Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

20211020. LẮNG NGHE Ý KIẾN CỦA DÂN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

HAI KIỂU TIẾP XÚC CỬ TRI

MẠC VĂN TRANG/ TD 15-10-2021


Ảnh: VTV

Vừa xem Thời sự VTV1 thấy có 2 cách tiếp xúc cử tri của các Đại biểu quốc hội.

Cách 1. Vẫn như cũ. TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc với một nhóm cử tri “chuyên nghiệp” của quận Ba Đình. Sau khi nghe mấy cử tri lão thành cách mạng cầm giấy đọc tham luận, TBT đứng lên “phổ biến” Nghị quyết trung ương IV, khoá XIII của ĐCSVN.

Tôi có cảm giác đây không phải cuộc tiếp xúc cử tri, mà là buổi gặp thân mật giữa TBT Đảng với nhóm quần chúng hâm mộ. Bao nhiêu vấn đề nước sôi, lửa bỏng bức xúc của công dân: Nào là chống dịch, nào thất nghiệp, hàng vạn doanh nghiệp phá sản, triệu người bỏ thành phố chạy về quê, y tế, giáo dục bất cập, biển Đông bị xâm lược uy hiếp… không thấy ai nói đến. Họ được nghe TBT nói về xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh…

Cách 2. Rất mới. Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri ở Cần Thơ trực tuyến với 74 điểm phường, xã, thị trấn của TP Cần Thơ. Buổi tiếp xúc rất sinh động, các công dân ở Phường, xã, họ mặc áo phông, quần cộc, túm tụm từng nhóm và nêu câu hỏi với đại biểu Phạm Minh Chính về đủ các vấn đề dân sinh bức xúc. Nào là, sao lại ngăn sông cấm chợ? Sao không được trợ cấp? Bao giờ được tự do đi lại? 3 ngày lại test mới có giấy đi làm ăn thì ai chịu nổi? Bớt dịch rồi sao học sinh học trực tuyễn mãi?…


Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ

Tóm lại, đúng là tiếp xúc cử tri dù online, không có tay bắt mặt mừng hỉ hả như ông Trọng, nhưng người dân được nói lên nguyện vọng thật của mình, ĐBQH được nghe những tiếng nói của các tầng lớp dân chúng thật. Cuộc tiếp xúc diễn ra mấy tiếng đồng hồ chưa ngớt, có sức sống thật.

NHƯNG, vẫn là các ông Tổng bí thư đảng, ông Thủ tướng, ông Chủ tịch nước đến gặp quần chúng, chứ không thấy các ông với tư cách Đại biểu Quốc hội! Ở mỗi địa phương đều có Đoàn ĐBQH, có Trưởng đoàn ĐBQH của địa phương, nhưng trong những buổi tiếp xúc này, họ chỉ là những cô, cậu học trò ngồi nghe mấy thầy Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn xuân Phúc, Phạm Minh Chính hùng biện, giảng bài, giải đáp…

Các ông lấn át hết các ĐBQH khác, còn đâu họ mở miệng!

CÓ AI CHƠI FACEBOOK KHÔNG ?

LƯU TRỌNG VĂN/ TD 16-10-2021

Ảnh chụp màn hình báo PLTP

Đó là câu hỏi của bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh hỏi lãnh đạo tỉnh mình trong một cuộc họp.

Lần đầu tiên một uỷ viên Trung ương, một Bí thư tỉnh uỷ công khai hỏi cán bộ của mình như thế.

Và cũng lần đầu tiên một uỷ viên Trung ương công khai ca ngợi những lợi ích của diễn đàn mạng qua facebook:

Vô facebook các đồng chí nghe thông tin đa dạng lắm để thấy mình cần nỗ lực nhiều nữa, biết chỗ nào người dân còn bức xúc nhiều, bức xúc về vấn đề gì, vì sao họ bức xúc để lắng nghe. Facebook là kênh thông tin tham khảo, điều chỉnh. Cũng từ đó mình hiểu hơn được người dân của mình để kịp thời quan tâm, động viên“.

Thời đại 4.0 có được cây cầu công nghệ tuyệt vời ấy không biết nắm lấy để đến với dân mà cứ thủng thẳng ngồi bên bờ quan thở than khúc ca: Sao tao gọi đò hoài mà đò chả thưa tụi bây nhể?

Không thấy cây cầu bắc qua bờ dân, thì làm sao trực tiếp qua bờ dân, biết dân sống thế nào, muốn gì, yêu ai, căm giận ai?

Thời đại này không đồng hành với Facebook – Diễn đàn dân thì làm sao đọc được câu thơ ai oán như:

Ngủ đi em – Một hũ sành

Chỉ còn một quãng nữa thôi
Ngày mai em sẽ về nơi quê nhà
Sài Gòn lộng lẫy xa hoa
Phận làm thuê, vẫn chỉ là người dưng
Nhiễu điều đã tướp giá gương
Người chung một nước chẳng thương nổi mình
Nhớ xưa, ông Nguyễn văn Linh
Tự mình phải cứu lấy mình, em ơi!
Đêm mưa, ngày nắng rã rời
Bình tro vẫn ấm hơi người trong anh
Ngủ đi em – một hũ sành
Anh đây, em đấy mà thành thiên thu
Chốt quê như cổng nhà tù
Chúng mình như thể kẻ thù biên cương
Ôm em ngần ấy đoạn đường
Giờ lưu vong giữa quê hương của mình.

Thời đại này e ngại Facebook – Diễn đàn dân thì làm sao thấy được giọt nước mắt của lũ trẻ trên đường chạy dịch? Thì làm sao thấy được ánh mắt hoảng hốt cầu xin ai oán của người mẹ trẻ ấy khi con thơ của mình trong gió mưa phải ngủ trên lề đường? Để căm giận những kẻ vô trách nhiệm với dân.

Thời đại này coi Facebook – Diễn đàn dân là thứ nhảm nhí, thì đương nhiên trở thành các quan phụ mẫu ngạo nghễ rung đùi, tuôn những lời mà lũ nịnh thần nhan nhản tâng là “lời vàng ý ngọc” nhưng dân nhổ nước bọt coi khinh vì nó xa lạ và lố bịch với dân.

Tôi tin một người lãnh đạo như bí thư Lĩnh biết và dám công khai đề cao Facebook – Diễn đàn dân, thực sự là con người có lý tưởng và trái tim vì dân.

Dân thương bí thư Lĩnh, Lĩnh ơi! Có thể với hành động dũng cảm này số phiếu quan trường thậm thụt, nhưng bí thư Lĩnh ạ, số phiếu của tình dân sẽ đong đầy.

Vậy thì, niềm hạnh phúc của người cách mạng đúng nghĩa ở đâu?

Lưu Trọng Văn

CÂU HỎI KHÓ CỦA BÍ THƯ TỈNH ỦY ĐỒNG NAI

NGUYỄN DUY XUÂN/ TVN 18-10-2021

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Đồng Nai ngày 14/10, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy nêu câu hỏi: Lãnh đạo tỉnh có chơi Facebook không?

Một câu hỏi tưởng đơn giản nhưng có lẽ lại rất khó trả lời đối với đa số cán bộ lãnh đạo hiện nay. Tôi cam đoan sẽ có nhiều vị lúng túng. Dễ hiểu thôi, bởi trong các vị, mấy ai dám chơi Facebook, can đảm gia nhập cư dân mạng?

Câu hỏi khó của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh. Ảnh: Xuân An

Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung từ khi du nhập vào xứ ta đã gặp phải sự thờ ơ, e ngại của không ít vị cán bộ lãnh đạo, thậm chí có vị còn cho là thế lực thù địch. Chả thế mà có người còn muốn “kéo” đám mây điện toán về Việt Nam để dễ bề quản lý không gian mạng.

Vì sao lãnh đạo lại ngại mạng xã hội đến thế?

Có người bảo do họ kém công nghệ. Làm gì có chuyện đó. Facebook, Youtube… rất dễ sử dụng vì đều là mạng xã hội, dành cho mọi người, cho mọi đối tượng và lứa tuổi. Bà Tân Vlog, một người đàn bà U60 chân quê mà còn biết lên sóng mạng truyền cảm hứng cho hàng triệu người thì các vị với trình độ cao siêu, toàn là thạc sỹ, tiến sỹ, sao lại không biết dùng mạng xã hội được?

Vậy thì, căn nguyên từ đâu?

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng: “Vô Facebook các đồng chí nghe thông tin đa dạng lắm để thấy mình cần nỗ lực nhiều nữa, biết chỗ nào người dân còn bức xúc nhiều, bức xúc về vấn đề gì, vì sao họ bức xúc để lắng nghe. Facebook là kênh thông tin tham khảo, điều chỉnh. Cũng từ đó mình hiểu hơn được người dân của mình để kịp thời quan tâm, động viên". Và ông kêu gọi: “Lãnh đạo tỉnh nên vào Facebook để biết dân cần gì”.

Có lẽ đây là lần đầu tiên, có một vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh, một uỷ viên Trung ương công khai hỏi cán bộ của mình về việc sử dụng mạng xã hội, công khai ca ngợi những lợi ích của diễn đàn mạng.

Có thể khái quát lợi ích của việc “chơi” Facebook từ nhận xét trên của Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh trong mấy từ: nghe - thấy - hiểu - chia sẻ - điều chỉnh. Nghe những gì dân nói, dân tâm tư; thấy những gì dân phản ánh từ đó mà hiểu dân, đồng cảm, chia sẻ, động viên dân và quan trọng hơn là điều chỉnh cách tổ chức, quản lý xã hội trong phạm vi mình phụ trách nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho dân. 

“Vi hành” vào mạng xã hội sẽ biết dân cần gì

Rõ là chơi “phây” có lợi cho nhà quản lý. Và mạng xã hội, nếu có mặt trái thì đấy cũng là dấu hiệu nhắc nhở người cán bộ đảng viên phải có trách nhiệm để góp phần hạn chế những tiêu cực, phản văn hóa vẫn diễn ra hằng ngày trên không gian mạng.

Thờ ơ, e ngại mạng xã hội, chỉ có thể là cách hành xử của những người vô cảm bởi họ sợ đối mặt với sự thật, sợ lộ cái yếu kém trong năng lực lãnh đạo của mình. Người khiến cho họ sợ, co mình lại trong vỏ bọc an toàn để giữ yên ghế là dân, là tiếng nói phản biện của rất nhiều người có trách nhiệm và tâm huyết với đất nước.

Nếu e ngại mạng xã hội, làm sao hiểu hết được muôn nỗi khó khăn, cơ cực mà người dân phải gánh chịu trong cơn đại dịch Covid-19? Làm sao thấu cảm với dân nếu không chứng kiến hình ảnh những em bé vừa lọt lòng, hay mới 2-3 tuổi đã phải theo cha mẹ trải bao nắng mưa, gió bão, bất kể ngày đêm vượt hàng ngàn cây số trên những chiếc xe máy cà tàng chạy về quê lánh dịch? Làm sao biết nỗi đau đến tận cùng của bao người mất cha, mất mẹ, mất người thân trong bão lũ, thiên tai cũng như dịch bệnh? Làm sao hiểu được nỗi vất vả, cực nhọc, hiểm nguy mà hàng ngàn chiến sỹ, nhân viên y tế, tình nguyện viên phải đối mặt hàng tháng trời nơi tuyến đầu chống dịch?

Tôi nghĩ, nếu trong những đợt dịch căng thẳng vừa qua, lãnh đạo chịu khó “vi hành” vào mạng xã hội sẽ biết được dân nghĩ gì, cần gì giữa cuồng phong đại dịch. Và như thế, sẽ không có những lúng túng trong cách xử trí, những quyết định vừa ban ra đã phải thu lại…

Muốn đồng hành cùng dân, gần dân thì phải biết lắng nghe, cầu thị; phải loại bỏ thái độ coi Facebook - diễn đàn Dân - là thứ nhảm nhí.

Nhìn ra thế giới, nhiều nguyên thủ quốc gia như Chủ tịch Cuba Miguel Díaz, các cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Donald Trump, nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Giáo hoàng Francis… đều “chơi” mạng xã hội.

Ở ta, Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng “chơi” Facebook. Thông điệp đầu tiên ông gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên sau khi nhậm chức vài ngày là tâm thư đăng trên trang cá nhân thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận trong và ngoài ngành.

Các chính khách nói trên sử dụng mạng xã hội như một "vũ khí" quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại của mình; là phương cách hiệu quả để tương tác với công chúng, tạo sự gần gũi với người dân, qua đó xây dựng hình ảnh thân thiện trong con mắt nhân dân.

Thông qua mạng xã hội, các nhà lãnh đạo kiểm chứng chính sách, phán quyết của chính quyền; đo được phản ứng của dư luận để kịp thời điều chỉnh đường lối và hành vi quản lý.

Hy vọng, từ lời khuyên của Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh, sẽ có nhiều cán bộ lãnh đạo chọn cho mình con đường gần nhất, nhanh nhất, tiện nhất để đến với dân, tiếp dân, lắng nghe dân hằng ngày, hằng giờ, đó là mạng xã hội.

Nguyễn Duy Xuân


'MUỐN LÀM ĐƯỢC VIỆC, NGƯỜI LÃNH ĐẠO ĐỪNG NHÌN XUỐNG 

4 CHÂN GHẾ'

QUỐC PHONG/ TVN 13-10-2021

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với ông Nguyễn Bá Thanh, khi Quảng Nam - Đà Nẵng vừa chia tách tỉnh rằng: “Muốn làm được việc, người lãnh đạo đừng bao giờ nhìn xuống 4 chân ghế mà phải nghĩ mình sẽ làm được gì cho dân”.

Khi đó, ông Bá Thanh được đưa sang làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Đó là bữa ông Bá Thanh đến chào ông Kiệt và xin ông có lời khuyên để giúp thành phố phát triển.

Ngẫm lại chuyện cũ với những gì diễn ra trong cuộc chiến chống đại dịch, tôi càng hiểu vì sao biện pháp phòng chống dịch của các tỉnh thành trong cả nước lại không giống nhau, nhiều khi còn “vênh” đến độ khó hiểu.

Muốn làm được việc, người lãnh đạo đừng nhìn xuống 4 chân ghế
Trong ngày đầu mở cửa thí điểm đường bay nội địa (10/10), đã có 19 chuyến bay cất và hạ cánh tại Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tuấn Kiệt

Dè dặt, thận trọng thái quá

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao quyền tự quyết cho các địa phương và người đứng đầu mỗi nơi phải tự chịu trách nhiệm trước công việc mà mình chỉ đạo. 

Chúng ta cũng có thể chia sẻ với một số lãnh đạo địa phương khi thấy đâu đó trong cách làm có những lúc họ tỏ ra khá dè dặt.

Bộ Chính trị vừa chính thức ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Chúng ta đang trải qua hơn 5 tháng chiến đấu với biến chủng Delta đầy nguy hiểm; cũng chứng kiến sự kiệt sức của nền kinh tế nước nhà khi phải căng mình chống dịch nhưng cũng vẫn cố gắng hạn chế tổn thất để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất - cung ứng - thị trường. 

Chúng ta vừa phải chứng kiến cảnh dân “nín thở” chờ ngày giảm bớt giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành và cuối cùng, trong khoảng chục ngày qua là sự bất lực trước cảnh dân lao động trở về quê bằng mọi cách… Nếu chúng ta có sự chủ động và chuẩn bị trước thật kỹ sẽ có cách đưa họ trở về an toàn chứ không đến mức như vừa qua.

Rồi chỉ một tỉnh như Đồng Tháp, với cả trăm ngàn người trở về, tỉnh tổ chức thăm dò đã có đến 35% tuyên bố sẽ không trở lại thành phố dù dịch kết thúc. Điều này sẽ là gánh nặng sắp tới cho địa phương vì phải tìm và giới thiệu việc làm cho họ. Chưa kể trước đó tỉnh này đã có hàng trăm ngàn người thiếu việc làm và tỉnh cũng quyết tâm lắm mà chưa giải quyết xong.

Việc mỗi tỉnh có cách nhìn, một hướng giải quyết khác nhau về đón hay từ chối người trở về quê thật không ổn. Bên cạnh Phú Yên, Ninh Bình… đón người dân trở về chu đáo thì cũng có tỉnh từ chối thẳng thừng. Cách phòng chống dịch cũng có chuyện. Tình trạng cát cứ, cô lập giữa tỉnh này với tỉnh lân cận nhiều khi gây khó cho lưu thông hàng hoá.

Muốn làm được việc, người lãnh đạo đừng nhìn xuống 4 chân ghế
Hành khách đến sân bay Nội Bài trên chuyến bay do tỉnh Vĩnh Phúc bố trí trong chương trình đón công dân từ vùng dịch phía Nam trở về quê hương. Ảnh: Trà Hương

Để tiến tới trạng thái bình thường mới

Đó cũng chỉ là “việc nhỏ” trong vô vàn thứ khác cần mở nhưng chậm. Ví dụ như lĩnh vực vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt. Như ngành hàng không, hầu hết các hãng bay đang vay nợ và rất khó trả vì không có nguồn thu. Ngành gửi văn bản cho các địa phương xin ý kiến mà sau cả tuần cũng chỉ có chục tỉnh, thành phố hồi âm và không phải tỉnh thành nào cũng ủng hộ.

Muốn làm được việc, người lãnh đạo đừng nhìn xuống 4 chân ghế
Thành công ban đầu ở Phuket giúp Thái Lan mở rộng ra các điểm đến khác

Trong khi đó, nhiều nước đang hối hả tìm nhiều giải pháp để phục hồi. Chẳng hạn như Thái Lan. Họ chờ du khách vào Phuket nghỉ mát theo lối khép kín nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Sau 7 ngày nghỉ yên tại chỗ, chính quyền chấp nhận cho họ được vào sâu đất liền trong cả nước. Vậy thôi mà sau ít ngày họ đã có nguồn thu cả trăm triệu USD.

Nước nào chậm chân vì quá thận trọng sẽ bị thua thiệt bởi lúc này, sự khao khát thay đổi không khí của du khách trên thế giới là cực lớn.

TP.HCM đã mở, sao Hà Nội phải lo lắng? Nếu trung bình số ca nhiễm của đợt 1 giãn cách là 71,2 ca/ngày, thì tính từ 21/9 đến nay, số ca mắc chỉ còn 5-7 ca/ngày. 

Theo thống kê đến nay, Hà Nội đã tiêm được 8,68 triệu mũi, đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TP.HCM với hơn 12 triệu liều. Bộ Y tế cũng đã khẳng định quan điểm Hà Nội tiếp tục được ưu tiên phân bổ vắc xin thời gian tới.

Tất cả những yếu tố trên được xem là thuận lợi để Hà Nội có thể trở thành địa phương tiên phong mở cửa các hoạt động. Song, trong buổi tiếp xúc cử tri chiều 6/9, trước kiến nghị của cử tri về việc cho phép trẻ em đi học trở lại hay việc mở lại hàng không, đường sắt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhiều lần nhấn mạnh “cân nhắc một cách thận trọng” hay mở phải “theo lộ trình”.

Cho rằng thận trọng là cần thiết, song theo TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hà Nội không nên quá thận trọng với việc nới lỏng thêm hoạt động, bởi tỷ lệ tiêm chủng đã ở mức cao.

Theo chuyên gia dịch tễ này, TP chỉ còn 1 ổ dịch nguy cơ cao là bệnh viện Việt-Đức song đã được phong tỏa. Ổ dịch này có thể coi như một sự cố trong phòng dịch tại bệnh viện, nguy cơ lây lan ra cộng đồng không cao. Đặc biệt, hơn nửa tháng qua, một vài ca cộng đồng vẫn xuất hiện lốm đốm, cho thấy không thể “Zero Covid”, Hà Nội phải chấp nhận sống chung và tiếp tục chiến lược khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp. 

TS Nguyễn Huy Nga cũng đề xuất TP nên cho phép trẻ em đến trường mà không cần phải đợi tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-18 tuổi, hay phủ vắc xin mũi 2 cho người dân vì sẽ phải chờ đợi quá lâu. Lý do, trẻ em nếu lây nhiễm Covid-19 không nặng bằng sởi hay thủy đậu, mức độ tác động của virus với trẻ càng nhỏ thì triệu chứng càng nhẹ. Để đảm bảo an toàn, TP có thể tạo các “bong bóng trường học”, tức là thầy cô giáo và nhân viên trong trường phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện nghiêm ngặt 5K, sẽ tạo được khu vực an toàn, không có nguy cơ lây nhiễm…

Chuyện ông Võ Văn Kiệt và ông Nguyễn Bá Thanh 

Trở lại chuyện cũ của Đà Nẵng, chúng ta đã thấy, với sự bứt phá ngoạn mục với một thời gian ngắn mà được như bây giờ, không thể không nhắc tới vai trò cá nhân ông Bá Thanh.

Sau những năm Đà Nẵng “sóng gió nơi chính trường” cho thấy cả hai mặt. Mặt nào mà ông làm vì sự phát triển của TP thì trung ương và địa phương luôn ghi nhận, đánh giá cao. Những gì ông cùng một dàn lãnh đạo đương thời làm chưa đúng, vi phạm thì đương nhiên cũng đã rõ. Nhưng dù có thế nào thì ông cũng đã để lại một “dấu ấn Nguyễn Bá Thanh” trên nhiều bình diện.

Những lời khuyên chân tình, thẳng thắn của ông Võ Văn Kiệt năm xưa với ông Nguyễn Bá Thanh theo tôi, đều xuất phát từ một nhà lãnh đạo chân tình, trung thực từng một lòng vì dân, vì nước tuyệt vời như ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt.

Trong sự nghiệp chính trị của mình, không ít lần ông Võ Văn Kiệt đã có những quyết định mạnh mẽ, táo bạo nhưng khá nhạy cảm. Đó là chuyện sau ngày giải phóng ít năm, thấy cảnh nhiều gia đình trí thức nổi tiếng vượt biên, khi tỉnh bạn bắt được, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đều cho người đến xin về “để chính quyền TP.HCM thụ lý”. Thế nhưng ông chẳng bắt bớ một ai mà họ về với lời khuyên chân thành: hãy ráng chịu đựng thêm một thời gian nữa. Nếu đời sống không khá hơn thì lúc đó, ông hứa dứt khoát, sẽ tạo điều kiện cho lên máy bay ra đi đàng hoàng.

Đó là trường hợp ông vào trại giam thăm kỹ sư ngành dệt Phạm Văn Hai, người rất giỏi chuyên môn mà đất nước đang cần. Ông đã nói như thế và rồi bảo lãnh cho ông Hai được thả ra. Sau đó ông kêu thư ký đi làm lại hộ khẩu cho họ (theo cuốn “Ông Sáu Dân trong lòng dân”/NXB Tri thức).

Ông đã dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước những quyết định quá ư khó khăn nhưng thấm đẫm tình người này…

Rồi cả chuyện hệ trọng về phát triển kinh tế mà ông gặp phải với tư cách là Thủ tướng. Ông đã thuyết phục Bộ Chính trị và Quốc hội cho phép làm đường dây điện cao áp 500KV Bắc - Nam khi còn rất nhiều lực cản. Thành công có được quả là một kỳ tích, nếu thất bại thì xem như ông cũng khó trụ nổi cương vị Thủ tướng.

Hy vọng với việc Đảng ta có Kết luận 14/ KL-TW của Bộ Chính trị hỗ trợ, sẻ chia, bảo vệ thì đất nước sẽ xuất hiện được những vị lãnh đạo như thế.

Quốc Phong 

BÍ THƯ, CHỦ TỊCH TỈNH TIẾP DÂN KHÔNG PHẢI ĐỂ GHI ĐIỂM

THU HẰNG th/ TVN 19-10-2021

Bí thư, chủ tịch tỉnh tiếp dân không phải để ghi điểm, ghi danh, mà để nghe người dân phản ánh vụ việc, vấn đề, từ đó ra chủ trương, biện pháp giải quyết.

Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nội dung được đưa ra báo cáo tại kỳ họp Quốc hội tới đây và cũng là chuyên đề được Ủy ban Thường vụ giám sát trong thời gian tới. VietNamNet trao đổi với Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Hồng Điệp về vấn đề này.

Người dân còn kêu “khó gặp” chủ tịch tỉnh

Báo cáo giám sát của MTTQ về công tác tiếp dân cho thấy có nhiều Chủ tịch tỉnh không tiếp dân trong 18 tháng liên tục. Câu chuyện lãnh đạo “lười tiếp dân” cũng được nhiều lần nêu trước diễn đàn Quốc hội. Ông suy nghĩ sao về thực trạng này?

Tôi cho rằng nếu áp dụng “cứng” quy định thì năm 2021 tỷ lệ lãnh đạo địa phương tiếp dân định kỳ giảm rõ rệt. Một số địa phương theo như các đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, chủ tịch tỉnh không tiếp dân mà ủy quyền cho cấp phó, thậm chí cho giám đốc sở.

Kể cả cán bộ cấp sở cũng lười tiếp dân, tiếp dân không đúng, hình thức chỉ là để đủ báo cáo gửi Chính phủ. Như vậy là thiếu trách nhiệm với người dân.

Bí thư, chủ tịch tỉnh tiếp dân không phải để ghi điểm
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp. Ảnh: T.H

Bí thư, chủ tịch tỉnh tiếp dân không phải để ghi điểm, ghi danh, mà để nghe người dân phản ánh vụ việc để ra chủ trương, biện pháp giải quyết.

Với khiếu nại, tố cáo, bí thư, chủ tịch tỉnh nào cũng mong giải quyết dứt điểm, nhưng có nơi ngại va chạm, sợ sửa sai, sợ giải quyết quyền lợi cho người dân thì “dắt dây” phát sinh vụ việc mới nên né tránh, không tiếp dân, đối thoại với dân.

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều lãnh đạo không tiếp dân ở trụ sở mà xuống vùng dịch để giải quyết các bức xúc hàng ngày của người dân. Năm nay, tiếp dân phục vụ cho phòng, chống dịch phải ưu tiên.

Có bao giờ ông nghe người dân phàn nàn "gặp lãnh đạo tỉnh" khó quá?

Trong một lần Tổng Thanh tra tiếp dân, tôi nghe người dân phản ảnh “8 năm rồi mới được gặp phó chủ tịch”. Nếu không có cuộc tiếp của Tổng Thanh tra thì chắc người dân “khó gặp” chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh. 

Hay như khi tổ công tác của Thủ tướng khi đó là Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm tổ trưởng đến một địa phương làm việc, bí thư và chủ tịch hứa sẽ tiếp dân, giải quyết dứt điểm vụ việc. Thế nhưng nhiều lần người dân lên đây (Ban Tiếp dân Trung ương) đề nghị vẫn không được gặp chủ tịch, bí thư và đến giờ vụ việc vẫn chưa giải quyết xong.

Rất nhiều vụ việc mà Ban Tiếp công dân Trung ương có văn bản xuống đề nghị lãnh đạo địa phương đối thoại, tiếp dân nhưng tôi phải dùng từ “khó gặp” lãnh đạo địa phương. Người dân nói, sao lên đây gặp mấy ông dễ thế mà về địa phương gặp phó chủ tịch thôi cũng khó khăn. Những việc như thế khiến người dân bức xúc, gửi đơn thư vượt tuyến lên Trung ương.

Trong đợt dịch này, TP.HCM có cách tiếp dân theo hình thức trực tuyến “dân hỏi - TP trả lời”. Theo ông mô hình này có nên nhân rộng ra các tỉnh, thành khác?

Tôi cho cách làm này rất tốt! Nếu TP.HCM và các địa phương tiếp dân theo hình thức “dân hỏi - TP trả lời” cả trong ngày thường thì tốt biết mấy.

Người dân gọi điện, nhắn tin mà lãnh đạo nghe, trả lời thì họ tin tưởng lắm, dù chưa biết kết quả giải quyết ra sao. Như thế, khiếu nại, tố cáo và bức xúc của người dân sẽ giảm rõ rệt bởi họ thấy mình được tôn trọng.

Mang quyền lực áp đặt, cưỡng chế thì hệ quả khó giải quyết

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Phó Tổng thanh tra Chính phủ dự báo, trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục diễn biến phức tạp, có khả năng tăng cao sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội? Vậy theo ông, làm sao để ứng phó với thực tế này, tránh những vụ việc phức tạp?

Do đại dịch nên công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng bị giãn cách, chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên. Đi cùng với đó là kết quả không được như mong muốn kể cả phía người dân và cơ quan Nhà nước.

Chỉ tính riêng các vụ khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài, cả nước có trên 900 vụ đã và đang tiến hành rà soát.

Khiếu nại, tố cáo của người dân hiện như “lò xo” đang bị nén, nếu không có kịch bản ứng phó sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì tình hình sẽ diễn biến phức tạp, có thể bùng lên và các cơ quan ở Trung ương sẽ đón nhiều đoàn công dân lên khiếu kiện hơn.

Trên cơ sở kết quả rà soát này, tới đây, vụ việc nào đã giải quyết đúng thì các cơ quan thống nhất trả lời, giải thích, vận động người dân thực hiện. Vụ việc nào chưa giải quyết đúng thì địa phương tự xem lại, hoặc Thanh tra Chính phủ báo cáo kiến nghị Thủ tướng giao các bộ, ngành chủ trì xem xét lại…

Ngoài ra, theo tôi, nếu công tác phòng, chống dịch không thực hiện tốt sẽ xuất hiện các khiếu nại, tố cáo mới liên quan đến thực hiện chính sách hỗ trợ không công bằng, thiếu minh bạch…

Vì thế, Tổng Thanh tra đã giao Ban Tiếp công dân Trung ương, các cục địa bàn nắm chắc tình hình và xây dựng phương án. Riêng Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã xây dựng phương án để đón tiếp người dân sau dịch, cũng như phối hợp với địa phương rà soát các vụ việc.

Chúng tôi đã kiến nghị Tổng Thanh tra xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định về thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để tránh chuyển đơn lòng vòng, gây khó khăn cho người dân, cơ quan giải quyết, làm phức tạp thêm tình hình.

Chúng tôi cũng đề nghị Tổng Thanh tra chỉ đạo tăng cường tiếp dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương phía Nam; đề xuất tiếp dân trực tuyến.

Là cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm?

Quan điểm của tôi, để khiếu nại, tố cáo tiếp tục giảm thì các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương phải thống nhất “4 đến cùng”.

Đầu tiên là giải quyết đến cùng. Tức là, phải tập trung giải quyết đến cùng vụ việc chứ không phải chỉ hết thẩm quyền.

Thứ hai là giải thích đến cùng. Tiếp dân, giải quyết đúng pháp luật, thấu lý đạt tình rồi mà người dân vẫn tiếp khiếu thì giải thích đi, giải thích lại. Đừng bắt người dân phải hiểu biết như cán bộ.

Thứ ba là hỗ trợ đến cùng. Như khi thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân, khiến họ không có công ăn việc làm... thì hỗ trợ đến cùng, bảo đảm an sinh cho người dân.

Thứ tư là xử lý vi phạm đến cùng. Người dân làm sai thì xử lý, nhưng quan trọng hơn là phải xử lý đến cùng cán bộ vi phạm. Không thể cán bộ vi phạm chỗ này thì chuyển sang vị trí khác tương đương, thậm chí lên cao hơn.

Để làm tốt căn cơ, ngoài hoàn thiện pháp luật thì công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan Nhà nước rất quan trọng như công khai dự án, quy hoạch…

Khi thực hiện những dự án phát triển kinh tế - xã hội, người dân bị ảnh hưởng quyền lợi mà chưa đồng tình cao thì phải biết chờ đợi, lắng nghe, vận động để người dân ủng hộ. Còn mang quyền lực của Nhà nước để áp đặt, cưỡng chế thì hệ quả sẽ như những vụ việc phức tạp mà đến giờ chúng ta vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Thu Hằng (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét