Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

20211015. ĐẠI HỌC ĐÀO TẠO TRÀN LAN, XA RỜI SỨ MỆNH

 ĐIỂM BÁO MẠNG


GS TRẦN HỒNG QUÂN: ĐÀO TẠO DÀN TRẢI, XA RỜI SỨ MỆNH THÌ KHÔNG THỂ TẠO UY TÍN

PHẠM MINH th/ GDVN 23-9-2021

GDVN- Giáo sư Trần Hồng Quân nhận định, trường đại học cần thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học để giải quyết đồng thời bài toán nguồn thu và chất lượng.

Việc công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là yêu cầu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra cho các cơ sở giáo dục đại học từ năm 2018. Số liệu này là một trong những căn cứ quan trọng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đồng thời cũng liên quan đến vấn đề kiểm định chất lượng của các trường đại học.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng, muốn đào tạo phù hợp với nhu cầu lao động xã hội thì việc tuyển sinh, cơ cấu ngành nghề trong các trường phải được xác định bằng cách khảo sát, điều tra từ nhu cầu thực tế.

Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Ngọc Quang)

PV: Nhiều trường đại học đã công bố tỷ lệ cử nhân có việc làm trong 1 năm từ khi tốt nghiệp với con số rất đẹp, từ 80-100%. Làm sao để biết số liệu công bố là chính xác hay không và việc kiểm soát phải được thực hiện như thế nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Rất khó để nói về độ xác thực của những con số đó. Song, ngoài nhiệm vụ công khai chính xác số liệu nói trên thì việc khảo sát phải được thực hiện cụ thể hơn, chuyên nghiệp hơn.

Chúng ta đề cập đến số lượng sinh viên ra trường có việc làm, nhưng đó là công việc gì, có đúng với ngành nghề đào tạo hay không, và có tương xứng, phù hợp với trình độ anh đã được đào tạo?

Ví dụ tốt nghiệp kỹ sư nhưng ra trường đi làm công nhân, làm văn phòng hay công việc bảo vệ thì chúng ta thống kê như thế nào, liệu có xếp vào nhóm sinh viên tốt nghiệp có việc làm hay không?

Rõ ràng, chỉ có con số việc làm thôi là chưa đủ, phải khảo sát theo từng ngành, xác định rõ sinh viên tốt nghiệp có làm công việc đúng ngành và tương xứng với trình độ đào tạo. Đây mới là minh chứng cụ thể để biết mức độ phù hợp của hoạt động đào tạo so với nhu cầu thực tế của xã hội.

Để kiểm soát vấn đề này cũng là một bài toán khó nhưng không có nghĩa không thực hiện được. Tôi cho rằng, chúng ta phải kiểm soát bằng những biện pháp, cách thức khác nhau, đừng chỉ trông chờ vào số liệu mà các trường báo cáo.

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công khai các số liệu của trường đại học là nhiệm vụ cần làm của cơ quan quản lý. Nhưng ngoài số lượng, chúng ta cũng cần quan tâm đến chất lượng nguồn lao động đã được đào tạo như thế nào.

Phải đến trực tiếp những đơn vị đang sử dụng lao động của các trường để đánh giá chất lượng nhân lực, có thể sẽ không có con số định lượng cụ thể nhưng ít ra sẽ có đánh giá tổng quát chất lượng đào tạo, có phù hợp hay không, đạt hay không đạt.

Một điều cần lưu ý là chúng ta không nên đánh giá một cách cứng nhắc về chất lượng đào tạo của trường qua hoạt động khảo sát lao động. Ví dụ, khi doanh nghiệp cho rằng họ phải bồi dưỡng cho nguồn lao động này mới đáp ứng được công việc thì đó không phải là cơ sở để đánh giá. Bởi lẽ, rất ít cử nhân vừa tốt nghiệp, đảm nhận 1 vị trí công việc mà làm tốt ngay được.

Nhà trường cung cấp năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng cơ bản, nếu trong thời gian ngắn, cử nhân có thể học việc, hoàn thành nhiệm vụ công việc thì như vậy là đã đạt yêu cầu rồi. Nghĩa là chúng ta phải đánh giá một cách khách quan, linh động, thực tế về chất lượng nhân lực lao động, chất lượng đào của các trường.

Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý phải làm, khảo sát từ thực tế để nắm bắt được xu thế chung, để có cơ sở mà so sánh, đánh giá đào tạo của các trường đại học có sát thực tế hay không.

PV: Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm liên quan đến chỉ tiêu tuyển sinh cũng như vấn đề kiểm định chất lượng của các trường đại học. Thưa Giáo sư, vì liên quan trực tiếp tới quyền lợi nên dư luận có lý khi đặt ra nghi ngại là sẽ có trường làm đẹp kết quả công bố?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Muốn đào tạo phù hợp với nhu cầu lao động xã hội thì việc tuyển sinh, cơ cấu ngành nghề trong các trường phải được xác định bằng cách khảo sát, điều tra từ nhu cầu thực tế của từng ngành nghề.

Nếu không có sự cân bằng, phù hợp đó thì dù trường có đào tạo chất lượng đi chăng nữa, sinh viên ra trường cũng không có việc làm.

Ngoài ra, chương trình, nội dung đào tạo cũng phải cập nhật được những yêu cầu về sự phát triển của khoa học công nghệ. Nếu anh học đúng ngành nghề, phù hợp với nhu cầu lao động xã hội nhưng nội dung và chương trình đào tạo không đảm bảo chất lượng thì khi ra trường, anh không thể đáp ứng được yêu cầu công việc, không thể làm việc hiệu quả.

Đối với kiểm định chất lượng giáo dục đại học, có hệ thống tiêu chí rõ ràng và nó liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Số liệu về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá chương trình, đánh giá chất lượng của trường.

Ngoài ra, điều kiện đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, nội dung chương trình,... đó cũng là những tiêu chí để đánh giá chất lượng. Và câu chuyện về số lượng sinh viên ra trường có việc làm chính là cơ sở để đánh giá chất lượng đầu ra.

Như tôi đã nói rất khó để xác thực số liệu, cần khảo sát, đánh giá bằng những cách khác nhau để có kết quả khách quan nhất; cần có biện pháp chấn chỉnh nếu phát hiện những số liệu ấy không đúng.

PV: Mấy năm qua đã có không ít ý kiến về việc nhiều trường đại học công lập mở ngành tràn lan, không đúng thế mạnh, sứ mệnh thành lập. Theo Giáo sư, liệu đây có phải là một vấn đề đáng lo ngại?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Thực tế, đây là vấn đề của xã hội chứ không phải là vấn đề của riêng các cơ sở giáo dục. Một số ngành nghề không nhiều triển vọng, lương thấp, công việc vất vả nên không thu hút được người học và đó là sự lựa chọn của người học.

Bên cạnh đó, có một thực tế là, nếu một lĩnh vực kinh tế không phát triển, không bắt kịp xu hướng hiện đại hóa và còn lạc hậu thì những ngành nghề liên quan sẽ rất khó để tuyển sinh.

Như ngành lâm nghiệp ở nước ta hiện khó để tuyển sinh nhưng ở một số nước châu Âu thì đây là một ngành cực kỳ hấp dẫn, đơn giản vì lâm nghiệp của họ rất phát triển, họ đầu tư, ứng dụng công nghệ trong lai tạo giống cây, trồng rừng và bảo vệ rừng rất khoa học.

Không riêng ngành lâm nghiệp mà ngành nông nghiệp ở nước ta cũng chưa đủ sức hấp dẫn với người học, vì chúng ta không ứng dụng và phát triển công nghệ cao, chưa đầu tư mạnh cho nền kinh tế nông nghiệp.

Chúng ta chưa hiện đại hóa nền nông nghiệp, không đưa công nghệ mới vào canh tác, chăn nuôi, không nâng cao năng suất trên lao động và diện tích, như vậy thì những kỹ sư nông nghiệp khó có môi trường làm việc tốt. Đó là lý do nhiều người né tránh những ngành này, họ theo nhu cầu nhân sự của thị trường lao động và học những ngành học khác.

Đây là vấn đề tác động qua lại giữa nhà trường và xã hội chứ không hoàn toàn do nhà trường, cũng không thể phản đối việc sinh viên các trường đào tạo nông nghiệp học kế toán hay những ngành nghề khác.

Tất nhiên, dù chịu sự chi phối của kinh tế - xã hội nhưng bản thân các trường mở các ngành đào tạo thì phải tạo được sự hấp dẫn. Sự hấp dẫn không phải chỉ để thu hút người học mà phải có được từ sự phát triển, chất lượng đào tạo của ngành nghề đó ở trường. Phải dùng chất lượng đào tạo, uy tín đào tạo để thu hút người học. Mỗi trường khi thành lập đều có tầm nhìn sứ mệnh riêng, nếu cứ đào tạo dàn trải, không tập trung vào thế mạnh thì không thể tạo uy tín được.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, trường đại học công lập tuyển sinh và đào tạo dàn trải thì không phát huy được sứ mệnh, đồng thời cũng gây ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh của các trường đại học tư thục. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Giữa trường công và trường tư là hai mô hình khác nhau nên nếu trường công lập mở nhiều ngành, tăng chỉ tiêu tuyển sinh thì các trường tư thục cũng sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, bản thân các trường tư cũng phải tự mình vươn lên, khẳng định chất lượng đào, xây dựng uy tín của mình, như vậy sẽ không còn lo lắng về vấn đề tuyển sinh.

Không phân biệt là trường công hay trường tư, các cơ sở giáo dục đều phải đảm bảo được chất lượng đào tạo của mình.

Khó khăn hiện nay là các trường còn quá phụ thuộc vào số lượng tuyển sinh, vì nguồn thu từ học phí là chính. Vì sự hạn chế này nên họ phải tìm cách tuyển nhiều sinh viên, càng có nhiều sinh viên thì mới có nguồn thu cho trường.

Tuy nhiên, các trường đại học cũng phải tìm phương án, đừng xem học phí là nguồn thu duy nhất, đừng đặt chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo và làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Ngoài học phí, các trường còn cần phải tăng cường nghiên cứu khoa học, thực hiện chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để tăng nguồn thu cho trường.

Song song với hoạt động giảng dạy, cần thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, trường đại học mà không nghiên cứu khoa học thì không thể phát triển, không thể đảm bảo về chất lượng.

Nếu lệ thuộc vào học phí thì trường chỉ chú trọng vào xu thế để tuyển sinh. Nhưng nếu thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ này, các trường sẽ giải quyết được đồng thời bài toán về chất lượng và nguồn thu.

Chúng ta cũng cần phải hiểu rằng, các trường muốn phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, họ cần phải có thời gian, điều kiện, đặc biệt phải có đội ngũ các nhà nghiên cứu giỏi, có sự đầu tư dài hạn.

Hoạt động nghiên cứu cần sự tham gia của cả giảng viên và sinh viên. Làm được điều này, các trường đại học mới thực sự phát huy đúng vai trò của mình, là cái nôi của nghiên cứu khoa học và đưa xã hội phát triển đi lên.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Phạm Minh (Thực hiện)
THỐNG KÊ SINH VIÊN  TÌM ĐƯỢC VIỆC LÀM SAU TỐT NGHIỆP CÓ 
PHẢI SỐ LIỆU THẬT ?
PHẠM MINH th/ GDVN 22-9-2021
GDVN- Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học phải căn cứ vào số liệu sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp hằng năm.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2018, các trường đại học phải công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trước khi công bố chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh.

Đây là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, là cơ sở quan trọng để thí sinh đưa ra lựa chọn ngành học và trường học.

Vấn đề đặt ra là, tỷ lệ cử nhân có việc làm đúng ngành học được các trường công bố có thực sự là thống kê chuẩn xác hay còn mang tính hình thức?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, nếu các trường thực sự muốn xây dựng uy tín, vì lợi ích của người học thì phải công bố chính xác số liệu này và sẵn sàng giải trình với bất kỳ thắc mắc nào.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

PV: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường công bố tỷ lệ cử nhân tìm được việc làm 1 năm sau khi tốt nghiệp từ năm 2018, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét về số liệu đã chính xác chưa? Ông nghĩ sao về điều này?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Xã hội hoàn toàn có cơ sở để đặt ra những nghi vấn liên quan đến công bố của các trường đại học về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Trong báo cáo của đa số các trường đại học, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường rất cao. Tuy nhiên, hằng năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều công bố hàng ngàn cử nhân trình độ đại học thất nghiệp, một số chỉ làm những công việc giản đơn không liên quan tới ngành nghề được đào tạo như phục vụ nhà hàng, chạy xe công nghệ chở khách, chở hàng...

Rõ ràng, khi đặt số liệu của các trường công bố so với số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê thì có sự chênh lệch. Điều này đặt ra hoài nghi về công bố của các trường đại học cũng là điều dễ hiểu.

PV: Thưa ông, việc công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp có ý nghĩa như thế nào đối với người học, với bản thân nhà trường và các cơ quan quản lý?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Nếu nhà trường thực sự mong muốn xây dựng uy tín, vì lợi ích của người học thì con số đó phải được công bố chính xác và sẵn sàng giải trình trước bất kỳ ý kiến nào.

Qua khảo sát thực tế, nếu tỷ lệ sinh viên có việc làm thấp thì nhà trường phải chủ động giảm quy mô tuyển sinh, để tập trung đào tạo tốt hơn, đồng thời tính toán đến các hướng mới phù hợp với thị trường lao động.

Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra một vấn đề mâu thuẫn, nếu giảm quy mô tuyển sinh thì nguồn thu của nhà trường sẽ giảm, đây cũng chính là bài toán khó của các cơ sở giáo dục hiện nay.

Bên cạnh đó, việc để có số liệu khảo sát chính xác thì còn phụ thuộc vào “văn hóa chất lượng”. Nhà trường có chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí tương xứng để thu thập số liệu chính xác không? Và những sinh viên đã ra trường cũng phải có trách nhiệm với nhà trường, với xã hội để chủ động cung cấp những thông tin cần thiết này.

Hiện tại, nhiều trường vẫn đang rất khó khăn để thực hiện được việc này.

Nếu các trường làm tốt việc khảo sát và đưa ra được số liệu chuẩn xác, dù đây không phải là những con số đẹp như mong muốn, nhưng khi nhìn thẳng vào thực tế, trường sẽ có những điều chỉnh phù hợp về chỉ tiêu tuyển sinh cũng như kế hoạch đào tạo.

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem lại vấn đề duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đã thực đảm bảo tính xác thực chưa? Chỉ tiêu tuyển sinh không chỉ căn cứ vào số lượng giảng viên, diện tích sàn xây dựng,... mà còn phải căn cứ vào số liệu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm qua từng năm, và yêu cầu con số này phải thật chính xác.

Số liệu đó là căn cứ quan trọng để các trường tự điều chỉnh quy mô tuyển sinh cho mình. Nếu như số liệu bị đẩy lên cho đẹp thì có nghĩa là quy mô tuyển sinh bị đẩy lên theo, điều này gây ra bất lợi cho chính người học và thị trường lao động.

Đối với người học, việc công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là cơ sở để các em định hướng ngành nghề và chọn trường cho mình. Người học cần biết về cơ hội việc làm sau khi được đào tạo, tránh để xảy ra tình trạng sinh viên hụt hẫng sau khi ra trường do không tìm được việc. Với người học thì con số này là tiêu chí đánh giá, là thước đo về chất lượng, uy tín đào tạo của trường.

Có số liệu chính xác, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và của ngành giáo dục là phải giúp cho hoạt động đào tạo của các trường phát huy hiệu quả nhất. Hiệu quả được thể hiện ở chỗ là sinh viên ra trường có việc làm và đặc biệt là làm đúng ngành nghề đã học.

Cần cân nhắc tính toán kỹ lưỡng để chọn ngành học phù hợp. Ảnh minh họa: VNU

PV: Ông vừa đề cập đến một mâu thuẫn, là khi có con số chuẩn xác về tỷ lệ sinh viên có việc làm mà thấp thì trường phải giảm quy mô tuyển sinh, dẫn tới giảm nguồn thu. Vậy phải làm sao để các trường thực hiện công khai, minh bạch và chính xác số liệu này?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Các trường phải xây dựng và hình thành được “văn hóa về chất lượng”, bên cạnh đó phải có cơ chế giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý đến xã hội về những con số mà các trường đại học công bố.

Các trường đại học có quyền tự chủ đi cùng với trách nhiệm giải trình. Đây là công việc thuộc về trách nhiệm mà họ phải làm.

Điều cần phải nhìn nhận lại ở đây là chúng ta đang thiếu một cơ chế giám sát chặt chẽ, kiểm định, thanh tra bài bản, chất lượng.

Rất nhiều trường công bố có trên 80% đến gần 100% sinh viên ra trường tìm được việc làm trong vòng 1 năm, vậy tại sao con số cử nhân thất nghiệp vẫn không ngừng tăng lên? Tôi cho rằng cần phải xem lại, phải chăng thất nghiệp không phải hoàn toàn do đào tạo kém mà còn vì đang đào tạo thừa nhân lực?

Những trường đặc thù như đào tạo công an, quân đội, việc tuyển sinh, đào tạo thực hiện theo đặt hàng của nhà nước. Sinh viên tốt nghiệp được phân công nhiệm vụ về các đơn vị theo kế hoạch.

Còn lại các trường đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, đáp ứng cho tất cả các thành phần kinh tế. Vậy ai là người đặt hàng, giao chỉ tiêu? Bộ Giáo dục mà không nắm được nhu cầu lao động của xã hội thì chỉ tiêu tuyển sinh không thể chuẩn xác. Việc duyệt chỉ tiêu cho các trường cũng không thể sâu sát được.

Khi xem xét chỉ tiêu tuyển sinh cần phải thực hiện tốt khâu kiểm định chương trình và kiểm tra tính chính xác số liệu về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm.

Về kiểm định chương trình, chúng ta chưa có chuẩn chương trình để thực hiện kiểm định. Chuẩn chương trình chính là thước đo, chúng ta chưa có thước đo thì không thể đo lường, đánh giá được.

Việc kiểm định chương trình vẫn mang nặng tính hình thức. Một đoàn kiểm định cùng làm việc với các trường khác nhau, các ngành khác nhau thì không thể chuẩn. Ví dụ, khi kiểm định chương trình đào tạo ngành kinh tế thì phải có người trong đoàn là chuyên gia đầu ngành về kinh tế. Nhưng khi kiểm định chương trình cho ngành báo chí, đoàn phải có chuyên gia trong lĩnh vực báo chí.

Thứ hai là phải kiểm tra chỉ tiêu tuyển sinh có sát với nhu cầu lao động của xã hội hay không. Muốn biết việc tuyển sinh, đào tạo đáp ứng đủ hay thừa so với nhu cầu lao động xã hội thì cần có báo cáo tình trạng, số liệu cụ thể về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Cả hai việc này chúng ta chưa làm tốt thì việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ không đạt chuẩn.

Chúng ta phải thực hiện giám sát, kiểm tra thật chặt chẽ về những công bố, số liệu mà các trường cung cấp. Còn nếu số liệu đưa ra không đủ độ tin cậy, không có cơ sở, không giám sát kiểm tra được thì những con số đó hoàn toàn vô nghĩa.

Làm tốt công tác giám sát, kiểm tra, nếu trường nào để xảy ra tình trạng báo cáo sai với kết quả thực tế thì Bộ Giáo dục cần đưa ra chế tài xử phạt hợp lý.

Bởi lẽ, nếu các trường báo cáo sai lệch thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Những con số “đẹp” nhưng không thực chất sẽ khiến các cơ sở giáo dục không còn động lực để nâng cao chất lượng đào tạo của mình.

Hoạt động đào tạo cũng không cân bằng được giữa cung và cầu, làm ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, thị trường lao động trong tương lai.

Không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sẽ dẫn tới đào tạo tràn lan, một số ngành thừa nhân lực và câu chuyện cử nhân thất nghiệp sẽ còn tiếp diễn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường của một số trường đại học công khai trên Website. Liệu rằng số liệu này đã thực sự chính xác?

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Từ 71,1% - 93,8% (năm 2020 - 2021).

Trường Đại học Ngoại thương: Từ 88% - 100% (năm 2018 - 2019).

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: 90,3% (năm 2019 - 2020).

Trường Đại học Công Đoàn: Từ 82,4% – 88,4% (năm 2019 - 2020).

Trường Đại học Nội Vụ: Từ 90,5% – 91,5 (năm 2019 - 2020).

Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam: 81,5% (năm 2020).

Trường Đại học Mở Hà Nội: Từ 89% - 100% (năm 2020 - 2021)

Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh: từ 91,92% - 96,47% (năm 2020 - 2021)

Trường Đại học Cần Thơ: Từ 94,9% -97,2% (năm 2020 - 2021)

Phạm Minh (Thực hiện)
ĐẠI HỌC CÔNG LẬP TUYỂN SINH ĐA NGÀNH, NHƯNG RẤT KHÓ KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG 
PHẠM MINH/ GDVN 27-9-2021 
GDVN- Tiến sĩ Lê Trường Tùng nhấn mạnh, phải kiểm soát chặt việc mở ngành, chất lượng kém thì cần yêu cầu nhà trường dừng đào tạo ngành đó.

Hiện nay, đa số các trường đại học công lập đều hướng tới đào tạo đa ngành vì nhiều nguyên nhân khác nhau và điều đáng nói là chỉ tiêu tuyển sinh của những ngành mới mở cao hơn rất nhiều so với ngành học mũi nhọn truyền thống của trường.

Theo thông tin từ website của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành như Quản trị kinh doanh, luật, marketing, Kế toán, Công nghệ thông tin... dao động từ 150 đến 380. Trong khi đó, những ngành "truyền thống" như Khí tượng khí hậu học, Thủy văn học, Kỹ thuật địa chất... chỉ tiêu tuyển sinh chỉ dừng lại ở con số 40.

Đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong khi những nhóm ngành như Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử... đều hơn 200 chỉ tiêu thì nhóm ngành Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, Khoa học đất - dinh dưỡng cây trồng... chỉ có 40 chỉ tiêu.

Vấn đề đặt ra là, liệu các trường đại học công lập mở nhiều ngành nghề đào tạo như vậy có còn phù hợp với sứ mệnh thành lập và chiến lược phát triển, hay mục tiêu chính là tuyển được nhiều người học trong bối cảnh tự chủ tài chính?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT. (Ảnh: Thùy Linh)

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho biết, mô hình trường đại học đa ngành là xu hướng chung trên toàn cầu.

Trong quá trình phát triển, các trường dần chuyển sang dạy đa ngành nhưng vẫn giữ tên trường truyền thống, chẳng hạn như Học viện Nông nghiệp có dạy công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa cũng có mở ngành dạy về lĩnh vực kinh doanh…

Việc dạy đa ngành cho phép các trường cung cấp dịch vụ giáo dục cho đối tượng đông đảo hơn, sinh viên có điều kiện được học toàn diện hơn, phối hợp với nhau khởi nghiệp dễ dàng hơn khi trong nhóm khởi nghiệp cùng trường có cả sinh viên kỹ thuật và sinh viên kinh tế, cho phép hình thành các liên ngành.

Ở một số nước tiên tiến, sinh viên được phép chỉ cần học 2/3 chương trình tại khoa mình, còn 1/3 số tín chỉ được phép lựa chọn tự do từ các khoa khác – và chỉ những trường đa ngành mới làm được điều này.

Tuy nhiên, việc mở đa ngành cũng đặt ra bài toán rất khó cho các trường làm sao thực sự đảm bảo chất lượng đào tạo.

Không dễ kiểm định chất lượng

Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, khi các cơ sở giáo dục đại học hoạt động theo cơ chế tự chủ thì việc mở ngành là quyền quyết định của từng trường. Tự chủ tạo ra một hành lang pháp lý, các trường sẽ tự đối chiếu với những tiêu chuẩn được đặt ra để thực hiện mở ngành, nhà trường có trách nhiệm giải trình và chịu sự hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước.

Song, dù tự chủ hay không, tự mở ngành hay trình cơ quan khác cho phép mở ngành, thì nguyên tắc chung là các trường đều có trách nhiệm đảm bảo về chất lượng đào tạo.

Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học 2018, tất cả các ngành ngay sau khóa đầu tiên tốt nghiệp phải được kiểm định chất lượng, nếu kết quả không đạt thì không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó.

“Tuy nhiên, chúng ta có hàng trăm trường đại học, mỗi trường mở vài chục ngành, số lượng cần kiểm định lên tới vài chục ngàn, nhưng qua mấy năm chỉ mới kiểm định chưa tới 500 ngành, nên Bộ Giáo dục khó làm chặt chẽ theo quy định đó.

Rõ ràng, chủ trương đã đề cập đến việc những ngành có vấn đề, không đảm bảo chất lượng thì phải ngừng tuyển sinh. Nếu thực hiện chặt chẽ, chuẩn chỉnh quy định này thì chúng ta sẽ tạo điều kiện để đảm bảo về chất lượng.

Dẫu vậy, việc áp dụng quy định vào thực tế còn khó khăn, nếu có thể thì khoảng 3-5 năm nữa chúng ta mới thực hiện được”, thầy Tùng nhận định.

Điều cần lưu ý là khi mở ngành, các trường cũng cần tính đến số lượng tuyển sinh, khả năng đầu tư cơ sở vật chất, việc làm sinh viên khi tốt nghiệp và việc đảm bảo chất lượng như thế nào. Càng nhiều ngành thì việc kiểm định, đảm bảo chất lượng càng yêu cầu tốn nhiều công sức, nguồn lực.

Điều tiết quy mô trường công để hướng vào chất lượng chuyên sâu

Chiến lược phát triển giáo dục đại học được thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó một trong các nội dung quan trọng là đảm bảo tài chính. Nhưng với tình hình ngân sách eo hẹp hiện nay, không thể dựa vào ngân sách nhà nước để phát triển giáo dục đại học một cách toàn diện.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng chia sẻ: “Việc chuyển các trường công sang phương thức hoạt động tự chủ tài chính là giải pháp đang được thực hiện, nhưng một hệ thống giáo dục đại học của một quốc gia mà chủ yếu dựa vào học phí của người học thì khó phát triển bền vững được.

Nhà nước vẫn phải chi cho giáo dục đại học, và một trong các cách để giảm bớt áp lực ngân sách nhà nước chính là phát triển mạnh hệ thống giáo dục ngoài công lập, không phải như hiện nay, khi 85% sinh viên vào đại học công”.

Ngân hàng Thế giới cũng đã từng đưa ra khuyến cáo, để phát triển trường tư thì nên hạn chế quy mô trường công. Khi đó một trong những giải pháp là các trường công nên tuyển sinh đúng ngành theo sứ mệnh của trường đó, bỏ bớt những ngành không thiết yếu, không đảm bảo chất lượng, “dành đất” cho trường tư phát triển.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng nhận định: “Cần để trường tư chiếm một tỷ lệ quy mô nhất định, có thể khoảng 30%, sau đó để các trường cạnh tranh công bằng theo cơ chế chung. Trường nào đào tạo tốt, đảm bảo chất lượng, tạo dựng được uy tín thì sinh viên sẽ lựa chọn học tập.

Thực ra điều quan trọng là chủ trương có muốn phát triển hệ thống trường đại học tư hay không. Nếu chúng ta đặt mục tiêu tỷ lệ trường tư/trường công là 30/70 như các nước trong khu vực thì sẽ cần có các chính sách phù hợp, góp phần mang lại diện mạo mới cho nền giáo dục đại học nói chung trong 5-10 năm tới”.

Phạm Minh
NGHỊCH LÝ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NGÀNH CHÍNH ÈO UỘT, 

NGÀNH PHỤ TĂNG VỌT

MINH NGỌC/ GDVN 29-9-2021

GDVN-Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, việc giao chỉ tiêu cho các trường hiện nay cần phải điều chỉnh.

Xu hướng phát triển của các trường đại học hiện nay là không ngừng mở mới ngành nghề đào tạo để phù hợp trước mọi biến động của thị trường nhân lực.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học, với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với năng lực, sở trường, chức năng, nhiệm vụ của trường. Việc mở ngành phải đáp ứng các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình theo yêu cầu từng nhóm ngành nghề khác nhau.

Tuy nhiên, thực tế qua khảo sát ở nhiều cơ sở giáo dục đại học cho thấy, những ngành là thế mạnh, là công việc chính của nhà trường thì chỉ tiêu rất ít, điểm xét tuyển rất thấp trong khi đó những ngành “phụ” thì chỉ tiêu ồ ạt, điểm xét tuyển rất cao, thậm chí ngang ngửa với các ngành học hấp dẫn của trường tốp đầu.

Ảnh minh họa: Ngọc Diệp

Nhìn nhận từ câu chuyện này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhớ lại, cách đây vài năm khi ngành Kế toán lên ngôi, đâu đâu cũng thấy mở ngành Kế toán. Oái oăm ở chỗ, có cơ sở giáo dục vốn chuyên đào tạo nguồn nhân lực của ngành chuyên môn rất hẹp nhưng chỉ tuyển được 15-20 thí sinh trong khi đó chạy theo thị hiếu xã hội nhà trường tuyển được 700-800 chỉ tiêu cho ngành Kế toán.

Chính vì vậy, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, việc giao chỉ tiêu cho các trường hiện nay cần phải điều chỉnh.

Trước tiên, muốn được giao chỉ tiêu cho ngành A thì bản thân các trường phải công khai, minh bạch về điều kiện đào tạo ngành A này xem cơ sở vật chất thế nào, đội ngũ giảng viên ra sao, chương trình như thế nào… không thể chỉ có 7-8 giảng viên cơ hữu/ ngành mà tuyển 700-800 chỉ tiêu, chứ hiện nay các trường khi làm đề án tuyển sinh chỉ nêu tổng số giảng viên chứ không phải của từng ngành.

Thứ hai, cần kiểm định ngành đào tạo và công bố công khai kết quả này, nếu không đạt thì không cho đào tạo, hoặc không công nhận cấp bằng. Tuy nhiên hiện nay chúng ta đang rất cần kiểm định chương trình trong khi còn chưa có chuẩn chương trình nên cứ luẩn quẩn mãi chưa làm được.

“Muốn kiểm định chương trình thì phải có chuẩn chương trình từng ngành chứ hiện nay các tiêu chí kiểm định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành còn rất chung chung”, thầy Khuyến nói.

Thứ ba, cần phải công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 1 năm ở từng ngành đào tạo chứ không phải con số chung chung như hiện nay. Nếu tỷ lệ có việc làm thấp thì phải chủ động giảm chỉ tiêu tuyển sinh và đương nhiên sẽ rất ít thí sinh dám vào học.

“Làm được 3 điều này thì người học sẽ lựa chọn dễ dàng vì mọi thứ đã minh bạch, chứ hiện nay còn rất mập mờ. Và cũng dựa vào 3 yếu tố trên để cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng quyền của mình là có duyệt chỉ tiêu cho ngành đó hay không”, Tiến sĩ Khuyến nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng, điều tiên quyết đối với giáo dục trong đó có giáo dục đại học đó là công khai minh bạch tất cả các khâu.

”Đào tạo ở đại học là đào tạo chuyên sâu, muốn được như vậy thì phải tập trung các lĩnh vực là thế mạnh của mình. Bởi lẽ, ông cha có câu “nhất nghệ tinh”, chỉ có như thế mới thúc đẩy xã hội phát triển được chứ việc gì cũng muốn tham gia vào nhưng cái nào cũng làng nhàng, không có gì có đặc sắc, điểm nhấn thì xã hội không cần. Chúng ta cần người giỏi chuyên môn, năng động sáng tạo chứ không phải cái gì cũng biết mà chẳng chuyên sâu cái gì”, bà An nhấn mạnh.

Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của đại học có hiệu lực từ ngày 7/8 yêu cầu các chương trình đào tạo phải xác định được chuẩn đầu ra rõ ràng và thiết thực, thể hiện kết quả học tập mà người tốt nghiệp cần đạt được. Phải đo lường, đánh giá được theo các cấp độ tư duy, làm căn cứ thiết kế, thực hiện và cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng cho người học. Chuẩn đầu ra còn phải bảo đảm tính liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo cao hơn (nếu có), đồng thời tạo cơ hội liên thông ngang giữa các chương trình cùng trình độ đào tạo, nhất là giữa các chương trình thuộc cùng nhóm ngành, lĩnh vực…

Thông tư 17/2021 cũng đặt ra chuẩn về đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ với chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Theo đó, một chương trình đại học hoặc chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 phải có ít nhất 1 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo; có ít nhất 5 tiến sĩ có chuyên môn phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì giảng dạy chương trình.

Với đào tạo thạc sĩ, một chương trình phải có ít nhất 5 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

Với đào tạo tiến sĩ, giảng viên phải có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư; hoặc có trình độ tiến sĩ với năng lực nghiên cứu tốt. Một chương trình có ít nhất 1 giáo sư (hoặc 2 phó giáo sư) ngành phù hợp và 3 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu.

Minh Ngọc
ĐÀO TẠO TRÀN LAN SẼ LÀM TIẾP DIỄN CẢNH CẦM BẰNG TỐT NGHIỆP
RỒI ... THẤT NGHIỆP
CAO KIM ANH/ GDVN 14-10-2021
GDVN- Nếu các trường cứ đào tạo dàn trải, không tập trung các ngành mũi nhọn thì sẽ tiếp diễn tình trạng cử nhân cầm bằng tốt nghiệp rồi… thất nghiệp.

Đào tạo tràn lan là lãng phí nguồn lực, cơ hội

Nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo lắng với tình trạng nhiều trường đại học công lập mở ngành và tuyển sinh tràn lan xa rời sứ mạng, giá trị cốt lõi vẫn đang diễn ra phổ biến nhiều năm nay.

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2018, các cơ sở giáo dục đại học phải công khai tỷ lệ cử nhân có việc làm (trong 1 năm kể từ khi tốt nghiệp). Đây được xem là một trong những căn cứ quan trọng để xem xét chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm và đánh giá, xếp hạng đại học.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, số liệu cung cấp hiện nay chưa chính xác với tỷ lệ sinh viên thất nghiệp sau tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên làm việc trái ngành nghề được đào tạo và chất lượng nhân lực cung ứng cho xã hội trên thực tế.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, cho biết: “Hiện nay, do nhu cầu phát triển của thị trường và nhu cầu của người học nên nhiều trường mở đa ngành. Tuy nhiên, để đào tạo những ngành mới, thích hợp với thị trường thì phải có đầu tư phù hợp, có tầm nhìn chiến lược dài hạn. Tức là đầu tư về thầy cô, điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực, thậm chí là tính toán được cả đầu ra chứ không thể tuyển sinh ồ ạt".

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, hiện nay ở nước ta, nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập mải chạy theo “thị hiếu” của xã hội để tuyển sinh được nhiều mà không thật sự tập trung vào đào tạo theo đúng thế mạnh.

“Người xưa có câu ‘nhất nghệ tinh, nhất thân vinh’. Nghệ tinh ở đây là chuyên sâu, chỉ có chuyên sâu thì mới có thể sáng tạo được, mới có phát minh, làm mới được”, bà An nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An. Ảnh: quochoi.vn

Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đang chuyển đổi theo hướng tự chủ. Thế nhưng, tự chủ không có nghĩa là tự do đào tạo, mà nên tập trung đầu tư, đào tạo chuyên sâu những ngành mũi nhọn để có chất lượng đào tạo tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Xã hội ngày càng phát triển thì thị trường ngày càng đòi hỏi cao hơn trong việc cung ứng nguồn nhân lực.

“Việc đào tạo đại học một cách ồ ạt nhưng không đảm bảo chất lượng dẫn đến hai hệ lụy rõ rệt. Thứ nhất, ngành cần nhân lực chất lượng cao thì không đủ số lượng vì các trường mải chạy theo đào tạo các ngành trái thế mạnh.

Thứ hai, dù được đào tạo với số lượng nhiều nhưng không có chất lượng đầu ra thì không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Tất cả chung quy lại, nếu đào tạo không thật, không đúng thế mạnh mà chỉ lờ mờ, cưỡi ngựa xem hoa thì không thể cung ứng đủ nhân lực cho xã hội trong khi sinh viên thất nghiệp vì thiếu kỹ năng rất nhiều”, bà An chia sẻ.

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, đừng nhìn góc hẹp là giáo dục đại học chỉ trong 4-5 năm mà phải nhìn ra đó là sự phát triển của cả đất nước.

Để một sinh viên có thể theo học đại học thì sinh viên và gia đình phải bỏ ra thời gian, chi phí, sức lực, cơ hội… Thế nhưng sau khi tốt nghiệp sinh viên nếu không có việc làm hoặc làm trái ngành nghề, không phát huy được chuyên môn đã học thì không chỉ lãng phí mà còn ảnh hưởng đến an sinh xã hội của một đất nước.

“Đất nước phát triển bền vững trên cơ sở tất cả mọi người đều có công ăn, việc làm bằng chính nghề của mình được đào tạo nhưng với đào tạo không có chất lượng sẽ không làm được điều đó.

Nếu tất cả sinh viên đều chất lượng nhàng nhàng thì không đáp ứng được nguồn nhân lực cho xã hội. Thậm chí chúng ta đang phải đi thuê nhân lực người nước ngoài rất đắt đỏ trong khi người Việt Nam thất nghiệp nhiều. Đó là thực tế mâu thuẫn hiện nay”, bà An nhận định.

Theo bà Bùi Thị An, với cách đào tạo không chuyên sâu vào các ngành mũi nhọn, mà “ồ ạt” đào tạo không mục đích, không đầu tư chất lượng thì chúng ta thiếu cả “thầy” lẫn “thợ”.

“Đào tạo phải thầy ra thầy, thợ ra thợ”

Đó là đánh giá của ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) khi nói về việc mở đào tạo nhiều ngành nhưng đầu ra không đáp ứng được yêu cầu xã hội tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

Ông Tiến cho biết: “Giáo dục Việt Nam hướng đến giáo dục con người phát triển một cách toàn diện và đặc biệt là phát triển kỹ năng chuyên ngành. Phát triển kỹ năng là điều cần thiết bởi giúp sinh viên có thể vận dụng những điều đã học trong nhà trường vận dụng vào đời sống và hoàn thiện bản thân.

Tuy nhiên hiện nay việc đào tạo không chú tâm, trọng điểm một số ngành nghề nhất định mà cứ đào tạo tràn lan thì không đảm bảo được kết quả đầu ra”.

Lấy ví dụ rất cụ thể, ông Lê Như Tiến cho hay, muốn đào tạo kỹ sư điện thì phải vào học các ngành có liên quan đến cơ khí, điện lạnh, vật lý… chứ không thể học kế toán hay thương mại được và ngược lại.

Mỗi ngành đào tạo sẽ có những đòi hỏi đặc thù của ngành đó và việc làm sau khi ra trường cũng phải đúng với chuyên môn mà sinh viên được đào tạo thì mới đưa lại được hiệu quả đào tạo.


Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). (Ảnh quochoi.vn)

“Có việc làm đúng ngành và làm việc nhưng không đúng chuyên ngành được đào tạo là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Chúng ta không thể nói rằng, trường đào tạo ngành kế toán nhưng ra làm bán hàng, tiếp thị là đào tạo có hiệu quả được. Tôi đã từng cảnh báo về việc này khi thảo luận tại Quốc hội.

Còn bây giờ nhiều trường công bố tỉ lệ cử nhân có việc làm từ 80-100%, nhưng số liệu đó có chính xác hay không?", ông Tiến bày tỏ.

Theo ông Lê Như Tiến, nhiều cơ sở giáo dục đại học không chú trọng vào chuyên môn các ngành thế mạnh, mà lại mở nhiều ngành và đào tạo thiên nhiều về lý thuyết nên không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động chất lượng cao.

Ông Tiến nhận định: “Chúng ta đào tạo đúng chuyên ngành, đúng chất lượng, thầy ra thầy, thợ ra thợ thì nguồn nhân lực cung ứng cho xã hội rất dồi dào và đó mới là hiệu quả của nền giáo dục tại một quốc gia.

Tôi cho rằng cần phải xem lại chuyện đào tạo của các trường công lập, sinh viên tốt nghiệp mà doanh nghiệp phải đào tạo lại thì điều đó cũng cho thấy sự thất bại của thầy cô và nhà trường".

Cao Kim Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét