Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

20211230. VỤ ÁN BẰNG GIẢ ĐẠI HỌC ĐÔNG ĐÔ

ĐIỂM BÁO MẠNG

CÁC BỊ CÁO ĐỀU KHAI 
TRẦN KHẮC HÙNG CHỈ ĐẠO ĐÀO TẠO VĂN BẰNG GIẢ MẠO Ở ĐÔNG ĐÔ

TRẦN PHƯƠNG, HÀ GIANG/ GDVN 23-12-2021

GDVN- Bị cáo Hòa, Oanh đều khai nhận chủ trương đào tạo văn bằng 2 Tiếng Anh không qua đào tạo (văn bằng giả mạo) ở Trường Đại học Đông Đô là của Trần Khắc Hùng.

Sáng ngày 23/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án “Giả mạo trong công tác” diễn ra ở Trường Đại học Đông Đô.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa triệu tập 30 người liên quan và 200 người làm chứng và có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên chỉ có 2 người có mặt tại tòa.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội giả mạo trong công tác gồm: Dương Văn Hòa, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô; Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà, cùng Hiệu phó; Trần Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng đào tạo và quản lý sinh viên; Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng tài vụ…

Bị cáo Dương Văn Hòa - Cựu Hiệu trưởng trường 


Đại học Đông Đô. Ảnh: LC

Trần Khắc Hùng, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Đông Đô, bị xác định là chủ mưu nhưng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đình chỉ điều tra bị can, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Tham dự phiên tòa với tư các nghĩa vụ và quyền lợi có liên quan, đại diện Trường Đại học Đông Đô là ông Lê Ngọc Tòng (Hiệu trưởng, thành viên Hội đồng trường) và ông Phạm Đình Phùng (nguyên Hiệu trưởng) có mặt với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo có đơn xin xét xử vắng mặt, song đã có đầy đủ lời khai tại cơ quan điều tra nên sự vắng mặt không ảnh hưởng đến phiên xét xử và được các bị cáo và 13 luật sư bào chữa đều nhất trí.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Trường Đại học Đông Đô đã cấp 429 văn bằng và 2 giấy chứng nhận giả, thu tổng số tiền hơn 7,1 tỷ đồng.

Trong số này, cơ quan tố tụng đã triệu tập 210 người được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả, thu số tiền trên 2,7 tỷ. Còn 221 người đã làm rõ danh tính nhưng không tìm ra nơi cư trú, đơn vị công tác.

Trong phần xét hỏi, trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về chủ trương đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh không qua đào tạo là chủ trương của ai?

Bị cáo Dương Văn Hòa khai nhận đó là chủ trương của Trần Khắc Hùng, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Đại học Đông Đô

Bị cáo Hòa cho rằng bản thân Trần Khắc Hùng là người chỉ đạo việc đào tạo văn bằng 2 không qua đào tạo. Bị cáo Hòa cũng khai nhận, Hùng là người chỉ đạo và nói với Dương Văn Hòa yên tâm làm mà không sai phạm lắm đâu.

Bị can Trần Khắc Hùng đã tổ chức cuộc họp Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo, Viện Đào tạo liên tục, Viện 4.0… để quán triệt chủ trương làm và cấp văn bằng 2 chính quy tiếng Anh cho những người có nhu cầu lấy bằng không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa, bị cáo Hòa đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình khi ký hơn 400 văn bằng 2 tiếng Anh không hợp pháp.


Bị cáo Trần Kim Oanh - cựu Hiệu phó trường Đại 


học Đông Đô. Ảnh: LC

Với bị cáo Trần Kim Oanh – Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô khai tại tòa, việc đào tạo Văn bằng 2 không qua đào tạo (Tòa gọi tắt là văn bằng giả mạo) do chủ trương của Trần Khắc Hùng – chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Đông Đô chỉ đạo.

Cũng khai tại tòa bị cáo Trần Kim Oanh khai nhận, bị can Trần Khắc Hùng đã họp trực tiếp với Hội đồng nhà trường chỉ đạo việc đào tạo văn bằng giả mạo. Bị can Hùng cũng có chỉ đạo trực tiếp đến Viện trưởng Viện đào tạo liên tục về đào tạo văn bằng 2 giả mạo.

Bị cáo Trần Kim Oanh xác định đã ký 16 danh sách đề nghị cấp bằng cho hơn 200 cá nhân.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong vòng 3 ngày từ ngày 23 - 26/12/2021.

Bộ Giáo dục kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng tổ chức đoàn kiểm tra nhưng lại không phát hiện việc đào tạo và cấp bằng "chui" của Trường Đại học Đông Đô diễn ra một cách công khai và rầm rộ.

Một số đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vi phạm quyết định của Bộ trưởng quy định về đào tạo cấp bằng Đại học thứ hai và "thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra".

"Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý việc thực hiện quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo, chưa chỉ đạo kịp thời công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đối với Đại học Đông Đô theo đúng quy định", cáo trạng chỉ rõ.

Do đó, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã có công văn kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, xử lý nghiêm đối với các cá nhân có trách nhiệm theo quy định của pháp luật và chỉ đạo khắc phục sai phạm.

Trần Phương - Hà Giang
VỤ BẰNG GIẢ Ở  ĐẠI HỌC ĐÔNG ĐÔ: 
CỨ MỜI 1 NGƯỜI HỌC, ĐƯỢC CẮT HOA HỒNG 7 TRIỆU ĐỒNG
TRẦN PHƯƠNG, HÀ GIANG/ GDVN 24-12-2021
GDVN- Trong phiên xử ngày 23/12, các bị cáo đều cho rằng mình nghe lời Trần Khắc Hùng để thực hiện việc cấp bằng giả và sai phạm cùng lắm là phạt hành chính.

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Lê Ngọc Hà – Trưởng ban in bằng – nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô khai nhận khi mới về trường, thấy việc cấp văn bằng 2 Tiếng Anh không qua đào tạo liên tục được thực hiện và quảng cáo rầm rộ, Hà thấy bình thường.

Khi được giao việc, Hà cũng có ý kiến nhưng thấy Trần Khắc Hùng bảo có vi phạm thì cũng chỉ là vi phạm hành chính nên Hà vẫn tiếp tục làm.

Đến quá trình làm việc với cơ quan điều tra đã nhận ra sai phạm của mình.

Bị cáo Lê Ngọc Hà – Trưởng ban in bằng – nguyên 


Phó hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô. Ảnh: LC

Cũng khai nhận tại tòa, Lê Ngọc Hà đã khai nhận bị cáo đã hưởng lợi 100 triệu đồng, đây là tiền thưởng do Hà đã giới thiệu được nhiều hồ sơ. Mỗi học viên nộp cho Hà 29-35 triệu đồng học phí để nhận được bằng.

Tổng số tiền Hà nhận từ các học viên là 1,8 tỷ đồng. Từ số tiền này, Hà nộp 800 triệu đồng về quỹ của trường. Sau khi bị bắt, Hà đã nộp lại số tiền này.

Cũng trong chiều 23/12, Hội đồng xét xử đã xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Huệ (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán) về số tiền các học viên nộp vào trường để mua bằng giả.

Tại tòa bị cáo Huệ khai báo, số tiền các học viên nộp vào trường để mua bằng giả đã không được đánh dấu hay mã hoá riêng trong các tài liệu thu chi của trường.

Bị cáo Nguyễn Thị Huệ - Nguyên Trưởng phòng Tài 


chính kế toán - Trường Đại học Đông Đô

Việc đóng học phí có thể nộp ngay khi đăng ký, cũng có thể nộp trước khi lấy bằng, “nhưng chưa nộp tiền thì chưa được nhận bằng. Có trường hợp người thân của sếp Hùng nhờ thì không phải nộp tiền”, bị cáo Huệ khai.

Khai tại tòa, nhiều bị cáo cho biết quá trình cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả, chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học Đông Đô Trần Khắc Hùng quy định mỗi nhân viên 'lôi kéo' được một hồ sơ đăng ký sẽ được thưởng ít nhất 7 triệu đồng.

Tại tòa, bị cáo Trần Kim Oanh - nguyên phó hiệu trưởng Đại học Đông Đô - cho biết trong quá trình thực hiện việc cấp văn bằng 2 tiếng Anh và chứng nhận giả, ông Trần Khắc Hùng ra quy định mỗi nhân viên của trường phải "lôi kéo" về mỗi năm ít nhất 4-10 hồ sơ làm văn bằng giả của các học viên.

Theo bị cáo Oanh, việc này được quy định cụ thể trong các văn bản quy định của Đại học Đông Đô và được ban hành công khai.



Bị cáo Trần Kim Oanh - nguyên phó hiệu trưởng Đại học Đông 


Đô khai nhận mỗi học viên lấy văn bằng 2 giả được giới thiệu 


về trường người giới thiệu sẽ được thưởng 7 triệu. 


Ảnh: LC

Khi được tòa hỏi về số tiền 48 triệu “bà Oanh nói đây không phải do học viên “cảm ơn” mà là tiền thưởng của nhà trường. Ông Trần Khắc Hùng đã quy định mỗi nhân viên, hằng năm, phải tuyển một số lượng học viên nhất định. Mỗi hồ sơ đưa về, nhân viên trong trường được thưởng 7 triệu đồng. Điều này đã được quy định trong văn bản cụ thể.”

Bị cáo Trần Ngọc Quang ( cựu phó phòng đào tạo và quản lý sinh viên) khai “ bị cáo không làm giả quyết định nhưng tham gia vào công đoạn ký nháy vào 65 bảng điểm hưởng 285 triệu đồng.

Bị cáo Quang cũng cho biết, lúc đầu chưa nhận thức được việc mình làm là sai nhưng vì đang gặp hoàn cảnh khó khăn nên nghĩ kiếm ít tiền. Khi làm việc với cơ quan điều tra bị cáo này mới nhận thức được việc mình làm là sai.

Sau khi bị bắt, gia đình bị cáo đã khắc phục được 150 triệu đồng. Bị cáo Quang cũng trình bày hoàn cảnh mắc bệnh, suy kiệt, xin giảm nhẹ hình phạt.

Các bị cáo khác đều khai nhận không nhận thức được việc mình làm là sai chỉ nhận chỉ đạo của Trần Khắc Hùng để tham gia tuyển sinh văn bằng 2.

Khi được Tòa xét hỏi, ông Lê Ngọc Tòng - đại diện Trường Đại học Đông Đô - cho hay ông không biết số tiền 7,1 tỉ đồng đã chi vào các khoản nào cho các hoạt động của trường.

Cũng theo ông Tòng, số tiền 7,1 tỉ được nhập vào ngân sách chung của trường và quỹ này thường dùng chi trả rất nhiều khoản khác nhau, gồm các hoạt động lương, chi thường xuyên, tổ chức thi, thuê bảo vệ, nộp ngân sách, trả thuê đất…, chứ không rõ ràng phân định là khoản nào chi cho đối tượng nào.

Ông Tòng về trường sau khi vụ án đã xảy ra nên ông Tòng không biết.


Các bị cáo trong vụ án "Giả mạo trong công tác" ở 


Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: LC

Cũng trong chiều ngày 23/12, nhận ủy quyền của gần 100 học viên ủy quyền, bà Nguyễn Thị Hiền, đã trình bày ý kiến tại tòa. Trong số gần 100 học viên ủy quyền cho bà Hiền, có 14 người được trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả.

Theo trình bày của bà Hiền, gần 100 học viên này đều muốn đòi lại số tiền mà họ đã nộp cho Trường Đại học Đông Đô.

Trước ý kiến của người đại diện, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa cho rằng, tòa đang xét xử việc học giả thi giả, còn học thật thi thật thì đây là quan hệ giữa học viên và nhà trường.

Liên quan đến vụ án, bị can Trần Khắc Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Đông Đô) đã bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Theo cáo trạng, kết quả điều tra đã xác định 23 người tham gia tuyển sinh, đào tạo đúng quy định đã được Trường Đại học Đông Đô được cấp văn bằng 2 hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh năm 2019 và 118 người tham gia đào tạo theo quy định nhưng chưa được cấp bằng đã có đơn trình báo với cơ quan điều tra.

Tại Công văn số 2057/BGDĐT-TTr ngày 12/5/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định: Thời điểm từ năm 2017 đến năm 2019, Trường Đại học Đông Đô có đủ điều kiện đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.

Do Trường Đại học Đông Đô tổ chức đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học nên việc ghi trên bằng hình thức đào tạo chính quy là sai quy định.

Do vậy phải thu hồi, hủy bỏ văn bằng và thông báo để học viên đến đăng ký cấp bằng mới theo hình thức vừa làm vừa học.

Từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, các bị cáo ở trường Đại học Đông Đô cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng.

Trần Phương - Hà Giang
BỘ GIÁO DỤC CẦN LÀM RÕ 
TRÁCH NHIỆM VỀ VIỆC CUNG CẤP PHÔI BẰNG CHO ĐẠI HỌC ĐÔNG ĐÔ
LÊ MAI/ GDVN 28-12-2021
GDVN- Chuyện mua bán bằng cấp giả ở nước ta không hiếm, đã hình thành thị trường. Công an triệt phá ổ nhóm này lại có ổ nhóm khác mọc ra, bằng cấp giả chưa có hồi kết.

Người ta mua bằng giả để làm gì?

Chẳng ai tự bỏ tiền ra mua bằng giả để “khoe”, người ta mua bằng giả để “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”.

Có bằng cấp để hợp lý hóa hồ sơ viên chức, công chức, để lên bậc, thăng hạng, lên lương, lên chức; cơ cấu vào cán bộ nguồn…

Như vậy, mua bằng giả, chính vì muốn thu lợi cho bản thân; đã có không ít người nhờ bằng giả đã leo cao, luồn sâu, để lại “di chứng” cho xã hội.

Buôn bán và làm bằng cấp giả tồn tại và phát triển do quy luật cung, cầu; có cung ắt có cầu. Muốn xóa bỏ “thị trường” xấu xí này, phải xóa cầu hoặc xóa cung.


Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn

Muốn xóa bằng cấp giả phải xóa “cầu” trước

Trong quá trình tuyển sinh, đào tạo, Trần Khắc Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Đông Đô, hiện đang bỏ trốn) thấy nhiều người có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để sử dụng làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, thi tuyển công chức, thi nâng ngạch... nên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Trường Đại học Đông Đô, chỉ đạo ban giám hiệu, Viện Đào tạo liên tục, Viện 4.0, Phòng đào tạo và quản lý sinh viên, Phòng tài vụ làm, cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho người có nhu cầu lấy bằng không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định.[1]

Muốn xóa “cầu”, không khó, chỉ cần bỏ yêu cầu bằng cấp trong các tiêu chí tuyển dụng, thăng hạng, bổ nhiệm… thế nhưng, nếu bỏ yêu cầu bằng cấp thì lấy tiêu chí nào để kiểm chứng trình độ của ứng viên? Vì thế, không thể bỏ yêu cầu bằng cấp trong các tiêu chí tuyển dụng, thăng hạng, bổ nhiệm…

Với các nước tiên tiến, không có thị trường bằng cấp giả, vì họ không đặt nặng vào “hồ sơ”, đánh giá, tuyển dụng; dựa vào thực lực, thực tài, thực hành, của ứng viên; bên cạnh đó là hệ thống hậu kiểm bằng cấp chính xác, nhanh gọn; mọi hoạt động học tập của cá nhân đều có trong hệ thống dữ liệu, chỉ cần một cú kích chuột hay quét mã QR, là xác định ngay bằng giả, bằng thật.

Vì thế, không thể làm bằng cấp giả, cũng không mua bằng cấp giả để làm gì, vì bằng cấp giả sẽ bị phát hiện ngay.

Ví dụ, chứng chỉ IELTS là một chứng chỉ tiếng Anh uy tín trên thế giới, nhưng không thể làm giả, vì chỉ cần vài cú kích chuột là xác định được ngay thật, giả.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần học cách quản lý văn bằng chứng chỉ của các nước tiên tiến; quản lý bằng cấp thống nhất trên toàn quốc, với công nghệ hiện nay, không khó để thực hiện, Bộ có cả Cục công nghệ thông tin trong cơ cấu quản lý, vấn đề là Bộ có muốn làm không?

Muốn có giáo dục thật, phải dẹp được thị trường mua bán bằng thật… học giả

"Trường Đại học Đông Đô đã tuyển sinh trái phép. Tuy nhiên phôi bằng trường này cấp cho người học lại là phôi bằng thật của Bộ Giáo dục và Đào tạo".[1]

Như vậy, văn bằng của Trường Đại học Đông Đô cấp cho người học trong vụ án “Giả mạo trong công tác” diễn ra tại Trường Đại học Đông Đô không phải bằng giả mà là bằng thật, học giả.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: có hay không “mối liên hệ” giữa văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo (là đơn vị cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ như các cơ sở in phôi văn bằng chứng chỉ khác [2]) với các bị cáo?

Trong lúc đó “Từ năm 2016 đến 2018, Đại học Đông Đô có báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ Giáo dục đại học của trường không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2.

Do Đại học Đông Đô không gửi hồ sơ xin phép đào tạo văn bằng 2 nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không yêu cầu trường báo cáo”.[2]

Trong báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ Giáo dục đại học của trường Đại học Đông Đô không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2, vậy tại sao lại được cấp phôi bằng?

Liệu còn trường nào khác đã xin, đã được cấp phôi bằng như Đại học Đông Đô nhưng chưa bị lộ?

Còn đó “uẩn khúc” chưa được làm rõ việc cung cấp phôi bằng của văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho Trường Đại học Đông Đô, dù vụ án đã được tuyên án cho các bị cáo; dư luận vẫn còn đó một dấu hỏi chưa có lời giải.

Chính vì việc cấp phôi bằng “dễ dãi” khi báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ Giáo dục đại học của Trường Đại học Đông Đô không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2, vô hình trung làm cho người mua bằng tin mua được bằng thật, qua mặt được luật pháp.

Vì thế, để bằng giả phải là giả, bằng thật phải là học thật, trách nhiệm trong việc cung cấp phôi bằng của Văn phòng Bộ cho Trường Đại học Đông Đô phải được làm sáng tỏ, để răn đe, giáo dục những người ở vị trí cấp phôi bằng trong thời gian tới.

Theo thông tin Trung tâm Truyền thông Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp cho Báo Tuổi trẻ [2] thì:

"Thông tư số 19 đã giao cho các trường chủ động in phôi bằng. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục đại học do có khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng (về cơ sở vật chất, về nhân sự quản lý việc in phôi văn bằng chứng chỉ, số lượng phôi văn bằng chứng chỉ ít…) nên đề nghị được văn phòng bộ cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ.

Như vậy, văn phòng bộ là đơn vị cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ như các cơ sở in phôi văn bằng chứng chỉ khác."

Vậy sau vụ án "Giả mạo trong công tác" tại Trường Đại học Đông Đô được đưa ra xét xử, Bộ Giáo dục và Đào tạo có còn tiếp tục cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ như các cơ sở in phôi văn bằng chứng chỉ khác hay không?

Nếu có, thì việc quản lý cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào? Tình trạng trường nào cần thì cứ đăng ký mua mà không cần phải báo cáo việc tuyển sinh văn bằng 2 ngôn ngữ Anh, cũng không bị kiểm tra như Trường Đại học Đông Đô có còn tiếp diễn?

Đơn vị trực thuộc được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quản lý phôi bằng là đơn vị cung cấp phôi bằng chứng chỉ như các cơ sở in phôi văn bằng chứng chỉ khác, nhưng uy tín, thương hiệu và trách nhiệm của đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo liệu có giống như các cơ sở in phôi văn bằng chứng chỉ khác?

Thiết nghĩ đây là một vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần được trả lời minh bạch, góp phần ngăn chặn vấn nạn bằng giả học thật như đã xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, vì nhu cầu văn bằng 2 ngôn ngữ Anh vẫn rất lớn (thi đầu vào cao học, nghiên cứu sinh; làm hồ sơ thi tuyển viên chức, thăng hạng viên chức...).

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “học thật, thi thật, nhân tài thật”, muốn học thật thì bằng thật phải học thật, không để xảy ra một “Đông Đô” nữa.

Muốn vậy, vụ việc diễn ra tại Trường Đại học Đông Đô phải điều tra đến chân tơ kẽ tóc, ai chịu trách nhiệm cấp phôi bằng để xảy ra bằng thật nhưng học giả phải chịu trách nhiệm. Có như vậy mới có tác dụng giáo dục, răn đe, cán bộ trong ngành giáo dục, đảm bảo “học thật, thi thật, nhân tài thật” như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn, góp phần dẹp thị trường mua bán bằng thật… học giả.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/nguoi-su-dung-bang-gia-cua-truong-dai-hoc-dong-do-se-bi-xu-ly-ra-sao-post1022039.html

[2]https://tuoitre.vn/bo-gd-dt-cung-cap-phoi-bang-cho-dai-hoc-dong-do-do-truong-de-nghi-20190817145821754.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai
BẰNG GIẢ, KHÔNG PHẢI CHỈ ĐÔNG ĐÔ
THÁI HẠO / BVN 27-12-2021

Vụ đại học Đông Đô cấp thần tốc hơn 400 bằng giả đang làm xã hội kinh động. Nhưng đó là do… không biết. Nếu bây giờ rà lại tất cả trường đại học ngoại ngữ hay các khoa ngoại ngữ đang cấp các loại chứng chỉ ngữ ngoại “danh giá” như B, C, văn bằng 2 v.v., thì chúng ta sẽ không ngạc nhiên nữa.

Từ cách đây hơn 10 năm, lúc tôi thi để lấy chứng chỉ B1 làm điều kiện tốt nghiệp thạc sĩ, đã thấy sự nhếch nhác, bi hài của nó. Đó là một cuộc “làm giàu không khó” của các trường đại học, của giáo viên có ô dù. “Lo trước” đã là bước đi tất yếu của đa số các “yếu nhân”. Nhớ lại, hãy còn rùng mình: phòng thi như cái chợ, người ta đã “gửi” trước, chưa thi đã đỗ. Tôi suýt trượt trong kỳ thi ấy, vì vào bằng tiếng Trung mà ra tiếng Anh. Có những chuyện xấu hổ không dám kể lúc này. Đi thi, nhìn khung cảnh thật hoang tàn, bát nháo…

Sau hơn 10 năm, tình hình đã tệ hơn rất nhiều. Nhiều người bạn và người quen của tôi cũng vừa thi để lấy B1, B2, C sau cả chục năm đi làm, vì yêu cầu “chuẩn hóa” và “nâng chuẩn”. “Tiền chống trượt” là gì? Đó thực chất là tiền mua bằng. Nó diễn ra trên khắp cả nước.

Những cái chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang khiến cả triệu giáo viên lao đao, là gì? Hãy xem người ta đang dạy thế nào, học thế nào, thi thế nào, đóng tiền ra sao, thì rõ. Nói trắng ra, đó là bằng giả. Học vài buổi chiếu lệ, nộp mấy triệu, thi và cấp chứng chỉ. Không có chứng chỉ thì lụi bại, dù không muốn cũng phải cố mà lết đi, khi lương giáo viên không bằng người bán xôi sáng. Vấn đề là nó đang công nhiên diễn ra, ai cũng thấy và phải tham gia, nó không những được cấp phép, mà còn trở thành tiêu chuẩn. Thì chống cái gì!

Bằng giả (thực ra là bằng thật nhưng chất lượng giả) đang hoành hành khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Và phá nát nền học vấn, phá nát lương tri con người, kéo đất nước trở lại thời kỳ tăm tối.

Vấn đề quan trọng nhất ở đây không phải chỉ là chuyện bằng giả hay bằng thật, mà là một xã hội vận hành trên bằng cấp. Chúng ta không có tiêu chí chọn người, không có công cụ đánh giá năng lực người lao động, thế là chỉ còn cách dựa vào những mảnh giấy gọi là Bằng. Mọi tệ lậu bắt đầu sinh ra khi mà sự quản lý chất lượng của chúng đã vượt ngoài khả năng. Giáo dục trở thành chợ đen.

Chống làm sao được khi mà ngay chính những người chống mà báo chí gọi là “người có uy tín” lại cũng xài bằng giả!

Trong cuộc chạy đua bằng cấp này, khó ai có thể giữ được nhân cách, dù họ không muốn đánh mất nó. Chấn hưng nền giáo dục, bằng cách nào? Học thật, thi thật? Không, huyệt đạo nằm ở “tuyển dụng thật”. Còn nạn con ông cháu cha, còn “nhất hậu duệ nhì quan hệ ba tiền tệ bốn trí tuệ”; còn bán ghế, bán chỗ v.v.. thì dù có học thật, thi thật, nhân tài thật thì tất cả cũng chỉ là nỗi bẽ bàng sau rốt…

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo


NẠN BẰNG GIẢ: GỐC Ở CHÍNH SÁCH

CHU MỘNG LONG/ BVN 28-12-2021


Dẹp nạn bằng giả, cách nào? - Ảnh 1.

Phiên tòa xét xử vụ án Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, ngày 23-12-2021 Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Các chuyên gia biện giải dài dòng. Tôi nói gọn, nạn mua bán bằng giả sinh ra từ cái gốc là chính sách.

Nếu chế độ, chính sách chỉ yêu cầu năng lực thật, không yêu cầu các loại văn bằng, chứng chỉ trên trời dưới đất, thì tất yếu không ai sản xuất và tiêu thụ bằng cấp hàng loạt dẫn đến thật giả lẫn lộn như hiện nay.

Đông Đô mua bán tắt ngang, bỏ qua quy trình đào tạo, bị cho là hàng giả chứ các đại học khác, dù đào tạo đúng quy trình thì chất lượng vẫn giả. Vẫn là trò mua bán với giá cả tương đương, chỉ khác là Đông Đô tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức; còn các đại học khác vì nặng cái quy trình nên chi phí tốn kém, mất thời gian, công sức hơn. Người học không có động lực học, chỉ có động lực lấy bằng, thì có mua bán tắt ngang hay bán theo quy trình cũng như nhau.

Nạn bằng giả không phải mới lạ. Nhiều sự vụ đã phanh phui từ vài ba thập niên qua, kể từ khi các chế độ, chính sách yêu cầu công chức, viên chức nhà nước phải có các loại văn bằng, chứng chỉ để giữ ghế, thăng tiến, giữ hạng, thăng hạng. Yêu cầu càng cao, việc mua bán văn bằng, chứng chỉ càng gia tăng và tràn lan dưới mọi hình thức, dù tỏ ra đúng quy trình hoặc bỏ qua quy trình.

Tôi dạy học tận tâm, tận lực, mỗi năm đào tạo ra cả chục vạn học viên hệ vừa học vừa làm, kể cả tham gia đào tạo cao học và các loại chứng chỉ hạng ngạch, nhưng tôi chỉ tin có 10% là "học thật, thi thật, nhân tài thật". Bởi giá trị của tấm bằng không phụ thuộc vào nỗ lực của cá nhân tôi. Tự thú như vậy cho trung thực và có tự trọng.

Việc xử lý hình sự, dù có xử người bán hay người mua đều không phải là gốc. Cái gốc nằm ở chế độ chính sách. Xử nhanh gọn nhất là xử cái gốc chế độ, chính sách, đó là: bãi bỏ ngay những điều luật quy định đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ không cần thiết. Khi đó, mọi mua bán hay đào tạo tràn lan sẽ tự sinh, tự diệt.

Quê tôi vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước có cái trại bò của hợp tác xã. Vốn 100 con, nghị quyết trên đưa xuống mỗi năm phải sinh ra thêm 50 con. Sau vài năm, bò sinh ra thì ít mà chết thì nhiều. Còn lại khoảng chục con ốm đói giơ xương. Nhưng các bản báo cáo thành tích vẫn vượt chỉ tiêu. Khi trên xuống thanh tra, kể cả những đoàn tham quan học tập, hợp tác xã mượn bò của toàn dân nhập chung với bò hợp tác xã. Vậy là thực tế đàn bò hợp tác xã vẫn vượt chỉ tiêu. Và nhận huân chương, và ăn mừng...

Xưa trại bò mà người ta từng làm được như vậy, nay lò đào tạo người không thành trại bò mới là lạ.

Khi văn bằng, chứng chỉ, kể cả các loại danh hiệu trở thành tấm bùa hộ mệnh (vị trí việc làm, ghế lãnh đạo, lương nhà nước và mua bán tư nhân) thì người ta phải chạy. Huân chương lao động do Chủ tịch nước ký mà một tay gian lận như Việt Á còn xuyên thủng được, huống hồ là cái hệ thống đào tạo lỏng lẻo rải khắp từ trung ương đến làng xã?

Đọc thêm:

Dẹp nạn bằng giả, cách nào?

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long


HỎNG VÔ PHƯƠNG CỨU CHỮA

NGUYỄN THÔNG/ TD 28-12-2021


Phải nói thẳng, chỉ có thời loạn, suy đồi thì mới đẻ ra những chuyện thế này:
- Tòa án xử vụ gian dối bán bằng thật cho người học giả, người mua bằng của Trường đại học Đông Đô. Tòa trắng trợn phán quyết không thể xử lý hình sự người mua bằng (những người này báo chí đã thông tin rất rõ phần lớn là cán bộ nhà nước). Trong hơn 400 người mua bằng, công an cũng ráo hoảnh nói rằng có 221 người có tên trong danh sách nhưng hiện không biết là ai, làm gì, ở đâu, không điều tra ra được.
Tòa án và công an thực thi pháp luật kiểu vô thiên vô pháp như thế đã đi một nhẽ, nhưng những kẻ cao hơn, cầm đầu, lãnh đạo toàn diện cũng mặc nhiên chấp nhận sự chà đạp pháp luật thì đúng là cả hệ thống cai trị dột từ nóc, mục ruỗng, công khai thách thức dân chúng.
Lời bàn: Tòa mà như vậy thì dẹp mẹ tòa đi.
- Bộ Khoa học - Công nghệ, chắc sau thời gian ủ mưu tính toán dữ lắm, không còn cách nào khác, không thể im lặng mãi, không còn chỗ trốn, nên tối qua 27.12 đã phải chường mặt ra làm trò, đổ lỗi cho người khác. Bộ lên tiếng đính chính về vụ năm 2020 Bộ từng chính thức công bố thông tin bộ kit xét nghiệm của Việt Á đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận. Nhưng cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng ra. Chả có trò gian lận nào kín mãi được. Rồi vỡ bung toang vụ Việt Á, dân chúng phẫn nộ, dư luận dè bỉu chê cười, ngay cả WHO cũng phản ứng nói đó là thông tin bịa, chứ WHO chưa từng thừa nhận thứ đồ dỏm ấy. Cùng đường, nay Bộ KH-CN lý giải bộ đã thông tin sai, công bố sai do người của bộ đọc báo, tổng hợp tin tức từ báo chí, quá tin vào báo chí nên mới xảy ra cơ sự nhận vơ thành tích về mình như thế, mới sinh chuyện "con rắn vuông" dở khóc dở cười.
Đúng là chuyện ngược đời, hiếm có dưới gầm trời này. Xưa nay báo chí chỉ đưa tin (dạng đó) lấy từ cơ quan nhà nước, còn bây giờ thì cơ quan công quyền chỉ ngồi một chỗ hóng hớt, đại lãn chờ sung, há mồm ăn sẵn, không cần biết thực phẩm là thứ gì, sạch hay bẩn, đúng hay sai, thậm chí cố ý bịa tạc để lấy thành tích, để tự sướng, để lừa đảo. Gớm, làm gì có chuyện nhẹ dạ cả tin hời hợt trong chuyện này. Cả một bộ với đầy đủ nhân sự đông như quân Nguyên, cầm đầu là ủy viên trung ương, cán bộ tinh những giáo sư tiến sĩ, chuyên gia nhiều như lợn con, ủy này ủy nọ ngó nghiêng rà soát con kiến không lọt, ban bệ cục vụ dày đặc, tổ chức hoành tráng... mà dại khờ tin người, ăn không nói có, lừa đảo, ngoan cố thì không hiểu chúng nó ngồi đấy để làm gì. Cái sai của bộ trưởng tiền nhiệm Chu Ngọc Anh và đám tay chân cấp dưới về chuyện thông tin dỏm liều đã quá rõ, giờ với bản đính chính rẻ tiền, có nhẽ cần xem lại tư cách của bộ trưởng đương nhiệm Huỳnh Thành Đạt. Với một loại cầm đầu như thế, còn đợi gì nữa mà không đuổi cổ cho về vườn. Hay lại phải theo quy trình.
Lời bàn: Một chính phủ hỏng vô phương cứu chữa.
- Hôm trước, tại đại hội luật sư xứ này, ông chủ tịch nước yêu cầu các luật sư phải trung với đảng, phải có lập trường cách mạng, chống lại các thế lực thù địch...
Lời bàn: Thưa ông chủ tịch, luật sư mà theo định hướng như ông thì nên dẹp đi, bởi luật ấy sư ấy chỉ phục vụ các ông thôi, dân không thể cậy nhờ gì. Mà lâu nay, luật sư xứ này làm cảnh là chính, họ có được tôn trọng, hành nghề đúng nghĩa bao giờ.
Ông hàng xóm nhà tôi, sau khi "thưởng thức" những chuyện trên, chỉ buông mỗi câu: Đúng là thời loạn, suy đồi, hỏng vô phương cứu chữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét