Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

20201115. LIỆU CÓ GIAN LẬN BẦU CỬ TỔNG THỐNG TẠI MỸ ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG    

GIAN LẬN BẦU CỬ Ở MẼO !
NGUYỄN THỤC QUYÊN/ TD 11-11-2020


Dân tình cứ chộn rộn lo lắng về gian lận bầu cử ở Mẽo. Các bạn giàu trí tuởng bở. Làm gì mà dễ như “dép nốp bay vào vũ tru”, hay như “cải tạo Hà lội thành Xanh ga bò”? Chao ôi, không dễ tí nào, dễ thì đã có nguời bóc lịch, ăn cơm tù 10 năm rồi đó. Thực tình là khó hơn chó Phú Quốc nhân giống đại đồng, và khó hơn vua Đàm hát ô bê ra đấy.

Chắc vì bầu cử ở VN xưa nay vốn thật như đùa và đùa như thật, thành ra mọi nguời mới bán tín bán nghi như thế. Tỷ lệ đi bầu và có bầu (dù không trứng không thai) ở Việt Nam năm nào cũng 100%, có khi đếm lại còn vọt lên 101% ấy chứ.

Hồi mình ở nhà, cứ đến dịp toàn dân thực hiện quyền không có lợi và nghĩa vụ có răng của mình, là tổ truởng dân phố xua đi bầu như xua gà lên chuồng, lỡ ai lần chần uốn éo không đi là tổ truởng dân phố làm hộ cái rụp và lập tức thành “có bầu” ngay.

Bầu cử ở xứ Mẽo không như thế đâu ạ. Các tiểu bang có luật riêng về khung thời gian đăng ký tham gia bầu, khung thời gian nhận phiếu, và kiểm phiếu. Để được đi bầu, thường người ta phải đăng ký từ truớc. Tuy không khuyến khích ăn cơm truớc kẻng, nhưng một số bang cho phép người dân đăng ký và thực hiện “có bầu” ngay trong ngày bầu cử.

Để đăng ký phải có địa chỉ, và phải có bằng chứng là anh/ chị/ ông/ bà sống ở địa chỉ đấy. Bằng chứng là bằng lái xe hoặc các thư từ tài liệu chính thức có tên và địa chỉ rõ ràng. Yêu cầu thứ hai là phải có ID, nếu mà không có ID thì phải có số an sinh xã hội. Nếu không có cả ID lẫn số an sinh xã hội thì phải có affadavit với xác nhận từ công chứng viên.

Nếu ai đã từng ở Mẽo thì biết rõ số an sinh xã hội quan trọng đến thế nào. Sinh mạng tài chính, kinh tế, xã hội của một người bị ràng buộc hết vào mấy con số đấy. Không phải chuyện chơi. Và yêu cầu thứ ba có ở một số bang là bằng chứng công dân. Những yêu cầu này khiến cho việc đăng ký giả và bầu giả rất khó khăn.

Bầu qua thư không phải năm nay mới có. Bao năm truớc vẫn bầu qua thư rồi. Kể cả năm 2016 khi anh Trump đắc cử, cứ bốn phiếu thì có 1 phiếu là bầu qua thư. Cách thức này giúp tăng tỉ lệ “có bầu” dù dân Mẽo già đi nhiều trong mấy chục năm qua. Nguời già giao du quan hệ hạn chế, nhưng bầu thì vẫn cứ thích như ai. Còn sống còn ăn còn đóng thuế mà lại không đuợc “có bầu” thì ức chết!

Thuờng thì nhóm cao tuổi thích “có bầu” qua thư. Truờng Stanford nghiên cứu và thấy, tỉ lệ tham gia “có bầu” trong giai đoạn 1996-2018 tăng 2 percentage points ở ba bang cho phép bầu qua thư rộng rãi (Colorado, Washington và Oregon), nhưng dù vậy chẳng ảnh huởng gì đến kết quả bầu cử, và cũng không mang lại lợi thế cho một đảng phái hay một nhóm kinh tế hay bất cứ màu da nào.

Như đã nói ở trên, để bầu qua thư, nguời ta cũng phải đăng ký từ truớc, các bang yêu cầu phiếu bầu gửi qua thư phải có chữ ký ở ngoài phong bì để so sánh với chữ ký trong hồ sơ lưu trữ. Có bang còn yêu cầu phải có thêm nguời làm chứng nữa.

29 bang và quận Columbia cho phép ngưòi dân tự theo dõi xem phiếu bầu của họ đã đến nơi chưa. 14 bang và quận Columbia cũng cho phép nguời dân nộp phiếu bầu tận tay nếu họ không tin bưu điện. Một nhóm nhân viên bầu cử mở các phong bì có chữ ký bên ngoài này, rồi một nhóm khác sẽ thực hiện scan. Các giám sát viên theo dõi quá trình này rất sát sao. Các phiếu bầu sẽ không được kiểm đếm nếu không được in trên loại giấy đặc biệt có các dấu hiệu kỹ thuật đặc thù.

Và có một điều là phiếu bầu không chỉ có mỗi chọn tổng thống. Trong phiếu bầu của mỗi bang còn có lựa chọn đại biểu quốc hội, đại biểu tiểu khu, quận, bang, hội đồng giáo dục, và có cả mục tán thành hay không tán thành với các chuơng trình dân sinh hay các thay đổi chính sách hay hiến pháp bang.

Cả nuớc Mỹ có hơn 3000 quận, cho nên việc làm giả phiếu bầu không phải là chuyện ra đầu ngõ ăn vịt lộn hay chạy lòng vòng tìm miếng giồi chó. Vì thế, không phải mỗi anh Trump quan tâm đến việc kiểm soát bầu cử và kiểm phiếu. Các ứng viên cho các chức vụ ở bang, ở quận, cũng quan tâm không kém, vì đấy là vấn đề liên quan lập tức đến đời sống và quyền lợi của họ. Họ không những giám, mà là sát sàn sạt nữa kìa.

Năm nay vì sự viếng thăm của Covi nên số lượng nguời có bầu qua thư tăng hơn. Phần nhiều những nguời ủng hộ đảng Dân chủ thích bầu qua thư vì họ là những nguời sợ Covi hơn. Đám ủng hộ anh Trump là nhũng ngưòi coi trời bằng vung, coi Covi là đinh rỉ, thậm chí còn không nguy hiểm bằng đinh rỉ, chỉ nguy hiểm khi nó là China virus. Vì vậy, họ thích làm luôn, làm ngay, có bầu tại chỗ. Tuy thế, cũng vẫn có người ủng hộ Cộng hoà chọn cách bầu qua thư.

Cách thức kiểm phiếu của mỗi bang mỗi khác: thường các bang kiểm loại “làm luôn-làm ngay-có bầu tại chỗ” trước, rồi sau đấy mới kiểm đến dạng “có bầu qua thư” sau. Vì thế mà khi kiểm có bầu tại chỗ đầu tiên thì anh Trump hay dẫn truớc, nhưng đến khi sờ tới “có bầu qua thư” thì ván bài lật ngược, và phe anh Trump kêu gào “ngừng đếm” ở những bang đó. Còn ở những bang làm ngược lại thì phe anh Trump lại gào: đếm tiếp.

Một chuyện nữa là các bang có luật khác nhau về thời gian cuối cùng chấp nhận phiếu bầu qua thư. Hai bang Utah và Lousiana yêu cầu phiếu phải đuợc đóng đấu bưu điện vào ngày trước ngày bầu cử, tức là trước 4h30′ chiều ngày 2/11 ở Louisiana, còn ở Utah thì chấp nhận các phiếu được đóng dấu bưu điện ngày 2/11 nhưng đến nơi trước 12 giờ trưa ngày 4/11. Dân Utah cũng đuợc phép mang phiếu đến địa điểm bầu cử địa phương truớc 8 giờ tối 3/11.

Bang Ohio yêu cầu phiếu phải có đóng dấu bưu điện trước ngày 2/11, nhưng có thể đuợc giao đến nơi muộn nhất vào cuối giờ làm việc ngày 13/11. Phần lớn các bang khác yêu cầu phiếu bầu qua thư phải đến nơi trước giờ đóng cửa trong ngày bầu cử, tức là thường 7 giờ tối hoặc 8 giờ tối ở địa phuơng, nhưng có vài nơi cũng cho phép phiếu bầu đuợc giao đến nơi sau ngày bầu cử. Bang Washington có thời hạn dài nhất, đến tận 23/11. Vì vậy anh Trump thật sự là cùn khi anh kêu gào rằng các phiếu nhận sau ngày bầu cử là gian lận. Thực tế là mỗi bang có luật riêng của họ, và luật này không ai thay đổi đuợc, kể cả Toà án tối cao.

Trong mọi cuộc bầu cử ở xứ Mẽo, luôn có một lượng phiếu gọi là provisional ballots (tạm gọi phiếu bầu cần kiểm tra lại). Đây là các phiếu bầu mà các thông tin của người bầu không khớp với kho dữ liệu và cần được xác minh thêm. Và chừng nào chưa xác minh thì các phiếu này không được tính.

Theo Uỷ ban hỗ trợ bầu cử Mỹ tỷ lệ phiếu bầu cần kiểm tra lại từ năm 2006 đến nay khá ổn định: 1.8% trong các kỳ bầu cử tồng thống, và 1.1% trong bầu cử giữa kỳ. Tỷ lệ phiếu bầu cần kiểm tra lại được chấp nhận để “cho làm phép cộng” (sau khi kiểm tra) là 69% trong bầu cử tổng thống và 79% trong bầu cử giữa kỳ. Lý do phổ biến nhất khiến các phiều bầu loại này không đuợc đưa vào “làm toán” là do nguời bầu không đăng ký ở bang đó, hoặc không bỏ phiếu ở đúng nơi đăng ký, hoặc có lý do từ chữ ký, không đủ thông tin xác minh hay phong bì đựng phiếu có vấn đề.

Năm 2016 (năm Trump thắng cử) bốn bang có tỷ lệ phiếu bầu cần kiểm tra lại cao nhất là Arizona, California, New York và Ohio. California chiếm hơn một nửa số phiếu bầu cần kiểm tra lại này. Lúc đó bà Hillary cũng có ý định yêu cầu kiểm phiếu lại ở một số nơi, nhưng Obama khuyên bà chấp nhận.

Trở lại vấn đề anh Trump và các con anh kêu gào không chấp nhận kết quả bầu cử, đây không phải chỉ là chuyện ‘Ôi, tôi mất miếng giồi’. Thất cử kéo theo rất nhiều hệ lụy cho gia đình anh Trump và chuyện kinh doanh của anh ý. Bang New York đang điều tra hoạt động kinh doanh của gia đình Trump, luật sư cũ của anh Trump khi điều trần đã để lộ là Trump Organization phóng đại giá trị tài sản để lừa nhà đầu tư.

Ngoài ra có vô số vấn đề thuế má từ rất nhiều năm, và các cuộc điều tra này sẽ là cơn ác mộng kéo dài. Các con anh Trump đều dính líu vào các phi vụ làm ăn với nguy cơ mâu thuẫn lợi ích. Và cái miệng toè loe của anh Trump có thể còn dẫn đến nhiều vụ kiện phỉ báng hay quấy rối nữa. Cho nên, khi không còn chức quyền, anh Trump sẽ không đơn giản là về hưu đánh gôn, anh sẽ đau đầu với vô số kiện tụng. Việc anh gào thét và từ chối chấp nhận thua cuộc cũng có thể là để câu giờ tìm cách dọn dẹp đối phó với những rắc rối tuơng lại.

Vậy nên, đừng tin vào những luận điệu rằng người chết sống lại đi bầu, nguời từ sao Hoả cũng bầu, và anh Pu tung trưởng làm thiên hạ có bầu tá lả ở Mẽo. Cũng đừng tin chính quyền anh Trump yêu VN lắm. Anh ấy vừa áp thuế phá giá cho lốp xe VN đấy. Anh ấy cũng từng bảo VN là một trong những nước lợi dụng xuất siêu vào Mỹ, trong danh sách sẽ được sờ tới sau Tàu.

'DÂN HAI NHĂM TRIỆU AI LỚN ?'

PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ TD/ BVN  12-11-2020


Tôi không đủ kiên nhẫn để đọc hết những status, những comment sì sụp thần tượng, sôi sục bênh vực, khấp khởi hi vọng vào kẻ mị dân, dối trá, trông mong Donald Trump đảo ngược được tình thế để ở lại White House thêm bốn năm nữa, thêm bốn năm ngày đi chơi golf, đêm miệt mài viết tweets cách chức bộ trưởng này, sỉ vả nhà báo nọ.

Đọc những status, những comment đó trong đầu tôi cứ rì rầm vọng lên câu thơ của nhà thơ non Tản sông Đà cảm thán ngậm ngùi thương xót cho đồng bào mình, những con người mang nặng căn tính nông dân sống trong cảm tính, bị cái tình, cái mủi lòng dẫn dắt như đứa trẻ, chứ không sống bằng lí trí tỉnh táo của người trưởng thành. Thời Tản Đà, dân số nước ta, già trẻ, lớn bé mới có hai mươi nhăm triệu người, theo Tản Đà chỉ là hai mươi nhăm triệu người chưa lớn:

Dân hai nhăm triệu ai người lớn?
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con!
(Thơ Tản Đà)

Hai nhăm triệu dân đầu thế kỉ hai mươi. Đầu thế kỉ hai mươi mốt đã là trăm triệu dân. Trăm triệu dân dù có vài chục triệu người đã sống ở đô thị một, hai thế hệ nhưng căn tính nông dân, nặng tình, nhẹ lí vẫn còn nguyên. Bị tình cảm dẫn dắt nên nhìn sự vật bằng yêu ghét:

Yêu nhau củ ấu cũng tròn
Tro than thì trắng, bồ hòn ngọt thơm
(Ca dao)

Bị cảm tính dẫn dắt, hai nhăm triệu dân mà không có người lớn, cả trăm triệu dân hồn nhiên khi đã mủi lòng thì “củ ấu cũng tròn”.

Hồn nhiên mới tin câu chuyện hồn ma bóng quỉ kinh dị rùng rợn rằng, ở nước Mỹ có tới hàng chục ngàn hồn ma của người đã chết cũng được những người Dân Chủ gọi hồn lên rồi dẫn vào phòng bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ để viết phiếu bầu cho Joseph Biden.

Hồn nhiên mới tin có màn ảo thuật hàng chục ngàn phiếu bầu cho Donald Trump đã bị những hội đồng kiểm phiếu ở các bang Georgia, Penncylvania, Nevada, Michigan, Arizona lén lút tiêu hủy làm cho số phiếu của Joseph Biden bứt phá chóng mặt đưa Biden về đích ngoạn mục.

Hồn nhiên mới tin câu chuyện tình báo li kì, căng thẳng thót tim rằng lực lượng vệ binh quốc gia được Tổng thống Donald Trump sử dụng gài bẫy những người gian lận bầu cử bằng công nghệ tình báo hiện đại tinh vi. Phiếu bầu được tráng lớp hóa chất điện tử, ghi lại đường đi của phiếu. Hàng trăm ngàn phiếu ở các bang chiến trường, cùng được chuyển đến một vị trí bí ẩn thay đổi nội dung ghi trên phiếu rồi mới đến điểm kiểm phiếu. Biden và đảng Dân Chủ mải mê gian lận đã dính bẫy. Tổng thống Trump sắp tạo ra sự kiện long trời lở đất, đưa Biden vào tù, Trump tinh quái và kiêu hãnh sẽ oai hùng ở lại White House như một nhân vật vĩ đại của lịch sử nước Mỹ.

Chuyện “gian lận” bầu cử của Joseph Biden đã ồn ào, sôi sục cả mạng xã hội ở Việt Nam thì ở Mỹ, nơi không có “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, pháp luật không vì đảng phái mà chỉ vì công lí, đã phải ráo riết vào cuộc rồi. Trump chỉ việc cung cấp phiếu bầu cử điện tử ghi bằng chứng gian lận, cung cấp tên tuổi những hồn ma đi bầu cử bỏ phiếu cho Biden, cung cấp bằng chứng hội đồng kiểm phiếu tiêu hủy những phiếu bầu cho Trump rồi Trump rung đùi ngồi chờ chiến thắng hiển hách vinh quang.

La làng về gian lận bầu cử, nhưng Trump chẳng có bằng chứng gì chỉ biết thúc William Barr, người do Trump đặt vào ghế Bộ trưởng Tư phá,p gấp gáp điều tra như thúc ông thợ săn dẫn chó săn xục vào cánh rừng rậm rịt gai góc tìm con chồn tưởng tượng. Rồi Trump ngồi trong phòng bầu dục bồn chồn liên tục viết tweets hốt hoảng hô hoán: Gian lận bầu cử! Gian lận bầu cử!

Sự hốt hoảng hô hoán của Trump làm xã gội Mỹ sôi sục một, thì làm sôi sục gấp mười lần tập hợp đông đảo những người nặng lòng yêu Trump ở Việt Nam. Trùm tuyên giáo Võ Văn Thưởng và cả cỗ máy tuyên giáo khổng lồ chuyên điều chế thuốc an thần, thuốc lú, thuốc quên cho dân uống thì mỉm cười xoa tay sung sướng.

Những cái tweets của Trump đã thay những liều thuốc lú, thuốc quên của tuyên giáo làm dân quên đi sự điều hành yếu kém của nhà nước cộng sản làm đất nước tan hoang, làm kinh tế lụn bại. Quên đi những tên quan dốt nát và tham lam làm hại nước và tàn bạo ức hiếp dân như ông bí thư tỉnh ủy Bùi Văn Cường hành xử như lục lâm thảo khấu, ngạo ngược bắt giam nhà khoa học tố cáo hợp pháp ông ta đạo luận văn khoa học. Quên đi thân phận nô lệ của người dân. Quên đi cái tội của nhà nước bất tài và tham nhũng tạo ra núi nợ khổng lồ đè xuống đầu dân. Từ đứa trẻ sơ sinh đến người già hấp hối đều có khối nợ công bốn mươi triệu đồng đè xuống đầu và khối nợ đó càng ngày càng lớn thì muôn đời muôn kiếp dân không thể giàu, nước không thể mạnh.

Bịa đặt và dễ dãi tin vào sự bịa đặt về màn áo thuật tiêu hủy phiếu bầu, tin vào câu chuyện kinh dị hồn ma bỏ phiếu bầu cử, tin vào câu chuyện tình báo gài bẫy ban kiểm phiếu, tưởng rằng bảo vệ thần tượng Trump, đề cao sự tinh quái cao cường của thần tượng Trump. Nhưng những câu chuyện đó đã xúc phạm thần tượng của họ, xúc phạm người dân Mỹ, xúc phạm nền dân chủ Mỹ, xúc phạm đảng Dân Chủ Mỹ, một trong hai đảng làm nên đời sống chính trị vàng son của lịch sử Mỹ được cả thế giới kính trọng và kì vọng.

Những trò gian lận bầu cử đó chỉ có thể diễn ra ở thể chế độc tài và trong xã hội không có dân chủ. Nền dân chủ lâu đời và mẫu mực của nước Mỹ đã trao cho người dân quyền lực vô cùng lớn lao. Chỉ một nhà báo bình thường cũng đủ sức phanh phui và làm mất chức Tổng thống của Richard Nixon khi nhà báo khui ra vụ Watergate năm 1972, Nixon đặt máy nghe lén đối thủ trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống.

Dân chủ đã thấm vào máu dân, thấm vào sinh hoạt xã hội như vậy thì những chuyện động trời hàng chục ngàn hồn ma đi bỏ phiếu, hội đồng kiểm phiếu tiêu hủy hàng chục ngàn phiếu hợp lệ và tạo ra hàng trăm ngàn phiếu bầu giả làm sao có thể diễn ra. Dựng lên những chuyện quái gở như vậy là sự xúc phạm người dân Mỹ, xúc phạm nền dân chủ Mỹ

Xã hội dân chủ không thể có chuyện sùng bái cá nhân. Không thể có chuyện làm mọi chuyện, kể cả chuyện phạm pháp vì một cá nhân. Là một trong hai đảng làm nên nét đẹp dân chủ của xã hội Mỹ, đảng Dân Chủ là đảng của những Tổng thống lừng lẫy trong lịch sử nước Mỹ, Tổng thống Franklin D. Roosevelt (sinh năm 1882-1945); Tổng thống Harry S. Truman (1884-1972); Tổng thống John F. Kennedy (1917-1963); Tổng thống Lyndon B. Johnson (1908-1973); Tổng thống Jimmy Carter (1924); Tổng thống Bill Clinton (1946)… Một đảng như vậy không thể vất bỏ những giá trị của mình, không thể liều mạng tự sát làm những chuyện phạm phát bẩn thỉu để đưa một người của đảng lên làm Tổng thống bằng gian lận trắng trợn phiếu bầu cử.

Trong khi ở bờ Tây Thái Bình Dương nhiều người Việt Nam cùng hòa giọng với Trump gào thét Gian lận bẩu cử! Gian lận bầu cử! thì ở bờ Đông Thái Bình Dương ngày 10.11.2020, nhóm 28 quan sát viên quốc tế thuộc tổ chức các nước châu Mỹ, OAS, đến Mỹ quan sát bầu cử đã ra Tuyên bố bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ về gian lận bầu cử ở Mỹ. Các quan sát viên quốc tế của OAS có mặt tại điểm bỏ phiếu và trung tâm kiểm phiếu ở nhiều bang bị cáo buộc gian lận phiếu bầu như Georgia, Penncylvania, Nevada, Michigan, Arizona từ ngày 23.10 đến 7.11, đã xác nhận cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 được tổ chức tốt và diễn ra trong yên bình, minh bạch.

Trong khi nhiều người Việt Nam đang sống trong nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu tràn trề niềm tin cảm tính rằng Nhà Trắng đã ở xa lắc phía sau Joseph Biden. Sừng sững trước mặt Biden chỉ có nhà tù giữa mênh mông hoang vắng sa mạc thì ở bên Mỹ ngày 8.11.2020, cựu Tổng thống George W.Bush thuộc đảng Cộng Hòa đã tuyên bố gọi ông Biden là tổng thống đắc cử. Tuyên bố của cựu Tổng thống Bush viết rằng, ông Trump có quyền yêu cầu kiểm phiếu lại và theo đuổi các thách thức pháp lý nhưng người dân Mỹ có thể tin tưởng rằng cuộc bầu cử này về cơ bản là công bằng, tính liêm chính sẽ được duy trì và kết quả của nó là rõ ràng.

Cùng ngày 8.11.2020, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice thuộc đảng Cộng Hòa cũng gọi điện cho Tổng thống đắc cử Joseph Biden: Chúc mừng tổng thống đắc cử Joe Biden và phó tổng thống đắc cử Kamala Harris, và những người dân Mỹ đã đi bầu kỷ lục để thể hiện sức mạnh và sức sống của nền dân chủ của chúng ta. Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau vì lợi ích chung bằng sự đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau.

Nhiều Thượng nghị sĩ Cộng hòa cũng nối nhau gửi tweets chúc mừng Tổng Thống đắc cử Joe Biden. Thượng nghị sĩ Susan Collins, tiểu bang Maine; Thượng nghị sĩ Mitt Romney, tiểu bang Utah; Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski, tiểu bang Alaska; Thượng nghị sĩ Ben Sasse, tiểu bang Nebraska … Tweets của Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Susan Collins viết: Trước hết, tôi muốn gửi lời chúc mừng đến Tổng thống đắc cử Biden đối với chiến thắng hiển nhiên của ông.

Những người Mỹ Cộng Hòa, đối thủ chính trị của Joseph Biden của đảng Dân Chủ còn phải nhìn nhận chiến thắng hiển nhiên của Joseph Biden. Còn những người Việt Nam quá nặng lòng yêu Trump thì vẫn cho rằng củ ấu là tròn! Vẫn chờ đợi chiến thắng tưởng tượng của Trump.

Một thế kỉ dồn dập bão táp cách mạng xã hội, bão táp cách mạng khoa học kĩ thuật và cách mạng công nghiệp nhưng con người Việt Nam đầu thế kỉ 21 vẫn là con người Việt Nam thời Tản Đà, đầu thế kỉ 20, “Dân hai nhăm triệu ai người lớn?” Những người không chịu lớn!

TỐI CAO PHÁP VIỆN CÓ QUYẾT ĐỊNH KẾT QUẢ BẦU CỬ?

DƯƠNG NGỌC THÁI/ TD 13-11-2020

H. nhắn tin hỏi, vậy Tối cao Pháp viện Mỹ có xử vụ bầu cử không. Nó nói ngày nào cũng vô blog này canh me canh chua tôi có viết cái gì mới không. Thiệt sự tôi cũng ngán cái món bầu cử này rồi, cả mấy tuần nay không làm ăn gì được cả, nhưng nghe nó nói vậy nên tôi viết tiếp.

Trump đang thưa kiện rất nhiều nơi, nhưng cho đến giờ chỉ mới có một vụ lên tới Tối cao Pháp viện. Trước khi nói về vụ kiện, cần phải làm rõ thế này:

* Kết quả vụ kiện không thay đổi kết quả bầu cử.

* Nếu Trump thắng kiện, Trump vẫn thua ở Pennsylvania.

* Phe của Trump không kiện vì cho rằng có gian lận phiếu bầu, mà kiện vì cho rằng luật bầu cử ở bang Pennsylvania vi phạm hiến pháp. Kể cả Trump thắng kiện, vẫn không có lý do hay bằng chứng để tin rằng đã có gian lận bầu cử. Jones Day, hãng luật sư đại diện đảng Cộng Hòa trong vụ kiện này, cũng nói rằng họ không đại diện cho Trump hay đảng Cộng Hòa trong bất kỳ vụ thưa kiện nào liên quan đến gian lận bầu cử.

* Tòa không quyết định ai sẽ là tổng thống, chỉ có kết quả bầu cử mới quyết định chuyện đó. Tòa cũng không quyết định bầu cử có gian lận hay không. Tòa chỉ quyết định luật bầu cử ở Pennsylvania có vi phạm hiến pháp hay không.

Trước đây luật của Pennsylvania bắt buộc phiếu bầu qua mail phải được gửi đến ủy ban bầu cử trước giờ đóng thùng phiếu (tức cuối ngày 3/11/2020). Sau đó Tòa tối cao Pennsylvania (không phải Tối cao Pháp viện Mỹ) ra phán quyết yêu cầu ủy ban bầu cử chấp nhận tất cả phiếu bầu qua mail nhận được trong vòng 3 ngày sau ngày bầu cử, miễn sao phiếu đó đã được đóng dấu bưu điện trước giờ đóng thùng phiếu.

Hồi cuối tháng 9, đảng Cộng Hòa đã kiện ra Tối cao Pháp viện một lần rồi. Họ nói rằng Tòa tối cao Pennsylvania không được quyền can thiệp vào luật bầu cử tổng thống và quốc hội liên bang, vì luật này thuộc phạm trù liên bang, được điều chỉnh bởi luật liên bang và Hiến pháp Mỹ. Luật liên bang quy định chỉ có một ngày bầu cử, kéo dài thêm 3 ngày là phạm luật. Hiến pháp Mỹ giao quyền cho những nhà lập pháp bang Pennsylvania tạo ra luật bầu cử ở bang này, hiến pháp bang Pennsylvania không có quyền tài phán trong chuyện đó.

Lúc bấy giờ Tối cao Pháp viện, chỉ có 8 thẩm phán, vì bà RBG vừa qua đời, đã đưa ra phán quyết với tỉ số 4-4. Kết quả huề, nghĩa là nguyên đơn thua, tức là phiếu bầu qua mail gửi trễ 3 ngày vẫn được chấp thuận. Nhắc lại, những phiếu bầu này vẫn phải được đóng dấu bưu điện trước giờ đóng thùng phiếu. Đó là tình hình trước bầu cử.

Khi cuộc bầu cử bắt đầu, trong lúc bang Pennsylvania đang kiểm phiếu, nhắm thấy đã thua, đảng Cộng Hòa mở lại vụ kiện cũ. Trước khi Tòa ra quyết định có nhận xử hay không, đảng Cộng Hòa yêu cầu Tối cao Pháp viện ra lệnh, buộc các ủy ban bầu cử ở các hạt trong bang Pennsylvania phải tách những phiếu bầu qua mail gửi trễ ra riêng và không được đếm những phiếu bầu này. Thẩm phán tối cao Alito chấp thuận đề nghị đầu tiên, nhưng gạt đề nghị thứ hai.

Theo thống kê từ ủy ban bầu cử Pennsylvania thì từ ngày 4/11 đến ngày 6/11, họ chỉ nhận được khoảng 10.000 phiếu bầu qua mail. Trong khi đó, Biden đang dẫn hơn 53.000 phiếu rồi. Do đó có đếm hay không những phiếu này thì kết quả bầu cử cũng không thay đổi, Biden vẫn thắng.

Đây là một vụ kiện quan trọng, không phải vì nó ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, không phải vì nó sẽ chứng minh có gian lận hay không, mà vì nó sẽ trả lời câu hỏi: ai được quyền quyết định luật bầu cử? Do đó, nhiều khả năng Tối cao Pháp viện sẽ chấp nhận xử. Tôi đoán Tòa sẽ xử thắng cho đảng Cộng Hòa, nhờ phiếu của thẩm phán Barrett mới thế chỗ RBG.

Lúc đó nhiều người sẽ vin vào kết quả vụ kiện này mà cho rằng Trump đã thắng, rằng đã có gian lận. Đây là cách Trump tìm kiếm sự ủng hộ, mặc dù đã biết rõ vụ kiện không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Tôi hy vọng mọi người sẽ tỉnh táo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét