Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

20211218. PHẢN BIỆN VỀ SỨ MẠNG CỦA ĐHQG HÀ NỘI

 ĐIỂM BÁO MẠNG


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NÊN 

TẬP TRUNG LÀM TỐT SỨ MỆNH, THAY VÌ

 VƯƠN SANG GDNN

MINH ANH/ GDVN 13-12-2021

Ngày 19/11, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại hội thảo này, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Lê Quân đặt mục tiêu là có thể thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, qua đó các học viên cao đẳng có kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ có thể liên thông lên các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, góp phần xây dựng xã hội học tập, tổ chức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời [1].

Tuy nhiên, quan điểm này của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khiến nhiều chuyên gia không đồng tình.

Toàn cảnh hội thảo ngày 19/11, ảnh minh họa, nguồn:


 Báo Giáo dục và Thời đại.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc thỏa thuận hợp tác liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học là chuyện bình thường, trên thế giới cũng vậy.

Tuy nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học có sứ mệnh trở thành đại học nghiên cứu thì tốt hơn hết là để nguồn lực đó đào tạo nhân lực có trình độ cao, trình độ tiến sĩ cho hệ thống (bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu) để hình thành nên các trường đại học có chất lượng cao nhờ sự đóng góp của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Còn lại việc liên thông như cách mà Đại học Quốc gia Hà Nội đang muốn tiến hành thì nên để cho các trường đại học phía dưới theo định hướng khoa học ứng dụng (công nghệ) làm ví như các đại học công nghiệp chẳng hạn. Bởi họ quen thiết kế chương trình giáo dục công nghệ hơn, có kỹ năng thực hành dạy tốt hơn, thì sẽ hợp lý hơn với đối tượng người học và năng lực của giảng viên.

Còn các trường theo định hướng nghiên cứu như Đại học Quốc gia Hà Nội thường gặp khó trong quá trình giảng dạy đối với nhóm thí sinh học nghề mà thế giới cũng đang gặp phải. Do các em gặp hạn chế đối với các kỹ năng hàn lâm (academic literacy đọc, viết, phản biện, tư duy về khoa học cơ bản) mà những kỹ năng đó ở các trường định hướng nghiên cứu rất cần.

Khi năng lực và kỹ năng hàn lâm hạn chế thì những người tốt nghiệp trường nghề có thể sẽ thiếu tự tin trong quá trình học và mất đi động lực học thật. Nhưng với các chương trình theo hướng công nghệ (khoa học ứng dụng) thì yêu cầu về năng lực một số môn khoa học cơ bản không cần cao và khó như các chương trình theo hướng nghiên cứu như Tổ chức kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ ABET khẳng định.

Ví dụ, chương trình hàn lâm đào tạo kỹ sư thì sẽ rất nặng về các kiến thức Toán, Lý và các môn học cơ sở để có thể áp dụng giải các bài toán thuộc chuyên môn.

Kỹ sư thiết kế cây cầu hoàn toàn phải dùng kiến thức Toán học, Vật lý và các môn khoa học như Sức bền vật liệu, Cơ học...để tính toán độ bền, độ ổn định các kết cấu. Nhưng với người học ở các chương trình công nghệ thì chủ yếu là tổ chức thi công (tổ chức thiết bị, máy móc, con người...) được cây cầu do các kỹ sư thiết kế, nên học sẽ nhẹ hơn.

Nguồn lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho Đại học Quốc gia Hà Nội cần được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả

Mặt khác, học đại học để nghiên cứu thì các môn học giáo dục đại cương (hay một số người gọi là giáo dục tổng quát) đối với trường nghề người học không phải học nhiều. Vì vậy liên thông trong trường hợp này số tín chỉ được miễn sẽ rất ít, khiến cho không phát huy được ý nghĩa của liên thông.

Ví dụ, học cao đẳng (60 tín chỉ) liên thông lên đại học là được miễn khoảng 75-80% tín chỉ đã học này, người học chỉ phải học những kiến thức mới chứ nếu chỉ được miễn 5-10 tín chỉ thì đó không phải là liên thông.

Chưa kể, các chương trình của đại học luôn luôn phải thay đổi liên tục và trường nghề luôn luôn phải thích ứng với chương trình giáo dục đại học đó cũng là thách thức với trường nghề.

Việc liên thông có đạt được hiệu quả cao hay không phụ thuộc vào ngoài việc thiết kế chương trình, điều kiện đảm bảo chất lượng thì còn là lòng tin của những người tham gia mà không chỉ là ý chí của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học.

Chỉ cần một vài giáo sư hay giảng viên chưa có kinh nghiệm dạy học cho đối tượng khác với sinh viên truyền thống có thể gây những khăn với những người học nghề chuyển lên học ở đại học và rất dễ sinh ra những rắc rối.

Tiến sĩ Vinh nhìn nhận, hiện nay vì câu chuyện tài chính mà nhiều cơ sở giáo dục đại học muốn đưa học nghề vào để bằng cấp hóa, điều này rất tai hại sẽ dẫn tới buông lỏng chất lượng.

“Liên thông thì không có gì cần thử nghiệm, thí điểm nữa mà chỗ nào cơ chế chưa hoàn thiện thì kiến nghị Thủ tướng chỉnh sửa. Theo đó, chuẩn đầu ra nằm trong khung trình độ, phải đạt điều kiện về đảm bảo chất lượng để tạo được lòng tin của giảng viên đại học, của người sử dụng lao động và số tín chỉ được miễn trừ ra sao”, ông Vinh nhấn mạnh.

Nếu đạt được những yêu cầu trên rồi, muốn liên thông thành công thì phải đảm bảo về người thầy – văn hóa hợp tác và tài chính.

“Nhân đây tôi muốn nhấn mạnh các trường nghề và những người quản lý giáo dục nghề nghiệp rất cần tự tin, tự hào về giáo dục nghề nghiệp để thực hiện tốt sứ mệnh, vai trò chính danh của mình. Một khi trong tư duy của những người làm giáo dục nghề nghiệp lại có vẻ coi thường giáo dục nghề nghiệp mà lại hướng đến mục tiêu bằng cấp thì đất nước còn rất khó phát triển nguồn nhân lực chất lượng, cân đối, hài hòa và khó thu hút nhiều thanh niên hơn vào học nghề để có nghiệp”, ông Vinh nói.

Cuối cùng, ông Vinh cho rằng, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội cần tập trung vào sứ mệnh của một Đại học Quốc gia, vì khi xa rời sứ mệnh thì làm sao còn xứng đáng được với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân về một đại học nghiên cứu như đồng chí Vương Đình Huệ khi dự Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định:"... tạo mọi điều kiện giúp Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục phát triển về mọi mặt để sớm trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến, một trung tâm đại học, sau đại học, nghiên cứu, chuyển giao tri thức ngang tầm khu vực và quốc tế" [2].

Thực tế hiện nay bản thân Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chưa đạt được như kỳ vọng, do đó cần làm tốt sứ mệnh của mình rồi mới hi vọng góp phần thúc đẩy cả hệ thống giáo dục đại học.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/ban-giai-phap-dao-tao-lien-thong-giua-giao-duc-nghe-nghiep-voi-giao-duc-dai-hoc-794656.html

[2] https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/975999/dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-phai-la-trung-tam-doi-moi-sang-tao-ung-dung-va-chuyen-giao-cong-nghe-hang-dau

Minh Anh

CHẲNG CÓ NƯỚC NÀO, ĐẠI HỌC QUỐC GIA

 LẠI HƯỚNG VÀO CHƯƠNG TRÌNH GDNN

MINH ANH/ GDVN 14-12-2021

GDVN- Kỳ thực, trên thế giới chẳng có nước nào, chưa từng có tiền lệ về việc đại học quốc gia lại đi đào tạo các chương trình thuộc giáo dục nghề nghiệp.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định rằng, khi thành lập 2 Đại học Quốc gia, Nhà nước chấp nhận đầu tư rất lớn với kỳ vọng trở thành "kỳ hạm" của "đoàn tàu" đại học Việt Nam để làm đầu tàu và nòng cốt cho giáo dục đại học nước nhà, dẫn dắt các đại học khác, vươn tới các chuẩn mực khu vực và thế giới.

Tuy nhiên vừa qua, nghiên cứu thông tin mà Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – Lê Quân chia sẻ tại Hội thảo về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 19/11 thì Tiến sĩ Khuyến rất ngạc nhiên.

Theo tường thuật "Sẽ thí điểm mô hình liên thông giữa đại học, giáo dục nghề và doanh nghiệp" được Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dẫn lại từ Báo Dân trí phản ánh buổi hội thảo này, Giám đốc Lê Quân cho rằng:

Hội thảo là dịp để các đại biểu cùng bàn thảo các ngành nghề, bối cảnh, xu hướng mới cùng một số vấn đề đặt ra khi đẩy mạnh đào tạo các ngành kỹ thuật – công nghệ. Nhóm ngành này phải hướng tới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đáp ứng được nhu cầu của nhân lực trên thị trường quốc tế.

Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các trường cao đẳng chất lượng cao để phát triển đội ngũ và triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo kỹ thuật – công nghệ.

Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng là có thể thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp, qua đó các học viên cao đẳng có kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ có thể liên thông lên các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, góp phần xây dựng xã hội học tập, tổ chức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời. [1]

Nội dung trên cũng được tường thuật trên website Đại học Quốc gia Hà Nội [2].

Nếu bản tin trên tường thuật trung thực ý kiến của Giáo sư Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thì theo đó Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, ông rất ngạc nhiên với 2 lý do.

Thứ nhất, đã là đại học quốc gia thì hướng phát triển phải trở thành đại học nghiên cứu tức là tỷ lệ kết quả của sản phẩm nghiên cứu phải bằng hoặc cao hơn kết quả của hoạt động đào tạo.

Nhờ có kết quả của sản phẩm nghiên cứu cao nên quy mô đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) phải cao hơn quy mô đào tạo đại học chứ đừng nói đến đào tạo các chương trình thấp hơn. Lúc đó mới là một là đại học quốc gia thực sự.

Kỳ thực theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến thì trên thế giới ông chưa từng thấy nước nào, chưa từng có tiền lệ về việc đại học quốc gia lại đi đào tạo các chương trình thuộc giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, nhìn vào công văn trả lời của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi Bộ Nội vụ về những nội dung mà Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu ra cho thấy Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải thích: “Bậc cao đẳng của Việt Nam hiện nay có chương trình thuộc giáo dục sau trung học, nhưng không phải giáo dục đại học và gán cho đây là cấp độ 5.

Tuy nhiên, khi đối chiếu với ISCED-2011 thì các chương trình thuộc “giáo dục sau trung học nhưng không phải là giáo dục đại học” chỉ thuộc cấp độ 4. Còn các chương trình cấp độ 5 (cao đẳng), cấp độ 6 (cử nhân), cấp độ 7 (thạc sỹ) và cấp độ 8 (tiến sỹ) mới thuộc giáo dục đại học (tertrary education).

Nguyên văn công văn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi Bộ Nội vụ (ảnh tư liệu)

Lý giải như vậy để thấy, chính Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa hệ cao đẳng của mình xuống dưới “chuẩn quốc tế” một cấp độ. Khi không thuộc về giáo dục đại học thì làm sao có thể đủ điều kiện liên thông lên bậc đại học này được.

“Giả sử nếu chấp nhận thực hiện liên thông giữa chương trình đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học thì cũng không phải là nhiệm vụ của đại học quốc gia bởi Đại học Quốc gia Hà Nội theo định hướng nghiên cứu chứ không phải theo hướng ứng dụng”, Tiến sĩ Khuyến nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://daotaocq.gdnn.gov.vn/se-thi-diem-mo-hinh-lien-thong-giua-dai-hoc-giao-duc-nghe-va-doanh-nghiep/

[2]https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N29800/dao-tao-cac-nganh-cong-nghe---ky-thuat-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-4.0-%E2%80%93-co-hoi-va-giai-phap.htm

ISCED-2011 được chia thành 9 cấp độ, cụ thể:

Cấp độ 0 cho giáo dục mầm non.

Cấp độ 1 cho tiểu học.

Cấp độ 2 cho trung học bậc thấp, tách ra theo hai luồng là trung học cơ sở dành cho giáo dục phổ thông và một luồng theo hướng dạy nghề được gọi là sơ học nghề.

Cấp độ 3 cho trung học bậc cao (bên giáo dục phổ thông là trung học phổ thông, còn nhánh theo hướng nghề là trung học nghề).

Cấp độ 4 cho giáo dục sau trung học, nhưng chưa phải đại học.

Cấp độ 5 cho cao đẳng.

Cấp độ 6 cho trình độ cử nhân và tương đương.

Cấp độ 7 cho thạc sĩ.

Cấp độ 8 cho tiến sĩ.

Đặc biệt, theo ISCED-2011, các cấp độ 2,3 thuộc về bậc Giáo dục trung học, các cấp độ 5,6,7 và 8 thuộc về bậc Giáo dục đại học. Không có khái niệm “Bậc Giáo dục nghề nghiệp” như ở Việt Nam.

Minh Anh

ĐẠI  HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI PHẢI VƯƠN 
LÊN TINH HOA CHỨ SAO LẠI 'VƯƠN' 
XUỐNG GDDN?

MINH ANH/ GDVN 15-12-2021

GDVN- Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, Đại học Quốc gia Hà Nội hãy tập trung làm tốt sứ mệnh của mình chứ đừng để phân tán sức lực vào nhiều mục tiêu.

Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các trường cao đẳng để phát triển đội ngũ, triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo kỹ thuật – công nghệ. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Lê Quân nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng là có thể thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp…

Đây là nội dung được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Lê Quân phát biểu tại Hội thảo về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 19/11 vừa qua. [1]

Nghiên cứu nội dung mà Giám đốc Lê Quân nêu thì rất nhiều chuyên gia bày tỏ ý kiến không đồng tình.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam dẫn thông tin:

Mới đây nhất, ngày 28/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội có nhấn mạnh yêu cầu chung đặt ra đối với Đại học Quốc gia Hà Nội là phải xứng đáng “đầu tầu trong hệ thống các trường đại học”.

Một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội: “Tập trung đào tạo nhân lực trong các môn khoa học cơ bản”, “đào tạo nhân lực cho Đại học Quốc gia Hà Nội và các đại học khác”, đào tạo “nguồn nhân lực không chỉ đạt đẳng cấp quốc gia mà còn quốc tế…”. [2]

“Tôi nêu ra những nội dung này để thấy, Đại học Quốc gia Hà Nội phải phấn đấu “vươn lên” để trở thành đại học nghiên cứu đích thực, có đẳng cấp cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cán bộ khoa học ở bậc tinh hoa...

Từ đây phải “sản sinh” ra nhiều nhà khoa học giỏi, danh tiếng, tầm khu vực và quốc tế, xây dựng thương hiệu quốc gia, cải thiện vị trí trong các bảng xếp hạng quốc tế, tham gia vào tốp 100-200 của thế giới (hiện thứ hạng của Đại học Quốc gia Hà Nội đang còn thấp, ở tốp 1000 của thế giới, trong khi các đại học quốc gia của nhiều nước nằm ở tốp 100).

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương


 Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban


 Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp


 hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: T.L)

Những nhiệm vụ, mục tiêu đó còn chưa làm tốt, thậm chí phải phấn đấu rất nhiều nữa, ấy thế mà giờ đây lại muốn “vươn xuống” đào tạo cả chương trình giáo dục nghề nghiệp, bậc dưới đại học thì làm sao xứng với vị trí “đầu tầu” trong hệ thống giáo dục đại học”, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nêu quan điểm.

Từ những phân tích đó, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, Đại học Quốc gia Hà Nội hãy tập trung làm tốt sứ mệnh của mình chứ đừng để phân tán sức lực vào nhiều mục tiêu mà các trường đại học và cao đẳng khác có thể và phải làm.

Đại học Quốc gia Hà Nội là phải xứng đáng làm đầu đàn của nền đại học nước nhà

Đưa quan điểm về vấn đề này, Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, sứ mạng của Đại học Quốc gia Hà Nội là phải xứng đáng làm đầu đàn của nền đại học nước nhà, là một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học chất lượng cao và là một trung tâm khoa học mạnh. Hoàn toàn không nên giao nhiệm vụ đào tạo nghề bậc thấp cho đại học này.

Cũng theo Giáo sư Trần Hồng Quân, liên thông là một cơ chế của hệ thống giáo dục, có thể tiến hành giữa các cơ sở đào tạo khác nhau, cũng có thể tiến hành ngay trong các bậc đào tạo của cùng một cơ sở giáo dục. Nhưng Đại học Quốc gia Hà Nội không cần thiết phải đứng ra làm hình mẫu của sự liên thông ấy mà buộc phải đào tạo nghề bậc thấp.

Còn nếu vì áp lực tài chính làm cho đại học này buộc tăng chỉ tiêu tuyển sinh kể cả đào tạo nghề bậc thấp để tăng quỹ học phí thì xin Chính phủ nên xem xét chủ trương và lộ trình tự chủ tài chính đối với hai đại học quốc gia nói riêng và với tất cả các trường công lập nói chung. Đừng để áp lực này buộc các trường phải hạ chuẩn tuyển sinh đầu vào.

“Đại học Quốc gia Hà Nội từ khi thành lập trên cơ sở sáp nhập các trường mạnh có truyền thống, đã có những thành tựu lớn và đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp chung. Nhưng xã hội kỳ vọng còn nhiều hơn thế.

Nếu so với yêu cầu phục vụ cho sự phát triển của đất nước cũng như so với trình độ phát triển của đại học khu vực và thế giới, chúng ta không thể thỏa mãn, thậm chí rất đáng sốt ruột. Là một dân tộc hiếu học, thông minh mà cho tới nay Việt Nam chưa có giải Nobel nào.

Trong khi đó như Hungary chưa đến 10 triệu dân mà có đến 15 giải Nobel. Nhiều tài năng trẻ của Việt Nam chỉ ra nước ngoài mới phát triển được. Chất lượng lao động xã hội còn thấp, sức mạnh trí tuệ của dân tộc chưa đủ khả năng góp phần chủ yếu xác lập vị thế xứng đáng cho đất nước trên thế giới.

Biết bao những vấn đề khoa học của riêng Việt Nam về khoa học tự nhiên, về công nghệ, nhất là về khoa học xã hội đang chờ các nhà khoa học nước ta phải tự giải quyết, không thể chờ ai khác. Thậm chí có nhiều vấn đề mang tầm chiến lược ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh. Đại học Quốc gia Hà Nội nên nhận thức hết sứ mạng của mình trong đó”, Giáo sư Trần Hồng Quân nói.

Giáo sư Trần Hồng Quân (ảnh: Ngọc Quang)

Cuối cùng, Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng cần phải nói thêm, để hoàn thành sứ mạng lớn lao của mình, Đại học Quốc gia Hà Nội không phải không gặp khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, về lực lượng đội ngũ cán bộ khoa học, về cơ chế, chính sách và môi trường xã hội. Bản thân Đại học Quốc gia Hà Nội chắc chắn đang tự phấn đấu để cải thiện, đồng thời Nhà nước cũng đương nhiên sẽ hỗ trợ.

Trong bối cảnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội không nên phân tán sức lực vào việc đào tạo nghề bậc thấp vốn thuộc nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo khác, mà hầu như chắc chắn họ làm còn chuyên hơn, tốt hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N29800/dao-tao-cac-nganh-cong-nghe---ky-thuat-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-4.0-%E2%80%93-co-hoi-va-giai-phap.htm

[2] http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Thu-tuong-neu-cac-dinh-huong-lon-dot-pha-de-nang-tam-Dai-hoc-Quoc-gia-Ha-Noi/454464.vgp

Minh Anh
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI CÒN QUẨN QUANH VỚI GDNN , LÀM SAO NÂNG HẠNG THEO CÁC CHUẨN QUỐC TẾ  ?
MINH ANH/ GDVN 17-12-2021
GDVN- Đại học Quốc gia mà đào tạo giáo dục nghề nghiệp chẳng khác nào đưa Nhà trường trở về thời kỳ sơ khai quanh quẩn phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực nội địa.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Lê Quân phát biểu tại Hội thảo về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 19/11 rằng:

“Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các trường cao đẳng để phát triển đội ngũ, triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo kỹ thuật – công nghệ. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Lê Quân nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng là có thể thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp…”.[1]

Sau khi đọc thông tin phát biểu này trên các phương tiện thông tin đại chúng, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Sóng Hiền- thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia không đồng tình với quan điểm của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Lê Quân.

Ông Nguyễn Sóng Hiền- thành viên Liên đoàn giáo


 dục độc lập Australia (ảnh: NVCC)

Ông Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, ở nhiều quốc gia, có những cơ sở đại học được Chính phủ đầu tư để xây dựng thương hiệu quốc tế cho quốc gia ví dụ Trung Quốc có Đại học Thanh Hoa, Úc có Đại học Quốc gia Úc ... hầu hết những cơ sở giáo dục này theo định hướng theo nghiên cứu. Vì chỉ có theo nghiên cứu mới có thể nâng hạng trường theo các chuẩn quốc tế chứ đào tạo giáo dục nghề nghiệp thì công bố quốc tế cho ai?

Do đó, theo chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, Đại học Quốc gia Hà Nội nên và chỉ nên phát triển theo định hướng nghiên cứu hướng đến chiến lược xây dựng thương hiệu giáo dục đại học Việt Nam, phải phấn đấu để đưa ngôi trường này lọt vào top 100 trường đại học hàng đầu thế giới về đào tạo nghiên cứu trong 10 năm tới.

Ngoài ra cũng phải đưa Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành điểm đến du học của các sinh viên quốc tế trong khu vực cũng như thế giới. Đây mới chính là nhiệm vụ chính trị và tầm nhìn tương lai mà đại học quốc gia cần hướng tới chứ không phải đưa trường trở về thời kỳ sơ khai quanh quẩn phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực nội địa.

“Đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học thì hãy để các trường khác đảm nhận cho đúng chức năng của họ, chứ đó không phải chức năng của Đại học Quốc gia”, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nêu nhận định.

Trong loạt bài viết trước, các chuyên gia khi chia sẻ với Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam còn tỏ ra ngạc nhiên với phát biểu của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Giáo sư Lê Quân.

Đơn cử, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng đã là đại học quốc gia thì hướng phát triển phải trở thành đại học nghiên cứu tức là tỷ lệ kết quả của sản phẩm nghiên cứu phải bằng hoặc cao hơn kết quả của hoạt động đào tạo.

Nhờ có kết quả của sản phẩm nghiên cứu cao nên quy mô đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) phải cao hơn quy mô đào tạo đại học chứ đừng nói đến đào tạo các chương trình thấp hơn. Lúc đó mới là một là đại học quốc gia thực sự.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: "Trên thế giới ông chưa từng thấy nước nào, chưa từng có tiền lệ về việc đại học quốc gia lại đi đào tạo các chương trình thuộc giáo dục nghề nghiệp".

Còn Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, sứ mạng của Đại học Quốc gia Hà Nội là phải xứng đáng làm đầu đàn của nền đại học nước nhà, là một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học chất lượng cao và là một trung tâm khoa học mạnh. Hoàn toàn không nên giao nhiệm vụ đào tạo nghề bậc thấp cho đại học này.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N29800/dao-tao-cac-nganh-cong-nghe---ky-thuat-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-4.0-%E2%80%93-co-hoi-va-giai-phap.htm

Minh Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét