Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

20211009. KỶ NIỆM NGÀY THỐNG NHẤT NƯỚC ĐỨC 3-10-1990

 ĐIỂM BÁO MẠNG

 SỤP ĐỔ

NGUYỄN THỌ/ TD 3-10-2021


Ngày 09.11.1989, bức tường Berlin bị chính người dân Đông Đức phá bỏ một cách ôn hòa, mở đầu cho công cuộc thống nhất nước Đức. Ảnh tư liệu

Hôm nay 03.10 quốc khánh Đức, cũng chính là ngày thống nhất đất nước. Người Đức không thích đao to búa lớn, không bao giờ khoe ai giải phóng ai, không dùng từ “Cách mạng”. Họ chỉ gọi sự kiện đó là “Thay đổi” (die Wende).

Người Tây Đức coi công lao phá bức tường Berlin là của hàng triệu người Đông Đức. Chính những người dân Đông Đức bình dị mà trước ngày 9.11.1989 không hề tham gia tổ chức chính trị nào đã tự tay xóa bỏ bức tường. Chính họ là người đã mở đường cho công cuộc thống nhất trong hòa bình chứ không phải thế lực phương tây nào.


Trước đó là các cuộc biểu tình ngày thứ hai hàng tuần, xuất phát từ thành phố Leipzig. Hàng trăm ngàn dân xuống đường hô vang: Chúng tôi là nhân dân. Ảnh tư liệu

Trước mùa thu 1989, những người Đông Đức này đều là công nhân, viên chức, bộ đội, cảnh sát, giáo viên, mậu dịch viên v.v. trong một nhà nước mà quyền công dân bị thu hẹp đến mức tối thiểu. Áp bức, lừa dối, xuyên tạc ngự trị sinh hoạt xã hội. Mọi người dân vẫn sống và thực hiện nghĩa vụ công dân trong cái khuôn đó. Chúng tôi, những người Việt ở CHDC Đức trong những năm 1960-1980 có rất nhiều kỷ niệm đẹp về những Đông Đức tử tế.

Vì vậy cái khuôn khổ chật hẹp, sặc mùi STASI đó không thể tiệu diệt được khát vọng được sống tự do trong họ. Người Đông Đức thấy đã đến lúc phải thay đổi, thế thôi.

Mọi việc bắt đầu vào ngày 7.5.1989, khi một số sinh viên Leipzig phát hiện ra vài vụ gian lận bầu cử hội đồng địa phương. Các bạn kêu gọi biểu tình và tối hôm đó chỉ có 50 bạn trẻ đến dự ở quảng trường thành phố. Lập tức cảnh sát ra tay đánh đập đám sinh viên. Không ngờ bên cạnh đó có rất đông dân chúng đang dự một lễ hội. Chứng kiến cảnh đông đảo cảnh sát đánh đập một nhóm thanh niên nhỏ ôn hòa, dân chúng bỗng thịnh nộ đứng về phía 50 sinh viên. Sự áp đảo của dân chúng khiến cảnh sát phải lùi bước.

Ngay tối hôm sau 8.5, sự việc tái diễn. Lần này dân chúng không ai bảo ai kéo đến bảo vệ những người làm lễ thánh trong nhà thờ Nikolai bị công an bao vây. Lý do bao vây vẫn là đề tài “Gian lận bầu cử” được thuyết trình trong nhà thờ.

Cuộc biểu tình lớn nhất xảy ra tại Berlin hôm 06.11.1989 với một triệu người tham dự. Bí thư thành ủy Berlin, ủy viên bộ chính trị đảng SED là ông Günther Schabowski thay mặt đảng ra đối thoại với dân trong tiếng la ó, phản đối. Ảnh tư liệu

Ngọn lửa từ những người bất đồng chính kiến ít ỏi đã lây sang đám đông quần chúng xưa nay chẳng quan tâm đến thời cuộc. Cứ như thế làn sóng dâng lên dần, dẫn đến các cuộc “Biểu tình ngày thứ hai” [1].

STASI càng ra tay, sự tức giận càng tăng. Lúc đầu chỉ có 1.200 người đi biểu tình, dần tăng lên đến hàng trăm ngàn người. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình ngày 6.11.1989 tại quảng trường Alexander ở Berlin với gần 1 triệu người tham dự [2].

Ba ngày sau bức tường “sập”.

Bức tường sập, đơn giản chỉ vì có nhiều người Đông Đức bình thường không muốn công an đánh con cháu mình, đơn giản vì nhiều nhà giáo không muốn phải nói dối mãi về lịch sử, đơn giản vì những cô cậu thanh niên không muốn cứ phải nghe kết quả bầu cử 99% năm này qua năm khác. Bức tường sập mà không đổ máu vì có những phóng viên truyền hình đã quyết nói lên sự thật, bất chấp lệnh trên [3].

Bức tường sập mà không tốn viên đạn vì chính người sỹ quan biên phòng Đông Đức, đảng viên cộng sản Harald Jäger đã mở thanh chắn, đánh dấu cho sự sụp đổ của các chế độ chuyên chế ở Đông Âu. [4]

Lúc đầu, người biểu tình Đông Đức chỉ mong phá bức tường để tự do đi lại. Họ biểu tình chống bầu cử gian lận chỉ để xây dựng Đông Đức thành một nhà nước XHCN nhân đạo, bình đẳng với nước CHLB Đức tư bản ở phía tây. Nhưng sau khi hàng triệu người từ hai miền qua lại thăm viếng nhau, tình cảm dân tộc phục hồi, nguyện vọng thống nhất trỗi dậy.

Chỉ 11 tháng sau ngày bức tường đổ, nước Đức thống nhất.

Mặc dù sau khi thống nhất, dân Đông Đức đã được hưởng những quyền con người mà tạo hóa ban cho, dù bức tường bê tông đã bị đâp thành các mảnh nhỏ để làm đồ lưu niệm cho du khách, nhưng hơn 30 năm sau, người Đức hai miền vẫn chưa xóa được sự ngăn cách mà người ta gọi là “bức tường trong đầu” (Mauer im Kopf).

Sau ngày thống nhất, mức sống của người Đông Đức thay đổi một cách ngoạn mục. Cuối năm 1989, thu nhập của người dân CHDC Đức chỉ xấp xỉ 30% đồng bào miền Tây. Sau đổi tiền gần như với tỷ số 1:1 hôm 1.7.1990, tỷ lệ này được nâng lên ngay thành 50%. Trong vòng 5 năm sau đó, mức thu nhập của người miền Đông đã đạt 80% của miền Tây.

Toàn bộ khu vực công cộng: Bệnh viện, trường học, nhà trẻ, công chính được nhà nước giữ nguyên và mở rộng. Các thầy cô của tôi dạy ở trường Bưu điện Königs Wusterhausen đều được giữ lại làm việc trong ngành, lương cao như các đồng nghiệp Tây Đức. Bệnh viện Charité của CHDC Đức được đầu tư thành trung tâm y học lớn nhất nước Đức.

Khu kỹ nghệ điện ảnh DEFA Babelsberg lại được khôi phục thành thủ đô điện ảnh của Đức, lấn át trung tâm điện ảnh miên Tây ở Bavaria. Trường đại học điện ảnh Babelsberg, lò đào tạo nhiều đạo diễn, quay phim cho các nước XHCN, trong đó có Việt Nam, nay trở thành trường đại học điện ảnh lớn nhất nước Đức. Ở Berlin, đại lộ Karl-Marx vẫn là một trong những phố lớn nhất thủ đô.

Hệ thống vườn trẻ, hệ thống trường học cả ngày (học 2 buổi), thành quả của chế độ XHCN, nay được miền Tây TBCN học tập triệt để. Hệ giáo dục phổ thông 12 năm của Đông Đức cũng được Tây đức áp dụng phổ cập vào năm 1998. Dân lái xe Tây Đức vui mừng vào đầu năm 1994 vì được rẽ phải ở những ngã tư có mũi tên xanh, không phải chờ đèn đỏ tắt.

Phản xạ này dân Đông Đức đã có từ năm 1978. Các kênh TV lâu lâu lại khui chương trình Đông Đức ra chiếu, dân cười bể bụng.Toàn bộ kho phim, kho sách, kho băng nhạc của CHDC Đức, được tự do khai thác, kể cả kho hồ sơ mật vụ STASI.

Ở Đức, khái niệm “văn hóa đồi trụy” chỉ dành cho những kẻ đốt sách.

Phải chăng không còn gì đẹp hơn quá trình thống nhất hài hòa này?

Nhưng trên thực tế, thống nhất nước Đức bắt đầu bằng sự giải thể một nhà nước lỗi thời để tạo ra 5 bang miền Đông. Các bang này tự sát nhập vào nhà nước liên bang của 11 bang miền Tây, chấp nhận hiến pháp CHLB Đức. Đây là tiền đề cho sự áp đảo (Dominance) về chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế của miền Tây lên miền Đông.

CHDC Đức từng là một cường quốc thể thao, chỉ kém Mỹ và Liên Xô trong các thế vận hội. Nền thể thao nhà nước được chỉ đạo bằng các chính sách cực đoan, kể cả Doping, đã biến mất sau vài tháng vì các vận động viên không có biên chế nữa. Các CLB bóng đá Đông Đức như Carl-Zeiss Jena, FC- Magdeburg, FC-Hansa Rostock, từng thi đấu nghiêng ngửa với các CLB phương tây, lần lượt tụt từ hạng một xuống hạng hai và nay đang ngoi ngóp ở hạng ba. Lý do là cầu thủ giỏi đều bỏ đi đầu quân cho các CLB miền Tây giàu có hoặc ra ra nước ngoài hết….

Vì những cán bộ từng điều hành nhà nước XHCN trước đây không thể tiếp tục lãnh đạo thể chế mới theo hiến pháp dân chủ nên đa số các cơ quan nhà nước và nhiều vị trí trong các đảng phái chính trị đều do người ở Tây Đức sang nắm. Các thủ tướng Kurt Biedenkopf, Lothar Späth hay Werner Münch là những nhà kỹ trị miền Tây đã lãnh đạo thành công công cuộc cải tạo kinh tế ở 3 bang công nghiệp miền Đông trong những năm 90. Chỉ hai bang sống bằng nông nghiệp là Mecklenburg-Vorpommern và Brandenburg được lãnh đạo bởi các chính khách miền Đông. Thủ đô Berlin nằm trọn trong tay người Tây Berlin suốt gần 30 năm qua.

Nhiều nhà bất đồng chính kiến từng vào tù ra tội dưới chế độ cũ, nay phải lãnh đạo các tổ chức chính trị mới ở miền Đông cũng chới với trong sinh hoạt chính trị và kiểm soát nhà nước theo cơ chế đa đảng. Họ phải nhường chỗ cho các “đồng chí tây học”.

Mặc dù không bị cưỡng bức đóng cửa, nhưng đa số các cơ sở văn hóa, nhà hát, báo chí, nhà xuất bản từng được bao cấp của nhà nước XHCN cũ đã không sống sót qua vài tháng kinh tế thị trường. Các văn nghệ sỹ từng hạnh phúc với tư do mới giành được, nay chợt hiểu: Tự do là hai chữ ngọt ngào, nhưng không thể ăn được.

Tâm lý người thua cuộc bắt đầu hình thành trong một bộ phận dân chúng, kèm theo đó là bức tường vô hình trong đầu.

Nguyễn Thọ

_____

[1] Montagsdemonstration https://en.wikipedia.org/…/Monday_demonstrations_in

[2] Ủy viên bộ chính trị đảng SED Günter Schabowski hôm đó cũng thay mặt đảng SED đến đối thoại với phe đối lâp. Phe đối lập thì chưa hình thành, chẳng có ai lãnh đạo cả

[3] Trung tâm truyền hình Rostock bắt đầu đưa tin về các cuộc biểu tình từ tháng 10.1989, bất chấp lệnh của đài chủ quản từ Berlin.

[4] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1414934981857904

THẤT VỌNG VÀ CAY ĐẮNG

NGUYỄN THỌ/ TD 5-10-2021


Bà Merkel là một trí thức XHCN đã lãnh đạo nước Đức từ 2005 đến nay. Lúc đầu bà cũng từng bị các chính khách Tây Đức coi thường, cho là kẻ tập tành học nghề dân chủ. Ảnh trên mạng

Chiều 3.10.2021, tại quốc lễ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước ở Halle (Đông Đức), bà Merkel có một bài phát biểu rất cảm động. Bên cạnh việc ca ngợi sự kiện lịch sử này, bà ôn lại thân phận của một phụ nữ miền Đông khi tham gia chính trị. Lúc đầu, nhiều chính khách Tây Đức đã coi bà chỉ là dân mới học nghề dân chủ, võ vẽ về Châu Âu.

Bức tường trong đầu có cả ở hai bên. Nhiều người Tây Đức coi thường người Đông trong các trọng trách quan trọng. Nhiều người Đông tủi hổ vì cảm giác của công dân hạng hai. Bà Merkel nói: Đối với đồng bào miền Tây, cuộc sống sau thống nhất vẫn tiếp tục như trước, nhưng người miền Đông thì phải nếm trải khá nhiều, phải lặn lội vào lối sống mới.

Cuối năm 1989, năng suất lao động và thu nhập đầu người của CHDC Đức chỉ đạt 1/3 Tây Đức [1]. Trình độ kỹ thuật của toàn Đông Âu lạc hậu hơn phương tây khoảng 20-25 năm. Nhưng vì 70% hàng hóa làm ra chỉ lưu thông trong khối XHCN, được thanh toán bằng đồng Ruble Liên Xô nên dù là xe ô tô Lada, Trabant, xe máy Minsk hay tủ lạnh Saratov, các sản phẩm đó vẫn bán chạy trong thị trường khép kín này.

Khi cánh cổng mở toang, các sản phẩm đó không đủ sức cạnh tranh với chất lượng từ phương tây. Ở các nước Đông Âu khác, do tiếp xúc với thị trường Tây Âu còn khó và thu nhập của người dân còn thấp nên các sản phẩm này vẫn tiếp tục bán được trong nhiều năm. Nhiều hãng tồn tại nhờ đó và dần dần cải tiến sản phẩm của họ theo kịp thời đại. Nhưng ở Đông Đức, người dân lĩnh tiền D-Mark, sang bên kia phố là mua được đồ xịn mà xưa nay vẫn mơ ước, với giá rẻ bất ngờ. Niềm hạnh phúc của họ lại là sự cáo chung của nền sản xuất hàng hóa Đông Đức. Cái chết của các loại xe Trabant, Wartburg, Barkas và sự tồn tại của các hãng xe Skoda (Tiệp) và Dacia (Rumani) nói lên sự khác nhau giữa Đông Đức và Đông Âu.

Lý do thứ hai dẫn đến cái chết của kinh tế Đông Đức là thống nhất tiền tệ và thống nhất phúc lợi xã hội. Người ta không muốn một nước Đức có hai loại công dân, nên đã quyết định một chế độ bảo hiểm xã hội đồng nhất, một thang lương tương đối thống nhất cho toàn quốc. Kết quả chỉ qua đêm, người thợ CHDC Đức, với trình độ và năng suất lao động tương đương với đồng nghiệp Ba-Lan hay Tiệp Khắc, bỗng hưởng lương gấp 7-8 lần. Ngày đó công nhân Tiệp chỉ hưởng 200DM/tháng, trong khi công nhân Đông Đức lĩnh 1.500DM, sản phẩm làm ra giá như nhau. Hãng Đông Đức phá sản là tất yếu. Công nhân Đức về nhà ăn thất nghiệp 800DM/tháng, gấp 4 lần anh thợ Tiệp cày vã mồ hôi.

Các tập đoàn tư bản phương tây nhảy vào đông Âu lùng các cơ sở gia công rẻ tiền, tất sẽ yêu thợ Tiệp, Ba-Lan, Hungarie, Bulgarie, Croatia hơn là anh Đông Đức. Anh đắt quá và tuổi hưu của anh còn đắt hơn nữa. Đông Đức mất đi tính hấp dẫn cho tư bản phương Tây. Chỉ các nước Đông Âu khác được chuyển đổi kinh tế theo liệu pháp mềm và trở thành sân sau tích cực của kinh tế Tây Âu.

Trong khi đó làn sóng phá sản ập vào Đông Đức ngay từ cuối năm 1990. Người ta rao bán các nhà máy cơ khí hàng nghìn công nhân với giá bèo, chỉ mong được các nhà tư bản miền tây nhảy vào, vực nó dậy. Vậy mà cho đến nay, 30 năm sau, nhiều nhà máy rộng hàng chục hecta vẫn chỉ để các bác Việt Nam thuê chứa hàng với giá 1-2 nghìn Euro/tháng.


Một nhà máy của CHDC Đức rao bán không được, sau hai năm thành đống sắt vụn.
 Ảnh tư liệu

Trong thời gian từ lúc bức tường “đổ” tháng 11.1989 đến ngày thống nhất 3.10.1990, hai nhà nước bàn thảo rất căng về việc này. Ở đây các quyết định chính trị và kinh tế luôn được cân nhắc. Các chính khách Đức hiểu rõ tác hại của liệu pháp cứng đối với Đông Đức. Nhưng việc thống nhất nước Đức ngày đó không được cả thủ tướng Anh Thatcher và Tổng thống Pháp Mitterrand ủng hộ. Họ sợ một nước Đức quá mạnh sẽ lấn át ở Liên Âu. Tình hình chính trị ở Liên Xô thì như một thùng thuốc súng, không đảm bảo cho Gorbachov có thể ủng hộ việc thống nhất nước Đức như thỏa thuận. Thủ tướng Helmut Kohl e rằng, nếu dùng liệu pháp mềm, chấp nhận hai nền kinh tế, hai hệ thống tiền tệ, để chuyển đổi dần miền Đông, lòng dân sẽ không thuận và cơ hội lịch sử có thể tuột khỏi tay.

Trước khi bước vào hội nghi 2+4 (Hai nước Đức + Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô), ông đã đi đến quyết định chính trị khó khăn nhất trong đời: “Liệu pháp cứng” cho Đông Đức.


Ông Helmut Kohl bị dân ném trứng hôm 10.05.1991 khi ông đến Halle để nghe họ kể khổ. Bất chấp can ngăn của vệ sỹ, ông vẫn chạy đến đối thoại với dân. Ảnh tư liệu

Tây Đức sau 3 thập kỷ liên tục tăng trưởng, nhất là “câu chuyện thần kỳ của kinh tế Đức”, đã tích tụ được một nguồn dự trữ khổng lồ vài ngàn tỷ D-Mark. Đây là vũ khí lợi hại của ông Kohl trong cuộc đấu “thống nhất giang sơn”. Ông đã hào hiệp tặng Gorbachov và cả Jelzin sau này những khoản tín dụng và viện trợ khổng lồ để đổi lấy những thỏa thuận vô giá.

Ông Kohl cho rằng sức mạnh kinh tế miền Tây có thể chu cấp xã hội nhiều năm cho hàng triệu đối tượng mà tin chắc là sẽ mất việc. Đó là cả bộ máy dân,chính, đảng, là lực lượng công an, quân đội mà ai cũng biết là khó hòa nhập vào xã hội mới. Để thêm phần chắc ăn, nhà nước thu thêm của người lao động Tây Đức một khoản “Phụ phí đoàn kết” (Soli) để giúp đỡ đồng bào miền Đông [2]. Quỹ Soli này chỉ đem lại từ 10 đến 15 tỷ Eur/năm, trong khi số tiền miền Tây chuyển sang miền Đông khoảng 60-70 tỷ/năm để giữ vững cân bằng xã hội và phát triển hạ tầng. Theo viện nghiên cứu kinh tế IFO Dresden thì từ 1990 đến 2013 miền Tây đã viện trợ cho miền Đông 1.600 tỷ EURO [3]. Cho đến nay con số này có lẽ đã vượt quá 2.000 tỷ.

Lúc đầu người ta chỉ tính đến sự sụp đổ của một bộ phận công nghiệp nặng và hy vọng vào khả năng cải tạo công nghiệp nhẹ miền Đông. Nhưng việc kết thúc chiến tranh lạnh dẫn đến toàn cầu hóa làm đảo lộn mọi phép tính kinh tế. Các ngành dệt may, lắp ráp điện tử và sản xuất hàng tiêu dùng của Đông Đức bỗng không thể cạnh tranh với các đối thủ có mức lương “tù” từ châu Á. Ví dụ thành phố Karl-Marx, trung tâm công nghiệp dệt Đông Đức với 315.000 dân và hàng trăm xí nghiệp lớn nhỏ bỗng dưng biến thành thành phố ma với cái tên cũ là Chemnitz. Vì toàn bộ các nhà máy dệt, may mặc sập tiệm, nạn di dân sang miền Tây đã làm cho dân số tụt xuống còn 245.000 vào năm 2006. Các cô thợ dệt Việt Nam từng làm cho các nhà máy dệt ở Chemnitz giờ chỉ lo “đánh” hàng dệt từ Châu Á sang.

Việc đóng cửa hàng loạt và tư nhân hóa ồ ạt các xí nghiệp quốc doanh không có sức cạnh tranh bỗng gây ra một làn sóng phẫn nộ ở Đông Đức. Dù biết rằng thất nghiệp sẽ không chết đói, không vô gia cư, nhưng những người thợ tự hào không chấp nhận mất tương lai. Các cuộc đình công chiếm giữ xưởng, hầm mỏ, tuyệt thực, chặn xe cảnh sát xảy ra thường xuyên ở Đông Đức từ đầu năm 91 đã đẩy mâu thuẫn xã hội lên cao.

Đỉnh điểm của làn sóng này là vụ tổ chức RAF (Lữ đoàn đỏ) ám sát nhà công nghiệp Detlef Rohwedder hôm lễ phục sinh 1.4.1991 tại nhà riêng. Tháng 7.1990, ba tháng trước ngày thống nhất, nhà công nghiệp hàng đầu của Tây Đức được chính phủ Đông Đức mời sang làm giám đốc cục quản lý tài sản nhà nước (Treuhandanstalt), đặc trách việc việc tư nhân hóa tài sản quốc gia. Bọn khủng bố cánh tả đã xử án Rohwedder bằng hai phát đạn vì tội danh “Đại diện cho chủ nghĩa tư bản, cướp trắng tư liệu sản xuất của giai cấp công nhân”.


Ảnh trên chụp hai ngôi nhà tại Berlin vào tháng 8.1989. Bên trái góc phố Augustr. Bên phải là nhà đầu phố Tucholksy. Cả hai đều xuống cấp trầm trọng. Phía dưới là hai ngôi nhà đã được tân tạo, chụp năm 2008-2009. Ảnh tư liệu

Tôi đã xúc động khi xem đoạn tin thủ tướng Kohl hôm 10.5.1991 đi thăm Halle, một thành phố công nghiệp đang khốn khó. Hàng ngàn người, mới năm ngoái còn coi ông là cứu tinh, nay bỗng xúm đến phản đối ông vì để cho họ mất việc làm. Thấy họ ném trứng, các vệ sỹ giữ ông lại. Nhưng ông Kohl đẩy vệ sỹ ra, chạy về phía đồng bào để nói chuyện với họ. Một quả trứng vỡ ngay trên mặt.

Lòng trắng trứng chảy trên mặt ông già, như những giọt nước mắt của mối tình Đông-Tây cay đắng.

Nguyễn Thọ

_____

[1] https://de.statista.com/statistik/daten/studie/249689/umfrage/vergleich-von-west-und-ostdeutschland-vor-der-wiedervereinigung/

[2] https://de.wikipedia.org/wiki/Solidarit%C3%A4tszuschlag

[3] https://www.bpb.de/geschichte/deutsche-einheit/zahlen-und-fakten-zur-deutschen-einheit/212659/die-frage-nach-den-kosten-der-wiedervereinigung

BỨC TƯỜNG TRONG ĐẦU

NGUYỄN THỌ /TD 7-10-2021

Cuộc gặp gỡ giữa các học sinh Việt Nam và các thầy cô giáo Đức năm xưa tại Königs Wusterhausen hôm 1.9.2019. Đối với chúng tôi, họ là những công dân CHDC Đức tử tế. Ảnh: FB tác giả

Giữa các vùng miền nước Đức cũng có những khác biệt về văn hóa, lich sử. Trước khi đế chế Đức ra đời năm 1871, đây từng là nhiều vương quốc, công quốc khác nhau. Người Hanseat giỏi kinh doanh ở Bắc Đức từng coi người vùng Rheinland (nơi tôi đang sống) là bọn thợ mỏ lam lũ và người Bavaria (Bayern) là đám nông dân cục mịch. Nay sự phân biệt đó bị xóa nhòa.

Hiện tại các danh từ lóng “Ossi” hay “Wessi” vẫn được dùng để ám chỉ người Đông hay Tây (như người Việt vẫn kêu “Thằng Nam kỳ” hay “Con mẹ Bắc kỳ”). Lúc đầu tôi nghĩ sự phân biệt này sẽ sớm mất đi. Nhưng 31 năm rồi, nó vẫn còn đó, mặc dù phần lớn người dân Đông Đức hiện nay sinh ra sau năm 1989, hoặc chỉ biết đến CHXH vào tuổi thiếu nhi.

Đông và Tây Đức có những cách biệt từ ngôn từ [1], tôn giáo [2] đến lịch sử, vì Đông Đức chính là trung tâm của nước Phổ, như tôi đã nêu trong bài 1 của loạt bài này, so với phần còn lại của nước Đức. Thêm vào đó sự tụt hậu về kinh tế, xã hội khiến cho phân biệt Đông Tây không dễ xóa nhòa như phân biệt giữa người Hanseat với dân Rheinland cùng ở miền Tây.

Có người cho là nếu Đông Đức chọn liệu pháp “mềm” như Tiệp, Ba-Lan… sẽ bớt đi nhiều sụp đổ, vì tư bản phương Tây dễ nhảy vào sử dụng nhân công rẻ ở đó. Nạn thất nghiệp và các bi kịch trong những năm 1990 đã không xảy ra.

Việc gì cũng có cái giá của nó.

Sau hơn 30 năm, dân tộc Đức đã chứng tỏ bản lĩnh của mình. Đông Đức ngày hôm nay đã không trở thành sân sau để gia công hàng hóa cho công nghiệp Phương Tây, mà là bộ phận cấu thành của một nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thành phố dệt Chemnitz đã chứng kiến sự đổi thay này. Ngành dêt truyền thống đã teo đi, chỉ còn các nhà máy sản xuất thiết bị dệt may cao cấp. Thay vào đó chính phủ đưa nhiều cơ quan liên bang (Bundesanstalt) cùng 3 viện nghiên cứu khoa học Fraunhofer về đây. Kéo theo đó là hàng loạt Startup về IT và AI ra đời. Trường đại học kỹ thuật Chemnitz được nâng cấp để nhận 11.000 sinh viên, trong một thành phố 245.000 dân (Thị xã Quảng Ngãi có 265.000 dân).

Chemnitz bỏ qua giai đoạn phục hồi công nghiệp, tiến thẳng vào hậu công nghiệp là một trong nhiều ví dụ của Đông Đức.

Cùng với việc dời thủ đô từ Bonn sang Berlin để kéo trọng tâm về miền Đông, nhiều cơ quan liên bang và các viện nghiên cứu được chuyển về đây. Đầu tư mới 100% vào hạ tầng đã tạo cho miền Đông hệ thống đường cao tốc tốt hơn, mạng điện năng lượng xanh dày đặc hơn và trang bị ở các trường đại học, bệnh viện hiện đại hơn. Từ năm 1998, nhà nước đã thành lập cơ quan “Đặc ủy xây dựng miền Đông” mà chủ nhiệm luôn là Đông Đức [3]. Từ 2005 nước Đức được lãnh đạo bởi một phụ nữ từ miền Đông…

Bất chấp tất cả những cố gắng trên, khoảng cách Đông-Tây vẫn tồn tại. Thu nhập ở miền Đông vẫn dậm chân ở mức 85% miền Tây. Nguyên nhân nằm ở cấu trúc dân cư (demography).


Tích lũy trung bình của các gia đình Đông và Tây năm 2018, tính theo đơn vị nghìn EUR. Ảnh trên mạng

Thế hệ trẻ Đông Đức hầu như không dính dáng đến quá khứ “CHDC Đức”. Họ hoàn toàn hòa nhập và có mức sống ngang, thậm chí cao hơn bạn bè miền Tây. Nhưng quanh họ là rất nhiều người già thuộc thế hệ cũ. Những người này hưởng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội, chỉ đủ sống. Người sống bằng trợ cấp tất phải ăn tiêu tằn tiện. Vì vậy, dù lương của giáo sư, hay bác sỹ miền Đông cao bằng miền Tây, nhưng cấu trúc dân số này đã tạo ra sức mua thấp ở đó (Biểu đồ 1). Sức mua quyết định phát triển kinh tế. Đó là một quy luật khắc nghiệt, không chính sách nào thay đổi được.


Biểu đồ 1 – Sức mua tính theo đầu người/năm tại các bang ở Đức. Đứng đầu là Hamburg, 5 bang miền đông đúng cuối bảng. Ảnh trên mạng

Tỷ lệ người già ở miền Đông khá cao vì trong nhiều năm liền, giới trẻ bỏ sang phía tây làm ăn. Nạn “Chết làng” (Dorfsterben) cũng là một vấn đề trầm trọng ở Đông Đức. Do thanh niên kéo bỏ đi nên rất nhiều làng chỉ còn người già. Trường học, nhà trẻ đóng cửa. Sức mua giảm khiến vài làng chung nhau một siêu thị. Các cô bảo mẫu, giáo viên, bán hàng lại vào thành thị kiếm sống. Vòng luẩn quẩn này chưa dừng lại. Trong khi ở miền tây, người giàu đổ về sống ở nông thôn để hưởng môi trường trong lành thì ở miền đông, không khí sạch không ai mua…


Màu đen là tỷ lệ người Đức không thỏa mãn với công cuộc thống nhất đất nước. Màu xanh là tỷ lệ người thỏa mãn. Ảnh trên mạng

Tôi có thể đưa ra nhiều dẫn chứng khác về những tồn đọng ở Đông Đức, từ sự gần gũi của dân chúng với các đảng phái cực đoan, đến sự thờ ơ của họ trong các hoạt động chính trị. Chắc chắn là phân biệt Đông Tây rồi sẽ biến mất như phân biệt giữa người Hanseat ở Bắc với người Bayer ở miền Nam Đức. Có điều cái hố sâu cần nhiều thời gian hơn để lấp.

Nhưng cuộc đời đâu chỉ bị cản trở bởi bức tường vùng miền. Cản trở lớn nhất là bức tường giam hãm con người trong sự hèn hạ nhưng ngạo mạn, là bức tường của sự tự ti nhược tiểu. Người Đức đã thống nhất được đất nước một cách rất văn minh, vì đa số vượt qua chính cái bóng của họ.

Phẩm chất đó không phải của chế độ nào.

30 năm sau ngày thống nhất có đến 75% người Đức coi quá trình thống nhất đất nước là một thành công, chỉ 23% coi đó là thất bại. Ở một xã hội tử tế thì 75% hạnh phúc này cảm thấy có trách nhiệm phải làm sao hiểu và giúp đỡ 23% bất hạnh kia. Không ai coi họ là phản động hay bất mãn.

Người Đông Đức không bao giờ phải trả lời câu hỏi rất đểu trong lý lịch: Trước ngày 03.10.1990 ông, bà hoặc bố mẹ ông bà làm gì?

Tôi đã viết nhiều về đề tài này, lần nào cũng có người phán: Nhờ Mỹ, hoặc nhờ Liên Xô buông tay mà Đức mới được như thế. Người ta quên đi yếu tố nội lực. Vào lúc CNXH sụp đổ ở Liên Xô, có bao nhiêu nước bước vào kỷ nguyên dân chủ? Nhiều nước thuộc Liên Xô cũ dù thay đổi thể chế, nhưng độc tài vẫn tồn tại, như ở Belaruss hay các nước Trung Á. Ở Trung Quốc và Việt Nam CNXH biến tướng theo CNTB hoang dã…

Những khác biệt đó là do nội lực.

Nhiều người coi các thói xấu của đồng bào mình là do cộng sản giáo dục. Nhưng trong các cộng đồng Việt Nam ở Úc ở Mỹ, đa số ra đi từ 1975 cũng không thiếu trò tệ hại. Cách hành xử của họ còn kém những người Đông Đức, Tiệp hay Ba-Lan được giáo dục dưới chế độ XHCN. Chỉ riêng chuyện giữ trật tự và vệ sinh công cộng, về cách tranh luận, người Việt còn phải học dài dài nữa. Người Việt là quán quân thế giới về khôn lỏi, nấp nhìn người khác hy sinh hộ mình…

Hãy thôi tìm các cái cớ để mình khỏi phải thay đổi.

Một dân tộc có bản lĩnh luôn tự giải phóng được mình khỏi các gọng kìm của lịch sử, vì họ luôn biết vượt qua bức tường tự bao vây mình.

Tự nhốt mình trong tự mãn, u tối, chỉ trông chờ vào nước ngoài, chờ vận may thì cơ hội tốt mấy cũng bỏ lỡ. Dân tộc nào thì cũng chỉ được hưởng nền kinh tế, nền văn hóa, hệ chính trị mà nó xứng đáng được hưởng.

Đó là bài học về những bức tường.

Nguyễn Thọ

_____

[1] Vài ví dụ: “Con gà quay” ở Đông Đức gọi là Broiler, Tây Đức gọi là Brathähnchen. “Nhựa” ở Đông Đức gọi là Plaste, ở Tây Đức = Plastik. Món Grilletta của Đông Đức, bên Tây gọi là Hamburger: https://de.wikipedia.org/wiki/Sprachgebrauch_in_der_DDR#W

[2] Tôn giáo chính ở Đông Đức là Tin lành, ở Tây Đức là Thiên chúa.

[3] https://www.bmwi.de/Navigation/DE/Themen/themen.html?cl2Categories_LeadKeyword=ostbeauftragter

BÀ MERKEL ĐƯA NƯỚC ĐỨC TỪ 'GÃ ỐM YẾU' THÀNH SIÊU CƯỜNG

 NHƯ THẾ NÀO ?

HOÀI LINH/ VNN 3-10-2021

Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, Đức từng nổi tiếng là “gã ốm yếu của châu Âu” nhưng hiện nó  đã trở thành nền kinh tế lớn nhất và thành công nhất châu lục này. 

Bà Merkel đưa nước Đức từ “gã ốm yếu” thành siêu cường như thế nào?
Dưới thời Thủ tướng Merkel, Đức từ “gã ốm yếu” trở thành siêu cường 

Theo CNBC, nền kinh tế của Đức đã phát triển mạnh trong suốt 16 năm cầm quyền của Thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Angela Merkel. Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, ¼ hay 24,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liên minh châu Âu (EU) là do Đức tạo ra, theo Eurostat. 

Theo một số chuyên gia chính trị, những biểu đồ do CNBC lập ra về tình hình kinh tế, xã hội của Đức dưới đây cho thấy di sản của bà Merkel không chỉ là sự thịnh vượng mà còn có những cơ hội bị bỏ lỡ, các sai lầm.

Tổng sản phẩm quốc nội

Bà Merkel đưa nước Đức từ “gã ốm yếu” thành siêu cường như thế nào?
So sánh GDP của Đức với Pháp và Anh

Nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức, từng dựa chủ yếu vào sản xuất, đã phát triển ổn định trong thời gian bà Merkel nắm quyền. Biểu đồ cho thấy, kinh tế Đức vượt xa các đối thủ của nước này là Anh và Pháp. 

Khi bà Merkel lên nắm quyền vào năm 2005, kinh tế Đức vừa trải qua một đợt suy thoái hai năm trước. Năm bà Merkel lên làm Thủ tướng Đức, GDP của Đức là 2,3 nghìn tỷ Euro và năm 2020 là hơn 3,3 nghìn tỷ Euro, dữ liệu của văn phòng thống kê liên bang của Đức cho thấy. 

Tỷ lệ thất nghiệp

Bà Merkel đưa nước Đức từ “gã ốm yếu” thành siêu cường như thế nào?

Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức đã sụt giảm trong thời gian bà Merkel làm Thủ tướng, từ 11,1% năm 2005 xuống còn 3,8% năm 2020, dữ liệu của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy. 

Đức là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở châu Âu. Theo dữ liệu của Eurostat, tháng 7/2021, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức là 3,6% còn với những người dưới 25 tuổi tỷ lệ này cao hơn, 7,5%. 

Sau khi phân tích, đánh giá di sản của bà Merkel, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs lưu ý rằng trong khi bà Merkel đã thành công lớn trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp nhưng phần lớn sự thành công này lại bắt nguồn từ các cuộc cải cách của người tiền nhiệm. 

Nhập cư

Có một lĩnh vực mà Đức khác biệt hoàn toàn so với Pháp và Anh là bối cảnh nhập cư của Đức dưới thời bà Merkel. Có lẽ đây là lĩnh vực mà bà đối mặt với sự khen ngợi lẫn gây tranh cãi khi nắm quyền Thủ tướng Đức.

Bà Merkel đưa nước Đức từ “gã ốm yếu” thành siêu cường như thế nào?

Vào đỉnh điểm cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu 2014-2015, hàng trăm nghìn người đã vào EU, nhiều người trong số đó là chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Syria. Tranh cãi trong khối EU đã nổ ra về việc làm thế nào để phân chia công bằng số người xin tị nạn cho các nước thành viên. Vào thời điểm đó, các nước Đông Âu phần lớn từ chối tiếp nhận người di cư và đã đóng cửa biên giới. 

Khi đó, bà Merkel đã đưa ra những quyết định táo bạo. Bà quyết định mở cửa biên giới Đức và cho phép hơn 1 triệu người tị nạn và di cư vào Đức năm 2015. Động thái này được phản ánh trong biểu đồ dưới đây. Dữ liệu nhập cư của Eurostat bắt đầu được xây dựng vào năm 2008. 

Chính sách về di cư của bà Merkel trong thời điểm này được coi là chất xúc tác để các cử tri thiên hữu đổ xô đi ủng hộ đảng chống nhập cư. Tuy nhiên, năm 2021, tỷ lệ phiếu bầu của đảng này lại giảm dần. 

Thu nhập khả dụng

Bà Merkel đưa nước Đức từ “gã ốm yếu” thành siêu cường như thế nào?

Thu nhập khả dụng hay thu nhập sau khi nộp thuế của hộ gia đình tại Đức cũng tăng đều đặn. Khi bà Merkel lên nắm quyền Thủ tướng Đức vào năm 2005, mức thu nhập của các hộ gia đình ở Đức, Anh và Pháp không quá chênh lệch song theo thời gian, khoảng cách ngày càng tăng và Đức vọt hẳn về phía trước. 

Ở Đức, tổng thu nhập khả dụng của hộ gia đình trên đầu người là 30.142 Euro vào năm 2019. Trong khi đó, ở Anh là 25.155 Euro và ở Pháp là 26.158 Euro, theo dữ liệu của Eurostat. 

Đầu tư công

Bà Merkel đưa nước Đức từ “gã ốm yếu” thành siêu cường như thế nào?
Dưới thời Merkel, Đức từ “gã ốm yếu” trở thành siêu cường ra sao?

Chính phủ của Thủ tướng Merkel từng bị chỉ trích mạnh về việc bỏ bê chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và đầu tư vì họ không muốn vay tiền và làm rối tung những quy định chặt chẽ để giữ cho ngân sách cân bằng. Cơ sở hạ tầng ở Đức xuống cấp được cho là do thiếu chi tiêu và chính phủ cũng bị chỉ trích mạnh về việc giảm vay và chi tiêu vào thời điểm mà nước này có thể vay tiền với lãi suất thấp. Nhiều người cũng chỉ trích Đức ít chi tiêu và nhu cầu thấp hơn của Đức đã tạo ra sự mất cân bằng trong khu vực đồng Euro. 

Theo các chuyên gia, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là việc mà chính phủ tiếp theo của Đức phải giải quyết. 

Hoài Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét