Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

20211204. BÀN VỀ KHẨU HIỆU

 ĐIỂM BÁO MẠNG

KHẨU HIỆU VÀ ĐỔI THAY

UÔNG NGỌC DẬU/ TVN 28-112021

Năm trước, tôi đến khu mộ vị Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. Khu mộ đặt trên quả đồi thông, hướng ra ngã ba sông, nơi Ngàn Sâu, Ngàn Phố hợp lưu đổ ra sông La.

Trên bức tường cao rộng dựng phía đầu ngôi mộ nghiêm ngắn một dòng chữ: Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!

Từ những năm đất nước còn trong vòng nô lệ, “tình hình đen tối như không có đường ra”, vị Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, ông Trần Phú, để lại cho lớp lớp đồng chí của mình, cho hậu thế, không chỉ những người cộng sản, một câu khẩu hiệu thôi thúc, khích lệ, rất đáng để thường trực nằm lòng. 

Khẩu hiệu và đổi thay
Lời nhắn gửi “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của cố Tổng bí thư Trần Phú còn giá trị mãi về sau

Câu khẩu hiệu ấy được kiểm nghiệm bằng chính tháng năm hoạt động, tranh đấu, tù đày, và bằng chính sinh mệnh của người chiến sỹ cộng sản. 

Câu khẩu hiệu ấy cũng được kiểm nghiệm bằng những dấu mốc thăng trầm trên con đường đi tới thành công của cách mạng Việt Nam, suốt gần 100 năm qua.

Trong mỗi đời người, trong những phút giây an nguy, sinh tử, ai mà không từng một lần tự nhủ lòng mình: Đừng nhụt chí, nản lòng. Hãy tự tin, can đảm. Hãy tranh đấu đến cùng…

Tranh đấu, chiến đấu, không chỉ bằng súng gươm, lửa máu. Nó cần chí khí, tinh thần, trí tuệ, đôi khi dám đánh đổi bằng sinh mệnh chính trị. Vì danh dự, lẽ công bằng, vì sự phồn vinh của đất nước, hạnh phúc của con người. 

Câu khẩu hiệu “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đâu chỉ của một thời, đâu chỉ dành riêng cho người cộng sản.

Nhưng không phải câu khẩu hiệu nào cũng thành phổ quát và có đời sống dài lâu.

Cũng năm đó, tôi đến một xã nằm bên tả ngạn sông Lam. Xã đang háo hức phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang từ thời chiến tranh chống Mỹ. 

Rất nhiều khẩu hiệu dựng dọc bờ đê, chăng trên đường thôn ngõ xóm. Buổi chiều, đứng trên đê, một người nông dân chỉ lên ngọn đồi sau làng, phô với khách câu khẩu hiệu vắt ngang sườn đồi: Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!

Câu khẩu hiệu từ thời chiến tranh vừa được tô đậm, nổi bật với màu sơn trắng.

Một thời, suốt gần 20 năm, câu khẩu hiệu ấy thành tinh thần, ý chí, thôi thúc cả dân tộc chiến đấu và đi đến cái đích cuối cùng: Thắng giặc Mỹ.

Giờ là thời bình, mở cửa, hội nhập, thêm bạn bớt thù, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, những câu khẩu hiệu một thời máu lửa nên được lưu giữ ở không gian phù hợp: bảo tàng, nhà truyền thống, trang sử địa phương. Nơi ngọn đồi cao nên là rợp mát cây xanh. Nếu cần khẩu hiệu, là khẩu hiệu khuyến khích trồng cây để có rừng, khuyến khích nuôi thêm trâu bò, thi đua làm giàu…

Định hướng cho hành động

Trong đời sống thường ngày, không hiếm những câu khẩu hiệu khiến ta suy nghĩ.

Nhiều năm rồi, cứ dịp tết đến xuân về là đường phố, công sở lại tưng bừng câu khẩu hiệu: “Mừng Đảng, mừng Xuân”. Cũng có khi: “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước đổi mới”.

Đảng ta vốn khiêm nhường và trọng dân. Với đất nước mình, về nguyên lý, mỗi thành quả có được đều có sự lãnh đạo của Đảng. Đất nước phát triển, nhân dân hạnh phúc, ấy là thước đo năng lực Đảng. “Đón Xuân, mừng Đất nước phát triển, mừng Nhân dân hạnh phúc”, mới là câu khẩu hiệu nên có, vừa rộn ràng tính Đảng, lại hài hòa ý Đảng lòng Dân.

Suốt giai đoạn phòng chống đại dịch Covid-19, một số địa phương phát đi thông điệp - khẩu hiệu phần nhiều ngẫu hứng, thiếu căn cứ khoa học. Những là Covid - mi phải chết. Những là Mở đường Hồ Chí Minh trên không, Chia lửa với miền Nam… Gần đây, ở một địa phương lại xuất hiệu câu khẩu hiệu: Giãn cách xã hội - Kết nối yêu thương. Nghe qua có vẻ hay ho chữ nghĩa, nhưng thực ra mù mờ, tối nghĩa.

Khẩu hiệu là công cụ tuyên truyền, định hướng cho hành động. Nó là sản phẩm văn hóa, đòi hỏi trí tuệ. Những khẩu hiệu ngẫu hứng, thiếu khoa học, thực sự lợi bất cập hại, chẳng thể định hướng đúng cho hành động.

Uông Ngọc Dậu


BÀN VỀ KHẨU HIỆU

 'CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC'

NGÔ THẾ BÍNH /NTB 2-9-2021


Ảnh VOV

1. Vài ý chung: Ngày nay chúng ta không lạ gì với khẩu hiệu. Dù to lớn thiêng liêng như trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc hay việc nhỏ như một phong trào, yêu cầu giao tiếp nơi công cộng, mua bán... ta dễ dàng bắt gặp khẩu hiệu. Đó là những câu ngắn gọn, mang tính định hướng, động viên, khích lệ hay đơn giản  chỉ là nhắc nhở cộng đồng cho một mục tiêu nào đó. Khẩu hiệu được nói bởi nhà lãnh đạo hay người nổi tiếng, khẩu hiệu cũng được viết trên các pa nô, áp phích. Tác giả của khẩu hiệu càng có uy tín, càng nổi tiếng thì tác dụng của khẩu hiệu càng lớn. Tuy nhiên khẩu hiệu dù ai là tác giả cũng phải bảo đảm tính khoa học và logic. Bài này tập trung nêu lên những bất cập của khẩu hiệu 'chống dịch như chống giặc' 

2. Tính logic: 

Tính logic tạm hiểu là sự dùng từ hợp lý, không để đối tượng tiếp nhận hiểu hoặc suy diễn sai lệch. Trong khẩu hiệu 'chống dịch như chống giặc', 'như' là một từ khóa quan trọng xét về logic. Trong tiếng Việt  'như' là loại động từ chỉ ra liên hệ cùng bản chất của hai hiện tượng, sự vật có hình thức khác nhau. Vậy chống dịch và chống giặc có cùng bản chất ? Giả thử có giặc tới xâm lược, ta có thể vận dụng bài học chống dịch để nêu khẩu hiệu 'chống giặc như chống dịch' được không ? Câu hỏi sau phụ thuộc trả lời câu hỏi trước như sau:

3. Phân biệt bản chất chống dịch và chống giặc: 

Chống dịch và chống giặc đều là cuộc chiến.  Để phân biệt bản chất cuộc chiến có thể nêu 4 tiêu chí chính: đối tượng chiến đấu, mục tiêu chiến đấu, lực lượng chiến đấu, phương tiện chiến đấu, chiến lược chiến thuật.

- Đối tượng chiến đấu: Chống giặc đối tượng chiến đấu là kẻ xâm lược tổ quốc bằng vũ lực . Đó là những con người cụ thể, tương đối dễ phát hiện. Chống dịch đối tượng chiến đấu là những con virus vô cùng nhỏ bé, hầu như vô hình, xâm nhập, lan nhiễm trong cộng đồng khó kiểm soát, biến thể ngày càng nguy hiểm...

-Mục tiêu chiến đấu: Chống giặc có mục tiêu chiến đấu là bảo vệ lãnh thổ, quyền độc lập, quyền tự do của tổ quốc. Chống dịch có mục tiêu chiến đấu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân (phạm vi hẹp hơn mục tiêu chống giặc đồng thời phải chấp nhận hy sinh một số mục tiêu khác như phát triển kinh tế, tự do đi lại...)

-Lực lượng chiến đấu: Chống giặc có lực lượng chiến đấu tùy theo quy mô nhưng lực lượng chiến đấu mặc định chủ yếu là lực lượng võ trang (quân đội, dân quân, công an). Chống dịch có lực lượng chiến đấu chủ yếu là bác sĩ, nhân viên y tế (những người có chuyên môn về phòng chống dịch). Tùy theo tình hình dịch bệnh lực lượng tham gia chống dịch có thể có quân đội, công an, tổ chức dân sự ... với những  nhiệm vụ phù hợp. 

-Phương tiện chiến đấu: Chống giặc có phương tiện chiến đấu là vũ khí và phương tiện dùng cho vận chuyển, thông tin, cứu thương... Chống dịch có phương tiện chiến đấu là dụng cụ y tế, thuốc (quan trọng nhất là vaccine), bệnh viện chuyên chống dịch, bệnh viện tạm thời dùng cách ly...Chống dịch có thể lợi dụng một số phương tiện quân y nếu có thể.

-Chiến thuật, chiến lược: Chiến thuật, chiến lược được hiểu là phương thức, kế hoạch ngắn hạn (chiến thuật), dài hạn (chiến lược) để giành chiến thắng. Trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước thế kỷ trước từng có những chiến thuật mang các tên: '3 mũi giáp công', 'đấu tranh vũ trang kết hợp tuyên truyền vận động', 'lấy nông thôn bao vây thành thị'...Trong cuộc chiến chống dịch đặc biệt là dịch Covid-19,  có thể coi '5k' là giải pháp chiến thuật, còn tiêm vaccine để  miễn dịch cộng đồng là giải pháp chiến lược. Như vậy xét theo tiêu chí chiến thuật, chiến lược chống giặc và chống dịch không có điểm chung. Tư duy về thời gian của chiến thuật, chiến lược theo các chuyên gia: không có thời điểm dừng, nghĩa là phải thích nghi với sự tồn tại lâu dài của virus Corona.

4.Kết luận:  Từ những điều trình bày trên, xin đề xuất:

Không dùng  khẩu hiệu 'chống dịch như chống giặc'. Có thể thay bằng khẩu hiệu: 'Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine hướng tới miễn dịch công đồng sớm nhất' 

- Vì mục tiêu chống dịch là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nên phải giải quyết các trở ngại nhằm bảo đảm lương thực, thực phẩm, cứu trợ cộng đồng vùng dịch. 

- Sử dụng hợp lý có hiệu quả các lực lượng tham gia chống dịch (không dùng quân đội để đi chợ hộ, thay sifpers; phát huy vai trò các tổ chức dân sự, các nhà từ thiện)

NTB


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét