Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

20211231. 'DIỄN TẬP' METRO CÁT LINH-HÀ ĐÔNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

KHÁCH ĐI ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH KHÔNG

 ĐƯỢC BÁO TRƯỚC 'SỰ CỐ DIỄN TẬP'

PHẠM CHIỂU/ VnEx 15-12-2021

HÀ NỘIHành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông có thể gặp những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ mà không được thông báo trước.

Ngày 15/12, ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Metro Hà Nội, cho biết theo khuyến cáo của Tư vấn độc lập ACT (Pháp) trong năm đầu khai thác thương mại, quá trình vận hành đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông nên diễn tập những tình huống có thể xảy ra trong vận hành. "Khi diễn tập sự cố thì ngay cả Metro Hà Nội cũng không được thông báo trước, việc này do cơ quan nhà nước kích hoạt bất ngờ để kiểm tra phản ứng của đơn vị vận hành", ông Trường nói.

Tháng 4/2021, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Tư vấn độc lập ACT (Pháp) cấp chứng nhận an toàn hệ thống; trong 166 quy trình vận hành có đưa ra 63 tình huống sự cố giả định. Trong quá trình vận hành thử đợt tháng 12/2020, các đơn vị liên quan đã diễn tập đủ 63 tình huống, nhưng lúc đó không có hành khách.

"Quá trình vận hành thương mại khác với trước là có hành khách. Việc không báo trước chỉ là thời điểm xảy ra diễn tập, còn kịch bản các sự cố như thế nào, các bên đều đã nắm được hết chứ không phải muốn làm thế nào thì làm", ông Trường nói thêm.

Một tình huống diễn tập cứu hộ trên đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tháng 12/2020. Ảnh: Giang Huy

Một tình huống diễn tập cứu hộ trên đường sắt Cát Linh - 

Hà Đông, tháng 12/2020. Ảnh: Giang Huy

Giám đốc Metro Hà Nội khẳng định "việc diễn tập không ảnh hưởng tới tính mạng hay an toàn của hành khách đi tàu". Ông cho hay "tình huống diễn tập có thể xảy ra bất ngờ, nhưng chúng tôi sẽ thông báo cho hành khách ngay sau đó". Lúc này, Metro Hà Nội sẽ huy động xe buýt chuyển hành khách tới một ga khác gần nhất để tiếp tục di chuyển, hoặc có thể trả lại tiền vé.

Trước đó tối 7/12, tàu điện Cát Linh - Hà Đông lần đầu tiên diễn tập phản ứng với sự cố kể từ khi tuyến đường sắt này được đưa vào khai thác thương mại. Tình huống diễn tập là lỗi tín hiệu xảy ra ở máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh. Lúc này trên tàu có khoảng 40 hành khách. Ga Cát Linh phải đóng cửa hơn 30 phút để khắc phục sự cố, trong khi nhiều hành khách được "phen hú vía".

Anh Nguyễn Mạnh Cường (quận Thanh Xuân) cho rằng tàu đang vận hành bình thường mà diễn tập, không thông báo trước cho hành khách có thể ảnh hưởng tới quá trình di chuyển cũng như công việc của họ. "Đang có việc gấp mà gặp đúng lúc diễn tập sẽ rất bực mình", anh Cường chia sẻ.

Còn chị Phạm Thanh Thúy (quận Hà Đông), một trong những hành khách thường xuyên của tàu Cát Linh - Hà Đông, nói "không hy vọng gặp phải những tình huống diễn tập, theo tôi nên thông báo trước để hành khách chuẩn bị sẵn tâm lý; nếu bất ngờ nhỡ có ai hoảng quá hành động liều lĩnh thì không biết ai chịu trách nhiệm".

Hành khách đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông sẽ không được thông báo trước diễn tập sự cố. Ảnh: Phạm Chiểu

Hành khách đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông tháng 

11/2021. Ảnh: Phạm Chiểu

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, nói việc diễn tập các sự cố không báo trước cho hành khách "về mặt chuyên môn là bình thường, vì diễn tập thì phải làm như thật, xem phản ứng của hành khách như thế nào và xử lý của đơn vị vận hành ra sao".

Theo ông Toản, "nếu thông báo trước sẽ trở thành báo động giả và đơn vị quản lý cũng như vận hành không rút ra được kinh nghiệm gì".

Trong khi đó, TS Phan Lê Bình, chuyên gia quy hoạch giao thông, lại cho rằng việc tàu đang chở hành khách mà tổ chức diễn tập là không hợp lý. "Tôi đã sống và làm việc tại Nhật gần 30 năm, thường xuyên sử dụng các phương tiện công cộng, song ở Nhật tuyệt đối không có những tình huống diễn tập kiểu như đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang làm", ông Bình nói.

"Ở Nhật, mọi diễn tập nếu có đều được báo cho người dân cả tuần. Tôi không bàn đến quy trình vận hành, nhưng tại sao Metro Hà Nội không dùng cán bộ, nhân viên của đơn vị và nếu thiếu người thì mượn thêm từ bên xe buýt... để diễn tập vào thời điểm mà tàu không còn hành khách, như sau 22h chẳng hạn", ông Bình góp ý.

Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại từ ngày 6/11; sau 15 ngày miễn phí cho khách trải nghiệm, bắt đầu mở bán vé từ 21/11.

Thống kê đến ngày 5/12 của Metro Hà Nội cho biết trong thời gian khai thác thương mại, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chạy 3.045 chuyến tàu an toàn, vận chuyển 239.954 lượt hành khách. Về tỉ lệ phân bổ hành khách, ga Cát Linh đạt cao nhất với 33,2%, ga Yên Nghĩa 17,3%. 10 ga còn lại chiếm 49,5% lượng khách.


'DIỄN TẬP' METRO,
THẬT-GIẢ, HAY GIẢ-THẬT, CHẲNG BIẾT

TRÂN VĂN/VOA/ TD 17-12-2021


Giám đốc Metro Hà Nội vừa khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện... “diễn tập sự cố” khi vận hành tuyến metro Cát Linh – Hà Đông trong năm đầu tiên. Chuyện giả lập “sự cố” để... “diễn tập” sẽ tiếp tục... không báo trước và cơ quan nhà nước quyết định sẽ kích hoạt bất ngờ để kiểm tra phản ứng của đơn vị vận hành. Viên giám đốc Metro Hà Nội hứa sẽ... thông báo cho hành khách ngay sau đó (1)!
Nói cách khác, trong mắt của... “cơ quan nhà nước”, khách hàng của Metro Hà Nội nói riêng và dân chúng Việt Nam nói chung... chẳng là gì cả! Quan niệm “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quý nhất, kế đó mới tới quốc gia, sau nữa mới tới vua) có thể có chỗ đứng ở nhiều thời, nhiều nơi, kể cả cách nay hơn 2.000 năm, lúc Mạnh Tử - một triết gia Trung Quốc - đang thở đều nhưng tại Việt Nam thì không!
***
Chuyện tổ chức “diễn tập sự cố” đối với tuyến metro Cát Linh – Hà Đông không mới. Cách nay mười ngày - chiều 7/12/2021 – các đoàn tàu ở ga Cát Linh đột nhiên ngừng hoạt động trong 30 phút. Hành khách được thông báo về... “sự cố” và hoặc phải nhận lại tiền đã bỏ ra mua vé rồi tự tìm phương tiện giao thông khác để đi lại, hoặc phải dùng xe buýt... Cuối cùng, Metro Hà Nội loan báo đó chỉ là... “sự cố diễn tập” mà chính họ cũng không biết vì Sở Giao thông Vận tải Hà Nội không báo trước (2)...
Ở thời điểm đó đã có rất nhiều người lên tiếng phân tích đúng – sai về quyết định giả lập... “sự cố” để... “diễn tập”. Chẳng hạn Tịnh Nguyễn Thanh: Công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông luôn đem đến cho nhân dân cả nước hết bất ngờ này đến bất ngờ khác! Sau những bất ngờ về thời gian thi công kéo dài mười năm với những lần đội vốn khiến giá thành bất ngờ tăng rất khủng thì lần này hành khách lại có thêm một trải nghiệm hoàn toàn mới về sự “bất ngờ”. Mua vé xong chờ hoài không chạy, cuối cùng … được hoàn lại tiền! Sau đó được giải thích... “chỉ là diễn tập không báo trước”(?). Ghê quá, phải không? Nghe giải thích mà xẩu cả mình! Vẫn còn nhiều người thấy thắc mắc: Có cần thiết phải “diễn tập không báo trước” như vậy không? Mục đích của việc “diễn tập không báo trước” này là gì? “Bất ngờ” thiệt chứ (3)!
Nguyễn Tấn Thành thì tập hợp nhiều thông tin từ hành khách của chuyến tàu... “diễn tập sự cố”: Từ 6 giờ 15 tới 6 giờ 45 là 30 phút ngồi trên tàu nhưng tàu không chạy. Lúc 6 giờ 45 có thông báo tàu bị sự cố. Đợi mười phút, tới 6 giờ 55 thì có thông báo đi bằng phương tiện khác. Chờ từ 6 giờ 55 tới 7 giờ 45, tức 50 phút thì có xe buýt tới đưa đi – để nêu thắc mắc: Chỉ “diễn tập” hay có sự cố? Nếu là “DIỄN TẬP” thì lại thêm một thất bại lớn: Tại sao “diễn tập” mà bắt hành khách đợi tới 30 phút mới thông báo vì đợi 5 phút là đủ cho diễn tập rồi. Nếu “diễn tập” thì sau khi thông báo sự cố tiếp theo thường là xin lỗi và đề nghị hành khách chuyển sang phương tiện khác, tại sao lại chờ thêm 10 phút nữa, giống như không khắc phục được mới đề nghị. Chủ động “diễn tập” thì tại sao hành khách phải chờ thêm 50 phút mới điều xe buýt đến...
Trong khi Nguyễn Tấn Thành nhận xét : Nếu “diễn tập” thì như thế là quá tệ vì không có sự chuẩn bị nào cả, bắt hành khách thành nạn nhân - chịu đựng chờ đợi. Nếu “sự cố” mà dối trá, chuyển thành “diễn tập” thì quá xem thường dân và đẩy cái công trình hữu nghị Việt Tàu này đến chỗ nguy hiểm hơn, tác hại hơn mà thôi (4) – thì Nguyễn Đình Bổn bỡn cợt: Công trình Cát Linh - Hà Đông đạt rất nhiều cái nhất, đắt nhất, lâu nhất, chậm nhất, ít người đi nhất,... và cái nhất mới nhất là: TÍNH BẢO MẬT CAO NHẤT! Ngay cả Tổng giám đốc Metro Hà Nội cũng không biết về... diễn tập (5)!
***
Tuy nhiên chuyện chưa ngừng ở đó, phân tích hay – dở, thiệt - hơn của công chúng sau đợt... “diễn tập sự cố” chiều 7/12/2021 như vừa trích dẫn một phần rất nhỏ chẳng khác gì... “nước đổ đầu vịt” cho nên, cách nay vài ngày, Giám đốc Metro Hà Nội mới mạnh miệng khẳng định, rằng giới hữu trách đã quyết định sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động... “diễn tập sự cố” và không thông báo trước trong... cả năm nữa như đã dẫn!
Chẳng phải chỉ có người sử dụng mạng xã hội phản ứng gay gắt mà độc giả của các cơ quan truyền thông chính thức cũng chỉ trích kịch liệt. Ví dụ song hành với tường thuật Khách đi tàu Cát Linh không được báo trước 'sự cố diễn tập' của VnExpress là phản hồi của hơn 300 độc giả (1). Có những độc giả ở ngoại quốc như MK Se7en cho biết “đi metro mòn gót”, hay như Muc Dinh “dùng metro suốt 20 năm ở Pháp”,... cùng khẳng định: Chưa bao giờ thấy tổ chức diễn tập kiểu này! Cũng có những độc giả như tuanhn.vpb nhấn mạnh: Chẳng có nơi nào trên thế giới lôi hành khách ra diễn tập khi không có sự đồng ý của họ. Hành khách mua vé là để thụ hưởng dịch vụ, chứ không phải để đóng thế cho các cuộc diễn, thử nghiệm.
Giống như cách nay mười ngày, lúc đoàn tàu sắt trên cao bất động ở ga Cát Linh rồi được giải thích đó là... “diễn tập sự cố”, khuấy động dư luận trên mạng xã hội, tuần này, vài trăm đôc giả của VnExpress thắc mắc về việc ai, nơi nào sẽ gánh trách nhiệm nếu hành khách vô tình dính vào... “diễn tập sự cố” mà trễ giờ học, lỡ buổi thi, đi làm trễ, đột quị hay bị thương do hoảng loạn?.. Không ít người như baoloc 831992, Tuan Le,... công khai bày tỏ sự bất bình vì kiểu tư duy, lối hành xử coi thường dân chúng: Bỏ tiền ra mua dịch vụ rồi để các anh dùng, đem ra diễn tập à? Đây là dùng Thượng đế làm... chuột bạch – khó thế mà cũng nghĩ ra được!..
***
Tại Cộng hòa XHCN Việt Nam, trước đã thế và nay cũng vậy, “trách nhiệm” chắc chắn là... phạm trù không khiến bất kỳ viên chức hữu trách nào bận tâm, bởi chẳng bao giờ phải gánh, kể cả khi “diễn tập sự cố” gây ra hậu quả nghiêm trọng vì... “sự cố... diễn tập”. “Dân vi quý” là ý niệm, là hiện thực của thời khác, chỗ khác. Quyết định tiếp tục“diễn tập sự cố” không thông báo trước suốt năm đầu tiên khi vận hành tuyến metro Cát Linh – Hà Đông chính là một ví dụ minh họa khác cho thấy, “dân ý”, “nhân tâm”, rồi “bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản”, “tôn trọng quyền lợi của nhân dân” chỉ là những thứ thỉnh thoảng cần phải mang ra dùng cho người khác thấy “ta” cũng... có! Thế thôi!
Chú thích


DIỄN TẬP KHÔNG PHẢI LÀ TRÒ CHƠI...

LÊ QUANG/ TD 18-12-2021


Đây là điển hình cho lối suy nghĩ hời hợt và nông nổi của một bộ phận người trẻ tuổi làm việc ở nước ngoài - trái ngành và cũng rất khó hiểu khi báo chí lại cho đăng tải những quan điểm lệch lạc như vậy.
Diễn tập hạ tầng dân sự là hoạt động đòi hỏi chuẩn bị chứ không phải là yếu tố bất ngờ. Nó không thể so sánh với diễn tập PCCC trong tòa nhà cao tầng hay các phương tiện vận chuyển chuyên dụng bởi một lý do cơ bản nhất là "đối tượng sử dụng".
Đối tượng sử dụng trong các công trình chuyên dụng hoặc doanh trại thường có tình trạng thể chất tương đương nhau. Ví dụ diễn tập trong tòa nhà văn phòng, diễn tập trong doanh lính, diễn tập trong huấn luyện cứu hỏa... Đây là những tập thể có năng lực thể chất và tâm thần đã qua rèn luyện để thích nghi với một số hoạt động nhất định. Không có ai cho một em bé hay một người già bị bệnh tim tham gia diễn tập cùng quân đội cả, bởi vì điều đó mang đến những rủi ro không thể dự báo trước. Một đối tượng dân sự sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì không thể được coi là họ đang thực hiện hoạt động "nghiệp vụ" như thủy thủ trên tàu viễn dương.
Diễn tập không phải là trò chơi của học sinh hạnh kiểm tốt. Diễn tập trên hạ tầng giao thông là đặt rủi ro có thực lên đối tượng diễn tập, những rủi ro ấy không phải là rủi ro của sự "diễn" mà là rủi ro trong quá trình "diễn". Ví dụ, một người bị cao huyết áp có thể hoảng loạn hay ngất đi trong diễn tập không báo trước bởi vì thể chất và tâm thần của họ không được chuẩn bị để thực hiện màn biểu diễn ấy. Một người mắc chứng sợ độ cao thì có thể không bao giờ vượt qua được quá trình diễn tập giải cứu, một cụ già 97 tuổi ngồi xe lăn thậm chí còn không thể đi qua nổi một bậc cầu thang. Do đó, diễn tập là cần thiết nhưng sự thông báo trước trong quá trình diễn tập là bắt buộc.
Ở châu Âu, mọi sự thông báo phải diễn ra cả tuần trước diễn tập, phải có người có chuyên môn giải thích rằng điều đó sẽ diễn ra như thế nào, vào giờ nào, phải có lưu tâm đến tình trạng thể chất và độ tuổi của người tham gia và trên hết là quá trình thực hiện điều đó thì phải được công bố. Ví dụ như thoát hiểm ở khu vực nào, tiếp cận thang nào, đập vỡ phần kính nào, khi chạy ra ngoài thì tập trung ở đâu, thăm khám xử lý chấn thương (nếu có) tại các trạm y tế nào, điểm danh nhân sự tham gia trước và sau diễn tập như thế nào. Xin lưu ý rằng đó là một quá trình đòi hỏi sự chuẩn bị từ mọi phía chứ không phải là một quá trình nhằm gây bất ngờ như một phần của "nghiệp vụ".
Điều này thậm chí có thể diễn ra đơn giản hơn rất nhiều, ví dụ như có nhân viên trực trên tàu hàng ngày hướng dẫn hành khách một cách trực quan, qua video (như trên máy bay dân dụng chẳng hạn) chứ không phải là cứ đem tất thảy đối tượng sử dụng ra để "diễn". Một thanh niên trẻ khỏe 30 tuổi có thể không có vấn đề gì với diễn tập bất ngờ nhưng một em bé ba tuổi thì có thể không phản ứng được trong tình trạng nhốn nháo mà không có sự chuẩn bị.
Việc tham gia phương tiện giao thông công cộng của đối tượng dân sự không bao giờ được coi là diễn tập "nghiệp vụ", bởi vì ta không bao giờ biết được cá nhân ấy, tập thể ấy là những người như thế nào, năng lực vận động thể chất, nghe, nhìn ra sao. Hiển nhiên rằng trước đó họ phải được thông báo và đăng ký tham gia.
Ở nước ngoài, ngay cả một cuộc bãi công của nhân viên giao thông công cộng cũng phải được báo trước cả tuần lễ. chứ đừng nói gì tới sự diễn tập một tình huống. Tình huống ấy là gì, phân loại nó ra sao, cấp độ A, B, C, D? tất cả phải được thông báo và giải thích trước khi ra tới hiện trường và không có lí do gì để bỏ qua những bước ấy.
Báo chí VN rất nên cân nhắc để hạn chế đi những ý kiến thiếu cơ bản như bài viết ở đây.

KHÁCH HÀNG CẦN ĐƯỢC TÔN TRỌNG

TRẦN ĐĂNG TUẤN/ TD 20-12-2021


1- Giả định đúng là “diễn tập” theo kích hoạt của Sở GTVT Hà Nội, như ông TGĐ Hà Nội Metro nói, thì cái sự kích hoạt ấy nó diễn ra kiểu gì mà đến Hà Nội Metro cũng không được biết trước?
Sở GTVT Hà Nội có thể vào hệ thống thông tin điều hành và “kích hoạt” tình huống lỗi đếm trục của tàu trên cao? Xin thưa việc đó đơn giản là không thể. Không bao giờ người ngoài lại nắm quyền vận hành như thế được.
Vậy cái sự kích hoạt ấy chỉ có thể diễn ra theo cái cách thông thường nhất, là Sở qua mồm hay qua một văn bản, hay là ngồi ngay ở trung tâm vận hành, bất ngờ ra lệnh cho HN Metro ngay lập tức áp tình huống lỗi đếm trục và xử lý tình huống đó theo kịch bản có sẵn.
Như vậy thì sao có thể nói Metro không biết. Phải biết thì mới thực hiện tình huống đó được. Và không như vài người nào đó nói theo cách phải bí mật với hành khách mới đạt hiệu quả. Vẫn hiệu quả nếu hành khách được thông báo và làm theo chỉ dẫn của nhân viên.
Cho đến giờ, tôi chưa thấy Sở GTVT lên tiếng khẳng định họ đã “kích hoạt” diễn tập.
2- Tuy nhiên, cả stt trước và stt này, tôi bàn về cách hành xử “diễn tập” như một thái độ rất coi thường người đi tàu, không có nghĩa vì tôi đã tin vào giải thích đó là “diễn tập”. Và thực ra thì có lẽ ít người tin.
Lỗi đếm trục là lỗi khi cảm biến báo sai, tàu đã đi qua nhưng cảm biến vẫn chưa “đếm” hết trục tọa tàu chuyển động ngang qua. Do đó dẫn đến đoàn tàu sau không thể tiếp cận.
Qua tìm hiểu của tôi, lỗi này có thể xảy ra ở những Metro hiện đại ở các nước. Với tần suất 6 phút cách nhau (giờ cao điểm) của Metro HN, xác suất lỗi này dẫn đến tai nạn ngay hầu như là bằng không. Hơn nữa việc bảo đảm an toàn là đa lớp nên xác suất tai nạn càng nhỏ. Nhưng đã là lỗi thì phải xác định nguyên do, khắc phục, cảm biến sai khiến bao động giả cũng phải xác định nó là báo động giả, rồi mới vận hành lại, nếu không thì vẫn là một sự thiếu an toàn nếu như có một tình huống trùng lặp nhiều yếu tố bất ngờ bất lợi.
Vậy nếu có lỗi kỹ thuật, cần nói thẳng thắn, cần giải thích để người đi tàu hiểu, và xử lý một cách bình thường. Nếu lỗi kỹ thuật có thật mà lại chọn cách giải thích “diễn tập” thì là hai lần coi thường người dân. Khách hàng cần được tôn trọng.
3- Như tôi hiểu, kể cả trường hợp có lỗi kỹ thuật đếm trục, thì điều này cũng chưa phải là lý do nghi ngờ chất lượng an toàn của Metro. Tuy nhiên cách xử lý như vừa qua nói lên có lý do bất an với cách điều hành và thái độ nhìn nhận khách hàng của Hà Nội Metro. Xét cho cùng an toàn hay không phụ thuộc phần nhiều vào con người và cách làm việc chứ không chỉ máy móc.
Vì vậy cần có một cuộc thanh tra của cơ quan có thẩm quyền để kết luận chuyện này: Đó là lỗi kỹ thuật hay là cách người ta diễn tập? Trong cả hai trường hợp, việc xử lý như thế đúng sai thế nào và Hà Nội Metro có quyền lặp lại theo cách đó hay không?
Tốt nhất là mọi thứ phải đúng ngay từ đầu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét