Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

20201104. GÓP Ý KIẾN ĐẠI HỘI XIII ĐCSVN (3)

 ĐIỂM BÁO MẠNG

 CHỦ NGHĨA QUAN LIÊU DUNG DƯỠNG NẠN THAM NHŨNG

THU HẰNG/ VNN 29-10-2020

Chủ nghĩa quan liêu sản sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, duy ý chí, gia trưởng phong kiến, xa dân, thói đặc quyền, đặc lợi, là miếng đất dung dưỡng nạn tham nhũng lãng phí.

Tại hội nghị lấy ý kiến các Hội đồng tư vấn của MTTQ đối với các dự thảo văn kiện Đại hội XIII vào hôm 28/10, PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho rằng, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng nhiệm kỳ qua cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí.

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: Chủ nghĩa quan liêu dung dưỡng nạn tham nhũng
Ảnh: Minh Đạt

Không xem nhẹ chống tham nhũng vặt

Đó chính là chủ nghĩa quan liêu. Chủ nghĩa quan liêu sản sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, duy ý chí, gia trưởng phong kiến, xa dân, thói đặc quyền, đặc lợi, là miếng đất dung dưỡng nạn tham nhũng lãng phí.

Bên cạnh đó, trong cuộc chống tham nhũng cần kiên quyết xử lý những vụ tham nhũng lớn, nhưng không xem nhẹ chống tham nhũng vặt. Tuy là tham nhũng vặt nhưng ảnh hưởng nhức nhối đối với cuộc sống hàng ngày của người dân và lòng tin của họ không hề nhỏ, nếu để tích tụ lâu ngày thì hậu quả sẽ lớn.

“Phải chăng chúng ta mới dừng việc chống tham nhũng vặt ở việc giáo dục, vận động,... mà chưa có giải pháp hữu hiệu nào hơn về mặt pháp lý”, ông Trần Hậu nói.

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: Chủ nghĩa quan liêu dung dưỡng nạn tham nhũng
PGS.TS Trần Hậu

Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại Kiều bào Phạm Xuân Sơn đề nghị cần phải có một mục riêng hoặc một phần riêng đánh giá về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng. Các đại hội lần trước cũng đã nhận diện ra nguy cơ tham nhũng.

Mặc dù đến nay chưa thể làm cho những người thoái hóa “không dám tham nhũng”, “không muốn tham nhũng”, “không thể tham nhũng” nhưng rõ ràng những kết quả đạt được trong  nhiệm kỳ này là rất ấn tượng. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của toàn đảng toàn dân đối với Đảng và Nhà nước.

Theo ông Sơn, trong phần dự thảo báo cáo chính trị có đưa nội dung chống tham nhũng vào một mục trong công tác xây dựng Đảng nhưng còn mờ nhạt. Trong khi đó, điều mà dư luận hân hoan nhất, phấn khích nhất chính là chống quốc nạn tham nhũng.

“Dư luận, người dân mong muốn trong kỳ Đại hội tới công tác phòng chống tham nhũng cần tiếp tục triển khai quyết liệt, toàn diện và cũng mong những người có bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, liêm khiết, tâm huyết, kiên quyết, kiên trì với cuộc chiến này”, ông Sơn nhấn mạnh.

GS. Phan Trung Lý, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để chống tham nhũng thành công, phải kiểm soát quyền lực thật tốt. Bên cạnh đó, cần có chế tài thật rõ, thật nghiêm về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, phải thu hồi triệt để thì mới ngăn chặn được tham nhũng.
 
Ông Lý cũng đề nghị, dự thảo văn kiện cần có cơ chế để người dân làm chủ cũng như làm rõ vai trò của Mặt trận trong việc phát huy quyền làm chủ của dân. Đặc biệt, cần mở rộng phạm vi, vai trò của Mặt trận nhất là trong hoạt động giám sát phản biện xã hội để Mặt trận làm hết khả năng, năng lực của mình trong hiện nhiệm vụ của Đảng giao.

Phải đặt tòa án vào trọng tâm của cải cách tư pháp

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, cho rằng trong dự thảo Báo cáo Chính trị, vấn đề cải cách tư pháp được đề cập chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực thi Hiến pháp 2013.

“Báo cáo Chính trị và sau đó là Nghị quyết Đại hội XIII cần phải làm mọi cách để cải cách tư pháp phải đúng trọng tâm, trọng điểm là hướng tới tòa án”, GS Hạnh đề nghị.

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: Chủ nghĩa quan liêu dung dưỡng nạn tham nhũng
GS.TS Lê Hồng Hạnh

Vì vậy Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng XIII cần phải làm thế nào để đặt tòa án vào trọng tâm của cải cách tư pháp. Trong tòa án thì vị trí độc lập của thẩm phán, độc lập của hoạt động xét xử được coi là linh hồn của cải cách tư pháp và phải tìm mọi cách, mọi phương thức để đảm bảo được điều đó.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN cho rằng, nhiều ý kiến nói độc lập tư pháp là “tam quyền phân lập”, làm ảnh hưởng tới tính thống nhất quyền lực của nhà nước, làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng là không đúng. Ngược lại, nếu Đảng tạo dựng được trong thể chế nhà nước một hệ thống tòa án nghiêm minh, công lý, công bằng thì vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ tốt hơn.

Để có được những thẩm phán độc lập, theo GS Hạnh cần phải lựa chọn, bố trí những người có nghề thực sự và chuyên tâm vào việc mang lại công lý cho người dân.


VĂN HÓA KHÔNG CHỈ LÀ CHUYỆN ĐÀN CA MÚA HÁT

THU HẰNG/ VNN 28-10-2020

Văn hóa không chỉ là chuyện “đàn ca hát múa”, càng không thể nặng về “tuyên truyền, cổ động" hình thức, tốn kém và phản cảm.

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa Xã hội của MTTQ nhấn mạnh như vậy tại hội nghị lấy ý kiến các Hội đồng tư vấn của MTTQ đối với các dự thảo văn kiện Đại hội XIII vào sáng 28/10.

Vấn đề văn hóa chưa tương xứng

Ông Chức bày tỏ tiếc nuối: “Trong đổi mới kinh tế phát triển, chính trị ổn định, nhưng văn hóa thì “chưa tương xứng". Sự mất cân bằng ấy đã sinh ra hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sự trong sạch và vững mạnh của Đảng, làm phân tâm, suy giảm khối đại đoàn kết toàn dân”.

Theo ông Chức, nhân dân không thể tin vào “bộ phận không nhỏ” tham nhũng, thoái hóa, biến chất. Nhân dân không thể chấp nhận thói tham lam, vụ lợi, bè phái, ích kỷ, buông thả, suy đồi...trái với văn hóa truyền thống "đói cho sạch, rách cho thơm”, "thương người như thể thương thân”.

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: Văn hóa không chỉ là chuyện đàn ca hát múa
TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa Xã hội của MTTQ

“Có thể nói không còn ai không nhìn thấy tác hại to lớn khi không coi trọng văn hóa. Kinh nghiệm lịch sử từ cổ kim, đông tây; lý luận từ truyền thống đến hiện đại, đều chứng thực rằng: ở đâu vai trò và vị trí của văn hóa bị hạ thấp, ở đó sẽ có hàng loạt bất cập trong kinh tế - xã hội, thậm chí bất ổn về chính trị”, TS Nguyễn Viết Chức cảnh báo. 

Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa Xã hội cho rằng, không thể nói theo cách cũ, càng không thể "nói không đi đôi với làm” hay “nói nhiều làm ít”. Nếu cứ nói "đao to, búa lớn” về văn hóa nhưng không làm được thì chẳng những không có lợi mà còn bất lợi.

Những nhận định khá mới trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc khóa XII như: văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế, thị trường văn hóa, công nghiệp văn hóa, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa... là những nhận định hết sức có ý nghĩa đã không được thảo luận kỹ và triển khai trong thực tiễn.

Vì vậy, ông Chức đề nghị phải chỉ ra nguyên nhân của những nguyên nhân không triển khai được đường lối đúng đắn đó.
 
Đề cập đến mục “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”, TS Nguyễn Viết Chức bày tỏ không hào hứng khi gặp phải quá nhiều cụm từ quen thuộc: “đẩy mạnh” “nâng cao” "từng bước vươn lên” “tăng cường" “khẩn trương” “chú trọng".

Trong khi đó, dự thảo báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và dự thảo báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 cũng đề cập đến lĩnh vực văn hóa một cách “khiêm tốn".

Ông Chức nói “tôi không biết góp ý gì” và chỉ mong ban soạn thảo đọc lại các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, hoặc gần nhất là Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng về văn hóa.

Mong 'kinh tế như hôm nay, văn hóa như ngày xưa'

“Phải nói rằng, đọc văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng tôi rất phấn khởi nhận thấy Trung ương đã nhìn nhận và đánh giá rất sâu sắc về văn hóa. Những vấn đề đặt ra vừa trúng, vừa đúng, vừa có tầm chiến lược lại có tính thời sự. Tiếc rằng, sau đó nhiều việc chưa được bàn thảo kỹ, hoặc có bàn thảo nhưng chưa làm được”, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa Xã hội nói.

Ông bày tỏ tâm đắc nhất về cách đặt vấn đề xây dựng con người Việt Nam lên hàng đầu và yêu cầu khá cụ thể việc xây dựng hệ chuẩn giá trị con người Việt Nam. Cái lớn nhất, cái bao trùm nhất của văn hóa là con người. Con người với mối quan hệ với chính nó, với môi trường thiên nhiên, với môi trường xã hội; con người tư duy, con người nhận thức và con người hành động...

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: Văn hóa không chỉ là chuyện đàn ca hát múa
Việc đưa vấn đề xây dựng con người lên hàng đầu trong đổi mới văn hóa là hoàn toàn đúng đắn, đúng tầm và có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, không thể thiếu được.

“Hay nói theo Mác thì con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Con người sáng tạo ra văn hóa và chính văn hóa lại tác động để hình thành nhân cách và phẩm giá con người”, ông Chức nhấn mạnh.
 
Ông đặt vấn đề, môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, lũ lụt miền Trung dữ dội đến như vậy có phải do con người tác động không? Đâm chém, bạo lực gia đình, trong nhà trường, hiếp dâm trẻ em, cờ bạc, nghiện hút, tham nhũng tràn lan, suy thoái đạo đức, lối sống... làm cho nhiều người bi quan, ngán ngẩm mong “kinh tế như hôm nay, văn hóa như ngày xưa”?
 
Theo Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa Xã hội, xét cả hai mặt, lý luận và thực tiễn, việc đưa vấn đề xây dựng con người lên hàng đầu đối văn hóa là hoàn toàn đúng đắn, đúng tầm và có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, không thể thiếu được.

Vì vậy, Văn kiện lần này cần đánh giá vì sao vấn đề lớn như vậy chưa làm được, nguyên nhân vì sao, cần giải pháp gì chứ không thể lảng tránh. Văn hóa không chỉ là chuyện “đàn ca hát múa”, càng không thể nặng về “tuyên truyền, cổ động" hình thức, tốn kém và phản cảm.

"Một loạt những vấn đề rất hay, rất mới và rất thiết thực Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra về văn hóa mà dự thảo lần này không đánh giá và cũng không kế thừa thật là một khiếm khuyết”, ông Chức bày tỏ.

TS Nguyễn Viết Chức tha thiết đề nghị ban soạn thảo đọc kỹ những văn kiện, nghị quyết của Đảng đã ban hành về văn hóa; căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tình hình mới viết lại phần nói về văn hóa trong dự thảo Văn kiện.

“Tôi cho rằng, quan điểm của Đảng về văn hóa hoàn toàn đúng đắn, có tính xuyên suốt các thời kỳ cách mạng Việt Nam, vấn đề là giải pháp để thực hiện có hiệu quả mà thôi.

Đổi mới cần cách nhìn mới tư duy và hành động mới, nhưng không thể không bài bản không hệ thống, thấy gì làm nấy lợi sẽ bất cập hại và hậu quả khôn lường nhất là trong lĩnh vực văn hóa”, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa Xã hội cảnh báo.

Thu Hằng

KHÔNG ĐỦ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI TÀI, ĐẤT NƯỚC KHÔNG THỂ ĐI LÊN

THU HẰNG/ TVN 23-10-2020

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII, nhiều nhà khoa học lưu ý, muốn đột phá phải có đội ngũ tinh hoa; đất nước không đủ chính sách khuyến khích những người thực sự tài năng thì không thể đi lên.

Phát biểu đề dẫn hội thảo cơ sở lý luận và thực tiễn xác định, tổ chức thực hiện các đột phá chiến lược phát triển đất nước trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng hôm nay (22/10), PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết, việc thực hiện ba khâu đột phá chiến lược giai đoạn 2011 – 2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, đất nước ta bước vào nhóm đang phát triển có thu nhập trung bình thấp…

Bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện ba đột phá chiến lược chưa thật sự quyết liệt và thiếu đồng bộ, sức sản xuất chưa được giải phóng triệt để.

Không đủ chính sách khuyến khích người tài, đất nước không thể đi lên
PGS.TS Vũ Văn Phúc

Cụ thể, đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN dù hệ thống pháp luật từng bước được bổ sung nhưng chưa đồng bộ, hoàn thiện. Việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế tuy đã đạt kết quả bước đầu song sự phân biệt đối xử vẫn tồn tại một cách dai dẳng khó xóa bỏ ở nhiều cấp độ đang là rào cản lớn đối với sự phát triển.

Những căn bệnh cũ của nền hành chính nhà nước vẫn chưa được khắc phục một cách cơ bản… Thêm vào đó là tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu là một trong những nguyên nhân làm mất lòng tin của nhân dân.

Đột phá về nguồn nhân lực thì giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, chưa trở thành động lực quan trọng nhất cho phát triển…
 
Theo ông Phúc, Dự thảo văn kiện Đại hội XIII nêu ba đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được điều chỉnh, bổ sung các khâu đột phá cụ thể phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng giai đoạn phát triển.

Vì vậy, ông Phúc đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung vào việc xác định, tổ chức thực hiện các đột phá chiến lược trong các giai đoạn: 2021 – 2025, 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tôi sợ nhất những người ăn theo nói leo 

GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học cho rằng, cuộc Cách mạng chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo đang đặt chúng ta trước thách thức lớn nhất của thời đại.

“Nếu chúng ta còn chậm nữa thì không bao giờ có thể đuổi kịp chứ chưa nói là vượt mức thu nhập khá”, GS, Chuẩn nhấn mạnh.

Chính vì vậy, đột phá đầu tiên không phải là kinh tế thị trường, vì đó là mảng phải làm, không thể khác được mà quan trọng là tổ chức như thế nào? Theo ông Chuẩn, đột phá đầu tiên phải là đột phá về nhân lực chất lượng cao, giới tinh hoa.

Không đủ chính sách khuyến khích người tài, đất nước không thể đi lên
GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học

Ông đặt hàng loạt vấn đề “chúng ta đã có tầng lớp đó chưa?. Một người làm khoa học suốt đời lĩnh lương không bằng một anh mới ra trường thì phải tính đến việc đầu tư như thế nào?.

Nguyên Viện trưởng Viện Triết học lưu ý, không có tầng lớp tinh hoa đừng nói đến cách mạng nào hết, kể cả trong nghiên cứu khoa học và trong các cơ quan đầu não.

“Tôi sợ nhất những người ăn theo nói leo và không bao giờ dám nói ý kiến ngược gì với ý kiến số đông hoặc đã được đưa ra. Những ví dụ này nhiều lắm chứ không phải ít”, ông Chuẩn nêu thực tế và nhấn mạnh, không có sáng tạo đất nước không lên được.
 
Đề cập đến tình trạng đề tài khoa học có thể tiêu tốn mấy tỷ nhưng thực tế tham gia hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp nhà nước, ông phát hiện ra những trường hợp chép nguyên xi ở một công trình nào đó.

“Có đề tài dù tôi ngồi hội đồng nhưng chép nguyên xi bài của tôi vừa mới ra tháng 2/2020. Khi nói ra chủ nhiệm đề tài mới ớ ra, đau khổ cho khoa học Việt Nam. Cho nên bằng tiến sĩ bây giờ thì nhiều nhưng chất lượng thì yếu lắm”, ông dẫn chứng.

Nguyên Viện trưởng Viện Triết học cảnh báo, nếu không chú ý đến khâu quản lý, điều hành của nhà nước thì rất nguy hiểm; nếu không dám đột phá, không có những căn cứ đủ để đưa ra những quyết định, dẫn đến quyết định sai lầm thì rất nguy hiểm.
 
“Tôi nhớ năm 1972, khi chiến tranh đang nổ ra, GS Tạ Quang Bửu trong hội thảo có nói "các anh đừng biến xã hội này thành phòng thí nghiệm, thực hiện điều các anh muốn mà không có căn cứ nào hết thì cực nguy”, ông tiếp tục dẫn chứng.

Theo GS. Chuẩn, muốn có đột phá thì phải có đội ngũ, phải có con người đáp ứng được và phải có chính sách. Một đất nước mà không đủ chính sách để khuyến khích những người thực sự tài năng thì không thể đi lên.

Phát triển con người là đột phá của mọi đột phá

PGS.TS Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương đề xuất 4 đột. Trong đó, đột phá đầu tiên phải là đột phá tư duy phát triển đặt lên hàng đầu, có tính chất mở đường.

“Một câu hỏi đặt ra, liệu giai đoạn phát triển mới hiện nay có phải dựa trên nền tảng căn bản của những tư duy phát triển theo chiều rộng đang tồn tại hay không? Quan điểm cá nhân tôi là không thể được mà đòi hỏi phải có bức phá trong tư duy. Đó là tư duy phát triển; tư duy trong mối quan hệ giữa chính trị với kinh tế, văn hóa xã hội; tư duy về hội nhập quốc tế”, PGS Toản phân tích.

Không đủ chính sách khuyến khích người tài, đất nước không thể đi lên
PGS.TS Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương

Ông Toản bày tỏ rất mừng khi trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa rồi có nhấn mạnh hai điểm: một là đổi mới tư duy, hai là vấn đề thể chế.
 
Còn đột phá thứ hai, theo ông Toản là thể chế phát triển đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường.  Đột phá thứ ba là phát khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thứ tư là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo PGS Trần Quốc Toản, đột phá phát triển con người mà trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo được vai trò chủ thể của những người phát triển, từ người lao động bình thường cho đến người lãnh đạo cao nhất. Để hình thành giá trị của dân tộc, một niềm tin của dân tộc, khát vọng của dân tộc thì phải kết nối được với giá trị của con người.

“Trong bốn đột phá này thì phát triển con người là đột phá của mọi đột phá”, GS Trần Quốc Toản nhấn mạnh.

Thu Hằng

'BÁN RAU, BÁN NƯỚC CŨNG SỬ DỤNG ĐƯỢC TIỆN ÍCH SỐ'

THU HẰNG/ TVN 26-10-2020

Nếu công dân số thì có nghĩa từ bà bán rau, ông bán nước cũng phải sử dụng được các tiện ích số. Có nửa số gia đình nông dân nhà nào cũng có ô tô, xe máy, xây lại nhà, GS Phạm Tất Dong góp ý.

Hôm nay (26/10), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, dự thảo văn kiện lần này có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, kế thừa từ các nhiệm kỳ trước, cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước.

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: 'Bán rau, bán nước cũng sử dụng được tiện ích số'
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị. Ảnh: Minh Đạt

“Nếu trước đây ta mới chỉ ghi "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh", thì lần này, dự thảo đề xuất "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". Như vậy, đã bổ sung cả "hệ thống chính trị" bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội”, Chủ tịch MTTQ Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo ông Mẫn, dự thảo văn kiện tiếp tục nhấn mạnh đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý

Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, giáo dục- đào tạo có bước phát triển nhưng quá chậm; lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều sai sót, môi trường chưa tốt, tài nguyên còn bị vi phạm nhiều, trong đó việc xây dựng quá nhiều thủy điện gần như xuyên suốt ở cá tỉnh miền núi gây nhiều thảm họa trong mùa lũ.

Về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tuy đã tiếp tục hoàn thiện nhưng việc vi phạm của các cơ quan pháp quyền vi phạm pháp luật còn nhiều, đến mức phải  xử lý như ở TP.HCM…

Về công tác xây dựng Đảng, tướng Võ Sở đề nghị, cần thường xuyên kiện toàn các cấp ủy, tiếp tục nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các uỷ viên Trung ương, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí Bí thư chi bộ.

"Phải loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý. Kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất từ khi đại hội hoặc trong quá trình có biểu hiện xấu khỏi tổ chức Đảng. Thực hiện các biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng", ông Võ Sở nhấn mạnh.

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: 'Bán rau, bán nước cũng sử dụng được tiện ích số'
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam. Ảnh: Minh Đạt

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn vắng bóng con người. Dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào thì phát triển thế nào.

GS Phạm Tất Dong đề nghị dự thảo văn kiện bảo cần làm rõ việc giáo dục đã tiến bộ, sâu sắc hơn trước cụ thể thế nào và còn những vấn đề gì? Chẳng hạn, dự thảo nói “Chương trình SGK phổ thông đang được triển khai đúng lộ trình”.

Theo GS Dong, điều này “đúng mà không đúng”. Bởi hiện nay cả xã hội đang xôn xao và cần đi sâu vào bản chất xem “quần chúng mong muốn gì ở SGK”.

Đề cập tới nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam cho rằng việc này đang đặt ra yêu cầu mới đối với mỗi người dân.

“Nếu công dân số thì có nghĩa là từ bà bán rau, ông bán nước cũng phải sử dụng được các tiện ích số. Có những bà bán nước nuôi 5 con ăn học, rồi mày mò dạy cho trẻ em sửa được máy tính. Có nửa số gia đình nông dân có ô tô, xe máy, xây lại nhà... Họ có thể sử dụng được các phương tiện số”, GS phân tích.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu

Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lưu ý, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được nhiều lần xác định là khâu đột phá nhưng sự đột phá còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ông Tiêm dẫn chứng số liệu điều tra từ năm 2019 cho thấy, công nhân lao động cả nước ở trình độ tiểu học, trung học cơ sở (cấp 1, cấp 2) vẫn còn khoảng hơn 30%; trình độ trung học phổ thông (cấp 3) trở lên là 68%.

Về đào tạo nghề cho công nhân lao động, mặc dù doanh nghiệp cố gắng tham gia đào tạo, nhưng mới dừng lại ở 43%, đặc biệt là trình độ tay nghề, bậc thợ (từ bậc 4-7) còn rất là khiêm tốn, công nhân bậc cao rất ít, hiếm.

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: 'Bán rau, bán nước cũng sử dụng được tiện ích số'
Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Minh Đạt

Đặc biệt, trong 5 năm qua, việc công nhân lao động học về tin học, ngoại ngữ chỉ chiếm chưa được 10%.
Trong khi,đây là nguồn nhân lực thực tế, đây là giai cấp công nhân - lực lượng đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, cùng với điều kiện khoa học công nghệ chưa được đồng bộ nên năng suất lao động của chúng ta hiện nay còn thấp so với các nước trong khu vực. Kéo theo thu nhập của người lao động ở mức thấp, đồng nghĩa với việc công nhân lao động phải tăng số giờ làm thêm”, ông Tiêm phân tích.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay, công nhân lao động đang làm việc 48 giờ/tuần nhưng trong thực tế, phần lớn công nhân lao động làm việc 60 giờ trở lên, thậm chí đến 70 giờ/tuần, đây là điều rất bức xúc, làm sao công nhân có thời gian để học tập.

Vì vậy, ông mong muốn có sự đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục, đào tạo, bởi khi công nhân lao động được học tập suốt đời, được nâng cao trình độ đào tạo tại đơn vị thì tay nghề và thu nhập của người lao động sẽ được nâng lên.

Thu Hằng 

ĐIỂM ĐỘT PHÁ TRONG CẢI CÁCH, TÁI CƠ CẤU KINH TẾ GIAI ĐOẠN TỚI

NGUYỄN ĐÌNH CUNG/ TVN 31-10-2020

Góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ 13, Tuần Việt Nam ghi lại quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược 2021-2030 nhận định, những hạn chế, yếu kém trong nền kinh tế trong thập kỷ qua có nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Trong đó đáng kể là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở một số nội dung còn chưa thực sự sâu sắc, thống nhất, nhất là vấn đề quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, sở hữu đất đai, phân bổ nguồn lực, mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và bền vững, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân... Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa đầy đủ, hiện đại, hội nhập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Công tác chỉ đạo, điều hành trên một số lĩnh vực còn hạn chế, phản ứng chính sách còn chậm, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển.

Tiêu chuẩn của nền kinh tế thị trường hiện đại và đầy đủ

Để đánh giá về vấn đề này, trước hết cần thống nhất quan điểm về các tiêu chuẩn của kinh tế thị trường hiện đại và đầy đủ, đồng thời phải xác định được nền kinh tế của Việt Nam chưa hiện đại ở lĩnh vực nào, đâu là những ách tắc để làm nền kinh tế trở nên hiện đại.

Kinh tế thị trường hiện đại là nền kinh tế trong đó Nhà nước và thị trường thực hiện hợp lý, nhuần nhuyễn vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình, kết hợp và bổ sung cho nhau. Một số đặc trưng chủ yếu của nền kinh tế thị trường hiện đại có thể kể đến như có chế độ sở hữu tài sản và quyền sở hữu tài sản rõ ràng, minh định; chủ sở hữu là thể nhân, pháp nhân; mỗi tài sản đều có chủ và chủ sở hữu cụ thể dù thuộc công hữu hay tư hữu; các chủ sở hữu có đầy đủ các quyền sở hữu.

Trong nền kinh tế này, các chủ thể thị trường độc lập về pháp lý, được tự do quyết định sản xuất cái gì, bao nhiêu, như thế nào, cho ai; họ tự do thỏa thuận hợp đồng, tự quyết định giá và trao đổi theo cung cầu thị trường.

Điểm đột phá trong cải cách, tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới

Hy vọng tới đây, chúng ta sẽ kết thúc quá trình chuyển đổi, để Việt Nam có một nền kinh tế thị trường hiện đại chứ không phải là một nền kinh tế thị trường chuyển đổi kéo dài

Tự do kinh doanh và cạnh tranh thị trường là các yếu tố cơ bản chi phối phân bổ các nguồn lực, chi phối sự lựa chọn của các chủ thể thị trường; quyết định người thắng cuộc và đào thải những doanh nghiệp, cá nhân không đủ năng lực cạnh tranh. Nói cách khác, Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế không trái với nguyên tắc thị trường, mà phải thuận theo thị trường.

Trên thế giới không bao giờ có thị trường hoàn hảo, nhưng can thiệp của Nhà nước phải hướng đến sự hoàn hảo của thị trường, khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết của thị trường. Cần thẳng thắn nhìn nhận, sau gần 35 năm Đổi mới, con đường chuyển sang kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn còn dang dở.

Hy vọng tới đây, chúng ta sẽ kết thúc quá trình chuyển đổi, để Việt Nam có một nền kinh tế thị trường hiện đại chứ không phải là một nền kinh tế thị trường chuyển đổi kéo dài.

Nhà nước vì dân phục vụ nhiều hơn

Liên quan đến kinh tế thị trường định hướng XHCN, đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, trong đó định hướng XHCN là việc Nhà nước XHCN làm nhiều hơn và thực hiện tốt hơn các chức năng xã hội của mình. Trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, vế Nhà nước nên nhiều hơn một chút, nhưng không nhiều quá.

Chẳng hạn, Nhà nước tạo nhiều hơn cơ hội phát triển cho người dân; đảm bảo công bằng hơn cho tiếp cận cơ hội phát triển, nhất là đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Nhà nước thực hiện chiến lược tăng trưởng toàn diện, chia sẻ công bằng lợi ích phát triển cho các nhóm dân cư, các vùng kinh tế.

Điểm đột phá trong cải cách, tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới
Chúng ta đã chọn đột phá thể chế rất mạnh mẽ, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

Nhà nước đầu tư phát triển vào các vùng, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân không làm, hoặc không làm được; Nhà nước không đầu tư kinh doanh, đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận. Nhà nước chi tiêu nhiều hơn cho phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ của người dân và an sinh xã hội; Nhà nước vì dân phục vụ nhiều hơn; Nhà nước vì dân nhiều hơn so với các nền kinh tế thị trường khác.

Việt Nam vẫn thuộc nhóm dưới

Để đánh giá về mức độ thị trường trong nền kinh tế, thế giới đang áp dụng Bộ chỉ số về tự do kinh tế (IEF) của Quỹ Di sản, theo đó có 12 chỉ số như quyền sở hữu, hiệu lực tư pháp, tính liêm chính của Chính phủ, gánh nặng thuế, chi tiêu chính phủ, sức khỏe tài chính, tự do kinh doanh, tự do lao động, tự do tiền tệ, tự do thương mại, tự do đầu tư, tự do tài chính.

Bên cạnh đó còn có Chỉ số quản trị nhà nước của Ngân hàng Thế giới đo lường hiệu lực quản lý nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường, vai trò của Nhà nước và thị trường không thể tách rời nhau, đối nghịch nhau, mà bổ sung cho nhau. Một nền kinh tế có điểm số tốt ở cả 2 bộ chỉ số này là một nền kinh tế thị trường hiệu quả.

Nền kinh tế Việt Nam đều chưa đạt được thứ hạng tốt ở cả hai bộ chỉ số. Chỉ số tự do kinh tế chỉ đạt mức trung bình 51-53/100 nhiều năm và không vượt lên được. Chỉ số quản trị nhà nước, Việt Nam cũng chỉ khoảng 200 điểm trên tổng số 600 điểm.

Trong các bảng xếp hạng này, nền kinh tế Việt Nam vẫn thuộc nhóm dưới so với các nền kinh tế khác, thể hiện cả Nhà nước và thị trường đều chưa thể hiện đúng vai trò trong nền kinh tế thị trường.

Trước mắt cũng như lâu dài, cải cách phải từ Nhà nước vì những khó khăn trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường của Việt Nam hiện tại không nằm ở vế thị trường, mà nằm ở phía Nhà nước.

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, vai trò của Nhà nước là ổn định kinh tế vĩ mô; thiết lập khung pháp luật và bộ máy thực thi để thị trường hoạt động tốt; khắc phục khiếm khuyết, thất bại của thị trường và đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho mọi người.

Trong kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước XHCN phải làm nhiều hơn và thực hiện tốt hơn các chức năng xã hội của mình. Có thể nói, khác biệt của kinh tế thị trường hiện đại và kinh tế thị trường định hướng XHCN ở chính vai trò nhà nước nhiều hơn, tốt hơn trong phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội.

Thay đổi tư duy để tiến đến kinh tế thị trường 

Cần làm rõ là khi chuyển sang kinh tế thị trường thì cần phát triển những thị trường, các nhân tố sản xuất, khu vực tư nhân và những thiết chế bảo vệ tài sản, sở hữu của doanh nghiệp, người dân. Đây nên là một điểm đột phá trong cải cách, tái cơ cấu kinh tế của giai đoạn tới. Đây cũng là những điểm quan trọng để quyết định Việt Nam có thực sự chuyển sang kinh tế thị trường hay vẫn dang dở ở trạng thái của một nền kinh tế đang chuyển đổi.

Chúng ta đã chọn đột phá thể chế rất mạnh mẽ, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Thực tế là Việt Nam đã có những bước thăng hạng đáng kể trên các bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính chỉ là phần ngọn của vấn đề. Bản chất để đột phá cải cách thể chế là nội dung của các quy định, của hệ thống văn bản pháp luật. Chúng ta luôn nói đến đột phá nhưng chưa đột phá được nhiều. Có lẽ, có các nguyên nhân như chưa chọn đúng điểm, đúng chỗ; chưa có công cụ phù hợp; nhân lực chưa đủ năng lực thực hiện.

Các thị trường nhân tố sản xuất không thể hình thành và hoạt động tốt nếu Nhà nước không thay đổi vai trò và chức năng. Nếu Nhà nước sở hữu và kiểm soát, xin - cho còn kéo dài thì thị trường sẽ méo mó, không thể vận hành đúng quy luật được.

Thực tiễn cho thấy, việc chọn khâu đột phá, công cụ và con người đủ năng lực đã khó nhưng tìm ra động lực, tạo ra áp lực để thực hiện các thị trường nhân tố sản xuất còn khó hơn. Tuy nhiên, cách tốt nhất để tự soi mình, cũng là cách để tạo động lực, áp lực cho sự thay đổi của chính mình là tham gia các bảng xếp hạng với các nền kinh tế trên toàn cầu.

Khi chúng ta tuyên bố với thế giới là đang chuyển sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, đầy đủ, thì chúng ta phải thể hiện nỗ lực của mình, phải vươn lên các thứ bậc cao hơn, chứ không thể cứ ở mức trung bình, trung bình thấp như hiện tại.

Tư Giang lược thuật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét