Thứ Năm, 23 tháng 12, 2021

20211224. HỘI NGHỊ ĐỐI NGOẠI TOÀN QUỐC

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TỔNG BÍ THƯ: XÂY DỰNG 
TRƯỜNG PHÁI NGOẠI GIAO MANG BẢN SẮC 'CÂY TRE VIỆT NAM'

TTXVN/ LĐO 14-12-2021

Sáng 14-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc. Ảnh: Hoàng Dương

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương và các điểm cầu trong toàn quốc có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của Trung ương và địa phương, các đại sứ và tổng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; các đồng chí nguyên lãnh đạo: Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Liên hiệp các hội hữu nghị Việt Nam.

Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị. Hội nghị nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần chủ động quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là chủ trương, đường lối, định hướng về đối ngoại với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Trước đó, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu đã tham quan Triển lãm: "Thành tựu đối ngoại Việt Nam qua các thời kỳ".

Trình bày Báo cáo tình hình, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy và nâng tầm được cả thế và lực nhất định, uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, đã tạo ra những tiền đề quan trọng và vị thế thuận lợi để phát triển. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên với GDP gần 400 tỉ USD và gần 100 triệu dân. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Ổn định chính trị - xã hội được đảm bảo trên cơ sở củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường vững chắc. Đất nước hội nhập sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Tại Hội nghị, một số bộ, ngành, địa phương đã tham luận về các biện pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm trong những năm tới; vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Bản sắc "cây tre Việt Nam"

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. "Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, "tùy cơ ứng biến", "lạt mềm buộc chặt", "mềm nắn rắn buông"!"- Tổng Bí thư nói.

Để góp phần xứng đáng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất đỗi vẻ vang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở, cần tiếp tục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời đổi mới tư duy và có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: "Nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới và không nắm bắt đúng tình hình thì không theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Vấn đề là chúng ta phải nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Chúng ta cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương."

Thế và lực của nước ta trên các tiêu chí quan trọng như kinh tế, dân số, quốc phòng và đối ngoại đã khác nhiều sau 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực; đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới. Đổi mới phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Hoàng Dương

Xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vận dụng đúng đắn quan điểm về "đối tượng", "đối tác"; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc. Trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, Tổng Bí thư chỉ rõ, một trong những yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành ngoại giao là những người đi đầu.

"Để tranh thủ và tận dụng tối đa cơ hội, kiểm soát và hóa giải các thách thức, ứng phó tốt với những chuyển biến bên ngoài, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ là: "Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng", theo đó phải luôn luôn đề cao việc xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết và đồng thuận trong nước. Điểm đồng chung nhất, cao nhất ở đây là phải kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; tất cả mọi người đều phải vì nước, vì dân. Có như thế, trong triển khai công tác đối ngoại mới có thể "kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại", thực hiện phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến"; giữ "trái tim nóng, cái đầu lạnh" và "kiên quyết, kiên trì" để xử lý các thách thức đối ngoại, tranh thủ điểm đồng về lợi ích để thúc đẩy hợp tác và phát triển trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc và tôn trọng luật pháp quốc tế"- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cần phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, coi đó là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hóa và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà ta đã có khuôn khổ quan hệ; ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực; tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế; nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước; triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài. "Các cơ quan có trách nhiệm cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế, luật pháp, tạo điều kiện thuận lợi để bà con ta tham gia ngày càng tích cực, sâu rộng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc để yên tâm hòa hợp, sinh sống, làm việc, học tập, giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hóa của Dân tộc ta"-Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, phải coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực, các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trên thế giới và khu vực, nhất là trước tác động như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và sự nguy hại của dịch bệnh và biến đổi khí hậu. "Yêu cầu đối với công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược trong thời gian tới là rất cao, rất nhiều thách thức; tôi mong các đồng chí quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác này. Tôi vẫn thường nói vui rằng "chỉ sợ không biết, chứ đã biết thì không sợ!""- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Về công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị có chức năng làm đối ngoại thuộc tất cả các ban, bộ, ngành, địa phương và toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; hướng tới tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Các bộ, ban, ngành và địa phương có liên quan nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước.

Nhắc lại bài học Đảng ta đã rút ra, đó là "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, trước đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ, cần tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại cả về trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị, đặc biệt là bản lĩnh chính trị. Các cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại phải không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vướng vào tham nhũng, tiêu cực.

"Càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế; toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Một nhà ngoại giao, một nhà hoạt động đối ngoại giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia - dân tộc, của chế độ làm kim chỉ nam trong hành động; đồng thời phải có phong cách ứng xử văn hóa, bởi lẽ đối ngoại chính là văn hóa, là đại diện cho văn hóa của dân tộc trong giao lưu với các dân tộc khác. Các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại cần luôn luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là Đất nước, là Nhân dân, phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo, mưu lược", Tổng Bí thư căn dặn.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, thế giới đang chuyển biến mau lẹ. Đất nước ta dù còn khó khăn, nhưng triển vọng tương lai rất xán lạn. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đồng lòng, quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Là người Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài, ai cũng mong muốn nước ta hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu, như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng Hội nghị sẽ đánh một dấu mốc mới và tạo nên bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa cho công tác đối ngoại, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội XIII.

TTXVN

 ĐỐI NGOẠI NHƯ THẾ LÀ ...VÌ THẾ

TRÂN VĂN/ TD 17-12-2021

Nhiều người chưng hửng khi xem các bài tường thuật về Hội nghị Đối ngọai Toàn quốc mới diễn ra ở Hà Nội. Theo hệ thống truyền thông chính thức thì hội nghị này được tổ chức nhằm... triển khai việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng 13 trong lĩnh vực ngoại giao. Cụ thể là thảo luận về công tác đối ngoại của đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị trước nay và sắp tới.
Dự Hội nghị Đối ngọai Toàn quốc này không chỉ có viên chức ngoại giao đang làm việc ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam mà còn có Tổng Bí thư, các thành viên của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, lãnh đạo tổ chức đảng các địa phương, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương tới địa phương...
Đối ngoại – tất nhiên là quan trọng nên tất nhiên phải lưu ý đến Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc song nghe chỉ đạo của Tổng Bí thư, rồi huấn dụ của Chủ tịch Nhà nước về hoạt động đối ngoại, rất dễ dàng nhận ra những nhân vật lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cùng xem đối ngoại là tập hợp những chiêu, trò vốn dĩ người tử tế không ai nghĩ tới và tất nhiên không ai làm...
***
Trong diễn văn chỉ đạo Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc, ông Nguyễn Phú Trọng bảo rằng, những người cộng sản đã xây dựng một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh mà ông ví von là trường phái... “cây tre Việt Nam” – “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.
Tre vốn là loại thực vật không phải chỉ Việt Nam mới có. Tre ở đâu cũng có những đặc điểm y hệt như tre ở Việt Nam. Lấy các đặc điểm chung của giống tre để dán vào đó cái gọi là... “sự đặc sắc, độc đáo của đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh” chính là... “ngoa ngôn mà... bất trí”! Giới bình dân gọi là... “gian nhưng không... khôn”!
Đáng lưu ý hơn, ông Trọng đòi... “đối ngoại của đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị” phải biết... “mềm nắn, rắn buông”. Người Việt chưa bao giờ xem “mềm nắn, rắn buông” là một lối ứng xử tử tế. Tiền nhân khái quát “mềm nắn, rắn buông” để lên án lối hành xử bất nhân, vô đạo nhưng ông Trọng lại công khai bày tỏ mong muốn hoạt động đối ngoại phải theo phương châm này!
Có thể do cảm thấy xấu hổ vì chỉ đạo trâng tráo tới mức trần trụi của ông Trọng, chỉ có một số cơ quan truyền thông chính thức tường thuật... nguyên xi về chuyện hoạt động đối ngoại phải biết... “mềm nắn, rắn buông” (1), một số cơ quan truyền thông chính thức đã chủ động lược bỏ chi tiết này (2).
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng không rành tiếng Việt hay thật sự tin rằng phải làm để xây dựng... “vị thế mới cho Việt Nam”? Chắc chắn trong vài trăm người tham dự Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc có không ít người biết ngữ nghĩa của... “mềm nắn, rắn buông” và sự nguy hại nếu cả hệ thống ứng xử như thế, vì sao không ai lên tiếng?
Hồi tháng 8 năm 2016, tường thuật về cuộc họp giữa ông Vương Đình Huệ (lúc đó là Phó Thủ tướng), báo điện tử của chính phủ Việt Nam lấy một ý của Phó Thống đốc Ngân hàng lúc đó làm tựa: Ngành Thống kê không thể “mềm nắn, rắn buông” vì như thế là thiếu bản lĩnh và tiếp tay cho dối trá tinh vi (3).
Giờ, tiếng là đăng... Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc nhưng báo điện tử của chính phủ Việt Nam, chỉ chủ động cắt bỏ chỉ đạo của ông Trọng, yêu cầu hoạt động đối ngoại phải biết... “mềm nắn. rắn buông” (4) mà không dám nói thêm tiếng nào. Khó có ví dụ minh họa nào đắt hơn về bản chất... dân chủ xã hội chủ nghĩa!
***
Chẳng riêng ông Trọng ca ngợi cũng như dạy dỗ thế nào là... “khôn khéo, mưu lược”, nhận thức của ông Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - về đối ngoại cũng gần như thế. Sau Hội nghị Đối ngọai Toàn quốc, khi trao Quyết định phong hàm Đại sứ cho 26 viên chức ngoại giao, ông Phúc dặn những viên chức này nói riêng và ngành ngoại giao nói chung phải phát huy vai trò... “tai, mắt”, “ăng ten” (5).
Có thể vì yêu cầu của đảng, của nhà nước, của chính phủ chỉ như thế và không cần hơn thế, thành ra dường như trước giờ, các viên chức ngoại giao và cơ quan ngoại giao của Việt Nam chỉ... nghe ra, nhìn thấy và... rà trúng những yếu tố liên quan đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, kiểu như... các chuyến bay hồi hương bóp cổ đồng bào suốt từ giữa năm ngoái đến giờ (6)!
Chú thích

'MỀM NẮN, RẮN BUÔNG' CỦA ÔNG

NGUYỄN PHÚ TRỌNG

LÝ TRẦN/ TD 17-112-2021


Khi đọc một số bình luận về báo cáo của ông Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy người ta bảo ông dẫn châm ngôn “Mềm nắn, rắn buông” của người Việt trong quan hệ ngoại giao.
Tôi thấy ngờ ngợ vì ông Trọng học Ngữ văn thì không thể nói một câu … ngu như vậy. Cho đến khi tôi kiểm chứng trên các báo mậu dịch, thấy quả là ông ta đã nói như vậy thật. Chỉ có trang Thông tin điện tử của Chính phủ hình như cắt chỗ đó để chữa ngượng cho ‘GS xây dựng đảng’. Chắc thấy GS … hớ quá?
Ai cũng biết, ông Trọng không đích thân viết bài phát biểu đó mà sai lũ đầy tớ viết. Nhưng trước khi đứng ra đọc trước hội nghị ngành ngoại “rao” thì ông ta đã phải đọc vài lần rồi, hoặc lười thì sai lũ điếu đóm đọc cho nghe. Vậy, rõ ràng ông ta cũng đồng ý với nội dung đậm chất thảo khấu đó.
Mặc dù là cử nhân Ngữ văn, nhưng theo những người cùng thời đại học và tạp chí CS, nơi ông ta làm anh cạo giấy, ông không có gì xuất sắc cả, chưa có bài nào tự tay viết có giá trị. Giỏi nhất là kỹ năng … “trốn lính” (lời của đồng môn). Đã không lợi khẩu, (nhưng lắm mưu mẹo), ăn nói thì “ỡm ờ”, lẽ ra ông ta phải cẩn trọng với câu chữ mới xứng danh GS, kẻo lại bị liệt vào danh sách GS/TS “ăn không nên đọi, nói không nên lời”.
“Mềm nắn, rắn buông” (tạm coi là châm ngôn) là phương châm tồn tại của phường cướp đường và lũ quan lại đầu trâu mặt ngựa ngày xưa, quen thói bắt nạt người yếu thế và mềm yếu trước kẻ mạnh. Nó được dùng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thấy nạn nhân “mềm” thì chúng càng bóp, càng nặn và nếu thấy nạn nhân “cứng” thì chúng buông.
Trong đời sống hàng ngày, chỉ lũ lừa đảo mới vận dụng phương châm ấy. Người tử tế thấy người giỏi giang thì kính phục, thấy người yếu thế thì cảm thông hoặc giơ tay giúp đỡ nếu có thể.
Trong nội bộ đảng CSVN, tư duy đó chính là tư duy “đội trên đạp dưới” đã và đang vận hành trong bộ máy CSVN. Với kẻ mạnh thì xun xoe, khúm núm, với người yếu hơn thì ra tay bóp nặn và nạt nộ. Trần Bắc Hà (RIP) khi còn hoành hành trên dương gian, lúc nào bên cạnh anh 3X cũng khúm núm xun xoe, nhưng dám tát tai một Phó Chủ tịch tỉnh hay đuổi nhân viên nào dám đi cùng thang máy với hắn.
Đó chỉ một trong muôn vàn ví dụ về lũ đầu trâu mặt ngựa này ở mọi cấp. Người dân Việt dưới chế độ CS hiện nay đang bị “nắn” cả túi lẫn tư tưởng. Với người dân bị đàn áp không ngưng nghỉ, đảng CSVN lúc nào cũng chỉ có “nắn”.
Đối với cộng đồng quốc tế, phương châm đó có ý nghĩa gì?
Người Việt chưa quên sự can thiệp vào Cambodia tốn bao xương máu nhân dân để cuối cùng bị người Cambodia thù ghét như bây giờ. Nạn nhân trực tiếp là kiều bào Việt sống tại nước này. Áp đảo được đồng chí Polpot khát máu thì tưởng mình có thể “nắn”, nhưng đến giờ thì không dám hé răng bênh vực dân Việt sống ở xứ đó, đành phải “buông”. Chỉ khổ người Việt nơi xứ Cambodia vì lũ lãnh đạo cố quốc ươn hèn.
“Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người thì mặt vàng như nghệ”. Quả không sai. Cách hành xử đó cũng thể hiện tư duy “mềm nắn, rắn buông” trong giới chóp bu CSVN, quen bắt nạt kẻ yếu và nịnh bợ kẻ mạnh hơn mình.
Với quốc tế, nhất là với quan thầy là đảng CSTQ, đảng của ông Trọng lúc nào cũng “buông” vì quan thầy lúc nào cũng “rắn”. Bằng chứng là khi đảng CSTQ xua quân quần thảo trên biển Đông, có ý kiến đưa việc này ra Quốc hội thảo luận, ông Trọng bảo, tình hình biển Đong vẫn ổn định, việc gì phải đưa ra bàn. Thế là “buông”! Khi đảng quan thầy quấy rối các giàn khoan dầu trong hải phận của VN, ông Trọng “buông” và “nặn” cả tỉ đô-la của dân để bồi thường cho Repsol. Đây là một trong những ví dụ sinh động về “nắn” và “buông” của đảng CSVN.
Điều mỉa mai là, Đảng của ông ta đã “buông” với kẻ cướp và “nắn” nhân dân Việt Nam.
Đối với người dân, Đảng của ông Trọng bóp nặn họ không từ lĩnh vực nào, không từ cấp độ nào, không cần ông nhắc nhở. Từ khi ông Trọng thắng thế và học được nhiều món võ Tàu của quan thầy Tập, ông ta cho đàn áp người dân tàn bạo, từ việc lùa 3000 lính để giết người nông dân 84 tuổi ở xã Đồng Tâm chỉ vì người đó bảo vệ đất đai, nguồn sống của nông dân, đến bỏ tù những người lên tiếng chống lại những bất công trong xa hội, những hành vi tàn ác của CA, …
Khi người dân phẫn uất xuống đường vì hành vi ức hiếp của đảng ĐCSTQ, ông Trọng xua CA nhân dân, QĐ nhân dân ra đàn áp nhân dân. Thế là nhân dân bị “nắn” cho rỗng túi.
Khi ngư dân miền Trung bị mất kế sinh nhai vì bọn Formosa hủy hoại biển, ông Trọng lại “buông” với chúng và “nắn” nạn nhân, bắt bỏ tù những ai lên tiếng bảo vệ môi trường, bảo vệ đời sống bình thường của họ.
Cho dù ông Trọng có nói gì thì thực tế ngay trước mắt hàng ngày cho thấy điều ngược lại. Khuyên ông đừng Tuyên với Giáo làm gì cho phí thời gian và tổn thọ. Thời gian của ông chẳng còn được bao lâu.
Có bao nhiêu phần trăm những kẻ đang ngồi nghe ông giáo huấn tin vào lời ông nói, nhất là về cái mớ Mac-Lê-Mao giết chết hàng trăm triệu động bào ở các nước CS và đã bị thực tế thải vào sọt rác?
“Muốn nói gì thì cứ việc, còn ba hoa chích chòe được nả!” Hầu hết họ đều nghĩ như thế. Và, tình hình tham nhũng “vẫn ổn định”.

VỀ BÀI PHÁT BIỂU

CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TẠI

HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC

LÊ QUANG NGỌ&NGUYỄN QUÝ TRỌNG/ TD 20-12-2021


Là những người yêu văn học nước nhà, chúng tôi đã chăm chú theo dõi Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức ở Hà Nội cuối tháng 11 vừa qua. Dĩ nhiên, chúng tôi không thể bỏ qua bài phát biểu của người đứng đầu đảng, cơ quan tổ chức và điều hành Hội nghị này.
Qua bài phát biểu chỉ đạo hội nghị của TBT Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi nhận thấy có vài lỗi sơ đẳng về kiến thức trong bài phát biểu đó, khiến cho nó mất đi sức cuốn hút người nghe. Sau đây là một số nhận xét của chúng tôi.
Trong phần thống kê về sự lãnh đạo sáng suốt của đảng “trong suốt thời kỳ từ năm 1960 đến năm 1975 đã góp phần phát huy vai trò của văn hóa Việt Nam thực hiện nhiệm vụ vừa kiến quốc, vừa kháng chiến” (1), thì mạch văn trong bài phát biểu của TBT Trọng bắt đầu thiếu mạch lạc, và thiếu tính thuyết phục khi ông liệt kê những câu nói mà ông cho là “hồn cốt thiêng liêng của văn hóa Việt Nam! ‘Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!’ thậm chí ‘Còn cái lai quần cũng đánh!’ (chị Út Tịch). Đồng thời: ‘Đạp quân thù xuống đất đen, súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa!’.”
Không hiểu sao trong cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” mà đảng phát động có biết bao câu nói hay hơn, ý nghĩa hơn của quần chúng, mà đảng đã từng đưa lên tận mây xanh như: “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn!” của Nguyễn Viết Xuân đã được viết thành bài hát, hoặc câu nói: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” của Lê Mã Lương sau khi được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang vào tháng 9 năm 1971 – Chỉ riêng ở Hà Nội câu nói này đã được sở Văn hóa Thông tin đưa vào những tấm áp phích cỡ lớn treo trên các cột điện khắp các phố phường để động viên các tầng lớp thanh niên hăng hái tòng quân – lại bị TBT Trọng bỏ qua.
Phải chăng sau khi dẫn dụ câu "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" ông thấy nó chung chung quá (2), nó không phản ánh được thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh nhân dân mà đảng là người phát động và lãnh đạo trực tiếp và nhờ đó đã phát huy cao độ tinh thần bất khuất của dân tộc, cho nên ông phải bổ xung thêm “thậm chí ‘Còn cái lai quần cũng đánh!’ (chị Út Tịch)”, để đưa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà nó đã đi vào tác phẩm văn học cách mạng thời kỳ này, để chứng minh cho người nghe dễ hiểu?
Do thiếu hiểu biết về lĩnh vực quân sự nên việc đưa phần dẫn chứng này đã làm tổn hại đến danh tiếng của Giáo sư Tiến sĩ Xây dựng đảng. Đây là câu nói bộc trực đâm chất Nam bộ của một người phụ nữ nhà nghèo, từ 8 tuổi đã đi ở đợ, thiếu học, “có tánh khí như đàn ông, hễ nói là làm” (3), được bạn bè nhận xét là người “hì hườm” lắm”. Năm 13 tuổi bà được đảng giác ngộ và thời thế cách mạng trong giai đoạn Kháng chiến chống Pháp và Đồng khởi đã kích hoạt hành động ấy, khí chất ấy của bà, những tố chất cần thiết cho đảng trong thời kỳ này, và bà đã được đảng xây dựng thành nhân vật anh hùng và qua sự trang điểm thẩm mỹ của Nguyễn Thi, bà đã đi vào nền văn chương cách mạng với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của ngưòi phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”, dưới thời đại của đảng quang vinh.
Từ ‘còn’ trong tiếng Việt khi đứng đầu câu thường biểu thị sự tiếp diễn của hành động với một điều kiện nào đó để đạt được mong muốn hoặc quyết tâm. Ví dụ câu: “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử, hết cơm hết rượu, hết ông tôi” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, và cũng như Hồ Chí Minh đã viết trong di chúc:
Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
Như vậy, nếu chịu khó suy ngẫm thì người ta dễ dàng nhận thấy câu nói của bà Út Tịch không phải là câu nói hay, bởi nó không có cái vế thứ hai để đạt được mục đích mong muốn, vì vậy không đáng để tôn vinh và nhất là về phương diện mỹ học.
“Lai quần” là đường viền của ống quần được may cuốn vào trong để chiếc quần trở nên chuẩn form và cứng cáp hơn. Một chiến binh chỉ còn mỗi cái lai quần mà vẫn quyết đánh giặc thì chỉ là hành động thiếu suy nghĩ dẫn đến cái chết vô ích.
Trong chiến tranh có hai yếu tố chính để đi đến thắng lợi là ý chí chiến đấu và trang bị vũ khí. Cho dù đề cao câu nói này trong văn học nặng tính tuyên truyền của mình nhưng đảng không muốn ứng dụng nó trong thực tiễn, cho nên trong cuộc Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đảng đã không thể dùng lai quần để chống lại các cuộc phản kích của đối phương và giữ được các đô thị đã chiếm được, cũng như phải bỏ lại thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch Xuân Hè 1972, bởi chiến tranh không hề đơn giản như lời bài hát của trẻ con mà Nguyễn Thi đã viết trong Người mẹ cầm súng:
“Anh em ta như bạn con ruồi
Nó có súng mình có dao găm
Nó nghéo cò thì mình nhảy vô đâm”.
Và sự dẫn chứng của GS TS Trọng càng khiên cưỡng hơn khi hai câu thơ trong trường ca Bài thơ Hắc Hải của Nguyễn Đình Thi sáng tác năm 1958 lại được đưa vào giai đọan này (4).
Khi đề cập đến phần “tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả một số giải pháp”, TBT Trọng cũng yêu cầu “giữ lấy ‘nếp nhà’, giữ lấy ‘chân quê’ (bài thơ của Nguyễn Bính năm 1936)” trong giải pháp thứ tư mà ông đề ra.
Khi đưa ra dẫn dụ như vậy, liệu TBT có lường trước được sự phản tác dụng của nó, bởi ông đã bỏ qua tính dự báo của văn chương?
Bài “chân quê” được Nguyễn Bính sáng tác năm 1936, khi đó Nguyễn Ái Quốc đang “nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa tại Mátxcơva (Liên Xô). Kiên trì con đường đã xác định cho cách mạng Việt Nam”. (5). Bài thơ lấy đề tài là một câu chuyện tình yêu giữa chàng trai và cô gái thôn quê. Tuy nhiên, cô gái ấy xuất hiện trong hoàn cảnh mới “đi tỉnh về”. Bao nhiêu nhớ nhung mong ngóng của người ở nhà bỗng trở thành nỗi xót xa, đau đớn khi thấy người đi xa trở về với những thay đổi bất ngờ. Người ở nhà đau đớn xót xa không chỉ vì bản chất trong trắng của người mình yêu đang bị mai một mà dự cảm nhận ra một sự đổi thay trong tình cảm của hai người.
Nếu nhìn lại quá trình lịch sử từ khi bài thơ này ra đời cho đến nay với hiện tình đất nước, người ta sẽ nhận thấy dường như Nguyễn Bính đã dự cảm trước được những biến cố lớn sắp xảy ra của đất nước qua những tín hiệu ẩn nấp trong bài “Chân quê”.
Và khi nghe TBT Trọng nêu tên bài thơ này trong bài nói chuyện của mình, có lẽ sẽ có nhiều người đặt câu hỏi:
Nếu Nguyễn Bính sáng tác bài “Chân quê” này sau năm 1954, thì liệu công chúng có được đảng cho thưởng thức hay không, hay nó sẽ lại được lưỡi kéo kiểm duyệt của đảng đối xử như số phận truyện “Cuộc phiêu lưu của Văn ngan tướng công” của Vũ Tú Nam (6)?
Ai cũng biết Nguyễn Bính là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam. Ông được coi như là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc. Bởi ông nổi tiếng như vậy nên trong thời gian kháng chiến chống Pháp cả Chính phủ Nam Kỳ tự trị và chính quyền Việt Minh đều muốn lôi kéo ông về phục vụ cho đằng mình. Chính Lê Duẩn đã làm mối cho ông kết hôn với người thuộc cấp để tăng thêm sự ràng buộc của ông với Việt Minh, nhưng do vướng vào vụ Nhân văn Giai phẩm nên Nguyễn Bính đã bị thất sủng, và đảng không còn "đối đãi đàng hoàng, chăm sóc chu đáo tác giả Lỡ bước sang ngang" (7) nữa. Từ một ông chủ bút tờ báo Trăm hoa ở Hà nội, tác giả “Chân quê” phải quay về làm công việc của người nhân viên quèn tại Ty Văn hóa Hà Nam và mất ở đây trong độ tuổi chín muồi của tài năng.
Với cách đối đãi nhân tài của đảng như vậy thì vấn đề “Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ,” mà TBT Trọng trăn trở, đã được chính ông tự giải đáp một phần.
Được biết, bài phát biểu này của TBT được chuẩn bị rất công phu, có hẳn một “ban cố vấn bài phát biểu của Tổng bí thư tại hội nghị”, trong đó Hữu Thỉnh – cựu chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, cựu chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam là một thành viên. “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm đặc biệt cho hội nghị lần này” (8)bởi ông biết thính giả của ông toàn là những người lắm chữ.

Ấy vậy mà điều đáng tiếc vẫn xảy ra, những lỗi sơ đẳng về kiến thức vẫn nổi cộm trong bài phát biểu. Mà hình như nó như một cái dớp luôn thường vẫn xảy ra, mỗi khi các quan chức gặp gỡ và lên lớp trước các ông chủ đất nước về thân phận của mình, bởi người đời vẫn còn chưa quên việc cựu “thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 2 lần dẫn cùng 1 bài thơ, trong 2 bối cảnh khác nhau nhưng cả 2 lần đều sai tên tác giả”. (9)
Do đó những người viết bài này chỉ còn biết buồn, ngao ngán và thở dài: “Thật bất hạnh cho dân tộc Việt Nam khi có những người cầm lái như vậy!”
Còn quý độc giả, quý vị thì nghĩ gì về bài phát biểu này?
______
Chú thích:


KINH NGHIỆM NGOẠI GIAO VĂN HÓA CỦA 

MỸ VÀ BÀI HỌC ĐỐI VỚI VIỆT NAM

HÀ KIM SƠN/ DT 11-12-2021

Việc phát huy sức mạnh mềm thông qua truyền bá văn hóa Mỹ, giá trị Mỹ ra bên ngoài, trong đó có công cụ ngoại giao văn hóa được chính giới Mỹ rất coi trọng.

Ngoại giao văn hóa - cánh tay nối dài của sức mạnh mềm Mỹ

Sức mạnh mềm là một cấu phần quan trọng làm nên sức mạnh tổng thể quốc gia của Mỹ. Việc phát huy sức mạnh mềm thông qua truyền bá văn hóa Mỹ, giá trị Mỹ ra bên ngoài, trong đó có công cụ ngoại giao văn hóa được chính giới Mỹ rất coi trọng. Mỹ định nghĩa "ngoại giao văn hóa" có một số điểm đặc thù sau:

Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc (Ảnh: Thế giới & Việt Nam).

Thứ nhất, khái niệm "văn hóa" được cô đặc trong các "giá trị" và "niềm tin" của xã hội Mỹ. "Giá trị Mỹ" được chắt lọc lại bao gồm: dân chủ, tự do cá nhân, bình đẳng, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa dân tộc, chế độ trọng nhân tài, sự thẳng thắn, sự đổi mới, xã hội tiêu dùng, sự tùy nghi - thoải mái, coi trọng thời gian và tính hiệu quả.

Thứ hai, ngoại giao văn hóa là một cấu phần của ngoại giao công chúng. Mỹ rất coi trọng ngoại giao công chúng. Ngay từ năm 1953, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã thành lập Cơ quan thông tin Mỹ - USIA, một "cánh tay" ngoại giao công chúng của Chính phủ. Theo thông tin chính thức trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngoại giao công chúng có nhiệm vụ "mở rộng giao lưu giữa người dân Mỹ và người dân các nước, tìm kiếm, thu hút sự quan tâm, tác động thông tin và nắm bắt quan điểm của công chúng các nước về Mỹ", truyền bá và nâng tầm ảnh hưởng của các "giá trị Mỹ", "tô điểm" hình ảnh Mỹ trong nhận thức của người dân thế giới, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của sức mạnh mềm và củng cố vị thế của nước Mỹ. Trong mục tiêu này, sứ mệnh và vai trò của ngoại giao văn hóa Mỹ rất quan trọng, nhất là trong thời bình thì sức mạnh văn hóa, sức mạnh mềm có lúc còn quan trọng hơn sức mạnh cứng.

Thứ ba, quảng bá văn hóa luôn luôn đi đôi với truyền bá văn hóa, thông tin nhằm nâng cao nhận thức. Việc truyền bá các giá trị Mỹ, tư tưởng Mỹ được triển khai phần nhiều thông qua các chương trình đào tạo, được thực hiện bền bỉ, lâu dài theo một quá trình, "mưa dần thấm lâu" và có chọn lọc đối tượng để đào tạo. Các đối tượng được chọn để đầu tư là các nhân tài, các nhà lãnh đạo tương lai…, tựu chung là những người có sức ảnh hưởng, có lợi cho Mỹ về lâu dài.

Ngoại giao văn hóa trong triển khai đối ngoại của Mỹ

Mỹ rất coi trọng ngoại giao công chúng trong tổng thể chính sách đối ngoại. Bộ Ngoại giao Mỹ xếp ngoại giao công chúng đứng thứ ba trong bốn mục tiêu chính của chính sách đối ngoại, lần lượt là: (Bảo vệ nước Mỹ và người dân Mỹ; Thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và những lợi ích toàn cầu khác; Tăng cường hiểu biết của cộng đồng quốc tế về chính sách của Mỹ và giá trị Mỹ; và Hỗ trợ những nhà ngoại giao, quan chức chính phủ và tất cả các nhân viên trong và ngoài nước đang thực hiện các mục tiêu nói trên.

Về cơ quan phụ trách và cơ chế triển khai, trong hệ thống cơ quan chính phủ Mỹ, không có cơ quan cấp Bộ phụ trách về văn hóa như Việt Nam. Theo Hiến pháp Mỹ, Chính quyền hay Quốc hội không được trao nhiệm vụ quản lý về văn hóa. Về ngoại giao văn hóa, Chính phủ Mỹ thành lập riêng một cơ quan phụ trách trực thuộc Bộ Ngoại giao là Cục các vấn đề Văn hóa và Giáo dục (Bureau of Educational and Cultural Affairs - ECA). Việc sắp xếp này cho thấy tính thống nhất trong triển khai ngoại giao văn hóa của Mỹ: Bộ Ngoại giao là cơ quan thực thi chính sách đối ngoại, đồng thời phụ trách quảng bá hình ảnh và các giá trị Mỹ.

Nhiệm vụ của ECA được Bộ Ngoại giao Mỹ nêu là "thiết kế và triển khai các chương trình trao đổi giáo dục, làm việc, và trao đổi văn hóa và các chương trình khác nhằm tạo ra và duy trì sự hiểu biết lẫn nhau với các quốc gia khác để thúc đẩy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ". Bên cạnh ECA, ở cấp tiểu bang, các trung tâm văn hóa nghệ thuật, các cơ sở văn hóa cùng hợp tác triển khai chính sách ngoại giao văn hóa.

Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016, Tổng thống Obama đã ngồi ăn bún chả, uống bia Hà Nội (Ảnh: Instagram).

Mỹ dành nguồn lực lớn cho ngoại giao công chúng nói chung (trong đó bao gồm ngoại giao văn hóa) và được hậu thuẫn bởi một bộ máy truyền thông khổng lồ. Kinh phí Mỹ đầu tư cho ngoại giao công chúng được ước tính là 2 tỷ USD/năm. Riêng ECA, ngân sách hoạt động là 309 triệu USD/năm và phần lớn từ các hoạt động gây quỹ. Văn hóa đặc thù của Mỹ là đóng góp của các nhà hảo tâm, các "Mạnh Thường Quân" cho các hoạt động phục vụ mục đích cộng đồng, cho ngoại giao công chúng và ngoại giao văn hóa của Mỹ là rất lớn. Do đó, không chỉ có nguồn lực từ chính giới, mà từ khu vực tư nhân cũng rất quan trọng.

Về công cụ triển khai ngoại giao công chúng và ngoại giao văn hóa, Mỹ sở hữu lợi thế vô song khi tất cả các loạt hình truyền thông tiên tiến, đa phương tiện, nền tảng công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội (Twitter, Facebook…) đều hội tụ tại Mỹ.

Truyền thông Mỹ có vai trò dẫn dắt truyền thông thế giới, với hơn 1.700 đài truyền hình và 15.500 đài phát thanh cùng 24,3 triệu tờ báo ngày và 25,8 triệu tờ báo tuần. Bên cạnh đó, Mỹ sở hữu ngành công nghiệp giải trí lớn nhất thế giới; Hollywood và các ngôi sao quốc tế là một công cụ vô cùng đắc lực để Mỹ gia tăng ảnh hưởng trên thế giới. Rất nhiều diễn viên điện ảnh nổi tiếng thế giới của Mỹ như George Clooney, Angelina Jolie... đã tham gia các hoạt động liên quan các lĩnh vực mà ngoại giao Mỹ chú trọng, qua đó dùng ảnh hưởng văn hóa để thúc đẩy các mục tiêu chính sách.

Về thực tế triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa của Mỹ, cơ quan chủ trì - ECA chủ yếu triển khai các chương trình giao lưu, trao đổi văn hóa và giáo dục với nhiều quốc gia, học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sỹ, vận động viên thể thao… trên toàn thế giới.

Theo thống kê mới nhất, trung bình mỗi năm có hơn 110 nước là đối tác của các chương trình giao lưu văn hóa của ECA, trong số hơn 55.000 nhân vật tham gia chương trình của ECA, có 84 người đoạt giải Nobel, gần 450 người là cựu và đương kim nguyên thủ quốc gia - lãnh đạo các nước. Các hoạt động ngoại giao văn hóa được Bộ Ngoại giao Mỹ triển khai bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, thông qua các chương trình truyền hình, băng video, các ấn phẩm và Internet, các cuộc gặp gỡ với các diễn giả, chương trình giao lưu quốc tế.

Ở cấp độ tiểu bang, chính quyền bang và các cơ sở văn hóa công cộng, tư nhân chủ động triển khai các hoạt động văn hóa riêng.

Về cách thức triển khai ngoại giao văn hóa của các cơ quan đại diện Mỹ ở nước ngoài, cách làm của Đại sứ quán Mỹ và Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam là một ví dụ sinh động. Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hẳn một "không gian Mỹ" có tên Trung tâm Mỹ (American Center) để công chúng tới tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu.

Tại đây, một khối lượng tư liệu lớn về đất nước, con người, chính sách Mỹ được trình bày dưới dạng thư viện, để người dân Việt Nam, nhất là học sinh, sinh viên tới tham quan, sử dụng và học tiếng Anh (Mỹ). Trung tâm này cũng thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, buổi tập huấn, câu lạc bộ tiếng Anh (Mỹ), câu lạc bộ tranh biện, đọc và thảo luận về sách, chiếu phim, triển lãm, biểu diễn âm nhạc miễn phí dành cho công chúng.

Trong triển khai đối ngoại, khía cạnh văn hóa, lịch sử được lãnh đạo và các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ rất chú trọng. Hầu hết các diễn văn quan trọng mà các Tổng thống Mỹ từ Bill Clinton đến Obama và cả Biden khi còn là Phó Tổng thống đọc trong các dịp tiếp xúc với lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đều có hàm lượng văn hóa rất chắt lọc, tinh tế.

Cả Bill Clinton, Barack Obama và Joe Biden đều đã từng lẩy Kiều, chọn những tứ rất hay và phù hợp để nói về quan hệ Việt - Mỹ. Tổng thống Donald Trump đề cập yếu tố lịch sử chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Hoặc "đời thường" hơn, khi Tổng thống Obama thăm Việt Nam và ngồi ăn bún chả, uống bia Hà Nội, cũng là dùng nét văn hóa ẩm thực bình dân để lôi cuốn, "lấy lòng" người dân Việt Nam.

Các sản phẩm văn hóa Mỹ từ phim ảnh Hollywood đến âm nhạc, văn học… cũng có sức lan tỏa rất lớn, do đó được các nhà ngoại giao Mỹ sử dụng rộng rãi, góp phần đắc lực vào việc nâng cao sức mạnh mềm và ảnh hưởng văn hóa của Mỹ đối với các nước, trong đó có Việt Nam.

Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều diễn viên điện ảnh nổi tiếng thế giới của Mỹ như Angelina Jolie... đã tham gia các hoạt động liên quan các lĩnh vực mà ngoại giao Mỹ chú trọng, qua đó dùng ảnh hưởng văn hóa để thúc đẩy các mục tiêu chính sách (Ảnh: CBSNews).

Thực tiễn và cách làm Ngoại giao văn hóa của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ

Khi đất nước hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, những tinh hoa văn hóa và cách làm hay của bạn bè, đối tác quốc tế, trong đó có Mỹ, có giá trị tham khảo đối với chúng ta để học hỏi, tiếp thu chọn lọc và áp dụng những khía cạnh phù hợp vào thực tiễn Việt Nam. Đặc thù hệ thống chính trị-xã hội, văn hóa chính trị của ta có những điểm khác biệt so với Mỹ. Nét văn hóa Á Đông của dân tộc ta cũng khác văn hóa phương Tây. Do đó, ta không thể rập khuôn những bài học thành công của ngoại giao văn hóa Mỹ vào điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, có một số bài học mà ta có thể xem xét vận dụng.

Đối với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, ngoại giao văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế, lãnh sự, truyền thông, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và bạn bè, đối tác Mỹ. Yếu tố văn hóa - sức mạnh mềm của dân tộc, được thể hiện một cách tinh tế, phong phú và đa dạng trong mọi loại hình công việc.

Trước hết, là thái độ cởi mở, lịch thiệp, chân thành, chuyên nghiệp; cách tiếp cận xây dựng, tôn trọng, lắng nghe, tạo dựng lòng tin; chủ động và hợp tác có trách nhiệm cả trong các vấn đề song phương, hay khu vực hay toàn cầu, cả khi hai bên cùng lợi ích hay còn có sự khác biệt…, đóng góp chung vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực…, đã tạo nên uy tín và thương hiệu của ngoại giao Việt Nam tại Mỹ; qua đó góp phần nâng cao hình ảnh của đất nước.

Các hoạt động giới thiệu, quảng bá đất nước, con người Việt Nam được thực hiện trong các hoạt động tiếp tân như Quốc khánh, sự kiện mừng Năm mới (Tết cổ truyền của dân tộc), ngày ASEAN, các dịp kỷ niệm bình thường hóa quan hệ, chiêu đãi khách đối ngoại và các hoạt động thường xuyên khác.

Đại sứ quán tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa có tiếng vang ở sở tại như các hội chợ, triển lãm, hoạt động văn hóa do ngoại giao đoàn và sở tại tổ chức. Hội phu nhân Đại sứ quán hoạt động rất tích cực, đóng góp hiệu quả vào triển khai ngoại giao văn hóa với các hoạt động biểu diễn thời trang Việt Nam, cùng nhóm phu nhân các Sứ quán ASEAN tại Mỹ xuất bản sách nấu ăn để giới thiệu các món ăn đặc sắc của Việt Nam.

Để làm phong phú thêm các sản phẩm truyền thông văn hóa, Đại sứ quán đã xây dựng riêng một website về du lịch Việt Nam, các video clip quảng bá văn hóa, ẩm thực, đất nước và con người Việt Nam. Đại sứ quán cũng thường xuyên cung cấp các tuyên truyền phẩm tới các thư viện, trung tâm nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân.

Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động tiếp xúc trực tiếp bị giới hạn nghiêm ngặt, Đại sứ quán đã áp dụng sáng kiến tặng quà ẩm thực là các món ăn đặc sắc của Việt Nam như nem, phở… cho bạn bè, đối tác Mỹ và được các đối tác rất hoan nghênh, tạo hiệu ứng tốt.

Tại địa bàn Mỹ có cộng đồng Việt kiều lớn nhất thế giới với gần 2,4 triệu người, Đại sứ quán xác định đây vừa là đối tượng ngoại giao văn hóa cần nhắm đến, vừa là nguồn lực to lớn hỗ trợ công tác ngoại giao văn hóa và thực tế đã vận động để cộng đồng tham gia, phối hợp trong triển khai một số hoạt động quảng bá đất nước, con người ở sở tại, như tham gia cùng Sứ quán xây dựng clip ẩm thực Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật những dịp Quốc khánh, Tết cổ truyền của dân tộc.

Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức đón Tết Canh Tý 2020 (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ).

Một số vấn đề đặt ra đối với Ngoại giao văn hóa Việt Nam

Qua thực tiễn triển khai ngoại giao văn hóa tại địa bàn thời gian qua, Đại sứ quán nhận thấy rõ sự chuyển biến trong nhận thức của bạn bè, đối tác quốc tế về Việt Nam. Đất nước ta có vị thế quốc tế ngày càng cao và được bạn bè quốc tế quan tâm, biết đến nhiều hơn. Song sự phát triển nhanh của truyền thông, nhất là mạng xã hội khiến các sản phẩm thông tin văn hóa của chúng ta chịu sự cạnh tranh quyết liệt để có thể giành được quan tâm và thu hút được công chúng Mỹ cũng như các đối tác khác.

10 năm tới là giai đoạn quyết định với vận nước, thế nước và thực lực quốc gia. 10 năm tới sẽ chứng kiến sự chuyển mình lớn nhất của ngoại giao Việt Nam từ khi tham gia Hội nhập quốc tế. Chúng ta đứng trước đòi hỏi cấp bách phải liên tục đổi mới trong triển khai công tác đối ngoại nói chung theo hướng toàn diện, hiện đại. Xin nêu 5 kiến nghị với công tác ngoại giao văn hóa:

Một là, hết sức chủ động và liên tục đổi mới về tư duy theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đồng thời cần nhấn mạnh yếu tố sáng tạo. Công nghệ phát triển rất nhanh làm cho xã hội và cách con người giao tiếp, tiếp nhận thông tin thay đổi liên tục, đòi hỏi phải chúng ta phải thay đổi, cập nhật thường xuyên trong cách làm. Ngoại giao văn hóa cần phải đi cùng trào lưu mới này.

Hai là, về nội dung, cần tập trung đầu tư công sức, nguồn lực để chắt lọc các giá trị tạo nên sức mạnh mềm của dân tộc ta, định dạng Việt Nam, tiến tới xây dựng sớm một "bộ nhận diện thương hiệu" Việt Nam, tập trung vào những lợi thế so sánh của ta. Trong đó, quà tặng đối ngoại chính là một nhận diện thương hiệu Việt Nam cần được chuẩn hóa sớm.

Ba là, tăng cường nguồn lực cả về hạ tầng kỹ thuật và kinh phí. Ngoài thúc đẩy việc bổ sung đầu tư từ Chính phủ, trong điều kiện còn hạn chế, cần phân bổ nguồn lực cho hợp lý, xác định các ưu tiên. Từ góc độ lĩnh vực hoạt động, bên cạnh các trụ cột ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa là một trụ cột quan trọng cần được quan tâm đầu tư hơn nữa.

Bốn là, về phương thức, chuyển mạnh sang ứng dụng mạng xã hội, điều này đòi hỏi sự chủ động, bản lĩnh, sáng tạo và quan trọng nhất là có hướng dẫn thống nhất, hợp lý trong sử dụng mạng xã hội và công nghệ. Một trong những cách làm của sở tại trong thời gian đại dịch Covid-19 mà chúng ta có thể tham khảo vận dụng và cách tổ chức các triển lãm, sự kiện văn hóa đối ngoại bằng hình thức trực tuyến với công nghệ thực tế ảo (virtual reality). Nguồn lực, đầu tư cần hướng tới cả các hoạt động này, nhất là trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Tại địa bàn Mỹ có cộng đồng Việt kiều lớn nhất thế giới với gần 2,4 triệu người, Đại sứ quán xác định đây vừa là đối tượng ngoại giao văn hóa cần nhắm đến, vừa là nguồn lực to lớn hỗ trợ công tác ngoại giao văn hóa và thực tế đã vận động để cộng đồng tham gia, phối hợp trong triển khai một số hoạt động quảng bá đất nước, con người ở sở tại, như tham gia cùng Sứ quán xây dựng clip ẩm thực Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật những dịp Quốc khánh, Tết cổ truyền của dân tộc.
Năm là, mấu chốt để triển khai thành công ngoại giao toàn diện, hiện đại nói chung vẫn là nhân tố con người. Các hoạt động đào tạo phải được triển khai ngay khi các cán bộ mới vào ngành. Mỗi cán bộ ngoại giao khi ra công tác tại cơ quan đại diện cần được trang bị hệ thống kiến thức, kỹ năng ngoại giao văn hóa và truyền thông. Nói cách khác, khi đi nhiệm kỳ, mỗi cán bộ ngoại giao cũng là một đại diện văn hóa của đất nước, do đó cần được trang bị vốn kiến thức, kỹ năng làm ngoại giao văn hóa thực sự bài bản và được đào tạo, đào tạo lại thường xuyên trong mảng công tác quan trọng này.

Với thế và lực mới của đất nước cùng điểm tựa là bề dày hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc, chúng ta có cơ sở vững chắc để tin tưởng, tự hào và quyết tâm xây dựng nền ngoại giao văn hóa thực sự xứng tầm với nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Làm tốt công tác ngoại giao văn hóa, chúng ta sẽ góp phần cùng các binh chủng khác của đối ngoại đặt đất nước vào đúng dòng chảy của thời đại, định vị và nâng tầm đất nước trong bản đồ kinh tế, chính trị và văn hóa thế giới trong thời gian tới.

Theo ĐS Hà Kim Ngọc 

Thế giới và Việt Nam

ĐẠI SỨ HÀ  KIM NGỌC THẤY NGƯỜI VIỆT TẠI MỸ THẾ NÀO ?

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 14-12-2021

Ngày 11/12/2021, báo Dân Trí của nhà nước Việt Nam đăng phát biểu của ông Hà Kim Ngọc, đương kim đại sứ Việt Nam tại Mỹ. Bài viết mang tựa đề Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam.
Bài viết có hai phần, phần đầu nói về cách mà nước Mỹ khuếch trương cái gọi là sức mạnh mềm của họ có kết quả như thế nào, phần thứ hai đề nghị những việc mà nước Việt Nam hiện nay cần làm để loan truyền điều mà ông Ngọc gọi là “thương hiệu Việt Nam”.
Nhìn chung thì hai chủ đề kể trên cũng đã được nhiều nhà báo, cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập, tuy không nhiều, tuy vậy tôi thấy có hai vấn đề thú vị mà ông Đại sứ đề cập trong bài viết này, thứ nhất là “giá trị Mỹ”, thứ hai là cái nhìn của viên chức ngoại giao Việt Nam hiện nay về cộng đồng người Việt hải ngoại, cụ thể là ở Mỹ.
Giá trị Mỹ là dân chủ, và tự do, nhân quyền, bình đẳng
Trong đoạn thứ hai của bài viết, ông Ngọc nêu lên thế nào là “giá trị Mỹ”. Ông nói rằng, giá trị đó được “chắt lọc” bằng dân chủ, tự do cá nhân, bình đẳng, trọng nhân tài… Mặc dù ba từ “giá trị Mỹ” được bài báo bỏ vào ngoặc kép, nhưng không thấy ông Ngọc phê phán gì những giá trị rất hiển nhiên của con người nói chung này. Trong một đọan khác, ông đề cập cả việc thúc đẩy nhân quyền toàn cầu của người Mỹ.
Tôi khá bất ngờ với việc một viên chức cao cấp của ngành ngoại giao Việt Nam lại dám nêu cao những giá trị, mà từ trước tới nay các cơ quan tuyên giáo của Đảng hay lấy ra để biếm nhẽ, cho rằng xã hội Mỹ nói riêng, phương Tây nói chung chỉ có dân chủ, tự do, nhân quyền hình thức mà thôi.
Nhưng đến phần thứ hai, khi nói về Việt Nam, ông Ngọc rào lại bằng những cụm từ như, “có giá trị tham khảo đối với chúng ta”, “áp dụng những khía cạnh phù hợp vào thực tiễn Việt Nam”, “đặc thù hệ thống chính trị xã hội, văn hóa chính trị của ta có những điểm khác biệt so với Mỹ”… Như vậy là an toàn, một mặt người Mỹ rất hài lòng với người đại diện Việt Nam, mặt khác tuyên giáo của Đảng cũng hài long, rằng “ta làm theo cách của ta”!
Dù an toàn, nhưng tôi nghĩ là ông Ngọc cũng can đảm chấp nhận nhiều rủi ro khi trình bày vấn đề “giá trị Mỹ” bằng cái cách như thế. Có những độc giả bên trong Việt Nam sẽ thấy rằng: Ồ thế thì giá trị Mỹ hay quá đi chứ, chúng ta phải thay đổi “đặc thù hệ thống chính trị xã hội” của ta chứ, vì những điều như tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn trọng nhân tài, … trong “giá trị Mỹ” là quá đúng, đúng tới mức không cần tranh cãi.
So với người tiền nhiệm của Đại sứ Ngọc là ông Nguyễn Quốc Cường, thì ông Ngọc tiến xa thêm một bước. Trên báo Tuổi Trẻ, ông Cường nói về chuyến thăm của bà Kamala Harris, phó tổng thống Mỹ, đến Việt Nam trong năm 2021, là “người bạn trong lúc khó khăn là người bạn đích thực”, để nói về việc Mỹ trợ giúp Việt Nam vaccine chống dịch Covid, trong lúc Việt Nam đang khốn đốn. Nay ông Ngọc nêu lên những “giá trị Mỹ”, như là những điều đương nhiên (mặc dù ông có rào trước đón sau), thì đó là một sự khái quát cao hơn, ở tầm mức thể chế chính trị xã hội.
2,4 triệu “Việt kiều” Mỹ
Trong một bài khá ngắn, có đến hai lần ông Ngọc đề cập đến cộng đồng người Việt tại Mỹ. Cả hai lần cùng một ý như nhau: Cộng đồng người Việt hải ngoại vừa là “đối tượng” của ngoại giao của nước Việt Nam (cộng sản), vừa là nguồn lực để hỗ trợ họ (ngành ngoại giao Việt Nam).
Khi nói rằng người Việt hải ngoại tại Mỹ là “đối tượng”, có nghĩa là họ không đứng về phía nhà nước (cộng sản) Việt Nam nên cần chinh phục họ.
Đó là một thực tế, khác hẳn với các phát biểu của quan chức Việt Nam từ trước đến nay rằng thì là cộng đồng người Việt hải ngoại luôn hướng về tổ quốc của họ, đang được dẫn dắt bởi… Đảng và Nhà nước (cộng sản). Hướng về tổ quốc thì đúng, nhưng chấp nhận Đảng và Nhà nước (cộng sản) dẫn dắt lại là một chuyện khác.
Tuy nhiên ý thứ hai mà ông Ngọc nói về cộng đồng người Việt hải ngoại lại là điều chính cộng đồng này cần quan tâm. Ông nói rằng cộng đồng người Việt hải ngoại là nguồn lực để hỗ trợ cho ngành ngoại giao của Việt Nam.
Có thể có những người sẽ nói rằng ông Ngọc nói xạo, cộng đồng người Việt tại Mỹ chống Cộng như thế thì làm gì có chuyện hỗ trợ cho cộng sản. Nhưng theo tôi thì, mặc dù phát biểu của ông Ngọc nằm ở hy vọng nhiều hơn là thực tế, nhưng mọi sự đang thay đổi. Lớp người Việt trẻ tuổi lớn lên ở Mỹ không còn có tâm thức chống cộng cuồng nhiệt như cha ông của họ nữa, cộng với những quan hệ hôn nhân, di dân, rồi du học sinh từ Việt Nam ở lại Mỹ… tất cả những điều đó sẽ làm cho những buổi tiếp tân “nội bộ” của các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Mỹ ngày càng đông hơn. Các viên chức ngoại giao của Hà Nội cũng rất khôn khéo loại bỏ những thông điệp chính trị, như các từ ngữ Đảng, Nhà nước, cờ đỏ sao vàng… ra khỏi các buổi tiếp xúc với người Việt tại Mỹ.
Nhưng dù sao, như tôi vừa viết ở trên, phát biểu của ông Ngọc vẫn ở thời mong ước hơn là hiện thực.
Lớp trẻ người Việt lớn lên ở Mỹ, tuy không chống Cộng cuồng nhiệt như cha ông họ, nhưng họ trân trọng những giá trị Mỹ như dân chủ, nhân quyền, tự do… một cách đúng đắn hơn cha ông họ, và họ cũng không ngần ngại chỉ trích cả nước Mỹ nếu nền dân chủ của nước này bị xao nhãng, khi các tầng lớp xã hội Mỹ bị mất bình đẳng. Liệu với thành tích nhân quyền trong nước như hiện nay, nhà nước Việt Nam có thuyết phục được những người Mỹ gốc Việt này?
Tôi cũng không nghĩ rằng tầng lớp người Việt trẻ tuổi mới di cư qua Mỹ, mặc dù sinh ra và lớn lên hoàn toàn dưới chế độ cộng sản, sẽ đồng ý với những thành tích nhân quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ở trong nước, một khi họ đến Mỹ và nhìn thấy rõ thế nào là giá trị Mỹ, theo như ông Ngọc viết: Dân chủ, tự do, bình đẳng, nhân quyền.
Cuối cùng xin bàn đến ý của ông Ngọc về cách ông thực hiện ngoại giao văn hóa của ông tại Mỹ, là sự chân thành. Nhưng chân thành trong hành động của ngài Đại sứ và tòa đại sứ không đủ, mà còn cần cả sự chân thành của những người cấp trên của ông Đại sứ.
Trong quyển hồi ký của ông Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, người ta thấy câu chuyện một vị ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã lừa gạt ông Ted Osius như thế nào, và mới đây một cô hoa hậu đại diện cho nước Việt Nam trình diễn một bài hát diệt Mỹ ngay trên đất Mỹ.
Không thể gọi đó là sự chân thành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét