Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

20211226. RÈN LUYỆN KỸ NĂNG PHẢN BIỆN CHO SINH VIÊN

ĐIỂM BÁO MẠNG

SINH VIÊN VỚI VIỆC RỀN LUYỆN KỸ NĂNG 

TƯ DUY PHẢN BIỆN

TRẦN NGUYÊN HÀO/ GDVN 20-12-2021

GDVN- Thuật ngữ “tư duy phản biện” hay “tư duy biện luận” được dịch từ thuật ngữ “critical thinking” trong tiếng Anh.

Đây là một thuật ngữ rất quan thuộc trong các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới (đặc biệt là giáo dục ở bậc đại học) nhưng vẫn còn khá mới mẻ trong nền giáo dục Việt Nam.

Thế nào là tư duy phản biện, kỹ năng tư duy phản biện?

Trong tài liệu tập huấn về Kỹ năng sống của tổ chức World Vision Việt Nam, các tác giả đã đưa ra định nghĩa về tư duy phản biện như sau: “Tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgíc, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm”. [4, tr.17]

Có thể nói, định nghĩa trên đã nêu bật được đầy đủ và tường minh nội hàm của khái niệm “tư duy phản biện”.

Định nghĩa đã gợi mở thêm cho nhận thức của chúng ta về tư duy phản biện và sự thực hành tư duy phản biện trong thực tế đó là “tư duy có suy xét, phân tích, đánh giá, tìm hiểu thông tin và cả sự hoài nghi tích cực (nếu có) để từ đó lập luận và chứng minh lập luận bằng những thông tin đã được kiểm chứng để đưa ra một kết luận cuối cùng mang tính thuyết phục, phù hợp với thực tiễn và quy luật lôgíc nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra”. [3, tr.8]

Từ việc phân tích các định nghĩa về tư duy phản biện, qua đó làm rõ nội hàm của khái niệm tư duy phản biện và chỉ ra các đặc điểm, yêu cầu của người có tư duy phản biện, chúng tôi bước đầu đưa ra định nghĩa về kỹ năng tư duy phản biện như sau: Kỹ năng tư duy phản biện là khả năng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm để xác định, phân tích, suy luận và đánh giá một vấn đề nào đó dựa trên các tiêu chuẩn trí tuệ trước khi đưa ra kết luận hay quyết định nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề đặt ra.

Ảnh minh họa trên Ngheluat.edu.vn

Những tiêu chuẩn của trí tuệ với tư cách là một dấu hiệu quan trọng trong nội hàm của khái niệm kỹ năng tư duy phản biện được hiểu là: Sự rõ ràng, sự đúng đắn, sự chính xác, tính liên quan, tính lôgíc, tính có ý nghĩa, có chiều sâu, chiều rộng và sự công bằng.

Người có kỹ năng tư duy phản biện sẽ áp dụng các tiêu chuẩn trí tuệ đó khi thực hiện các thao tác của kỹ năng, bao gồm: Xác định và phân tích vấn đề, suy luận và đánh giá thông tin liên quan vấn đề, giải quyết vấn đề. [2, tr.89]

Các kỹ năng cụ thể cốt lõi của tư duy phản biện là: luôn luôn biết đặt câu hỏi nghi vấn “có đúng là vậy không”; kỹ năng quan sát; biết thu thập thông tin, bằng chứng, lý lẽ để khảo sát lại mọi vấn đề; lý giải được vấn đề; xác định được nguyên nhân, hậu quả, hệ quả của vấn đề; kiên định giá trị cá nhân.

Sinh viên cần làm gì để rèn luyện, phát triển kỹ năng tư duy phản biện?

Thứ nhất, sinh viên cần xác định đúng đắn mục tiêu học tập, mục tiêu nghề nghiệp của mình trong tương lai; tích cực chủ động trong quá trình học tập, rèn luyện, đặc biệt là trong tự học, tự nghiên cứu

Điều này sẽ trực tiếp góp phần quan trọng nâng cao kỹ năng tư duy độc lập, sáng tạo nói chung, tư duy phản biện nói riêng ở sinh viên.

Hiện nay, tài liệu số về tư duy phản biện, kỹ năng tư duy phản biện rất phong phú, đa dạng trên mạng internet.

Với sự hỗ trợ đắc lực của Google, sinh viên rất dễ dàng tìm kiếm được những thông tin, tri thức bổ ích, phù hợp về tư duy phản biện, kỹ năng tư duy phản biện cho mình.

Đồng thời trên mạng internet cũng có nhiều khóa học trực tuyến về tư duy phản biện cho sinh viên lựa chọn để học tập.

Điều quan trọng là sinh viên phải nhận thức được tầm quan trọng của tư duy phản biện, sự cần thiết phải trang bị kiến thức, kỹ năng về tư duy phản biện để có thể học tập, nghiên cứu khoa học tốt hơn.

Bởi tư duy phản biện là cách tư duy, giải quyết vấn đề một sáng tạo, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu công việc sau khi ra trường, chinh phục được các nhà tuyển dụng sử dụng lao động chất lượng cao và có cơ hội thăng tiến, thành công trong nghề nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống.

Thứ hai, trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học cũng trong các hoạt động ngoại khóa, sinh viên phải chủ động thể hiện thói quen phản biện và thái độ phản biện tích cực thông qua việc thường xuyên áp dụng các phương pháp tư duy, các kỹ năng tư duy phản biện

Trước hết, sinh viên phải nâng cao năng lực ghi nhận thông tin đúng đắn bằng các phương pháp hiệu quả.

Thông tin là nguyên liệu của tư duy, đặc biệt là tư duy phản biện, vì vậy, năng lực ghi nhận thông tin đúng, chính xác, rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tư duy tư duy phản biện.

Sinh viên cần rèn luyện thói quen “khi tiếp nhận thông tin không vội vàng ứng xử ngay lập tức (vội bác bỏ hay chấp nhận), mà phải trả lời các câu hỏi sau đây:

- Thông tin này làm cho tôi có cảm giác như thế nào?

- Thông tin này có cần cho tôi không?

- Thông tin này đến từ nguồn nào?

- Tôi sẽ ứng xử như thế nào trước thông tin này?

Các câu hỏi trên sẽ giúp sinh viên hạn chế sự can thiệp của yếu tố cảm xúc, tính cách cũng như các quan niệm cá nhân trong việc xử lý thông tin, giúp cho việc nhìn nhận vấn đề mình đang gặp phải chính xác hơn và tìm ra giải pháp đúng đắn hơn”. [5, tr.35]

Sinh viên phải thường xuyên động não, đặt câu hỏi nghi vấn tích cực, tìm kiếm thông tin, dẫn chứng, lý lẽ để lập luận, khẳng định lại vấn đề; phải đưa ra được những nhận định, đánh giá của riêng mình hoặc biến tri thức trong giáo trình, tài liệu thành tri thức của mình, thúc đẩy trí tuệ phát triển.

Trong các giờ học, sinh viên phải tích cực, chủ động hơn trong việc xây dựng bài, đưa ra các câu hỏi mang tính lôgíc để hiểu sâu rộng hơn vấn đề; hăng hái tham gia các hoạt động thảo luận, tranh luận khoa học hay thực hành kỹ năng tư duy phản biện.

Sinh viên cần nhiệt tình tham gia các phong trào Đoàn, Hội, nhất là các phong trào, các sự kiện mà trong đó có hoạt động làm việc đội nhóm, sinh viên cùng nhau tự xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình.

Qua các hoạt động, chương trình như vậy, sinh viên sẽ rèn luyện và phát triển được kỹ năng tư duy phản biện một cách tự nhiên.

Thứ ba, sinh viên cần thường xuyên rèn luyện tư duy phản biện bằng cách áp dụng các thao tác kỹ năng tư duy phản biện vào phân tích, đánh giá các vấn đề xã hội

Các vấn đề xã hội mà sinh viên cần tham gia phân tích, đánh giá là các luận đề, các nhận định được đưa ra trong đời sống xã hội nhưng đang có nhiều quan điểm trái chiều, nhiều tranh cãi hoặc chưa thực sự thuyết phục.

Sinh viên cũng cần có thói quen áp dụng các kỹ năng tư duy phản biện cụ thể vào việc xem xét các vấn đề mới, kiến thức mới mà mình được nghe, được đọc với những thái độ tích cực trong khi thực hiện tư duy phản biện.

Mặt khác, sinh viên cần tìm đọc nhiều cuốn sách về phương pháp, kỹ năng tư duy, về phát triển bản thân được viết bởi những tác giả nước ngoài với những cách tiếp cận rất mới mẻ. Việc đọc các cuốn sách này sẽ giúp sinh viên có những góc nhìn mới, cách tiếp cận mới về nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội và có thể áp dụng với bản thân mình, qua đó sẽ góp phần giúp sinh viên phát triển tư duy phản biện cho mình.

Tư duy phản biện, kỹ năng tư duy phản biện rất cần thiết cho sinh viên để phát triển tư duy độc lập, sáng tạo và giúp sinh viên tiếp cận, lĩnh hội những tri thức đúng đắn một cách chủ động hơn, vững chắc hơn.

Vì vậy, ngay từ khi bước vào giảng đường đại học, sinh viên cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng về tư duy phản biện, đồng thời phải nhận thức được sâu sắc về vai trò của tư duy phản biện và biết tự đặt mục tiêu, kế hoạch cụ thể để rèn luyện, phát triển kỹ năng tư duy phản biện cho mình trong hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học cũng như trong đời sống.

Tài liệu tham khảo:

[1] Vũ Văn An, Bùi Ngọc Quân (2017), Rèn luyện khả năng tư duy phản biện cho sinh viên trong quá trình dạy học bậc đại học, Tạp chí khoa học: Khoa học Giáo dục, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, tập 14, số 7

[2] Nguyễn Thị Giang, Phạm Xuân Quang, Dương Hồng Thắm, Thực trạng kỹ năng tư duy phản biện trong hoạt động học tập của sinh viên khóa 8, khoa giáo dục, học viện quản lý giáo dục, Juornal of Education Management, 2017, Vol, 9, No.9

[3] ThS. Định Ngọc Hạnh (2014), Một số vấn đề lý luận về tư duy phản biện trong giáo dục đào tạo, Tạp chí Khoa học Cảnh sát nhân dân, số 3, quý 1

[4] Viện Doanh trí Văn Hiến - Trường Đại học Văn Hiến, Tài liệu môn học Kỹ năng mềm Kỹ năng tư duy sáng tạo và phản biện (Tài liệu lưu hành nội bộ)

[5] Lê Thanh Thể, Thực trạng và đề xuất biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng tư duy phản biện cho sinh viên Trường Đại học Đồng Nai theo giáo dục học Phật giáo, Tạp chí Khoa học - Đại học Đồng Nai, số 6-2017

Trần Nguyên Hào
TƯ DUY PHẢN BIỆN 
TRONG QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG/ GDVN 1-5-2019
(GDVN) - Muốn dạy con trẻ thế kỷ này tư duy phản biện, hãy dạy cho đúng sự thật, cho đến tận nguồn cơn của mọi câu chuyện…chứ đừng nên gây dựng những “huyền thoại" ảo.

LTS: Tiếp tục gửi tới bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về tư duy phản biện trong quá trình học tập, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Nhân kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5 được nghỉ ngơi, tôi có dịp xuống nhà sách Phương Nam (Quận 10) để tìm sách mới. 

Tôi lang thang thư thả, ngó nghiêng xem thử xã hội học tập của Việt Nam, của Sài Gòn, qua góc nhìn của sách thế nào.

Trong lúc đang rưng rưng nhớ lại những cuốn của Nguyễn Hiến Lê nhàu nát thủa nào hồi những năm 1980, đọc lại được một ghi nhớ nhỏ của bác trong cuốn “Tự Học Để Thành Công” (1954), “Làm sao để dân tộc ta có thể tiến mau được?….Giáo dục hóa quần chúng”. 

Triết lý này của Nguyễn Hiến Lê không xa lạ gì với tất cả các triết lý giáo dục tiên tiến dành cho con người, mà Abraham Lincoln của Mỹ đã đề cập đến từ thời 1863.

Ấy thế nhưng, một em nhỏ đứng gần nói rất to ra vẻ hiểu biết, chỉ một cuốn viết về Jack Ma, nói với mấy bạn đứng cạnh: “Đây đã từng là thầy giáo đấy, đi buôn và thành tỷ phú”.

Tôi tò mò nhìn sang, định hỏi thử xem mấy nhỏ đó: “Thế con thích làm gì? Nhà giáo hay đi buôn thành tỷ phú?” và có biết con đường nào để làm tỷ phú ở những nước như Trung Quốc, Việt Nam hay kể cả ở Mỹ và thế giới là thế nào không?

Tôi không có quyền và cũng không có vị trí gì để phán xét ai cả. Nhưng nhân em nhỏ đó nói về người thầy, đã từng làm thầy, và đã đi buôn để thành tỷ phú…tất cả đều không có gì sai, chỉ có điều nó chả đủ thông tin và chả nói lên được điều gì.

Và điều này, theo quan điểm cá nhân tôi là sự thất bại rõ trong giáo dục kỹ năng mà người ta gọi là “tư duy phản biện”. 

Có lẽ toàn bộ hệ thống giáo dục và kỹ năng học của chúng ta, mặc dù ở thế kỷ 21, nói rất nhiều đến đủ các loại kỹ năng, nhưng thú thật, khi đọc sang đến mấy cuốn như kiểu trên đây, “Làm thế nào để nghĩ như Obama?” (tôi là một người rất kính trọng và yêu thương Obama, bởi bác là hình ảnh lý tưởng của một nước Mỹ hòa hợp và vươn lên), tôi phát ớn với việc “dùng kỹ thuật marketing” để bán hàng của nước Mỹ, nhất là trong giáo dục.

Xin được có vài phân tích nhỏ, để mọi người cùng suy nghĩ và biết đâu, đến một ngày nào đó, tôi cũng có mặt trên bìa cuốn nào đó, ở đâu đó trên thế giới mạng, giống như Obama! Và người ta cũng “bán” tôi để marketing dịch vụ giáo dục toàn cầu? 

Nếu có nhìn thấy ảnh tôi, giọng nói của tôi, tư duy của tôi, cách viết văn kiểu như thế này của tôi, xin các bạn hãy liên hệ lại, để tôi có thể thực hiện các biện pháp chống “hàng giả, hàng gian”, ăn cắp trí tuệ, cấp độ toàn cầu, cho vinh danh trí tuệ Việt!

Tác giả Nguyễn Thị Lan Hương. Ảnh tác giả cung cấp.

Tháng 12/2014, khi theo học tiến sỹ về quản trị lãnh đạo đại học tại A&M University – Corpus Christi, tôi phải làm bài luận về Hoạt động của Sinh viên – Thay đổi thế giới (Student Activism – Change the world).

Tôi lựa đại đề tài về Chiến tranh Việt Nam, bởi tôi đã đọc thấy sinh viên Mỹ phản chiến và chết 4 người để phản đối.

Tôi nghĩ đề tài đó phù hợp và “dễ” xơi, bởi tôi là người Việt, học lịch sử Việt Nam và Mỹ, ở nước Mỹ và do người Mỹ viết lại, thật thú vị! 

Nhưng vì đây đang là bài viết về tư duy phản biện và về “Đã từng là Người Thầy”, nên xin được nói đôi chút về việc khác, người khác, Tổng thống Mỹ thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, Lynson B. Johnson [1].

LBJ đã là một người thầy giáo và ở vùng khó khăn của Texas trong nhiều năm, trước khi tham gia vào chính trị và trở thành tổng thống thứ 36, theo hồi ký cá nhân ghi lại “Tôi không thể là Tổng Thống Mỹ đầu tiên thua trận…”.  

LBJ đã từng là một vị tổng thống được ca ngợi rất nhiều về những đề xuất các chủ trương lớn cho một Great Society (Xã hội Vĩ Đại), đưa ra các đề xuất cải cách dân sự triệt để cho người dân Mỹ, đặc biệt dấu ấn của ông là Civil Rights Act (Đạo luật Quyền Dân Sự). 

Tôi xúc động khi đọc đến phần mô tả những cảm xúc của ông thời ông là thầy giáo…“Tôi đi thăm những khu trẻ em nghèo, những căn nhà dột nát và chật chội, và tôi phải dạy dỗ chúng để sao cho, chúng có thể không phải ở những căn nhà đó như thế mãi…”.

Tôi có hỏi giáo sư của tôi, trong môn học Quản Trị Sinh Viên rằng: “Tại sao một tổng thống, một con người biết nghĩ về trẻ em Mỹ, biết nghĩ về người dân nghèo xứ Texas khổ sở của Mỹ như vậy, đã lại là người quyết định đem quân sang Việt Nam đánh chiếm? Mà lại chỉ vì một lý do, “Tôi không thể là Tổng thống Mỹ đầu tiên thua trận?”.

Lúc suy nghĩ như thế, những cảm xúc của một con người, cảm xúc biết yêu thương và lo lắng cho trẻ em, cho người nghèo của Mỹ đã ở đâu?

Hay trẻ em Việt Nam, người Việt Nam không quan trọng trong mọi quyết định của lãnh đạo Mỹ lúc đó?”.

Và tôi nghĩ, nếu lúc đó, LBJ quyết định với tư cách và tâm hồn của một thầy giáo, biết xót thương trẻ em và người nghèo Mỹ, cũng như cho người Việt, có khi chúng ta đã không phải gánh chịu hệ lụy chiến tranh bao năm tháng, một cuộc chiến đã chính thức được thừa nhận “sai bên, sai mục đích, sai đối tác…”.

Cũng nhân nói về người đã từng là thầy giáo của Trung Quốc, nếu ai đã từng lăn lộn với các tập đoàn lớn toàn cầu, chả ai xa lạ gì với cái tên Jack Ma và Alibaba (tên của một người trong cuốn truyện 40 tên cướp nổi tiếng).  

Xin mạn phép không nói dài dòng về lịch sử từ một anh thầy giáo tiếng Anh sang Mỹ, Úc và được những ai “giúp đỡ” gây dựng nên câu chuyện mà giờ này, lại thành như “huyền thoại” với không ít trẻ con mới lớn ở Việt Nam;

Chỉ xin trích dẫn phần phản hồi từ Liên Minh Hiệp Hội Chống Hàng Giả Quốc tế, bảo vệ các Nhà Sản xuất và Thương Hiệu Lớn của Mỹ, từ chối công ty anh này trong Hiệp hội và tẩy chay, buộc anh phải từ bỏ bài phát biểu khai mạc tại Mỹ, do bởi lý do hãng anh đã “chuyên buôn hàng giả, mang thương hiệu của Mỹ” [2]. 

Điều thú vị của câu chuyện này không nằm ở việc anh bị tẩy chay mà ở chỗ, anh lại được Obama mời ăn trưa vào đúng hôm bị tẩy chay đó, để bàn việc “Phát triển doanh nghiệp thương mại điện tử online giữa Mỹ và Trung Quốc” [3].

Và nếu có ai đọc lịch sử của Obama cũng không nên quên, Obama cũng đã từng là người đi dạy học đại học vài năm ở Chicago [4], trước khi tham gia chính trị.

Điều đó để nhắc nhở những ai làm nghề dạy học, người thầy, ở cả Mỹ và Trung Quốc cũng như ở Việt Nam và thế giới rằng, thầy giáo là một nghề cao quý, bởi không chỉ truyền dạy tri thức, mà còn là tư cách đạo đức, tư cách làm người.

Điều khó khăn nhất của nghề giáo không phải là dạy chỉ để biết đọc, biết làm toán, mà biết làm người có nhân cách, dù nghèo dù giàu, chứ không phải để đi buôn trên xương máu, lừa dối kẻ khác, mưu lợi làm giàu cho mình.

Những kẻ lừa thầy phản bạn, đối với liên minh thì sẵn sàng “bán đứng”, đi chơi cùng với những kẻ gọi là “anh em” và sẵn sàng “đâm sau lưng” những người tử tế, đã vì mình mà hy sinh cuộc đời, đó có còn là tư cách của những người Thầy?

Đã từng là Thầy, không có nghĩa là Thầy mãi mãi! Nhất là khi họ không xứng đáng với nhân cách của một người thầy đúng nghĩa.

Muốn dạy cho con trẻ thế kỷ này về tư duy phản biện, hãy dạy cho đúng sự thật, cho đến tận nguồn cơn của mọi câu chuyện…chứ đừng nên gây dựng những “huyền thoại” ảo làm gì.

Hãy dạy sự thật! Và để tự học sinh chúng tư duy, suy nghĩ độc lập, không lệ thuộc vào ai.

Với tôi, tôi rất thương Obama khi đọc được tin trên TechReview thế này…“AI đã có thể làm giả giọng của bạn giống y như Obama” [5], theo đó, giờ này, công nghệ AI, cũng chả khác mấy công nghệ buôn “hàng giả” toàn cầu.

Chào mừng chúng ta đến với thế giới “ảo” và “giả” với cụm từ “alternative” nổi tiếng.

Ai giờ này dám đảm bảo Obama không có Obama giả?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.lbjlibrary.org/lyndon-baines-johnson/lbj-biography;  The Progressive Presidents: Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson, Franklin D. Roosevelt, Lyndon B. Johnson

[2] http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2016/05/18/alibabas-jack-ma-cancels-appearance-at-anti-counterfeiting-conference-amid-fakes-dispute/

[3] http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/1947191/alibabas-jack-ma-cancels-speech-anti-counterfeiting

[4] https://www.biography.com/us-president/barack-obama

[5] https://www.technologyreview.com/s/613033/this-ai-lets-you-deepfake-your-voice-to-speak-like-barack-obama/

Nguyễn Thị Lan Hương
TẠI SAO TƯ DUY PHẢN BIỆN RẤT KHÓ THỰC  HIỆN Ở VIỆT NAM ?
NGUYỄN DUY KHANG/ GDVN 19-5-20217
(GDVN) - Trong giáo dục phản biện, người học và người dạy có cùng xuất phát điểm là cùng nhau tìm hiểu và giải quyết các vấn đề mà người học quan tâm qua tranh luận...

LTS: Bàn về vấn đề tư duy phản biện trong giáo dục hiện nay, thầy giáo Nguyễn Duy Khang, công tác tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long cho rằng ở Việt Nam, việc áp dụng tư duy này là rất khó thực hiện.

Trong bài viết dưới đây, tác giả chỉ ra những nguyên nhân cụ thể. Đồng thời, tác giả cũng phản biện lại việc các thầy cô thường kêu ca về việc học sinh thụ động.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tư duy phản biện (critical thinking) đang được các nhà giáo dục và cộng đồng xã hội quan tâm gần đây dù những cơ sở lý thuyết ban đầu xuất hiện khá lâu với mong muốn giải phóng con người từ cơ sở khơi gợi sự tò mò tri thức, nghiên cứu và sáng tạo từ chính bản thân, nhận thức và bối cảnh của mình. 

Các tác phẩm về giáo dục phản biện (critical pedagogy) đã và đang được nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới nghiên cứu, đánh giá và ứng dụng có thể kể đến như sau: 

"Lá thư gửi người Thầy" (Letter to a Teacher của Lorenzo Milani xuất bản với bản dịch tiếng Anh năm 1969), "Người thầy không biết gì" (The Ignorant schoolmaster của Jacques Rancière xuất bản với bản dịch tiếng Anh năm 1991), 

"Giáo dục của người bị áp bức" (Pedagogy of the Oppressed của Paulo Freire xuất bản năm 1970), "Việc học và khác biệt xã hội" (Learning and social difference của Carmel Borg và Peter Mayo xuất bản năm 2006), 

"Chống lại cái lạc hậu, lỗi thời và biến chất của trường học" – Một vấn đề không của riêng ai (In defence of the school. A public issue của Jan Masschelein và Maarten Simons xuất bản năm 2012) và "Rủi ro tiềm tàng của giáo dục" (The beautiful risk of education của Gert Biesta xuất bản năm 2013).

Tư duy phản biện. (Ảnh: naturalphilosophy.org)

Điều cốt lỗi ở những tác phẩm này đối với giáo dục phản biện có cùng mục tiêu chung là khai phóng người học (emancipate the learners) ở khía cạnh thay đổi nhận thức, theo đuổi kiến thức, tự do học tập, sáng tạo từ chính ao ước, nhu cầu, năng lực và bối cảnh của từng người ở từng xã hội khác nhau. 

Tuy nhiên, khái niệm khai phóng (emanicipation) trong tư duy nhận thức và giáo dục phản biện cũng dễ dàng gây hiểu lầm cho các nhà nghiên cứu và quản lý khi chưa tiếp xúc nhiều và hiểu về quá trình giáo dục khai phóng này. 

Do luôn có nhiều hơn hai mặt của nhận thức này, tôi xin phép làm rõ sự khác nhau giữa giáo dục phản biện và các triết lý giáo dục khác, các nhầm lẫn từ các yếu tố tác động đến xã hội và các nguyên nhân khả năng áp dụng giáo dục phản biện có thể không thành công ở Việt Nam nhằm mục đích góp phần chung tay xây dựng thực hiện hiệu quả chiến lược đổi mới giáo dục hiện nay. 

Các nhầm lẫn về khái niệm khai phóng và giáo dục phản biện ở Việt Nam

Khi các nước phương Tây đẩy mạnh thay đổi xã hội từ giáo dục chính trị với các quan điểm giáo dục và triết lý hiện đại, kể cả giáo dục phản biện với mục tiêu khai phóng người học là chính, cả giáo dục chính trị, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục gia đình đều có điểm chung là đa số vẫn theo hình thức giáo dục áp đặt một chiều với sự hạn chế về việc thắc mắc, đặt câu hỏi, phản biện ngược từ người học sang người dạy. 

Tôi nhận xét việc chậm thay đổi này có liên quan đến các nhận thức sai lầm về khái niệm khai phóng và giáo dục phản biện ở Việt Nam.

Việc kết tội oan cho các khái niệm này có thể dễ dàng kiểm chứng bằng việc hỏi nhiều đối tượng khác nhau các câu hỏi sau:

- Theo bạn, giáo dục phản biện là gì?
- Tư duy phản biện là tư duy như thế nào?
Giáo dục khai phóng là gì và người học tự khai phóng sẽ như thế nào?

Với 3 câu hỏi này nếu bạn tìm được nhiều đáp án rất khác nhau thì đó chính là biểu hiện của sự nhầm lẫn khái niệm bởi vì chúng có ít biến thể từ chung nguồn gốc phát triển của các triết lý mang những khái niệm này.

Bạn hoàn toàn có thể nghĩ khai phóng sẽ giúp con người nhận ra được bản thân họ là ai, họ cần làm gì, đang làm gì và sẽ làm gì để có thể tự do suy nghĩ, tự do học hành và tự do mưu cầu hạnh phúc thông qua sự chuyển biến trong chính bản thân nhận thức của họ về cuộc sống, về hiện tại và về tương lai (điều này không sai về bản chất). 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều ngầm hiểu rằng khai phóng có nguy cơ (cùng với tác dụng phụ của giáo dục phản biện) khiến người học sẽ đứng lên chống lại chính sự bất công của người dạy dành cho người học (đôi khi được hiểu là các đấu tranh cho bất công trong xã hội, với giai cấp lãnh đạo), đấu tranh vì nội dung các chương trình học nhiều với lý thuyết nhưng thiếu thực tiễn dẫn đến ra đời thiếu kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và cả khả năng tư duy. 

Tôi nghĩ rằng tác dụng phụ của giáo dục phản biện cần đặc biệt nghiên cứu.

Tuy nhiên, nếu hiểu đúng thì giáo dục phản biện không tạo ra xung đột giữa các đối trọng trong quan hệ giáo dục đào tạo hay chính trị bởi vì giáo dục phản biện nguyên bản khuyến khích người học nhận thức được hiện thực, trở nên tự do về lý trí và tiến hành thay đổi từ chính bản thân, từ bối cảnh và điều kiện của họ với nhiều quyền tự do lựa chọn nơi học, ngành học, khóa học và cả giáo viên giỏi.

Giáo dục phản biện không nên bị xem là triết lý giáo dục “phản động”.

Giáo dục phản biện chỉ giúp người học hiểu biết vấn đề và thực trạng học tập của họ, nhu cầu xã hội, rèn luyện khả năng tư duy để đánh giá và phản biện lại bằng các chứng cứ khoa học, luận cứ đáng tin cậy nhằm thay đổi bản thân và cộng đồng, trường học nơi họ theo học (chỉ hiểu hiện thực để phấn đấu cải thiện tốt hơn). 

Phản đối những gì đang diễn ra trong hệ thống giáo dục Việt Nam không giúp cho giáo dục Việt Nam thay đổi, cũng không đồng nghĩa chúng ta sẽ có tư duy phản biện. 

Giáo dục phản biện giúp con người từ những gì đang diễn ra trong nghịch cảnh giáo dục áp đặt của Việt Nam tìm hiểu và nhận ra những việc cần làm để tự cứu họ ra khỏi chính nghịch cảnh tồn tại lâu nay mà họ chưa tự nhận ra được bằng cách suy nghĩ cẩn trọng về những gì phải làm, phải học, phải thi và phải thay đổi và đưa ra lựa chọn tối ưu riêng trong điều kiện của họ vì tương lai đối với một con người khai phóng cho một xã hội tiến bộ. 

Tư duy phản biện không đồng nghĩa với việc cãi lại giáo viên, không vâng lời mà kết quả của một quá trình rèn luyện của người học cùng với người dạy và dưới tác động của gia đình và xã hội, các ý kiến được khuyến khích đưa ra để thảo luận với lý luận chân chính và không có sự áp đặt cho một xu hướng hay quan điểm nào được xem là đáp án. 

Giáo dục phản biện sử dụng các phương pháp để giúp người học rèn luyện tư duy như đặt vấn đề mở không có trước đáp án (problem-posing technique from Paulo Freire) và phương pháp hỏi khi cả giáo viên và học sinh đều không biết đáp án chính xác của nội dung được học hoặc thảo luận (interrogation from Jacques Rancière). 

Các phương pháp giáo dục phản biện không đánh giá các giao thức ban phát, nhận cho do đó rất cần điều kiện để thực hiện đúng. 

Các phương pháp này rất khác so với các phương pháp giảng dạy phổ biến của Việt Nam là giáo viên đọc – học sinh chép, giáo viên hỏi – học sinh trả lời, học sinh hỏi trong giới hạn cho phép về nội dung, thời gian và không gian… 

Điểm khác chung chính là phương pháp gợi mở hay đặt vấn đề mà dù thế nào thì các giáo viên cuối cùng vẫn phải đảm bảo cung cấp một đáp án đúng (Socratic dialogical method hay theo suy nghĩ ở các phương pháp dạy truyền thống).

Mục tiêu giáo dục phản biện khác với mục tiêu giáo dục ở các triết lý giáo dục khác như thế nào?

Mọi so sánh đều khập khiễng vì mỗi triết lý giáo dục đều có quá trình hình thành và phát triển tùy từng bối cảnh xã hội nơi triết lý đó tồn tại. 

Do đó, để dễ hiểu và phù hợp với mọi đọc giả, tôi sẽ phân loại các nề nếp giáo dục của Việt Nam chúng ta so với bản đồ triết lý giáo dục phương Tây để từ đó ai cũng có thể xác định triết lý riêng của riêng mình hay cho quá trình giáo dục của gia đình trong khi chờ đợi một triết lý vững vàng hơn từ các cơ quan hữu trách. 

Tôi đưa ra quan điểm về khả năng mỗi người dân Việt Nam có thể xác định triết lý giáo dục riêng cho mình bởi vì triết lý tồn tại trong cuộc sống của mỗi người ở mỗi xã hội.

Dù có nhiều trường phái triết học và triết lý giáo dục khác nhau ở phương Tây nhưng không nơi nào áp dụng giống nhau. 

Tồn tại ở các xã hội khác nhau các mối quan với các triết lý giáo dục khác nhau, tuy nhiên các triết lý trên phân loại giống nhau dựa vào các mối quan tâm đối với quá trình phát triển giáo dục: 

(1) Kỹ năng chuẩn bị cho người học trở thành một ai đó trong xã hội (theo Essentialism), (2) Tính nhân văn và các giá trị đạo đức, chân-thể-mỹ (theo Perennialism), 

(3) Sự tự do trong việc khuyến khích người học phát triển tự nhiên và thông qua các hoạt động để kích hoạt sự sáng tạo và trải nghiệm (theo Progressivism), 

(4) Các vấn đề nóng bỏng của xã hội để kêu gọi thay đổi cho xã hội tốt hơn (theo Reconstructionism)

Và (5) Tự do và khai phóng người học, kể cả người dạy vì họ vẫn là đối tượng chưa có quyền quyết định chính cùng với người học về nội dung, phương pháp trong lớp của họ (theo Critical pedagogy)

Cụ thể, tôi muốn giới thiệu phân loại một vài triết lý giáo dục chính đang tồn tại ở Việt Nam:

Giáo dục hướng truyền thống, bảo thủ và áp đặt từ người biết nhiều (cha mẹ, thầy cô) đối với các học sinh, sinh viên (người cần được truyền kiến thức): 

Các triết lý giáo dục hướng này chú trọng kiến thức, cái đúng, cái đẹp và sự truyền đạt kiến thức từ người dạy sang người học (bắt nguồn từ các trường phái Plato, Socrates, Aristotle..). 

Triết lý này có thể dễ dàng nhận ra ở một bộ phận không nhỏ trong giáo dục Việt Nam.

Các bậc cha mẹ phụ huynh nào luôn muốn con mình phải nghe lời (vâng lời), mọi việc các con muốn đa số bị từ chối hoặc thỏa hiệp (nền giáo dục cấm đoán). 

Gia đình luôn lo lắng các con sẽ gặp phải chuyện không may, khả năng tương lai không trở thành ông này, bà kia, áp đặt mong muốn cho con mình phải trở thành kỹ sư, bác sĩ, phải đỗ đại học, học để làm quan. 

Luôn sợ con mình không bằng con ai khác, luôn đôn đốc các cháu học thêm, luôn sợ các cháu bị điểm xấu và không hài lòng về điểm số (theo hướng xã hội phong kiến).  

Mong muốn các cháu chưa được lắng nghe đúng mức và giao tiếp hai chiều rất hạn chế.

Giáo dục hướng người học đến các kỹ năng cơ bản và nâng cao cho các vị trí hay công việc cụ thể trong xã hội với những điều mà một người công dân cần (theo chủ nghĩa hiện sinh).

Giáo dục theo chủ nghĩa tiến bộ và dân chủ của John Dewey khuyến khích học trải nghiệm và đánh giá qua quá trình với các chú trọng vai trò trung tâm của người học để tự do phát triển về thể chất và tinh thần qua các hoạt động, sáng tạo và tương tác. 

Ta có thể dễ dàng nhận thấy các điểm tương đồng ở đây với giáo dục phổ thông và đại học hiện nay (dù chưa hoàn toàn đúng về bản chất, tôi sẽ phân tích sau ở phần nguyên nhân) khi chúng ta đang đánh giá quá trình, hô hào và cố gắng thực hiện lấy người học làm trung tâm và dần dần đến khái niệm học tích hợp, tương tác. 

Giáo dục phản biện với mong muốn người học từ chính vị trí và điều kiện học tập của mình nảy sinh tò mò, tìm hiểu, đặt câu hỏi, phản bác một cách lôgic và khoa học.

Phản biện về những gì mình học, những gì mình được dạy, qua các phương pháp dạy và học cụ thể vì mục đích phát triển bản thân, gia đình, phát triển xã hội.

Thay đổi các vấn đề xã hội từ chính các tư duy phản biện và hành động sáng tạo để góp phần xây dựng đất nước tốt hơn theo hướng dân chủ với tự do học thuật cho giáo viên và người học. 

Có điểm tương đồng trong giáo dục phản biện và giáo dục theo chủ nghĩa tiến bộ, nhà trường chỉ là một trong những tổ chức đào tạo có tác động đến quá trình rèn luyện kỹ năng và học tập của người học bên cạnh các yếu tố gia đình và xã hội.

Nếu bạn đọc có theo dõi diễn tiến gần đây của dư luận và ý kiến các nhà khoa học giáo dục đối với Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông thì rất nhiều người quan tâm đang tìm kiếm một triết lý rõ ràng hơn cho giáo dục Việt Nam. 

Các đặc điểm và thuật ngữ liên quan đến giáo dục phản biện đang được nhắc đến hàng ngày trên các trang báo. 

Điều này cho thấy xã hội và các nhà khoa học đang khẩn thiết đề nghị các cơ quan quản lý giáo dục nghiên cứu và quan tâm đến phát triển con người Việt Nam tương lai với khả năng tư duy phản biện.

Bởi vì khả năng Việt Nam chúng ta có thể không đạt được yêu cầu này do nhiều nguyên nhân xã hội không thể can thiệp, cho ý kiến hoặc thay đổi trong thời gian ngắn như:

Chiến lược quản lý giáo dục, hệ thống đào tạo sư phạm, hệ thống giáo viên hiện hữu, trình độ dân trí của xã hội, quy ước xã hội đối với giáo dục, sự ngược đãi của xã hội đối với giáo dục, định kiến xã hội, yêu cầu tuyển dụng, và nề nếp quản lý cán bộ… 

Để làm rõ thêm các thách thức Việt Nam gặp phải nếu Đảng và nhà nước mong muốn thay đổi giáo dục sang hướng phát triển con người khai phóng với tư duy phản biện. 

Các thách thức này không phải không giải quyết được nhưng muốn giải quyết được thì cần cả hệ thống và xã hội đồng lòng chung sức. 

Tôi phân tích các yếu tố tiêu cực không vì mục tiêu cản trở mong muốn phát triển giáo dục mà vì xã hội cần hiểu để cùng giải quyết.  

Trong giáo dục phản biện, giáo viên đóng vai trò gì, học sinh đóng vai trò gì và quá trình khai phóng diễn ra như thế nào?

Trong giáo dục phản biện, khái niệm trường học được giới hạn bởi văn hóa chính trị, hình thái kinh tế và tác động chủ thể xã hội.

Giáo dục phản biện ra đời nhằm mục đích thay đổi hiện trạng giáo dục tốt hơn tiến đến cải cách với vai trò của giáo viên (trích Gutek, 1997; trang 327) bao gồm:

1. Thực hiện các hoạt động thực sự đổi mới nhà trường.

2. Hợp tác với các giáo viên khác để cùng nhau cải thiện phương pháp giảng dạy

3. Liên kết và tương tác với phụ huynh học sinh có con theo học để cùng nhau tổ chức các hoạt động hợp tác với mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo (không theo kiểu bệnh hình thức như hiện nay) 

4. Thiết lập các kênh đối thoại phản biện giữa giáo viên, học sinh với nhà trường, các cơ quan quản lý, nhà giáo dục… 

5. Thực hiện việc phân chia lại quyền lực trong cơ quan trường học bằng cách nâng cao vai trò của giáo viên, học sinh và cộng đồng trong việc xây dựng chính sách và chiến lược giáo dục.

6. Nhận diện các vấn đề như nghiện ngập, mang thai ngoài ý muốn, học sinh cá biệt, mù chữ, thiếu dinh dưỡng và thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe để đảm bảo nhà trường không bỏ sót các vấn đề này.

Người học trong giáo dục phản biện đóng vai trò trung tâm và chủ động trong các quá trình học tập và rèn luyện. 

Việc học khuyến khích người học tiếp cận đa dạng các nguồn thông tin kiến thức qua nhiều hình thức hoạt động và thực hành nghiên cứu, lập luận, phản biện, chọn lọc thông tin thu được để khám phá kiến thức, ý tưởng mới, sáng tạo và rèn luyện đa dạng các kỹ năng. 

Việc ngồi học, lắng nghe, ghi nhớ… không phải là đặc trưng của giáo dục phản biện.

Trong giáo dục phản biện, người học và người dạy có cùng xuất phát điểm là cùng nhau tìm hiểu và giải quyết các vấn đề mà người học quan tâm qua quá trình tranh luận, đối thoại và lý luận đúng nghĩa. 

Quá trình khai phóng là một quá trình lâu dài mà trong đó người học được giáo viên sử dụng các kỹ năng giảng dạy theo hướng giúp người học tò mò về môn học, tự xác định được mối quan tâm ở môn học đó.

Tiến hành tìm hiểu, chia sẻ với bạn bè và thầy cô, tìm luận cứ, tranh luận và đối thoại để bảo vệ quan điểm, lắng nghe ý kiến người khác, bổ sung hoàn thiện kiến thức, rèn luyện suy nghĩ lôgic khi kết hợp thu nhận ý tưởng hay từ nhiều phía với nghiên cứu của mình và sau cùng của quá trình này là các kiến thức, kỹ năng mới được hình thành cho riêng từng cá nhân tham gia quá trình.

Rõ ràng không quá khó để thực hiện giáo dục phản biện trên thế giới nhưng tôi vẫn cho rằng khả năng áp dụng đại trà ở Việt nam là không thành công với các nguyên nhân sau đây.

Các nguyên nhân khả năng giáo dục phản biện có thể không thành công ở Việt Nam

Tôi muốn bắt đầu các nguyên nhân về khả năng ứng dụng giáo dục phản biện ở Việt Nam có thể không thành công từ một đoạn trích trên Báo Thanh niên ra ngày 09/04/2017 có nhan đề “Đánh tan sự thụ động trong sinh viên” của tác giả Lê Thanh và một sự kiện liên quan đến lớp học sáng tạo của Giáo sư – Tiến sĩ Trương Nguyện Thành.

Đầu tiên là đoạn trích:
Ông Huân cũng cho rằng khi nghe thầy giảng mà sinh viên không hiểu, có thể hỏi lại. Khi thầy đưa ra một luận điểm, nếu thấy luận điểm của thầy chưa chuẩn cũng có thể tranh luận lại.  

Tư duy phản biện sẽ làm cho sinh viên thoát khỏi những suy nghĩ sáo rỗng, theo lối mòn, phá vỡ tính ì tâm lý và mở ra cho họ những chân trời mới mà chính họ là người mở khóa. 

Đó là những yêu cầu cần thiết để hình thành và phát triển kỹ năng tư duy phản biện của sinh viên, tránh kiểu học tập thụ động, chờ đợi, chấp nhận vô điều kiện về những gì người thầy đưa ra.” (Nguồn Báo Thanh Niên)

Tôi có thể khẳng định sự thất bại của giáo dục phản biện ở Việt Nam ngay hôm nay (nếu có hoặc sẽ tồn tại) nếu giáo viên nghĩ như trong đoạn trích trên. 

Suy nghĩ này đúng là có đặc tính của giáo dục phản biện nhưng đã được hiểu và thực hiện sai phương pháp.

Ta có thể dễ dàng nhận ra ưu điểm và điều cần tránh trong tư duy phản biện ngay trong đoạn trích từ “Tư duy phản biện sẽ làm… những gì người thầy đưa ra.” 

Tuy nhiên, điều chưa phù hợp ở đây là quá trình giáo dục phản biện để rèn luyện tư duy phản biện đòi hỏi cả người dạy và người học đi qua quá trình tìm hiểu kiến thức mới mà không bao gồm vai trò của người thầy và người như thông thường. 

Không có khái niệm người thầy (với định kiến mình có kiến thức và phải truyền đạt) và người học (còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, chưa có kiến thức, cần lắng nghe để học…) trong giáo dục phản biện. 

Nền giáo dục Việt Nam không thể thành công với giáo dục phản biện vì người thầy không thể nào thoát khỏi cái vỏ bọc của người thầy - người gieo chữ được và sự đãi ngộ về vật chất cũng không cho phép họ làm điều đó. 

Do đó, khi người thầy vẫn là người thầy và là người nắm giữ kiến thức để “giảng bài” thì người học dù có đặt câu hỏi, được khuyến khích đặt câu hỏi, họ vẫn là người học theo nghĩa bị áp đặt kiến thức hoặc suy nghĩ từ người thầy.

Tôi không phản đối hay phê phán tác giả bài báo trên Báo Thanh niên cũng như thầy giáo được dẫn lời trong đoạn trích. 

Tôi chỉ muốn mượn hình ảnh và suy nghĩ của người thầy qua bao thế hệ với rất nhiều quan tâm và hiểu biết về tư duy phản biện vẫn chưa thành công thực sự (hoặc chỉ ngộ nhận là đã thành công) đưa quá trình học tập để rèn luyện tư duy phản biện vào thực tế giảng dạy. 

Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn có giúp người học giác ngộ và khai sáng với những gì họ muốn học chỉ khi tôi hoàn toàn ngang hàng với người học như một “Người thầy không biết gì” (trong một tác phẩm của Jacques Rancière, chỉ “người thầy không biết gì” là một phép ẩn dụ với ý nghĩa, phương pháp và thực hành giúp người học khai phóng)

Thứ hai là sự kiện về lớp học sáng tạo của Giáo sư - Tiến sĩ Trương Nguyện Thành.

Vấn đề xã hội đặt ra đối với sự kiện này thể hiện các quan điểm và định kiến xã hội trói buộc hình ảnh người thầy như trong lịch sử dù xã hội đang dần tiến sang kỷ nguyên công nghệ mới. 

Tôi không bàn nhiều về các vấn đề liên quan đến sự kiện này khi các báo chí đã phản ánh khá đa chiều. 

Vấn đề tôi mượn ở đây chính là yếu tố bốc đồng, quy chụp, cố chấp, định hướng dư luận và ít lắng nghe của một bộ phận không nhỏ trong xã hội, bao gồm cả các nhà giáo dục và quản lý giáo dục. 

Việc người ít có điều kiện, thiểu số không được lắng nghe, việc dư luận hay bị định hướng hay sự cố chấp của hình ảnh người thầy trong xã hội chính là phản ảnh của môi trường giáo dục hiện tại. 

Trong môi trường giáo dục, sinh viên ít được lắng nghe, giáo viên ít được cán bộ quản lý lắng nghe, cán bộ quản lý trực tiếp ít được các cơ quan quản lý giáo dục lắng nghe…

Cộng với thói quen hành chính theo lối định hướng từ trên xuống, từ thầy xuống trò có thể hiểu như kiến thức cũng được định hướng từ trên xuống (sự thật là được quy định tất tần tật)... 

Mọi vấn đến này đều dẫn đến việc người giáo viên không thể nào thoát khỏi áp lực và vỏ bọc của chính người thầy trong chính hình tượng xã hội quy định cho họ vì bản thân họ cũng không được lắng nghe. 

Tóm lại, sự kiện này chỉ ra rằng khả năng Việt Nam thay đổi theo hướng giáo dục phản biện là không khả thi trừ khi thay đổi được bản chất của quá trình giáo dục.

Ngoài ra, khả năng thay đổi bản chất quá trình giáo dục không thể xảy ra trong thời gian ngắn bởi vì căn cứ vào tư duy áp đặt và kiến thức nền tảng như hiện tại, không giáo viên nào có thời gian để rèn luyện cho người học thông qua các phương pháp đối thoại, tranh luận... (có lẽ trừ các Trường dân lập và quốc tế chất lượng cao). 

Không cơ sở giáo dục nào cho phép giáo viên (theo kiểu the Ignorant Schoolmaster) đi dạy ở cơ sở của họ.

Không ai đi dạy mà điều mình muốn dạy là hoàn toàn tùy vào người học với yếu tố người thầy thay đổi liên tục cho phù hợp với quá trình phản biện giữa người học và người dạy. 

Dĩ nhiên Jacques Rancière chỉ dùng phép ẩn dụ để so sánh kiểu giáo viên kích hoạt quá trình học tập tư duy của sinh viên qua những điều cả ông và sinh viên đều không biết với kiểu giáo viên thông minh (intelligent teacher) như ở Việt Nam ta là cái gì cũng biết (hoặc được ngầm hiểu như vậy) và đến lớp truyền đạt những gì mình biết cho người khác. 

Đến đây, tôi nghĩ các bạn hoàn toàn có thể trải qua và hiểu giáo dục phản biện cần gì thì mới tạo được lớp người học có tư duy phản biện rồi, thật xa vời với tương lai con em chúng ta. 

Nhưng tôi vẫn tin nếu chúng ta cùng nhau cố gắng, chúng ta vẫn làm được ít nhất là ở phạm vi giáo dục con cháu và những người còn chút niềm tin với chúng ta. 

Thay lời kết, có một điều mà tôi luôn không hiểu tại sao bao thế hệ giáo viên vẫn luôn phàn nàn là học sinh, sinh viên của mình thụ động, chờ đợi và chấp nhận vô điều kiện những gì học phải học. 

Tôi thắc mắc không biết có bao nhiêu người từng hỏi tại sao họ trở nên như vậy và có những biện pháp nào để thay đổi hay không? Thay đổi như thế nào?

Tôi không có câu trả lời cho tất cả nhưng tôi biết là có thể thay đổi được và phải thay đổi như thế nào trong một giới hạn rất nhỏ hiện tại.  

Ngoài ra, tôi nghĩ việc người dạy và người học không có quyền đúng mức đối với vai trò của họ trong giáo dục, không đủ điều kiện để thay đổi và sáng tạo và họ không có tự do học thuật đúng nghĩa đã hạn chế khả năng chuyển hướng giáo dục Việt Nam sang hướng tiến bộ rồi. 

Tuy nhiên, một trong các vấn đề cốt lõi (nếu nhà nước ủng hộ) thì cải cách theo hướng phản biện giáo dục vẫn rất khó vì hệ thống các trường sư phạm đang thiếu linh hoạt trong việc đào tạo người thầy của giáo dục phản biện. 

Trong thực tế, chúng ta cũng đang thiếu người thầy có thể thực hiện giáo dục phản biện dù chuyện không khó nếu ngày càng nhiều giáo viên có điều kiện hơn (về cả vật chất và tinh thần) để bắt đầu tìm hiểu về giáo dục phản biện với sự khuyến khích của các ngành chức năng và xã hội.

Ngày nay, giáo dục theo hướng truyền đạt kiến thức không thể tồn nếu như xã hội không đề cao giá trị bằng cấp hơn giá trị năng lực bởi vì kiến thức luôn thay đổi và mạng internet chính là cầu nối cho rất nhiều nguồn dữ liệu khi đi kèm với tư duy phản biện thì có lẽ chúng ta không cần người thầy dạy học nữa. 

Tuy nhiên, điều này không đúng cho giáo dục phản biện bởi vì người thầy là người có thể tạo ra các hình thức, hoạt động và phương pháp để cả người học và người dạy có thể khai phá kiến thức và xây dựng dữ liệu mới cho riêng mình mà các nguồn thông tin (dù là phong phú từ internet) chỉ có thể mang tính chất tham khảo như một dạng dữ liệu cho các lý luận. 
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và góp ý của riêng tác giả.
Tài liệu tham khảo:
Gutex, G. L. (1997). Philosophical and Ideological Perspectives on Education (2nd Ed.) MA: Allyn and Bacon.

Bài báo “Đánh tan sự thụ động trong sinh viên” của tác giả Lê Thanh tại http://thanhnien.vn/giao-duc/danh-tan-su-thu-dong-trong-sinh-vien-823850.html

Nguyễn Duy Khang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét