ Nôm cho dân gian dễ hiểu.

Ngày xưa, chuyện đạo văn cũng có, nhưng giới học hành cũng không ghép vào tội trộm cắp, mà chỉ kháo nhau, chê bai để trở thành bia miệng. Cũng vì người xưa rất ngại bia miệng - từ bậc quân tử bị coi thành tiểu nhân - nên đạo văn cũng chỉ có trong thời đạo đức suy đồi. Các bậc nho sĩ thường rất trọng danh dự, luôn tự mình biết xấu hổ. Hơn nữa, văn chương đâu có bán ngay ra được tiền. Chữ nghĩa để làm quan, rồi làm quan mới có tiền. Từ đạo văn mà ra được đến tiền cũng quá xa xôi nên không mấy ai làm.

Trong những giai đoạn phong kiến suy vi, người ta dùng tiền để mua bằng cấp, không mấy ai dùng cách đạo văn để có bằng. Vào thời thi cử suy biến, tiền mua được bằng tiến sỹ. Cụ Tam nguyên Yên đổ Nguyễn Khuyến đã có hai bài thơ vịnh tiến sỹ giấy. "Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ/ Nghĩ rằng đồ thật, hoá đồ chơi" mô tả thời buổi nhiễu nhương đó.

Xã hội tiến lên, chữ nghĩa cũng trở thành hàng hoá, người ta gọi là hàng hoá phi vật thể, có giá trị trên thị trường, có được danh và bán được lợi. Cụ thể hơn, nó có thể là đoạn văn, câu thơ, nét nhạc, một công thức, phát kiến công nghệ, luận án tiến sỹ, một thủ pháp thương mại hay ý tưởng trong phát biểu nào đó. Tệ nạn đạo tri thức cũng mạnh hơn, người ta đạo nó vì cả danh lẫn lợi.

Sự thực, tri thức là thứ không tồn tại dưới dạng vật thể, không cất giấu được nên chứng minh rằng ý tưởng này là của anh hay của tôi rất khó. Người ta đã đưa ra phương thức đăng ký bản quyền để xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá tri thức, nhưng cơ chế này chỉ để giải quyết khi tranh chấp xảy ra. Cách nước này đạo ý tưởng, công nghệ của nước khác hiện tràn lan khắp nơi, kiện tụng cũng không giải quyết được. Biden, ứng cử viên Tổng thống Mỹ, mới bị tố đạo diễn văn của người khác từ năm 1987, hay phu nhân Tổng thống Trump cũng bị tố đạo ý phát biểu của phu nhân Tổng thống Obama. Tố lên để "dìm hàng" trong cạnh tranh là chính. Quả là muôn màu muôn vẻ.

Ở Việt Nam, nạn tố đạo luận án tiến sỹ cũng hay xảy ra, nhiều trường hợp bằng giả cũng bị phát hiện. Bằng thật mà nội dung giả có lẽ được quan tâm nhiều hơn, nhưng rồi cũng khó điều tra và kết luận. Ngoài những chuyện trên còn nhiều sự tích nữa. Chỉ đáng buồn, các vụ tố đạo luận văn thường không xuất phát từ mong muốn làm trong sáng đạo đức học thuật hay vì lẽ công bằng cho kinh tế tri thức mà dường như được sử dụng làm công cụ hạ bệ lẫn nhau.

Tuyển chọn cán bộ của ta tại nhiều vị trí thực ra không liên quan đến khoa học, cũng không nên sử dụng tiêu chí bằng cấp học thuật trong lựa chọn cán bộ làm gì. Nghề quản lý cần kỹ năng quản trị và cái tâm là chính. Người có học vị chỉ dành cho các cơ sở khoa học.

Tôi mong Luật Tố cáo được điều chỉnh theo hướng đưa ra quy trình giải quyết đối với các tố cáo đạo tri thức kèm chế tài mạnh. Đặc biệt, tổ chức nào mới có quyền kết luận tài liệu là "đạo" hay "không đạo" vô cùng quan trọng. Có vậy, tiến sỹ giấy mới giảm và tiến sỹ thật mới có đất dụng võ.

Đặng Hùng Võ

NỖI LO BỊ ĐÁNH CẮP BÍ QUYẾT CÔNG NGHỆ Ở MỸ *

NGÔ NHÂN DỤNG/ VOA/ BVN 8-11-2020


Gà công nghiệp Mỹ 

Có lẽ những người vui mừng nhất mấy hôm nay là các ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Bộ máy tuyên truyền ở Moscow và Bắc Kinh sẽ ca tụng chế độ độc tài ở nước họ, họ chỉ mong tất cả mọi người cúi đầu thần phục lãnh tụ. Họ sẽ so sánh với cảnh hỗn độn, có lúc hỗn loạn trong chế độ dân chủ, như mùa tranh cử năm nay ở Mỹ.

Dân Nga chắc chắn không đồng ý, vì họ đã trải qua một thời gian tập sống dân chủ. Thà tranh cử ồn ào, hỗn loạn, nhưng người dân được bầy tỏ ý kiến qua lá phiếu, còn hơn phải chấp nhận cảnh Putin độc diễn không biết bao nhiêu năm nữa! Kinh tế Nga suy sụp, nhưng tay chân của Putin vẫn làm giàu, còn những nhà chính trị, nhà báo đối lập liên tiếp bị trấn áp, bị ám sát! Aleksei Navalny vừa mới bị đầu độc! Còn người dân Trung Quốc sẽ nghĩ sao? Cũng như người Việt Nam, chắc họ cũng không muốn sống mãi mãi trong cảnh “Đảng cử, dân bầu!” Họ sẽ thấy, khi mùa bầu cử qua rồi, nước Mỹ vẫn là nước Mỹ!

Nước Mỹ vẫn là nước Mỹ. Người ta sống tự do. Không thích chính quyền thì bỏ phiếu để thay đổi; hoặc thích thì bỏ phiếu giữ lại. Dẫn đầu thế giới về các phát minh, sáng chế. Những sản phẩm của nền kinh tế tri thức được phát triển vì con người được tự do. Chế độ độc tài và kinh tế chỉ huy không khuyến khích người ta suy nghĩ tự do. Khoa học, kỹ thuật ở Nga, ở Tàu, chậm chân mấy chục năm so với Âu, Mỹ cũng vì thiếu tự do.

Tập Cận Bình đang khản tiếng kêu gọi các công ty Trung Quốc chế tạo “chip” thật nhiều để khỏi bị lệ thuộc vào các nhà sản xuất chịp của Mỹ và Anh. Cả thế giới đều biết chuyện đó. Nhưng chế tạo các loại chip rẻ tiền thì dễ, bây giờ nước nào cũng làm được, Đến khi cần các loại chip mới nhất, dùng trong các máy vi tính tối tân thì các công ty trong lục địa Trung Hoa vẫn còn đi sau các công ty Anh, Mỹ, cần một thế hệ chuyên làm công việc nghiên cứu!

Có một món ăn chiếm địa vị ưu việt trong thực đơn của người Trung Hoa là thịt gà, thì nhà nuôi gà công nghiệp ở bên Tàu cũng vẫn lệ thuộc vào một sản phẩm tri thức của Mỹ, giống như các con chip điện tử!

Báo Economist tuần này mới kể chuyện một cơ xưởng nuôi gà công nghiệp ở tỉnh Giang Tô bên Trung Quốc. Họ nuôi thứ gà “lông trắng” nhập cảng giống từ các công ty Aviagen và Tyson ở Mỹ. Gà Mỹ nuôi trong 40 ngày đã nặng 2.5 ký. Còn gà Trung Quốc, lông vàng, phải nuôi đến 80 ngày mới lớn lên và chỉ nặng bằng một nửa.

Nhà nuôi gà này vẫn phải mua gà con từ nước Mỹ. Các con gà lớn nhanh này đã được các công ty Mỹ nghiên cứu gây giống. Công trình gây giống gà năng suất cao này mất 80 năm mới thành! Tám mươi năm, tốn bao nhiêu công sức và tiền đầu tư. Kỹ thuật gia tăng năng suất lớn nhanh cho con gà là một nguồn lợi nhuận lớn, có thể bán gà con với giá cao! Cho nên các công ty Mỹ giữ bí mật.

Cái giống gà đó, cho nó đẻ trứng và ấp thành gà con, một con gà đúng giống này có thể sinh ra 4 triệu con gà con. Nhưng sang thế hệ thứ hai thì cái gien đã thay đổi, không thể sinh ra loại gà con có thể lớn nhanh như gà mẹ nữa. Mỗi thế hệ thì năng suất lại giảm bớt!

Những con gà con thuộc thế hệ thứ hai được đưa qua các “xưởng nuôi gà” ở Anh quốc, Brazil, New Zealand, đẻ ra gà con thế hệ thứ ba. Mỗi năm các nhà nuôi gà bên Trung Quốc, như ở Giang Tô, mua 1.6 triệu những con gà này. Họ nuôi trong sáu tháng, cho sinh ra thế hệ thứ tư, thứ năm, bán cho các nhà nuôi gà khác trong nước.

Các công ty Mỹ chỉ bán gà con thuộc thế hệ thứ ba đến thứ năm cho nhà nuôi gà bên Trung Quốc! Người Trung Quốc có cho gà đẻ rồi ấp trứng, sanh gà con thì năng suất cũng giảm xuống. Cho nên phải tiếp tục nhập cảng gà con thế hệ thứ ba.

Tập Cận Bình sẽ tiếp tục thúc đẩy các công ty Trung Quốc nghiên cứu thêm để nghiên cứu làm chip và nuôi gà giống! Nhưng ngoài khả năng cóp nhặt, bắt chước, làm lại, không biết đến bao giờ một cơ cấu xã hội độc tài chuyên chế có thể phát huy sáng kiến trong khoa học, kỹ thuật!

Trung Cộng chỉ còn cách tuyên truyền dân chúng rằng chế độ “xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung Hoa” của họ là “ưu việt,” không lộn xộn như nền chính trị ở Mỹ!

Nhưng kinh tế Mỹ thịnh vượng trong mấy trăm năm qua chính vì có chế độ tự do dân chủ. Cũng như kinh tế thị trường do người tiêu thụ đóng vai trò quyết định, sức mạnh chế độ dân chủ tự do là người ta dám thí nghiệm. Trên hết, là lòng tin tưởng vào người dân để cho họ tự do bỏ phiếu.

Nếu người Mỹ không hài lòng về kết quả cuộc bỏ phiếu năm nay, họ sẽ có cơ hội làm lại, lật ngược lại, trong bốn năm nữa! Thua keo này bày keo khác.

Trong một năm bầu cử thường người ta chú ý đến các ứng cử viên, những người đi vận động, đi biểu tình. Đó chỉ là mặt nổi của đời sống chính trị. Hạ tầng cơ sở của chế độ dân chủ là những tổ chức chuyên lo làm sao cho mọi người được bỏ phiếu tự do, dễ dàng, không ai bị đe dọa hay mua chuộc. Trong tất cả các cuộc bầu cử, có những người dân bình thường đã âm thầm bảo vệ định chế dân chủ ở nước Mỹ là những người gác thùng phiếu, những người kiểm phiếu, đếm phiếu. Hai đảng chính trị cử người theo dõi tất cả diễn trình bỏ phiếu, từ đầu đến chót. Công việc chính là do những người dân làm công việc ở các trung tâm bỏ phiếu. Họ là những người bảo vệ chế độ tự do dân chủ. Họ được những người cảnh sát canh gác thùng phiếu, các quan tòa xét xử các vụ khiếu nại, kiện tụng, hỗ trợ. Đó là những “chiến sĩ vô danh” của nền dân chủ.

Nước Mỹ đã mất mấy trăm năm xây dựng nền tảng của thể chế dân chủ, gồm các định chế như: Tự do phát biểu; Tự do hội họp; Tam quyền phân lập. Nhưng quan trọng nhất, là tinh thần của người dân nhất định bảo vệ các định chế đó.

Các ông Putin và Tập Cận Bình có thể đánh lừa dân Nga, dân Tàu, trong một thời gian ngắn. Nhưng không ai có thể đánh lừa các dân tộc mãi mãi.

N.N.D.

* Đầu đề do NTB đặt.

Nguồn: voatiengviet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét