Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

20211220. PHÍA SAU VIỆC VINFAST TRỞ THÀNH CÔNG TY SINGAPORE

ĐIỂM BÁO MẠNG

TRƯỚC THỀM IPO TẠI MỸ, VINGROUP CHUYỂN TOÀN BỘ CỔ PHẦN VINFAST SANG CÔNG TY CON TẠI SINGAPORE

ANH PHAN/VNF 5/12/2021



(VNF) - Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingoup vừa phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (51,52%) trong Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast Việt Nam) cho Công ty VinFast Trading and Investment Pte.Ltd. - một công ty con của Tập đoàn Vingroup có trụ sở chính tại Singapore (VinFast Singapore).
Trước thềm IPO tại Mỹ, Vingroup chuyển toàn bộ cổ phần VinFast sang công ty con tại Singapore
Trước thềm IPO tại Mỹ, Vingroup chuyển toàn bộ cổ phần VinFast sang công ty con tại Singapore.
Sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc, Tập đoàn Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast Việt Nam trực tiếp sở hữu 100% cổ phần của VinFast Singapore, qua đó gián tiếp sở hữu 99,9% VinFast Việt Nam. Tập đoàn Vingroup vẫn duy trì tỷ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam như hiện tại.

Việc tái cấu trúc này nằm trong quá trình chuẩn bị cho VinFast IPO tại Mỹ, là nền tảng quan trọng trong chiến lược trở thành thương hiệu toàn cầu của công ty.

Trước đó, ngày 16/11/2021, VinFast đã chính thức đưa vào hoạt động trụ sở chính của chi nhánh Mỹ, đặt tại khu vực Playa Vista - được mệnh danh là “Bãi biển Silicon” của thành phố Los Angeles, bang California với rất nhiều các công ty công nghệ hoạt động. Công ty cũng đã ra mắt thành công hai mẫu ô tô điện VF e35 và VF e36 tại triển lãm Los Angeles Auto Show 2021, nhận được sự quan tâm của hàng triệu người tiêu dùng toàn cầu.

Không chỉ dừng lại ở thị trường Mỹ, VinFast còn đưa vào hoạt động các chi nhánh tại Canada, Pháp, Đức, Hà Lan. Ngày 4/11/2021, công ty đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với tập đoàn điện lực của Pháp Électricité de France (EDF) nhằm thúc đẩy lắp đặt và vận hành mạng lưới trạm sạc công cộng và các dịch vụ liên quan tại Pháp.

Hiện VinFast đang làm việc với các nhà tư vấn là các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới để chuẩn bị cho kế hoạch IPO vào nửa sau năm 2022. Nếu niêm yết thành công, VinFast sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đưa cổ phiếu giao dịch tại sàn chứng khoán lớn nhất thế giới.

Theo đại diện Vingroup, việc này sẽ góp phần củng cố lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu và hỗ trợ công ty dễ dàng hơn khi tiếp thị và đưa các sản phẩm vào thị trường rộng lớn này.

Anh Phan

PHÍA SAU VIỆC VINFAST TRỞ THÀNH 

CÔNG TY SINGAPORE

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 8-12-2021


Vừa rồi VIN group và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (của riêng anh Vượng) đã bán CP sang công ty VinFast Singapore, một công ty con của VIN Group. Theo bà Thuỷ, Phó CT tập đoàn Vin group thì đây chỉ là động tác kỹ thuật để có thể IPO VinFast sang thị trường chứng khoán Mỹ. Bởi vì luật Mỹ và luật Việt Nam là chưa liên thông, nên một công ty Việt Nam thuần tuý khi IPO sang Mỹ sẽ gặp khó khăn pháp lý. Chuyện này là chính xác nhưng mục đích phía sau không chỉ có thế. Có những lý do mà bà Thuỷ không thể tiết lộ công khai với báo chí, dù bà đã giải đáp rất nhiều nghi ngờ của công luận như việc tránh thuế, hưởng ưu đãi do VinFast trở thành công ty có vốn FDI (do Singapore đầu tư vào Việt Nam)…

Thực tế cũng có nhiều đồn đoán của công luận đối với việc này mà mình cho là không chính xác. Theo mình, động thái của VIN và anh Vượng có nhiều cái lợi.

1. VinFast hiện đang lỗ nên VIN group và anh Vượng phải bù lỗ bằng lợi nhuận từ BĐS. Như vậy, anh Vượng có được một kênh chuyển tiền từ Việt Nam qua Sing một cách hợp pháp, chính tắc, chính là kênh đầu tư ra nước ngoài. Tức là lấy lợi nhuận từ Vinhomes bơm qua VinFast Singapore.

Đây là một kênh cất tiền an toàn hơn là để trong nước. Biết đâu bị đốt lò vớ vẩn lại mất sạch. Vì làm đầu tư BĐS thì kiểu gì cũng có vết nên lành nhất là đem tiền ra nước ngoài cất. Bài này nói ngắn gọn là tẩu tán tài sản.

2. Để IPO thuận lợi. Chuyện này chị Thuỷ đã nói nên không cần nhắc lại. Nhưng nếu chỉ để IPO cho tiện thì không nhất thiết phải bán hết CP VinFast Việt Nam sang VinFast Singapore như vậy.

3. Lợi nhuận của VinFast từ thị trường nước ngoài sẽ không phải vòng về VinFast Việt Nam nữa mà chạy sang Singapore rồi mới chia cổ tức cho nhà đầu tư là VIN và anh Vượng (công ty đầu tư của riêng anh). Nhưng nếu chưa chia thì tiền vẫn nằm ở Sing chứ không về Việt Nam làm gì cả. Tức là cất tiền an toàn hơn là đem hết trứng về một giỏ là Việt Nam.

Hơn nữa, lợi nhuận từ chính thị trường Việt Nam thông qua VinFast Việt Nam (sẽ đóng thuế cho Việt Nam bình thường) sẽ được chuyển qua công ty mẹ bên Sing. Cũng là giải pháp cất tiền đã nêu ở mục 1. Tuy nhiên, trong vài năm tới thì công ty này vẫn sẽ còn lỗ nên khoản tiền chuyển đi này cũng không đáng kể và thuế cũng không bao nhiêu do công ty lỗ.

Diện tích đất của nhà máy VinFast rất rộng, rộng gấp nhiều lần so với các nhà máy lắp ráp ô tô khác ở Việt Nam. Nên nếu cần bán bớt hay cho thuê lại thì cũng là một lợi thế. Số tiền này cũng được chạy qua Sing. Đất đai cũng là yếu tố làm tăng giá trị của VinFast ngoài cơ sở vật chất cho việc sản xuất ô tô. Có đất rộng là yên tâm bán VinFast đi cũng không lo lỗ.

4. Chị Thuỷ công bố là VIN chỉ bán ra tối đa 10% cổ phần của VinFast ở Mỹ. Nhưng chẳng ai bắt chị phải làm đúng như công bố. Nếu được giá, biết đâu VIN bán nhiều hơn thậm chí bán tất cả CP của VinFast cho đối tác nước ngoài. Tất nhiên, như đã phân tích ở mục 3 thì số tiền bán được vẫn đọng ở Sing chứ không về Việt Nam làm gì (tức là chưa chia cổ tức). Bán một công ty Sing cho đối tác nước ngoài tất nhiên là dễ hơn là bán một công ty Việt Nam.

Nhưng như phân tích ở mục 1 thì VIN sẽ không dại gì bán hết CP VinFast Singapore để thu tiền về Việt Nam. Bởi vì nếu làm thế thì lại mất luôn kênh chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài.

Tức là Vinhomes còn thì VinFast Singapore còn, để hút lợi nhuận sang đó cho an toàn.

4. Thuế thu nhập DN ở Sing có thấp hơn ở Việt Nam. Nên công ty đóng thuế ở Sing sẽ có lợi hơn ở Việt Nam. Trước mắt thì vấn đề thuế này chưa ảnh hưởng lắm vì công ty đang lỗ. Nhưng về lâu dài nếu có lãi thì cũng là vấn để.

Như vậy Việt Nam chỉ thu thuế được từ VinFast Việt Nam (thị trường Việt Nam) và từ cổ tức của VIN chuyển từ Sing về bởi VinFast Singapore (khoản này dự là sẽ không đáng kể).

Động thái này của VIN sẽ dẫn đến điều gì?

Các doanh nghiệp khác cũng sẽ tìm cách chơi bài y chang để chuyển tiền ra nước ngoài. Các DN lớn của Việt Nam nói chung đều khó tránh khỏi vết nọ vết kia, đều là củi tiềm năng nên sẽ có nhiều DN bắt chước. Vì thế việc đốt lò sẽ không thu được nhiều tiền như số tiền thu được từ Phan Sào Nam chẳng hạn.

Về thực tế, VF hiện đã trở thành một công ty Singapore, chủ là người Việt Nam. Nhưng việc bán chác chỉ trong phút mốt. Có thể biết đâu sang năm chủ Việt Nam chỉ còn chiếm dưới 50% CP.

VinFast Sing chính là hậu phương cho anh Vượng. Nếu Vinhomes có vấn đề, thậm chí toang như Evergrand bên Tàu, thì lương khô anh vẫn có ở Sing, không sợ trắng tay. Về lâu về dài thì BĐS không thể bền vững mãi được, vì phải dựa vào thân hữu. Mà thân hữu thì rủi ro vào lò là có. Cư sĩ Nhật Vũ đang chăn kiến chính là lời đe doạ từ đảng ta.

Tóm lại thì việc VinFast biến thành Doanh nghiệp FDI có hai mục đích chính. Việc IPO thuận lợi là mục tiêu bề nổi. Việc chuyển tiền ra nước ngoài mới là mục tiêu quan trọng.

Tất nhiên phân tích trên của mình chỉ là chém gió, dự đoán, trúng thì trúng chả trúng thì trượt! Chả biết sau đây anh em bò đỏ có còn tự hào ngạo nghễ về một thương hiệu ô tô Việt Nam nữa hay không?!

Dương Quốc Chính

VINFAST: CHIẾN LƯỢC LIỀU LĨNH

LÊ MINH NGUYÊN/ TD 29-12-2021
Ted Turner, người sáng lập CNN, từng nói “business is a war” (thương trường là chiến trận), nhưng là chiến tranh không đổ máu mà thị trường là nơi giành dân chiếm đất.
Thường những công ty mới ra trận muốn chiếm được thị phần thì phải chấp nhận “lost leaders” tức những sản phẩm đi đầu phải bán dưới giá thành để có được lãnh thổ, tức thị phần.
Để tồn tại, chiến lược mà những công ty mới ra trận thường sử dụng là đánh từ trong góc đánh ra. Những công ty chưa có vốn lớn, không có ngân sách tiếp thị dồi dào thì phải tìm những “niche markets” tức những túi thị trường nhỏ đặc thù hay ở địa phương và từ đó mà đánh ra trung tâm của chiến trận.
Honda để đi tới làm xe hơi, họ phải đi từ những cái máy nhỏ như máy bơm nước, máy cắt cỏ, máy cào tuyết… dựa vào “core competency” hay sở trường chế máy của mình để phát triển từ gốc ra, thành những cành nhánh lớn và cao như xe hơi, máy bay…
Samsung muốn làm chips điện tử thì đã làm sản phẩm điện tử khá lâu, rồi bước vào lãnh vực làm chips bằng việc mua bản quyền những con chips vừa lỗi thời mà những công ty Nhật, Mỹ đã không muốn làm nữa. Có được công nghệ, dù đi sau trong thập niên 1990s nhưng Samsung đã vọt lên phía trước.
Hôm 27/12, Vingroup cho biết, ông Michael Lohscheller, người Đức, sau 5 tháng làm giám đốc toàn cầu của VinFast được thay thế bằng bà Lê Thị Thu Thuỷ, hiện là phó chủ tịch tập đoàn Vingroup.
Quyết định ‘thay ngựa giữa dòng’ này được xem là bất ngờ. Ông Lohscheller là người giới thiệu các mẫu xe điện đầu tiên của VinFast, VF e35 và VF e36, tại cuộc triển lãm xe hàng năm lớn của Mỹ “Los Angeles Auto Show” hôm 17/11/21.
Tờ báo Đức Frantfurter Allgemeine Zeitung cho rằng, ông Lohscheller ban đầu bị cuốn hút bởi “những cơ hội phát triển” của VinFast, nhưng sau đó “có thể nó không lớn hoặc còn xa vời hơn bạn tưởng tượng”. Báo này cho rằng “Kế hoạch đầy tham vọng tấn công Tesla, trong số những kế hoạch khác (của VinFast), vẫn còn sơ khai”, “VinFast cho đến lúc này mới chỉ chủ yếu hoạt động ở thị trường nội địa và vẫn đang thử vận may với dòng xe SUV mới, mà tất nhiên là khó có thể nổi bật về hình thức và công nghệ”.
GS Khương Hữu Lộc nhận định, Vinfast đang có ‘cửa sổ cơ hội vàng’ khi thâm nhập thị trường Mỹ, nhưng lợi thế cạnh tranh có thể nhanh chóng mất đi. GS Lộc chỉ ra thách thức lớn nhất đối với Vinfast là ‘nhận diện thương hiệu’ vì Vinfast là một hãng xe mới toanh đến từ một đất nước không có danh tiếng gì về công nghệ trên trường quốc tế như VN. Ngoài ra, hệ thống đại lý hậu mãi, sửa chữa, phụ tùng thay thế cũng sẽ là một thách thức lớn cho một hãng xe mới như Vinfast.
Trong khi đó Vinfast đã từng đe doạ đưa người tiêu thụ ở VN ra tòa khi họ phàn nàn về phẩm chất của xe Vinfast, và Vinfast cho biết họ cũng sẽ làm như vậy cho người tiêu thụ ở Mỹ. GS Lộc cho rằng “Cách làm như vậy chắc chắn sẽ thất bại ở Mỹ”.
Theo GS Lộc, việc Vinfast dùng người Việt ở Mỹ làm cánh cửa để bước vào thị trường Mỹ là ‘con dao hai lưỡi’ vì “Đa số người Mỹ gốc Việt có đầu óc chống Cộng sẽ chống đối xe Vinfast đến cùng”, đó là chưa nói việc “Mua một chiếc Vinfast cũng không giúp tăng thể diện cho họ mà đối với người Việt việc nở mặt nở mày là rất quan trọng”.
GS Lộc nhận xét rằng hầu hết công nghệ của Vinfast đều phải mua lại của nước ngoài, như động cơ của Đức, thiết kế của Ý…, điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất cũng như giá thành của xe Vinfast và “Đây là rủi ro lớn về giá đối với Vinfast”. Trong khi đó thì giá cả quyết định bởi thị trường chứ không phải bởi giá thành.
GS Lộc cho biết, Vinfast còn phải đối mặt với việc bị các cơ quan chức năng Mỹ kiểm định chất lượng rất khắt khe khi được lái trên các cung đường Mỹ.
Không như xe chạy xăng mà động cơ là bộ phận phức tạp nhất, xe điện về phần cứng thì đơn sơ hơn nhiều. Chính yếu của xe điện là bình điện và phần mềm thông minh, mà cả hai thứ này thì VN chưa là cao thủ của thế giới.
Với tình trạng khan hiếm chip hiện nay theo GS Lộc dự đoán, Vinfast ‘sẽ gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2022’.
Chuyên gia người Đức gốc Việt, TS Trương Quý Hoàng Phương, người kiến trúc các dòng xe điện thế hệ mới của BMW, sau khi phân tích các hình ảnh và video được các kênh truyền thông đăng tải đã chỉ ra rằng, mẫu xe e36 triển lãm ở Los Angeles “chỉ là xe thạch cao”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hương Giang, Phó Tổng giám đốc VinFast Mỹ khẳng định, “chúng tôi sẽ giao xe VF e35 và VF e36 cho khách hàng ở Mỹ vào cuối năm 2022”.
Bây giờ sắp bước qua năm 2022, với tình trạng thiếu chips và chuyển vận bị trì trệ vì Covid, chưa nói tới vấn đề phải thử tới thử lui, thì liệu Vinfast có giữ được lời hứa hày không?
Cũng giống như cộng sản Trung Quốc, trong chế độ cộng sản Việt Nam, các lãnh đạo cao cấp đều xây dựng sự giàu có của họ qua các hoàng tử đỏ.
Phạm Nhật Vượng là cháu của ông Phạm Văn Trà, cựu bộ trưởng quốc phòng CSVN. Tiền của Vingroup là máu mủ của dân, qua việc tịch thu đất, đền bù với giá rẻ mạt và bán lại với giá đất vàng. Vingroup làm nên sự nghiệp qua việc buôn bán vũ khí cho CSVN, tịch thu đất, và lạm dụng ngân sách nhà nước, tức tiền thuế dân để hỗ trợ cho những doanh nghiệp của các hoàng tử đỏ với mỹ từ phát triển đất nước.
Khi tiền không phải do mồ hôi nước mắt của mình làm ra thì việc phung phí và liều lĩnh là điều đương nhiên.
Các công ty hoàng tử đỏ nhờ những quan hệ ở bộ chính trị và trung ương đảng nên dễ lấy ngân sách nhà nước, như bên TQ, ông Tăng Khánh Hồng giúp người cháu là Tăng Bảo Bảo thành lập công ty bất động sản Fantasia Holdings mà hiện nay phe phái đánh nhau giữa Tập cận Bình và Tăng Khánh Hồng đã đưa tới tình trạng công ty Fantasia Holdings bị vỡ nợ.
Cho nên nếu Vingroup còn giữ được gốc lớn ở trong bộ chính trị thì còn ăn nên làm ra bằng tiền thuế dân. Nhưng nếu một ngày nào đó phe phái đánh nhau trong đảng và phe chống lưng ông Vượng thua thì Vingroup sẽ vỡ nợ. Vì vậy, đó không phải là cách đầu tư lành mạnh trong một xã hội bình thường.
Mang gươm đi đấu xứ người là điều mà người dân VN, kể cả người viết đều hãnh diện. Nhưng muốn chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với những đại cao thủ trên thế giới thì không nên nhảy vào giữa sân để đánh vì bốn phương tám hướng đều có đối thủ. Trung Quốc và Ấn Độ đã thất bại khi đánh cách này ở Mỹ.
Ngày 11/4/2014, ông Nguyễn Sinh Hùng nói ở Quốc Hội CSVN “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”. Bây giờ tiền Vingroup đầu tư là máu mủ của dân, Vingroup đầu tư sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét