Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

20211223. VIẾT NHÂN 30 NĂM LIÊN XÔ SỤP ĐỔ

 ĐIỂM BÁO MẠNG

VÌ SAO LIÊN XÔ SỤP ĐỔ ?

LÊ PHÚ KHẢI/ BVN 21-12-2021

Viết nhân 30 năm ngày Liên Xô sụp đổ

 25-12-1991 – 25-12-2021




Ngày 22-8-1991, Goocbachôp đang bị giam lỏng ở khu nghỉ mát Krym đã về Matxcơva nắm lại quyền tổng thống và tuyên bố từ chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, yêu cầu Ban chấp hành trung ương Đảng giải thể.

Ngày 25-12-1991, Tổng thống Liên Xô Goocbachôp từ chức và bàn giao mật mã kích hoạt tên lửa hạt nhân của Xô Viết cho Tổng thống Nga Boris Yelsin vào 7 giờ 30 phút tối cùng ngày. Liên Xô chính thức chấm dứt tồn tại vào ngày 26-12-1991 bởi tuyên bố số 1420-H của Hội đồng Tối cao Liên bang Xô Viết, công nhận quyền độc lập của 12 nước cộng hoà còn lại.

Liên Xô tan rã sau 74 năm đã khiến nhiều người cộng sản trên thế giới chết lặng trong đau đớn bàng hoàng, trong đó có những người cộng sản Việt Nam!

Liên Xô là đất nước có nhiều nhà bác học nhất thế giới, ¼ các nhà bác học thế giới là của Liên Xô. Liên Xô có tiềm năng khoa học kỹ thuật rất lớn, đã đạt đỉnh cao về vật lý hạt nhân, cơ học lượng tử, chinh phục vũ trụ. Đất nước có nhiều nhà bác học nhất thế giới đó, lại không có trí thức! Hay nói đúng hơn là không có tầng lớp trí thức, không có tầng lớp tinh hoa có khả năng “đánh thức không cho xã hội ngủ” (Cao Huy Thuần). Dưới chế độ độc tài, Liên Xô chỉ có một lớp người “thông minh, béo tốt và dễ bảo” như lời chị Irina – Trưởng ban Việt ngữ Đài phát thanh đối ngoại Matxcơva – nói với tôi vào lúc đó, tức tháng 3 năm 1991 tại Matxcơva. Vẫn theo lời chị Irina, lớp người thông minh và béo tốt ấy để đảng sai khiến, để lãnh tụ dạy bảo!

Báo chí với vai trò “dẫn đầu và báo trước hiểm nguy” (Josep Plitzer) hoàn toàn vắng bóng ở Liên Xô. Văn học nghệ thuật “là niềm vui thích cao nhất mà con người tự đem lại cho mình” (Marx) thì ở xã hội Liên Xô nó chỉ là công cụ để ca ngợi kẻ cầm quyền!

Chính vì thế mà nhà tương lai học nổi tiếng của Mỹ AlvinToffler, tác giả của ba bộ sách: Cú sốc tương lai (Future Shock), Làn sóng thứ ba (The Third Wave), Thăng trầm quyền lực (Power Shift) – những cuốn sách mà giới trí thức cải cách của Trung Quốc xem là Kinh Thánh của mình, còn ông Đặng Tiểu Bình xem là sách gối đầu giường của mình –, tác giả Alvin Toffler nhìn nhận Cách mạng Tháng 10 Nga năm 1917 như một “làn sóng” tăng tốc hệ thống công nghiệp quy mô lớn, mà không nhìn nhận nó như một tiến trình xã hội bền vững văn minh.

Alvin Toffler viết: Ở nước Nga, sự va chạm giữa những lực lượng Làn sóng thứ nhất và thứ hai cũng nổ ra. Cuộc cách mạng Tháng Mười năm 1917 là bản dịch của Nga về cuộc nội chiến ở Mỹ. Nó được chiến đấu không phải cho chủ nghĩa cộng sản, mà là cho vấn đề công nghiệp. Khi những bônsêvich quét sạch những dấu vết cuối cùng của chế độ nông nô và nền quân chủ phong kiến, nó đẩy nông nghiệp ra phía sau và tăng tốc hệ thống công nghiệp quy mô lớn. Họ trở thành Đảng của làn sóng thứ hai (Làn sóng thứ ba – Alvin Toffler – NXB Thông tin Lý luận Hà Nội – 1992 – trang 23).

Nhận định của tác giả “Làn sóng thứ ba” cho chúng ta cơ sở để suy nghĩ, lý giải vì sao Đại hội 14 của Đảng cộng sản Liên Xô tháng 12-1925 quyết định công nghiệp hoá trước tiên, nhắm vào công nghiệp nặng. Và chỉ sau 15 năm, Liên Xô đã trở thành cường quốc công nghiệp, đứng đầu châu Âu về tổng sản lượng công nghiệp. Công cuộc tập thể hoá nông nghiệp chỉ tiến hành sau đó, và cũng chỉ để phục vụ phát triển công nghiệp.

Stalin cũng dùng những biện pháp hành chính để ưu đãi đặc biệt (hưởng theo nhu cầu) đối với đội ngũ các nhà bác học (không phải trí thức!). Thành phố mang tên “Ngôi sao” được lập nên. Các nhà bác học được hưởng chế độ “hưởng theo nhu cầu” ở thành phố Ngôi sao này. Vì thế, Liên Xô mau chóng đưa được người lên vũ trụ.

Nhưng lên được vũ trụ rồi, vẫn phải quay về đất nước mà ở đó không có nhân văn, ở đó tan rã về đạo đức, thiếu vắng lương tâm công dân, những kẻ có hành vi tồi tệ lại nắm giữ những vị trí then chốt. Những điều đó mọi người Xô Viết đều biết và im lặng! Lương tâm người Xô Viết im lặng! Nhà văn Xô Viết Damien Granin đã viết về sự xói mòn lương tâm ấy qua nhiều truyện ngắn của ông trên báo Văn học Liên Xô về nạn hối lộ trong các bệnh viện vào những năm 1987-1988.

Khi đã cải cách cải tổ, xã hội xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô trong những năm tháng dưới chế độ toàn trị, bệnh quan liêu mệnh lệnh, đặc quyền đặc lợi… thực chất là một xã hội phong kiến trá hình do bọn quý tộc đỏ quyết bám trụ sau “làn sóng thứ hai”. Vì thế nó hung bạo hơn bất cứ chế độ độc tài nào trong lịch sử. Nó gia cố tệ sùng bái cá nhân, xây dựng uy quyền tuyệt đối nhằm kiểm soát toàn bộ đời sống xã hội, từ văn hoá, kinh tế, quân sự, chính trị đến đời sống dân sinh và tư duy cá nhân. Mọi suy nghĩ cũng bị kiểm soát chặt chẽ, phục tùng tuyệt đối với “lãnh tụ vĩ đại”, với “người cha của tổ quốc”, với “nhạc trưởng của khoa học”, “người trông nom hạnh phúc của loài người”… Vì thế, người ta có thể giải thích được, vì sao Stalin lại có thể trị vì lâu đến thế, và giết nhiều người đến thế! Giết người không cần xét xử là đặc điểm nổi bật nhất của chủ nghĩa cộng sản dưới thời Stalin!

Hai mươi năm cầm quyền của Brêgiơnep sau này là hai mươi năm trì trệ mà “cơ chế kìm hãm” chiếm ưu thế. Từ sau khi Khơrutsốp bị gạt khỏi chức vụ Bí thư thứ nhất, Liên Xô bị giằng xé giữa hai xu thế đối lập nhau, mà xu thế quan liêu bảo thủ thắng thế. Bọn quan liêu bảo thủ xuất hiện và củng cố địa vị, từ trên xuống dưới, từ cao đến thấp, chúng dung dưỡng cho bọn tham nhũng. Thói bịp bợm, nạn nghiện ngập thâm nhập cả vào giới lãnh đạo cao cấp.

Trong công tác cán bộ, sự đề bạt theo nguyên tắc trung thành với cá nhân khuyến khích thói xu nịnh và tâng bốc, tách rời nói và làm.

Trong xã hội xuất hiện tâm lý tiêu dùng, “sùng bái cái tầm thường”. Dân chúng chán nản, thờ ơ với mọi thứ. Xã hội Liên Xô không vượt qua được sự trì trệ và đình đốn.

Ngày 7-11-1982, theo thường lệ, Matxcơva tổ chức diễu binh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Ba ngày sau Brêgiơnep chết. Mấy ngày sau nhân dân hân hoan đón nhận tin Andropop được cử làm Tổng bí thư của đảng. Những yêu cầu đổi mới chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã chín muồi, vì thế những người cộng sản Liên Xô hân hoan nghe Andropop tuyên bố khi nhậm chức: “Từ lâu chúng ta đã quen bằng lòng với những biện pháp nửa vời, bây giờ là lúc phải giành lại những thời gian đã mất”.

Andropop bắt tay vào những công việc cải cách với nghị lực hiếm thấy. Bắt đầu từ lập lại kỷ cương trong lao động, chặn đứng tham nhũng, cải tổ cơ cấu kinh tế. Một số lãnh đạo từ cơ sở đến cao cấp bị thay thế. Xã hội Liên Xô bắt đầu rung chuyển. Nhưng ngày 9-2-1984, Andropop từ trần trong sự bàng hoàng của nhân dân Xô Viết. Trecnenkô được cử lên thay. Cái đà khởi động dưới thời Andropop “dần dần chựng lại” như nhận xét của một số người. Ngày 10-3-1985 Trecnenkô mất. Goocbachốp, người trẻ nhất trong Bộ Chính trị (54 tuổi) được cử lên thay. “Kỷ nguyên Goocbachốp bắt đầu”.

Ngày 23-4-1985, Goocbachốp triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng. Một hội nghị được coi là bước ngoặt trong lịch sử Liên Xô. Tại hội nghị đó, Goocbachốp đề ra chiến lược phát triển kinh tế và xã hội, được gọi là “chiến lược gia tốc”.

Từ đó cho đến lúc Liên Xô tan rã, công cuộc cải tổ và đổi mới ở Liên Xô đã diễn ra như thế nào thì chúng ta, những người Việt Nam và nhân loại đã thấy, và đã có không biết bao tranh cãi, bút mực đã đổ ra để lý giải về sự sụp đổ và tan rã của “đế quốc” hùng mạnh này.

Có lẽ, tôi là nhà báo Việt Nam cuối cùng có mặt ở Liên Xô trong những giờ phút cuối cùng (1991) trước biến cố lịch sử này. May mắn hơn nữa cho tôi là được làm việc với các nhà báo Liên Xô trong Ban Việt ngữ của Đài phát thanh Đối ngoại Matxcơva, những người rất am tường thế cuộc và nói tiếng Việt rất trôi chảy. Được nhìn tận mắt, nghe tận tai – bằng tiếng Việt –, và được các bạn Nga lý giải những khúc mắc của mình về xã hội Xô Viết, tôi có thể nêu lên bốn nguyên nhân cơ bản về sự sụp đổ của Liên Xô:

Một là, Đảng Cộng sản Liên Xô áp đặt quyền lực tuyệt đối lên nhà nước, làm thay bộ máy nhà nước, khiến bộ máy Đảng rất cồng kềnh, già cỗi, kém hiệu quả. Nhóm cải cách Goocbachốp vừa không thoát khỏi cách làm cũ, vừa mắc sai lầm mới, không kiểm soát được xã hội.

Hai là, hệ thống kinh tế quan liêu bao cấp, mô hình kinh tế không động viên được sức lao động. Kế hoạch kinh tế cưỡng ép, chủ quan, đi ngược quy luật kinh tế. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, do ai cũng có quyền ra lệnh, can thiệp vào các hoạt động kinh tế và không ai chịu trách nhiệm về các kết quả kinh tế cuối cùng.

Ba là, chính quyền vi phạm các quyền tự do dân chủ của công dân. Các hoạt động văn hoá nghệ thuật trở thành nhạt nhẽo, nghèo nàn. Tâm hồn người Xô Viết khô héo!

Một nguyên nữa phải nhắc đến là Liên Xô đã “sập bẫy” trong cuộc chạy đua trong chiến tranh lạnh với Mỹ và sa lầy trong cuộc chiến tranh kéo dài 10 năm ở Afghanistan.

Nếu ai còn nghi ngờ gì về sự sụp đổ của Liên Xô, thì xin đọc lại diễn văn từ chức dài 7 phút do Tổng thống Goocbachốp đọc trên Đài Truyền hình Liên Xô (mà Thông tấn xã Việt Nam trong bản tin mật đã đăng lại):

“Tôi có thể làm Nga Hoàng 20 năm nữa, nhưng như thế là vô đạo đức nên tôi đã cải cách… Các bạn sẽ làm tiếp”.

Biểu tình trên đường phố Matxcơva với khẩu hiệu “Enxin là nước Nga!”. Ảnh: Lê Phú Khải – 1991.

Sài Gòn, 20-12-2021

L.P.K.

Tác giả gửi BVN


VÌ SAO KHỦNG KHIẾP NHƯ KGB CŨNG KHÔNG

 CỨU ĐƯỢC LIÊN XÔ SỤP ĐỔ ?

ĐOÀN PHƯƠNG/ SOHA 20-12-2021



Vì sao một cơ quan an ninh có quyền lực khủng khiếp như KGB lại bó tay trước sự sụp đổ của Liên Xô? Và, trong những ngày chính biến năm 1991, KGB ở đâu và làm gì? Hãy nghe Cựu lãnh đạo Cục phân tích của KGB, Tiến sĩ khoa học lịch sử, Trung tướng Nicolai Leonov nói về điều này.


Tháng 12/1991 Boris Elsin, Leonid Cravchuc và Xtanislav Shushkevich đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của Liên Xô khi ký thoả thuận Belovezh.

Bây giờ người ta gọi sự sụp đổ Liên Xô là "thảm hoạ địa chính trị" lớn nhất của thế kỷ XX, và những cuộc đối thoại về việc sụp đổ của siêu cường Xô Viết là một sai lầm lớn. Những năm gần đây chúng hay dược nhắc đến. Song, có thể giữ được Liên Xô hay không? Và ai thực sự là người đào mồ chôn liên bang này?

Cựu lãnh đạo Cục phân tích của KGB Liên Xô, tiến sĩ khoa học lịch sử, trung tướng Nicolai Leonov đã kể về điều này trong bài trả lời phỏng vấn chuyên mục "Giả thuyết của chúng ta" (trên tuần báo Tuyệt mật).

Giải pháp "Phần lan hóa" các nước Baltic

Nicolai Xergeevich, người ta thường nói rằng Gorbachev đã làm sụp đổ đất nước khi quyết định ký với những người đứng đầu các nước cộng hoà Hiệp ước về Liên minh các quốc gia có chủ quyền.

Tuy nhiên, tôi còn nhớ những lời nhận xét của chủ tịch KGB Vladimir Kriuchcov: không phụ thuộc vào việc ký hay không ký Hiệp ước Liên minh, Liên Xô dẫu sao vẫn sẽ sụp đổ.

-Tôi nghĩ rằng sự sụp đổ một siêu cường quốc như Liên Xô không nằm ở nguyên nhân ký hay không ký Hiệp ước Liên minh.

Tất cả những sự kiện từ năm 1988 đến 1991 minh chứng cho những hành động đã dẫn đến sự sụp đổ Liên Xô.

Bản thân tôi, dịp năm 1988 lại đang ở các nước mà bây giờ đã trở thành các quốc gia Baltic. Khi đó được sự uỷ nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban an ninh quốc gia (KGB) Liên xô Victor Mikhalovih Chebricov, tôi đã có chuyến công tác khắp các nước cộng hoà Baltic của Liên Xô.

Vì sao khủng khiếp như KGB vẫn không cứu được Liên Xô sụp đổ? - Ảnh 2.

Nicolai Leonov

Trong chuyến đi này tôi đã có những cuộc trao đổi với lãnh đạo đảng của các nước này, cũng như với các đồng nghiệp từ các cục an ninh địa phương.

Về tới Mátxcơva tôi đã chuẩn bị bản báo cáo về kết quả chuyến công tác, trong đó tôi có những kết luận của mình về tình hình ở Litva, Latvia và Extonia. Trong báo cáo tôi nói thẳng về những hành động dẫn đến sự tách rời (ly khai) của họ khỏi Liên Xô.

Về câu hỏi cần phải làm gì để ngăn chặn quá trình này, tôi chỉ tóm gọn một câu: "thực hiện Phần Lan hoá Baltic".

Thực chất ý tưởng này của ông là gì?

-Ý nghĩa của kế hoạch do tôi đề xuất là nhằm trao cho các nước cộng hoà Baltic thuộc Liên Xô tự hạch toán kinh tế, chấm dứt thu thuế không cần thiết từ họ và tạo cho họ khả năng nhận được siêu lợi nhuận, bởi họ là những nước có nền công nghiệp phát triển nhất về khoa học- kỹ thuật.

Cũng như trong phạm vị nhất định cho họ tự do chính trị. Như trong trường hợp với Phần Lan trong thời kỳ đế quốc Nga – người Phần lan chính thức được coi là thần dân của Peterburg, nhưng đồng thời họ có nghị viện và hiến pháp của mình, những thứ mà ở Nga chưa có. Một cái gì đó đại loại như vậy đối với các nước cộng hoà Baltic thuộc Liên Xô.

Tại sao kế hoạch này đã không được thực hiện?

-Đúng vài tháng sau chuyến công tác của tôi tới các nước cộng hoà Baltic, Bí thư BCH TƯ ĐCS Liên Xô Alecxandr Nicolaevich Iacovlev cũng thực hiện chuyến thăm đến các nước này.

Tôi còn nhớ rõ rằng ông ta đã viết và gửi về BCH TƯ và Bộ chính trị bản báo cáo với nội dung đối lập hoàn toàn với những gì tôi đã trình bày trong báo cáo của mình.

Theo ý kiến của ông ta, mọi quá trình mang tính chính trị diễn ra ở các nước Baltic không hề có mối nguy hại nào đe doạ đến Liên Xô - ở đó dường như vẫn diễn ra quá trình dân chủ bình thường và những "mặt trận dân tộc" khác nhau, bắt đầu được hình thành ở các nước cộng hoà này, không hề đưa lại mối lo ngại nào.

Vì thế tôi biết rằng những đề nghị "Phần lan hoá" các nước cộng hoà Baltic của tôi đã được ban lãnh đạo cấp cao Liên Xô đọc, nhưng không một ai chú ý đến nó. Rồi sau đó tình hình ở Baltic đã đi đến các cuộc đấu tranh công khai, thậm chí phải huy động đến quân đội cũng không trấn áp được.

Vì sao khủng khiếp như KGB vẫn không cứu được Liên Xô sụp đổ? - Ảnh 4.
Cựu Tổng thống Liên Xô M. Gorbachov đã bỏ ngoài tai mọi báo cáo của KGB?Vậy KGB có cảnh báo trước ban lãnh đạo đất nước về việc Liên Xô có thể sẽ chấm dứt sự tồn tại của mình?

-Nếu như bây giờ có thể giải mật các tài liệu thời gian đó, bất kỳ ai cũng có thể thấy rằng mọi thông tin KGB Liên Xô gửi về Ban chấp hành Trung ương đều mang tính cảnh báo rõ ràng. Trong thông tin này có nói rằng sự việc sẽ đưa đến sự sụp đổ của Liên Xô.

Và nếu ban lãnh đạo đất nước nhân việc này không áp dụng bất kỳ biện pháp nào, thì chỉ có thể lý giải hoặc do sự bất lực của những người lãnh đạo chính quyền khi đó, hoặc đó là hậu quả của sự ngu xuẩn và không hiểu biết hết mức độ nguy hiểm của họ.

Nhiều chuyện đã được KGB cảnh báo nhưng Gorbachov để ngoài tai

Tức là Gorbachev đã không thể hiểu được rằng ông ta đang đưa đất nước đến đâu, cũng như việc sụp đổ sau này của Liên Xô sẽ đưa chính ông ta tới sự sụp đổ như một nhà lãnh đạo?

-Theo những gì tôi có thể suy đoán, ông ta thậm chí không thể hiểu phải điều khiển các quá trình hành động mà ông ta tiến hành như thế nào, vì thế bây giờ có buộc tội Gorbachev cũng vô ích. Ông ta thậm chí không thể giải thích cuộc cải tổ khét tiếng, mà ông ta kêu gọi nhân dân Xô Viết thực hiện, là gì. Và trong mọi thứ đều vậy.

Lấy ngay các vấn đề sắc tộc đã bị trầm trọng đúng vào thời kỳ ông ta lãnh đạo đất nước. Năm 1986 Gorbachov đã cách chức Bí thư thứ nhất BCH TƯ Cadacxtan Cunaev và đưa Bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Ulianopxcơ Gennadi Colbin vào vị trí đó.

Bổ nhiệm một người Nga đến lãnh đạo một nước cộng hoà dân tộc vào lúc tình hình căng thẳng như vậy thật đúng là ngu xuẩn.

Việc này lập tức gây ra những cuộc bạo loạn ngoài đường phố ở Cadacxtan. Chúng đã dẫn tới đổ máu và làm phát triển vòng xoáy xung đột sắc tộc sau này ở các nước cộng hoà Trung Á.

Các cuộc đấu tranh ở các nước cộng hoà dân tộc được coi là một trong những nguyên nhân làm sụp đổ Liên Xô, bởi việc Mátxcơva sử dụng sức mạnh đã làm dân địa phương nổi giận. Có thể giải quyết các vấn đề này bằng cách khác mà không làm "vỡ bình" được không?

-Khi Iuri Vladimirovich Andropov làm Tổng bí ĐCS Liên Xô, ông đã nói thế này: chúng ta có thể chiến thắng chủ nghĩa dân tộc, được thừa hưởng từ chế độ Sa Hoàng.

Nhưng trong thời kỳ chính quyền Xô Viết chủ nghĩa dân tộc có các dạng khác và tính chất khác hoàn toàn. Bởi vậy, cần hành động rất cẩn trọng với chủ nghĩa dân tộc này.

Theo quan điểm của tôi, không được làm mọi điều như Gorbachev đã làm ở Cadacxtan và Nagornưi Carabakh, nơi tình hình trở nên lộn xộn và máu đã đổ nhiều.

Tôi còn nhớ, Andropov đã nhận được báo cáo dài 40 trang của chủ tịch KGB Uzbekixtan Levon Melcumov, trong đó ông ta báo cáo tình trạng hỗn loạn sắc tộc ở đây cực kỳ sâu sắc.

Và tôi cũng nhớ rất rõ, sau khi đọc xong báo cáo, Andropov đã nói, rằng mặc dù những gì Melcumov trình bày trong báo cáo đều là sự thật, nhưng loại bỏ ngay Bí thư thứ nhất ĐCS Uzbekixtan Rashidov là không đúng thời điểm.

Bởi vậy Andropov đã chọn không phế bỏ Rashidov khỏi Uzbekixtan- nếu làm thế nhất định sẽ dẫn tới bùng nổ chủ nghĩa dân tộc-, mà chuyển chủ tịch KGB sang vị trí khác để người ta không tính sổ với anh ta.Tôi kể điều này để thấy rằng khi giải quyết các vấn đề sắc tộc cần hành động cực kỳ tinh tế.

Có thể buộc tội Gorbachov về việc ông ta cố rũ bỏ trách nhiệm khỏi mình. Như ông ta đã tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm khỏi những mệnh lệnh bằng miệng của mình, khi nhóm "Alfa" buộc phải tấn công tháp truyền hình ở Vilnius, hay khi quân đội Liên Xô buộc phải dọn sạch quảng trường ở Tbilixi.

Ông ta cư xử như một đứa trẻ. Đó là thái độ không xứng với một người lãnh đạo. Tổng bí thư biết rất rõ những gì chúng tôi nói. Như việc ông ta đã biết về việc chuẩn bị cho cái được gọi là cuộc bạo động của Uỷ ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp (GKChP), nhưng cố làm ra vẻ một nhà dân chủ và nấp sau lưng người khác.

Ngoài Gorbachov, người ta còn gọi Alecxandr Iacovlev là kẻ đào mồ tích cực chôn vùi Liên Xô. Trong đó đôi khi lại có tin đổn, rằng ông ta gần như là điệp viên của Mỹ.

-Khi tôi còn lãnh đạo Cục phân tích của KGB Liên Xô và nghiên cứu các quá trình nội bộ diễn ra trong khắp đất nước, trên cơ sở những tài liệu tình báo, tôi đã báo cáo riêng cho Gorbachev. Nhưng dĩ nhiên, người ký văn bản đó là chủ tịch KGB lúc bấy giờ là Kriuchcov.

Trong báo cáo giấy trắng mực đen có nói rằng A. Iacovlev là kẻ thù của ĐCS và việc ông ta tuyên bố ra khỏi đảng chỉ là vấn đề thời gian, thực chất vấn đề nhằm khiêu khích chia rẽ đảng.

Văn bản này đã được báo cáo lên Gorbachov và ông ta không tìm ra cách nào tốt hơn là đưa nó cho chính Iacovlev. Vì thế Iacovlev đã nổi cơn thình nộ và lòng căm thù đối với KGB.

Ông ta phá bỏ tất cả các phương tiện thông tin đại chúng khỏi ĐCS Liên Xô.

Liên Xô sụp đổ và Elsin lên nắm quyền ở nước Nga có liên quan trước hết từ việc đảng mất quyền kiểm soát các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong đó, truyền thông phương Tây lặp đi lặp lại về việc Iacovlev là chỉ huy trưởng công trường cải tổ, rằng ông ta là bộ não chủ chốt của nó. Kết quả là ở phương Tây người ta khoác cho ông ta những danh xưng như vậy và cả vòng nguyệt quế, làm cho ảnh hưởng của Iacovlev ở Liên Xô trở nên chiếm ưu thế.

KGB từng muốn Biris Elsin làm Tổng thống Liên Xô?


KGB từng đề nghị đưa Elsin (người cầm giấy) lên làm Tổng thống Liên Xô?


Việc áp dụng tình trạng khẩn cấp hồi tháng 8/1991, theo ý kiến các nhân ông, có thể cứu được Liên Xô hay không?

- Ban lãnh đạo Liên Xô suy thoái, nhút nhát của chúng ta (nếu có thể nói như vậy) không thể hiện được ý chí, quyết tâm và sự cứng rắn.

Hồi tháng 8/1991 một đám đông tập trung gần Nhà Trắng. Khi đó những người đứng đầu Đảng cộng sản đã bối rối và ban lãnh đạo GKChP muốn đầu hàng chính quyền và ngồi ở "Matroskaia Tíhina", chứ không thông qua biện pháp gì để cứu chế độ.


Cựu Chủ tịch KGB Kriuchcov.

Có vẻ trong sự sụp đổ Liên Xô, Chủ tịch KGB Kriuchcov, người có toàn bộ thông tin và biết rõ những việc Gorbachev và Elsin làm, nhưng đã không cố làm gì cả.

- Lịch sử sẽ không xoá tội và xoá trách nhiệm lịch sử cho Kriuchcov. Ông ta lớn lên dưới sự bao bọc của Andropov, và khi Iuri còn sống, mọi quyết định của Kriuchcov, như một nguyên tắc, đều được kiểm tra và có tính chính xác.

Nhưng khi Gorbachev vừa ấn định ông ta là nhân vật chính trị độc lập và khi trách nhiệm về việc thông qua các quyết định quan trọng nhất bị trút lên ông ta, những điểm thiếu sót trong tính cách của ông ta lại bộc lộ - trước hết là không cương quyết.

Vì thế Kriuchcov có biện bạch bao nhiêu trong các cuốn sách của mình, sự cương quyết trong tính cách của ông vẫn chưa đủ. Điều này được thấy rõ khi ở GKChP, được tập hợp theo sáng kiến của Kriuchcov, rất lâu không bầu được chủ tịch, cuối cùng dừng lại ở việc ứng cử của Ianaev.

Tất cả điều đó nói lên việc các thành viên GKChP thiếu ý chí và không có hướng đi rõ ràng để cứu quốc gia.

Tuy nhiên, ở thời gian này diễn ra sự suy thoái của giới lãnh đạo cấp cao của ĐCS Liên Xô. Chúng ta còn nhớ rằng, vào những ngày tháng 8 đó không một ai có ý kêu gọi các đảng viên xuống đường và ủng hộ GKChP.

Trong GKChP chỉ có những kẻ hèn nhát và họ nghĩ rằng, họ ngồi đó và bằng cách nào đấy sẽ thoả thuận được với Elsin.


Cựu Chủ tịch KGB (sau này là Tổng bí thư ĐCS Liên Xô) Andropov

Ý ông là hồi tháng 8/1991 GKChP đã tiến hành đàm phán bí mật với Elsin, cố thoả thuận gì đó với ông ta?

-Đúng, các thành viên Uỷ ban đã đàm phán với Elsin và những người khác. Chẳng hạn, sáng ngày 19/8/1991 Kriuchcov đã tuyên bố với toàn bộ thành viên ban cán sự KGB Liên Xô rằng trong nước đã ban bố tình trạng khẩn cấp và rằng Nazarbaev, người hoàn toàn ủng hộ hành động của Uỷ ban và các văn kiện của nó, đã gọi điện. Ông cũng nói thêm rằng "chúng tôi đã thoả thuận" với Elsin.

Tôi biết điều này vì chính tôi đi cùng Kriuchcov tới chỗ Elsin để đàm phán khi thành lập KGB Liên Bang Nga. Lúc đó chúng tôi cố thuyết phục Elsin không thành lập KGB Nga để không gây chia rẽ các ngành đặc biệt của Liên Xô.

Nhưng tôi không được vào tham gia đàm phán. Kriuchcov và Elsin nói chuyện tay đôi với nhau trong phòng kín. Sau đó Kriuchcov bước ra và nói rằng thoả thuận có vẻ thất bại.

Chúng tôi, những nhân viên KGB, hiểu rằng những người đã bước vào Uỷ ban này chẳng có chút khả năng nào để phục hồi quyền kiểm soát trong đất nước.

Khi ngồi trong xe với Kriuchcov tôi đã nói: "Vladimỉr Alecxandrovich, khi đối thoại với Elsin anh hãy đề nghị ông ấy làm Tổng thống Liên Xô thay cho Gorbachov. Khi Elsin và Gorbachov "chiến đấu" với nhau, nói về việc cứu đất nước là điều vô nghĩa.

Vậy hãy đề nghị Elsin giữ vị trí cao nhất, cho dù ông ta có khoẻ mạnh tới đâu, ông ta cũng sớm ra đi, còn chúng ta sẽ bảo vệ Liên Xô.

Lúc đó Elsin rất nổi tiếng trong dân chúng, còn Gorbachov chẳng có chút uy tín nào. Bởi vậy tôi đã khuyên Kriuchcov đề nghị Elsin tiến hành bầu chọn tổng thống Liên Xô.

Kriuchcov có nói điều này với Elsin hay chưa, tôi không biết vì họ đóng kín cửa khi đối thoại với nhau. Nhưng cuộc trò chuyện giữa tôi và Kriuchcov là có thật.

Từ đó tôi có kết luận, rằng các cuộc đàm phán của Kriuchcov với Elsin đã trôi qua, còn về phương diện bí mật của GKChP không một ai trong các thành viên của nó, cho đến tận cuối các hồi ký của mình, lại viết ra tất cả sự thật.

Có nghĩa là, ngay cả các nhân viên KGB cũng không biết điều gì đã diễn ra vào những ngày đó trong ban lãnh đạo đất nước? Ông đã nhận được mệnh lệnh gì, ngồi và chờ đợi?

-Người ta thậm chí chẳng nói điều đó với chúng tôi. Chúng tôi ngồi ở Lubianca tiếp nhận thông tin từ mọi phía, không hề biết phải gửi chúng cho ai, bây giờ ai lãnh đạo đất nước?

Còn tình hình là thế này, nếu như GKChP không nghe nhạc "Hồ thiên nga" và không tổ chức họp báo, mà họ hướng tới nhân dân, tới đảng, tới các cơ quan bảo vệ luật pháp kêu gọi họ đứng dậy bảo vệ Liên Xô, tôi nghĩ rằng tương quan lực lượng sẽ nghiêng về phía họ.

Nicolai Leonov,Trung tướng KGB nghỉ hưu, cựu lãnh đạo Cục phân tích KGB Liên Xô. Tiến sĩ khoa học lịch sử, giáo sư khoa ngoại giao MGIMO (Học viện quan hệ quốc tế), đại biểu Đuma quốc gia Nga khoá 4. Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga, tác giả của một số cuốn sách về lịch sử hiện đại.

Ông sinh năm 1928 tại làng Almazovo, tỉnh Riazan.

Tốt nghiệp trung học với huy chương vàng. Học tại Học viện quan hệ quốc tế Mátxcơva.

Đã làm việc ở Mêhicô theo tuyến ngoại giao. Cá nhân có quen biết với Raul, Phidel Castro và Che Gevara.

Từ năm 1958 làm việc ở KGB. Từ năm 1971 là Phó, sau đó là Cục trưởng Cục phân tích thông tin tình báo đối ngoại Liên Xô, lãnh đạo Cục phân tích thuộc KGB Liên Xô.

Theo nhận xét của nhà sử học tình báo V. Lashcul, những dự báo của cá nhà phân tích thuộc nhóm của Leonov chưa một lần nào sai.

Năm 1991 Liên Xô đổ ông đã về nghỉ hưu.

(Theo Tuyệt mật)

30 NĂM NGÀY TÀN CỦA LIÊN XÔ

NGUYỄN VĂN TUẤN/ BVN 25-12-2021

Lịch sử có những trùng hợp thời điểm thú vị. Hôm nay chúng ta ăn mừng ngày giáng sinh của Chúa Jesus, nhưng ít ai nhớ rằng 30 năm trước (25/12/1991) là ngày Liên bang Xô Viết tan rã.
Báo chí Việt Nam có vẻ yên ắng, không đề cập đến sự kiện lịch sử quan trọng này, nhưng báo chí nước ngoài thì hay nhắc đến [1], kèm theo những hình ảnh mang tính lịch sử [2]. Nhưng tưởng cũng cần "ôn cố tri tân", ôn lại cái sự kiện mang tầm vóc thế giới để chúng ta hiểu chuyện hiện tại hơn.
Những ngày cuối cùng của đế chế Soviet được thuật lại trong cuốn sách "Moscow, December 25, 1991: The Last Day of the Soviet Union" của tác giả Conor O'Clery [3] rất đáng đọc. Bảy giờ tối ngày 25/12/1991, Mikhail Gorbachev xuất hiện trên hệ thống truyền hình Liên Xô tuyên bố sự cáo chung của Liên bang Xô Viết. Ông nói:
"Số phận đã định đoạt rằng khi tôi làm lãnh đạo, đất nước này đã trải qua những sai lầm trầm trọng. Chúng ta thoạt đầu đã có đầy đủ, từ đất đai, dầu khí, đến tài nguyên thiên nhiên, và Tạo Hóa đã ban cho chúng ta trí tuệ và tài năng. Tuy nhiên, mức sống của chúng ta tệ hại hơn nhiều so với các quốc gia kĩ nghệ khác, và khoảng cách mỗi ngày rộng thêm. Lí do hiển nhiên là do xã hội bị bóp nghẹt bởi một hệ thống quan quyền được tạo ra để phục vụ cho một ý thức hệ, và phải chịu gánh nặng chạy đua vũ trang, căng thẳng tột cùng. Tất cả nỗ lực cải cách nửa vời đều lần lượt thất bại. Đất nước đã hết hi vọng."
Bài nói chuyện chỉ 12 phút. Đến 7:12 pm, ông "chúc quí vị mọi điều tốt đẹp" sau khi tuyên bố từ chức Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô. Gorbachev để lại nhiều câu nói mang tính wisdom:
• Nếu bạn không tiến về phía trước, bạn sẽ lạc hậu (If you are not moving forward, you are moving backward).
• Sự bất khoan dung về ý thức hệ và chánh trị, ngay cả với ý định tốt và thành tâm, sẽ cho ra những hậu quả đối nghịch trực tiếp với ý định (Ideological and political intolerance, even with the best and most sincere intentions, produces results that are the direct opposite of those intended.)
• Cuối cùng thì cái 'mô hình' tồn tại ở Liên Xô không phải là xã hội chủ nghĩa mà là xã hội toàn trị. (In the end, the “model” that came into existence in the USSR was not socialist but totalitarian)
Liên bang Xô Viết được hình thành do những người theo chủ thuyết Bolshevik, và đây cũng là những người đã lật đổ chế độ Sa hoàng vào năm 1917. Đến năm 1922, các đồng chí Bolshevik đồng ý thành lập liên bang với thành viên bao gồm Nga, Belarus, Ukraine, Armenia, Georgia, Moldova, và Azerbaijan. Đến năm 1940, liên bang này bằng biện pháp vũ lực, ép buộc Estonia, Latvia, và Lithuania trở thành thành viên của Liên bang Xô Viết, với Nga là thành viên chủ chốt. Chủ trương của Liên bang Xô Viết cố làm theo lí tưởng cộng sản: tương trợ với nhau và tình đồng chí anh em. Nhưng lí tưởng đó không thành hiện thực. Những kẻ cầm quyền không tin tưởng vào và sợ công dân họ; ngược lại, công dân thì không bao giờ tin tưởng và sợ chính quyền. Ấy thế mà cái môi trường bất tín và sợ hãi đó được duy trì suốt 70 năm trời và 3 thế hệ.
Cái Liên bang đó cũng có thời vàng son của nó. Vào thập niên 1970, Liên bang Xô Viết từng hù doạ thế giới qua sở hữu bom nguyên tử và việc phóng phi thuyền đầu tiên vào vũ trụ. Người ta làm thống kê cho thấy ngày Liên bang Xô Viết cáo chung, nó có đến 210 sư đoàn lính, kho vũ khí hạt nhân có 27,000 đầu đạn, một số có thể bắn thẳng đến Mĩ. Sức mạnh của cái liên bang đó còn là niềm tự hào của các nước đàn em theo chủ nghĩa xã hội, trong đó có phân nửa Việt Nam. Nhưng đến thập niên 1980 trở đi, với sự phát triển về công nghệ thông tin, cái đế chế toàn trị đó không thể giấu giếm những khó khăn và sự suy thoái của nó, và cả thế giới đều biết đằng sau những động thái hù doạ kia là một liên bang nghèo nàn và lạc hậu. Cái gì đến cũng phải đến một cách tất yếu: Liên bang Xô Viết sụp đổ. Tự nó sụp đổ chứ chẳng có thế lực ngoại cuộc nào can thiệp trực tiếp.
Thật ra, trước đó thì cũng đã có biến động ở các nước đàn em Liên bang Xô Viết. Có lẽ sự kiện quan trọng nhất là một đồng chí mà Gorbachev chẳng ưa gì là vợ chồng Nicolae và Elena Ceausescu của Romania. Gorbachev xem Nicolae Ceausescu là Hitler của Romania. Hai vợ chồng Nicolae và Elena Ceausescu đã bị xử bắn vào ngày 23/12/1989. Trước khi bị xử bắn 3 tuần, Gorbachev tiếp kiến vợ chồng Nicolae Ceausescu và khuyên hai người này nên mạnh dạn dân chủ hoá Romania, và còn hẹn gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh ở Ba Lan. Cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản [Đông] Đức Erich Honecker đã bị truất phế trước đó không lâu, và ông phải xin tị nạn với Boris Yeltsin. Tuy nhiên, bản thân Honecker cũng thấy không tin tưởng Yeltsin, nên ông lại lần nữa xin tị nạn trong Toà đại sứ Chile ở Moscow.
Nói đến Gorbachev mà không nhắc đến ông Nguyễn Văn Linh là một thiếu sót. Trong "Bên thắng cuộc", Huy Đức kể rằng tháng 10/1989, TBT Nguyễn Văn Linh dẫn một đoàn đại biểu VN sang Đức dự lễ kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Nước Cộng hòa Dân chủ Đức, và nhân dịp đó ông định sẽ triệu tập một Hội nghị các Đảng Cộng Sản và Công nhân quốc tế để cứu phong trào cộng sản, chống chủ nghĩa cơ hội. Ông Linh không ưa Gorbachev và đưa ra nhận xét: "Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh này”.
Ngày 4/10/1989, ông Linh và đoàn tuỳ tùng bay từ Hà Nội sang Đông Đức, với hãng hàng không Interflug. Hãng này chỉ dành cho ông Linh hạng ghế thương gia (business class), còn các thành viên khác trong đoàn tuỳ tùng thì ngồi ghế hạng phổ thông. Một thái độ xem thường đoàn VN rõ ràng. Khi đến Đức, sau nhiều lần bị cho "leo cây", cuối cùng thì Gorbachev cũng cho phép ông Linh một lần diện kiến. Đọc đoạn Gorbachev gặp ông Linh, chúng ta sẽ thấy chua chát cho phía VN [4] vì như ông Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm nhận xét rằng "Nhận thức của một số đồng chí trong Bộ Chính trị lúc bấy giờ không theo kịp những thay đổi của tình hình thế giới."
Ngày 25/12/1991 đánh dấu một cái mốc lịch sử quan trọng: Liên Bang Xô Viết tan rã. Ngày mà một thể chế được cựu Tổng thống Ronald Reagan gọi là "Evil Empire" (Đế chế ma quỉ) kết thúc. Lí do đế chế Xô Viết sụp đổ thì có nhiều, và các học giả vẫn còn tốn nhiều thì giờ để lí giải. Nhưng có lẽ đa số người quan sát thời cuộc đều đồng ý 3 nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của "Đế chế ma quỉ" đó: (i) bản chất mâu thuẫn của thể chế toàn trị; (ii) sự chuyển hoá của xã hội và sự bảo thủ của kẻ cầm quyền; và (iii) kinh tế suy thoái liên tục và tham nhũng. Có thể kể nguyên nhân thứ 4 là địa phương không phục tùng trung ương. Tất cả 3-4 nguyên nhân đó dẫn đến sự cáo chung tất yếu của Liên bang Xô Viết. Nhưng bốn nguyên nhân đó cũng đáng làm bài học cho các thể chế toàn trị.
Chú thích
[4] Trích sách Bên thắng cuộc:
"Cuộc gặp Gorbachev dự kiến diễn ra lúc 10:30 sáng 8-10-1989, nhưng chờ đến mười một giờ cũng không thấy văn phòng ông ta gọi lại. Ông Linh rất sốt ruột. Theo ông Lê Đăng Doanh: Trong khi đó, sáng ngủ dậy, bệnh ông Linh càng nặng thêm. Khi ăn cơm, ông kêu tôi ra ngoài vì không muốn tôi chứng kiến cảnh ông ăn rất chật vật. Hàm bên trái của ông Linh cứng lại. Ông phải nhai ở phía bên phải sau đó dùng hai ngón tay đẩy thức ăn vào họng, chiêu một ngụm nước mới nuốt được.
Cuộc gặp Gorbachev được lùi lại 2:30 rồi 5:30 chiều cùng ngày. Gorbachev, khi ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cả phe xã hội chủ nghĩa, được bố trí ở trong một tòa lâu đài. Nhưng, cuộc tiếp tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong phòng khách riêng mà ở ngay một phòng rộng mênh mông vừa dùng cho một tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn thừa còn bề bộn trên các bàn. Nhân viên dọn một góc, kê bàn để Gorbachev tiếp ông Nguyễn Văn Linh. Gorbachev ra đón ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói: 'Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh'.
Dù đang bệnh, ông Nguyễn Văn Linh vẫn trình bày rất nhiệt tình, nhưng theo ông Lê Đăng Doanh: Sáng kiến nào của ông Linh cũng được Gorbachev khen là “rất tốt” nhưng chỉ là những lời khen xã giao. Ông Linh nói: 'Tôi đã gặp một số đảng cộng sản anh em. Trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đồng chí đứng ra triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế'. Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: 'Ý này hay nhỉ. Để xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!'. Ông Linh trân trọng mời Gorbachev đến thăm Việt Nam. Gorbachev lại kêu lên: 'Hay quá nhỉ! Cám ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp cái nào trước'.
Cuối cùng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề cập đến truyền thống viện trợ của Liên xô và khi ông đề nghị Liên Xô tiếp tục giúp đỡ cho Kế Hoạch 5 năm 1990-1995 của Việt Nam thì Gorbachev xua tay. Không còn xã giao, lịch sự như phần trên nữa, Gorbachev nói: “Khó khăn lắm, khó khăn lắm, các đồng chí Việt Nam tự lo thôi”. Theo ông Lê Đăng Doanh: Thế nhưng, ngày hôm sau, báo Nhân Dân và Pravda đều đưa tin về cuộc gặp diễn ra trong 'tình hữu nghị thắm thiết'."
N.V.T.
Nguồn: FB Nuyen Tuan


SỰ TAN RÃ CỦA LIÊN XÔ

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 26-12-2021

Lâu nay sách báo chính thống của Việt Nam vẫn cho rằng Gorbachev và sau đó là Yeltsin là những kẻ tội đồ đã phá hủy Liên bang Soviet. Có lẽ đa số đảng viên cũng nghĩ vậy.
Thực ra, Gorbachev không hề muốn nhà nước Liên bang biến mất, ông ta không muốn phá hủy Liên Xô mà muốn cải cách nó theo hướng dân chủ hóa, mở cửa và đổi mới kinh tế. Gorbachev muốn biến Liên Xô thành Liên bang các quốc gia có chủ quyền, có lẽ theo kiểu Liên bang Đức hay Mỹ hoặc lỏng lẻo hơn như Khối thịnh vượng chung của Anh hay Liên hiệp Pháp trước kia.
Tuy nhiên, nhà nước Liên bang đó mới đang ở giai đoạn thai nghén thì đã bị sẩy thai, chết non. Chuyện này có lẽ không nhiều người để ý, cứ ngỡ là Gorbachev muốn giải tán Liên Xô mà thôi. Đó là điều phi logic, ông ta đang là tổng thống một nhà nước khổng lồ thì n gu gì tự giải tán nó để thành thất nghiệp?
Việc cải tổ và đổi mới do Gorbachev khởi xướng là quá trình dân chủ hóa chính trị và đổi mới kinh tế diễn ra song hành dưới sức ép của sự kiệt quệ bởi kinh tế kế hoạch và nhà nước CS toàn trị. Nhưng Liên Xô lúc đó giống như một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, đã quá mục nát, nên việc này giống như một đợt xạ trị cường độ cao khiến cho các điểm yếu của cơ thể càng lộ rõ và trở nên không thể chống cự nổi.
Sau năm 1987 thì các mâu thuẫn về sắc tộc bị bộc lộ rõ nét, do những năm trước nó không thể bộc lộ do bộ máy chuyên chế của Liên Xô kìm hãm. Điển hình là tộc người Tatar biểu tình đòi quay về Crimea là đất cũ của họ. Hay người Gruzia biểu tình công khai để thoát khỏi sự áp bức của dân Nga… Các cuộc biểu tình lúc đó trở nên hợp pháp và không bị đàn áp do quá trình dân chủ hóa. Từ đó nhen nhóm tinh thần dân tộc và mong muốn độc lập của các nước Cộng hòa Baltic (nhập vào Liên Xô sau cùng, giai đoạn trước thế chiến), trong đó quan điểm mong muốn độc lập của Nga, Ukraine và Belarus có sức ảnh hưởng lớn nhất.
Tổng thống nước CHXHCN liên bang Nga là Yeltsin công khai bộc lộ quan điểm chống đối lại TT Liên Xô Gorbachev mà không hề bị đàn áp.
Gorbachev là người khơi mào và mong muốn Liên Xô trở thành một Liên bang các nước Cộng hòa có chủ quyền bình đẳng với nhau (khác với Liên Xô), đi theo hướng dân chủ xã hội (mô hình Bắc Âu), không theo con đường toàn trị nữa.
Ông đã vận động để có cuộc trưng cầu dân ý toàn Liên Xô vào ngày 17/3/1991 với kết quả là đa số dân ủng hộ ý tưởng có một nhà nước Liên bang như trên. Tuy nhiên, phe bảo thủ đã không chấp nhận điều đó nên đã đảo chính vào ngày 19/8/1991 (cũng 19/8!), đứng đầu bởi Chủ tịch Soviet tối cao Liên Xô (quốc hội) Lukyanov và phó tổng thống Yanaev, nhân dịp Gorbachev đi nghỉ mát. Phe đảo chính thành lập một ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp.
Cuộc đảo chính chấp dứt sau 3 ngày bởi phe do Yeltsin đứng đầu, quân đảo chính quay súng và ủng hộ phe cải cách. Gorbachev quay trở lại nắm quyền.
Nhưng cuộc đảo chính đã để lại di chứng nặng nề. Nó thúc đẩy cho quá trình tan ra Liên Xô diễn ra nhanh hơn, do nó cho thấy sự yếu đuối của nhà nước Liên Xô (không tự bảo vệ được mình mà phải nhờ tới TT Nga). Dựa trên lý do “bất ổn” đó, ngày 22/8, Yeltsin tuyên bố các doanh nghiệp thuộc Liên Xô trở thành thuộc Nga, trừ bộ máy hành chính. Ngày 24/8, Ukraine tuyên bố độc lập 1 cách đơn phương bởi Soviet tối cao Ukraine. Ngày 25/8, Belarus tuyên bố độc lập, tiếp theo là Moldova, Azerbaijan, Kyrgyzstan, Uzbekistan. Ngày 28/8, Nga giành quyền sở hữu ngân hàng nhà nước và ngân hàng ngoại thương Liên Xô.
Như vậy là Liên Xô đã bị “rút ruột” nhưng vẫn chưa sụp đổ, do vẫn còn các nước Cộng hòa còn lại lừng chừng chưa tuyên bố độc lập. Dưới tình hình quá nguy hiểm cho sự tồn tại của Liên Xô, Gorbachev thúc đẩy thêm quá trình hoàn thiện Hiệp ước Liên bang. Các nước Cộng hòa tranh cãi về hình thức liên bang sẽ như thế nào? Các nước có bình đẳng tuyệt đối? Nhà nước LB sẽ có quyền lực gì?
Ngày 2/9, đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô được họp để giải quyết khủng hoảng chính trị và công nhận độc lập của ba nước Cộng hòa Baltic, dự thảo hiệp ước Liên bang mới.
Đương nhiên Nga và Ukraine, là hai nước Cộng hòa mạnh nhất sẽ không thể chấp nhận sự bình đẳng với các nước khác và các nước còn lại đều muốn độc lập hoàn toàn khỏi Liên Xô. Tổng thống Nga và Ukraine (Kravchuk) không muốn nằm dưới TT Liên Xô. Ngày 1/12, Ukraine độc lập hoàn toàn khỏi Liên Xô qua cuộc trưng cầu dân ý. Ngày 2/12, Nga công nhận Ukraine độc lập. Ngày 3/12, Soviet tối cao Liên Xô thông qua dự thảo Hiệp ước Liên bang.
Ngày 8/12, lãnh đạo 3 nước Nga, Ukraine và Belarus gặp nhau tại Brest và tuyên bố Liên Xô không còn tồn tại như một thực thể chính trị và thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (hiệp định Belovezh).
Ngày 9/12, Gorbachev tuyên bố tôn trọng sự lựa chọn của 3 nước Cộng hòa nhưng cho rằng sự tồn tại của Liên Xô không thể do 3 nước đó quyết định, cần có giải pháp hợp hiến.
Ngày 21/12, các nước Cộng hòa còn lại ủng hộ hiệp định Belovezh và cùng tuyên bố Liên Xô ngừng tồn tại để thay thế bằng Cộng đồng các quốc gia độc lập.
Ngày 25/12, Gorbachev tuyên bố từ chức TT Liên Xô, vào lúc 7h tối, đại ý là ông ủng hộ sự độc lập và bình đẳng của các quốc gia nhưng vẫn muốn duy trì nhà nước LB. Tuy nhiên, các nước vẫn mong muốn chia tách nên ông đã làm tất cả để các nước có sự hòa hợp, tiếp tục cải cách và thoát khỏi khủng hoảng.
Liên Xô sụp đổ và biến thành một cộng đồng khá lỏng lẻo mang tính hình thức. Hầu hết các nước Cộng hòa rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính trị sau đó.
Như vậy là Gorbachev thực sự mong muốn Liên Xô được cải cách theo hướng dân chủ để khôi phục kinh tế, nhưng ông ta vô tình làm cho Liên Xô trở nên suy thoái hơn. Còn Yeltsin mới thực sự mong muốn giải tán Liên Xô để không phải đứng dưới ai. Yeltsin cũng là người đưa đảng CS ra ngoài vòng pháp luật, trước đó ông tuyên bố từ bỏ đảng CS Liên Xô.
Sau này nhiều người Nga vẫn tiếc nuối Liên Xôvà hiện tại Putin cũng có tham vọng tái lập một nhà nước Liên bang hoặc một cộng đồng kinh tế kiểu EU, có lẽ gần như mong muốn của Gorbachev nhưng không dân chủ bằng.
Nhưng điều đó rất khó thành hiện thực khi Nga và Ukraine đang đứng trên bờ vực chiến tranh, trước đó thì Nga đã sáp nhập Crimea và bảo kê cho phe ly khai ở Đông Ukraine.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét