Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

20211217. CAM KẾT COP26 VÀ NGHỊCH LÝ NGÀNH ĐIỆN VIỆT NAM

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CAM KẾT COP26 VÀ NGHỊCH LÝ NGÀNH ĐIỆN

 VIỆT NAM

NGUYỄN ĐĂNG ANH THI/ NĐT/BVN 9-12-2021

Điều kiện cần để đạt mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 là phải triệt để loại bỏ toàn bộ các dự án điện than xây mới sau 2021, và từng bước đóng cửa các nhà máy điện than đang vận hành như cam kết của Bộ trưởng Công Thương trong “Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch”.

Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26) tại Glasgow, Vương quốc Anh đã khép lại với thỏa thuận lịch sử về duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) được 197 quốc gia và vùng lãnh thổ nhất trí thông qua.

Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết đạt mức “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 nhờ triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ, dựa trên lợi thế về năng lượng tái tạo. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện lãnh đạo hơn 40 quốc gia khác cũng đã ký vào “Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch”. Trọng tâm của tuyên bố là chuyển dịch từ sản xuất điện than hiện hữu sang điện sạch chậm nhất là vào thập niên 2040; ngừng cấp phép, ngừng xây mới các dự án điện than, chấm dứt nguồn hỗ trợ mới và trực tiếp của chính phủ đối với điện than trên toàn thế giới.

Dù cụm từ "loại bỏ hoàn toàn than đá" (phase-out coal) được thay bằng "giảm dần sử dụng than đá" (phase-down coal), nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, mà đặc biệt là than đá, được đưa vào trong một hiệp định của Liên hợp quốc.

Nước Anh là nơi khởi nguồn của nhiệt điện than, khi nhà máy điện than thương mại đầu tiên trên thế giới được Thomas Edison đưa vào vận hành năm 1890 tại London. Giờ đây, nước Anh cũng là nơi đặt nền tảng cho sự cáo chung của nhiệt điện than sau hơn 140 năm lịch sử với sự thông qua của Hiệp định Khí hậu Glassgow (Glassgow Climate Pact).

Năng lượng tái tạo lên ngôi, điện than thoái trào 

Trong 10 năm qua, đầu tư vào năng lượng tái tạo là xu hướng chính trong phát triển nguồn điện trên toàn cầu. Theo số liệu của REN21, tính đến cuối năm 2020, công suất lắp đặt mới của năng lượng tái tạo luôn cao hơn của năng lượng hóa thạch và điện hạt nhân cộng lại trong 10 năm liên tiếp. Đặc biệt, công suất nguồn điện lắp đặt mới từ năng lượng tái tạo tăng thêm trong năm 2020 chiếm 83%, trong khi từ năng lượng hóa thạch và điện hạt nhân chỉ chiếm 17%.

Thành tích này đạt được nhờ những chính sách và mục tiêu ổn định của các quốc gia về năng lượng tái tạo, đi kèm là sự giảm giá và phát triển công nghệ của loại hình năng lượng này.

Tỷ lệ phát triển các nguồn điện mới theo công suất giai đoạn 2010-2020.

Cũng từ báo cáo của REN21 cho thấy năng lượng tái tạo ngày càng có giá thành cạnh tranh so với các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Trong 10 năm qua, giá điện mặt trời đã giảm đến 85%, giá điện gió ngoài khơi giảm 48%, giá điện gió trên bờ giảm 54%.

Năm 2020, giá điện mặt trời và điện gió trên bờ đã hoàn toàn rẻ hơn so với điện từ than và khí.

Số liệu của REN21 cho thấy trung bình toàn thế giới trong năm 2020, giá phát điện mặt trời là 0,057 US$/kWh, giá phát điện gió trên bờ là 0,041 US$/kWh và giá phát điện gió ngoài khơi là 0,084 US$/kWh.

Sự giảm giá ngoạn mục của điện gió và mặt trời chỉ trong một thập niên qua đã lý giải về sự lên ngôi của điện mặt trời và điện gió trong phát triển nguồn điện mới trên thế giới.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo điện mặt trời và điện gió tiếp tục dẫn đầu làn sóng tăng trưởng nguồn điện cho đến năm 2040, song hành cùng nhiệt điện khí và thủy điện. Trong khi đó, nhiệt điện than gần như đã đạt sự bão hòa trong suốt 20 năm tới.

Trong 10 năm qua, tỷ trọng sản lượng điện than trên toàn bộ sản lượng điện toàn cầu giảm từ 40,3% xuống còn 33,8%. Ngược lại, tỷ trọng sản lượng điện gió và mặt trời tăng liên tục từ 1,8% đến 9,4%. Chỉ trong vòng một thập niên, sản lượng điện gió và mặt trời đã tăng đến 545,8% trong khi sản lượng điện toàn cầu chỉ tăng 24,5%. Điều này cho thấy năng lượng tái tạo lên ngôi và điện than thoái trào trên thế giới theo xu thế không thể đảo ngược.

Ảnh: CTV

Theo Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM), chỉ riêng Trung Quốc tăng công suất 38.400 MW các nhà máy nhiệt điện than mới trong năm 2020, tiến trình loại bỏ điện than tại phần còn lại của thế giới vẫn diễn ra mạnh mẽ. Tổng công suất các nhà máy điện than bị đóng cửa tiếp tục ghi nhận mức cao kỷ lục là 37.800 MW trong năm 2020. Trong đó, đứng đầu là Mỹ (11.300 GW) và EU27 (10.100 MW).

Một số quốc gia châu Á như Indonesia, Bangladesh, Philippines đã tuyên bố đang tiến hành hủy hoặc rà soát các dự án điện than mới, riêng Nhật Bản và Hàn Quốc đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ngay cả trước COP26. GEM nhận định rằng trong bối cảnh khó huy động vốn cho dự án điện than và chi phí năng lượng tái tạo giảm, các dự án điện than sẽ càng bị trì hoãn hơn nữa và thậm chí ngày càng trở nên bất khả thi về tài chính.

Điện than, thủ phạm đe dọa tham vọng “phát thải ròng bằng 0”

Thế giới đang tháo chạy khỏi điện than, trong khi Việt Nam (và Trung Quốc) đang làm điều ngược lại.

Mười năm trước, điện than chỉ đóng vai trò thứ yếu trong lưới điện quốc gia, khi chỉ đóng góp 17,6% sản lượng, kém xa so với điện khí (49,4%) và thủy điện (30,1%). Nhưng chỉ cần một thập niên liên tục mở rộng công suất, điện than đã là “quân vương” tại Việt Nam khi đóng góp đến 52,9% sản lượng điện, vượt qua thủy điện (25,5%) và “dìm” điện khí xuống hàng thứ yếu (chỉ còn 15,7%). Trong khi sản lượng điện toàn hệ thống chỉ tăng chưa đến 3 lần, thì sản lượng điện than đã tăng gần 9 lần sau 10 năm. Tỷ trọng sản lượng điện than của Việt Nam hiện đã cao gấp 1,6 lần mức trung bình của thế giới (52,9% so với 33,8%), trong khi tỷ trọng sản lượng điện gió và mặt trời chỉ xấp xỉ một nửa của thế giới (5,4% so với 9,4%).

Nguồn: Tác giả vẽ theo số liệu của Our World in Data, 11.2021.

Việc liên tục gia tăng công suất và sản lượng điện than đã đưa Việt Nam thành “cường quốc điện than” của thế giới, dù quy mô hệ thống điện Việt Nam chỉ xếp thứ 23 thế giới. Theo Global Coal Plant Tracker, Việt Nam hiện xếp thứ 6 châu Á và thứ 11 trên thế giới về công suất lắp đặt nhiệt điện than. Ba nước đứng đầu thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Với đề xuất xây mới 27 nhà máy điện than trong 15 năm tới theo dự thảo Quy hoạch Điện WIII (QHĐ8) tháng 10 vừa rồi, phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ còn tăng liên tục, thấy rõ nguy cơ QHĐ8 làm tiêu tan tham vọng ‘phát thải ròng bằng 0’ vào năm 2050 của Việt Nam.

Nếu chọn điện than làm trụ cột trong ba thập niên tới với tỷ lệ sản lượng điện than chiếm 45,5% vào năm 2030 và 32,4% vào năm 2045 như dự thảo QHĐ8, Việt Nam không thể nào đạt mục tiêu ‘phát thải ròng bằng 0’ khi không có nguồn điện nào kịp thay thế điện than. Theo báo cáo thuyết minh QHĐ8 (2.2021), ước tính phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng năm 2045 lên đến 350 triệu tấn CO2 tương đương, đúng bằng toàn bộ lượng phát thải của Việt Nam năm 2020. Việc đưa lượng phát thải khổng lồ này về 0 sau đó 5 năm là điều phi thực tế.

Với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chắc chắn Việt Nam phải chỉnh sửa lại QHĐ8 cho phù hợp. Trong đó, trọng điểm sẽ là tái cấu trúc ngành năng lượng theo hướng tập trung vào điện sạch, từ bỏ điện than.

Phát triển ngành điện theo hướng nào để đạt ‘phát thải ròng bằng 0’ vào năm 2050?

Tổ chức Y tế thế giới ước tính có khoảng 60.000 người chết mỗi năm tại Việt Nam có liên quan đến ô nhiễm không khí. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tại Việt Nam khoảng 5% GDP mỗi năm, tương đương 13 tỉ USD. Theo lượng than đá tiêu thụ, các nhà máy nhiệt điện than gây ra thiệt hại do ô nhiễm không khí đến 4,5 tỉ USD mỗi năm.

Việc chuyển hướng mạnh mẽ qua năng lượng sạch cũng sẽ giúp Việt Nam củng cố an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Con đường này sẽ giúp Việt Nam định vị là một quốc gia hàng đầu khu vực về năng lượng tái tạo...

Bụi và tro xỉ than của các nhà máy đã làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống con người. Ảnh minh hoạ: Trần Đình Thương

Sử dụng điện kém hiệu quả nhất thế giới

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra giá điện sản xuất của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong các nước châu Á. Chính sách duy trì giá điện sản xuất thấp đã dẫn đến việc du nhập ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng như thép, xi măng, hóa chất… và những công nghệ lạc hậu từ nước ngoài, gây lãng phí điện năng và tạo áp lực liên tục lên nguồn cung điện. Như một vòng luẩn quẩn không lối ra, Việt Nam lại phải tiếp tục tìm nguồn vốn bổ sung nguồn điện mới, trông cậy vào nhiệt điện than để giải tỏa cơn khát điện…

Để đánh giá hiệu quả sử dụng điện của một quốc gia, người ta dùng chỉ số cường độ điện năng. Đó là lượng điện năng tiêu thụ để tạo ra 1 USD tăng trưởng GDP. Tổng hợp từ số liệu của BP (tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Anh) và WB cho thấy trung bình 10 năm qua, cường độ điện năng của Việt Nam gấp 2,7 lần trung bình thế giới. Con số này của Việt Nam gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; 1,6 lần Trung Quốc; 1,8 lần Malaysia; 2,2 lần Hàn Quốc; 2,5 lần Thái Lan; 3,1 lần Philippines; 3,4 lần Indonesia; 3,9 lần Nhật Bản và 5,7 lần Singapore.

2020 là một năm bất thường khi tiêu thụ điện và GDP đều giảm do tình hình COVID-19 nên không có tính đặc trưng. Dù vậy, ước tính cường độ điện năng năm này cũng không khác biệt so với trung bình 10 năm qua. Thông tin này cho thấy Việt Nam không thể đạt mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” nếu không cải cách sâu rộng về mô hình tăng trưởng, bằng cách chuyển sang mô hình kinh tế phát thải thấp, theo hướng ít sử dụng tài nguyên không tái tạo nhưng vẫn tạo ra giá trị gia tăng cao, chẳng hạn ưu tiên các ngành công nghệ thông tin, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp năng lượng sạch…

Phát triển ngành điện theo hướng nào?

Vài năm gần đây, luồng ý kiến ủng hộ điện than luôn cho rằng điện than có giá thành rẻ, và điện than sẽ đóng vai trò đảm bảo an ninh năng lượng. Nhưng với việc ngày càng phụ thuộc vào than nhập cho những cỗ máy đốt than “như uống nước lã”, nguy cơ mất an ninh năng lượng quốc gia ngày càng gia tăng khi điện than hiện đã chiếm 52,9% tỷ trọng sản lượng, trong khi không chủ động được nguồn nhập than dài hạn và không kiểm soát được sự gia tăng của giá than thế giới. Cơn khủng hoảng điện tại Trung Quốc do phụ thuộc điện than đang là bài học nhãn tiền.

Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) năm 2014 nghiên cứu về chuyển đổi năng lượng tại 15 quốc gia cho thấy khả năng tỷ trọng VRE (điện mặt trời và gió) vượt trên 30% trong lưới điện có thể đạt được với chi phí gia tăng không đáng kể nhờ vào cải thiện chính sách, hệ thống quản lý, và lập kế hoạch tốt hơn. Một nghiên cứu khác của phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Mỹ (NREL) năm 2018 cũng chỉ ra rằng có thể tích hợp tỷ trọng VRE đến 25% vào lưới điện chỉ bằng các giải pháp về quản lý. Việc đầu tư thêm vào các nguồn phát điện linh hoạt để hỗ trợ lưới điện chỉ thực sự cần thiết khi tỷ trọng VRE cao hơn 25%.

Báo cáo World Energy Oulook 2021 của IEA cho thấy do sự giảm giá mạnh mẽ của điện gió và mặt trời, hiện đã có trên 130 quốc gia cam kết nâng công suất và sản lượng các nguồn điện sạch này đủ để đáp ứng nhu cầu điện năng trong 10 năm tới. Dự kiến tỷ trọng VRE trên toàn cầu năm 2030 sẽ đạt 30%, so với mức 9,4% hiện nay. Do đó, Việt Nam có thể tự tin đặt mục tiêu tỷ trọng VRE năm 2030 bằng mức trung bình của thế giới là 30% mà không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều vào nguồn linh hoạt như pin tích năng.

Từ những phân tích trên, điều kiện cần để đạt mục tiêu ‘phát thải ròng bằng 0’ vào năm 2050 là phải triệt để loại bỏ toàn bộ các dự án điện than xây mới sau 2021, và từng bước đóng cửa các nhà máy điện than đang vận hành như cam kết của Bộ trưởng Công thương trong “Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch”. Quy hoạch điện mới sẽ ưu tiên phát triển nhiệt điện khí để củng cố phụ tải nền và tăng cường độ linh hoạt của hệ thống điện, đồng thời phát triển mạnh điện gió và điện mặt trời.

Các nguồn khí nội địa từ mỏ Lô B, Cá Voi Xanh và tương lai là Kèn Bầu, cùng với nguồn LNG nhập khẩu từ Australia, Quata, Mỹ, Nga, Canada… sẽ giúp Việt Nam chuyển đổi từ điện than sang điện khí theo xu hướng trên toàn cầu. Việc các nhà đầu tư liên tục đề xuất các dự án điện khí là tín hiệu rất tốt cho định hướng này, nhưng việc có các chính sách và thủ tục nhất quán để thúc đẩy đầu tư là điều mà các nhà đầu tư đang mong đợi để điện khí thật sự “cất cánh”.

Theo lộ trình điện gió ngoài khơi theo được WB đề xuất, WB cho rằng điện gió ngoài khơi có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng bền vững nhu cầu điện đang gia tăng nhanh chóng của Việt Nam và có tiềm năng cung cấp 12% sản lượng điện năng của Việt Nam vào năm 2035, giúp giảm phát thải hơn 200 triệu tấn CO2 và tạo ra 50 tỷ đô la Mỹ cho nền kinh tế Việt Nam.

Việc chuyển hướng mạnh mẽ qua năng lượng sạch cũng sẽ giúp Việt Nam củng cố an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Con đường này sẽ giúp Việt Nam định vị là một quốc gia hàng đầu khu vực về năng lượng tái tạo. Theo đó, Việt Nam có thể đảm nhận vai trò là trung tâm sản xuất thiết bị công nghệ, cung cấp dịch vụ hậu cần, vận hành, bảo dưỡng, đào tạo, và dịch vụ tài chính năng lượng tái tạo cho cả khu vực Đông Nam Á.

Cam kết ‘phát thải ròng bằng 0’ vào năm 2050 và từ bỏ điện than đã thật sự đưa Việt Nam đón nhận vận hội mới. Hàng loạt các tổ chức như EU, WB hay các quốc gia như Anh, Mỹ, Đan Mạch… đều đã ngỏ lời giúp Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng chuyển dịch năng lượng và cập nhật cam kết giảm phát thải. Điều đó cho thấy rằng, lựa chọn con đường phát triển đúng đắn bằng cách đứng vào hàng ngũ những quốc gia có trách nhiệm khí hậu sẽ giúp Việt Nam tối ưu hóa nội lực và huy động được ngoại lực.

N.Đ.A.T.

Nguồn: Người Đô thị

N.Đ.A.T. Chuyên gia năng lượng và môi trường

Nguồn: Người Đô thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét