Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

20211003. GIẢI QUYẾT THIẾU LAO ĐỘNG SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

 ĐIỂM BÁO MẠNG

SAU ĐẠI DỊCH COVID-19:  NHÌN NHẬN LẠI VỀ LAO ĐỘNG NHẬP CƯ

NGUYỄN MINH HÒA/ NĐT 1-10-2021

Khu vực Đông Nam bộ rục rịch trở lại trạng thái “bình thường mới”, rất nhiều giám đốc các công ty, nhà máy ở TP.HCM, Bình Dương, Long An đặt ra câu hỏi liệu có bao nhiêu phần trăm lực lượng lao động quay trở lại? Nếu họ không quay trở lại, hoặc quay lại rất ít thì sẽ như thế nào?

Không chỉ có chủ các doanh nghiệp lớn mà các nhà kinh doanh nhỏ như cho thuê nhà trọ, bán quán ăn gần các khu công nghiệp cũng có mối lo chung như thế. Câu hỏi quan trọng đó cần có lời giải ngay từ bây giờ, và quan trọng hơn là làm sao để sự trở lại của họ có tính bền vững, bởi những rủi ro như dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.

Họ sẽ quay lại nơi dễ kiếm sống 

Bao nhiêu phần trăm lực lượng lao động sẽ quay lại? Với kinh nghiệm và hiểu biết của người nghiên cứu xã hội lâu năm, tôi khẳng định phải hơn 70%. Trong lịch sử phát triển, xã hội nào cũng trải qua các trạng thái bất thường như thiên tai, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh. Không phải là người nhập cư (còn gọi là ngụ cư) mà cả người chính cư cũng dịch chuyển nơi khác khi những rủi ro đó xảy ra. Nhưng sau khi mọi chuyện trở lại bình thường thì đa phần trong số họ lại quay về chốn cũ, nơi họ đã mưu sinh trước đó.

Các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929-1933, đại chiến thế giới lần hai đã cho thấy điều đó. Người dân bị thiệt hại nặng nề do động đất, sóng thần ở  tỉnh Miyagi - Nhật Bản năm 2011; ở Sumatra - Indonesia 2004, nhưng rồi họ vẫn quay lại mảnh đất được coi là không yên lành để tiếp tục sinh sống.

Sau dịch, khi mọi chuyện trở lại bình thường hoặc chưa trở lại bình thường mà hoạt động sản xuất mở cửa thì rất nhiều người sẽ trở lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tại sao vậy?

Thứ nhất, những lao động từ TP.HCM trở về quê lần này là do tình thế bắt buộc, họ tạm lánh về quê chờ cơ hội, mà cơ hội sống được của họ ở nơi xuất cư như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Ngãi... không nhiều. Cơ hội sống bao gồm cơ hội học hành, cơ hội tìm kiếm việc làm, cơ hội cư trú, cơ hội hôn nhân, cơ hội thăng tiến và cả cơ hội đón nhận sự may mắn cho họ và con cái - những cơ hội mà ở làng quê trong bối cảnh hiện nay khá thấp, mặc dù so với 15-20 năm trước đây mọi chuyện đã khá hơn.

Ở các làng quê miền Trung diện tích đất canh tác tính trên đầu người rất thấp, thời tiết khắc nghiệt không thuận lợi cho làm nông, hơn nữa do đất ít, phải dồn điền đổi thửa, sử dụng máy móc, nên nhiều người không còn làm nông, vì thế mà lao động nông nghiệp dôi dư rất nhiều. 

Người dân từ TP.HCM, Bình Dương được cảnh sát giao thông dẫn đường qua Bình Phước về Tây Nguyên, nhằm hạn chế tối đa việc dừng đỗ dọc đường. Ảnh: Minh Hiếu


Thứ hai, gần đây các tỉnh đã xuất hiện các khu công nghiệp nhưng không nhiều, quy mô còn nhỏ nên hấp thụ lượng nhân lực địa phương còn ít. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm, thị trường dịch vụ mỏng và nhỏ, do vậy chuyện sau đại dịch, thanh niên lại bỏ làng quê đi mưu sinh vẫn sẽ diễn ra. Họ tìm đường đi làm việc (chính thức và không chính thức) ở nước ngoài, nhiều nhất là Campuchia, Lào, Thái Lan và tìm đến những nơi được gọi là “đất lành” theo kiểu “thóc đâu, bồ câu đấy”. Dù gì đi nữa, TP.HCM vẫn là mảnh đất dễ kiếm sống nhất trong cả nước.  

Lót ổ mới khi lao động nhập cư trở lại 

Đã có bao nhiêu người rời TP.HCM bằng tất cả các phương tiện? Chưa có con số thống kê nào được công bố. TP.HCM có 24 khu công nghiệp, khu chế xuất, 2 khu công nghệ cao và khu phần mềm với khoảng 450.000 công nhân. Còn người lao động ở các cơ sở sản xuất khác, các công ty, các hoạt động dịch vụ và lao động tự do có thể 1,2-1,5 triệu người. Nếu tạm cho 50% trong số đó rời TP.HCM trong thời gian qua thì con số thấp nhất có thể là 700.000 người.

TP.HCM bắt buộc phải khôi phục sản xuất, bởi đây là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; dòng chảy liên tục của tiền, hàng hóa, tài nguyên, vật tư vô cùng lớn, một ngày nghẽn là thành phố này mất 1.200-1.500 tỷ đồng thu ngân sách, do vậy bằng mọi giá nền kinh tế này phải được tái sinh.

Có dự báo rằng TP.HCM nếu khống chế được dịch thì cũng phải đến 2023 mới có thể khôi phục 80% năng lực sản xuất như trước khi có dịch. Hàng triệu lao động sẽ quay lại, nhưng không thể nuôi dưỡng lực lượng này như cũ được nữa. Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh thành Đông Nam bộ và chủ các doanh nghiệp cần có tư duy và hành động khác đi (không hẳn là mới). Khi còn là Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc thường nói các tỉnh, thành muốn đón được đại bàng thì phải biết tạo ra những cái ổ xứng tầm, nay tư duy đó không phải chỉ cho đại bàng mà còn cần cho cả chim sẻ.   

Điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất, là những người có trách nhiệm cần nhìn nhận lại giá trị của lực lượng lao động nhập cư một cách nghiêm túc và sáng rõ hơn. Họ không phải là bộ phận gắn tạm lỏng lẻo (luôn trong tình trạng bị thay thế), là công dân hạng hai, mà thực sự là bộ phận quan trọng đóng vai trò quyết định của nền kinh tế dựa trên công nghiệp hóa và dịch vụ. 

Đại dịch COVID-19 như một trận cuồng phong quét qua một vùng dân cư, nhìn vào những gì còn lại người ta mới thấy hết được bức tranh đời sống chân thực của người dân mà ngày thường được che chắn bởi những vỏ bọc bên ngoài. Lao động nhập cư ở bất cứ lĩnh vực nào: công nhân các khu công nghiệp, người làm dịch vụ và lao động tự do nghèo quá sức. Biểu hiện rõ nhất là họ không có tích lũy, nếu có thì không đáng kể. Tôi đã từng làm các đề tài nghiên cứu về họ và nói về điều này từ hàng chục năm trước đây. Mỗi người công nhân ở khu công nghiệp tằn tiện lắm mỗi tháng, nếu không đau ốm, đám cưới, đám ma… cũng chỉ dư được 500.000 - 1.000.000 đồng. Khi mất việc, số tiền tích lũy ấy không đủ cầm cự quá 3 tháng. Trong trận dịch Covid-19 này cho thấy rất rõ điều đó. 

Hàng nghìn người, chủ yếu người dân của các tỉnh miền Tây đã tụ tập trước điểm chốt trên Quốc lộ 1A để tìm cách về quê sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách vào tối 30.9.2021. Nguồn: TTXVN


Để có thể tích lũy được thì các thành phố lớn nơi tiếp nhận nhiều lao động như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An phải thực hiện cho được ba chính sách lớn:

Thứ nhất là nhà ở. Hơn 90% công nhân vẫn phải thuê nhà trọ với chất lượng sống rất thấp. Ở TP.HCM, số doanh nghiệp có nhà lưu trú cho công nhân rất ít, nếu công nhân được ở nhà lưu trú của doanh nghiệp như ở Bắc Ninh, Bắc Giang thì họ không phải mất tiền thuê nhà (chiếm gần 25% thu nhập hàng tháng). Trong phát biểu ngày 11.9.2021, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh điều này khi đề cập đến những việc cần làm để chuẩn bị khởi động lại hoạt động sản xuất, rằng phải có chính sách nhà ở cấp tốc cho công nhân, lao động nhập cư, giảm dần các khu nhà trọ chật hẹp như hiện nay. 

Thứ hai là đảm bảo họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội ngang bằng người dân có hộ khẩu thường trú. Hiện nay con em công nhân không được học trường công mà học trường dân lập, tư thục nên chi phí cao hơn.

Thứ ba là phải cải tiến chế độ tiền lương, thu nhập. So với công nhân công nghiệp các nước trong khu vực thì mặt bằng đời sống công nhân của ta thấp hơn về lương bổng, nhà ở, và hưởng thụ các loại dịch vụ xã hội, kể cả thụ hưởng về đời sống tinh thần. Chẳng hạn mức lương trung bình  của công nhân ở Malaysia là 15 triệu đồng/tháng, trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng 5-7 triệu đồng.  Nếu xếp họ trên tháp phân tầng xã hội thì họ thuộc nhóm nghèo hoặc cận nghèo, tức là nằm sát ngay phía trên đường nghèo đói (poverty line), chỉ cần một rủi ro nhẹ là rơi tòm ngay xuống dưới ngưỡng đói nghèo.

World Bank định nghĩa về họ với hình ảnh một người đứng dưới nước trong tư thế nhón chân, mặt nước ngang lỗ mũi, và như thế mỗi khi có gió nhẹ tạo sóng là họ bị sặc, và có thể bị chìm nghỉm tức thì. Việc đảm bảo cho họ có nhà ở, tiếp cận dịch vụ công, và lương xứng đáng sẽ đảm bảo họ có thể tích lũy 15-20% từ thu nhập hàng tháng. Có tích lũy tốt thì người lao động mới chống chịu được dài ngày những rủi ro kiểu như Covid- 19, hoặc những biến động kinh tế có thể xảy ra trong tương lai. 

Điều cuối cùng cần nói về phía người lao động là họ sẽ quay lại, nhưng chắc chắn với một tâm thế mới và cảnh giác cao hơn. Họ nhận thức được rằng Sài Gòn không phải chỉ là đất lành mà có cả những rủi ro rình rập, những rủi ro này không chỉ cho cá nhân mà cho cả nhiều triệu người (như dịch hiện nay). Sau lần này, kinh nghiệm sống mang lại cho họ những bài học đắt giá để tồn tại trong rủi ro, thích nghi với hoàn cảnh thay đổi không lường trước được. Họ sẽ biết cách tích lũy và chi tiêu hợp lý hơn. Họ hiểu được trong hoạn nạn, ai có mạng lưới xã hội rộng sẽ thoát được nghịch cảnh.

Do vậy họ sẽ tham gia vào mạng lưới đồng hương, mà trước đó thờ ơ, cho là vô bổ, bởi khi khốn khó, ngoài chính quyền ra thì hội đồng hương là người chìa tay cho họ nắm lấy sớm nhất. Họ biết dự tính các kế hoạch làm ăn dài hơi hơn, không thể tồn tại mãi theo kiểu “khô mồ hôi là hết tiền”.

Vài năm nữa, họ sẽ nói với nhau, với con cháu về những ngày kinh hoàng này với những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. 

TS. Nguyễn Minh Hòa

NGƯỜI DÂN Ồ ẠT VỀ QUÊ, TP.HCM GIẢI QUYẾT BÀI TOÁN THIẾU LAO ĐỘNG THẾ NÀO ?

MỸ HÀ/ ZING 2-10-2021

Chuyên gia lo ngại việc lao động ồ ạt về quê thời gian qua khiến thị trường lao động TP.HCM thiếu hụt nhân lực sau khi mở cửa trở lại. Ảnh: Chí Hùng.

31.000 lao động làm việc tại các khu chế xuất - khu công nghiệp ở TP.HCM đã về quê là con số được ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), đưa ra tại tọa đàm “Nguồn nhân lực lao động cho TP.HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch” tổ chức chiều 1/10.

Theo ông Trực, người lao động chủ yếu về những địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... Với khoảng cách địa lý không quá xa, số lao động này có khả năng quay lại làm việc. Dù vậy, TP.HCM cần nhiều giải pháp để giải bài toán nhân lực lao động trong thời gian tới.

Nhu cầu nhân lực tập trung ở ngành thương mại - dịch vụ

Theo Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, khi dịch bệnh bùng phát, chỉ có 720 trên tổng số 288.000 doanh nghiệp thực hiện sản xuất "3 tại chỗ” với 64.000 người lao động tham gia.

Hiện, các doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ" hay "1 điểm đến - 2 cung đường" cũng bắt đầu gặp khó khăn vì chi phí vận hành quá lớn. Đồng thời, tất cả doanh nghiệp muốn mở cửa hoạt động nhưng khó khăn về nguồn cung lao động và nguyên vật liệu do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết theo số liệu khảo sát, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 81,61%. Trong khi đó, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 18,26%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,12%.

“Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp bắt đầu kế hoạch để chuẩn bị hoạt động trở lại. Tuy nhiên, với số lao động về quê ồ ạt trước thời điểm địa phương có hoạt động kiểm soát di chuyển, việc sắp xếp lại nhân sự, lao động tại doanh nghiệp là một vấn đề trọng yếu”, ông Triết nói.

Ông cũng cho biết để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ, thiết kế nhiều chế độ ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.

Theo ông, với việc tăng cường tiêm vaccine Covid-19 và chuẩn bị phương án đón người lao động ở các tỉnh, thành thuận tiện, an toàn quay trở lại làm việc, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm 2021 sẽ khả quan hơn.

Ông Triết cũng cho biết cuối năm là khoảng thời gian quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng nâng cao hiệu quả năng suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng theo mùa (trước, trong dịp Tết Nguyên đán), hoặc sau giãn cách cũng góp phần kích cầu hoạt động tiêu dùng trong thời gian tới.

Theo đó, nhu cầu nhân lực quý IV tại TP.HCM dự báo cần khoảng hơn 43.600-56.800 chỗ làm việc. Nhu cầu này có xu hướng tăng ở các nhóm nghề: kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; cơ khí - tự động hóa; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng; du lịch - nhà hàng - khách sạn…

Đề xuất xây dựng nhà ở lưu trú cho lao động

Nói về giải pháp thu hút lao động trở lại làm việc thời gian tới, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết TP.HCM cùng các tỉnh, thành phố phía nam phải tiếp tục tiêm vaccine để sản xuất an toàn, thu hút lao động và cần có chính sách bảo đảm sản xuất an toàn để người lao động yên tâm làm việc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng, bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân.

"Doanh nghiệp cần thêm giải pháp an sinh xã hội và chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác. Việc tăng cường đào tạo lại lao động cũng rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch", ông Hồi nói.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, cho biết tín hiệu đáng mừng là 242.000 người lao động trong các khu chế xuất - khu công nghiệp tại TP.HCM đã được tiêm vaccine mũi 1 và hơn 24.000 người lao động đã được tiêm mũi 2.

Hiện, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM ưu tiên phối hợp với chính quyền TP và các địa phương khác để đón người lao động quay lại làm việc. Cách thức đưa đón đảm bảo thuận lợi nhất cho người lao động. Khi đón về, TP sẽ tổ chức tiêm vaccine mũi 2 cho số lao động này.

Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Sở LĐTB&XH TP.HCM để khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, sử dụng người lao động.

“Ban Quản lý cũng đề xuất với TP về việc xây dựng nhà ở lưu trú cho người lao động theo hình thức nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Đây là cơ sở để có thể xác định sống chung với dịch bệnh, ổn định sản xuất dài lâu cho doanh nghiệp”, ông Trực thông tin.

Chuyên gia cho rằng việc xây dựng nhà ở cho công nhân là một trong những giải pháp thu hút lao động, cũng như đảm bảo sản xuất an toàn. Ảnh: Chí Hùng.

Cùng quan điểm về việc xây dựng nhà ở cho công nhân, ông Trần Việt Anh, Giám đốc dự án Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tân Tạo, cho biết lực lượng lao động tập trung sống ở các xóm trọ. Thời điểm giãn cách, hầu hết lao động ở tại nơi trọ toàn thời gian khiến không gian sống chật hẹp, tạm bợ, không thể đảm bảo 5K nên đã phát sinh nhiều F0, F1.

Ông Việt Anh lý giải việc sống trong môi trường như vậy khiến nhiều người lao động muốn về quê, nhất là nhóm lao động tự do. Nhóm này có đến 70%-80% là ở các tỉnh, thành phố khác. Họ không được mua bảo hiểm, tiếp cận công nghệ chậm, việc tiêm vaccine cũng đi sau các nhóm lao động khác.

Từ thực trạng các nơi ở không bảo đảm của người lao động hiện nay, ông cho rằng để bảo đảm nguồn lực lao động trong tương lai, TP cần quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các trung tâm y tế phục vụ người lao động tự do.

NGƯỜI DÂN MUỐN VỀ QUÊ, SÀI GÒN CẦN LÀM GÌ ? 

LÊ NGỌC LUÂN/ TD 1-10-2021

Người dân các tỉnh miền Tây chờ được về quê sau khi TP.HCM công bố thực hiện nới lỏng giãn cách từ 1/10/2021. Ảnh: Zing

Tôi ước đêm qua, sẽ có một lãnh đạo cấp cao của Thành phố đến đây chia sẻ với bà con nghèo, túng quẫn trong cơn bi đát nhưng không thấy đâu, chỉ thấy các anh cảnh sát cơ động và lực lượng chức năng dựng hàng rào thép gai để yêu cầu dân quay trở lại. Nhìn cảnh tượng người dân trong đó có các trẻ em nằm la liệt giữa đường không khác gì cảnh chạy giặc trong thời chiến. Nhưng nó đã, đang hiện hữu ngay thời bình. Quá đau xót!

Tôi viết dòng này coi như là sự chia sẻ và lời góp ý chân thành của một người con xem Sài Gòn là quê hương thứ hai của mình:

– Nếu người dân nào muốn về hãy tạo điều kiện cho về nhưng yêu cầu đăng ký danh sách (thời gian xuất phát, ghi rõ địa chỉ ở quê, cam kết cách ly ngay tại nhà 14 ngày khi đến…) sau đó lập tức kết nối với lãnh đạo địa phương để kết hợp tiếp nhận. Phía địa phương cần quán triệt, giám sát khi dân cách ly tại nhà. Nếu người nào vi phạm xử lý nghiêm theo quy định! Tôi tin rằng khi có phương pháp chặt chẽ, khoa học và nhân ái thì mọi thứ đều ổn.

– Việc tuyên truyền, vận động ở lại bây giờ đối với dân ít nhiều không hiệu quả bởi họ đã đồng lòng giam mình trong nhà 4 tháng, đó là một “cực hình” về tinh thần, có người mất việc làm, mất kế sinh nhai. Khổ lắm! Nhưng vấn đề quan trọng nhất, trải qua 4 tháng số ca nhiễm vẫn đều đều 4.000 – 5.000 ca/ngày. Sự bất an và lo lắng là điều hiển nhiên. Cần hiểu để cảm thông và thương dân.

– Xin đừng lấy lý do cam kết hỗ trợ lương thực hay trợ cấp 1,5 triệu/tháng. Điều đó bây giờ không có ý nghĩa. Một người mẹ hôm qua hét lên trong clip khi báo chí đưa tin “con tôi có khi phải nhịn đói… rồi bật khóc” để thấy được nỗi đau của dân!

P/S: Cảm ơn, tôi chúc tất cả mọi người bình an và mạnh khoẻ. Hãy trân trọng những giây phút có được trong cuộc đời này và hãy đối xử tốt nhất với nhau khi còn có thể

KẾ SÁCH TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI ĐỂ BỨT PHÁ THỜI BÌNH THƯỜNG MỚI
PHẠM MẠNH HÙNG/TVN 29-9-2021

Đất nước đang bước vào “thời bình thường mới” với mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Hai đầu tàu là TP.HCM và Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành đang rục rịch mở trở lại. Làm thế nào để phục hồi, bứt phá?

Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi

Sự xuất hiện của biến thể Delta khiến nhiều nước buộc phải thay đổi căn bản, thậm chí đảo ngược chiến lược ứng phó với Covid-19, chuyển từ chiến lược không ca nhiễm sang sống chung với virus. Hòa cùng xu thế đó, đến nay, Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch và đang tiến bước vào thời bình thường mới với nhiều kinh nghiệm đắt giá, không ít các điểm sáng về phòng, chống dịch.

Kế sách trọng dụng nhân tài để phục hồi, bứt phá thời 'bình thường mới’
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh thăm hỏi người dân gặp khó khăn do dịch bệnh tại TP Long Khánh ngày 23/9. Ảnh: Báo Đồng Nai

Thực tế gần 2 năm qua cho thấy địa phương nào mà lãnh đạo chủ động, vào cuộc quyết liệt, sát sao, kịp thời với các biện pháp chống dịch triệt để, dứt khoát, coi trọng chuyên môn thì địa phương đó đạt kết quả ấn tượng cả trong chống dịch cũng như trong duy trì và phát triển kinh tế. Giờ đây, những điểm sáng này đang vững tin tiến bước vào “thời bình thường mới”.

Tuy vậy, chúng ta cũng đối mặt một loạt khó khăn, thách thức không dễ vượt qua. Nền kinh tế bị tổn thương không hề nhẹ, sức khỏe nhiều doanh nghiệp suy giảm nghiêm trọng, có tới hơn 85 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 8 tháng qua. Thị trường, logistics, nhân lực đều bị xáo trộn lớn, không ít chuỗi cung ứng, sản xuất nội địa và quốc tế bị đứt gãy… Sinh kế của số đông dân chúng bị ảnh hưởng, nhiều người lao động bị mất hay giảm thu nhập…

Ngân sách eo hẹp trong khi mức thu thuế giảm. Hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, dịch Covid-19 mới chỉ tạm ổn, nguy cơ tái bùng phát bất cứ lúc nào và khả năng có thể phải giãn cách, thậm chí phong tỏa trên diện rộng vẫn là một phương án để ngỏ như là biện pháp cuối cùng.

Có 2 “trọng bệnh” dễ thấy hơn cả. Thứ nhất, bệnh quan liêu, chống dịch bằng văn bản, dịch bùng phát với số ca nhiễm tăng vọt mỗi ngày nhưng việc chống dịch vẫn hời hợt, thực hiện giãn cách không triệt để, hậu quả là thời gian giãn cách dài nhưng dịch vẫn bùng phát, tổn thất và hệ lụy lớn không thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Vấn đề đáng lo ngại hơn là năng lực cán bộ của bộ máy chính quyền ở không ít nơi còn bất cập. Đợt dịch bệnh thứ 4 này cho thấy những yếu kém của đội ngũ cán bộ, từ cấp phường cho tới quan chức đứng đầu tỉnh, thành. Nếu không có chuyển biến rõ rệt thì khó có thể đảm đương nhiệm vụ kép khó khăn gấp bội trong thời bình thường mới.

Có những quan chức đứng đầu tỉnh chống dịch lơ mơ, không nắm rõ tình hình dịch bệnh tỉnh nhà khiến cho tỉnh đang là vùng xanh rờn nhanh chóng chuyển sang đỏ rực. Mới có một nhiệm vụ chống dịch còn không làm đến nơi đến chốn thì liệu họ có thể đảm đương tốt nhiệm vụ khó khăn gấp bội trong thời bình thường mới khi vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế?

Hai là, dập dịch “dập” luôn cả doanh nghiệp, sinh kế của người dân, kiểu ngăn sông cấm chợ, gây khó khăn không đáng có cho lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành, sự máy móc, đủ loại giấy tờ, thủ tục nhiêu khê thay đổi theo ngày, lạm dụng giãn cách, một xã có ca nhiễm giãn cách cả huyện, hy sinh thực hiện giãn cách nhưng không có mục tiêu cụ thể...

Sàng lọc, sắp xếp lại cán bộ không làm tròn vai 

Cần gấp rút thực hiện sát hạch, sắp xếp lại ngay cán bộ không làm tròn vai trong bộ máy chính quyền các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành bởi đây là mắt xích rất quan trọng. Bởi dù chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng có đúng đắn đến đâu chăng nữa, nhưng chủ tịch tỉnh, thành lơ mơ thì cũng khó đi vào đời sống, địa phương khó đạt kết quả tốt trong thực hiện nhiệm vụ kép.

Cách làm cụ thể như sau: Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành ký bản thỏa thuận với Thủ tướng, thống nhất về các mục tiêu, kết quả cụ thể, thang đo và cách đo kết quả cũng như kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ kép trong thời bình thường mới. 

Ở bước 1, chủ tịch tỉnh, thành xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể gắn với nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của tỉnh, thành mình, xác định các mục tiêu, lập kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu.

Bước 2, ký bản thỏa thuận với Thủ tướng, thống nhất các mục tiêu, kết quả cụ thể, thang đo và cách đo mục tiêu, kết quả cũng như kế hoạch cụ thể để hoàn thành. Các mục tiêu cần được lượng hóa, cụ thể hóa với các điều khoản cụ thể có thể đo lường được…

Ở bước 3, đánh giá giữa kỳ, kiểm tra tiến độ, kết quả đã đạt được so với kế hoạch và mục tiêu đề ra, thảo luận về kế hoạch tăng cường để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã được thiết lập.

Bước 4, đánh giá kết quả, mức độ đạt mục tiêu và ra quyết định đánh giá. 

Thành lập hội đồng chuyên môn giúp Thủ tướng trong việc đánh giá. Hội đồng gồm các đại biểu Quốc hội có chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng (tổng cộng khoảng 30 người, chia thành các tiểu ban). Hội đồng do Thủ tướng ra quyết định thành lập.

Kết quả đánh giá dùng làm căn cứ để phân bổ thêm ngân sách và để cất nhắc hay cho thôi chức vụ đối với chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành. Những tỉnh, thành đạt kết quả xuất sắc, thứ hạng cao, vượt mức chỉ tiêu thì được cấp thêm ngân sách hay tăng tỷ lệ ngân sách được giữ lại. Những tỉnh, thành có kết quả kém, không đạt chỉ tiêu tối thiểu theo quy định thì không được cấp thêm ngân sách hay giảm tỷ lệ ngân sách được giữ lại.

Chủ tịch tỉnh, thành đạt kết quả, thứ hạng cao, vượt mức chỉ tiêu thì được ban thưởng, cất nhắc lên chức vụ cao hơn và ngược lại, cho thôi chức vụ đối với người có kết quả kém, không đạt được chỉ tiêu tối thiểu.

Việc đánh giá diễn ra vào cuối năm nhưng trong trường hợp tỉnh, thành nào có kết quả bết bát thì tiến hành thay ngay chủ tịch tỉnh, thành đó không đợi đến cuối năm.

Công khai kết quả trên website của Chính phủ, các phương tiện thông tin đại chúng và trên màn hình phẳng khổ lớn đặt tại quảng trường trung tâm của các tỉnh, thành để cán bộ, nhân dân tiện theo dõi, giám sát. Biểu thị kết quả bằng đồ thị với màu sắc bắt mắt, trực quan sinh động để cán bộ, nhân dân có thể thấy rõ hiện trạng của mỗi tỉnh, thành đang phát triển hay thụt lùi trên mỗi tiêu chí.

Như vậy, chủ tịch tỉnh, thành cùng đội ngũ cán bộ sẽ phải nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ kép trong thời bình thường mới. Những chủ tịch tài giỏi sẽ thấy phấn khích và biết rõ được điểm mạnh cần phát huy, điểm yếu cần khắc phục. Những người không đủ sức, đủ tài gánh vác nhiệm vụ kép sẽ phải tự đứng sang một bên, xin rút khỏi vị trí trong danh dự, nhường chỗ cho người tài giỏi.

Tuyển chọn nhân tài lãnh đạo đất nước 

Tranh cử là cơ chế phù hợp để tuyển chọn được nhân tài thật, đủ năng lực đảm đương sứ mệnh lãnh đạo đất nước ta nhanh chóng phục hồi, bứt phá trong thời bình thường mới.

Cách làm như sau: Tất cả đảng viên tài đức đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định đều có thể tham gia tranh cử để đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong Đảng, bộ máy công quyền. 

Bước 1: Các ứng viên cần vượt qua các hội đồng tuyển chọn để tham gia tranh cử trong Đảng. Bước 2, ứng viên tranh cử để chọn ra những người xuất sắc nhất. Bước 3, các ứng viên xuất sắc nhất tranh cử với nhau để nhân dân lựa chọn. Trước hết, thực hiện cơ chế tranh cử để tuyển chọn các ủy viên Trung ương vì đây là cánh cửa then chốt để gia nhập đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đội ngũ lãnh đạo Đảng, đất nước, những người vạch đường chỉ lối, quyết định vận mệnh đất nước. 

Kế sách trọng dụng nhân tài để phục hồi, bứt phá thời 'bình thường mới’
Giám đốc Công an tỉnh An Giang Đinh Văn Nơi phát quà khi đón công dân tại bến xe Bình Dương về quê ngày 26/9. Ảnh: Nghiêm Túc

Cơ chế tranh cử giúp sàng lọc nhân sự yếu kém vì những người ra tranh cử đã tự sàng lọc, chỉ ai có năng lực, thực tài và đời tư lành mạnh mới dám ra tranh cử và do vậy, ngăn chặn được những kẻ giả tài, cơ hội, hám danh lợi chui vào đội ngũ lãnh đạo. Cơ chế này khắc phục được chủ nghĩa thân hữu và nạn tiêu cực trong công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, đồng thời giúp những lãnh đạo thanh liêm có thẩm quyền bổ nhiệm thoát được thế khó xử khi bị gửi gắm, nhờ vả.

Để tạo nguồn nhân tài thật, Đảng cần chủ động tìm đến những người tài giỏi ở các lĩnh vực khác nhau. Họ phải là những người được đánh giá là thông minh, năng lực lãnh đạo vượt trội, kỹ năng quản lý xuất chúng, đạt nhiều thành tựu trên thực tế và đã được xã hội thừa nhận. Cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn chính khách tài năng mở, cho phép người dân trong nước có thể đăng ký tham gia nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Chú trọng nhân tài chuyên môn

Thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế trong thời bình thường mới là nhiệm vụ phức tạp, ảnh hưởng tới sinh mệnh, sinh kế của hàng triệu người, sự tồn vong của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Bởi vậy, các quyết định, chính sách lớn cần dựa vào chuyên môn và các bằng chứng khoa học, nhất là chuyên môn về dịch tễ, y tế…

Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cần lập các đội đặc nhiệm tinh nhuệ, quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học tài năng đã được giới chuyên môn, cộng đồng khoa học thừa nhận và xã hội biết đến. Trước hết, cần lập Đội đặc nhiệm về đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh; Đội đặc nhiệm phục hồi, phát triển kinh tế… Các đội đặc nhiệm thực hiện việc thiết kế khung khổ đối với những vấn đề lớn cấp thiết như xây dựng Bộ quy tắc chung đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh; Quy tắc chung đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, di chuyển lao động thông suốt cả nước.

Việc thiết kế cơ chế, chính sách cần chú ý đảm bảo doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi trên thực tế. Ví dụ, đối với việc cấp phép xây dựng, thay vì chỉ quy định kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét để cấp giấy phép trong 20 ngày, cần có thêm quy định hết thời hạn này mà cơ quan không cấp phép cũng không có thông báo lý do bằng văn bản thì người xin cấp phép được khởi công xây dựng và gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp phép; cơ quan này chịu trách nhiệm như đã cấp giấy phép. Như vậy, cơ quan sẽ tích cực hơn trong việc cấp phép đúng hạn cho doanh nghiệp, người dân…   

Tóm lại, nhiệm vụ kép trong thời bình thường mới rất hóc búa, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và do vậy, cần có sự đổi mới đột phá để trọng dụng nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ trị tài năng, tinh nhuệ với tinh thần đổi mới sáng tạo, thực tài, để biến nguy thành cơ, đưa đất nước nhanh chóng phục hồi, bứt phá, phát triển theo quỹ đạo đổi mới sáng tạo.

Phạm Mạnh Hùng 

·         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét