Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

20211030. BÌNH LUẬN VỀ DỰ LUẬT THI ĐUA SỬA ĐỔI

 ĐIỂM BÁO MẠNG  

THI ĐUA NGÀY NAY: LỢI ÍT HẠI NHIỀU

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 27-10-2021





Quốc hội bàn việc sửa đổi Luật Thi đua. Đó là việc làm hời hợt, thiếu suy nghĩ nghiêm túc. Trước khi vào bài chính tôi xin kể hai chuyện.

Chuyện 1: Con dao cùn

Cô sinh viên Hoa là con bà Toàn. Trước đây khi Toàn còn trẻ, nhà nghèo, dụng cụ làm bếp có một con dao vừa xấu vừa cùn. Một hôm Toàn nhặt được một con dao rất tốt do ai đó đánh rơi. Bà Toàn rất mừng, nhờ nó mà công việc làm bếp của bà và Hoa được cải thiện rất nhiều. Họ gọi nó là “dao mới”. Con dao ấy truyền đến đời cô Hoa thì đã quá cũ, cùn đi nhiều.

Bây giờ nhà bà Toàn đã khá giả. Hoa mua một bộ dao tốt hơn, nhưng chỉ có Hoa, dùng còn bà Toàn chỉ thích dùng “dao mới” (nay đã cũ nhiều) vì đã quen với nó, xem nó như báu vật. Hoa định loại bỏ nó thì bị bà Toàn chửi cho một trận, mẹ con suýt giận nhau.

Chuyn 2: Chiếc xe đạp Mercier

Anh Nam là cán bộ Việt Minh thời kháng chiến chống Pháp, phải đi bộ rất nhiều. Thế rồi anh được bà con giúp, sắm được chiếc xe đạp Mercier. Nhờ nó mà anh làm tốt công tác, lập nhiều thành tích. Chiếc xe còn được sung vào đội quân xe thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Anh Nam già đi, trở thành ông, rồi cụ Nam. Trong lúc con cháu cụ bỏ hết xe đạp để đi xe máy, có đứa đã sắm ô tô, thì cụ vẫn dùng chiếc xe đạp, là báu vật của một thời.

***

Thi đua có tác dụng gần giống như con dao của bà Toàn, như xe dạp của ông Nam. Một thời thi đua đã có tác dụng rất tốt, khuyến khích người ta làm việc với năng suất cao, hiệu quả lớn. Nó là động lực mạnh mẽ. Nhưng rồi nó trở nên cũ và hết tác dụng, chỉ còn lại lợi ít, hại nhiều.

Ban đầu (năm 1948) thi đua là để diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; về sau thi đua mở rộng ra khắp các lĩnh vực khác: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua; ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.

Để thi đua trở thành phong trào, cần có sự lãnh đạo của trên, lập Ban thi đua từ trung ương đến cơ sở, làm lễ phát động, nêu mục tiêu, phương hướng, các cá nhân hoặc đơn vị làm kế hoạch và hưởng ứng thi đua. Phong trào có sơ kết, tổng kết, làm báo cáo, bình bầu các danh hiệu chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động. Rồi đại hội các cấp và khen thưởng các loại.

Những việc phục vụ cho thi đua như thế tốn khá nhiều công sức và thời gian, nhiều lúc làm cho người ta khó chịu và tạo nên sự dối trá để có thành tích dỏm, để không bị tụt hạng thi đua, để được khen thưởng. Mặt trái của thi đua là rất lớn, đặc biệt trong ngành giáo dục. Ở một số trường, thi đua đã trở thành tai họa, thành nơi khuyến khích và chứa đựng dối trá, làm mất phẩm giá của thầy và trò.

Đáng ra, thi đua đã nên dẹp bỏ từ lâu, nhưng có một số người vì kém trí tuệ hoặc vì quyền lợi riêng mà cố giữ lại. Còn những người khác vì sợ mà không dám phản biện.

Ai vì quyền lợi riêng mà cố duy trì thi đua? Đó là một số cán bộ trong các Ban Thi đua. Làm nghề gì ăn nghề nấy. Họ kiếm ăn được nhờ nhiều người còn phải chạy danh hiệu. Làm ở Ban thi đua chẳng phải suy nghĩ gì nhiều, chẳng phải vất vả gì mà cũng kiếm ăn được, tuy ít thôi, nhưng cũng có vai vế, có quyền hành. Bỏ thi đua thì họ có nhiều khả năng bị thất nghiệp.

Ai ủng hộ duy trì thi đua? Đó là một số cán bộ lãnh đạo kém trí tuệ, họ tưởng nhầm rằng thi đua chỉ có tốt và rất hiệu quả, hơn nữa họ biết thi đua là do lãnh tụ Hồ Chí Minh phát động nên không dám nghi ngờ. Hơn nữa có thi đua, khen thưởng thì họ còn lợi dụng được chút ít, với họ, bỏ thi đua thì không những khó được khen thưởng, mà còn khó sống.

Ai vì sợ mà không dám phản biện? Đó là số đông cán bộ viên chức, học sinh, sinh viên. Đa số họ tham dự thi đua chỉ là đối phó. Có ai tỏ ra nghi ngờ và thờ ơ với thi đua thì sẽ bị quy kết này nọ, bị trù dập. Thôi thì nhắm mắt, bưng tai, ngậm miệng cho lành, người ta tổ chức thi đua thì cứ làm theo cho qua chuyện.

Thi đua trước đây là tốt, có hiệu quả, tại sao bây giờ không còn thích hợp nữa?

Thi đua chủ yếu là để tạo động lực tinh thần, nhưng động lực này đã bị xẹp nhiều rối. Đối với người lao động, mạnh nhất là động lực kinh tế, được trả lương hoặc tiền công xứng đàng với thành quả công việc (xin nhắc lại: Xứng với thảnh quả công việc chứ không phải trả theo bằng cấp hoặc theo lao động tiêu hao). Động viên tinh thần cũng là một loại động lực nhưng thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Trong thời gian dài rất khó duy trì động lực tinh thần mạnh mẽ, nếu có thì chỉ là loại làng nhàng.

Trong kháng chiến chống Pháp, đất nước còn nghèo, Chính phủ chưa thể dùng động lực kinh tế nên động lực tinh thần do thi đua tạo ra có vai trò quan trọng. Hiện nay đã có điều kiện để dùng động lực kinh tế, các công ty tư nhân và nước ngoài đều dùng tốt động lực này thì vì cớ gì mà các cơ quan nhà nước không dùng được. Thì ra nhà nước gặp một điều rất khó là rất nhiều thủ trương không thể đánh giá thành quả công việc của cán bộ, nhân viên. Vậy phải dùng sự bình bầu của tập thể để chọn ra chiến sĩ thi đua.

Có người sẽ hỏi, không có phong trào thi đua thì lấy đâu ra những chiến sĩ thi đua, những anh hùng lao động với những thành tích to lớn được báo cáo và vinh danh ở các đại hội. Xin trả lời rằng, không có thi đua thì vẫn có những con người ấy, có những sáng chế phát minh ấy, họ làm được là tự bản thân chứ không phải vì thi đua. Thế những người nhận giải Nobel thì do phong trào thi đua nào.

Có người sẽ nói: Thi đua tuy không là động lực mạnh, nhưng có thi đua vẫn hơn. Đây là một ngụy biện. Vì có thi đua nên phải lập ra các Ban Thi đua, phải đăng ký, báo cáo, họp bình bầu v.v… , nghĩa là làm tốn thì giờ, phân tán năng lực. Không thi đua mà tập trung năng lực quản lý, dùng đúng động lực kinh tế thì sẽ tốt hơn nhiều.

Về khen thưởng, nó có mặt trái khá xấu, không những xù xì mà còn chứa độc hại. Khen thưởng nhằm đánh giá công lao và động viên tinh thần. Nhưng một xã hội mà khen thưởng tràn lan, quá nhiều, chứng tỏ xã hội đó đang khủng hoảng.

Để làm tốt công việc, đặc biệt là những sáng chế phát minh, những hoạt động lập nghiệp, người ta cần có động lực mạnh thuộc nội lực (động lực kinh tế là từ bên ngoài). Đó là lòng mong muốn đóng góp giá trị cho xã hội chứ không nhằm vào việc được khen thưởng.

Khen thưởng là cần, nhưng phải rất chặt chẽ thì mới có tác dụng tích cực. Việc khen thưởng bằng cách tặng giấy khen, huân huy chương, danh hiệu cao quý một cách tràn lan không những làm hạ thấp giá trị những thứ đó, mà còn tạo cơ hội cho những trò gian lận, dối trá trong báo cáo thành tích, làm xói mòn đạo đức.

Thi đua khen thưởng là con dao hai lưỡi. Với Việt Nam bây giờ, lưỡi tích cực đã cùn mất rồi, người ta đang ra sức mài dũa lưỡi tiêu cực để dùng. Dùng nó mang lại lợi ít mà hại nhiều.

Hỡi những người có lương tri, xin hãy tỉnh ngộ!

ĐỪNG LẠM DỤNG TỪ 'VĂN HÓA'

MAI BÁ KIẾM/ TD 25-10-2021

Ảnh tư liệu

Mấy hôm nay, Quốc hội bàn về dự Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi. Trong đó, có đổi danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hoá”, “Gia đình văn hoá” thành danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu”.

Chưa biết tiêu biểu cho cái giống gì, nhưng hễ xóa “ấp văn hóa” là tôi bớt ngứa mắt và chói tai. Nhớ lại, giáp Tết năm nào đó, trong cuộc gặp mặt báo chí tại số 7 Lê Duẩn, Q.1, cố thủ tướng Phan Văn Khải kể: “Tôi thấy bây giờ khắp nơi đều treo bảng ấp văn hóa, gia đình văn hóa, mà có văn hóa gì đâu? Ngay tại ấp văn hóa nhà má tôi nè (ở Tam Tân, Củ Chi) tôi nuôi bầy cá kiểng trong hòn non bộ, vậy mà trộm leo rào vào kéo trộm!”. Cụ Khải có đệm ĐM khi kể khiến cả hội trường cười rần, cụ cũng cười hồn nhiên!

Sau ngày giải phóng, tôi rất dị ứng việc lạm dụng từ “Nhà văn hóa”: ấp, xã, huyện, thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, lao động, Việt – Xô, Việt – Tiệp, thực ra các nơi đó chỉ là chỗ sinh hoạt và giải trí của các giới đó.

Nhưng, dại nhất là ngành văn hóa nâng “sách dâm dục, ảnh khiêu dâm, phim con heo, sex toy…” lên “Văn hóa phẩm đồi trụy”. Ngành Văn hóa đã biết phân biệt “Văn hóa phi vật thể” và “Văn hóa vật thể”. Sex toy là “vật thể tự sướng” tại sao gọi là “văn hóa phẩm” rồi thêm đuôi “đồi trụy”?

Chưa hết, các mẫu sơ yếu lý lịch đều ghi “trình độ văn hóa” – nhầm lẫn với trình độ học vấn, nhưng không ai góp ý sửa, mà cứ măc nhiên kê khai “Trình độ văn hóa: 12/12 (hoặc 10/10) – Trình độ chuyên môn: cử nhân kinh tế”.

Báo chí cũng dùng từ sai và hay lẫn lộn ngữ nghĩa của các từ văn hoa, văn chương, văn học, văn học sử, văn hóa. Văn Hoa là từ của miền Nam chỉ con người có phong cách văn minh, ăn nói hoa mỹ. Ở Đa Kao có rạp chiếu bóng “Văn Hoa”, sau 1975, từ “văn hoa” được “hoàn toàn giải tỏa” thay bằng “văn hóa”! “Con người văn hoa”, “nếp sống văn hoa”, “rạp hát văn hoa”… bỗng dưng bị thêm dấu sắc!

Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ! Một truyện ngắn, một bài thơ đoạt giải (dù là của nhà văn, nhà thơ nổi tiếng) chỉ goi là “tác phẩm văn chương” thì báo chí bơm lên “tác phẩm văn học”, “tác phẩm văn hóa”! Tương tự, bức tranh, bức ảnh đoạt giải gọi là tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh. Vở kịch hay bộ phim đoạt giải gọi là tác phẩm nghệ thuật.

Chỉ khi nào tác phẩm văn chương hay nghệ thuật vượt không gian hoặc thời gian, được đưa vào sách giáo khoa như Truyện Kiều của Nguyễn Du và Trăm Năm Cô Đơn của Marquez mới đáng gọi là “tác phẩm văn học”! Còn văn hoc sử là lịch sử văn học qua các thời kỳ!

Còn gọi là “tác phẩm văn hóa” thì rất khoa ngôn, vì ngữ nghĩa “văn hóa” rất rộng!

Theo nghĩa chuyên biệt văn hóa chỉ trình độ phát triển của một giai đoạn. Thí dụ, Văn hóa Óc Eo, Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Đông Sơn – là giai đoạn từ thời đại đồ đá cũ sang thời đại đồ đá mới!

Theo nghĩa rộng văn hóa bao gồm tất cả, từ những sản phẩm tinh vi, hiện đại, cho đến tín ngưỡng, phong tục, lối sống… Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử. Có hai loại “di sản văn hóa vật thể” và “di sản văn hóa phi vật thể” nhưng phải được UNESCO hoặc từng quốc gia công nhận.

Vậy mà, VN công nhận từng gia đình hóa, còn ngành văn hóa gắn nhãn “văn hóa” cho vật thể sex toy!


ĐẶT CHỈ TIÊU: LỢI ÍT HẠI NHIỀU

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 25-10-2021

Đảng và Chính phủ vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng hàng năm, 5 năm cho GDP, cho các ngành nghề, các công việc. Rồi còn đặt mục tiêu đến năm nào đó đạt mức bao nhiêu để “sánh vai” cùng các cường quốc năm châu.

Mới nghe qua thì tưởng rằng việc này là cần thiết, đúng đắn, trách nhiệm, sáng suốt, mang lại hiệu quả to lớn. Nhưng xét kỹ ra thì phần lớn không những là chuyện tầm phào, gây lãng phí, mà còn mang tính thiếu suy nghĩ, thiếu chân thật, rất nên hạn chế.

Vào khoảng năm 2007, tôi cùng vài giáo sư làm kế hoạch phát triển nhà trường trong 10 và 15 năm, tầm nhìn đến năm 2030 (còn có tầm ngắm đến 2045). Công việc đó làm theo chỉ thị của cấp trên, được Đảng ủy và Ban Giám hiệu chỉ đạo, chủ trì là GS Lê, Chủ tịch Hội đồng tư vấn, nguyên hiệu trưởng. Đã tiêu tốn một số tiền và công sức khá lớn để đi học tập cách làm của các cơ quan chuyên môn thuộc cấp trên, trao đổi và học kinh nghiệm các trường bạn, điều tra, khảo sát, soạn thảo, họp hành thảo luận, thông qua.

Kế hoạch là kết tinh trí tuệ của các GS, các nhà lãnh đạo nổi tiếng một thời của trường, nó được nộp lên Bộ và lưu lại ở cơ sở, phổ biến cho các đơn vị. Kế hoạch phát triển đưa ra những chỉ tiêu rất cụ thể, được nhiều người cho là công trình có giá trị, có ý nghĩa, sẽ giúp nhà trường phát triển tốt, đúng hướng, được vỗ tay hoan hô nhiều lần ở các hội nghị.

Từ đó đến nay đã gần 15 năm, qua 3 nhiệm kỳ hiệu trưởng. Tôi hỏi các vị ở Ban Giám hiệu kế nhiệm, xem họ quan tâm và thực hiện kế hoạch đó như thế nào. Họ nói rằng, có biết nhưng chẳng quan tâm, chẳng xem đến. Gần đây, tôi đọc lại thì thấy gần như toàn bộ kế hoạch với các chỉ tiêu là một mớ tầm phào. Phần nhiều dự đoán sai bét. Tại sao vậy? Phải chăng chúng tôi là những thằng ngu và không biết cách làm. Không đến mức như thế mà chính vì sự phát triển của tình hình phức tạp không lường trước được.

Phải chăng việc lập kế hoạch và đặt chỉ tiêu là yêu cầu bắt buộc của kế hoạch hóa cùng bao cấp mà một thời đã trùm lên Liên xô và các nước XHCN? Việt Nam đã xóa bỏ bao cấp, nhưng không biết từ đâu vẫn giữ lại việc lập kế hoạch và đặt chỉ tiêu.

Việc lập kế hoạch và đặt chỉ tiêu, nếu cần thì đó là việc của các cá nhân và các đơn vị cơ sở, chủ yếu là cơ sở sản xuất. Thế còn đối với nhà nước thì sao?

Với nhà nước, khi kế hoạch được làm bởi người tài giỏi, có tầm nhìn xa và đúng thì có thể chấp nhận rồi vừa làm vừa điều chỉnh. Thà không có kế hoạch còn hơn là theo kế hoạch do những kẻ kém hiểu biết, hoang tưởng vạch ra. Không có kế hoạch chính là theo thị trường tự do. Khi thấy việc là cần, là đúng thì cứ cố làm theo khả năng và nhu cầu của thị trường.

Tôi không có điều kiện khảo sát tình hình thế giới, chỉ thông qua việc trao đổi ý kiến với vài chuyên gia về kinh tế trong nước, với con cháu và bạn bè ở nước ngoài mà biết rằng, ở các nước phát triển, Chính phủ tác động vào nền kinh tế bằng chính sách thuế và sự khuyến khích, hàng năm có thống kê xem nền kinh tế tăng giảm mấy phần trăm chứ hình như chính phủ không đặt chỉ tiêu từ trước. Chính phủ đặt thế nào được khi nền kinh tế chủ yếu nằm trong tay các tập đoàn, các công ty tư nhân. Nếu cần đặt chỉ tiêu thì đó là việc của các công ty.

Tôi đã theo dõi xem ở Việt Nam người ta lập kế hoạch và đặt chỉ tiêu như thế nào. Việc này được thực hiện ở hai bước chủ yếu: Lập ra và thảo luận để thông qua.

Lập kế hoạch và đặt chỉ tiêu do một nhóm người thực hiện, giống như tôi và các bạn đã làm. Họ cũng vận dụng lý thuyết và thực tế, cũng bốc  lên đặt xuống từng công việc, cũng cân đi nhấc lại từng con số, nhưng phần lớn là dựa vào dự đoán và cảm tính. Trong những cán bộ làm kế hoạch chỉ vài người có trình độ và trách nhiệm, còn phần lớn là dựa dẫm, làm cho qua chuyện. Họ cũng lắm khi vất vả đấy, nhưng kết quả cũng gần như chúng tôi đã làm, nghĩa là được đánh giá cao nhưng trong thực tế không được mấy ai quan tâm đến.

Thảo luận và thông qua kế hoach cùng chỉ tiêu ở các đại hội Đảng hoặc ở Quốc hội, rồi biến chúng thành nghị quyết hoặc pháp lệnh. Việc đó chủ yếu là hình thức, là tầm phào. Phần lớn những người nghe, thảo luận và biểu quyết không biết gì về các con số của chỉ tiêu, họ bỏ phiếu như những cái máy với một niềm tin rằng đã có cấp trên chịu trách nhiệm.

Phải chăng ở VN việc làm nghị quyết, đặt chỉ tiêu đã thành thói quen, ngấm vào xương tủy. Thực chất đó chỉ là những thứ hình thức nhưng trở thành tấm lưới vô hình trói buộc người ta. Các cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước không dám làm việc gì chưa có trong nghị quyết, mặc dầu việc đó được pháp luật cho phép. Mỗi lần họp không phải để xem xét đã làm được gì ích nước, lợi dân, mà chủ yếu để kiểm điểm việc thực hành nghị quyết đến đâu, có đạt chỉ tiêu hay không.

Khi có một vài công việc nào đó vượt chỉ tiêu, người ta vui mừng, phấn khởi, ca ngợi rằng, nhờ sự tài giỏi của lãnh đạo và nỗ lực của người làm, có biết đâu rằng, chủ yếu là vì đặt chỉ tiêu chưa đúng với năng lực hoặc nhờ một may mắn nào đó. Rồi thì phần lớn người ta lo chuyện ăn mừng mà không làm thêm. Họ để dành năng lực để năm sau đạt chỉ tiêu cao hơn, có thành tích lớn hơn.

Việc không đạt chỉ tiêu làm người này lo lắng, người kia bị khiển trách, người nọ tìm cách bịa đặt ra các số liệu, các thành tích dỏm để tuyên truyền. Rồi tìm nguyên nhân này nọ để quy kết mà không chịu nhận ra rằng đã duy ý chí mà đặt ra chỉ tiêu quá sức thực hiện.

Một việc khá vô lý là đặt ra chỉ tiêu đạt bao nhiêu huy chương trong thi đấu thể thao ở khu vực và quốc tế. Chỉ có thể dựa vào thành tích các đội, xét tương quan mà dự đoán, chứ sao có thể đặt chỉ tiêu khi mà việc này còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan.

Có một loại chỉ tiêu mà chắc rằng ngoài Việt Nam ra, từ cổ chí kim, từ khắp mọi nơi, không ai có thể nghĩ ra được, chứ đừng nói đến thực hiện. Đó là chỉ tiêu thu tiền phạt vi phạm vào điều bị cấm. Người ta cấm và đặt ra mức phạt với mục đích ngăn ngừa, càng ít người vi phạm càng tốt. Thế nhưng đặt ra chỉ tiêu thu tiền phạt buộc công an, dân phòng thi hành thì khác gì tạo điều kiện cho họ, bắt buộc họ làm việc phi nhân tính? Phải chăng chỉ có những con người quá ngu, quá tham, quá đểu mới nghĩ ra được loại chỉ tiêu này.

Được tin Thủ tướng đưa ra chỉ tiêu tăng GDP năm 2022 là từ 6 đến 6,5%. Căn cứ vào đâu để đề ra chỉ tiêu đó và đề ra để làm gì. Phải chăng đây là câu hỏi quá ngớ ngẩn của một kẻ ngu đần hoặc của một tên  đểu cáng. Thì năm nào mà chẳng phải đặt chỉ tiêu tăng GDP, để làm gì à? Để biết mà phấn đấu, để có mức mà so sánh. Căn cứ vào đâu à? Thì căn cứ vào nghị quyết của ĐH XIII chứ còn vào đâu nữa.

Sẽ có người hỏi, không viết nghị quyết, không đặt chỉ tiêu thì có còn cần họp đại hội Đảng nữa hay không và họp để làm gì? Thưa rằng vẫn cần họp đại hội, vẫn viết nghị quyết nhưng nên làm theo cách khác thiết thực hơn, có hiệu quả cao hơn. Nghị quyết cần tập trung vào một số việc then chốt, không nên dàn trải và hổ lốn như một cửa hàng bách hóa.

Chỉ nên đặt chỉ tiêu cho một vài công việc có thể chủ động trong thực hiện, không cần việc gì cũng phải đưa vào nghị quyết và có chỉ tiêu. Đặt cho lắm chỉ tiêu thì hại nhiều mà lợi ít, hoặc chẳng có lợi gì cả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét