Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

20211004. VỤ KỶ LUẬT 9 TƯỚNG LĨNH CẢNH SÁT BIỂN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

THÔNG CÁO BÁO CHÍ KỲ HỌP THỨ BẢY CỦA ỦY BAN KIỂM TRA 
TRUNG ƯƠNG KHÓA XIII
UBKTTƯ/ GDVN 30-9-2021

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Từ ngày 28 đến ngày 30/9/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 07. (Ảnh: Ubkttw.vn)

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

I- Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và một số cán bộ, đảng viên liên quan, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ, lãnh đạo chủ chốt Bộ Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, trang bị kỹ thuật và trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổn hại uy tín của tổ chức đảng và Quân đội, gây bức xúc trong cán bộ, chiến sĩ. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm:

- Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo đồng chí Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Đảng uỷ viên, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

Khiển trách đồng chí Thiếu tướng Ngô Bình Minh, Đảng ủy viên Cảnh sát biển Việt Nam, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1.

Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đồng chí: Đại tá Phùng Danh Thoại, Đảng uỷ viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần; Thiếu tá Lưu Thế Đức, Đảng ủy viên, Phó Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát số 2.

- Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh; Trung tướng Hoàng Văn Đồng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Chính uỷ; Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Trần Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, nguyên Đảng uỷ viên, nguyên Phó Tư lệnh; Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2; Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3; Thiếu tướng Lê Văn Minh, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4.

II- Qua xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của một đảng viên thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

Đảng ủy Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2015- 2020 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện các Dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hoá chất bảo vệ thực vật; nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.

Đồng chí Nguyễn Hữu Chiến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn chịu trách nhiệm người đứng đầu về vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy, chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm, khuyết điểm trong việc ký các hợp đồng, quyết định thực hiện Dự án, để cấp dưới làm trái quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Những vi phạm nêu trên đã làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng nhưng chưa được cấp có thẩm quyền ở tỉnh Lạng Sơn xem xét, xử lý nghiêm minh.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Đảng ủy Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2015 - 2020 và đồng chí Nguyễn Hữu Chiến.

III- Xem xét kết quả giám sát một số tổ chức đảng và đảng viên, bên cạnh những ưu điểm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

1- Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2021 có một số vi phạm, khuyết điểm, hạn chế trong việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc, công tác cán bộ; trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thể chế, chính sách, ban hành một số văn bản không đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có nội dung không phù hợp.

Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu, thực hiện bổ sung quy hoạch, quản lý phát triển năng lượng điện, nhất là các dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ và vừa; trong xây dựng cơ chế, chính sách về giá điện, giá xăng dầu.

2- Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch EVN có vi phạm, khuyết điểm, hạn chế trong việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc, công tác cán bộ; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra vi phạm trong công tác cán bộ, đầu tư tài chính, đầu tư xây dựng, cổ phần hóa, thoái vốn, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước trong việc mua điện mặt trời mái nhà,...

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên được giám sát nêu trên kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm, hạn chế đã được chỉ ra, báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

IV- Xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Ban Thường vụ Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy: Bên cạnh những ưu điểm, các tổ chức đảng nêu trên còn có một số hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra.

V- Cũng tại kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và quyết định một số nội dung quan trọng khác.

Theo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
KỶ LUẬT 9 TƯỚNG LĨNH CẢNH SÁT BIỂN VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG, GÂY THẤT THOÁT LỚN
LÊ HIỆP/ TN 2-10-2021

Ban Bí thư quyết định, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Ban Bí thư quyết định khai trừ Đảng với 2 thiếu tướng và cách toàn bộ chức vụ trong Đảng với 7 tướng lĩnh khác là tư lệnh, phó tư lệnh, chính ủy, phó chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam và đơn vị trực thuộc; đồng thời, giao Quân ủy T.Ư tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm minh.

Vi phạm rất nghiêm trọng

Ngày 1.10, tại Trụ sở T.Ư Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển VN nhiệm kỳ 2015 - 2020 và một số cá nhân. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, nghe đại diện Quân ủy T.Ư phát biểu, Ban Bí thư kết luận Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển VN nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, quy chế làm việc, quy định của Quân ủy T.Ư, để nhiều cán bộ, đảng viên (trong đó có cả các bí thư, phó bí thư Đảng ủy, tư lệnh, phó tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trực thuộc) suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Kỷ luật 9 tướng lĩnh Cảnh sát biển vi phạm rất nghiêm trọng, gây thất thoát lớn - ảnh 1

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

GIA HÂN

Bên cạnh đó, còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hóa; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống

Về cá nhân, Ban Bí thư cho rằng, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, với cương vị là Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Cảnh sát biển, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc. Bản thân ông Sơn suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc khi ký ban hành một số văn bản quan trọng trong công tác trọng yếu. Bên cạnh đó, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiệp vụ và pháp luật, để xảy ra việc xử lý một số vi phạm không đúng quy định, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Trung tướng Hoàng Văn Đồng, trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển, chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; bản thân suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó chính ủy Cảnh sát biển, cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; bản thân suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, với cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát biển, cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020. Bản thân ông Hậu suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; đồng thời, chịu trách nhiệm cá nhân trong việc báo cáo kết quả đánh giá năng lực nhà thầu đối với gói thầu mua sắm thiết bị không đúng quy định pháp luật, gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, trong thời gian giữ chức Đảng ủy viên, Phó tư lệnh Cảnh sát biển (từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 3.2020), suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; đã vi phạm quy định pháp luật trong phê duyệt một số kế hoạch mua xăng dầu. Cạnh đó, với trách nhiệm là Chủ tịch Hội đồng mua sắm vật tư, phê duyệt thanh, quyết toán xăng dầu nhưng thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.

Lê Hiệp


VỤ 9 TƯỚNG CẢNH SÁT BIỂN BỊ KỶ LUẬT: CÁN BỘ LÃO THÀNH 'MỪNG  NHƯNG KHÔNG VUI'
DANH TRỌNG-TÚ NGUYỄN /TTO 2-10-2021

TTO - Các ông Vũ Quốc Hùng và Lê Việt Trường đều hoan nghênh quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc làm rõ và xử lý vi phạm, nhưng cho rằng vẫn còn những vấn đề cần trả lời cho dư luận, nhân dân được rõ hơn.

Vụ 9 tướng Cảnh sát biển bị kỷ luật: Cán bộ lão thành mừng nhưng không vui - Ảnh 1.

Ông Vũ Quốc Hùng - Ảnh: LÊ KIÊN

Trước việc Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2020), khai trừ đảng 2 tướng, cách hết tất cả chức vụ trong đảng của 7 tướng lĩnh khác, cả ông Hùng và ông Trường đều hoan nghênh quyết tâm của Đảng, Bộ Quốc phòng trong xử lý vi phạm, sai phạm, nhưng đều "thấy rất đau".   

Phải trả lời tại sao để ra nông nỗi này?

Ngày 2-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online - ông Vũ Quốc Hùng, nguyên phó chủ nhiệm thường  trực Ủy ban Kiểm tra trung ương - cho biết khi nghe tin về sự việc trên, ông thấy "rất đau đớn". Vì đây là một lực lượng rất quan trọng và những tướng lĩnh này là người lãnh đạo, chỉ huy nhưng lại có sai phạm.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng qua vụ việc này cũng đã thể hiện được sự quyết tâm cao của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư trong việc phòng chống tiêu cực, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Ủy ban Kiểm tra trung ương đã vào cuộc và làm một cách cẩn trọng, tìm ra những thông tin chính xác để xử lý những cán bộ vi phạm này.

Vị cán bộ lão thành bày tỏ: "Việc công khai kỷ luật 9 tướng lĩnh Cảnh sát biển chứng tỏ một thời kỳ mới mà như đồng chí Tổng bí thư và Đảng ta đã nói là "dân chủ, công khai, minh bạch". Đó là phương châm hành động của Đảng ta và cũng là quy luật chung của phương châm quản lý con người, cán bộ, không thể úp úp, mở mở".

"Tôi mừng nhưng không vui. Không vui sướng gì khi xảy ra những sự việc thế này. Nhưng mừng vì tổ chức Đảng của chúng ta vì sự vững mạnh, trong sạch mà quyết tâm cao độ, qua đó mới làm rõ được những vụ việc như thế này", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, thời gian tới cần phải tiếp tục xử lý các sai phạm để rút ra bài học kinh nghiệm. "Bài học kinh nghiệm ở đây là vì sao một lực lượng rất quan trọng như vậy mà lại để ra nông nỗi này? Nếu như công tác kiểm tra giám sát theo các quy định của Đảng làm đến nơi đến chốn, làm kịp thời, thường xuyên thì không đến nỗi mất mát lớn như vậy".

Đảng ủy Quân sự trung ương, Ủy ban Kiểm tra trung ương, các cơ quan có trách nhiệm quản lý đơn vị có những tướng lĩnh vi phạm cần phải trả lời rằng tại sao lại để ra nông nỗi này? Các cơ quan này cần tiếp tục trả lời các vấn đề liên quan nhằm rút kinh nghiệm, chứ không phải để làm mọi chuyện trở nên to tát.

Ông Hùng đề nghị cần phải phổ biến và thực hiện thật tốt Quy định 22 của Ban Chấp hành trung ương về kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. "Chủ động chứ không bị động, chiến đấu là phải đấu tranh với các tiêu cực, đây không phải là chuyện dễ dàng, mà đây là cuộc đấu tranh phải có dũng khí. Từ đó răn đe, cảnh cáo, giáo dục những người vi phạm. Phải cho những "củi" xấu vào lò, chứ không phải mục đích là để có thành tích đưa càng nhiều "củi" cho vào lò càng tốt" - ông bình luận. 

Vụ 9 tướng Cảnh sát biển bị kỷ luật: Cán bộ lão thành mừng nhưng không vui - Ảnh 2.

Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội Lê Việt Trường - Ảnh: Quochoi.vn

Sau kỷ luật, phải có cuộc chỉnh huấn nghiêm túc

Chia  sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội Lê Việt Trường cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử của quân đội từ năm 1944 đến nay và trong 23 năm tuổi của lực lượng Cảnh sát biển (từ năm 1998 đến nay), phải kỷ luật số lượng tướng lĩnh cao cấp nhiều như vậy.

“11 tướng lĩnh cùng bị kỷ luật (2 tướng do Ủy ban Kiểm tra trung ương thi hành kỷ luật, 9 tướng do Ban Bí thư thi hành kỷ luật - NV) là số lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử quân đội và đây đều là lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu từ trên xuống dưới của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Việc phải kỷ luật số lượng cán bộ lớn trong một thời gian rất ngắn với một lực lượng tuổi đời chưa nhiều như Cảnh sát biển vô cùng đau xót và rất nghiêm trọng”, ông Trường nói và nêu rõ trong vụ việc này, chúng ta không chỉ mất cán bộ mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của quân đội, quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Trường, việc xử lý nghiêm minh, công khai trong trường hợp của các tướng lĩnh Cảnh sát biển đã thể hiện rõ quan điểm không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần khẳng định.

Ông nói, trước đây, những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhất là liên quan đến lực lượng thuộc môi trường biển, thông thường nhiều người cho rằng “nhạy cảm”, có nhiều yếu tố đòi hỏi cần thiết phải có cách thức riêng.

“Việc Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ban Bí thư công khai các vi phạm, xử lý đã cho thấy rõ, việc xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, bình đẳng trước pháp luật đối với các vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.

Trong số các tướng lĩnh bị kỷ luật đã có 2 thiếu tướng bị khởi tố, bắt tạm giam nên cử tri và nhân dân rất tin tưởng trong thời gian tới, các vi phạm này sẽ được xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội”, ông Trường nói thêm.

Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh cũng chỉ rõ, sau khi kỷ luật về Đảng, các cơ quan chức năng sẽ có các kỷ luật về chính quyền, kể cả hình sự tùy theo vi phạm, hành vi phạm tội nếu có của các cá nhân.

Sau vụ việc này, ông Trường nhấn mạnh, có rất nhiều bài học được đặt ra, nhưng quan trọng nhất là Bộ Quốc phòng cần phải có một cuộc chỉnh huấn nghiêm túc không chỉ ở lực lượng Cảnh sát biển mà trong toàn quân.

DANH TRỌNG - TÚ NGUYỄN

'LÒ' ÔNG TRỌNG VÀ NHỮNG TÊN... CƯỚP BIỂN !

THU HÀ/ TD 2-10-2021

Lực lượng Cảnh Sát biển Việt Nam được thành lập năm 1998, ban đầu là Cục Cảnh Sát biển, trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân. Năm 2008, Cục Cảnh Sát biển (CSB) được chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 2013, Cục CSB đổi tên thành Bộ Tư lệnh Cảnh Sát biển, theo Nghị định số 96/2013 của Chính phủ.

Có tất cả 4 Bộ Tư lệnh CSB tác chiến, quản lý, bảo vệ của 4 vùng:

Vùng 1: Vịnh Bắc Bộ thuộc Việt Nam, từ cửa sông Bắc Luân, Quảng Ninh đến đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị.

Vùng 2: Từ đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị tới Cù lao Xanh, Bình Định và biển Đông.

Vùng 3: Từ Cù lao Xanh tới bờ Bắc cửa Định An, Trà Vinh và Biển Đông.

Vùng 4: từ bờ Bắc cửa Định An tới Hà Tiên, Kiên Giang và vịnh Thái Lan.

Từ đây, CSB con dấu hình quốc huy, là cơ quan mang danh nghĩa trực thuộc Chính phủ, có ngân sách riêng của Nhà nước, có cảnh hiệu, cảnh phục riêng do Chính phủ quy định. Núi ngân sách khổng lồ lên đến hàng tỷ Mỹ kim rót cho CSB tuỳ nghi quyết định, vậy là các ông tướng chỉ huy tự “chuyển hoá” thành tướng cướp, với đúng nghĩa đen và nghĩa bóng để vơ vét cho đầy túi tham.


Đại hội đảng bộ Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. Nguồn: CSBVN

Sự việc tham nhũng nghiêm trọng được xem như “đại án” gây phẫn nộ trong toàn lực lượng Cảnh Sát biển Việt Nam. Sau hàng loạt đơn thư tố cáo của các sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng CSB, gởi đích danh ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng BQP Phan Văn Giang về những bê bối, tham nhũng của các lãnh đạo CSB Việt Nam, Trung ương đảng cộng sản vội vã vào cuộc và mọi việc phơi bày. Chục ông tướng và hai cấp tá đã nhận mức kỷ luật như sau:

– Cảnh cáo về mặt đảng:

1. Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Tư lệnh CSB Việt Nam.


Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam bị cảnh cáo. Nguồn: VNF

– Khai trừ ra khỏi Đảng, gồm:

2. Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Vùng CSB 3

3. Thiếu tướng Lê Văn Minh, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Vùng CSB 4

4. Đại tá Phùng Danh Thoại, Đảng uỷ viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần

5. Thiếu tá Lưu Thế Đức, Đảng ủy viên, Phó Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát số 2

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy CSB Việt Nam, nhiệm kỳ 2015-2020 và các cá nhân, gồm:

– Cách tất cả chức vụ trong Đảng:

6. Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh

7. Trung tướng Hoàng Văn Đồng, cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chính ủy

8. Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Chính uỷ

9. Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng

10. Thiếu tướng Trần Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh

11. Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, cựu Đảng uỷ viên, cựu Phó Tư lệnh

12. Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp, Tư lệnh Vùng CSB 2.

Trong số đó, bê bối và hủ bại nhất là các tướng cướp Nguyễn Văn Sơn, Doãn Bảo Quyết, Hoàng Văn Đồng và Phạm Kim Hậu. Cả bốn ông đều có vợ bé, “phòng nhì”, mua tặng cho bồ nhí những căn biệt thự sang trọng, xe hơi đắt tiền. Tiền tham nhũng được các tướng cướp lấy từ các nguồn:

– Thổi giá mua sắm vũ khí, khí tài, trang thiết bị cho lực lượng CSB.

– Trực tiếp buôn lậu và tiếp tay với bọn buôn lậu người Trung Quốc và người Việt trên biển, tuồn xăng dầu, hàng hoá vào Việt Nam, gian lận và trốn thuế.

– Kê khống số liệu mua xăng dầu cho toàn lực lượng CSB.

– Bắt tay với các nhà thầu để ăn vật tư, kê khống số liệu, đội vốn trong các dự án xây dựng trụ sở làm việc, doanh trại chiến sĩ.

– Thuê ngư dân “tuần tra” thay CSB, trả công giá rẻ để “rút ruột” khối lượng xăng dầu khổng lồ được hạch toán vào “CSB tuần tra thường kỳ” trên biển.


Chân dung “tướng cướp” Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh CSB Việt Nam. Nguồn: remonews

Cần nói thêm rằng, diễn biến sự việc trên chỉ tạm giới hạn trong nhiệm kỳ đảng uỷ Bộ Tư lệnh CSB năm 2015-2020, còn trước nữa thì không được khui ra. Các ông tướng cướp đã bị “bóc trần” trước bàn dân thiên hạ là do tố cáo nội bộ và thanh trừng phe nhóm mà ra.

Lực lượng CSB có trách nhiệm tuần tra, giám sát, cùng với Bộ Tư lệnh Hải quân sẳn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng biển đảo biên cương tổ quốc, nhưng những người này đã chà đạp lên niềm tin của nhân dân, họ đã bán mình cho quỷ, quay lại hút máu nhân dân và phản bội tổ quốc.

Mới đây, Thiếu tướng Lê Xuân Thanh và Thiếu tướng Lê Văn Minh đã bị cơ quan điều tra Bộ quốc phòng khởi tố và bắt giam. Dù những kẻ sâu mọt đang bị ném vào “lò”, nhưng điều nhức nhối là trách nhiệm cao nhất phải thuộc về “chủ lò” Nguyễn Phú Trọng, bởi ông Trọng đường đường là Bí thư quân uỷ Trung ương trong suốt ba nhiệm kỳ Tổng bí thư.

“Đồng chí X” đã từ giã chính trường từ năm 2016. Vì vậy, phe ông Nguyễn Phú Trọng không thể đổ thừa cho “phe 3X” trong hư hỏng dây chuyền và mang “lỗi hệ thống” này.


Hai Thiếu tướng bị khởi tố bắt giam: Lê Xuân Thanh (trên) và Lê Văn Minh (dưới). Nguồn: DN&TT và PLVN

Ông Trọng và các đồng chí của ông ta tự hào về “thành công vượt bậc”, chọn được “đội ngũ tinh hoa” sau bế mạc đại hội 13. Vậy những Uỷ viên Trung ương, Bí thư Trần Văn Nam đã bị bắt giam, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh vừa bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ươmg “điểm danh”, cùng với hàng chục tướng cướp trong Ban Chấp hành đảng bộ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển VN “nhúng chàm” nêu trên là do ai quy hoạch, do ai làm “quy trình 5 bước” mà ra?

***

Chúng tôi xin mượn lời của TS Trần Thất, cựu Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp, viết trên trang cá nhân của mình, để kết thúc bài viết này:

Một thể chế đẻ ra tham nhũng, tạo điều kiện dễ dàng cho tham nhũng, rồi hò hét nhau chống tham nhũng thì cũng xứng đáng suy tôn thằng Bờm làm lãnh đạo đầu đàn phải không các vị?”

SỐNG MÀ NHỚ LẤY !

LÊ HUYỀN ÁI MỸ/ TD 2-10-2021


Trụ sở Bộ tư lện Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh trên mạng

Chín ông tướng, nhiều ông đương chức, đủ mặt từ đảng ủy, chính ủy, tư lệnh, đủ cặp từ phó đến trưởng; người bị cách tất cả chức vụ trong đảng, kẻ bị khai trừ, khởi tố, bắt giam.

Nhìn hậu quả mà sợ cho nguyên nhân và tiến trình, với một tập thể quyền lực khép kín của cái gọi là Ban thường vụ đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam, thuộc cấp nào, đảng ủy viên, đảng viên nào còn có “cửa” giám sát quyền lực tối cao của lực lượng chấp pháp trên biển?

Bản tin “nhân bản” trên các báo có câu “một số cán bộ cấp tướng, đứng đầu đã suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương; làm thất thoát, thiệt hại rất lớn tiền và tài sản của nhà nước; làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh của cảnh sát biển và quân đội nhân dân Việt Nam; gây bức xúc dư luận xã hội”.

Dư luận xã hội thì cũng chỉ biết sau khi Ủy ban kiểm tra Trung ương họp và thông báo. Có bức xúc thì sự cũng đã rồi. Như bao vụ việc. Và một lần nữa, cơ chế kiểm soát quyền lực trong đảng cầm quyền vẫn là mấu chốt. Suy thoái, tha hóa, biến chất, tham ô, nhũng nhiễu…, đó là hậu quả, còn nguyên nhân và tồn tại của nó, đâu là công cụ hữu hiệu để chặn đứng, triệt tiêu? Triệt tiêu, chặn đứng bằng công cụ pháp lý chứ không phải chỉ là những “điều lệ” mang tính đạo đức, ràng buộc nhau bằng… tư tưởng, quan điểm – những thứ “giấu mặt” trong muôn hình vạn trạng.

Theo châu bản ngày 22.11 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), có ghi lại sự việc dân phu Phạm Văn Sênh vâng mệnh triều đình đi công vụ ở Hoàng Sa cùng 19 thuyền viên khác. “Sau khi từ Hoàng Sa trở về, những người này được triều đình ban thưởng, nhưng do Phạm Văn Sênh kê khai sai số người nên tiền thưởng còn thừa một ít. Nội các tấu trình lên vua để xin gia ân cho Phạm Văn Sênh vì số tiền thừa ấy vẫn còn nguyên và lại quá ít, nên xin vua miễn tội cho Phạm Văn Sênh” (trích theo tư liệu của tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn – Châu bản triều Nguyễn về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).

Tiền thừa vẫn còn nguyên, nội các cũng chẳng “tịch biên” mà tấu trình minh bạch, rõ là từ dân phu đến hàng công vụ, giữ được sự liêm chính làm đầu. Chế cho gần 200 năm sau, tướng tá, chỉ huy mà nhúng chàm nào “có nhiều vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hoá; đấu tranh phòng, chống buôn lậu”, nào “ký các văn bản, hồ sơ để thanh toán chi phí xử lý vụ việc, thuê phương tiện, xăng dầu, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; nhận hối lộ”…

Năm 2018, tôi đi Trường Sa.

Giữa biển trời bao la, nhớ về con số 125 -là lữ đoàn hải quân sản sinh ra những con tàu không số, ngay buổi trưa nắng, từ một đảo chìm, tôi cố leo lên mái, để được một lần đứng cạnh người lính biển đang nghiêm trang bồng súng canh gác. Khuôn mặt cháy nắng. Hiền lành. Cương trực. Tôi không bao giờ quên.


Ảnh: Lê Huyền Ái Mỹ

Và hôm nay, giữa hàng tướng lĩnh với 9 cái tên, tôi lại càng nhớ. Ngoài kia, giữa muôn trùng sóng gió và bè lũ ngoại bang cướp bóc, những người lính -như dân phu xưa – kiên gan, bền chí. Và cũng ngoài kia, có những kẻ luồn lách trong sóng, núp bóng khoan tàu mà kiếm ăn, buôn bán hàng lậu, chiếm đoạt tiền thuế của lương dân trên bờ…

Những kẻ đục khoét, bòn mót, kiếm ăn, làm giàu tham lam, bất chính từ sông biển, núi rừng, bất kể là thương nhân hay kẻ cầm quyền với bàn tay lông lá, bẩn thỉu; chúng bây không chỉ trả giá bằng những “thông báo ngày thứ Sáu”.

Rừng thiêng, biển thánh, lời nguyền rủa chỉ độc dành cho những kẻ “phá sơn lâm, đâm hà bá” đang đầy dẫy, đang đội lốt trên khắp xứ sở này, sống mà nhớ lấy!

Lê Huyền Ái Mỹ

PHẢI XỬ NHƯ THẾ MỚI ĐÚNG !

TRẦN ĐỨC ANH SƠN/ BVN 3-10-2021

“Ngư dân Việt Nam đã đánh đổi gian khổ bằng xương máu để bảo vệ trên Biển Đảo VN... lúc trở về đất liền có những lá cờ Tổ quốc bị sóng gió xé toạc tan nát như thế này...” (FB: Hùng Đặng Hữu Định).

Đất nước dựa vào đâu?

Trong một bài viết cách đây vài năm, tôi đã nói rất rõ rằng:

“Phần lớn đám quan chức hiện nay lọt lại sau khi cái quy trình tuyển chọn của chế độ đã lọc hết sạch người tài, từ những vòng ngoài. Sẽ vô cùng khó khăn để tìm được trong số đó, dù chỉ một vài người có tấm lòng lớn với xã tắc. Họ được lập trình để không còn cái phẩm giá linh thiêng ấy. Họ được đòi hỏi là chỉ cần và chỉ biết yêu đảng. Họ chỉ phải nhớ còn đảng còn họ! Riêng năng lực cho chuyện đó thì họ có thừa, bởi vì yêu đảng thì chỉ cần hô lên là xong, sụt sịt vung tay thề bồi là xong, luôn miệng nói tuyệt đối trung thành là xong. Nhưng yêu nước cần gấp một ngàn lần những phẩm chất mà đảng đòi hỏi ở một đảng viên. Yêu nước khó gấp một vạn lần yêu đảng”.

Thành thật đã có lúc tôi nghĩ mình quá lời. Sau vụ hàng chục tướng tá, bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh, thành phố, những kẻ luôn nói ra miệng “yêu đảng, yêu chế độ” đến giọt máu cuối cùng… lộ mặt là những kẻ chuyên đục khoét đất nước, là “thế lực thù địch” với nhân dân, tôi vẫn chưa hết băn khoăn về nhận định của mình.

Nhưng giờ thì hóa ra đó không chỉ là sự thật, mà là sự thật từ lâu và sẽ còn là sự thật rất lâu nữa, ít nhất cho đến khi nào những kẻ dối trá, bất tài, lưu manh bị lật mặt bằng sự kiểm soát trung thực không phải theo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi.

Những tướng tá vừa bị kỉ luật, chắc chắn từng được coi là tấm khiên bảo vệ đất nước, là niềm tự hào của chế độ. Chắc chắn mỗi tuần họ đều đứng trang nghiêm chào cờ đỏ sao vàng, “mắt rưng rưng nhìn đảng kỳ”, lòng nức nở những lời thề bồi theo kiểu “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Nhưng cuối cùng đó lại là những kẻ bán rẻ đất nước.

Câu hỏi “Đất nước dựa vào đâu khi xảy ra họa giặc Tầu cộng”, hóa ra vẫn chưa có câu trả lời?

Lao Ta

1. Truyền thông nhà nước Việt Nam hôm qua (01/10/2021) đưa tin: Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật cách chức 2 trung tướng và 5 thiếu tướng thuộc Bộ tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam; khai trừ đảng 2 thiếu tướng khác (đã bắt tạm giam). Trước đó một ngày UBKT trung ương cũng đã ra thông báo kỷ luật cảnh cáo 1 trung tướng là Nguyễn Quang Đạm, nguyên Tư lệnh cảnh sát biển.

Gần như nguyên dàn lãnh đạo của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam tiền nhiệm và đương nhiệm từ bí thư, phó bí thư Đảng ủy, tư lệnh, phó tư lệnh cho đến lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trực thuộc đều bị kỷ luật vì các tội: “vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, tham nhũng, nhận hối lộ, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” (Bản tin của UBKT trung ương tối 01/10/2021).

Thật là kinh khủng.

Nó kinh khủng vì nhiều lẽ:

- Một tổ chức chỉ mới thành lập từ năm 1998 đến nay, mới khoảng 23 năm, mà con số tướng lĩnh đã lên đến hàng chục;

- Một tổ chức mà chỉ trong một nhiệm kỳ 5 năm đã có gần chục sĩ quan cấp tướng (chưa kể cấp tá) bị kỷ luật và bị khởi tố;

- Một tổ chức “là lực lượng quân sự chuyên trách thuộc Chính phủ CHXHCN Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước này” (Wikipedia), nghĩa là trực tiếp tham gia quản lý và bảo vệ an ninh biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia mà sai phạm từ nóc đổ xuống và dây dưa cả nhiệm kỳ nhưng đến nay mới bị phát hiện và xử lý, thì an ninh biển và chủ quyền biển đảo quốc gia đã bị xâm phạm và đe dọa tới cỡ nào?

- Kinh khủng hơn nữa là thời gian mà “tập đoàn tướng lĩnh” này thực hiện các hành vi phạm pháp là thời gian mà kẻ thù rình rập, lấn chiếm, xâm hại an ninh biển và chủ quyền biển đảo quốc gia nhiều nhất, nghiêm trọng nhất. Đó mới là những nguy hại mà chúng ta chưa lường hết được.

Bởi vậy, đám tướng lĩnh này không chỉ là những kẻ phạm tội hình sự thông thường, mà còn là những kẻ phản bội Tổ quốc.

2. Coi xong tin kỷ luật đám tướng lĩnh này trên TV, vào Facebook thì bắt gặp status của một người đồng hương, là anh Đặng Hữu Hùng, thấy càng thêm đắng lòng:

“Nghĩ sao? Phải xử trảm 9 tướng cảnh sát biển VN. Cách chức hết mọi chức vụ trong Đảng cho đến chức vụ nghiệp vụ những tướng lĩnh trong ngành cảnh sát biển VN. Những kẻ đã lừa dối bán đứng nhân dân và tổ quốc VN.

Chúng tôi là những cựu chiến binh trải qua chiến tranh gìn giữ biên giới phía bắc VN... không chấp nhận để tồn tại những tên lính bán nước cho bọn ngoại xâm đứng trong hàng ngũ...

Đề nghị quân pháp tử hình bọn nó ngay tức khắc.

Tại sao chúng ta phải nuôi bọn tướng lĩnh thối nát này đã bán đứng Tổ quốc?

Đà Nẵng 1/10/2021

Đặng Hữu Hùng

Anh Hùng còn đăng kèm hình ảnh lá cờ tổ quốc bị sóng gió đánh cho te tua, kèm chú thích: “Ngư dân Việt Nam đã đánh đổi gian khổ bằng xương máu để bảo vệ trên Biển Đảo VN... lúc trở về đất liền có những lá cờ tổ quốc bị sóng gió xé toạc tan nát như thế này...” (FB: Hùng Đặng Hữu Định).

Đọc status của anh Hùng mà thương cho ngư dân mình, những người được gọi là “những cột mốc chủ quyền sống trên biển”. Họ vừa lăn lộn mưu sinh, đối mặt với bao hiểm nguy từ thiên nhiên, từ biển cả, từ kẻ thù là hàng xóm bẩn bựa và tham lam; vừa phải kiêm thêm nhiệm vụ làm "tai mắt trên biển" cho đất nước - một việc quá tầm, quá sức, không phải là chức trách của họ, nhưng họ vẫn làm vì đó là nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc, nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, bảo vệ đất nước.

3. Nghĩ xa rồi nghĩ gần, lại thấy thương bản thân

Thương mình vì đã bỏ gần 10 năm trời tự tìm học bổng, tự bỏ tiền túi, đi tới hàng chục nước, sục sạo trong hàng chục thư viện và văn khố quốc gia, đọc từng trang văn bản, soi từng tấm bản đồ, scan từng bức ảnh tư liệu… bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau; bỏ công sức và tiền bạc của cá nhân để sao chụp và mang về nước trao tặng cho các cơ quan chức năng, góp thêm vào bộ hồ sơ chủ quyền biển đảo quốc gia;

Thương mình vì những buổi trưa vạ vật trong Thư viện Harvard, Thư viện Quốc hội Mỹ, Thư viện Quốc gia Pháp, Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha… chỉ với mẫu bánh mỳ lót dạ và chai nước lọc giải khát (cũng mua từ tiền túi của mình), buồn ngủ ríu mắt mà không dám chợp mắt một tí, vì phải tranh thủ thời gian để tìm tài liệu mang về;

Thương mình vì những đêm gần như thức trắng để viết tham luận; những ngày đầu căng như dây đàn vì phải viết đề án xin kinh phí và phải lên phương án tổ chức Hội thảo về Biển Đông ở Đại học Yale (Mỹ); những lần chật vật tìm cho đúng từ tiếng Anh và tiếng Tàu để tranh biện với các học giả quốc tế và học giả Trung Quốc trong các hội thảo nhằm chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông…

Vậy mà những kẻ được nhà nước giao cho trọng trách bảo vệ an ninh biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, sử dụng ngân sách nhà nước (từ tiền thuế do dân đóng góp) thì lại ngày đêm nghĩ đủ “mưu hèn kế bẩn” để tham nhũng, ăn hối lộ, đục khoét tài lực quốc gia nhằm mưu lợi cho riêng mình.

Càng nghĩ, càng giận điên người.

Phải rồi, nói như anh Hùng: “Đề nghị quân pháp tử hình bọn nó ngay tức khắc. Tại sao chúng ta phải nuôi bọn tướng lĩnh thối nát này đã bán đứng tổ quốc?”

Phải thế thật!

NGƯỜI NƯỚC HUỆ (@ Đà thành, Quảng Nam quốc)

Nguồn: FB Tran Duc Anh Son

MỘT NỖI BUỒN VÀ MỘT CÂU HỎI ?

NGUYỄN NHƯ PHONG/ TD 3-10-2021


Tôi thực sự choáng khi đọc danh sách những tướng lĩnh của Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển bị kỷ luật. Thực sự là tôi không hiểu tại sao lại có chuyện đáng buồn này?

Tôi đã được đi cùng với anh em cảnh sát biển khi vụ giàn khoan Hải dương 981 của TQ xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền phán của VN vào năm 2014. Và tôi thực sự khâm phục ý chí, lòng dũng cảm cũng như hiểu được nỗi gian khổ vất vả của anh em. Đây là một tổn thất lớn của lực lượng cảnh sát biển và quân đội ta.

Nhân đây, tôi lại có một thắc mắc, rất mong được các nhà tổ chức giải đáp:

Số là vừa rồi, Ủy Ban Kiểm tra T.Ư công bố kết luận về những sai phạm ở Bộ Công thương và Bộ Tài Chính. Và những người phải chịu trách nhiệm về những sai phạm đó là Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Trần Tuấn Anh.

Nhưng cả hai vị này lại được bầu vào Bộ Chính trị và giữ cương vị cao hơn? Vậy là sao nhỉ? Trước đó thì tất cả đều được khẳng định là đủ tiêu chuẩn, và đã qua “5 bước” xét duyệt “cực kỳ minh bạch, dân chủ và nghiêm túc?”.

Vậy công tác “xét duyệt” có vấn đề gì không? Tại sao bây giờ mới “lôi” ra được nhưng sai phạm của hai Bộ trưởng?

Rõ ràng công tác tuyển chọn cán bộ cao cấp của ta mà chủ yếu từ cấp cơ sở “có vấn đề”! Vậy bây giờ các “đồng chí đã bị… lộ” thì sẽ xử lý thế nào? Chả lẽ lại “coi như sự đã rồi” hay sao?

Có thêm câu hỏi như vậy thôi!

***

Tạ Duy Anh: Đất nước dựa vào đâu?

Trong một bài viết cách đây vài năm, tôi đã nói rất rõ rằng: “Phần lớn đám quan chức hiện nay lọt lại sau khi cái quy trình tuyển chọn của chế độ đã lọc hết sạch người tài, từ những vòng ngoài. Sẽ vô cùng khó khăn để tìm được trong số đó, dù chỉ một vài người có tấm lòng lớn với xã tắc. Họ được lập trình để không còn cái phẩm giá linh thiêng ấy. Họ được đòi hỏi là chỉ cần và chỉ biết yêu đảng. Họ chỉ phải nhớ còn đảng còn họ! Riêng năng lực cho chuyện đó thì họ có thừa, bởi vì yêu đảng thì chỉ cần hô lên là xong, sụt sịt vung tay thề bồi là xong, luôn miệng nói tuyệt đối trung thành là xong. Nhưng yêu nước cần gấp một ngàn lần những phẩm chất mà đảng đòi hỏi ở một đảng viên. Yêu nước khó gấp một vạn lần yêu đảng”.

Thành thật đã có lúc tôi nghĩ mình quá lời. Sau vụ hàng chục tướng tá, bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh, thành phố, những kẻ luôn nói ra miệng “yêu đảng, yêu chế độ” đến giọt máu cuối cùng… lộ mặt là những kẻ chuyên đục khoét đất nước, là “thế lực thù địch” với nhân dân, tôi vẫn chưa hết băn khoăn về nhận định của mình.

Nhưng giờ thì hóa ra đó không chỉ là sự thật, mà là sự thật từ lâu và sẽ còn là sự thật rất lâu nữa, ít nhất cho đến khi nào những kẻ dối trá, bất tài, lưu manh bị lật mặt bằng sự kiểm soát trung thực không phải theo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi.

Những tướng tá vừa bị kỉ luật, chắc chắn từng được coi là tấm khiên bảo vệ đất nước, là niềm tự hào của chế độ. Chắc chắn mỗi tuần họ đều đứng trang nghiêm chào cờ đỏ sao vàng, “mắt rưng rưng nhìn đảng kỳ”, lòng nức nở những lời thề bồi theo kiểu “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Nhưng cuối cùng đó lại là những kẻ bán rẻ đất nước.

Câu hỏi “Đất nước dựa vào đâu khi xảy ra họa giặc Tầu cộng”, hóa ra vẫn chưa có câu trả lời?

HÀNG LOẠT TƯỚNG TÁ CSB BỊ PHẾ TRUẤT: CUỘC THANH TRỪNG CHƯA CÓ ĐIỂM DỪNG
TRẦN ĐÔNG A/  Blog VOA/ TD 3-10-2021

Phải kể đúng tội trạng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (CSB)! Ngoài chuyện làm đổ một đoạn phên dậu, còn có thể khép họ vào tội gì nữa, nếu không phải là tội phản quốc? Trong bao nhiêu năm trời, họ đã đồng lõa và bảo kê cho bọn “cát tặc”, tiếp tay cho Trung Quốc bồi đắp trên quy mô lớn các hòn đảo cưỡng chiếm từ Việt Nam?
Trách nhiệm thuộc về ai?

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (CSB) là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của nhà nước, nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước và quốc tế, các cựu lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm của lực lượng ấy lại phụ lòng tin của đảng, nhà nước, quốc hội và nhân dân. Báo chí trích dẫn đánh giá của Ban bí thư ĐCSVN: “Những vi phạm này làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh của CSB và Quân đội nhân dân Việt Nam gây bức xúc dư luận xã hội, đến mức phải thi hành kỷ luật nghiêm theo quy định của đảng”.

CSB là cơ quan có con dấu hình quốc huy, danh nghĩa trực thuộc chính phủ, có ngân sách riêng của nhà nước, có cảnh hiệu, cảnh phục riêng do chính phủ quy định. Núi ngân sách khổng lồ lên đến hàng tỷ Mỹ kim rót cho CSB tùy nghi quyết định. Thế mà các ông tướng chỉ huy ấy tự “chuyển hóa” thành tướng cướp, với đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để vơ vét cho đầy túi tham. Sự việc tham nhũng nghiêm trọng được xem như đại án gây phẫn nộ trong toàn lực lượng CSB Việt Nam. Sau hàng loạt đơn thư tố cáo của các sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng CSB, gởi đích danh ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang về những bê bối, tham nhũng của các lãnh đạo CSB, Trung ương đảng mới vào cuộc và mọi việc mới được phơi bày.

Cũng giống như trước đây, phải chờ cho đến khi ông Trần Đại Quang qua đời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới xử lý được một loạt tướng bên Công an, trong đó có 2 Thứ trưởng mang hàm Thượng tướng. Lần này, ông Trọng cũng phải chờ cho Bộ trưởng Phùng Quang Thanh “ra đi”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch về hưu, ông Trọng cùng với Ban Kiểm tra TW (KTTW) mới xử lý được bộ hồ sơ nhức nhối này của CSB. Cuộc “truy vết” các đường dây bảo kê còn tiếp diễn. Dư luận trong nước cho rằng, danh sách tướng CSB bị xử lý có thể còn kéo dài, tất cả phải đến 13 vị, chứ không chỉ dừng lại ở con số 8 như đã thông báo. Cho dù 8 hay 13, thì cuộc thanh lọc lần này cũng chỉ mới là bề nổi của tảng băng. Lực lượng CSB tan hoang vì tướng lĩnh suy thoái là một phần, nhưng một phần quan trọng là do TBT Nguyễn Phú Trọng chưa hoàn thành trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc họ, với tư cách ông là Bí thư quân uỷ Trung ương trong suốt ba nhiệm kỳ Tổng bí thư. “Ba X” (Nguyễn Tấn Dũng) đã từ giã chính trường từ năm 2016. Vì vậy, phe Nguyễn Phú Trọng không thể đổ thừa cho “phe Ba X” trong đại án “dây chuyền” và biểu hiện cao nhất của “lỗi hệ thống” này.

Cuộc thay máu của Bộ Quốc phòng do tướng Phan Văn Giang khởi xướng, vì thế, còn phải tiếp tục. Tại sao? Xin mời nghe đánh giá của chính ngành Pháp chế quân đội, theo đó, “tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh diễn biến phức tạp”. Mới đây, ngày 14/7, Đại tướng Phan Văn Giang đã chủ trì lễ ký kết Quy chế phối hợp hoạt động kiểm toán giữa Kiểm toán Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Theo đó, hai bên cam kết, tiếp tục phối hợp nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ban hành, sửa đổi các văn bản quy định về công tác mua sắm, đấu thầu, quản lý tài chính, tài sản công…

Đài RFA còn nêu một vấn đề khác, nhiều người quan tâm lúc này, tại sao một loạt tướng tá chỉ huy lực lượng CSB bị truất chức và bị đề nghị kỷ luật do những sai phạm trong suốt thời gian dài, dư luận cho là hàng chục năm có lẻ, mà giờ mới xử lý và cũng chỉ bị kỷ luật mà thôi chứ chưa bị khởi tố? Ai cũng hết sức ngạc nhiên vì điều này! Ngoài ra, lịch sử quân đội từ 1944 đến nay, chưa bao giờ có một chiến dịch nào, một trận đánh nào lại phải hy sinh cả tá các tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp trên cả bốn vùng quản lý như thế. Vì vậy, theo giới quan sát, đây là một sự trả giá rất lớn đối với Tổng bí thư, Bộ Chính trị về trách nhiệm lãnh đạo đối với lực lượng CSB nói riêng và QĐND nói chung.

Liệu có còn các đại án khác?

Tội các tướng lĩnh CSB rất nghiêm trọng. Trước kết luận của Uỷ ban KTTW hôm 1/10, thì Thiếu tướng Lê Xuân Thanh và Thiếu tướng Lê Văn Minh đã bị cơ quan điều tra Bộ quốc phòng khởi tố và bắt giam. Dù những kẻ sâu mọt đã/đang bị ném vào “lò”, nhưng điều nhức nhối còn trong dư luận là, cơ chế nào sẽ bảo đảm để đội ngũ “kế cận” mấy vị tướng cướp trên sẽ không đi theo vết xe đổ của các bậc đàn anh? Bởi vì, xin mượn lời của TS. Trần Thất, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, viết trên trang FB cá nhân của mình: “Một thể chế đẻ ra tham nhũng, tạo điều kiện dễ dàng cho tham nhũng, rồi hò hét nhau chống tham nhũng thì cũng xứng đáng suy tôn thằng Bờm làm lãnh đạo đầu đàn phải không các vị?”

Chẳng thế mà Thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Chuẩn đô đốc Hải quân Việt Nam có lý, khi ông trả lời RFA hôm 1/10 rằng, vụ kỷ luật này là việc bình thường: “Việc kỷ luật này tôi nghĩ là bình thường. Đại hội 13 của Đảng CSVN kiên quyết đẩy mạnh chống tham nhũng và tiêu cực… Qua việc kỷ luật các tướng CSB chứng minh chống tham nhũng của Việt Nam không có vùng cấm, không chỗ nào là ưu tiên…” Chuyện đau lòng xảy ra như thế sao lại bình thường? Nghĩa là còn nhiều đại án khác? CSB là một mảng phên dậu quan trọng trong hệ thống phòng thủ của đất nước. Mảng phên dậu ấy đã đổ nát. Nhưng tại sao nó bị đưa ra hạch tội vào lúc này?

Thật chua xót, khi những người đại diện cho “niềm tin nơi đầu sóng” đã phản bội Tổ quốc, phản bội Nhân dân. Trong lúc các sĩ quan, chiến sĩ CSB tại cả bốn vùng 1, 2, 3, 4 Biển Đông ngày đêm bảo vệ an ninh các miền biển đảo quốc gia thì hầu hết chỉ huy cao cấp nhất của họ lại “nối giáo cho giặc”. Ngoài chuyện làm mất uy tín quân đội, có thể khép vào tội gì khi họ bảo kê trong bao nhiêu năm cho bọn “cát tặc”, tiếp tay cho Trung Quốc bồi đắp các hòn đảo cưỡng chiếm của Việt Nam? Ở đây không chỉ là vấn đề gây thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, mà phải ghép bọn này vào tội phản quốc! Việc Uỷ ban KTTW truất phế Tư lệnh CSBVN và hàng loạt tướng lĩnh, đấy có phải là hành động quyết liệt, đặt kỷ cương phép nước lên trên hết?

Xin thưa không hẳn như thế! Nếu Uỷ ban KTTW đặt kỷ cương phép nước lên hàng đầu, thì họ đã phải xử lý vụ này từ lâu rồi. Nhân tố quyết định để đưa đại án này ra ánh sáng, theo những người am tường cuộc đấu ngầm đang diễn ra ở Ba Đình hiện nay là do “cái lồng nhốt quyền lực” của ông Trọng dường như bị lãng quên trong “cơn đại sóng thần” của con virus covid. TBT Nguyễn Phú Trọng dự cảm được vai trò của mình đang bị giảm sút rõ rệt trong cuộc chống dịch Covid 19 đang diễn ra. Một liên minh vô hình của “Bộ Tam” Chính – Huệ – Phúc đang bủa vây hạ uy thế của ông? Ông đã phải nhờ Tập Cận Bình gọi điện sang Hà Nội, vừa trấn an vừa cảnh báo phe đảng. Nhưng hình như vẫn có luồng dư luận quy phần trách nhiệm cho ông trong cái chết của hơn 15 ngàn dân Sài Gòn vừa qua.

Vậy phải ra tay “đại án” CSB và ông quyết không dừng tại đây. Ông biết, con hổ “quyền lực” mà ông đang cưỡi rất nguy hiểm. Ông sẽ cho triệt phá đường dây bảo kê bọn CSB vừa qua. Ông sẽ “sờ gáy” các Uỷ viên Bộ Chính trị đương chức như Đinh Tiến Dũng, Trần Tuấn Anh… để cho đẹp đội hình vùng miền. Bởi vì cánh Nam Bộ trước đây vẫn thắc mắc, tại sao xưa nay ông chỉ “đánh” Sài thành mà “nương nhẹ” đội quân Hà thành. Sau đại án này, ông phải lệnh cho Bộ Quốc phòng cần có một cuộc chỉnh huấn nghiêm túc không chỉ ở lực lượng CSB mà trong toàn quân. Tóm lại phải giữ cho cái lò của ông luôn luôn nóng. Ông phải chứng minh cho mọi người, mình còn tồn tại! Còn có chỗ trong trò chơi “vương quyền” này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét