Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

20211005. GÓP Ý VỀ CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 (13)

ĐIỂM BÁO MẠNG

HIẾN KẾ GIẢI BÀI TOÁN THIẾU LAO ĐỘNG NGHIÊM TRỌNG Ở CÁC 
TỈNH PHÍA NAM
THÙY ANH/ DV 3-10-2021
19 tỉnh phía Nam có hơn 18 triệu lao động nhưng nay chỉ còn 1/3 tổng số lao động làm việc (khoảng 6 triệu lao động có việc làm). Doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất cũng là lúc phải đối mặt với nguy cơ thiếu lao động trầm trọng.

Dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoạt động sản xuất bị gián đoạn, lao động bỏ về quê nhiều khiến cho các doanh nghiệp thiếu lao động khi phục hồi sản xuất. Trước thực trạng này, Bộ LĐTBXH cùng các địa phương chịu ảnh hưởng đang khẩn trương lên giải pháp tháo gỡ khó khăn này.

Chỉ có 1/3 số lao động phía Nam có việc làm

Mới đây tại tọa đàm về giải pháp tháo gỡ khó khăn lao động cho các tỉnh phía Nam, ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đã công bố những con số đáng buồn.

Trong tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, chỉ còn chưa đến 1/3 lực lượng lao động (khoảng 6 triệu lao động) có việc làm ổn định do doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo phương án "3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 điểm đến".

Thời điểm từ giờ tới cuối năm là thời điểm DN phải đẩy mạnh sản xuất hoàn thành đơn hàng nhưng lại thiếu rất nhiều lao động. Ảnh: N.T (Chụp tại công ty May 10)

Thời điểm từ giờ tới cuối năm là thời điểm DN phải đẩy mạnh sản xuất hoàn thành đơn hàng nhưng lại thiếu rất nhiều lao động. Ảnh: N.T (Chụp tại Công ty May 10)

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 trên diện rộng đã khiến phần lớn công nhân lao động di chuyển về quê. Điều này khiến thị trường lao động tại TP.HCM cũng như các tỉnh, thành phố phía Nam được dự báo sẽ đối diện nhiều khó khăn do thiếu lao động, nhất là khi thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp (DN) phục hồi, tái sản xuất trong những tháng cuối năm.

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết toàn thành phố có hơn 470.000 DN đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với trên 3,2 triệu công nhân.

5 tháng qua, dịch Covid-19 đã càn quét khiến các DN, cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện chỉ còn 700 DN (chưa đầy 20% tổng số DN) hoạt động theo phương án "3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 điểm đến” với 600.000 lao động. Số DN còn lại cùng với hơn 2,4 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương và hơn 660.000 lao động tự do cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch.

Tương tự, Bình Dương cũng đối mặt với nguy cơ thiếu lao động trầm trọng. Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết, toàn tỉnh có khoảng 50.000 DN với hơn 1,2 triệu lao động. Thời gian dịch bệnh bùng phát chỉ còn khoảng 3.500 (khoảng hơn 7%) DN sản xuất với khoảng 250.000 lao động.

Hiện tỉnh có khoảng 750.000 người phải ngừng việc và dự báo trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương có thể thiếu khoảng 40.000-50.000 lao động. Do đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các DN đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút, giữ chân người lao động khi dịch bệnh được kiểm soát.

Chăm lo lao động, đẩy mạnh tiêm vaccine

Trước thực trạng thiếu hụt lao động, các chuyên gia nhà quản lý thuộc Bộ LĐTBXH cho rằng cần triển khai gấp nhiều giải pháp.

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, điều quan trọng nhất để đảm bảo nguồn cung lao động là thực hiện tốt chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân. Đồng thời, thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội như chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.

“Để thu hút người lao động trở lại làm việc, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, bao gồm chính sách đưa, đón lao động trở lại nơi làm việc. Tăng chính sách hỗ trợ trực tiếp tiền mặt, nhu yếu phẩm...", ông Bình nói.

Để đối phó với nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng, Sở LĐTBXH TP. HCM đang tăng cường kết nối cung -cầu việc làm. Ảnh: TTDVVL TP. HCM

Để đối phó với nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng, Sở LĐTBXH TP.HCM đang tăng cường kết nối cung -cầu việc làm. Ảnh: TT Dịch vụ Việc làm TP. HCM

Song song với đó, để tháo gỡ khó khăn vì thiếu lao động, Bộ LĐTBXH cũng đang lắng nghe tâm tư của DN để tăng giờ làm thêm, giúp DN đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành các đơn hàng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM thì cần phải tính nhiều giải pháp hỗ trợ bước đầu và lâu dài cho người lao động và cả doanh nghiệp. Trong đó tập trung đào tạo, tái đào tạo lại lực lượng lao động, chú trọng ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động đang ở thành phố và người lao động đang sinh sống ở các địa bàn giáp ranh thành phố như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh...

Chia sẻ thêm về giải pháp để thu hút người lao động sớm trở lại làm việc, ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: "DN cần làm tốt khâu tuyên truyền. Trước mắt kết nối công đoàn, chính quyền địa phương, thông báo cho lao động biết về kế hoạch tiếp nhận lại lao động cũng như các kế hoạch chăm lo, trả lương, thưởng, phúc lợi... cho lao động, để họ yên tâm quay lại làm việc".

Ngoài ra, ông Tiến cũng cho rằng, DN cần đầu tư đầy đủ trang thiết bị, cán bộ y tế, cải thiện môi trường làm việc... đảm bảo an toàn lao động, sức khỏe cho lao động.

"Để làm được điều này, không chỉ cần sự nỗ lực của DN mà cần cả sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tổ chức xã hội, đặc biệt phải có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể là chính sách ưu đãi tín dụng, thuế...", ông Tiến nói.

HẾT NGƯỢC BẮC, LẠI XUÔI NAM...

ĐINH PHƯƠNG/TD 4-10-2021

Hết ngược bắc, lại xuôi nam

Tội này ông Chính không làm thì ai?

Có lẽ Covid-19 là giặc chính hiệu, là kẻ thù số 1 của Đảng kể từ khi “Mỹ cút Nguỵ nhào”. Dịch Covid-19 chỉ ra vô vàn những bất lực và khuất tất đã được hệ thống chính trị che giấu, từ sự ruỗng rốc ở mảng an sinh xã hội, sự vô dụng của hệ thống nhà nước đến sự thiểu năng và vô văn hoá của đội ngũ cán bộ nhân sự, từ trên xuống dưới.

Người dân bỏ vùng đất sinh nhai Sài Gòn, Bình Dương, Hà Nội… trở về quê quán trốn dịch chẳng qua là vì bị bỏ đói, ngoài ra không có lý do nào khác! Lẽ nào người ra Chỉ thị 15, 16, 19… lại chỉ nghĩ đến phong toả, khoanh vùng cấm mà không nghĩ đến miếng ăn, sự sống, cho dù là qua ngày, của những con người ở nơi đó?!

Nhưng sự thật thì quá phũ phàng! Chính phủ đã không nghĩ đến điều ấy thật! Đến khi dân kêu la đói khát, thì họ mới phản ứng bằng… “lấy sức dân lo cho dân”! Vẫn không ổn nên mới có “di biến đông dân cư“, hết ngược Bắc rồi lại xuôi Nam. Khổ quá, tàn nhẫn quá! Tình trạng dân tìm cách “thoát hiểm” này vẫn đã và đang xảy ra.

Chính phủ để làm gì? Chức năng lãnh đạo và quản lý của đảng và nhà nước chỉ để cợt nhả hay sao?

Vậy người có trách nhiệm đầu tiên không phải là ông Phạm Minh Chính – vừa là Thủ tướng vừa là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 – thì là ai vào đây?

Cơn đại dịch đã trải khắp năm châu, đã đi qua nhiều nước trước đây cả hơn một năm, gương sáng gương tối đủ cả, sao chính phủ không ngó đến một tí mà rút kinh nghiệm cho dân nhờ?

Cái áo ướt tới bụng của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đi vi hành mùa dịch ở Sài Gòn không phải là vì công khó sức nhọc, mà là vì… mập. Noi gương tiền nhân ông vung tay vẫy chào… không khí, diễn vai lãnh tụ rất sâu, rất bài bản, rồi về ông ra oai quan lớn họp ban, chửi quan bé thuộc cấp, không kiêng nể gì, chửi như chửi chó, công khai, trưởng giả, đe nẹt, hạch sách.

Mà thật ra là lỗi ở ông, là người đứng đầu chính phủ đã không có lộ trình chống dịch cụ thể, cứ phong toả rồi lại phong toả, bất chấp hậu quả, rồi “đẽo cầy giữa đường“ làm quân quyền rối mù không biết đâu mà lần, ông lại quan liêu chửi địa phương giãn cách mà không biết để làm gì, trong khi họ đang làm theo lệnh của ông. Lộ trình có hay không phải là do nơi ông chứ?!

Chúng ta ai cũng biết cuộc “di biến động dân cư” trong mùa dịch chỉ xảy ra ở Việt Nam. Ở các quốc gia khác, dù có lockdown (phong toả, giới nghiêm) nhưng người dân nhận được hỗ trợ, chuỗi cung ứng hàng hoá nhu yếu phẩm vẫn hoạt đông như thường, chỉ thị phòng chống mạch lạc xuyên suốt nên xã hội của họ không có “di biến động dân cư” như ở ta trong thời gian giãn cách, và cuộc sống “bình thường mới” của họ như là chẳng có gì mới cả.

Riêng ở Việt Nam ta thì nước mắt người dân toé ra thành nụ cười, nụ cười méo miệng!

Lẽ ra ông Chính phải biết về cuộc sống hiện hữu của giới lao động chật chội mặt sát mặt ở những khu nhà trọ, phải biết về những khu ổ chuột mà họ thuê mướn để tá túc qua ngày. Đó cũng là nơi mà các ổ dịch có khả năng lây lan rất nhanh, đơn giản là vì đời sống chen chúc.

Khi biết mình không thể chu cấp được cho dân thì lo mà giãn dân ra, đưa họ về quê tránh dịch trước, thì đâu nên nỗi. Đó cũng là nhân đức và lòng tự trọng mà lẽ ra một chính quyền luôn phải thể hiện với dân.

Ở thành phố đông đúc thì lây 10, về quê thưa thớt thì lây 3, cứ nhẩm tính thì sẽ ra tổng số ca nhiễm của cả nước, lại vừa chia nhau chữa dịch, lại ít có nạn y tế bị tập trung quá tải. Quá khứ vừa qua cho thấy ở các điạ phương – nơi thưa dân – dịch tễ đã được khống chế rất hiệu quả, không lây tràn lan như ở nơi thành thị đông đúc.

Đằng này lại nhốt dân, lại còn bỏ đói thì chưa loạn vẫn còn may, hú hồn!

Cái mục tiêu kép mà ông Phạm Minh Chính đưa ra nghe thì thật là hay: “Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế!”.

Để mà giữ công nhân ở lại cung ứng sức lao động cho chuỗi sản xuất thì ông Chính chỉ cần bảo đảm cuộc sống cho họ thì họ vượt chốt về quê làm gì?

Tiền hỗ trợ – cứ coi như là có đi – mà đến tay dân chẳng được mấy người là vì quán tính hoạt động theo kiểu bí mật “giết lầm hơn bỏ sót”, lại do cái đám thuộc cấp khóm, phường được truyền máu lạnh nên hành dân như ri, hở ra là ăn chặn, hết đầu này đến đầu kia.

Nói thật, chẳng có gì khó cả, nếu có thật ý (và có tiền) thì cứ thông báo ai có hộ khẩu thường trú hoặc lưu trú thì xếp hàng, mang theo sổ hộ khẩu, lãnh rồi đóng mộc cái cục vào sổ, xong! Chứ đâu mà nhiêu khê thế? (Riêng cái vụ xếp hàng lãnh trợ cấp thì người giàu có, quan chức sang chảnh họ không xếp đâu, sĩ diện lắm chớ!). Những trường hợp gian lận bị phát hiện thì sau đó truy thu, phạt và cấm cửa, hỏi khó chỗ nào? Nhà nước miệng gang tay thép mà.

Với dân đã là thế, còn với thuộc cấp, ông Chính chỉ biết sẵng giọng quan toà, quát nạt cứ như là bố người ta. Ông cũng coi các nhà đầu tư như thuộc hạ của mình, đòi san chia trách nhiệm trong khi người ta không có trách nhiệm này. Thưa với ông, họ làm ăn và đóng thuế theo luật pháp đã là đủ, đã là lãnh gánh đủ trách nhiệm rồi, còn nhà của ông, ông dựng; con ông, ông nuôi, chứ hà cớ gì bắt người ta nuôi hộ? “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là vậy đấy sao? Đầu nậu như thế ai thèm chơi?! Nói dối quen mui, ăn mày quen thói. Ông Phạm Minh Chính ăn phải đũa ông Đỗ Mười, vừa cay vừa độc!

Quên đi câu hỏi “thuế của dân đóng để làm gì?” mà chỉ cần dõi bước ông Chính điều động từ khi ông nắm chính quyền thì biết ông thuộc loại giai cấp nào, tài cán ra sao. Người ta nói “ngu dốt, cộng với nhiệt tình, thành ra phá hoại” rất đúng với trường hơp của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện nay. Quản lý nguyên cả hệ thống hành pháp của đất nước mà không hiểu kinh tế thị trường là gì, lại mang trong người dòng máu quan liêu thì chỉ có mà triệt dân hại nước, từ chết đến chết. Cứ từ từ mà coi!

Ông Nguyên thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiền thời lớ ngớ, mà vui nhưng mà không nguy hiểm. Còn ông Thủ tướng đương thời Phạm Minh Chính thì rất nhiệt tình, vung tay chỉ trỏ, lại kiến thức lúa nông làng xã, nên đất nước đã u tối lại càng thêm phần u tối.

Rõ ràng ông Chính vừa thể hiện sự thiếu nhân cách vừa thể hiện sự ngu muội.

Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải nhận ra điều này, nhìn về tương lai dễ gì ăn ngon ngủ yên, dễ gì có thể xuôi tay nhắm mắt?!

Ảnh: Ngược Bắc (Internet)

 Ảnh: Xuôi Nam (Internet)

 SỐNG CHUNG VỚI CHỦNG VIRUS DELTA LÀ ĐIỀU CHẮC CHẮN

NGUYỄN ĐĂNG ANH THI/ KTSG/TD 3-10-2021

(KTSG) – Sống và làm việc tại tỉnh/bang British Columbia (BC), Canada, chuyên gia năng lượng và môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi chia sẻ, ngay bản thân ông cho đến tháng 5 vừa rồi mới tiêm mũi vaccine đầu tiên và đến tháng 7 là tiêm mũi thứ 2. Tuy vậy, việc sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 đã được áp dụng từ tháng 5 năm ngoái tại BC.

Phải sống chung với chủng virus Delta vì sẽ không có miễn dịch cộng đồng

Với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, mọi tính toán trước đây về “miễn dịch cộng đồng” dựa trên tỷ lệ phủ vaccine của dân số nay đã trở nên lạc hậu. Miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào ba yếu tố: chủng virus (thể hiện qua hệ số lây lan gốc, Ro), tỷ lệ phần trăm dân số tiêm đủ vaccine (T) và hiệu quả vaccine (Ve).

Giáo sư, bác sỹ Ellie Murray của Đại học Boston (Mỹ) đưa ra công thức tính hệ số lây nhiễm thực (Rt) trong cộng đồng như sau: Rt = Ro x (1 – T x Ve).

Miễn dịch cộng đồng đạt được khi hệ số lây nhiễm thực nhỏ hơn hoặc bằng 1, nghĩa là một người bị nhiễm virus sẽ lây cho tối đa một người khác. Lúc đó, tỷ lệ phần trăm dân số tiêm đủ vaccine kỳ vọng để đạt miễn dịch cộng đồng là T = (1 – 1/Ro)/Ve (quy ra từ công thức trên với Rt = 1).

Theo số liệu của CDC Mỹ, với chủng virus corona gốc (SARS-CoV-2), hệ số lây lan gốc “chỉ” trong khoảng từ 2-3, tức một người nhiễm virus có khả năng lây cho 2-3 người, lấy trung bình Ro = 2,5. Hiệu quả vaccine lấy trung bình Ve = 85%. Từ công thức T = (1 – 1/Ro)/Ve ta có T = 71%. Nghĩa là, với chủng virus corona gốc, ước tính khoảng 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine là đạt miễn dịch cộng đồng. Mục tiêu tiêm 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng mà Bộ Y tế Việt Nam đưa ra theo cách tính này.

Nhưng cách ước tính trên không còn giá trị với biến thể Delta. Cũng số liệu của CDC Mỹ cho thấy hệ số lây lan gốc của chủng Delta hiện nay trong khoảng 6-9, lấy trung bình Ro = 7,5. Giả sử 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine (T = 70%) và cho rằng hiệu quả vaccine lên đến 95%, lúc đó hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = Ro x (1 – T x Ve) = 7,5 x (1 – 70% x 95%) = 2,5!

Kết quả cho thấy rằng với chủng virus Delta, hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = 2,5 ngay cả khi 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine và hiệu quả vaccine lên đến 95%. Nghĩa là một người bị nhiễm vẫn sẽ lây cho 2,5 người khác dù cộng đồng đã được phủ vaccine và hiệu quả vaccine đạt mức tối đa.

Trong thực tế, vì Việt Nam sử dụng nhiều loại vaccine khác nhau và chỉ có Moderna hay Pfizer đạt hiệu quả tối đa 95%, trong khi hiệu quả của AstraZeneca chỉ khoảng 70% và của Sinopharm (Vero Cell) thậm chí còn thấp hơn nên hiệu quả bảo vệ của vaccine trung bình trên toàn dân số được tiêm không thể nào đạt mức 90%, thậm chí thấp hơn 85%.

Mà ngay cả khi tiêm 100% dân số (điều không thể đạt được trong thực tế) và hiệu quả bảo vệ của vaccine trung bình trên toàn dân là 85% (mức cực kỳ lạc quan) thì hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = Ro x (1 – T x Ve) = 7,5 x (1 – 100% x 85%) = 1,125!

Vì hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng vẫn lớn hơn 1, nên miễn dịch cộng đồng không thể đạt được chỉ nhờ phủ vaccine. Để đưa giá trị hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng càng thấp càng tốt và tối ưu nhất là thấp hơn 1, ngoài vaccine phải áp dụng thêm các giải pháp thuộc nhóm can thiệp không dùng thuốc (NPI) để ngăn ngừa sự lây lan của virus, ví dụ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Nói cách khác, đó là cách mà loài người sống chung với virus ngay cả khi được tiêm đủ vaccine.

Sự khác biệt của hệ số lây lan gốc giữa hai chủng virus corona gốc và Delta là vô cùng lớn. Ví dụ, với chủng virus corona gốc, một người bị nhiễm sẽ lây cho tối thiểu hai người. Đến chu kỳ lây thứ hai, số ca nhiễm tăng lên 4 (bằng 2 x 2). Đến chu kỳ lây thứ ba, số ca nhiễm tăng lên 8 (bằng 2 x 2 x 2). Với chủng Delta, một người bị nhiễm sẽ lây cho tối thiểu 6 người. Đến chu kỳ lây thứ hai, số ca nhiễm tăng lên 36 (bằng 6 x 6). Đến chu kỳ lây thứ ba, số ca nhiễm tăng lên 216 (bằng 6 x 6 x 6). Nghĩa là chỉ qua ba chu kỳ, số ca nhiễm do biến thể Delta đã cao gấp 27 lần chủng corona gốc! Điều đó giải thích cho những trận “cuồng phong” lây nhiễm do biến thể Delta tại Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam… và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Canada vẫn phải sống chung với virus dù đã tiêm đủ 70% dân số

Phép tính hệ số lây nhiễm thực thể hiện khá rõ tại Canada, khi 69,9% dân số nước này đã tiêm đủ vaccine tính đến ngày 24-9-2021, nhưng miễn dịch cộng đồng vẫn chưa từng đạt được. Cần biết, Canada đang sử dụng những loại vaccine có hiệu quả nhất, với Pfizer chiếm đến 67%, Moderna 28% và AstraZeneca chỉ 5%.

Bảng dưới là thông tin tỷ lệ ca nhiễm mới trung bình hai tuần trên 100.000 dân tại Canada và tại ba tỉnh/bang có dân số đông nhất là Ontario, Quebec và British Columbia.


Để so sánh, tỷ lệ ca nhiễm mới trung bình hai tuần trên 100.000 dân tại Việt Nam tính đến ngày 23-9-2021 là 155 ca. Con số này thấp hơn tại Canada một phần vì vaccine, nhưng chủ yếu vì những chính sách phong tỏa nghiêm ngặt tại Việt Nam suốt nhiều tháng qua.

Trường hợp nhiều quốc gia khác đã phủ vaccine với tỷ lệ rất cao như Israel, Anh, Mỹ… nhưng cũng vẫn tiếp tục chứng kiến các làn sóng lây nhiễm mới củng cố nhận định rằng miễn dịch cộng đồng là một mục tiêu khá xa vời, dù vaccine đã được chứng minh là giải pháp tối quan trọng để giảm số ca nhiễm, nhập viện và tử vong.

Trong tình hình như vậy, phong tỏa lâu dài đã không còn được xem là giải pháp tại các nước phương Tây vì thiệt hại xã hội quá lớn. Các nước phương Tây đã xác định sống chung với virus bằng các biện pháp y tế công cộng như giữ khoảng cách vật lý, đeo khẩu trang trong không gian kín, khử khuẩn các bề mặt và rửa tay thường xuyên… ngay cả khi đã tiêm vaccine. Thậm chí trước khi được tiêm vaccine, xã hội Canada vẫn phải vận hành theo cách “bình thường mới” chứ không “đông cứng” hoàn toàn như tại TPHCM, Bình Dương và nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam.

Từ đầu năm ngoái, cơ quan y tế tỉnh/bang British Columbia đã phối hợp với cơ quan an toàn lao động biên soạn các hướng dẫn về an toàn Covid-19 cho khối bệnh viện, trường học, siêu thị, nhà xưởng, văn phòng, nhà hàng, cơ sở lưu trú… để đảm bảo xã hội vẫn vận hành theo cách bình thường mới.

Hiểu rõ ba cơ chế lây nhiễm của virus là qua tiếp xúc gần, gián tiếp qua bề mặt và trong không gian kín với điều kiện thông gió kém, các hướng dẫn này dựa trên nguyên tắc 3C cần tránh để được an toàn: Close contact – tiếp xúc gần, Crowded – nơi đông đúc và Closed spaces – không gian kín. Kèm theo đó là khuyến cáo đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên và khử khuẩn các bề mặt. Đó là các giải pháp mà Canada đã chung sống với virus ngay cả khi chưa có vaccine.

Đầu năm học mới, tuyệt đại đa số sinh viên, học sinh tại Canada đã trở lại học toàn thời gian trên lớp, nhưng vẫn phải bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng và được khuyến cáo giữ khoảng cách vật lý an toàn. Dù đã tiêm vaccine đến 70%, Canada tuy mở cửa nhưng không hề thả cửa vì mối nguy của chủng virus Delta vẫn còn hiện hữu.

Hỗ trợ an sinh bằng ngân hàng thực phẩm

Để giải bài toán an sinh, mô hình Food Bank (ngân hàng thực phẩm) có thể là một giải pháp cho Việt Nam. Trong bất cứ xã hội nào, luôn có những người ăn không hết và những người thiếu đói. Ngân hàng thực phẩm là tổ chức phi lợi nhuận đóng vai trò trung gian, nhận thực phẩm từ các nhà hảo tâm để phân phối lại cho những người đang cần.

Quản lý các ngân hàng thực phẩm là những người tình nguyện, và hoạt động của chúng dựa trên sự minh bạch. Đóng góp cho ngân hàng thực phẩm có thể được thực hiện trực tiếp qua các thùng gom thực phẩm tại các siêu thị, khu mua sắm hoặc đem đến tận nơi tiếp nhận. Bất kỳ ai có nhu cầu được hỗ trợ thực phẩm đều có thể liên hệ trực tiếp ngân hàng thực phẩm để đến lấy mang về sử dụng.

Khi nguồn thực phẩm của ngân hàng giảm xuống thấp vì nhu cầu cứu trợ tăng lên, ngân hàng thực phẩm sẽ tăng cường kêu gọi đóng góp của xã hội. Tại Canada, ngay cả chính quyền liên bang và tỉnh/bang cũng thường xuyên đóng góp ngân sách cho các ngân hàng thực phẩm.

Việt Nam có thể áp dụng mô hình ngân hàng thực phẩm ở quy mô phường, quận dựa trên sự tổ chức, điều phối của các tổ chức thiện nguyện đang có. Bằng cách được tiếp cận thực phẩm thường xuyên từ ngân hàng thực phẩm, những người nghèo, những người thất nghiệp giảm thiểu nỗi lo cơm gạo, từ đó giúp họ bớt “đánh liều” ra đường trong mùa dịch khi chưa được tiêm vaccine.

CHƠI ZẬY HÔNG NGON

LÊ HUYỀN ÁI MỸ/ TD 3-10-2021


Ảnh chụp màn hình

Tuổi Trẻ ngày 3.10 đưa tin ông Trần Văn Lâu – chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – cho biết ông cùng lãnh đạo 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê.

“Thời gian tạm ngưng tiếp nhận 15 ngày. Trong thời gian này, các địa phương chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo cho số bà con đã về. Sau khi ổn định, tỉnh sẽ xin ý kiến tiếp”, ông Lâu nói.

Bốn tháng trời, Sài Gòn tả tơi bệnh, tức tưởi chết. Rồi dịch bệnh lan dần ra, Bình Dương cũng te tua, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An cũng tan tác. Ông là quan đầu tỉnh, chẳng thấy mối họa lơ lửng, sao không lo từ trước, dự phòng các cách; nay đòi 15 ngày mà “chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo”? 30.000 người tự về quê Sóc Trăng, “nếu bà con về thêm nữa sẽ vỡ trận” – lời ông Lâu; ấy vậy mà 15 ngày đã đảm bảo “mọi mặt, chu đáo” thì quả là… thần kỳ!

Bốn tháng trời, bài học “26 người dân về tới Huế mà không được xuống ga Huế” chả nhẽ ông không học?

Nửa tháng cầm cự thêm, chẳng biết người Sóc Trăng có chịu nổi. Nhưng 4 tháng trời, “quan phụ mẫu” Sóc Trăng đã làm gì để nước dâng tới mép đê, vẫn còn xin thêm 15 ngày, lại mãi đánh tổ tôm mà “sống chết mặc bây” chăng?

Người Sóc Trăng nói riêng, người đồng bằng nói chung mưu sinh khắp chốn, từ Sài Gòn lên Bình Dương, Đồng Nai, từ khu công nghiệp ra vỉa hè, con hẻm. Nay, trong cảnh khốn cùng, họ cầm cự 4 tháng qua, giờ, Sài Gòn “trân trọng mời ở lại” họ cũng từ chối vì lớp đói, lớp mất việc, lớp có việc thì cũng chưa có lương, lớp nơm nớp hên xui nhiễm bệnh. Nên họ mới cùng quẫn mà chạy về. Nhưng thay cho “phụ mẫu chi dân”, lại chối từ “tạm ngưng cho người dân tự về quê”.

Chặn đường về của dân. Chất nỗi bất an, sợ hãi lên dân. Đẩy ngược gánh nặng lại cho Sài Gòn, Bình Dương… đã quá khốn khổ. Chơi zậy hông ngon!

Mà nhân ông Lâu nói chuyện “dân tự về quê”, nhắc lại dòng di dân thời mở cõi, một là tự động đi, đi lẻ tẻ, theo nhóm, gia đình; hai là tham gia vào các đợt di dân khẩn hoang do nhà nước (nhà Nguyễn) đảm trách tổ chức, bảo trợ.

Đấy là thời phong kiến. Đấy là đi trong hoàn cảnh… không dịch bệnh. Dù tai ương, dịch bệnh nơi miền đất lạ luôn rình rập. Nay, nếu nghĩ cho dân, các ông phải cậy nhờ chính phủ, các bộ ngành ngoài ngoải mà mở lòng đi đón, đón bằng vaccine, đón bằng an sinh, đón bằng nhiều cách như Tiền Giang, Bến Tre đang làm. Miễn đừng để dân lang thang, vạ vật, sợ hãi, thiếu đói.

Có câu kiến nghĩa bất vi/Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” là đã tự răn mình bằng chính cái tự tánh từ thuở di dân mở cõi. Đi tìm sự sống, lẽ sống giữa muôn ngàn cái chết và sự rình rập hiểm nguy, truy bức, những lưu dân thuở ấy đã trọng nghĩa khinh tài. Huống gì là “đày tớ của nhân dân”.

Dịch bệnh, mới thấy một lũ hậu sinh bạc nhược.

Lê Huyền Ái Mỹ

HỘI CHỨNG VỀ QUÊ VÀ KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN

ĐỖ DUY NGỌC/ TD 3-10-2021


Ảnh: VNE

Sau đợt người dân lũ lượt theo nhau về quê đêm 30.9 rạng sáng 1.10.2021 gây tắc nghẽn ở cửa ngõ Long An. Dù chính quyền tìm mọi cách ngăn cản và thuyết phục, làn sóng người vẫn không đồng tình.

Cuối cùng, chính quyền phải sắp xếp cho dân về theo nguyện vọng. Tiếp theo đó, tối 2.10, bà con lao động miền Tây lại đi xe máy rầm rộ nối nhau từ Bình Dương về thành phố để hồi hương. Lãnh đạo tỉnh lại kêu gọi bà con ở lại nhưng cũng chẳng ai nghe, ai cũng chỉ có một mong muốn là trở về. Tất cả hướng ra quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn. Hàng ngàn chiếc xe rú trong đêm quyết chí ra đi.

Từ khi dịch bùng phát ở thành phố và một số tỉnh lân cận, đã có mấy đợt di tản như thế này. Bắt đầu là những người quê ở miền Trung và miền Bắc, đường xa hàng ngàn cây số, họ vẫn liều lĩnh quay đầu đi về. Rồi đến mấy đợt người miền Tây. Tất cả đã đến giới hạn của sự chịu đựng.

Trước đây, Sài Gòn đất lành chim đậu. Họ bỏ quê, bỏ ruộng vườn vào đây, lên đây kiếm kế sinh nhai. Đất Sài Gòn bao dung và rộng mở. Họ cũng đã trở thành dân Sài Gòn. Họ làm đủ nghề để sống và gởi tiền về nuôi con đi học, cho cha mẹ già viên thuốc lúc ốm đau. Thợ hồ cũng kiếm được một, hai trăm ngàn một ngày. Bán vé số được trăm tờ cũng có được trăm ngàn. Làm thúng xôi đầu hẻm, xe bánh mì đầu đường, gánh bún riêu trong ngõ cũng sống được qua ngày. Cùng chiếc xe đạp rong ruổi mua phế liệu, lượm ve chai cũng nuôi được gia đình. Làm công nhân trong hãng xưởng, bát cơm có thêm miếng thịt cá, con sinh ra có được hộp sữa để lớn. Họ an tâm sống và lao động trên đất này với chút hi vọng thế hệ tiếp nối sẽ có cuộc sống tốt hơn, tương lai sẽ hạnh phúc hơn.

Nhưng rồi đất không còn lành khi cơn đại dịch thổi tới. Những chỉ thị, văn bản, nghị quyết, biện pháp lần lượt ra đời. Đường phố không người đi, xóm làng giăng dây, căng kẽm. Nhà máy đóng cửa. Mọi hoạt động đông cứng lại và họ trở thành người thất nghiệp. Số tiền nhỏ nhoi để dành cạn dần. Viễn cảnh chết đói đến gần đe doạ cuộc sống của vợ con.

Họ nghe và tin những lời hứa của chính quyền, của nhà nước là không để một ai phải đói, không để ai bị bỏ lại phía sau. Họ tin và họ chờ. Nhưng rồi khi trong nhà không còn hạt gạo, khi sữa cũng chẳng có tiền mua cho con nhỏ, đến bữa không còn có bát cơm vẫn thấy mình bị bỏ quên, vẫn biết mình đang bị bỏ lại. Bốn tháng trông đợi, 120 ngày cầm cự bữa đói bữa no sống nhờ cơm từ thiện, họ bắt đầu tuyệt vọng.

Gói hỗ trợ lần 1, rồi lần 2, thủ tục rườm rà, khai báo đủ kiểu nhưng người có kẻ không. Ở trên thì bảo trợ cấp cho từng người, ở dưới lại cho là cấp cho từng hộ. Số tiền hỗ trợ có nơi nhận, có chỗ chờ hoài không thấy. Có khi được cho bó rau, mấy củ lại cấp cho cả chục người trong nhà trọ, biết chia làm sao để ăn cho đủ. Bốn tháng tiền nhà, không tiền đóng, chủ đuổi. Bốn tháng tiền điện nước, cũng không đủ tiền trả, điện cắt, nước cắt, sống làm sao? Cuối cùng là bị đuổi ra khỏi phòng trọ, ra ở vỉa hè mà sống sao?

Hàng ngày lại phải chứng kiến biết bao người lần lượt vào bệnh viện và chết trong lặng lẽ, biết bao hủ cốt lần lượt xuất hiện trên bàn thờ tạm bợ trong phòng trọ, biết bao tin người nhiễm bệnh không có ai chăm sóc. Mấy trăm hũ tro cốt cũng vừa đem về miền Tây vì không có địa chỉ rõ ràng ở thành phố.

Thế nên đành phải về thôi. Chỉ còn một con đường sống là quay lưng lại nơi chốn đã từng nuôi sống mình, gạt nước mắt mà ra đi. Ngày xưa đến đây vì tương lai và giờ đây cũng vì mốt mai mà đành phải lìa bỏ. Trách nhiệm thuộc về ai? Chính quyền không lo được cho dân thì không có gì để níu giữ họ lại.

Hiểu được nỗi lòng của những người chấp nhận, liều lĩnh ra về vì đã cùng đường mới thông cảm cho họ khi họ có lúc đã điên cuồng bạo loạn. Có đồng cảm với những bí bách của họ mới thấy thương cho cảnh họ quỳ với bó nhang giữa lộ mà vái với thinh không. Họ không quỳ lạy các lực lượng công an, cảnh sát cơ động, dân phòng đang đóng nơi chốt chặn họ lại. Bởi họ biết rõ lực lượng này chỉ chấp hành lệnh. Lệnh trên bảo cấm là cấm, thả là thả.

Họ vái lạy bởi họ chỉ còn một con đường duy nhất. Họ vái lạy bởi họ chẳng còn biết tin ai. Họ vái lạy trời, lạy đất, lạy âm binh, ma quỷ, thành hoàng mở cho họ một con đường để được sống. Họ vái lạy như là một hành động cầu may để có một con đường thoát.
Họ cần một sinh lộ bởi họ không còn tin vào những lời hứa của con người nữa.

Trước tình trạng người dân rời thành phố về quê, lãnh đạo thành phố phát biểu thấy có trách nhiệm chưa chăm lo chu đáo cho bà con. Đại diện cho chính quyền thành phố còn cho rằng bất cứ người dân nào đến với thành phố vì bất cứ lý do nào, thành phố đều trân trọng đón tiếp và thực sự chăm sóc để họ có điều kiện tốt nhất khi ở đây. Đối với người lao động, thành phố lại càng trân trọng vì chính họ góp phần phát triển kinh tế thành phố. Vì vậy, thành phố luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, luôn tìm những giải pháp tốt nhất để chăm lo cho người lao động, vì họ xứng đáng được như thế. Thành phố tạo điều kiện tốt nhất cho người dân các tỉnh ở lại.

Nói hay quá, tình cảm quá, xúc động quá. Nhưng rất tiếc, dân nghe những lời như thế nhiều lần quá rồi. Dân đã chờ, dân đã mong, dân đã đợi chính quyền thực hiện những điều đã nói bằng hành động. Nhưng làm không tròn, nhưng không đúng như lời hứa. Nên dân chẳng còn tin, dân không còn sức đâu để đợi, nên dân phải dứt áo ra về. 120 ngày chờ mong sự giúp đỡ mà không thấy. Giờ với lời hứa sẽ tạo điều kiện tốt nhất sẽ chờ đến thêm bao tháng nữa? Nằm ở vỉa hè chờ sao? Nhịn ăn để chờ sao? Tin được nữa không?

Nhiều người đi về khi trong túi chỉ còn 50.000 đồng sau khi đã tốn hết tiền xét nghiệm để có tấm giấy đi đường. Có cặp vợ chồng, vợ mang bầu 8 tháng chở nhau về trên chiếc xe đạp với con đường hàng trăm cây số với vẻn vẹn có 100.000 đồng làm lộ phí. Không biết người sản phụ ấy có đẻ rớt con giữa lộ không nếu như không gặp người thấy tình cảnh của họ mà gởi cho 5 triệu đồng.

Vợ chồng, con cái đèo nhau trên một chiếc xe với lỉnh kỉnh đồ đạc, tiền cũng đã cạn rồi, con đường về còn xa, còn qua biết bao nhiêu trạm, không biết rồi có về được quê nhà không? Những đứa trẻ đang còn ẵm ngửa vẫn phải chịu đựng với nắng mưa và gió bụi. Gia tài nhiều khi chỉ là cái quạt máy hay chỉ là đống móc áo. Gia sản chỉ gói gọn trên chiếc xe. Có người còn đạp xe đạp để làm chuyến đi về.

Họ biết bao gian nan, nguy hiểm trên đường đang chờ chực nhưng vẫn quyết đi vì không còn con đường nào khác.

Từ cuộc chiến tranh chống Pháp cho đến chiến tranh Nam Bắc kéo dài mấy chục năm. Người Việt đã bao lần tản cư, di cư, sơ tán rồi di tản. Tất cả đều tránh né để trốn chạy đạn bom, để tìm một nơi chốn yên bình trong thời chiến. Giờ đây, chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ rồi, thời đi ra biển để tìm bến bờ khác cũng chấm dứt lâu rồi.

Thế nhưng người ta vẫn chứng kiến những đợt di tản nối tiếp nhau trong cơn đại dịch. Những cuộc trở về để sinh tồn, để được còn được miếng ăn, được sống cùng gia đình, người thân, với ruộng đồng ao cá dù giờ đây làng xóm chẳng còn được như xưa. Về để quên đi những lời hứa vì chẳng còn hi vọng, để trốn chạy những thực tế phũ phàng. Đó cũng là hình thức phản kháng của người dân khi mất lòng tin.

Trong cơn đại dịch đã mang lại biết bao đau thương và mất mát. Cơn đại dịch cũng còn mang đến hội chứng về quê và sự khủng hoảng lòng tin. Suy sụp kinh tế rồi thời gian sẽ phục hồi. Mất lòng tin khó lòng lấy lại.

Đỗ Duy Ngọc

CHỐNG DỊCH COVID-19 BẰNG CHỐNG HIẾN PHÁP VÀ CHỐNG DÂN

PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ TD 2-10-2021

“Chống dịch như chống giặc” dịch ở lẫn trong dân. Chính quyền nhìn người dân nào cũng như một ổ dịch và mọi việc làm chống dịch của chính quyền đều nhằm chống dân.

Dân là chủ thể của đất nước. Dù bóng đảng cộng sản trùm kín Hiến pháp, Hiến pháp cũng phải ghi nhận quyền sống, quyền con người và quyền làm chủ đất nước của người dân. Không đếm xỉa đến những quyền của người dân được Hiến pháp bảo đảm, chống dịch bằng cách tước đoạt những quyền của người dân là chống Hiến pháp và luật pháp của đất nước.

Những ngày chính quyền Việt Nam sôi sục chống dịch Sars-Cov-2 vừa qua đã bộc lộ rất rõ chính quyền chỉ biết quyền của quan, không cần biết đến quyền của người dân. Ra chỉ thị, áp đặt mệnh lệnh của bộ máy cai trị, coi người dân chỉ là kẻ nô lệ bị trị, không còn là con người công dân, con người xã hội.

Hiến pháp là luật pháp cao nhất của một quốc gia. Mọi nghị quyết, nghị định, thông tư, chỉ thị của tổ chức chính trị, dù là nghị quyết của đảng cầm quyền, dù là chỉ thị của cơ quan hành pháp cấp Chính phủ đều không được trái Hiến pháp. Trái Hiến pháp là vi Hiến, không có hiệu lực pháp lí.

Điều 23 Hiến pháp 2013 bảo đảm cho người dân quyền tự do đi lại, tự do cư trú ở trong nước. Chống dịch covid-19, chính quyền chỉ có thể khuyến cáo người dân ai ở đâu ở yên đó, khuyến cáo người dân hạn chế đi lại. Chính quyền không được quyền tước đoạt quyền tự do đi lại của người dân.

Muốn tạm vô hiệu quyền tự do đi lại của người dân phải có Nghị quyết của Quốc hội chuyển đời sống xã hội từ trạng thái bình thường sang trạng thái bất thường, tình trang khẩn cấp. Chưa có Nghị quyết của Quốc hội xác định tình trạng khẩn cấp, Chính phủ ra chỉ thị cấm người dân đi lại, chính quyền cơ sở dùng công cụ bạo lực nhà nước cấm người dân, phạt vạ người dân đi lại trên đường là vi Hiến, là phạm pháp, là tước đoạt quyền cơ bản, chính đáng của con người, là chống người dân và chống Hiến pháp.

Dịch covid-19 bùng phát. Với tư duy của chính quyền ra đời và tồn tại bằng bạo lực chuyên chính vô sản, chỉ biết có bạo lực, không biết đến quyền làm người, quyền sống của người dân. Chính quyền các cấp nhiều nơi trên cả nước ngang nhiên xé bỏ Hiến pháp, tước quyền tự do đi lại của người dân. Bịt bùng thép gai, tường sắt rào hẻm, quây kín khu dân cư bằng thép tấm, tôn lá, dây thép gai như trại giam, như chuồng thú. Trập trùng bốt gác với bê tông chắn đường, lính vũ trang lăm lăm súng trong tay lập chiến tuyến tầng tầng, lớp lớp trên đường, tuyên chiến với cuộc sống người dân chứ không phải chống dịch.

Người dân nhập cư kiếm sống từng bữa. Lệnh phong toả, người dân không thể đi làm kiếm sống lại phải sống trong khu nhà trọ chật chội, chen chúc, ngột ngạt, âm u, tù đọng là môi trường lưu trú và lây lan tối ưu của Sars-Cov-2. Cái chết vì dịch bệnh và cái chết vì đói hiển hiện trước mặt. Người dân tìm đường về quê tự cứu mình và giúp thành phố vừa giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh vừa giảm bớt gánh nặng cho quĩ trợ cấp xã hội quá nghèo nàn của thành phố.

Không biết đến dân tình, không biết đến quyền của người dân, chỉ biết chấp hành lệnh, dù là lệnh vi Hiến, lệnh trái Hiến pháp, chỉ biết phô trương quyền uy, chính quyền huy động công cụ bạo lực nhà nước, cảnh sát cơ động, quân đội chủ lực tua tủa nòng súng bắt người dân nhập cư chạy dịch, chạy đói phải quay lại phòng trọ ổ chuột chịu trận chết dịch và chết đói.

Phòng trọ chỉ có một cửa hẹp ra vào, kín mít như chuồng cọp, san sát trong hẻm sâu. Gia đình ba, bốn người chen chúc trong sáu mét vuông, thoi thóp hít thở không khí tù đọng, ẩm thấp, nơi nắng trời và gió ngàn không thể vào là nơi virus Sars-Cov-2 tìm đường vào. Mấy triệu dân nhập cư Sài Gòn, không thể về quê phải sống trong môi trường virus Sars-Cov-2 đó và mỗi ngày thành phố Sài Gòn có hàng ngàn người nhiễm dịch, có hàng trăm người chết dịch.

Khủng khiếp như thời Trung cổ lãnh chúa đi bắt nô lệ bỏ trốn. Lãnh chúa bí thư đảng uỷ phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, Bình Dương Võ Thanh Quan chỉ huy cả một đám sai nha và cảnh sát cơ động nai nịt đồ xung trận, tràn vào toà nhà chung cư cao tầng, phá khoá cửa, ào ào xông vào nhà dân. Hai cảnh sát cơ động lừng lững như hộ pháp, trang bị đồ trận từ chân đến đầu hung bạo bẻ quặt hai tay người người đàn bà tay không, chân đất, quần đùi, áo thun áp giải ra khỏi nhà, dẫn xuống sân chung cư chỉ để y tế xét nghiệm covid-19.

Điều 22 Hiến pháp 2013: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Bất chấp Hiến pháp, hành xử của đội quân vũ trang do ông bí thư đảng uỷ Võ Thanh Quan chỉ huy là hành xử của đội quân chiếm đóng với người dân bị mất nước ở thời Bắc thuộc xa xưa, chứ không phải hành xử của chính quyền nhà nước độc lập ở thời văn minh công nghiệp.

Ông bí thư đảng uỷ cộng sản Võ Thanh Quan đã hiện nguyên hình là quan cai trị thời đất nước bị đô hộ, là ông trương tuần thời phong kiến, chỉ biết sức mạnh của quyền lực, không cần biết đến pháp luật. Hăm hở dùng quyền lực chà đạp Hiến pháp, chà đạp người dân.

Ông bí thư đảng uỷ phường tư duy, nhận thức tối tăm, mông muội, lạc hậu vài thế kỉ. Tư duy, nhận thức của cấp uỷ đảng cao hơn, bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Bí thư thành uỷ Thuận An cũng không khá hơn, cũng không coi luật pháp là kỉ cương quốc gia, quan đảng không cần hành xử theo pháp luật mà tuỳ tiện áp dụng luật pháp thế nào cũng được. Bà Bí thư thành uỷ phán: Trong thời điểm cả hệ thống chính trị đang căng mình chống dịch Covid-19 như hiện nay, tất cả các điều luật không thể áp dụng bình thường trong công tác phòng chống dịch.

Không phải chỉ có ông bí thư đảng uỷ phường Vĩnh Phú, không phải chỉ có bà bí thư thành uỷ Thuận An, tỉnh Bình Dương coi thường luật pháp. Tất cả những quan chức cộng sản để được ngồi vào ghế quyền lực đều phải qua trường đảng học mớ lí luận đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản từ gần hai thế kỉ trước, đã bị loài người vất vào sọt rác lịch sử. Chuyên chính vô sản thì chỉ có bạo lực, không có luật pháp. Bạo lực bảo vệ, duy trì thể chế cộng sản. Luật pháp chỉ là lớp phấn son trang điểm bộ mặt xã hội cộng sản và chỉ là công cụ cai trị dân. Còn đảng cộng sản tự cho mình quyền đứng ngoài và đứng trên pháp luật.

Những người cộng sản đứng ngoài và đứng trên pháp luật đã được ông uỷ viên trung ương đảng Mai Tiến Dũng khẳng định với các quan đảng đồng triều của ông: Chúng ta làm sai, chúng ta xin lỗi dân. Dân sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Một khẳng định quái gở. Quái gở như lời Lê nin và cả Mao Trạch Đông đều khẳng định trong thể chế cộng sản trí thức chỉ là cục cứt!

Đứng ngoài và đứng trên pháp luật, chống lại Hiến pháp, quyết tước đoạt quyền tự do đi lại của dân đến cùng, dù phải bỏ phong toả Sài Gòn từ ngày 1.10.2021 nhưng ông thành uỷ viên, phó thị trưởng Sài Gòn Võ Văn Hoan vẫn tuyên bố tiếp tục chống lại quyền tự do đi lại của người dân: Từ 1.10 người dân thành phố Hồ Chí Minh ra đường không có lí do chính đáng vẫn bị xử lí.

Quan lãnh đạo thành phố hơn mười triệu dân mà tuyên bố rất vô trách nhiệm với đời sống, sinh hoạt, hoạt động của trung tâm kinh tế lớn nhất nước, rất hỗn xược, ngang ngược tước đoạt quyền tự do đi lại của dân, những chủ thể đích thực của đất nước đã đóng thuế nuôi các quan đảng từ lớn đến nhỏ.

Lời quan đảng Võ Văn Hoan cũng tạo ra không gian vô cùng rộng lớn cho đám sai nha hành hạ dân. Với đám sai nha đầy say mê hứng thú mang quyền uy ra hành dân thì người dân chẳng có lí do gì ra đường chính đáng cả. Đến ông bác sĩ phó giám đốc bệnh viện lớn nhất Sài Gòn đến bệnh viện làm việc còn bị đám sai nha giữ xe không cho đi vì lí do đi đường không chính đàng!

Ở các nước dân chủ như nước Mỹ, từ Tổng thống khi nhậm chức đến người dân nhập cư khi được nhập quốc tịch Mỹ đều giơ tay thề bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ đất nước, bảo vệ phẩm giá người dân Mỹ. Còn ở nhà nước cộng sản Việt Nam, quan đảng từ cấp phường xã trở lên đều ngang nhiên chống lại Hiến pháp, chống lại người dân Việt Nam!

SÀI GÒN: TỪ CÁCH CHỐNG DỊCH KIỂU TÀU, SANG SỐNG CHUNG

 NHƯ TÂY

CÙ MAI CÔNG/TD 3-10-2021

“Miễn dịch cộng đồng” là bất khả?

Hôm nay 3-10 là ngày thứ ba, TP.HCM nới lỏng giãn cách hết sức khắc nghiệt theo chỉ thị 16+ với sự nhập cuộc của quân đội, rào chắn, chốt chặn nơi, dân tuyệt đối trong nhà, “đi chợ hộ” – không khác gì cách Vũ Hán chống dịch năm trước.

Nhịp sống Sài Gòn chưa hẳn như xưa. Nhưng ngay lập tức, nó đã bật dậy: hàng quán mở cửa khắp nơi sau mấy tuần một số tiệm đã hoạt động… “chui”. Nhà hàng lớn giữa trung tâm thành phố sáng đèn, hàng rong trong hẻm nhỏ rao bán. Dịch vụ như sửa xe, sửa máy lạnh, hớt tóc… bung cửa, thợ làm không ngớt tay, phải xếp lịch khách.

Ở mộ số cửa hàng ở trung tâm thành phố , tôi thấy treo bảng tuyển người. Góc Hai Bà Trưng – Điện Biên Phủ, một cửa hàng điện thoại di động treo băng-rôn: “Hết giãn cách – giảm thả ga”. Thành phố chưa cho quán ăn tiệm nước cho khách ngồi tại chỗ, nhưng tôi thấy có tiệm cà phê “bán mang đi” có mấy vị khách mượn ghế của quán, ngồi ra vỉa hè gần đó uống, tám chuyện Covid.

Lịch sử mấy trăm năm nay, “đầu tàu” kinh tế Sài Gòn luôn là sự trỗi dậy mạnh mẽ. Bốn tháng buộc chân bó tay, nó càng bật mạnh. “Ăn không ngồi rồi” mấy tháng, tiền bạc cũng hao hụt quá rồi, dân Sài Gòn vốn không cam chịu “kiếp nghèo”.

Buồn thay, ngay sau khi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… nới lỏng giãn cách, hàng vạn bà con nhập cư đã lũ lượt đổ về quê, cỡ nào cũng về. Tối 2-10, bà con miền Tây đi xe máy nối đuôi nhau hàng đoàn từ Bình Dương qua TP.HCM để về quê. 500 người, xe định thông chốt khi bị chặn lại ở Bình Dương. Lúc cao trào nóng giận, bức xúc, có nhóm quỳ lạy, có nhóm ném đá anh em trực chốt.

Dù trước đó ra chỉ thị kiểm soát chặt việc đi lại ở bốn tỉnh thành: TP.HCM, Bình Dương, Đông Nai, Long An, nhưng thủ tướng Phạm Minh Chính chiều tối 2-10, sau khi lưu ý các địa phương tuyên truyền vận động người dân ổn định cuộc sống, không di chuyển tự phát. Trường hợp người lao động quyết tâm về quê thì tổ chức đưa đón có trật tự, an toàn. Và đêm qua 2-10, rạng sáng 3-10, Cảnh sát đã dẫn đường gần 8.000 người từ Đồng Nai, Bình Dương đi xuyên đêm về Tây Nguyên.

Thực trạng này khả năng vẫn còn tiếp diễn vài ngày nữa. Bốn tháng giãn cách, nhất là từ hôm TP.HCM “thiết quân luật” 23-8, đường mưu sinh của hàng triệu bà con rõ ràng đã tuyệt lộ. Xin 28.000 tỉ đồng, Trung ương cho 2.000 tỉ đồng, dù cố gắng đến âm ngân sách, ba gói chi hỗ trợ 16.000 tỉ đồng của thành phố chỉ như muối bỏ bể.

Một gia đình lao động bốn người, nếu may mắn, được ưu tiên nhận đủ cả ba lần hỗ trợ (1,5 triệu đồng + 1,5 triệu đồng + một triệu đồng/người) tổng cộng là 7,5 triệu đồng cho ba tháng rưỡi. Hơn 100 ngày, mỗi ngày cả gia đình bốn người ấy chỉ có hơn 70.000 đồng cho gạo muối mắm, thịt cá, điện nước, rau củ quả, xà bông, điện nước… thì sống làm sao? Nếu gọi ship thì tiền đó chưa đủ trả tiền ship. Đó là chưa nói giá cả hôm chưa bỏ giãn cách, một bó rau 30-35.000 đồng, chục trứng 40.000 đồng.

Nhiều hứa hẹn lo cho bà con đầy đủ, miễn giảm tiền nhà trọ, điện nước… trật vuột hoài. Lãnh đạo thành phố chiều 1-10 đã thừa nhận có lỗi với bà con, mong bà con ở lại.

Tiếc thay, niềm tin đã ít nhiều phai nhạt. Về quê, dẫu cũng là tương cà mắm muối cũng còn gia đình, cha mẹ, anh em…; vẫn còn có tự do. Một buối tối “giới nghiêm” im lặng, tôi bỗng nghe một tiếng than như tiếng thét vang trên đường, ngay trước một chốt dân phòng phường 3, Tân Bình của tôi: “Thời bao cấp không có tiền nhưng còn đi lại được; còn bây giờ, đã hết tiền còn bị nhốt ở nhà”.

Nghệ sĩ Quyền Linh, một nhân cách đẹp hiện nay “nói thiệt lòng: mừng thì có mừng, nhưng cũng lo cho bà con mình lắm. Kiểu hết chuyện này rồi chuyện khác cứ ập đến, có cảm giác tất cả chúng ta ai cũng phải liên tục thích nghi, liên tục thay đổi để theo kịp tình hình”.

Thiếu bà con nhập cư là kinh tế Sài Gòn – một đô thị thuở giờ của người nhập cư – lao đao, lảo đảo.

39 ngày chống dịch khắc nghiệt kiểu Tàu, TP.HCM cơ bản ngày vẫn 4.000 – 5.000 – 6.000 ca, ngày 3-9 cao nhất với 8.499 ca; chết trung bình vài trăm ca/ngày.

Kinh tế suy sụp, lòng dân tơi bời. Ở những stt cách đây hai tháng, tôi đã lo ngại chuyện “sẽ thiệt hại kinh tế khôn lường” nếu cứ chống dịch kiểu này.

Vừa qua, khá hiều bậc trí thức, giáo sư, tiến sĩ đã phản biện cách chống dịch “cơ bắp”, “biển người” này. Nhiều vị còn gửi thư ngỏ lẫn thư riêng lên thủ tướng, bí thư Thành ủy. Thật ra, không chỉ chính quyền, ngành chức năng, không hiếm người vẫn suy nghĩ “cơ học” rằng nhờ cách ly, phong tỏa, xét nghiệm đại trà… vậy mà số ca nhiễm giảm -> số ca nặng giảm – ngành y không quá tải – bớt số người chết.

Khó mà tranh luận được với giả thiết, với “nếu”, dù rằng không thể phủ nhận cách làm ấy không có hiệu quả nhất định. Nhưng cũng khó phủ nhận thực trạng “lây nhiễm chéo” ở các khu phong tỏa, cách ly, thậm chí cả khi xét nghiệm ồ ạt. Liệu có sai lầm khi đã cách ly mà còn tập trung – nó mâu thuẫn rành rành với mục tiêu tối thượng trong phòng chống Covid: giãn cách.

Sài Gòn mỗi ngày hiện nay vẫn 3.000 – 4.000 ca, trên dưới 100 người chết. Nhưng chỉ thị 18 đã mở khá mạnh, không rào, phong tỏa nơi nào – kể cả khu vực có F0. Nhà nào F0 thì rào nhà đó, nhà bên cạnh vẫn có thể tiếp tục bán bún bò mang về. Không còn chuyện một căn hộ chung cư có F0 là cả chung cư “nội bất xuất, ngoai bất nhập”, sống dở chết dở cả ngàn hộ trong đó.

Đó không phải là sống chung với Covid theo kiểu Mỹ thì là gì. Mỹ chấp nhận thực trạng không thể không sống chung với con virus biến hóa khôn lường này, dù hôm qua 2-10, thêm 41.792 người Mỹ nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm ở Mỹ lên gần 44.500.000 ca và đã có 720.000 người ra đi.

Không chỉ Mỹ, một số nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và cả Úc, vốn cũng chống dịch na ná kiểu Tàu (nhưng không khắt khe như ở TP.HCM vừa qua) đã suy nghĩ lại, hành động lại. Ở Thái Lan, giới nghiêm ban đêm đã rút ngắn một giờ, bắt đầu từ 22 giờ đêm; thư viện và bảo tàng được mở cửa; có thể đi spa, nhưng phải đặt chỗ trước và phải có xét nghiệm Covid âm tính. Khách du lịch tiêm đủ hai mũi giờ chỉ cần cách ly một tuần thay vì hai. Một số biện pháp nới lỏng khác sẽ được thực hiện tháng 11.

Ông hàng xóm Indonesia còn chơi bạo tay khi “ thử” sống chung với Covid-19 bằng sự kiện một 10.000 người: Tuần lễ Đại hội Thể thao Quốc gia Indonesia khai mạc hôm qua 2-10 tại sân vận động Lukas Enembe, phía đông thành phố Jayapura, tỉnh Papua.

CƠ SỞ SỐNG CHUNG: “ZERO COVID”, MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG LÀ BẤT KHẢ?

Cơ sở khoa học thực nghiệm đó là những nghiên cứu mới nhất trên thế giới cho thấy việc miễn dịch cộng đồng gần như bất khả, dù đã tiêm đủ hai liều vắc xin cho 100% số dân.

Cụ thể với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, mọi tính toán trước đây về “miễn dịch cộng đồng” dựa trên tỉ lệ phủ vaccine của dân số nay xem chừng đã không thực tế.

Theo chuyên gia năng lượng và môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi, sống và làm việc tại tỉnh/bang British Columbia (BC), Canada, miễn dịch cộng đồng phụ thuộc ba yếu tố: chủng virus (thể hiện qua hệ số lây lan gốc, Ro), tỷ lệ phần trăm dân số tiêm đủ vaccine (T) và hiệu quả vaccine (Ve).

Ông cho biết: “Giáo sư, bác sỹ Ellie Murray của Đại học Boston (Mỹ) đưa ra công thức tính hệ số lây nhiễm thực (Rt) trong cộng đồng như sau: Rt = Ro x (1 – T x Ve).

Miễn dịch cộng đồng đạt được khi hệ số lây nhiễm thực nhỏ hơn hoặc bằng 1, nghĩa là một người bị nhiễm virus sẽ lây cho tối đa một người khác. Lúc đó, tỷ lệ phần trăm dân số tiêm đủ vaccine kỳ vọng để đạt miễn dịch cộng đồng là T = (1 – 1/Ro)/Ve (quy ra từ công thức trên với Rt = 1).

Theo số liệu của CDC Mỹ, với chủng virus corona gốc (SARS-CoV-2), hệ số lây lan gốc “chỉ” trong khoảng từ 2-3, tức một người nhiễm virus có khả năng lây cho 2-3 người, lấy trung bình Ro = 2,5. Hiệu quả vaccine lấy trung bình Ve = 85%. Từ công thức T = (1 – 1/Ro)/Ve ta có T = 71%.

Nghĩa là, với chủng virus corona gốc, ước tính khoảng 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine là đạt miễn dịch cộng đồng. Mục tiêu tiêm 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng mà Bộ Y tế Việt Nam đưa ra theo cách tính này.

Nhưng cách ước tính trên không còn giá trị với biến thể Delta. Cũng số liệu của CDC Mỹ cho thấy hệ số lây lan gốc của chủng Delta hiện nay trong khoảng 6-9, lấy trung bình Ro = 7,5. Giả sử 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine (T = 70%) và cho rằng hiệu quả vaccine lên đến 95%, lúc đó hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = Ro x (1 – T x Ve) = 7,5 x (1 – 70% x 95%) = 2,5.

Kết quả cho thấy rằng với chủng virus Delta, hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = 2,5 ngay cả khi 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine và hiệu quả vaccine lên đến 95%. Nghĩa là một người bị nhiễm vẫn sẽ lây cho 2,5 người khác dù cộng đồng đã được phủ vaccine và hiệu quả vaccine đạt mức tối đa.

Trong thực tế, vì Việt Nam sử dụng nhiều loại vaccine khác nhau và chỉ có Moderna hay Pfizer đạt hiệu quả tối đa 95%, trong khi hiệu quả của AstraZeneca chỉ khoảng 70% và của Sinopharm (Vero Cell) thậm chí còn thấp hơn nên hiệu quả bảo vệ của vaccine trung bình trên toàn dân số được tiêm không thể nào đạt mức 90%, thậm chí thấp hơn 85%.

Mà ngay cả khi tiêm 100% dân số (điều không thể đạt được trong thực tế) và hiệu quả bảo vệ của vaccine trung bình trên toàn dân là 85% (mức cực kỳ lạc quan) thì hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = Ro x (1 – T x Ve) = 7,5 x (1 – 100% x 85%) = 1,125.

Vì hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng vẫn lớn hơn 1, nên miễn dịch cộng đồng không thể đạt được chỉ nhờ phủ vaccine. Để đưa giá trị hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng càng thấp càng tốt và tối ưu nhất là thấp hơn 1, ngoài vaccine phải áp dụng thêm các giải pháp thuộc nhóm can thiệp không dùng thuốc (NPI) để ngăn ngừa sự lây lan của virus, ví dụ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Nói cách khác, đó là cách mà loài người sống chung với virus ngay cả khi được tiêm đủ vaccine.

Sự khác biệt của hệ số lây lan gốc giữa hai chủng virus corona gốc và Delta là vô cùng lớn. Ví dụ, với chủng virus corona gốc, một người bị nhiễm sẽ lây cho tối thiểu hai người. Đến chu kỳ lây thứ hai, số ca nhiễm tăng lên 4 (bằng 2 x 2). Đến chu kỳ lây thứ ba, số ca nhiễm tăng lên 8 (2 x 2 x 2)… Với chủng Delta, một người bị nhiễm sẽ lây cho tối thiểu 6 người. Đến chu kỳ lây thứ hai, số ca nhiễm tăng lên 36 (bằng 6 x 6). Đến chu kỳ lây thứ ba, số ca nhiễm tăng lên 216 (6 x 6 x 6)… Nghĩa là chỉ qua ba chu kỳ, số ca nhiễm do biến thể Delta đã cao gấp 27 lần chủng corona gốc.

Điều đó giải thích cho những trận “cuồng phong” lây nhiễm do biến thể Delta tại Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam… và nhiều quốc gia khác trên thế giới”.

TP.HCM đã thực nghiệm hóa sống chung với Covid bằng chỉ thị 18. Hầu hết dân ủng hộ. Thực tế sẽ trả lời cách này ra sao so với kiểu Tàu.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng (trưởng khoa y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP.HCM) dự báo sắp tới: “Số ca mắc có thể tăng, ca tử vong sẽ giảm”.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng (phó chủ tịch Hội Ngành nghề y tư nhân, Sở Y tế TP.HCM): “Yên tâm với sức đề kháng vô hình: Ứng xử của từng cá nhân với dịch bệnh thay đổi rất khác. Họ sống chậm hơn, tuân thủ đầy đủ các biện pháp 5K, hiếm thấy sự coi thường trước dịch bệnh”.

Một, hai tuần, một tháng mà dự báo đó đúng thì mô hình kiểu đó đúng. Với chủ quan cá nhân, tôi luôn tin bà con mình.

Còn ai chưa đồng ý sống chung với Covid hoàn toàn có quyền ở nhà tiếp, nhà nước không hề cấm và buộc ra đường. Nếu tiền bạc còn thoải mái, đồng ý sống chung hay không thật sự thuộc về quyền và tự do chọn lựa của mỗi người.

Cù Mai Công

VĂN HÓA ... XIN LỖI

HIỆU MINH/TD 2-10-2021

Theo TTO, chiều 29-9, đoàn công tác của Thành ủy Thuận An, tỉnh Bình Dương và phường Vĩnh Phú đã có buổi làm việc với bà Hoàng Thị Phương Lan, ngụ chung cư Ehome 4, người bị phá khóa cửa và bị cưỡng chế đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Tại buổi làm việc, ông Võ Thanh Quan – bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 – đã gửi lời xin lỗi công khai bà Lan đối với việc cưỡng chế bà chưa phù hợp quy định.


Ảnh: Văn Dũng/Báo Dân Việt

Xin lỗi là tốt rồi nhưng với quan phường thì chưa đủ vì quan không phải dân, không phải trẻ con.

Nhớ lần đến Indonesia (5-2012), mình đến thăm khu Zoo của Jakarta rất thú vị. Có chú vẹt biết nói. Tay chủ nói gì, vẹt nói theo như cái máy. Cho vài rupiah, vẹt “thank you, thank you”.

Mình bảo, thứ nói xin lỗi xem nào. Lão chủ nháy mắt, xem đây. Vẹt tuôn một tràng lơ lớ. Hỏi tay chủ thì hắn dịch đại, đó là “sorry, sorry” trong tiếng Indo. Mình tủm tỉm, cứ coi như tay chủ kia nói thật.

Mắc lỗi là chuyện hết sức con người, nhưng che giấu lỗi không thể tha thứ, nhất là lỗi đó ảnh hưởng đến sinh mạng con người hay cuộc sống mưu sinh của nhiều người.

Một lúc nào đó phải nói lời xin lỗi, rất xấu hổ khi phải dùng hai từ bắt đầu bằng chữ X này. Nhưng xin lỗi và làm như thế nào để tránh lỗi lại là câu chuyện khác.

Trẻ con xin tha cho qua chuyện

Lúc bé, ông bà, cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi… thường dạy chúng ta, hãy nói lời xin lỗi khi mắc tội gì đó.

Cánh trẻ con trốn học, trèo cây, lội sông, nghịch dại, kể cả trêu chửi, bị cha mẹ phát hiện, không muốn bị đòn, bị phạt tường, hay điểm kém, đã vội vàng “con xin lỗi, cháu xin lỗi, em biết lỗi rồi, xin đừng đánh”.

Bài học nhún nhường ấy đơn giản, không tốn sức mà lại hiệu quả.

Nhưng bao nhiêu phần trăm số lần xin lỗi ấy thực sự là biết lỗi, biết ăn năn, biết làm gì đó để thay đổi, để không mắc lần sau. Hay chỉ là xin cho qua chuyện vì nghĩ, lão khốt hay mụ khọm cũng quên nhanh thôi. Xin lỗi vài câu, hôm sau cứ đi chơi, trèo cây, lội sông, “làm gì bố nào”.

Bọn trẻ có lỗi không? Không hoàn toàn. Chúng có lỗi vì người lớn chúng ta không bỏ thời gian nghiên cứu xem lỗi bọn trẻ ở đâu, không giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, phải khuyên bảo, đôi khi bằng hình phạt và tìm ra đường đi nước bước để tránh khuyết điểm trong tương lai.

Rằng con nghịch dại leo trèo, ngã vỡ đầu, lội sông chết đuối, bỏ học thành người vô dụng. Lần này phạt không được đi chơi công viên, có khi là một roi. Lần sau phạm sẽ tăng gấp đôi, không có chuyện tha thứ, đứa trẻ sẽ bớt hư.

Nhưng người lớn lười, ít khi tiếp tục theo dõi hành vi của đứa con để giáo dục chúng. Dọa mấy câu, thấy nó khóc lóc, xin xỏ, tưởng uy của mình thế là to, thế là tha bổng.

Lãnh đạo xin lỗi có thật chân thành?

Với kiểu giáo dục ấy, đứa trẻ lớn lên hay hư hỏng. Nếu y làm lãnh đạo thì dễ dùng bài xin lỗi qua loa cho có chuyện như đã từng làm hồi bé. Đôi lúc do lạm quyền, dối trá và tham lam đã quen, cứ nghĩ cả quốc gia phải sợ, ông có lỗi đó, đố ai dám mở mồm.

Nhưng thời thế cũng thay đổi. Nhiều thứ rõ như ban ngày, muốn tránh nói lời xin lỗi cũng không được. Cực bất chẳng đã, phải lên tivi xin lỗi.

Thế giới đã đúc kết như sau. Ở tầm lãnh đạo cấp cao, rất nhiều người chỉ:

(1) Xin lỗi khi bị bắt tận tay, day tận tóc;

(2) Xin lỗi nhưng trong bụng thì nghĩ, sao mình không choảng cho hắn chết luôn;

(3) Xin lỗi vì “trót” để ảnh hưởng tới hàng triệu người, đôi khi cả một quốc gia rơi vào thảm họa;

(4) Xin lỗi bởi vì đã bị phát hiện nói dối trắng trợn;

(5) Xin lỗi vì không biết che giấu việc anh ta ngồi trên pháp luật, tìm cách điểu khiển cả quốc gia theo ý mình và;

(6) Đôi khi xin lỗi vì kẻ ấy mắc bệnh tâm thần – không hiểu lời nói kia có nghĩa là gì.

Những lời xin lỗi ấy liệu có giá trị gì không? Chắc là không, hoàn toàn vô giá trị.

Nhớ có lần dự hội thảo về lời hứa và hành động, ai đó đã nói “You can say sorry a million times, say I love you as much as you want, say whatever you want, whenever you want. But if you’re not going to prove that the things you say are true, then don’t say anything at all. Because if you can’t show it, your words don’t mean a thing.”

Ai cũng có thể xin lỗi cả triệu lần, nói những lời yêu đương vô hồi kỳ trận, nói bất cứ cái gì, vào bất cứ lúc nào. Nhưng nếu không chứng tỏ được những gì mình nói là thực lòng thì thà đừng nói gì còn hơn. Nếu lời nói không đi đôi với hành động thì những lời nói ấy chẳng đáng một xu.

Xin lỗi cũng vậy, chỉ nói cho xong chuyện thì đừng bao giờ dùng hai từ đáng xấu hổ đó, giống chú vẹt Indo sorry mà mình chả hiểu nó hót cái gì.

Hiệu Minh

NỖI THẤT VỌNG CHÍNH ĐÁNG

NGUYỄN ĐẮC KIÊN/ TD 2-10-2021

Bây giờ muốn biết người dân tín nhiệm mình như thế nào, lãnh đạo TP.HCM chỉ cần ra mấy cửa ngõ về miền Tây là có thể thấy ngay tận mắt.

Khi ông Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát ngôn rằng, sau 1/10, “người nào ra đường không có lý do chính đáng vẫn bị phạt” thì đúng ra sau đó ông hoặc thành phố phải có văn bản diễn giải rõ ràng thế nào là “lý do chính đáng”.

Tính rõ ràng, không được mơ hồ là đòi hỏi bắt buộc của luật pháp và mệnh lệnh hành chính. Nó khác hẳn với nỗi thất vọng của người dân.

Nỗi thất vọng của người dân đôi khi rất cụ thể, như chuyện họ thất vọng vì bị bỏ đói không được nhận hỗ trợ. Nhưng đôi khi cũng rất mơ hồ, như chuyện họ lo lắng bất an, liệu mấy hôm nữa ra đường mình có bị phạt hay không, sau phát ngôn của ông phó chủ tịch thành phố.

Nhưng dù mơ hồ hay rõ ràng, thì nỗi thất vọng của người dân luôn luôn chính đáng và không bao giờ cần phải diễn giải.

Nó chỉ cần biểu hiện. Và biểu hiện rõ ràng nhất cho nỗi thất vọng của người dân với chính quyền là dòng người rời bỏ thành phố không ngớt nối dài hai ngày nay.

Trong khi, tại thành phố nhiều doanh nghiệp đã sửa soạn mở cửa, nhiều thông báo tuyển dụng với mức lương hấp dẫn đã được phát đi, thì tại sao các lao động nhập cư, những người vốn khao khát việc làm, những người từng sẵn sàng rời bỏ quê hương bản quán lên thành phố tìm cơ hội đổi đời nay lại một mực, khăng khăng đòi về lại quê nhà?

Đó chẳng phải là biểu hiện cùng cực của sự thất vọng, nỗi bất an mà thành phố đã trao tặng cho họ thời gian qua thì là gì?

Trong khi không có cách nào ngăn lại làn sóng người lao động rời bỏ đi, thì chắc chắn những ngày sắp tới chính quyền thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ phải đau đầu giải bài toán thiếu lao động trầm trọng khi mở cửa sản xuất trở lại.

Nhưng không còn cách nào khác, một mặt thành phố vẫn phải tạo điều kiện cho những những người muốn rời đi được về lại quê nhà an toàn, chu đáo, thì mặt khác, thành phố phải phối hợp với doanh nghiệp tìm ra các phương án tối ưu để đưa người lao động trở lại thành phố.

Thật là trớ trêu. Nhưng đó là thực tế phải chấp nhận.

Chắc sẽ có khó khăn thời gian đầu, nhưng rồi mọi sự sẽ được giải quyết, người lao động sẽ sớm trở lại. Tuy nhiên, thành phố và cả doanh nghiệp nữa cần nhớ rằng, đưa họ trở lại thì dễ hơn nhiều việc ngăn họ rời bỏ đi.

Đừng để một lần nữa họ lại phải thất vọng bỏ đi.

Cuối cùng, khủng hoảng đại dịch lần này, có thể cũng là cơ hội để tất cả chúng ta, nhất là những người đang cầm quyền nhìn nhận lại về công việc chính trị.

Chính trị đích thực không phải là hình thức để thỏa mãn các mục tiêu kinh tế*, danh vọng hay quyền lực; chính trị đích thực là công việc phụng sự lợi ích của nhân dân.

Trong nền chính trị đó, tất sẽ không có những phát ngôn mang tính dọa nạt, gieo rắc sự lo lắng, bất an cho người dân như phát ngôn “ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị phạt” của ông phó chủ tịch thành phố đã được nhắc đến ở trên.

_____

(*) Tôi nhớ không nhầm thì câu, “Chính trị chỉ là hình thức để thỏa mãn các mục tiêu kinh tế” là của Hồ Chí Minh. Câu này, được ông Hồ nói trong hoàn cảnh phê phán nền chính trị của người Pháp ở Đông Dương thời kỳ thuộc địa. Tôi cũng nghi ngờ rằng câu này có thể ông Hồ đã mượn cách nói hay diễn đạt lại Marx-Engel, tuy nhiên, nhất thời chưa tìm được nguồn dẫn hay xác minh chính xác cho nghi ngờ này. Nếu có vị cao minh nào chỉ giáo luôn cho được thì thật tốt.

Nguyễn Đắc Kiên

TẠI SAO LẠI CÓ 'THẢM CẢNH' THẾ NÀY ?!

NGUYỄN NHƯ PHONG/ TD 2-10-2021

Hai ngày nay, trên tất cả các phương tiện thông tin đạị chúng, trong đó “chủ lực” là MXH đã đưa nhiều Clip hình ảnh ùn tắc tại các chốt chặn người về quê tại TP.HCM, Bình Dương… Cộng vào đó là clip quay cảnh người dân đốt hương, quỳ vái cảnh sát, rồi những cảnh dân tấn công cảnh sát cơ động bằng gạch đá.

Qua những clip đó thì thấy rõ ràng anh em CSCĐ chỉ còn biết dùng khiên để che những trận mưa gạch đá. Và tất cả nhận được lệnh là “phải chịu đựng, phải kiên nhẫn”… Đã có không ít cảnh sát bị thương.

Vậy tại sao có những cảnh này?

Mặc dù chính quyền TP.HCM kêu gọi người dân ở lại. Mặc dù chính quyền tạo điều kiện cho người dân về quê bằng xe khách. Mặc dù có những nơi phải dùng cả xe cảnh sát dẫn đường đưa bà con về quê.

Tôi gọi điện cho một số lãnh đạo CA các tỉnh đang “nóng” thì hóa ra mọi chuyện lại rất đơn giản, và bắt đầu từ một chỉ đạo của cấp trên, đó là: Hạn chế người dân đi về bằng xe máy, mà tổ chức cho đăng ký, đưa mọi người về bằng xe khách.

Chủ trương này là nhân văn và đúng. Nhưng tại sao bà con bất chấp lời khuyên, bất chấp lời kêu gọi của chính quyền?

Đó là vì bà con chịu khổ quá rồi. Và nay họ như chiếc lo xo bị nén lâu ngày giờ được bung ra. Và chính quyền hình như không ai nghĩ đến một thực tế là: Chiếc xe máy không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là tài sản, là phương tiền kiếm sống của người dân. Làm sao họ có thể giao chiếc xe đó vào tay người khác? Làm sao họ có thể rời chiếc xe của mình? Và khi họ về quê, nếu không có xe thì sẽ đi lại bằng gì? Chính vì thế người dân ai cũng muốn về bằng chiếc xe của mình.

Ở một số chốt, khi anh em công an giải thích, và chỉ yêu cầu bà con khai tên tuổi, địa chỉ để còn quản lý, rà soát khi dịch bùng phát thì bà con cũng không chịu, không nghe mọi lời giải thích, mọi sự vận động. Và thế là dẫn đến những ảnh rất đau lòng.

Thiết nghĩ, qua việc này, các cấp chính quyền phải nghĩ đến một điều, đó là: Sẽ xảy ra điều gì? Việc gì? Khi ban hành một chỉ thị, một chủ trương mới.

Còn các ông lãnh đạo ngồi phòng lạnh, đi xe sang, lương không bị giảm… mà cứ nay ra lệnh này, mai ra lệnh khác, không biết lệnh đó sẽ gây tác động xã hội thế nào thì dân cần quái gì các ông?

Thực tế xảy ra ở Hà Nội, TP.HCM, và một vài tỉnh phía Nam thì thấy rõ: Trình độ quản lý xã hội của rất nhiều lãnh đạo quá kém, quá kém! Mặc dù họ có “học hàm học vị” hẳn hoi đấy.

Tôi cũng từng có bài đề nghị Chính phủ, qua thực tế chống dịch này, nên “sàng lọc” bớt đi những cán bộ bất tài và nặng lý thuyết suông. Hy vọng chúng ta cũng sẽ loại bớt được được những “cô vít quan chức”.

NHỮNG AI PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO HÀNG NGÀN TỈ ĐỒNG LÃNG PHÍ VÌ XÉT NGHIỆM ?

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 29-9-2021

I. TIÊU KHÔNG XÓT TIỀN VÀ KIẾM LỜI BẰNG MỌI GIÁ?

Nghèo thường đi đôi với tiết kiệm. Nhưng cái cách mà Việt Nam chi tiền trong thời gian chống dịch Covid vừa qua chứng tỏ ngược lại. Việt Nam nghèo nhưng không xót tiền bạc.

Bộ Y tế là người khống chế giá sàn 10 USD (238.000 đồng) cho 1 xét nghiệm (CV số 5378/BYT-KHTC, ngày 07/07/2021). Đó là giá tối thiểu mà người dân phải thanh toán. Chưa nói đến nhiều nơi năng giá lên đến 300.000 đồng – 400.000 đồng, thậm chí có nơi là 730.000 đồng (Bệnh viện Hà Nội – Đồng Văn) cho một xét nghiệm.

Như các nguồn tin từ MXH và internet, bộ tự xét nghiệm NasoCheck của Đức có giá bán từ dao động 10 EURO – 50 EURO cho 1 hộp gồm 25 xét nghiệm tuỳ thuộc vào số lượng. Trong siêu thị một tự xét nghiệm NasoCheck có 0,95 EURO. Mua 7 xét nghiệm thì 5,94 EURO (0,85 EURO = 1USD = 24.000 đồng/xét nghiệm). Mua số lớn thì 10 EURO cho 25 xét nghiệm (0,25 EURO = 0,30 USD = 7.200 đồng/xét nghiệm).

Trung bình, trong khi người dân ở Đức chỉ phải trả khoảng 1 USD cho một tự xét nghiệm thì người dân Việt Nam phải trả đến 10 USD. Theo thống kê năm 2021 của Quỹ tiền tệ quốc tế, thì thu nhập GDP bình quân đầu người của Đức (51.860 USD, thứ 24) lớn gấp hơn 14,3 lần Việt Nam (3.609 USD, thứ 144). Vị chi, người Việt Nam chịu chi phí cho 1 xét nghiệm đắt hơn người Đức đến khoảng 140 lần!

Nếu lấy giá xét nghiệm thấp nhất được biết ở Việt Nam là 170.000 đồng (7 USD) và giá cao nhất là 730.000 đồng (30,45 USD) thì người Việt Nam chịu chi phí cho 1 xét nghiệm đắt hơn người Đức trung bình trong khoảng từ 98 lần – 435 lần!

Ngoại trừ Trung Quốc, không có nước nào xét nghiệm toàn thành phố 5-10 triệu dân để truy vài chục ca nhiễm như Việt Nam. Trong khi các nước chỉ xét nghiệm điểm thì Việt Nam lại xét nghiệm đại trà. Trong khi các nước sau khi tiêm không phải xét nghiệm thì ở Việt Nam vẫn phải xét nghiệm. Vừa xét nghiệm ở tỉnh này đến tỉnh khác lại phải xét nghiệm. Xét nghiệm liên tục. Có trường hợp phá khoá cửa, ập vào nhà bắt đi xét nghiệm như là tội phạm đặc biệt nguy hiểm (Bình Dương).

Chưa có được số liệu chính thức. Nhưng ước tính khoảng 50 triệu xét nghiệm đã được tiến hành, tương đương với khoảng 500 triệu USD đã phải chi trả – hoặc từ ngân sách, hoặc từ túi dân. Cuối cùng quy lại cũng là từ túi dân. Đó là ở trong nước, tiền từ túi đa số người nghèo chuyển sang thiểu số túi người giàu.

Còn mất bao nhiêu tiền cho nước ngoài? Bộ Y tế trả cho Vingroup 84.120.000 USD để có 25 triệu xét nghiệm. Trung bình 3,36 USD một xét nghiệm. Còn Vingroup mua của nước ngoài giá bao nhiêu? Nếu tính giá thành về đến Việt Nam là 1 USD/ 1 xét nghiệm thì Vingroup thu lời 59.120.000 USD. Nếu giá thành là 1,5 USD/ 1 xét nghiệm thì Vingroup thu lời 46.620.000 USD. Nếu giá thành là 2 USD/ 1 xét nghiệm thì Vingroup thu lời 34.120.000 USD.

Đừng nói rằng bộ tự xét nghiệm NasoCheck của Đức là kém chất lượng. Việt Nam sử dụng loại xét nghiệm như NasoCheck của Đức là đủ an toàn. Nước Đức chấp nhận được thì Việt Nam cũng chấp nhận được. Nếu Bộ Y tế mua 25 triệu xét nghiệm NasoCheck của Đức thì giá thành trả cho nước ngoài chỉ khoảng 10 triệu EURO (11,7 triệu USD), về đến kho ở Việt Nam bằng đường hàng không cũng không quá 14.120.000 USD, thay vì phải trả 84.120.000 USD.

Sinh viên tốt nghiệp ra trường chỉ có mức lương 200 -300 USD/tháng. Mức lương tối thiểu của người lao động chưa đến 190 USD/tháng. Nghèo đến như vậy mà quyết định chi cho 1 xét nghiệm đắt hơn các nước giàu có đến cả chục lần.

Một đất nước nghèo nhưng không biết xót tiền!

Tục ngữ Việt Nam có câu “lá lành đùm lá rách”. Còn dịch bệnh là đại hoạ. Sao có thể nhân lúc người dân khốn đốn lâm vào đại hoạ mà lợi dụng kiếm lời?

II. NHỮNG AI PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO HÀNG NGÀN TỶ ĐỒNG LÃNG PHÍ VÌ XÉT NGHIỆM?

1. Bộ Y tế không thể chối bỏ trách nhiệm về quy định giá sàn tối thiểu 238.000 đồng cho 1 xét nghiệm (CV số 5378/BYT-KHTC, ngày 07/07/2021). Đó là căn cứ để những kẻ kiếm tiền lời trên nỗi thống khổ của dân nghèo, nâng giá không thương xót.

Bộ Y tế không thể chối bỏ trách nhiệm vì đã mua hàng triệu xét nghiệm với giá đắt hơn nhiều giá có thể mua.

Bộ Y tế không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc cho phép các công ty được phép nhập khẩu tự tiện quyết định giá bán các bộ xét nghiệm cho các địa phương với công văn giới thiệu và hướng dẫn giá cả của Bộ Y tế (CV 6929/BYT-TB-CT).

Bộ Y tế không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc xác định không đúng chiến lược về xét nghiệm. Dẫn đến tình trạng xét nghiệm đại trà tràn lan ở khắp các tỉnh thành, tiến hành hàng chục triệu xét nghiệm lãng phí. Lãng phí về tiền bạc. Lãng phí về thời gian. Bộ trưởng Bộ Y tế là người chịu trách nhiệm lớn nhất ở Bộ Y tế dù là giao cho ai phụ trách.

2. Lãnh đạo các tỉnh thành cũng không thể chối bỏ trách nhiệm trong lãng phí xét nghiệm thuộc phạm vi nội bộ tỉnh thành của mình. Trước hết là xét nghiệm tràn lan. Sau đó là không xác định được đúng giá xét nghiệm. Làm người dân bị xét nghiệm không cần thiết và phải trả giá quá cao cho xét nghiệm.

Đừng biện hộ rằng nhiệm vụ xác định giá không phải của lãnh đạo tỉnh thành. Lãnh đạo tỉnh thành quyết định chi trả cho xét nghiệm mà không biết giá cả của xét nghiệm thì quyết định làm gì? Lãnh đạo tỉnh thành có con đường riêng để xác định giá. Nếu phải tự bỏ tiền túi ra chi trả cho hàng triệu xét nghiệm thì bí thư và chủ tịch các tỉnh thành có biết giá thực của mỗi xét nghiệm không?

3. Bộ Y tế là của Chính phủ. Chính phủ đã trao quyền cho Bộ Y tế thì Chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hoạt động của Bộ Y tế trước quốc dân đồng bào. Chính phủ có Bộ tài chính để kiểm soát giá cả, có nhiều con đường để kiểm soát giá cả, thế mà vẫn để lọt những sai phạm to lớn như vậy.

Đã không chỉ một lần kiến nghị Thủ tướng cần có một nhóm chuyên gia Y tế làm cố vấn độc lập, ngoài Bộ Y tế. Nếu có một nhóm chuyên gia Y tế độc lập song song như vậy, thì đã không có xét nghiệm đại trà hàng loạt xẩy ra như thời gian vừa qua.

4. Nhân sự thành viên Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Y tế là do Bộ Chính trị quyết định. Nhân sự Bí thư Tỉnh uỷ các tỉnh thành cũng do Bộ Chính trị quyết định. Cho nên trách nhiệm ở mức độ cao hơn nữa thuộc về Bộ chính trị. Chức vụ gắn liền với trách nhiệm. Người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm lớn nhất.

III. NGUYÊN NHÂN CHÍNH LÀ NHÂN SỰ VÀ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC

Nguyên nhân nào đã dẫn tới tình trạng xét nghiệm đại trà lãng phí như trên. Trong số nhiều nguyên nhân, có 3 nguyên nhân chủ đạo.

Nguyên nhân thứ nhất là nhân sự. Dịch Covid đã phơi bày sự yếu kém của nhiều nhân sự cấp cao. Nhân sự cấp cao là của Đảng. Lưạ chọn nhân sự cấp cao là công việc của Bộ chính trị.

Nguyên nhân thứ hai là sở hữu nhà nước. Vì ngân sách nhà nước mới dẫn đến cách tiêu tiền như vậy. Nếu là sở hữu tư nhân thì đã không có giá xét nghiệm cao và đã không mua nhiều xét nghiệm đến thế.

Nguyên nhân thứ ba là do cơ chế. Cơ chế mới dẫn đến cách mua bán thiết bị Y tế và cách xét nghiệm diễn ra như thế.

IV. CHẤM DỨT XÉT NGHIỆM ĐẠI TRÀ

Trong đại dịch vẫn nhiều người muốn kiếm lời to. Vaccine là nguồn lợi lớn. Nhưng bộ xét nghiệm còn là nguồn lợi nhanh hơn, nhiều hơn.

Đã tiêm vaccine rồi thì không phải xét nghiệm nữa. Đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì được lưu thông khắp mọi nơi trong nước. Chỉ đối với nước ngoài thì phải tuân thủ theo luật của nước sở tại. Chẳng hạn đến châu Âu thì tiêm 2 mũi Vero Cell của Trung Quốc không có giá trị và phải xét nghiệm nhanh tại chỗ.

Một điều giản đơn cần nắm rõ, là khi đã tiêm 2 mũi vaccine thì xác suất lây nhiễm lại cũng tương đương với xác suất sai sót của xét nghiệm. Vì thế xét nghiệm cho người đã tiêm vaccine là lãng phí. Người đã tiêm vaccine, dẫu bị nhiễm lại thì ít nặng bệnh và khả năng tử vong nhỏ hơn nhiều so với khi chưa tiêm vaccine.

Cần phải chấm dứt cách xét nghiệm đại trà toàn thành phố. Tốn kém vô ích. Đó là kiểu Maoixt. Tầu làm được không có nghĩa là Việt Nam cũng làm được. Lịch sử mấy chục năm gần đây cho thấy, học theo Maoixt điều gì là tai hoạ điều ấy.

V. THỨ TỰ ƯU TIÊN TIÊM VACCINE

Không xét nghiệm đại trà mà ưu tiên tiêm vaccine. Trong hoàn cảnh nguồn vaccine được cung cấp theo từng đợt thì cách tiêm vaccine sau đây là phù hợp.

1. Tiêm cho lớp người 65 tuổi trở lên, có bệnh nền tiêm trước.

2. Tiếp đến tiêm cho lớp tuổi 50-64, có bệnh nền tiêm trước.

3. Sau nữa là lớp tuổi 18-49, có bệnh nền tiêm trước.

Đó là cách mà nhiều nước Âu châu đã tiến hành. Cách này giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong trong khi chưa đủ vaccine cùng một lúc để vaccine hoá cộng đồng. Nó phù hợp với năng lực cung cấp vaccine trong thực tiễn. Nó không dẫn đến tình trạng hoảng loạn về vaccine.

Thứ tự tiêm vaccine trên đây là cách tốt nhất cho các tỉnh đang ít bị lây nhiễm tránh được tình thế hoảng loạn vaccine, mà sử dụng vaccine kém chất lượng. Đó là cách có được các loại vaccine hàng đầu như Pfizer, Moderna, AstraZeneca sẽ về vào cuối năm để tiêm cho người dân trong tỉnh. Đó là cách không phải hoảng loạn để tiêm các loại vaccine bị xếp hạng thấp hơn hay độ tin cậy thấp.

V. CHỐNG THAM NHŨNG QUAN TRỌNG NHƯNG CẢI CÁCH THỂ CHẾ CÒN QUAN TRỌNG HƠN

Không ai phủ nhận tính cần thiết và mặt tích cực của chống tham nhũng. Nhưng thực tiễn của Việt Nam cho thấy, không thể chấm dứt tình trạng tham nhũng dẫu bỏ tù thêm cả ngàn kẻ tham nhũng nữa, khi mà cơ chế đẻ ra tham nhũng.

Đất nước khốn đốn vì đaị dịch, nhưng thiết bị Y tế nhập về để chống dịch đã bị nâng giá lên 5,7 lần. Bỏ tù hàng loạt cán bộ nhưng không đe doạ được ai. Hàng chục triệu bộ xét nghiệm lại tiếp tục bị thổi giá lên 5,7 lần. Chỉ trong vòng mấy tuần, hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước bị chi tiêu lãng phí, nhiều chục triệu người dân bị đẩy vào tình trạng phải xét nghiệm nhiều lần với chi phí đắt đỏ.

Dù đẩy mạnh chống tham nhũng đi bao nhiêu nữa cũng không làm bớt tệ nạn tham nhũng. Phải có cách tiếp cận khác về chống tham nhũng. Đó là tiêu diệt nguồn sinh ra tham nhũng.

Cải cách thể chế là phương thức hữu hiệu để tiêu diệt nguồn sinh ra tham nhũng. Trong cải cách thể chế thì cách mạng phương thức tuyển chọn nhân sự quản trị quốc gia là ưu tiên số 1. Muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải cách mạng phương thức tuyển chọn nhân sự.

Phàm những điều quan trọng nhất phải được quyết định bởi số đông.


Công văn của Bộ Y tế. Ảnh trên mạng


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét