Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

20211014. TRANH LUẬN VỀ VAI TRÒ GIAI CẤP CÔNG NHÂN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

GIAI CẤP CÔNG NHÂN

ĐỖ THÀNH NHÂN/ TD 7-10-2021



Thống kê một số từ chỉ các thành phần xã hội trong Hiến pháp năm 2013: “công nhân” lặp 5 lần, “nông dân” – 2 lần, “trí thức” – 1 lần, “quân đội” – 4 lần, “công an” – 2 lần, “cán bộ” – 3 lần, “chiến sỹ” – 1 lần, “viên chức” – 3 lần, “công chức” – 2 lần. Còn nói về giai cấp thì chỉ có 2 giai cấp là “giai cấp công nhân” lặp 4 lần và “giai cấp nông dân” – 1 lần trong Hiến pháp.

Qua số liệu thống kê cho thấy “công nhân” và “giai cấp công nhân” là đối tượng được quan tâm nhiều nhất trong Hiến pháp. Cụm từ “công nhân”, “giai cấp công nhân” xuất hiện ở điều khoản sau (viết IN HOA để dễ phân biệt):

– Điều 2.2, Chương I. Chế độ chính trị: “ … tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa GIAI CẤP CÔNG NHÂN với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.”

Cho thấy “giai cấp công nhân” là đối tượng nắm quyền lực cao nhất trong liên minh các thành phần trong xã hội.

– Điều 4.1, Chương I. Chế độ chính trị: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của GIAI CẤP CÔNG NHÂN, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của GIAI CẤP CÔNG NHÂN, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Có nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam trước tiên là đội tiên phong và đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, sau đó mới đến các thành phần khác.

– Điều 10, Chương I. Chế độ chính trị “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của GIAI CẤP CÔNG NHÂN và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; …

– Điều 68, Chương IV. Bảo vệ tổ quốc “; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ, CÔNG NHÂN, viên chức phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; ...

Từ “công nhân” được lặp 5 lần, trong 2 chương quan trọng nhất của Hiến pháp là “Chương I. Chế độ chính trị” và “Chương IV. Bảo vệ tổ quốc”, điều đó cho thấy “công nhân” và “giai cấp công nhân” có vai trò quan trọng như thế nào?

Giai cấp công nhân được xác lập vai trò lịch sử của mình từ năm 1930 – khi đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay là 91 năm, còn xác lập vai trò lãnh đạo của công nhân từ Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959, trong Lời nói đầu: “Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp CÔNG NHÂN lãnh đạo.” đến nay cũng 62 năm. Như vậy, nếu tính trực hệ thì “giai cấp công nhân” ít nhất cũng 4 thế hệ làm lãnh đạo.

Bài viết dài dòng về “công nhân” để thấy vai trò “giai cấp công nhân” trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam, trong tiến trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, sau ít nhất 4 thế hệ công nhân làm lãnh đạo, làm chủ đất nước, thì thân phận của giai cấp công nhân hiện nay như thế nào?

Mọi người đừng có nghe bất cứ thế lực nào tuyên truyền, kích động, nói xấu mà hãy nhìn thẳng, để thấy và tự mình đánh giá qua cái “test” của Covid-19. Giai cấp công nhân là người tạo ra sản phẩm cho xã hội nhiều nhất, nhưng 4 tháng bị cách ly bởi dịch Covid-19 họ nhận được cái gì? có tương xứng với đóng góp của họ cho xã hội hay không? và đặc biệt có tương xứng với vai trò, vị trí mà họ được Hiến pháp ghi nhận hay không?

Mặc dù nắm quyền lực cao nhất, làm chủ đất nước, nhưng công nhân cũng chỉ “ở trọ” nơi làm việc. Sau 4 tháng không việc làm, không tiền, không nhà, không được hỗ trợ để sống tối thiểu nên họ đành phải rời miền đất hứa tìm về quê hương. Người này, người kia kêu gọi “công nhân” ở lại, tiếp tục làm … “giai cấp công nhân”, nhưng cái ăn, chỗ ở ở thành phố, khu công nghiệp thì ai lo cho họ?

Nuôi con chó, không cho ăn nó cũng bỏ đi, huống hồ chi con người.

Vậy là đoàn – đoàn người lũ lượt kéo về miền tây, tây nguyên, miền trung, vượt đến 2000 cây số quay ngược ra bắc [1] bằng phương tiện cá nhân trong mùa mưa bão vô cùng nguy hiểm, người có lương tri không thể không xúc động.

Đến khi hàng vạn công nhân buộc phải rời bỏ vùng trọng điểm kinh tế để về quê thì báo chí kêu lên “lấy ai cứu doanh nghiệp”[2]; nhưng trước đó nhiều tháng trời không thấy báo nào lên tiếng “ai cứu công nhân”!

Hình ảnh công nhân trốn chạy Covid-19 quá nhiều trên mạng; nếu chỉ vài trăm người thì có thể nói là hiện tượng; nhưng đến hàng ngàn, hàng vạn người thì lúc này là bản chất, theo “quy luật lượng – chất” của triết học Mác-Lênin: “Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định, sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất” ­-  thì đó chính là hình ảnh “giai cấp công nhân” Việt Nam.

Giai cấp công nhân” từ Hiến pháp đến thực tế là một khoảng cách quá xa, đến vô vọng vì đã qua 4 thế hệ rồi. Nhìn “giai cấp công nhân” thấy được tương lai dân tộc và đất nước; mà nguyên nhân chính bắt đầu từ việc họ không được trực tiếp chọn ra “đội tiên phong” của mình.

_______

Ghi chú:

[1] Những đôi chân mệt nhoài trong cuộc hồi hương gần 2.000 km ngang qua Thủ đô https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-doi-chan-met-nhoai-trong-cuoc-hoi-huong-gan-2000-km-ngang-qua-thu-do-20211007020139266.htm

Ảnh: Đoàn người vượt 2.000 km về quê kiệt sức, ngủ la liệt ven quốc lộ Hà Nội: https://vtc.vn/anh-doan-nguoi-vuot-2-000-km-ve-que-kiet-suc-ngu-la-liet-ven-quoc-lo-ha-noi-ar640132.html

[2] Hàng vạn người kéo nhau về quê, lấy ai cứu doanh nghiệp https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/van-nguoi-keo-nhau-ve-que-lay-ai-cuu-doanh-nghiep-779640.html

VÔ SẢN THỜI COVID

LÂM BÌNH DUY NHIÊN/ TD 10-10-2021

Câu chuyện của anh Phạm Văn Hùng cùng vợ và 15 con chó “tháo chạy” từ Long An về quê Cà Mau, đã mang lại sự cảm động nơi nhiều người.

Nhưng điều khiến chúng ta căm phẫn chính là đàn chó của vợ chồng anh đã bị cơ quan chức năng “thủ tiêu” vì lý do chúng bị “dương tính bởi một loại virus nào đó“!

Ai tin vào khả năng và kiến thức của các nhân viên y tế cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh này?

Từ giết thú đến sát hại con người, con đường tội lỗi chẳng bao xa…

Dẫu sự thật ra sao thì đó cũng là một hành động tàn nhẫn của một chính quyền tàn bạo, từ mọi cấp độ, trong cách hành xử và đối phó với nguy hiểm.

Người dân nghèo khó vì cách phòng chống dịch của chính quyền nên tìm đường bỏ về quê. Gia tài họ vỏn vẹn gói trọn trong những gói đồ hay những con vật thân thương. Tất cả cũng chẳng còn gì sau muôn vàn khó khăn, vất vả!

Giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt nhưng không hề đưa ra một giải pháp nhân văn nào để trợ giúp người dân, nhất là giới lao động nghèo và các hãng xưởng. Bỏ mặt họ trong túng quẫn, đói khổ và căng thẳng về tâm lý chỉ nhằm chống dịch sao cho “hiệu quả” để lấy tiếng với cộng đồng quốc tế. Rất nhiều điều phi lý và nực cười trong những quyết định và chỉ thị phòng chống dịch của nhà nước. Chính quyền dường như không muốn nhìn thấy những bài học của thế giới sau hơn một năm bị Covid hoành hành!

Khi người dân chưa được tiêm vắc-xin một cách kịp thời và chỉ nhận được đôi bao mì gói, ít chai nước tương, nước mắm hay vài ký gạo để “đồng lòng chống dịch” thì những kẻ giàu có, quyền thế vẫn được ưu tiên chăm lo và tiếp tục sống trong nhung lụa. Đó chính là tột đỉnh của sự bất công!

Tựu trung chỉ có dân nghèo đã phải trả giá quá đắt cho cách chống dịch cực đoan, bảo thủ và tàn nhẫn của chế độ.

Giai cấp lao động, vô sản đã góp phần xương máu để giúp người cộng sản nắm quyền. Họ vẫn là con cờ của chế độ trong sự tuyên truyền giáo điều về “sứ mệnh và vai trò lịch sử” của họ trong “công cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản”.

Thực tế thì họ đã bị bỏ mặc vào lãng quên bởi kẻ cầm quyền. “Sống chết mặc bay”, giới cầm quyền tha hồ làm giàu trên mồ hôi và nước mắt của người nghèo! “Cuộc cách mạng vô sản” đã tạo nên một giai cấp tư sản khác, tàn nhẫn hơn, bóc lột hơn, đó chính là “giai cấp tư sản – mafia đỏ”. Những nhóm lợi ích, quan chức và thân đảng, tha hồ làm giàu một cách bất chính. Chính họ đã gây nên sự bất công giữa các tầng lớp trong xã hội. Thao túng quyền lực, kinh tế và tài chính nhằm làm giàu cho cá nhân, gia đình, tập đoàn và cho đảng mới chính là “sứ mệnh lịch sử” của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam.

Một cuộc cách mạng đẫm máu và dối trá mà nạn nhân chỉ là người nghèo, thấp cổ bé họng.

Vô sản muôn đời vẫn “vô sản”! Khốn nạn thay!

Covid 19 đã phơi bày, một lần nữa, bản chất thật, thú tính của chính quyền.

Lâm Bình Duy Nhiên

HÃY THÔI ĐI NHỮNG NGỤY BIỆN LỖI THỜI !

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 12-10-2021

Tôi vừa đọc bài: “Luận cứ phê phán quan điểm cho rằng: ‘giai cấp công nhân không thể lãnh đạo được cách mạng trong điều kiện ngày nay, chỉ có trí thức mới lãnh đạo được”. Tác giả là Đại tá, PGS TS Bùi Đình Bôn, từng là Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.

Đây là một bài đầy rẫy lỗi ngụy biện, là một đống ngôn từ sáo rỗng và dối trá từ đấu chí cuối.

Trước hết xin bàn về khái niệm lãnh đạo. Lãnh đạo là một động từ. Tiếng Pháp là Diriger, tiếng Anh là Lead, tiếng Nga phiên âm là Rukơvađit. Sự lãnh đạo là danh từ. Lãnh đạo có khi còn dùng như bổ ngữ cho một danh từ khác.

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về lãnh đạo. Tôi chưa tiếp cận được với tất cả mọi định nghĩa có trong các ngôn ngữ mà chỉ mới tham khảo được vài chục định nghĩa có trong các từ điển thông dụng và Wikipedia. Tất cả điều tôi tìm được chỉ ra rằng, lãnh đạo là hoạt động của con người đối với người khác trong phạm vi ảnh hưởng. Chỉ xin nêu ra vài thí dụ:

+ Lãnh đạo là đề ra chủ trương đường lối và động viên tổ chức thực hiện.

+ Lãnh đạo là hoạt động mà một người ảnh hưởng đến những người khác để thực hiện một mục tiêu nào đó, đồng thời hướng tổ chức tới sự gắn kết chặt chẽ.

+ Lãnh đạo tạo tầm nhìn, hoạch định chiến lược, quản lý đội nhóm bằng tầm ảnh hưởng của mình.

+ Lãnh đạo là dìu dắt và điều khiển công việc của một tổ chức để đạt được những mục tiêu mong muốn”.

[Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 2, xuất bản năm 2002) (*) không có mục từ Lãnh đạo, trong khi có các mục Lãnh chúa, Lãnh địa, Lãnh hải – trang 640].

Như vậy lãnh đạo là hoạt động của một hoặc một vài con người cụ thể, chứ không phải là hoạt động hoặc nhiệm vụ của một tổ chức, càng không phải là của một giai cấp.

Thế mà không biết từ đâu ra khái niệm “Giai cấp lãnh đạo”, gán cho giai cấp công nhân (GCCN). Phải chăng đây là một sự bịa đặt và gán ghép của một ai đó có danh vị, rồi nhiều người khác nói theo như vẹt và thành thói quen. Đến nỗi trong Từ điển Bách khoa Việt Nam cũng viết: “Trong chế độ chủ nghĩa xã hội GCCN lãnh đạo chính quyền (trang 103).

Tôi cho rằng mệnh đề “GCCN làm lãnh đạo” là một sự bịa đặt, đã lừa dối được nhiều triệu người, kể cả những người có tri thức cao, nghe theo và nhắc lại như vẹt. Không phải chỉ trong điều kiện ngày nay mà cả trong lịch sử, GCCN chưa bao giờ lãnh đạo ai cả, không thể lãnh đạo ai cả.

TS Bôn mở đầu bài viết: “Một trong những cống hiến vĩ đại nhất của Chủ nghĩa Mác Lênin là phát hiện và làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử của GCCN, giai cấp tiên tiến nhất, triệt để cách mạng nhất, giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo các tầng lớp nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, tiến hành cách mạng vô sản… GCCN đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến nhất, nó là lực lượng quyết định phá vỡ quan hệ sản xuất cũ, là giai cấp đại biểu cho sự tiến bộ của lịch sử, là giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo một phương thức sản xuất mới cao hơn”.

Về GCCN Việt nam, TS Bôn viết “Vai trò lãnh đạo của GCCN Việt Nam được củng cố và giữ vững trong những năm đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong thực tiễn vai trò tiên phong của GCCN VN đã và đang được thể hiện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội”.

Không biết viết ra những điều như trên TS Bôn có dựa vào những luận cứ có thực, có tự tin rằng đó là những sự thật hay là chỉ nhắc lại như con vẹt những điều đã được ai đó bịa đặt ra và đem nhồi sọ, tẩy não cho những người ngu tín, ngu trung.

Chỉ xin thảo luận một điều. Liệu có phải GCCN là đại diện cho nền sản xuất công nghiệp tiên tiến. Không phải. Cho như thế là một nhầm lẫn lớn, do thiếu trí tuệ mà lẫn lộn giữa hiện tượng với bản chất hay là do thủ đoạn đánh tráo khái niệm. Về việc vạch ra GCCN không thể nào là đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, tác giả Tân Tử Lăng đã chứng minh rất rõ ràng, chặt chẽ trong sách “Mao Trạch Đông – Ngàn năm công tội”.

Để tránh dài dòng tôi xin không lặp lại ở đây chứng minh của Tân Tử lăng với hy vọng rằng những người có suy nghĩ bình thường (không bị nhồi sọ) để có thể hiểu được tầng lớp nào mới thật sự đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, chứ nhất thiết không phải là công nhân, những người chủ yếu chỉ thực hiện một số thao tác trong dây chuyền sản xuất. Đúng là công nhân sử dụng máy móc, công nghệ để làm ra nhiều sản phẩm, nhưng hoạt động của họ chỉ hạn chế chủ yếu trong việc kết hợp với máy móc. Ngày nay rất nhiều hoạt động của công nhân được robot đảm nhận. Không có công nghệ và máy móc, bản thân công nhân không thể làm ra sản phẩm công nghiệp.

Ở cuối bài TS Bôn viết: “Đảng và Nhà nước cần có biện pháp hữu hiệu để củng cố, chăm lo xây dựng GCCN VN vững mạnh, chăm lo xây dựng bộ phận lãnh đạo của mình vững mạnh về mọi mặt”.

Ô hô! Giai cấp lãnh đạo làm sao, đến nỗi nào mà cần người khác chăm lo. Phải chăng họ đang tháo chạy về quê để khỏi phải chết vì đói trước khi chết vì dịch bệnh Covid (tháng 6 và tháng 10 năm 2021).

Trước đây nghe Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói về sứ mệnh lãnh đạo cách mạng của GCCN VN tôi đã bị ớn lạnh, nhưng cho qua, khi nghĩ rằng ông ta chỉ có trình độ để nói như vậy. Gần đây, tại Đại hội Công đoàn VN lần thứ XII (ngày 25/9/2018) ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vài lần nhắc đến GCCN VN đại diện cho nền sản xuất tiên tiến và là giai cấp lãnh đạo, làm cho tôi không nhịn được cười.

Rồi ông chăm chú nhìn vào bài viết sẵn và đọc : “Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta tiếp tục kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội … Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy vai trò, tiềm năng của giai cấp công nhân Việt Nam”.

Giai cấp lãnh đạo gì mà đời sống cơ cực, trình độ thấp kém đến nỗi phải nhờ người khác chăm lo, giáo dục. Rồi nữa, ông Trọng còn than thở: “Hiện nay xã hội vẫn băn khoăn trước tình trạng một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến những vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân…”

Giai cấp lãnh đạo mà như thế thì lãnh đạo được ai, làm được gì? Phải chăng những điều ông TS Bôn viết ra là từ nhận thức sai lạc của mình hay là lặp lại như vẹt lời của các ông TBT đảng.

Xin hãy nhìn vào sự thật. Tuy rằng dân trí chưa cao nhưng không còn quá thấp để chấp nhận những lời ngụy biện và lừa bịp. Nói, viết ra những điều như trên chỉ chứng tỏ sự kém cỏi về trí tuệ hoặc sự đểu giả, định tiếp tục lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin. Thực tế không hề có giai cấp lãnh đạo, nó chỉ là một khái niệm giả dối. Thực tế GCCN không hề đại diện cho nền sản xuất tiên tiến, người ta bịa ra và dùng để lừa bịp nhau.

Đành rằng việc lừa bịp này chẳng ảnh hưởng mấy đến sự phát triển của xã hội, nhưng cũng xin vạch ra, nhằm cảnh báo một hiện tượng để mọi người suy nghĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét