Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

20211010. GÓP Ý VỀ CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 (14)

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BCH TƯ ĐẢNG KHÔNG...TÍNH, CHÍNH PHỦ KHÔNG BIẾT... TÍNH !

TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 7-10-2021

Hai đại biểu của dân chúng Bến Tre và Cà Mau tại Quốc hội Việt Nam vừa lên tiếng về thực trạng di dân lũ lượt dắt díu nhau rời bỏ các đô thị, trung tâm công nghiệp để về quê. Cả hai: Ông Đặng Thuần Phong – Đại biểu của Bến Tre, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Việt Nam và ông Phạm Văn Hòa – Đại biểu của Đồng Tháp, cùng thú nhận rằng họ bị những thông tin, hình ảnh ấy ám ảnh và cảm thấy đau lòng (1).

Cả hai cũng là những người đầu tiên xác nhận, cả chính phủ lẫn chính quyền các tỉnh, thành phố không dự đoán được tình huống này nên lúng túng, bị động, cuối cùng mỗi nơi hành xử một kiểu và nạn dân lãnh đủ. Theo ông Phong, thảm trạng mà người Việt buộc phải chứng kiến suốt tuần vừa qua… nằm ngoài mọi kịch bản, dự tính của chính phủ và các tỉnh, thành.

Ông Phong phân trần: Không chỉ chính quyền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… không thể hình dung về một đợt di dân lớn như thế mà vì nó diễn ra quá bất ngờ nên chính chính phủ cũng không thể lường về kịch bản như vậy! Chưa kể… Toàn bộ nguồn lực dự kiến dành cho việc này gần như đã cạn kiệt, các tỉnh không còn tiền để xử lý vấn đề với quy mô lớn!..

Đây cũng chính là lý do, thêm một lần nữa, không chỉ dân chúng mà những cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cần phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Thủ tướng để làm gì và chính phủ để làm gì nếu họ không biết… tính?

***

Giống như nhiều người Việt khác đã từng liên tục thắc mắc về chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng, của chính phủ trong ngăn ngừa đại địch COVID-19, ông Nguyễn Quang Vinh vừa đưa lên facebook một thống kê mà ông đặt tên là Tôi lảm nhảm tôi nghe…

1/ Thời gian đầu có dịch, phát hiện một F0, ngay tức thì báo chí đạp lên đầu nhau… đưa tin đưa tin, đưa tin,… xong căn cứ vào các địa điểm mà F0 thành thật khai báo để bảo vệ cộng đồng tránh lây nhiễm, báo chí xô vào các địa điểm đó,… mô tả, mô tả, mô tả. Dân mạng căn cứ mô tả của báo chí bắt đầu… đoán mò, đoán mò và quy kết đạo đức, mắng mỏ phẩm chất. Cả xóm, cả phường nhìn nhà có F0 bằng 1/4 con mắt,… khinh bỉ, khinh bỉ, khinh bỉ,… xong tới truy vết F1: Ầm ầm còi hú, ầm ầm tiếng bước chân chạy, ầm ầm tiếng mắng mỏ, tưởng như đang truy bắt tên gián điệp mới từ trời rơi xuống, lôi, xách, kéo, tống lên xe.

Các nhà chuyên môn y tế và các chuyên gia có lương tâm, viết, nói, ngửa mặt kêu trời, đừng thế, cần phải bảo vệ nhân thân người ta, hãy bình tĩnh, xin đừng coi F0, F1 như đối tượng phạm tội,… đừng, đừng, đừng… nhưng trên trời mây vẫn xanh, gió vẫn thổi, chả ai nghe cả.

2/ Khi dịch bắt đầu lan ra, các đia phương náo nức tóm F0, từ F0 tóm F1, F2, thậm chí F3,… cách ly, cách ly, cách ly. Ầm ầm cách ly, tập trung vào hết, có chỗ cách ly tốt còn OK, nhiều chỗ nhét cả chục người, vài chục người vào một phòng bé tí, quây lấy nhau, quấn lấy nhau, xoắn lên hết, ầm ầm. Coi đó là thành tích. Coi đó là năng lực. Coi đó là cách chống dịch tài tình.

Các nhà chuyên môn y tế và các chuyên gia có lương tâm, viết, nói, ngửa mặt kêu trời, đừng thế, đừng cách ly tập trung ào ào như thế, cần chọn nơi cách ly có giãn cách, có đủ điều kiện, đừng gom đống vào như thế càng nguy hiểm, càng dễ lây chéo... đừng, đừng, đừng… nhưng trên trời mây vẫn xanh, gió vẫn thổi, chả ai nghe cả.

3/ Rồi xét nghiệm, lênh ban ra, hỏa tốc,… chọc mũi, chọc mũi, chọc mũi, phường xã nào cũng phải thành một pháo đài chọc mũi,… 100%, 100%, 100%...

Các nhà chuyên môn y tế và các chuyên gia có lương tâm, viết, nói, ngửa mặt kêu trời, đừng thế, đừng chọc tràn lan thế, không tác dụng gì cả, chỉ tập trung vào ổ dịch, tập trung vào điểm nóng, chỉ xét nghiệm đại diện gia đình, đại diện điểm thôi,… đừng đừng đừng,… tốn kém lắm, đừng, tốn kém lắm mà không hiệu quả,… đừng đừng, đừng,… nhưng trời vẫn xanh, gió vẫn thổi vi vu, không ai nghe cả.

4/ Khi dịch bùng phát dữ dội, quá nhiều ngàn F0 như ở Sài Gòn, không chính quyền nào nghĩ tới truy vết F1 với lại F2, chỉ còn F0, dồn F0 vào bệnh viện, F0 chưa phát triệu chứng gì cũng dồn đống vào bệnh viện,… điều trị điều trị điều trị,… điều trị người bị chuyển bệnh đã đành, điều trị cả người không có triệu chứng, ép họ vào rồi họ tự khỏi thì về, khi họ về thì họ nằm trong danh sách điều trị khỏi, vinh dự tự hào.

Các nhà chuyên môn y tế và các chuyên gia có lương tâm, viết, nói, ngửa mặt kêu trời, đừng thế, đừng coi F0 là bệnh nhân, hãy cho những F0 chưa triệu chứng cách ly tại nhà, theo dõi y tế tại nhà, giảm sức ép đổ gãy hệ thống y tế, tập trung cho F0 ( tỉ lệ rất thấp) có triệu chứng điều trị thôi. F0 không triệu chứng sẽ tự khỏi, tỉ lệ rất nhỏ phát bệnh thì đi bệnh viên, đừng coi tất cả F0 là bệnh nhân,… đừng đừng đừng,… nhưng trên trời mây vẫn xanh, gió vẫn thổi, chả ai nghe cả.

5/ Sau nhiều tháng, vào một buổi sáng, ngủ dậy, trển hỏa tốc xuống, có thể cách ly F1 tại nhà, có thể cách ly F0 tại nhà, F0 không triệu chứng không được coi là bệnh nhân... Thế là, cũng trời vẫn xanh, gió vẫn thổi, khắp chốn đô thành đến nông thôn lại hỏa tốc: Có thể cách ly F1 tại nhà, có thể cách ly F0 tại nhà, F0 không triệu chứng không được coi là bệnh nhân.

6/ Bây giờ, người dân bỏ phố về quê, các địa phương bắt đầu: Về là… cách ly, cách ly, cách ly,… một mũi, hai mũi, ba bốn mũi cách ly hết, cách ly hết, xong quá đông, quá tải thì lại hỏa tốc dừng về bà con ơi,… dừng về dừng về dừng về. Trển hỏa tốc, bà con về cứ cho cách li tại nhà... Thế là giữa trời xanh, mây trắng gió vi vu, lại bắt đầu từ đô thành đến thôn quê hỏa tốc: Cách ly… tại nhà, tại nhà, tại nhà.

Đại khái chống dịch như vậy đó. TRỜI ƠI!

***

Đến giờ người Việt nào cũng có thể cảm nhận rõ ràng về hậu quả của chuyện Thủ tướng và chính phủ không biết… tính. Khi cả Thủ tướng lẫn chính phủ đã thiếu kiến thức lại còn tự mãn đến mức trở thành độc đoán, luẩn quẩn với sai – sửa, sửa – sai,… trong quản trị – điều hành lúc quốc gia đối diện với đại dịch, xã hội tất nhiên phải hỗn loạn, kinh tế tất nhiên phải suy sụp. Mỗi cá nhân, từng gia đình đều phải trả giá đắt cả ở hiện tại lẫn tương lai. Thậm chí đã có khoảng 20.000 người Việt phải trả bằng sinh mạng của chính họ…

Thủ tướng đã như thế, chính phủ cũng như thế nên chuyện báo điện tử của chính phủ bi bô dài kỳ về COVID-19: Những quyết định mang tầm chiến lược vì tính mạng và sức khỏe nhân dân (3), ca ngợi Thủ tướng và chính phủ đã… đáp ứng một cách linh hoạt với đợt dịch COVID-thứ tư, xoay chuyển được tình thế, hoặc một số cơ quan truyền thông chính thức khác ca ngợi chính phủ giỏi… chống chịu, đi đúng hướng (4)… là… tất nhiên!!

Chẳng có gì để hy vọng khi Tổng Bí thư, BCH TƯ đảng cũng hót cùng một giọng: Toàn hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc, kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và bình tĩnh, tỉnh táo đề ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 (5).

Hội nghị lần thứ tư của BCH TƯ đảng CSVN nhiệm kỳ 13 (HNTW 4), khai mạc hôm 4/10/2021 và vừa kết thúc hôm nay (7/10/2021), Thủ tướng và chính phủ vẫn… bình an, vô sự vì các Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ chỉ chú mục vào xây dựng, chỉnh đốn đảng và xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hổi đảng 13.

BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này có đạt được mục tiêu vừa kể hay không nếu… thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao (6) khi đã tận mục sở thị Thủ tướng và chính phủ quản trị, điều hành hoạt động ngăn ngừa đại dịch COVID-19?

Đặt vấn đề như thế thật ra chỉ để cho… có! Qua HNTW 4 vừa kết thúc, toàn bộ BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này chỉ đòi buộc toàn đảng, toàn bộ hệ thống chính trị… bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, không được phụ họa với sai trái lệch lạc và không hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao… riêng trong phạm vi… xây dựng, chỉnh đốn đảng mà thôi! Còn chỉ đạo – thực thi những chủ trương, biện pháp sao cho sớm đạt đến quốc thái, dân an thì BCH TƯ đảng không… tính. Thành ra BCH TƯ đảng không bận tâm về hoạt động phòng chống dịch COVID-19 của Thủ tướng và chính phủ! Không tin thì cứ xem lại những thông tin liên quan đến khai mạc, diễn biến, bế mạc HNTW 4. Từ Tổng Bí thư cho đến các Ủy viên BCH TƯ đảng chỉ quan tâm đến một chuyện, làm sao để đảng vẫn “nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị”! Vậy thôi!

Chú thích

(1) https://zingnews.vn/dai-bieu-quoc-hoi-hien-ke-truoc-dong-nguoi-tu-keo-nhau-ve-mien-tay-post1268712.html

(2) https://www.facebook.com/100004551390162/posts/1966460936848934/

(3) https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/COVID19-Nhung-quyet-dinh-mang-tam-chien-luoc-vi-tinh-mang-va-suc-khoe-nhan-dan/448418.vgp

(4) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bien-chung-delta-va-suc-chong-chiu-cua-viet-nam-779716.html

(5) https://nld.com.vn/chinh-tri/hoi-nghi-trung-uong-4-thao-luan-ve-bao-cao-phong-chong-dich-covid-19-20211005174342428.htm

(6) https://tuoitre.vn/be-mac-hoi-nghi-trung-uong-4-tang-cuong-bien-phap-mo-rong-pham-vi-ve-xay-dung-chinh-don-dang-20211007101007503.htm

Blog VOA

CHỐNG DỊCH NHƯ GÀ MẮC TÓC

HOÀNG HẢI VÂN /BVN 7-10-2021

Sau khi TP.HCM nới nóng giãn cách từ ngày 1-10, người dân ùn ùn kéo về quê tìm đường sinh sống, bất chấp những lời thiết tha kêu gọi ở lại. Sau mấy chục năm coi người nhập cư là công dân hạng 2, có lẽ đây là lần đầu tiên chính quyền TPHCM thấy thành phố không thể phát triển được nếu không có họ. Nhưng đồng bào nhâp cư không tin họ có thể sống được ở nơi này, ít nhất trong ngắn hạn.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'f tuoitre online Người dân về quê: Quá tải khu cách ly, nguy cơ lây nhiễm chéo 06/10/2021 09:06 GMT+7'

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'f tuoitre online 13 tỉnh miền Tây kiến nghị tạm ngưng cho người dân về quê 03/10/2021 09:57 GMT+7'

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'f tuäitre online) THỜI SỰ Hàng chục ngàn người tiếp tục về quê, các tỉnh loay hoay lo cơm nước 04/10/2021 12:42 GMT+7'

Dòng người lại dính chùm với nhau với mức độ dồn nén cao hơn, dày đặc hơn, kéo dài nhiều ngày hơn những đợt dính chùm mấy tháng trước, khiến cho các quy định 5k bị vô hiệu hoá hoàn toàn sau khi vô hiệu hoá “từng bước” trong những lần dính chùm trước.

Dân không tự dính chùm, sự dính chùm là do các chốt kiểm soát của nhà nước.

Có tỉnh tổ chức đón dân, có tỉnh ngăn cản, nhưng dù đón hay ngăn cản thì dân vẫn cứ bị các chốt kiểm soát làm cho dính chùm. Đón hay không thì các quy định 5k vẫn bị vô hiệu hoá. Khi đồng bào về đến quê hương, nhiều tỉnh đưa vào sàng lọc, lại dính chùm lần nữa. Sàng lọc xong, đưa vào khu cách ly tập trung, lại tiếp tục dính chùm. Dính chùm chồng lên dính chùm, dịch bệnh có lây lan hay không thì không cần phân tích mọi người cũng biết. Nếu như có một làn sóng dịch tiếp theo (lạy trời không xảy ra) thì làn sóng đó là do các cuộc dính chùm này gây ra, trách nhiệm hoàn toàn do chính quyền.

Hãy hình dung: Nếu không có các chốt kiểm soát, nếu không có ngăn cản, nếu không có tổ chức đón, mà để người dân đi lại tự do thì có sự dính chùm đó không? Chắc chắn là không, vì người dân chỉ đi một chiều về quê chứ hầu như không có ngược lại. Bởi vậy, không có chốt kiểm soát thì việc phòng chống dịch hiệu quả sẽ cao hơn và chi phí thấp hơn rất nhiều so với có chốt kiểm soát.

Người từ thành phố về, các địa phương sợ lây lan ư? Lây lan chính là từ sự dính chùm mà chính quyền gây ra đấy!

Chính quyền của chúng ta hiện diện đến xã, ấp, thậm chí đến tổ dân cư. Chỉ cần để cho dân về tự do và cách ly tại nhà, có xã, ấp, tổ kiểm soát, trong khoảng thời gian cách ly tại nhà ai có triệu chứng sẽ được xét nghiệm, nếu nhiễm bệnh sẽ tiếp tục cách ly và điều trị tại nhà cho đến khi âm tính. Sau thời gian cách ly thì người dân được sinh sống bình thường và tuân thủ các quy định như dân địa phương tại chỗ.

Nhưng tại sao việc phòng chống dịch đơn giản, hiệu quả và ít tốn kém như vậy lại không được quan chức nào nghĩ đến mà cứ phải để cho dân dính chùm cho dịch bệnh lây lan?

Nếu như dính chùm dày đặc như thế này mà dịch bệnh vẫn không lây lan thì cần gì phải áp dụng các biện pháp phong toả khiến cho dân rơi vào nghèo đói, doanh nghiệp điêu đứng, kinh tế suy thoái, GDP âm 6,17% như những tháng qua?

Câu trả lời thuộc về cấp trên cao nhất. Còn các quan chức cấp dưới thì hình như không còn khả năng tư duy, họ được quy hoạch, được đào tạo để chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên nhằm giữ cái ghế của mình, chứ rất ít khi nghĩ đến thân phận của người dân, thậm chí không còn khả năng động não để nghĩ đến giải pháp sao cho dịch bệnh ít lây lan nhất. Nếu động não thì tại sao không nghĩ đến làm cho dân dính chùm lại với nhau thì dịch bệnh lây lan?

Và xin lặp lại câu hỏi ở trên: Nếu như dính chùm dày đặc như thế này mà dịch bệnh vẫn không lây lan thì cần gì phải áp dụng các biện pháp phong toả khiến cho dân rơi vào nghèo đói, doanh nghiệp điêu đứng, kinh tế suy thoái, GDP âm 6,17% như những tháng qua?

Dân nghèo đói vì phong toả và ùn ùn kéo về quê tìm đường sống hình như chưa làm ai thức tỉnh. Có lẽ khi GDP âm 6,17% trong quý 3 và khi các doanh nghiệp FDI bắt đầu rời khỏi Việt Nam mới khiến cho cấp trên cao nhất thức tỉnh chăng? Sự tụt hậu so với các nước xung quanh không còn là nguy cơ mà đang hiện hữu.

Đừng để quá muộn!

H.H.V.

Nguồn: FB Hoàng Hải Vân

KHÔNG CHUYỂN RÀO KẼM GAI VỀ CÁC TỈNH !

NGUYỄN HUY CƯỜNG/ BVN 7-10-2021


Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, ngoài trời và văn bản cho biết 'zeit 0-19'

Có thể là hình ảnh về văn bảnCó thể là hình ảnh về văn bản

Hiện trên vài tờ báo lớn xuất hiện dòng tin đại loại “Xuất hiện hàng trăm FO trong dòng người về từ vùng dịch”

“Một số tỉnh kiến nghị tạm ngưng cho người dân về quê”…

Vân vân.

Những dòng tin thế này, rất dễ kích hoạt nỗi sợ hãi vô lối cho cộng đồng và cho chính quyền.

Rất dễ tạo những thiết chế hà khắc, tiếp tục làm khổ bà con trở về, tạo sự kỳ thị là bó buộc cuộc sống, sản xuất, xây dựng tại những vùng đang đuối sức vào những giới hạn điên khùng và phi lý.

Để chỉ ra cái bất hợp lý của những luận điểm này, tôi chỉ ra vài con số xuất hiện gọn trong 5 ngày nay, là khung thời gian cụ thể từ ngày vài trăm ngàn dân bỏ Sài Gòn, Bình Dương về quê.

Đó là:

Vào ngày hôm qua, 5 ngày sau khi bùng phát về quê thì số người mắc giảm sâu hơn 70% so với ngày mùng 1 tháng10.

Ngày mùng 5 tháng 10: Sài Gòn chỉ còn 1491 ca.

Nên nhớ ngày 30 tháng 9, trước ngày bà con bùng về quê, Sài Gòn “đạt” con số từ 4732 ca!

Còn đây:

10 tỉnh Nam Bộ, nơi bà con dồn về, chỉ có 483 người mắc.

Cần nói thật rõ là trong số 483 người này, có hai phần ba là những người sở tại, không nằm trong số người về từ Sài Gòn, Bình Dương.

Cụ thể hơn, xin dẫn vài ví dụ:

Chủ tich tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, những ngày qua tỉnh đã tiếp nhận khoảng 17.000 người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Trong đó, tỉnh đã phát hiện 70 ca F0.

Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh Kiên Sóc Kha cho biết, có hơn 10.000 người tự chạy xe máy về tỉnh, trong đó địa phương đã ghi nhận ít nhất 15 F0.

Hậu Giang tiếp nhận hơn 7.400 người dân tự chạy xe máy về quê, trong đó phát hiện hơn 50 ca dương tính, đa phần về từ TP.HCM, Bình Dương.

Sở Y tế Sóc Trăng cũng thông tin, từ 1 tháng 10 đến nay, trong những đoàn người về quê, tỉnh đã xét nghiệm và phát hiện 60 F0 (Sóc Trăng có hơn 30 ngàn người về)

.

Tạm dẫn vậy thôi để thấy một sự thật là sau 5 ngày, trong số hơn NĂM MƯƠI NGÀN NGƯỜI VỀ chỉ phát hiện ra 195 người là FO.

Cũng cần nói rõ, trong 195 người này, theo quan sát từ thành phố HCM trong 4 tháng qua thì có thể có 90% tự khỏi bệnh hoặc khỏi nếu được quan tâm cách ly, cứu chữa.

Thưa các bạn.

Nhưng với truyền thông, với những người tôi gọi là ‘Trái tim to” thì dòng tin “CÓ NHIỀU FO” về tỉnh kia, có thể lại là động lực kéo…kẽm gai từ Sài Gòn về theo.

Với việc hồi hương của cả trăm ngàn người, bớt cho Sài Gòn, Bình Dương những gánh nặng oằn lưng và giảm cho vùng đỏ gắt này mỗi ngày vài ngàn ca FO, đó là một minh chứng hùng hồn cho một quan điểm:

DÒNG CHẢY CỦA VẬN ĐỘNG TỰ NHIÊN HỢP LÝ HƠN CÁC CHỈ THỊ, NGHỊ QUYẾT, đừng cãi lại chân lý và thực tiễn này.

Hãy nhìn kỹ về thực tế này: VIỆC NỚI LỎNG CÁCH LY (tự phát) đã kéo giảm sâu số FO tổng thể.

Người dân có thể tồn tại tâm lý bất ổn nhưng truyền thông (chính thống) nên bớt...hồi hộp đi một chút, tập để có cái nhìn sâu sắc hơn. Đừng làm khổ cộng đồng bằng cách nhìn hời hợt hoặc ác ý của mình!

Đừng kéo kẽm gai về các tỉnh!.

Sợ quá hóa ngu là một hội chứng xã hội nguy hiểm hơn covid!

N.H.C.

Nguồn: FB Nguyễn Huy Cường

DÒNG NGƯỜI BỎ PHỐ VỀ QUÊ VÀ NHU CẦU QUẢN TRỊ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

NGUYỄN VĂN ĐÁNG/ TVN 7-10-2021

Từ giữa tháng 7, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP.HCM, Bình Dương và một số địa phương phía Nam, một lượng lớn người lao động nhập cư gặp khó khăn nên có nhu cầu về quê. Nhu cầu trở về bắt đầu manh nha với trường hợp 4 mẹ con đạp xe từ Đồng Nai về Nghệ An hay 30 người đi bộ từ Bình Định về Quảng Ngãi.

Trong tháng 8, tháng 9, và những ngày đầu tháng 10, nhu cầu này tiếp tục gia tăng, thể hiện qua những đợt di chuyển bằng xe máy hoặc thậm chí là đi bộ, với số lượng lớn.

Dòng người bỏ phố về quê và nhu cầu quản trị các vấn đề xã hội
Gia đình nhỏ rời TP.HCM mắc kẹt ở cửa ngõ về miền Tây tối 30/9. Ảnh: Như Sỹ

Mặc dù được chính quyền các địa phương động viên và hỗ trợ nhưng rất nhiều người vẫn có nhu cầu về quê. Với họ, mọi sự hỗ trợ đều sẽ không đủ cho chi phí sinh hoạt, thiếu hụt tài chính do thời gian giãn cách quá dài, hoặc họ có những tính toán mới cho tương lai.

Việc người dân buộc phải vượt quãng đường hàng ngàn km để về quê trên những phương tiện thô sơ, thậm chí đi bộ, là thực tế không mong muốn, có thể ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến bản thân họ mà còn tạo ra nguy cơ lây lan Covid-19 ra phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, trở về là một nhu cầu chính đáng nên những dòng người trên phương tiện hai bánh rời bỏ chốn đô thị hay khu công nghiệp luôn có thể hình thành mỗi khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội.

Những dòng người bỏ phố về quê chỉ đáng lo ngại nếu việc di chuyển không được tổ chức bài bản như nhiều tỉnh đã làm, chẳng hạn như Phú Yên. Giải tỏa bớt người lao động tạm cư về các địa phương cũng là cách để giảm áp lực cho địa bàn đô thị, khu công nghiệp khi mà các nỗ lực ứng phó với dịch bệnh chưa biết đến khi nào sẽ hoàn thành.

Giới hạn của tư duy quản lý

Trước sự xuất hiện của các dòng người di chuyển về quê, chính quyền nhiều địa phương đã nỗ lực vận động để giữ chân người lao động tại nơi cư trú. Những quy định về xét nghiệm và tiêm vắc xin cũng được ban hành nhằm bảo đảm rằng chỉ những cá nhân đủ điều kiện mới được di chuyển.

Tại TP.HCM, một số điểm chốt ngăn dòng người về quê đã được thiết lập nhằm kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, trước áp lực hồi hương ngày càng tăng, nhiều địa phương đã nới lỏng một số quy định hành chính và bố trí phương tiện để hỗ trợ người lao động về quê.

Những gì đã diễn ra cho thấy tư duy chủ đạo trong việc kiểm soát dịch bệnh đến nay vẫn nhấn mạnh ý niệm “quản lý”, vốn đề cao vai trò của chính quyền trong tư cách một hệ thống kiểm soát các quan hệ xã hội và thực thi các quyết định chính sách.

Dòng người bỏ phố về quê và nhu cầu quản trị các vấn đề xã hội
Mưa lớn suốt dọc miền Trung ngày 6/10 khiến người dân trên đường về quê gặp nhiều gian nan. Ảnh: Quốc Huy

Do đề cao vai trò quản lý của chính quyền, những mệnh lệnh giãn cách xã hội hoặc kiểm soát việc đi lại được ban hành dễ dàng. Tính chất cưỡng ép, buộc phải tuân thủ của các quy định hành chính nêu trên không chỉ tạo ra trách nhiệm thực thi cho đội ngũ cán bộ mà còn gây ra những rắc rối về thủ tục, bức bối về tinh thần, tăng thêm sự vất vả cho những người thực sự muốn về quê.

Những dòng người hồi hương bằng xe máy hoặc đi bộ cho thấy, dù với bất cứ lý do nào thì chúng ta cũng sẽ không thể ngăn chặn nhu cầu về quê rất chính đáng của người dân. Tuy nhiên, thực tế cũng lại cho thấy nhiều địa phương đã bị động về kịch bản ứng phó với làn sóng người lao động hồi hương.

Những nguy cơ về sự mất an toàn trong thời gian di chuyển, nguy cơ lây lan dịch bệnh là có thật, cùng với biết bao hoàn cảnh khó khăn, rất cần sự hỗ trợ trên đường đầy gian truân. Những gì đã và đang diễn ra với hàng vạn người lao động muốn về quê gợi ra rằng, để có thể trường kỳ ứng phó với các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, chúng ta cần nhanh chóng chuyển từ tư duy “quản lý” đến tư duy “quản trị” các vấn đề xã hội.

Quản trị các vấn đề xã hội

Ngay từ giữa tháng 7, một số địa phương đã chủ động phối hợp với nhiều cá nhân, tổ chức để ứng phó với nhu cầu hồi hương của người lao động.

Chẳng hạn, Hội đồng hương Đà Nẵng đã khảo sát và ghi nhận được nhu cầu của người lao động Đà Nẵng tại TP.HCM là được giúp đỡ tài chính, lương thực, thực phẩm và hỗ trợ để trở về. Trên cơ sở đó, chính quyền thành phố cùng Hội đồng hương đã thống nhất hỗ trợ, trong đó ưu tiên người già, bệnh tật, neo đơn, trẻ nhỏ và người đăng ký trước để vận chuyển bằng ô tô về Đà Nẵng.

Đến cuối tháng 7, những hành động hỗ trợ với mô hình tương tự cũng được triển khai với người dân các tỉnh Phú Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh.

Những gì diễn ra với các địa phương nêu trên phản ánh tinh thần cốt lõi của tư duy quản trị trong việc ứng phó với các vấn đề xã hội. Hướng đến đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân, tư duy quản trị sẽ kết nối chính quyền cũng như các chủ thể tư nhân, các tổ chức xã hội, tổ chức phi lợi nhuận, và vai trò ngày càng tích cực của mỗi công dân.

Với tư duy quản trị, bên cạnh hệ thống chính quyền và các động lực thị trường, các nhà lãnh đạo quốc gia có thêm các mạng lưới kết nối chủ thể đa dạng để có thể huy động vào thực hiện các hành động tập thể.

Quá trình ban hành và thực thi các quyết định chính sách sẽ tính đến không chỉ các lợi ích công mà cả các lợi ích tư nhân, nhóm, và cộng đồng xã hội. Nhờ đó, các hành động ứng phó với các vấn đề mới nảy sinh sẽ thu hút được sự tham gia của nhiều lực lượng xã hội, huy động được nhiều nguồn lực hơn, các hành động trở nên linh hoạt và mềm dẻo hơn, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân hơn.

TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

BÌNH THƯỜNG MỚI AN TOÀN: NHỮNG ĐIỀU TP.HCM CẦN TÍNH ĐẾN

NGUYỄN TRỌNG HOÀI/ TVN 6-10-2021

Điều này thật có ý nghĩa khi TP.HCM là một đầu tàu kinh tế thiên về dịch vụ và công nghiệp từ các FDI cùng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động nhiều ở các KCN/KCX cũng như phân bố với mật độ cao ở khắp các quận huyện.

Mỗi quận huyện có dân số trung bình gần bằng một tỉnh, do vậy TP đóng góp gần 1/5 GDP cả nước và là siêu đô thị đông dân nhưng cũng đối diện rủi ro Covid cao bởi số ca nhiễm chưa trở về 0.

Thẻ xanh Covid

Bình thường mới thực sự là hoàn toàn mới cho bối cảnh TP.HCM và thậm chí của cả nước vì tình trạng này chuyển từ tiếp cận quản trị khủng hoảng sang tiếp cận quản trị rủi ro. Vì mới nên phải thực sự cân nhắc tính an toàn theo 2 nguyên tắc trụ cột là vắc xin toàn dân và năng lực chịu tải của hệ thống riêng có của TP với giả định không có sự trợ giúp nào. Lý do là sự trợ giúp sẽ không mang tính dài hạn do lực lượng y tế đến từ các địa phương khác cũng đang gặp khó khăn.

Bình thường mới an toàn: Những điều TP.HCM cần tính đến
Ngồi giãn cách ăn trưa tại hồ Con Rùa ngày "bình thường mới" ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Bình thường mới TP.HCM được tiếp cận  bằng một khái niệm then chốt: Người dân và doanh nghiệp được trở lại bình thường mới là phải có thẻ xanh Covid. Khái niệm này cũng đồng nghĩa với các thuật ngữ tương tự được đồng thuận nhiều từ Bộ Y tế, Chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước mới đây như di chuyển xanh hay di chuyển an toàn, nói về việc những người tham gia bình thường mới phải chích đủ 2 liều vắc xin hay bị nhiễm Covid nhưng đã khỏi.

Bình thường mới an toàn về lợi ích sẽ đưa người dân và doanh nghiệp theo tiến độ có thẻ xanh Covid hay những ai có đủ điều kiện di chuyển xanh hay di chuyển an toàn theo tiến độ phủ của vắc xin mà TP.HCM cũng như cả nước đang tích cực triển khai. 

Bình thường mới an toàn cần ưu tiên cho các hoạt động then chốt khi vắc xin vẫn chưa thể phủ toàn dân như kỳ vọng trong thời gian ngắn hay có thể tính bằng đơn vị tháng, thậm chí lâu dài hơn trong trường hợp việc nhập vắc xin không thể theo tiến độ mong muốn.

Bình thường mới phải tính đến an toàn logistics cho các bên tham gia không chỉ trong nội bộ 1 quận huyện nào đó mà mang phải mang phạm vi liên quận huyện, không những chỉ trong TP.HCM mà còn liên vùng, không chỉ liên vùng mà còn kết nối với các quốc gia khác. Lý do: Các bên tham gia hoạt động logistics là các dịch vụ đầu tiên có liên quan đến dòng chu chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa. Đây vừa là yếu tố đầu vào cho sản xuất, vừa phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân.

Trong giãn cách vừa qua, sự đóng băng chợ đầu mối và các chợ truyền thống đã làm yếu hẳn năng lực phục vụ thiết yếu cho người dân vì hệ thống này lúc bình thường đã đảm bảo gần 80% công suất hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, tình trạng cát cứ các địa phương do chống dịch làm đứt gẫy chuỗi cung ứng TP.HCM với gần 20 địa phương từ ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam bộ. Chỉ có 15% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trong điều kiện khó của 3 tại chỗ.

Bình thường mới phải tính đến an toàn cho các khâu sản xuất của TP.HCM đang tập trung tại 17 KCN/KCX đóng góp gần 1/5 giá trị sản xuất công nghiệp cho TP và là đầu tàu xuất khẩu hàng hóa. Điều tưởng chừng đơn giản nhưng cho đến thời điểm chuẩn bị bình thường mới đã thấy khó là hơn 300 ngàn người lao động KCN/KCX giờ chỉ có thể tập trung vắc xin cho khoảng 1/5. Số còn lại đã trở về các địa phương và  như vậy khi bình thường mới sẽ gặp khó khăn về giấy thông hành xanh.

Đối tượng ưu tiên

Bình thường mới cũng phải tính đến an toàn cho hơn 500 ngàn doanh nghiệp đóng góp 4/5 giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp nhiều cho ngân sách và tạo việc làm nhưng năng lực sản xuất đang ở mức độ cầm chừng hoặc kiệt quệ.

Ngoài ra, còn phải tính đến bình thường mới cho gần 2 triệu học sinh và gần 1 triệu sinh viên các trường cao đẳng và đại học đóng tại TP.HCM. Dù đã quen dần với học tập trực tuyến trong thời đại số nhưng người học đang rất căng thẳng vì chỉ làm bạn với chiếc máy tính không thèm bật camera một thời gian quá dài trong giãn cách.

Chắc chắn người học đang kỳ vọng một ngày gần đây sẽ được trở lại trường trong trạng thái an toàn. Do vậy, cần đặt kế hoạch về giấy thông hành an toàn cho người học từ bây giờ để tất cả người học đều có giấy thông hành an toàn khi đến trường.

Bình thường mới sẽ không được an toàn khi chỉ dựa vào các hình thức xử phạt hành chính đối với người vi phạm. Tính an toàn sẽ phải đặt trọng tâm ở trụ cột truyền thông các thông tin về rủi ro của hệ thống y tế khi đối diện với những tình huống ngoài mong đợi bằng các cấp độ khác nhau (xanh/cam/vàng/đỏ) hoặc bằng các tiêu chí dịch tễ, số ca tử vong, số ca nhiễm hàng ngày để người dân và doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh các hành vi mang tính chuẩn mực, nâng cao năng lực tự giữ an toàn cho mình và cộng đồng.

Bình thường mới cũng sẽ không an toàn khi trụ cột công nghệ giám sát di chuyển xanh, các vùng xanh, doanh nghiệp xanh, dữ liệu tiêm chủng vắc xin, dữ liệu khai báo không được thực hiện theo công nghệ QR code theo tiếp cận tích hợp hay một kiểu app thống nhất. Khi bình thường mới từng bước được nới lỏng, việc kiểm soát/giám sát thủ công sẽ lại gây ra rủi ro cho những đối tượng được gọi là đã có thẻ an toàn Covid khi lưu hành giao thông trong một siêu đô thị như TP.HCM.

Bình thường mới muốn được an toàn thì phải tính đến người dân và doanh nghiệp cụ thể nào nên được ưu tiên trước. An toàn logistics sẽ được ưu tiên để đảm bảo tính thiết yếu và sinh kế cũng như kết nối chuỗi cung ứng thông suốt. An toàn doanh nghiệp sẽ đảm bảo phục hồi kinh tế để có năng lực chống chịu với rủi ro và từ đó mới tạo ra năng lực kinh tế cho TP.

An toàn người học sẽ đảm bảo tính an toàn tương lai cho một nguồn nhân lực chất lượng cao được đầu tư không chỉ dựa vào công nghệ số mà còn dựa vào an toàn giao tiếp, nhằm phát triển sự sáng tạo tương lai phục vụ phát triển bền vững TP.

Cuối cùng, bình thường mới chỉ an toàn khi triển khai có sự trợ giúp của công nghệ để giảm thiểu rủi ro lây lan dịch kết hợp với một năng lực hệ thống y tế đủ sức chống chịu rủi ro của dịch bệnh.

GS Nguyễn Trọng Hoài (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) 

ĐÓN DÂN VỀ QUÊ !

VÂN THIÊNG/ TVN 8-10-2021

Tưởng sẽ không còn nữa. Nhưng rồi, hình ảnh những đoàn xe máy hàng ngàn chiếc rùng rùng rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số mang theo bao phận người về quê tránh dịch khiến bao người xốn xang.

Lựa chọn bất khả kháng

Với những đứa trẻ lớn lên ở miền Nam trước năm 1975, từng chứng kiến nỗi đau mất mát của chiến tranh, chúng tôi cứ giật mình mỗi khi ai đó nhắc tới từ “di tản”. Bởi, nó gợi lại hình ảnh những tháng năm chết chóc, chia ly của đồng bào mình - điều mà suốt 40 năm qua, với nhiều người, vết thương lòng chưa dễ nguôi ngoai.

Mấy mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, cùng với các trung tâm kinh tế lớn, nhiều tỉnh nghèo miền Trung - Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long cũng đã cố vùng vẫy để vươn lên với các khu công nghiệp, khu kinh tế, các dự án phát triển du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng biển... thu hút được khá lớn lao động nông thôn vào làm việc, góp phần thay đổi nếp nghĩ, nếp làm của người dân, giúp họ đổi đời.

Đón dân về quê!
Hàng chục nghìn người về quê, một số tỉnh miền Tây cho cách ly tại nhà. Ảnh: Hoài Thanh

Nhưng rồi, dòng người đổ về các thành phố lớn, các tỉnh công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM vẫn không thuyên giảm. Rời bỏ ruộng đồng, người ta ra đi để đổi về nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang, nhiều con đường nông thôn được bê tông hóa. Ý nghĩa hơn thế nữa là nhiều đứa trẻ đã được đến trường bằng xe đạp trong những bộ quần áo lành lặn hơn; nhiều em đã ăn học nên người, đã thành công nhân, thành kỹ sư, bác sĩ… nhờ những đồng tiền mà bố mẹ chúng gửi về từ thành phố.

Những con đường về miền Tây Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên, mấy hôm nay lại chứng kiến từng đoàn xe máy lao vun vút giữa gió mưa rời thành phố về quê. Trên xe là những gia đình công nhân trẻ, người lao động nghèo sau mấy tháng cầm cự ở lại với thành phố, sống nhờ vào tiền trợ cấp của Chính phủ, vào những túi quà cứu trợ của cộng đồng.

Họ đã được tiêm vắc xin. Họ đã từng hy vọng dịch qua đi để được trở lại nhà máy, xí nghiệp làm việc nuôi thân, có tiền đóng nhà trọ. Nhưng rồi khi thành phố nới lỏng giãn cách, thay vì tiếp tục trụ lại, họ đã gói ghém chút đồ đạc còn lại tìm đường về bằng mọi giá.

Đó là cách lựa chọn cuối cùng, là bất khả kháng, khi những chỗ bấu víu không còn đủ sức níu giữ. Họ sợ đói và dịch bệnh, khi nghĩ về những điều đã  chứng kiến sau mấy tháng chống dịch. 

Xin ai đó đừng quá lạnh lùng, mà gọi chuyện về quê của người lao động nghèo là “thiếu ý thức”. Bản năng sinh tồn không có tội.

Cũng xin đừng dễ dãi mà cho rằng đó là hành động tự phát. Thay vào đó, hãy nghĩ rằng, chúng ta đã chưa làm hết trách nhiệm với người dân của mình khi chưa chuẩn bị tốt nhất các phương án ứng phó. Chuyện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt kiến nghị Trung ương tạm dừng cho người dân về quê sau khi TP.HCM nới lỏng một số biện pháp chống dịch là minh chứng cho sự bị động. Rất may là Chính phủ đã uốn nắn kịp thời. Bà con đã được về quê. 

Thương dân đâu cứ phải nhiều tiền

Lúc khó khăn, nguy cấp, người dân biết tựa vào đâu, nếu đó không phải là sự động viên, giúp đỡ đầy trách nhiệm của chính quyền địa phương? Vì thế dù chỉ là “dẫn lại qui định của Chính phủ”, “chưa áp dụng trên thực tế”, nhưng lời cảnh báo sẽ “xử phạt những người trở về từ vùng dịch” của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế ít ngày trước, rõ là rất không nên! 

Đề phòng lây lan dịch bệnh, sợ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly khi năng lực y tế không đảm bảo là đúng. Nhưng một câu nói không khéo léo ban ra lúc này sẽ là sự tổn thương rất lớn với dân.

Người nghèo thường mặc cảm, tự ti, dễ cảm thấy mình bị hắt hủi! Đón người dân về quê tránh dịch, tránh đói cũng là cách sẻ chia gánh nặng với các tỉnh phía Nam trong lúc này.

Thương dân đâu cứ phải nhiều tiền. Quan trọng là cái tâm của người lãnh đạo có để nơi dân hay không! Cứ ban lệnh cấm, chặn đường, bịt ngõ, cốt giữ cho địa bàn mình sạch dịch, đó chỉ là cách làm của những người sợ trách nhiệm.

Chịu khó suy nghĩ, tìm ra nhiều hướng tiếp cận để giải quyết chuyện ăn ở, cách ly, chữa bệnh hiệu quả cho người dân mới là điều cần ở người đứng mũi chịu sào. Câu chuyện Phú Yên - một tỉnh chả giàu có gì ở miền Trung nhưng đã đón được 20.000 dân trở về rất đáng để các địa phương khác suy nghĩ.

Biết huy động nguồn lực xã hội đúng lúc, đúng chỗ, khơi dậy lòng trắc ẩn của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp cho việc làm hết sức nhân văn này là yếu tố giúp Phú Yên thành công. Đó cũng là cách nuôi dưỡng nguồn lực để khôi phục kinh tế sau khi dịch đi qua.

Hãy để quê hương là chốn tìm về! Xin đừng đánh mất một chút hi vọng, một chỗ bấu víu của người nghèo, dẫu chỉ là một lời động viên mang ý nghĩa tinh thần!

Vân Thiêng 

KIẾN NGHỊ VỚI THỦ TƯỚNG VỀ GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO VỀ QUÊ

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 5-10-2021

Trong mấy ngày qua đã có hàng vạn người bằng mọi cách kiên quyết về quê. Đến nỗi 500 người đã quyết định đi bộ từ Bình Dương qua Đắk Nông để về Hà Giang xa những 1.800km. Trong đó có cả phụ nữ mang thai. Chứng tỏ người dân đã ở bước đường cùng.

Chính phủ không có cách nào để có đủ tiền hỗ trợ. Các gói hỗ trợ như “muối bỏ biển”, lại triển khai chậm trễ, nhỏ giọt , có lúc không đúng địa chỉ, có nhiều chỗ bỏ sót. Địa phương hỗ trợ nhưng không đủ lực, cũng không kịp thời, cũng bỏ sót. Đóng cửa dài ngày không có việc làm, không có tiền sống, buộc phải về quê là lối thoát duy nhất. Đó là hoàn cảnh thực tế đau xót phải thừa nhận của hàng chục vạn người.

Đề nghị Thủ tướng và các lãnh đạo địa phương có những biện pháp khẩn cấp giúp đỡ đồng bào về quê, và giảm bớt số lượng đồng bào về quê. Cụ thể là những điểm sau đây.

I. TĂNG CƯỜNG CỨU TRỢ KHẨN CẤP, HỖ TRỢ TỐI ĐA CHO NGƯỜI VỀ QUÊ

1. Yêu cầu Bộ LĐ&TBXH giải ngân khẩn cấp đúng đối tượng cần cứu trợ để giảm bớt số lượng người về quê.

Yêu cầu lãnh đạo các tỉnh thành cứu trợ khẩn cấp các đối tượng khó khăn để hạn chế số lượng người về quê.

Vận động ở lại nhưng không ngăn cấm người về quê. Vận động gắn liền với cứu trợ để người dân thực sự có phương tiện sống khi ở lại. Cứu trợ khẩn cấp là giải pháp căn bản.

2. Không chỉ cho phép, mà hỗ trợ tối đa cho tất cả những ai ở thế buộc phải về quê. Nguồn lao động thiếu vắng do dòng người về quê sẽ tự nhiên từng bước hồi phục, đổi chiều từ nông thôn trở lại thành thị, theo sự lui dần của dịch bệnh.

3. Chỉ đạo cho các tỉnh, có biện pháp và huy động phương tiện để đón người về quê, địa phương nào đón người địa phương ấy.

4. Với những người đang trên đường về quê, qua địa phương nào, chính quyền địa phương đó cần có biện pháp giúp đõ tối đa, cả về phương tiện vận chuyển lẫn lương thực và trợ giúp y tế.

II. XÉT NGHIỆM VÀ CÁCH LY

5. Tránh xét nghiệm tập trung tại trạm chốt liên tỉnh, vì tăng khả năng lây nhiễm. Nếu buộc phải xét nghiệm trước lúc ra khỏi tỉnh thì phải tăng năng lực xét nghiệm và bảo đảm giãn cách.

Những người về quê, hoặc chủ động tự xét nghiệm trước, hoặc có thể xét nghiệm tại quê hương, càng ở mức cơ sở càng tốt, tốt nhất là tại nhà, tại xã, sau là huyện, sau nữa mới đến tỉnh. Càng tránh xét nghiệm tập trung đông người càng tốt. Nếu buộc phải xét nghiệm trước khi vào tỉnh thì phải tăng năng lực xét nghiệm và bảo đảm giãn cách.

6. Tránh cách ly tập trung vì làm tăng gây nhiễm. Tốt nhất là cách ly tại chỗ – tại nhà, cách ly tại thôn, xã. Không cách ly tập trung tại huyện. Không cách ly tập trung tại tỉnh.

7. Học theo cách của ông cha từ ngàn xưa, “dịch nhà nào rấp rào rắc vôi nhà đó”.

III. CHIẾN LƯỢC TIÊM VACCINE

Chỉ đạo cho các tỉnh về chiến lược tiêm vaccine theo nguyên lý “NƠI PHÒNG THỦ YẾU HƠN CẦN ĐƯỢC CỨU VIỆN SỚM HƠN”.

8. Trước tiên là tiêm cho lớp người từ 65 tuổi trở lên, bệnh nền tiêm trước.

9. Sau đó là tiêm cho lứa tuổi 50-64, bệnh nền tiêm trước.

10. Sau nữa là tiêm cho lứa tuổi 18-49, bệnh nền tiêm trước.

Thứ tự tiêm vaccine trên rất quan trọng. Nó phù hợp với khả năng cung ứng hạn chế vaccine theo từng đợt. Giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm. Giúp giảm tỷ lệ tử vong khi bị lây nhiễm, trước hết là lớp người cao tuổi có bệnh nền với khả năng đề kháng kém.

IV. MỞ CỬA KINH TẾ

11. Mở cửa kinh tế, sớm giờ nào tốt giờ đó, sớm vùng nào tốt vùng đó.

Quê hương là nơi sinh ra và cũng là nơi cuối cùng khép lại vòng đời con người. Ai đó, dù không được về quê, thì trước lúc từ giã cõi đời, tiếng gọi của vũ trụ nhắc con người quay về nơi đã sinh ra.

Lãnh đạo địa phương mà sợ hãi dịch bệnh đến nỗi ngăn cản đồng bào về quê thì không chỉ thiếu đức, không chỉ có tội, mà còn thể hiện một khả năng lãnh đạo bạc nhược. Những lãnh đạo như thế phải bị cách chức.

Chúng ta đã ngăn cản dòng người ra đi sau năm 1975. Chẳng những ngăn cản mà còn kết tội. Nhưng từ đó vẫn không dứt những dòng người ra đi. Dịch bệnh Covid đã đưa đến một dòng người di chuyển ngược chiều – dòng người hồi hương.

Muốn giải quyết thấu đáo vấn đề thì phải tự trả lời câu hỏi: Tại sao đồng bào ra đi? Tại sao đồng bào trở về?

Chỉ khi cất lên hai tiếng đồng bào thì từ trong đáy lòng mới xuất hiện ánh sáng dẫn đường đến câu trả lời đúng. Quan hệ đồng bào là quan hệ máu mủ. Câu trả lời đúng không dành cho những ai đặt đặt đồng bào sau đồng chí. Câu trả lời đúng thấm đẫm máu và nước mắt của nhiều thế hệ.

Nguyễn Ngọc Chu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét