Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

20211206. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỌC SỬ ?

ĐIỂM BÁO MẠNG

CỨ XẾP LỊCH SỬ VÀO MÔN THI BẮT BUỘC

 TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CHẤT LƯỢNG SẼ KHÁC

THÙY LINH/ GDVN 4-12-2021
GDVN- "Ngay ở các nước phát triển, phần đông học sinh cũng chỉ học Lịch sử để đối phó, bởi cơ hội việc làm ít mà thu nhập lại rất thấp”, Giáo sư Tung thông tin.

“Nếu dạy Lịch sử theo cách bắt học sinh nhớ dằng dặc những số liệu, ngày tháng, sự kiện, hỏi cụ thể trận đánh đó địch chết bao nhiêu, bắn rơi bao nhiêu máy bay mà buộc các em phải trả lời chính xác thì ai cũng sợ và bản thân tôi cũng sợ” đó là chia sẻ của Giáo sư Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) khi chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Vừa qua, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận đến nay vẫn có thực tế là điểm thi môn Lịch sử luôn thấp so với các môn học khác và tình trạng học sinh cũng "không ham thích" và học có tính chất đối phó, điểm thi thấp.

Nhìn nhận từ thực tế điểm thi môn Lịch sử thấp, Giáo sư Phạm Hồng Tung cho rằng đây là mối nguy hại bởi trong kỉ nguyên hội nhập có 2 môn học góp phần chuẩn bị hành trang hội nhập tốt nhất cho thế hệ trẻ đó là Ngoại ngữ và Lịch sử.

Nếu môn Ngoại ngữ tạo ra chìa khóa, bệ đỡ để học trò gia nhập thế giới toàn cầu hóa thì các em chưa giỏi, còn môn Lịch sử giúp dù hội nhập đến đâu cũng không quên nguồn gốc, bản sắc dân tộc Việt Nam thì kết quả điểm thi như vậy là rất đáng buồn.

Do đó việc Đại biểu Quốc hội quan ngại, toàn dân quan ngại về kết quả này là hoàn toàn chính đáng.

Giáo sư Phạm Hồng Tung (ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, nghiên cứu phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trước Quốc hội, cá nhân Giáo sư Phạm Hồng Tung chưa thật hài lòng bởi vấn đề này được nêu ra tại nghị trường Quốc hội trong nhiệm kỳ của 4 đời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây (từ thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đến nay), điều đáng ngạc nhiên là tất cả đều cho rằng lỗi là do phương pháp dạy học và thi kiểm tra đánh giá môn Lịch sử chưa đúng, thiên về hỏi diễn biến, ghi nhớ máy móc sự kiện ngày tháng…

Do đó đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cách trả lời như vậy chưa hẳn đã chỉ ra được gốc rễ của vấn đề. Bởi vì thực tế, trong quá trình nỗ lực đổi mới dạy và học môn Lịch sử thì cách dạy, cách thi đã có chuyển biến, giáo viên Lịch sử ở nhiều nơi đã và đang cố gắng đổi mới cách giảng dạy, cách đánh giá, không còn chỉ dạy diễn biến, chỉ hỏi ngày tháng sự kiện, không còn áp đặt kiến thức như trước.

Dùng thi cử để kéo chất lượng môn Lịch sử là giải pháp cấp thời

Theo Giáo sư Phạm Hồng Tung, vấn nạn nằm ở chỗ, đổi mới cách dạy, cách thi ở mức độ tương đối cơ bản rồi mà kết quả thi vẫn chưa cải thiện.

“Xin hãy đọc các mã đề thi môn Lịch sử trong tổ hợp Khoa học xã hội ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 có những câu hỏi dễ đến mức không tưởng, thậm chí có tới trên dưới 30/40 câu người ra đề cố gắng “biếu” điểm cho thí sinh mà thí sinh vẫn không đạt được.

Chỉ cần đọc qua sách giáo khoa, nghe thầy cô giảng bài chắc chắn sẽ làm được nhưng có những học sinh nghĩ Ấn Độ ở châu Phi… sự thật là vậy, tôi cho rằng điểm thi còn chưa phản ánh hết, có thể còn đáng buồn hơn như vậy”, thầy Tung nhận định.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng điều quan trọng là do xã hội có đánh giá cao chất lượng giáo dục Lịch sử hay không, xã hội có tạo cơ hội cho nó hay không, nếu bây giờ tuyển sinh đại học coi Lịch sử là môn xét tuyển chính thì ắt hẳn kết quả sẽ khác đi.

Biết bao ngành nghề, đặc biệt là các ngành nghề liên quan đến công nghiệp văn hóa, du lịch, điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, quảng cáo, kinh tế, quy hoạch đô thị, cho đến quốc phòng, an ninh, hành chính, quản lý xã hội... đều sử dụng rất nhiều tri thức lịch sử nhưng tuyển sinh đầu vào không có môn Lịch sử là môn bắt buộc, cho nên học sinh chỉ thi đối phó, làm sao không bị liệt để xét tốt nghiệp. Nếu thay đổi điều này thì có thể câu chuyện sẽ khác. Đây có thể coi như một giải pháp cấp thời.

Muốn cải thiện chất lượng thì phải bỏ hội chứng môn chính, môn phụ và gia tăng tổ hợp tuyển sinh, có như vậy Lịch sử mới có cơ hội quan tâm và chắc chắn sẽ có kết quả khả quan. Tức là dùng thi cử để kéo chất lượng lên.

Tuy nhiên về lâu về dài thì đó không phải biện pháp để cải thiện chất lượng giáo dục Lịch sử mà chúng ta phải tạo ra cơ hội việc làm thực sự mang lại niềm vui, có thu nhập cao từ nền tảng của giáo dục Lịch sử. Nhưng cho đến nay thì thực tế không riêng gì ở Việt Nam mà trên thế giới vẫn còn nhiều điều nan giải.

“Tôi quan sát trên thế giới, ở nhiều nước phát triển cũng vậy. Một sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử - Văn hóa của Đức ra trường, mức lương trước thuế là khoảng 1.700 euro/ tháng, trong khi một sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, công nghệ y tế thì lương trước thuế tối thiểu lên tới 5.500-7.500 euro/tháng. Ở Mỹ hay Canada cũng như vậy. Cho nên ngay ở các nước phát triển, phần đông học sinh cũng chỉ học Lịch sử để đối phó, bởi cơ hội việc làm ít mà thu nhập lại rất thấp”, Giáo sư Tung thông tin.

Cuối cùng, Giáo sư Phạm Hồng Tung cho rằng, muốn cải thiện chất lượng dạy và học môn Lịch sử thì đó là bài toán của cả xã hội chứ không phải của riêng ngành giáo dục, chừng nào còn thi ra câu hỏi dễ để biếu điểm cho học sinh thì tác hại sẽ tiêu diệt học thật.

Nếu tạo ra cơ hội phát triển từ giáo dục Lịch sử, cơ hội việc làm tốt thì khó mấy các con cũng sẽ cố gắng, chắn chắn Sử không khó hơn các môn học khác.

Và có một cái nằm trong lỗi của giáo dục Lịch sử từ trước đến nay đó là áp đặt tri thức vào học sinh, coi môn học này là món ăn có sẵn, không có lựa chọn khác. Nhưng trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thì đã có những cố gắng giúp học sinh thấy môn Lịch sử thực sự là môn khoa học, giàu tính khám phá, sáng tạo chứ không phải môn học thuộc lòng, áp đặt kiến thức.

Đặc biệt tri thức Lịch sử không chỉ đem lại bài học kinh nghiệm cho cuộc sống mà làm sao mang lại cơ hội việc làm rộng lớn cho các em.

Thùy Linh
ĐƯA MÔN LỊCH SỬ THÀNH MÔN THI BẮT BUỘC VÀO ĐẠI HỌC KHÔNG PHẢI 
LÀ GIẢI PHÁP...
NGUYỄN NGỌC CHU/ TD  4-12-2021

Bài viết “ĐỒNG HOÁ VĂN HOÁ BẰNG PHIM ẢNH TRÊN TRUYỀN HÌNH” có đề cập đến câu hỏi của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về tình trạng học sinh không ham thích học môn Lịch sử và điểm thi Lịch sử thấp. Trong đó có chỉ ra việc chiếu nhiều phim Trung Quốc trên khung giờ vàng của Truyền hình đã làm cho một bộ phận học sinh Việt Nam biết sử tàu nhiều hơn sử ta.

Hôm nay (04/12/2021) báo Giáo dục Việt Nam lại đề cập đến vấn đề học sinh không thích học môn Lịch sử và điểm thi môn Lịch sử thấp. Cụ thể là nhà báo Thuỳ Linh đã diễn tả quan điểm của GS Phạm Hồng Tung: “Cứ xếp lịch sử vào môn thi bắt buộc tuyển sinh đại học, chất lượng sẽ khác”.

Được biết GS Phạm Hồng Tung đã là Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông cải cách. Nên tiếng nói của GS Phạm Hồng Tung có vai trò quan trọng trong quyết định nội dung, và vạch đường biên giới cho giáo trình Lịch sử dùng trong trường phổ thông. Bởi thế mới phải quan tâm đến ý kiến của GS Phạm Hồng Tung.

I. MỘT SỐ NHẬN XÉT CỦA GS PHẠM HỒNG TUNG

Không biết nhà báo Thuỳ Linh có đưa bài để GS Phạm Hồng Tung xem trước khi đăng hay không, nhưng từ bài “Cứ xếp lịch sử vào môn thi bắt buộc tuyển sinh đại học, chất lượng sẽ khác” có thể rút ra 5 nhận xét của GS Phạm Hồng Tung như sau.

1. “Trong kỷ nguyên hội nhập có 2 môn học góp phần chuẩn bị hành trang hội nhập tốt nhất cho thế hệ trẻ đó là Ngoại ngữ và Lịch sử”:

“Nhìn nhận từ thực tế điểm thi môn Lịch sử thấp, Giáo sư Phạm Hồng Tung cho rằng đây là mối nguy hại bởi trong kỉ nguyên hội nhập có 2 môn học góp phần chuẩn bị hành trang hội nhập tốt nhất cho thế hệ trẻ đó là Ngoại ngữ và Lịch sử”.

2. “Cách trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chưa hẳn đã chỉ ra được gốc rễ vấn đề”:

“Nghiên cứu phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trước Quốc hội, cá nhân Giáo sư Phạm Hồng Tung chưa thật hài lòng bởi vấn đề này được nêu ra tại nghị trường Quốc hội trong nhiệm kỳ của 4 đời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây (từ thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đến nay), điều đáng ngạc nhiên là tất cả đều cho rằng lỗi là do phương pháp dạy học và thi kiểm tra đánh giá môn Lịch sử chưa đúng, thiên về hỏi diễn biến, ghi nhớ máy móc sự kiện ngày tháng… Do đó đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cách trả lời như vậy chưa hẳn đã chỉ ra được gốc rễ của vấn đề”.

3. Đưa môn Lịch sử vào môn thi bắt buộc cho tuyển sinh đại học là giải pháp cấp thời để chống lại việc học sinh không thích học môn Lịch sử và điểm thi môn Lịch sử thấp:

“Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng điều quan trọng là do xã hội có đánh giá cao chất lượng giáo dục Lịch sử hay không, xã hội có tạo cơ hội cho nó hay không, nếu bây giờ tuyển sinh đại học coi Lịch sử là môn xét tuyển chính thì ắt hẳn kết quả sẽ khác đi”.

4. Không nhiều người theo nghề Lịch sử vì lương thấp. Muốn học sinh quân tâm đến môn Lịch sử và nhiều người theo nghề Lịch sử thì phải có cơ hội việc làm tốt:

“Tôi quan sát trên thế giới, ở nhiều nước phát triển cũng vậy. Một sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử – Văn hóa của Đức ra trường, mức lương trước thuế là khoảng 1.700 euro/ tháng, trong khi một sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, công nghệ y tế thì lương trước thuế tối thiểu lên tới 5.500-7.500 euro/tháng. Ở Mỹ hay Canada cũng như vậy. Cho nên ngay ở các nước phát triển, phần đông học sinh cũng chỉ học Lịch sử để đối phó, bởi cơ hội việc làm ít mà thu nhập lại rất thấp”.

“Nếu tạo ra cơ hội phát triển từ giáo dục Lịch sử, cơ hội việc làm tốt thì khó mấy các con cũng sẽ cố gắng, chắn chắn Sử không khó hơn các môn học khác”.

5. Đổi mới cách thi, ra đề thi dễ, biếu điểm cho học sinh mà vẫn không làm cho học sinh thích học Lịch sử.

“Xin hãy đọc các mã đề thi môn Lịch sử trong tổ hợp Khoa học xã hội ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 có những câu hỏi dễ đến mức không tưởng, thậm chí có tới trên dưới 30/40 câu người ra đề cố gắng “biếu” điểm cho thí sinh mà thí sinh vẫn không đạt được.

Chỉ cần đọc qua sách giáo khoa, nghe thầy cô giảng bài chắc chắn sẽ làm được nhưng có những học sinh nghĩ Ấn Độ ở châu Phi… sự thật là vậy, tôi cho rằng điểm thi còn chưa phản ánh hết, có thể còn đáng buồn hơn như vậy”.

Xin nhường cho bạn đọc bình luận về 5 nhận xét của GS Phạm Hồng Tung.

II. NHỮNG ĐIỀU CỐT LÕI

Vì GS Phạm Hồng Tung đã là người Chủ biên chương trình Lịch sử, lại có các nhận xét ở trên, nên xin được đưa ra 5 điều cốt lõi dưới đây.

1. Đã là con người, ai ai cũng muốn biết Lịch sử. Lịch sử không chỉ là môn học, mà còn “di truyền” từ trong máu, vì gắn liền với tổ tiên. Không ai không muốn biết về tổ tiên mình, ai cũng thích hiểu biết về Lịch sử.

2. Có cái mang danh Lịch sử, nhưng thực ra không phải Lịch sử, vì đã bị nhào nặn, bóp méo, bịa đặt.

3. Mức độ cần thiết và sự hiểu biết về Lịch sử đối với mỗi người không giống nhau.

4. Cùng một sự kiện Lịch sử, quan điểm của mỗi người có thể khác nhau. Lịch sử bởi vậy được phản ánh khác nhau qua lăng kính của mỗi cá thể, của mỗi nhóm người. Lịch sử đối với người chiến thắng có thể khác với kẻ chiến bại. Lịch sử đối với người thống trị có thể khác với người bị thống trị. Lịch sử đối với người giàu có có thể khác với kẻ khốn cùng. Lịch sử càng được nhìn từ nhiều góc độ càng gần với Lịch sử.

5. Lịch sử vô cùng rộng lớn. Không ai có thể bao quát hết Lịch sử.

III. SUY RA

Từ 5 điều cốt lõi nêu trong phần II, có thể giúp suy ra các nguyên nhân dẫn đến việc học sinh không thích học môn Lịch sử và điểm thi môn Lịch sử thấp dù câu hỏi rất dễ. Mà nguyên nhân cốt lõi cuối cùng là:

– Dạy và thi điều học sinh không quan tâm.

Nếu cứ dạy điều học sinh không quan tâm, nếu cứ thi điều học sinh không quan tâm, thì có đưa môn Lịch sử là môn thi bắt buộc để tuyển sinh đại học cũng không cứu vãn được tình trạng học sinh không thích học môn Lịch sử.

Nói cho chính xác thì không phải học sinh không thích học Lịch sử, mà học sinh không thích học nội dung chương trình Lịch sử đang giảng dạy trong trường phổ thông hiện nay.

GS Phạm Hồng Tung đã là người Chủ biên chương trình Lịch sử mà không thấy được nguyên nhân chính, lại cho rằng vì không bắt thi và thi dễ nên học sinh mới không thích học và điểm thi mô Lịch sử mới thấp. Nếu cứ tiếp tục cách nhìn như vậy thì học sinh Việt Nam sẽ còn khổ sở với môn Lịch sử.

Khổ sở vì phải học cái không cần thiết. Khổ sở vì phải học cái không quan tâm. Khổ sở vì phải học cả cái “râu ria” của Lịch sử. Và thậm chí khổ sở vì có khi học phải cái giả dối của Lịch sử.

Khổ sở khác nữa là bị áp đặt quan điểm về Lịch sử, phải nhìn Lịch sử theo “barem điểm” định trước.

Nguyễn Ngọc Chu

BÀN VỀ GIÁO DỤC

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 3-12-2021

Nghe các cụ và anh chị em bàn về Triết lý giáo dục thấy to tát quá, quan trọng quá. Tôi chỉ xin bàn về những vần đề chung chung của giáo dục (GD). May ra cô đọng lại những nội dung đó sẽ có thể tìm ra triết lý GD cũng nên.

Tôi tự cho mình là một kẻ thất phu có tâm huyết với GD. Xem lại thấy từ khi nghỉ hưu đến giờ, tôi đã viết khoảng ba chục bài các loại về GD. Từ thư gửi Quốc hội, các Bộ trưởng GD đến bài báo, bài phản biện. Bây giờ không nghĩ ra thêm được điều gì mới, chỉ xin tóm tắt lại những ý chính đã viết trong hơn chục năm qua để trao đổi cùng các cụ, các anh chị em.

Những thành tích tốt đẹp của GD cũng như tình trạng nhem nhuốc đã được nhiều người biết rõ và đề cập, viết bài này tôi xin không bàn đến (để tránh cho bài quá dài). Từ năm 1945 đến nay có thể chia sự phát triển của GD làm hai thời kỳ lớn, lấy năm 1975 làm mốc.

Trước 1975, GD ở cả hai miền Bắc và Nam, tuy theo hai hệ thống khác nhau, nhưng phát triển bình thường, mà ở Miền Nam hình như có được thành tựu khá hơn. Ở Miền Bắc, GS Nguyễn Văn Huyên (1905 – 1975), người không phải đảng viên cộng sản, giữ chức Bộ trưởng Bộ GD trong 27 năm, và GS Tạ Quang Bửu (1910-1986), một người từng hợp tác với chính phủ Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại học từ đầu năm 1965. Dưới thời của hai Bộ trưởng Huyên và Bửu nền GD phát triển lành mạnh.

Sau 1975, từ thời Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình trở đi mới sinh ra lắm chuyện và nền GD bị chệch hướng, phạm nhiều sai lầm. Nguyên nhân do kém trí tuệ, lòng tham và sự độc quyền của lãnh đạo nhà nước là chủ yếu, của lãnh đạo Bộ GD là thứ yếu và của những người chịu trách nhiệm.

Sự kém trí tuệ thể hiện ra ở chỗ vừa coi nhẹ sự hoạt động của GD, vừa chính trị hóa nền GD. Còn từ đâu sinh ra sự kém trí tuệ, lòng tham và sự độc quyền đó thì cũng đã tương đối rõ, nhưng cần nghiên cứu thêm.

Lãnh đạo nhà nước coi nhẹ hoạt động GD vì cho rằng nó dễ hơn quân sự, kinh tế, ngoại giao, công an v.v… Và người dân được hưởng quyền lợi về GD như được chia chữ (Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành). Từ sự coi nhẹ và hiểu sai này mà hạ thấp vai trò Bộ trưởng GD, dễ dãi trong việc dùng một số Bộ trưởng thiếu năng lực.

Bộ trưởng GD đúng ra phải là một người có trí tuệ cao về xã hội và nhân văn, lại am hiểu về GD phổ thông chứ không nên là nhà khoa học chung chung, giỏi về khoa học tự nhiên hoặc kỹ thuật mà yếu về nhân văn, xã hội hoặc là người có hoạt động chính trị mà kém cả hai thứ đó. Bộ trưởng kém năng lực nên để xảy ra nhiều sai lầm trong quản lý. Lãnh đạo nhà nước và Quốc hội phải chịu trách nhiệm về việc đề cử những Bộ trưởng kém năng lực như vậy.

Kém trí tuệ thể hiện trong đường lối tuyển chọn và trả lương cho cán bộ, dựa vào bằng cấp là chủ yếu chứ ít dựa vào kết quả công việc.

Sự kém trí tuệ còn dẫn lãnh đạo đất nước đến chỗ mắc vào âm mưu thâm độc của Trung Cộng trong việc hủy hoại tầng lớp tinh hoa của dân tộc. Trong khi Trung Cộng rất quan tâm đến tầng lớp tinh hoa của họ, thì lại xúi dục, bày mưu và trấn yểm để người Việt không thể phát triển trí thức bậc cao.

Kém trí tuệ của lãnh đạo Bộ GD thể hiện rõ nhất trong việc quản lý hành chính và làm chương trình cùng sách giáo khoa. Nền hành chính của GD quá nặng nề trong việc quản lý giáo viên, biến một số công việc mà giáo viên phải làm thành lao động khổ sai hơn là lao động sáng tạo. Không kịp thời phát hiện và chấn chỉnh việc dạy thêm, để nó trở thành như một thứ bệnh dịch.

Làm chương trình và biên soạn sách giáo khoa cho phổ thông đáng ra để cho một số giáo viên giỏi, có kinh nghiệm sư phạm phổ thông thực hiện và mỗi cuốn sách chỉ do một hai người phụ trách. Thế nhưng việc đó chủ yếu được giao cho các giáo sư đại học và mỗi quyển có nhiều tác giả. Những người này giỏi khoa học đến đâu thì chưa biết, nhưng kém về sư phạm phổ thông, họ thiếu hiểu biết về nhận thức chung, mỗi người chủ yếu biết chuyên sâu của mình. Phải chăng nhân cơ hội này họ được chia phần danh và lợi, mặc cho học sinh và giáo viên khốn khổ với chương trình và sách do họ soạn ra. Đó là một chương trình quá nặng, môn nào cũng quá nặng. Chương trình như thế là dành cho những học sinh xuất sắc như họ trước đây chứ không phải cho học sinh trung bình, mà phần lớn là những thứ không cần thiết. Những người soạn chương trình có lòng tốt, muốn cho học sinh VN đạt trình độ cao nhưng đó là lòng tốt do kém trí tuệ tao ra.

Sự quá tải về chương trình còn do yêu cầu “Phát triển toàn diện con người Việt Nam”. Phải chăng đây cũng là lòng tham hoặc lòng tốt do thiếu hiểu biết.

Chính trị hóa nền GD thể hiện ở mục tiêu, tính chất, nguyên lý, được ghi trong Luật GD, như là: “Nền GD Việt Nam là nền GD xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảngcoi trọng GD tư tưởng, đào tạo con người trung thành với chủ nghĩa xã hội”. Ngoài ra trong các văn kiện còn nói đến việc đào tạo những chiến sĩ cách mạng cho đời sau, những người có lập trường giai cấp, trung thành với Đảng CS, học là để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, xem GD như công cụ của đảng và nhà nước.

Chính trị hóa nền giáo dục dẫn đến hạ thấp vai trò của người học và người dạy là hai chủ thể của GD, đề lên quá cao vai trò của người lãnh đạo, làm lệch lạc trong chương trình và nội dung môn học, làm sai lệch về mục tiêu và phương pháp, mang lại lợi ít hại nhiều.

Lòng tham trong GD thể hiện chủ yếu ở chỗ tham danh tiếng, để được khen là chế độ ưu việt, lại cũng để thực hiện việc chia chữ như là một quyền lợi mà phát triển về số lượng trường học nhanh quá, nền kinh tế không theo kịp để phục vụ, từ đó hạ thấp chất lượng giáo viên (chuột chạy cùng sào), làm bần cùng hóa đời sống của họ, nhiều tiêu cực nảy sinh do tình trạng này.

Truyền thống đề cao người có bằng cấp kết hợp với lòng tham danh tiếng đã tạo ra hàng vạn trí thức dỏm, hữu danh vô thực, hủy hoại vai trò của trí thức chân chính. Việc lập ra các chương trình quá nặng cũng thể hiện lòng tham ở dạng khác. Về vật chất, nhà nước đầu tư không ít tài chính cho các cơ sở trường học và các dự án GD, nhưng phần lớn lọt vào túi tham của một số người có chức quyền và tạo ra những lãng phí lớn.

Sự độc quyền toàn trị trong hệ thống chuyên chính đã tạo ra nhiều tai họa cho xã hội mà chủ yếu là tham nhũng, mua quan bán chức, cửa quyền. Tinh thần của cách mạng vô sản và nền công an trị đã tạo nên thói quen bạo lực trong xã hội và lây lan vào nhà trường. GD rất khó tránh khỏi những bê bối đó. Làm sao mà GD giữ mình cho sạch được trong một vũng lầy, đó là chưa nới đến một số thói hư tật xấu của GD và xã hội kết hợp với nhau như phong trào thi đua tạo thành tích dỏm, động lực của dối trá.

Rồi cũng vì độc quyền của lãnh đạo mà để cho quyền hạn của những người quản lý GD từ Bộ đến trường quá lớn so với trách nhiệm. Ở nhiều địa phương, nhiều trường quan hệ giữa một số giáo viên và hiệu trưởng, trưởng phòng GD thiếu hẳn sự kính trọng và hợp tác.

Chính vì những lý do trên đây mà phương châm “GD là quốc sách hàng đầu” chỉ vạch ra cho có chuyện rồi để cho GD cứ tuột dốc thoải mái. Lúc thấy GD nguy khốn, Trung ương Đảng bèn ra nghị quyết số 29 (ngày 4/11/2013) về đổi mới căn bản và toàn diện nền GD.

NQ 29 được ĐCS tuyên truyền và đánh giá cao, nhưng thực chất cũng chỉ là một tập hợp ngôn từ với nhiều câu sáo rỗng và nhiều khẩu hiệu. Nó được soạn ra và ban hành để thỏa mãn một ý đồ hoang tưởng nào đó chứ có rất ít giá trị thực tế.

Sau khi NQ 29 được ban hành, tôi đã viết thư ngỏ gửi Quốc hội và TƯ Đảng trình bày rằng việc to lớn như thế chưa thế nào làm được vì ngoài nghị quyết, chương trình, kế hoạch (toàn là thứ trên giấy) và tài chính ra thì còn thiếu hai nhân tố quan trọng hàng đầu. Nếu cứ liều mà tiến hành thì chỉ tiêu tốn công sức và tiền của để thay vài điều sai lầm này bằng các điều sai khác mà thôi. Chỉ nên chọn vài việc cần thiết làm trước như là biện pháp tình thế. Quả là thực tế đã diễn ra gần như vậy, nghĩa là chỉ lấy cái sai mới thay vào cái sai cũ.

Tám năm trôi qua từ khi có NQ 29, bây giờ Đảng và Nhà nước hình như đang mệt mỏi chứng kiến cảnh giáo dục, đạo đức và văn hóa đang xuống cấp. Cũng cố gắng có vài hoạt động lên gân. Ngày 6/5/2021 Thủ tướng mới làm việc với Bộ trưởng GD mới để nghe báo cáo về 8 nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo phương hướng, ngày 26/9 Thủ tướng lại nêu cao việc học thật, thi thật, nhân tài thật, ngày 21/11 Ủy ban của Quốc hội họp bàn về Văn hóa học đường, ngày 24/11 Tuyên huấn của Đảng họp ở Hội trường Diên Hồng bàn về chấn hưng văn hóa. Rồi báo chí rầm rộ đưa ra thảo luận việc nên bỏ hay giữ câu “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Trong tình hình đó một vài cụ và anh chị em xướng lên việc tìm cho ra “Triết lý GD”. Tôi nghĩ, tìm được, thống nhất được thì tốt, nhưng hơi khó. Thống nhất được giữa các cụ và anh chị em đã khó rồi, mà thống nhất với lãnh đạo Bộ GD, với Quốc hội, với Tuyên huấn của Đảng còn khó hơn. Dù cho tìm ra được một triết lý thật hay thì cũng tạm để đó mà ngắm, mà tự sướng với nhau trong thời gian ngắn, giống như nhiều người đã tự sướng sau khi có NQ về Giáo dục là Quốc sách hàng đầu mà thôi.

Để một việc dù hay và tốt đến mấy, được thực hiện cho toàn quốc toàn dân thì việc đó phải được biến thành nhận thức sâu sắc và tình cảm mãnh liệt của những người lãnh đạo cao nhất. Những người đó cần có lương tri để tiếp nhận những ý kiến hợp tình hợp lý của các cụ và của anh chị em. Việc này là quá khó.

Trước khi bàn sâu vào Triết lý GD cần trả lới câu hỏi sau, trả lời xong mới bàn tiếp được. Câu hỏi là: Quan hệ giữa GD và Chính trị nên như thế nào?

Có nhiều ý kiến cho rằng cần phi chính trị hóa GD. Hình như ông Nguyễn Trần Bạt (1944-2020) là người Việt ở trong nước viết câu đó ra giấy trắng mực đen đầu tiên.

Theo tôi, Triết lý GD hay Mục đích của GD là gần giống nhau, liên quan đến cá nhân và cộng đồng. Giữa hai đối tượng này có sự thống nhất và mâu thuẩn chứ không hoàn toàn đồng nhất, vì vậy nên đặt trọng tâm vào đối tượng nào. A- Để phát triển cá nhân và từ đó sẽ có tác động đến cộng đồng. Một đất nước muốn hóa hổ hóa rồng trước hết cần có nhiều người giỏi. B- Để phục vụ quyền lợi cộng đồng, bảo vệ chế độ. Lúc này GD hưóng vào việc đào tạo nhân lực là chính.

Có một tư tưởng, mới nghe qua thì thấy rất hay, rất hợp với mong muốn mọi người, đó là GD nhằm làm cho dân giàu, nước mạnh, làm cho đất nước được xếp thứ hạng cao, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Nhưng nghĩ kỹ lại mới thấy đó là lòng tham danh tiếng của những người ưa thích sĩ diện hoặc kiêu ngạo. Đất nước được nổi tiếng trên thế giới thì những người cầm đầu nhà nước được tiếng khen còn đại đa số nhân dân không mấy khi cần đến nó. Họ cần những thứ bình dị và quan trọng hơn.

Xin hãy cứ nghĩ đơn giản rằng, GD đào tạo ra những con người tự do, có trí tuệ, có đạo đức, có bản lĩnh. Những con người đó góp phần tạo nên hạnh phúc cho cộng đồng. Tự do và hạnh phúc cho mỗi người và cho toàn dân, đó là cái đích cuối cùng cần nhắm tới của GD và mọi hoạt động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét