Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

20211216. VỤ ÁN NHÀ BÁO PHẠM ĐOAN TRANG

ĐIỂM BÁO MẠNG

NGÀY 14/12 XÉT XỬ PHẠM THỊ ĐOAN TRANG VỀ TỘI 'TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM'
XUÂN MAI/ CAND 13-12-2021

Ngày 14/12, dự kiến Tòa án Nhân dân TP  Hà Nội sẽ xét xử bị cáo Phạm Thị Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đây là đối tượng có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết, trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc, chống phá, phỉ báng đường lối, chính sách của Nhà nước ta

Phạm Thị Đoan Trang, 42 tuổi, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội; từng tốt nghiệp Trường Hà Nội- Amsterdam và Đại học Ngoại thương Hà Nội và làm phóng viên Báo Điện tử Vnexpress, nhân viên Công ty quảng cáo HAKI, Công ty Truyền hình kỹ thuật số VTC, cộng tác viên Báo Vietnamnet và Phóng viên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh. Năm 2013, Trang xuất cảnh đi nước ngoài không xin phép nên đã bị kỷ luật buộc thôi việc.

Công lý sẽ được thực thi -0
Công lý sẽ được thực thi -1
Phạm Thị Đoan Trang

Trong lần xuất cảnh trái phép này, Trang đã bị một số đối tượng phản động móc nối, lôi kéo vào con đường tội lỗi, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Trang trực tiếp thành lập và tham gia điều hành nhiều hội, nhóm bất hợp pháp, như: Nhóm “Du ca Sài Gòn”, “Tuổi trẻ làm đẹp quê hương” và lợi dụng danh nghĩa biểu diễn ca nhạc, bảo vệ môi trường để tụ tập, truyền bá các ca khúc thời Việt Nam cộng hòa, tập hợp một số đối tượng trong giới văn nghệ sĩ, trí thức trẻ để chống đối…

Ngoài ra, Trang còn lập và điều hành các trang mạng, như: “Luật khoa tạp chí”, “Phamdoantrang.com”, “The Vietnamese”, để viết, tán phát các nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động chống đối, kêu gọi biểu tình, lật đổ chế độ.

Công lý sẽ được thực thi -0
Công lý sẽ được thực thi -1

Nhiều cuốn sách có nội dung xấu, xuyên tạc, bôi nhọ thể chế chính trị, tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Trang đã móc nối và nhận tài trợ từ các đối tượng phản động của VOICE (một tổ chức ngoại vi của tổ chức khủng bố Việt Tân), thành lập trang fanpage “Nhà xuất bản Tự do” viết, tán phát nhiều cuốn sách có nội dung xấu, xuyên tạc, bôi nhọ thể chế chính trị, tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… và phát tán trên không gian mạng. Với nhận thức và hoạt động chống phá mù quáng, Trang đã được các thế lực thù địch tài trợ, hậu thuẫn và cổ xúy trao tặng cái gọi là giải thưởng nhân quyền Homo Homini, đề cử giải thưởng tự do báo chí.

Hoạt động chống phá của Phạm Thị Đoan Trang làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ANTT, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận và nhân dân

Với các tài liệu, chứng cứ thu thập được về hoạt động chống đối của đối tượng, ngày 7/10/2020, cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã chủ trì phối hợp các đơn vị của Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh, thi hành lệnh bắt để tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang (khi đang lẩn trốn tại phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh), thu giữ nhiều tang vật liên quan; đồng thời, cơ quan điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và vụ án hình sự: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định  của Bộ luật Hình sự. Đây là việc làm hết sức kịp thời và cần thiết nhằm ngăn chặn hoạt động chống đối nguy hiểm của đối tượng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong xử lý tội phạm.

Sau khi đối tượng Phạm Thị Đoan Trang bị bắt, các tổ chức chống đối ở nước ngoài đã dùng các chiêu bài cũ, lên tiếng đòi trả tự do cho đối tượng. Đây là sự can thiệp trắng trợn vào điều tra, truy tố, xét xử tội phạm của pháp luật Việt Nam. Ngày 14/12/2021 tới đây,   Phạm Thị Đoan Trang sẽ bị trừng trị bằng bản án nghiêm khắc của pháp luật./.


CHÍN NĂM TÙ CHO 'TỘI' YÊU NƯỚC

LÂM BÌNH DUY NHIÊN/ TD 15-12-2021



Có lẽ chẳng còn ai còn thầm hy vọng gì nữa về cái gọi là pháp luật tại nước CHXHCNVN. Hy vọng gì đối với những bản án vô nhân đạo, đậm chất tàn bạo của một chính quyền đối với những tiếng nói yêu nước, của những đòi hỏi, khát vọng, suy cho cùng, trong một xã hội tiến bộ, là những hành động bình thường, được ghi nhận trong Hiến pháp?

Bản án dành cho nhà báo Phạm Đoan Trang như một vở bi hài kịch mà người dân Việt Nam đang phải chịu đựng, bắt buộc xem. Đó không chỉ là bản án dành riêng cho một cá nhân, Phạm Đoan Trang, mà đó còn là một bản án dành cho cả một dân tộc, trong cái trại giam khổng lồ, nơi mọi sự tranh đấu đều bị khủng bố và uy hiếp một cách trơ trẽn.

Cái điểm đến của chế độ là xây dựng một xã hội vô cảm, nơi mà người ta chỉ biết nghĩ đến chính mình, chính gia đình, hay tập đoàn của mình. Hãy làm giàu, bất chấp mọi giá trị đạo đức. Hãy hưởng thụ, hãy đua đòi. Những chuyện còn lại đã có “ Đảng và nhà nước” lo.

Nhân quyền, dân chủ, tự do báo chí, tín ngưỡng,… Tất cả chỉ là thuốc phiện của thế giới tư bản bốc lột!

Hơn 90 triệu dân nhưng chỉ một số nhỏ, cực kỳ nhỏ, lội ngược dòng cản, bất chấp hiểm nguy, đối đầu với nhà cầm quyền, đã nói lên thảm trạng về tư duy của người Việt ngày nay.

Nhà nước Việt Nam có chủ đích tạo nên một xã hội với những công dân hèn nhát trước vận mệnh cấp bách của dân tộc. Nhưng cũng chính những công dân ấy lại sẵn sàng hùng hổ, phô trương chủ nghĩa dân tuý cực đoan cho những thứ phù phiếm, tẻ nhạt, nhưng lại vô cùng quan trọng dưới con mắt của chính quyền.

Chúng ta hèn nhát và cái gia tài để lại cho các thế hệ sau chính là một Việt Nam bệnh hoạn, tàn bạo.

Chúng ta câm miệng hôm nay là đồng loã và thoả hiệp với những tội ác của một chế độ độc tài toàn trị. Chính sự im lặng đáng sợ, đáng trách ấy đã duy trì sự tồn tại của một chế độ đáng bị lên án, nguyền rủa và đào thải trong lịch sử dân tộc.

Ngày Phạm Đoan Trang bị tuyên án 9 năm tù, có lẽ chẳng mấy ai buồn tình tìm hiểu. Có lẽ họ đang bị cái giải bóng đá ao làng cuốn hút. “Chính trị là điều không tốt”, có người tại Sài Gòn nói như thế với người viết!

Và họ càng không tỏ ra lo lắng cho chính số phận của họ, của gia đình họ qua những gì vẫn đang và sẽ xảy ra trong xã hội trên bình diện chính trị…

Người viết chợt nhận ra rằng hôm nay (14/12/2021), nhà hoạt động nhân quyền, blogger người Belarus, ông Sergueï Tikhanovski cũng bị tuyên án 18 năm tù. Một bản án tàn khốc, như những gì Phạm Đoan Trang đã bị Hà Nội đối xử.

Tikhanovski và vợ, bà Svetlana Tikhanovskaïa, lãnh đạo đối lập là mục tiêu cho sự trả thù của nhà độc tài Loukachenko.

Phạm Đoan Trang hay Sergueï Tikhanovski, những tiếng nói của lương tâm luôn là “kẻ thù” đáng sợ nhất của mọi chế độ độc tài toàn trị.

Nhưng đâu đó, người dân Belarus vẫn còn nhiều hy vọng vào những thay đổi và lột xác cho chính tương lai của họ. Những cuộc biểu tình rầm rộ của hàng trăm ngàn người trong thời gian qua chứng tỏ đó là một dân tộc trưởng thành, được đúc kết qua hành trình lịch sử bằng những khái niệm về dân chủ. Họ dám đương đầu với một bộ máy an ninh, khủng bố bất chấp mọi nguy hiểm.

Tiếc thay, đó lại là yếu tố không có trong xã hội Việt Nam. Cái tư duy hèn nhát, vô cảm khi chỉ biết trông chờ vào người khác, đã khiến cho mọi khát vọng dân chủ trở nên không tưởng và phi thực tế.

Tự do là phải tranh đấu, phải giành giựt, thậm chí hy sinh. Tự do không phải là món quà được Đấng Bề Trên ban tặng. Nhân loại đã phải trải qua những thời khắc đen tối để đào thải những rác rưởi từ phát xít, phân biệt chủng tộc đến chủ nghĩa cộng sản để xây dựng nên những xã hội nhân bản và dân chủ.

Những sự hy sinh, như Phạm Đoan Trang, dẫu bên lề của sự vô cảm của cộng đồng, vẫn thiết thực và quan trọng trong quá trình làm thay đổi nhận thức của cả một xã hội.

Bởi vì Freedom Isn’t Free!

SUY NGHĨ VỀ BẢN ÁN 9 NĂM TÙ CỦA 

PHẠM ĐOAN TRANG

NGUYỄN HOÀNG LINH/ TD 15-12-2021


Chỉ trong một ngày ngắn ngủi, nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang vừa bị tuyên bản án tù giam 9 năm tại phiên sơ thẩm diễn ra ở Hà Nội, với tội danh theo cáo trạng là “có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Điểm khác với nhiều vụ án chính trị trước đây, là Phạm Đoan Trang đã tỏ ra rất cứng cỏi từ đầu đến cuối, trong quá trình điều tra lẫn trong phiên xử hôm nay, không khai nhận những cáo buộc bị quy, có cách hành xử đàng hoàng, ngẩng cao đầu của người hiểu biết và nắm chắc luật pháp.

Có lẽ thái độ bị coi là “bất hợp tác”, “thiếu thành khẩn” đó của bị cáo đã khiến Hội đồng Xét xử tuyên mức án 9 năm tù, trong khi đại diện Viện Kiểm sát “chỉ” đề nghị 7-8 năm. Phạm Đoan Trang cũng đã phát biểu những lời cuối cùng một cách rành mạch, ý nghĩa mặc dù nhiều lần bị cắt ngang.

Rất nhanh chóng, đã có rất nhiều bài viết, bản tin trên báo chí và mạng xã hội bình luận về vụ án này, và bản án được xem là “bỏ túi” dành cho Phạm Đoan Trang. Xét cho cùng, trả lời phỏng vấn báo chí, viết bài, trao đổi, chia sẻ quan điểm… vốn dĩ là điều rất tự nhiên của quyền tự do ngôn luận.

Là một trong những quyền căn bản quan trọng nhất thuộc “thế hệ thứ nhất” của các quyền con người, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, và đi kèm với nó, quyền tự do nói lên quan điểm, phê bình, chỉ trích cá nhân, chính quyền… vốn là điều đã được thế giới văn minh chấp nhận từ vài trăm năm nay.

Có mặt trong mọi văn kiện chính yếu về nhân quyền trên thế giới như một quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng, tự do ngôn luận cũng thuộc 8 nội dung cơ bản của “Yêu sách của nhân dân An Nam” mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã mang tới Hội nghị Versaille năm 1919.

“Tuyên ngôn Phổ quát về những Quyền con người” do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948 công nhận tự do ngôn luận là quyền con người theo điều 19, và quyền cơ bản này cũng được xác nhận lại trong bản “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” (1966).

Bất cứ ai “cũng có quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp”, “có quyền tự do biểu đạt”, gồm “quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin và ý kiến các loại, (…) bất kể bằng lời nói, bằng văn bản hay in ấn”, “thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào tùy theo lựa chọn của họ” (*).

Phạm Đoan Trang đã hành xử quyền của mình một cách ôn hòa thông qua các bài viết và chia sẻ thông tin, và cho dù điều đó có thể không “hợp nhĩ” những cá nhân hay tập thể nào đó, thì đây vẫn hoàn toàn nằm trong quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt và chính là bản chất của quyền đó.

Bản án nặng nề và phi nhân dành cho Phạm Đoan Trang cũng cho thấy, chừng nào xã hội còn thờ ơ, lãnh đạm và không thức tỉnh trước những nỗ lực gánh vác trách nhiệm chung cho cộng đồng, thì chừng ấy, những cố gắng như của Trang dầu có lớn lao đến mấy, cũng không đem lại kết quả gì…

_____

(*) Điều 19, “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” (Universal Declaration of Human Rights).

Nguyễn Hoàng Linh

MỖI BẢN ÁN CHÍNH TRỊ LÀ ĐIỂM NỐI TAN VỠ

 CỦA CHẾ ĐỘ

TUẤN KHANH/ TD 15-12-2021


Bản án 9 năm của nhà báo Phạm Đoan Trang không khác gì những tiếng chuông cuối, báo sự rã rời của chế độ về sự mâu thuẫn khôn cùng: sự khao khát chính danh trên trường quốc tế và cách kiểm soát quốc gia theo kiểu bàn tay sắt của thời Xô-viết cũ.

Suốt trong nhiều năm nay, Hà Nội đã làm mọi cách để chứng minh tính chính danh của mình, đặc biệt sau 1995, khi người Mỹ bỏ cấm vận. Chính danh để xoá mờ ý nghĩa khác của sự kiện thống nhất Việt Nam sau năm 1975 – mà Hà Nội gọi là “giải phóng”, còn dư luận thế giới thì gọi là “cưỡng chiếm”.

Để được tính chính danh, ung dung đối diện với thế giới, và kể cả cựu thù là nước Mỹ, nhà nước Việt Nam đã âm thầm nỗ lực rất nhiều thứ, kể cả việc nhận trả luôn 140 triệu USD phần nợ của chế độ VNCH đã mượn chính phủ Hoa Kỳ để xây dựng các hệ thống hạ tầng quốc gia. Xin tham gia vào WTO, Hà Nội đã phải bước qua các tranh cãi về tính lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản, chấp nhận mở lại các không gian tự do tôn giáo, thả bớt tù chính trị…

Hiểu rõ chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là tấm bình phong mong manh trước thời đại mới, và không thể cứ là phần nối dài của anh cả Trung Quốc, nhiều năm nay Việt Nam cố gắng ra mặt trong các vai trò của khối Asean, tổ chức hội nghị quốc tế, xuất hiện nhiều trong các chương trình của Liên Hiệp Quốc. Đỉnh điểm mới, là việc ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Nhưng với những điều luật mơ hồ và ngớ ngẩn như điều 117, 331… và vô số các chi tiết khác để kềm hãm con người và đất nước Việt Nam trong sự kiểm soát bằng công an, quân đội và hệ thống toà án giả hình, chính Hà Nội đang tự huỷ diệt tính chính danh của mình từng ngày, hay nói đúng hơn là qua các phiên toà như sân khấu hiện nay. Việc tổ chức làm khó, ngăn cản người bào chữa với thân chủ, hành hạ người bị giam giữ… và cuối cùng là tổ chức những phiên xử như phường tuồng với những mức án nặng, mỗi ngày càng làm nhơ nhuốc bộ mặt của chế độ trước quốc tế.

Hà Nội hiểu điều đó không? Chắc chắn là có, vì trong các cuộc đánh nhau ở tầng lành đạo cấp cao, tháng 3-2007, bức hình linh mục Nguyễn Văn Lý bị mật vụ thường phục bịt miệng trước toà đột ngột xuất hiện trước thế giới – điều mà không có báo nào của nhà nước Việt Nam dám đăng – từ chỗ mà không có một thường dân nào có thể giơ máy lên chụp như vậy, cho thấy chỉ có trò cố ý làm bẽ mặt nhau vào lúc chủ tịch nhà nước Việt Nam Nguyễn Minh Triểt đi công du Hoa Kỳ và đến Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Khi báo chí quốc tế nhân dịp đó, cụ thể là đài CNN, đã phỏng vấn ông Triểt về bức hình này. Sau đó, ông Triết đã tự giải thích rằng “cho rằng trong lúc xét xử ông Lý có những lời lẽ thô bạo, chửi bới chính tòa nên đã xảy ra chuyện bịt miệng nhưng hành động này là không tốt, không đúng, là sai sót của một nhân viên bình thường không phải là chủ trương của nhà nước và việc này sẽ bị xử lý”. Trong ngôn luận, có thể thấy ông Triết đang làm mọi cách để bảo vệ cho tính chính danh của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang lao ra thế giới phương Tây để tìm một chỗ đứng.

Nên nhớ, sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975, Hà Nội không cần thể hiện tính chính danh với phương Tây. Dựa lưng vào khối chủ nghĩa xã hội, những người cộng sản cầm súng có ngôn luận riêng của mình. Trong cuộc họp báo ở Paris cuối tháng 4 năm 1977, Khi được báo chí phỏng vấn chuyện lùa hàng trăm ngàn người của chế độ VNCH ra “học tập ngắn ngày” rồi đưa đi giam giữ không án, Thủ tướng lúc ấy là ông Phạm Văn Đồng quả quyết những trại cải tạo là “sự thể hiện cực kỳ nghiêm túc quan niệm nhân quyền” của Việt Nam và có mục đích giúp những người “phạm tội ác tày trời” trở về với cuộc sống bình thường. Chỉ tay vào giới phóng viên quốc tế, ông Phạm Văn Đồng trợn mắt, kết luận rằng “các người còn muốn gì nữa?”.

Nhưng sau 1990, mọi thứ đã khác. Tính chính danh là sự phấn đấu miệt mài của chính quyền Việt Nam, bao gồm luôn cả các quan chức cộng sản cũng tìm cách thể hiện sự gần gũi của mình với thế giới bằng cách thỉnh thoảng cho thấy việc nói đôi chút tiếng Anh, chứ không hề giới thiệu mình sành sõi tiếng Nga hoặc tiếng Trung.

Nhưng chỉ ít thời gian sau, cái gọi là “không phải chủ trương cúa nhà nước” của chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã không còn ở tư thế bào chữa cho bộ mặt một chế độ. Căn tính độc tài cùng sự chiếm lĩnh quyền lực quốc gia của Bộ công an, được hậu thuẫn phe lý thuyết cộng sản bảo thủ, đã biến những điều như trò bịt miệng bằng luật. Mọi thứ đã tiến dần từ chuyện bảo vệ an ninh quốc gia đến bảo vệ danh tính của các nhà lãnh đạo cao, thấp.

Nhà báo Phạm Đoan Trang đã phạm những tội quốc gia lớn đến mức nào, mà phải bị biệt giam điều tra cả năm trời, không cho gặp luật sư hay người thân? Hay đó là cách luật hoá chuyện tra tấn tinh thần, cô lập và hành hạ để dẫn dắt người bị khởi tố vào chỗ dễ dàng thoả hiệp hay nhận tội? Trò biệt giam rồi bỏ mặc các tình trạng khó khăn thể chất, liệu có là một loại “luật” của nhà nước Việt Nam?

Dù có luật định là phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi sẽ được hoãn thi hành án hoặc không bị giam giữ điều tra, nhưng Việt Nam đã từng có cô Đoàn Thị Hồng, có con nhỏ vẫn bị biệt giam – không thông báo gì cho gia đình – cho đến ngày ra án. Mới đây, cô Huỳnh Thục Vy cũng bị ép thi hành án, dù còn đến nửa năm nữa tại ngoại theo đúng luật của chính nhà nước Việt Nam ban hành.

Nhà tranh đấu Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, chỉ đòi được trả lời việc thi hành luật đúng như đã ghi trong sách, nhưng cả một hệ thống chọn im lặng vì không đủ khả năng trả lời bằng luật. Trại giam thì tìm cách giữ lại thư gửi cho các cơ quan, như kiểu bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý.

Chẳng phải những bản án quyết tuyên, và gần đây là Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Lê Trọng Hùng, Đỗ Nam Trung… là những điểm tan vỡ rất rõ của bộ mặt chính danh, mà chế độ đã và đang cố gắng nỗ lực sao? Tất cả những lời cam kết với quốc tế, tất cả những khát vọng đưa Việt Nam vào thế giới văn minh của nhiều thế hệ quan chức thầm lặng của Hà Nội đã bị phản bội không ít khi mọi thứ hôm nay hỗn loạn hơn, rừng rú hơn. Và đặc biệt khi tráo trở hơn với thế giới: lớp son phấn chính danh của một chế độ có phải đang trôi tuột?

Nói với điều tra viên, Phạm Đoan Trang nhấn mạnh từng chữ “Bắt giam một người viết đã làm một tội ác. Bắt giam một người viết tàn tật là một trọng tội”. Nhân dân như vậy đó, vẫn đứng cao hơn một bậc, vẫn cao quý hơn một chế độ, họ vẫn nói để cảnh báo về những tội ác của nhà cầm quyền, và sẳn sàng đi tù để dành thời gian chứng nghiệm sự rơi rụng của phần trang điểm chính danh và bước ra, sống mãi trong lòng dân tộc.

Dĩ nhiên, với cái cách liên tục và điên cuồng tự huỷ diệt mình như hiện nay, với các phiên toà vô nghĩa, viện kiểm sát, bộ công an toa rập với nhau, ngày tính chính danh của chế độ không còn, chắc cũng không còn xa.


LỜI NÓI SAU CÙNG TẠI PHIÊN TÒA CỦA

 PHẠM ĐOAN TRANG




Gia đình Đoan Trang nhận được những dòng này trước khi phiên tòa diễn ra. Đoan Trang mong muốn công bố phòng trường hợp tòa không cho phép cô nói lời sau cùng tại tòa. Dưới đây là guyên văn nội dung do gia đình cung cấp.

***

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, lãnh tụ tinh thần của người Phật giáo Tây Tạng, từng nói một câu đại ý: chúng ta hãy thử tưởng tượng một thế giới trong đó có cả 6 tỷ người đều theo cùng một tôn giáo thì điều gì sẽ xảy ra khi đó? Chắc chắn là trước sau cũng có một nhóm người thấy rằng tôn giáo đó không còn mang lại lợi ích cho họ nữa, thế là họ tách ra và thế giới có thêm một nhóm tôn giáo khác hoặc một nhóm người không theo tôn giáo nào.

Điều Đức Đạt Lai Lạt Ma nói là để chúng ta thấy rằng bản chất của thế giới này, bản chất của cuộc sống là đa nguyên, và bản chất của con người là hướng tới sự đa nguyên. Chỉ có những kẻ ngu xuẩn mới đi tranh cãi về sự đa nguyên và phủ định sự đa nguyên. Chỉ những kẻ độc ác mới tiêu diệt sự đa nguyên. Và chỉ có những chính quyền cực kỳ độc ác và ngu xuẩn mới tiêu diệt sự đa nguyên bằng cách đàn áp, cầm tù những người bất đồng chính kiến, người viết sách, viết báo, người phản biện xã hội, người hoạt động dân chủ, nhân quyền.

Trong một xã hội dân chủ, nếu có một công dân viết sách, viết báo hoặc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài nói lên những điều chính quyền không muốn nghe thì cách hành xử văn minh có thể là gì? Văn minh nhất là chính quyền đó không làm gì cả bởi vì con người văn minh là phải biết cách tôn trọng quan điểm và lợi ích của người khác. Trong trường hợp tệ hơn, nếu chính quyền đó có máu độc tài và thấy rằng những điều công dân đó nói là không thể chấp nhận được, thì chính quyền có thể chỉ đơn giản là viết lên những cuốn sách, những bài báo phản bác lại quan điểm của công dân đó, thậm chí mạnh dạn liên hệ trực tiếp với cơ quan báo chí nước ngoài để xin họ bố trí cho một cuộc phỏng vấn trong đó người của chính quyền có thể nói lên những quan điểm của mình, phản bác quan điểm của công dân kia. Nhưng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã không làm như thế mà chọn một cách làm hèn hạ, ngu xuẩn và độc ác hơn rất nhiều, đó là bắt bớ cầm tù công dân của mình chỉ vì công dân đó viết sách, viết báo và trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài.

Ngày hôm nay, các anh, chị kết án tôi, có thể bỏ tù tôi nhiều năm nhưng không sao cả bởi vì như nhân vật Nguyễn Trãi trong vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” đã nói: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang trong mình lẽ phải có thể bị sát hại vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người”.

Những bản án càng dài thì càng chứng tỏ bản chất độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các anh, các chị có thể bỏ tù tôi và hả hê đắc thắng vì đã xóa bỏ được một cái gai trong mắt các anh chị nhiều năm nay, nhưng mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu, độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ. Vì con thú mãi mãi là con thú, nó không bao giờ có thể trở thành người được.


THÔNG TIN PHIÊN TÒA XÉT XỬ CÔ 

PHẠM THỊ ĐOAN TRANG

ĐẶNG ĐÌNH MẠNH/ TD 14-12-2021


Sáng ngày 14/12/2021, tòa án Hà Nội đưa vụ án cô PHẠM THỊ ĐOAN TRANG ra xét xử theo thủ tục hình sự sơ thẩm với tội danh bị truy tố “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự.

Có 5 luật sư tham gia bào chữa, gồm LS Nguyễn Văn Miếng, Đặng Đình Mạnh, Lê Văn Luân, Ngô Anh Tuấn và Phạm Lệ Quyên.

Được biết, vụ án được khá nhiều quốc gia quan tâm. Một số cơ quan ngoại giao nước ngoài như Hoa Kỳ, Canada, Đức, đại diện EU, trong đó, Canada đại diện cho nhóm 4 quốc gia bao gồm Canada, Tân Tây Lan, Na Uy, Thụy Sĩ… đã đến theo dõi phiên tòa từ màn hình tivi trong một khán phòng khác thuộc khuôn viên tòa án Hà Nội.

Khá hy hữu, mẹ của cô PHẠM THỊ ĐOAN TRANG cũng nhận được giấy mời tham dự phiên tòa với tư cách “thân nhân của bị cáo”. Bà và người con trai được đưa vào theo dõi ngay trong phòng xét xử.

Như thường lệ, trong việc xét xử các vụ án chính trị (thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia), an ninh được thắt chặt từ xa kể từ phạm vi trụ sở tòa án. Các con đường dẫn vào trụ sở đều đặt hàng rào kiểm soát chặt chẽ bởi lực lượng công an mặc cảnh phục và thường phục.

Các luật sư phải trải qua nhiều vòng kiểm soát, kể cả khám xét tư trang, đưa qua máy dò, và người thì qua cổng từ an ninh mới đến được phạm vi phòng xét xử.

Đặc biệt, từ sảnh của trụ sở tòa án, hàng rào được chắn để tạo một lối đi riêng dành cho những người tham dự phiên tòa xét xử cô PHẠM THỊ ĐOAN TRANG lên phòng xét xử của tòa án. Ngay từ khi bước vào, mọi người đều phải bước vào bàn y tế xét nghiệm Covid, chờ khoảng 15 phút có kết quả âm tính mới được di chuyển lên tầng trên.

Cô PHẠM THỊ ĐOAN TRANG được áp giải đến tòa án từ sớm, sụt 8kg, cho nên, hiện diện trong phiên tòa trông ốm hơn so với ngày bị bắt. Nhưng thần thái vẫn ung dung, điềm tĩnh trong suốt phiên tòa diễn ra từ sáng cho đến tận 6h00 chiều.

Trong quá trình điều tra và trong phiên tòa xét xử mình, cô PHẠM THỊ ĐOAN TRANG vẫn nhất quán bác bỏ quan điểm truy tố cho rằng mình có tội và từ chối khai báo về các hành vi bị cáo buộc. Đồng thời, tại phần xét hỏi, cô cũng từ chối trả lời nhiều câu hỏi của hội đồng xét xử và vị công tố viên.

Trong phần luận tội, vị công tố đã đề nghị mức hình phạt từ 7 đến 8 năm tù giam.

Chia sẻ quan điểm với thân chủ của mình, các luật sư đã trình bày hàng loạt phân tích về sự vi phạm thủ tục tố tụng hình sự, cùng với việc đánh giá chứng cứ theo hồ sơ vụ án. Theo đó, thống nhất quan điểm kết luận cho rằng thân chủ của mình không phạm tội, yêu cầu trả tự do cho thân chủ ngay tại tòa.

Sau khi nghị án, hội đồng xét xử công bố bản án, trong đó, tuyên cô PHẠM THỊ ĐOAN TRANG có tội và phải chịu mức hình phạt 9 năm tù giam. Trên mức Viện kiểm sát đề nghị.

Trao đổi với chúng tôi tại trại tạm giam một ngày trước phiên tòa, có lẽ, đến 90% cô Phạm Thị Đoan Trang sẽ quyết định kháng cáo bản án sơ thẩm.

Ngày 14/12/2021 khép lại thật đáng buồn với bản án tuyên có tội cho người phản động yêu nước nồng nàn.

* Ngày mai, 15/12/2021, chúng tôi trở lại trụ sở tòa án Hà Nội này để tham gia bào chữa vụ án xét xử các ông bà TRỊNH BÁ PHƯƠNG, NGUYỄN THỊ TÂM. Cả hai vị đều bị truy tố cùng tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự.

Đặng Đình Mạnh

PHẠM THỊ ĐOAN TRANG 'DỮ' HAY ĐẢNG

 YẾU NÊN SỢ ...GIÓ ?

TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 14-12-2021

Theo tờ Công an nhân dân (CAND) thì Phạm Thị Đoan Trang, 42 tuổi, chưa lập gia đình, từ nhỏ tới lớn chỉ học, rồi viết lách hoặc phát biểu nhưng… ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an ninh, trật tự! Một nhân vật rất… “dữ” (1)!

Người phụ nữ đã nhỏ thó lại còn bị tàn tật sau vài lần bị lực lượng CAND dằn mặt đã cũng như vẫn… trực tiếp thành lập và tham gia điều hành nhiều hội, nhómTại sao nhiều trí thức trẻ, văn nghệ sĩ biết những hội, nhóm đó… bất hợp pháp mà vẫn bị lôi kéo?

Cứ như tờ CAND, sở dĩ trí thức trẻ, văn nghệ sĩ không tham gia những hội, nhóm… hợp pháp mà chọn đồng hành với Trang là vì họ muốn… chống đối? Tuy nhiên CAND lại không giải thích vì sao trí thức trẻ vừa có kiến thức, vừa nhiệt huyết, còn văn nghệ sĩ vốn mẫn cảm lại muốn… chống đối, bất kể điều đó đồng nghĩa với việc… chuốc vạ vào người và Trang – học sinh một trong những trung học tốt nhất (Amsterdam – Hà Nội), sinh viên một trong những đại học tốt nhất (Ngoại thương) ở Việt Nam chính là… ví dụ!

Cả Kết luận điều tra của CAND về vụ án “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, lẫn đề nghị truy tố Phạm Thị Đoan Trang của Viện Kiểm sát đều không giải thích được, vì sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam – trước nay vẫn tự nhận có… mối liên hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ lại có thể bị Trang làm cho… “nhọ”? Nếu“máu thịt, tin yêu, ủng hộ, bảo vệ” có… thật thì vì sao ai cũng có thể… kích động chống đối, biểu tình, lật đổ?

***

Hôm nay, cách tổ chức phiên xử sơ thẩm Phạm Thị Đoan Trang Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” – 14/12/2021 – thêm một lần nữa khẳng định, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống tư pháp tại Việt Nam đã run sợ tới mức không dám tin nhân tâm, dân ý vẫn đang đứng cùng phía với họ. Công khai kiểm soát tất cả mọi thứ (2), bất chấp nỗ lực kiểm soát ấy chứng tỏ niềm tin vào khả năng kiểm soát mọi thứ của những hệ thống này đã lung lay tới tận gốc, rõ ràng là rất… thảm!

Tới 18 giờ chiều 14/12/2021, Hội đồng xét xử sơ thẩm Phạm Thị Đoan Trang Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” đã công bố hình phạt đối với Trang là chín năm tù, còn bạn bè Trang đã công bố lời sau cùng của cô trước tòa (3):

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, từng nói một câu đại ý: Chúng ta hãy thử tưởng tượng một thế giới trong đó cả sáu tỷ người đều theo cùng một tôn giáo thì khi đó điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn là trước sau cũng có một nhóm người thấy rằng tôn giáo đó không còn mang lại lợi ích cho họ nữa, thế là họ tách ra và thế giới có thêm một nhóm tôn giáo khác hoặc một nhóm người không theo tôn giáo nào.

Điều Đức Đạt Lai Lạt Ma nói là để chúng ta thấy rằng bản chất của thế giới này, bản chất của cuộc sống là đa nguyên và bản chất của con người là hướng tới sự đa nguyên. Chỉ có những kẻ ngu xuẩn mới đi tranh cãi về sự đa nguyên và phủ định sự đa nguyên. Chỉ những kẻ độc ác mới tiêu diệt sự đa nguyên. Và chỉ có những chính quyền cực kỳ độc ác và ngu xuẩn mới tiêu diệt sự đa nguyên bằng cách đàn áp, cầm tù những người bất đồng chính kiến, người viết sách, viết báo, người phản biện xã hội, người hoạt động dân chủ, nhân quyền.

Trong một xã hội dân chủ, nếu có một công dân viết sách, viết báo hoặc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài nói lên những điều chính quyền không muốn nghe thì cách hành xử văn minh có thể là gì? Văn minh nhất là chính quyền đó không làm gì cả bởi vì con người văn minh là phải biết cách tôn trọng quan điểm và lợi ích của người khác. Trong trường hợp tệ hơn, nếu chính quyền đó có máu độc tài và thấy rằng những điều công dân đó nói là không thể chấp nhận được, thì chính quyền có thể chỉ đơn giản là viết lên những cuốn sách, những bài báo phản bác lại quan điểm của công dân đó, thậm chí mạnh dạn liên hệ trực tiếp với cơ quan báo chí nước ngoài để xin họ bố trí cho một cuộc phỏng vấn trong đó người của chính quyền có thể nói lên những quan điểm của mình, phản bác quan điểm của công dân kia. Nhưng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã không làm như thế mà chọn một cách làm hèn hạ, ngu xuẩn và độc ác hơn rất nhiều, đó là bắt bớ cầm tù công dân của mình chỉ vì công dân đó viết sách, viết báo và trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài.

Ngày hôm nay, các anh, chị kết án tôi, có thể bỏ tù tôi nhiều năm nhưng không sao cả bởi vì như nhân vật Nguyễn Trãi trong vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” đã nói: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang trong mình lẽ phải có thể bị sát hại vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người”.

Những bản án càng dài thì càng chứng tỏ bản chất độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các anh, các chị có thể bỏ tù tôi và hả hê đắc thắng vì đã xóa bỏ được một cái gai trong mắt các anh chị nhiều năm nay nhưng mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu, độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ. Vì con thú mãi mãi là con thú, nó không bao giờ có thể trở thành người được

***

Tờ CAND đã giới thiệu hàng loạt tác phẩm của Phạm Thị Đoan Trang để lên án cô. Bạn nên tìm đọc để tự phân định đúng – sai. Tờ CAND còn giới thiệu hàng loạt trang web mà Trang cùng thân hữu tạo lập, ví dụ như Luật khoa Tạp chí (4), bạn cũng nên chủ động tìm đọc để tự kết luận về Phạm Thị Đoan Trang. Nếu không thể trèo qua tường lửa, bạn có thể theo dõi nội dung những trang web ấy trên facebook (5). Cho đến giờ này, một số những nỗ lực của Trang như Luật khoa Tạp chí đã đi được một quãng đường khá dài.

Hãy đọc và nếu bạn tán thành, hãy tiếp sức như nhiều người thuộc nhiều giới đã làm (6) để những nỗ lực của Trang (các cuốn sách cô đã viết, Luật khoa Tạp chí,…) không uổng phí. Đó cũng là cách để bỏ phiếu xác nhận đối tượng nào mới là… thù địch, phản động.

Chú thích

(1) https://cand.com.vn/Ban-tin-113/ngay-14-12-xet-xu-pham-thi-doan-trang-ve-toi-tuyen-truyen-chong-nha-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam–i637855/

(2) https://www.facebook.com/luatkhoa.org/posts/3080975092171340

(3) https://www.facebook.com/luatkhoa.org/posts/3081212372147612

(4) https://www.luatkhoa.org/

(5) https://www.facebook.com/luatkhoa.org/

(6) https://www.facebook.com/luatkhoa.org/posts/3078178212451028

Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét