Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

20201112. PHÁT NGÔN 'NỔI SÓNG' CỦA ĐBQH KSOR H'BƠ KHĂP

 ĐIỂM BÁO MẠNG    

              NỮ TRUNG TÁ TRANH LUẬN VỚI BỘ TRƯỞNG             CÔNG THƯƠNG VÀ NN&PTNT
VNN 5-11-2020

Pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng dùng để nướng bò một nắng?

Tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH sáng nay (5/11), đề cập đến tấm pin quang điện, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong phiên họp từ ngày 7/2/2020, Thủ tướng đã có quyết định giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn.

Nữ Trung tá tranh luận với Bộ trưởng Công Thương và NN&PTNT
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh

Theo ông, còn 9 quy tắc của luật định thì hiện nay tất cả các chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm về xử lý các tấm pin quang điện. Trên thực tế, chỉ có 3% một số khoáng chất có thể liên quan đến môi trường thì các nhà cung cấp cho các tấm pin quang điện đều có những hợp đồng với các chủ đầu tư các dự án pin mặt trời, các dự án điện mặt trời để chịu trách nhiệm thu hồi và xử lý các vi mạch điện.

Tranh luận lại với Bộ trưởng Công Thương trong chiều nay, Trung tá Ksor H’Bơ Khắp - Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai đánh giá phần giải trình của Bộ trưởng Công Thương là chưa làm đúng trách nhiệm của mình.

“Bộ trưởng không thể đổ thừa cho địa phương, cũng không thể nói là có quy định của luật về việc xử lý rồi chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý pin năng lượng mặt trời”, bà Ksor H’Bơ Khắp nói.

Theo bà, cái nhân dân đang cần đó là người đứng đầu ngành có phương án gì đối với vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời.

Nữ Trung tá cho biết, hiện nay cán bộ và nhân dân địa phương rất hoang mang với những vấn đề này.

Nữ Trung tá tranh luận với Bộ trưởng Công Thương và NN&PTNT
ĐB Ksor H’Bơ Khắp

“Ngay cả bản thân tôi, thị xã Ayun Pa của tôi là lòng chảo, phải nói là nắng cực, mỗi một lần lên ti vi là thời tiết Ayun Pa 10h đêm vẫn 37 độ, bây giờ điện năng lượng là tràn lan.

Sau này pin đó dùng để làm gì? Dùng để nướng bò một nắng hay sao. Bởi vì lòng chảo chúng tôi có đặc sản là bò một nắng, những tấm pin đó sẽ xử lý vào đâu, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng”, ĐB tỉnh Gia Lai đặt câu hỏi.

"Con số Bộ trưởng đưa ra có gì đó thực sự là sai sai"

Cũng trong sáng cùng ngày, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT làm rõ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng, vì vai trò của hai loại rừng này khác nhau.

"Không phải ngẫu nhiên mà ở các quốc gia rộng lớn về lãnh thổ như Mỹ hay Canada đều kiên quyết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng tự nhiên", ông Nghĩa nêu vấn đề.

Trả lời câu hỏi của ĐB Trương Trọng Nghĩa vào chiều nay, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói trong 30 năm qua, diện tích rừng từ 9 triệu ha tăng lên 14,6 triệu ha. Trong số này có 10,3 triệu ha rừng tự nhiên. Như vậy, so với 30 năm trước, diện tích rừng tự nhiên tăng thêm 1,3 triệu ha.

Nữ Trung tá tranh luận với Bộ trưởng Công Thương và NN&PTNT
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

"Tuy nhiên, phải khẳng định diện tích rừng tự nhiên hiện nay chưa được tốt, bởi vì trong tổng số 10,3 triệu ha, chỉ có 15% rừng giàu trữ lượng, 50% rừng trung bình, 35% rừng nghèo. Đây là thực tế mà chúng ta phải có trách nhiệm", Bộ trưởng Cường thừa nhận.

Vì vậy, ông nói tới đây phải tăng hơn nữa định mức hỗ trợ để người dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng giàu về trữ lượng và đa dạng sinh học.

"Với 14,6 triệu ha rừng trồng, tới đây cũng được thay bằng cơ cấu cây rừng lâu năm, kết hợp với nhóm cây bản địa. Chiến lược phát triển rừng 2021 - 2030 sẽ cố gắng để có rừng ngày càng chất lượng", ông Cường cho biết.

Tranh luận lại với giải trình trên, Trung tá Ksor H’Bơ Khắp cho rằng việc tăng diện tích rừng từ 9 triệu lên 14,6 triệu là con số phấn khởi.

Tuy nhiên, ĐB cảm thấy con số Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra là vô lý và “có gì đó thực sự là sai”.

Theo ĐB, ít nhất trong nhiệm kỳ này, mỗi kỳ họp chúng ta đều được nghe các dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ (rừng tự nhiên).

“Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu ha rừng ấy. Với cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng hay sao?

Tỷ lệ che phủ rừng là gì, là nơi chứa CO2 để thải ra O2. Còn cây cao su là cây hút O2, thải ra CO2, không có con gì sống đước ở đó”, ĐB Ksor H'Bơ Khắp nói và đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT cần nghiên cứu lại các dự án phải điều chỉnh diện tích rừng tự nhiên.


CHẲNG RIÊNG CÁC BỘ TRƯỞNG MÀ CẢ HỆ THỐNG...SAI SAI

TRÂN VĂN/ VOA/TD 10-11-2020


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khi trả lời thắc mắc liên quan đến việc 
phát triển điện mặt trời thì loan báo, trách nhiệm trước hết thuộc 
về… các nhà đầu tư! Ảnh: Reuters

Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội Việt Nam khóa này vừa được hâm nóng. Người hâm nóng nghị trường và được công chúng tán thưởng là bà Ksor H’Bơ Khăp, 38 tuổi, Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, thành viên Đoàn Đại biểu của tỉnh Gia Lai tại Quốc hội…

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, khi giải trình với Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN – PTNT), khoe rằng, trong 30 năm vừa qua, diện tích và độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng từ 27% vào năm 1999 lên 42% , cao hơn mức bình quân của thế giới (29%). Ông Cường nhận định, đó là cố gắng vượt bậc của nhân dân và cả hệ thống chính trị.

Một bộ trưởng khác, ông Trần Tuấn Anh – người đứng đầu Bộ Công Thương, khi trả lời những thắc mắc liên quan đến việc phát triển điện mặt trời thì loan báo, trách nhiệm trước hết thuộc về… các nhà đầu tư!..

Ông không quên trấn an, rằng Thủ tướng Việt Nam đã giao cho Bộ Khoa học – Công nghệ nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về các tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn và lưu ý… chỉ có 3% khoáng chất có thể liên quan đến môi trường. Ông Anh nói thêm các… nhà cung cấp những tấm pin quang điện đều có cam kết với các… nhà đầu tư để thu hồi và xử lý….

Nghe thế, bà Ksor H’Bơ Khăp thẳng thắn bày tỏ việc… không ưng cái bụng, bởi nghe các bộ trưởng giải trình thì… thấy… sai sai! Bà bảo rằng, Quốc hội liên tục được nghe báo cáo về những dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Đó đều là rừng tự nhiên. Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại tăng lên như ông Cường giải trình!

Nữ trung tá công an này nói thêm, hiện nay, cả cao su, cà phê, tiêu cũng được đưa vào để tính tỷ lệ che phủ rừng. Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2 nhưng cây cao su là loại cây theo hướng ngược lại, không có loại động vật nào sống được trong rừng cao su. Bởi cây cao su không chỉ trồng ở Tây Nguyên mà còn trồng cả ở Tây Bắc nên bà đề nghị ông Cường phải nghiên cứu lại và xem xem phải điều chỉnh các dự án này thế nào

Bà Ksor H’Bơ Khăp cũng là người chất vấn ông Anh. Bà bảo, điều mà dân chúng cần là người đứng đầu ngành phải có phương án đối với việc xử lý các tấm pin quang điện. Nói đã có quy định, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý là không thể chấp nhận. Nữ đại biểu thuộc một trong những sắc dân thiểu số tại Việt Nam nhấn mạnh, cán bộ, nhân dân ở địa phương có pin quang điện rất hoang mang, kể cả bà.

Ksor H’Bơ Khăp vặn lại Bộ trưởng Công Thương, bây giờ điện mặt trời, pin quang điện tràn lan, sau này những tấm pin đó dùng để làm gì? Kể rằng vùng bà sống có đặc sản là bò một nắng, heo một nắng, rồi Ksor H’Bơ Khăp nêu thắc mắc: Chẳng lẽ dùng những tấm pin quang điện hết tác dụng để nướng bò một nắng hay… đưa lên mặt trăng (1)?.. Tiếc là không thấy báo chí Việt Nam tường thuật hai ông bộ trưởng trả lời… thế nào!

***

Sau cuộc thảo luận liên quan đến tình hình kinh tế – xã hội tại Quốc hội vào ngày 5 tháng 11, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội khen nữ đại biểu của tỉnh Gia Lai ở Quốc hội như Nguyen Trong Son: Hay lắm chị Ksor H’Bơ Khăp ơi! Ngài ‘bọ chưởng’ NN-PTNT thấy cây gì có lá xanh xanh sẽ nghĩ là… rừng. Cười lộn ruột! Còn Nghi Pham Van, ban Nguyen Trong Son thì than, nghe giải trình của các bộ trưởng xong là… vãi linh hồn (2)!

Không phải tự nhiên mà các bộ trưởng bị gọi là ‘bọ chưởng” và bị mang ra bỡn cợt. Trên trang facebook của Quy Ho Sy, Nguyễn Xuân Diễn bình: Chỉ có các cháu thiếu nhi mới nghe bộ trưởng thôi. Trình độ của bộ thưởng thật… siêu sao. Cũng với khuynh hướng đó, Hòa Trần cho rằng: Nếu theo số liệu báo cáo của các địa phương thì rừng đã ra tới… biển Đông (3).

Tương tự, trên trang facebook Người Đăng Tin, Lê Điệp than: Không biết nói sao nữa vì bộ trưởng mà phát biểu ngây ngô, không biết, không hiểu, không. Bùi Lượng mỉa mai: Có thế mới thấy được trình độ và năng lực và trình độ của các bộ trưởng quá… ‘giỏi’ (4)! Còn Tùng Le thì đề nghị đưa diện tích trồng… rau vào diện tích… phủ xanh đất trống để… hoàn thành kế hoạch còn vấn đề môi trường để… thế hệ sau lo (5)!

***

Ngoài mạng xã hội, độc giả của một số cơ quan truyền thông chính thức cũng tham gia bình luận sôi nổi bên dưới bài tường thuật về nhận định và chất vấn của bà Ksor H’Bơ Khăp. Có những độc giả như Trần Văn Hét dùng tư cách cử tri, thắc mắc: Bộ trưởng NN – PTNT có nắm được diện tích rừng nguyên sinh của Việt Nam bị mất do ‘chuyển đổi mục đích sử dụng rừng’ là bao nhiêu không?

Thắc mắc này được Sang Phan Thanh giải đáp: Chắc Bộ trưởng NN – PTNT dựa trên… những mảng xanh trên bản đồ để báo cáo chứ trong những mảng xanh ấy còn bao nhiêu cây rừng nguyên sinh thì… chả biết! Độc giả này không quên nhấn mạnh: Phát biểu của bà Ksor H’Bơ Khăp cũng là ý kiến của rất nhiều người dân tiếc những héc ta rừng đã mất. Độc giả tự đặt tên là 63004 đùa mà như khóc: Bà Đại biểu hỏi khó quá, biết mấy nhiệm kỳ mới trả lời đúng đây!

***

Bộ trưởng NN – PTNT và Bộ trưởng Công Thương là hai thành viên thay mặt chính phủ quản trị – giám sát – điều hành hoạt động của các lĩnh vực tương ứng. Cả nông nghiệp – phát triển nông thôn, lẫn công – thương không chỉ rất rộng mà còn rất quan trọng.

Đã có rất nhiều người bất bình, tại sao lại chọn hai cá nhân nhận thức như thế, tư cách như thế, ý thức trách nhiệm như thế làm bộ trưởng và vẫn còn để cả hai chễm chệ trên ghế bộ trưởng?

Hệ thống chính trị Việt Nam, nơi đã lựa chọn – sắp đặt cả hai sẽ không trả lời câu hỏi này cũng như những câu hỏi tương tự liên quan đến những viên chức hữu trách khác. Chỉ hai bộ trưởng… sai sai chưa chính xác. Cả hệ thống… sai sai mới đúng bản chất!

Chú thích

(1) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/nu-trung-ta-tranh-luan-voi-bo-truong-cong-thuong-va-nn-ptnt-686365.html

(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1311035979247048&id=100010219752964

(3) https://www.facebook.com/quy.hosy/posts/3441020889278799

(4) https://www.facebook.com/nguoidangtin24h/posts/973639603127660

(5) https://www.facebook.com/nguoidangtin24h/posts/974289619729325

TÔI ĐỨNG VỀ PHÍA PHÁT NGÔN CỦA KSOR H'BƠ KHĂP

NGUYỄN NGỌC HUY/ TD 9-11-2020

Có nhiều người chia sẻ bài viết liên quan đến phát biểu của Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp về cây cao su với vẻ miệt thị mỉa mai. Họ chê trách nữ đại biểu thiếu kiến thức cơ bản nhất. Thật tiếc, họ lại nông cạn đến mức chỉ giới hạn kiến thức của mình ngang mức một học sinh cấp 2 mà thôi.

Bài này tôi phân tích về sự cân bằng Carbon trong việc canh tác cây cao su dựa vào các phân tích khoa học. Phân tích này không nhắm đến việc công kích ai. Tôi chỉ mong muốn cung cấp đến những người còn hoài nghi về cây cao su phát thải CO2 nhiều hơn mức nó cung cấp Oxy cho bầu khí quyển để mọi người có thêm thông tin đa chiều khi phán xét.

Kiến thức đơn giản (học sinh cấp 2 được học) đó là cây xanh sẽ cung cấp Oxy cho bầu khí quyển thông qua quá trình quang hợp vào ban ngày, đồng thời hấp thụ Oxy và thải CO2 vào ban đêm khi không có ánh nắng mặt trời. Số giờ nắng trong ngày thường nhiều hơn và lượng CO2 hấp thụ vào ban ngày sẽ nhiều hơn là phát thải vào ban đêm. Vì vậy, đa số thực vật sẽ cung cấp Oxy nhiều hơn là mức CO2 nó phát thải. Cây xanh cũng tích lũy CO2 trong sinh khối (Biomass) của nó. Chừng nào Biomass không bị đốt, hoặc được đốt yếm khí thì sẽ giảm được phát thải CO2.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu về hiệu suất hấp thụ hay phát thải CO2 thì cần phải tính đến chu kỳ phát thải carbon của mỗi loài cây. Những nghiên cứu khoa học trên toàn cầu cho thấy cây cao su phát thải nhiều CO2 hơn là lượng Oxy mà nó đóng góp. Dưới đây tôi dẫn chứng một số nghiên cứu điển hình được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu.

CÂU CHUYỆN TỪ THÁI LAN (bài báo đăng trên tạp chí khoa học Journal of Cleaner Production)

Sản xuất cao su đã diễn ra ở Thái Lan trong nhiều thập kỷ. Thái Lan hiện là nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới. Bài báo khoa học (link số 1) trình bày việc phát thải khí nhà kính liên quan đến sản xuất mủ tươi và ba sản phẩm cao su nguyên sinh, bao gồm mủ cô đặc, cao su khối (STR 20) và tấm hun khói (RSS) ở Thái Lan. Bên cạnh các hoạt động công nghiệp trong các nhà máy cao su, các hoạt động nông nghiệp trong trồng cây cao su cũng được tính đến. Tổng lượng phát thải từ quá trình sản xuất cao su cô đặc, STR 20 và RSS tương ứng là 0,54, 0,70 và 0,64 tấn CO2 quy đổi/tấn sản phẩm.

Đây là trường hợp các đồn điền cao su đã được trồng trên đất canh tác hơn 60 năm. Phát thải chủ yếu liên quan đến việc sử dụng tài nguyên và sử dụng phân bón tổng hợp. Bài báo cũng định lượng phát thải đối với trường hợp rừng nhiệt đới tự nhiên đã được chuyển đổi sang trồng cao su thời gian gần đây. Trong trường hợp này, lượng phát thải cao hơn nhiều do lượng carbon thất thoát từ chuyển đổi đất: lần lượt là 13, 13 và 21 tấn CO2 quy đổi / tấn đối với mủ cô đặc, STR 20 và RSS. Bài báo chỉ ra tác động của việc trồng cao su với chiến lược giảm phát thải khí nhà kính. Vậy là lượng Oxy mà nó sinh ra không bằng với lượng CO2 mà nó phát thải.

TẠI MALAYSIA

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng mức phát thải CO2 quy đổi trung bình hàng năm từ các hoạt động trong việc trồng cây cao su bao gồm cả khi cây sinh trưởng và các sản phẩm mà cây cao su tạo ra hậu đời sống của nó ở Malaysia là 315,54 GigaTon CO2 quy đổi và nó chiếm 0,11% so với mức phát thải CO2 trong năm 2011 của Malaysia.

CHI PHÍ LỢI ÍCH TỪ TRỒNG CAO SU VÀ CÔNG CUỘC GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH TOÀN CẦU: (Bài báo đăng trên tạp chí Nature Communication)

Trong nghiên cứu này, khi tính giá trị quy đổi giữa lượng phát thải từ canh tác cây cao su thì người trồng cao su LẼ RA PHẢI TRẢ số tiền ‘’trách nhiệm’’ là 35-55 USD mỗi hecta canh tác cây cao su để đảm bảo sự cân bằng sinh thái. Số tiền này cần phải được dùng cho việc phát triển rừng tự nhiên ở một khu đất khác. Bài báo kết luận, để bảo vệ rừng khỏi sự xâm lấn của cây cao su thì hoặc giá các-bon phải được tăng lên hoặc cần có các chiến lược khác, chẳng hạn như cam kết không phá rừng của doanh nghiệp và quy định của chính phủ và thực thi bảo vệ rừng.

KHÍA CẠNH KHÁC VỀ CANH TÁC CÂY CAO SU

Cây cao su đem lại nguồn thu lớn cho các nước Đông Nam Á vì giá trị xuất khẩu. Nó được xem là vàng trắng một thời. Mặc dù vậy, lợi nhuận đang thuộc về các nhà canh tác và chế biến, xuất khẩu chứ không thuộc về đại đa số toàn dân, đặc biệt là những người dân bản địa không sở hữu rừng cao su. Khi trồng cây cao su, người ta đã phải chuyển đổi đất rừng tự nhiên thành rừng cao su.

Trong quá trình chuyển đổi đó là CHẶT và ĐỐN để tận thu nguồn gỗ từ rừng tự nhiên. Trong quá trình canh tác, vì cây cao su là cây đơn loài nên giảm đa dạng sinh học. Một khi côn trùng và bọ cánh cứng giảm mật độ thì chim và thú cũng không trú ngụ ở rừng cao su. Khi chuỗi thức ăn trong quần thể bị mất đi dù chỉ một loài, sự đứt gãy mắt xích thức ăn đó kéo theo sự suy giảm cả hệ sinh thái. Dưới tán rừng cao su chỉ còn vài loại cỏ dại có thể mọc thì còn đâu đa dạng sinh học nữa.

Việc bóc bỏ đi lớp thực bì vốn dĩ có rất nhiều loài cây bụi và tán rừng để thay vào đó bằng cây cao su sẽ khiến cho nước ngầm bị mất.

Mưa không thấm được xuống các mạch nước ngầm sẽ gây LŨ LỤT.

Mưa không thấm được xuống các mạch nước ngầm sẽ gây HẠN HÁN.

Năm nay La-Nina về gây mưa lũ lớn, nhưng hãy đợi rồi xem. Ngay khi hết mưa bà con miền Trung và Tây Nguyên sẽ đối diện với hạn hán khốc liệt. Vậy thì, cho dù quý vị chưa nghiên cứu kỹ bản chất vấn đề, hoặc trong cách dùng từ của cô ấy chưa mô tả hết bản chất vấn đề thì cũng cần hiểu rõ bản chất trong phát ngôn của Đại biểu Quốc Hội Ksor Khắp. Cô ấy đang đại diện cho tiếng nói Đồng Bào ở nơi mà cô ấy sống, nơi cô ấy được gửi gắm tiếng nói của hàng vạn con người cho một môi trường bền vững, cho một tài nguyên rừng tự nhiên không bị suy kiệt?!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét