Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

20211023. CHUYỆN ÔNG LÊ MINH TẤN-GĐ SỞ LĐTBXH TPHCM

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ÔNG LÊ MINH TẤN XIN LỖI 

VỀ PHÁT NGÔN 'CHƯA  AI THIẾU ĂN, THIẾU MẶC'

PHONG THUẬN/ VNN 20-10-2021

Chiều ngày 20/10, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Minh Tấn đã có lời xin lỗi người dân TP.HCM về trong phát biểu có ý “đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ".

Trước đó, chiều ngày 18/10, một số cơ quan báo chí đăng tin, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 3, HĐND TP, ông Lê Minh Tấn đánh giá gần 5 tháng qua, dịch bệnh trên địa bàn TP rất ác liệt, nhưng đến giờ này "chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ".
Ông Lê Minh Tấn xin lỗi về phát ngôn 'chưa ai thiếu ăn, thiếu mặc'
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM tại buổi họp báo nhanh chiều 19/10

Đến trưa ngày 19/10, sau khi kết thúc kỳ họp HĐND, trả lời báo chí, ông Lê Minh Tấn lại cho rằng trong buổi thảo luận tại tổ chiều 18/10, báo chí dẫn không chính xác lời ông.

Cụ thể, ông Tấn cho biết đã phát biểu là “không để ai bị thiếu đói, thiếu mặc và khốn khổ” chứ không phải là “chưa có ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ”.

Và đến chiều nay (20/10), ông Lê Minh Tấn cho biết, đã soát xét lại bản thân và gửi đến cơ quan báo chí lời xin lỗi người dân về phát biểu của của mình.

Trong lời xin lỗi của mình, ông Tấn nói: "Thưa bà con, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và diễn ra phức tạp trong thời gian dài đã tác động rất lớn đến kinh tế-xã hội và mọi mặt đời sống của người dân trên địa bàn TPHCM. Tôi xin được gửi lời chia sẻ với những đau thương, mất mát quá lớn của người dân, xin chia sẻ với những nỗi khó khăn vất vả mà bà con đã phải gánh chịu.

Trước những khó khăn vất vả của người dân, tôi là thành viên Tiểu ban An sinh xã hội Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, đã phối hợp cùng các ngành tham mưu các chính sách chăm lo, hỗ trợ người dân. Tôi hiểu rằng mặc dù các cấp chính quyền đã nỗ lực triển khai các chính sách hỗ trợ, mặc dù cộng đồng đã chung tay tương trợ, nhưng trên thực tế vẫn còn một bộ phận người dân có hoàn cảnh khó khăn, rơi vào cảnh khốn khổ.

Bởi vì với một đô thị đông dân như TP.HCM và thời gian dịch bệnh phức tạp kéo dài, khó khăn của người dân gia tăng sau nhiều tháng giãn cách làm sao mà tránh được những thiếu sót.

Thưa bà con, trong buổi thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP.HCM khóa X vào chiều 18/10, tôi có diễn đạt là “… chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ”.

Tôi đã soát xét lại bản thân mình và hiểu rằng mình phát biểu như thế là chưa gãy gọn, chưa thể hiện rõ những khó khăn vất vả, những lo toan về cuộc sống, những lo lắng về mối nguy hiểm trước nguy cơ của dịch bệnh đang ảnh hưởng trực tiếp đến mọi gia đình, mọi người dân trên địa bàn TP.HCM.

Đây là sơ suất của cá nhân tôi. Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới người dân TP.HCM về sơ suất này. Tôi rất mong nhận được sự thông cảm, lượng thứ của người dân. Với tinh thần cầu thị lắng nghe, tôi mong tiếp tục nhận được sự góp ý của người dân trong thời gian tới".

Trong lời xin lỗi, ông Tấn cũng nói, với trách nhiệm của mình, ông sẽ cố gắng tham mưu, làm tốt công tác chăm lo cho người dân, giúp người dân vơi bớt phần nào khó khăn. Cùng với việc triển khai hỗ trợ giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt thì về giải pháp lâu dài, ông sẽ nỗ lực thúc đẩy các hoạt động giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động. Đây chính là an sinh bền vững và giúp người dân có cuộc sống ổn định lâu dài.

Cuối đoạn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn nói, "một lần nữa, tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới người dân thành phố". 

Phong Thuận

'NGU DỐT, VÔ CẢM, TRÍ TRÁ VÀ HÈN HẠ'

LƯU TRỌNG VĂN/ TD 20-10-2021


Đó là bài viết của nhà báo Nguyễn Đại Dương, cây viết uy tín của báo Tiền Phong trên facebook của mình về câu nói:

“Chưa có ai thiếu đói, khốn khổ vì dịch” của Lê Minh Tấn-Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tại cuộc họp HĐND TP.HCM, ngày 18/10.

Nguyễn Đại Dương viết: “Câu nói đã làm dậy sóng mạng xã hội hai ngày qua, bởi thực tế có hàng triệu người dân khốn đốn vì dịch và phải lũ lượt rời bỏ thành phố để kéo nhau về quê hương, bất chấp mọi hiểm nguy.

Trước sự phản ứng dữ dội của dư luận, ngày 19/10, ông Tấn phủ nhận điều mình đã nói. Ông còn đỗ lỗi do anh em báo chí nghe không rõ nên mới đăng như vậy.

Ngay lập tức, các nhà báo đã trưng ra băng ghi âm, ghi hình để xác thực điều ông đã nói. Nguyên văn lời ông Tấn nói: “Đánh giá trong gần 5 tháng qua, dich ở TPHCM rất là ác liệt, kinh hoàng, nhưng đến giờ này chưa ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ”.

Không những thế, ông Tấn còn nhắc đi nhắc lại cụm từ “…bảo đảm bà con thành phố không ai thiếu ăn, thiếu mặc, không ai khốn khổ”, “…không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ”.

Điều đó cho thấy, ở ông Tấn đã hội đủ các “phẩm chất” của một kẻ ngu dốt, vô cảm, trí trá và hèn hạ.

1. NGU DỐT: Chỉ có kẻ tột cùng ngu dốt mới không nhận ra được sự thật thiếu đói, khốn đốn của hàng triệu người dân trong suốt nhiều tháng qua.

2. VÔ CẢM: Trước những đau thương, mất mát của hàng triệu phận người nhưng ông Tấn không hề cảm thấy xót xa, thương cảm mà vẫn thản nhiên cho rằng “Chưa có ai thiếu đói, khốn khổ vì dịch”. Chỉ có kẻ máu lạnh mới thốt ra những lời như thế. Nếu không khốn khổ, thiếu đói thì tại sao người dân phải lũ lượt tháo chạy khỏi thành phố như thời gian qua?

3. TRÍ TRÁ: Không những không thừa nhận điều mình nói, ông còn chối quanh, thậm chí đổ lỗi cho người khác, thì đó đích thị là kẻ trí trá.

4. HÈN HẠ: Vì không dám thừa nhận điều mình nói nên ông là kẻ hèn.”

Cuối bài viết vạch mặt ông Tấn nhà báo Nguyễn Đại Dương viết:

“Tôi đang đắn đo xem có nên post đoạn băng ghi hình ông Tấn phát biểu với âm thanh và hình ảnh “nét căng” hay không.”

Tôi nghĩ, rất nên công bố băng ghi hình này để bí thư Nên và chủ tịch Mãi, hai người đang cố gắng tạo niềm tin của dân đối với lãnh đạo cao nhất của TP, phải có ngay kỷ luật con sâu Lê Minh Tấn đang phá huỷ hình ảnh lãnh đạo TP, để an dân.

Báo Lao Động, nơi công bố phát biểu của ông Tấn, có thể đề nghị cơ quan chức năng điều tra tội vu khống báo chí của ông Tấn, truy tố để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Ông Tấn còn chút thể diện nào đó thì xin lỗi dân SG và xin từ chức ngay. May ra với hành động này ông mới có được sự tha thứ của bà con SG.

Lưu Trọng Văn

ÔNG TẤN NÊN XIN LỖI !

LÊ HUYỀN ÁI MỸ/ TD 19-10-2021

Trước lời phủ nhận vào trưa nay, “tôi không nói chưa có ai bị khốn khổ, khó khăn mà là không để ai bị thiếu đói, thiếu mặc, khốn khổ”, được rải khắp các tờ báo thành phố; chiều tối nay, báo Lao động công bố bản ghi âm, minh định một lần nữa phát biểu của “chính chủ” mà tờ báo đã tường thuật ban đầu.

Khổ, không những một mà hai lần, giám đốc sở Lao động – Thương binh – Xã hội khẳng định “đến giờ này/ đảm bảo bà con thành phố/chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ…”.

Tôi có mấy suy nghĩ sau:

1 – Đặt trong văn cảnh, sau câu khẳng định “chưa ai thiếu ăn thiếu mặc” là “thông điệp” ngợi ca, tán tụng nhau: “Chúng ta đứng từ góc độ như thế mới thấy được sự quan tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở ngành, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, mạnh thường quân”.

Dĩ nhiên, trong đó có Nghị quyết 09 của HĐND TP – “sớm nhất so với Chính phủ” – cú ghi điểm với bà chủ tịch HĐND TP đang điều hành phiên thảo luận.

Dĩ nhiên, trong sở ngành hẳn là có sở ông Tấn.

2 – Có lẽ vì nghĩ đây là phiên thảo luận tổ, không phải thảo luận hội trường nên ông Tấn đã hơi khinh suất chăng khi nghĩ rằng phóng viên chỉ đi tin, không đến mức tường thuật, lại còn rút “quote” cho ông. Trước làn sóng phản ứng của dư luận, ông đành “nhắm mắt” phủ nhận, chắc cũng liều mình “biết đâu không lưu bằng cớ”. Hông dè… cú này anh Hai Củ Chi sập bẫy của chính ảnh!

3 – Một người như ông Tấn, càng giữ ổng lâu trên chiếc ghế ấy càng kỳ quặc cho tổ chức, càng “tội” cho ổng, khổ cho dân. Bình thường, không dịch giã gì, đã đủ thứ chuyện, mà gần đây nhất là cú sai phạm tày trời của cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM (trực thuộc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TP.HCM). Ông Tấn vẫn bình chân.

Vào thời dịch, không phủ nhận Sở này cùng với Mặt trận Tổ quốc TP đã nỗ lực thực hiện các gói an sinh. Thiếu sót, chậm trễ là có. Nhưng vừa đi “xin”, về đi “chia”, trong một “hệ thống chính trị” mà chỉ khi lâm cảnh dịch bệnh mới thấy “kháng thể” rất lỏng lẻo, yếu nhược thì những bất cập là điều hiểu được, thấy trước được.

Song, với tất cả những gì đã xảy ra lồ lộ trước mắt, mà người làm công tác lao động-xã hội lại càng mục sở thị thì hai lần khẳng định “không ai thiếu đói” là một sự phủ nhận bất chấp. Nó không còn thuộc về kỹ năng nhận biết – để đổ lỗi “nhớ nhớ quên quên”, kỹ năng diễn đạt – nói nhịu mà là đạo đức làm người -cán bộ: sự trung thực, nói đúng sự thật. Ông Tấn đã đánh mất.

Kỹ năng thì còn do học, không học khóa này thì học khóa sau. Còn nói lời thật, sống trung thực thì phải học và hành suốt cả đời mà người thầy vĩ đại nhất lại chính là… mình!

Giờ thì có lẽ, tốt nhất là một lời xin lỗi từ ông Tấn vì đã nói không đúng sự thật. Xin lỗi cử tri, xin lỗi đồng bào thành phố, xin lỗi cả “hệ thống chính trị” – nơi mà hai người đứng đầu Đảng bộ và chính quyền thành phố đều đã nhận lỗi trước nhân dân, xin nhân dân lượng thứ trong cuộc chiến phòng chống dịch- thì lý gì, một người gây ảnh hưởng xấu lên tổ chức lại không nhận lấy trách nhiệm về mình!

Lê Huyền Ái Mỹ

CHÂN DUNG MỘT QUAN CHỨC ĐIỂN HÌNH

MẠC VĂN TRANG/ TD 21-10-2021

Lâu nay Viện Tâm lý học VN có một một phương pháp nghiên cứu tâm lý nhân cách – xã hội khá thú vị là, minh hoạ một, hai “chân dung tâm lý điển hình” của nhóm khách thể được nghiên cứu.

Trường hợp Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn có thể coi là một điển hình tính cách của loại quan chức, như nhà báo Nguyễn Đại Dương khái quát: “Điều đó cho thấy, ở ông Tấn đã hội đủ các “phẩm chất” của một kẻ ngu dốt, vô cảm, trí trá và hèn hạ”…

– NGU DỐT, VÔ CẢM vì đại dịch làm TP.HCM tan hoang, chết hơn 1,6 vạn người; bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người đói ăn, thiếu thuốc; hàng triệu người khốn khổ chạy tán loạn khỏi thành phố… vậy mà ông là Giám đốc phụ trách vấn đề cứu trợ, an dân lại nói trước toàn dân: “chưa có ai thiếu ăn, khốn khổ vì dịch”… Tột cùng ngu dốt, vô cảm, vô lương tâm.

– TRÍ TRÁ, HÈN HẠ vì: Ngày 18/10 trước HĐND TP.HCM ông nói: “chưa có ai thiếu ăn, khốn khổ vì dịch”…

Ngày 19/10 ông nói: “Tôi không nói, chưa có ai khó khăn, khốn khổ”…

Ngày 20/10 ông năn nỉ: “Đây là sơ suất của cá nhân tôi. Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới người dân TP.HCM về sơ suất này! Tôi rất mong nhận được sự thông cảm, lượng thứ của người dân”…

– Đáng lẽ còn TRÁO TRỞ, TÀN ÁC nữa. Vì mấy báo đưa tin là báo lề Đảng, họ trưng ra băng ghi âm, ghi hình, nên ông ta cứng họng, phải nhận lỗi.

Nếu như mấy FBker đưa tin, ông ta sẽ báo công an lập tức truy bắt vì “tội”: “Đưa tin bịa đặt, xuyên tạc nhằm bôi nhọ cán bộ gây chia rẽ nội bộ”… “Công an đã thu giữ được những băng hình do các đối tượng dàn dựng, cắt ghép, tàng trữ, phát tán nhằm chống phá…” Đúng như kiểu tỉnh An Giang đã tác nghiệp.

Rồi sau một đêm “dùng các biện pháp nghiệp vụ, các đối tượng A, B đã thành khẩn khai báo, nhận tội”… Còn “đối tượng C đã tự ngã đập đầu vào tường tử vong”…

Những “kịch bản” như vậy đã diễn ra thành quy trình ứng xử khá phổ biến trong thể chế này lâu nay rồi.

Thật nguy hiểm cho xã hội khi những chuyện nói trên diễn ra như một “quy luật”: NGU DỐT+ THAM.

DẪN ĐẾN SAI LẦM => TRỐN TỘI => VU KHỐNG => TỘI ÁC…

CON ĐƯỜNG HỌC VẤN CỦA GIÁM ĐỐC

 SỞ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH &XÃ HỘI TPHCM CÓ KỲ LẠ ?

VIỆT DŨNG/ GDVN 22-10-2021

GDVN- Trong giai đoạn năm 1984 - 2003, ông Lê Minh Tấn giữ nhiều chức vụ quan trọng ở xã Thái Mỹ, ở huyện Củ Chi, nhưng vẫn chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhiều ngày vừa qua, trên các diễn đàn và mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin băn khoăn liên quan đến con đường học vấn của ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Có bằng trung cấp trước khi có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông

Theo thông tin này, ông Lê Minh Tấn sinh năm 1963. Chỉ mới 21 tuổi (năm 1984) thì ông Tấn đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch, rồi chỉ trong vòng 3 năm sau, ông Tấn đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi.

Điều đáng lưu ý, lúc này ông Tấn chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Phải đến ngày 9/1/2003, ông Tấn mới được cấp bằng này (hệ bổ túc, khóa thi ngày 29/5/2002, loại trung bình). Lúc này ông Lê Minh Tấn đã 40 tuổi.

Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hệ bổ túc của ông Tấn được cấp năm 2003 (ảnh: CTV)

Ông Tấn lại học Trung cấp Quản lý Nhà nước, do Trường Cán Bộ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 1993-1995, và học Cao cấp Chính trị do Phân Viện Chính trị Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 2000-2003. Tất cả đều học theo diện tại chức.

Từ năm 2002-2006, ông Lê Minh Tấn học Cử nhân Quản lý Nhà nước, hệ tại chức tại Học viện Hành chính Quốc gia. Rồi đến năm 2013-2015, ông Tấn học Thạc sĩ chính quy, chuyên ngành Xây dựng Đảng – Quản lý Nhà nước.

Theo thông tin mà phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có được, sau khi giữ chức Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi được 4 tháng (từ tháng 11/2002 đến tháng 2/2003), thì tháng 3/2003, ông Tấn được “cất nhắc” lên vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi. Lúc này, ông Tấn mới nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông được 2 tháng, và đang học Cử nhân Quản lý Nhà nước.

Bằng Trung cấp Quản lý Nhà nước của ông Tấn được cấp năm 1995 (Ảnh: CTV)

Trước khi giữ chức Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2016), ông Lê Minh Tấn cũng từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi.

Con đường học vấn của ông Tấn được chấp tại thời điểm đó

Ngày 21/10/2021, với mong muốn có được thông tin khách quan từ người trong cuộc, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã rất nhiều lần liên hệ qua điện thoại, cũng như đã nhắn tin gửi ông Lê Minh Tấn có chia sẻ để cho độc giả hiểu rõ các vấn đề liên quan.

Tuy nhiên, tất cả những lời đề nghị này của phóng viên đều không được ông Lê Minh Tấn nghe máy hay phản hồi lại.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Phúc Huy Tùng – Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Việc đến năm 40 tuổi ông Tấn mới có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hệ bổ túc là hoàn toàn bình thường.

Theo ông Tùng, vào thời điểm ngày xưa, học trung cấp chuyên nghiệp, có bằng trung cấp chuyên nghiệp trước khi có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là không có gì lạ.

Còn việc học Trung cấp Quản lý Nhà nước trước khi có bằng trung học phổ thông, thì ông Nguyễn Phúc Huy Tùng nói có thể do quy chế bên Quản lý Nhà nước vào thời kỳ đó.

Ông Nguyễn Minh Hoàng – nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giải thích: Thường thì học Trung cấp Quản lý Nhà nước là do cơ quan đang công tác cử đi.

Ví dụ như đang quản lý ở các cơ quan trường học, giáo dục thì sẽ học Trung cấp Quản lý Giáo dục, còn không thì học Trung cấp Quản lý Nhà nước. Thời kỳ từ năm 1997 trở về trước, chỉ cần tốt nghiệp lớp 9 là đủ để đi học trung cấp rồi, vì hồi xưa có hệ học 9/10.

Về sau này thì mới yêu cầu tốt nghiệp trung học phổ thông, chứ thời điểm hồi xưa thì chưa cần.

Đối với giáo viên thời kỳ đó thì chỉ cần học hệ 9+3, học trung học sư phạm là được. Về sau này đi làm rồi mới cần bổ sung bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Thông thường có bằng trung cấp là tương đương với hoàn thành lớp 11.

Với cao cấp chính trị, thường áp dụng cho cán bộ thuộc diện quy hoạch, thời kỳ đó chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Hoàng, vào thời điểm năm 1997 trở về trước, xã hội còn rất nhiều khó khăn, mà nhất là địa phận huyện Củ Chi thì lúc đó tốt nghiệp lớp 9 thôi cũng đã được chấp nhận.

Việt Dũng

PHÁT BIỂU CỦA LÊ MINH TẤN CHỈ LÀ LOẠI 'BÌNH THƯỜNG CŨ'

TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 20-10-2021


Ông Lê Minh Tấn. (Ảnh: Minh Quân/laodong.vn)

Tờ Lao Động vừa công bố file ghi âm phát biểu của ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) TP.HCM, vào ngày 18/10/2021, tại Kỳ họp thứ ba của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM Khóa 10, đồng thời nhấn mạnh, chính ông Tấn tuyên bố, trong đợt dịch thứ tư vừa qua, tại TP.HCM… chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ (1).

Không rõ sau động tác này của tờ Lao Động, ông Tấn có nói thêm gì hay không (?), nếu có thì ông sẽ nói gì!..

Hôm 18/10/2021, tường thuật của tờ Lao Động về Kỳ họp thứ ba của HĐND TP.HCM Khóa 10, đã làm nhiều người nổi giận vì Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM – người thay mặt chính quyền TP.HCM giám sát, thực thi, đề nghị điều chỉnh chính sách an sinh xã hội ở thành phố này – khẳng định, trong nửa năm vừa qua, ở TP.HCM… chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ vì dịch (2).

Chỉ trích dữ dội đến mức, ngày hôm sau (19/10/2021), trước khi các đại biểu HĐND TP.HCM Khóa 10 tan hàng vì Kỳ họp thứ 3 kết thúc, ông Tấn vời báo chí tụ lại để thanh minh: Tôi không có nói chưa có ai bị khốn khổ, khó khăn, mà là không để ai bị thiếu đói, thiếu mặc và khốn khổ. Trách nhiệm của chúng tôi là phải lo cho bà con (3) Không may cho ông là phóng viên tờ Lao Động có… ghi âm!

***

Đây là lần thứ hai ông Tấn… nổi như cồn. Lần trước, cách nay năm năm, hồi trung tuần tháng 6/2016, công chúng đã từng nổi giận khi gần như toàn bộ lãnh đạo tất cả các bộ phận của tất cả các cấp thuộc ngành LĐTBXH ở TP.HCM đồng loạt nghỉ làm việc để đến nhà tân Giám đốc Sở LĐTBXH, tọa lạc tại xã Thái Mỹ, huyện Củ chi dự tiệc. Phần lớn sử dụng công xa.

Lúc đó, ông Tấn phân bua: Do mới về Sở được hai tháng, có rất nhiều chuyện muốn chia sẻ với anh em, lại nhân dịp… ‘giỗ ông già’, nên chỉ mời vài anh em thân thiết tới nhà để tâm sự vui vẻ nhưng nhiều anh em muốn đến, họ tự tới thì đâu có từ chối được… Song một cư dân lớn tuổi sống gần nhà ông Tấn, khẳng định với báo giới: Gia đình ông Tấn chỉ có một… đám giỗ cha vào tháng 9 hàng năm (4)!

Vào thời điểm ấy, trước sự phẫn nộ của công chúng, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo cho lực lượng Thanh tra của thành phố kiểm tra ngay việc dùng hàng loạt công xa đi ăn giỗ trong giờ làm việc tại tư gia của ông Tấn, ba ngày sau phải đề xuất hướng xử lý cho Thường trực UBND TP.HCM (5)… Kết quả, ông Tấn vẫn tại vị, thậm chí năm ngoái, ông được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM (Thành ủy) nhiệm kỳ 2020 – 2025!

Cũng cần nói thêm, sau khi ông Tấn khẳng định, trong đợt dịch COVID-19 thứ tư, ở TP.HCM… chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổdân chúng đã nêu ra hàng loạt thắc mắc về chuyện tại sao mãi đến năm 2002 ông Tấn mới tốt nghiệp Trung học Phổ thông Hệ Bổ túc mà trước đó hàng chục năm ông đã được chọn đế gửi đi học… Quản lý Nhà nước, rồi Cao cấp Chính trị (6)…

Những thắc mắc này dẫu hữu lý nhưng hoàn toàn… không phù hợp với… tư duy và kiểu hoạt động vốn… bình thường của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam. Trước nay, học vấn vẫn thường… không liên quan đến… lý luận chính trị và… quản lý nhà nước. Muốn tham gia… quản lý nhà nước, phải có… trình độ lý luận chính trị mà… trình độ lý luận chính trị không đặt trên nền tảng học vấn, khả năng nhận thức, hành xử…

Đó là lý do, ông Tấn – người hiện có học vị… Thạc sĩ về… Xây dựng đảng và Quản lý nhà nước mới hồn nhiên tuyên bố rằng trong đợt dịch COVID-19 thứ tư, ở TP.HCM… chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổsau đó lại khẳng định chắc nịch… không nói như vậy, bất kể lúc phát biểu là giữa hội trường và cử tọa không phải chỉ có dăm ba người.

So với cách nay năm năm, hồi trung tuần tháng 6/2016, tư duy và hành xử của ông rất nhất quán, để hóa giải áp lực dư luận về việc tổ chức ăn nhậu linh đình giữa giờ hành chính, ông có thể tổ chức giỗ cha… hai lần một năm!

Ông Tấn không phải là trường hợp cá biệt. Tháng trước, sau khi khuấy động dư luận vì báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội… ngân sách trống rỗng, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Tài chính cũng bảo rằng ông… không nói như vậy! Cho rằng chính phủ hết tiền là hiểu sai vấn đề, ý ông chỉ là ngân sách dự phòng đã cạn. Có thể cách nói của ông bị hiểu sai là vì ông nói… tiếng Nghệ An (7).

***

Nói lấy được hoặc nói đi rồi nói lại, lần sau ngược hẳn với lần trước và dẫu khó nghe, khó chấp nhận bởi sai sự thật nhưng vẫn phải coi những phát biểu ấy như… chân lý vốn đã là điều… bình thường ở Việt Nam.

Chẳng hạn, khoảng ba tháng sau khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát và lan rộng, giữa lúc dân chúng đang vật lộn với đủ thứ khó khăn, quằn quại trong nghịch cảnh, hôm 20/7/2021, khi Quốc hội khóa 15 họp phiên đầu tiên, ông Nguyễn Phú Trọng đăng đàn, khẳng định: …cả nước đang hân hoan, phấn khởi trước thành công rực rỡ của Đại hội Đảng 13 và kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 15 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 (8)…

Hay sau hậu quả nhãn tiền do các biện pháp chống dịch cực đoạn, dù từng thúc ép… “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, buộc… “mỗi cơ quan, đơn vị địa phương phải là một pháo đài, mỗi người dân phải là một chiến sĩ” (9), ông Phạm Minh Chính đột nhiên đổi giọng, chỉ trích thuộc cấp: Phong tỏa để làm gì thì không đặt ra, không có mục tiêu, không có lộ trình, không có biện pháp (10)…

Khi thượng cấp như thế thì thuộc cấp tất nhiên khó mà khác thế! Ông Tấn chỉ là trường hợp mới nhất của tình trạng… bình thường vốn đã rất cũ. Do dịch, chẳng riêng Việt Nam, thiên hạ đã cũng như đang phải làm quen với trạng thái… bình thường mới. Riêng tại Việt Nam, khi bình thường… cũ song hành với… bình thường mới, bất kể thảm trạng, vẫn có những viên chức dõng dạc khẳng định, kiểu như… chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc thì trong tương lai, khó mà tránh được chuyện phải đối diện với những… khốn khổ mới!

Chú thích

(1) https://laodong.vn/xa-hoi/ong-le-minh-tan-da-khang-dinh-chua-co-ai-thieu-an-thieu-mac-khon-kho-965239.ldo

(2) https://laodong.vn/xa-hoi/giam-doc-so-ldtbxh-tphcm-chua-co-ai-thieu-an-khon-kho-vi-dich-965030.ldo

(3) https://tuoitre.vn/giam-doc-so-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-tp-hcm-toi-khong-noi-chua-co-ai-bi-khon-kho-20211019131329139.htm

(4) https://vtc.vn/nhieu-can-bo-di-xe-bien-xanh-bo-viec-gio-hanh-chinh-du-tiec-nha-giam-doc-so-ar261385.html

(5) http://www.tapchigiaothong.vn/tphcm-yeu-cau-lam-ro-vu-xe-cong-di-an-gio-gio-hanh-chinh-d27184.html

(6) https://www.facebook.com/100004551390162/posts/1976415482520146/

(7) https://tienphong.vn/bo-truong-tai-chinh-ho-duc-phoc-ngan-sach-sao-ma-trong-rong-duoc-post1377145.tpo

(8) https://baodantoc.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-khai-mac-ky-hop-thu-nhat-quoc-hoi-khoa-xv-1626751773986.htm

(9) http://baochinhphu.vn/Thong-cao-bao-chi/Thu-tuong-Pham-Minh-Chinh-chu-tri-Hoi-nghi-truc-tuyen-ve-phong-chong-COVID19/442573.vgp

(10) https://www.youtube.com/watch?v=IEU3WtBnwXE

Blog VOA

'SỰ NGHIỆP' CỦA GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

XUÂN DƯƠNG/GDVN 23-10-2021

GDVN- Với rất nhiều vấn đề cả về bằng cấp, năng lực lãnh đạo và uy tín cán bộ, vì sao ông Lê Minh Tấn thăng tiến vùn vụt từ năm 2003 đến nay?

Chiều ngày 18/10/2021, phát biểu tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, ông Lê Minh Tấn cho rằng dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp gần 5 tháng qua ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc và khốn khổ vì dịch.

Khi nhiều tờ báo lên tiếng về chuyện người lao động không có thu nhập, phải trông vào sự hỗ trợ của Nhà nước và hoạt động từ thiện từ cộng đồng thì nói như ông Lê Minh Tấn không chỉ không đúng sự thật mà còn cho thấy tâm đức của người cán bộ với chính đồng bào mình.

Cứ như phát biểu của ông Tấn, Nhà nước, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và những người hảo tâm không cần phải lo lắng, không cần phải chi tiền cứu trợ cho người lao động bởi làm gì có ai thiếu ăn, thiếu mặc,…

Nói cách khác việc Thành phố Hồ Chí Minh chi tiền cứu trợ là không cần thiết, là thừa?

Nếu quả thật “chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ” thì vì sao báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh lại viết:

“Đặc biệt, trong đợt dịch bệnh COVID-19, nhiều gia đình đã lâm vào hoàn cảnh bi đát, các em nhỏ mất đi người thân, mất đi chỗ dựa tinh thần không gì có thể bù đắp được”. [1]

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trả lời báo chí vào trưa ngày 19/10. (Ảnh: Baotintuc.vn)

Hàng nghìn mảnh đời “lâm vào hoàn cảnh bi đát” chẳng lẽ vẫn chưa phải là “khốn khổ”?

Trưa ngày 19/10/2021, sau khi kết thúc kỳ họp thứ 3 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa 10, ông Lê Minh Tấn cải chính: “Ý của tôi không phải như vậy không. Tại anh em nghe không rõ nên mới đăng vậy. Tôi không nói câu “chưa có ai khốn khổ” mà ý của tôi là “không để ai thiếu đói, thiếu mặc, khốn khổ”. Trách nhiệm của mình phải lo cho bà con như thế”. [2]

Bằng lời phát biểu này, có phải ông Tấn muốn nói báo chí đã đưa thông tin sai sự thật?

Nếu đúng như vậy, theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, báo phải gỡ bài, phải đăng lời cải chính, xin lỗi và rất có thể phải nộp phạt số tiền không nhỏ.

Ngay trong ngày 19/10/2021, vào lúc 16 giờ 38 phút, báo Lao Động cho đăng bài viết kèm theo băng ghi âm với tiêu đề:

“Ông Lê Minh Tấn đã khẳng định: Chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ”. [1]

Băng ghi âm cho thấy ông Tấn đã hai lần nói đến chuyện “chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ...", tại các đoạn 2 phút 31 giây và 3 phút 5 giây.

Chiều 20/10/2021 ông Lê Minh Tấn đã gửi lời xin lỗi đến người dân Thành phố Hồ Chí Minh về phát ngôn của mình, ông nhận rằng đây là “sơ suất của cá nhân” và ông mong muốn tiếp tục nhận được sự góp ý của người dân trong thời gian tới”.

Không thấy ông Tấn xin lỗi báo chí về chuyện ông ấy cho rằng “Anh em nghe không rõ nên mới đăng vậy”.

Chuyện ông Lê Minh Tấn phát ngôn sơ suất thì có thể thông cảm bởi khi “nói vo” ai cũng có thể mắc lỗi, vấn đề là sau đó đổ lỗi cho báo chí rồi xin lỗi nhân dân mà “quên” xin lỗi báo chí thì có nên tiếp tục thông cảm?

Mặt khác, với mong muốn “tiếp tục nhận được sự góp ý của người dân trong thời gian tới” thì hình như nguyện vọng của ông Tấn là ông sẽ tiếp tục vị trí Giám đốc sở thêm một thời gian nữa?

Nếu quả thật ông Tấn là một vị Giám đốc sở có tâm và có tầm thì việc bỏ qua sơ suất để ông tiếp tục ngồi ghế Giám đốc sở không có gì phải bàn luận.

Vấn đề nằm ở chỗ tờ báo của Bộ Tư pháp (Phapluatplus.vn) ngày 11/10/2021 đã đăng bài giới thiệu con đường học vấn và những “biến hóa kỳ diệu” trong hồ sơ học vấn của vị giám đốc này.

Về học vấn, bài báo cho biết ông Lê Minh Tấn tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2003 “Hệ bổ túc”, bằng tốt nghiệp xếp hạng trung bình.

Ông Tấn tốt nghiệp Trung cấp Quản lý nhà nước “Hệ tại chức” và trình độ cũng trung bình.

Bài báo cho biết thêm: “Sự việc không có gì đáng nói nếu như trước đó, ông Tấn đang học bổ túc trung học phổ thông, chưa có bằng tốt nghiệp nhưng ông Tấn lại được “ưu ái” cử đi học hệ cử nhân tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hệ tại chức”. [3]

Song song với sự nhảy cóc về học vấn, con đường quan lộ của ông Lê Minh Tấn có lẽ xứng đáng để đưa vào sách kỷ lục Việt Nam:

Chưa tốt nghiệp trung học phổ thông ông Tấn đã được cử làm Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi.

Chưa tốt nghiệp đại học (chưa có bằng cử nhân) “Ông Tấn bất ngờ leo lên vị trí Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi”.

Đến đây thì không thể không nêu một số câu hỏi:

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, muốn theo học chương trình đào tạo cử nhân (cao đẳng hoặc đại học) thì phải tốt nghiệp trung học phổ thông, vậy trong hồ sơ của ông Lê Minh Tấn lưu trữ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có hay không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông? Nếu có thì đây là bằng thật hay bằng giả?

Thứ hai, được biết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo cấp sở và quận, huyện, theo đó các chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện phải có “Trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm được bổ nhiệm”.

Vậy chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm ông Lê Minh Tấn làm Phó Chủ tịch huyện Củ chi dựa vào quy định nào?

Thứ ba, ông Lê Minh Tấn và những điều đảng viên không được làm.

Tạp chí điện tử Tapchimattran.vn - cơ quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có bài: “Bị phê bình, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM vẫn là “Chiến sĩ thi đua”: Bài học “xương máu”, đắt giá về đạo đức, công minh, liêm chính trong công tác cán bộ”.

Bài báo cho biết: năm 2016 ông Lê Minh Tấn bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Năm 2021, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản số 886/UBND-VX về việc kiểm điểm trách nhiệm ông Lê Minh Tấn căn cứ vào Kết luận nội dung tố cáo số 4474/KL-UBND.

Báo Congly.vn – Cơ quan của Tòa án Nhân dân Tối cao viết: “TP.HCM: Dính sai phạm, Giám đốc Sở LĐ, TB&XH vẫn tự ký nhận “Chiến sĩ thi đua”.

Bài báo cũng cho biết ông Lê Minh Tấn đã sử dụng hiếc xe Toyota biển kiểm soát 50A-001.62 suốt 5 năm “để phục vụ việc đưa đón ông đi làm từ nhà riêng có địa chỉ tại ấp Mỹ Khánh B, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi đến trụ sở làm việc hàng ngày”.

Được biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ôtô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó Bí thư, Chủ tịch huyện và Giám đốc Sở, ngành “không cho phép được dùng xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Tuy nhiên, các chức danh trên vẫn được sử dụng xe công để đi công tác”. [4]

Báo Tuổi trẻ ngày 31/3/2021 đưa tin, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản phê bình, rút kinh nghiệm với ông Lê Minh Tấn - Giám đốc sở Lao động - thương binh và xã hội thành phố vì thiếu sót trong việc bổ nhiệm bà Võ Thị Thanh Kim giữ chức Giám đốc trung tâm hỗ trợ xã hội khi chưa đủ điều kiện. [5]

Với rất nhiều sai phạm, cả về bằng cấp, năng lực lãnh đạo và uy tín cán bộ, vì sao ông Lê Minh Tấn thăng tiến vùn vụt từ năm 2003 (khi tốt nghiệp trung học phổ thông) đến nay?

Báo chí đã nói rất rõ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ và một số cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã vào cuộc, dư luận hy vọng Ban Tổ chức Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dành sự quan tâm kịp thời và đúng mức đến vị Giám đốc “nổi tiếng” này, tránh lặp lại tình trạng “Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm 156 cán bộ lãnh đạo thiếu điều kiện, tiêu chuẩn”. [6]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://cand.com.vn/Xa-hoi/tre-em-mo-coi-do-covid-19-duoc-bao-tro-den-khi-hoc-xong-dai-hoc-i630852/

[2] https://laodong.vn/xa-hoi/ong-le-minh-tan-da-khang-dinh-chua-co-ai-thieu-an-thieu-mac-khon-kho-965239.ldo

[3] https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/nhung-dau-hieu-sai-pham-cua-giam-doc-so-ldtbxh-tp-hcmbao-gio-moi-xu-ly-dut-diem-d168365.html

[4] https://baophapluat.vn/giam-doc-so-lanh-dao-huyen-se-khong-duoc-dua-don-bang-xe-cong-post204973.html

[5]https://tuoitre.vn/phe-binh-giam-doc-so-ld-tb-xh-tp-hcm-vi-bo-nhiem-can-bo-chua-du-tieu-chuan-2021033110531858.htm

[6]https://vov.vn/nhan-su/tphcm-bo-nhiem-156-can-bo-lanh-dao-thieu-dieu-kien-tieu-chuan-980668.vov

Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét