Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

20201102. CẬN KỀ NGÀY BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ

 ĐIỂM BÁO MẠNG

FRANK SNEPP : 'ÔNG TRUMP KHÔNG HỀ CHỐNG CỘNG SẢN HAY CHỐNG TRUNG QUỐC'

TINA HÀ GIANG /BBC/ TD 29-10-2020


Ảnh: SAUL LOEB

Việc cộng đồng Mỹ gốc Việt có tỷ số ủng hộ Tổng thống Donald Trump cao nhất (48%, theo AAPI) trong khối cử tri gốc Á, có lẽ không gây bối rối cho ai nhiều như cho Frank Snepp, người phục vụ tại Việt Nam từ 1969 đến 1975.

Frank Snepp, một nhà báo chuyên về phóng sự điều tra, tác giả cuốn ”Decent Interval: An Insider’s Account of Saigon’s Indecent End Told by the CIA’s Chief Strategy Analyst in Vietnam”, còn là nhà phân tích chính về chiến lược Bắc Việt của cơ quan tình báo Mỹ (CIA) tại Sài Gòn, trong cuộc chiến Việt Nam.

Phản ứng trước sự ủng hộ người Mỹ gốc Việt dành cho Tổng thống Donald Trump, ông Frank Snepp dàn trải tâm tư mình trong bài ‘Vietnamese Friends and Other Patriots: Trump Doesn’t Deserve You.’

”Là một nhân viên CIA đã đến công tác tại Việt Nam nhiều lần, và là tác giả của hai cuốn sách về sự sụp đổ của Sài Gòn, cũng như tình cảnh của đồng minh, tôi thấy mình có một mối quan hệ và tình cảm đặc biệt với người Mỹ gốc Việt trên khắp nước Mỹ.” Ông viết.

Nhưng ‘quan hệ đặc biệt’ đó không giúp Frank Snepp hiểu được tại sao rất nhiều người Mỹ gốc Việt lại muốn ông Trump đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

”Tôi rất thất vọng khi biết có bao nhiêu người trong số những người cùng hàng ngũ với tôi này, những người mà vì kinh nghiệm cay đắng lẽ ra phải ghét Donald Trump, lại vẫn cứ ủng hộ ông ấy.” Ông bộc bạch trong bài viết.

Và nằn nì:

”Chao ôi, bạn bè người Việt của tôi ơi, qua sự tán thành dành cho nhà tiên tri giả này, các bạn đã bỏ qua những hô hào phân biệt chủng tộc, thái độ khinh thường của ông ta với người kém may mắn nhất trong xã hội, và quyết tâm làm cho chúng ta chia rẽ của ông ấy.”

”Nếu bạn tin rằng “con người đạo đức” này sẽ đến bên bạn trong giờ phút bạn cần nhất, như khi Sài Gòn thất thủ, thì tôi có lời cảnh báo cho bạn: “Người Kurd”. Khi những đồng minh dũng cảm này trở thành sự bất tiện với chính sách ‘khi thế này, lúc thế khác’ của Trump ở Syria, ông ta sẽ đơn giản bỏ rơi họ. Lần này, sẽ không có bất kỳ trực thăng khẩn cấp nào được đưa đến để mang những người bị bỏ rơi ra khỏi nơi nguy hiểm.”

”Và nếu lỡ bạn có nghĩ rằng những đóng góp khôn lường mà bạn đã làm cho đất nước này sẽ cho phép bạn hưởng bất kỳ sự đối xử đặc biệt nào từ Trump, thì hãy suy nghĩ lại. Mới năm ngoái, Trump đã hủy bỏ thỏa thuận với Việt Nam từ năm 2008, tìm cách trục xuất một số người tị nạn, trong một phần chính sách nhập cư của ông.”

Trả lời câu hỏi của BBC News Tiếng Việt là điều gì đã khiến ông viết một bài viết thống thiết như thế, ông Frank Snepp nói:

“Tôi phục vụ rất lâu trong cuộc chiến Việt Nam với cơ quan CIA, và vì thế có một mối quan hệ và tình cảm đặc biệt với những người Việt tôi làm việc với, và trở thành người tị nạn sau cuộc chiến. Tôi vẫn liên lạc với họ, tôi thực sự quý trọng và yêu mến những người bạn này, và rất để ý đến khuynh hướng chính trị của họ.”

”Tôi đã sắp xếp ý tưởng để chuẩn bị viết bài này lâu rồi, với mục đích thổ lộ tâm can với tất cả những người ủng hộ Trump, không chỉ riêng với người Việt. Nhưng điều làm tôi muốn viết cho bạn bè người Việt, và những người cùng hàng ngũ với tôi tại Little Saigon, Quận Cam, California, là một số Tweets của những người Việt ủng hộ Trump, đăng ngay sau khi ông Trump đàn áp người biểu tình Black Lives Matter. Ông Trump cho người dẹp biểu tình ôn hòa, chỉ để ông ta chụp tấm hình với cuốn kinh thánh trước một thánh đường trước cửa Nhà Trắng. Những tweets này ca ngợi Trump là người ‘kính sợ Chúa’, người bảo vệ tôn giáo, là điều làm tôi hết sức bất bình.”

Frank Snepp old photos
Chụp lại hình ảnh, Frank Snepp nhận Huy chương của CIA năm 
1975, từ Giám đốc CIA William E. Colby (trái). Một nhân viên của 
BBC quay phim Frank Snepp năm 1991 trên nóc Đại sứ quán Hoa 
Kỳ tại Sài Gòn cho một cuốn phim tài liệu (phải). Nguồn ảnh: 
FRANK SNEPP

Hai người Việt Nam này đang làm gì với những Tweets này thế? Tôi tự hỏi, và muốn bàn về sự mê đắm của họ với Trump, vì rõ ràng là mọi điều mà Trump đại diện đi ngược lại niềm tin tôn giáo và quan điểm của người Việt tại Việt Nam trước đây, và cả đến bây giờ.

Có nhiều điều về Trump cho thấy ông không hề có chút lòng trắc ẩn với người Việt. Ông ấy muốn tống cổ những người tị nạn Việt Nam đã phạm bất kỳ tội gì ra khỏi Mỹ, kể cả những người đến Mỹ hồi còn tấm bé. Chính sách nhập cư của ông ấy ảnh hưởng nhiều vào Little Saigon, một trong những nơi có nhiều người Việt.

Thêm vào đó, Trump có mặc cảm tự tôn và xem mình như một Thượng đế. Ông tweet đi những thông điệp so sánh mình với Thượng đế, và người ái mộ xem như ông là Chúa xuống trần. Tôi không thể nào hiểu được tại sao bất kỳ người Việt nào có thể chấp nhận được con người này. Trump cũng không phải là người đàn ông tôn trọng những giá trị gia đình, điều mà văn hóa Việt Nam coi trọng.

BBC: Có nhận định cho rằng sở dĩ người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump là vì quan niệm cứng rắn của ông ta với Trung Quốc. Ông nghĩ sao về điều này?

Frank Snepp: Rất nhiều người Việt Nam bị thu hút bởi đảng Cộng hòa vì đảng Cộng hòa thường có quan điểm chống cộng, và vì thái độ có vẻ cứng rắn của Trump với Tập Cận Bình, vì thế họ cho là ông ấy chống cộng. Dường như là vậy. Nhưng tôi cho đó là những suy nghĩ vớ vẩn.

Ông Trump chỉ làm điều gì có lợi cho bản thân ông ấy. Ông áp thuế lên hàng Trung Quốc, nhưng những thuế suất ấy cuối cùng người Mỹ phải chịu hậu quả. Ông ấy tìm cách đánh lừa chúng ta bằng cách áp thuế để mọi người tin là ông cứng rắn với Bắc Kinh.

Thật ra ông bợ đỡ khen ngợi Tập Cận Bình đến tận mây xanh về việc xử lý virus corona cho đến khi ông quyết định thôi không làm thế nữa. Giờ đây, chúng ta cũng đã biết, từ cựu cố vấn an ninh John Bolton, trong cuốn sách của ông ta, rằng Trump đã cầu xin Trung Quốc giúp ông tái đắc cử bằng cách mua thêm nông sản của Mỹ, để ông lấy được phiếu của giới nông dân. Trump không hề chống cộng. Ông ta cũng không hề chống Trung Quốc.

Đây là một người đàn ông chỉ chuyên giao dịch, đổi chác. Ông ta sẽ làm bất cứ điều gì để lấy phiếu. Làm sao những người Việt đáng kính lại có thể ủng hộ được ông ta một cách ngây thơ như vậy được?

BBCNhiều người Mỹ gốc Á khác cũng ủng hộ ông Trump về cách ông đối phó với Bắc Kinh, nhưng tại sao việc người Việt có cảm tình với Trump lại khiến ông có vẻ khổ tâm như thế?

Frank Snepp: Nhiều người Mỹ gốc Trung Hoa cũng ủng hộ Trump. Nhưng có lẽ vì phục vụ ở Việt Nam rất lâu nên tôi có một cảm tình đặc biệt với người Việt, xem họ là những người cùng hàng ngũ.

Tôi muốn nhắc họ là chúng ta đừng quên thời chiến tranh Việt Nam, khi quý vị và cha anh quý vị hy sinh trên chiến trường để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, ông Trump đã trốn quân dịch. Khi tranh cử tổng thống năm 2016 Trump đã gièm pha chê bai John McCain, người từng chiến đấu bên cạnh những phi công kiêu hùng của miền Nam Việt Nam, rồi bị bắt làm tù binh. Trump không hề tôn trọng John McCain vì ông ấy bị tù.

Bạn có nghĩ rằng Trump ta sẽ tôn trọng những người Việt bị vào tù cải tạo, ra tù đến Mỹ theo diện HO không? Ông ta chẳng có tí tôn trọng nào cho quý vị. Ông ta sẽ gọi bạn là ”loser”. Lúc viết bài viết này, tôi càng viết càng trở nên tức giận.

BBC: Bài viết của ông đã nhận được phản hồi như thế nào, nhất là từ bạn bè người Việt của ông?

Frank Snepp: Tôi nhận được rất nhiều phản ứng về bài viết đó, nhiều bạn trẻ Việt Nam đồng ý với suy nghĩ của tôi. Nhiều người lớn tuổi nói rằng tôi không hiểu họ. Tôi suy luận rằng có lẽ họ phản ứng như thế vì sự thói quen tôn trọng quyền lực, thói quen tôn thờ lãnh tụ có sẵn trong họ.

Có người lập luận với tôi rằng ngoài vấn đề Trung Quốc, họ còn thích Trump vì ông ta khôn ngoan, lợi dụng được hệ thống (game the system) để làm giàu, và vì thế họ đánh giá cao ông ta. Khôn và biết lợi dụng kẽ hở của hệ thống để làm giàu thì tôi còn có thể hiểu được, vì ở Việt Nam khó có cơ hội thay đổi hệ thống. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên, là họ thích cả sự kỳ thị của ông ta, điều này thì tôi không thể nào giải thích nổi.

BBC: Nói đến kỳ thị, ông nghĩ gì về khuynh hướng không ủng hộ phong trào Black Lives Matter của nhiều người Việt?

Frank Snepp: Có vẻ như có một chút kỳ thị nào đó trong cộng đồng Việt mà tôi không hiểu. Tôi có một người bạn Mỹ gốc Việt. Cô ấy nói không bao giờ xin được người nhà giàu người Việt nào đóng góp cho từ thiện, cho những người kém may mắn. Họ có vẻ không có nhiều cảm thông với những người họ cho là không làm việc chăm chỉ như mình.

À, còn có một khía cạnh khác tôi cần phải nói. Đó là việc nhiều người Việt tức giận vì tin Joe Biden không muốn Mỹ giúp đỡ người tị nạn Việt Nam. Nhưng đó là tin giả do phe cực hữu tung ra để bôi xấu Joe Biden, và nhiều người Việt đã tin việc này, mặc cho những dữ kiện và nỗ lực phân tích chứng minh đó không phải là tin thật.

BBC: Thế còn sự cách biệt quan điểm giữa hai thế hệ của người Mỹ gốc Việt thì sao, theo ông?

Frank Snepp: Vâng, có một điều khá rõ ràng là những người trẻ tuổi Việt Nam đang chống lại Trump một cách áp đảo để ủng hộ một điều khác. Họ muốn một cái gì đó khác thế hệ cha mẹ của họ. Họ có thể gặp khó khăn trong việc thuyết phục cha mẹ để họ có cùng hướng nhìn với mình, nhưng giới trẻ có cách tiếp cận đa sắc thái hơn với chính trị, so với thế hệ của cha mẹ họ, và họ đi con đường của họ.

Người Mỹ gốc Á nói chung, trong cuộc bầu cử vừa qua đã bầu nhiều cho đảng Dân chủ. Tuy nhiên nhiều người Việt lớn tuổi vẫn có cái nhìn đặc biệt bảo thủ.

BBC: Bài viết này của ông có khiến ông mất đi nhiều bạn bè người Mỹ gốc Việt không?

Frank Snepp: Tôi rất yêu người Mỹ gốc Việt, thậm chí cả những người Việt lớn tuổi không cùng quan điểm với tôi. Chúng tôi đã chia sẻ nhiều. Bạn tôi chỉ lắc đầu và nói rằng chúng ta suy nghĩ rất khác nhau, nhưng họ nói họ ‘tha thứ’ cho tôi. (cười).

Một người bảo sẽ mời tôi đến Little Saigon ăn tối, và sẽ ‘thay đổi cái nhìn’ của tôi sau bữa ăn tối đó.

Thú thực nếu không có Covid-19, thì tôi đã đến đấy đấy.

DÂN CHỦ NƯỚC MỸ NHÌN TỪ ÚC CHÂU

NGUYỄN QUANG DUY/ BVN 1-11-2020

Bản Tuyên ngôn Độc lập, bản Hiến pháp Hoa Kỳ và các bản Hiến pháp của 50 tiểu bang Hoa Kỳ đều không nhắc đến từ dân chủ (democracy), như vậy tam quyền phân lập có bao hàm ý nghĩa của dân chủ hay không?

Dân chủ định nghĩa theo Hiến pháp

Muốn hiểu được ý nghĩa của tam quyền phân lập tại Mỹ, chúng ta cần quay lại thời lập quốc, năm 1776 với 13 cựu thuộc địa Anh Quốc liên kết trong một liên bang thân hữu (league of friendship) cùng soạn bản Tuyên ngôn Độc lập.

Sau đó, đến năm 1781, những nhà lập quốc lại cùng nhau soạn bản Dự thảo Hiến pháp, theo đó các chính quyền tiểu bang giữ lại chủ quyền lãnh thổ, chính quyền trung ương lo việc ngoại giao và quân sự, mọi quyết định ở trung ương cần ít nhất 9 tiểu bang đồng ý.

Năm 1783, chính quyền trung ương chính thức ký Hòa ước với Anh Quốc, các nhà lập quốc nhận ra rằng, để có thể tồn tại vững vàng chính quyền trung ương cần được quyền in tiền, quyền thu thuế, quyền hòa giải và phân xử tranh chấp giữa các tiểu bang. Nên vào năm 1787 đại biểu từ 12 tiểu bang đã gặp nhau tại Philadelphia để thảo luận về một bản Hiến pháp xây dựng một thể chế cộng hòa liên bang.

Vì mỗi tiểu bang có dân số, có điều kiện văn hóa, địa lý, kinh tế, tôn giáo và sắc tộc khác nhau, nên thay vì chọn phổ thông đầu phiếu, các nhà lập quốc mới nghĩ đến cách bầu tổng thống theo cử tri đoàn, rồi tổng thống đề cử thẩm phán và thượng viện thảo luận thông qua việc đề cử.

Bằng phương cách dân chủ gián tiếp độc đáo này, các tiểu bang có đông dân không thể dùng lá phiếu cử tri để lấn áp quyền lực và quyền lợi của các tiểu bang nhỏ có dân số ít.

Các tiểu bang chịu trách nhiệm về y tế, giáo dục, an ninh trật tự, an sinh xã hội, điều hành các cuộc bầu cử và hầu hết những vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống của người dân.

Trong khi chính quyền liên bang chỉ nắm quyền về ngoại giao, quốc phòng, tiền tệ và quyền hòa giải, phân xử tranh chấp giữa các tiểu bang và giữa liên bang với các tiểu bang.

Bảo thủ chống cấp tiến

Từ đó đến nay vẫn có 2 luồng tư tưởng chính trị:

- Tư tưởng bảo thủ cho rằng các chính phủ tiểu bang gần với dân hơn chính phủ liên bang nên phục vụ người dân tốt hơn, vì thế cần giữ nguyên mô hình dân chủ gián tiếp như bản Hiến pháp đã viết ra.

- Tư tưởng cấp tiến lại cho rằng thế giới đã thay đổi rất nhiều, những điều ghi trong Hiến pháp cần được mở rộng hay thay thế, chính quyền trung ương cũng cần được mở rộng quyền lực.

Các tiểu bang cũng có hành pháp, lập pháp và tư pháp riêng và nhiều tiểu bang từ thống đốc, dân biểu, nghị sĩ và thẩm phán đều thông qua bầu phiếu trực tiếp.

Đã có một số đề nghị tu chính Hiến pháp: tổng thống và các thẩm phán liên bang phải thông qua phổ thông đầu phiếu.

Nhưng muốn tu chính cần 2/3 dân biểu ở Hạ Viện đồng ý, rồi cần 2/3 nghị sĩ ở Thượng Viện đồng ý và rồi lại cần 3/4 các tiểu bang đồng thuận.

Cách thức khác là 50 tiểu bang ngồi lại để soạn ra cách thức bầu cử mới, nói cách khác một hiến pháp mới.

Trên thực tế việc bất đồng quan điểm, khuynh hướng, niềm tin và nhất là lợi ích giữa các tiểu bang càng ngày càng đa dạng, mở rộng và phức tạp hơn, nên việc tu chính hay một hiến pháp mới sẽ khó có thể xảy ra.

Từ một liên bang thân hữu lỏng lẻo, chỉ trong vòng 100 năm, Hoa Kỳ đã trở thành một cường quốc số một trên thế giới và giữ vững vị thế này đến nay.

So với Liên minh Châu Âu, hiện Anh Quốc đã rút ra, các nước còn lại đầy mâu thuẫn về quyền lợi mới thấy được viễn kiến của các nhà lập quốc Hoa Kỳ.

Đảng Dân chủ Cộng hòa

Bản Hiến pháp quy định luật hoạt động chính trị chung cho các đảng chính trị từ liên bang xuống đến tiểu bang và xuống tận địa phương, biết về lịch sử thành lập đảng chính trị sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nền dân chủ tại Mỹ.

Đảng Dân chủ Cộng hòa được thành lập vào năm 1791 nhằm cạnh tranh với đảng Liên bang gồm những nhà quý tộc Anh và những nhà tư sản muốn tạo ra một ngân hàng liên bang và đề cao sức mạnh của chính quyền liên bang.

Đảng Dân chủ Cộng hòa chủ trương chính quyền liên bang phải hoạt động trong vòng Hiến pháp theo đúng nghĩa đã được viết ra để bảo vệ các tiểu bang, nhờ đó đảng này được giới công nhân và nông dân nhiệt tình ủng hộ, khiến đảng Liên bang liên tục thất cử và đến năm 1812 ngừng sinh hoạt.

Không còn cạnh tranh chính trị, nội bộ đảng Dân chủ Cộng hòa bắt đầu chia làm 2 cánh: một cánh ủng hộ và một cánh chống lại tình trạng nô lệ.

Một số tiểu bang miền Bắc đã hủy bỏ chế độ nô lệ trước khi Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1776, muốn phát triển về kỹ nghệ, nên giới tư bản và công nhân đã chống lại tình trạng nô lệ và nhiệt tình ủng hộ đảng Cộng hòa.

Cánh miền Nam đa số là nông dân cần nô lệ phục vụ nông trại, đồng thời muốn mở rộng đất đai về phía Nam và phía Tây nên ủng hộ đảng Dân chủ.

Trong cuộc bầu cử năm 1860, đảng Cộng hòa nhờ tập trung vào đề tài giải phóng nô lệ mà mang lại chiến thắng cho Tổng thống Abraham Lincoln, nhưng đồng thời cũng dẫn đến nội chiến Bắc Nam.

Trong gần một thế kỷ, đảng Cộng hòa được xem là đảng cấp tiến, chính phủ không xen vào chuyện cá nhân hay gia đình, cởi mở di dân, chi tiêu rộng rãi, mở rộng kỹ nghệ, bảo vệ thị trường và xây dựng chính quyền trung ương mạnh.

Đảng Dân chủ được coi là bảo thủ cho rằng chính phủ trung ương không được phép đưa ra các đạo luật can thiệp vào tôn giáo hay đạo đức, thuế thấp và không được xen vào chuyện của các chính phủ tiểu bang.

Người da đen mặc dầu đã được tham gia bầu cử ở liên bang cũng như ở tiểu bang, nhưng đảng Dân chủ vẫn thuộc người da trắng và vẫn cấm người da đen tham gia các cuộc bầu cử sơ bộ.

Đảng Dân chủ đổi chiều…

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930, Tổng thống Franklin Roosevelt (1933-1945) thắng cử đã đưa ra Đối Sách Mới (New Deal) và chuyển đảng Dân chủ thành một đảng với khuynh hướng cấp tiến cải tổ xã hội, chăm lo cho tầng lớp lao động và xây dựng hệ thống an sinh xã hội.

Người da đen bắt đầu được quyền tham gia các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ nên cũng bắt đầu chuyển sang sinh hoạt với đảng Dân chủ.

Đến thời Tổng thống John Kennedy và Tổng thống Lyndon Johnson thực hiện kế hoạch chống lại nghèo đói bất công và ban hành Đạo Luật về Dân Quyền chống kỳ thị chủng tộc, nên đa số cử tri da đen chuyển sang bầu cho đảng Dân chủ.

Sang đến thời Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống Barack Obama, chính sách tân tự do, mở cửa thị trường gây nạn thất nghiệp trong khu vực công nghiệp, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của người lao động và nhất là người lao động Mỹ da đen.

Kết quả cuộc thăm dò cử tri vào tháng 7/2016 do hãng Rasmussen thực hiện, chỉ 13% cử tri cho rằng cuộc sống của thanh niên người Mỹ da đen đã tốt hơn kể từ cuộc bầu cử của Tổng thống Obama vào tháng 11/2008. Trong khi đó có tới 41% tin rằng đời sống trở nên tồi tệ hơn, và 39% tin rằng cuộc sống của thanh niên da đen không có gì thay đổi.

Sự thất bại của Chính phủ Obama đã giúp Tổng thống Trump thắng cử, người lao động da trắng đã bỏ phiếu cho ông, trong khi cử tri da đen đã không đi bầu.

Đầu tháng 6/2019 hãng Rasmussen thực hiện khảo sát khác cho thấy 33% cử tri cho rằng cuộc sống của những người Mỹ da đen trẻ tuổi đã trở nên tốt hơn kể từ ngày ông Trump thắng cử, 20% cao hơn 8 năm cầm quyền của Tổng thống Obama. Chừng 36% cử tri cho rằng tình trạng trở nên tồi tệ hơn, và 22% đánh giá cuộc sống của những người trẻ tuổi da đen không có gì thay đổi.

Trong khoảng thời gian tiến hành cuộc khảo sát, tháng 6/2019, nhờ những chính sách kinh tế của Chính phủ Trump, con số thất nghiệp đã xuống thật thấp, nhiều người lao động và người Mỹ da đen đã có được công ăn việc làm.

Theo các cuộc khảo sát gần đây, nhiều cử tri người Mỹ da đen đã chuyển sang bầu cho đảng Cộng hòa, có 2 ứng cử viên trẻ người Mỹ da đen hy vọng sẽ thắng cử là ông John James ứng cử thượng viện tiểu bang Michigan và bà Kim Klacik ứng cử Hạ Viện đại diện khu vực số 7 Maryland.

Trong khi đó đảng Dân chủ vẫn tự tin là cử tri da đen sẽ tiếp tục ủng hộ đảng này, ông Joe Biden vừa rồi tuyên bố người Mỹ da đen không bầu cho đảng Dân chủ thì họ không phải là người Mỹ da đen.

Chính sách cởi mở di trú của đảng Dân Chủ có từ thời Tổng Thống Lyndon Johnson cũng giúp đảng Dân Chủ có được số cử tri ngày càng tăng từ các di dân, nhất là từ di dân gốc Á châu và Nam Mỹ.

Bầu cử 2020

Ông Trump tiếp tục tranh cử với chủ trương nước Mỹ trên hết được ông ngắn gọn giải thích như sau:

Một người có lo được cho mình, thì mới lo được cho gia đình, mới đóng góp được cho cộng đồng, cho đất nước và cho thế giới, nên trách nhiệm ưu tiên hàng đầu của chính phủ là phải lo cho dân Mỹ có công ăn việc làm.

Nước Mỹ có giàu, có mạnh, có ổn định thì mới có khả năng đóng góp cho thế giới và nếu ông thắng cử ông sẽ tiếp tục chính sách như nhiệm kỳ trước: nước Mỹ trên hết.

Ngược lại các chính sách của ông Biden quay trở lại với thời chính phủ Obama, một mặt tăng thuế, tăng sự can thiệp chính phủ liên bang vào tiểu bang và trở lại chính sách ngoại giao theo khuynh hướng tân tự do toàn cầu hóa.

Cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống lần thứ hai ông Biden đã tỏ ra gần gũi hơn với cánh tả cấp tiến dân chủ xã hội, với “Bidencare” một bước tiến tới hệ thống y tế miễn phí cho toàn dân, mức lương tối thiểu $15/1giờ, giáo dục đại học miễn phí và đặc biệt là xóa bỏ kỹ nghệ khai thác dầu khí từ mỏ dầu và các mỏ đá phiến.

Chiến dịch tranh cử

Quỹ tranh cử của ông Biden nhiều hơn của ông Trump vài trăm triệu Mỹ Kim, đa số là các khoản tiền lớn do các nhà tư bản tài phiệt đóng góp, nhờ thế ông Biden có nhiều tiền để quảng cáo tranh cử, tập trung vào những tiêu cực của ông Trump và đề cao ông Biden là người thay thế.

Ông Trump có ít tiền hơn, nhưng đa số đến từ các đóng góp nhỏ, chiến dịch tranh cử cũng khác với hằng ngàn thiện nguyện viên gõ cửa từng nhà đến từng tổ chức vận động cho ông, đồng thời ông bay từ tiểu bang này sang tiểu bang khác liên tục tiếp xúc với hằng chục ngàn người dầm mưa chịu lạnh tiếp đón ông.

Cánh tả dân chủ xã hội không nhận đóng góp từ giới tư bản tài phiệt, mà nhận từ hằng triệu cá nhân đóng những khoản tiền nhỏ, họ cũng gõ cửa từng nhà, đến từng tổ chức, mở các diễn đàn thu hút giới trẻ vào tranh luận và nhất là vận động bầu cử bằng cách công khai minh bạch đường lối chính sách cấp tiến dân chủ xã hội.

Ông Trump đã chuyển đảng Cộng hòa từ một đảng bảo thủ thành một đảng biết lo cho thành phần lao động, cả người da trắng lẫn người da đen và biết quan tâm đến các cộng đồng sắc tộc như Việt Nam hay người gốc Nam Mỹ.

Ngược lại, phong trào dân chủ xã hội cũng chuyển đảng Dân chủ từ các chính sách tân tự do xa rời quần chúng Mỹ, để ngày càng gần hơn với chính sách xã hội chủ nghĩa, xây dựng một nhà nước tập trung quyền lực vào trung ương.

Nước Mỹ tự do dân chủ…

Đã có trên 80 triệu người đi bầu, những đoàn cử tri sắp hàng hằng tiếng đồng hồ để được bầu cho ứng cử viên họ chọn lựa, nếu nghĩ rằng không ai xứng đáng, người Mỹ có quyền tự do không đi bầu và không ai có quyền áp lực họ phải đi bầu.

Trong lần bầu cử trước, chỉ 55% cử tri đi bầu, lần này tỷ lệ theo dự đoán có thể lên đến 70%, bởi thế khó nói trước ai sẽ là người thắng cử, mà nếu biết trước kết quả ai sẽ thắng thì e rằng dân chủ ở Mỹ vẫn còn rất giới hạn.

Nước Mỹ như một viên kim cương, 50 cạnh là 50 tiểu bang, mỗi cạnh lại được mài dũa với hằng ngàn chính quyền dân chủ địa phương, mỗi cạnh nhỏ lấp lánh phản chiếu giá trị của nó, tạo thành giá trị của nước Mỹ một quốc gia tự do và dân chủ nhất thế giới.

31/10/2020

Melbourne, Úc Đại Lợi

N.Q.D.

Tác giả gửi BVN

CỘNG ĐỒNG GỐC VIỆT TRONG MẮT TRUYỀN THÔNG DÒNG CHÍNH

NHÃ DUY/ 31-10-2020

Hoạt động chính trị nội bộ cộng đồng gốc Việt vốn không được truyền thông dòng chính để tâm, ngoại trừ dăm báo chí địa phương vẫn thường đưa tin về các ứng viên gốc Việt ra tranh cử hay thắng cử vào các chức vụ dân cử địa phương trong mỗi mùa bầu cử.

Được xem là một cộng đồng sắc tộc ủng hộ cuồng nhiệt tổng thống Donald Trump trong vài năm qua, những xáo trộn , chia rẽ trong cộng đồng cho đến các cuộc tuần hành đầy cờ quạt của những nhóm người gốc Việt đóng vai như đang đại diện cho cả cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ diễn ra đó đây cũng không được giới truyền thông địa phương đưa tin, dù thể nào họ cũng có biết đến.

Trong bài báo “Cuộc tranh chức tổng thống giữa Trump và Biden rực cháy những vết thương cũ trong cử tri Mỹ gốc Việt” (Among Vietnamese American voters, the Trump-Biden presidential race inflames old wounds) vào ngày 19/10/2020, tờ Seattle Times viết rằng: “Trong khi những người Mỹ gốc Việt được xem là chẳng có một tác động quyết định mấy đến cuộc bầu cử, sự đối kháng giữa họ là một phần của sự chia rẽ chính trị lớn hơn của quốc gia“.

Ký giả Nina Shapiro mở đầu bài báo bằng câu: “Họ bị gọi là những kẻ phản bội, là những tên cộng sản và là đồ chó, theo kiểu sỉ nhục thông thường của người Việt“, để mô tả cách những người gốc Việt ủng hộ Trump đã vu khống và xúc phạm đến những người gốc Việt khác đang ủng hộ Joe Biden. Bài báo nêu ra những xung đột chính trị trong cộng đồng gốc Việt nhưng không khó để nhận ra kỹ thuật báo chí nhằm tạo nên một ấn tượng xấu về những hành vi quá khích và kém văn minh của những người gốc Việt ủng hộ Trump ngay từ đầu.

Trang DCist tại Washington DC thì tường thuật cuộc tập hợp của những người gốc Việt ủng hộ Joe Biden tại trung tâm thương mại Eden vùng Virginia đã bị những người Việt ủng hộ Trump khiêu khích thô bạo, xem như chỉ có họ mới được độc quyền bày tỏ thái độ chính trị. Nó diễn ra như đã xảy ra tại Quận Cam hoặc vụ những người gốc Việt hành hung một người đàn ông Mỹ tại Seattle vài tuần trước. Liệu độc giả bản xứ sẽ nghĩ gì về những thái độ hung dữ và phản dân chủ như vậy?

Những người Mỹ gốc Việt ủng hộ liên danh Biden/ Harris ngày 24/10/2020 tại Falls Church, Virginia. Nguồn:Tyrone Turner / DCist

Báo Houston Chronicle tại Texas không đưa tin về những cuộc tuần hành ủng hộ Donald Trump rầm rộ của cộng đồng gốc Việt tại đây nhưng đã đưa tin về một thương gia gốc Việt bị tấn công, bị nhận lời hăm dọa “treo cổ” khi gắn bản ủng hộ phong trào “Black Lives Matter” tại khu Bellaire của người Việt vài tháng trước.

Tờ báo này tiếp tục tường trình về cuộc tuần hành của một nhóm nhỏ người gốc Việt ủng hộ Joe Biden vào ngày 10/10 và đến ngày 28/10 vừa qua lại tiếp tục đưa thêm một bài báo khác, dù đăng hình nhóm “cờ vàng” ủng hộ Trump nhưng lại viết rằng: “Khu vực đô thị Houston là nơi tập trung đông đảo dân tị nạn Việt Nam, nhiều người có tư tưởng bảo thủ xem Trump là nhà lãnh đạo chống cộng mạnh mẽ. Nhưng cộng đồng Mỹ gốc Việt đang tách ra với những tiếng nói mới có quan điểm cấp tiến, phù hợp hơn với cộng đồng gốc Á nói chung…” .

Không chỉ những tờ báo địa phương lớn như vậy đưa tin, mà cơ quan truyền thông quốc gia như NBC cũng vừa có bài viết mang tựa đề “Ai là những người Mỹ gốc Á vẫn còn bỏ phiếu cho Trump bất kể luận điệu “Virus Tàu” của ông ta?” (Who are the Asian Americans still voting for Trump in spite of his ‘China virus” rhetoric?) vào ngày 27/10 vừa qua để nêu đích danh cộng đồng gốc Việt và viết rằng, “dù họ cũng không tránh khỏi những vụ kỳ thị do cách gọi tên này“.

Trang Conversation trong bài báo “Why some Vietnamese Americans support Donald Trump” thì không ngần ngại gọi cộng đồng gốc Việt là trong số “những cộng đồng kỳ thị chủng tộc” (racialized communities). Bài báo này kết luận rằng, làn sóng người gốc Việt thế hệ thứ nhất tin rằng, chính sách của Trump với Trung Cộng phục vụ cho mối quan tâm của họ về Việt Nam nên giả lơ với những khía cạnh rối reng trong chương trình nghị sự quốc gia và đối ngoại của Donald Trump.

Và rồi ngày 30/10 hôm nay, trong bài báo “Sự ủng hộ Trump đang xé nát các gia đình gốc Việt” (Support for Trump is tearing apart the Vietnamese American Families) trên trang VOX, nhắc lại việc một nhóm người gốc Việt không thuộc khu vực cử tri lại vào tấn công dân biểu Trâm Nguyễn tại Massachusetts hay thương gia Lê Hoàng Nguyên tại Houston khi họ bày tỏ sự ủng hộ phong trào “Black Lives Matter” để trình bày về lý do ủng hộ của cộng đồng Việt với Donald Trump. Trong phần kết, tác giả giải thích rằng, “đàng sau những rào cản ngôn ngữ và văn hóa đã làm xa biệt những người gốc Việt lớn tuổi, bây giờ là có thêm một tấm đệm chính trị thô cứng bắt nguồn từ lòng căm hận, hiểu lầm và chấn thương tâm lý“.

Đồng ý hay không với những phân tích, nhận định của một số bài báo này thì có một thực tế cần nhìn nhận rằng, chúng đã ít nhiều vẽ ra chân dung của một cộng đồng di dân thiểu số đang xung đột nặng nề với nhau, căm ghét người Dân Chủ, chứa chất lòng kỳ thị đến các cộng đồng bạn, ích kỷ với người di dân tị nạn khác và cuồng nhiệt ủng hộ Donald Trump trong mắt độc giả bản xứ và các cộng đồng bạn. Hệ lụy cùng cái giá phải trả cho thái độ này ra sao là một vấn đề lớn hơn, sẽ cần nhìn nhận lại sau cuộc bầu cử.

Cộng đồng gốc Việt ắt đã hiểu quá rõ với nhau về những điều kể trên. Tuy nhiên các bài báo này cũng đã có thể nêu thêm một điểm quan trọng khác nữa là, khi một cộng đồng sống bằng cảm thức chính trị lưu xứ hoang tưởng, đặt những lợi ích không có thật cho mối tương quan giữa cố quốc với cục diện quốc gia nơi mình đang cư ngụ, thì điều này có thể biến cộng đồng đó trở thành một cộng đồng lạc loài, xa lạ với xu hướng chính trị chung tại quốc gia đó. Họ chưa hiểu rằng, chỉ có sự tích cực dự phần vào nền chính trị sở tại, rồi dùng thực lực và ảnh hưởng đó mà tạo ra được các tác động mong muốn mới thực sự là điều hữu hiệu, chứ không phải từ những ảo tưởng mù quáng.

Đó là hiện trạng của những người trong cộng đồng Việt đang ủng hộ Donald Trump bằng lý do thiếu khả tín và hoang tưởng là “đánh Tàu, diệt Cộng”. Cho dù đa số người dân Mỹ, từ giới giáo chức, y tế, văn nghệ sĩ, thể thao, các nghiệp đoàn nhân công cho đến những người Cộng Hòa, hàng cựu tướng lãnh quân đội, an ninh quốc gia, giới khoa học gia, chuyên gia kinh tế… đang lên tiếng phản đối Donald Trump mạnh mẽ hơn, đồng thời nồng nhiệt kêu gọi bỏ phiếu cho Joe Biden trong những ngày cuối cùng này, thì những người Việt này vẫn chưa nhận ra mình đang lẻ loi, ngược giòng.

Không gánh xiếc rong nào có thể diễn mãi dăm trò hề, những ồn ào, lố bịch nào rồi cũng phải đến hồi kết thúc và tan theo cùng số phận của lãnh tụ bất xứng mà họ cuồng mê sau ngày bầu cử. Để còn lại là những người cấp tiến và chân chính trong bất cứ độ tuổi nào sẽ cùng một thế hệ trẻ năng động, tài ba và can đảm tranh đấu cho lẽ phải, sẽ cùng đứng ra tạo dựng lại chân dung một cộng đồng gốc Việt tiến bộ, hòa ái và tích cực hơn trong mắt người bản xứ cùng các cộng đồng bạn.

Những căn cứ ‘nóng nhất’ của bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

Chỉ còn ít ngày nữa là tới ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Đâu là những căn cứ mà người Mỹ sẽ dựa vào để quyết định dành lá phiếu của mình cho ông Donald Trump hay đối thủ Joe Biden.  

Dưới đây là bài viết của ông Nguyễn Quang Vịnh, GS.TS về lãnh đạo và quản lý nhân lực tại Đại học Coe College, bang Iowa, Mỹ. Ông cho rằng, cuộc bầu cử năm nay có 4 điểm nóng nhất, quyết định kết quả thắng thua của hai ứng viên. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.    

“Cơn bão” Covid-19

Vấn đề nóng bỏng nhất mà nước Mỹ đang đối mặt là làm thế nào để giải quyết nhanh và tốt nhất cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra.

Tổng thống Donald Trump nhìn nhận bản thân đã và đang làm tốt nhất việc này, với bằng chứng là sớm đóng cửa biên giới và nền kinh tế, đồng thời cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ y tế và thúc đẩy phát triển vắc-xin. Ông Trump cho rằng, nếu không làm như vậy thì con số tử vong của nước Mỹ có thể lên đến hơn 2 triệu người chứ không phải là hơn 200.000 người như hiện tại. Với việc sớm có vắc-xin, ông tin tưởng cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ đến hồi kết thúc.    

Những căn cứ ‘nóng nhất’ của bầu cử Tổng thống Mỹ 2020
Cuộc giằng co quyết liệt của ông Trump và đối thủ Biden trước ngày bầu cử

Trong khi đó, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden thì cho rằng ông Trump xử lý cuộc khủng hoảng này một cách tệ hại. Để số người nhiễm và tử vong vì Covid-19 của Mỹ cao nhất thế giới là điều mà ông Trump phải chịu trách nhiệm. Nếu Tổng thống không coi nhẹ sự nguy hiểm của Covid-19 thì Mỹ đã không có số người nhiễm và tử vong cao như vậy. Với số lượng người nhiễm hàng ngày vẫn ở mức cao kỷ lục, cộng với việc coi thường đeo khẩu trang, nước Mỹ sẽ tiếp tục phải trải qua một mùa đông tối tăm với số người chết có thể gấp đôi con số hiện tại.

Phân biệt chủng tộc

Vấn đề nóng thứ hai mà hai ứng viên từng tranh luận là nạn phân biệt chủng tộc đang tồn tại ở Mỹ. Những vụ cảnh sát da trắng bắn chết người da đen và những cuộc biểu tình bạo lực diễn ra trên toàn đất nước đã làm cho vấn đề trở nên hết sức tồi tệ.

Tổng thống Trump cho rằng mình chính là người ít phân biệt chủng tộc nhất và là người đã mang lại nhiều phúc lợi và việc làm cho cộng đồng người Mỹ da đen trong nhiệm kỳ của mình. Ông chỉ trích rằng những người theo phe cánh tả Dân chủ cực đoan đã kích động bạo lực và phá hoại. Theo ông, đối thủ Biden là người đứng cùng với phe này. Với gần 40 năm làm thượng nghị sỹ và 8 năm làm phó tổng thống, Biden đã không thực sự giải quyết được vấn đề gì.

Ngược lại, ông Biden nói rằng ông Trump chính là tổng thống đã kích động bạo lực và phân biệt chủng tộc. Theo Biden, ông Trump là người đã không lên án mà thậm chí còn có phần ủng hộ những nhóm người phân biệt chủng tộc của phong trào “Người da trắng thượng đẳng”. Ông Trump đi theo hướng cứng rắn nhằm duy trì luật pháp và trật tự, ra lệnh cho vệ binh quốc gia đến những nơi biểu tình mạnh nhất, và điều này càng kích động thêm bạo lực và chống phá.

Vực dậy kinh tế Mỹ    

Tổng thống Trump cho rằng mình đã mang lại nhiều thành tựu cho nền kinh tế nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra đã xóa tan đi hết những thành tựu này. Cả ông Trump và Biden đều chủ trương đầu tư hàng nghìn tỷ đô-la vào hạ tầng cơ sở và tạo công ăn việc làm mới cho hàng triệu người dân nhằm phục hồi nền kinh tế. Về thuế khóa, ông Trump mong muốn nhiệm kỳ tới vẫn tiếp tục những chính sách cắt giảm thuế đang thực hiện của mình. Ông Biden thì chủ trương tăng thuế đối với các cá nhân và doanh nghiệp có thu nhập hàng đầu. 

Những căn cứ ‘nóng nhất’ của bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

Trong thời gian qua, ông Trump chủ trương ngăn cản chuyển việc làm từ các công ty ở Mỹ ra nước ngoài và tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là với Trung Quốc. Chính sách này nhằm thúc đẩy việc làm trong nước và giảm thâm hụt cán cân thương mại, nhưng đồng thời nó cũng dẫn tới những thiệt hại cho nước Mỹ. Chiến tranh thương mại với Trung Quốc làm mất đi các hợp đồng hợp tác kinh doanh và có thể còn đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Về vấn đề này, ông Biden mong muốn đầu tư trước hết vào tầng lớp lao động và tiến bộ công nghệ ở trong nước trước khi quan tâm đến các hiệp định thương mại quốc tế mới.    

Một vấn đề khác liên quan đến kinh tế là lương tối thiểu. Ông Joe Biden mong muốn lương tối thiểu của toàn nước Mỹ sẽ tăng lên gấp đôi hiện tại, nhằm khuyến khích người lao động làm việc và thúc đẩy tiêu dùng. Điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Ngược lại, Tổng thống Trump chủ trương không tăng lương tối thiểu toàn liên bang mà để cho các tiểu bang tự quyết. Tăng lương tối thiểu có thể sẽ là gánh nặng chi phí lao động lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên.   

An ninh của nước Mỹ

Vấn đề quan trọng thứ tư là an ninh quốc gia và quan hệ đối ngoại với các nước.

Ông Biden chỉ trích Tổng thống Trump đã có những chính sách chống lại đồng minh trong khối NATO, trong khi lại tạo dựng quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Ông chủ trương xây dựng và thúc đẩy lại liên minh với các nước đồng minh, cứng rắn với những nước mà Mỹ coi là đối thủ như chỉ gặp gỡ đàm phán khi họ làm theo những điều kiện và yêu cầu trước của nước Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Trump cho rằng mình mới là người vừa cứng rắn vừa mềm dẻo trong mối quan hệ với các nước, đã ngăn cản được chiến tranh và tạo ra sự ổn định trên thế giới, xứng đáng được nhận giải Nobel Hòa bình.

Ngoài bốn điểm nóng trên, một số chủ đề nóng khác như chính sách nhập cư, hệ thống bảo hiểm y tế và an sinh xã hội, hay biến đổi khí hậu toàn cầu cũng từng được hai ứng viên đề cập trong các cuộc tranh luận. Ở những vấn đề này, hai ông Trump và Biden cũng cho thấy quan điểm của mỗi người rất khác nhau. Hai người còn có rất nhiều những chỉ trích mang tính cá nhân dù chưa có bằng chứng rõ ràng.  

Nước Mỹ cần một người lãnh đạo có thể đoàn kết và thống nhất được mọi người. Nước Mỹ cũng cần một người lãnh đạo vượt qua được cái tôi của bản thân và đảng phái của riêng mình. Và điều quan trọng nhất là nước Mỹ cần một người lãnh đạo công tâm, ngay thẳng, thật thà. Cách đây bốn năm khi thức dậy sau ngày bầu cử, một nửa nước Mỹ đã ăn mừng vì người lãnh đạo của mình chiến thắng, một nửa còn lại thì thất vọng tràn trề. Ngày mai (3/11), nước Mỹ sẽ lại một lần trải qua những cảm xúc trái ngược như thế.

Xem thêm bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

GS.TS Nguyễn Quang Vịnh 

GS.TS Nguyễn Quang Vịnh tốt nghiệp bằng cử nhân tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Viện Công nghệ Châu Á AIT Thái Lan, và bằng tiến sĩ về quản trị nhân lực tại Đại học Tổng hợp bang Mississippi, Mỹ. Ông có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy hơn 20 năm ở cả Việt Nam và Mỹ về lĩnh vực lãnh đạo, quản lý con người. Ông là tác giả cuốn sách “Chinh phục chính mình: 101 câu chuyện nhỏ giúp bạn đạt được ước mơ lớn nhất đời mình”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét