Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

20211202. XÂM LĂNG VĂN HÓA VÀ ĐỐI NGOẠI VĂN HÓA

ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐẨY LÙI 'XÂM LĂNG VĂN HÓA'

PHẠM VÂN ANH/ ANTG 29-11-2021

Ngày 24-11, Hội nghị Văn hóa Toàn quốc đã được tổ chức trang trọng dưới sự chủ trì của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Hội nghị đã đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa, huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ văn nghệ sĩ, hiến kế phát triển văn hóa, đặt cơ sở cho nền văn hóa mới ở Việt Nam.

Đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc chấn hưng văn hóa truyền thống tốt đẹp, quyết liệt thể chế hóa những vấn đề thực tiễn trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam để ứng phó với nguy cơ “xâm lăng văn hóa”.

Báo động về một sự pha tạp

Những bộ phim xuyên tạc sự thật lịch sử, tuyên truyền bịa đặt đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia, xúc phạm đến anh linh các liệt sĩ… song chỉ cần bộ phim ấy có thần tượng của mình đóng vai chính, nhiều bạn trẻ sẵn sàng tung hô, đón xem. Thậm chí, nhiều bạn trẻ sẵn sàng đứng chờ hàng đêm để được gặp mặt thần tượng tại sân bay, chi cả tháng lương để tham dự một sự kiện có thần tượng tham gia nhưng đa số họ lại có rất ít kiến thức về lịch sử dân tộc và bàng quan với những sự kiện trọng đại của đất nước.

A3-1638156956702.jpg
Du khách trải nghiệm nghề dệt truyền thống của làng Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội.

Cùng với đó, những MV sặc mùi “đam mỹ, đồng tính” được chào đón, ca ngợi như siêu phẩm về nghệ thuật, tác động không nhỏ đến những hành vi lệch chuẩn, những xu hướng giới tính thiếu lành mạnh… Hay những YouTuber, Tiktoker có tiếng đua nhau làm chương trình theo những trào lưu xa lạ với văn hóa Việt Nam. Thậm chí những người làm YouTube, tiếng là dành cho trẻ em, nhưng lại từng liên tục đăng tải những video như “Trò chơi đèn xanh đèn đỏ” lấy cảm hứng từ bộ phim “Trò chơi con mực” của Hàn Quốc sặc mùi bạo lực, hay hướng dẫn các em nuôi búp bê Kumathoong, chơi bùa ngải….

Đó là tình trạng đáng báo động về việc nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ có nhận thức lệch lạc, có dấu hiện suy đồi, tôn sùng thần tượng và văn hóa nước ngoài mà quay lưng lại với truyền thống văn hóa tốt đẹp và lịch sử dân tộc. Đặc biệt, những năm gần đây, khi các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội nở rộ, khó kiểm soát, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã đẩy mạnh việc tuyên truyền các giá trị văn hóa phương Tây, đề cao chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội, lợi dụng các giá trị văn hóa trong nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng để truyền bá các sản phẩm độc hại, làm băng hoại những giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Để rồi từ lĩnh vực văn hóa chuyển dần sang chính trị, hình thành ý thức chống đối xã hội, nảy nòi xoi mói chính trị, phản bội lại Đảng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa.

A1-1638156994166.JPG
Các hoạt động giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam.

Không khó để tìm thấy những sản phẩm văn hóa mang dấu ấn ngoại lai, không phù hợp với các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam được lan truyền trên các kênh thông tin, truyền thông đa phương tiện, ngấm ngầm làm thay đổi nhận thức, cách suy nghĩ, ứng xử của nhiều người. Thậm chí, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, các văn nghệ sĩ cũng đã có nhiều người “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhiều văn nghệ sĩ bất mãn đã trở thành mục tiêu thực hiện âm mưu ly gián về nhân tâm, tư tưởng và chia rẽ về tổ chức, lôi kéo họ đi theo các trào lưu tư tưởng văn hóa phương Tây. Không ít nghệ sĩ đã không giữ được sự chuẩn mực và hình ảnh cá nhân, làm từ thiện thiếu minh bạch cùng những scandal đời tư, những phát ngôn tục tĩu, cách hành xử “giang hồ”, tự cho mình là “vùng cấm” cũng khiến dư luận bức xúc.

 Bên cạnh những tác phẩm phù hợp với thuần phong, mỹ tục thì nhiều sản phẩm lại chạy theo thị hiếu, đề cao yếu tố chiêu trò, đồi trụy… cốt đạt doanh thu. Đơn cử như cuốn sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" vừa xuất bản đã lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt bởi các sự kiện bị cắt xén, xuyên tạc. Mới đây nhất là ca khúc "Cô gái mở đường" được dàn dựng theo phiên bản “độc lạ” hay bản rap “Thích Ca Mâu Chí” có nội dung xúc phạm tôn giáo và đạo Phật bị cộng đồng phản ứng dữ dội.

Quyết tâm giữ nền tảng văn hóa Việt

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc nhận diện đúng và kiên quyết đấu tranh chống “xâm lăng văn hóa” không chỉ là một yêu cầu quan trọng, cấp bách trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa hiện nay mà còn góp phần thiết thực phát huy những giá trị truyền thống của người Việt Nam như yêu nước, yêu hòa bình, ý chí độc lập tự cường, đoàn kết, nhân ái và trong thời kỳ mới là những phẩm chất như sáng tạo, kỷ luật, kỷ cương, nhạy bén…; tạo “sức đề kháng” trước sự “xâm lăng” của các giá trị văn hóa ngoại lai, giữ cho được cái gốc của nền văn hóa Việt.

Đẩy lùi “xâm lăng văn hóa” -0
Học sinh Trường THCS Thanh Quan học online tiết học giáo dục di sản.

Trước những diễn biến phức tạp, đáng báo động của tình trạng trên, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”. Trong ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: “Đáng sợ hơn mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa, là mất gốc” và “Văn hóa là thương hiệu của đất nước nhưng lâu nay chúng ta còn chưa quan tâm, đầu tư đúng cách”. Mới đây, Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII cũng nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

A2-1638157036867.JPG
Đồng bào Dao ở Bình Liêu, Quảng Ninh vẫn bảo tồn tốt văn hóa truyền thống.

PGS, TS, Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm khơi dậy nguồn lực văn hóa, xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam để góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, Hội nghị xác định cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường giáo dục tư tưởng và chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Trong rất nhiều giải pháp đã được đề ra, thì việc tăng cường giáo dục, bồi đắp giá trị văn hóa giữ nước, nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm cho mọi công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là một trong những yếu tố hết sức quan trọng. Những năm gần đây, tại trường THCS Thanh Quan, ngôi trường có lịch sử trên 100 năm nằm trên phố Hàng Cót, quận Hoàn Kiếm đã làm rất tốt điều này. Thầy trò nhà trường đã cùng nhau dạy tốt – học tốt và đầy hứng khởi với các tiết học được áp dụng hình thức bài giảng điện tử, đồ họa 3D cho các môn học, đặc biệt là bộ môn lịch sử và giáo dục công dân.

Các nội dung giáo dục thể chất, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, văn minh thanh lịch, an toàn giao thông, phòng chống ma tuý cùng với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh cộng đồng, bảo vệ môi trường… đã giúp các em hình thành được nhân cách và đạo đức tốt để phát triển toàn diện. Từ những bài học giản dị, sinh động như vậy, sẽ là liều thuốc quan trọng để nâng cao “sức đề kháng” cho thế hệ trẻ trước sự “xâm lăng” của các giá trị văn hóa ngoại lai hay sự truyền bá thông tin xấu độc của các thế lực thù địch.

Đẩy lùi “xâm lăng văn hóa” -0
Học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên, tỉnh Bắc Giang tìm hiểu truyền thống lịch sử tại Bảo tàng tỉnh

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới vừa qua đã tạo nên thế và lực mới, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế; niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”. Có như vậy, văn hóa mới thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, “soi đường cho quốc dân đi” và là nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển của đất nước.

PVA

ĐỒNG HÓA VĂN HÓA BẰNG PHIM ẢNH TRÊN TRUYỀN HÌNH

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 29-11-2021


Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Triệu Thị Trinh (225-248).

Ngày 24/11/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII theo hình thức trực tuyến. Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Trong phần mở đầu TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh 3 lý do làm Ông hào hứng đến dự, mà 2 lý do đầu tiên được nêu là:

– Vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…

– 75 năm nay (từ ngày 24-11-1946), hôm nay mới lại có Hội nghị toàn quốc về văn hóa với quy mô lớn thế này”.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn…”. Xin nêu một nguy cơ to lớn hiển hiện về “Văn hoá mất…”

1. HẬU QUẢ CỦA BỊ ĐỒNG HOÁ HOÁ VĂN HOÁ

Lịch sử Trung Quốc là lịch sử xâm lược văn hoá. Người Hán, lớn mạnh ở vùng Thiểm Tây nước Tần, rồi bành trướng dần, đồng hoá toàn bộ các bộ tộc ở vùng Hoa hạ ở giữa 2 sông Hoàng Hà và Trường Giang. Tiến xuống phía Nam mà đồng hoá các bộ tộc Bách Việt ở Nam sông Trường Giang.

Người Hán bị người Khiết Đan (Liêu), người Tây Hạ, người Kim, người Mông Cổ, người Mãn Châu ở phía Bắc và phía Tây thay nhau cai trị trong khoảng thời gian kéo dài suốt từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 20. Người Khiết Đan cai trị người Hán 218 năm (907-1125). Người Tây Hạ cai trị người Hán 189 năm (1038-1227). Người Kim thống trị người Hán 108 năm (1126-1234). Người Mông Cổ thống trị người Hán 97 năm (1271-1368). Cuối cùng là người Mãn Châu thống trị người Hán ròng rã 276 năm (1636-1912). Nhưng cuối cùng thì người Hán đã đồng hoá tất cả. Hiện giờ người Hán đang bành trướng sự đồng hoá lên toàn bộ các khu tự trị rộng lớn, bao gồm Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Thanh Hải – chiếm xấp xỉ ½ diện tích của Trung Quốc hiện đại. Phổ cập văn hoá Hán, mạnh hơn nữa là truy bức người thiểu số và thúc đẩy sinh con giữa trai Hán với gái các bộ tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, Tạng…tất cả đều nằm trong sách lược Hán hoá

Xâm lược đất đai bằng sức mạnh chiến tranh, cuối cùng không thôn tính nổi một quốc gia, nhưng đồng hoá văn hoá sau ngàn năm sẽ xoá sổ một dân tộc. Đó là sự nguy hiểm không so sánh của “vũ khí văn hoá”.

2. XÂM LƯỢC VĂN HOÁ QUA PHIM ẢNH TRÊN TRUYỀN HÌNH

Truyền hình là phương tiện truyền bá văn hoá gần như không có đối thủ. Mỗi giờ phát sóng của truyền hình có thể có từ hàng chục triệu, hàng trăm triệu cho đến cả hàng tỷ người theo dõi. Đối với Việt Nam, mỗi giờ phát sóng của đài truyền hình sẽ tác động lên nhận thức của toàn bộ gần 100 triệu người dân.

Để thấm thía hơn nguy cơ “mất văn hoá” từ phương thức xâm lược văn hoá trên truyền hình, xin điểm qua vài thống kê phim Trung Quốc trên khung giờ vàng trên kênh truyền hình VTV2 và VTV3 trong thời gian gần đây.

VTV2, khung giờ 19h-19h45:

1/. Độc thân không phải ế (TQ), 24 tập. Chiếu từ 29/6/2021-22/7/2021.

2/. Dương lăng truyện (TQ), 40 tập. Chiếu từ 23/7/2021- 31/8/2021.

3/. Thuỷ hử (TQ), 86 tập. Chiếu từ 01/9/2021 – 25/11/2021.

4/. Chu Phỉ (TQ), 51 tập. Chiếu từ 26/11/2021- 15/1/2022.

VTV2, khung giờ 19h45-20h15:

1/. Ỷ thiên đồ long ký (TQ), 86 tập. Chiếu từ 25/2/2020 -20/5/2020.

2/. Địch Nhân Kiệt (TQ), 79 tập. Chiếu từ 21/5/2020-08/8/2020.

3/. Truyền thuyết phi đao (TQ), 69 tập. Chiếu từ 09/8/2020-21/10/2020.

4/.Phượng hoàng vô song (TQ), 92 tập. Chiếu từ ngày 22/10/2020-31/01/2021.

5/. Hoa mẫu thiên, 108 tập (TQ). Chiếu từ 01/02/2021-23/5/2021.

6/. Liệt như ca (TQ), 85 tập. Chiếu từ 24/5/2021- 17/8/2021.

7/. Phượng hoàng truyện (TQ), 88 tập. Chiếu từ 18/8/2021 – 13/11/2021.

8/. Tân tiếu ngạo giang hồ (TQ), 62 tập. Chiếu từ 14/11/2021 -14/1/2022 (Tiếu ngạo giang hồ, 40 tập, 2001; Tân tiếu ngạo giang hồ, 50 tập, 2013).

VTV3, khung giờ 18h10-19h:

1/. Tô mạt như truyền kỳ (TQ), 40 tập. Chiếu từ 24/7/2021-01/9/2021.

2/. Nha môn bí ẩn (TQ), 28 tập. Chiếu từ 02/9/2021-29/9/2021.

3/. Nắm tay nhau trọn đời (TQ), 60 tập. Chiếu từ 30/9/2021- 28/11/2021.

4/. Thái cố thần vương (TQ), 52 tập. Chiếu từ 29/11/2021 – 19/1/2022.

Từ thống kê trên có thể thấy, khung giờ vàng từ 19h45-20h15 của VTV2 liên tục trong suốt hai năm từ 25/2/2020 – 14/1/2022 chỉ dành riêng để chiếu phim Trung Quốc. Khung giờ vàng 19h-19h45 của VTV2 từ 29/6/2021 – 15/1/2022 cũng liên tục chỉ có phim Trung Quốc. Khung giờ vàng của VTV3 lúc 18h10 -19h liên tục từ 24/7/2021 – 19/1/2022 cũng chỉ dành riêng cho phim Trung Quốc.

3. TẠI SAO HỌC SINH VIỆT NAM KHÔNG NHỚ SỬ VIỆT NAM?

Trong phiên trả lời chất vấn của ĐBQH ngày 11/11/2021 về vấn đề học sinh không thích học môn lịch sử, điểm thi môn lịch sử thấp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã tự đặt câu hỏi:

“Đất nước chúng ta lịch sử hào hùng, có nhiều điều mà thế hệ sau tự hào, nhưng tại sao học sinh không hứng thú, điểm thi thì thấp?“.

Nếu mỗi giờ dạy học trên lớp chỉ có tác động trong phạm vi một lớp học 30-50 người, thì mỗi giờ chiếu phim trên truyền hình có tác động đến hàng triệu, hàng chục triệu người. Nếu mỗi giờ dạy học lịch sử trên lớp chỉ nói về được một bộ môn lịch sử, thì một giờ chiếu phim trên truyền hình là một giờ giảng dạy vô cùng hiệu quả về lịch sử, về địa lý, về văn hoá, về con người…

Các triều đại của Trung Quốc, từ Nghiêu Thuấn, Hạ, Thương, Chu, qua Thời Xuân Thu – Chiến Quốc, đến Tần, Hán, Tấn, Nam – Bắc Triều, rồi Tuỳ, Đường, Tống Nguyên, Minh, Thanh – không sót một triều đại nào – tất cả đều xuất hiện nhiều lần trên các kênh của VTV. Có quá nhiều vua chúa và quan tướng Trung Quốc được các kênh của VTV chiếu đi chiếu lại nhiều lần vào các khung giờ vàng. Trình chiếu trong khung giờ vàng có lượng người xem nhiều lần đông hơn các khung giờ khác.

Trong khi đó thì các triều đại của Việt Nam, các anh hùng hào kiệt của Việt Nam, từ thời Thánh Gióng phá giặc Ân, qua Văn Lang, Âu Lạc, đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Ngô Quyền, rồi đến Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Trịnh, Mạc, Nguyễn – không được lên khung giờ vàng 18h-20h trên các kênh truyền hình chính của VTV liên tục ngày này qua tháng khác như các triều đại Trung Quốc.

Cho nên, xin thưa với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn! Trong các nguyên nhân làm cho học sinh Việt Nam có điểm lịch sử thấp, thì có nguyên nhân là truyền hình chiếu quá nhiều phim Trung Quốc, làm cho học sinh Việt Nam hàng ngày tai nghe mắt thấy lịch sử Trung Quốc, nhớ lâu lịch sử Trung Quốc, còn ít bộ nhớ cho lịch sử Việt Nam, nhãng quên lịch sử Việt Nam. Mà đáng ra, học theo lời cụ Hồ “Dân ta phải biết sử ta”, thì phải dành nhiều thời gian khung giờ vàng cho lịch sử Việt Nam.

4. TỰ NGUYỆN THÌ BIẾT TRÁCH AI?

Đồng hoá văn hoá bằng phim ảnh trên truyền hình là một hình thức xâm lược vô cùng nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ bị xâm lược mà không biết bị xâm lược. Học theo văn hoá thì sẽ học theo kinh tế và chính trị.

Giao lưu và trao đổi văn hoá là hiển nhiên. Giao lưu và trao đổi văn hoá mỗi ngày sẽ có phạm vi và cường độ mạnh hơn – tỷ lệ thuận với mức độ toàn cầu hoá. Nhưng giao lưu và trao đổi văn hoá khác xa với xâm lăng văn hoá và bị lấn át văn hoá.

Hai thập niên gần đây, Việt Nam đang hứng chịu những cuộc xâm lăng văn hoá với cường độ mỗi ngày một tăng. Chua xót thay, có người, không chỉ thuần phục, mà còn tự nguyện đón rước.

Những điều gì cần phải hành động sau Hội nghị Văn hoá lớn nhất kể từ năm 1946?

Dẫu chưa thấy đề cập trong Hội nghị Văn hoá ngày 24/11/2021, thì một trong những nhiệm vụ mang tính sống còn của văn hoá Việt là chống lại sự đồng hoá của văn hoá nước ngoài để “Văn hoá còn thì dân tộc còn…”.

Nguyễn Ngọc Chu

TASTELESS

NGUYỄN VĂN TUẤN/ BVN 29-11-2021



Phải tìm hiểu một lúc tôi mới biết tại sao người ta bàn tán việc cô hoa hậu ĐTH đánh đàn T'rưng bài 'Cô gái vót chông' ở Mĩ, trong lúc Mĩ tài trợ cho Việt Nam hơn 25 triều liều vaccine. Các bạn có thể nghĩ ra một chữ tiếng Anh để mô tả hành vi của cô ấy? Tôi nghĩ chữ 'tasteless' có lẽ là thích hợp nhứt.

Tasteless có nghĩa là vô vị, nhưng tôi nghĩ hiểu theo nghĩa 'nhạt nhẽo' thì đúng với văn cảnh hơn. Một danh từ khác liên quan với tasteless là vulgar, có thể hiểu là vụng về. Hành vi của cô ĐTH có thể xem là nhạt nhẽo và vụng về về văn hoá.

Dĩ nhiên, nhạt nhẽo và vụng về ở đây không phải là cách cô ấy chơi đàn, mà xem ra có người khen là cô ấy đã luyện tập khá lâu. Nói cách khác, cô ấy chơi đàn chỉ là một cách trình diễn thôi, chớ không phải thực tài hay sở trường của cô ấy. Điều đáng nói là người ta chọn một bài ca tương đối man rợ trong thời chiến chống Mĩ trong một màn trình diễn mang tính văn hoá! Lựa chọn đó, ngay cả những người chỉ đạo cho cô ấy diễn cũng không thấy thoải mái khi giải thích trong lúc Mĩ là nước tài trợ nhiều vaccine nhứt cho Việt Nam.

Có lẽ những người đằng sau cô ấy nghĩ rằng đó chỉ là màn chơi đàn (vì cô ấy không ca hát gì cả) nên khán giả Mĩ chắc chẳng ai biết hay để ý. Hi vọng họ không nghĩ vậy. Nếu họ nghĩ vậy là họ xem thường người Mĩ quá. Họ tưởng rằng ở Mĩ không có người biết nói tiếng Việt? Họ có nghĩ đến cộng đồng 2 triệu người Việt ở Mĩ đóng thuế để chánh phủ Mĩ có tiền đem tặng vaccine cho Việt Nam, để rồi bị cho 'thưởng thức' một bài ca ... chửi Mĩ. Đó là tasteless vậy.

Mà, cô ấy không phải là người đầu tiên đem một tác phẩm văn nghệ để chửi Mĩ. trước cô ấy có ông PQNghị (lúc đó là một ứng viên sáng giá cho chức tổng bí thư) cũng từng có một hành vi như thế với ông John McCain. Trong một lần viếng thăm chánh thức Mĩ, ông Nghị tặng cho ông McCain một bức hình chụp tấm bia ghi lại sự kiện máy bay ông McCain bị bắn rơi và ông bị bắt sống tại hồ Trúc Bạch. Điều đáng kinh ngạc là trong tấm bia / hình đó có câu:

“NGÀY 26 10 1967 TẠI HỒ TRÚC BẠCH QUÂN VÀ DÂN THỦ ĐÔ HÀ NỘI BẮT SỐNG TÊN JOHN SNEY MA CAN THIẾU TÁ KHÔNG QUÂN MỸ LÁI CHIẾC MÁY BAY A4 BỊ BẮN RƠI TẠI NHÀ MÁY ĐIỆN YÊN PHỤ […]”

Bỏ qua những cái sai hiển nhiên về tên ông McCain và sai quân chủng, tấm bia đó dùng chữ "TÊN"! Đó là một cách dùng chữ miệt thị.

Thật không hiểu sao ông ấy lại đi tặng một bức hình như thế! Khi nhận tấm hình, ông McCain nói:

“tôi cảm thấy không thể hài lòng (người phiên dịch đã dùng một từ khá mạnh là “bị xúc phạm”). Ngài có biết không, tôi là thiếu tá hải quân chứ không phải là thiếu tá không quân. Tôi thuộc lực lượng không quân của hải quân. Các ngài đã ghi vào tấm bia này không đúng”.

Nên nhớ rằng ông John McCain là một tù binh ở Hà Nội, nhưng ông cũng là người tích cực vận động Chánh phủ Clinton bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Có thể nói ông McCain là một người bạn của Việt Nam.

Thế nhưng Việt Nam lại đối xử với một người bạn bằng một bức hình sỉ nhục như thế! Hành vi tasteless của cô ĐTH và những người dàn dựng cho cô ấy chửi Mĩ chỉ là một hình thức của lịch sử lặp lại. Người Mĩ có câu "With friends like you, who needs enemies" (với bạn bè như anh, ai cần kẻ thù).

N.V.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét