Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2020

20201107. QUANH CHUYỆN PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

ĐIỂM BÁO MẠNG    

BINH CHỦNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 31-10-2020

Đất nước ta ở vào vị trí địa lý mà năm nào cũng phải đối mặt với bão lũ. Bão chồng bão, lũ chồng lũ. Mức độ tàn phá đều ở mức khủng khiếp cho đến rất khủng khiếp. Đó là sự thật trong quá khứ. Đó sẽ là điều không tránh khỏi trong tương lai với cường độ lớn hơn. Cho nên, không bàn về quá khứ. Không chỉ trích nguyên nhân quá khứ làm trầm trọng tai hoạ bão lũ. Chỉ nói đến biện pháp phòng chống bão lũ cho tương lai.

I. PHẢI BẰNG MỌI CÁCH BẢO VỆ RỪNG VÀ KHÔI PHỤC LẠI RỪNG

Những bức ảnh vệ tinh, mà bất cứ ai cũng có thể chụp được bằng điện thoại cầm tay cho bất cứ địa điểm nào, đã làm hoảng sợ đến cả người vô tâm nhất về sự trơ trọi của rừng Việt Nam. Không phải bom napan trong chiến tranh, không phải hoả hoạn hay bão lũ, mà chính con người mới là kẻ thù nguy hiểm nhất của rừng Việt Nam.

Bốn thập niên gần đây là bốn thập niên rừng Việt Nam bị tàn phá nặng nề nhất. Sự tàn phá có thể ví với sự diệt chủng – khi mất gần hết rừng tự nhiên.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNN, tính đến ngày 31/12/2019, diện tích đất có rừng của Việt nam là 14,6 triệu ha (146 000 km2), trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha và rừng trồng là 4,3 triệu ha. Diện tích đất có rừng đủ tỷ lệ tính độ che phủ là 13,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ khoảng 41,89% diện tích toàn quốc (https://nongnghiep.vn/cong-bo-hien-trang-rung-toan-quoc-nam…). Nhưng đó là con số tự động viên. Vì không phải có cây thì gọi là rừng. Diện tích rừng đúng nghĩa của Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều.

Rừng tự nhiên là rừng nhiều tầng với các cây cao to giữ vai trò trụ cột che phủ, bảo vệ toàn bộ các tầng phía giới và mặt đất. Khi những cây cao to nhất trong một khu rừng tự nhiên bị đốn làm gỗ, thì “phòng tuyến” quan trọng nhất bị tan biến. Nhìn bằng mắt thường và chụp ảnh vệ tinh thì khu rừng vẫn có màu xanh, nhưng đã mất đi các chức năng chính của rừng tự nhiên. Cây to bị đốn đi thì nước trút xuống, không ngấm thành nước ngầm, trôi đi, dẫn đến lũ lụt và sạt lở. Không có mạch nước ngầm thì toàn bộ môi trường sống bị ảnh hưởng, nhất là nước cung cấp trong mùa khô cho con người, cây trồng, và động thực vật.

Vai trò vô cùng quan trọng khác của rừng tự nhiên nhiều tầng là vai trò điều hoà thành phần không khí, nhiệt độ, độ ẩm cho môi trường sống. Các cây to bị đốn đi thì các chức năng vừa nêu bị giảm sút ở mức độ áp đảo. Đó là điều vô cùng nguy hại cho môi trường sống.

Cho nên, khi khu rừng tự nhiên bị đốn hết các cây cao to để lấy gỗ, thì diện tích rừng tuy vẫn được tính, nhưng khu rừng đó mất đi vai trò rừng tự nhiên. Trừ các khu rừng nằm trong diện bảo tồn, ở Việt Nam có thể nói, không còn rừng tự nhiên nữa. Các rừng mới trồng - cần cả trăm năm mới có được phần nào vai trò của rừng tự nhiên.

Chưa kể đến một vai trò quan trọng khác của rừng tự nhiên nhiều tầng - chính là quốc phòng. Trong thời đại vệ tinh soi được đến từng m2 trên mặt đất, bắn đúng bất cứ mục tiêu di động nào nhờ định vị vệ tinh, thì rừng tự nhiên nhiều tầng là bức màn che vô giá.

Huỷ diệt rừng Việt Nam chính là con người. Sau đây xin liệt kê vắn tắt các “kẻ thù” chính của rừng Việt Nam.

1. Nạn phá rừng lấy gỗ

Trong sự huỷ diệt rừng tự nhiên của Việt Nam từ sau năm 1975 thì nạn phá rừng là một trong những nguyên nhân chủ chốt. Theo thống kê của FAO, Việt Nam là nước có nạn phá rừng đứng thứ 2 thế giới, sau Nigeria.

2. Lấn chiếm đất ở và sản xuất

Một “kẻ thù” hung hãn khác của rừng tự nhiên, ngoài lâm tặc, chính là sự di dân và mở rộng đô thị.

Những năm thập niên 50, 60 và 70 ở thế kỷ trước, miền Bắc đã đưa hàng triệu người từ miền xuôi lên miền ngược – đánh dấu cuộc xâm chiếm rừng lần thứ nhất.

Từ thập niên 80 của thế kỷ trước cho đến hiện nay – là cuộc xâm chiếm rừng lần thứ 2 với cường độ hung hãn gấp bội. Chỉ tính riêng các tỉnh Tây Nguyên dân số đã tăng từ 5-6 lần với hơn 5 triệu người di dân và sinh ra từ di dân. Ở khắp các tỉnh có rừng, suốt từ Nam tới Bắc, mọc ra nhan nhản các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ với diện tích mỗi ngày một mở rộng. Rừng bị đẩy lùi khắp mọi nơi. Đây là nguyên nhân thứ 2 làm cho rừng tự nhiên bị lụi tàn.

3. Dự án

Nguyên nhân thứ 3 làm cho rừng kiệt quệ chính là các dự án. Chưa bao giờ có nhiều dự án vẽ ra để dành đất đai tài nguyên nhiều như bây giờ. Các dự án phát triển, dưới mọi hình thức, đã trở thành “con thú dự án” gặm nhấm từng khu rừng lớn. Các dự án đã lấy đi hàng triệu ha đất rừng.

4. Thuỷ điện

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 385 công trình thuỷ điện đang vận hành trong tổng số 818 dự án được phê duyệt. Không dự án thuỷ điện nào mà không lấn chiếm diện tích rừng, từ vài trăm ha cho đến hàng chục ngàn ha. Từ đó để thấy đã có hàng triệu ha rừng bị hy sinh cho thuỷ điện.

Trong các dự án phá rừng, thì thuỷ điện là “một con thú dữ”. Bởi khác với các dự án khác, thuỷ điện không những phá rừng, mà còn đắp đập ngăn nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, thì các hồ thuỷ điện lưu giữ khoảng 56 tỷ m3 nước – chiếm khoảng 86% tổng dung tích các hồ chứa nước trong cả nước. Các hồ chứa nước của thuỷ điện cắt được lũ trong mùa mưa nhỏ, nhưng tạo nên lũ lớn hơn vào mùa mưa lũ lớn. Các hồ chứa nước của thuỷ điện ngăn cản sự tuần hoàn tự nhiên của nước, làm mất sự cân bằng sự phân phối nước trên bề mặt và dưới lòng đất, từ đó dẫn đến sự biến đổi toàn bộ hệ thống sinh thái.

Ở mặt khác, các hồ chứa nước của thuỷ điện còn tiềm ẩn nguy hiểm làm nứt vỡ các mạch địa chất, dẫn đến động đất. Hồ chứa nước thuỷ điện Hoà Bình lớn đến 9,45 tỷ m3 cùng với hồ chứa nước thuỷ điện Sơn La dung tích 9,26 tỷ m3 là những bể nước khổng lồ có khả năng làm nứt vỡ các mạch địa chất. Hà Nội và vùng Tây Bắc sẽ đợi chờ nhiều động đất hơn trong tương lai.

Sự nguy hiểm của thuỷ điện lớn đến mức ở nhiều nước đã hạn chế thuỷ điện, và phá bỏ dần các công trình thuỷ điện đang vận hành.

Cho nên, điều đầu tiên là phải bảo vệ rừng tự nhiên. Phải có biện pháp để chống lại 4 kẻ thù nêu trên của rừng tự nhiên. Tiếp đến là phải có biện pháp mạnh mẽ để trồng rừng mới.

Bảo vệ được rừng tự nhiên. Trồng được nhiều rừng mới. Đó là những di sản quý giá mà thế hệ trước phải để lại cho thế hệ sau. Của hồi môn – không có gì quý hơn môi trường sống.

II. NHÀ PHÒNG CHỐNG BÃO LŨ

Mất rừng tự nhiên là yếu tố số 1 dẫn đến lũ mỗi ngày một lớn hơn trên đất nước chúng ta. Mất rừng tự nhiên làm tăng thêm lũ, làm tăng thêm nạn sụt lở, làm giảm khả năng chống bão lũ. Ở mặt khác, sự biến đổi khí hậu do ảnh hưởng từ mất rừng tự nhiên sẽ dẫn đến mưa bão mỗi năm thêm thất thường và dữ dội hơn. Từ đó để thấy, trong tương lai, chúng ta sẽ phải đối mặt với tai hoạ lũ mỗi năm một lớn hơn.

Năm nào cũng lũ ngập tràn, năm nào cũng chạy lũ, năm nào cũng cứu trợ, tại sao chúng ta không nghĩ ra các biện pháp sinh sống được trong lũ?

Đã hàng chục năm qua, chính quyền chưa bao giờ đặt bài toán chống chạy lũ, sống cùng lũ. Bây giờ là đã quá chậm, nhưng còn hơn không bao giờ, phải giải quyết bài toán sống chung với lũ.

Như vậy, các ngôi nhà sống trong lũ phải được xây dựng:

- Tránh được sụt lở nguy hiểm.
- Không phải chạy lũ.
- An toàn trong lũ.
- Sống được trong lũ.
- Không mất tài sản.
- Trâu bò và gia cầm an toàn khi lũ đến.
- Đi lại được trong lũ.

Khi xây dựng được các ngôi nhà trên cho dân thì đó là lúc hết chạy lũ. Lúc đó cả xã hội sẽ không phải lo cứu trợ thường xuyên hàng năm vì lũ. Cả xã hội sẽ không mất đi hàng triệu tỷ đồng vì lũ. Và quan trọng hơn là không mất đi sinh mạng của đồng bào.

Tương tự như vậy là các nhà dân vùng ven biển phải đối mặt với bão. Hàng năm cả chục cơn bão lớn đổ vào nước ta. Không thể bốc hàng chục triệu dân đi nơi khác sinh sống. Nhất là hàng chục triệu ngư dân cần biển để mưu sinh. Và quan trọng nữa, đất nước rất cần ngư dân để bảo vệ biển.

Chính quyền cũng chưa bao giờ đặt vấn đề này thành vấn đề hệ trọng để giải quyết. Vấn đề này không thể giải quyết trong 1 năm, nhưng nó có thể giải quyết cơ bản trong vòng 1 chục năm. Chỉ bởi chưa bao giờ đặt nó ra trên bàn một cách nghiêm trọng.

Vấn đề nhà phòng chống bão lũ, rừng phòng chống bão lũ là vấn đề lớn - cần có một diễn đàn rộng hơn, mà không thể gói gọn ở đây trong 1 trang viết.

III. SỰ KÉM HIỆU QUẢ TRONG CỨU TRỢ ĐỒNG BÀO BỊ LŨ LỤT

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), qua thực tế nhiều năm, đã thể hiện sự kém hiệu quả trong cứu trợ đồng bào bị lũ lụt.

1. Về tài chính và vật chất cứu trợ, mọi sự huy động đều nhờ vào chính quyền chỉ đạo các cơ quan đoàn thể nhà nước đóng góp. Không có chính quyền, cụ thể là Nhà nước, thì MTTQVN rất khó quyên góp được tài chính và vật chất để cứu trợ. Đó là thực tế.

2. Việc tổ chức cứu trợ của MTTQVN được tiến hành chậm, không kịp thời. Bộ máy rất cồng kềnh, không hiệu quả.

3. Tiền cứu trợ và vật chất cứu trợ bị thất thoát.

4. Không biết được kết quả công khai của đóng góp cứu trợ.

Chính các điểm 2,3,4 nêu trên đưa đến điểm 1. Nó lý giải tại sao những người đóng góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt muốn trực tiếp đến tận nơi giao cho người bị thiên tai mà không muốn qua MTTQVN.

IV. THÀNH LẬP BINH CHỦNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

Sự không hiệu quả của MTTQVN trong cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai cho thấy sự cần thiết phải ra đời một tổ chức chuyên nghiệp được tin cậy.

Thiên tai là giặc. Thiên tai xảy ra thường xuyên hàng năm khắp mọi nơi – nhiều hơn chiến tranh. Vậy tại sao không có lực lượng chuyên nghiệp tinh nhuệ để đối phó?

Đã đến lúc phải thành lập BINH CHỦNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Quân đội để bảo vệ tổ quốc. Quân đội để bảo vệ nhân dân. Quân đội là nơi nhân dân có thể tin cậy.

Một BINH CHỦNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI chuyên nghiệp sẽ rất tinh nhuệ trong cứu giúp đồng bào vùng bão lũ.

Một BINH CHỦNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI chuyên nghiệp sẽ cứu được nhiều mạng sống, tránh được những thiệt mạng không đáng có.

Một BINH CHỦNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI chuyên nghiệp sẽ đảm bảo tiền và vật chất cứu trợ đến địa điểm cứu trợ kịp thời và không thất thoát.

Thiên tai là giặc. Năm nào cũng có thiên tai. Xin đừng chần chừ nữa!

N.N.C.

Nguồn: FB Nguyen Ngoc Chu

GÓP Ý VỀ BÀI 'BINH CHỦNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI' CỦA TS NGUYỄN NGỌC CHU

VŨ LINH HUY/ BVN 1-11-2020

Bài của TS Nguyễn Ngọc Chu gồm bốn phần chính. Phần đầu phân tách chi tiết việc tàn phá rừng là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt. Phần hai đề nghị việc xây những căn nhà có khả năng đứng vững trong lũ lụt, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Phần ba nói về sự kém hiệu quả và thiếu minh bạch của việc cứu trợ nạn nhân lũ lụt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phần bốn đề nghị thành lập Binh chủng Phòng Chống Thiên Tai thật tinh nhuệ để chuyên lo việc cứu giúp đồng bào bị lũ lụt.

Theo thiển ý, nếu thành lập một Binh Chủng Phòng Chống Thiên tai chỉ để thay thế MTTQVN trong việc cứu trợ nạn nhân bão lụt cho có hiệu quả, tránh thất thoát... thì có lẽ không cần thiết. Việc MTTQVN không làm tốt việc cứu trợ, không trong sáng minh bạch trong việc tiếp nhận và phân phối tiền và phẩm vật cứu trợ... chẳng qua cũng chỉ là một phần của tệ nạn tham nhũng tràn lan ở khắp các cấp chính quyền hiện nay. Còn tham nhũng thì việc cứu trợ còn lem nhem, dù do MTTQ hay Hội Chữ Thập Đỏ hoặc một đơn vị chính quyền hay quân đội đảm trách cũng vậy thôi!

Còn nếu thành lập một Binh chủng Phòng Chống Thiên Tai để làm các công tác khác như nghiên cứu các biện pháp phòng ngừa thiên tai, đi tiên phong trong việc tìm kiếm, cứu giúp nạn nhân bão lụt ở các nơi hiểm trở xa xôi... thì tôi không chắc một binh chủng phòng chống thiên tai trong QĐNDVN có thể hoạt động hữu hiệu, vì các quân nhân trong bình chủng đó, ngoài việc phải được huấn luyện đặc biệt và có trình độ giáo dục để tiếp thu các kỹ năng mới, họ còn cần phải có lòng thương dân, yêu nước thật tình, lòng can đảm cao độ, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình để xông pha vào những nơi hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ... Tinh thần hy sinh và lòng can đảm đó chưa được chứng tỏ trong giai đoạn sau chiến tranh. Liệu một quân đội như vậy có thể sản sinh ra một đơn vị tinh nhuệ và hữu hiệu trong việc phòng chống thiên tai hay không? Hơn nữa, việc quân đội làm kinh tế cũng góp phần không nhỏ vào việc phá rừng. Nhìn vào thực trạng VN, “nhân tai”, bao gồm cả một hệ thống chính quyền tham nhũng từ trên xuống dưới, đã tiếp tay hữu hiệu cho thiên tai. Chống thiên tai mà bó tay trước nhân tai thì phỏng được ích gì?

V.L.H.

Tác giả gửi BVN

CƠ HỘI SAU THIÊN TAI

HUỲNH THẾ DU/  VnEx 3-11-2020


TS HUỲNH THẾ DU

9 là con số kinh hoàng nhất trong ký ức của tôi về bão lũ.

Tuy nhiên, nó cũng là con số giúp tôi hiểu được giá trị của tình làng, nghĩa xóm. Hơn 30 năm trước, quê tôi ở miền Trung đã bị bão số 9 tàn phá nặng nề. Giờ đây, khúc ruột miền Trung đang phải oằn mình vì lũ chưa qua, bão đã đến. Vẫn là con số 9 ám ảnh.

Làm thế nào để Việt Nam có thể sống chung với bão lũ ngày một dữ dằn hơn? Câu trả lời có ngay ở những gì đang xảy ra. Đó là: người dân có được chỗ ở an toàn, tiện nghi và phát huy vai trò của cộng đồng về lòng tốt và sự tử tế.

Gốc quê nên tôi biết rõ tình người ở nông thôn Việt Nam. Ở cái thời chủ yếu nhà tranh vách đất, mọi người thường trú bão tập trung tại các gia đình có nhà kiên cố hơn và chia sẻ với nhau những thứ rất đời thường để qua ngày khó khăn. Nhìn cây cối trốc gốc, nhà cửa đổ nát rất tang thương, nhưng tôi lại có một ký ức đẹp về sự gắn kết cộng đồng. Hàng xóm cho chúng tôi mớ rau và nhà tôi chia sẻ lại ít khoai mì. Giờ đây tôi vẫn cảm nhận được vị ngon của những củ sắn bở tung còn bốc khói trên tay và vị ngọt của rau lang chấm mắm cua đồng. Cơn giận dữ của Mẹ Thiên nhiên làm mọi thứ lật tung và đổ nhào, nhưng tình người lại sâu đậm hơn.

Gần 30 năm xa vòng tay mẹ, tôi may mắn gặp được vô số người tốt ở nhiều nơi, trong nhiều bối cảnh. Điều này đã định hình suy nghĩ và niềm tin của tôi. Dù ở chiều ngược lại, là một nhà nghiên cứu kinh tế, tôi hiểu rất rõ bản chất vì mình thường trực của con người, và đó chính là nền tảng của các quan hệ thị trường. Thị trường tạo ra phần lớn của cải cho nhân loại, nhưng cũng có những mặt trái hay khuyết tật của nó. Do vậy, cần có vai trò của các trụ cột khác.

Khi hoạn nạn xảy ra, sự vị kỷ của con người thường giảm bớt và tinh thần nghĩa hiệp được khơi dậy. Những giới hạn của các tổ chức đoàn thể chính thống đã được bổ sung bằng sự tham gia của đông đảo người dân gắn với mạng xã hội. ATM gạo, một số người nổi tiếng nhận được sự ủng hộ của công chúng khi làm từ thiện minh chứng cho điều này. Cộng đồng đã tỏ ra rất hiệu quả.

Hơn thế, cộng đồng cùng với thị trường và nhà nước chính là ba trụ cột của xã hội. Các nước bắc Âu phát triển hài hòa nhờ sự cân bằng của ba chân kiềng này. Trái lại, khi vai trò của cộng đồng không được đặt đúng vị trí, rắc rối xảy đến. Những trục trặc của mô hình thị trường tự do, với điển hình là Mỹ, cho thấy rất rõ điều này. Raghuram Rajan đã phân tích rất cụ thể trong "Trụ cột thứ ba: Các thị trường và nhà nước đã bỏ cộng đồng lại phía sau như thế nào?". Bất công xã hội và dân túy là những gì đang xảy ra.

Trở lại với đề bài quan trọng của Việt Nam: làm sao để chung sống "hoà bình" với bão lũ? Tôi nghĩ về hai việc không thể lơ là.

Thứ nhất, tạo ra chỗ ở chắc chắn và tiện nghi cho số đông ở các đô thị. Cảm nhận chung của nhiều người là đời sống rải rác ở nông thôn, hòa mình với thiên nhiên sẽ thân thiện với môi trường và bền vững hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng vào thời cổ xưa với tập quán tự cấp, tự túc của các cộng đồng nhỏ, khi nhu cầu của con người chưa quá sức tái tạo của tự nhiên.

Trái lại, thời hiện đại, khi con người khắp thế giới gắn với các đô thị lớn thì việc càng sống rải rác càng gây tổn hại cho Mẹ Tự nhiên. Đầu tư xây dựng các hệ thống hạ tầng như giao thông, điện, nước cho các hộ rải rác khắp nơi tốn kém và lãng phí hơn nhiều so với việc tập trung. Hơn thế, việc cứu hộ hay hỗ trợ cũng phức tạp hơn khi có thiên tai. Đây là điều ta đang thấy ở Rào TrăngQuảng Nam. Lịch sử loài người cho thấy xã hội văn minh và phát triển gắn với các đô thị vì nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn và năng suất cao hơn. Khi sống tập trung, chúng ta có thể trả lại Mẹ Tự nhiên không gian lớn hơn, Trái đất sẽ xanh và bền vững hơn.

Thứ hai, tạo cơ chế để phát huy vai trò của cộng đồng. Cách thức mà Phan Anh hay Thuỷ Tiên huy động được số tiền rất lớn, làm từ thiện rất nhanh chóng và đơn giản. Tuy nhiên, việc chi hết số tiền đó theo đúng mục đích mất rất nhiều công sức. Những người thành công thường rơi vào thế lưỡng nan. Tự mình làm thì không xuể mà giao cho người khác thì không dám. Do vậy, nhiều người làm một lần sẽ sợ mãi. Phan Anh đã không kêu gọi quyên góp với tư cách cá nhân nữa. Tôi không chắc Thuỷ Tiên có tiếp tục sau lần này không. Tuy nhiên, ngay cả khi cô ấy tiếp tục thì cũng bị dấy lên các câu hỏi, trong đó có e ngại về việc không đúng người, đúng việc. Theo sự phân công nghề nghiệp, giá trị lớn nhất mà Thủy Tiên đem lại cho xã hội là những buổi biểu diễn. Uy tín của chị có được từ điều này (và có lẽ cả việc kết duyên với Công Vinh). Cho dù chị có thể làm những việc khác tốt hơn nhiều người, nhưng sự phân công tốt nhất cho xã hội vẫn là: mỗi người chỉ tập trung vào việc gì mình giỏi nhất.

Đối với công tác từ thiện, điểm mạnh của những người nổi tiếng là kêu gọi tài trợ. Tuy nhiên, họ không có lợi thế trong việc giải ngân số tiền huy động được. Do vậy, cách thức hợp lý là họ trở thành đại sứ cho các tổ chức chuyên làm từ thiện như ở nhiều nước khác. Các tổ chức cộng đồng chuyên nghiệp sẽ chịu trách nhiệm phân phát số tiền nhận được. Thông thường, họ sẽ làm hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, điều này chưa thể phát huy tốt ở Việt Nam do vai trò của cộng đồng chưa được đặt đúng vị trí và hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, xã hội dường như vẫn đợi các tổ chức đoàn thể chính thức năng động hơn, minh bạch hơn và đổi mới cách thức hoạt động. Thiên tai lần này là cơ hội để sự thay đổi tốt hơn được bắt đầu.

Huỳnh Thế Du

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét