Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

20211207. VỀ NHỮNG ĐIỀU ĐẢNG VIÊN KHÔNG ĐƯỢC LÀM

 ĐIỂM BÁO MẠNG


ĐẢNG VIÊN KHÔNG ĐƯỢC 
PHỤ HỌA THEO NHỮNG NHẬN THỨC LỆCH LẠC, QUAN ĐIỂM SAI TRÁI

VOV/GDVN 4-12-2021
GDVN- Theo Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, đảng viên không được dao động, hoài nghi; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, ngày 29/11/2021, hướng dẫn việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Trước đó, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Quy định nêu rõ 19 điều đảng viên không được làm.

Quy định 37 thay thế Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm.


Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã thống nhất ban


 hành Quy định mới về những điều đảng viên không 


được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem 


xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên. (Ảnh: Ngọc Thành)

Trong Hướng dẫn số 02, Ủy ban Kiểm tra nêu cụ thể, chi tiết những điều đảng viên không được làm.

Đảng viên không được dao động, hoài nghi, đòi thực hiện "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự"

Một nội dung hoàn toàn mới trong Quy định 37 so với Quy định 47 nêu rõ: Đảng viên không được phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng.

Theo Hướng dẫn số 02, những nội dung này được hiểu là đảng viên không được làm:

Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng. Phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, hoài nghi; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, đòi thực hiện "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng", đòi "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang"...; giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội;

Không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm, không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng. Thâu tóm quyền lực, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân. Cơ hội, vụ lợi, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể. Chạy theo mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho nhóm lợi ích mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng và đất nước;

Đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc; bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; không bảo vệ nhân tố tích cực, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung;

Độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, không tôn trọng ý kiến của tập thể. Quan liêu, xa rời thực tế, không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị. Không gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến góp ý của đồng nghiệp tại cơ quan, đơn vị và của quần chúng nhân dân; không giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.

Đảng viên không được nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ dưới mọi hình thức

Đối với quy định đảng viên không được tham ô, đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới, hối lộ dưới mọi hình thức; tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hoạt động rửa tiền, đi vay, cho vay trái quy định của pháp luật, Hướng dẫn 02 nêu rõ: Đảng viên không được chiếm đoạt tài sản của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế mà mình được giao phụ trách, quản lý;

Không được nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ dưới mọi hình thức; tiếp tay, bao che, dung túng cho việc đưa, nhận, môi giới hối lộ; gợi ý, đòi hỏi tổ chức, cá nhân đưa chi phí ngoài quy định trong giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Đặc biệt, không được tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện cho việc chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc tài sản khác có được từ hành vi vi phạm pháp luật trở thành tiền và các tài sản có nguồn gốc hợp pháp; Không được tổ chức, tham gia việc huy động vốn, tài sản và cho vay trái quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm đảng viên vi phạm quy định

Về tổ chức thực hiện, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Quy định của Ban Chấp hành Trung ương và Hướng dẫn của ủy ban Kiểm tra Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên chấp hành nghiêm chỉnh Quy định và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện (sơ kết hằng năm, tổng kết 5 năm) gửi cấp uỷ, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp trên.

Đảng viên có trách nhiệm gương mẫu chấp hành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy định, Hướng dẫn về những điều đảng viên không được làm. Đối với nội dung chưa được hướng dẫn trong Quy định này thì căn cứ vào các quy định của Trung ương để thực hiện. Đảng viên vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hướng dẫn này được phổ biến đến chi bộ và có hiệu lực kể từ ngày ký 29/11/2021.

Theo Vov.vn
ĐẢNG VIÊN KHÔNG ĐƯỢC 
THÂU TÓM QUYỀN LỰC, KHÔNG ĐÒI HỔI THỰC HIỆN XÃ HỘI DÂN SỰ

THU HẰNG /VNN 4-12-2021

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Hướng dẫn thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm gồm 19 điều.

Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy định rõ, Đảng viên không được làm những việc pháp luật cấm hoặc pháp luật chưa quy định khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.


Đảng viên không được đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng"


Hướng dẫn Điều 3 của Quy định những điều Đảng viên không được làm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ 4 nội dung đáng chú ý.

Đó là đảng viên không được "phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng; phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, hoài nghi; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, đòi thực hiện "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng", đòi "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang"...; giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.


Đảng viên không được thâu tóm quyền lực, không đòi thực hiện xã hội dân sự
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương

Đảng viên không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm, không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng; thâu tóm quyền lực, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân. Đảng viên không được cơ hội, vụ lợi, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể; chạy theo mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho nhóm lợi ích mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng và đất nước.

Đảng viên không được "đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc; bao che, giấu diếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; không bảo vệ nhân tố tích cực, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung".

Đảng viên không được độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, không tôn trọng ý kiến của tập thể; quan liêu, xa rời thực tế, không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị; không gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến góp ý của đồng nghiệp tại cơ quan, đơn vị và của quần chúng nhân dân; không giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.


Không được nhập quốc tịch nước ngoài, chuyển tài sản ra nước ngoài trái quy định


Về nội dung mới quy định tại Điều 9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương lưu ý, đảng viên không được sử dụng hoặc có hành vi bao che, giúp đỡ cho người khác kê khai, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp để dự thi tuyển, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, thi/xét nâng ngạch, thi/xét nâng hạng chức danh nghề nghiệp để được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, bầu cử vào các vị trí, chức danh cao hơn, phong tặng hoặc công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước.

Đảng viên không được nhập quốc tịch nước ngoài, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài không báo cáo, kê khai với tổ chức đảng quản lý trực tiếp, không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại điều này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quy định rõ, đảng viên không được kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định của pháp luật về số lượng, chủng loại, giá trị và biến động của tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc thu nhập, tài sản tăng thêm không đúng, không đầy đủ.

Về quy định liên quan đến chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, đảng viên không được lợi dụng chủ trương này để tham mưu, đề xuất, quyết định, thực hiện thí điểm các đề án nhằm mục đích tham nhũng, tiêu cực hoặc bao che cho việc làm sai trái của tổ chức, cá nhân.

Ở điều 12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy định rõ 2 nội dung. Đó là đảng viên không được có hành vi chạy chức, chạy quyền, can thiệp, tác động, gây sức ép; dùng vật chất hoặc các hình thức khác để tác động đến cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giải quyết công việc để bản thân hoặc người khác được tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, được bầu, chỉ định, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, phong tặng danh hiệu, chức danh, học hàm, học vị, đề cử, ứng cử, khen thưởng, đi học, đi nước ngoài, thực hiện chính sách cán bộ trái quy định.

Đảng viên không được "thực hiện không nghiêm, không đúng, không đầy đủ nguyên tắc, thủ tục, quy trình về công tác cán bộ; làm sai lệch hoặc tự ý sửa chữa tài liệu, hồ sơ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nhận xét, đánh giá cán bộ không có căn cứ, thiếu trung thực, không khách quan...".

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, đảng viên không được: Thực hiện không nghiêm, không đúng, không đầy đủ các quy định để làm thay đổi, sai lệch kết luận, kết quả kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Đảng viên không được có hành vi chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù, trù dập, khống chế, vu khống người làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Hướng dẫn cũng nêu rõ, đảng viên không được có lối sống trụy lạc, sa đọa, suy đồi đạo đức hoặc có hành vi trái với chuẩn mực đạo đức tác động xấu đến cá nhân, gia đình và xã hội; tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình (ngày lễ, tết, sinh nhật, lên chức, mừng nhà mới, mừng thọ, chuyển công tác,...) một cách phô trương hình thức, lãng phí gây phản cảm, bức xúc trong xã hội; lợi dụng việc cưới, việc tang và các sự kiện khác để vụ lợi hoặc đem lại lợi ích riêng cho bản thân, gia đình hoặc cho người khác.

Đảng viên không được im lặng, bàng quan để sự việc xấu xảy ra miễn là không đụng chạm đến lợi ích của bản thân, gia đình, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

Trước đó, ngày 25/10, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm với 19 điều, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng.
Quy định 37 thay thế Quy định số 47 ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm.

Mời xem toàn văn: Hướng dẫn thực hiện Quy định về

 những điều đảng viên không được làm

Thu Hằng


ĐẢNG VIÊN KHÔNG ĐƯỢC 

XEM SỐ, XEM BÓI, YỂM BÙA , TRỪ TÀ VÀ

 NHỮNG VIỆC MÊ TÍN DỊ ĐOAN


PVCT/ DV 4-12-2021


Đảng viên không dược bao che, tiếp tay cho các hoạt động mê tín, dị đoan. Xem số, xem bói, yểm bùa, trừ tà và những việc mê tín dị đoan khác (tin vào thần linh, ma quỷ, những việc không có thật do tin đồn nhảm nhí mà có); hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có Hướng dẫn số 02 thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm (Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII).

Tại Điều 18 của Quy định 37, đảng viên không được tổ chức, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; sử dụng các chất ma tuý; sử dụng rượu, bia không đúng quy định hoặc đến mức bê tha và các tệ nạn xã hội khác.

Đảng viên không được xem số, xem bói, yểm bùa, trừ tà và những việc mê tín dị đoan - Ảnh 1.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có hướng dẫn thực

 hiện Quy định về những điều đảng viên không được

 làm. Ảnh UBKTTW

Đảng viên không được tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình xa hoa, lãng phí hoặc nhằm mục đích vụ lợi.

Thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội; có hành vi bạo lực trong gia đình; vi phạm chính sách dân số; sống chung với người khác như vợ chồng; vi phạm quy định về kết hôn vói ngưòi nước ngoài, được hướng dẫn thực hiện như sau:

Đảng viên không được tổ chức, tham gia đánh bạc, lôi kéo, xúi giục, kích động người khác tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức.

Không được sử dụng các chất ma túy, các chất gây nghiện, chất hướng thần khác (trừ trường hợp được bác sỹ chỉ định để chữa bệnh).

Đảng viên không được uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc; trong sinh hoạt hàng ngày tới mức bê tha, mất tư cách; không làm chủ được hành vi ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn giao thông hoặc có hành vi thiếu văn hoá.

Đảng viên không được xem số, xem bói, yểm bùa, trừ tà và những việc mê tín dị đoan - Ảnh 2.

Đảng viên không được xem số, xem bói và các việc

 mê tín dị đoan. Ảnh mang tính minh hoa. 

Ảnh Hà Nội mới

Không được có lối sống trụy lạc, sa đọa, suy đồi đạo đức hoặc có hành vi trái với chuẩn mực đạo đức tác động xấu đến cá nhân, gia đình và xã hội.

Đảng viên không được tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình (ngày lễ, tết, sinh nhật, lên chức, mừng nhà mới, mừng thọ, chuyển công tác,...) một cách phô trương hình thức, lãng phí gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Lợi dụng việc cưới, việc tang và các sự kiện khác để vụ lợi hoặc đem lại lợi ích riêng cho bản thân, gia đình hoặc cho người khác.

Đảng viên không được im lặng, bàng quan để sự việc xấu xảy ra miễn là không đụng chạm đến lợi ích của bản thân, gia đình, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

Đảng viên không được có hành vi bạo lực hoặc che giấu, dung túng, cản trở việc ngăn chặn các hành vi bạo lực về thể chất và tinh thần (đánh đập, hành hạ, ngược đãi, xua đuổi, ngăn cản,...) đối với người thân trong gia đình.

Đảng viên không được vi phạm chính sách dân số; sống chung với người khác (không phải vợ, chồng mình) như vợ chồng.

Đảng viên không được kết hôn hoặc có con kết hôn với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không báo cáo trung thực với tổ chức đảng quản lý trực tiếp và chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Tại Điều 19 quy định đảng viên không được mê tín, hoạt động mê tín; ủng hộ hoặc tham gia các tôn giáo bất hợp pháp hoặc lợi dụng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, được hướng dẫn thực hiện như sau:

Đảng viên không được có hành vi mê tín dị đoan, rải, đốt đồ mã (tiền, vàng, bạc, phương tiện, vật dụng, hình người, động vật,...) với số lượng lớn, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, cháy, nổ...

Đảng viên không dược bao che, tiếp tay cho các hoạt động mê tín, dị đoan. Xem số, xem bói, yểm bùa, trừ tà và những việc mê tín dị đoan khác (tin vào thần linh, ma quỷ, những việc không có thật do tin đồn nhảm nhí mà có); hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói.

Đảng viên không được tổ chức, tham gia hoặc vận động, ủng hộ cho cá nhân, tổ chức lập mới và xây dựng đền, chùa, miếu thờ, điện thờ, nơi thờ tự của các tôn giáo khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đảng viên không được ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp; tham gia các tổ chức do tôn giáo lập ra khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Trong đó, không được trực tiếp ủng hộ hoặc vận động tổ chức, cá nhân khác ủng hộ dưới mọihình thức cho các hoạt động tôn giáo trái quy định. Lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", "dân tộc", "tôn giáo" để gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Không được tổ chức, vận động, lôi kéo, xúi giục, mua chuộc, ép buộc người khác tham gia tôn giáo bất họp pháp; tham gia các tổ chức do tôn giáo lập ra hoặc các hoạt động do các tôn giáo tổ chức khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

KHÔNG QUẢN ĐƯỢC THÌ CẤM!

NGUYỄN NAM/ VNTB/BVN 7-12-2021

(VNTB) – Đảng viên không được phép đòi thực hiện “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”, đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”…

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Cẩm Tú đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, về việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm: Đảng viên không được phép đòi thực hiện “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”, đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”…

Bài viết này xin dừng lại để bàn luận quanh nội dung vì sao xã hội dân sự lại là điều cấm đảng viên đòi hỏi?

Không quản được thì cấm!

Theo lập luận của báo Quân đội Nhân dân Việt Nam – cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tại bài viết “Hiểu đúng về xã hội dân sự ở Việt Nam” phát hành cuối tháng 3-2014, thì, “Ở Việt Nam, xã hội dân sự thấm nhuần về mặt văn hóa cộng đồng, tính đoàn kết, tương trợ và tính đồng thuận xã hội. Tổ chức xã hội dân sự có thể đóng vai trò tích cực, là người phản biện đối với chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách ôn hòa và có trách nhiệm”.

Tuy nhiên, vẫn theo quan điểm của tờ báo thuộc Quân ủy Trung ương, “thực tế ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng cho thấy, tổ chức xã hội dân sự, bao gồm cả các đảng chính trị (không nằm trong hệ thống chính trị Nhà nước) cũng có thể trở thành lực lượng đối kháng với Nhà nước, là nòng cốt cho những cuộc bạo loạn, lật đổ chế độ xã hội, thậm chí có thể kết nối với các thế lực thù địch bên ngoài gây chiến tranh, làm tổn hại đến độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia”.

Như vậy, văn bản Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW mà ông Trần Cẩm Tú ký ban hành, trong đó đảng viên không được “phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, đòi thực hiện “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”, đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”…” cho thấy đây là cách thức rất quen thuộc trong quản trị ở Việt Nam: quản lý không được thì cấm!

Vì Nhà nước chưa đủ mạnh nên Đảng phải ra điều cấm đoán đó?

Trên thực tế thì tuy có nhiều ý kiến khác nhau về xã hội dân sự, nhưng người ta đều thống nhất ở một điểm chung là khái niệm này liên quan đến việc “củng cố phát triển và dân chủ”.

Các khu vực dân sự giữ một vai trò nhất định trong việc phát huy dân chủ. Tại nhiều nước đang phát triển thuộc khu vực châu Phi, Trung cận Đông và Đông Nam Á, Nhà nước thường có tính tập trung cao độ và thiếu một cơ chế dân chủ thực sự. Ở các quốc gia này, một nhóm tương đối nhỏ (giai cấp nắm chính quyền) kiểm soát và lạm dụng Nhà nước vì lợi ích riêng một cách có hệ thống trong hàng chục năm liền, trong khi nhiều nhóm, thành phần xã hội khác bị lãng quên hoặc thậm chí có thể bị kỳ thị.

Đối với những bộ phận dân cư bị thiệt thòi này, một khu vực dân sự lớn mạnh sẽ tạo cho họ khả năng tiếp cận nhiều hơn quá trình quyết định chính sách. Điều này sẽ cải thiện sự tham gia chính trị của người dân và làm tăng hiệu quả của các hoạt động của Nhà nước.

Đóng góp của các tổ chức xã hội dân sự đối với quản trị dân chủ gồm có tăng cường trách nhiệm giải trình, tính công khai và phản hồi của cơ quan Nhà nước, cũng như tăng cường sự tham gia và phổ biến thông tin đến người dân. Những cơ chế dân chủ (quy định của hiến pháp, quyền ứng cử và bầu cử…) là điều kiện cơ bản và là môi trường cho tiến trình dân chủ.

Nhưng, trong thực tế, một chương trình dân chủ tối thiểu cho bầu cử và sự đảm bảo hiến pháp đối với người dân vẫn còn chưa đủ. Không có sự trợ giúp của xã hội dân sự, không có sự cộng tác giữa nhà nước và các đại diện của xã hội và thiếu một văn hóa chính trị dân chủ (tôn trọng các quy tắc đạo đức và tôn trọng lẫn nhau…) thì dân chủ sẽ không tồn tại. Vì thế, khuyến khích và trợ sức cho xã hội dân sự đóng một vai trò chính trị xã hội quan trọng, mang tính chiến lược.

Phát triển là một quá trình lâu dài về văn hóa – xã hội và cấu trúc tổ chức. Hai nhân tố này đòi hỏi một Nhà nước có tính trách nhiệm cao trong mọi quốc gia đang phát triển. Phát triển cũng như dân chủ không thể bị áp đặt và quá trình này liên quan đến toàn bộ xã hội.

Chỉ một Nhà nước đủ mạnh mới có khả năng thực thi và gìn giữ những điều kiện dân chủ và xác lập một nền “quản trị tất” cho sự phát triển.

Đảng đang tự giảm sức mạnh chi phối của chính mình!

Những nhân tố cơ bản cho dân chủ và phát triển lại thường phát sinh gắn liền với xã hội dân sự. Dân chủ tham gia không chỉ có nghĩa là tham dự bầu cử, mà còn có nghĩa là tham gia trực tiếp vào đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội.

Những hoạt động xoá đói giảm nghèo, những đóng góp cho giáo đục và đào tạo, sự trợ giúp những họat động nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ, những biện pháp đảm bảo bình đẳng giới, những cơ quan truyền thông, viện nghiên cứu độc lập và những hiệp hội đại diện quyền lợi cho người dân sẽ thúc đẩy sự phát triển thật sự.

Các tổ chức xã hội dân sự đóng góp với Nhà nước bằng cách tham gia ngày càng tích cực vào quá trình cung cấp dịch vụ.

Những nỗ lực của khu vực dân sự bổ sung vào nguồn lực và hoạt động của Chính phủ trong việc phân phối địch vụ, giảm nhẹ gánh nặng lên Nhà nước. Song song với sự lớn mạnh của khu vực tư, Nhà nước thu hẹp bớt lĩnh vực của mình.

Xuất phát điểm cho công việc của xã hội dân sự thường là sự đáp ứng những nhu cầu cơ bản hay cung cấp những sản phẩm dịch vụ. Trên thực tế, điều này bù đắp cho sự thiếu hụt của Nhà nước. Ngoài những công việc có thể gọi chung là dịch vụ, thành viên xã hội dân sự cũng thực hiện chức năng đại điện cho quyền lợi của các nhóm công dân bị thiệt thòi khi đưa ra các khuyến nghị, tác động đến điều kiện chính trị và quá trình soạn thảo chính sách nói chung.

Như vậy, xã hội dân sự có một vai trò quan trọng trong việc đòi hỏi và thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân của mình. Với cách hiểu đó, một lần nữa cho thấy nếu cấm đảng viên tham gia vào xã hội dân sự thì chính Đảng sẽ tự làm giảm đi sức mạnh của mình, khi gián tiếp tạo ra sự đối lập giữa những tổ chức xã hội dân sự gồm các thành viên không đảng viên, và các hội đoàn nhà nước của hội viên là đảng viên.

Nói một cách khác, quyền bình đẳng về chính trị của Hiến định đã bị vi phạm ở Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, về việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm.

N.N.

VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét