Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

20211229. TẮC XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG TRUNG QUỐC

 ĐIỂM BÁO MẠNG

HAI CON SỐ 'GIẬT MÌNH', THẢM CẢNH TẮC

 HÀNG SANG TRUNG QUỐC CÒN LÂU MỚI HẾT

HÀ DUY/ VNN 28-12-2021

Với cách làm hiện nay, ùn tắc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc mỗi mùa thu hoạch rộ hay khi Trung Quốc có chính sách bất thường khó chấm dứt.

Hai con số ‘giật mình’ 

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Thực tế, trên các tuyến biên giới phía Bắc hiện nay, Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ các cửa khẩu phụ, lối mở. Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, các lối mở, cửa khẩu phụ tại một số giai đoạn phải đóng lại để đảm bảo phòng chống dịch. Do đó, hàng hóa tăng mạnh qua các cửa khẩu lớn như Hữu Nghị, Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh).

Hàng hóa dồn về các cửa khẩu chính là một trong những lý do khiến ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng. Trong khi đó, hàng sang Trung Quốc lại chủ yếu đi theo các con đường rất rủi ro: Tiểu ngạch.

Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn tiết lộ hai con số đáng chú ý về xuất khẩu chính ngạch.

Hai con số giật mình: Thảm cảnh tắc hàng sang Trung Quốc còn lâu mới hết

Cảnh sống tạm bợ của lái xe khi ùn tắc hàng hóa sang Trung Quốc. Ảnh: Kiên Trung

Ông Vy Công Tường cho biết: Bộ NN-PTNT Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc nhập khẩu 9 loại nông sản gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Hiện 9 mặt hàng đưa sang Trung Quốc áp dụng kiểm dịch 100%, dẫn đến thời gian thông quan lâu hơn. Lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn hy vọng khi có Nghị định thư về chấp nhận kiểm dịch lẫn nhau thì việc thông quan sẽ rất thuận lợi. Đồng thời, Bộ NN-PTNT đang tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để đưa thêm một số mặt hàng nông sản khác nhập chính ngạch vào Trung Quốc.

Một số liệu khác được lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn cung cấp cho thấy tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch qua địa bàn Lạng Sơn rất thấp. Đối với hải quan Lạng Sơn, kim ngạch xuất khẩu chính ngạch chỉ chiếm 3% nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

Lý do là việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc có truyền thống từ lâu. Chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc áp dụng miễn thuế nhập khẩu đối với cư dân biên giới khi nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, mỗi người là 8.000 NDT/ngày (khoảng 28,7 triệu đồng), nên các DN phía Việt Nam và Trung Quốc không mặn mà thực hiện nhập khẩu chính ngạch. Thay vào đó họ nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, sang phía Trung Quốc sẽ gom các lô hàng nhỏ thành lô hàng lớn để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Như vậy, khi việc nhập khẩu tiểu ngạch vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, thì tình trạng ùn tắc hàng hóa mỗi mùa thu hoạch hay khi Trung Quốc có chính sách bất thường sẽ lại xảy ra.


Hai con số giật mình: Thảm cảnh tắc hàng sang Trung Quốc còn lâu mới hết

Tình trạng này còn kéo dài nếu không thay đổi. Ảnh: Kiên Trung


Tắc còn dài nếu không thay đổi

Việc chỉ có 9 mặt hàng nông sản được Trung Quốc đồng ý xuất khẩu chính ngạch cũng vẫn sẽ tiếp tục kích thích tâm lý duy trì xuất khẩu tiểu ngạch như đã đề cập ở trên. Điều này ẩn chứa nhiều rủi ro như đã và đang xảy ra ở các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Tổng cục Hải quan cũng đã cảnh báo nông sản xuất sang Trung Quốc vẫn không tuân theo các chuẩn mực thương mại quốc tế nên thiệt hại nhiều năm qua vẫn nghiêng về phía người xuất khẩu Việt Nam.

Mở rộng mặt hàng thuộc diện xuất khẩu chính ngạch là điều Bộ NN-PTNT, các bộ ngành cùng doanh nghiệp nên tích cực chung tay để ‘thông hàng’ sang Trung Quốc vì đây vẫn là thị trường rộng lớn cần tận dụng.

Mặt khác, khâu bảo quản, chế biến nông sản sau tiêu thụ vẫn cần phải được khuyến khích bằng các cơ chế chính sách cụ thể hơn nữa. Một trong những lý do khác khiến các doanh nghiệp hầu như chỉ tập trung xuất khẩu nông sản tươi, chưa qua chế biến sang Trung Quốc bởi đây là thị trường gần nhất, sau khi thu hoạch có thể chở thẳng lên cửa khẩu để bán sang bên kia biên giới. Việc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sâu nông sản không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa, mà còn đáp ứng được các quy định đang dần khắt khe hơn của thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, đây cũng là cơ sở để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sau chế biến sang các thị trường Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do như EU, CPTPP,... Bởi để xuất được nông sản tươi sang các thị trường như EU, hay Mỹ, quãng thời gian vận chuyển là cả một vấn đề nan giải, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng hàng hóa. Nhưng đa dạng hóa thị trường cho nông sản Việt Nam là điều không thể không làm.

Nông sản Việt xuất sang các ‘nước giàu’ như các nước thuộc EU không chỉ cạnh tranh với Thái Lan, Trung Quốc mà cả các nước Trung Mỹ, Nam Mỹ. Nhờ chế biến tốt, nên nông sản của họ xuất khẩu nhiều sang châu Âu. Việc vận chuyển bằng đường biển giúp sản phẩm từ châu Mỹ qua EU chỉ mất 8 ngày, giúp sản phẩm có chất lượng tốt. Trong khi, một số loại nông sản của Việt Nam vẫn phải đi bằng đường hàng không, giá cả đắt nên người tiêu dùng không thể bỏ tiền mua trái cây hàng ngày.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong số 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mới có 3 mặt hàng là thủy sản, rau quả, hạt điều (gạo ở vị trí thứ 16). Đối với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, các con số này là rất khiêm tốn.


Hai con số giật mình: Thảm cảnh tắc hàng sang Trung Quốc còn lâu mới hết
Các sản phẩm xuất khẩu còn chưa đa dạng

Như vậy, để không còn cảnh ‘tắc hàng’ sang Trung Quốc trầm trọng như đang xảy ra, những giải pháp đơn lẻ mang tính tình thế sẽ không giải quyết được triệt để. Nỗ lực của từng bộ ngành hay doanh nghiệp đơn lẻ không thay đổi được 'căn bệnh trầm kha' này. Sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp, người nông dân mới có thể thay đổi được tình cảnh thường xuyên lặp lại này.

Hà Duy


KHI NÀO QUAN HỆ TRUNG-VIỆT SẼ  ĐI VÀO 

'RỐN' BÃO ? 

TRẦN ĐÔNG A/VOA/TD 28-12-2021



Hoạ hay phúc trong bang giao với Trung Hoa “vĩ đại” phải đâu chỉ xuất hiện trong một tháng hay một năm nay. Tính đến ngày 21/12/2021, đã có đến hơn 6 ngàn 300 xe hàng hóa, nông sản, chủ yếu là hoa quả của Việt Nam ùn tắc tại các cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc. Hàng đoàn xe đã phải quay lại bán “giải cứu” trong nội địa… Còn nhớ, ngày Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn thăm đáp lễ người đồng cấp Vương Nghị hồi đầu tháng (2/12), giới phân tích đã sớm “hồi hộp” lo âu: Bang giao Trung – Việt dường như đang vào hồi im lặng trước cơn bão?
Hoạ phúc phải đâu một buổi
Lúc bấy giờ những lời đoán già đoán non đã được đưa ra, Trung Quốc sẽ làm gì để “dằn mặt” Việt Nam, khi mà năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, vẫn biệt tăm một chuyến “triều cống” sang Bắc Kinh của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội. Trong cả năm 2021 này, ngoại giao cấp cao Việt Nam có sự phát triển vượt bậc về cả cường độ, chiều rộng lẫn chiều sâu. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có các chuyến công du nước ngoài không chỉ liên quan đến các diễn đàn đa phương mà còn với tất cả các đối tác và bạn bè truyền thống, từ Nga, Cuba, Lào và Campuchia, đến khối phương Tây như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc và các nước lớn khác như Ấn Độ…
Trong khi đó, quan hệ “16 chữ vàng” và “bốn tốt” hiện đang phải đối mặt với những thách thức còn lớn hơn việc tắc nghẽn 6 ngàn 300 xe chở hoa quả tươi sắp phải bán tống bán tháo trong nội địa để vớt vát chút tiền xăng dầu trở về Nam. Nếu có một chuyến thăm cấp cao Việt – Trung sau Đại hội 13 của ĐCSVN và trước Đại hội 20 của ĐCSTQ thì thượng đỉnh lần này phải giải quyết ít nhất một vấn đề then chốt mới trong bang giao song phương. Trước hết và quan trọng nhất, Việt Nam phải cam kết có hưởng ứng “chủ trương lớn” của Trung Quốc rằng, “hai đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam cần xây dựng nhận thức chung về tư tưởng, củng cố sự tin cậy lẫn nhau về chiến lược… đặc biệt là phải xử lý ổn thoả các vấn đề trên biển, nâng cấp quan hệ ‘đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’ thành quan hệ ‘cộng đồng chung vận mệnh” Trung – Việt”? (TLTKĐB ngày 9/12/2021, số 3245 TTXVN).
Chưa rõ, bài viết có tựa đề “Xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Việt – Trung” trên trang mạng của Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Marx, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc chỉ là sự tái khẳng định một khuyến nghị chính sách hay đó là một tối hậu thư cho triển vọng quan hệ hai đảng, hai nước. Chỉ biết những kiến giải trong bài viết “tràng giang đại hải” ấy khiến những ai quan tâm tới những biến động phức tạp trong quan hệ song phương Việt – Trung không khỏi băn khoăn. Tân Hoa Xã hôm 24/05/2021 đã dẫn tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, cho biết Trung Quốc sẵn sàng có những nỗ lực tích cực với Việt Nam, để xây dựng hai nước thành một “cộng đồng cùng chung vận mệnh” mang ý nghĩa chiến lược.
Đề nghị nói trên của ông Tập có vẻ chưa được phía Việt Nam đáp ứng ngay. Cũng theo Tân Hoa Xã, được ông Tập gởi lời thăm hỏi, Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chúc mừng đảng Cộng Sản Trung Quốc 100 tuổi với các thành tựu xóa đói giảm nghèo. Đồng thời khẳng định Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lãnh vực. Nghĩa là cả ông Trọng lẫn ông Phúc đều không tỏ dấu hiệu gì hưởng ứng đề nghị của ông Tập. Cho dù sau đó, ông Tập còn lưu ý cần phải có định hướng đúng đắn cho quan hệ Việt – Trung. Ông cũng hoan nghênh việc ban lãnh đạo mới của Việt Nam tiếp tục dành ưu tiên hàng đầu cho quan hệ với Trung Quốc.
Bị động hay chưa có chính sách
Ngay khi có thông tin Trung Quốc tạm đóng các cửa khẩu, không chỉ hàng ngàn xe nông sản bị “giam”, mà ngay tại các địa phương, các mặt hàng trái cây tươi, nông sản xuất khẩu lập tức rớt giá không phanh. Cả doanh nghiệp, thương lái và nông dân đều thiếu sự chủ động trong việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Vì ngoài chính sách “nói không với dịch Covid-19”, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe với hàng loạt quy định mới về các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước. Trong đó, nội dung quan trọng là Trung Quốc sẽ không khuyến khích nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nữa. Rủi ro xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, sự cần thiết phải chuyển đổi sang đường chính ngạch đã được đặt ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thực sự được cả thương lái, doanh nghiệp quan tâm và chủ động trong việc chuyển hướng.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tại Hà Nội cho biết ước tính ban đầu cho thấy việc Trung Quốc kiểm soát biên giới trong vài tuần qua đã khiến thương mại Việt Nam thiệt hại khoảng 174 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu nông sản và thủy sản sang Trung Quốc trị giá 8,1 tỷ USD vào năm 2020, với nhập khẩu theo chiều ngược lại – chủ yếu là máy móc và sản phẩm điện tử – trị giá 43,3 tỷ USD. Hà Hoàng Hợp, một thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore cho biết: "Hà Nội phải yêu cầu các bên liên quan và các nhà xuất khẩu làm việc về dịch vụ hậu cần thay thế, vì hiện tại nhiều xe tải bị mắc kẹt đang chở hàng đến Thái Lan qua tuyến Trung Quốc, để tăng tốc xuất khẩu nhằm cứu chuỗi cung ứng của mình".
Ông Hồ Tỏa Cẩm, tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam, trong cuộc họp báo ngày 20/12 tại Hà Nội, nói rằng, ông không thể báo trước dịp nghỉ Tết tới các cảng Trung Quốc sẽ nghỉ 15 hay 60 ngày. Trong khi đó, đài báo Trung Quốc không nói gì nhiều về chuyện hàng Việt Nam bị ách tắc bên phía Việt Nam. Nhưng truyền thông Trung Quốc lại đưa tin vui về việc thông tuyến tàu liên vận mới. Tân Hoa Xã cho biết, ngày 9/12, chuyến tàu liên vận đường bộ và đường sắt Trung – Việt lần đầu tiên xuất phát từ thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc chở 1200 tấn sản phẩm hóa chất của Công ty hoá chất xuất sang Việt Nam, bằng đường sắt Quảng Tây, sau đó chuyển đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị vào Việt Nam.
Củ cà rốt và cái gậy của Bắc Kinh
Trung Quốc không chỉ “chơi khó” với một mình Việt Nam. “Các chính sách kinh tế cưỡng chế” của Trung Quốc đã trở thành nội dung trung tâm tại cuộc họp ngoại trưởng G-7 vào cuối tuần trước, sau một thời gian đầy biến cố chứng kiến Nicaragua cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để ủng hộ Bắc Kinh và Trung Quốc tăng cường trả đũa Lithuania, sau khi Quốc gia vùng Baltic đã cho phép mở Văn phòng đại diện Đài Loan tại Vilnius vào tháng trước. Evan Ellis, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ, cho rằng việc Nicaragua chuyển từ Đài Loan sang Trung Quốc là do hiệu quả của chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh. Điều này tăng thêm tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Mỹ Latinh, trong khi nhu cầu tài chính của các chính phủ Trung Mỹ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, vì các nước Trung Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tác động từ đại dịch Covid-19.
GS. Ellis nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters: “Trung Quốc, khi theo đuổi các lợi ích kinh tế chiến lược của mình, đang duy trì quyền lực của những người theo chủ nghĩa dân túy độc tài, dẫn đến một khu vực kém dân chủ hơn bao giờ hết. Nhưng củ cà rốt mà Bắc Kinh đưa ra cho các đối tác quốc tế sẽ chỉ là một khía cạnh trong chính sách đối ngoại của họ. Và các nước phương Tây ngày càng quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là cách Trung Quốc vũ khí hóa thương mại và các công cụ thương mại khác để đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình. “Chúng tôi đã nói rõ tại cuộc họp cuối tuần này rằng chúng tôi lo ngại về các chính sách ‘kinh tế cưỡng bức’ của Trung Quốc,” Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói với báo chí tại Liverpool, sau cuộc họp của các ngoại trưởng G-7.


HƠN 5.000 XE HÀNG TẮC Ở CỬA KHẨU, BỘ

 CÔNG THƯƠNG KHUYẾN CÁO KHẨN


L. BẰNG, PHẠM CÔNG/ VNN 14-12-2021

Phía Trung Quốc thắt chặt việc quản lý, kiểm soát dịch Covid-19 khiến hàng nghìn xe container chở nông sản ùn ứ tại cửa khẩu ở Lạng Sơn và Quảng Ninh. Bộ Công Thương khuyến cáo khẩn với các doanh nghiệp.

Hiện tại cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma (Lạng Sơn) còn tồn hơn 4.000 xe hàng hóa. Mặc dù cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm đã nhiều ngày nay không diễn ra hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng lượng xe từ các tỉnh, thành vẫn tiếp tục đổ dồn về Lạng Sơn.

Hàng trăm xe container xuất khẩu vẫn nối đuôi nhau dọc tuyến quốc lộ 1A hướng lên cửa khẩu Hữu Nghị vào tối 13/12. Các bãi trung chuyển hàng hóa ở huyện Cao Lộc, bãi xe Bảo Nguyên và Xuân Cương hay khu phi thuế quan cửa khẩu Tân Thanh đều trong tình trạng không còn chỗ đỗ cho xe hàng.

Tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh đang tồn hơn 2.400 xe hàng, chủ yếu là nông sản từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Đắk Lắk, Tiền Giang và Bình Định.

Hiện tại mỗi ngày ở cửa khẩu Tân Thanh chỉ làm thủ tục xuất khẩu được cho hơn 100 xe container, giảm một nửa so với trước đó.


Hơn 5.000 xe hàng tắc ở cửa khẩu, Bộ ra khuyến cáo khẩn

Hơn 4.000 xe container vẫn đang ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn

UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo lực lượng CSGT có phương án điều tiết, phân luồng xe tại quốc lộ 1A. Chỉ đạo các lực lượng chức năng như Biên phòng, Hải quan, kiểm dịch y tế tăng cường lực lượng, tạo mọi điều kiện trong công tác hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu.

Với tình hình thông quan như hiện nay, hơn 4.300 xe hàng đang ùn ứ phải mất 10-12 ngày nữa mới có thể giải tỏa, trong khi phần lớn là nông sản tươi khó bảo quản.

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng thông báo tới UBND các tỉnh, TP trong cả nước tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp không tiếp tục ồ ạt di chuyển xe và hàng hóa đến cửa khẩu để giảm ùn tắc, tránh gây áp lực đến hạ tầng cơ sở tại các cửa khẩu.

Chính quyền tỉnh Lạng Sơn cũng tiếp tục triển khai hội đàm với lực lượng chức năng của Trung Quốc để bàn giải pháp đẩy mạnh thông quan hàng hóa trong thời gian tới, đồng thời, kiến nghị tới các Bộ, Ban ngành cùng vào cuộc để tháo gỡ tình trạng này.

Cùng tình trạng trên như với số lượng ít hơn, phía Quảng Ninh đang ùn ứ hơn 1.000 xe container chở hàng chờ xuất khẩu.

Đại diện Chi cục Hải quan TP. Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, trong số hơn 1.000 xe container này phần lớn là hàng nông sản gồm: hơn 300 container hoa quả của Việt Nam, khoảng 100 container hoa quả Thái Lan và trên 700 container hàng thủy sản hàng cấp đông.

Số lượng container tồn đọng lớn, trong khi xe hàng từ các tỉnh thành phía Nam và một số từ các địa phương lân cận như Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai tiếp tục đổ về TP. Móng Cái khiến tình trạng ùn tắc càng kéo dài. Trong khi đó, năng lực tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ đáp ứng được khoảng 400 container/ngày.

Để xảy ra hiện tượng này nguyên nhân là do lực lượng kiểm soát hải quan về công tác phòng chống dịch của phía Trung Quốc hiện nay rất mỏng, không đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa.

Trước tình trạng đó, Bộ Công Thương vừa có văn bản khuyến cáo khẩn đối với các DN xuất khẩu hàng nông sản qua các cửa khẩu.


Hơn 5.000 xe hàng tắc ở cửa khẩu, Bộ ra khuyến cáo khẩn

Hàng dài xe container chở nông sản nối đuôi nhau trên quốc lộ 1A

Cụ thể, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do nhu cầu hàng hóa những tháng cuối năm và dịp lễ, Tết tại thị trường Trung Quốc tăng cao; phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu hàng nông sản ở địa phương khác nên lượng hàng hóa tập trung về các cửa khẩu Lạng Sơn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Lạng Sơn được khôi phục cũng tăng lượng hàng hóa đưa lên cửa khẩu, dẫn đến tình trạng ùn ứ.

Hiện lượng phương tiện xuất nhập khẩu thông quan qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn khoảng 825 xe/ngày. Trong đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị trung bình khoảng 450 xe/ngày (xuất khẩu 120 xe/ngày, nhập khẩu 330 xe/ngày); tại cửa khẩu Tân Thanh khoảng 300 xe/ngày (xuất khẩu 200 xe/ngày, nhập khẩu 100 xe/ngày); tại cửa khẩu Chi Ma khoảng 75 xe/ngày (xuất khẩu 40 xe/ngày, nhập khẩu 35 xe/ngày).

Tổng lượng xe tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tính đến sáng 13/12 là 4.304 xe (trong đó: cửa khẩu Hữu Nghị: 1.083 xe, cửa khẩu Chi Ma 747 xe, cửa khẩu Tân Thanh: 2474 xe).

Do đó, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương khuyến cáo các DN thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới. Đồng thời chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch.

"Đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ 1/1/2022; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,... cũng như các yêu cầu khác liên quan", Cục Xuất nhập khẩu nêu.

Thời gian tới, dịch Covid-19 được dự báo diễn biến tiếp tục phức tạp, khó lường; một số mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; vào dịp Lễ tết (Tết Nguyên đán) của ta và Trung Quốc là thời điểm cao điểm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, lưu lượng hàng hóa và phương tiện lên cửa khẩu sẽ tiếp tục còn tăng cao, áp lực đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là rất lớn.

L.Bằng - Phạm Công


NÔNG SẢN VIỆT KHÓ THOÁT PHỤ THUỘC VÀO

 TRUNG QUỐC ?


TUỆ MINH/ BVN 25-12-2021


Lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc đang xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài nhưng biện pháp duy nhất hiện nay chỉ là chờ phía bạn hàng Trung Quốc.

Lưu lượng xe chở hàng hoá dồn về phía các cửa khẩu phía Bắc ngày càng đông gây ra tình trạng ùn ứ kéo dài


Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan cho biết, tính đến sáng 21/12, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực của khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn) là 4.461 xe.

Các khu vực bến bãi tại các cửa khẩu đã quá tải, khó bố trí, sắp xếp được thêm (gồm cả các khu vực tạm sử dụng), ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, chất lượng hàng hóa, tăng thời gian xuất khẩu cũng như tăng chi phí, khó khăn cho công tác kiểm soát phòng, chống dịch và bố trí, sắp xếp các phương tiện vận chuyển, ông Tuấn cho biết.

Hàng hoá xuất khẩu chủ yếu là nông sản do Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Điều này dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20- 25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường.

Hiện tượng ùn tắc còn có nguyên nhân liên quan thông tin chính quyền thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) có thông báo sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan cho người, hàng hóa qua cửa khẩu này (gồm cả khu mậu dịch cặp chợ biên giới) từ 0h ngày 21/12/2021, thời gian thông quan cụ thể sẽ có thông báo sau.

Về phía Việt Nam, nông sản của các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, sản lượng hàng hóa tăng và nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc vào những tháng cuối năm tăng cao.

Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan

Trong khi đó, thông tin về tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các khu vực biên giới đến các doanh nghiệp xuất khẩu, thương lái không được đầy đủ, chi tiết dẫn đến hàng hóa vẫn tiếp tục được đưa lên cửa khẩu với số lượng lớn, không được điều tiết theo diễn biến tình hình thực tế.

“Cách thức mua bán hàng hóa nông sản vẫn không tuân theo các chuẩn mực thương mại quốc tế (hợp đồng thương mại quốc tế, các điều khoản quy định cụ thể về phương thức giao nhận hàng hóa, thanh toán tiền hàng cũng như các điều khoản quy định trong trường hợp rủi ro…) nên thiệt hại nhiều năm qua vẫn nghiêng về phía người xuất khẩu Việt Nam”, ông Tuấn nhận định.

Nói cụ thể hơn về tình hình tại các cửa khẩu Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, hiện duy nhất có cửa khẩu Hữu Nghị còn thông quan. Theo số liệu của ban quản lý cửa khẩu, tính đến ngày 19/12 chỉ thông quan 95 xe, rất chậm so với trước đây.

Riêng tại cửa khẩu Tân Thanh đang ùn ứ hơn 2.000 xe, số hàng hoá này sẽ tiếp tục phải "nằm chờ" vì Tân Thanh hiện nay đang đóng biên.

Khi được hỏi bao giờ sẽ giải quyết hết hàng hoá ùn ứ, ông Thiệu cho biết, điều này phụ thuộc vào phía Trung Quốc.

"Nếu phía bạn đồng ý cho thông quan cả ở cửa khẩu Tân Thanh và Chi Ma thì một ngày có thể thông quan hơn 500 xe, hàng hoá ùn ứ sẽ được giải quyết", ông Thiệu nói.

Lâu nay dù đã ghi được dấu ấn tốt với các thị trường Âu, Mỹ nhưng với ưu thế về địa lý nên vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc thuận lợi hơn các nước.

Theo nhận định của giới chuyên gia, trong 10 đến 15 năm tới Trung Quốc vẫn là thị trường lớn rất tiềm năng của nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, dù đã có thâm niên 30 năm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nhưng đến nay các hàng hóa Việt Nam vẫn trong tình trạng bị động và phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối ở Trung Quốc.

Không phải đến bây giờ mà nhiều năm trước, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đều gặp những khó khăn nhất định dẫn đến việc ùn ứ, tắc nghẽn, đặc biệt là vào mùa thu hoạch chính vụ của nhiều loại nông sản. Cùng với đó là những quy định của phía Trung Quốc thường xuyên thay đổi trong những thời điểm nhất định gây nhiều cản trở cho việc thông quan.

Do vậy, để gỡ khó cho những khó khăn này, nhất là khi việc kiểm soát ngày càng chặt chẽ do ảnh hưởng của dịch bệnh và những yêu cầu khắt khe hơn của phía Trung Quốc, việc ký hết các hợp đồng thương mại, chuyển sang xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch là giải pháp cần thiết và cần được tăng cường thực hiện để giảm thiểu rủi ro cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường này.

T.M.

Nguồn: TheLEADER


HÃY CHẤM DỨT VĨNH VIỄN TÌNH TRẠNG ÙN

 TẮC HÀNG NÔNG SẢN XUẤT KHẨU TẠI BIÊN

 GIỚI PHÍA BẮC


NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 21-12-2021



1. Nhiều người chỉ thích đặt chỉ tiêu cho tương lai xa 25 -30 năm sau mà không chịu cam kết cho nhiệm vụ hiện tại. Lên nhận chức mới là có "tầm nhìn 20- 30 năm sau" trong khi nhiệm kỳ chỉ có 5 năm. Không ai cam kết sẽ làm điều này, sẽ làm điều nọ trong nhiệm kỳ của mình. Cuối nhiệm kỳ không có cá nhân nào chịu trách nhiệm cho thất bại.
2. Đã mấy tuần nay, hàng ngàn xe chở nông sản xuất khẩu đang ùn tắc tại cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Theo tin của Sở Công thương Lạng Sơn, thì tính đến sáng ngày 18/12/2021 có hơn 4.800 xe container đang “chôn chân” đã nhiều ngày tại tại các cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh, Hữu Nghị. Còn tại buổi làm việc sáng ngày 20/12/2021, ông Hồ Tiến Thiệu Chủ tịch UBND Lạng Sơn cho biết có 4.598 xe đang ứ đọng chờ thông quan tại các cửa khẩu Lạng Sơn.
Tình trạng ứ đọng xe tại các cửa khẩu Lạng Sơn tồn tại từ năm này qua năm khác, đã gây ra bao nhiêu tổn thất to lớn cho hàng triệu bà con nông dân Việt Nam. Trung Quốc thích thì đóng cửa. Trung Quốc thích thì mở cửa. Hàng triệu bà con nông dân Việt Nam sạt nghiệp lao đao vì sự tuỳ thích của Trung Quốc.
3. Đã thay mấy đời Bộ trưởng Bộ Công Thương (CT) và Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN), nhưng tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm này qua năm khác chẳng những không thay đổi mà còn mỗi ngày một tồi tệ hơn.
Một lần và “vĩnh viễn” cho nhiệm kỳ 5 năm, ông Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan hãy chấm dứt tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại biên giới phía Bắc.
Như câu nói cửa miệng của người phương Tây: no excuse (không có lý do), biện pháp nào là của hai ông Bộ trưởng. Trong nhiệm kỳ 2021-2025, nếu không còn tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại biên giới phía Bắc thì công lao thuộc về hai Ông; nếu vẫn còn tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại biên giới phía Bắc thì trách nhiệm thuộc về hai Ông. Thương dân là ở đây. Vì dân cũng ở đây.
Xin khoan nói về Công nghiệp 4.0. Xin khoan nói về chuyển đổi số. Càng không vẽ ra số liệu chiến lược cho đời sau. Xin hãy chấm dứt vĩnh viễn tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại biên giới phía Bắc.
Lớn lên bằng củ khoai hạt lúa mới biết thế nào là chát mặn mồ hôi. Có nguồn gốc từ nông dân, nhưng nhiều người không muốn nhớ về xuất xứ.

THẤT BẠI LÀ DO KHÔNG CÓ 'TẦM NHÌN'

TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ TD 19-12-2021


Chuyện "thoát Trung" nói hoài cũng chán. Có điều vẫn phải nói vì VN "dính liền" với TQ phần lớn lỗi là do người Việt.
Về địa lý thì VN không "thoát" được đi đâu hết. VN và TQ "Núi liền núi, sông liền sông", số mạng "đã định" như vậy rồi. Chuyện này không nói.
VN "dính liền" với TQ ít nhứt hai thứ: Thể chế chính trị (ý thức hệ chính trị) và kinh tế. Nếu muốn "thoát Trung" thì phải bắt đầu bằng hai thứ này.
Câu hỏi đặt ra là trí thức VN, những người thường thấy lên báo hô hào chống TQ dữ dằn nhứt, tức những người muốn "thoát Trung" hơn ai hết. Họ đã làm được cái gì để giúp VN "thoát Trung"?
Theo tôi thấy, miệng họ hô hào "thoát" nhưng hành động của họ thì có hệ quả ngược lại. Vụ hàng chục ngàn chiếc xe container chở hàng hóa (cây trái, hoa quả...) của nông dân miền Nam hiện đang kẹt cứng ở các cửa khẩu miền Bắc cho ta thấy VN "dính cứng" vào TQ. TQ ho một cái nông dân VN lao đao. TQ sổ mũi nhức đầu, nông dân VN bịnh nặng mua hòm chờ chết.
Tình hình là tết năm nay nông dân miền Nam "chết đứng". Cửa khẩu không thông hàng hóa thúi rục trên xe. Ra giêng nếu không có các chính sách trợ giúp của chính phủ thì toàn bộ nông dân miền Nam sẽ phá sản. Đất đai, tài sản của nông dân sẽ bị ngân hàng xiết nợ.
Nguyên nhân do đâu?
Từ 1975 đến nay, phân nửa một đời người, gần 1/2 thế kỷ, đã qua. Từ năm 1975 ta đã nghe vụ "trồng cây gì, nuôi con gì". Nửa thế kỷ sau ta vẫn nghe "trồng cây gì, nuôi con gì". Xem xét hàng hóa hiện đang "kẹt" ở các cửa khẩu miền bắc, ta thấy gồm có mít, dưa hấu, thanh long v.v... tức các loại trái cây vừa nặng cân (vừa dễ thúi) nhưng lại không có lời nhiều.
1975 nhà nước biểu trồng cây gì thì nông dân trồng cây nấy. Nửa thế kỷ sau "học giả", giáo sư, nhà khoa học... chỉ dạy nông dân trồng cây này, nuôi con nọ...
Nuôi con gì, trồng cây gì... thì nông dân VN cũng chết hết các giáo sư ơi.
Tại sao các giáo sư, khoa học gia, học giả nọ kia không khuyên VN nên học theo cái cách mà Nam Hàn, Đài Loan họ làm gì để phát triển đất nước của họ. Năm 1960 nông dân Nam Hàn chiếm 80% lao động. Vấn đề là dân Hàn vẫn "không đủ ăn". Đài Loan không đến đỗi nhưng khởi đầu của họ nông dân là "trụ cột".
Nếu học giả, giáo sư, tiến sĩ nọ kia của Nam Hàn, của Đài Loan xúi nông dân "trồng cây gì, nuôi con gì" (như VN) thì Nam Hàn và Đài Loan không khác gì với VN hiện nay.
Rõ ràng là chính sách chung (của nhà nước và trí thức VN) "trồng cây gì, nuôi con gì" đã khiến cho VN nghèo càng thêm nghèo và thêm "dính cứng ngắc" vô TQ.
Nửa đời người, gần 1/2 thế kỷ, thời gian như vậy là rất dài. Thất bại là do không có "tầm nhìn". Thất bại vì vậy là do đảng, do trí thức, học giả, giáo sư tiến sĩ VN.
Đọc báo thấy học giả đổ thừa chuyện "chết đứng" ở cửa khẩu miền Bắc là do nông dân tự quyết định "muốn trồng gì họ trồng, họ muốn chặt gì họ chặt"...
Dạ xin thưa, trồng hay nuôi cái con c... gì, nếu không phải là thứ "caviar VN", kiểu vốn ít lời nhiều, chỉ VN mới có và mọi người xếp hàng để mua. Thì cách nào cũng không phải là chuyện lâu dài.
Chuyện đời người, chuyện phát triển quốc gia, chuyện trăm năm, vài trăm năm... mà cả nước chúi đầu vô chuyện "trồng cây gì nuôi con gì" là thua.
Rõ ràng chuyện lệ thuộc sâu xa vào TQ là do chính sách nhà nước, đã đành. Nhưng cũng do học giả, giáo sư, trí thức VN thiếu tầm nhìn của trí thức Đài Loan, Nam Hàn...
Từ nay ai mà hô hào "thoát Trung" thì hãy nói ở nhà, cho nhau nghe. Tôi đọc được là tôi chửi.
Theo tôi, nhà nước phải có chính sách "xóa nợ" cho nông dân (kiểu Nam Hàn đã là đầu thập niên 70) để nông dân còn thở được. Nếu không, cả nước sẽ "rất mệt".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét