Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

20211222. SCANDAL KIT TEST VIỆT Á

ĐIỂM BÁO MẠNG

BÁM GIÁ BỘ Y TẾ CÔNG BỐ, CÁC TỈNH CHI

 TIỀN TỈ MUA KIT TEST VIỆT Á

TRẦN CHUNG/ VNN 21-12-2021

Hàng loạt tỉnh đã chọn Việt Á trúng thầu cung cấp kit test, mức giá trúng thầu cũng biến thiên khó lường. Tuy nhiên, đa số đều bám theo giá Bộ Y tế công bố mức 470.000 đồng/test.





Liên quan đến việc trúng thầu kỳ lạ của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đối với việc cung cấp kit test tại hàng loạt tỉnh/thành như VietNamNet đã phản ánh, tìm hiểu sâu hơn các thông tin có thể thấy, mức giá chốt thầu cũng một nơi một kiểu.

Cụ thể, ngày 17/9/2020, bà Ngô Thị Xuân - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh - phê duyệt “Báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp trang thiết bị y tế khác” gửi Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế). Bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn, CDC Bắc Ninh chọn Việt Á cung cấp kit test với tổng giá trị gói 940 triệu động, nguồn tiền lấy từ nguồn vận động, ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 của Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận. Đơn giá là 470.000 đồng/test.

Cùng với mức giá trên, ngày 3/9/2021, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Minh ký quyết định “Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm chủ đầu tư”. Theo đó, tỉnh này mua 20.000 LightPower do Việt Á sản xuất với đơn giá 470.000 đồng/test, tương đương tổng giá trị hợp đồng là 9,4 tỷ đồng.


Bám giá Bộ Y tế công bố, các tỉnh chi tiền tỷ mua kit test Việt Á

Công ty Việt Á trúng thầu cung cấp kit test trị giá 9,4 tỷ đồng tại một địa phương 

Ngày 25/6/2021, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - ông Phạm Như Hiệp - cũng phê duyệt văn bản lựa chọn kit test LightPower với đơn giá 470.000 đồng/test, số lượng 13.440 test, thành tiền là hơn 6,3 tỷ đồng.

Ngày 18/6/2021, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định - ông Đỗ Đức Lưu ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu “Gói thầu số 1 - Mua sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2”. Quyết định này nêu đích danh Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã trúng thầu 2 hạng mục là kit test “LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR” (LightPower) và “Tách chiết tay aRNA Extraction Kit P”. Giá bán chốt là 509.250 đồng/test; số lượng là 13.536 test; tổng số tiền là gần 6,9 tỷ đồng.

Ngày 17/6/2021, tại Bắc Kạn, ông Nguyễn Long Hải - Chủ tịch UBND tỉnh - ký quyết định phê duyệt “Việc mua sắm vật tư, hóa chất và sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19”. Việt Á cung cấp kit test với tổng giá trị hơn 330 triệu đồng. Đơn giá lại là hơn 530.000 đồng/test.

Trong khi, vào ngày 5/10/2021, đơn giá trúng thầu của Việt Á tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) thấp hơn nhiều, chỉ có 376.500 đồng/test, số lượng 9.600 test, thành tiền gói thầu Việt Á trúng là hơn 3,5 tỷ đồng.

Bám giá Bộ Y tế công bố, các tỉnh chi tiền tỷ mua kit test Việt Á
Một bộ kit test của Công ty Việt Á 

Điều đáng nói, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã xác định việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương mua kit test xét nghiệm RT-PCR của Việt Á với giá 470.000 đồng/test, mức giá này đã có kê khống, bao gồm tiền 'phầm trăm'. Sau khi trúng thầu 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, ông Phan Quốc Việt, TGĐ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, đã “lại quả” gần 30 tỷ đồng cho Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương - ông Phạm Duy Tuyến.

Có thể thấy, hình thức lách để “ăn” nguồn NSNN và nguồn tiền ủng hô phòng, chống dịch Covid-19 thông qua mua sinh phẩm, vật tư y tế là sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do công ty này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. 

Trớ trêu, trong văn bản ngày 13/7/2021, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn đã ký và công bố danh sách các sinh phẩm chẩn đoán/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2.

Kit test LightPower của Việt Á được chính đại diện Bộ Y tế giới thiệu cho các cơ quan y tế toàn quốc. Bộ Y tế khẳng định, kit test này có độ nhạy: 100%; độ đặc hiệu: 100%; năng lực cung ứng 3.000.000 test/tháng, mức giá bán công bố là 470.000 đồng/test với đơn hàng dưới 500.000 test.

Trước đó, tháng 11/2021, UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật bằng việc cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế).

Trần Chung


HAI BỘ Ở ĐÂU SAU KHI WTO TỪ CHỐI PHÊ

 

DUYỆT TEST KIT CỦA VIỆT Á ?


SONG NGHI / KTSG 20-12-2021


(KTSG Online) – Sau khi vụ hối lộ để bán test kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á bị phơi bày, có ba câu hỏi cần đặt ra: Chất lượng của các bộ kit này ra sao? Hai bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế đã làm gì sau khi bộ kit của Việt Á không được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp nhận từ hơn một năm qua? Tại sao lại có sự đánh tráo khái niệm từ việc “WHO cấp mã số” thành “WHO chấp thuận” bộ kit này?

Sở dĩ phải hỏi như vậy là vì theo công bố ngày 20-10-2020, WHO kết luận bộ test kit của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Việt Á) “không được chấp nhận” (Not Accepted) sau khi thẩm định. Trên trang web của WHO có đầy đủ thông tin và bản báo cáo “Public report for LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR kit” đối với test kit này(*).

Tháng 4-2020, Việt Á đã đăng ký với WHO để thẩm định theo quy trình EUL đối với test kit LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit (LightPower) và được cấp số đăng ký EUL 0524-210-00. EUL là quy trình đánh giá sử dụng khẩn cấp dành cho các tình huống khẩn cấp về sức khỏe để hỗ trợ thông tin cho các cơ quan mua sắm và các nước thành viên Liên hiệp quốc.

Trên cơ sở đánh giá EUL, các nước có thể quyết định phê duyệt, sử dụng các sản phẩm cụ thể đã được chấp thuận trong danh sách được WHO phê duyệt. Quy trình EUL bao gồm đánh giá hệ thống quản lý chất lượng và kế hoạch giám sát sau thị trường của nhà sản xuất, đánh giá tài liệu cụ thể về sản xuất và tài liệu chứng minh về tính an toàn, độ hiệu quả.

Sau lần nộp hồ sơ đầu tiên, đầu tháng 6-2020, Việt Á được yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung . Đến tháng 10-2020, WHO công bố kết luận bộ kit của Việt Á “không được chấp nhận”, tức là không đủ tiêu chuẩn để vào chương trình mua sắm của WHO.

Lần ngược lại thời gian, vào khoảng cuối tháng 4-2020, báo chí trong nước dẫn nguồn từ Bộ Khoa học và Công nghệ đưa tin kit xét nghiệm LightPower của Việt Á “đã được WHO chấp thuận với số đăng ký EUL 0524‐210‐00”(**). Thông tin này cũng được đăng tải trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, hiện tại bài viết này – xuất bản ngày 26-4-2020 với đường dẫn http://www.most.gov.vn/vn/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=17701&tieude=bo-kit-xet-nghiem-covid–19-cua-viet-nam-san-xuat-vua-duoc-to-chuc-y-te-the-gioi-chap-thuan.aspx – đã được gỡ bỏ(***).

Đây là thông tin không chính xác vì việc WHO cấp số đăng ký chỉ có nghĩa là tổ chức này nhận hồ sơ thẩm định test kit LightPower theo quy trình EUL chớ không hề mang ý nghĩa là “được WHO công nhận” như các bản tin nói trên. Tại sao lại có sự đánh tráo khái niệm giữa thanh thiên bạch nhật ngay tại một cơ quan chuyên trách quản lý khoa học là Bộ Khoa học và Công nghệ?

Điều đáng nói hơn là sau khi WHO công bố kit xét nghiệm LightPower của Việt Á không được phê duyệt đưa vào danh sách khuyến cáo mua sắm của tổ chức này từ tháng 10-2020 đến nay, thông tin này đã được xử lý ra sao? Thật khó hình dung về việc hai bộ có liên quan trực tiếp đến chất lượng và sử dụng kit xét nghiệm của Việt Á là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế lại không hay biết gì về kết quả này.

Như vậy, hơn một năm trôi qua sau khi có kết quả từ phía WHO, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Bộ Y tế đã có những động thái gì liên quan đến kiểm tra chất lượng sản phẩm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á? Tại sao trong hơn một năm đó, Việt Á vẫn bán được hàng triệu bộ test kit mà không gặp phải trở ngại nào?

——————-

(*) https://www.who.int/publications/m/item/EUL-0524-210-00

(**) https://www.sggp.org.vn/bo-kit-xet-nghiem-covid19-cua-viet-nam-duoc-who-cong-nhan-659377.html

(***) https://tuoitre.vn/bo-khoa-hoc-cong-nghe-go-tin-bo-kit-test-covid-19-cua-viet-nam-duoc-who-chap-thuan-20211220151132514.htm

CẤP DƯỚI VÀO 'LÒ', CẤP TRÊN CỦA GIÁM ĐỐC CDC HẢI DƯƠNG TRÁCH NHIỆM RA SAO ?

TRẦN PHƯƠNG/ GDVN 21-12-2021

GDVN- Giám đốc CDC Hải Dương bị khởi tố, liệu rằng lãnh đạo của Sở Y tế Hải Dương và các ban ngành liên quan của tỉnh Hải Dương có trách nhiệm ra sao?

Theo cổng thông tin điện tử Bộ Công an đưa ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh Bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là Kit xét nghiệm Covid) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Theo thông tin được phát đi, ông Phạm Duy Tuyến - người đứng đầu Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (gọi tắt là CDC) Hải Dương, một trong những đơn vị chủ công của lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống Covid-19 là một trong những mắt xích của đường dây vi phạm pháp luật đã nêu.

Theo thông tin từ Cổng thông tin Bộ Công an, để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm Covid cho CDC Hải Dương thông qua 05 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.

Đối tượng Phan Quốc Việt (áo đen) và đối tượng


 Phạm Duy Tuyến - Cựu Giám đốc CDC Hải Dương.


 Ảnh: Công thông tin Bộ Công an

Sự việc được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, tuy nhiên, thông tin một trong những đơn vị chủ công chống dịch COVID - 19 vi phạm pháp luật, lợi dụng dịch bệnh, các cá nhân, tổ chức đã thu lợi cả trăm, cả chục tỉ đồng đã gây bất bình trong dư luận.[1]

Cũng cần nhấn mạnh rằng, hành vi trục lợi trong dịch bệnh không phải lần đầu tiên xuất hiện ở một Trung tâm CDC.

Ông Nguyễn Nhật Cảm – cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) - có thể được xem là điển hình của "trục lợi từ dịch bệnh", khi cùng 6 thuộc cấp và đồng phạm nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID-19.

Theo thông tin từ tài liệu của cơ quan điều tra, giá trị của thiết bị y tế phòng dịch bị ông Cảm và đồng phạm nâng khống từ 2,3 tỉ lên 7 tỉ đồng, nghĩa là gấp 3 lần giá nhập. [2]

Hành vi của ông Cảm khiến dư luận xã hội không khỏi bức xúc và thực tế bản án 10 năm tù cho ông Cảm là một hình phạt đích đáng.[3]

Với cương vị Giám đốc Trung tâm CDC, ông Tuyến, ông Cảm biết rõ vai trò của cá nhân và đơn vị là tuyến đầu trong phòng chống COVID-19 với các nhiệm vụ sàng lọc, kiểm soát, xét nghiệm, đưa ra cảnh báo và công bố những người nhiễm bệnh.

Với trách nhiệm như thế, vậy mà lòng tham, lóa mắt vì đồng tiền những người giữ trọng trách lớn lao đã vô cảm trước sức khỏe và tính mạng của nhân dân để trục lợi, vun vén cho cá nhân mình.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi là hành vi không thể chấp nhận được, pháp luật luôn dành cho những kẻ trục lợi, chiếm đoạt tài sản những hình phạt thích đáng cho tội danh này.

Nhưng trục lợi trong điều kiện dịch bệnh thì càng phải xem như một tình tiết tăng nặng và cần xử lý thật nghiêm để làm gương.

Còn bao nhiêu cán bộ bị thoái hóa biến chất như ông Phạm Duy Tuyến, ông Nguyễn Nhật Cảm? Còn bao nhiêu những kẻ vì những đồng tiền “bẩn” mà chấp nhận bán mình cho “quỷ dữ”? Cơ quan chức năng sẽ làm rõ và nhân dân sẽ giám sát chặt chẽ.

Đặc biệt, ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương vi phạm pháp luật và bị khởi tố, câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan cấp trên của những trung tâm CDC cũng cần phải được làm rõ. Liệu rằng lãnh đạo của Sở Y tế Hải Dương và các ban ngành liên quan của tỉnh Hải Dương có vô can?

Trong sự việc của Trung tâm CDC Hải Dương,ngày 19/12, tờ Lao động đã dẫn lời ông Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Sở y tế Hải Dương về trách nhiệm của Sở Y tế. Theo đó, vị Giám đốc Sở Y tế Hải Dương đã cho biết, Trung tâm CDC Hải Dương lập kế hoạch mời thầu trình Sở Y tế tỉnh, sau đó Sở Y tế có tờ trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã báo cáo thường vụ Tỉnh ủy và được tỉnh đồng ý với chủ trương này.

“Thực hiện cụ thể gói thầu như nào là do CDC Hải Dương triển khai” – ông Cường khẳng định.

Cũng theo bài báo ngày 19/12, về dư luận cho rằng sở Y tế Hải Dương có bật đèn xanh cho CDC tỉnh thông đồng với lãnh đạo công ty Việt Á thực hiện việc nâng khống giá vật tư, kit test, ông Cường cho rằng không có chuyện đó: “Chúng tôi quản lý nhà nước, chúng tôi có làm việc mua bán cụ thể đâu mà biết được” – Báo Lao động dẫn lời ông Cường.

Theo ông Cường, tỉnh đã giao cho CDC Hải Dương thực hiện việc mời thầu, mua bán vật tư thiết bị thì CDC tự chịu trách nhiệm trong việc mua bán cụ thể như thế nào. Mà việc chỉ định thầu còn có rất nhiều hạng mục khác, với nhiều đơn vị khác, chứ không phải chỉ kit test của công ty Việt Á.

Việt Á là chỉ là một trong các đơn vị cung cấp vật tư thiết bị cho Hải Dương. “Việc CDC Hải Dương thực hiện chỉ định thầu đối với công ty Việt Á là theo chỉ định của tỉnh. Việc thực hiện cũng theo các quy định cụ thể của luật” – ông Cường nói.

Với câu trả lời của ông Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Sở Y tế Hải Dương trên báo Lao động có thể thấy, Sở này dường như chẳng phải chịu trách nhiệm gì!

Từ khi dịch bệnh COVID -19 xuất hiện tại Việt Nam và nhiều tháng gần đây dịch bệnh ngày càng phức tạp, làm ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe, đời sống của người dân, khó khăn chồng chất khó khăn.

Mọi hành vi móc ngoặc trục lợi trong dịch COVID -


 19 đều đáng lên án. Tranh minh họa: Báo Nhân dân

Trong khó khăn, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là những lực lượng nơi tuyến đầu của ngành y tế đã phát huy vai trò quan trọng trong đấu tranh, phòng chống dịch bệnh, đem lại sức khỏe, an toàn cho nhân dân.

Trong dịch bệnh, đã có nhiều cá nhân tổ chức thực hiện những việc làm, nghĩa cử cao đẹp.

Nhiều bạn trẻ đã xếp bút nghiên tham gia chống dịch, đã có không ít người gác lại nỗi đau mất người thân, giữ vững vị trí chiến đấu.

Nhân dân đoàn kết bằng việc góp tiền, góp sức, góp nhu yếu phẩm ủng hộ, phát cơm miễn phí…để cùng chung tay chống dịch.

Tất cả đều đáng trân trọng và góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, góp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19.

Chặng đường chống dịch thời gian qua cho thấy càng trong khó khăn, tinh thần tương thân, tương ái càng được khơi dậy.

Giữa tin thần đoàn kết, vượt khó khăn của dân tộc như vậy lại xuất hiện những kẻ trục lợi từ dịch bệnh thật khó chấp nhận.

Đáng buồn hơn, chuyện tiêu cực lại xuất hiện đúng trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh ở một cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.

Những đối tượng trong đường dây vừa bị khởi tố đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid của các địa phương trên cả nước và sự tiếp tay của những cán bộ thoái hóa, biến chất để thực hiện hành vi phạm tội.

Những năm qua, mặt trái của kinh tế thị trường như một “cơn lốc dữ” đã khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên bị chao đảo, thậm chí bị “nhấn chìm” trong “dòng xoáy” của quyền lực.

Từ người nắm giữ, thực thi quyền lực, không ít cán bộ, đảng viên đã bị quyền lực quyến rũ, mê hoặc đến mức u mê để rồi trượt dài vào “vũng lầy” tha hóa quyền lực.

Hậu quả của những cán bộ sa vào “vũng lầy” quyền lực này không chỉ là những bản án pháp luật đích đáng mà nó còn ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và gây ra sự bất bình trong dư luận.

Kiên quyết chống và bài trừ những kẻ thoái hóa biến chất, đây là việc làm lớn nhất của Đảng, tạo niềm tin cho nhân dân.

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: Lò đã nóng thì không kẻ nào có thể cưỡng lại với quy luật phát triển.

Việc làm đó đem lại niềm tin lớn nhất, chẳng những trong nước mà trên trường quốc tế. [4]

Bên cạnh đó, dấu hỏi về trách nhiệm của cơ quan cấp trên, vai trò của người đứng đầu Sở Y tế Hải Dương, các cơ quan liên quan của tỉnh Hải Dương cũng cần phải làm rõ.

Liệu rằng có câu chuyện buông lỏng quản lý ở Sở Y tế Hải Dương?

Lâu nay, chúng ta vẫn nghe một cụm từ đã trở nên rất quen thuộc: "buông lỏng quản lý".

Bốn tiếng trên chỉ sự tắc trách, không làm trọn chức năng, phận sự được giao của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể nào đó dẫn tới những hậu quả không mong muốn, nhẹ thì khiến công việc ngưng trệ, đình đốn, nặng có thể gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước, thậm chí nguy hại đến tính mạng con người v.v..

“Buông lỏng” - rất dễ hiểu là buông lơi, dẫn đến lỏng lẻo, tức là người nắm quyền quản lý không lưu tâm, ngó ngàng tới, để cho mọi việc trong phạm vi quản lý của mình muốn diễn ra thế nào cũng được, có khi lọt ra khỏi tầm kiểm soát của mình.

Và trong vụ việc của Trung tâm CDC Hải Dương, nếu Sở Y tế Hải Dương có sự kiểm tra, giám sát kịp thời với trách nhiệm của cơ quan chủ quản, các sở ban ngành liên quan của tỉnh Hải Dương làm hết phận sự của mình với trách nhiệm cao nhất liệu rằng Phạm Duy Tuyến và Phan Quốc Việt có thể hình thành một "liên minh ma quỷ", ký sinh trên nỗi đau của đồng bào như vậy hay không?

Dư luận rất cần câu có câu trả lời của các đơn vị cấp trên của ông Phạm Duy Tuyến ở tỉnh Hải Dương.

* Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.mps.gov.vn/tin-tuc-su-kien/khoi-to-07-doi-tuong-trong-vu-an-hinh-su-vi-pham-quy-dinh-ve-dau-thau-gay-hau-qua-nghiem-trong-xay-ra-tai-cong-ty-viet-a-cdc-hai-duong-t30706.html

[2] http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Thu-truong-Cong-an-thong-tin-vu-an-CDC-Ha-Noi/394784.vgp

[3] https://cand.com.vn/Ban-tin-113/De-nghi-y-an-cuu-Giam-doc-CDC-Ha-Noi-va-dong-pham-i617920/

[4] https://vov.vn/chinh-tri/dang/kien-quyet-bai-tru-nhung-ke-thoai-hoa-bien-chat-1015938.vov

Trần Phương
VỤ KIT VIỆT Á PHẢI TRUY ĐẾN CÙNG TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
MẠNH ĐOÀN/ GDVN 21-12-2021
GDVN- Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, những vụ việc trục lợi từ mua sắm thiết bị y tế của các lãnh đạo CDC ở địa phương, chứng tỏ sự giám sát quyền lực không hiệu quả.

Ngày 18/12, trả lời báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) do vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế kit test Covid-19 do đơn vị này sản xuất.

Theo đó, từ tháng 4/2020 đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế trên nhiều tỉnh thành của cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.

Tại tỉnh Hải Dương, tính từ tháng 2 đến tháng 11/2021, CDC Hải Dương đã hợp thức ký kết và thanh quyết toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế tổng số tiền gần 151 tỉ đồng. Đổi lại, ông Tuyến được nhận phần trăm là gần 30 tỉ đồng.

Vụ việc trên gây bức xúc dư luận về hành vi nhận hối lộ của các cán bộ là quản lý trong lĩnh vực y tế, và trục lợi của đơn vị sản xuất kit test Covid-19.

Nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng trong lĩnh vực y tế từng bị phanh phui, đưa ra xử lý nhưng nhiều cán bộ vẫn không chùn tay. Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải có biện pháp cụ thể như nào để giải quyết triệt để vấn đề trên.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng - Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an Việt Nam cho rằng, những vụ phạm tội trong lĩnh vực mua sắm thiết bị y tế bị phát hiện và khởi tố liên tiếp cho thầy có nhiều vấn đề, cho dù chúng ta đã giáo dục tuyên truyền rất nhiều.

Các cuộc học tập, chỉnh đốn đã giúp cho cán bộ, đảng viên tiến bộ lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ tiếp tục tha hóa, không thấy việc xử lý các vụ việc trước đó làm gương.

Đảng ta cũng có nhiều Nghị quyết về chống tham nhũng. Như trong nhiệm kì XII chúng ta có 4 Nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng.

Thiếu tướng, PGS,TS Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an). (Ảnh: VPCP)

Trong một nhiệm kì 4 năm rưỡi, chúng ta đã xử lý 113 cán bộ cấp cao. Điều này chứng tỏ quyết tâm chính trị của Đảng là rất cao, đúng như Tổng bí thư đã nói là không có vùng cấm, ngoại lệ, không ngưng nghỉ.

Rõ ràng việc đấu tranh trong nhiệm kì XII là củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng.

Thiếu tướng Cương nhận định, dịch Covid-19 là kẻ thù chung của nhân loại, nên mọi dân tộc, quốc gia đang gồng mình lên chống dịch. Người Việt Nam chúng ta cũng có những hình ảnh rất đẹp thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm chống dịch. Ví như hình ảnh cụ già mang con gà, mớ rau đến tặng cho lực lượng ở các chốt phòng chống dịch Covid-19.

Tinh thần cộng đồng, tính bao dung đạo lí của người Việt Nam trong khó khăn luôn như vậy. Trong khi đó, một số quan chức vẫn lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, tham nhũng.

Từ đây chúng ta rút ra một điều là hệ thống giám sát quyền lực của ngành Y tế, sự giám sát việc đấu thầu ở các địa phương không hiệu quả.

Một nguyên lí của chính trị học là quyền lực không được giám sát thì bị tha hóa. Cho nên điều thứ nhất sau những vụ xảy ra trong lĩnh vực y tế, điều quan trọng nhất là phải kiểm tra lại hoạt động của lực lượng y tế.

“Bộ Y tế và Thanh tra, các Cục, Vụ chuyên ngành là hệ thống giám sát, kiểm tra Đảng, đoàn, Bộ Y tế là hiệu quả rất thấp.

Tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm phải quy định trách nhiệm cho những cá nhân, như đồng chí nào chịu trách nhiệm về mảng này phải đứng ra nhận trách nhiệm, chứ không thể nói chung được. Chúng ta phải xử lý một số cán bộ, công khai minh bạch trong cả nước”, Thiếu tướng Cương nhận định.

Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Bộ Nội vụ, Ủy ban kiểm tra của Đảng, Ủy ban bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, Ban tổ chức Trung ương Đảng giúp đỡ ngành y tế điều chỉnh bổ sung ngay hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm thiết bị y tế, kể cả hóa chất.

Bộ trưởng Bộ y tế phải chủ trì tổng kiểm kê lại quy trình, quy chế văn bản xung quanh việc mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.

“Chúng ta không thể cứ rút kinh nghiệm mãi được, phải có biện pháp cụ thể, nếu không thì không được”, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho hay.

Thiếu tướng Cương cũng cho rằng, nếu vụ này làm nghiêm thì ông tin đội ngũ cán bộ y tế sắp tới sẽ không có vi phạm.

Nhận định về việc Giám đốc CDC Hải Dương có hành vi nhận số tiền 30 tỉ đồng từ công ty Việt Á trong hợp đồng có tổng giá trị 151 tỉ đồng, Thiếu tướng Cương cho rằng, bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra sẽ lôi ra ánh sáng những người có liên quan để xử lý đích đáng, nghiêm minh.

Thông tin thêm về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay, về hành vi của Giám đốc CDC Hải Dương nhận phần trăm là 30 tỉ đồng từ Công ty Việt Á, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc đưa nhận tiền trong những tình huống như thế này có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội "Đưa hối lộ" theo Điều 364, Bộ luật Hình sự và tội "Nhận hối lộ", theo Điều 354, Bộ luật Hình sự hay không để tiếp tục xử lý theo quy định.

Luật sư Cường nhận định, qua vụ án này một lần nữa cho thấy có một số doanh nghiệp "sân sau" đã thao túng ngành nghề, lĩnh vực ở nhiều địa phương, nhiều địa bàn, làm thất thoát tài sản của nhà nước, suy thoái đạo đức của cán bộ.

Bởi vậy cơ quan chức năng cần làm rõ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và quan chức, làm rõ phương thức thủ đoạn của các đối tượng để xử lý theo quy quy định của pháp luật và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.

Sau rất nhiều vụ án xảy ra trong việc mua sắm máy móc, thiết bị y tế, sai phạm sa ngã của các cán bộ ngành y tế, trong đó có các cán bộ cao cấp, thuộc loại tinh hoa cho thấy đã đến lúc phải thực hiện một cuộc "đại phẫu" trong lĩnh vực y tế để sàng lọc, loại bỏ các bác sĩ thiếu y đức, thiếu chuẩn mực để đảm bảo tốt hơn chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe nhân dân, an toàn cho cộng đồng, xứng đáng với nghề thầy thuốc, được xã hội kính trọng.

Mạnh Đoàn
AI Ở BỘ KH&CN BIẾN KIT VIỆT Á 
TỪ 'KHÔNG ĐƯỢC CHẤP THUẬN' THÀNH 'ĐƯỢC CHẤP THUẬN' ?
HOÀNG QUỲNH/ GDVN 21-12-2021
GDVN- Trên trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ đã gỡ bỏ thông tin liên quan đến bộ KIT xét nghiệm của công ty Việt Á.

Ngày 26/4/2020, Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ đăng tải: "Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận".

Trong đó nêu rõ: "Ngày 24/4, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học - Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00".

Đến ngày 20/10/2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á là: Not Accepted - Không được chấp nhận.

Không tim thấy thông tin trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh chup màn hình

Ngày 20/12/2021, trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ, thông tin công bố đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kit test của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã bị gỡ bỏ.

Liên quan đến việc bộ kit test không được WHO chấp thuận nhưng vẫn đưa sản phẩm này vào sử dụng từ tháng 3/2020 đến nay, phát biểu trên tờ VTC News (của Đài tiếng nói Việt Nam) ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, thừa nhận: "Bộ chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á. Thực chất WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng" không phải "chấp thuận sử dụng". "Đây là sơ suất của Bộ Khoa học và Công nghệ".[1]

Việc gỡ bỏ thông tin trên website chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ về thông tin bộ xét nghiệm của công ty Việt Á khiến dư luận bất ngờ.

Bởi thông tin về bộ xét nghiệm trên cũng như thông tin được WHO “công nhận” mà Bộ Khoa học và Công nghệ cho đăng tải đã được nhiều cơ quan thông tấn báo chí có uy tín ở trung ương và địa phương đăng tải lại.

Có thể thấy, sau ngày công bố của Bộ Khoa học và Công nghệ, thông tin về bộ xét nghiệm của Việt Á đã lan tỏa khắp cả nước.

Thông tin này đã tồn tại hơn 1 năm nay, khi thông tin được phát đi dư luận đã có những tín hiệu vui mừng phấn khởi khởi. Nhiều địa phương đã tham khảo thông tin này trước khi đặt mua bộ xét nghiệm này cho địa phương mình phục vụ công tác chống dịch Covid-19.

Ngay cả khi WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á là: Not Accepted - Không được chấp nhận ngày 20/10/2020, tức là cách thời điểm hiện tại đã hơn 1 năm, nhưng bản tin sai sự thật trên website Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn tồn tại. Dư luận không thể không đặt câu hỏi về năng lực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ trong vụ việc nghiêm trọng này.

Chỉ đến khi vụ việc bị phanh phui, ông Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á - bị khởi tố để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19, thì bản tin trên trang của Bộ Khoa học và Công nghệ bị gỡ xuống.

Các thông tin trên website của trung ương và địa phương vẫn còn đang lưu lại thông tin mà Bộ Khoa học và Công nghệ phát đi.

Và cũng hơn sau một năm, thông tin sai này được cho là “sơ suất”.

Với sự “sơ suất” rất nguy hiểm này dư luận cần câu trả lời cụ thể từ phía Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bởi “sơ suất” theo từ điển Tiếng Việt có nghĩa là “Không cẩn thận, không chú ý đúng mức để có sai sót”.

Liệu rằng thông tin từ một bộ quản lý nhà nước chuyên ngành về khoa học và công nghệ mà lại có thể “không cẩn thận, không chú ý”…

Lâu nay, nhiều sai sót vẫn được đổ lỗi là do “đánh máy”, và những câu trả lời lỗi “đánh máy” đã trở thành một trong những cách đổ lỗi rất “hợp thời” của số ít cơ quan chức năng khi có sai phạm.

Lỗi của người đánh máy (Ảnh minh họa của DAD17).

Với những câu “đổ lỗi” như vậy rất khó thuyết phục, bởi trong vụ án của Trung tâm CDC Hải Dương cơ quan điều tra đã xác định có sự móc ngoặc giữa đối tượng Phan Quốc Việt – Giám đốc công ty Việt Á và đối tượng Phạm Duy Tuyến - Cựu Giám đốc CDC Hải Dương để trục lợi cả trăm tỉ đồng.

Riêng Phạm Duy Tuyến đã được “lại quả” đến 30 tỷ đồng.

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị đã cảnh báo tình trạng doanh nhân, doanh nhân móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.

Đây là dạng tham nhũng đặc biệt và ngày càng gia tăng, trở thành một trong những nguy cơ đối với Đảng, Nhà nước, phải sớm được ngăn chặn, đẩy lùi.

Do vậy, việc “sơ suất” ở Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải được làm rõ và ai ở Bộ Khoa học và Công nghệ phải chịu trách nhiệm cho việc cung cấp thông tin sai lệch này?

* Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtc.vn/bo-kh-cn-thua-nhan-sai-sot-dua-tin-who-chap-thuan-kit-test-cua-cong-ty-viet-a-ar652927.html

[2] http://congan.nghean.gov.vn/kinh-te-xa-hoi/khoa-hoc-cong-nghe/202004/bo-san-pham-xet-nghiem-covid-19-cua-viet-nam-duoc-who-chap-thuan-897953/

[3] https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202004/bo-kit-xet-nghiem-cua-viet-nam-duoc-who-chap-thuan-co-hoi-xuat-khau-2176947/

[4] https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-san-pham-xet-nghiem-covid-19-cua-viet-nam-duoc-who-chap-thuan-67434.html

Hoàng Quỳnh
KIT XÉT NGHIỆM RỞM CỦA VIỆT Á: VỤ LỪA ĐẢO MANG TẦM QUỐC GIA, LIỆU THỦ TƯỚNG CÓ BỊ QUA MẶT ?
PHẠM VĂN BẮC /TD 20-12-2021
Trách nhiệm của Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long và Nguyên Bộ Trưởng Bộ Khoa học công nghệ-đương kim Chu Tổng đốc Hà Thành Chu Ngọc Anh ở đâu? có hay không quan chức của 2 bộ này đang bắt tay nhau cùng Việt Á để lừa hút máu dân?
Tôi đã định không viết gì nữa nhưng hôm nay đọc thông tin Bộ Khoa học - Công nghệ đã gỡ thông tin mà Bộ này đã đăng tuyên bố, rằng bộ kit test COVID-19 của Việt Nam "được WHO chấp thuận" trên website của Bộ thì đúng là không thể tưởng tượng được mức độ xảo trá của quan chức có liên quan.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã có văn bản bác bỏ không chấp nhận cho phép lưu hành (NOT ACCEPTED) bộ Kit này, vậy mà các ông cho công bố thông tin trên Website của mình là “ĐƯỢC CHẤP THUẬN” cho phép lưu hành.
Bộ KHCN và Bộ Y tế ngang nhiên cho Việt Á bán cho CDC của 62 tỉnh thành trong cả nước, với giá cao ngất ngưởng. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hải Dương mua tổng trị giá 151 tỷ đồng, thì giám đốc CDC Hải Dương được Việt Á lạy quả 30 tỷ đồng (30%).
Việt Á bán được hơn 4.000 tỷ đồng, thì theo tỷ lệ ăn chia trên, Việt Á thu về 3.200 tỷ đồng, còn 800 tỷ đồng cho các quan chức xơi.
Tưởng nơi sản xuất Kit của Việt Á thế nào, hóa ra là một phòng rộng hơn 10m2, nhìn vô cùng mất vệ sinh, lộn xộn. Có 10 nhân viên sản xuất pha chế, mà đa số chưa học hành về chuyên ngành dược. Vậy mà mỗi ngày cho ra đời 30.000 bộ kít nhân với 550l/1 bộ = 16.5 tỷ đồng/1 ngày.
Một xét nghiệm PCR thời kỳ đầu các nơi thu trên 2 triệu đồng, sau khi bị báo chí thắc mắc, thì giảm về hơn 1 triệu, rồi giảm về 950 ngàn đồng, rồi giảm về 750 ngàn đồng, hiện tại còn 500 ngàn đồng.
Sao các ông hút máu dân kinh khủng như vậy? À, mà quên, hít cả dịch mũi dân sạch như vậy?
Đến giờ thì chắc mọi người đã vỡ lẽ ra là tại sao lại được tư vấn chọc thật nhiều, ngoáy thật nhiều.
Tham nhũng là một liên minh ma quỷ giữa các quan chức và những kẻ dã tâm.
Việc làm sai trái của Bộ Y và Bộ KHCN thì đã rõ, và họ cần phải bị trừng phạt, nhưng trừng phạt hết, thì như lời của cựu chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, là kỷ luật hết lấy đâu người ra để mà làm việc?
TRUY VẤN NGUYỄN CÔNG KHẾ, HOÀNG HẢI VÂN , TRẦN ĐÌNH THU
CHU MỘNG LONG/TD 20-12-2021
Nguyễn Công Khế quảng bá, ngợi ca Phan Quốc Việt ngay từ lúc lò Kit phôi thai, xem Phan Quốc Việt là thiên tài, bộ Kit do Phan Quốc Việt tạo ra thần kỳ cứu cả dân tộc.
Nay lò Kit đó bị Bộ Công an phanh phui tội thổi phồng giá, lò Kit như lò Sh*t, nhưng lừa đảo cả hệ thống chính trị, lừa 90 triệu dân Việt thành tài nguyên khai thác... mũi để chiếm đoạt số tiền hàng ngàn tỉ. Lẽ ra, với tư cách là nhà báo có danh có tiếng, Khế phải đứng ra xin lỗi về sự hóng hớt, ăn theo nói leo dẫn đến tiếp tay lừa đảo thì rất dễ thông cảm. Đằng này Khế lại đăng đàn chửi dân mạng "chơi không đẹp", "ác ý" với ông ta! Sau khi chửi như vậy, Khế có bình tâm nghĩ rằng, chính lời tung hê của một người "uy tín" như Khế đã hà hơi tiếp sức cho tội lừa đảo của bọn tội phạm không?
Nhiều comment nịnh hót, cho Khế "người nổi tiếng" nên bị nhiều người đố kỵ, cố tình hạ bệ với cái tâm bẩn thỉu. Khế văn hoá lùn, không biết lỗi, chỉ biết chửi như vậy mà lại đề cao Khế "người nổi tiếng" để hớt váng sh*t của Khế sao?
Thôi thì hàng hớt váng sh*t theo "người nổi tiếng" thì không chấp. Nhưng tôi bất ngờ là trên trang của Khế, "người nổi tiếng" khác là Hoàng Hải Vân cũng biện minh, rằng khi đó "thấy tốt thì nói tốt, khi người ta trở thành không tốt thì không liên quan đến anh". Lại còn chụp mũ ngược, rằng đó là "những kẻ ác ý cố tình gán ghép chuyện nọ qua chuyện kia để vu vạ người khác".
Xin hỏi Vân, bài quảng bá, ngợi ca Phan Quốc Việt là chuyện phát minh Kit, sự lừa đảo bị lộ cũng là Kit, sao lại không liên quan? Hoá ra cái thời báo Thanh niên quảng bá nước mắm hoá chất, bôi nhọ nước mắm truyền thống, khi bị phanh phui cũng bào chữa là không liên quan? "Thấy tốt thì nói tốt" là thấy thế nào? Có thể chứng minh thời điểm quảng bá đó nó có cái lò Kit tốt, đã làm ra sản phẩm tốt cho mọi người xem được không?
Lại càng bất ngờ là nhà báo, luật gia Trần Đình Thu cũng thuộc "người nổi tiếng" còn hàm hồ bào chữa, rằng việc quảng cáo cho Phan Quốc Việt một năm trước là do khi đó vận của Phan Quốc Việt đang lên, được các bộ ngành ngợi ca, tự hào. Cho nên việc nhà báo ngợi ca, đánh bóng tên tuổi Phan Quốc Việt với việc phạm pháp của y hôm nay là vô can. Hoá ra nhà báo bất chấp sự thật, không dối trời lừa người thì cũng chỉ biết ăn theo nói leo để kiếm cơm thôi sao? Luật báo chí và điều lệ nhà báo nói gì về trách nhiệm của nhà báo?
Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an, trong thời gian chống dịch đã từng phạt bao nhiêu con ong cái kiến về sự "đưa tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận", liệu có dám trừng phạt những "người nổi tiếng" này không, khi chính họ "đưa tin sai sự thật", hơn cả gây hoang mang dư luận là tiếp tay lừa đảo cả hệ thống chính trị và 90 dân Việt, chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng tiền dân và gây chết người không?
ÔNG NGUYỄN THANH LONG-BỘ TRƯỞNG Y TẾ VÀ CỰU BỘ TRƯỞNG KHCN CHU NGỌC ANH PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM ...
TRẦN THANH CẢNH/ TD 20-12-2021
Việt Á sản xuất kit test từ một cơ sở không bằng cái quán phở mà tại sao được duyệt cấp số đăng ký? Với tư cách một dược sĩ, đã từng đi sản xuất thuốc, tôi suy nghĩ suốt mấy ngày nay mà không thể nào hiểu nổi, tại sao họ cấp số đăng ký cho sản phẩm này lưu hành, cho phép tham gia vào việc xét nghiệm chống dịch?
Bộ kit test của Việt Á bắt đầu từ một cái gọi công trình khoa học do Bộ KHCN họp hôm mùng 6 tết (17/2/2020) ban ra. Lúc đó bộ trưởng là Chu Ngọc Anh, ký phê duyệt đề tài và giao cho Học viện Quân y cùng Công ty Việt Á thực hiện. Còn nhiều cơ quan, trường, viện, hội đồng nọ kia... nhúng mũi vào vụ này nữa. Rồi đây sẽ phải bạch hóa hết.
Rất mau chóng, ngày 3/3/2020 Bộ KHCN đã nghiệm thu đề tài sản phẩm chuyển sang đề nghị Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Và cũng rất mau mắn, ngày 4/3/2020 Bộ Y tế đã cấp phép.
Cơ quan gác cổng cuối cùng để cho sản phẩm có số đăng ký, tham gia vào xét nghiệm chống dịch chính là Bộ Y tế: họ là nơi xét duyệt cấp số đăng ký cho sản phẩm. Tại sao họ lại khinh suất đến thế?
Đáng ra, với một sản phẩm quan trọng như vậy, họ phải kiểm tra giám sát rất chặt chẽ quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. Nhưng họ đã nhắm mắt cấp bừa! Khi mà Tổ chức Y tế Thế giới WHO, ngay từ tháng 10/2020 đã có thông báo bác bỏ, không chấp nhận kit test Việt Á, vì không trình được chứng nhận chất lượng ISO. Vậy mà Bộ Y tế Việt Nam dám cho sử dụng trong xét nghiệm covid: bao nhiêu kết quả sai lạc đã dẫn đến muôn vàn hậu quả đau thương trên cả nước trong đợt bùng nổ dịch vừa qua? Tội ác chứ không chỉ là tiền!
Cơ sở sản xuất của Việt Á là một gian nhà hầu như không có gì. Không có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng ISO. WHO đã có văn bản bác bỏ không chấp nhận cho phép sử dụng bộ kit test này. Thế mà kit test Việt Á ngang nhiên lưu hành, bán vào CDC của 62 tỉnh thành trong cả nước, với giá cao vút!
Đây gọi là vụ lừa đảo tập thể khủng khiếp! Đầu trò, dĩ nhiên là PHAN QUỐC VIỆT, chủ công ty VIỆT Á. Đồng phạm tiếp tay là một dây chuyền quan chức, từ Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế, CDC các nơi... đã mờ mắt vì tiền mà tham gia vào. Họ cùng nhau móc tiền ngân sách, bóp nặn nhân dân. Và nguy hiểm hơn nữa, nó bóp méo số liệu chống dịch dẫn đến ở tầm vĩ mô thì đường lối đã sai lại càng sai lầm tiếp. Tầm vi mô là các cơ sở điều trị sẽ đưa ra các y lệnh sai lạc. Kết quả đổ hết lên đầu nhân dân: thảm họa đã diễn ra như ta vừa phải chứng kiến.
Lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước cần phải chỉ thị làm đến nơi đến chốn vụ này. Cần phải bóc tách, phơi ra dưới ánh sáng mặt trời tất cả những con sâu bọ đang hàng ngày hàng giờ hút máu nhân dân, bất kể chúng là ai, ở cương vị nào!
DOANH CHỦ ÁC GHÊ
NGUYỄN ĐỨC THÀNH/ TD 20-12-2021
Doanh chủ ác ghê | Tiếng Dân
Thánh hiền dạy rằng: “Vi phú bất nhân”. Ai cũng biết rằng doanh chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, mua rẻ bán đắt, chây lười thuế khoá – thế thôi. Nào ngờ có bọn doanh chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ:
- Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, [giữa lúc bệnh dịch COVID-19 hoành hành giết hại nhân dân] Phan Quốc Việt và nhóm của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. (Báo Tuổi Trẻ ngày 19/12/2021)
***
Phần mở đầu bài viết này, tôi phỏng theo lời mở đầu bài viết "Địa chủ ác ghê" đăng trên báo Nhân Dân ở Miền Bắc, ngày 21-7-1953, do một người tên là C.B viết. Sau đó bài này được share lại nhiều lần trên các báo khác ở toàn miền Bắc, như báo Cứu Quốc, v.v...
Nội dung đầy đủ của bài báo, các bạn chỉ cần gõ google "Địa chủ ác ghê" là sẽ ra ngay. Phần tiếp theo của bài báo vu khống bà địa chủ Cát Hanh Long (bà Năm) và gia đình như một lũ quái vật tàn ác khủng khiếp chỉ có trong các truyện cổ tích. Bây giờ đọc thì ai cũng hiểu đó là sự vu khống láo khoét nhất mà một người Việt Nam có thể nghĩ ra về đồng bào mình.
Sau bài báo đó, bà Năm Cát Hanh Long bị xử tử và toàn miền Bắc bước vào cuộc Cải cách Ruộng đất đẫm máu nhất trong lịch sử tồn tại của dân tộc, mà xét về quy mô mọi cuộc tàn sát các đối thủ chính trị của Trần Thủ Độ hay Hồ Quý Ly chỉ là một bát tiết canh bên cạnh một bể máu. Chắc là chỉ có cuộc diệt chủng người Chăm của Lê Thánh Tông hay những cuộc thảm sát của anh em Nguyễn Huệ mới so sánh được với bạo lực khủng khiếp đã diễn ra trong Cải cách Ruộng đất.
Trong ví dụ nêu trên, tôi cũng trích dẫn bất kỳ một bài viết trên báo chí gần đây về vụ doanh nhân Phan Quốc Việt bị kết tội đã trục lợi hàng trăm tỷ đồng trên xương máu nhân dân trong mùa dịch COVID-19.
Đối với tôi, điều đáng buồn, là tất cả những bài viết ấy dường như đều mang dấu vết của bài báo "Địa chủ ác ghê" mà C.B đã tạo thành một tiền lệ: kích động đám đông, thao túng sự thiếu lý trí của đám đông, điều khiển họ tới những hành động trừng phạt hả hê đang chờ đợi.
***
Thử nhìn vào câu chuyện của doanh nhân Phan Quốc Việt. Đó là một người có trình độ chuyên môn, hiểu biết nghề nghiệp, đã nhiều năm vật lộn với ngành y tế để nghiên cứu và chế tạo ra những sản phẩm y học ứng dụng, như là các que thử nhanh bệnh nhân bị nhiễm virus. Và rõ ràng thời khắc của Phan Quốc Việt đã tới khi dịch COVID-19 bùng nổ. Và đất nước cần những nhà cung cấp như Phan Quốc Việt và tổ hợp sản xuất thiết bị y tế mà anh ta tham dự vào.
Vấn đề đang trở nên nóng bỏng hiện nay, là Phan Quốc Việt bị một làn sóng kết tội và công kích như một kẻ hút máu nhân dân bạo tàn vô nhân tính, sống trên sự thống khổ của đồng bào, đồng loại giữa mùa dịch.
Thực sự có phải như vậy không? Phan Quốc Việt phải làm gì nếu anh ta có một sản phẩm như vậy?
Câu trả lời của tôi là: Anh ta sẽ bán nó cho bất cứ ai cần. Và anh ta có quyền bán chúng với bất cứ giá nào anh ta muốn.
Nếu bạn cho rằng anh ta bán với giá cao, là vô đạo đức, là vô nhân đạo, là vô lý. Bạn có quyền không mua các sản phẩm của anh ta. Bạn đi mua sản phẩm của người khác. Vì biết điều đó, nên Phan Quốc Việt hay bất cứ một người nào khác, sẽ phải bán ở một mức giá mà anh ấy có lợi, có lợi tối đa, chứ không phải là mức giá cao tối đa. Nghĩa là, mức giá ấy phải đủ thấp, để người mua không bỏ anh ta để đi mua ở những nhà cung cấp khác, chẳng hạn nhập khẩu từ nước ngoài.
Và mức giá ấy, vì anh ta có quyền quyết định, nên có thể ở một mức thực sự thấp, để cho những nhà nhập khẩu nước ngoài không còn cơ hội nào cạnh tranh với anh ta. Chỉ miễn sao, Phan Quốc Việt thấy CÓ LỢI NHẤT CHO ANH ẤY. Anh ta không cần biết ai khác có lợi nhiều hay ít từ quyết định đó của anh ấy. Và nhờ thế, người dùng ở Việt Nam sẽ mua được que thử với giá THẤP HƠN giá các que thử nhập khẩu, hay bất cứ từ một nguồn nào khác. Vậy thì chúng ta còn đòi hỏi gì hơn từ Phan Quốc Việt nữa?
Hành động như thế của Phan Quốc Việt như vậy hoàn toàn là ĐẠO ĐỨC. Đạo đức ấy không phải anh ấy tự nhiên muốn thực hành, cũng chẳng phải vì anh ấy nghe theo lời năn nỉ của người mua, mà là anh nghe theo sự cạnh tranh của thị trường.
Vậy thì vì sao Phan Quốc Việt có thể bán giá sản phẩm của mình cao bất thường? Đó là vì anh ấy nhận được sự đồng ý của NGƯỜI MUA các sản phẩm ấy. Và thực ra, như trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, ai cũng có thể hiểu, có thể chính Phan Quốc Việt bị người mua ÉP phải bán với giá cao lên, để phần chênh lệch ấy được chuyển lại cho người mua. Nếu không, rất có thể người mua sẽ không mua sản phẩm của Phan Quốc Việt, và Việt sẽ không bán được hàng cho ai cả.
Vì sao lại có điều trái khoáy như vậy? Bởi vì NGƯỜI MUA ở đây là những người mua đặc biệt. Họ có nhiều đặc điểm đặc biệt, nhưng tựu chung ở mấy điểm cực kỳ quan trọng là: HỌ CÓ ĐỘC QUYỀN MUA Ở QUY MÔ LỚN, HỌ KHÔNG MUA BẰNG TIỀN CỦA HỌ, và HỌ CŨNG KHÔNG MUA CHO HỌ DÙNG.
Họ mua bằng tiền của người khác. Ở đây là tiền ngân sách, tiền của bệnh nhân. Và họ mua cho người khác dùng, tức là nhân dân của họ. Điều này tất cả chúng ta đều đã rõ.
Nếu họ mua bằng tiền của họ, mua cho họ dùng. Thì không bao giờ họ yêu cầu hoặc chấp nhận Phan Quốc Việt tăng giá. Mà họ sẽ mặc cả bằng mọi cách để có được sản phẩm của Phan Quốc Việt chất lượng tốt nhất với giá rẻ nhất. Phan Quốc Việt muốn tìm trăm phương ngàn kế cũng không lay chuyển được quyết tâm này của người mua.
***
Nói tóm lại, toàn bộ câu chuyện chỉ là AI ĐÃ MUA HÀNG của Phan Quốc Việt, và mua như thế nào. Phan Quốc Việt chỉ là nạn nhân của những cuộc giao dịch này. Ngay cả khi Phan Quốc Việt là người chủ động lên tất cả các kế hoạch, thì người quyết định để kế hoạch có thể được thực hiện, là NGƯỜI MUA. Do đó, NGƯỜI MUA chính là KẺ CHỦ MƯU, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Cho nên, kể từ năm 1953 đến nay, đã gần 70 năm rồi, đám đông cần trưởng thành hơn, dù là trên bãi xử bắn hay là trên internet. Nếu không, thì việc đám đông tiếp tục phải mua hàng với giá đắt, phải chịu những bất công của xã hội, và rồi trong cơn kích động, điên cuồng ném đá đến chết hay bắn súng vào giữa tim, những người đã tạo ra sự tiến bộ mà họ phải mang ơn, sẽ cứ lặp đi lặp lại. Trong khi đó, kẻ thủ ác thì đắc thắng. Đắc thắng trên sự ngu dốt của đám đông.
Và đó là điều hết sức hợp lý. Cho những kẻ đang đắc thắng. Và cho toàn thể đám đông.

SẢN XUẤT KIT HAY SẢN XUẤT SH*T ?

CHU MỘNG LONG / TD 20-12-2021


Một cái toilet công cộng loại thúi cũng rộng hơn 10m2. Nhưng cái công xưởng sản xuất Kit của ông chủ Việt Á, mỗi ngày sản xuất (thủ công) trên 30.000 bộ Kit để cấp ra thị trường lại rộng không hơn cái toilet thúi?
Thiết bị thì vài ba thứ cũ kỹ và mấy cái tủ đông thịt?
Tôi không thể hiểu nổi thiên tài Phan Quốc Việt sản xuất Kit hay sản xuất Shit? Dùng Shit ngoáy mũi dân à?
Chiêu trò gì khi cả hệ thống xem 180 triệu cái lỗ mũi dân là tài nguyên để "thánh ngoáy mũi" khai thác triệt để?
Tôi chỉ có thể nghi ngờ bộ Kit sản xuất mang nhãn made in Vietnam tại công xưởng này chỉ là giả. Đề nghị Bộ Công an điều tra xem có phải nó đã nhập của thằng Tàu hay thằng Nga rồi dán nhãn Việt?
Với một công xưởng như vậy, căn cứ nào mà Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép cho nó sản xuất và độc quyền tiêu thụ trên 62 tình thành? Nguyễn Công Khế, báo Nhân dân và các loại báo nhà nước căn cứ vào đâu quảng cáo cho nó để lừa cả hệ thống chính trị và lừa dân?
Nhà báo, luật gia Trần Đình Thu còn hàm hồ bào chữa, rằng việc quảng cáo cho Phan Quốc Việt một năm trước là do khi đó vận của Phan Quốc Việt đang lên, được các bộ ngành ngợi ca, tự hào. Cho nên việc nhà báo ngợi ca, đánh bóng tên tuổi Phan Quốc Việt với việc phạm pháp của y hôm nay là vô can. Hoá ra nhà báo bất chấp sự thật, không dối trời lừa người thì cũng chỉ biết ăn theo nói leo để kiếm cơm thôi sao? Luật báo chí và điều lệ nhà báo nói gì về trách nhiệm của nhà báo?
Test không đúng dẫn đến bao nhiêu người bị đưa đi trại cách ly, bị lây nhiễm chéo và chết oan; bao nhiêu người mang mầm bệnh nhưng không phát hiện được dẫn đến lây nhiễm tràn lan trong cộng đồng? Tiền mất tật mang, người chết hàng loạt, chịu trách nhiệm thế nào đây?
Đề nghị Bộ Công an làm rốt ráo mới khôi phục lòng tin của nhân dân. Chỉ có đánh dập đầu mới trị được quân khốn nạn này. Bao nhiêu vụ như thiết bị y tế dỏm, thuốc ung thư giả, phải chăng Bộ Công an chưa đánh tận gốc, nên con rắn độc mang danh lương y vẫn cứ cắn cổ hút máu dân mà không sợ ai.

ĐÃ CHÍNH THỨC LỘ RA TẠI SAO 'TRĂM NƠI ĐUA GIÁ, TRĂM NHÀ ĐUA TEST'
VÔ TỘI VẠ ?

CÙ MAI CÔNG/TD 20-12-2021
Việc cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 với nhiều người có lẽ cũng không ngạc nhiên lắm. Nó như một tất yếu sau bao nhiêu nghi ngờ trong dư luận, bà con mình từ hồi đầu dịch về “phong trào” test Covid rộ lên khắp nơi, “trăm nơi đua giá, trăm nhà đua test”.
Tháng 4-2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.
Đến nay, bước đầu Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua năm hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Trong đó, Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương, số tiền gần 30 tỉ đồng; khoảng 20% giá trị hợp đồng.
Với gần 4.000 tỉ đồng bán kit test Covid, Phan Quốc Việt đã chi bao nhiêu phần trăm cho những nơi mua? Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại tám địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 người có liên quan.
Chắc chắn có những nơi mua không phải để bỏ kho mà phải xài, phải kiếm cho ra người để test. Thế là mặc dư luận phản đối việc test vô tội vạ, không cần thiết, đâu đâu cũng thấy test. Một phường có một người đi bầu là F0, gần 20.000 dân trong phường bị lôi ra test là chuyện bình thường. Một người bị ngoáy mũi đi, chọt mũi lại cả chục lần cũng là bình thường…
(Thông tin, truyền thông không phải không gián tiếp cổ vũ chuyện đua test này khi những ngày ấy, lúc nào trên báo cũng là hình ảnh ngoáy mũi. Đến mức mình cũng chịu không nổi, lên tiếng trên trang nội bộ cơ quan).
Chuyện kit test này ai cũng hiểu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của việc mua sắm thuốc men, trang thiết bị, dụng cụ y tế; từ khẩu trang vài chục ngàn/hộp cho đến thuốc men, máy móc hàng vạn USD. Một loạt quan chức, cựu quan chức Bộ Y tế, ngành y tế các nơi như một số thứ trưởng Y tế, giám đốc bệnh viện Bạch Mai, Thủ Đức bị khởi tố, xộ khám liên tiếp vừa qua chẳng hạn…
Có lẽ chưa hết đâu. Kẻ bán được nhờ có người mua. Địa phương nào, chức năng nào đã thông đồng thổi giá rồi sẽ lộ ra sớm thôi. Và chắc chắn không chỉ một Việt Á.
Ngay từ hồi cao điểm dịch tháng 7, 8-2021 ở TP.HCM, không khác dư luận chung, anh Đoàn Công Lê Huy, cục trưởng Cục Truyền thông đối ngoại Bộ Thông tin - truyền thông, nguyên tổng biên tập báo Tiền Phong, SV-HHT và tôi đã tin sẽ có nhiều vị đi tù kỳ này. Giờ đã bước đầu rõ ra. Dân chờ rõ ra hơn nữa chứ không chỉ vậy.
Và nếu thực sự coi “chống dịch như chống giặc” thì nên xử lý rất nghiêm, theo luật thời chiến.
Dân đang chờ. Hàng triệu nạn nhân, bệnh nhân Covid cũng đang chờ.
***
P/s: Trong một diễn biến liên quan, sau khi tự test 4 lần đều 1 vạch, nhưng lắng nghe triệu chứng lờ mờ của cơ thể (mất mùi, sốt nhẹ, hơi mệt và đổ mồ hôi khi làm việc…) + tham khảo ý kiến của một đồng nghiệp từng cả gia đình bị Covid là Trương Bảo Châu, mình tin 90% tuần qua mình là F0 chứ không phải cảm lạnh, giờ bước đầu âm tính. Cảm ơn Chúa. Mất công sốt, ho, mệt, mất mùi rồi mà không Covid thì cũng uổng phí, cũng tức.
F0 nhẹ, triệu chứng không rõ ràng như mình và hàng vạn người vừa qua cũng khỏe lắm. Nhẹ hơn bị cúm thông thường nhiều lần. Ăn uống, trực ca bình thường. Tất nhiên, chủ yếu do mình đã chích đủ ba mũi và không có bệnh nền (tiểu đường, huyết áp, đột quỵ…) gì.
Tôi chỉ uống Panadol, thuốc sổ mũi, ngậm kẹo Con Tàu và làm việc cho toát mồ hôi + thở bài khí bốn thì (hít vô, giữ hơi, thở ra chậm, giữ trong bụng không hơi) của sân võ. Oxy toàn 95-99%.
Chúc anh em mình (sau khi chích đủ và sức khỏe bình thường, chưa cao tuổi và béo phì) sớm thành… F0 không triệu chứng hoặc nhẹ như 99% F0 ở Đà Nẵng. F0 cho rồi, hết đề phòng này nọ. Đau thương bất nhập. Chứ con số F0 ghi nhận chưa phản ánh đúng thực tế F0 hiện nay đâu (vô số người test F0 tự theo dõi và chữa ở nhà, ai cũng biết “bí mật” này mà).

THẤY GÌ QUA VỤ VIỆT Á ?

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 20-12-2021

Việc Công an bắt, hay Tòa xử một vụ nào đó, vào thời điểm nào thường không phải ngẫu nhiên, mà đều phải chọn thời điểm.
Ví dụ xử một loạt phản động vừa rồi là thời điểm bọn "thế lực thù địch" ở "bển" nghỉ lễ, cho bọn chúng đỡ can thiệp vào công việc nội bộ của ta (đỡ thôi, chứ không phải nín hẳn được).
Ngoài ra, không phải ngẫu nhiên mà anh em xử luôn một mớ phản động sát ngày nhau thế, dù thời điểm bắt là khá khác nhau.
Đến vụ Việt Á hôm qua nữa, sao bắt bớ dồn dập quá vậy, đúng vào thời điểm năm cùng tháng tận này? Mình DỰ ĐOÁN là do sắp sửa có biến động về nhân sự cấp cao. Anh em cũng chạy đua chức nọ chức kia, cũng phải tích cực lấy điểm, bảo vệ chế độ và dân túy chút, cho dân hỉ hả sung sướng do thấy thằng hút máu đồng bào bị bắt. Nhân dân tin tưởng vào ngành Công an, giữ gìn sự nghiêm minh của pháp luật!
Công bằng mà nói, thì nhà thầu nào cung cấp dịch vụ cho dự án ngân sách mà chả phải chung chi. Nên việc Việt Á nó chi cỡ 20% cho CDC Hải Dương cũng không có gì là ghê gớm cả. Từ đó có thể suy luận là giá đó có thể là giá chung cho các dự án khác cho CDC các tỉnh (HCDC không mua, còn một tỉnh nào không mua nữa thì chưa rõ) và các Bệnh viện khác (Bệnh viện 175, Da liễu Trung ương, Đại học Y Hà Nội, Bạch Mai...).
Theo thông tin từ báo chí cách mạng, thì Việt Á và Học viện Quân Y phối hợp sản xuất được bị kit test đầu tiên của Việt Nam, được tận 20 nước đặt mua và được Anh chấp thuận lưu hành ở "bển". Thật là tự hào và tự tin vào năng lực của người Việt!
Ảnh chụp màn hình báo Nhân Dân
Nhưng hôm nay, theo thông tin từ VTV24, thì đội ngũ sản xuất kit test của Việt Á chỉ có 10 người, với máy móc rất thô sơ với mấy cái tủ lạnh, tủ cấp đông dân dụng mà chúng ta vẫn hay dùng, mà mỗi ngày sản xuất được 30 ngàn bộ kit! Thật là siêu năng suất và hiệu quả, giống y bộ đội ta chân đất mặc quần đùi đánh thắng đế quốc to.
Nhưng khi phỏng vấn nhân viên của Việt Á thì bạn này bảo họ chỉ có mỗi việc lấy nguyên liệu do TGĐ cung cấp, họ không biết nguồn gốc, về để pha chế và đóng hộp. Y chang bà con làng nghề vẫn chế hàng fake! Mình DỰ ĐOÁN là anh em nhập hàng Tàu về đóng hộp, dán tem Made in Việt Nam rồi đem bán, chứ nghiên cứu chế tạo mẹ gì đâu với 10 nhân công, có chú còn chả học hành gì, chỉ biết pha trộn như trẻ con chơi đồ hàng!
Vậy Việt Á và HV Quân Y có thực sự chế tạo, sản xuất ra được kit test hay không? Đây vẫn là câu hỏi mà cơ quan điều tra mới trả lời được. Bên HV Quân Y thì Bộ Công an cũng không sờ được mà phải Bộ Quốc phòng vào cuộc.
RẤT CÓ THỂ là họ cũng có nghiên cứu chế tạo để làm màu, xong thấy không hiệu quả kinh tế nên nhập hàng Tàu về dán tem cho nó nhanh và hiệu quả. Trò này thì quen thuộc ở Việt Nam rồi. Kiểu anh em sản xuất điện thoại và các thiết bị điện tử khác, cứ chém là sản xuất tại Việt Nam để "chăn" bò đỏ thôi, chứ hầu hết là hàng nước "bạn" dán tem Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình báo Nhân Dân
Với khả năng bán hàng cho tận 62 CDC các tỉnh, cộng với các Bệnh viện T.Ư như vậy, suy ra Việt Á phải có quan hệ ở tầm Bộ Y tế. Theo thông tin báo chí cách mạng hôm nay, thì 3 cổ đông lộ mặt của Việt Á chỉ nắm có 20% cổ phần. Còn 80% kia của ai thì báo không dám viết! Dự đoán là của "các cụ" gửi gắm chứ không phải ngẫu nhiên mà có được quan hệ khủng như vậy.
Xâu chuỗi thêm tý nữa, ta thấy Việt Á còn có 30% CP của Vinbiocare. Tay to và nhiều tiền như VIN mà còn phải chia CP cho Việt Á thì chứng tỏ trong CP của Việt Á cũng phải có phần của các bác nào đó to to và có quyền quyết định trong ngành Y tế. Không phải ngẫu nhiên mà kit test của Việt Á được báo chí PR rầm rộ như vậy từ hàng năm trước. Đến tận nhà báo lão thành như anh Công Khế còn phải PR cho thằng em Việt tuổi trẻ tài cao thì không phải chuyện đùa.
Ảnh chụp màn hình FB Nguyễn Công Khế
Quay lại vụ án, vấn đề nâng giá kit test là vấn đề cực kỳ nhạy cảm với người dân, do nó đánh trực tiếp vào túi tiền của rất nhiều người. Nên dùng vụ này với mục đích tạo sóng dư luận là rất hiệu quả.
Công bằng mà nói, thì nhà thầu nào làm dự án ngân sách thì cũng phải chung chi nên nhân dân chỉ tập trung đấu tố thằng Việt Á là không cần thiết. Đây là vấn đề cơ chế rồi. Không chi không được việc. Trước đây anh em buôn bán thiết bị y tế thì 99% phải là thân hữu, sân sau, anh em thổi giá vô tội vạ lâu nay rồi, không phải là chuyện mới. Chẳng qua trước đây không có dịch nên đa số dân không quan tâm. Bây giờ có dịch nên dân mới để ý đến túi tiền của chính mình bị móc ra để trả tiền test nên mới bức xúc thôi.
Vì thế việc nâng khống giá của Việt Á chỉ là vấn đề nhỏ, là bề nổi của việc tham nhũng, ăn chia trong ngành y tế nói riêng hay toàn bộ các dự án ngân sách nói chung. Nên đối tượng mà cần lao cần đấu tranh là anh em quan lại chứ không phải doanh nghiệp là chính. DN sẽ mắc tội đưa hối lộ và quan lại mắc tội nhận hối lộ. Thằng nhận tội phải to hơn thằng đưa.
Vấn đề là vụ này sẽ bị bóc đến đâu, quan lại cỡ nào sẽ bị vào lò? Ném chuột có sợ vỡ bình không? HV Quân Y và VIN liệu có bị hỏi thăm? Bộ trưởng Y tế mới có thêm chức Trưởng ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, thì liệu có phải thôi chức BT như chị Tiến đã từng?
Việc truy cứu tội danh nhận hối lộ cũng không phải đơn giản nếu không có bằng chứng mà chỉ có lời khai từ bên đưa hối lộ. Kiểu gì anh giám đốc CDC Hải Dương cũng sẽ chối bay. Tội nhận hối lộ mà tới 30 tỷ đồng là "tiêm" rồi đó. Tin này mới chỉ là một chiều thôi, chắc dựa vào lời khai từ Phan Quốc Việt.
Mấy hôm nay các đối tác của Việt Á chắc mất ăn mất ngủ, kể cả các anh hùng chống dịch mà lại kiêm chức giám đốc các Bệnh viện, CDC. Có khi hôm qua vừa là anh hùng, ngày mai đã vào lò. Như anh Tuấn tim bệnh viện Bạch Mai đã có trong danh sách khen thưởng của Thủ tướng rồi đó!
BỘ TEST COVID-19 ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM: CHẤT LƯỢNG KÉM VÀ BỊ NÂNG GIÁ KIẾM TIỀN
HUỲNH WYN TRẦN/ TD 20-12-2021

Huỳnh Wyn Trần: Bộ test Covid-19 đầu tiên của Việt Nam: Chất lượng kém và bị nâng giá kiếm tiền
Mấy hôm nay, câu chuyện giám đốc của Cty Việt Á, là cty sản xuất bộ test kit nhanh Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam, bị bắt vì nâng khống giá bán làm dậy sóng cộng đồng vì người dân không thể chấp nhận cách làm ăn bất lương này.
Nhưng câu chuyện quan trong hơn đằng sau bộ test này là chất lượng của bộ test kit. Theo thông tin từ Việt Nam, bộ test này có độ nhạy là 90% và độ đặc hiệu là 95% (1). Nói cách khác, nếu có 100 mắc bệnh Covid-19 thì bộ test sẽ chẩn đoán (trên lý thuyết) được 90 người, sẽ có 10 người bị lọt sổ (âm tính giả). Bộ test này được bán cho 62 tỉnh thành tại Việt Nam hơn 1 năm qua trong đại dịch Covid-19.
Báo chí Việt Nam cũng nói là bộ test này đã được WHO chấp thuận và quảng cáo rầm rộ. Thực tế không phải vậy. Bộ test này đã được gởi đi cho WHO kiểm định (số hồ sơ là EUL 0524‐210‐00) và không vượt qua thử nghiệm (Fail) (2). Nói cách khác, bộ test này không đạt được tiêu chuẩn xét nghiệm cơ bản trong việc dò tìm Sars-Cov-2/Covid-19.
Ảnh trên mạng
Nhiều quý vị hỏi tôi ở Việt Nam sao số ca nhiễm cứ tăng hoài và số test nhiều như vậy, thì đây có thể là câu trả lời.
Test xét nghiệm không chất lượng, bộ test bỏ qua những người có bệnh Covid-19 thật, để họ quay ra ngoài lại tiếp xúc với người khác, lại gây thêm bệnh cho người khác. Vì test không chất lượng nên phải test nhiều lần và người dân phải chi nhiều tiền. Có những người có bệnh nền, rủi ro mắc Covid-19 cao, nhưng do dùng test này chẩn đoán là âm tính nên về nhà an tâm, đến khi bệnh nặng hơn thì trở tay không kịp, có thể tử vong.
Tôi nghĩ nên xem lại toàn bộ các test xét nghiệm Covid-19 tại Việt Nam và loại bỏ các test chưa được WHO/FDA/ hay EU CDC công nhận. Vì nếu dùng test dỏm thì chẳng khác nào không có xét nghiệm, lại phí tiền, phí sức, và quan trọng hơn là những ca bệnh thật không chẩn đoán, và nhiều người có thể đã tử vong vì chẩn đoán sai với Covid-19.
Tôi có đính kèm các bộ test kit khác cũng không được WHO chấp thuận.
P/s Theo báo Thanh Niên, Viet A đã bán khoảng 10.000.000 bộ xét nghiệm Covid-19 (trị giá 4.000 tỉ đồng VN, giá mỗi bộ 400.000 vnd) cho 62 tỉnh thành ở Việt Nam. Có bao nhiêu ca Covid-19 đã bỏ sót hay chẩn đoán sai từ khoảng 10 triệu xét nghiệm này.
_____
*Tham khảo:

SỐNG CHẾT MẶC BAY, MIỄN SAO CHÚNG TAO THU VÀO TIỀN TỈ

ĐỖ DUY NGỌC/ TD 19-12-2021


Tàn nhẫn, vô lương và kinh tởm là những từ mà mấy hôm nay rất nhiều người thốt lên khi nghe tin Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt vừa bị bắt giam với tội nâng khống giá kít test Covid-19 trong cơn đại dịch đầy bi thương vừa qua.
Phan Quốc Việt cùng các đồng phạm là Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), Hồ Thị Thanh Thảo (Thủ quỹ Công ty Việt Á), Cửa hàng Trường Cửa hàng Âu Lạc, Phan Tôn Noel Thảo (trợ lý Tài chính Công ty Việt Á), Trần Thị Hồng (nhân viên Kinh doanh Công ty Việt Á) & Nguyễn Mạnh Cường (nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương) trở thành một đám hút máu dân lành và hi vọng đã đến lúc chúng phải đền tội. Chỉ sợ chúng lắm tiền và đồng tiền lại đâm toạc tờ giấy và lèo lái luôn luật pháp.
Được biết, Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt hợp tác với Học viện Quân Y sản xuất thành công kit thử xét nghiệm Covid-19 "Made in Vietnam". Theo người phát ngôn của Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 giữa Công ty Việt Á với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương và với nhiều đơn vị, địa phương khác. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm COVID-19 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
Để có thể được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn. Việt đã bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, và đã chi huê hồng lót tay ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng. Dù chưa công bố điều tra, nhưng chắc là để lọt qua chuyện đấu thầu ở các đơn vị tỉnh thành khác, Công ty Việt Á mà Việt đại diện cũng phải chi ngoài hợp đồng cho các cán bộ lãnh đạo các đơn vị số tiền không nhỏ.
Trong đợt dịch thứ tư, kit test được sử dụng tràn lan. Ngoáy và ngoáy liên tục và rộng khắp. Và đây là dịp tốt để cho Việt và đồng bọn tung hoành thu nhập khủng. Bằng cách nâng giá khống kit test thông qua sự ăn chia với các cán bộ liên quan, chúng đã chia nhau những đồng tiền đầy mồ hôi, nước mắt và máu của người dân trong cơn đại dịch nhiều tang tóc. Khi cả nước đang chung tay góp phần ngăn chận dịch.
Khi những nhân viên y tế gần như kiệt sức, cận kề với cái chết, nhiều người đã ngã xuống và suốt cả một thời gian dài xa con, xa người thân. Khi hàng trăm ngàn người phải chấp nhận về quê trên con đường vạn dặm, cái chết đe doạ trong mưa gió và đói khát để trốn dịch và trốn đói. Khi người dân chịu nỗi đau, tang tóc, thiếu ăn trong cơn sốt của đại dịch. Khi người dân góp tay chia nhau những bó rau, con cá, gói mì, ký gạo, quả trứng giúp nhau trong cơn hoạn nạn thì chúng tìm mọi cách để kiếm tiền, để chia chác hàng tỷ bạc trên nỗi đau của đồng loại.
Không còn từ nào để nguyền rủa chính xác tội ác của chúng. Phan Quốc Việt có tội nhưng những cán bộ liên quan nhận hàng chục tỷ đồng lót tay của Việt cũng có tội không kém. Điều đó cho thấy bọn người này ăn bất cứ lúc nào, bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng chỉ biết có tiền, còn sống chết mặc bây.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 đối tượng có liên quan. Thủ đoạn làm giàu của chúng không chỉ diễn ra ở Hải Dương mà còn nhiều tỉnh thành khác nữa. Cứ đè ra chọc ngoáy là chúng có thêm tiền. Những số tiền lên đến hàng ngàn tỷ. Ai đau, ai chết, ai nghèo mặc kệ.
Trong việc này, Bộ trưởng Y tế có liên quan không? Có lẽ cũng nên đặt vấn đề và chờ đợi một câu trả lời hợp tình, hợp lý. Bộ trưởng phải có trách nhiệm khi kit test giá trên trời và chiến dịch test đại trà trong cơn đại dịch vừa qua.
Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á từng được ca ngợi với những lời có cánh bay phất phới tận trời xanh. Nhưng khi bị lật mặt, người ta mới thấy rõ bản chất gian manh của y và lương tâm của một số ngòi bút cùng việc ngửa tay nhận những đồng tiền bẩn của một số cán bộ liên quan. Đã đến lúc cháy nhà ra mặt chuột.

HỌ CHÍNH LÀ NHỮNG KẺ TỐI MẮT VÌ

TIỀN, PHÁ HOẠI ĐẤT NƯỚC

NGUYỄN DUY XUÂN/ TVN 20-12-2021

Loạt thông tin trên báo chí những ngày này khiến dư luận bất bình, căm phẫn, dù đã đoán trước được chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến khi cách đây chưa lâu, giá kit test Covid-19 “nhảy múa” giữa lúc đại dịch căng thẳng.

Đó là việc Cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ Việt Á; ông Phạm Duy Tuyến, giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và một loạt đồng phạm để điều tra những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19.


Họ chính là những kẻ tối mắt vì tiền, phá hoại đất nước
Các đối tượng trong vụ việc. Ảnh: Bộ Công an

Trước đó, ngày 10/12, C03 Bộ Công an cũng đã khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An và triệu tập ghi lời khai trên 30 đối tượng có liên quan.

Theo Cơ quan điều tra, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, Việt Á đã cung ứng kit test Covid cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng. Trong lúc đó, chỉ riêng Tuyến đã được Việt lại quả gần 30 tỉ đồng. Điều này khiến dư luận đặt nghi vấn, CDC và các cơ sở y tế của 61 tỉnh thành khác liệu có “miễn dịch” trước sức tấn công bằng bom tấn “huê hồng” của Việt?

Táng tận lương tâm

30 tỉ, nếu là loại mệnh giá 500.000 đồng thì sẽ có 600 cọc. Một núi tiền chất trước mặt khiến cho họ - những Phạm Duy Tuyến ấy - lóa mắt, sẵn sàng rũ bỏ lương tâm thầy thuốc, chà đạp lên nỗi đau khổ của người bệnh và đồng bào, bất chấp việc cả nước đang lao đao vì đại dịch.

Tôi bỗng liên tưởng đến câu nói của Marx được học hồi còn sinh viên, đại ý: “Nếu lợi nhuận 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người, lên đến 300% thì có treo cổ họ cũng sẽ làm”. Họ ở đây là những nhà tư bản. Điều Marx muốn nói là một sự phủ định, nhà tư bản sẵn sàng phủ định chính mình vì sự phát triển, và “lợi nhuận” chỉ là một cách nói, một cách ví von về sự phát triển.

Câu nói ấy, trong bối cảnh ngày nay, xem ra lại vận vào những kẻ nắm trong tay chút quyền lực nhưng tối mắt vì tiền.

Tháng 4 năm ngoái, Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị khởi tố và bắt tạm giam vì vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong việc mua sắm máy xét nghiệm Covid-19.

Những tưởng vụ ông Cảm sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh, thế nhưng những kẻ rắp tâm lợi dụng dịch bệnh móc túi dân, đục khoét ngân sách nhà nước vẫn không hề biết sợ. Vài ba tỉ vơ vét của ông Cảm nhờ nâng khống giá máy xét nghiệm chẳng thấm vào đâu so với 30 tỉ mà ông Tuyến thu gom từ hàng vạn kit xét nghiệm.

Họ quả là táng tận lương tâm giữa lúc hàng triệu người dân khốn khổ, hàng ngàn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ quân đội, công an, tình nguyện viên vào tâm dịch bất chấp hiểm nguy cứu giúp đồng bào; giữa lúc dân mình, cả những người nghèo nhất cũng nhường cơm sẻ áo, góp từng mớ rau, cân gạo, quả trứng… chia sẻ, động viên đồng bào nơi tâm dịch.

Họ táng tận lương tâm khi hàng trăm nhân viên y tế - đồng nghiệp của họ - đang ngày đêm vật lộn với công tác chống dịch đầy căng thẳng hiểm nguy nhưng mức lương được hưởng lại rất bèo. 5 đến 6 triệu đồng/tháng là mức lương của nhân viên y tế cơ sở hiện nay sau 15, 20 năm công tác.

Lương thấp, chống dịch căng thẳng hàng tháng trời nhưng tiền hỗ trợ chống dịch (dù chỉ từ 3-5 triệu đồng/tháng, tùy mức) thì chưa thấy đâu. Sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, lương bèo bọt, chưa biết khi nào có tiền hỗ trợ chống dịch… là những lý do khiến nhiều nhân viên y tế phường ở quận 1, TP.HCM chuẩn bị xin nghỉ việc. Tại thành phố lớn nhất cả nước, năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc và chỉ 10 tháng đầu năm nay đã có thêm 968 trường hợp.

Theo báo chí, dự toán tổng kinh phí hỗ trợ thu nhập theo số lượng nhân viên y tế hiện tại của TP.HCM là hơn 8,5 tỷ đồng/tháng, tức chỉ nhỉnh hơn ¼ số tiền mà ông Phạm Duy Tuyến đút túi được từ thương vụ làm ăn với Phan Quốc Việt.

Ngoài Hải Dương, một số tỉnh thành khác cũng mua kit test của Việt Á với mức giá từ 470.000đ trở lên. Cụ thể, Bắc Ninh mua 10.000 bộ với giá 470.000đ/kit, Nam Định mua 13.536 bộ giá 509.250đ/kit, Đà Nẵng mua 70.000 bộ, giá 509.250đ/kit.

Xem ra, câu chuyện giá kit xét nghiệm “nhảy múa” mấy tháng trước nay mới đến hồi cao trào. Cái kit xét nghiệm bé tí mà có sức mạnh ghê gớm, nó làm rớt mặt nạ bao nhiêu kẻ đạo đức giả trước nhân dân.

Nguyễn Duy Xuân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét