Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

20211214. NGHĨ VỀ SỰ KIỆN CÔ GÁI LỠ 'CẦM NHẦM'

ĐIỂM BÁO MẠNG

LÒNG VỊ THA, BÀI HỌC THAY ĐỔI NGƯỜI TRẺ

 LỠ CẦM NHẦM

VÂN THIÊNG/ TVN 6-12-2021

Vụ vợ chồng chủ shop quần áo ở Thanh Hóa hành hung, có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản của nữ sinh 15 tuổi khiến chúng ta thêm một lần nữa nghĩ về tính thiện và lòng vị tha của con người.

Hàng ngày, cứ đọc báo, nghe đài, lướt facebook, điều dễ nhận thấy là dường như con người bây giờ đối xử với nhau bạo lực hơn. Chả phải vì thời nay báo chí nhiều, mạng xã hội phát triển giúp công chúng biết được có nhiều vụ gây gổ, đâm chém, đánh đập nhau, mà căn bản là tính hơn thua, bạo lực ở con người thời hiện đại, thời của bon chen, tranh đoạt đã tăng lên.

Lối hành xử của kẻ mạnh

Từ trong gia đình, ra đến xã hội, thậm chí là trường học, dường như ở đâu cũng có tình trạng bạo lực xảy ra. Trong đó, bạo lực gia đình (vợ - chồng; cha mẹ - con cái, anh em ruột rà…) chiếm phần nhiều.


Lòng vị tha, bài học thay đổi người trẻ lỡ cầm nhầm

Nữ sinh quỳ gối nhận sai nhưng không được chủ shop Mai Hường ở phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) tha thứ

Số liệu của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, trực thuộc Hội LHPN Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Tổng đài ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (1900969680) đã tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi - tăng khoảng 140% so với năm 2020, trong đó 83% các cuộc gọi liên quan đến bạo lực gia đình.

Tính riêng số trường hợp được tham vấn về bạo lực gia đình đã tăng gần 60% so với năm 2020 và tăng hơn 230% so với năm 2019. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 30% các cuộc gọi vào tổng đài yêu cầu giải cứu khẩn cấp do bị bạo lực gia đình của phụ nữ phía Nam. Tại Hà Nội, Ngôi nhà bình yên đã tiếp nhận, hỗ trợ 74 trường hợp, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020 (54 người).

Phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng nguy cơ cao nhất của tình trạng bạo lực gia đình nói riêng và bạo lực nói chung  trong xã hội.

Nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng phần lớn là do lối hành xử của kẻ mạnh. Mạnh cả về sức khỏe (đàn ông), mạnh về lực lượng, bầy đàn (trong các vụ đánh ghen, học sinh đánh nhau vì ganh ghét, tranh giành người yêu…), về quyền và tiền (ông chủ, bà chủ, kẻ có tiền muốn thể hiện quyền lực nơi đám đông…).

Cổ nhân dạy “nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người sinh ra căn bản là thiện). Theo thời gian, sự tác động của cuộc sống mới sinh ra kẻ dữ - người hiền. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên” là muốn nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục đối với việc hình thành nhân cách đạo đức của con người.

Ai đã qua một thời trẻ thơ phải sống trong cảnh thiếu thốn của thời bao cấp mấy mươi năm trước đều khó có thể quên cái đói cồn cào mỗi buổi chăn trâu, thèm từ củ khoai, củ sắn, đến khúc mía, trái xoài xanh, quả ổi chát… Đi chăn trâu, chăn bò mùa đông lạnh buốt, chuyện moi trộm khoai để nướng, bẻ trộm khúc mía ven đường, hay trộm xoài là chuyện thường của đám trẻ con.

Cũng có người la mắng, nhưng không ít người đã nhẹ nhàng chờ cho “đứa trộm xoài” từ từ trèo xuống đất an toàn mới lên tiếng. Vì nhỡ nó sợ, nó nhảy xuống đất gãy chân thì sao? Thay vì đánh mắng, ông chủ vườn chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo, rồi còn cho mấy quả mang ra cho đám bạn đang chờ ngoài bãi chăn trâu.

Tính thiện và lòng vị tha

Sống thiện và vị tha là một trong những đức tính đáng quý của người Việt Nam. Với kẻ xấu, có thể đánh, cũng có thể tha. Người phạm lỗi có thể cố ý, có thể vô tình, có thể do nhận thức chưa đầy đủ. Kẻ trộm cũng vậy.

Lười biếng, không làm nhưng muốn có ăn - đi ăn trộm cũng có. Nhưng túng quá hóa liều, trộm từ cái bánh, mẩu xôi cũng có. Trong nhà cũng vậy mà ngoài xã hội cũng thế. Tha thứ hay không tùy thuộc lòng nhân từ, độ lượng của mỗi người và thái độ thành khẩn, biết sai, hối lỗi của người vi phạm.

Lòng vị tha, bài học thay đổi người trẻ lỡ cầm nhầm

Vợ chồng chủ shop Mai Hường bị bắt và khởi tố

Một bé gái 15 tuổi được đi học, hẳn cũng biết lấy trộm đồ là sai, là xấu. Nhưng có lẽ vì cha chết, nhà nghèo, nghĩ đến người mẹ bệnh tật, lao động quần quật vẫn không đủ nuôi 4 chị em, thích cái váy quá mà không  dám xin mẹ, trong một lúc thiếu suy nghĩ, đã tặc lưỡi, lấy trộm của cửa hàng. Khi nhận ra sai trái thì đã muộn. Chỉ biết thành tâm đến xin lỗi, mong được người lớn tha thứ và đền tiền. Thế nhưng người lớn đã cư xử ra sao?

Thay vì chấp nhận lời xin lỗi, khuyên các cháu về lẽ đúng sai, cho các cháu một bài học làm người, họ đã không tiếc lời chửi bới, đánh đập, vạch mặt để quay clip, cầm kéo cắt tóc, cắt dây áo ngực để làm nhục, rồi còn đe dọa, trấn lột tiền gấp 100 lần chiếc váy của những đứa trẻ nghèo.

Họ vẫn không chịu bỏ qua, ngay cả khi bố mẹ chúng đã đến nhà xin lỗi, nhận trách nhiệm!

Con dâu “trẻ người non dạ” đã đành một nhẽ. Sao bà mẹ chồng có tuổi cũng tiếp tay một cách thản nhiên. Những người làm mẹ, làm bà sao không ai mảy may thương xót cho một đứa trẻ đã quỳ mọp xuống nền nhà gào khóc van xin tha thứ. Thật đáng lo cho lòng dạ con người!

Giới kinh doanh buôn bán bây giờ, nhà ai mà không thờ cúng thánh thần, tháng nào mà chẳng lên chùa niệm Phật. Chắc chả mấy ai tiếc tiền trăm, tiền triệu sắm lễ cầu xin. Nhưng chỉ vì cái chân váy 160.000 đồng, bằng mấy bát phở sáng, mà cả nhà nhẫn tâm chà đạp một con người. Thử hỏi thần Phật của họ ở đâu?

Cái sai của cháu bé đã có pháp luật điều chỉnh. Thậm chí nếu luật không có, chỉ cần sống đúng là người lớn, có bản thiện, biết vị tha, chúng ta cũng có thể xử lý vụ việc một cách nhẹ nhàng. Chẳng những không mất của mà còn giúp cho cháu bé một bài học làm người.

Biết đâu, bài học từ cái lỗi nhỏ được tha thứ ấy sẽ trở thành hành trang giúp cháu lớn lên thành người sống biết trước biết sau, lo học hành, lao động để sống và làm người chân chính. Mà chủ shop, qua đó cũng tích thêm chút công đức cho con, cho cháu, tạo nên tiếng thơm cho việc kinh doanh.

Thế mới biết, dẫu sinh ra vốn “tính bản thiện”, nhưng muốn thành người thiện thì phải học, phải rèn.

Vợ chồng chủ shop rồi phải trả giá cho hành vi thiếu tính người của mình khi hành hung, làm nhục, trấn lột người khác bằng một bản án nào đó của tòa. Nhưng bản án của lương tâm, của triết lý làm người thì chẳng bao giờ có thời hạn để đếm đo!


Vân Thiêng


CÁCH CHỮA CHẠY CHO CUỘC SỐNG MÒN ?

TUẤN KHANH/ TD 11-12-2021

Không phải ai cũng biết là vài trăm năm trước, giới y học phương Tây có một cách cứu người đuối nước rất bất ngờ: đút ống thổi vào hậu môn để bơm sức sống vào trực tràng giúp nạn nhân tỉnh lại. Những bác sĩ thời đó, hoặc thổi hơi của thuốc lá vào ruột, hoặc ra sức thổi tận tình.

Chuyện khó tin như có thật này từng được đăng tải trên tạp chí chuyên Y khoa Boston Medical and Surgical Journal (Giờ thì được biết đến với tên là tạp chí The New England Journal of Medicine) trong số tháng 1 năm 1897. Tác giả bài viết là Julius Bonello ở Peoria, Illinois, nói phương pháp này giúp chữa nhiều thứ, nhưng với những nạn nhân chết đuối là thú vị nhất. Pháp là nước đầu tiên áp dụng kỹ thuật này, theo sau là giới y học ở Anh Quốc.


Ảnh tư liệu

Dĩ nhiên, dó là chuyện của thế kỷ 19. Con người văn minh hiện nay khi đọc lại những y văn cũ hầu như đều bật cười và nói rằng chuyện khó tin như vậy nhưng không hiểu sao có lúc giới bác sĩ lại tin tưởng tuyệt đối đến vậy. Nghĩ lại, thì cũng thật khó nói, vào những lúc tận cùng với hy vọng mông muội cứu sống một người sắp chết, người ta đã cố làm tất cả, chỉ để mong níu lại sự sinh tồn mà thôi.

Nhưng đôi khi, chuyện như vậy vẫn có thể xảy ra vào thời đại hôm nay.


Ảnh trên mạng

Chuyện mới đây ở Thanh Hoá là một ví dụ. Cô gái nhỏ dại dột vào tiệm thời trang và lấy cắp chiếc áo, giá 160.000 VNĐ, dẫn đến chuyện bị ông bà chủ làm nhục. Cách làm quá đáng của người chủ khiến dân cư mạng bất bình dẫn đến việc lấy cắp của cô gái ấy trở thành chuyện sai nhỏ hơn câu chuyện sai lớn đang lấp đầy mắt mọi người. Thế rồi, ăn theo sự kiện, Tỉnh đoàn Thanh Hoá, Thành đoàn Sầm Sơn và nhà trường lại “đến bệnh viện trao quà, động viên” cho cô gái này, vốn đang bị quá căng thẳng trước sự cố do mình khởi đầu gây ra.

Trong những bức hình được phô ra đầy tự hào về chuyện “động viên” này, người ta thấy rõ nhất là màu áo xanh của Đoàn thanh niên cộng sản. Bức hình như lời nhắn nhủ “chúng tôi luôn xông xáo và có mặt hữu ích ở tuyến đầu”. Loại trừ các ý nghĩa ngớ ngẩn của sự kiện, cách làm cũng không khác gì phương thức “bơm hơi hậu môn” của thế kỷ 19, nhưng không phải để cứu ai khác, mà để cứu chính mình với bộ dạng đã chết lâm sàng từ nhiều năm nay.


Sinh viên tình nguyện Nghệ An xếp hàng dài tạo “dải phân cách sống”. Ảnh: Phạm Hòa.

Đây không phải là lần đầu tiên, hình ảnh của đoàn thanh niên được “bơm” như vậy. Còn nhớ vào năm 2012, đoàn thanh niên cộng sản cũng có phong trào kỳ lạ là đưa đoàn viên ra làm dải phân cách sống trong dịp thi Trung học phổ thông Quốc gia. Bất kể nắng mưa, giới đoàn viên nam nữ thay nhau nắm tay đứng làm làn đường, mà theo giải thích của một thanh niên ở trường đại học Bách Khoa là “nếu không hành động như vậy, tình trạng tắc đường sẽ xảy ra nghiêm trọng. Thí sinh bước khỏi phòng thi lộn xộn, rất dễ bị tai nạn. Người nhà và sĩ tử cũng khó tìm thấy nhau trong biển người”.

Có thể những đoàn viên ấy được “bơm” suy nghĩ về cách sống như vậy là phục vụ và dâng hiến, nhưng giới phụ huynh cũng như tất cả những người có tinh thần bình thường trên đất nước ai cũng đều thấy khó chịu bởi trò mị dân, vô bổ và chủ đích “bơm hơi” để cứu hình ảnh của đoàn thanh niên trong giai đoạn nhạt nhoà của tổ chức này.

Gần đây, cũng đã có những vụ bê bối lùm xùm kháo nhau trên mạng về chuyện làm từ thiện cho người khó khăn, bị phong toả lúc đại dịch nhưng công sức thì của bá tánh, còn những chiếc áo xanh thì chen chân chụp ảnh, đứng nhận là phần mình.

Với sự ra đời, được tính là vào năm 1931 cho đến nay, đoàn thanh niên cộng sản đã có 90 tuổi đời – tuổi đủ lớn và để nhìn thẳng mặt nhau và đặt câu hỏi là đoàn thanh niên tồn tại để làm gì và cho ai? Trong mọi điều lệ và nhiệm vụ của đoàn thanh niên cộng sản, lúc nào câu nói “phấn đấu và phục vụ vì lý tưởng của Đảng và Bác Hồ”, thì rõ là tổ chức này là thành phần ngoại vi của đảng cầm quyền, vậy ngân sách nuôi dưỡng và hoạt động của tổ chức này đang tự tiện được trích từ tiền thuế của nhân dân Việt Nam, có thể gọi là bất hợp pháp hay không?

Sau năm 1975, người dân miền Nam được biết đến tổ chức này, và thanh thiếu niên thì bị cưỡng ép tham gia bởi có những ràng buộc hành chính vô lối, chẳng hạn như phải có đoàn viên thì mới được thi hay tốt nghiệp đại học. Những năm ở học đường sau năm 2000, dù không còn bắt buộc, nhưng hầu như các cuộc vận động vào đoàn đều mang tính thúc ép, vì xã hội không có tổ chức chính trị nào khác để lựa chọn. Bất kỳ ai ở miền Nam, cũng đều có thể có được những kinh nghiệm khó chịu về điều này.

Câu chuyện Tỉnh đoàn Thanh Hoá hớn hở chớp thời cơ “động viên” cô bé 16 tuổi vừa phạm sai lầm trong đời mình – kiểu đánh đu theo dư luận – diễn tả cho thấy sự tuyệt vọng của tổ chức này. Đã quá co cụm trong đời sống ngày càng vô nghĩa của mình, nên họ không còn đủ suy nghĩ đúng về giới hạn của đạo đức và lẽ phải. Ngoài các chương trình được tổ chức rùm beng và mị dân như hưởng ứng giờ trái đất, tổ chức nhặt rác, mít tinh hưởng ứng chính sách… thì việc xông vào xã hội qua các sự kiện bề nổi, cũng không khác gì cách chữa “bơm hơi”, duy trì cho sự tồn tại của mình.

Với con số khoảng 6,4 triệu đoàn viên trong cả nước, đây quả là một tổ chức không nhỏ. Nghĩ lại, việc “đút ống thổi bơm hơi” để cứu vãn cho hình ảnh tập hợp có được ý nghĩa của ngần ấy người, đặc biệt là với dân tộc và quê hương Việt Nam, ắt các nhà lãnh đạo tổ chức này cũng vô cùng mất sức.

_____

Tham khảo:

https://zingnews.vn/toi-khong-ung-ho-tinh-nguyen-vien-xep-hang-duoi-nang-40-do-post555253.html

Tuấn Khanh

KHÔNG THỂ XÓA BỎ TỔ CHỨC ĐOÀN THANH

 NIÊN CSHCM

NHÂN VĂN VIỆT/ TD 11-12-2021


Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên, nơi tập hợp những thanh niên tiên tiến và tự nguyện phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đoàn là đội dự bị tin cậy của Đảng, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phòng dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vị trí, vai trò quan trọng của Đoàn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận và thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam chứng minh. Tưởng rằng sự thật hiển nhiên về vai trò của Đoàn là không cần bàn cãi nữa, điều cần bàn ở đây là … Đọc tiếp
Không thể xóa bỏ tổ chức Đoàn thanh niên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét