Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

20211227. BÌNH CHỌN NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT NĂM 2021

 ĐIỂM BÁO MẠNG


10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA VIỆT NAM  NĂM 2021

TTXVN / GDVN 26-12-2021

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp: Diễn ra từ ngày 25/1 đến 1/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, để lại dấu ấn đậm nét về một Đại hội "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển"; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội xác định mục tiêu phát triển đất nước cho 5 năm, 10 năm tiếp theo và đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt


 Đại hội. Ảnh: TTXVN

2. Gần 70 triệu cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp: Ngày 23/5/2021, 99,6% cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, bầu ra 499 đại biểu Quốc hội khóa XV; 3.721 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 22.550 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 239.788 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, nhiệm kỳ 2021-2026. Cuộc bầu cử đã diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19.

3. Chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch COVID-19: Đợt bùng phát dịch thứ tư với sự xuất hiện của biến chủng siêu lây nhiễm Delta đã đảo ngược các thành quả trong công tác phòng, chống dịch trước đó với số ca nhiễm và ca tử vong tăng cao ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Nam.

Đảng, Nhà nước đã chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch từ “không ca mắc” sang thực hiện mục tiêu kép.

Việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân, đã giúp kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế-xã hội, từng bước ổn định đời sống người dân.

Test nhanh phát hiện virus SARS-CoV-2 cho công


 nhân khu công nghiệp tại Vĩnh Long. Ảnh: TTXVN

Đợt dịch thứ tư, cả nước đã ghi nhận 1.630.851 ca mắc, nâng tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch đến nay lên 1.636.455; số ca tử vong là 31.007 và 1.229.684 người đã khỏi bệnh.

4. Thực hiện thành công chiến lược vaccine: Đảng, Nhà nước đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện Chiến lược vaccine phòng COVID-19 vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng với các giải pháp: Thành lập Quỹ vaccine; tiến hành ngoại giao vaccine; nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước; tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử và có giai đoạn đạt tốc độ cao hơn trung bình thế giới 30%.

Đến ngày 25/12, gần 98% dân số từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 1 liều, tăng gần 4 lần, và hơn 86% được tiêm 2 liều, tăng hơn 25 lần so với cuối tháng 8/2021.

Việc tiêm liều tăng cường và tiêm chủng cho thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi cũng đang được khẩn trương triển khai.

Tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho học sinh ở 


Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

5. Ban hành 5 văn bản quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng đã ban hành: Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 21-KL/TW, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị” và Quy định số 37-QĐ/TW “về những điều đảng viên không được làm”, ba văn bản này có nhiều điểm mới, bổ sung về phạm vi, mục tiêu, giải pháp…; Kết luận số 14-KL/TW về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và Quy định số 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, hai văn bản có các quy định lần đầu ban hành.

6. Hội nghị Văn hóa toàn quốc khơi dậy nguồn lực nội sinh, UNESCO tiếp tục tôn vinh văn hóa Việt Nam: Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 6 mục tiêu cụ thể và 10 giải pháp trọng tâm, tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới; phát huy nguồn lực nội sinh to lớn để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Sự kiện này diễn ra vào ngày 24/11/2021 sau đúng 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo 



Hội nghị Văn hóa toàn quốc, sáng 24/11/2021. Ảnh: 


Trí Dũng/TTXVN

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 15/12/2021 chính thức ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đó, ngày 23/11, Đại hội đồng UNESCO đã quyết định vinh danh và cùng kỷ niệm: 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương vào năm 2022.

7. Việt Nam tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác đa phương: Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết giảm mức phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050, cắt giảm 30% khí metan vào năm 2030 so với năm 2020…, khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực, có trách nhiệm trong khuôn khổ ASEAN, AIPA, ASEM, ASEP, APEC, APPF…, hoàn thành tốt đẹp nhiệm kỳ thứ hai Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; tái đắc cử Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027, trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị 


Thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần 


thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên 


hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). 


Ảnh: Dương Giang/TTXVN

8. Biến động lớn của nền kinh tế và nỗ lực duy trì một số trụ cột tăng trưởng: GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP hằng quý do tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư. Khu vực dịch vụ, sản xuất công nghiệp ở phía Nam ghi nhận mức sụt giảm sâu và có tới 60% người dân bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập trong quý III.


Dệt may "chớp cơ hội" phục hồi xuất khẩu cuối năm 


2021 và đầu năm 2022. Ảnh: TTXVN

Quốc hội và Chính phủ đã có các quyết sách mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Nhờ đó, Việt Nam đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng: Thu ngân sách về đích trước một tháng, ước đạt 1.471 nghìn tỷ đồng, vượt 9,5% so với dự toán và cao hơn 3% so với mục tiêu của Chính phủ; xuất khẩu vượt mốc 335 tỷ USD và xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 29 tỷ USD. Ngành nông nghiệp tiếp tục là điểm tựa vững chắc của nền kinh tế với mức tăng trưởng 2,8%.

9. Lần đầu tiên đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào hoạt động từ ngày 1/7/2021 là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số. Cùng với việc hoàn thành mục tiêu cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, lần đầu tiên thông tin cơ bản về công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa và đưa vào hệ thống liên thông phục vụ quản lý nhà nước, cũng như giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo hướng hiện đại, tiện ích và tiết kiệm.


Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội nghị 


Chuyển đổi số và An toàn thông tin năm 2021. 


Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

10. Thể thao Việt Nam giành được những thành tích ấn tượng trong bối cảnh khó khăn: Đội tuyển Bóng đá nam Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Đội tuyển Futsal lần thứ hai giành quyền dự vòng chung kết FIFA Futsal World Cup, cho thấy bước tiến vượt bậc dù phải dừng chân ở vòng 1/8.

Về thành tích cá nhân, vận động viên cử tạ khuyết tật Lê Văn Công giành tấm Huy chương Bạc hạng 49kg nam Paralympic 2020 Nhật Bản; Nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi trở thành võ sĩ boxing Việt Nam đầu tiên giành đai vô địch WBO thế giới hạng nhẹ.



Tuyển Việt Nam trong trận đấu Vòng loại thứ 2 World 


Cup 2022 khu vực châu Á với đội chủ nhà UAE. 


Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN

Theo TTXVN
10 SỰ KIỆN NỔI BẬT NHẤT NĂM 2021 CỦA THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA NAM
ANH PHƯƠNG/ VNN 27-12-2021

Một năm đầy sóng gió của thị trường bất động sản phía Nam nói riêng và cả nước nói chung chuẩn bị khép lại. Trước thềm năm mới, hãy cùng VietNamNet điểm lại 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm qua. 

10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

Thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021, sự kiện thành lập TP.Thủ Đức (sáp nhập Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức, TP.HCM) và TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được xem là động lực cho sự phát triển kinh tế ở hai địa phương. Đi cùng với đó, giá nhà đất tại hai nơi này lập tức tăng phi mã. 

Chưa đầy 1 năm khi 3 quận khu Đông TP.HCM rục rịch lên TP.Thủ Đức, giá nhà đất tại đây ghi nhận mức tăng 20% - 40%. Tại P.Trường Thọ, nơi quy hoạch trung tâm TP.Thủ Đức, giá đất mặt tiền lập đỉnh 120 triệu đồng/m2. 

10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

Các khu vực khác tại Q.Thủ Đức và Q.9 tăng dao động từ 30 triệu đồng/m2– 60 triệu đồng/m2.Tại Q.2, nhiều khu vực có giá đất tăng mạnh so với năm 2020, lập đỉnh mới 140 triệu đồng/m2. 

Bên cạnh đất nền, phân khúc căn hộ chung cư ở TP.Thủ Đức cũng có mức tăng khá nhanh, dao động 10 triệu đồng – 15 triệu đồng/m2. Hiện giá căn hộ chung cư tại đây không dưới 40 triệu đồng/m2.

Không “nóng” như TP.Thủ Đức, sau khi có thông tin thành lập TP.Phú Quốc, giá đất tại đây tăng nhẹ từ 5%-10% so với năm 2020. Đất nền khu trung tâm thành phố dao động từ 150 triệu đồng/m2 đến 400 triệu đồng/m2. 


10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam


Cuối tháng 2/2021, tại các xã của huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước xuất hiện cảnh tượng chưa từng có khi giới đầu tư khắp nơi đổ về đây giao dịch đất đai cả ngày lẫn đêm. Tình trạng này xuất phát từ thông tin sẽ có quy hoạch sân bay lưỡng dụng trên cơ sở mở rộng sân bay quân sự Técníc Hớn Quản. 

Giao dịch “nóng” nhất diễn ra tại xã An Khương và xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, giá đất nông nghiệp tại đây liên tục được đẩy lên cao, nhà đầu tư sang tay trong ngày lãi từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng. Đất trồng cao su cũng được “hét” 2 tỷ đồng/sào (1.000m2). 

Trước tình trạng giới cò đất cả trong và ngoài tỉnh đổ về hoạt động rầm rộ, chính quyền địa phương đã phát cảnh báo. Đến nay, thông tin quy hoạch sân bay lưỡng dụng này vẫn chưa có gì cụ thể. 

10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

Chưa đầy 1 tháng sau, xã Thiện Nghiệp, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận lại trở thành điểm nóng về “sốt đất”. Từng tốp xe ô tô chở nhà đầu tư đổ về đây săn đất khi có thông tin dự án sân bay Phan Thiết sắp khởi công. 

Dự án sân bay quân sự kết hợp dân dụng được quy hoạch rộng 543ha tại xã Thiện Nghiệp, TP.Phan Thiết. Dự kiến khởi công đầu năm 2015 và hoàn thành năm 2018 nhưng đến nay dự án vẫn án binh bất động. Cứ mỗi đợt có thông tin khởi công dự án, thị trường nhà đất nơi đây lại náo loạn. 


10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

Năm qua, Cục thuế TP.HCM đề xuất thí điểm thu thuế đối với hoạt động cho thuê căn hộ, shophouse tại một số chung cư, cao ốc. Cục thuế TP.Hà Nội cũng chỉ đạo các chi cục thuế trực thuộc tăng cường rà soát, quản lý các hộ, cá nhân cho thuê nhà, hộ kinh doanh nhà nghỉ, lưu trú. 

Theo các chuyên gia, thu thuế từ hoạt động kinh doanh cho thuê căn hộ, shophouse tại chung cư là vấn đề không mới, đã được quy định trong các văn bản luật thuế. Tuy vậy, cần hoàn thiện khung pháp lý và triển khai đồng loạt để đảm bảo công bằng. 

Người cho thuê căn hộ, shophouse (cho thuê tài sản) có tổng doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì phải nộp 5% Thuế Thu nhập cá nhân và 5% Thuế Giá trị gia tăng. 


10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

2021 là một năm đầy khó khăn của thị trường bất động sản TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, không chỉ các doanh nghiệp địa ốc mà cả xã hội phải thực hiện các biện pháp giãn cách theo từng cấp độ để phòng, chống dịch Covid-19. 

6 tháng đầu năm, TP.HCM có 14 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, cung ứng 11.948 căn nhà. Phân khúc nhà ở cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, với 7.040 căn. Nhà ở bình dân có giá bán dưới 20 triệu đồng tiếp tục mất hút. 

10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

Trong quý 3/2021, thị trường BĐS TP.HCM trở nên ảm đạm hơn khi chỉ có 2 dự án mở bán qua kênh bán hàng trực tuyến. Nguồn cung nhà ở rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, với chỉ 1.600 căn hộ. Phân khúc nhà giá rẻ tiếp tục “vắng bóng” trên thị trường. 

                        
10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

Chậm cấp sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM là vấn đề nan giải từ nhiều năm qua. Nhiều trường hợp không phải do lỗi từ chủ đầu tư mà do vướng mắc trong khâu xác định tiền sử dụng đất của cơ quan thẩm quyền. 

Để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho người dân, TP.HCM chia ra 2 trường hợp giải quyết. cụ thể, với các dự án có phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung, Sở TN&MT phải chủ động phối hợp rà soát để giải quyết. Còn với dự án có vi phạm xây dựng, Sở Xây dựng được giao phối hợp xử lý dứt điểm để cấp sổ hồng. 

Từ nay đến hết năm 2023, Sở TN&MT TP.HCM sẽ giải quyết việc cấp sổ hồng cho 37.421 căn hộ và nhà đất tại các dự án đã có văn bản thẩm định cấp sổ. 


10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

Báo cáo của FiinGroup – Nhà cung cấp dữ liệu tài chính cho thấy, quy mô phát hành trái phiếu sơ cấp trong 9 tháng năm 2021 đạt 430.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành BĐS có giá trị phát hành cao nhất khi chiếm 40%, tương ứng 172.000 tỷ đồng. 

Trong 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn nhất 9 tháng năm 2021 có 9 doanh nghiệp BĐS, gồm: Hưng Thịnh Land (7.950 tỷ đồng); Công ty TNHH Kinh doanh BĐS Mediterranean Revival Villas (7.200 tỷ đồng); VinGroup (6.976 tỷ đồng); Công ty CP Osaka Garden (6.800 tỷ đồng); 

Công ty CP đầu tư GoldenHill (5.760 tỷ đồng) ; Công ty CP Đầu tư Tân Thành Long An (5.000 tỷ đồng) Hưng Thịnh Quy Nhơn (5.000 tỷ đồng); Tổng Công ty CP XNK & XD Việt Nam (4.700 tỷ đồng) và Công ty CP Hoàng Phú Vương (4.670 tỷ đồng). 

Lãi suất trái phiếu của 9 doanh nghiệp nói trên dao động từ 8%/năm - 13,28%/năm. Theo FiinGroup, ngành xây dựng và BĐS vẫn duy trì mức lãi suất phát hành cao với lãi suất trung bình lần lượt là 10,3%/năm và 10,7%/năm. 

Đáng nói, có đến 26% trái phiếu doanh nghiệp trong các ngành này không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phần hoặc không được xếp hạng tín nhiệm độc lập. Điều này dẫn đến những rủi ro nhất định. 


10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

Giữa tháng 11/2021, Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần 3, đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện – TGĐ Công ty CP Địa ốc Alibaba, em ruột Nguyễn Thái Lĩnh cùng 21 đồng phạm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “rửa tiền”. 

Kết luận điều tra bổ sung lần 3 được hoàn tất khi có thêm 1.600 nạn nhân đến trình báo. Tính đến nay, đã có 5.671 nạn nhân bị Địa ốc Alibaba lừa đảo chiếm đoạt với tổng số tiền lên đến 2.435 tỷ đồng. 

Đây là vụ án từng gây chấn động thị trường BĐS phía Nam. Địa ốc Alibaba đã “vẽ” 58 dự án BĐS không có thật, không đáp ứng điều kiện pháp lý tối thiểu nhưng vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và trả lãi suất để chiếm đoạt tiền của nhiều người. 


10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

Diễn ra từ năm 2020 nhưng phải đến nửa cuối năm 2021, tình trạng phân lô bán nền tại TP.Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng mới trở thành tâm điểm chú ý. 

10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

Những khu đất rộng vài hecta đến hàng chục hecta được phân lô tách thửa dưới hình thức xin hiến đất làm đường. Mặc dù chỉ là các lô đất của hộ gia đình, cá nhân tách thửa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng lại được các doanh nghiệp BĐS gắn mác dự án nghỉ dưỡng và chào bán rầm rộ. 

Nhiều khu đất ở TP.Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm tách thửa dưới hình thức hiến đất làm đường giao thông có dấu hiệu vi phạm, Thanh tra và Công an tỉnh Lâm Đồng đang vào cuộc để làm rõ.  


10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

Cùng với tình trạng phân lô bán nền tràn lan, thị trường BĐS tỉnh Lâm Đồng trong năm 2021 chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt doanh nghiệp BĐS lớn. 

Trong năm qua, UBND tỉnh Lâm Đồng liên tục công bố thông tin về các khu vực được doanh nghiệp tài trợ kinh phí lập quy hoạch, qua đó hé lộ kế hoạch đổ bộ của hàng loạt “ông lớn” BĐS như VinGroup, Hưng Thịnh Land, Novaland, Him Lam, Đại Quang Minh, Tập đoàn Ecopark, Văn Phú Invest … đến thị trường này. 


10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

Khi năm 2021 chuẩn bị đi qua, thị trường BĐS cả nước xôn xao khi TP.HCM bán đấu giá thành công 4 lô đất có vị trí đắc địa ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự kiến thu về cho ngân sách 37.346 tỷ đồng. 

10 sự kiện nổi bật nhất năm 2021 của thị trường bất động sản phía Nam

4 phiên đấu giá diễn ra kịch tính và cuối cùng 4 lô đất cũng đã có chủ khi mức trúng đấu giá đều cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm. 

Tâm điểm là thương vụ công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất 10.000m2 với giá 24.500 tỷ đồng. Tính ra, mỗi mét vuông của lô đất này doanh nghiệp trả giá 2,4 tỷ đồng. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục và gây hoài nghi về hiệu quả kinh doanh tại lô đất này. 

ANH PHUONG


10 SỰ KIỆN QUỐC TẾ NỔI BẬT 

TRONG NĂM 2021


VNN 28-12-2021

01.ĐẠI DỊCH COVID-19 DIỄN BIẾN PHỨC TẠP NĂM THỨ HAI LIÊN TIẾP

Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 280 triệu người nhiễm, trong đó 5,4 triệu bệnh nhân đã tử vong, đồng thời gây ra những thiệt hại khổng lồ về kinh tế, xã hội, giáo dục. Các nhà khoa học trên khắp thế giới đã nỗ lực nghiên cứu và cho ra đời nhiều loại vắc xin cùng các liệu pháp chữa trị. Nỗ lực tiêm chủng được đẩy mạnh ở khắp các châu lục đã tạo đà cho một loạt quốc gia chuyển hướng coi đây là bệnh đặc hữu, chấp nhận sống chung an toàn với Covid-19, thay vì cố gắng tiêu diệt tận gốc dịch bệnh. 

Sự xuất hiện của biến thể Omicron, được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi hồi tháng 11, được xem như lời cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19. Độ bao phủ vắc xin không đồng đều chính là cơ hội để virus biến hóa ra nhiều chủng loại mới nguy hiểm hơn, đe dọa tiến trình chuyển sang "bình thường mới" của thế giới. Đứng trước tình hình này, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng kêu gọi thế giới cùng nhau đối phó và đưa ra những lựa chọn khó khăn nhưng cần thiết để đẩy lùi Covid-19.

Toàn cảnh đại dịch Covid-19

Cuộc chạy đua vắc xin Covid-19

Phát hiện biến thể mới có 32 đột biến của virus corona

02- BẠO LOẠN Ở TÒA NHÀ QUỐC HỘI MỸ GÂY CHẤN ĐỘNG THẾ GIỚI

Ngày 6/1/2021, đông đảo những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã kéo về Đồi Capitol, nơi có tòa nhà Quốc hội Mỹ, để phản đối kết quả cuộc bầu cử 2020. Họ vượt qua lực lượng an ninh, xông vào chiếm giữ và phá hoại một phần tòa nhà quốc hội nhằm ngăn chặn cuộc họp phê chuẩn chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Bạo loạn đã nổ ra khiến 5 người thiệt mạng. Sự kiện gây chấn động thế giới, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh và uy tín của một quốc gia luôn nhấn mạnh các giá trị dân chủ, và khiến nhiều nước tin rằng Mỹ đang suy yếu.

Tổng thống Donald Trump sau đó đã bị luận tội kích động cuộc bạo loạn, nhưng được Thượng viện tha bổng. Đến nay, khoảng 700 người liên quan đã bị buộc tội, hầu hết là tội nhẹ như xâm nhập trái phép. Tuy nhiên, hàng chục người khác phải đối mặt với cáo buộc tấn công và sở hữu vũ khí có thể gây chết người mà mức án phạt sẽ rất nghiêm khắc. Các nhà bình luận cho rằng, cuộc bạo loạn là điều có thể đoán trước vì nó là đỉnh điểm của tình trạng chia rẽ xã hội và những cáo buộc của ông Donald Trump về gian lận bầu cử.

Toàn cảnh cuộc khủng hoảng trên Đồi Capitol

Bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ qua lời người biểu tình

Ông Biden có hàn gắn được Mỹ?

03- ĐẢNG CỘNG  SẢN TRUNG QUỐC THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT LỊCH SỬ

Ngày 11/11, Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX tại Bắc Kinh đã bế mạc và thông qua nghị quyết mang tính bước ngoặt, đúc kết những thành tựu trọng đại và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm của đảng, vạch ra con đường cho tương lai. Đây là nghị quyết lịch sử thứ 3 được Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua kể từ khi thành lập, sau văn kiện năm 1945 của Chủ tịch Mao Trạch Đông nhằm xác lập mục tiêu của đảng và nghị quyết "về một số vấn đề lịch sử từ khi dựng nước đến nay" của ông Đặng Tiểu Bình năm 1981

"Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc đoàn kết chặt chẽ hơn nữa quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt, thực hiện đầy đủ kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình đề ra", nghị quyết nêu rõ. Hội nghị cũng quyết định, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào nửa cuối năm 2022.

Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua nghị quyết mang tính lịch sử

Trung Quốc công bố toàn văn nghị quyết lịch sử 36 nghìn chữ

04- ĐẢO CHÍNH QUÂN SỰ DẪN TỚI BIỂU TÌNH DỮ DỘI Ở MYANMAR

Sáng sớm 1/2, quân đội Myanmar bất ngờ bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các quan chức trong chính phủ do Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền. Quân đội Myanmar (Tatmadaw) đã ban bố tình trạng khẩn cấp và tuyên bố quyền lực đã được giao cho Thống tướng Min Aung Hlaing với cam kết tổ chức bầu cử trong vòng một năm. Tatmadaw tuyên bố cuộc tổng tuyển cử năm 2020 với phần thắng thuộc về NLD là không hợp lệ. Quân đội Myanmar đổ lỗi cho ủy ban bầu cử nước này đã không giải quyết các cáo buộc gian lận cử tri

Quân đội Myanmar cho rằng, điều đó vi phạm hiến pháp và có thể dẫn đến "sự tan rã của khối đoàn kết dân tộc" và đây là lý do dẫn tới việc chuyển giao quyền lực cho quân đội. Các nhà hoạt động Myanmar đã tổ chức các phong trào bất tuân dân sự, đình công và tẩy chay các doanh nghiệp có liên quan tới quân đội. Những cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo lực khi các lực lượng an ninh thực hiện biện pháp mạnh để đáp trả. Tướng Min Aung Hlaing đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm. Ngày 6/12, bà San Suu Kyi bị kết án hai năm tù với nhiều tội danh mà quân đội đưa ra.

Toàn cảnh cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar

Ngày biểu tình đẫm máu ở Myanmar, ít nhất 18 người chết

Bà Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức Myanmar bị bắt

05- MỸ VỪA RÚT QUÂN KHỎI AFGHANISTAN, TALIBAN LẬP TỨC TRỎ LẠI

Ngày 30/8, những binh sĩ cuối cùng của Mỹ rút khỏi Afghanistan. Đây là cuộc chiến dài nhất, “hao người, tốn của” nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cuộc chiến không chỉ cướp đi sinh mạng của 2.448 binh lính Mỹ và khoảng 170.000 người Afghanistan, mà còn khiến Mỹ phải chi khoảng 300 triệu USD mỗi ngày trong suốt hai thập niên. Tổng thống Joe Biden khẳng định, Mỹ rút toàn bộ binh lính vì đã đạt được các mục tiêu khi đưa quân sang Afghanistan, đó là làm suy yếu mạng lưới khủng bố al-Qaeda và giúp ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự thảm kịch ngày 11/9/2001 nhằm vào Mỹ.

Tuy nhiên, trước đó 15 ngày, Taliban đã chiếm đóng thủ đô Kabul, tuyên bố sẽ sớm thông báo về việc thành lập “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan”. Ngay sau khi giành quyền kiểm soát đất nước, Taliban đã trấn an thế giới bằng những lời hứa hẹn sẽ thúc đẩy hòa giải dân tộc, khẳng định tha thứ cho các đối thủ và bảo vệ quyền của phụ nữ theo đúng luật Hồi giáo. Tuy nhiên, cho tới giờ, chính quyền mới của Taliban vẫn chưa tạo được nhiều khác biệt khi phụ nữ vẫn bắt buộc phải đội khăn trùm đầu, bị yêu cầu tránh xa nơi làm việc và phải đối mặt với nhiều hạn chế khác.

Mỹ rút binh sĩ cuối cùng khỏi Afghanistan

Chiến sự ở Afghanistan

Taliban không giữ cam kết về quyền phụ nữ, LHQ lên tiếng

06- BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG, HÀNG LOẠT NƯỚC LÊN ÁN BẮC KINH

Trong năm 2021, tình hình Biển Đông với hàng loạt diễn biến nóng tiếp tục gây chú ý đối với cộng đồng quốc tế. Số hoạt động quân sự trên biển, dưới biển, trên không gia tăng nhanh chóng làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang và nguy cơ sự cố va chạm ngoài ý muốn. Đầu năm, Trung Quốc công bố luật Hải cảnh mới, cho phép cảnh sát biển nước này được sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài trong trường hợp cần thiết. Tới tháng 3, hàng trăm tàu của Trung Quốc ngang nhiên dàn hàng gần Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Những hành động của Trung Quốc đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ. Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Đức, Anh và nhiều quốc gia khác đã tổ chức tập trận, đưa tàu chi

ến qua Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải ở tuyến đường biển thương mại quan trọng nhất thế gi

ới này cũng như không chấp nhận các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Mỹ đã đưa một loạt công ty Trung Quốc, trong đó có Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen vì có hành động gây sức ép đối với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

CNN công bố video hàng trăm tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu

Oanh tạc cơ Trung Quốc tập trận ném bom, rải thủy lôi trái phép ở Biển Đông

Chiến hạm Đức lần đầu tiến vào Biển Đông sau gần 20 năm

07- RÒ RỈ HỒ SƠ PANDORA, NHIỀU BÍ MẬT ĐỘNG TRỜI ĐƯỢC PHANH PHUI

Hồ sơ Pandora là tên gọi chung của 11,9 triệu tập tài liệu rò rỉ từ 14 tổ chức ngân hàng và hãng dịch vụ tài chính, được những người giàu có, quyền lực thuê để tạo lập các tài sản và quỹ tín thác ở những "thiên đường thuế" như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ hay quần đảo Cayman… Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã tiến hành phân tích và xác minh tính chân thực của hồ sơ. Đợt công bố thông tin đầu tiên bắt đầu ngày 3/10, do một số hãng thông tấn "được lựa chọn" thực hiện.

Bộ tài liệu khổng lồ này chứa đựng những bí mật về các giao dịch và tài sản của 35 lãnh đạo thế giới (gồm cả những người đương nhiệm và đã về hưu), 100 tỷ phú và hơn 300 quan chức, từ các bộ trưởng chính phủ, thẩm phán đến các thị trưởng, tướng lĩnh quân đội ở hơn 90 quốc gia. Một số người có tên trong hồ sơ đang phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng, rửa tiền và trốn thuế ở nhiều nơi trên thế giới. Theo BBC, Hồ sơ Pandora là vụ rò rỉ "khủng" nhất trong những năm gần đây, lớn hơn nhiều so với Hồ sơ Panama năm 2016 và Hồ sơ Paradise năm 2017.

Tất tật về Pandora, hồ sơ mật hé lộ tài sản của loạt tỷ phú, chính khách

Hồ sơ Pandora - cơn sóng thần dữ liệu rò rỉ chấn động toàn cầu

'Mắt xích' giúp giới siêu giàu giấu tài sản

08- HAI CUỘC HỌP THƯỢNG ĐỈNH TRỰC TUYẾN THU HÚT CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

Tối 15/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến. Tại cuộc họp, Tổng thống Joe Biden tuyên bố mục tiêu của ông là đảm bảo sự cạnh tranh giữa hai nước "không biến thành xung đột". Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc khẳng định, hai bên phải tăng cường giao lưu và hợp tác để giải quyết nhiều thách thức đang gặp phải. Ông Tập đã so sánh hai nước Trung Quốc-Mỹ với "hai con tàu khổng lồ đang ra khơi", cần được giữ ổn định để không va chạm với nhau.

Sang đầu tháng 12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã họp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin. Đây cũng là một cuộc gặp được tiến hành trực tuyến. Hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã trao đổi thẳng thắn lập trường về một loạt vấn đề nhạy cảm như vấn đề Ukraina, NATO mở rộng về phía Đông… Tuy nhiên, cuộc hội đàm kết thúc mà chưa có giải pháp nào đối với những bất đồng đang khiến quan hệ hai nước xuống dốc. Mặc dù vậy, việc hai nhà lãnh đạo có thể đối thoại đã phát đi tín hiệu tích cực đối với việc kiểm soát mối quan hệ giữa hai cường quốc.

Lãnh đạo Mỹ - Trung khẳng định không muốn biến cạnh tranh thành xung đột

Giải mã cách tiếp cận mới của ông Biden với quan hệ Mỹ - Trung

Năm điểm chính của hội nghị trực tuyến Biden – Putin 

09-KÊNH SUEZ BỊ CHẶN ĐỨNG, GIÁN ĐOẠN CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU

Hôm 23/3, MV Ever Given, một trong những tàu chở hàng lớn nhất thế giới, có khả năng chở được 20.000 container cùng lúc, bất ngờ bị mắc cạn và bịt kín tuyến hàng hải qua kênh đào Suez, khiến mọi hoạt động di chuyển qua đây phải tạm dừng trong gần một tuần. Việc gián đoạn giao thông ở kênh đào Suez đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động giao thương, cũng như ngành công nghiệp vận tải biển toàn cầu. Nhiều tàu vận tải sau đó đã phải đổi hướng, vòng qua mũi Hảo Vọng của châu Phi, bất chấp việc thay đổi lộ trình như thế này gây tốn kém hơn.

Lloyd's List, một tạp chí tin tức về vận tải biển có trụ sở tại London (Anh), ước tính sau khi sự cố này xảy ra, giá trị hàng hóa vận chuyển qua kênh đào Suez trung bình chịu thiệt hại lên tới 9,7 tỷ USD/ ngày, với 5,1 tỷ USD đối với các chuyến vận tải về phía tây, và 4,6 tỷ USD đối với các chuyến vận tải về phía đông. Với ước tính trên, nền kinh tế thế giới phải chịu thiệt hại tới 400 triệu USD/giờ, nếu như tàu MV Ever Given còn tiếp tục bị mắc kẹt giữa kênh đào Suez. Lloyd's List cũng cho hay, số lượng tàu thuyền trung bình đi qua kênh đào Suez là 93 chiếc/ngày.

Bị tàu chở hàng khổng lồ chắn ngang, kênh đào Suez 'tắc nghẽn' 

Thế giới thiệt hại hàng trăm triệu USD mỗi giờ sau sự cố kênh đào Suez

Hình ảnh hàng trăm tàu thuyền tắc nghẽn trên kênh đào Suez

10- CĂNG THẲNG BIÊN GIỚI TRUNG-ẤN LEO THANG TRỞ LẠI

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc hôm 11/10 tuyên bố tiến trình đàm phán nhằm rút quân khỏi các khu vực tranh chấp dọc biên giới hai nước đã kết thúc mà không đạt được tiến triển nào. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết đã đưa ra “những đề xuất mang tính xây dựng”, song Trung Quốc “không đồng ý” và “không thể đưa ra bất kỳ đề xuất nào trong tương lai”. Trong khi, một phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc cho hay nước này đã nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng và thể hiện sự chân thành, nhưng phía Ấn Độ “luôn đưa ra các yêu cầu phi lý và không thực tế, gây thêm khó khăn cho đàm phán".

Đây là cuộc đàm phán cấp tư lệnh đầu tiên giữa Ấn Độ và Trung Quốc sau 2 tháng đình trệ. Việc tiếp tục gặp bế tắc trong đàm phán đồng nghĩa với việc hai quốc gia vẫn sẽ giữ nguyên quân đội ở các khu vực tiền tuyến tại Ladakh. Kể từ tháng 2, cả Ấn Độ và Trung Quốc đã rút quân khỏi một số địa điểm nằm giáp mặt nhau ở các bờ phía bắc và phía nam Hồ Pangong, khu vực Gogra và Thung lũng Galwan. Tuy nhiên, hai nước được cho là vẫn đồn trú nhiều binh sĩ được hỗ trợ bởi pháo binh, xe tăng và máy bay chiến đấu dọc các khu vực nằm trên Đường kiểm soát thực tế Trung-Ấn (LAC).

Ấn Độ và Trung Quốc đàm phán biên giới thất bại

Đàm phán thất bại, xe tăng Trung Quốc tập trận rầm rộ sát Ấn Độ

Ấn Độ triển khai nhiều vũ khí Mỹ tới sát biên giới với Trung Quốc

Báo VietNamNet

 10 SỰ KIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NỔI

 BẬT NĂM 2021

TRỌNG  ĐẠT/ VNN 28-12-2021

Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2021.

Đây đã là năm thứ 16 sự kiện bình chọn 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức.

Năm nay, các sự kiện này thuộc về nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ chế chính sách, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học, hội nhập quốc tế.


1. Đại hội XIII của Đảng xác định “khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo” là một trong các đột phá chiến lược.


Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra 3 nhóm giải pháp đột phá chiến lược để tiếp tục phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đây là lần đầu tiên, Văn kiện Đại hội Đảng xác định “khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo” là một trong các đột phá chiến lược để xây dựng và phát triển đất nước. Qua đó khẳng định, “khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo” không chỉ là động lực mà còn là trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.


10 sự kiện khoa học và công nghệ Việt Nam nổi bật năm 2021

Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược để phát triển đất nước. 


2. Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 6

Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 6 với chủ đề “Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức đã diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/10/2021.

Hội thảo thu hút sự tham dự của 600 nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, trao đổi về 10 lĩnh vực trọng tâm với tổng cộng 730 tham luận về các lĩnh vực: Lịch sử, kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế, văn hóa, xã hội, môi trường,…


3. Công trình khoa học Việt giành Giải thưởng Đổi mới sáng tạo châu Á


Công trình “Phát triển và ứng dụng hệ cảm biến sinh học để xác định nhanh BOD và độ độc trong nước” đã giành giải đặc biệt (Best Innovation Award) của Giải thưởng Đổi mới sáng tạo châu Á (Asia Innovation Award) năm 2021.

Đây là công trình do nhóm nghiên cứu của TS Phạm Thị Thùy Phương (thuộc Viện Công nghệ hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện.


10 sự kiện khoa học và công nghệ Việt Nam nổi bật năm 2021
TS Phạm Thị Thùy Phương (thứ 3 từ phải sang) và một số thành viên thuộc nhóm nghiên cứu.

Với chi phí đầu tư và vận hành thấp, hệ cảm biến sinh học này được kỳ vọng có thể ứng dụng trong các hệ thống quan trắc môi trường tự động và liên tục. Qua đó, đánh giá chất lượng nước trực tiếp tại nguồn hướng đến mục tiêu cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu những sự cố môi trường, góp phần bảo vệ sự sống dưới nước và trên mặt đất.

4. Mô hình thành phố thông minh của Viettel được công nhận hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới

Ngày 26/10/2021, Ban tổ chức Giải thưởng Truyền thông thế giới (World Communication Awards) 2021 đã công bố, mô hình thành phố thông minh do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) phát triển là hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới.

Viettel là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có trong danh mục đề cử và chiến thắng tại Giải thưởng này, vượt lên các tên tuổi lớn như China Telecom Global, KT Corporation, ZARIOT secured SIMs trong cùng hạng mục.


10 sự kiện khoa học và công nghệ Việt Nam nổi bật năm 2021

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên do Viettel triển khai, phát triển. Ảnh: Trọng Đạt

Mô hình thành phố thông minh của Viettel là giải pháp toàn diện với 14 trung tâm thành phần. Viettel có thể "may đo" theo nhu cầu, đặc điểm, thực trạng và văn hóa của từng tỉnh, thành phố giúp sử dụng nguồn lực địa phương một cách tối ưu nhất, đưa ra các phân tích chính xác, phù hợp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sự hài lòng của người dân.

5. Công trình kè chống sạt lở bờ biển huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Công trình kè chống sạt lở bờ biển khu du lịch khu vực Làng Chài, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa được nghiệm thu và bàn giao, đưa vào sử dụng giai đoạn 3 với tổng chiều dài khoảng 1,3km.

Thực trạng bờ biển huyện Xuyên Mộc từ lâu đã được đánh giá là bị sạt lở cục bộ rất nghiêm trọng. Việc thi công công trình kè cống sạt lở tại khu vực này là một đột phá mới về công nghệ để thi công trong điều kiện địa chất yếu, cát chảy, ngập nước (nước triều lên xuống liên tục).

Công trình kè mới không những giải quyết vấn đề chống xói lở, khắc phục sóng gió, dòng chảy mà giải quyết vấn đề bồi lắng.

6. Áo hạ nhiệt, chống nóng cho nhân viên y tế phòng, chống dịch Covid-19

Tháng 6/2021, mẫu áo hạ nhiệt dành cho nhân viên y tế đã được nhóm kỹ sư Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nghiên cứu và đưa vào sản xuất thử nghiệm.

Áo được thiết kế dạng áo gi-lê, mặc ngoài đồng phục y tế hoặc bên trong lớp áo bảo hộ y tế (PPE) để hỗ trợ làm mát cho nhân viên y tế trong quá trình làm việc, lấy mẫu bệnh phẩm hoặc điều trị người bệnh.


10 sự kiện khoa học và công nghệ Việt Nam nổi bật năm 2021

Áo hạ nhiệt làm giảm hiệu ứng sốc do nhiệt của nhân viên y tế khi mặc quần áo bảo hộ cá nhân để chống dịch.

Mẫu áo này được làm từ vải không dệt, tráng Polyphenyl Ether (có tác dụng chống nước và “biết thở”). Bộ phận quan trọng nhất trên áo là tổ hợp vật liệu chuyển pha gồm hỗn hợp polyme và muối ăn, có chức năng hạ nhiệt, được gắn trên thân trước và sau áo.

Khi áo hết mát, có thể vệ sinh và khử khuẩn bề mặt áo bằng cồn, sau đó để trong ngăn đông tủ lạnh khoảng bốn giờ cho lần sử dụng tiếp theo. Áo có tổng trọng lượng là 1.7 kg, có khả năng giữ nhiệt trong vòng 3 giờ.


7. “Mũ cách ly di động” Việt Nam được WIPO vinh danh

Ngày 29/11/2021, nhóm sáng chế “mũ cách ly di động” Vihelm của 3 bạn trẻ Việt Nam là Đỗ Trọng Minh Đức, Trần Nguyễn Khánh An và Nguyễn Hoàng Phúc đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trao tặng danh hiệu Đại sứ giới trẻ Sở hữu trí tuệ.

Đây là lần đầu tiên WIPO trao tặng danh hiệu này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cũng là lần thứ hai danh hiệu này được trao trong suốt 50 năm lịch sử của WIPO.

Vihelm được thiết kế trên nguyên lý hoạt động của mặt nạ có tên PAPR, lọc không khí với các tiêu chuẩn được toàn cầu công nhận và có độ an toàn gấp 100 lần so với khẩu trang N99.

10 sự kiện khoa học và công nghệ Việt Nam nổi bật năm 2021
“Mũ cách ly di động” Vihelm Make in Vietnam. 

Nhờ sáng chế của các bạn trẻ Việt Nam, người dùng có thể đội mũ thoải mái liên tục trong suốt một ca làm việc (khoảng 4 giờ) mà không lo bị ngứa hay nóng, trong khi nguy cơ lây nhiễm giảm tới 99,9%.

Theo nhóm Vihelm, sản phẩm này, sẽ thay đổi việc cách ly y tế bằng phương pháp “cách ly di động”. Tức là người bệnh F0 không có biến chứng hay F1 thay vì phải cách ly tại nhà hay tập trung vẫn có thể đội thiết bị này để ra ngoài sinh hoạt bình thường.

8. Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh được Pháp và Belarus vinh danh

Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vinh dự nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Cộng hòa Pháp và Huy chương của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Belarus.

Đây là sự ghi nhân của Pháp và Belarus đối với Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh vì những thành tích xuất sắc trong khoa học và đóng góp không ngừng trong thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ.

Huân chương Bắc đẩu Bội tinh là Huân chương cao quý, lâu đời và danh giá bậc nhất của Nhà nước Pháp. Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh là người Việt Nam đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ được trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của nước Pháp.

9. Vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Ngày 16/3/2021, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Đây là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Sau vải thiều Lục Ngạn, ngày 7/10/2021, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã tiếp tục cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận.

Việc vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là thành công của Việt Nam khi xuất khẩu được các loại nông sản vào thị trường khó tính Nhật Bản. Điều này cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc hỗ trợ các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản.

10 sự kiện khoa học và công nghệ Việt Nam nổi bật năm 2021

Chương trình “Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia - TECHFEST Việt Nam 2021”. Ảnh: Trọng Đạt

10. Ấn tượng TECHFEST 2021


Sau 3 tháng phát động, Chương trình “Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia - TECHFEST Việt Nam 2021” đã bế mạc ngày 15/12 với những con số ấn tượng.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, triển lãm trực tuyến Techfest247 đã được ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng, thu hút hơn 2,5 triệu lượt người tham dự trực tiếp và trực tuyến; hơn 120 sự kiện đã được tổ chức.

Nền tảng Techfest 247 đã có 997 gian hàng, 711 sản phẩm đăng ký giao thương, 11.558 lượt tham quan. Đặc biệt với chuỗi hoạt động kết nối đầu tư đã hỗ trợ gần 350 startup tiếp cận hơn 100 nhà đầu tư và quỹ đầu tư trong nước, quốc tế và tổng số tiền quan tâm đầu tư là hơn 15 triệu USD.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thế nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy. Hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Trọng Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét