Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

20201126. VIỆT NAM VÀ FACEBOOK

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

VIỆT NAM SẼ CHẶN FACEBOOK ?
DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 23-11-2020

Mạng xã hội Việt Nam đang ở đâu so với Facebook, Google?

Thời gian qua, VN can thiệp mạnh vào Facebook, để yêu cầu Facebook chặn tin “xấu độc”. Mấy hôm trước, ông chủ của Facebook cũng phải điều trần trước hạ viện Mỹ về việc hợp tác với một số chính quyền độc tài, trong đó có VN. Anh này xác nhận là đã phải hợp tác với chính quyền địa phương. Nhưng VN vẫn leo thang yêu sách với Facebook, đòi họ phải kiểm duyệt chặt chẽ hơn nữa, nếu không thì sẽ bị “đóng cửa” Facebook tại VN.

Vậy VN có thể đóng cửa Facebook ở VN được hay không?

Đầu tiên phải làm rõ là VN không thể ĐÓNG CỬA Facebook được ở bất cứ đâu, đúng ra chỉ là chặn Facebook bằng tường lửa. Tức là thông tin trên Facebook vẫn còn nguyên, chẳng qua bị chặn truy cập các IP VN. Việc này cũng chẳng có gì ghê gớm, vì hồi dân VN mới dùng thì Facebook cũng bị chặn tường lửa một thời gian, phải đổi DNS mới vào được. Nhân dân vẫn trèo tường vào bình thường. Chẳng qua hồi đó ít người dùng nên ít người quan tâm.

Bây giờ VN cũng vẫn đang chặn các trang web phản động hay đài địch. Nhưng ai muốn đọc thì vẫn trèo tường vào bình thường. Nên bây giờ nếu chặn Facebook thì cũng chỉ chặn được mấy ông bà già, dân quê, thiện lành, không biết trèo tường (rồi họ học cũng nhanh thôi). Khi ai cũng biết trèo tường lửa thì tường lửa lại vô ích.

Facebook bây giờ có vai trò quá lớn ở VN về thương mại điện tử, marketing. Từ các mẹ bỉm sữa bán kem trộn đến các đại công ty muốn quảng bá hình ảnh, tiếp thị sản phẩm, báo chí cách mạng, người của công chúng đều có fanpage Facebook. Thử hỏi một ngày kia, phải trèo rào mới vào được Facebook, thì thương mại điện tử VN bị một cơn địa chấn, báo mạng online cũng giảm lượng độc giả đáng kể. Nhà mạng cũng bị giảm lưu lượng truy cập đáng kể, cũng là cú sốc với họ.

Nhiều người cho là TQ chặn được Google và Facebook thì VN cũng làm được. Không phải vậy. Vì lãnh đạo TQ có tầm nhìn xa hơn VN nhiều. Khi họ chặn Google và Facebook khi dân TQ chưa kịp sử dụng dịch vụ của 2 công ty này đủ lâu và sâu. Họ lại lập tức có ngay các trang web TQ có dịch vụ tương tự để thay thế, nên dân TQ không có Google và Facebook cũng không bị ảnh hưởng sốc. TQ cấm được doanh nghiệp Quân đội, VN đâu cấm được. VN chỉ là bản sao lỗi của TQ thôi.

VN lâu nay vẫn có kiểu cấm đoán bắt cóc bỏ đĩa. Như chiến dịch đập phá vỉa hè của anh Hải “cẩu” hay gần đây là thực hiện nghị định 100. Hai trường hợp đó là điển hình nhất vì việc cấm đoán mâu thuẫn với quyền lợi của chính anh em quan lại. Mình đã viết stt dự báo kết cục của nghị định 100, bây giờ y chang. Cấm ngặt quá thì ăn cám. Cấm kinh tế vỉa hè, siết quán nhậu thì lấy ai nuôi cán bộ phường quận?

Hay như việc cấm web sex cũng vậy. Về lý thì phải cấm rồi, chẳng ai dám phản đối. Nhưng mấy trang web sex tiếng Việt là nơi quảng bá dịch vụ xxx, massage, karaoke tay vịn, bar, sàn, cờ bạc online… Tất cả các dịch vụ đó đều được anh em quan lại bảo kê, thu phế, gọi là thế giới ngầm, là nguồn thu nhập chính của anh em quan lại. Thế nên nếu một trang web sex hay cờ bạc bị đánh, chặn, thì chẳng qua là thằng bảo kê bị đánh mà thôi, rồi sẽ mọc ra cái khác.

Đằng này Facebook ảnh hưởng đến kinh tế chìm nổi của VN còn gấp tỷ lần web sex. Cứ chặn thử một tháng thì chính nhà mạng sẽ lén mở, hoặc bật đèn xanh cho dân vào được. Nhất là trong tình thế suy thoái kinh tế do Covid mà lại đi chặn Facebook thì tức là Bộ 4T bóp d*i Bộ Công thương và chính con cháu mình là các nhà mạng.

Hơn nữa, Facebook là nơi dân chửi chế độ xả stress, còn lành hơn là đi biểu tình, bạo động. Nó cứ chửi suông mà không làm gì là yên tâm rồi. Cái gì cũng có tính hai mặt, phản động tung tư liệu xấu độc thì đảng cũng có thể tung tài liệu nhồi sọ ngược lại. Giờ chặn Facebook thì mất luôn kênh nhồi sọ. Facebook cũng là kênh thăm dò dư luận về chính sách không chính thức. Bỏ sao nổi.

Cơ hội chặn Facebook chỉ có khi VN có được mạng XH có vai trò tương tự Facebook. Nhưng khi đang có Facebook thì không bao giờ mạng xã hội VN ngóc đầu lên được, vì không thể cạnh tranh về tính năng, dịch vụ, nhất là sẽ mất tự do do kiểm duyệt. Nhưng nếu chặn Facebook để mạng xã hội VN phát triển thì lại dính hệ lụy nói trên. Và nếu phải bỏ Facebook thì người dùng cũng sẽ chọn nhà cung cấp khác của Mỹ chứ không phải con sen hay gà bò.

Tóm lại là VN sẽ không thể chặn Facebook. Hoặc nếu có thì cũng bắt cóc bỏ đĩa. Dăm bữa nửa tháng lại đâu vào đó. Nhà mạng sẽ tìm cách lách luật để hút khách, giữ khách. Mạng XH là vấn đề tổng hòa giữa kinh tế, chính trị, xã hội, nên mình ông chú Vịt-teo cũng không tự quyết được đâu. Chẳng qua chém gió hung hăng chút để dọa cu Mark, nó non gan thì sẽ nhún. Nhưng cu Mark cũng bị sức ép từ QH Mỹ và sợ sự tẩy chay của người dùng nếu quá hèn.

MẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU SO VỚI FACEBOOK, GOOGLE ?

TRỌNG ĐẠT/ VNN 24-11-2020

Với sự ra đời của hàng loạt mạng xã hội, Việt Nam đang là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có sản phẩm nội đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các nền tảng xuyên biên giới.

Mạng xã hội Việt tăng trưởng mạnh trong năm 2020

Theo số liệu của Tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam (Bộ TT&TT), tính đến cuối năm 2018, các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam là Facebook, YouTube, Instagram, Zalo và Mocha. Trong đó, chỉ có 2 doanh nghiệp Việt là Zalo và Mocha có quy mô đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. 

Ở thời điểm đó, mạng xã hội lớn nhất là Facebook có 60 triệu người sử dụng tại Việt Nam. Cùng thời gian, Zalo có khoảng 40 triệu người dùng còn Mocha có khoảng 4,5 triệu người sử dụng. 

Đến thời điểm hiện tại, ngoài những doanh nghiệp kể trên, các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam giờ đây đã xuất hiện thêm 2 cái tên mới là Gapo, Lotus (cùng ra mắt năm 2019). 

Mạng xã hội Việt Nam đang ở đâu so với Facebook, Google?

Theo thống kê của VietNamNet, tính đến tháng 11/2020, Zalo hiện là mạng xã hội nội địa lớn nhất Việt Nam với khoảng 60 triệu người dùng. Xếp sau nền tảng này lần lượt là Mocha (12 triệu thành viên), Gapo (6 triệu thành viên) và Lotus (2,5 triệu thành viên). 

Đây không phải tổng số tài khoản đăng ký (account) mà là tổng số người dùng hoạt động hàng tháng (Monthly Active Users - MAU). Chỉ số này là công cụ đo lường phổ biến cho thấy mức độ tương tác của người dùng đối với một một sản phẩm trên môi trường Internet. 

Như vậy, chỉ sau hơn 2 năm, Việt Nam giờ đây đã có 4 nền tảng mạng xã hội có trên 1 triệu thành viên. Đây là quy mô tối thiểu để một mạng xã hội trong nước được xem là có đủ tiềm lực cạnh tranh với các nền tảng ngoại.

Mạng xã hội Việt Nam đang ở đâu so với Facebook, Google?
Zalo của tập đoàn VNG đang là cái tên nổi bật nhất khi nhắc tới các mạng xã hội Việt Nam. 

Ngoài số lượng mạng xã hội có tiềm lực mạnh đã tăng lên gấp đôi, còn một vấn đề đáng lưu tâm khác khi nhìn vào số liệu tăng trưởng của các mạng xã hội Việt Nam. 

Chỉ sau có 2 năm, mạng xã hội Zalo đã tăng thêm 20 triệu thành viên, gấp 1,5 lần năm 2018. Với Mocha, tuy lượng người sử dụng chưa hẳn đã nhiều, thế nhưng quy mô của nền tảng này đã tăng tới 2,67 lần so với chỉ 2 năm trước đó. Những nền tảng còn lại như Gapo, Lotus cũng đã ít nhiều cho thấy tiếng nói của mình chỉ sau hơn 1 năm hoạt động. 

Mạng xã hội Việt Nam đang ở đâu so với Facebook, Google?
Sự ra đời của những cái tên mới như Lotus, Gapo cũng góp phần giúp các mạng xã hội trong nước có thêm "đồng đội" để cạnh tranh cùng các nền tảng ngoại. Ảnh: Trọng Đạt

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới hàng trăm diễn đàn như Tinhte (16 triệu lượt truy cập/tháng), Voz (11 triệu lượt truy cập/tháng), Webtretho (7 triệu lượt truy cập/tháng) hay Otofun (2 triệu lượt truy cập/tháng),... Đây là những đại diện tiêu biểu cho sức sống bền vững của các nền tảng mạng xã hội truyền thống.

Những số liệu kể trên đã cho thấy, trong năm 2020, các mạng xã hội Việt Nam không chỉ tăng trưởng về lượng mà đã có sự thay đổi mạnh cả về chất. Đây chính là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của các doanh nghiệp nội và xa hơn là cả nền kinh tế số Việt Nam.  

Vì sao phải phát triển các mạng xã hội Việt Nam?

Hầu hết các nền tảng mạng xã hội đều thu thập dữ liệu người dùng. Điều đó cũng có nghĩa, thay vì trả bằng tiền, người dùng đã trả cho các mạng xã hội thông tin cá nhân để có quyền sử dụng sản phẩm. 

Facebook là ví dụ điển hình cho việc biến dữ liệu người dùng thành thứ "hái ra tiền". Ngay từ bước đăng ký, Facebook đã yêu cầu người dùng cung cấp email, số điện thoại, tên, tuổi, địa chỉ... 

Trong quá trình hoạt động, nền tảng này còn thu thập vị trí, ghi nhớ các hành động, thói quen và nội dung tìm kiếm của người dùng. Những thông tin này sau đó được dùng để phân tích nhằm phục vụ cho quảng cáo hướng đối tượng.

Mạng xã hội Việt Nam đang ở đâu so với Facebook, Google?
Trái với suy nghĩ của nhiều người, các mạng xã hội không hề miễn phí. Thay vào đó, các nền tảng này làm giàu bằng cách khai thác dữ liệu từ người sử dụng. 

Google cũng có cách làm tương tự Facebook nhưng ở quy mô còn khủng khiếp hơn. Với hàng loạt các công cụ như Google Search, YouTube, Google Maps, Gmail,... gã khổng lồ tìm kiếm nắm trong tay lượng dữ liệu khổng lồ từ hàng tỷ thiết bị. 

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi nguồn dữ liệu này được sử dụng cho những mục đích không lành mạnh? Đó là lúc mà cả thế giới phải đối mặt với những hiểm họa lớn về vấn đề an ninh. Vụ bê bối Cambridge Antalyca liên quan tới cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định đó. 

Thực tế trên khiến chính phủ nhiều quốc gia cảm thấy lo lắng về sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Đó cũng là lý do mà Trung Quốc, Triều Tiên gần như ngăn cấm hoàn toàn sự hiện của các nền tảng nước ngoài

Thay vì cấm đoán, mối nguy này có thể được giải quyết bằng sự lớn mạnh và cạnh tranh sòng phẳng của các nền tảng nội. Chỉ có điều, rất ít quốc gia trên thế giới có thể làm được điều này. 

Mạng xã hội Việt Nam đang ở đâu so với Facebook, Google?
Nga là một trong những quốc gia hiếm hoi không phụ thuộc vào Facebook nhờ sự xuất hiện của mạng xã hội Vkontakte . Đây là mạng xã hội do người Nga tự phát triển để cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ ngoại. 

Trong số các quốc gia mà Facebook được phép hoạt động, Nga là quốc gia duy nhất mà mạng xã hội này không chiếm được thị phần đa số. Thay vào đó, phần lớn thị phần mạng xã hội tại Nga nằm trong tay VK (Vkontakte) - mạng xã hội do chính người Nga phát triển.

Số liệu của Statista cho thấy, tính đến tháng 1/2020, Vkontakte hiện có 38 triệu người dùng Nga, chiếm khoảng 54% lượng người sử dụng mạng xã hội thường xuyên tại quốc gia này. Đây cũng là ví dụ hiếm hoi cho thấy một quốc gia có thể phát triển mạng xã hội của riêng mình để cạnh tranh sòng phẳng với các nền tảng xuyên biên giới. 

Với Việt Nam, theo số liệu thống kê mới nhất của We are social, tính đến tháng 1/2020, Facebook hiện có 61 triệu người sử dụng tại Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa, với 60 triệu người dùng thường xuyên, Zalo đã gần như đuổi kịp Facebook về số lượng người sử dụng.

Mạng xã hội Việt Nam đang ở đâu so với Facebook, Google?
Các nền tảng truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam tính theo % số người dùng Internet (trong độ tuổi từ 16-64). Số liệu: We are social

Nhìn ở góc độ rộng hơn, số người dùng Facebook chiếm khoảng 90% lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam trong độ tuổi từ 16-64. Số liệu này cho thấy, Facebook gần như đã hết dư địa phát triển tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, với đặc thù là giao diện đơn giản, dễ sử dụng, Zalo vẫn còn dư địa rất lớn đến từ nhóm người dùng cao tuổi. 

Giống như Nga, Việt Nam cũng đã tìm ra con đường riêng để bảo vệ “bộ não của người Việt Nam”. Đó chính là việc thúc đẩy các nền tảng mạng xã hội do người Việt tự phát triển. 

Người Việt tự làm chủ nền tảng, dữ liệu Việt 

Chia sẻ về Gapo, Lotus, ông Hoàng Viết Tiến - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, 2 nền tảng này được phát triển nhắm vào các thị trường riêng. Gapo nhắm vào thị phần dành cho giới trẻ. Với Lotus, mạng xã hội này nhắm vào tập khách hàng đã có sẵn của VCCorp. 

Theo ông Tiến, bản chất của các mạng xã hội này là cung cấp nền tảng để triển khai thêm các dịch vụ mới dựa trên tập database khách hàng mà họ đã có sẵn. 

Các mạng xã hội nước ngoài phổ biến tại Việt Nam chủ yếu liên quan tới lĩnh vực giải trí, thu hút người dùng để từ đó kiếm tiền quảng cáo. Tuy vậy, các nền tảng này chưa đi sâu vào thị trường ngách và các sản phẩm, dịch vụ. 

So với Facebook, Twitter hay Instagram, các mạng xã hội Việt Nam ra đời sau, nhắm tới thị trường ngách và có đối tượng hướng đến là người dùng bản địa.

Điểm khác biệt ở đây là Gapo, Lotus hay các mạng xã hội trong nước tập trung vào tập database có sẵn để tăng cường thêm trải nghiệm khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình. 

Thông qua các mạng xã hội này, G-Group và VCCorp (đơn vị phát triển Gapo, Lotus) có thể thu thập được insight khách hàng để từ đó mang tới những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. 

Mạng xã hội Việt Nam đang ở đâu so với Facebook, Google?
Khác với Facebook, Twitter hay Instagram, các mạng xã hội Việt Nam ra đời sau, nhắm tới thị trường ngách và có đối tượng hướng đến là người dùng bản địa. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Tiến, sự nổi lên của các mạng xã hội trong nước sẽ giúp chúng ta làm chủ về mặt công nghệ, từ đó khiến nền kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững hơn. Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm trong tay dữ liệu, hành vi người dùng để nghiên cứu, phân tập và phát triển sản phẩm. 

“Nhờ dữ liệu khách hàng, các doanh nghiệp F&B có thể phân tập đối tượng quảng cáo theo độ tuổi, nhóm đối tượng,... Chi phí nghiên cứu thị trường, quảng cáo vì thế sẽ giảm đi trông thấy.”, ông Tiến nói.

Trước đây, chúng ta không kiểm soát được cuộc chơi và hoàn toàn bị phụ thuộc vào các nền tảng ngoại, phải mua dữ liệu của các doanh nghiệp nước ngoài. Sự xuất hiện của các mạng xã hội trong nước sẽ giải được bài toán về sự phụ thuộc. 

Đừng coi Gapo, Lotus, Zalo là đối thủ cạnh tranh của Facebook, Google

Tuy có tốc độ phát triển nhanh ấn tượng, vẫn còn đó không ít những chỉ trích nhằm vào các mạng xã hội Việt Nam. Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Viết Tiến cho rằng, những ý kiến tiêu cực đó chưa hẳn đã chính xác. 

Về bản chất, đánh giá người dùng ở đây là về những nội dung được khởi tạo trên các mạng xã hội. Nội dung là một cấu phần quan trọng của tất cả các mạng xã hội, tuy nhiên, chúng lại do chính người dùng tạo ra. 

“Mỗi người là một thực thể và do vậy chúng ta sẽ có những góc nhìn khác nhau. Chính vì sự khác biệt này mà các mạng xã hội mới phát triển như hiện tại. Do vậy, chúng ta nên nhìn vấn đề theo hướng tích cực hơn.”, ông Tiến nói. 

Mạng xã hội Việt Nam đang ở đâu so với Facebook, Google?
Ông Hoàng Viết Tiến - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, không nên nhìn vào câu chuyện của các mạng xã hội trong nước và “đào sâu” chuyện họ sẽ phải trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Facebook, Google. 

Thay vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang xây dựng những nền tảng mạng xã hội của riêng mình nhằm tạo ra một lượng người dùng trung thành và hòa nhịp cùng sự phát triển của thế giới. 

Nói về hướng phát triển của các mạng xã hội trong nước, theo ông Tiến, chỉ cần có nội dung và hiệu suất nền tảng tốt, người dùng sẽ chủ động tìm đến. Cách làm này thiết thực và bền vững hơn việc kêu gọi hay bỏ chi phí truyền thông, quảng cáo lớn để câu kéo người dùng.

Trọng Đạt

VIỆT NAM TÍNH CHẶN FACEBOOK ĐỂ NGĂN 'NHIỄU THÔNG TIN' VỀ ĐẠI HỘI ĐẢNG ?

VOA 24-11-2020

Có thế lực trong chính quyền Việt Nam muốn chặn Facebook một vài tháng để kiểm soát thông tin, tránh những “nhiễu loạn” trong dư luận về Đại hội Đảng sẽ diễn ra vào đầu năm 2021, một người nắm thông tin về hoạt động kiểm soát mạng internet của chính quyền Việt Nam vừa cho VOA biết.

Nguồn tin đề nghị giấu tên do tính chất hạy cảm của vấn đề hé lộ thêm rằng Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là nhân vật chính đứng sau chủ trương này với mục đích nhắm đến một ghế trong Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.

VOA liên lạc với Bộ trưởng Hùng để kiểm chứng thông tin song ông Hùng không hồi đáp.

Cách đây 4 ngày, hãng tin Reuters loan tin độc quyền hôm 20/11 rằng Việt Nam đe dọa cấm cửa Facebook nếu hãng Mỹ này không tuân theo yêu sách của Hà Nội đòi siết chặt hơn nữa việc kiểm duyệt các nội dung chính trị ở trong nước trên mạng xã hội của Facebook.

Reuters dẫn lời một quan chức ẩn danh của Facebook cho hay chính quyền Việt Nam yêu cầu tăng cường kiểm duyệt các bài đăng “chống nhà nước” đối với người dùng ở Việt Nam vào tháng 4 năm nay.

Đến tháng 8, chính quyền lại leo thang yêu sách song Facebook từ chối. Phía chính quyền đưa ra một số lời đe dọa, bao gồm cả khả năng cấm cửa Facebook hoàn toàn ở Việt Nam, nơi đem lại doanh thu gần 1 tỷ đô la cho hãng Mỹ, theo tin Reuters.

Từ Đài Loan, ông Trịnh Hữu Long, Đồng Giám đốc của tổ chức Các Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) và là người điều hành Luật khoa Tạp chí, cho rằng “không có gì đáng ngạc nhiên” khi sắp đến Đại hội Đảng có những quan chức muốn chứng minh khả năng quản lý mạng và năng lực đối phó với các mối đe dọa tới chế độ, lấy đó làm bàn đạp để thăng tiến.

Khó cấm Facebook

Trong khi đó, từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, một cựu thiếu tá an ninh từng bị bỏ tù vì viết blog cổ súy cho dân chủ, tự do chính trị, nhận định với VOA rằng ý định của chính quyền Việt Nam cấm Facebook là “cực khó thực hiện” và “càng khó hơn” nếu họ muốn làm như vậy trước Đại hội Đảng.

Đó là việc là

Ông Vinh, còn được biết đến là blogger Anh Ba Sàm, dẫn ra kinh nghiệm bản thân từng quản trị trang blog có rất đông người đọc trước khi ông bị chính quyền bỏ tù để chỉ ra rằng nếu chính quyền dựng “tường lửa” để chặn Facebook, việc này sẽ không có tác dụng được bao lâu vì mọi người sẽ nhanh chóng bày cách cho nhau, tạo thành “phong trào vượt tường lửa”.

Bên cạnh đó, sẽ có một tác động trái chiều nữa khi xét đến thực tế là hiện có khoảng 68 triệu tài khoản Facebook ở Việt Nam, bao gồm cả nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài lẫn chính các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, nên việc dựng tường lửa sẽ gây ra “bão dư luận”, ông Vinh nói.

Bình luận về việc một bộ trưởng có ý định dùng việc chặn Facebook để lấy đó làm thành tích tiến thân, blogger Anh Ba Sàm đưa ra quan điểm:

“Đó là việc làm dại dột, lợi bất cập hại. Ai muốn thực hiện điều này sẽ cần phải có sự đồng thuận của Bộ Công an vốn vẫn được xem là ‘người gác cổng’ bảo vệ cho an ninh của chế độ. Việc này sẽ động đến đời sống của nhiều cơ quan khác nhau liên quan đến internet, mạng xã hội. Trên thực tế, tôi cho rằng họ sẽ không có đủ thời gian để làm. Nếu làm sẽ gây bão dư luận, dẫn đến chôn vùi sự nghiệp. Vì vậy, đây chỉ là một lời dọa để lấy điểm cho hình ảnh cá nhân”.

Đánh giá chung về Facebook, ông Nguyễn Hữu Vinh nói mạng xã hội này giúp thúc đẩy nhiều điều tốt đẹp ở Việt Nam như các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ, cũng các thảo luận về tiến bộ xã hội, nhân quyền.

Bộ Thông ti

Trong khi đó, các thông tin bị xem là “nhiễu loạn” không có nhiều và không rõ ràng, theo cách nhìn của ông Vinh. Vì vậy, ông nhận định rằng cả trong nội bộ chính quyền lẫn trong tuyên truyền với người dân, thế lực nào muốn cấm Facebook chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

Hậu quả của việc cấm cản Facebook là phản ứng của xã hội lớn đến mức “không thể tưởng tượng được”, ông Vinh đưa ra tiên liệu. Ông nói:

“Nó ghê gớm, lâu dài, ở mọi hang cùng ngõ hẻm của đất nước, từ những người bình dân nhất cần sử dụng tin nhắn, nói chuyện, trao đổi ảnh, cho đến các lãnh đạo trên cao muốn qua Facebook để biết chút gì đó về dư luận xã hội. Bộ Thông tin-Truyền thông có thể nói rằng đã có mạng nội địa rồi, nhưng ai cũng thấy là mạng nội địa rất yếu, trong khi Facebook rất tiện lợi, kết nối rộng rãi. Cuộc sống, việc làm ăn của người ta trên Facebook này rất là lớn, rất là ghê gớm”.

Ngoài ra, nếu chính quyền cấm mạng xã hội của Mỹ, động thái này cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước ngoài và các đại sứ quán nước ngoài, mang lại cái nhìn hết sức tiêu cực về Việt Nam trong con mắt quốc tế, blogger Anh Ba Sàm dự báo.

Theo ông Vinh, Việt Nam không thể cấm Facebook như nhà nước Trung Quốc có chung ý thức hệ cộng sản đã làm vì Trung Quốc làm sớm và bài bản hơn, với các mạng xã hội nội địa hoạt động hiệu quả.

Người dân sẽ phản kháng yếu ớt

Với cái nhìn có phần ít lạc quan hơn, nhà hoạt động Trịnh Hữu Long cảnh báo rằng những lời đe dọa đối với Facebook khi Đại hội Đảng đến gần chỉ là chuyện trước mắt, còn về lâu dài, chính quyền Việt Nam vẫn để ngỏ khả năng cấm cửa mạng xã hội của Mỹ.

Đồng Giám đốc của tổ chức Các Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) và là người điều hành Luật khoa Tạp chí nhận định với VOA rằng trong giai đoạn hiện nay, Hà Nội tiếp tục gây sức ép và mặc cả với Facebook, trong khi tiếp tục tạo điều kiện cho các mạng xã hội trong nước hình thành và phát triển để làm đối trọng.

Facebook bị xem là trong tình trạng trên đe dưới búa: ở Mỹ phải giải trình về kiểm duyệt, ở VN bị dọa cấm cửa.
Facebook bị xem là trong tình trạng trên đe dưới búa: ở Mỹ phải giải trình về kiểm duyệt, ở VN bị dọa cấm cửa.

Một bản tin của VietnamNet hôm 24/11 cho hay tính đến tháng 11/2020, Zalo hiện là mạng xã hội nội địa lớn nhất Việt Nam với khoảng 60 triệu người dùng, gần đuổi kịp Facebook. Xếp sau là Mocha (12 triệu thành viên), Gapo (6 triệu thành viên) và Lotus (2,5 triệu thành viên).

Theo ông Long, thực trạng đó cho thấy những lời đe dọa của chính quyền đối với Facebook ngày càng có sức nặng và mạng xã hội Mỹ phải suy nghĩ nghiêm túc về nguy cơ mất thị trường Việt Nam.

Mặc dù vậy, ông Long dự báo rằng Việt Nam sẽ không ra đòn một cách thẳng thừng:

“Việt Nam không dại gì đùng một cái chặn Facebook, nhưng họ sẽ làm cho việc truy cập Facebook bị mất ổn định, kém, chậm, làm cho người dùng chuyển sang các mạng xã hội khác, nhất là các mạng nội địa”.

Áp dụng chiến thuật này, chính quyền sẽ làm người dân chán nản với mạng xã hội Mỹ, song song với việc đó, chính quyền cũng tung ra các chiêu thao túng làm cho dư luận Việt chia năm sẻ bảy, không phản kháng.

Căn cứ vào kinh nghiệm và quan sát của mình, nhà hoạt động hiện sống và làm việc ở Đài Loan nói với VOA rằng đa số người Việt Nam không có thói quen phản ứng và thường chọn cách thích nghi với hoàn cảnh:

“Thảm họa môi trường Formosa năm 2016 là vô cùng lớn nhưng mức độ phản kháng rất thấp và tan rã sau 2 tuần. Sự kiện dự luật đặc khu và an ninh mạng hồi hè năm 2018 cũng tan rã, biến mất sau 2 cuộc biểu tình. Tôi luôn đánh giá cao khả năng thao túng dư luận và đàn áp của chính quyền, và tôi không tin rằng người dân Việt Nam sẵn sàng có những phản ứng mạnh mẽ trước việc chính quyền chặn các dịch vụ internet”.

Không nên chỉ sử dụng mỗi Facebook

Giới đấu t

Về dài hạn, ông Trịnh Hữu Long khuyến cáo những người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là những nhà hoạt động vì dân chủ, tiến bộ xã hội “không nên bỏ hết trứng vào một giỏ” và cần phải có chiến lược đa dạng hóa các nền tảng mạng xã hội dùng cho công việc.

“Hãy dùng các các kênh như newsletter, podcast, Telegram, Whatsapp… tuy là các cộng đồng nhỏ nhưng cũng đủ để thay Facebook. Ngoài các hoạt động online cũng nên có các cuộc gặp gỡ nói chuyện ngoài đời, bên ly café hoặc trà đá... Giới đấu tranh cần nhìn nhận thực tế là Facebook phải kinh doanh và phải nhượng bộ các chính quyền. Chúng ta không nên bức xúc với Facebook mà hãy tận dụng kênh này cho đến khi không còn dùng được nữa”, ông Long nói.

Trong vòng 5-10 năm nữa, Facebook sẽ vẫn phải đi theo mô hình kinh doanh phụ thuộc vào các chính quyền, nên tình trạng chặn bài viết và lượng tương tác, đóng các tài khoản mà các chính quyền không ưa sẽ vẫn diễn ra, không có gì thay đổi, ông Long dự báo.

Báo chí nhà nước Việt Nam hồi cuối tháng 10 vừa qua dẫn lại một báo cáo của Bộ Thông tin-Truyền thông trả lời Quốc hội và cử tri cho hay rằng từ đầu năm 2018 đến hết tháng 8/2020, bộ đã gỡ 283 tài khoản Facebook “chuyên tung tin kích động chống phá nhà nước Việt Nam”, cũng như gỡ hơn 1.800 bài viết, 154 fanpage đăng tin sai sự thật.

Còn hồi đầu năm nay, như VOA đã đưa tin, chính quyền Việt Nam cắt mạng, bóp băng thông đối với các máy chủ của Facebook cho tới khi hãng Mỹ miễn cưỡng đồng ý tăng cường kiểm duyệt các thông tin “chống phá” nhà nước Việt Nam.

Sự việc được các công ty viễn thông Việt Nam thực hiện, làm cho các máy chủ của Facebook mất mạng trong 7 tuần, từ tháng 2 đến tháng 4, đồng nghĩa là mạng xã hội này đã có lúc bị tê liệt ở Việt Nam trong khoảng thời gian đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét